Chúng ta khi sống hay làm việc đều cần phải tuân thủ theo quy tắc. Quy tắc là các phép tắc chung cho hầu hết các vấn đề, đồng thời cũng phù hợp với logic. Nếu một người sống có quy tắc thì tâm tư người đó sẽ không bị hỗn loạn, trật tự cuộc sống của người đó cũng sẽ không bị đảo lộn.
Có người đứng trước tiền bạc sẽ đắn đo cân nhắc “muốn hay không muốn” là bởi vì anh ta sống có “quy tắc”. Có người khi đứng trước danh vọng, liền có suy nghĩ “giành lấy hay không giành lấy”, cũng bởi vì anh ta có “quy tắc”.
Lý do khiến một người được mọi người khen ngợi chủ yếu là vì anh ta biết xem xét quy tắc về nhân cách và đạo đức của chính mình để đối nhân xử thế; có thể tự suy ngẫm đến phong cách sống của mình với xã hội, giữa anh ta với những người khác; cũng như chú trọng đến các quy tắc đúng sai, thiện ác ở đời. Vì vậy làm người, chúng ta nên tự hỏi: Bản thân mình có quy tắc đối nhân xử thế gì hay không?
Có câu: “Không theo khuôn phép, không thể thành hình”; khuôn phép ở đây chính là “quy tắc”. Nếu tàu hỏa không chạy theo đường ray thì đoàn tàu sẽ bị trật bánh. Máy bay cũng phải bay theo một tuyến đường được quy định sẵn, nếu phi công đi chệch khỏi đường bay thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được.
Bạn muốn xây một tòa nhà cao tầng song lại không tuân theo quy tắc về độ cao của địa hình, chắc chắn bạn sẽ không thể xây nó lên được; bạn muốn thành danh nhưng không tuân theo quy tắc ứng xử giữa ta với người, thì dù bạn thực sự có thể đạt được mục đích, song sự thành công này cũng chỉ là nhất thời, chắc chắn không thể lâu bền được.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta làm việc phải biết tùy duyên, nhưng cũng có lúc lại phải tuân thủ quy tắc. Nếu thoải mái quá thì thành ra a dua; còn nếu chấp trước quá nhiều quy tắc cứng nhắc, không hợp tình hợp lý, thì lại biến thành bảo thủ. Đại thừa khởi tín luận dạy: “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Bất biến ở đây chính là “quy tắc”. Tuy nhiên, nếu bạn quá cố chấp với các quy tắc, không biết cách ứng biến linh hoạt, chẳng khác nào “khắc thuyền tìm kiếm”1, làm trò cười cho người khác. Hay như câu chuyện “Lòng nhân của Tống Tương Công”1 cũng chính là nói về sự cố chấp câu nệ. Vì vậy, việc nhỏ vô hại với người thì đừng nên chấp trước, cứ tùy duyên, nhưng tùy duyên ở đây không phải là hoàn toàn không có quy tắc. Cho nên, tùy duyên hay tuân thủ quy tắc, thì ta cũng đều cần có sự lựa chọn của trí tuệ, có vậy khi làm việc mới tránh được sai lầm.
1 Có anh thanh niên đang ngồi trên thuyền thì làm rơi thanh kiếm quý xuống nước, liền vội vã khắc vào thuyền để đánh dấu chỗ làm rơi kiếm. Đến khi thuyền cập bến, anh ta lại cứ theo chỗ đánh dấu mà đi tìm. Ý nghĩa câu chuyện nhằm chỉ người cố chấp hẹp hòi, không chịu suy xét hay tìm hiểu sự việc.
1 Tống Tương Công là vua nước Tống thời Xuân Thu. Tống Tương Công muốn làm minh chủ nhưng vấp phải sự cạnh tranh của Sở Thành Vương và các nước chư hầu khác. Sau đó, nước Sở tấn công nước Tống, Tống Tương Công nhiều lần không nghe lời khuyên của bầy tôi, tự cho rằng nước Tống chủ trương nhân nghĩa nên không đánh quân Sở lúc họ chưa qua sông vì thế mà bỏ lỡ thời cơ, cuối cùng bị quân Sở đánh bại.
Làm người ở đời cần phải có quy tắc, nếu không mọi quy trình, thứ tự sẽ hoàn toàn bị đảo lộn. Có câu: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, đây là quy tắc cơ bản của việc tôn trọng người khác; cho đến việc có thể lấy đại chúng làm quy tắc, lấy đạo nghĩa làm quy tắc, lấy số đông làm quy tắc, lấy tính hợp lý làm quy tắc, cũng đều là những quy tắc cơ bản để gìn giữ nhân cách. Tóm lại là trong mọi việc đều phải có quy tắc! Do đó, để có thể cư xử sao cho hợp tình hợp lý, điều chúng ta cần làm đầu tiên là hãy tự thiết lập nên một bộ quy tắc cho bản thân.