Phật giáo chủ trương không sát sinh, bởi theo Phật giáo, không sát sinh là để nuôi dưỡng lòng từ bi; không giết hại vạn vật là để bảo vệ sự sống. Thêm nữa, Phật giáo chủ trương bình đẳng về quyền được sống, điều này rất phù hợp đối với mối quan tâm của thế giới hiện nay về vấn đề bảo vệ hệ sinh thái, cũng là động thái tích cực nhất trong việc giữ gìn môi trường.
Phật giáo quan tâm và tôn trọng đến tất cả sự sống, có thể dẫn chứng qua một số câu kệ sau: “Thịt ta, thịt chúng sinh; tên khác, thể chẳng khác. Vốn là cùng chủng tính, chỉ có khác hình hài. Ngon bổ dành phần ta, đớn đau chúng sinh chịu. Đâu cần Diêm Vương xét, tự mình cũng suy ra”; hay “Ai bảo bầy chim mạng đáng chi, máu thịt lông da có khác gì, chim đậu trên cành người chớ bắn, chim non trong tổ ngóng mẹ về”.
Không sát sinh có nghĩa là không xâm hại đến tính mạng của kẻ khác. Nho gia có nói: “Khi thấy động vật còn sống thì không thể nào nhẫn tâm mà giết chúng, khi nghe tiếng kêu thảm thiết của chúng thì không nỡ lòng ăn thịt, bởi thế người quân tử thì tránh xa nhà bếp”. Cổ nhân từng nói: “Thương chuột để lại thức ăn thừa, xót thiêu thân mà không thắp đèn lên”. Tất cả những lời dạy bảo trên đều cho ta thấy thái độ trân quý và bảo vệ sự sống của người xưa.
Theo ghi chép trong Lục độ tập kinh của Phật giáo, Đức Phật trong tiền kiếp lúc còn là vua Nai đã hiến thân thay cho nai mẹ, cảm hóa được nhà vua, nhờ đó mà cả khu rừng được bảo vệ. Trong thời kỳ trị vì của mình, vua A Dục đã trồng nhiều cây cối, lập ra nhiều khu bảo tồn động vật, đồng thời quy định đầu bếp cung đình không được phép giết hại các loài thú để che chở cho chúng sinh, v.v. Tất cả những hành động trên đều cho thấy sự thiện lành của Phật giáo trong việc bảo vệ sự sống. Ngày nay, nếu mọi người có thể thiết lập các trạm cứu hộ cho động vật nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho chúng, v.v. thì cũng gọi là tích cực bảo vệ sự sống.
Hiện nay phong trào ăn chay ngày càng được nhiều người quan tâm bởi ăn chay không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có thể nuôi dưỡng lòng từ bi. Lòng từ bi là tâm không nỡ nhìn thấy nỗi đau khổ của muôn loài. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thỉnh thoảng không cẩn thận tự làm đứt tay hoặc khiến mình bị bỏng thì đã cảm thấy rất đau đớn rồi, vậy mà có một số người chỉ vì muốn ngon cái miệng, no cái bụng của mình mà lại đi chặt gà, mổ lợn, giết bò, ăn cá sống, v.v. Liệu lúc ấy họ có thể hiểu được nỗi đau khi sắp bị giết chết của chúng hay không? Có câu rằng: “Một ngón tay chạm vào nồi canh sôi, toàn thân như muốn đoạn lìa; một mũi kim đâm vào da thịt, toàn thân như dao cắt; cá sắp chết ngước nhìn người cầu khẩn, gà sắp chết rơi nước mắt van xin; tiếng khóc than rất rõ ràng, chỉ là người không biết lắng nghe để nhận ra mà thôi”.
Nuôi thú cưng cũng là mốt của người hiện đại, tuy nhiên lại có câu nói: “Người trong tù suốt ngày kêu than rầu rĩ; chim trong lồng suốt ngày rên rỉ bi thương; nghe tiếng thảm thương mà buồn thắt ruột gan; chi bằng thả ra để chúng được bay xa”. Đem chim nhốt trong lồng chẳng khác gì tù nhân, đối xử tàn ác với động vật như vậy cũng không đúng với đạo lý bảo hộ sự sống.
Vì vậy, không ngược đãi động vật cũng là bảo vệ sự sống, chẳng hạn như: không đem gà vịt ra lộn ngược, không quất roi vào trâu bò, không đuổi bắn chim muông, không đánh bắt cá tôm, v.v. Chỉ là trong xã hội hiện đại, những nơi câu cá, câu tôm ở đâu cũng có, có người đi câu không phải để ăn mà chỉ đơn giản là để thư giãn, cho dù câu lên bắt được rồi đem phóng sinh nhưng làm như thế cũng đã gây hại cho tôm cá rồi. Đem mạng sống chúng sinh ra đùa giỡn như vậy thì làm sao có thể thấy vui vẻ được chứ?
Trên thực tế, ý nghĩa lớn nhất của việc bảo vệ sự sống là mở ra cho chính con người ta một con đường sống, một sự tiện lợi, một sự trợ giúp, một sự cứu vớt, một nhân duyên tốt lành; từ đó có thể khiến cả ta lẫn người thành tựu được thiện nghiệp. Phải biết phóng sinh và bảo vệ sự sống mới có thể hiểu được sự tôn nghiêm và quý giá của sinh mạng.