Thân thể của mỗi con người cũng gần giống như một ngôi làng vậy, còn ông chủ - trưởng làng chính là tâm của chúng ta, ngoài ra những cung bậc cảm xúc hạnh phúc, giận hờn, thương xót, vui vẻ, lo lắng, buồn khổ, phiền não khác nhau đã góp phần tạo nên thị phi, đúng sai phức tạp trong ngôi làng, cũng như trong thân thể này.
Cảm xúc con người thay đổi không ngừng: Lúc thì bực bội kiêu ngạo, đôi khi buồn bã lười biếng; có khi điên khùng ích kỷ, có lúc lại hoảng sợ bế tắc. Khi tâm trạng của một người không tốt, họ trở nên nóng giận thất thường, ngang ngược vô lý, làm việc không nhất quán và thiếu quyết đoán, thật khiến người khác cảm thấy khó hòa hợp được.
Cảm xúc của con người cũng bất ổn giống như cỗ máy đã cũ kỹ, có lúc hoạt động trơn tru, đôi khi lại trục trặc hư hỏng. Một số người tự miêu tả cảm xúc của mình thay đổi thất thường giống như thời tiết, không thể đoán trước được khi nào trời nắng hay khi nào đổ mưa. Làm sao thân thể của bạn có thể khỏe mạnh khi phải sống trong bầu không khí u ám, nóng lạnh thất thường suốt thời gian dài cơ chứ? Vì vậy, dù bạn có năng lực tốt đến đâu cũng không được để cảm xúc lấn át trong công việc. Để cảm xúc chi phối quá nhiều là một trở ngại trong quá trình lập thân, lập nghiệp và xử sự ở đời. Người làm việc bằng cảm xúc thường không đáng tin cậy, tất nhiên sự nghiệp cũng sẽ không dễ thành công.
Không kiểm soát được cảm xúc cũng là khiếm khuyết lớn về tính cách và là biểu hiện của sự chưa trưởng thành. Những người sống quá thiên về cảm xúc, hầu hết đều không phân biệt được đúng sai, không phân định rõ ràng giữa tình cảm và lý trí. Các hoàng đế và tướng quân tàn bạo ngày xưa nhìn chung đều do không thể kiểm soát được cảm xúc của mình mà phải chịu hậu quả nước mất nhà tan, thân bại danh liệt.
Sống quá cảm xúc cũng là một lối sống tiêu cực. Ví dụ, những người không biết cách kiểm soát cảm xúc khi cảm thấy bất bình, bất mãn, ghen tị, thất vọng, v.v. thường biểu hiện ra những lời nói và việc làm thô bạo, kiêu căng ngạo mạn, ngang ngược vô lý. Vì vậy, chúng ta phải dùng lòng biết ơn, sự hài lòng, biết xấu hổ, sự phản tỉnh, lạc quan, hiểu biết, cảm động và phát tâm, v.v. để sửa chữa khuyết điểm này.
Khi cỏ dại mọc trước sân nhà thì phải nhổ bỏ đi; có rác trong bếp thì phải dọn dẹp; trên người bám bụi bẩn cũng phải tắm rửa sạch sẽ; vậy thì khi tâm trạng không tốt, tại sao chúng ta không giải tỏa cho nó?
Có câu: “Việc trong nhà còn lo chưa xong thì sao lo được việc quốc gia đại sự?” Một người phải biết dựa vào chính niệm, chính cần, chính đạo để đối nhân xử thế, chỉ khi có thể quán chiếu được Bát nhã, thành ý chính tâm thì mới có thể sửa đổi, hoàn thiện được nhân cách, tuyệt đối không để cảm xúc riêng của mình chi phối nữa, từ đó khiến cho trật tự trên dưới, già trẻ, trước sau trong “ngôi làng” đều được phân định rõ ràng. Chỉ khi kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân thì ta mới có thể tìm lại được cái bản tâm thanh tịnh, mới có thể làm chủ nhân của chính mình.