Trong xã hội ngày nay ở thế kỷ XXI, nền khoa học và công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Tuy của cải vật chất có thể làm cho cuộc sống đầy đủ sung túc, nhưng trái lại có thể khiến tâm hồn con người héo khô cằn cỗi; một khi những nhu cầu vật chất được thỏa mãn thì ngược lại trí tuệ vốn có của mỗi người sẽ khó được khai mở.
Hài hước giúp cuộc sống của con người thời hiện đại thêm hương vị hạnh phúc và nó còn tạo thành chất kết dính cho mối quan hệ giữa người với người. Con người cần hài hước, có hài hước cuộc sống mới thú vị, có hài hước trí tuệ mới tăng trưởng.
Hài hước không phải là mỉa mai châm biếm mà chính là ngôn từ của trí tuệ, một lời nói hài hước chứa đựng hàm ý sâu sắc và nguồn cảm hứng vô hạn; hài hước cũng không phải là chế giễu, nó là sự đùa vui với chính mình. Một hành động hài hước sẽ góp phần lan tỏa tấm lòng ấm áp và sự quan tâm vô bờ giữa con người với con người.
Hài hước không phải là phép tu “Chỉ thẳng lòng người”1 như trong Thiền tông vốn không dễ thực hành, mà hài hước là một tâm thiền đầy trí tuệ, linh diệu, sống động và thông thái. Hài hước có thể hóa giải sự bối rối và mang lại niềm vui. Câu nói: “Không cần đánh đâu nhé, tôi sẽ tự đi” của Đại sư Viên Anh1, thật tự do tự tại! Hay như câu: “Xưa nay bao nhiêu việc, chỉ bàn trong tiếng cười”2 cũng sảng khoái và tiêu dao biết bao!
1 Hay “Trực chỉ nhân tâm”, là một phương pháp trong Thiền tông, ý muốn nói, bản tâm con người chính là Phật tính luôn thường trực trong mỗi chúng sinh, cho nên muốn thành Phật cần phải chỉ rõ và thấu triệt cái tâm đó.
1 Có một lần, đại lão Hòa thượng Viên Anh vừa giảng bài xong, thầy Duy na vốn muốn nói: “Đánh khánh dẫn lễ, rước lão Hòa thượng về phương trượng nghỉ ngơi”, nhưng do căng thẳng đã nói thành: “Đánh lão Hòa thượng, rước khánh về phương trượng nghỉ ngơi”. Đại sư Viên Anh nghe xong, vừa đi vừa nói: “Không cần đánh đâu nhé, tôi sẽ tự đi”.
2 Câu này được trích từ bài Lâm Giang Tiên (do Dương Thận sáng tác), được nhà phê bình văn học đầu thời Thanh là Mao Tông Cương đưa vào làm bài từ mở đầu Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Hài hước giống như suối nguồn tươi mát trên núi có thể gột rửa bụi trần trong tâm hồn, giống như áng mây trắng tự tại bay giữa trời, dễ dàng phiêu lãng, không gì cản ngăn. Giữa người với người, thêm một chút hài hước trong tâm thiền là việc cần thiết, đặc biệt là con người ngày nay thường luôn bị dòng đời xô đẩy về phía trước một cách vô thức, các tiêu chuẩn đúng sai xấu tốt là quyết định chung của xã hội, không có tự do thực sự của tâm tư cá nhân. May mắn thay còn có hài hước, vì hài hước là tâm thiền nên tính hài hước cũng giống như sức nóng của mặt trời. Chỉ cần bạn có trái tim nồng ấm thì ở đâu cũng có thể lan tỏa được năng lượng ấy.
Hài hước đôi khi giống như một ông lão tốt bụng và lương thiện, khi lại tựa như ngọn gió xuân mát lành, có khi hài hước giống như một đóa hoa lặng lẽ nở rộ, mang đến cho mọi người cả ý xuân nồng nàn. Một bậc thầy hài hước như Chaplin1, khiếu hài hước của ông ấy đã mang tới niềm vui vô hạn cho nhân sinh và để lại hoài niệm mãi mãi cho thế hệ mai sau.
1 Charlie Chaplin (1889 - 1977), người Anh, là một nam diễn viên hài, nhà làm phim và nhà soạn nhạc nổi tiếng trong kỷ nguyên phim câm. Chaplin đã viết kịch bản, biên tập, đạo diễn, sản xuất, đóng vai chính và soạn nhạc cho hầu hết các bộ phim của mình. Charlie Chaplin (vua hề Sác-lô) là một huyền thoại điện ảnh của Hollywood trong thế kỷ XX.
Xưa nay, trong Phật giáo, có rất nhiều bậc cao tăng thạc đức như Thiền sư Phật Ấn, Thiền sư Triệu Châu, v.v. họ đều là những bậc thầy về sự hài hước; các bậc thầy văn học cận đại như Lâm Ngữ Đường hay Lỗ Tấn, ngôn ngữ văn chương của họ có tính hài hước châm biếm, nhưng họ hài hước một cách hóm hỉnh ý nhị, phong thái tự tại, an nhiên thanh bạch, tất cả đều như suối nguồn tưới mát cho nhân gian. Hy vọng rằng xã hội hiện đại cũng sẽ có thêm nhiều bậc thầy hài hước, có thể mang lại niềm an vui, tốt lành đích thực cho nhân gian.