Trên thế giới, người biết giúp đỡ người khác là người giàu có nhất, còn người chỉ biết tham muốn lấy của người khác đem về cho bản thân là người nghèo khổ nhất.
Đối với con người, làm cho mình thì dễ, còn làm cho người khác lại rất khó. Nếu bạn không gieo hạt giống xuống lòng đất thì làm sao có thể mong chờ đến ngày gặt quả? Nếu bạn không biết cho đi thì làm sao có thể giàu có?
Trên thế gian, cho đi là điều tốt đẹp nhất. Hãy trao cho ai đó một lời nói chân thành, một nụ cười hiền hậu, một chút tâm ý, gửi đến người một chút quan tâm, đó chính là biểu hiện của việc cho đi, giúp tình người thêm tươi đẹp, góp phần tạo nên một xã hội thanh tịnh, xây dựng mối quan hệ cộng đồng hài hòa lành mạnh.
Khi chúng ta vừa cất tiếng khóc chào đời đã được đón nhận tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ; lúc đến trường thì nhận được sự giáo dục và đào tạo của thầy cô; khi bước vào xã hội lại nhận được những duyên lành từ mọi người xung quanh. Bạn đã nhận được rất nhiều thứ từ mọi người, vậy bạn đã dành cho họ những gì?
Có một số người cũng cho đi nhưng lại cho đi những thứ tiêu cực, đó là: làm cho người khác phiền muộn, bị tổn thương, khiến cho người khác xấu hổ hay đem đến sự chướng ngại cho người. Kẻ ác hại người hiền thì giống như một câu trong Tứ thập nhị chương kinh đã nói: “Ngước mặt lên trời mà nhổ nước bọt, nước bọt sẽ rơi xuống mặt mình. Ngược gió tung bụi, bụi chẳng đến người khác, trở lại dơ thân mình”. Khi chúng ta có ý định đem điều không tốt đến cho người thì nên nhớ câu nói của Khổng Tử: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Ngay cả khi đem những điều tốt đẹp cho người khác vẫn cần giữ mức độ nhất định. Có thể dễ dàng giúp đỡ, nói lời tốt đẹp khen ngợi người khác, chính là đức tính đáng quý của mỗi người. Trao cho người sự tự tại, bình an, không lo sợ, thấm nhuần chân lý Phật pháp, sẽ đem lại công đức vô lượng.
Bản chất của cho đi vốn là tốt đẹp nhưng không phải ai cũng dễ dàng làm được. Có người cho đi theo cách tài trợ xã hội chỉ để cầu danh tiếng cho mình; có người giúp người khác một chút lại mong đợi người khác báo đáp. Cho đi đúng nghĩa chính là “bố thí vô tướng” như lời dạy của Kim cương kinh có nghĩa là bố thí giống chư Bồ tát, cho đi mà không toan tính, như vậy mới đạt đến cảnh giới cao nhất.
Phật Quang Sơn từ khi được thành lập đến nay, luôn thực hiện theo tôn chỉ: “Cho người niềm tin, cho người hy vọng, cho người an vui, cho người tiện lợi”, tất cả đều dựa trên nguyên tắc “cho đi”, vì vậy Phật sự mới hanh thông, mới hưng thịnh và đạo tràng luôn tràn đầy sức sống.
Suốt cả cuộc đời chúng ta đã nhận được biết bao nhân duyên từ người khác dành cho mình, vì vậy ta cũng nên đem những nhân duyên ấy trao lại cho người. Bởi vì giữa người với người, giữa tập thể với tập thể, giữa xã hội với xã hội, chỉ khi biết cho đi thì mỗi cá nhân hay cộng đồng mới nhận được nhiều nhân duyên tốt lành, phát huy được những giá trị của sự cho đi ấy!