Nếu không có kí ức về tuổi thơ,
bạn sẽ như bị kết án
phải kéo một chiếc hộp lớn bên mình,
dù không biết có gì trong đó.
Và bạn càng lớn,
nó càng trở nên nặng nề hơn,
và bạn càng mất kiên nhẫn
để rốt cuộc mở nó ra.
Jurek Becker20
Nếu không có kí ức về tuổi thơ,
bạn sẽ như bị kết án
phải kéo một chiếc hộp lớn bên mình,
dù không biết có gì trong đó.
Và bạn càng lớn,
nó càng trở nên nặng nề hơn,
và bạn càng mất kiên nhẫn
để rốt cuộc mở nó ra.
Jurek Becker20
Chú thích:
20 Khi còn là một cậu bé, Jurek Becker bị giam giữ trong các trại tập trung Ravensbruck và Sachsenhausen. Anh không còn nhớ gì về chúng. Anh đã dành cả cuộc đời mình để tìm kiếm đứa trẻ bé bỏng đó, mà nhờ sự chăm sóc của mẹ, đã sống sót sau nỗi kinh hoàng trong những trại tập trung ấy.
NHỮNG NHÀ VĂN được nói đến trong Phần I đều sống trong khoảng từ giữa thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XX. Điều gì đã thay đổi trong quãng thời gian đó? Về cơ bản, không có gì nhiều, ngoại trừ thực tế là những người sống sót sau lạm dụng thời thơ ấu giờ đây có thể tìm kiếm cho mình một liệu pháp để cố gắng giải thoát bản thân khỏi hậu quả của hành vi lạm dụng đó. Tuy nhiên, thông thường, không chỉ bản thân nạn nhân mà cả bác sĩ trị liệu của họ cũng miễn cưỡng xác minh sự thật về những gì đã xảy ra với họ trong thời thơ ấu. Vì lẽ đó, rất hiếm khi quá trình giải phóng thành công trọn vẹn. Nếu thân chủ thực sự có thể trải nghiệm cảm xúc của họ, thì các triệu chứng có thể tạm thời giảm bớt. Cảm xúc có thể được cảm nhận một cách có ý thức, chúng có thể được thể hiện dưới sự hiện diện của người khác và đây là điều mà trước đây chưa từng có. Nhưng chừng nào nhà trị liệu còn ngầm phục vụ một “vị thần” nào đó (hình ảnh cha mẹ), họ sẽ khó có thể giúp thân chủ của mình tìm đến được sự tự chủ chân chính. Đạo đức tiềm ẩn trong Điều Răn Thứ Tư sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cả hai người họ, và cơ thể sẽ phải trả giá cho sự hi sinh này.
Nếu tôi khẳng định, ở đây và bây giờ, rằng sự hi sinh này là không cần thiết, rằng người ta có thể giải phóng bản thân khỏi sự độc tài của đạo đức thông thường và Điều Răn Thứ Tư mà không cần phải trừng phạt bản thân vì điều đó hoặc làm tổn hại đến người khác, một số người có thể buộc tội tôi là lạc quan ngây thơ. Vì làm sao tôi có thể chứng minh cho ai đó rằng tự do là trong tầm tay, nếu cả đời anh ta đã bám vào những ràng buộc cần thiết cho sự sống còn của mình và anh ta không thể tưởng tượng ra cuộc sống mà không có những ràng buộc đó? Tôi có thể nói rằng bản thân tôi đã đạt được tự do như vậy bằng cách đi đến tận cùng câu chuyện của chính mình, nhưng tôi phải thừa nhận rằng tôi không phải là một tấm gương tốt. Rốt cuộc, tôi đã mất hơn bốn mươi năm để đạt được tình trạng bây giờ. Nhưng có những ví dụ khác. Tôi biết những người đã thành công trong việc khai quật kí ức của họ trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều và việc khám phá ra sự thật của chính mình đã giúp họ thoát ra khỏi nơi ẩn náu của tự kỉ, từng là nơi ẩn náu duy nhất của họ. Trong trường hợp của tôi, lí do khiến cuộc hành trình mất quá nhiều thời gian là do tôi đã ở một mình rất lâu. Chỉ trong những giai đoạn cuối cùng, tôi mới tìm kiếm và tìm thấy sự đồng hành trị liệu mà tôi cần.
Trên hành trình đó, tôi gặp những người khác cũng đang tìm kiếm câu chuyện của riêng họ. Họ muốn hiểu họ phải chống lại những gì để bảo vệ chính bản thân mình, điều gì đã khiến họ sợ hãi như vậy, những nỗi sợ hãi đó và những tổn thương nặng nề gây ra cho họ trong những năm đầu đời đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của họ thế nào. Giống như bản thân tôi, họ phải tự khẳng định mình để chống lại sự nghiêm khắc của đạo đức truyền thống. Nhưng họ không hoàn toàn đơn độc. Đã có những cuốn sách mà họ có thể tham khảo, những cộng đồng mà họ có thể tìm đến, điều này đã giúp họ trong quá trình giải phóng bản thân và chữa lành tổn thương cho mình. Một khi nhận thức của họ đã được xác nhận và chứng thực, họ có thể thoát ra khỏi trạng thái bối rối mà họ bị mắc kẹt và cho phép bản thân thừa nhận sự phẫn nộ và kinh hoàng bằng cách dần dần đối mặt với sự thật của chính mình.
Nhà viết kịch Henrik Ibsen đã sử dụng cụm từ “những trụ cột của xã hội” để chỉ những người ở vị trí quyền lực, những người trục lợi từ sự tồi tệ của xã hội mà họ đang sống. Tôi hi vọng rằng những người đó đã nhận ra câu chuyện của chính họ và tự giải thoát khỏi sự dối trá của đạo đức thông thường sẽ là trụ cột của một xã hội tương lai được xây dựng trên nhận thức có ý thức. Nếu không có ý thức về những gì đã xảy ra với chúng ta từ những ngày đầu, toàn bộ cấu trúc nền văn hóa của chúng ta đối với tôi dường như không có gì khác hơn là một trò hề. Các nhà văn quan tâm đến việc sáng tác những tác phẩm văn học hay. Họ không cố gắng nhận ra những nguồn sáng tạo vô thức của họ, về sự thôi thúc của họ trong việc thể hiện và giao tiếp. Hầu hết trong số họ sợ rằng sau đó họ sẽ mất khả năng viết. Tôi đã xác định được một sự miễn cưỡng tương tự ở nhiều họa sĩ - ngay cả những người có tác phẩm, trong mắt tôi, liên quan rõ ràng đến nỗi sợ hãi vô thức của họ: các họa sĩ như Francis Bacon, Hieronymus Bosch, Salvador Dali và vô số nhà siêu thực khác. Trong công việc của mình, họ thực sự nỗ lực để giao tiếp, nhưng ở mức độ phục vụ cho việc phủ nhận những trải nghiệm thời thơ ấu của họ bằng cách tự gọi những tác phẩm của mình là nghệ thuật. Một trong những điều cấm kị chính trong việc chúng ta tiếp cận nghệ thuật và văn học là nguyên tắc loại bỏ tiểu sử của các nghệ sĩ khi chúng ta nói về tác phẩm của họ. Theo quan điểm của tôi, những điều đã xảy ra với các nghệ sĩ trong cuộc sống của họ chính xác là điều khiến họ hứng thú với cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ về những hình thức biểu đạt mới. Những sự kiện đó được cả nghệ sĩ và xã hội đưa vào quên lãng, vì nếu không, chúng có thể bộc lộ những đau khổ ban đầu do sự nuôi dạy tàn nhẫn gây ra.
Hầu như tất cả các tổ chức do xã hội thành lập đều nhằm khuyến khích hành động trốn tránh sự thật này. Rốt cuộc, những tổ chức như vậy được điều hành bởi mọi người và hầu hết mọi người đều hoảng hốt khi từ “thời thơ ấu” được nhắc đến trong sự hiện diện của họ. Chúng ta gặp phải nỗi sợ hãi này ở khắp mọi nơi - trong phòng tư vấn của các bác sĩ, nhà trị liệu tâm lí và luật sư, trong các tòa án luật và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, trên các phương tiện truyền thông.
Lần cuối cùng tôi đến thăm cửa hàng sách ở địa phương, một trong những người phụ nữ bán hàng đã kể cho tôi nghe về một chương trình truyền hình mà cô ấy đã xem về chủ đề lạm dụng trẻ em. Chương trình đề cập đến một số trường hợp tàn ác cực độ, bao gồm cả những hành động do một người mẹ là y tá bệnh viện gây ra. Cô ấy tạo ấn tượng về một người mẹ vô cùng quan tâm và yêu thương với các bác sĩ nhi khoa mà cô ấy xin tư vấn. Nhưng trong chính ngôi nhà của mình, cô ấy đã cố tình sử dụng các chế phẩm y tế để gây ra bệnh tật cho những đứa con và cuối cùng đã giết chết chúng. Ít nhất trong giai đoạn đầu, không ai nghi ngờ cô ấy có bất kì ý định xấu nào. Người phụ nữ bán sách rất phẫn nộ khi các chuyên gia tham gia chương trình không nói gì về nguyên nhân của hành vi đó. Thay vào đó, họ dường như ngụ ý rằng đó là một cú đánh của số phận, một hành động của Chúa đã giáng xuống những bậc cha mẹ này và con cái của họ mà không có lí do rõ ràng.
“Tại sao những chuyên gia đó không nói sự thật?” Cô ấy hỏi tôi. “Tại sao họ không nói rằng những người mẹ như thế đã bị ngược đãi nghiêm trọng trong thời thơ ấu của họ, rằng hành động của họ chẳng qua là sự lặp lại những việc đã xảy ra với họ từ lâu?”
Tôi nói, “Nếu các chuyên gia biết điều đó, họ sẽ không nói như vậy. Rõ ràng là họ không biết gì cả.”
“Nhưng sao điều đó có thể xảy ra?” Người phụ nữ nhấn mạnh. “Tôi biết điều đó và tôi không phải là chuyên gia. Tất cả những gì bạn cần làm là đọc một vài cuốn sách. Kể từ khi tôi bắt đầu làm việc đó, mối quan hệ của tôi với các con đã thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, làm sao mà một chuyên gia có thể nói với chúng tôi rằng may mắn thay những trường hợp tàn khốc như vậy là rất hiếm và chúng tôi không thể nói gì về nguyên nhân của những sự tàn bạo đó?”
Phản ứng của người phụ nữ này khiến tôi nhận ra rằng đã đến lúc phải viết thêm một cuốn sách nữa - mặc dù có thể mất một thời gian trước khi tất cả những người đó hiểu nó, điều đó có thể giúp họ tìm thấy sự giải thoát khỏi những đau khổ. Nhưng tôi không nghi ngờ rằng, ngay cả bây giờ, có nhiều người, dựa trên kinh nghiệm của chính họ, sẽ có thể xác nhận sự thật của những gì cuốn sách này nói.
NHỮNG CỐ GẮNG CỦA TÔI nhằm thuyết phục Giáo hội tại Vatican về tầm quan trọng của những trải nghiệm thời thơ ấu đã cho thấy rằng không thể khơi dậy cảm xúc từ bi ở những người đàn ông và phụ nữ, những người ngay từ khi mới vào đời đã học cách kìm nén những cảm xúc chân thật và tự nhiên của mình một cách tàn nhẫn đến mức không còn chút dấu vết nào của chúng trong tâm trí tỉnh táo của họ. Mọi sự tò mò về cảm xúc của người khác đều đã bị bóp nghẹt. Có vẻ như những người đã bị hủy hoại tâm trí khi còn nhỏ tự giam cầm mình trong một pháo đài sâu bên trong bản thân, nơi họ chỉ có thể cầu nguyện với Chúa. Họ giao toàn bộ trách nhiệm cho Ngài và cẩn thận tuân theo các giới luật của nhà thờ để không bị Đức Chúa Trời “yêu thương con người” này trừng phạt vì bất kì tội lỗi nào mà họ có thể phạm phải.
Ngay sau khi Saddam Hussein bị bắt vào cuối năm 2003, Vatican đã cổ vũ và làm gia tăng đột ngột trên toàn thế giới những tiếng nói bày tỏ lòng thương xót đối với tên bạo chúa bất lương, kẻ đã từng là một đối tượng đáng sợ và ghê tởm trong khi còn tự do. Nhưng theo quan điểm của tôi, chúng ta không thể đơn giản cho phép mình đánh giá kẻ bạo chúa này dựa trên lòng trắc ẩn thông thường đối với cá nhân, nếu điều đó có nghĩa là bỏ qua những việc mà họ đã làm.
Như hai nhà viết tiểu sử Judith Miller và Laurie Mylroie đã kể cho chúng ta trong cuốn sách Saddam Hussein và cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh xuất bản năm 1990 của họ, Saddam Hussein sinh ngày 28 tháng Tư năm 1937. Ông ta lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khổ gần Tikrit. Họ không có nổi tấc đất cắm dùi. Cha ruột của Hussein đã mất trước khi ông được sinh ra. Người cha dượng của ông, một người chăn cừu, liên tục hạ nhục ông, gọi ông là “đồ con của điếm” và “đồ chó đẻ”, đánh đập không thương tiếc và hành hạ ông theo cách tàn bạo nhất có thể tưởng tượng được. Để khai thác hết khả năng làm việc của Saddam trẻ tuổi, cha dượng đã cấm ông đi học cho đến khi ông lên 10. Thay vào đó, cha dượng sẽ đánh thức ông vào nửa đêm và bảo ông chăn đàn gia súc. Trong những năm hình thành tính cách này, trẻ em sẽ phát triển quan niệm về thế giới. Những ý tưởng hình thành trong đầu chúng về những giá trị đáng được phát huy trong cuộc sống. Đồng thời, chúng bắt đầu ấp ủ những mong muốn và ước mơ về sự trưởng thành của mình. Đối với Saddam, nô lệ của cha dượng, tất cả những mong muốn này đều xoay quanh một điều: quyền lực vô hạn đối với người khác. Trong đầu của ông có lẽ đã hình thành ý tưởng rằng ông có thể lấy lại phẩm giá con người mà mình đã bị tước đoạt chỉ bằng cách sở hữu sức mạnh giống như sức mạnh mà cha dượng đã có đối với ông. Trong suốt thời thơ ấu của mình, ông không có lí tưởng nào khác, không có tấm gương nào khác để sống, chỉ có người cha dượng toàn năng và chính ông, nạn nhân không thể tự vệ được của cuộc khủng bố. Điều này phù hợp với khuôn mẫu mà Hussein trưởng thành đã sử dụng để tổ chức cơ cấu đất nước mà ông cai trị. Cơ thể ông không biết gì ngoài bạo lực.
Mọi nhà độc tài đều phủ nhận những đau khổ trong thời thơ ấu của mình và cố gắng quên chúng đi bằng cách thỏa mãn tính tự do của bản thân. Nhưng khi tâm trí vô thức của một cá nhân đã hoàn toàn ghi lại tiểu sử của mình trong các tế bào của cơ thể, một lúc nào đó nó sẽ thôi thúc cá nhân đó đối diện với sự thật. Sau cuộc tấn công của liên quân, mặc dù có nguồn tài chính khổng lồ, Saddam đã tìm kiếm nơi ẩn náu chính ở gần nơi ông sinh ra, nơi mà mọi người đều từ chối giúp đỡ ông khi còn nhỏ, một nơi vô cùng bấp bênh và không hề có bất kì sự bảo vệ thực sự nào. Thực tế là, việc ông ta chọn nơi này để “ẩn náu” đã phản ánh hoàn cảnh tuyệt vọng trong những năm đầu đời của ông và minh họa rõ ràng sức mạnh của sự lặp lại một cách cưỡng chế. Sự trở về tuổi thơ của ông là sự trở lại một nơi mà ông không có cơ hội nào để trốn thoát.
Có bằng chứng thuyết phục rằng tính cách của một bạo chúa sẽ không thay đổi chừng nào ông ta còn sống, rằng ông ta sẽ lạm dụng quyền lực theo cách hủy diệt, miễn là ông ta không gặp phải sự phản kháng nào. Vấn đề là mục đích thực sự của ông ta, mục đích vô thức được che giấu đằng sau tất cả các hoạt động có ý thức sử dụng sức mạnh của mình để xóa bỏ những sự sỉ nhục ông ta phải hứng chịu trong thời thơ ấu và bị ông ta phủ nhận kể từ đó. Nhưng mục tiêu này không bao giờ có thể đạt được. Quá khứ không thể bị xóa bỏ và một người không thể hòa giải với nó, một khi người đó vẫn phủ nhận những đau khổ liên quan đến nó. Như vậy, những nỗ lực của một nhà độc tài để đạt được mục tiêu đó chắc chắn thất bại. Sự lặp lại một cách cưỡng chế sẽ luôn tự khẳng định lại. Và vô vàn nạn nhân nối tiếp nhau buộc phải trả giá.
Bằng hành vi của chính mình, Hitler đã chứng minh cho cả thế giới thấy cha của ông là người như thế nào và cách đối xử mà ông ta phải chịu đựng khi còn là một đứa trẻ: phá hoại, đáng thương, phô trương, nhẫn tâm, khoe khoang, trụy lạc, say mê bản thân (tự si), thiển cận và ngu ngốc. Trong sự bắt chước vô thức, ông ta trung thành với tấm gương là cha mình. Vì lí do đó, các nhà độc tài khác như Mussolini, Franco, Ceausescu, Idi Amin và Saddam Hussein đã hành xử theo một cách tương tự. Tiểu sử của Saddam là một ví dụ nổi bật về việc sự sỉ nhục tột cùng trong thời thơ ấu sẽ được trả thù bằng hàng ngàn hàng vạn nạn nhân vào một ngày nào đó. Việc người ta từ chối học hỏi từ những thực tế này có thể là kì cục, nhưng không khó để xác định lí do của việc đó.
Thực tế là, một bạo chúa bất lương sẽ huy động nỗi sợ hãi và sự lo lắng bị đè nén của những người bị đánh đập khi còn nhỏ nhưng chưa bao giờ có thể buộc tội người cha vì chuyện đó. Bất chấp những cực hình họ phải chịu từ người cha, lòng trung thành của họ vẫn không thay đổi. Mỗi bạo chúa đều tượng trưng cho một người cha như vậy, hình bóng của những đứa trẻ bị lạm dụng vẫn gắn bó với từng thớ thịt của họ, họ hi vọng một ngày nào đó mình có thể biến ông ta thành một người cha yêu thương bằng cách lảng tránh sự thật.
Hi vọng này có thể là điều đã thúc đẩy các đại diện của Giáo hội Công giáo La Mã thể hiện lòng trắc ẩn, lòng bao dung đối với Hussein. Vào năm 2002, tôi đã nhờ đến sự ủng hộ của một số hồng y khi tôi trình bày với Giáo hội Vatican tài liệu về những tác động xấu về sau của việc “yêu cho roi cho vọt” và yêu cầu các nhà chức trách ở đó làm những gì họ có thể để khai sáng cho các bậc cha mẹ trẻ về chủ đề này. Như tôi đã nói, không một vị hồng y nào mà tôi tiếp cận cùng đề nghị này thể hiện sự quan tâm dù nhỏ nhất đến vấn đề trẻ em bị lạm dụng thể chất, một vấn đề bị bỏ qua trên toàn thế giới nhưng vô cùng quan trọng. Tôi cũng không bắt gặp một chút dấu hiệu nào về lòng bác ái hay lòng trắc ẩn của Cơ đốc giáo liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, bây giờ, những người đại diện đó mong muốn chứng tỏ rằng thật ra họ có lòng trắc ẩn. Thế nhưng, điều đáng nói là lòng trắc ẩn này không phải dành cho những đứa trẻ bị ngược đãi hay những nạn nhân của Saddam mà cho chính Saddam, cho hình tượng người cha vô lương tâm, hiện thân qua kẻ độc ác đáng sợ này.
Theo quy luật, những đứa trẻ bị đánh đập, hành hạ và sỉ nhục và chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ từ chứng nhân giúp đỡ, thì về sau sẽ phát triển lòng khoan dung cao độ đối với những hành vi tàn ác do những kẻ mang hình ảnh cha mẹ gây ra và sự thờ ơ đáng kể đối với những đau khổ của trẻ em bị đối xử vô nhân đạo. Điều mà họ không muốn nghe nhất là bản thân họ cũng đã từng bị hành hạ như vậy. Sự thờ ơ là một cách giúp họ trốn tránh thực tế. Bằng cách này, họ vô tình trở thành những người ủng hộ cái ác, cho dù họ có tin vào mục đích nhân đạo của mình đến đâu. Ngay từ khi còn nhỏ họ đã buộc phải kìm nén và bỏ qua cảm xúc thật. Họ buộc phải đặt niềm tin không phải vào những cảm xúc đó mà hoàn toàn vào những quy định do cha mẹ, giáo viên và chính quyền nhà thờ áp đặt lên họ. Giờ đây, những nhiệm vụ mà họ phải đối mặt trong cuộc sống trưởng thành khiến họ không còn thời gian để nhận thức cảm xúc của chính mình, trừ khi những cảm xúc đó hoàn toàn phù hợp với hệ thống giá trị gia trưởng mà họ đang sống, cái hệ thống yêu cầu lòng trắc ẩn đối với người cha, dù ông ta có tàn nhẫn và nguy hiểm đến đâu. Danh mục tội ác của bạo chúa càng toàn diện, thì hắn càng có thể tin tưởng vào sự khoan dung, miễn là những người ngưỡng mộ hắn không được tiếp cận với những đau khổ thời thơ ấu của họ.
SỰ PHỔ BIẾN CỦA VIỆC TÀN NHẪN VỚI TRẺ EM
KHI ĐỌC các bài viết được gửi đến diễn đàn Our Childhood trong vài năm qua, có một điều lặp lại khiến tôi chú ý. Hầu hết những người mới đến đều viết rằng, dù đã tham gia diễn đàn một thời gian, họ vẫn rất nghi ngờ rằng liệu nơi này có phải dành cho mình hay không vì bản thân họ chưa bao giờ thực sự bị lạm dụng trong thời thơ ấu. Kinh hoàng trước những đau khổ được kể trên, họ nói rằng, mặc dù thỉnh thoảng bị đánh đập, khinh miệt hoặc phải chịu đựng các hình thức hạ nhục khác, họ chưa bao giờ phải chịu bất cứ điều gì gần với những hành động tàn ác mà nhiều người tham gia diễn đàn đã phải chịu đựng. Tuy nhiên, theo thời gian, những người mới đến này cũng bắt đầu kể về hành vi gây sốc từ phía cha mẹ của họ, hành vi có thể được phân loại là lạm dụng và cũng được những người khác coi là như vậy. Họ cần thời gian để thực sự cảm nhận được những đau khổ đã trải qua khi còn nhỏ. Nhờ sự thông cảm của những người tham gia khác, họ có thể dần dần thừa nhận những cảm xúc thật của mình.
Hiện tượng này phản ánh thái độ của toàn thể người dân trên thế giới đối với hành vi lạm dụng và đối xử tàn tệ với trẻ em. Hành vi như vậy có thể được gọi là vô ý “đánh mất ân sủng”, được thực hiện bởi cha mẹ mà mặc dù có ý định tốt, nhưng bị ảnh hưởng bởi gánh nặng của việc nuôi dạy trẻ. Tương tự như vậy, tình trạng thất nghiệp hoặc làm việc quá sức được cho là nguyên nhân mà người cha tát con mình, hoặc căng thẳng trong hôn nhân được coi là lí do của việc người mẹ đánh con bằng mắc áo. Những lời giải thích vô lí như vậy là kết quả của đạo đức mà chúng ta đang sống theo, một hệ thống luôn lấy người lớn làm trung tâm và để bọn trẻ tự chống đỡ trong khả năng của chúng. Từ góc độ này, tất nhiên không thể cảm nhận được những đau khổ của trẻ em đối với những gì chúng đang phải chịu đựng. Chính nhận thức đó đã thôi thúc tôi thành lập các diễn đàn này, nơi mọi người có thể kể câu chuyện về những gì họ đã và đang trải qua, và tôi hi vọng, sẽ tiết lộ những gì một đứa trẻ phải trải qua khi chúng không nhận được sự hỗ trợ từ xã hội. Những câu chuyện này cho thấy một dạng thù hận cực đoan có thể phát triển như thế nào. Nó mạnh đến nỗi những đứa trẻ ngây thơ ban đầu có thể sau này, khi trưởng thành sẽ thực hiện những tưởng tượng điên rồ của một kẻ mất trí. Họ có thể tổ chức, ca ngợi, ủng hộ, bảo vệ, và cuối cùng là quên đi một thứ kinh khủng như Holocaust21.
Chú thích:
21 Holocaust: cuộc tàn sát chủng tộc đối với 6 triệu người Do Thái ở châu Âu, gồm 3 triệu đàn ông, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em trong thời gian Thế chiến II do phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra.
Tuy nhiên, việc tìm hiểu về những khuôn mẫu thời thơ ấu, về sự lạm dụng và hạ nhục đã góp phần biến những đứa trẻ bình thường thành quái vật vẫn còn là vấn đề bị công chúng bỏ qua. Những con quái vật này và những người đã hướng cảm xúc tức giận và cơn thịnh nộ lên chính mình. Vì thế, những người mắc bệnh thường có một điểm chung: họ tránh mọi lời buộc tội cha mẹ, những người đã từng đối xử tàn tệ với họ. Họ không biết rằng cách đối xử đó đã gây cho họ tổn thương ra sao, họ không biết mình đã phải đau khổ như thế nào. Trên tất cả, họ không muốn biết. Họ coi đó là điều gì đó có lợi, điều gì đó như “yêu cho roi cho vọt” với chính họ.
Các sách hướng dẫn tự trị liệu và các tài liệu chuyên sâu về chăm sóc trị liệu cũng kể câu chuyện tương tự. Hiếm có nơi nào chúng ta tìm thấy một tác giả bênh vực đứa trẻ. Độc giả được khuyên nên “thoát khỏi” vai trò nạn nhân, ngừng đổ lỗi cho người khác về những điều đã xảy ra trong cuộc sống, hãy sống thật với chính bản thân mình. Người ta bảo họ rằng đấy là cách duy nhất để giải thoát bản thân khỏi quá khứ và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ. Đối với tôi, lời khuyên như vậy là hiện thân trong những mâu thuẫn của phương pháp sư phạm độc hại và của đạo đức truyền thống. Nó rất nguy hiểm vì rất có thể khiến các nạn nhân rơi vào trạng thái hoang mang và không chắc chắn về đạo đức, do đó có thể không bao giờ đạt đến sự trưởng thành đích thực trong suốt cuộc đời của họ.
Trưởng thành đích thực có nghĩa là không còn chối bỏ sự thật. Nó có nghĩa là cảm nhận được sự đau khổ bị dồn nén, nhận thức một cách có ý thức câu chuyện được cơ thể ghi nhớ ở mức độ cảm xúc và hợp nhất câu chuyện đó thay vì dồn nén nó. Trên thực tế, việc kết nối với cha mẹ có được duy trì hay không sẽ tùy thuộc vào từng cá nhân cụ thể trong từng trường hợp cụ thể. Điều tuyệt đối cấp thiết là chấm dứt mối ràng buộc có hại với cha mẹ đã được nội hóa của thời thơ ấu22(CT), một thứ ràng buộc mà ta hay gọi là tình yêu nhưng chắc chắn không xứng đáng với tên gọi này. Nó được tạo thành từ các nên tố khác nhau, chẳng hạn như lòng biết ơn, lòng trắc ẩn, kì vọng, sự phủ nhận, ảo tưởng, sự vâng lời, nỗi sợ hãi và sự chờ đợi hình phạt.
Chú thích:
22 Những thông điệp bằng lời nói và không lời thường được lặp đi lặp lại mà cha mẹ, dù cố ý hay vô tình, truyền cho con cái của họ, trở nên khắc sâu trong tâm trí đứa trẻ để nó được coi như một sự thật không thể nghi ngờ.
Nhiều lần, tôi đã tự hỏi bản thân tại sao liệu pháp trị liệu có hiệu quả với một số người trong khi những người khác vẫn là nạn nhân của các triệu chứng mặc dù đã trải qua phân tích hoặc chăm sóc trị liệu trong nhiều năm. Trong mỗi và mọi trường hợp tôi đã kiểm tra, tôi có thể xác định rằng khi người ta tìm thấy loại chăm sóc trị liệu và sự đồng hành giúp họ khám phá câu chuyện của chính mình và bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi của cha mẹ họ, thì họ có thể giải thoát bản thân khỏi sự ràng buộc phá hoại của đứa trẻ bị ngược đãi. Khi trưởng thành, họ có thể tự mình nắm giữ cuộc sống của mình và không cần phải hờn ghét cha mẹ. Ngược lại là trường hợp của những người mà bác sĩ trị liệu ra lệnh cho họ tha thứ và quên đi, họ thực sự tin rằng sự tha thứ đó có thể có tác dụng chữa lành. Họ vẫn bị mắc kẹt trong thân phận của những đứa trẻ, những người tin rằng chúng yêu cha mẹ nhưng thực tế lại bị kiểm soát suốt cuộc đời bởi chính cha mẹ và cuối cùng phát triển một số loại bệnh dẫn đến tử vong sớm. Sự phụ thuộc như vậy tích cực thúc đẩy lòng căm thù, mặc dù nó bị dồn nén nhưng vẫn luôn hoạt động và khiến họ hướng sự gây hấn của mình vào những người vô tội. Chúng ta chỉ căm ghét chừng nào chúng ta cảm thấy hoàn toàn bất lực.
Tôi đã nhận được hàng trăm lá thư xác nhận điều này. Paula, một phụ nữ 26 tuổi bị nhiều chứng dị ứng khác nhau, đã viết rằng mỗi lần cô đến thăm chú của mình khi cô vẫn còn là một đứa trẻ, ông ấy sẽ bắt đầu quấy rối tình dục cô, không ngượng ngùng vuốt ve ngực cô ngay cả khi có sự chứng kiến của những người khác hay các thành viên trong gia đình. Đồng thời, ông chú này là thành viên duy nhất trong gia đình để ý đến cháu gái. Không ai bảo vệ hay bênh vực cô. Khi cô phàn nàn với bố mẹ, họ nói rằng cô không nên để ông ta làm điều đó. Thay vì đứng về phía cô, họ đổ hết trách nhiệm lên đầu một đứa trẻ như cô. Khi ông chú đó bị ung thư, Paula từ chối đến thăm vì sự giận dữ và ghê tởm mà ông ta khơi gợi trong cô. Nhưng bác sĩ trị liệu của cô tin rằng sau này cô sẽ hối hận vì sự từ chối này và chẳng ích gì khi khơi dậy sự thù hận trong gia đình cô vào thời điểm khó khăn như vậy. Nó sẽ không tốt cho cô. Nghe theo, Paula đã đến gặp chú, ngậm đắng nuốt cay cảm xúc thật của mình. Thật ngạc nhiên, khi ông ấy chết, trái tim cô đã thay đổi hoàn toàn. Cô thực sự cảm mến người chú quá cố của mình. Nhà trị liệu hài lòng với cô, Paula hài lòng với chính mình: tình yêu đã chiến thắng lòng căm thù và chữa khỏi chứng dị ứng của cô. Tuy nhiên, đột nhiên, cô phát bệnh hen suyễn trở nặng và cô hoàn toàn không thể hiểu được nguyên nhân của căn bệnh mới này. Cô đã tự thanh tẩy mình, cô đã tha thứ cho chú của mình và không có ác ý với ông ta nữa cơ mà. Vậy tại sao lại có hình phạt này? Cô giải thích sự bộc phát của căn bệnh chính là quả báo cho cảm giác tức giận và phẫn nộ trước đó của cô. Sau đó, cô đọc một cuốn sách của tôi và căn bệnh của cô đã thúc đẩy cô viết thư cho tôi. Căn bệnh hen suyễn của cô biến mất ngay sau khi cô từ bỏ “tình yêu” của mình với người chú. Đó là một ví dụ về sự vâng lời, chứ không phải tình yêu.
Một người phụ nữ khác đã rất ngạc nhiên bởi sau nhiều năm phân tích tâm lí, cô đã bị đau ở chân mà không bác sĩ nào có thể tìm ra nguyên nhân. Cuối cùng, các bác sĩ của cô buộc phải thừa nhận rằng những cơn đau có thể là do bệnh tinh thần. Trong các buổi phân tích, cô đã trị liệu trong nhiều năm về cái gọi là trí tưởng tượng rằng cô đã bị lạm dụng tình dục bởi cha mình. Hơn hết thảy, cô rất muốn tin vào giả thuyết của nhà phân tích rằng đây chỉ là những tưởng tượng chứ không phải kí ức có thật. Nhưng tất cả những suy đoán này không giúp cô hiểu được tại sao mình lại cảm thấy đau đớn như vậy. Cuối cùng, khi chấm dứt trị liệu, những cơn đau ở chân của cô đã biến mất chỉ sau một đêm! Chúng là một tín hiệu cho thấy cô đang sống trong một thế giới mà cô không thể “bước ra khỏi nó”. Cô muốn chạy trốn khỏi nhà phân tích tâm lí cùng những lời giải thích và chỉ dẫn sai lầm của anh ta, nhưng cô không dám. Trong thời gian trị liệu, những cơn đau ở chân của cô có lẽ đã ngăn chặn nhu cầu thoát ra, cho đến khi cô quyết định chấm dứt việc phân tích và không còn mong đợi bất kì lợi ích nào từ nó.
Sự gắn bó với những hình bóng của cha mẹ mà tôi muốn mô tả ở đây là sự gắn bó với những bậc cha mẹ đã gây thương tích cho con cái của họ. Nó là một sự chấp trước (attachment) ngăn cản chúng ta giúp đỡ chính bản thân mình. Những nhu cầu tự nhiên chưa được đáp ứng của đứa trẻ sau đó sẽ được chuyển giao cho các nhà trị liệu, bạn tình hoặc con cái của chúng ta. Chúng ta không thể tin rằng những nhu cầu đó đã thực sự bị bỏ qua, hoặc thậm chí có thể bị cha mẹ chà đạp đến mức chúng ta buộc phải dồn nén chúng. Chúng ta hi vọng rằng những người khác có mối liên quan với ta cuối cùng sẽ cho ta những gì ta đang tìm kiếm, hiểu, hỗ trợ và tôn trọng chúng ta, và giải tỏa cho chúng ta những quyết định khó khăn mà cuộc sống mang lại. Khi những kì vọng này được nuôi dưỡng bởi sự phủ nhận thực tế thời thơ ấu, chúng ta không thể từ bỏ chúng. Như tôi đã nói, chúng ta không thể từ bỏ những kì vọng này chỉ bằng một hành động có ý chí. Nhưng chúng sẽ biến mất theo thời gian nếu chúng ta quyết tâm đối mặt với sự thật của chính mình. Điều này không dễ dàng. Nó sẽ luôn khiến chúng ta cảm thấy đau đớn. Nhưng rõ ràng chúng ta có thể.
Trên các diễn đàn, chúng ta thường xuyên quan sát thấy một số người tỏ ra khó chịu nếu những người khác trong nhóm phản ứng với hành động của cha mẹ bằng thái độ phẫn nộ, mặc dù những người này không biết cha mẹ của người kể là ai và phản ứng này hoàn toàn dựa trên lời kể của người đặt vấn đề. Nhưng phàn nàn về việc làm của cha mẹ là một mặt và một mặt khác là phải xem xét sự việc một cách đầy đủ và nghiêm túc. Con đường thứ hai khơi dậy nỗi sợ bị trừng phạt của trẻ sơ sinh. Theo đó, nhiều người thích giữ những nhận thức sớm nhất của mình trong trạng thái dồn nén, tránh đối mặt với sự thật, coi nhẹ việc lạm dụng của cha mẹ và tự hòa giải với ý nghĩ về sự tha thứ. Nhưng thái độ này chỉ nhằm mục đích duy trì những kì vọng vô ích mà chúng ta đã nuôi dưỡng từ thời thơ ấu.
Tôi bắt tay vào phân tích đầu tiên của mình vào năm 1958. Nhìn lại, tôi có ấn tượng rằng nhà phân tích trong tôi bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đạo đức truyền thống. Bản thân tôi cũng không nhận thức được thực tế của chính mình bởi vì tôi đã lớn lên với một hệ thống giá trị như thế. Tất nhiên, điều này có nghĩa là tôi không có cơ hội phát hiện ra mình đã bị lạm dụng khi còn nhỏ. Để nhận ra sự thật đó, tôi cần một chứng nhân đã tự mình khám phá ra điều đó, một người không còn chia sẻ thông lệ phủ nhận việc lạm dụng trẻ em đang phổ biến trong xã hội của chúng ta. Ngày nay, hơn bốn mươi năm sau, thái độ này vẫn còn được coi là sự việc hiển nhiên. Các báo cáo của các nhà trị liệu tuyên bố đứng về phía trẻ em thông thường phản bội lại thái độ “sửa sai” mà họ hoàn toàn không biết, vì họ chưa bao giờ phản ánh thực tế. Mặc dù nhiều nhà trị liệu như vậy trích dẫn từ sách của tôi và khuyến khích thân chủ của họ thực thi công lí cho chính bản thân mình thay vì thích nghi và điều chỉnh theo yêu cầu của người khác, bản thân tôi với tư cách là người đọc báo cáo của họ có cảm giác rằng những lời khuyên mà họ đưa ra là không thực tế và không thể tuân theo. Những gì tôi mô tả là kết quả lịch sử của một cá nhân lại được coi như một loại khuyết điểm về tính cách cần được sửa chữa. Chúng ta được yêu cầu phải tôn trọng bản thân, đánh giá phẩm chất của chính mình, và nhiều những thứ khác. Có cả một danh sách các lời khuyên được thiết kế để giúp mọi người lấy lại lòng tự trọng của họ. Nhưng những rào cản trong tâm trí họ chống lại những lời khuyên này. Theo tôi, vấn đề là ở chỗ, những người không thể đánh giá và tôn trọng bản thân, những người không thể cho phép mình tự do thể hiện sự sáng tạo của mình, thì họ sẽ không bao giờ làm như vậy một cách tự nguyện. Những rào cản này là kết quả từ câu chuyện riêng của mỗi người. Họ muốn hiểu làm sao mà họ đã trở nên như vậy, sau đó họ cần biết câu chuyện đó càng chính xác càng tốt, và cần trải nghiệm nó với cảm xúc thật. Một khi đã hiểu sự thật này, và thực sự cảm nhận được hàm ý của câu chuyện (chứ không chỉ nắm bắt bằng sự hiểu biết), thì họ sẽ không cần thêm lời khuyên nào nữa. Điều mà những người lớn này cần là một chứng nhân khai sáng, người có thể đồng hành cùng họ trên con đường đi đến chân lí của chính họ, giúp họ bắt tay vào một quá trình mà cuối cùng họ sẽ cho phép bản thân đạt được những điều họ mong muốn nhưng luôn bị khước từ: tin tưởng, tôn trọng và tình yêu dành cho chính họ. Chúng ta phải từ bỏ kì vọng rằng một ngày nào đó cha mẹ sẽ dành cho chúng ta những gì họ đã không cho ta trong thời thơ ấu.
Đây là lí do tại sao rất ít người thực sự đi theo con đường đó, tại sao rất nhiều người tự hài lòng với lời khuyên của bác sĩ trị liệu hoặc để những quan niệm tôn giáo ngăn cản họ khám phá ra sự thật ẩn sâu trong câu chuyện của chính mình. Trước đó, tôi đã gợi ý rằng sợ hãi là yếu tố quyết định trong tất cả những điều này. Nhưng tôi cũng tin rằng nỗi sợ hãi này sẽ giảm bớt khi những thực tế về lạm dụng trẻ em không còn bị coi là điều cấm kị khi nhắc đếntrong xã hội của chúng ta. Cho đến nay, các nạn nhân của sự lạm dụng như vậy đã phủ nhận sự tồn tại của nó vì nỗi sợ hãi của đứa trẻ sống bên trong họ. Bằng cách này, họ đã góp phần vào việc phủ nhận sự thật một cách phổ biến. Nhưng một khi các nạn nhân trước đây bắt đầu tiết lộ những gì đã xảy ra với họ, thì các nhà trị liệu cũng sẽ buộc phải thừa nhận những thực tế này. Cách đây không lâu, một nhà phân tâm học nổi tiếng người Đức đã tuyên bố công khai rằng ông hiếm khi gặp những nạn nhân bị lạm dụng thời thơ ấu trong quá trình hành nghề của mình. Đây là một tuyên bố đáng kinh ngạc, bởi vì tôi biết thực sự không ai mắc các triệu chứng tâm thần và tìm cách trị liệu cho mình mà không ít nhất bị đánh đập và hạ nhục trong thời thơ ấu. Tôi gọi đó là sự ngược đãi trong đối xử, mặc dù trong hàng ngàn năm nó đã được coi là một phương pháp nuôi dạy con hợp pháp. Có thể đây rốt cuộc chỉ là một định nghĩa, nhưng trong trường hợp này, một định nghĩa chính xác có vai trò quyết định.
VÒNG QUAY CẢM XÚC
CÁCH ĐÂY KHÔNG LÂU, tôi tình cờ đi ngang qua một vòng quay ngựa gỗ dành cho trẻ em và dừng lại một chút để xem các em nhỏ đang vui đùa. Nhìn chung, khuôn mặt của những đứa trẻ, hầu hết đều khoảng 2 tuổi, thực sự phản ánh cảm giác thích thú và vui vẻ. Nhưng một số đứa trẻ khác lại thể hiện nỗi sợ hãi mà chúng cảm thấy khi bị quay vòng với tốc độ như vậy mà không có ai bên cạnh để bảo vệ chúng. Nỗi sợ hãi đó xen lẫn niềm tự hào vì đã đủ “lớn” để ngồi sau vô lăng chiếc xe nhỏ, trên ghế lái. Có thể có cả những cảm giác khác: tò mò về những gì có thể xảy ra tiếp theo và lo lắng để mắt đến cha mẹ của chúng. Tôi có thể thấy tất cả những cảm giác này luân phiên thay đổi và tôi quan sát cách chúng biểu hiện ra như các phản ứng với sự hồi hộp của chuyển động bất ngờ này.
Khi rời sân chơi, tôi tự hỏi chính xác điều gì đang diễn ra trong tâm trí của một đứa trẻ 2 tuổi khi cơ thể của nó bị lạm dụng để thỏa mãn nhu cầu tình dục của người lớn. Điều gì đã thúc đẩy một suy nghĩ như vậy? Có lẽ tôi đã xác định được một sự căng thẳng, một sự ngờ vực xen lẫn với sự thích thú mà những đứa trẻ này đang thể hiện. Đi vòng vòng với tốc độ như vậy có thể khiến chúng cảm thấy không phải cơ thể của mình, xa lạ và đáng sợ. Khi rốt cuộc ra khỏi vòng quay, mặt chúng đều lo lắng, bối rối; tất cả đều ôm chặt lấy cha mẹ. Tôi chợt nhận ra rằng có lẽ loại khoái cảm này là không tự nhiên ở lứa tuổi đó, không phải là thứ thực sự phù hợp với tâm trí hay tinh thần của những đứa trẻ nhỏ như vậy. Đó là một loại hưởng thụ nhân tạo để chủ vòng quay kiếm tiền. Chính suy nghĩ này đã khiến tôi tự hỏi bản thân mình rằng một bé gái sẽ cảm thấy như thế nào khi bị lạm dụng tình dục? Sẽ như thế nào nếu mẹ bé hầu như không chạm vào bé vì bà khước từ con gái ruột của mình và che giấu tất cả cảm xúc của mình khỏi bản thân vì những gì đã xảy ra với bà trong thời thơ ấu? Sau đó, cô bé sẽ bị thiếu thốn tình cảm đến mức sẽ đáp lại hầu hết mọi hành vi va chạm thể xác với lòng biết ơn như sự thỏa mãn một mong muốn cấp bách. Nhưng chắc chắn đứa trẻ sẽ cảm nhận được rằng bản chất thật của mình, khao khát được giao tiếp chân chính và tình cảm thể xác, thực chất chỉ là bị người cha lợi dụng, nếu cơ thể của nó chỉ được sử dụng như một kích thích để thủ dâm hoặc như một phương tiện để khẳng định quyền lực của người lớn.
Có thể cô gái nhỏ này sẽ cố kìm nén cảm giác thất vọng, đau buồn và giận dữ trước sự phản bội con người thật của mình, trước lời hứa chưa được thực hiện. Có thể cô bé sẽ tiếp tục đeo bám người cha bởi vì cô ấy không thể từ bỏ hi vọng một ngày nào đó ông sẽ chuộc lại lời hứa ngầm trong những cái vuốt ve đầu tiên đó và khôi phục phẩm giá của đứa trẻ và cho cô thấy tình yêu thực sự là gì. Vì không có ai khác trong toàn bộ môi trường của cô đã hứa với cô một lời hứa yêu thương như vậy. Nhưng hi vọng này có thể mang lại sự phá hủy.
Rất có thể khi trưởng thành, cô gái này sẽ bị buộc phải chịu đựng những nỗi đau hủy hoại bản thân và buộc phải tìm kiếm liệu pháp vì cô có thể tự làm tổn thương mình để đạt được cảm giác vui vẻ. Trên thực tế, tự làm tổn thương bản thân là cách duy nhất để cô có thể cảm nhận được bất cứ điều gì, bởi vì sự lạm dụng dưới bàn tay của cha cô đã dẫn đến tình trạng cô đã giết chết gần như hoàn toàn cảm xúc của chính mình và do đó cảm xúc thật của cô không còn tồn tại nữa. Ngoài ra, một phụ nữ từng trải qua cơn ác mộng này có thể bị chàm bộ phận sinh dục, như tác giả người Đức Kristina Meyer mô tả trong cuốn sách The Double Secret của cô. Khi tìm đến một nhà phân tích tâm lí để được giúp đỡ, cô đã thể hiện một loạt các triệu chứng cho thấy rất rõ ràng rằng cô hẳn đã bị cha mình lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Nhà phân tích của cô không nghi ngờ điều này ngay lúc đó, nhưng ít nhất đã đồng hành cùng Kristina một cách tận tâm đến mức bản thân Kristina có thể khai quật câu chuyện về những hành vi tàn tệ và thô bạo mà cô đã phải chịu dưới bàn tay của cha mình từ những kí ức bị dồn nén của mình.
Quá trình này kéo dài sáu năm trong một điều kiện phân tích nghiêm ngặt, sau đó là trị liệu nhóm và trị liệu thân thể.
Quá trình này có thể đã được rút ngắn nếu nhà phân tích cho phép bản thân ngay từ đầu nhận ra chàm sinh dục như một dấu hiệu của việc lạm dụng cơ thể trẻ sớm. Mười sáu năm trước, rõ ràng điều này chưa thể thực hiện được. Khi được Kristina hỏi về thái độ của bản thân, nhà phân tích nói rằng Kristina sẽ không thể chịu đựng được khi nghe điều này, trước khi một mối quan hệ tốt được thiết lập giữa hai bên.
Vào thời điểm đó, có lẽ tôi cũng tin như vậy. Nhưng dựa trên những kinh nghiệm sau này, tôi có xu hướng tin rằng không bao giờ là quá sớm để nói cho người từng là đứa trẻ bị bạo hành những gì người đó đã nhận ra một cách rõ ràng và đề nghị đứng về phía người đó một cách vô điều kiện. Kristina Meyer đã đấu tranh với lòng can đảm không thể tin được, để tìm ra và đối mặt với sự thật của chính mình và ngay từ đầu cô xứng đáng được hướng dẫn để bước ra khỏi bóng tối mà cô bị mắc kẹt. Cô đã nhiều lần mơ về khoảnh khắc khi nhà phân tích ôm mình vào lòng và an ủi. Nhưng nhà phân tích của cô vẫn trung thành với các nguyên lí và không bao giờ thực hiện được mong muốn vô hại của Kristina. Nếu làm như vậy, có lẽ bà đã truyền được cho Kristina một thông điệp quan trọng: có những vòng tay yêu thương mà vừa tôn trọng ranh giới của đối phương lại vừa làm giảm bớt cảm giác cô đơn trên thế giới này. Ngày nay, vào thời điểm mà tất cả các loại liệu pháp trị liệu thân thể đều sẵn có, thì sự bướng bỉnh cố chấp từ chối thực hiện mong muốn đó của một nhà phân tích, người đã hoàn toàn cảm nhận được bi kịch của bệnh nhân, là một điều khác thường. Tuy nhiên, từ lợi thế của việc phân tích tâm lí, điều đó có thể hiểu được, và nó chỉ đơn giản là tôn trọng các quy tắc.
Đến đây, tôi muốn quay lại hình ảnh của vòng quay ngựa gỗ đã đề cập ở đầu chương. Chúng ta nhớ lại rằng trong mắt tôi, khuôn mặt của những đứa trẻ nhỏ đang cưỡi ngựa trên vòng quay không chỉ phản bội lại niềm vui của chúng mà còn có cả sợ hãi và lo lắng. Việc tôi so sánh điều này với một tình huống loạn luân không có tính phổ quát. Đó chỉ là một ý tưởng chợt nảy ra với tôi. Tuy nhiên, thực tế là, khi còn là trẻ em và kể cả khi đã lớn, chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những cảm xúc mâu thuẫn và đòi hỏi phải được xem xét một cách nghiêm túc. Nếu là những đứa trẻ nhỏ, chúng ta phải đối mặt với những người lớn chưa bao giờ cố gắng làm sáng tỏ cảm xúc của chính mình, điều này có thể khiến chúng ta phải đối mặt với một sự hỗn loạn đáng lo ngại đến tột cùng. Để thoát khỏi những cảm giác bối rối và không chắc chắn này, chúng ta kích hoạt cơ chế dồn nén và phân tách. Chúng ta không cảm thấy sợ hãi, chúng ta yêu cha mẹ, chúng ta tin tưởng họ và chúng ta cố gắng sống theo mong đợi của họ để họ có thể hài lòng với chúng ta. Chỉ sau này, khi trưởng thành, nỗi sợ hãi này mới tự khẳng định lại, thường là liên quan đến những người bạn đời mà chúng ta đã chọn. Chúng ta thấy điều đó thật khó hiểu. Ở đây, cũng như thời thơ ấu, chúng ta không muốn gì hơn là chấp nhận những mâu thuẫn của người khác mà không cần một lời nói, bởi vì chúng ta muốn được yêu thương. Nhưng cơ thể khẳng định sự thật của nó và sẽ tạo ra các triệu chứng nếu chúng ta tiếp tục phủ nhận hoặc phớt lờ cơn thịnh nộ, nỗi sợ hãi, sự giận dữ kinh hoàng của một đứa trẻ bị lạm dụng tình dục.
Rắc rối là, dù cố gắng đến đâu, chúng ta sẽ không bao giờ có thể xác định được những tình huống thời thơ ấu đó nếu chúng ta bỏ qua những sự việc liên quan đến chúng trong hiện tại. Chỉ khi giải phóng khỏi sự phụ thuộc hiện tại, chúng ta mới có thể sửa chữa những tác hại đã gây ra, và điều này có nghĩa là xác định và giải quyết hậu quả của sự phụ thuộc ban đầu đó. Ví dụ, Andreas, một người trung tuổi là nạn nhân của việc loạn luân, đã bị chứng thừa cân trong nhiều năm và nghi ngờ rằng triệu chứng đau khổ này có liên quan đến mối quan hệ của anh với người cha độc đoán, người đã tàn nhẫn với anh trong thời thơ ấu. Nhưng anh không thể làm chủ được tình hình. Anh đã làm mọi cách để giảm cân và tuân theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ; anh thậm chí có thể cảm nhận được sự tức giận của mình trước hành vi của người cha trong thời thơ ấu. Nhưng không ai có thể giúp anh. Andreas thỉnh thoảng bùng phát cơn thịnh nộ: anh quát mắng các con và cãi nhau với vợ mình mặc dù không hề muốn làm điều đó. Anh dùng đến rượu để trấn tĩnh, nhưng không coi mình là một kẻ nghiện rượu. Anh muốn đối xử tốt với gia đình của mình, và rượu đã giúp anh chế ngự cơn thịnh nộ dữ dội của bản thân và trải qua những cảm giác dễ chịu.
Trong một cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Andreas đã kể thoáng qua rằng anh đã không thể ngăn cản việc cha mẹ ghé thăm bất cứ khi nào họ muốn; họ không bao giờ gọi điện trước cho anh để nói về ý định của họ. Tôi hỏi liệu anh có yêu cầu họ bỏ thói quen này không. Anh đáp lại một cách cởi mở, rằng đã nhiều lần yêu cầu họ báo trước nhưng họ không hề nghe. Cha mẹ cho rằng họ có quyền đến bất cứ khi nào họ thích, vì ngôi nhà là của họ. Tôi ngạc nhiên hỏi, tại sao họ lại gọi nhà của anh là tài sản của họ. Andreas nói, thật ra anh thuê nhà của cha mẹ và trả tiền thuê nhà cho họ. Tôi hỏi, liệu anh có thể thuê một ngôi nhà khác với giá tương tự, hoặc có thể thuê với số tiền cao hơn một chút không. Rốt cuộc, điều này sẽ khiến anh độc lập với cha mẹ và ngăn việc họ ghé thăm bất cứ khi nào họ muốn và xâm phạm thời gian của anh. Đôi mắt anh mở to. Anh nói rằng chưa bao giờ nghĩ về việc này.
Điều này có vẻ đáng ngạc nhiên. Nhưng nó sẽ dễ hiểu hơn nếu ta nhớ rằng người đàn ông này vẫn còn bị cuốn vào hoàn cảnh trẻ thơ, trong đó anh ta phải phục tùng ý chí, sức mạnh và quyền lực của cha mẹ đang nhấn chìm anh, và là nơi mà anh không thể nhìn thấy bất kì lối thoát nào vì sợ bị họ khước từ. Nỗi sợ hãi này vẫn đeo bám anh; anh vẫn ăn quá nhiều, ngay cả khi đã cố gắng hết sức để ăn kiêng. Nhưng nhu cầu của anh về “dinh dưỡng” đúng đắn - nghĩa là việc anh cần được độc lập khỏi cha mẹ và đảm bảo cuộc sống của chính mình - mạnh mẽ đến mức nó chỉ có thể được đáp ứng bằng cách thích hợp chứ không phải bằng cách ăn quá nhiều. Thức ăn không thể làm thỏa mãn được cơn đói tự do này. Tự do ăn uống bao nhiêu tùy thích không thể xoa dịu cơn đói về quyền tự quyết. Nó không thể thay thế cho tự do đích thực.
Khi Andreas rời đi, anh nói với một khí thế đầy quyết tâm, “Tôi sẽ đưa quảng cáo lên báo ngay lập tức và tìm một nơi ở của riêng mình. Và tôi sẽ tìm được một ngôi nhà, tin tôi đi!” Chỉ vài ngày sau, Andreas nói với tôi rằng đã tìm được một ngôi nhà mà anh thích hơn căn nhà của cha mẹ, và giá thuê cũng rẻ hơn. Tại sao lại mất nhiều thời gian để tìm ra giải pháp đơn giản này? Bởi vì chừng nào còn ở trong nhà của cha mẹ, Andreas vẫn hi vọng mẹ và cha có thể cho anh những gì anh hằng mong ước khi còn nhỏ. Nhưng những gì họ khước từ anh khi còn nhỏ không thể bù đắp được khi anh trưởng thành. Họ vẫn đối xử với anh như tài sản riêng của họ, không bao giờ lắng nghe khi anh bày tỏ mong muốn của mình và cho rằng việc anh phải cải tạo ngôi nhà của cha mẹ và đầu tư tiền vào đó là hoàn toàn hợp lí, bởi vì họ là cha mẹ của anh và vì vậy họ có quyền yêu cầu điều đó. Chỉ trong cuộc trao đổi với chứng nhân khai sáng là tôi, anh mới đột nhiên nhận ra hoàn cảnh của mình. Chỉ sau đó anh mới ý thức được rằng mình đang để bản thân bị lợi dụng, giống như khi còn nhỏ và tin rằng mình phải như vậy, phải biết ơn vì những lợi ích nhận được, những nhu cầu được đáp ứng. Bây giờ anh có thể từ bỏ ảo tưởng rằng cha mẹ sẽ thay đổi một ngày nào đó.
Vài tháng sau, anh viết thư cho tôi:
Cha mẹ tôi đã cố gắng làm tôi cảm thấy có lỗi khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Họ không muốn để tôi đi. Khi họ nhận ra rằng không thể ép buộc tôi làm điều gì đó trái với ý muốn của mình nữa, họ đã đề nghị giảm tiền thuê nhà và trả lại một khoản của số tiền tôi đã đầu tư. Khi đó tôi nhận ra rằng người được lợi từ hợp đồng này không phải là tôi mà là họ. Tôi đã từ chối tất cả các đề nghị của họ.
Tuy nhiên, toàn bộ quá trình này rất đau đớn. Tôi phải nhìn thẳng vào sự thật và sự thật ấy rất đau lòng. Tôi cảm nhận được nỗi đau khổ của đứa trẻ nhỏ bé mà tôi từng là, một đứa trẻ không bao giờ được yêu thương, không bao giờ được lắng nghe, không bao giờ được để ý đến, một đứa trẻ để mình bị lợi dụng, hi vọng rằng một ngày nào đó mọi chuyện có thể khác. Điều kì diệu là càng cảm cảm thấy thế thì tôi càng giảm cân. Tôi không cần uống rượu để làm tê liệt cảm xúc của mình, tôi bắt đầu thẳng thắn nhìn vào mọi thứ, và nếu thỉnh thoảng nổi cơn giận dữ, tôi biết ai là mục tiêu thực sự: không phải con tôi, không phải vợ tôi, mà là mẹ và cha tôi, những người mà bây giờ tôi có thể lấy lại tình yêu của mình từ họ. Tôi nhận ra rằng tình yêu này chỉ là khát vọng được yêu, một khát vọng không bao giờ được thực hiện. Tôi đã phải loại bỏ mong muốn đó. Đột nhiên tôi không cần ăn nhiều như trước nữa, tôi bớt mệt mỏi hơn, tôi có thể làm chủ toàn bộ năng lượng và điều này cũng ảnh hưởng tốt đến công việc của tôi.
Theo thời gian, cơn giận của tôi với bố mẹ cũng nguội đi, vì bây giờ nếu tôi cần điều gì đó tôi sẽ tự làm thay vì đợi họ. Tôi không còn ép buộc bản thân phải yêu họ (tại sao tôi phải làm vậy) và tôi không còn sợ rằng mình sẽ cảm thấy tội lỗi khi họ không còn trên đời này nữa, như chị tôi đã trách móc. Tôi nghĩ rằng cái chết của họ sẽ là một sự giải thoát, bởi vì khi đó sự ràng buộc thiếu chân thành và đạo đức giả sẽ biến mất. Nhưng ngay bây giờ tôi cũng đang cố gắng giải phóng mình khỏi sự ràng buộc đó. Cha mẹ yêu cầu chị gái tôi nói với tôi rằng những bức thư của tôi đã trở nên rất khô khan lạnh lùng. Họ thấy đau lòng vì cảm thấy tôi không còn tình cảm như trước nữa. Họ muốn tôi trở lại như cũ. Tôi không thể và cũng không muốn làm điều đó. Tôi không còn có ý định đóng vai mà họ đã giao cho tôi trong vở kịch nhỏ của họ. Sau một thời gian dài tìm kiếm, tôi đã tìm được một chuyên gia trị liệu gây ấn tượng tốt với tôi, một người mà tôi có thể nói theo cách mà tôi đã từng nói với chị, thẳng thắn, không cần kiêng dè cha mẹ, không che đậy sự thật, sự thật của chính tôi. Và trên tất cả, tôi rất vui vì đã có thể đưa ra quyết định rời khỏi ngôi nhà đã trói buộc tôi bấy lâu nay bằng cái hi vọng không bao giờ có thể thành hiện thực.
Có lần tôi bắt đầu một cuộc thảo luận về Điều Răn Thứ Tư bằng câu hỏi, chính xác thì tình yêu của ta đối với cha mẹ bao gồm điều gì, ngay cả khi họ tàn nhẫn với ta trong thời thơ ấu. Các câu trả lời đến nhanh chóng với rất ít thời gian suy ngẫm. Nhiều cảm xúc khác nhau đã được đặt tên: lòng trắc ẩn đối với những người già, những người thường xuyên đau ốm; lòng biết ơn vì đã được ban tặng cho cuộc sống và vì những ngày tốt đẹp khi không bị đánh đập; sợ trở thành một kẻ xấu; niềm tin rằng ta phải tha thứ cho những việc làm của cha mẹ vì nếu không sẽ không bao giờ thực sự trưởng thành. Điều này đã tạo ra một cuộc thảo luận sôi nổi, trong đó những quan điểm này bị phản đối. Một người tham gia, Ruth, nói hết sức kịch liệt:
Cuộc đời của tôi là một minh chứng rằng Điều Răn Thứ Tư là sai. Một khi tôi giải phóng bản thân khỏi những yêu sách của cha mẹ và ngừng sống theo kì vọng của họ, công khai hay bí mật, tôi bắt đầu cảm thấy khỏe mạnh hơn bất cứ khi nào trước đây. Tôi hết tất cả triệu chứng, không còn cáu gắt với các con nữa và giờ tôi tin rằng tất cả những điều đó đã xảy ra bởi vì tôi đang cố gắng tuân theo một điều răn không có lợi cho cơ thể.
Ruth nghĩ rằng điều răn này có quyền năng đối với chúng ta như vậy vì nó củng cố sự lo lắng và cảm giác tội lỗi mà cha mẹ đã khắc sâu vào chúng ta từ rất sớm. Bản thân cô đã từng là nạn nhân của sự lo lắng khủng khiếp không lâu trước khi cô nhận ra rằng cô không yêu cha mẹ như cô nghĩ. Cô chỉ mong muốn có được tình yêu của họ do đó cô giả vờ với cả bản thân và họ rằng cô thực sự đã yêu thương họ. Một khi cô nhận thức được điều này, sự lo lắng biến mất.
Tôi nghĩ rằng nhiều người có thể cảm thấy như vậy nếu có ai đó nói với họ, “bạn không cần phải yêu và kính trọng cha mẹ. Họ đã làm hại bạn. Bạn không cần phải ép bản thân cảm nhận những điều bạn không thực sự cảm thấy. Ràng buộc và cưỡng ép chưa bao giờ tạo ra điều gì tốt đẹp. Trong trường hợp của bạn, chúng có thể phá hoại; cơ thể của bạn sẽ phải trả giá.”
Cuộc thảo luận này khẳng định ấn tượng của tôi rằng đôi khi chúng ta dành cả đời để tuân theo bóng ma mang tên giáo dục, đạo đức hoặc tôn giáo. Nó buộc chúng ta bỏ qua, kìm nén hoặc chống lại các nhu cầu sinh học, tự nhiên của cơ thể và cuối cùng chúng ta phải trả giá bằng những căn bệnh mà chúng ta không hiểu cũng như không muốn hiểu, và chúng ta cố gắng vượt qua bằng thuốc. Khi những bệnh nhân đang điều trị thực sự xoay xở để tiếp cận với con người thật của họ thông qua việc đánh thức những cảm xúc bị kìm nén của họ, một số nhà trị liệu, rõ ràng được truyền cảm hứng bởi Hội những người nghiện rượu ẩn danh (Alcoholics Anonymous), cho rằng đây là nhờ “Ơn Trên”. Làm như vậy, những nhà trị liệu này làm suy yếu niềm tin mà tất cả chúng ta có vào bản thân ngay từ đầu: niềm tin vào khả năng của chúng ta để cảm nhận điều gì tốt cho ta và điều gì không.
Trong trường hợp của tôi, cha và mẹ của tôi đã đẩy sự tin tưởng này ra khỏi tôi một cách có hệ thống ngay từ khi tôi mới sinh ra. Tôi phải học cách nhìn và đánh giá mọi thứ tôi cảm thấy qua con mắt của mẹ, và giết chết cảm xúc và nhu cầu thực sự của tôi một cách có hệ thống. Vì thế, dần dần tôi bị khiếm khuyết nghiêm trọng về khả năng cảm nhận nhu cầu của bản thân, và đi tìm kiếm sự hài lòng của họ. Ví dụ, tôi đã mất 48 năm để khám phá ra nhu cầu vẽ tranh và cho phép bản thân thỏa mãn nhu cầu đó. Cuối cùng, nhu cầu đó đã tự khẳng định. Tôi thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn để tự cho mình có quyền không yêu bố mẹ. Theo dòng thời gian, tôi càng ngày càng nhận ra rõ ràng nỗ lực yêu một người suýt hủy hoại cuộc đời tôi và đã làm tôi bị tổn hại nghiêm trọng như thế nào. Nó đang làm tôi ghẻ lạnh với sự thật của chính mình, buộc tôi tự lừa dối bản thân, buộc tôi chấp nhận vai trò mà cha mẹ đã gắn cho tôi từ rất sớm - vai trò “cô gái ngoan” buộc phải tuân theo những yêu cầu tình cảm dưới cái mặt nạ giáo dục và đạo đức. Khi tôi dần học cách sống thật với bản thân và thành công trong việc thừa nhận cảm xúc của chính mình, ngôn ngữ cơ thể của tôi ngày càng nói ra rõ ràng hơn và hướng dẫn tôi đến những quyết định phù hợp và giúp nó thể hiện nhu cầu tự nhiên của mình. Tôi đã có thể ngừng tham gia vào các trò chơi của người khác, ngừng nói với bản thân rằng cha mẹ tôi có những mặt tốt của họ, ngừng làm cho bản thân nhầm lẫn hết lần này đến lần khác như khi còn nhỏ. Tôi đã có thể đưa ra những quyết định có lợi cho sự trưởng thành. Và sự bối rối biến mất.
Bây giờ tôi biết rằng cha mẹ đã không muốn có tôi. Cha mẹ của họ đã ép buộc họ phải kết hôn. Tôi là sản phẩm không được yêu thương của hai đứa trẻ ngoan ngoãn mắc nợ cha mẹ mình vì sự vâng lời và chúng đã đưa một đứa trẻ vào thế giới dù chúng không hề mong muốn. Họ hi vọng có con trai, vì đó là điều mà hai ông bà mong muốn. Nhưng thay vào đó, họ có một bé gái và trong nhiều thập kỉ, cô bé đó đã làm tất cả những gì có thể để bù đắp cho họ niềm hạnh phúc mà họ đã bỏ lỡ. Việc này tất yếu thất bại. Tuy nhiên, là một đứa trẻ có ý định sống sót, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm tốt nhất có thể. Ngay từ đầu, tôi đã nhận được lệnh ngầm từ cha mẹ là hãy dành cho họ sự thừa nhận, sự quan tâm và tình yêu thương mà cha mẹ của họ đã không cho họ. Nếu nỗ lực đó thành công, tôi phải từ bỏ sự thật của chính mình, sự thật trong cảm xúc của chính mình. Bất chấp những nỗ lực này, tôi bị cảm giác tội lỗi đeo đuổi dai dẳng, vì đây là một mệnh lệnh mà tôi không thể tuân theo. Ngoài ra, tôi đã phủ nhận với bản thân mình một điều tối quan trọng: sự thật của chính tôi. Đây là điều mà tôi bắt đầu nghi ngờ khi viết cuốn The Drama of the Gifted Child (Bi kịch của đứa trẻ tài năng), một cuốn sách mà rất nhiều độc giả xác định số phận của chính họ trong đó. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỉ sau đó, tôi vẫn tiếp tục cố gắng hoàn thành sứ mệnh này, cả khi đã đến tuổi trưởng thành. Tôi đã cố gắng làm thế với người yêu, với bạn bè và với con của tôi. Mỗi khi tìm cách giải thoát bản thân khỏi nhiệm vụ giải cứu người khác khỏi sự bối rối của họ, cảm giác tội lỗi gần như giết chết tôi. Chỉ rất lâu sau này trong cuộc đời, cuối cùng tôi đã thành công.
Loại bỏ lòng biết ơn và cảm giác tội lỗi là một giai đoạn cực kì quan trọng trên con đường thoát khỏi sự phụ thuộc vào cha mẹ đã nội hóa của tôi. Nhưng cũng có những bước khác phải được thực hiện. Điều quan trọng nhất trong số này là từ bỏ kì vọng và hi vọng rằng, điều mà tôi ước muốn nhất trong mối quan hệ của tôi với cha mẹ - sự trao đổi thẳng thắn về cảm xúc, sự tự do giao tiếp - có thể sẽ thành hiện thực một ngày nào đó. Điều đó thực sự đã xảy ra trong quan hệ với những người khác, nhưng chỉ sau khi tôi nhận ra toàn bộ sự thật về thời thơ ấu của mình. Khi đó, tôi đã hiểu rằng việc tự do giao tiếp với cha mẹ là không thể và tôi đã phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ khi còn nhỏ. Bố mẹ tôi đã mất từ lâu, nhưng tôi có thể tưởng tượng rằng đối với những người mà bố mẹ họ còn sống thì quá trình này gian nan hơn rất nhiều. Những kì vọng bắt nguồn từ thời thơ ấu có thể mạnh mẽ đến mức chúng ta sẽ từ bỏ mọi thứ có thể tốt cho ta, để rốt cuộc trở thành người mà cha mẹ muốn chúng ta trở thành và do đó duy trì những ảo tưởng về tình yêu.
Chẳng hạn, Karl đã mô tả sự nhầm lẫn của mình như sau:
Tôi yêu mẹ, nhưng mẹ không tin tôi, vì mẹ đã nhầm lẫn tôi với cha, người đã biến cuộc sống của mẹ thành địa ngục. Nhưng tôi không giống cha. Bà khiến tôi tức giận, nhưng tôi không muốn thể hiện sự tức giận của mình, bởi vì sau đó bà sẽ có bằng chứng rằng tôi giống cha. Nhưng điều đó không đúng. Vì vậy tôi phải kiềm chế cơn giận của mình, để chứng minh rằng bà không đúng, để rồi không còn cảm giác yêu thương bà, mà chỉ thấy căm hận. Tôi không muốn sự ghét bỏ đó, tôi muốn được bà nhìn nhận và yêu thương con người tôi, chứ không phải bị ghét bỏ như cha. Vậy tôi phải làm gì?
Câu trả lời là chúng ta không bao giờ có thể làm điều đúng đắn chừng nào còn cố gắng làm hài lòng người khác. Chúng ta chỉ có thể là chính chúng ta và không thể ép buộc cha mẹ phải yêu thương chúng ta. Có những bậc cha mẹ chỉ có thể yêu chiếc mặt nạ mà con họ đang đeo. Khi đứa trẻ gỡ bỏ chiếc mặt nạ đó, họ thường nói, như chúng ta đã thấy trong câu chuyện của Andreas, “Tất cả những gì cha mẹ muốn là con trở lại như trước đây.”
Cái ảo tưởng rằng ta vẫn có thể “kiếm được” tình yêu thương của cha mẹ chỉ có thể được duy trì bằng cách phủ nhận những gì đã thực sự xảy ra. Ảo tưởng đó sẽ sụp đổ ngay khi ta quyết định nhìn thẳng vào sự thật, với tất cả các hệ quả của nó và từ bỏ sự tự dối lừa mà ta nuôi dưỡng với sự hỗ trợ của rượu, ma túy và thuốc. Anna, một bà mẹ hai con ba mươi lăm tuổi, hỏi tôi: “Tôi có thể nói gì với mẹ mình khi bà không ngừng nói với tôi rằng tất cả những gì bà muốn là tôi thể hiện tình yêu của mình với bà? Bà nói: ‘Con đã từng làm thế, nhưng bây giờ con thật khác.’ Tôi muốn nói, ‘Vâng, bởi vì bây giờ con cảm thấy không phải lúc nào con cũng thành thật với mẹ. Con không muốn nói dối.’”
“Vậy tại sao bạn không thể nói điều đó?” Tôi hỏi.
Anna nói: “Đúng vậy. Tôi có quyền bảo vệ sự thật của chính mình. Và về cơ bản bà có quyền được nghe từ tôi rằng những gì bà ấy cảm thấy là sự thật. Về lí thuyết thì điều đó rất đơn giản, nhưng lòng trắc ẩn đã ngăn cản tôi thẳng thắn với mẹ. Tôi rất tiếc cho bà. Bà chưa bao giờ được yêu thương khi còn nhỏ; bà đã được cho đi khi sinh ra. Bà đã níu kéo tình yêu của tôi và tôi không muốn tước đoạt nó khỏi bà.”
“Bạn là người con duy nhất của bà phải không?” Tôi hỏi.
“Không, bà có năm người con và tất cả chúng tôi đều làm bất cứ điều gì có thể để phục vụ, để thỏa mãn những mong muốn của bà. Nhưng điều đó rõ ràng không thể lấp đầy khoảng trống mà bà đã mang trong mình từ thời thơ ấu.”
“Vì vậy, bạn nghĩ rằng bạn có thể lấp đầy khoảng trống đó bằng cách nói dối?”
“Không, không phải như thế. Chị nói đúng. Tại sao tôi lại muốn cho bà tình yêu mà tôi không cảm nhận được, chỉ vì lòng trắc ẩn? Tôi luôn mang trong mình các loại bệnh tật. Bây giờ chúng đã biến mất. Chúng bỏ đi ngay sau khi tôi thừa nhận với bản thân rằng tôi chưa bao giờ thực sự yêu mẹ, vì tôi cảm thấy mình bị mẹ nhấn chìm và buộc chúng tôi phải dành tình cảm yêu thương cho bà. Nhưng thực sự nói với bà điều đó khiến tôi sợ hãi và bây giờ tôi tự hỏi bản thân rằng tôi đã nghĩ lòng trắc ẩn của mình sẽ giúp ích gì cho bà ấy. Đấy chẳng qua là một lời nói dối. Tôi đang nợ chính thân thể của mình để không kéo dài nó thêm nữa.”
Vậy, “tình yêu” còn lại gì khi chúng ta xem xét kĩ hơn những cảm xúc thật đằng sau nó, như tôi đã cố gắng làm ở đây? Lòng biết ơn, lòng trắc ẩn, sự ảo tưởng, phủ nhận sự thật, cảm giác tội lỗi, sự lừa dối - tất cả đều là những yếu tố của một nội tâm đầy những chấp trước, thường khiến chúng ta bị bệnh và không thể làm được điều gì tốt lành thực sự cho cha mẹ. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, sự ràng buộc bệnh lí này được coi như tình yêu. Bất cứ khi nào tôi thể hiện ý tưởng này, tôi đều phải chống lại tất cả các loại lo ngại và phản kháng. Nhưng, trong quá trình thảo luận, khi tôi thành công trong việc giải thích ý tôi muốn nói, thì sự phản kháng đó sẽ tan biến rất nhanh và nhiều người phản ứng bằng một kiểu khai sáng khiến họ ngạc nhiên.
Một người từng nói, “Đó là sự thật. Tại sao tôi nghĩ điều đó sẽ giết chết cha mẹ nếu tôi cho họ thấy những gì tôi thực sự cảm thấy đối với họ? Tôi có quyền cảm nhận những gì tôi thực sự cảm thấy. Đó không phải là vấn đề trả đũa, mà là sự trung thực. Tại sao sự trung thực được đề cao như một khái niệm trừu tượng trong việc giảng dạy tôn giáo ở trường học nhưng lại bị cấm trong mối quan hệ với cha mẹ?”
Quả thực, thật tuyệt vời biết bao nếu chúng ta có thể nói chuyện thật lòng với bố mẹ. Rốt cuộc, họ rút ra điều gì từ những điều ta nói với họ là thứ mà ta không tác động được. Nhưng đó sẽ là cơ hội cho chúng ta, cho con cái ta và không kém phần quan trọng là cho cơ thể ta, cơ thể rốt cuộc đã chỉ cho ta đường đến sự thật.
Khả năng này của cơ thể là nguồn gốc của sự kì diệu vô tận đối với tôi. Nó chiến đấu chống lại những lời nói dối bằng một sự kiên trì và khôn ngoan đáng kinh ngạc. Những tuyên bố về đạo đức và tôn giáo không thể lừa dối hoặc khiến nó nhầm lẫn. Một đứa trẻ luôn bị cưỡng ép về mặt đạo đức. Nó sẵn sàng chấp nhận sự nuôi dưỡng này vì nó yêu cha mẹ, và mắc phải vô số bệnh tật trong những năm tháng tới trường. Khi trưởng thành, anh ta sử dụng trí tuệ tuyệt vời của mình để chống lại đạo đức thông thường và trong quá trình này có thể trở thành một nhà triết học hoặc một nhà văn. Nhưng những cảm xúc thực sự của anh ta về gia đình bị che lấp bởi bệnh tật trong những ngày còn đi học, đã ảnh hưởng đến tình trạng suy dinh dưỡng, còi cọc như đối lập trường hợp của Nietzsche và Schiller. Cuối cùng, anh trở thành nạn nhân của cha mẹ mình, hi sinh bản thân cho những suy nghĩ của họ về đạo đức và tôn giáo, mặc dù khi trưởng thành, anh đã nhìn thấy rất rõ ràng những điều dối trá của “xã hội”. Việc nhìn thấu sự tự lừa dối chính mình, nhận ra rằng mình đã hi sinh bản thân vì đạo đức, đối với anh còn khó hơn nhiều so với việc viết ra những tác phẩm triết học hay những vở kịch quả cảm. Nhưng không phải những suy nghĩ bị tách rời khỏi cơ thể, mà là những quá trình nội tại diễn ra trong cá nhân mới có thể mang lại sự thay đổi hữu ích trong tâm lí chúng ta.
Những người may mắn được trải nghiệm tình yêu và sự thấu hiểu trong thời thơ ấu sẽ không gặp vấn đề gì với sự thật. Họ đã có thể phát huy hết khả năng của mình, và những đứa trẻ sẽ thu được lợi ích từ đó. Tôi không biết tỉ lệ những người như vậy thực sự lớn đến mức nào. Tôi biết rằng đánh mắng vẫn được khuyến khích như một phương pháp nuôi dạy con cái; rằng Hoa Kỳ, mô hình dân chủ tự phong đó, vẫn cho phép hình phạt thân thể trong các trường học ở hai mươi hai tiểu bang; và rằng, nếu có, các bang này ngày càng có tiếng nói hơn trong việc bảo vệ “quyền” mà tất cả các bậc cha mẹ đều được hưởng. Thật vô lí khi tin rằng chúng ta có thể dạy trẻ em dân chủ với sự trợ giúp của vũ lực.
Kết luận của tôi từ điều này là, có lẽ có rất nhiều người sống trên thế giới hiện nay đã trải qua kiểu giáo dục này. Tất cả họ đều có khả năng chống lại sự tàn ác từ rất sớm; tất cả họ đều đã lớn lên trong tình trạng mà tôi chỉ có thể gọi là “sự không thành thật bên trong”. Chúng ta có thể quan sát thấy điều này bất cứ nơi nào. Nếu ai đó nói: “Tôi không yêu bố mẹ vì họ đã liên tục hạ nhục tôi” thì ngay lập tức sẽ nghe được những lời khuyên giống nhau từ mọi phía: bạn phải thay đổi thái độ nếu muốn trở thành người lớn thực sự, bạn không được sống với sự thù hận giữ kín bên trong bản thân nếu muốn khỏe mạnh; bạn có thể giải thoát bản thân khỏi sự thù hận đó chỉ khi tha thứ cho cha mẹ; không có ai là cha mẹ lí tưởng - tất cả các bậc cha mẹ đôi khi cũng mắc sai lầm, và đây là điều ta phải chấp nhận và ta có thể học cách làm như vậy khi thực sự trưởng thành.
Lí do để những lời khuyên như vậy nghe có vẻ hợp lí là vì chúng ta đã nghe nó cả đời và tin rằng đó là điều đúng đắn. Nhưng không phải như vậy. Nó dựa trên những giả định ngụy biện. Nói sự tha thứ sẽ giải phóng chúng ta khỏi hận thù là không đúng. Nó chỉ giúp che đậy sự hận thù đó, và do đó củng cố nó (trong tâm trí vô thức của chúng ta). Nói lòng khoan dung lớn lên theo tuổi tác cũng không đúng. Ngược lại. Con cái sẽ chịu đựng những điều vô lí của cha mẹ vì chúng cho rằng những điều đó là bình thường và chúng không có cách nào để bảo vệ mình trước những điều đó. Không phải đến khi trưởng thành, chúng ta mới chủ động chịu đựng sự thiếu tự do và những ràng buộc này. Nhưng chúng ta cảm thấy sự đau khổ này trong mối quan hệ với người khác, với bạn đời và con cái. Sự sợ hãi của trẻ sơ sinh về cha mẹ khiến chúng không nhận ra sự thật. Nói rằng hận thù làm cho chúng ta mắc bệnh cũng sai. Những cảm xúc bị dồn nén, bị tách rời có thể làm ta bị bệnh, chứ không phải là những cảm giác có ý thức mà ta có thể biểu đạt. Khi là người lớn, chúng ta sẽ chỉ căm hận nếu vẫn bị mắc kẹt trong tình huống mà ta không thể tự do bày tỏ cảm xúc của mình. Chính sự phụ thuộc này là thứ khiến ta bắt đầu thù ghét. Ngay sau khi ta phá bỏ sự phụ thuộc này (điều mà thông thường ta có thể làm khi lớn, trừ khi ta là tù nhân của một chế độ toàn trị), ngay khi ta giải phóng mình khỏi chế độ nô lệ này, thì ta sẽ không còn căm thù nữa (xem Chương 10). Tuy nhiên, nếu có hận thù, thì thật không tốt nếu cấm đoán nó, như chúng ta vẫn được mọi người khuyên làm. Chúng ta phải hiểu lí do của nó nếu chúng ta ủng hộ hành vi sẽ giải phóng con người khỏi sự phụ thuộc sinh ra lòng thù hận.
Tất nhiên, những người bị cắt đứt cảm xúc thực sự từ khi còn nhỏ sẽ phụ thuộc vào các tổ chức như nhà thờ, và sẽ để người khác bảo họ được phép cảm nhận những gì. Trong hầu hết các trường hợp, điều này thực sự là rất ít. Nhưng tôi không thể tưởng tượng rằng nó cứ mãi thế này. Ở một nơi nào đó, một lúc nào đó, sẽ có cuộc nổi dậy và sẽ chấm dứt cái quá trình lừa mị lẫn nhau. Nó sẽ bị chặn lại khi mọi người có đủ can đảm để vượt qua nỗi sợ hãi có thể hiểu được của họ, để nói ra, cảm nhận và công bố sự thật và giao tiếp với những người khác trên cơ sở này.
Một khi chúng ta nhận ra nguồn năng lượng dồi dào mà trẻ em có thể huy động để tồn tại trong sự lạm dụng và bạo hành cực độ, mọi thứ đột nhiên bắt đầu lạc quan hơn. Khi đó, thật dễ dàng để tưởng tượng rằng thế giới của chúng ta có thể trở nên tốt đẹp hơn nhiều nếu những đứa trẻ đó (như Rimbaud, Schiller, Dostoevsky và Nietzsche) có thể sử dụng nguồn năng lượng gần như vô hạn của mình cho những mục đích khác, hiệu quả hơn thay vì chỉ để chiến đấu vì sự sống còn của bản thân.
THÂN THỂ LÀ NGƯỜI GIỮ GÌN SỰ THẬT
CÂU CHUYỆN CỦA ELIZABETH, 28 tuổi, cho chúng ta thấy rõ việc tách khỏi cha mẹ có thể đau đớn đến mức nào, và cuối cùng có thể thành công ra sao. Cô viết:
Mẹ tôi đã vô cùng tàn nhẫn với tôi khi tôi còn nhỏ. Bà ấy sẽ đấm vào đầu tôi, ném tôi vào tường và kéo tóc tôi nếu mọi chuyện không vừa ý bà. Tôi không có cách nào ngăn chặn điều này, bởi vì tôi không bao giờ có thể hiểu được nguyên nhân thực sự của những đợt bùng phát như vậy để tránh chúng vào lần tiếp theo. Vì vậy, tôi đã cố gắng hết sức để phát hiện những thay đổi nhỏ nhất trong tâm trạng của mẹ từ sớm, với hi vọng có thể tránh những cơn thịnh nộ của mẹ bằng việc thích nghi với chúng theo một cách nào đó. Đôi khi tôi thành công, nhưng hầu hết thời gian thì tôi không làm được.
Một vài năm trở lại đây, tôi bắt đầu bị trầm cảm. Tôi đã đến gặp một nhà trị liệu và kể cho cô ấy nghe rất nhiều điều về thời thơ ấu của tôi. Lúc đầu, mọi thứ thực sự diễn ra rất tốt. Cô ấy trông có vẻ như đang lắng nghe tôi và điều đó khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đôi khi cô ấy nói những điều tôi không thích lắm. Nhưng, như mọi khi, tôi cố gắng bỏ qua cảm xúc của bản thân và thích nghi với tâm lí của cô ấy. Cô ấy dường như bị ảnh hưởng nhiều bởi triết học phương Đông. Lúc đầu, tôi nghĩ điều này không làm phiền tôi miễn là cô ấy sẵn sàng lắng nghe những gì tôi nói ra. Sau đó, bác sĩ trị liệu của tôi bắt đầu cố gắng thuyết phục tôi rằng phải làm hòa với mẹ mình nếu tôi không muốn cả đời chìm đắm trong sự thù hận. Sau đó, tôi thực sự mất bình tĩnh và chấm dứt quá trình trị liệu. Tôi nói với bác sĩ trị liệu của mình rằng tôi hiểu cảm giác về mẹ rõ hơn là cô ấy.
Tất cả những gì tôi phải làm là lắng nghe cơ thể của chính mình, bởi vì trong tất cả những lần gặp gỡ với mẹ, các triệu chứng về thể chất của tôi trở nên nghiêm trọng ngay khi bắt đầu dồn nén cảm xúc của mình. Về mặt này, cơ thể tôi chứng tỏ rằng nó hoàn toàn không sai và ấn tượng của tôi là nó biết rất rõ sự thật của tôi; tốt hơn so với bản thân có ý thức của tôi, nó biết tất cả những gì tôi đã trải qua với mẹ. Nó không cho phép tôi bóp méo bản thân để tuân thủ các quy định hoặc giới luật thông thường. Miễn là tôi thực hiện các thông điệp của nó một cách nghiêm túc và hành động phù hợp với chúng, tôi không còn bị chứng đau nửa đầu và đau thắt lưng, và tôi không cảm thấy bị cô lập. Tôi đã tìm thấy những người mà tôi có thể nói với họ về thời thơ ấu của mình, những người hiểu tôi vì họ cũng có những kí ức tương tự, và tôi không có ý định hỏi ý kiến bác sĩ trị liệu nào nữa.
Thật tuyệt nếu tôi có thể tìm được một người cho phép tôi là chính mình như hiện tại, để tôi nói tất cả những điều tôi muốn nói, không ép buộc tôi bằng những bài giảng đạo đức. Điều này có thể giúp tôi hòa nhập với những kí ức đau buồn của mình. Nhưng tôi đang trên con đường làm điều đó như nó vốn phải là, với sự giúp đỡ của một số người bạn. Tôi gần gũi với cảm xúc của chính mình hơn bao giờ hết. Tôi có thể bày tỏ chúng trong hai nhóm tự giúp bản thân và thử một hình thức giao tiếp mới mà tôi cảm thấy thoải mái. Kể từ khi tôi bắt đầu làm điều đó, những chứng bệnh về thể chất và chứng trầm cảm của tôi ít nhiều đã biến mất.
Điều này nghe có vẻ rất đáng khích lệ, vì vậy không có gì ngạc nhiên đối với tôi, một năm sau, khi Elizabeth viết cho tôi lần nữa để kể rằng:
Tôi không sử dụng bất kì liệu pháp trị liệu nào nữa và tôi vẫn ổn. Tôi đã không gặp mẹ tôi một lần nào trong năm nay và tôi cảm thấy không cần phải làm như vậy. Những kí ức về sự tàn nhẫn của bà đối với tôi khi còn nhỏ sống động đến nỗi chúng bảo vệ tôi khỏi bất kì ảo tưởng nào mà tôi có thể có và cũng giúp tôi thoát khỏi những kì vọng rằng bà có thể trao tôi điều gì đó , điều mà tôi đã bỏ lỡ khi còn nhỏ. Mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn bỏ lỡ nó, nhưng bây giờ tôi đã biết chính xác nơi tìm kiếm nó dù hoàn toàn vô ích. Trái ngược với những gì bác sĩ trị liệu của tôi đã dự đoán, tôi không cảm thấy thù hận gì trong mình. Tôi không cần phải ghét mẹ vì tôi không còn phụ thuộc vào tình cảm của mẹ.
Bác sĩ trị liệu của tôi không hiểu được điều đó. Cô ấy muốn giải thoát cho tôi khỏi sự hận thù mà không nhận ra rằng cô ấy đang vô tình đẩy tôi vào sự hận thù đó, sự hận thù là biểu hiện cho sự phụ thuộc của tôi vào tình cảm của mẹ và cô ấy lại định tạo ra nó lần nữa. Nếu tôi nghe theo lời khuyên của bác sĩ trị liệu, thì sự căm ghét đó sẽ lại bùng lên. Hiện nay, tôi không còn phải đau khổ vì sự giả vờ rằng tôi có tình cảm với mẹ nữa. Tôi không còn phụ thuộc vào tình cảm của bà nữa. Đó là lí do tại sao không còn hận thù trong tôi. Đấy luôn là sự căm ghét của một đứa trẻ bị phụ thuộc và có lẽ tôi sẽ kéo dài nó với bác sĩ trị liệu của mình nếu tôi không rời bỏ cô ấy kịp thời.
Tôi rất vui về giải pháp mà Elizabeth đã tìm ra. Nhưng còn những người chưa được khai sáng trí về tuệ và sức mạnh như vậy thì sao? Những người như vậy thực sự cần một nhà trị liệu có thể hỗ trợ họ trong việc tìm kiếm bản thân mà không đưa ra những tuyên bố về đạo đức đối với họ. Đọc các bản tường thuật về các liệu pháp trị liệu thành công và không thành công có lẽ sẽ nâng cao nhận thức của các nhà trị liệu, để họ có thể tự giải thoát khỏi nọc độc của phương pháp sư phạm độc hại và không tiếp tục truyền bá nó khi làm việc.
Việc chúng ta có phải cắt đứt mọi liên lạc với cha mẹ hay không không phải vấn đề. Quá trình tách biệt, con đường từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, diễn ra bên trong chúng ta. Đôi khi cắt đứt mọi liên lạc là cách duy nhất để chúng ta có thể sống theo nhu cầu của chính mình. Và nếu sự tiếp xúc có vẻ có ý nghĩa, thì nó chỉ nên xảy ra khi chúng ta đã biết rõ ràng về những gì chúng ta có thể và không thể nắm giữ, chỉ sau khi chúng ta biết những gì đã xảy ra với chúng ta đồng thời có thể đánh giá tác động nó đã gây ra và nó có ảnh hưởng gì đến chúng ta. Mỗi câu chuyện cuộc sống của mỗi cá nhân đều khác nhau và hình thức bên ngoài mà các mối quan hệ biểu hiện ra có thể cho thấy vô số biến đổi. Nhưng có ba yếu tố phổ biến:
1. Những vết thương cũ chỉ có thể lành lại khi những người sống sót sau sự ngược đãi đã đưa ra quyết định có lợi cho bản thân và đi đến sự thay đổi, khi họ đã quyết định tôn trọng bản thân và có thể tự giải thoát mình khỏi sự kì vọng của đứa trẻ bên trong.
2. Cha mẹ sẽ không tự động thay đổi chỉ vì con cái đã hiểu biết và tha thứ. Chỉ họ mới có thể tạo ra sự thay đổi như vậy, nếu họ thực sự muốn.
3. Chừng nào nỗi đau sinh ra từ những tổn thương đó còn bị phủ nhận, sẽ có ai đó phải trả giá bằng sự tỉnh táo và sức khỏe hoặc là những nạn nhân trước đó hoặc con cái của họ.
Những đứa trẻ bị đối xử tệ bạc và do đó đã không thể trưởng thành thì sẽ cố gắng cả đời để đi tìm những “mặt tốt” của những kẻ đã hành hạ chúng và sẽ gắn tất cả hi vọng và kì vọng vào nỗ lực đó. Chẳng hạn, đây là thái độ được Elizabeth chấp nhận đầu tiên: “Đôi khi mẹ tôi đọc cho tôi một câu chuyện và điều đó thật tuyệt. Đôi khi bà tin tôi và kể cho tôi nghe về những lo lắng của bà. Khi đó, tôi cảm thấy như mình là người được chọn. Bà sẽ không bao giờ đánh tôi vào những dịp như vậy, vì vậy tôi cảm thấy như mình đã thoát khỏi nguy hiểm.” Những câu chuyện như thế này làm tôi nhớ đến mô tả của lmre Kertész về việc ông đến trại Auschwitz. Ông luôn luôn nhìn vào mặt tích cực, để chống lại nỗi sợ hãi mà ông cảm thấy theo bản năng, và do đó có thể sống sót. Nhưng Auschwitz vẫn là Auschwitz với tất cả sự khủng khiếp. Mãi hàng chục năm sau, ông mới có thể đánh giá và thực sự cảm nhận được những gì mà hệ thống hạ nhục nhân phẩm khủng khiếp này đã gây ra cho con người bên trong của mình.
Đề cập đến Kertész và những trải nghiệm trong trại tử thần của ông, tôi không muốn nói là người ta không nên tha thứ cho cha mẹ của mình nếu họ nhận ra những gì họ đã làm và xin lỗi. Điều này có thể xảy ra, nếu cha mẹ bắt đầu dám cảm nhận và từ đó có thể hiểu được nỗi đau mà họ đã gây ra cho con mình. Nhưng điều này là rất hiếm. Những gì thường xuyên xảy ra là sự tiếp tục của mối quan hệ phụ thuộc, hết lần này đến lần khác, hết cách này đến cách khác. Những bậc cha mẹ già yếu tìm kiếm sự hỗ trợ từ những đứa con trưởng thành của họ và sử dụng công cụ buộc tội hữu hiệu để có được lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn này có thể chính là thứ đã cản trở sự phát triển của đứa trẻ - một sự phát triển đến tuổi trưởng thành. Những đứa trẻ không được chào đón sẽ luôn sợ hãi về nhu cầu cuộc sống của chính chúng.
Tri giác được lưu giữ trong cơ thể của một đứa trẻ không được chào đón là một tri giác bị dồn nén, nhưng nó vẫn chính xác: “Họ muốn giết tôi. Tôi đang gặp nguy hiểm đến tính mạng.” Tri giác này có thể biến mất khỏi tâm trí người lớn một khi nó đã trở thành ý thức. Sau đó, cảm xúc trước đây (sợ hãi, lo lắng, căng thẳng) sẽ biến thành kí ức và nói rằng: “Trước đây tôi đã từng gặp nguy hiểm, nhưng giờ thì hết rồi.” Thông thường, một kí ức có ý thức như vậy có sau hoặc đi kèm với trải nghiệm của những cảm xúc cũ và cảm giác đau buồn.
Một khi chúng ta đã học cách sống với cảm xúc của mình và không chiến đấu chống lại chúng, chúng ta thấy những biểu hiện trên cơ thể mình không phải là mối nguy hiểm mà là những dấu hiệu hữu ích về lịch sử cá nhân của chính ta.
TÔI CÓ THỂ NÓI RA KHÔNG?
TÔI CÓ THỂ NHỚ RÕ những nỗi sợ hãi đã ám ảnh tôi khi tôi viết cuốn Thou Shalt Not Be Aware. Vào thời điểm đó, tôi rất quan tâm đến thực tế là trong 300 năm Giáo hội Công giáo La Mã đã có thể thành công phủ nhận sự thật về những khám phá của Galileo Galilei, và rằng cơ thể của ông đã phản ứng bằng cách khiến ông bị mù khi ông buộc phải nói ngược những gì ông đã tìm ra. Một cảm giác bất lực ập xuống tôi. Tôi biết khá chắc chắn rằng mình đã thách thức một luật bất thành văn, sự bóc lột tàn khốc đối với trẻ em vì nhu cầu trả đũa của cha mẹ chúng và sự cấm kị mà xã hội đặt lên thực tế đó. Chúng ta không được biết.
Chẳng phải tôi đã có nguy cơ phải chịu những hình phạt nghiêm trọng nhất nếu khăng khăng vi phạm điều cấm kị đó sao? Nhưng nỗi sợ hãi cũng giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều, một trong số đó là việc Freud đã phản bội những hiểu biết của chính mình vì lí do đó. Tôi có nên đi theo bước chân của ông ấy và thu hồi những hiểu biết mà tôi đã có được về tần suất và hậu quả của việc lạm dụng đối với trẻ em, để bản thân không bị tấn công và phủ nhận nữa? Có lẽ nào tôi thực sự đã thấy một thứ mà rất nhiều người tôn thờ Freud một cách vô điều kiện đã không thấy: sự tự lừa dối của ông ấy? Tôi nhớ rằng, bất cứ khi nào tôi bắt đầu thương lượng với chính mình, cố gắng tìm ra một thỏa hiệp hoặc tự hỏi bản thân rằng liệu có lẽ chỉ nên tiết lộ một phần sự thật hay không, thì tôi luôn gặp các triệu chứng liên quan đến thể chất. Tôi gặp vấn đề về tiêu hóa, không ngủ được và bị trầm cảm. Chỉ khi tôi nhận ra rằng không có sự thỏa hiệp nào nữa, những triệu chứng đó mới biến mất.
Phản ứng đối với việc công khai sự thật là một sự khước từ hoàn toàn, cả với tôi và cuốn sách của tôi, bởi thế giới khoa học, một thế giới mà tôi vẫn cảm thấy “như ở nhà” vào thời điểm đó. Đến nay sự khước từ vẫn còn. Nhưng tôi không còn là một đứa trẻ và cuộc sống của tôi không còn phụ thuộc vào sự công nhận từ “gia đình”. Cuốn sách đã tìm thấy con đường của nó. Ngày nay, những tuyên bố “bị cấm kị” trong đó đã ít nhiều được coi là đương nhiên, cả từ phía người không chuyên và chuyên gia. Kể từ đó, nhiều người đã đồng tình với lời chỉ trích của tôi đối với Freud và hậu quả nặng nề của hành vi tàn ác, lạm dụng đối với trẻ em hiện đang được các chuyên gia chú ý nhiều hơn. Tôi không bị đưa lên đoạn đầu đài và tôi đã nghe thấy tiếng nói của mình tự khẳng định. Từ kinh nghiệm này, tôi tin tưởng rằng cuốn sách Cơ thể không bao giờ nói dối này cũng sẽ được đồng quan điểm với độc giả. Ban đầu, nó có thể là một cú sốc đối với một số người. Nhưng nhiều người muốn hiểu bản thân sẽ hiểu cuốn sách. Hiệu ứng sốc cũng sẽ biến mất, ngay khi mọi người nhận ra rằng họ không đơn độc với những kiến thức của mình và trên hết - họ không còn phải đối mặt với những nguy hiểm thời thơ ấu.
TRƯỜNG HỢP CỦA JUDITH mà tôi sẽ kể tiếp ở đây một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của một nhà trị liệu phù hợp. Judith, hiện 40 tuổi, khi còn nhỏ đã bị cha mình lạm dụng tình dục theo cách tàn bạo nhất có thể tưởng. Mẹ không bao giờ bảo vệ cô. Trong quá trình trị liệu, Judith đã thành công trong việc đảo ngược sự dồn nén và chữa khỏi các triệu chứng bệnh, một khi cô đã đạt được sự xa cách với cha mẹ mình. Nhưng nỗi sợ hãi về sự trừng phạt, thứ mà cô vẫn tách rời cho đến khi bắt đầu trị liệu và chỉ học cách cảm nhận nó thông qua trị liệu, vẫn tồn tại trong cô trong một thời gian dài. Điều này phần lớn là do ý kiến của bác sĩ trị liệu rằng cô sẽ không thể lấy lại sức khỏe và sự tỉnh táo hoàn toàn chừng nào còn cắt đứt hoàn toàn với cha mẹ mình. Theo đó, Judith đã cố gắng tiếp cận mẹ và nói chuyện với bà. Trong mọi trường hợp, phản ứng đều là sự từ chối và lên án hoàn toàn. Mẹ cô nói, “Có những điều mà một người không bao giờ được nói với cha mẹ của mình trong bất kì hoàn cảnh nào.” Sự buộc tội và chỉ trích đã giáng thẳng vào Điều Răn Thứ Tư, và do đó đây là một sự xúc phạm đối với Đức Chúa Trời.
Những câu trả lời của mẹ đã giúp Judith thấy được những hạn chế của bác sĩ trị liệu của cô, người mà bản thân cũng là tù nhân của những quan điểm máy móc này. Điều này cũng đã tạo cho cô một niềm tin sai lầm rằng mình biết tất cả về những điều mà một người có thể làm, phải làm hoặc không được làm. Với sự giúp đỡ của một bác sĩ trị liệu khác, Judith nhận ra rằng cơ thể mình biết ơn cô ấy như thế nào vì đã không còn ép mình vào những mối quan hệ như thế này nữa. Khi còn nhỏ cô đã không có sự lựa chọn này. Cô bị buộc phải sống với một người mẹ thờ ơ khi cô phải chịu đựng và đáp lại mọi điều mà Judith đã nói với bà một cách giáo điều. Bất cứ khi nào Judith nói điều gì không phù hợp với những giáo điều đó, bất cứ điều gì có thật và hoàn toàn của riêng mình, thì cô sẽ bị trừng phạt với sự từ chối hoàn toàn. Sự từ chối như vậy có ảnh hưởng đối với đứa trẻ tương tự như việc mất mẹ và do đó nó tương đương với một tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Nỗi sợ hãi về mối nguy hiểm này không thể nguôi ngoai trong lần trị liệu đầu tiên vì những tuyên bố đạo đức mà bác sĩ trị liệu của cô liên tục đưa ra đã mang lại nguồn dinh dưỡng mới cho cảm giác này.
Những ảnh hưởng mà tôi đang nói đến ở đây thường rất tinh tế, đủ tinh tế để không thể nhận thấy được. Lí do là chúng hòa hợp hoàn toàn với các giá trị truyền thống mà chúng ta đã lớn lên cùng. Điều đó đã được coi là điều hiển nhiên từ lâu - và ngày nay vẫn còn - đó là Điều Răn Thứ Tư phải được tuân theo, rằng tất cả các bậc cha mẹ đều có quyền được tôn vinh ngay cả khi họ có những hành vi hủy hoại đối với con cái. Nhưng ngay sau khi chúng ta chọn không tham gia hệ thống giá trị này, ta sẽ coi việc một người phụ nữ trưởng thành được mong đợi để tôn kính cha mẹ của mình là hoàn toàn vô lí, vì họ đã đối xử tàn nhẫn hoặc đã chỉ nhìn mà không can thiệp giúp đỡ cô.
Tuy nhiên, điều vô lí này thường được coi là bình thường. Thật đáng kinh ngạc khi thấy ngay cả những nhà trị liệu và tác giả nổi tiếng cũng không tránh khỏi quan điểm rằng nếu thuyết phục được thân chủ tha thứ cho cha mẹ thì đó là vinh quang tột đỉnh của một quá trình trị liệu thành công. Mặc dù ngày nay quan điểm này không còn chắc chắn như vài năm trước đây, nhưng những kì vọng gắn liền với nó là không thể nhầm lẫn và chứa đựng thông điệp hãy coi chừng nếu bất chấp Điều Răn Thứ Tư! Trong khi các tác giả này thường nói rằng không nên vội vàng, không nên tha thứ ngay khi bắt đầu trị liệu vì trước tiên cần phải thừa nhận những cảm xúc mạnh mẽ liên quan, nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng một ngày nào đó thân chủ phải đủ trưởng thành để tha thứ. Về điểm này, dường như có sự thống nhất chung. Các chuyên gia này cho rằng mục tiêu của liệu pháp trị liệu là có thể hết lòng tha thứ cho cha mẹ. Tôi tin rằng đây là ý kiến sai lầm. Mục tiêu của một liệu pháp thành công là giải phóng khỏi sự phụ thuộc đau đớn - không phải là sự hòa giải, vốn chỉ là nhu cầu đạo đức chứ không phải nhu cầu thể lí. Cơ thể không chỉ bao gồm trái tim, và bộ não của chúng ta không phải chỉ là một thùng chứa để những điều vô lí và mâu thuẫn này được trút vào trong các lớp học giáo lí. Nó là một bộ phận lưu giữ lại kí ức hoàn chỉnh về mọi thứ đã xảy ra với nó. Bất cứ ai thực sự có cái nhìn sâu sắc này sẽ nói, “Chúa Trời không thể mong đợi tôi tin một điều gì đó mà tôi thấy là mâu thuẫn và có hại cho tôi.”
Liệu chúng ta có thể mong đợi các nhà trị liệu sẽ chống lại các hệ thống giá trị của cha mẹ chúng ta để giúp ta tìm ra chân lí của mình, nếu điều này là cần thiết? Tôi tin rằng chúng ta có thể và phải mong đợi điều này khi bắt tay vào một liệu trình trị liệu, đặc biệt nếu chúng ta đã đạt đến giai đoạn có thể bắt đầu coi trọng các thông điệp của cơ thể mình. Dagmar, một phụ nữ trẻ, viết:
Mẹ tôi bị bệnh tim. Tôi muốn đối xử tốt với bà và nói chuyện với bà bên giường bệnh. Tôi cố gắng đến gặp bà thường xuyên nhất có thể. Nhưng mỗi khi tôi đến, tôi lại bắt đầu có những cơn đau đầu không thể chịu đựng nổi. Tôi thức dậy trong đêm, mồ hôi đầm đìa và cuối cùng rơi vào tâm trạng chán nản với ý nghĩ tự tử. Trong giấc mơ, tôi thấy mình giống như đứa trẻ mà bà từng kéo lê lết trên sàn nhà, khóc mãi. Làm thế nào tôi có thể dung hòa tất cả những điều đó với nhau? Tôi phải đi gặp bà vì bà là mẹ tôi. Nhưng tôi không muốn tự sát và tôi không muốn bị bệnh. Tôi cần ai đó giúp đỡ, nói cho tôi biết làm thế nào để tôi có thể tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn. Tôi không muốn nói dối chính mình và tôi không muốn nói dối mẹ tôi bằng cách đóng vai cô con gái nhỏ thân yêu của bà nữa. Nhưng tôi không muốn nhẫn tâm và bỏ mặc bà một mình với bệnh tật.
Một vài năm trước, Dagmar đã hoàn thành một khóa trị liệu, ở đó cô đã tha thứ cho mẹ mình với những hành vi tàn ác mà bà đã gây ra cho cô. Nhưng đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo của mẹ, đối mặt những cảm xúc xưa cũ mà cô cảm nhận được khi còn là một đứa trẻ, cô không biết phải giải quyết ra sao. Cô thà tự kết liễu đời mình còn hơn là đáp ứng kì vọng của mẹ, của xã hội, của các bác sĩ trị liệu cho cô. Cô không muốn gì hơn là được về thăm mẹ với tư cách là một người con gái yêu thương, nhưng cô không thể làm như vậy mà không tự lừa dối mình. Cơ thể cô nói với cô một cách rất rõ ràng.
Trong ví dụ này, tôi không có ý nói rằng người ta không nên yêu thương cha mẹ khi họ cận kề cái chết. Đây là điều mà mỗi người sẽ phải tự quyết định. Nhưng nếu cơ thể chúng ta nhắc nhở một cách nghiêm khắc về những sự tàn nhẫn mà ta đã từng phải chịu đựng, thì ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải nghiêm túc lắng nghe những gì cơ thể đang nói với ta. Đôi khi, những người hoàn toàn xa lạ có thể là người bạn đồng hành tốt hơn cho những bậc cha mẹ đang lâm chung, vì họ đã không phải chịu đau đớn dưới tay những bậc này. Họ không cần buộc mình phải nói dối, họ không cần phải trả giá cho những gì họ làm với căn bệnh trầm cảm và họ có thể thể hiện lòng trắc ẩn của mình mà không cần phải giả vờ. Nhưng một người con trai hoặc con gái có thể đấu tranh vô ích để có được cảm giác tử tế và cảm thông, những cảm giác ngoan cố và khó có được. Lí do cho điều này là những đứa trẻ trong họ khi trưởng thành vẫn gắn bó với cha mẹ với tất cả những kì vọng mà họ đã nuôi dưỡng một cách vô ích trong suốt những năm qua. Khi cha mẹ của họ sắp qua đời, vào giây phút cuối cùng, họ tuyệt vọng chấp nhận và xác nhận rằng họ chưa bao giờ cảm thấy cha mẹ hiện diện trong cuộc đời của mình. Dagmar viết:
Mỗi khi nói chuyện với mẹ, tôi cảm thấy có một chất độc truyền vào người và hình thành vết loét ở đó. Tôi cố gắng không nhìn nó như vậy, bởi nếu làm thế tôi có cảm giác tội lỗi. Sau đó, vết loét bắt đầu lành lại và mỗi lần tôi đều rơi vào trạng thái trầm cảm. Tôi cố gắng thừa nhận cảm xúc thật của mình và tự nhủ mình có quyền cảm nhận chúng, thấy được mức độ giận dữ của mình. Khi tôi thừa nhận cảm xúc của mình, mặc dù không phải lúc nào cũng là cảm xúc tốt, tôi lại bắt đầu thở được. Tôi bắt đầu cho phép mình sống với cảm xúc thật của mình. Nếu tôi thành công trong việc đó, tôi cảm thấy tốt hơn, có sức sống hơn và chứng trầm cảm của tôi biến mất.
Vậy mà tôi dường như không thể từ bỏ việc cố gắng hiểu mẹ, chấp nhận mẹ như hiện tại, tha thứ cho tất cả những gì mẹ đã làm. Tôi phải trả giá cho nó mỗi khi bị trầm cảm. Tôi không biết liệu nhận thức này có đủ để chữa lành vết thương hay không, nhưng tôi rất coi trọng trải nghiệm của mình - không giống như bác sĩ trị liệu đầu tiên của tôi, người luôn cố gắng giúp tôi cải thiện mối quan hệ với mẹ. Cô ấy không thể chấp nhận nó theo cách này. Tôi cũng vậy, nhưng làm sao tôi có thể tôn trọng bản thân nếu tôi không coi trọng cảm xúc thật của mình? Nếu tôi không làm điều đó, tôi không biết tôi là ai, tôi không biết ai là người mà tôi cần tôn trọng.
Mong muốn này khác với cách chúng ta làm để giúp cuộc sống của cha mẹ lúc về già dễ dàng hơn, và có lẽ cuối cùng chúng ta cũng nhận được tình yêu thương từ họ là điều dễ hiểu. Nhưng nó đối lập trực tiếp với nhu cầu chân chính, được củng cố bởi cơ thể, được sống đúng với bản thân của chúng ta. Tôi tin rằng sự tự tôn sẽ đến theo cách riêng của nó một khi nhu cầu chân chính này có thể được thỏa mãn.
THÀ GIẾT CÒN HƠN CẢM NHẬN SỰ THẬT
CHO ĐẾN GẦN ĐÂY, hiện tượng những kẻ giết người hàng loạt chủ yếu được thảo luận bởi các chuyên gia tâm thần. Những người có thẩm quyền này ít chú ý về thời thơ ấu của những kẻ tội phạm và về cơ bản họ coi tội phạm là những người nhân chi sơ tính bản ác. Trong vài thập kỉ gần đây, mọi thứ dường như đang thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, và có một mối quan tâm thực sự cần làm sáng tỏ. Một bài báo năm 2003 trên tờ Le Monde23 của Pháp đã đi vào chi tiết đáng kinh ngạc về thời thơ ấu của Patrice Alègre, kẻ đã sát hại năm phụ nữ và hãm hiếp một phụ nữ thứ sáu trong khoảng thời gian từ 1990 đến 1997 và những sự kiện được đề cập đến ở đó đã giải thích rõ ràng tại sao người đàn ông này lại phạm tội ác khiến anh ta vào tù chung thân. Để hiểu làm thế nào những vụ giết người kinh hoàng như vậy xảy ra, chúng ta không cần đến các lí thuyết tâm lí phức tạp hay giả định đơn giản như một số người sinh ra đã là ác quỷ. Những gì chúng ta cần là cái nhìn sâu sắc về môi trường gia đình mà đứa trẻ lớn lên. Nhưng cái nhìn sâu sắc như vậy là rất hiếm, bởi vì cha mẹ của tên tội phạm hầu như luôn được đối xử khoan dung và được miễn tội.
Chú thích:
23 Alexandre Garcia, Patrice Alegre: Portraite dun Psychopathe, Le Monde, ngày 7 tháng Sáu năm 2003.
Bài báo trên Le Monde có một quan điểm khác. Trong một vài đoạn văn, thời thơ ấu của tên tội phạm đã được trình bày sơ lược và không còn chút nghi ngờ nào nữa về nguyên nhân hình thành hành vi gây án. Patrice Alègre là con đầu lòng không mong muốn của một cặp vợ chồng rất trẻ. Cha của anh ta là một cảnh sát và trong quá trình tố tụng, Patrice nói với tòa án rằng, ngay khi anh ta về nhà, ông ta sẽ bắt đầu đánh đập và mắng mỏ con trai mình. Patrice ghét cha mình và dựa dẫm vào mẹ, người được cho là yêu anh và là người anh luôn phục vụ vô điều kiện. Bà ấy là gái mại dâm và bà ấy đã sử dụng đứa trẻ như một kẻ canh chừng khi bà ấy tiếp khách. Patrice phải đứng ở cửa và báo động bất cứ khi nào có nguy hiểm xảy ra (có lẽ là khi người cha hay nóng giận trở về). Patrice cho biết, dù không phải lúc nào cũng phải theo dõi những gì đang diễn ra trong phòng bên cạnh, nhưng anh đã phải lắng tai canh chừng và hứng chịu vô vàn những tiếng rên rỉ và thút thít của mẹ mình. Khi còn là một đứa trẻ, anh đã quan sát thấy bà ấy quan hệ tình dục bằng miệng, một cảnh tượng khiến anh hoảng loạn và sợ hãi.
Có thể những đứa trẻ trải qua số phận bi đát như vậy sau đó không trở thành tội phạm. Trẻ em thường có nguồn dự trữ gần như vô tận để vượt qua chuyện này. Một đứa trẻ như vậy thậm chí có thể đạt được danh tiếng, như Edgar Allan Poe, người rốt cuộc đã uống say đến chết, hay Guy de Maupassant, người đã “chấp nhận” tuổi thơ đầy bối rối và bi kịch của mình bằng cách sống với quá khứ trong không dưới 300 truyện ngắn. Nhưng, giống như người em trai, ông cũng trở thành một người tâm thần và chết trong nhà thương điên ở tuổi bốn mươi hai.
Patrice Alègre đã không có may mắn tìm được dù chỉ một người để có thể cứu anh khỏi địa ngục mà anh bị mắc kẹt trong đó và giúp anh nhìn thấy tội ác của cha mẹ mình. Do đó, anh đã tin rằng môi trường trước mắt mình chính thế giới. Anh đã làm mọi cách để khẳng định mình trong thế giới đó và thoát khỏi uy quyền toàn năng của cha mẹ bằng trộm cắp, ma túy và bạo lực. Anh nói thật với tòa rằng khi hãm hiếp nạn nhân, anh ta không có bất kì ham muốn tình dục nào, chỉ đơn thuần là nhu cầu về quyền năng. Chúng ta chỉ có thể hi vọng rằng những tuyên bố này sẽ khai sáng cho các tòa án về những gì họ thực sự quan tâm. Khoảng ba mươi năm trước, một tòa án tại Đức đã ra phán quyết rằng kẻ sát nhân trẻ em Jürgen Bartsch - nạn nhân của sự tàn ác cực độ về tinh thần do mẹ mình gây ra, nên bị thiến, với hi vọng rằng cuộc phẫu thuật này sẽ ngăn anh ta có những ham muốn tình dục đối với trẻ nhỏ. Thật là một hành động kì cục, vô nhân đạo và thiếu hiểu biết!24
Chú thích:
24 Tham khảo cuốn For Your Own Good của Alice Miller
Rốt cuộc, tòa án cần phải nhận ra rằng kẻ gây ra vụ giết người hàng loạt thực sự chính là khát vọng có được quyền năng của một đứa trẻ đã bị coi thường, bị bỏ rơi và bị bất lực suốt đời. Điều này rất ít liên quan đến tình dục, trừ khi cảm giác bất lực bị ràng buộc với trải nghiệm loạn luân.
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn đó: Patrice thực sự không có lối thoát nào khác ngoài việc giết, bóp cổ những người phụ nữ này khi họ rên rỉ và kêu van? Một người quan sát độc lập sẽ nhanh chóng nhận ra rằng anh ta nhìn thấy chính mẹ của mình ở tất cả những người phụ nữ khác nhau này khi anh ta bóp cổ họ hết lần này đến lần khác. Trong mỗi lần như vậy, anh ta giết cái người đã buộc mình phải chịu đựng những cực hình không thể diễn tả được khi còn nhỏ. Bản thân anh cũng khó nhận ra sự thật đó. Do đó anh ta cần nạn nhân. Thậm chí ngày nay, anh ta vẫn khẳng định rằng anh ta yêu mẹ của mình. Bởi vì không có ai giúp anh ta, không có nhân chứng giác ngộ đứng bên cạnh anh ta và giúp anh ta thừa nhận chính mình, nhận thức và hiểu ước muốn giết chết người mẹ của anh ta, những mong muốn đó nảy nở trong anh ta và buộc anh ta phải giết những người phụ nữ khác thay thế.
“Liệu có đơn giản như vậy không?” - nhiều bác sĩ tâm thần sẽ hỏi. Câu trả lời của tôi là có, nó đơn giản hơn nhiều so với những gì chúng ta buộc phải học để hiếu kính cha mẹ và không cảm thấy sự căm ghét mà họ đáng phải chịu. Nhưng lòng căm thù của Patrice sẽ không giết chết bất cứ ai nếu anh ta trải qua nó với sự tỉnh táo. Sự thù hận này là kết quả của sự gắn bó vẫn luôn được ca ngợi, sự gắn bó với mẹ, một sự ràng buộc đã khiến anh phải giết người. Khi còn nhỏ, vì sống với một người cha vốn là một mối nguy hiểm thường trực nên anh ta chỉ có mẹ bảo vệ. Làm thế nào một đứa trẻ sống trong nỗi sợ hãi đến chẳng thể gọi tên cha có thể đủ sức ghét bỏ mẹ hay ít nhất là nhận ra rằng nó không thể mong đợi bất kì sự giúp đỡ nào từ mẹ? Một đứa trẻ như vậy phải hình thành một ảo tưởng và bám vào ảo ảnh đó. Cái giá cho sự ảo tưởng đó đã phải trả trong vụ án này bởi những nạn nhân của anh ta. Cảm xúc không giết chết bất cứ ai. Trải nghiệm có ý thức về sự thất vọng do mẹ của Patrice gây ra, hoặc thậm chí là mong muốn bóp cổ bà, sẽ không giết chết bất cứ ai. Chính sự dồn nén những mong muốn đó, gạt bỏ tất cả những cảm xúc tiêu cực hướng về người mẹ một cách vô thức, đã đẩy anh đến những tội ác khủng khiếp của mình.
CHẤT KÍCH THÍCH VÀ SỰ LỪA DỐI THÂN THỂ
KHI CÒN NHỎ, tôi phải học cách kiềm chế những phản ứng hoàn toàn tự nhiên của mình đối với những tổn thương gây ra cho tôi, những phản ứng như thịnh nộ, tức giận, đau đớn và sợ hãi. Nếu không thì tôi sẽ bị trừng phạt. Sau đó, khi đi học ở trường, tôi tự hào về kĩ năng mà tôi đã phát triển trong việc kiểm soát và kiềm chế những cảm giác này. Tôi coi khả năng này là một đức tính tốt và tôi cũng mong đứa con đầu lòng của mình đạt được kỉ luật tương tự. Chỉ sau khi tôi thành công trong việc giải phóng bản thân khỏi thái độ này, tôi mới có thể hiểu được nỗi đau khổ của những đứa trẻ bị cấm đối phó với những tổn thương theo cách thích hợp và hòa mình vào cảm xúc của chúng trong một môi trường nhân từ, để trong cuộc sống sau này, chúng có thể chịu đựng những cảm giác mà chúng thực sự có, thay vì sợ hãi khi phải đối mặt với những cảm giác này.
Thật không may, có rất nhiều người đã trải qua những điều tương tự như tôi. Không thể thể hiện cảm xúc mạnh mẽ của mình khi còn nhỏ, họ không có kinh nghiệm thực tế về chúng và sau này họ vô tình bỏ lỡ trải nghiệm này. Trong liệu pháp trị liệu, một vài người trong số họ thành công trong việc tìm và trải nghiệm những cảm xúc bị dồn nén của họ. Sau đó, họ có thể biến chúng thành những cảm giác có ý thức mà họ có thể hiểu được dựa trên lịch sử cuộc sống của chính mình và họ không còn cần phải sợ hãi. Nhưng những người khác từ chối khóa học này vì họ không thể hoặc không muốn tâm sự những trải nghiệm bi thảm của mình với người khác. Thái độ như vậy phổ biến trong xã hội tiêu dùng ngày nay của chúng ta. Việc không thể hiện cảm xúc của bản thân được coi là việc nên làm, hoặc chỉ trong một số trường hợp ngoại lệ như sau khi uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích. Bên cạnh đó, cảm xúc (của chính mình và của người khác) là thứ đáng bị chế giễu. Trong hoạt động kinh doanh giải trí và báo chí, nghệ thuật châm biếm là một mặt hàng được trả lương cao, vì vậy người ta có thể kiếm được rất nhiều tiền bằng cách dồn nén cảm xúc của một người. Ngay cả khi ai đó có nguy cơ mất tất cả mối liên hệ với chính mình và chỉ hoạt động như một chiếc mặt nạ, một nhân cách “giả hoặc”, thì vẫn luôn có ma túy, rượu và các chất kích thích khác để dựa vào. Sự nhạo báng luôn được trả công xứng đáng, tiền không phải là vấn đề. Rượu giúp giữ cho ta một tâm trạng tốt và các loại chất gây nghiện mạnh hơn còn hiệu quả hơn. Nhưng bởi vì những cảm xúc này không chân thực, không liên kết với câu chuyện có thật của cơ thể, nên tác dụng chắc chắn sẽ mất đi sau một thời gian. Mỗi lúc càng cần liều cao hơn để để lấp đầy khoảng trống do tuổi thơ để lại.
Trong một bài báo được đăng trên Der Spiegel online (ngày 7 tháng Bảy năm 2003), một nhà báo trẻ thành đạt đã kể lại câu chuyện nghiện heroin kéo dài của mình. Tôi sẽ trích dẫn nhiều đoạn khác nhau từ bài báo này vì sự trung thực và thẳng thắn của nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi.
Trong một số ngành nghề, việc dùng chất kích thích để thúc đẩy sự sáng tạo được cho là có lợi cho nghề nghiệp. Các quản lí, nhạc sĩ và các ngôi sao truyền thông khác sử dụng rượu, cocaine hoặc heroin. Một nhà báo thành danh và là một người nghiện kinh niên đã báo cáo về chứng nghiện ngập của anh ta và cuộc sống hai mặt kéo theo đó.
Hai ngày trước lễ Giáng sinh, tôi đã cố gắng bóp cổ bạn gái mình. Trong vài năm qua, cuộc sống của tôi đã nhiều lần trở nên tồi tệ hơn trong những tuần trước và sau mùa lễ hội. Trong suốt mười lăm năm, tôi đã cố gắng cai nghiện heroin với vài lần thành công. Tôi đã thử hàng chục lần và đã trải qua hai đợt điều trị nội trú dài hạn. Trong vài tháng, tôi đã tiêm heroin hàng ngày, thường xuyên kết hợp với cocaine.
Đây là cách người thanh niên duy trì trạng thái cân bằng của mình.
Lần này, mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp trong khoảng hai năm. Tôi đã viết cho những tờ báo thú vị nhất trong nước và kiếm được nhiều tiền. Vào mùa hè, tôi đã chuyển đến một căn hộ rộng rãi. Và, quan trọng nhất, tôi đã yêu một lần nữa. Vào buổi tối đặc biệt này, ngay trước Giáng sinh, cơ thể bạn gái tôi nằm trên sàn gỗ, quằn quại bên dưới tôi, tay tôi chạm vào cổ họng cô ấy.
Vài giờ trước, tôi đã làm mọi cách để che giấu đôi bàn tay đó, mặc dù không phải vì tôi đã cố gắng bóp cổ cô ấy. Tôi đang ngồi trong phòng khách sạn, phỏng vấn một trong những đạo diễn sân khấu nổi tiếng nhất của Đức. Trong một thời gian, tôi không còn cách nào khác là tiêm thuốc vào các tĩnh mạch nhỏ trên mu bàn tay và các ngón tay của mình. Các tĩnh mạch trên cánh tay của tôi đã bị phá hủy hoàn toàn. Trong khi đó, bàn tay của tôi trông giống như móng vuốt của một nhân vật nào đó trong phim kinh dị, sưng tấy, viêm đỏ, đầy vết tiêm. Tôi mặc áo chui đầu với tay áo rất dài. May mắn thay, đó là mùa đông. Đạo diễn có đôi bàn tay đẹp, dáng người, đôi tay không ngừng chuyển động, đôi tay nghịch máy ghi âm của tôi khi anh ấy đang nghĩ phải nói gì, đôi tay anh ấy xuất hiện để định hình thế giới của riêng anh ấy.
Tôi khó tập trung vào cuộc phỏng vấn. Tôi đã đến đây bằng máy bay và liều cuối cùng mà tôi chích là vào nhiều giờ trước đó, trước chuyến bay. Mang heroin trên máy bay là quá rủi ro. Dù sao thì, tôi đang cố gắng giữ mức tiêu thụ của mình ở một mức nhất định bằng cách chỉ mua một số lượng hạn chế mỗi ngày. Nhưng vào cuối ngày, mọi thứ trở nên khó khăn. Tôi giật bắn người, liên tục toát mồ hôi lạnh. Tôi muốn về nhà. Ngay lập tức. Việc tập trung chú ý vào điều gì đó khiến tôi phải nỗ lực thực sự. Bằng cách nào đó tôi đã vượt qua được cuộc phỏng vấn. Nếu có điều gì khiến tôi sợ hơn là những vật vã do thiếu thuốc, thì đó là nỗi sợ mất việc. Kể từ khi 17 tuổi, tôi đã luôn mơ ước kiếm được tiền bằng việc viết lách. Mười năm trước, ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Đôi khi, dường như công việc là phần nhỏ cuối cùng còn lại của đời tôi.
Tất cả những gì còn lại là công việc. Và làm việc có nghĩa là tự kiểm soát. Nhưng cuộc sống thực của anh ta ở đâu? Cảm xúc của anh ở đâu?
Vì vậy, tôi đã bám víu vào công việc của mình. Mỗi khi tôi được giao một nhiệm vụ, nỗi sợ hãi về việc không hoàn thành lại gặm nhấm tôi. Tôi không hiểu làm thế nào mà mình đã xoay xở được để đối phó với tất cả các chuyến đi, thực hiện các cuộc phỏng vấn, viết bài báo.
Vì vậy, tôi đã ở đây, trong căn phòng khách sạn này, sợ hãi thất bại, xấu hổ, chán ghét bản thân và thèm thuốc. Chỉ còn bốn lăm phút nữa thôi và bạn sẽ xong! Tôi nhìn người đạo diễn nói ra các câu từ cùng những cử chỉ hùng hồn. Vài giờ sau, tôi thấy chính tay mình bóp cổ bạn gái.
Ma túy có thể kìm nén sự sợ hãi và đau đớn một cách hiệu quả đến mức người dùng nó không phải đối mặt với cảm xúc thật của mình - miễn là tác dụng của thuốc vẫn còn mạnh. Nhưng những cảm xúc không được chấp nhận đó trở lại nghiêm trọng hơn khi tác dụng của thuốc bắt đầu hết. Và ở đây cũng thế.
Hành trình trở về sau cuộc phỏng vấn thực sự là địa ngục. Trên taxi, tôi chìm vào giấc ngủ nông, sốt, kiệt sức, liên tục tỉnh dậy vì hoảng sợ. Tôi đổ mồ hôi lạnh. Có vẻ như tôi sẽ bỏ lỡ chuyến bay của mình. Ý nghĩ phải đợi thêm một tiếng rưỡi nữa cho liều chích tiếp theo thật không thể chịu nổi. Cứ chín mươi giây tôi lại nhìn chằm chằm vào đồng hồ một cách dữ dội.
Nghiện làm cho thời gian trở thành kẻ thù của bạn. Bạn luôn chờ đợi. Liên tục, bị mắc kẹt trong một vòng lặp thời gian vô tận, lặp đi lặp lại. Chờ đợi sự kết thúc của nỗi đau, chờ những kẻ bán thuốc, chờ lần nhận lương tiếp theo, chờ một nơi trong trung tâm cai nghiện hoặc đơn giản là một ngày kết thúc. Chờ mọi thứ đi đến hồi kết. Sau mỗi lần chích, thời gian như chống lại bạn, không thương tiếc, không thể tránh khỏi.
Có lẽ đây là điều tệ hại nhất của việc nghiện ngập - nó khiến tất cả mọi thứ và mọi người biến thành kẻ thù: thời gian, cơ thể lúc nào cũng gào thét thèm muốn, bạn bè và gia đình, những người mà bạn không thể xua tan nỗi lo lắng, một thế giới chẳng có gì khác ngoài những đòi hỏi mà bạn cảm thấy mình không thể theo nổi. Không có gì kiến thiết cuộc sống một cách đơn nhất như sự nghiện ngập. Không có không gian để nghi ngờ, thậm chí không có chỗ cho các quyết định. Sự hài lòng được quyết định bởi lượng ma túy bạn có. Nghiện ngập điều khiển thế giới.
Chiều hôm đó tôi chỉ còn cách nhà vài trăm dặm, nhưng cảm giác như mình đang ở bên kia thế giới. Nhà là nơi các loại ma túy chờ đợi tôi. Thực tế là tôi đã lên máy bay kịp thời, nhưng điều này chỉ giúp tôi nhẹ nhõm trong một khoảng thời gian ngắn. Chuyến bay đã bị trì hoãn; tôi lại rơi vào trạng thái tê liệt. Mỗi khi mở mắt ra và thấy máy bay vẫn ở trên mặt đất, tôi gần như đã khóc. Cơn thèm thuốc dần lan tỏa tứ chi, cắn xé tận xương tủy. Đau và nhức mỏi ở tay và chân, như thể các cơ và gân của tôi co rút lại.
Cảm xúc bị xua đuổi sẽ tự khẳng định lại chính nó và xâm chiếm cơ thể.
Trở lại căn hộ của tôi, Monika đang đợi tôi. Chiều hôm đó, cô ấy đã liên hệ với người bán thuốc cho chúng tôi, một thanh niên da đen để mua heroin và cocaine. Đó là sự hiểu nhau giữa chúng tôi - tôi kiếm tiền và cô ấy có ma túy.
Tôi ghét những kẻ nghiện ma túy. Tôi muốn tiếp xúc với môi trường ma túy càng ít càng tốt. Trong công việc của mình, tôi hạn chế việc tiếp xúc với các biên tập viên qua cả e-mail và fax. Tôi chỉ trả lời điện thoại khi tin nhắn trên máy cho thấy việc này là bắt buộc. Tôi đã từ bỏ việc nói chuyện với bạn bè từ lâu. Đằng nào tôi cũng không có gì để nói.
Như thường lệ trong những tuần trước, tôi đã dành hàng giờ trong phòng tắm để tìm tĩnh mạch chưa bị phá hủy hoàn toàn. Cocaine tàn phá các tĩnh mạch; vô số mũi tiêm với kim tiêm chưa khử trùng cũng góp phần vào việc đó. Phòng tắm của tôi trông giống như một lò mổ, với những vết máu loang lổ trong bồn rửa mặt và trên sàn, tường và trần nhà đều vương vãi.
Ngày hôm đó, tôi đã thoát khỏi các triệu chứng đói thuốc tồi tệ bằng cách hít khoảng một gram heroin. Bột màu nâu bốc hơi trên khay được làm nóng từ bên dưới; bạn hít khói càng sâu càng tốt. Khi thuốc đi qua phổi, bạn phải đợi vài phút trước khi cảm nhận được hiệu ứng, mà dài như vĩnh cửu. Từ từ và dần dần nó bao trùm tâm trí, nhưng cú hích cực khoái thì không đến. Kiểu như quan hệ tình dục mà không có cực khoái.
Hít thứ đó là cực hình đối với tôi - tôi bị hen. Phổi của tôi nhanh chóng trở nên cồn cào, mỗi hơi thở như một con dao đâm vào nó và khiến tôi đau đớn đến buồn nôn. Sự hoảng sợ của tôi tăng lên mỗi khi định tiêm thuốc mà không được.
Tâm trí tôi đầy ắp những hình ảnh, kí ức về những khoảnh khắc hạnh phúc không thể tả được, mãnh liệt lạ thường. Những kỉ niệm về việc tôi học cách yêu hashish25 ở tuổi 14, bởi vì đột nhiên tôi không chỉ nghe nhạc mà còn cảm nhận nó bằng cả cơ thể. Những kí ức về cách LSD (thuốc gây ảo giác) khiến tôi đứng trước đèn tín hiệu giao thông, há hốc mồm kinh ngạc khi những màu sắc thay đổi gây ra những vụ nổ ánh sáng nhỏ trong não tôi. Bên cạnh là bạn bè của tôi, tất cả chúng tôi liên kết với nhau bằng một cảm giác hiệp thông kì diệu. Những kỉ niệm về lần chích đầu của tôi, cũng đầy ấn tượng như trải nghiệm tình dục đầu tiên: việc pha trộn heroin và cocaine khiến các tế bào thần kinh của tôi rung lên, như một loại cồng chiêng Trung Quốc khổng lồ được làm bằng xương thịt. Những kí ức về tác dụng làm dịu của heroin, một loại chất làm dịu tâm hồn, bao bọc bạn trong vòng tay ấm áp của nó giống như túi ối bao quanh thai nhi...
Chú thích:
25 Hashish là nhựa của cần sa được phơi khô và ép lại thành cục.
Người thanh niên này cho chúng ta một bản tường trình bằng hình ảnh về sức mạnh của nhu cầu và cảm xúc khi chúng trở lại lúc không có ma túy. Cảm giác thiếu hụt, bị bỏ rơi và cơn thịnh nộ đích thực tạo ra trạng thái hoảng sợ, do đó chúng phải được đẩy lùi với sự trợ giúp của heroin. Đồng thời, thuốc được sử dụng để điều khiển cơ thể vào quá trình “sản xuất” những cảm giác tích cực, ham muốn. Tất nhiên, cơ chế tương tự sẽ có tác dụng sau khi tiêu thụ các loại chất kích thích hợp pháp, như thuốc được kê đơn hoặc rượu.
Nghiện chất kích thích chắc chắn gây ra những hậu quả tai hại vì nó cản trở con đường dẫn đến cảm giác và cảm xúc chân thật. Thuốc có thể cung cấp cảm giác hưng phấn để phục hồi khả năng sáng tạo do một nền giáo dục tàn nhẫn gây ra. Nhưng cơ thể sẽ không chịu đựng được sự tự xa lánh này trong suốt cuộc đời. Ở Kafka và những người khác, chúng ta đã thấy rằng các hoạt động sáng tạo như viết và vẽ có thể giúp người ta tồn tại trong một thời gian, nhưng chúng không thể khôi phục lại quyền truy cập vào nguồn sức sống thực sự của con người đã bị mất đi do bị lạm dụng sớm, ít nhất là chừng nào người đó vẫn còn sợ phát hiện ra câu chuyện có thật của chính mình.
Rimbaud là một ví dụ đặc biệt đáng kinh ngạc về điều này. Ma túy không thể thay thế cho chất dinh dưỡng tình cảm mà anh thực sự cần và cơ thể anh không thể bị lừa dối về cảm giác thực sự của nó. Nếu anh gặp một người có thể giúp anh hoàn toàn hiểu được ảnh hưởng tiêu cực của mẹ mình, anh sẽ không cần phải trừng phạt bản thân vì điều đó nữa và cuộc đời anh có thể đã đi theo một hướng khác. Đúng như vậy, mọi nỗ lực trốn chạy đều thất bại và anh liên tục bị buộc phải trở về với mẹ của mình.
Giống như của Rimbaud, cuộc đời của Paul Verlaine cũng kết thúc sớm, như chúng ta đã biết. Ông chết trong đau khổ ở tuổi 50, do nghiện ma túy và nghiện rượu đã tiêu tốn hoàn toàn nguồn tài chính của ông. Nhưng, cũng như nhiều người khác, nguyên nhân thực sự là do thiếu nhận thức và sự tự phục tùng trước một điều răn được chấp nhận trong cộng đồng khiến ông phải chịu đựng mà không chống lại sự kiểm soát và thao túng của mẹ (thường là với sự trợ giúp của tiền bạc). Mặc dù trong những năm còn trẻ, Verlaine đã nhiệt thành hi vọng rằng mình có thể tự giải thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ với sự hỗ trợ của hành vi tự thao túng bản thân và lạm dụng chất kích thích, nhưng cuối cùng ông đã sống nhờ vào những phụ nữ cho ông tiền, nhiều người trong số họ là gái mại dâm.
Thuốc kích thích không phải lúc nào cũng có tác dụng giải phóng con người khỏi sự phụ thuộc và ràng buộc của người mẹ. Đôi khi các loại chất kích thích hợp pháp (rượu, nicotin, thuốc kê đơn) được sử dụng để lấp đầy khoảng trống mà người mẹ để lại. Đứa trẻ đã không được cung cấp sự nuôi dưỡng cần thiết từ người mẹ và không thể thay thế được điều này trong cuộc sống sau này. Nếu không có thuốc, khoảng trống này có thể biểu hiện theo nghĩa đen là cảm giác đói về thể chất, đang gặm nhấm dạ dày, nơi co bóp để phản ứng lại với ham muốn, sự thèm khát. Có lẽ nền tảng của chứng nghiện được hình thành ngay từ khi mới bắt đầu cuộc đời, như trường hợp của chứng cuồng ăn và các chứng rối loạn ăn uống khác. Cơ thể nói rõ rằng trong quá khứ nó cần gấp một thứ gì đó, thứ gì đó đã bị giữ lại khi nó còn là một đứa trẻ nhỏ. Nhưng thông điệp này bị hiểu nhầm giống như cảm xúc bị bỏ qua. Theo đó, sự đau khổ của đứa trẻ nhỏ được ghi nhận một cách sai lầm là tình trạng đau khổ hiện tại, và mọi nỗ lực chống lại sự đau đớn đó trong hiện tại đều thất bại. Khi trưởng thành, chúng ta có những nhu cầu khác nhau và chúng ta chỉ có thể đáp ứng chúng nếu chúng không còn đi đôi với những nhu cầu cũ trong tâm trí vô thức của chúng ta.
QUYỀN ĐƯỢC NHẬN RA
MỘT PHỤ NỮ TỪNG VIẾT cho tôi và nói rằng trong nhiều năm điều trị tâm lí, cô đã cố gắng tha thứ cho cha mẹ mình vì những lần hành hạ cơ thể nguy hiểm mà đôi khi cô phải chịu đựng khi còn nhỏ. Sau này, mẹ cô đã trở bệnh tâm thần. Càng ép mình phải chấp nhận thái độ tha thứ này, chứng trầm cảm của cô càng trở nên trầm trọng hơn. Cô cảm thấy như thể mình bị nhốt trong nhà tù. Vẽ tranh là thứ duy nhất giúp cô chống lại ý định tự tử và sống sót. Cô đã sắp xếp một cuộc triển lãm và bán một số tác phẩm của mình. Các đại lí ở đó đã cho cô hiểu rằng mình rất có triển vọng. Quá vui mừng vì điều này, cô đã báo tin vui cho mẹ. Câu trả lời của mẹ cô cũng nhiệt tình không kém: “Bây giờ con sẽ kiếm được nhiều tiền và có thể chăm sóc cho mẹ.”
Khi đọc những dòng này, tôi nhớ đến Clara, một người quen của tôi. Trong một câu chuyện thường ngày, cô đã nói với tôi rằng, vào ngày đến tuổi nghỉ hưu, điều mà cô mong đợi “như một hợp đồng mới của cuộc đời”, người cha góa vợ của cô, một người đàn ông có sức khỏe tốt và nhạy bén trên thương trường nói, “Bây giờ cuối cùng con sẽ có thời gian để giúp cha điều hành công ty.” Người phụ nữ này đã dành phần lớn cuộc đời mình để quan tâm đến người khác nhiều hơn những gì cô dành cho chính mình. Vì vậy, cô thậm chí còn không nhận thức được rằng câu nói này của cha cô đại diện cho một gánh nặng mới đối với cô. Cô nói về nó với một nụ cười, gần như vui vẻ. Những người còn lại trong gia đình cô cũng nhận thấy rằng đã đến lúc cô phải tiếp nhận công việc mà người thư kí lâu năm của cha cô vừa qua đời đã bỏ trống. Bây giờ, sau tất cả, cô đã có thời gian trong tay. Clara tội nghiệp sẽ giúp ích gì nếu không hi sinh bản thân vì cha mình? Vài tuần sau, tôi nghe tin Clara bị bệnh ung thư tuyến tụy. Cô mất sau đó không lâu. Trong suốt thời gian đó, cô đã phải chịu đựng những cơn đau dữ dội, và những cố gắng của tôi để nhắc cô nhớ lại những gì cha cô đã nói đều không thành công. Cô chán nản trước sự thật rằng căn bệnh của cô giờ đây sẽ khiến cô không thể giúp đỡ cha mình, vì cô rất yêu cha. Cô không biết tại sao căn bệnh này lại ập đến với cô vào lúc này. Cô chưa bao giờ bị ốm; mọi người đã ghen tị với sức khỏe tuyệt vời của cô. Clara sống tuân thủ nghiêm ngặt những quy ước mà cô đã lớn lên và rõ ràng là có rất ít nhận thức về cảm xúc thực sự của mình. Khi cơ thể của cô cuối cùng đã phải lên tiếng báo động, rất tiếc là không có ai trong gia đình giúp cô xác định những gì nó đang cố gắng nói với cô. Ngay cả những người con đã trưởng thành của cô cũng không nỗ lực để làm như vậy, nếu chúng thực sự có thể làm được.
Trường hợp của họa sĩ mà tôi đã đề cập trước đó rất khác. Cô tỏ ra rất bức xúc với phản ứng của mẹ trước thông tin những bức tranh của cô bán chạy. Cô mất hết niềm vui với hội họa trong vài tháng và tái phát trầm cảm. Sau đó, cô quyết định ngừng thăm mẹ và đồng thời tránh gặp những người bạn có cùng quan điểm với mẹ. Cô không còn giấu giếm tình trạng của mẹ mình với những người quen và bắt đầu nói ra những suy nghĩ thật của mình. Ít nhiều ngay lập tức, năng lượng của cô đã được phục hồi và cô tìm lại niềm vui của mình trong hội họa. Năng lượng đổi mới này của cô được thực hiện bởi sự thừa nhận toàn bộ sự thật về mẹ và dần dần giảm sự gắn bó với bà. Sự gắn bó này được tạo nên một phần từ lòng trắc ẩn và một phần là kì vọng rằng cô có thể làm cho mẹ mình hạnh phúc và vì thế rốt cuộc sẽ có được tình yêu mà cô chưa từng nhận được trước đây. Nhưng bây giờ cô chấp nhận sự thật rằng cô không bao giờ có thể yêu mẹ, và cô cũng biết chính xác tại sao lại như vậy.
Những câu chuyện như thế này, với một kết thúc tích cực, vẫn còn tương đối hiếm. Nhưng tôi tin rằng theo thời gian sẽ có ngày càng nhiều người như vậy, khi ta nhận ra rằng ta không hề mang ơn và tất nhiên không cần phải hi sinh cho cha mẹ đã bạo hành chúng ta khi ta còn nhỏ. Những hi sinh này được thực hiện vì lợi ích của các hình ảnh không có thật, những hình ảnh cha mẹ được lí tưởng hóa và chưa từng tồn tại. Tại sao chúng ta cứ hi sinh bản thân vì lợi ích của những hình ảnh đó? Tại sao chúng ta vẫn bị giam cầm trong những mối quan hệ nhắc nhớ ta về những đau khổ mà chúng ta đã trải qua khi còn trẻ? Bởi vì ta hi vọng rằng một ngày nào đó điều này sẽ thay đổi, nếu ta có thể tìm thấy một từ ngữ kì diệu, có được thái độ đúng đắn, hay đạt được một hiểu biết đúng đắn nào đó. Nhưng điều đó có nghĩa là tự mâu thuẫn với chính mình, giống như cách ta đã làm trong thời thơ ấu để cố gắng có được tình yêu. Ngày nay, khi trưởng thành, chúng ta biết rằng những nỗ lực của mình đã bị lợi dụng, rằng đây không phải là tình yêu theo đúng nghĩa của từ này. Vậy rốt cuộc tại sao chúng ta lại mong đợi tình yêu từ những người, vì bất cứ lí do gì đi nữa, đã không thể yêu chúng ta khi ta còn nhỏ?
Nếu chúng ta thành công trong việc từ bỏ hi vọng đó, thì những kì vọng sẽ biến mất, cùng với sự tự lừa dối bản thân vốn là yếu tố thường trực trong cuộc sống của ta. Chúng ta không còn tin rằng mình không xứng đáng được yêu hoặc ta phải chứng minh để xứng đáng được yêu. Tội lỗi không phải của ta. Đấy là lỗi của hoàn cảnh mà cha mẹ chúng ta gặp phải, những gì họ tạo ra từ những tổn thương thời thơ ấu của chính họ, những tiến triển mà họ đã đạt được (hoặc không đạt được) khi đối mặt với những tổn thương đó. Chúng ta không thể làm gì để thay đổi những điều này. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là sống cuộc sống của chính mình và thay đổi thái độ của mình cho phù hợp. Hầu hết các nhà trị liệu tin rằng những thay đổi thái độ như vậy có thể cải thiện mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ bởi vì thái độ chín chắn hơn của những đứa trẻ khi trưởng thành sẽ thúc đẩy cha mẹ thể hiện sự tôn trọng hơn với chúng. Đây không phải là một niềm tin mà tôi có thể xác nhận. Ngược lại, kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng hiếm khi những thay đổi tích cực ở trẻ em khi trưởng thành có thể khơi dậy sự ngưỡng mộ và hài lòng ở những bậc cha mẹ đã tàn nhẫn với chúng trong thời thơ ấu. Thực tế là ngược lại. Phản ứng thông thường là ghen tị và các triệu chứng giống như khi phải cai một thứ gì đó, đi kèm việc bày tỏ mong muốn rằng con vẫn phải giống như trước đây: phục tùng, trung thành vô điều kiện, khoan dung đối với sự đối xử tàn nhẫn hoặc thô bạo mà họ gây ra. Phương án cuối cùng là họ chán nản và tỏ ra bất hạnh. Nhiều bậc cha mẹ sợ hãi về việc con mình đã nhận thức tốt hơn và trong phần lớn các trường hợp không có dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ được cải thiện. Tuy nhiên, như ví dụ tiếp theo của tôi cho thấy, điều này đôi khi xảy ra.
Một người phụ nữ trẻ đã tự giày vò bản thân với cảm giác hận thù cuối cùng đã lấy hết can đảm để nói với mẹ mình rằng: “Con không thích người mà mẹ từng là, người đã đối xử không tốt với con khi còn nhỏ. Con ghét mẹ và thậm chí không nhận thức được điều đó.” Người phụ nữ đã rất ngạc nhiên vì không chỉ bản thân cô mà cả mẹ cô cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi đáp lại câu này. Trong sâu thẳm, cả hai người đều biết họ cảm thấy thế nào. Bây giờ sự thật cuối cùng đã được diễn đạt thành lời. Từ đó, họ có thể bắt đầu xây dựng một mối quan hệ mới và trung thực.
Tình yêu cưỡng bách không thể nào là tình yêu đích thực. Tất cả những gì nó có thể dẫn đến là một mối quan hệ “giả tạo” mà không có bất kì sự giao tiếp thực sự nào, một sự giả vờ ấm áp và thân ái không thực sự tồn tại, một tình cảm yêu quý giả tạo được tạo dựng để che giấu sự oán giận hoặc thậm chí có thể là hận thù. Nó không bao giờ có thể dẫn đến một mối quan hệ chân thành. Một trong những tác phẩm của Mishima có tên là Confessions of a Mask. Liệu một chiếc mặt nạ có thể thể hiện một cách chân thực những gì người ở sau nó trải qua? Không thể. Câu chuyện kể trong tác phẩm của Mishima hoàn toàn là về trí tuệ. Tất cả những gì Mishima có thể làm là kể lại hậu quả của các sự kiện đã diễn ra, nhưng cả những sự kiện này và những cảm xúc đi kèm với chúng vẫn không thể tiếp cận được với tâm trí tỉnh táo của anh. Những hậu quả được thể hiện ra trong những tưởng tượng bệnh hoạn, biến thái, cái mà chúng ta có thể gọi là “ước muốn được chết một cách trừu tượng”. Cảm xúc thực sự của đứa trẻ bị giam cầm trong phòng của bà năm này qua năm khác nằm ngoài tầm với của nó khi trưởng thành.
Những mối quan hệ dựa trên giao tiếp bằng mặt nạ kiểu này không thể thay đổi. Chúng vẫn luôn là như vậy: các trường hợp của sự giao tiếp sai lầm. Một mối quan hệ chân thực chỉ có thể đạt được nếu cả hai bên có thể thừa nhận cảm xúc của họ, trải nghiệm chúng và truyền đạt cho nhau mà không sợ hãi. Kết nối như thế mới tốt và giúp nâng cao tinh thần cũng như sự gắn bó mật thiết đôi bên. Nhưng điều này hiếm khi xảy ra, vì cả hai đều sợ phải từ bỏ chiếc mặt nạ quen thuộc đang ngăn cản bất kì cuộc trao đổi thành thật nào.
Tại sao chúng ta nên tìm kiếm sự trao đổi này với cha mẹ của chúng ta chứ không phải bất kì ai khác? Họ không còn là đối tác của chúng ta, theo đúng nghĩa của từ này. Câu chuyện gắn kết chúng ta với họ đã kết thúc khi ta có con và có thể giao tiếp chân thực với người bạn đời mà ta đã chọn. Sự bình yên mà bao người khao khát không phải là thứ có thể được ban tặng từ bên ngoài. Nhiều nhà trị liệu tin rằng chúng ta có thể tìm thấy bình yên thông qua tha thứ, nhưng ý kiến này liên tục bị bác bỏ bởi thực tế. Chúng ta biết rằng các linh mục đọc Kinh Lạy Cha mỗi ngày, nghĩa là họ cầu nguyện để được tha thứ, cho cả những “lỗi lầm” của chính họ và cho những người phạm tội với chúng ta. Nhưng điều này không ngăn cản một vài người trong số họ nhượng bộ việc trong việc trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng, đồng thời che giấu thực tế rằng họ đang phạm tội. Khi làm như vậy, họ cũng đang bảo vệ chính cha mẹ mình và không nhận thức được những tội ác mà cha mẹ đã gây ra cho họ. Do đó, tôi tin rằng việc rao giảng về sự tha thứ không chỉ là giả tạo và vô ích mà còn rất nguy hiểm. Nó che giấu sự cưỡng chế lặp lại.
Thứ duy nhất có thể bảo vệ chúng ta khỏi cưỡng chế lặp lại là việc chấp nhận sự thật - toàn bộ sự thật, với tất cả các hệ quả của nó. Một khi chúng ta biết chính xác nhất có thể những gì cha mẹ đã làm với ta, chúng ta không còn có nguy cơ lặp lại những hành vi sai trái của họ nữa. Nếu không, chúng ta sẽ tự động làm như vậy và với tất cả sự kiên trì mà ta có, chúng ta sẽ cưỡng lại ý tưởng rằng ta có thể - và thực sự phải - cắt bỏ mối ràng buộc trẻ thơ của ta với cha mẹ đã lạm dụng ta, nếu chúng ta muốn trưởng thành và sống cuộc đời bình yên. Chúng ta phải từ bỏ sự nhầm lẫn mà ta đã sống cùng khi còn nhỏ, sự nhầm lẫn bắt nguồn từ những nỗ lực rất sớm của chúng ta để cố gắng hiểu sự lạm dụng và giải nghĩa nó. Khi trưởng thành, ta có thể làm điều đó; chúng ta có thể học để hiểu rằng, đạo đức trong trị liệu có thể cản trở việc chữa lành những vết thương trong ta như thế nào.
Dưới đây là một số ví dụ về cách nhận thức này phát triển. Một phụ nữ trẻ đã tuyệt vọng vì tin rằng bản thân mình là một kẻ thất bại, cả trong công việc và các mối quan hệ cá nhân. Cô viết:
Mẹ càng nói với tôi rằng tôi là kẻ vô tích sự, không bao giờ có thể làm được gì, thì tôi càng thất bại trong mọi việc tôi làm. Tôi không muốn hận mẹ, tôi muốn làm hòa với bà, tha thứ cho bà để cuối cùng vơi đi nỗi hận. Nhưng tôi không thể. Trong lòng căm hận, tôi cảm thấy bị bà săn đuổi, như thể bà ghét tôi. Nhưng điều đó không thể là sự thật. Tôi đã làm gì sai? Tôi biết rằng tôi sẽ rất đau khổ nếu không thể tha thứ cho bà. Bác sĩ trị liệu của tôi nói với tôi rằng nếu tôi đấu tranh với cha mẹ mình, thì điều đó cũng giống như thể tôi đang đấu tranh với chính mình. Tất nhiên tôi biết rằng chúng ta không thể tha thứ nếu không thực tâm muốn vậy. Tôi cảm thấy bối rối vô cùng. Có những lúc tôi có thể tha thứ, đó là những khi tôi thấy thương cha mẹ mình. Sau đó cơn thịnh nộ của tôi trở lại, tôi nổi loạn khi nghĩ về những gì họ đã làm với tôi và tôi không muốn nhìn thấy họ. Tôi muốn sống cuộc sống của riêng mình, bình yên và không phải nghĩ về việc họ đánh tôi, hạ nhục tôi và gần như tra tấn tôi.
Người phụ nữ này tin chắc rằng cô đang trong tình trạng chiến đấu với cha mẹ. Bác sĩ trị liệu đã nói với cô rằng, khi cô xem xét kí ức của mình một cách nghiêm túc và vẫn tin những gì cơ thể cô nói với cô, thì cũng giống như đang đấu tranh với chính mình. Hậu quả của câu nói đó là người phụ nữ này không thể phân biệt được cuộc sống của chính mình và cuộc sống của cha mẹ, rằng cô ấy không có danh tính riêng và chỉ có thể xem mình là một phần của cha mẹ mình. Làm sao một nhà trị liệu có thể nói một điều như vậy? Tôi không có ý kiến. Nhưng tôi tin rằng một tuyên bố như thế này bộc lộ ra nỗi sợ hãi của chính nhà trị liệu đối với cha mẹ mình. Chẳng có gì phải thắc mắc nếu thân chủ bị lây sự sợ hãi và hoang mang này. Kết quả là cô sẽ không dám khám phá câu chuyện thời thơ ấu của chính mình và để cơ thể mình sống với sự thật.
Trong một trường hợp khác, một phụ nữ có học thức đã viết rằng cô không có ý định lên án cha mẹ mình. Mặc dù cô đã bị đánh đập và lạm dụng tình dục khi còn nhỏ, nhưng cô cũng đã trải qua một số khoảng thời gian tốt đẹp với họ. Bác sĩ trị liệu khuyến khích cô coi trọng những điều tốt hơn là điều xấu và nói với cô rằng khi trưởng thành, cô phải hiểu cha mẹ hoàn hảo không tồn tại, rằng tất cả cha mẹ cũng đều mắc sai lầm. Nhưng đây không phải vấn đề. Vấn đề là người phụ nữ trưởng thành này cần phải phát triển sự đồng cảm với cô gái nhỏ mà cô từng là, cô gái nhỏ có những đau khổ không được chú ý, người bị lợi dụng vì lợi ích của cha mẹ, và là người mà nhờ những tài năng hiếm có của mình, đã quá giỏi để đáp ứng những kì vọng này, mặc dù chẳng có ai suy nghĩ gì về những nỗi đau của cô. Nếu bây giờ cô đã đến giai đoạn có thể cảm nhận được nỗi đau khổ đó và trở thành người bạn đồng hành thực sự với đứa trẻ bên trong, thì điều tệ nhất mà cô nên làm là coi trọng những điều tốt hơn những điều xấu mà cha mẹ đã làm với cô. Nếu làm vậy, cô sẽ trở lại vai một cô gái nhỏ cố gắng hết sức mình để làm theo mong muốn của cha mẹ: yêu thương họ, tha thứ cho họ, nhớ lại những khoảng thời gian tốt đẹp,...
Khi còn nhỏ cô đã luôn làm thế với hi vọng hiểu được những thông điệp và hành động mâu thuẫn mà cha mẹ cô đã thể hiện ra với cô. Nhưng “công việc” bên trong này càng khiến cô bối rối. Đứa trẻ hoàn toàn không thể hiểu rằng mẹ nó đã rút vào trong một pháo đài nội tâm kiên cố được dựng lên để ngăn cản việc trải nghiệm cảm xúc của chính mình, và do đó không có sự nhạy cảm nào đối với nhu cầu của con. Và nếu cô hiểu như một người trưởng thành rằng, cô không nên cố bám lấy những kì vọng vô vọng của đứa trẻ, không nên cố gắng đi đến một đánh giá khách quan, cân nhắc giữa cái tốt với cái xấu. Cô nên hành động theo cảm xúc của chính mình, một điều mang tính chủ quan hoàn toàn, giống như mọi thứ thuộc về cảm xúc. Cô nên tự hỏi bản thân, “Điều gì đã làm mình đau khổ trong thời thơ ấu? Mình đã không cho phép bản thân cảm thấy gì?”
Những câu hỏi như vậy sẽ giúp cô đồng cảm với đứa trẻ đau khổ đến không thể nói thành lời ngày xưa, và xác định việc chấm dứt sự chấp trước mà tôi tin là có tính hủy hoại. Như tôi đã nói, sự chấp trước này được tạo thành từ lòng biết ơn, lòng trắc ẩn, sự phủ nhận, sự khao khát, uyển ngữ và một loạt những kì vọng sẽ không bao giờ được thỏa mãn. Con đường dẫn đến trưởng thành không nằm ở sự khoan dung đối với những việc tàn ác mà chúng ta đã phải chịu đựng, mà nằm ở việc nhận ra sự thật của chính mình và phát triển sự đồng cảm với đứa trẻ đầy tổn thương bên trong. Nó nằm ở việc nhận ra cách mà sự tàn ác đã gây hại cho cuộc đời ta khi trưởng thành, cách mà rất nhiều cơ hội đã bị phá hủy và quá nhiều đau khổ đã vô tình được truyền lại cho thế hệ sau. Sự tỉnh ngộ đau đớn này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta ngừng cân nhắc điểm tốt so với điểm xấu của cha mẹ. Nếu tiếp tục làm điều đó, chúng ta sẽ tái phát lòng trắc ẩn, phủ nhận sự tàn ác mà mình đã phải chịu, tất cả chỉ vì chúng ta tin rằng phải có một cái nhìn “cân bằng” về mọi thứ. Tôi cho rằng điều này phản ánh những nỗ lực của đứa trẻ mà chúng ta từng là. Người trưởng thành phải bác bỏ quá trình cân bằng này vì nó gây nhầm lẫn và cản trở cuộc sống của chúng ta. Tất nhiên, những người chưa từng bị đánh đập trong thời thơ ấu, chưa từng bị lạm dụng tình dục thì không cần phải làm việc này. Họ có thể tận hưởng những tình cảm tốt đẹp mà họ có khi ở bên cha mẹ, họ có thể gọi đó là tình yêu một cách đúng đắn và họ không cần phải phủ nhận bản thân theo bất kì cách nào. Gánh nặng của “công việc” như vậy chỉ đè nặng lên những cá nhân bị lạm dụng và chỉ khi họ không muốn tự lừa dối bản thân và trả giá bằng bệnh tật cơ thể.
Ví dụ, một phụ nữ đã đọc trên Internet rằng chúng ta không thể thực sự giúp đỡ bản thân bằng cách cắt đứt liên lạc với cha mẹ. Nếu làm thế, chúng ta sẽ cảm thấy luôn bị họ theo đuổi. Cô viết cho diễn đàn trên trang web của tôi rằng điều này hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm của chính cô. Kể từ khi không đến thăm cha mẹ, cô đã ngày đêm nghĩ về họ và sống trong tâm trạng lo lắng thường trực. Điều này rất dễ hiểu. Lí do khiến cô sống trong tình trạng hoảng loạn thường xuyên là do các chuyên gia tự xưng trên Internet đã củng cố nỗi sợ hãi của cô đối với cha mẹ. Đạo đức mà họ tuân theo luôn khẳng định rằng một cá nhân không có quyền đối với cuộc sống, cảm xúc và nhu cầu của chính mình. Tôi cho rằng khó mà tìm những điều khác trên Internet, bởi vì Internet là sự phản ánh trung thực tâm lí mà chúng ta đã duy trì trong hàng nghìn năm. Thông điệp của nó là: Hãy hiếu kính cha mẹ và bạn sẽ sống lâu.
Tiểu sử ngắn gọn của các nhà văn nổi tiếng thế giới trong Phần I cho thấy điều này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt nếu những người được đề cập là người nhạy cảm và có tài năng. Nhưng, việc sống lâu cũng chưa khẳng định rằng mối đe dọa tiềm ẩn trong Điều Răn Thứ Tư là thỏa đáng. Hoàn toàn ngược lại. Độ dài thời gian của cuộc đời không phản ánh cho chúng ta gì về chất lượng cuộc sống đó. Trọng tâm của vấn đề ở đây là cha mẹ và ông bà nên ý thức được trách nhiệm của mình, rằng họ không nên tôn kính tổ tiên bằng cách phải trả giá bằng con cháu, những người mà họ không quan tâm và để bị lạm dụng tình dục, bị đánh đập hoặc phải chịu các hành động tàn ác khác được cho là tốt cho chúng. Sự thật là cha mẹ có thể trút bỏ căng thẳng, những cảm xúc mãnh liệt của cơ thể họ lên con cái, điều vốn trong sâu thẳm là hướng vào cha mẹ họ. Nhưng họ cũng có thể đổ bệnh nhanh chóng khi những đứa trẻ đó từ bỏ họ, ít ra là thể hiện ra bên ngoài.
Ngày nay, con cháu được quyền nhận thức, được quyền tin những gì họ đã thấy và cảm nhận khi còn nhỏ. Chúng không cần phải ép mình mù quáng. Chúng đã phải trả giá cho sự mù quáng cưỡng bách như vậy bằng các rối loạn thể chất hoặc tâm thần mà nguyên nhân thực sự vẫn bị che giấu trong một thời gian dài. Nếu ngừng giấu giếm như vậy, chúng sẽ có triển vọng thực sự giải thoát mình khỏi xiềng xích bạo lực và sự tự lừa dối, và sau đó chúng sẽ không còn đòi hỏi sự hi sinh từ những đứa con của mình.
Gần đây, tôi xem một chương trình trên truyền hình chiếu cảnh trẻ em bị viêm da thần kinh, một tình trạng giày vò gây ngứa ngáy mãn tính khắp người. Các chuyên gia được phỏng vấn tuyên bố thẳng thừng rằng tình trạng này không thể chữa khỏi. Không ai đề cập đến nguyên nhân tinh thần có thể gây ra bệnh. Điều đáng chú ý là tình trạng của những đứa trẻ này được cải thiện, và trong một số trường hợp đã khỏi bệnh hoàn toàn, khi chúng gặp những đứa trẻ khác trong bệnh viện cũng mắc chứng rối loạn tương tự. Đối với tôi, dường như những cuộc gặp gỡ như vậy có tác dụng khắc phục hậu quả vì chúng mang lại cho bọn trẻ cảm giác rằng chúng không đơn độc với triệu chứng bí ẩn này.
Không lâu sau, tôi gặp Veronica, một phụ nữ bị viêm da thần kinh trong quá trình trị liệu tâm lí và dần dần nhận ra rằng chính triệu chứng này đã khiến cô có thể sớm chấm dứt tình cảm gắn bó định mệnh với cha mình. Veronica là con út trong gia đình có năm người con và bị các chị gái bóc lột tình dục. Mẹ cô nghiện rượu và Veronica đã trải qua những cơn thịnh nộ bất ngờ như một mối đe dọa đến sự tồn tại của bản thân từ mẹ. Trong tình huống đó, cô bé đã tuyệt vọng bám lấy hi vọng rằng cha sẽ đến giải cứu cho mình. Veronica đã lí tưởng hóa cha mình trong suốt cuộc đời, mặc dù không có lí do hay kí ức nào có thể khẳng định cho việc đánh giá cao tính cách của ông như vậy. Ông cũng là một người nghiện rượu và mối quan tâm duy nhất mà ông thể hiện với tất cả các cô con gái của mình hoàn toàn chỉ là tình dục. Nhưng Veronica đã phủ nhận thực tế này, cô đã bám chặt lấy niềm hi vọng phi lí của mình và duy trì ảo tưởng đó trong suốt năm mươi năm. Trong thời gian trị liệu, cô đã bị ngứa dữ dội bất cứ khi nào gặp những người mà cô không thể làm họ mình hiểu chọ và cô thì lại mong đợi sự giúp đỡ từ họ.
Veronica nói với tôi rằng đã từ lâu cô liên tục bị hành hạ bởi cơn ngứa này mà không biết nguyên nhân tại sao và cũng không thể làm gì với nó, và rốt cuộc phát điên khi cảm giác muốn tự cào mình trở nên quá mạnh. Sau đó, hóa ra việc nổi những nốt mẩn ngứa trên da thịt cô là một biểu hiện của cơn phẫn nộ của cô đối với với cả gia đình mình, nhất là với cha, người không bao giờ có mặt khi cô cần, mặc dù cô đã luôn mong đợi ông sẽ là vị cứu tinh của mình để gắng gượng chịu đựng sự cô đơn mà cô cảm thấy trong một gia đình luôn ngược đãi cô. Tất nhiên, sự thật là việc tưởng tượng ra vị cứu tinh kéo dài suốt năm mươi năm chỉ khiến cơn thịnh nộ của cô càng tăng thêm. Nhưng với sự giúp đỡ của bác sĩ trị liệu, cuối cùng cô đã phát hiện ra rằng cơn ngứa luôn bắt đầu bất cứ khi nào cô cố gắng kìm nén cảm giác trong mình. Nó khiến cô không còn bình yên cho đến khi cô có thể thừa nhận và trải nghiệm cảm giác ấy. Nhờ những cảm giác của mình, rốt cuộc cô ngày càng nhận thức rõ hơn rằng mình đã xây dựng một ảo tưởng về người cha mà không có cơ sở thực tế. Cô đã luôn chờ đợi người cha thân yêu hiểu nỗi đau khổ của cô và bảo vệ cô trước mẹ và các chị gái. Nhìn từ bên ngoài thì rõ như ban ngày là điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng đối với bản thân Veronica, một cái nhìn thực tế như vậy là hoàn toàn không thể tưởng tượng được; cô cảm thấy mình sẽ chết nếu thừa nhận sự thật.
Điều này có thể hiểu được. Bên trong cơ thể cô, đứa trẻ không được bảo vệ đã sống tiếp, đứa trẻ mà lẽ ra đã chết nếu không có ảo tưởng rằng rồi người cha sẽ ra tay cứu giúp. Khi trưởng thành, Veronica đã có thể từ bỏ ảo tưởng này, bởi vì đứa trẻ không còn đơn độc với số phận của mình nữa. Kể từ bây giờ, trong cô đã có một người trưởng thành có thể bảo vệ cô, đảm nhận vai trò mà người cha chưa bao giờ đảm nhận, thấu hiểu nỗi đau khổ của đứa trẻ và bảo vệ cô khỏi bị ngược đãi. Cô đã trải qua điều này nhiều lần trong cuộc sống hàng ngày, một khi ngừng phớt lờ những nhu cầu của cơ thể mình và thực hiện chúng một cách nghiêm túc. Sau đó, cơ thể cô báo hiệu những nhu cầu này bằng những cơn ngứa, cảnh báo rằng đứa trẻ trong cô cần được hỗ trợ. Mặc dù Veronica có một vị trí cao trong công việc, nhưng cô có xu hướng gắn bó với những người không quan tâm đến cô và cuối cùng trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Điều này đã dừng lại ngay khi cô nhận ra hành vi của cha mình. Sau khi điều trị, đã có một sự thay đổi hoàn toàn về chuyện này. Cô tìm thấy trong cơ thể mình một đồng minh biết chính xác cách cô có thể tự giúp mình. Theo quan điểm của tôi, đây chính là mục đích của liệu pháp tâm lí.
Nếu liệu pháp trị liệu thành công, thì thứ đạo đức tiềm ẩn trong Điều Răn Thứ Tư, một điều gì đó đã khắc sâu vào chúng ta ở giai đoạn rất sớm trong quá trình giáo dục nhân cách, phải bị truất ngôi. Trong quá nhiều phương pháp trị liệu, thứ đạo đức của phương pháp sư phạm độc hại hoặc chiến thắng ngay từ đầu, hoặc sẽ chen vào sau, bởi vì nhà trị liệu đã không thể rũ bỏ những ràng buộc này. Ngay cả trong những trường hợp mà, trong một thời gian, thân chủ đã thực sự được giúp đỡ để rốt cuộc nhận ra những tổn thương và sự tàn ác mà họ phải chịu đựng, thì rồi sớm hay muộn sẽ đến lúc nhà trị liệu gợi ý rằng hãy nhìn ra ít nhất một điểm tốt của cha hoặc mẹ, người đã từng cho đứa trẻ rất nhiều và là điều mà đứa trẻ khi trưởng thành nên biết ơn. Một gợi ý như vậy đủ để khiến thân chủ rơi vào trạng thái hoàn toàn bối rối, bởi vì chính cái sự cố gắng đi tìm mặt tốt của cha mẹ này đã dẫn đến tình trạng rối loạn đang được đề cập, và dẫn đến sự dồn nén nhận thức và cảm xúc đã được Imre Kertész mô tả một cách ấn tượng trong tác phẩm Fateless (Không số phận).
Một người phụ nữ tên Laura đã viết thư cho tôi nói rằng cô đã tham gia một khóa trị liệu tâm lí với một người, ít nhất, ban đầu, đã giúp cô lần đầu tiên có thể gạt bỏ chiếc mặt nạ che giấu bản thân. Cô có thể nhận ra rằng tính khắc nghiệt của mình là giả và việc đặt niềm tin vào một người đã giúp cô tiếp cận với cảm xúc của mình và nhớ lại niềm khao khát được gần gũi và âu yếm của đứa trẻ sơ sinh. Giống như Veronica, Laura đã hướng về cha để bảo vệ bản thân khỏi sự lạnh lùng của mẹ. Cha cô đã thể hiện sự quan tâm hơn nhiều so với trường hợp của Veronica. Đôi khi ông chơi với cô, do đó, cô nuôi dưỡng hi vọng về một mối quan hệ tốt đẹp. Nhưng mặc dù người cha này đã biết về hình phạt thể xác tàn nhẫn mà mẹ Laura gây ra cho cô, ông vẫn để bà chăm sóc cô, không làm gì để bảo vệ cô và cuối cùng bỏ rơi cô hoàn toàn mà không chịu bất kì trách nhiệm nào đối với đứa con gái nhỏ. Điều tồi tệ nhất là ông đã khơi dậy trong đứa trẻ một tình yêu mà ông không xứng đáng có được. Người phụ nữ trẻ đã sống với tình yêu này cho đến khi cô mắc một căn bệnh hiểm nghèo, một khối u tử cung mà cô đã cố gắng khám phá ra ý nghĩa của nó với sự giúp đỡ của nhiều nhà trị liệu khác nhau. Người cuối cùng trong số những nhà trị liệu này đã tạo ra một ấn tượng rất hứa hẹn. Với sự giúp đỡ của anh, Laura đã thành công trong việc phá bỏ bức tường phòng thủ mà cô đã dựng lên trong chính mình. Nhưng khi Laura bắt đầu bày tỏ nghi ngờ rằng cha cô có thể đã lạm dụng tình dục cô thì chính nhà trị liệu lại bắt đầu dựng lên một bức tường. Đột nhiên anh ta bắt đầu nói về phức cảm Oedipus26 của đứa trẻ và đẩy cô vào trạng thái bối rối giống như người cha từng gây ra cho cô. Cô nghi ngờ rằng anh đã hi sinh cô vì sự yếu đuối của chính mình, có thể vì những kí ức bị dồn nén của chính anh mà anh không giải quyết được. Nhưng cô không dám nói với vị bác sĩ trị liệu này những gì cô cảm thấy.
Chú thích:
26 Phức cảm Oedipus là một thuật ngữ được Sigmund Freud sử dụng trong học thuyết các giai phát triển tâm lí tính dục, mô tả cảm giác khao khát của một đứa trẻ dành cho người cha mẹ khác giới của chúng và cảm giác ghen tị giận dữ với người cha mẹ cùng giới.
Vì đọc nhiều và hiểu biết, Laura nghĩ rằng mình có thể nhìn thấu được sự phòng vệ của bác sĩ trị liệu. Nhưng bởi vì mối quan hệ của cô với cha mình vẫn chưa được giải quyết, cô đã lặp lại khuôn mẫu tương tự với bác sĩ trị liệu. Cô không thể chia sẻ những nghi ngờ của mình với anh; cô vẫn biết ơn những điều tốt đẹp mà cha cô và bác sĩ trị liệu đã làm cho cô, vẫn ngoan ngoãn và không thể dứt bỏ sự chấp trước thuở nhỏ của cô trong cả hai trường hợp. Do đó, các triệu chứng vẫn tiếp diễn, bất chấp liệu pháp nguyên thủy27 mà cô đã thử trong lần trị liệu tiếp theo. Đạo đức dường như đã chiến thắng, bởi vì cô đã hi sinh cả lịch sử cá nhân và những đau khổ của mình cho nó, như đã xảy ra trong rất nhiều trường hợp trị liệu tâm lí. Sau đó, trong liệu pháp nhóm, Laura nhận ra rằng lòng biết ơn của cô là vô căn cứ. Cô nhận ra rằng cha cô đã phản bội lại sự trông đợi của cô như thế nào trong thời thơ ấu; cô hiểu tất cả những hậu quả của nó và hiểu rằng cô phải gánh vác trách nhiệm sống cuộc đời của chính mình.
Chú thích:
27 Là một kĩ thuật trị liệu tâm lí học tuyên bố có thể chữa khỏi các rối loạn tâm lí bằng cách khuyến khích mọi người cảm nhận sâu sắc và giải phóng cảm giác đau đớn và tức giận đã có trong họ từ khi còn nhỏ.
Từ đó trở đi, cô đã có thể sống một cuộc sống mới đầy sáng tạo, bởi vì cuối cùng cô đã thừa nhận sự thật cá nhân của mình. Bây giờ cô biết rằng mình không có gì phải sợ miễn là cô cho phép bản thân nhận thức được rằng cha cô đơn giản là một người yếu đuối, người không bao giờ giúp đỡ cô vì ông không bao giờ muốn thế. Ông cần sự có mặt của cô để giải tỏa mặc cảm khỏi những vết thương của chính mình, để không cảm thấy gì về chúng nữa. Cơ thể của Laura đã bình yên bởi nhận thức mới này. Khối u mà các bác sĩ đã yêu cầu phải phẫu thuật ngay lập tức đã biến mất rất nhanh chóng.
Một trong những lần trị liệu trước, Laura đã được cung cấp phương pháp trực quan hóa và đã dồn tất cả hi vọng vào đó. Cô thành công trong việc nhớ lại một cảnh đã xảy ra khi cô 17 tuổi, khi người cha được lí tưởng hóa của cô đã đánh cô trong cơn ghen. Bác sĩ trị liệu cho cô biết rằng nên cố gắng tưởng tượng cha mình là người tốt bụng và thân thiện và lấy hình ảnh tích cực đó để thay thế hình ảnh tiêu cực trên. Điều này thực sự đã khiến Laura duy trì việc lí tưởng hóa người cha trong vài năm tiếp theo. Trong thời gian đó, khối u tử cung của cô tiếp tục phát triển cho đến khi cô quyết tâm đối mặt với sự thật được chỉ ra bởi trí nhớ chân thực của mình.
CÁC KIỂU KỸ THUẬT NÀY được sử dụng trong trị liệu với mục đích rõ ràng là thay đổi các cảm giác tiêu cực thành tích cực. Tuy nhiên, thông thường, sự thao túng như vậy chỉ củng cố thêm sự phủ nhận đã cho phép thân chủ tránh đối mặt với nỗi đau về sự thật của chính họ, một sự thật được chỉ ra bằng những cảm xúc đích thực. Do đó, thành công đạt được bằng các phương pháp này chỉ có thể kéo dài trong thời gian ngắn và toàn bộ cách tiếp cận là rất có vấn đề. Cảm xúc tiêu cực ban đầu là một tín hiệu quan trọng do cơ thể phát ra. Nếu thông điệp đó bị bỏ qua, cơ thể phải phát ra các tín hiệu mới để cố gắng được nghe thấy.
Những cảm giác tích cực giả tạo được tạo ra không chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, mà còn khiến chúng ta rơi vào trạng thái của một đứa trẻ hi vọng rằng một ngày nào đó cha mẹ sẽ thể hiện những mặt tốt của họ, do đó giảm bớt nhu cầu cảm thấy tức giận hoặc sợ hãi khi liên quan đến họ. Nhưng nếu muốn đạt được sự trưởng thành thực sự và sống trong thực tại của mình, chúng ta phải (và có thể) giải phóng bản thân khỏi những kì vọng hão huyền này. Để làm như vậy, chúng ta cần thừa nhận cái gọi là cảm xúc tiêu cực và thay đổi chúng thành những cảm xúc có ý nghĩa, thay vì cố gắng xua đuổi chúng càng nhanh càng tốt. Một khi nhận thức của chúng ta tiếp nhận chúng thì những cảm xúc này sẽ không tồn tại mãi mãi, mặc dù trong thời gian tương đối ngắn khi vẫn còn đó, chúng có thể giải phóng những năng lượng bị dồn nén. Chỉ khi chúng ta cố gắng phớt lờ hoặc loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực này, chúng sẽ tự giam mình trong cơ thể.
Thư giãn, mát-xa và các loại trị liệu cơ thể khác nhau có thể mang lại thời gian nghỉ ngơi tạm thời bằng cách giải phóng các cơ và mô liên kết khỏi áp lực của những cảm xúc bị dồn nén, xoa dịu căng thẳng và do đó có tác dụng giảm đau. Nhưng áp lực sẽ lại xuất hiện nếu chúng ta từ chối xác định nguyên nhân của những cảm xúc này, nếu đứa trẻ trong ta vẫn chờ đợi bị trừng phạt, và nếu chúng ta vẫn sợ làm cha mẹ hoặc những người khác tức giận.
Người ta thường xuyên khuyến nghị để “xả bỏ” hoặc “giải tỏa” cơn tức giận bằng các biện pháp như đánh nhau bằng gối hoặc đấm gối cũng là vô ích về lâu dài, chừng nào chúng ta vẫn buộc phải có thái độ khoan dung với những người đã gây ra sự tức giận của chúng ta ngày bé. Laura đã thử nhiều bài tập như vậy, luôn thành công trong thời gian ngắn. Chỉ khi cô sẵn sàng nhận ra toàn bộ mức độ thất vọng của mình đối với cha và không chỉ cảm thấy tức giận mà còn cả nỗi đau và nỗi sợ hãi mà nó gây ra, thì tử cung của cô mới tự giải phóng khỏi khối u mà không cần đến các bài tập thư giãn hay những thứ tương tự.
LỪA DỐI GIẾT CHẾT YÊU THƯƠNG
TRONG MỘT cuốn sách (tiếng Đức Ich werde es sagen do Klett Verlag xuất bản năm 2003), nhà văn trẻ người Đan Mạch Kristian Detlev Jensen mô tả những trải nghiệm của mình dưới bàn tay của một kẻ ấu dâm từ khi anh 9 đến 12 tuổi. Câu chuyện kinh hoàng của Jensen chỉ ra rất rõ những hậu quả kéo dài của sự lạm dụng đó. Những sự kiện đau buồn đến nỗi anh không thể tự mình báo cảnh sát cho đến khi anh trưởng thành. Mặc dù lời kể của Kristian khiến cảnh sát không nghi ngờ gì về tình huống thực tế, và mặc dù những người khác cũng bị quấy rối theo cách tương tự, nhưng bản án dành cho kẻ phạm tội chỉ là án treo và hai năm quản chế. Có thể hiểu, sự bất công này đã khiến người thanh niên rơi vào trạng thái vô cùng kích động. Bất chấp nhiều năm điều trị tâm lí, anh không thể ngủ, khó tập trung, gặp phải những cơn ác mộng kinh hoàng và thường xuyên bị hoảng loạn không thể kiểm soát.
Điều gì đã ngăn cản đứa con duy nhất có trí tuệ bình thường nói với cha mẹ rằng nó đã phải chịu đựng nỗi đau kinh hoàng như thế nào trong khoảng thời gian ba năm? Cha mẹ của Kristian sống ở nông thôn của Đan Mạch và gửi cậu đến Copenhagen mỗi tuần một lần để tận hưởng cuộc sống. Chúng ta được biết rằng họ không bao giờ nghi ngờ rằng cậu bé bị lạm dụng tình dục vào mỗi cuối tuần bởi người đàn ông mà họ nhờ chăm sóc cậu bé ở thủ đô. Làm thế nào chúng ta có thể giải thích được việc cậu bé đã cứ chịu đựng sự xâm hại này mặc dù chắc chắn đã cố gắng chống lại? Tại sao cậu không thể tự thoát khỏi sự kìm kẹp của kẻ hành hạ mình bằng cách nói chuyện với cha mẹ về những gì đã trải qua? Vì nếu không giữ bí mật, cậu sẽ phải đối mặt với cuộc sống buồn tẻ tàn tạ nơi tỉnh lẻ cùng cha mẹ và hoàn toàn không có sự đồng cảm, thấu hiểu, quan tâm và giao tiếp. Cậu tin rằng mình đã tìm thấy tất cả những thứ này dưới hình bóng của Gustav, “người bạn” của cậu. Cậu say sưa với cuộc sống sôi động của Copenhagen, nơi mà nhờ Gustav, cậu có thể đến các buổi hòa nhạc, nhà hàng, nhà hát và rạp chiếu phim. Toàn cảnh đời sống văn hóa ở thủ đô là của cậu, chỉ cần cậu ngỏ lời. Do đó, cậu đã cố gắng hết sức để chấp nhận và chịu đựng chế độ nô lệ trên giường của Gustav, để rồi quên nó đi, để tận hưởng thế giới văn hóa mà cậu đã được tiếp cận, và bỏ qua mặt xấu của thỏa thuận này.
Nhưng mọi chuyện không diễn ra như vậy. Cơ thể của Kristian đã nổi loạn theo nhiều cách khác nhau vì cơn thịnh nộ vô hạn bên trong, một cơn thịnh nộ không bao giờ có thể thể hiện được, với Gustav hoặc với cha mẹ của Kristian.
Trong khi cuốn sách tiết lộ rằng sự thờ ơ của cha mẹ trên thực tế là cơ sở khiến nạn lạm dụng tình dục có thể bén rễ và phát triển, tác giả nhấn mạnh trong lời tựa của mình rằng ngày nay anh yêu cha mẹ mình rất nhiều và đã tha thứ cho họ hoàn toàn vì mọi thứ.
Đấy là câu mà tôi thấy có ý nghĩa nhất, vì nó minh họa cho một sức mạnh ẩn giấu, nhưng vẫn có sức hủy diệt khủng khiếp của Điều Răn Thứ Tư. Khi còn nhỏ, Kristian đã không thể tự giải thoát khỏi ảnh hưởng tàn ác của Gustav vì tin rằng không thể sống thiếu những niềm vui nơi thủ đô hào nhoáng mà Gustav đã giới thiệu cho cậu. Nếu bị buộc phải trở về nhà của cha mẹ ở tỉnh lẻ trong sự buồn chán hủy diệt linh hồn thì chắc chắn cậu sẽ chết. Do đó, cậu để cho “người bạn” tẩy não và chọn lờ đi sự lạm dụng rõ ràng mà cậu đang phải chịu đựng. Ngày nay, khi trưởng thành, cậu có thể thấy những gì đã gây hại cho mình và vì thế, không còn bị buộc phải yêu Gustav nữa. Nhưng những ràng buộc liên kết cậu với cha mẹ thì không hề mất đi sức mạnh. Và đó là thứ mà Kristian Jensen gọi là tình yêu.
Lời tường thuật của Kristian chỉ ra rất rõ rằng sự vâng lời vô điều kiện mà cha mẹ đã khắc sâu trong cậu và sự bỏ mặc của họ với cậu đã mở đường cho những tội ác mà kẻ ấu dâm đã gây ra cho cậu. Cậu đã tha thứ cho cha mẹ khỏi bất kì loại trách nhiệm nào cho tình huống khó xử của mình.
Người đọc có thể cảm nhận được sự phẫn nộ của Kristian trưởng thành trước hành vi của cha mẹ, những người đã bình thản giao cậu cho một tên tội phạm chăm sóc vào mỗi cuối tuần trong ba năm. Nhưng đứa trẻ bên trong không thể mạo hiểm để cảm thấy sự ghê tởm này; nỗi sợ cha mẹ vẫn còn quá lớn. Điều này có thể giải thích tại sao Kristian vẫn bị các triệu chứng bệnh. Sự giận dữ của anh trước hành vi của Gustav là hợp pháp vì sự khinh miệt đối với những kẻ ấu dâm được xã hội đồng tình. Nhưng cơn thịnh nộ trước lỗi lầm của cha mẹ thì bị ngăn cấm và không được công nhận. Sự phẫn uất bị cấm đoán này bị buộc phải dồn nén trong cơ thể anh - nó tạo ra những cơn ác mộng và các triệu chứng khác vì nó không thể tiếp cận với ý thức trưởng thành của anh. Những gì còn lại là niềm ao ước bậc cha mẹ “tốt” và niềm ao ước này duy trì tất cả những ảo tưởng mà anh nuôi dưỡng về họ.
Kristian Jensen không là ngoại lệ. Tôi liên tục nhận được sách của các tác giả liên quan đến những tội ác không thể tưởng tượng được đã gây ra cho họ trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, ngay từ những trang đầu tiên, họ đảm bảo với người đọc rằng họ đã tha thứ cho cha mẹ vì mọi điều cha mẹ đã làm. Tất cả những trường hợp này là một dấu hiệu chắc chắn của sự lặp lại cưỡng chế, sự cưỡng chế phải kéo dài những lừa dối mà họ đã từng phải chịu. Sự cưỡng chế này thể hiện trước hết ở chỗ khẳng định rằng sự tha thứ có tác dụng tốt.
Liệu việc tha thứ cho những tội ác đã gây ra tổn thương cho một đứa trẻ không những không hiệu quả mà còn gây hại? Có thể như vậy, bởi vì cơ thể không hiểu các giới luật đạo đức. Nó chiến đấu để khiến tâm trí tỉnh táo của chúng ta thừa nhận sự thật và vượt qua sự phủ nhận cảm xúc chân thật của mình. Đây là điều mà trẻ em không có khả năng làm được. Chúng phải tự lừa dối và làm ngơ trước tội ác của cha mẹ để có thể tồn tại. Người lớn thì không cần phải dồn nén cảm xúc của mình nữa. Nhưng nếu họ làm vậy, cái giá phải trả là rất cao. Hoặc là họ hủy hoại sức khỏe của chính mình hoặc sẽ bắt người khác phải trả giá.
Một nhà trị liệu đã tha thứ cho sự tàn ác của cha mẹ có thể cảm thấy bị thôi thúc để đề xuất biện pháp tương tự này cho thân chủ của mình. Khi làm như vậy, anh ta đang bóc lột sự phụ thuộc cũng như lòng tin của họ. Nếu anh ta hoàn toàn không tiếp xúc được với cảm xúc của chính mình, thì anh ta có thể thực sự không biết rằng mình đang cư xử với người khác như những gì mình đã từng phải chịu. Khi đề xuất sự tha thứ như một giải pháp, nhà trị liệu đang lạm dụng và khiến người khác bối rối, đồng thời từ chối mọi trách nhiệm từ phía mình. Anh ta tin chắc rằng mìnhđang hành động vì lợi ích của thân chủ. Chẳng phải tất cả các tôn giáo đều nhất trí tin chắc rằng tha thứ là con đường dẫn đến thiên đàng? Chẳng phải, ông Job28 rốt cuộc đã được khen thưởng vì ông đã tha thứ cho Đức Chúa Trời hay sao?
Chú thích:
28 Nhân vật trong Kinh thánh Cựu Ước.
Khác với trẻ em, bệnh nhân người lớn có quyền lựa chọn. Họ có thể rời bỏ một nhà trị liệu khi đã nhìn thấu được sự lừa mình dối người của anh ta. Họ không cần đánh đồng với nhà trị liệu và lặp lại hành vi của anh ta một lần nữa. Khi trưởng thành, Kristian Jensen có thể tự do nhìn thấu những sự thao túng của Gustav. Do đó anh khó có nguy cơ làm điều tương tự với người khác. Nhưng một đứa trẻ không có quyền tự do này. Con cái không thể thoát khỏi chính cha mẹ của chúng, vì vậy chúng cũng không có khả năng nhìn thấu những sự thật. Sự thiếu nhận thức giúp cho cái xấu có thể tồn tại. Đây là cách mà việc lạm dụng trẻ em đã tồn tại từ thời xa xưa. Sự thiếu nhận thức và tha thứ là điều cần thiết để tồn tại. Nhưng đồng thời, việc này dẫn đến sự lặp lại, và kéo dài mãi những vòng quay của sự tàn ác.
Để vượt qua vòng luẩn quẩn này, chúng ta cần hiểu rằng thứ được gọi là tình yêu không thể tồn tại sự lạm dụng, lừa dối và bóc lột, nếu không đi tìm những nạn nhân mới. Và nếu nó đòi hỏi những nạn nhân mới, thì đó không còn là tình yêu mà cùng lắm là khao khát được yêu. Chỉ có nhận thức rõ ràng về sự thực từng xảy ra trong quá khứ của chính mình mới có thể phá vỡ chuỗi lạm dụng này. Nếu tôi biết và có thể cảm thấy những gì cha mẹ đã làm với tôi khi tôi hoàn toàn không có khả năng tự vệ, thì tôi không cần các nạn nhân để che đậy nhận thức của mình nữa. Tôi không còn cần phải tái diễn những gì đã xảy ra với tôi và trút nó lên những người vô tội bởi vì bây giờ tôi biết điều gì đã xảy ra. Và nếu tôi muốn sống cuộc sống của mình một cách có ý thức, không bóc lột người khác, thì tôi phải chủ động tiếp nhận tri thức đó.