C
ó một loại giấc mơ được gọi là mơ tỉnh, tức là bạn biết bạn đang mơ. Nếu bạn mơ thấy mình đang bay, bạn biết bạn đang bay. Bạn nghĩ: “Í, xem này! Mình đang mơ thấy mình đang bay. Mình sẽ bay qua đó”. Bạn thực sự đủ tỉnh táo để biết bạn đang bay trong giấc mơ và bạn đang mơ giấc mơ đó. Giấc mơ đó khác xa với những giấc mơ thông thường khi bạn hoàn toàn chìm vào giấc mơ. Bạn phân biệt được sự khác nhau này cũng giống y như khi bạn thấy được sự khác nhau giữa việc biết mình đang nhận biết trong cuộc sống hằng ngày, và không biết mình đang nhận biết. Khi bạn là một người có nhận thức, bạn không còn trở nên đắm chìm hoàn toàn vào các sự kiện xung quanh bạn. Thay vào đó, bên trong bạn luôn nhận biết rằng bạn chính là người đang trải nghiệm các sự việc xảy ra và cả những suy nghĩ, cảm xúc đối với những sự việc đó. Khi một ý nghĩ được tạo ra trong trạng thái có nhận thức thì thay vì lạc lối trong đó, bạn sẽ vẫn biết rằng bạn là người đang có ý nghĩ đó. Bạn sáng suốt, minh mẫn.
Điều này khơi lên một số câu hỏi thú vị. Nếu bạn là cái chủ thể ở bên trong bạn đang trải nghiệm tất cả những điều này thì tại sao lại có sự tồn tại của nhiều cấp độ nhận thức khác nhau? Khi bạn ở tại vị trí nhận thức của Bản thân, bạn sẽ tỉnh táo và sáng suốt. Vậy bạn ở đâu khi bạn không ở vị trí đủ sâu trong Bản thân để trở thành người tiếp nhận có ý thức tất cả những gì mà bạn đang trải qua?
Trước hết, tâm thức sở hữu cái gọi là “khả năng tập trung”. Đó là một phần tự nhiên của tâm thức. Bản chất của tâm thức là sự nhận biết, và sự nhận biết có khả năng điều chỉnh để trở nên nhận biết nhiều hơn về một sự việc và nhận biết ít hơn về một sự việc khác. Nói cách khác, nó có khả năng tự điều khiển sự tập trung vào những khách thể nhất định. Giáo viên nói: “Tập trung nghe thầy nói này!”. Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là bạn phải tập trung ý thức vào một nơi. Giáo viên nghĩ là bạn tự biết cách để làm việc này. Vậy ai dạy bạn cách làm? Từ lớp mấy ở trường trung học bạn đã được dạy cách nắm bắt ý thức và chuyển dịch nó đến một chỗ nào đó để tập trung vào một điều gì đấy? Không ai dạy bạn cả. Đó là trực giác và tự nhiên. Bạn luôn tự biết cách làm điều đó.
Vì vậy, chúng ta đều biết rằng tâm thức có tồn tại; chỉ là chúng ta không thường bàn về nó mà thôi. Có lẽ bạn đã đi qua các bậc tiểu học, trung học và đại học mà không nghe bất kỳ ai thảo luận về bản chất của tâm thức. May mắn thay, bản chất của tâm thức được nghiên cứu rất kỹ trong các pháp môn sâu sắc, như yoga chẳng hạn. Thật vậy, những bài giảng yoga cổ xưa đều bàn nhiều về tâm thức.
Cách tốt nhất để tìm hiểu về tâm thức là thông qua trải nghiệm trực tiếp của riêng bạn. Ví dụ, bạn biết rất rõ rằng tâm thức của bạn có thể nhận biết cùng lúc nhiều đối tượng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, hoặc có thể chỉ tập trung vào một đối tượng đến mức không nhận biết được bất kỳ đối tượng nào khác. Đó là hiện tượng xảy ra khi bạn bị lạc trong suy nghĩ. Bạn có thể đang đọc, và sau đó đột nhiên không đọc nữa. Việc này xảy ra như cơm bữa. Bạn bất chợt chuyển sang suy nghĩ miên man về một điều gì khác. Những đối tượng bên ngoài hoặc những ý nghĩ bên trong chỉ thu hút được sự chú ý của bạn vào một thời điểm nào đó thôi. Nhưng dù tập trung vào thế giới bên ngoài hay những suy nghĩ bên trong thì đó đều cùng là nhận thức.
Điều mấu chốt là tâm thức có khả năng tập trung vào những thứ khác nhau. Chủ thể tâm thức có khả năng tập trung nhận thức lên những đối tượng cụ thể một cách chọn lọc. Nếu lùi lại quan sát, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng rằng các khách thể liên tục lướt qua trước mắt bạn ở cả ba cấp độ: suy nghĩ, cảm xúc và thể xác. Khi bạn không ở vị trí trung tâm của tâm thức, tâm thức của bạn sẽ luôn bị hút về một hoặc nhiều khách thể đang diễn ra trước mắt bạn và tập trung đến chúng. Nếu bạn tập trung nhiều đến mức nào đó, ý thức nhận biết của bạn sẽ đắm mình vào khách thể. Tập trung đến mức nó không còn biết rằng nó đang nhận thức về khách thể; nó chỉ trở nên ý thức về một khách thể. Bạn có bao giờ để ý rằng khi bạn đang tập trung quá sâu vào một chương trình ti vi, đến mức bạn sẽ chẳng để ý là bạn đang ngồi ở đâu hoặc những gì khác đang diễn ra trong phòng?
Những khách thể chẳng hạn như ti vi là ví dụ hoàn hảo nhất để chúng ta quan sát cách mà trung tâm tâm thức của chúng ta chuyển từ trạng thái nhận thức về Bản thân sang tình trạng chìm đắm vào khách thể mà chúng ta đang tập trung vào. Điểm khác biệt là thay vì ngồi trong phòng khách say sưa xem ti vi, bạn ngồi ở vị trí trung tâm của tâm thức và chìm đắm vào màn hình của tâm trí, theo dõi những cảm xúc và những hình ảnh trước mắt. Khi bạn tập trung vào thế giới của các giác quan, thế giới này sẽ kéo bạn vào. Và rồi, những phản ứng về mặt cảm xúc và tri giác sẽ kéo bạn vào sâu hơn. Lúc đó, bạn sẽ không còn an vị tại trung tâm nhận thức về Bản thân nữa; bạn đã bị nhấn chìm vào những thứ tương tự như chương trình ti vi mà bạn đang xem bên trong tâm trí của bạn.
Hãy quan sát “những chương trình ti vi” bên trong tâm trí đó. Bạn có một kiểu suy nghĩ cơ bản luôn diễn ra xung quanh bạn. Kiểu suy nghĩ này không thay đổi tại mọi thời điểm. Bạn cảm thấy quen thuộc và thoải mái với kiểu suy nghĩ thông thường này giống như đang ở trong không gian sống thân thuộc của gia đình bạn. Những cảm xúc bên trong bạn cũng theo một quy chuẩn riêng: một mức độ sợ hãi nhất định, một cấp độ yêu thương nhất định và một ngưỡng bất an nhất định. Bạn biết rằng nếu những sự việc nào đó xảy ra, một hoặc nhiều cảm xúc kiểu như trên sẽ bùng lên và chi phối phần lớn nhận thức của bạn. Rồi, cuối cùng chúng sẽ ổn định lại ở mức chuẩn ban đầu. Bạn biết rõ điều này nên tâm trí bạn luôn bận rộn để đảm bảo không có điều gì xảy ra bất ngờ tạo nên những rối loạn. Thật vậy, bạn quá bận tâm đến việc kiểm soát thế giới ý nghĩ, cảm xúc và cảm giác vật lý của bạn đến nỗi bạn hầu như không biết chính mình đang ở trong đó. Đây là trạng thái bình thường đối với hầu hết mọi người.
Khi bạn đang ở trong trạng thái “lạc trôi” này, bạn sẽ hoàn toàn bị chìm đắm trong các khách thể như suy nghĩ, cảm xúc và các giác quan, đến nỗi bạn quên bẵng chủ thể. Ngay bây giờ, bạn đang ngồi ở vị trí trung tâm của tâm thức để xem chương trình truyền hình trong tâm trí bạn. Nhưng có quá nhiều đối tượng hấp dẫn khiến tâm thức của bạn sao lãng, đến độ bạn không thể giữ mình để không bị chúng cuốn hút. Sự lôi cuốn của chúng quá áp đảo! Đó là những hình ảnh sống động ba chiều. Chúng ở mọi nơi xung quanh bạn. Tất cả các giác quan của bạn đều hút bạn vào – thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác – và cả những cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Nhưng thực ra bạn vẫn đang còn an vị ở bên trong nhìn ra quan sát tất cả những khách thể này. Tương tự như mặt trời không rời bỏ vị trí của nó trên bầu trời để chiếu sáng các vật thể bằng ánh sáng chói chang của mình, tâm thức cũng luôn ở vị trí trung tâm của nó để chiếu nhận thức lên các khách thể như hình thể, suy nghĩ và cảm xúc. Nếu bạn muốn ở lại vị trí trung tâm của tâm trí bạn, chỉ cần lặp đi lặp lại câu nói “xin chào” bên trong bạn. Và rồi bạn nhận ra rằng bạn đang nhận biết suy nghĩ đó. Đừng nghĩ nhiều về việc nhận thức nó; chỉ xem đó đơn thuần là một suy nghĩ như mọi suy nghĩ khác mà thôi. Đơn giản chỉ cần thư giãn và nhận biết rằng bạn đang nghe thấy tiếng “xin chào” vang lên trong tâm trí. Đó là vị trí tâm thức trung tâm của bạn.
Bây giờ chúng ta hãy chuyển từ màn ảnh nhỏ sang màn ảnh rộng. Chúng ta sẽ nghiên cứu tâm thức với ví dụ về một bộ phim. Khi đi xem phim, bạn để bản thân chìm đắm trong bộ phim. Đó là một phần của trải nghiệm xem phim. Với một bộ phim, bạn sử dụng hai giác quan: thị giác và thính giác. Và việc hai giác quan này đồng bộ với nhau là rất quan trọng. Nếu không thì bạn chẳng thể nào tập trung vào bộ phim. Hãy tưởng tượng bạn đang xem phim James Bond mà phần âm thanh không đồng bộ với các cảnh phim. Thay vì đắm mình trong thế giới ảo diệu của bộ phim, bạn sẽ nhận ra rằng bạn đang ngồi trong rạp chiếu phim và có điều gì đó không ổn. Nhưng do nhạc nền và các cảnh phim thường đồng bộ với nhau một cách hoàn hảo nên bộ phim sẽ thu hút toàn bộ nhận thức của bạn và bạn quên rằng bạn đang ngồi trong rạp chiếu phim. Bạn quên đi những suy nghĩ và cảm xúc của mình, và tâm thức của bạn bị cuốn hút vào bộ phim. Bạn hãy nghĩ xem khác nhau như thế nào giữa việc ngồi xem phim bên cạnh những người lạ trong một rạp chiếu phim lạnh, tối với việc chìm đắm vào một bộ phim đến mức bạn hoàn toàn không chú ý đến mọi thứ xung quanh. Thật ra, với một bộ phim có nội dung lôi cuốn, có lẽ bạn sẽ trải qua hai tiếng mà hoàn toàn không để ý gì tới bản thân mình. Vì thế, sự đồng bộ của hình ảnh và âm thanh là rất quan trọng nếu bạn muốn tâm thức của mình hoàn toàn bị hút vào bộ phim. Và đó mới chỉ là hai trong số các giác quan của bạn.
Điều gì sẽ xảy ra khi trải nghiệm của bạn về một bộ phim sử dụng cả khứu giác và vị giác? Hãy tưởng tượng bạn đang xem một bộ phim mà khi diễn viên đang ăn thì bạn cũng nếm được vị và ngửi thấy mùi của món ăn. Chắc chắn bạn sẽ bị bộ phim đó cuốn hút. Cảm giác đầu vào tăng gấp đôi, và do đó số lượng khách thể lôi cuốn tâm thức của bạn cũng tăng gấp đôi. Thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác, và chúng ta vẫn chưa đề cập đến một giác quan quan trọng nữa – bạn sẽ muốn thử một lần được đến một rạp chiếu phim có trải nghiệm xúc giác chứ? Khi trải nghiệm cả năm giác quan cùng lúc, bạn sẽ quên mất sự tồn tại của mình. Nếu tất cả các giác quan hòa quyện với nhau, bạn sẽ hoàn toàn chìm đắm trong trải nghiệm này. Nhưng sau đó thì chưa hẳn là vậy. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong rạp chiếu phim, và sau một lúc tâm trí bạn tràn ngập với cảm giác trải nghiệm, bạn sẽ cảm thấy bộ phim trở nên đơn điệu. Nó không giữ mãi được sự chú ý liên tục của bạn, và thế là suy nghĩ của bạn bắt đầu lang thang. Bạn bắt đầu nghĩ về việc sẽ làm gì khi về nhà. Bạn bắt đầu nghĩ về những gì đã xảy đến với bạn trong quá khứ. Cứ thế, bạn triền miên trong những suy nghĩ đến nỗi hầu như không nhận thức được rằng bạn đang xem phim. Điều này xảy ra bất chấp thực tế rằng năm giác quan của bạn vẫn đang gửi đến bạn tất cả những thông điệp của bộ phim. Điều này xảy ra vì những suy nghĩ của bạn vẫn có thể hoạt động độc lập với bộ phim. Chúng cung cấp cho tâm trí bạn thêm một nơi chốn thay thế để tập trung vào.
Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng những bộ phim được tạo ra không chỉ lôi cuốn sự tham gia của năm giác quan mà còn có thể khiến suy nghĩ và cảm xúc của bạn đồng bộ với những diễn biến trên màn ảnh. Với trải nghiệm điện ảnh theo cách này, bạn vừa nghe, nhìn, cảm nhận mùi vị, và ngay lập tức bạn cũng có những cảm xúc đồng thời theo xúc cảm của nhân vật và suy nghĩ những gì nhân vật đang suy nghĩ. Khi nhân vật nói: “Tôi cảm thấy thật bồn chồn. Tôi có nên cầu hôn cô ấy không nhỉ?”, và bỗng nhiên trong lòng bạn cũng bị bủa vây bởi cảm giác cực kỳ bồn chồn theo nhân vật. Bây giờ chúng ta có được trải nghiệm đa chiều: năm giác quan của cơ thể, cộng với những suy nghĩ và cảm xúc. Hãy tưởng tượng bạn đến rạp xem bộ phim đó và được kết nối với trải nghiệm này. Hãy cẩn thận, trải nghiệm này có thể khiến bạn rất thất vọng khi bạn nhận biết chính mình. Toàn bộ mọi khách thể của tâm thức đều được đồng bộ hóa với trải nghiệm này. Mọi nhận thức của bạn trong quá trình xem phim sẽ là một phần của bộ phim. Khi bộ phim kết thúc là lúc nó đã kiểm soát được hoàn toàn mọi suy nghĩ của bạn rồi. Sẽ không bao giờ có chuyện bạn nói rằng: “Tôi không thích bộ phim này. Tôi muốn rời khỏi đây”. Người nói câu này cần có suy nghĩ độc lập, trong khi suy nghĩ của bạn đã bị kiểm soát bởi bộ phim mất rồi. Giờ đây bạn hoàn toàn “đi lạc”. Bạn sẽ thoát ra bằng cách nào đây?
Nghe có vẻ đáng sợ thật, và đó cũng chính là tình trạng khó khăn trong cuộc sống của bạn. Bởi vì tất cả các khách thể cùng một lúc tác động vào các giác quan của bạn, cho nên bạn sẽ bị hút vào và không còn nhận thức được về sự tách biệt giữa bạn và các khách thể. Các suy nghĩ và cảm xúc chuyển động hài hòa với các hình ảnh và âm thanh. Tất cả đều xâm nhập vào bên trong bạn, và tâm thức của bạn hoàn toàn đắm chìm trong đó. Trừ khi bạn yên vị thật sâu trong tâm thức của một nhân chứng tỉnh táo, nếu không bạn sẽ không thể trở lại để nhận biết rằng bạn là người đang xem bộ phim này. “Đi lạc” có nghĩa là thế.
Linh hồn “đi lạc” nghĩa là tâm thức rơi vào một nơi mà suy nghĩ, cảm xúc và các nhận thức giác quan (thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác và khứu giác) của một người cùng một lúc tác động vào nó. Mọi thông điệp mà các suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức giác quan này mang lại đều đồng quy tại một chỗ. Do vậy mà, tâm thức – vốn có khả năng nhận thức được mọi thứ – thì nay rơi vào trạng thái lầm lẫn khi tập trung sự nhận biết của mình vào chỗ duy nhất đó. Một khi tâm thức đã bị hút vào đó, nó thậm chí không còn nhận biết được nó là chính nó. Nó nhận thức bản thân nó cũng là một trong các khách thể mà nó đang trải nghiệm. Nói cách khác, bạn nhận thức bản thân mình như các khách thể vậy. Bạn nghĩ rằng bạn là tổng hợp của những trải nghiệm mà bạn học được.
Đó là điều bạn sẽ phải cân nhắc trước khi đến một rạp chiếu phim hiện đại. Trước khi xem một bộ phim loại này, bạn hãy nghĩ xem mình sẽ muốn trở thành nhân vật nào. Chẳng hạn bạn quyết định: “Tôi sẽ là James Bond”. Được thôi, nhưng một khi bạn nhấn nút thì không thay đổi gì được nữa. Vì thế, tốt hơn hết cái nút phải gắn với đồng hồ bấm giờ! Bạn, từ chỗ đang nhận biết về bản thân mình, sẽ không còn có mặt nữa. Bởi vì tất cả những suy nghĩ của bạn hiện giờ đã là suy nghĩ của James Bond, nên toàn bộ khái niệm bản thân hiện tại đều biến mất. Hãy nhớ rằng, khái niệm bản thân của bạn chỉ là tập hợp những suy nghĩ về bản thân bạn. Tương tự như vậy, các cảm xúc của bạn là của Bond và bạn đang xem phim thông qua cảm quan thị giác và thính giác của anh ấy. Có một khía cạnh duy nhất của con người bạn vẫn giữ nguyên, đó là tâm thức đang nhận thức những khách thể này. Đó cũng chính là trung tâm nhận thức mà trước đó đã nhận biết những chuỗi suy nghĩ, cảm xúc và những cảm nhận thông qua giác quan trước khi bạn xem phim. Bây giờ, một ai đó tắt phim đi. Ngay tức khắc những suy nghĩ và cảm xúc của Bond được thay thế trở lại bằng chuỗi suy nghĩ và cảm xúc trước khi xem phim. Bạn lại quay trở về với suy nghĩ của một phụ nữ bốn mươi tuổi. Tất cả những suy nghĩ đều tương thích với thực tại. Mọi cảm xúc đều tương thích với thực tại. Tất cả mọi thứ đều như trước đây – thị giác, khứu giác, vị giác, cảm giác,... Nhưng điều đó không thay đổi được thực tế rằng tất cả chỉ là một cái gì đó mà tâm thức đang trải nghiệm. Tất cả chỉ là khách thể của tâm thức, và bạn là tâm thức.
Điều phân biệt một người có tâm thức, có định tâm với một người không chú ý nhiều về tâm thức chỉ đơn giản là mức độ tập trung nhận thức của họ. Đó không phải là sự khác biệt trong bản thân tâm thức. Mọi tâm thức đều như nhau. Cũng như tất cả ánh sáng từ mặt trời đều như nhau, tất cả nhận thức đều giống nhau. Tâm thức không phải là cái gì đó thuần khiết hay không thuần khiết; nó không có đặc tính. Nó chỉ là sự có mặt, nhận thức rằng nó đang nhận thức. Sự khác biệt ở chỗ khi tâm thức của bạn không được đặt làm trung tâm bên trong bạn, nó sẽ hướng toàn bộ sự tập trung vào các khách thể của tâm thức. Trong khi, nếu bạn là một người có định tâm, tâm thức của bạn sẽ luôn luôn nhận thức được rằng nó đang tỉnh thức. Nhận thức của bạn về sự tồn tại luôn độc lập tách rời khỏi các khách thể bên trong và bên ngoài mà bạn nhận thức được một cách không chủ ý.
Nếu thực sự muốn hiểu về sự khác biệt này, bạn hãy bắt đầu bằng việc nhận ra rằng tâm thức có thể tập trung vào bất cứ điều gì. Vậy nếu tâm thức tập trung vào chính nó thì sao? Khi điều đó xảy ra, thay vì nhận thức về những suy nghĩ của mình, bạn sẽ nhận thức rằng bạn đang có nhận thức về các suy nghĩ của bạn. Bằng cách này, bạn đang bật đèn tâm thức để soi ngược lại chính nó. Tâm thức của bạn luôn suy nghĩ về điều gì đó, nhưng lần này nó đang suy ngẫm về nguồn gốc của chính nó. Đây là thiền định thực sự. Thiền định thực sự vượt lên trên hành động tập trung đơn giản vào một điểm. Đối với thiền định thực sự sâu, bạn không những cần phải có khả năng tập trung hoàn toàn tâm thức vào một khách thể mà còn phải có khả năng biến chính nhận thức của mình thành khách thể mà mình đang nhận thức. Ở trạng thái cao nhất, trọng tâm của tâm thức được hướng trở lại vào Bản thân.
Khi bạn suy niệm về bản chất của Bản thân, nghĩa là bạn đang thiền định. Đó là lý do vì sao thiền định là trạng thái cao nhất. Đó là hành trình trở về với nguồn gốc của con người bạn, là hành động nhận thức đơn thuần về trạng thái nhận thức. Một khi bạn đã trở nên có ý thức về chính bản thân tâm thức, bạn đạt đến một trạng thái hoàn toàn khác. Giờ đây bạn đã nhận thức được bạn là ai. Bạn trở thành một người tỉnh thức. Đó thực ra chỉ là điều tự nhiên nhất trên thế giới. Tôi ở đây. Tôi luôn luôn ở đây. Giống như khi bạn đang ngồi xem ti vi trên trường kỷ, nhưng bạn nhập tâm hoàn toàn vào chương trình đến mức quên mất bạn đang ở đâu. Ai đó lay vai bạn, và bạn trở về với nhận thức rằng bạn đang ngồi trên trường kỷ xem ti vi. Không có thay đổi gì khác – bạn chỉ đơn giản là dừng tập trung sự chú ý của bản thân bạn lên một khách thể nào đó của tâm thức. Bạn đang thức tỉnh. Đó là tâm linh. Đó là trạng thái tự nhiên của Bản thân. Đó chính là con người bạn.
Khi bạn trở về lại trong tâm thức, thế giới này không còn là một vấn đề nữa. Nó chỉ là một cái gì đó mà bạn đang quan sát. Nó không ngừng thay đổi, nhưng bạn không có cảm giác đó là một vấn đề. Bạn càng sẵn sàng để cho thế giới được là khách thể mà bạn đang nhận thức thì nó càng để cho bạn được là chính bạn – là nhận thức, bản ngã, tiểu ngã, linh hồn.
Bạn “ngộ” ra rằng bạn không phải là người mà bạn từng nghĩ. Thậm chí bạn còn không phải là một con người. Bạn chỉ đang quan sát một con người. Bạn bắt đầu có những trải nghiệm sâu sắc bên trong trung tâm tâm thức của chính bạn. Đây sẽ là những trải nghiệm trực giác, sâu sắc về bản chất thực sự của Bản thân. Bạn sẽ nhận thấy rằng bạn có thể mở mang tâm thức ra đến vô hạn. Khi bắt đầu khám phá tâm thức thay vì hình thể, bạn nhận ra rằng tâm thức của bạn có vẻ nhỏ bé và hữu hạn là do bạn đang tập trung vào những khách thể nhỏ bé và hữu hạn. Điều này tương tự như khi bạn chỉ tập trung vào ti vi – bạn sẽ không thấy gì khác trong thế giới của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn lùi lại quan sát, bạn có thể nhìn thấy toàn bộ căn phòng, bao gồm cả ti vi. Tương tự như vậy, thay vì chỉ tập trung vào những suy nghĩ, cảm xúc và giác quan của một con người, bạn có thể lùi lại phía sau trong căn phòng tâm thức để có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ. Bạn có thể di chuyển từ hữu hạn đến vô hạn. Đây chẳng phải là điều mà Chúa Ki-tô, Đức Phật, các vị thánh và các bậc hiền triết, cao tăng của mọi thời đại, mọi tôn giáo đã luôn cố gắng để truyền đạt cho chúng ta sao?
Một trong những vị thánh vĩ đại, Ramana Maharshi, từng hỏi: “Tôi là ai?”. Bây giờ chúng ta mới nhận ra rằng đây là một câu hỏi rất sâu sắc. Hãy hỏi câu hỏi này liên tục không ngừng nghỉ. Hãy nêu lên câu hỏi và bạn sẽ nhận thấy rằng bạn là câu trả lời. Không có câu trả lời thông tuệ nào khác – bạn chính là câu trả lời. Hãy là câu trả lời đó và tất cả mọi thứ sẽ thay đổi.