R
amana Maharshi (1879 - 1950), bậc thầy vĩ đại trong truyền thống yoga, từng nói rằng để duy trì tự do nội tâm người ta luôn phải thành thật đặt câu hỏi: “Tôi là ai?”. Ông dạy rằng điều này còn quan trọng hơn cả việc đọc sách, luyện thần chú, hay đi đến những nơi thờ tự. Chỉ cần hỏi: “Tôi là ai? Ai đang nhìn thấy khi tôi nhìn thấy? Ai đang nghe thấy khi tôi nghe thấy? Ai đang nhận biết rằng tôi biết? Tôi là ai?”.
Chúng ta hãy khám phá câu hỏi này bằng cách chơi một trò chơi. Giả vờ như bạn và tôi đang trò chuyện với nhau. Thông thường, trong văn hóa phương Tây, khi một ai đó tiến đến gần bạn và hỏi: “Xin lỗi, bạn là ai?”, bạn không quở trách họ vì câu hỏi này không có gì là quá “sâu kín”. Bạn nói với họ tên của bạn, Sally Smith chẳng hạn. Nhưng tôi sẽ thử thách thêm phản ứng này bằng cách lấy ra một tờ giấy và viết các chữ cái S-a-l-l-y S-m-i-t-h, sau đó đưa cho bạn. Có thật đúng là bạn không – một tập hợp các chữ cái? Đó là người đang nhìn thấy khi bạn nhìn thấy? Rõ ràng là không, vì vậy bạn nói:
“Ồ, bạn nghi ngờ cũng phải, tôi xin đính chính. Tôi không phải là Sally Smith. Đó chỉ là cái tên người ta gọi tôi. Đó là một danh hiệu. Thực ra tôi là vợ của Frank Smith.”
Không thể nào, thậm chí còn không đúng trong xã hội thời nay. Sao bạn có thể là vợ của Frank Smith? Không lẽ bạn đang nói rằng bạn đã không tồn tại trước khi gặp Frank, và bạn sẽ không còn tồn tại nếu ông ấy qua đời hay bạn tái hôn? Vợ của Frank Smith không thật sự là bạn. Một lần nữa, đó chỉ là một danh hiệu khác, kết quả của một tình huống khác hoặc một sự kiện mà bạn đã từng tham gia. Nhưng vậy thì, bạn là ai? Lần này bạn trả lời:
“Được rồi, bây giờ tôi sẽ tập trung hơn vào câu hỏi của bạn. Tên gọi của tôi là Sally Smith. Tôi sinh năm 1965 tại New York. Tôi sống ở Queens với ba mẹ tôi, Harry và Mary Jones, mãi cho đến năm lên năm. Sau đó chúng tôi chuyển đến New Jersey và tôi học ở trường Tiểu học Newark. Tôi toàn đạt điểm A ở trường, và khi học lớp năm, tôi đóng vai Dorothy trong vở kịch Wizard of Oz (Phù thủy xứ Oz). Tôi bắt đầu hẹn hò vào năm lớp chín, và người bạn trai đầu tiên của tôi tên Joe. Tôi học Đại học Rutgers, tại đó tôi đã gặp và kết hôn với Frank Smith. Đó là con người tôi.”
Tạm ngưng ở đây, đó là một câu chuyện thú vị, nhưng tôi không hỏi bạn về những gì đã xảy ra với bạn từ khi bạn chào đời. Tôi đã hỏi bạn: “Bạn là ai?”. Bạn kể lại tất cả những trải nghiệm này, nhưng người có những trải nghiệm này là ai? Phải chăng bạn đã không trải qua những trải nghiệm đó và nhận thức về sự tồn tại của bạn nếu bạn học tại một trường đại học khác?
Và thế là bạn nghiền ngẫm điều này, rồi nhận ra là chưa lần nào trong đời bạn từng đặt câu hỏi đó cho chính mình và thực sự muốn biết điều đó. Tôi là ai? Đó là câu hỏi mà Ramana Maharshi đang đặt ra. Nghe vậy, bạn suy nghĩ nghiêm túc hơn và nói:
“Vậy thì, tôi là cơ thể đang chiếm không gian này. Tôi cao 1,68 mét và nặng 61 kg, và tôi ở đây.”
Khi bạn là Dorothy trong vở kịch hồi lớp năm, bạn chưa cao đến 1,68 mét, bạn chỉ mới cao 1,38 mét. Vậy thì bạn là ai trong hai người này? Bạn là người cao 1,68 mét bây giờ hay là người cao 1,38 mét trước đây? Bạn đã không tồn tại là chính bạn khi bạn là Dorothy? Bạn trả lời tôi là bạn có ở đó. Vậy bạn chính là người đã trải nghiệm vai Dorothy trong vở kịch hồi lớp năm và cũng chính là người bây giờ đang cố gắng trả lời câu hỏi của tôi? Hai người này đều là chính bạn sao?
Có lẽ chúng ta cần lùi lại một lát để hỏi một số câu thăm dò trước khi trở lại câu hỏi chính. Khi bạn mười tuổi, bạn hẳn đã nhìn vào gương và thấy cơ thể của một em bé mười tuổi? Đó phải chăng cũng chính là cùng một con người mà bây giờ bạn đang nhìn thấy trong cơ thể một người trưởng thành? Những gì bạn nhìn thấy đã thay đổi, nhưng còn bạn – người đang nhìn vào sự việc này – thì sao? Sự tồn tại có tính liên tục không? Có phải là cùng một bản thể nhìn vào gương tuy ở cách xa nhau nhiều năm không? Bạn phải nghiền ngẫm điều này thật cẩn thận. Thêm một số câu hỏi khác: Khi nằm ngủ mỗi đêm, bạn có mơ không? Người nằm mơ là ai? Mơ nghĩa là gì? Bạn trả lời: “Ồ, nó giống một thước phim diễn ra trong tâm trí tôi và tôi xem nó”. Ai xem nó? “Chính tôi!” Đó cũng chính là người đang nhìn vào gương à? Vậy người đang đọc những dòng này, người đang nhìn vào gương và thấy những giấc mơ đều cùng là một người, là bạn phải không? Khi thức giấc, bạn biết rằng bạn đã thấy giấc mơ đó. Đây là tính liên tục của nhận thức sáng suốt về sự sống. Ramana Maharshi chỉ đang hỏi những câu hỏi rất đơn giản: Ai đang nhìn thấy khi bạn nhìn thấy? Ai đang nghe thấy khi bạn nghe thấy? Ai thấy những giấc mơ? Ai nhìn vào hình ảnh trong gương? Ai là người đang có tất cả những trải nghiệm này? Nếu cố gắng đưa ra những câu trả lời trung thực và theo trực giác, câu trả lời của bạn chỉ đơn giản là: “Tôi. Chính là tôi. Tôi đang ở đây trải nghiệm tất cả những điều này”. Đó là câu trả lời tốt nhất của bạn.
Thật dễ dàng để nhận ra rằng bạn không phải là đối tượng mà bạn nhìn thấy. Đó là một trường hợp điển hình của chủ thể - khách thể. Chính là bạn, chủ thể, đang nhìn vào các khách thể. Vì vậy chúng ta không cần phải xem xét từng khách thể trong vũ trụ và nói rằng khách thể đó không phải là bạn. Chúng ta có thể rất dễ dàng khái quát bằng cách nói rằng nếu bạn là người đang nhìn một cái gì đó thì cái đó không phải là bạn. Vì vậy, ngay lập tức bạn thấy được những gì không phải là bạn: bạn không phải là thế giới bên ngoài. Bạn là người đang ở bên trong cơ thể bạn và nhìn ra thế giới đó.
Thật đơn giản. Bây giờ ít nhất là chúng ta đã loại trừ được vô số thứ bên ngoài. Nhưng bạn là ai? Và bạn ở đâu nếu bạn không ở bên ngoài với tất cả những thứ khác? Bạn chỉ cần tỉnh táo quan sát và nhận ra rằng vị trí của bạn là sẽ luôn ở bên trong để cảm nhận mọi thứ ngay cả khi các đối tượng bên ngoài biến mất. Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy sợ hãi biết bao nhiêu. Bạn cũng có thể cảm thấy thất vọng, và thậm chí tức giận. Nhưng ai là người đang cảm thấy những điều này? Một lần nữa bạn nói: “Tôi!”. Và đó là câu trả lời chính xác. Cùng là một “tôi” trải nghiệm cả thế giới bên ngoài và cả những cảm xúc bên trong.
Để hiểu thông suốt về điều này, hãy tưởng tượng bạn đang quan sát một con chó chơi ngoài trời. Đột nhiên bạn nghe thấy một âm thanh ngay phía sau bạn – một tiếng rít, giống như của một con rắn chuông! Liệu bạn vẫn nhìn con chó với cùng độ tập trung như trước? Tất nhiên là không. Trong lòng bạn đang cảm thấy cực kỳ hoảng hốt. Mặc dù con chó vẫn đang chơi trước mặt bạn, nhưng bạn hoàn toàn bị cuốn theo trải nghiệm sợ hãi. Tất cả sự chú ý của bạn có thể nhanh chóng bị nhấn chìm trong những cảm xúc của bạn. Nhưng ai là người cảm thấy sợ hãi? Không phải cũng chính là bạn, người đang quan sát chú chó sao? Ai là người có cảm xúc yêu thương khi bạn cảm thấy yêu thương? Bạn có cảm thấy yêu thương nhiều đến nỗi khó giữ được sự sáng suốt không? Bạn có thể trở nên quá chìm đắm trong những cảm xúc nội tâm đẹp đẽ, hoặc những nỗi sợ hãi khủng khiếp trong lòng đến độ khó tập trung vào các đối tượng bên ngoài. Về bản chất, các khách thể bên trong và bên ngoài tranh giành để thu hút sự chú ý của bạn. Bạn ở đó với cả hai trải nghiệm bên trong và bên ngoài – nhưng ai mới là bạn thật sự?
Để khám phá sâu hơn về điều này, bạn hãy trả lời thêm một câu hỏi khác: “Có bao giờ bạn không có những trải nghiệm cảm xúc nào mà thay vào đó chỉ là cảm giác an tĩnh trong lòng không? Bạn vẫn tồn tại ở đó nhưng chỉ nhận thấy sự tĩnh tại yên bình. Sau cùng, bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng thế giới bên ngoài và dòng chảy của cảm xúc nội tâm đến rồi đi. Chỉ có bạn, vẫn luôn ở đó, trải nghiệm tất cả, thì vẫn nhận thức một cách có ý thức về bất kỳ điều gì diễn ra trước mắt bạn.
Nhưng bạn đang ở đâu? Có lẽ chúng ta tìm thấy bạn trong những suy nghĩ của bạn. René Descartes, một triết gia vĩ đại, đã từng nói rằng: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”. Nhưng đó có thật là những gì đang diễn ra không? Từ điển định nghĩa động từ “tư duy” là “hình thành các ý nghĩ, sử dụng trí óc để xem xét các ý tưởng và đưa ra đánh giá” (Microsoft Encarta 2007). Câu hỏi đặt ra là, ai đang sử dụng trí óc để hình thành các ý nghĩ và sau đó chuyển biến chúng thành những ý tưởng và đánh giá? Liệu người trải nghiệm những ý nghĩ có tồn tại không ngay cả khi những ý nghĩ không tồn tại? Thật may là bạn không cần phải suy nghĩ về điều này. Bạn vẫn đang nhận thức rất rõ ràng về sự hiện diện của chính mình, ý thức về sự tồn tại của bạn mà không cần sự hỗ trợ của các ý nghĩ. Chẳng hạn như khi bạn nhập thiền sâu, những ý nghĩ đều ngừng lại. Bạn biết rằng chúng đang ngừng lại. Bạn không “tư duy” về điều này, bạn chỉ đơn giản nhận biết là đang “không có suy nghĩ nào cả”. Bạn xuất thiền và nói: “Ôi, tôi đã nhập thiền sâu, và đây là lần đầu tiên những ý nghĩ của tôi hoàn toàn ngừng lại. Tôi đã ở một nơi hoàn toàn bình yên, hài hòa và tĩnh lặng”. Nếu bạn đang ở đó trải nghiệm sự bình an khi những suy nghĩ của bạn ngừng lại thì rõ ràng là sự tồn tại của bạn không phụ thuộc vào hoạt động tư duy.
Suy nghĩ có thể ngừng lại, và cũng có thể cực kỳ náo loạn, ồn ào. Đôi khi bạn có nhiều suy nghĩ hơn những thời điểm khác. Thậm chí bạn có thể nói với ai đó: “Tâm trí tôi đang khiến tôi phát điên. Kể từ lúc nó nói với tôi những điều đó, tôi không tài nào ngủ được. Tâm trí tôi không ngừng suy nghĩ miên man”. Tâm trí của ai? Ai là người đang để ý đến những suy nghĩ này? Có phải là bạn không? Bạn có đang nghe thấy những suy nghĩ bên trong tâm trí bạn không? Bạn có ý thức được về sự tồn tại của những suy nghĩ này không? Thật ra thì bạn không thể loại bỏ chúng phải không? Nếu bạn bắt đầu có một suy nghĩ mà bạn không thích, bạn hẳn là khó lòng khiến nó biến mất phải không? Con người đấu tranh với tư tưởng trong mọi thời điểm. Ai là người nhận biết các suy nghĩ, và ai là người đấu tranh với chúng? Bởi thế chúng ta mới nói rằng, bạn có mối quan hệ chủ thể - khách thể với những suy nghĩ của bạn. Bạn là chủ thể, còn các suy nghĩ chỉ là đối tượng (khách thể) mà bạn có thể nhận thức được. Bạn không phải là suy nghĩ của bạn. Bạn chỉ đơn giản nhận biết các suy nghĩ của bạn. Cuối cùng bạn nói:
“Được rồi, mình không phải là bất cứ cái gì trong thế giới bên ngoài và cũng không phải là các cảm xúc về thế giới bên ngoài đó. Những khách thể ngoại tại và nội tại này đến rồi đi, và mình là người trải nghiệm chúng. Hơn nữa, mình cũng không phải là những suy nghĩ. Các suy nghĩ có thể yên lặng hoặc ồn ào, vui vẻ hay buồn chán. Suy nghĩ cũng chỉ là những đối tượng khác mà mình nhận thức được. Nếu vậy thì, mình là ai?”
Vấn đề trở nên nghiêm túc hơn: “Tôi là ai? Ai đang có tất cả những trải nghiệm về thể chất, cảm xúc và tinh thần này?”. Vì vậy, bạn suy ngẫm câu hỏi này sâu hơn một chút, bằng cách buông bỏ những trải nghiệm nói trên và chú ý xem khi không có những trải nghiệm đó thì còn “ai” ở lại trong tâm trí bạn không. Bạn sẽ nhận ra ai thật sự là người đang có những trải nghiệm này. Cuối cùng, mức độ nhận thức bên trong của bạn sẽ đi đến điểm mấu chốt, nơi mà bạn nhận ra rằng, bạn – người trải nghiệm – có một năng lực đặc biệt. Và năng lực đặc biệt đó là sự nhận biết, tâm thức, một trực giác về sự tồn tại. Bạn nhận biết được sự hiện diện của chính bạn ở bên trong. Bạn không cần phải suy nghĩ gì cả về điều này; bạn chỉ nhận biết. Bạn có thể suy nghĩ về nó nếu bạn muốn, nhưng bạn sẽ nhận biết rằng bạn đang nghĩ về nó. Bạn tồn tại bất kể tư duy hay không tư duy.
Để cảm nhận rõ hơn về điều này, chúng ta hãy làm một thử nghiệm về tâm thức. Chỉ cần nhìn thoáng qua một căn phòng, hay lướt mắt ra ngoài cửa sổ, ngay tức khắc bạn có thể nhìn thấy mọi thứ trước mắt bạn một cách chi tiết. Bạn dễ dàng nhận thấy tất cả đối tượng trong tầm mắt, ở gần và ở xa. Không cần phải di chuyển đầu hoặc mắt, bạn vẫn thu nhận được tất cả các chi tiết phức tạp của những vật mà bạn nhìn thấy ngay. Hãy quan sát tất cả màu sắc, sự biến đổi của ánh sáng, thớ gỗ của đồ nội thất, kiến trúc của tòa nhà, sự khác nhau của vỏ cây và lá. Hãy thực hiện tất cả những điều này cùng lúc mà không suy nghĩ gì về chúng. Không cần phải suy nghĩ gì cả; bạn chỉ cần nhìn chúng. Bây giờ, hãy cố gắng dùng những suy nghĩ để tách biệt, đặt tên và mô tả những chi tiết phức tạp của các đối tượng mà bạn nhìn thấy. Tiếng nói nội tâm của bạn mất bao lâu để diễn tả tất cả những chi tiết đó với bạn nếu so với việc thâu nhận tất cả cùng một lúc qua con mắt tâm thức? Khi bạn chỉ nhìn mà không phải tạo ra những suy nghĩ, tâm thức của bạn dễ dàng nhận biết và lĩnh hội đầy đủ tất cả những gì mà nó nhìn thấy.
Tâm thức là từ diễn đạt ở mức cao nhất mà bạn có thể nghĩ đến. Không từ nào có thể cao hơn và sâu sắc hơn từ “tâm thức”. Tâm thức là sự nhận thức thuần túy. Nhưng nhận thức là gì? Chúng ta hãy làm một thử nghiệm khác. Giả dụ bạn đang ở trong một căn phòng, nhìn vào một nhóm người và một cây đàn piano. Bây giờ hãy vờ như cây đàn piano không còn tồn tại trong thế giới của bạn. Bạn có gặp rắc rối đáng kể nào khi vờ như thế không? Bạn đáp lời: “Không, chẳng có rắc rối nào. Tôi chẳng liên quan gì với những cây đàn piano cả”. Được thôi, vậy hãy vờ như những người trong phòng đều không còn tồn tại nữa. Bạn vẫn ổn chứ? Bạn có thể kiểm soát được tình huống này không? Bạn trả lời: “Chắc chắn rồi, tôi thích ở một mình”. Bây giờ, hãy vờ như nhận thức của bạn không tồn tại. Chỉ cần “tắt” nó đi. Bây giờ bạn vẫn ổn chứ?
Sẽ như thế nào nếu nhận thức của bạn không tồn tại? Điều này thực sự khá đơn giản – nghĩa là bạn cũng không có mặt ở đó. Nghĩa là không có sự nhận biết về “cái tôi”. Sẽ không có ai ở trong tình huống đó để nói rằng: “Ồ, tôi từng có mặt ở đây, nhưng bây giờ tôi không còn ở đây nữa”. Sẽ không có nhận thức về sự tồn tại. Và nếu không có nhận thức về sự tồn tại, hay tâm thức, thì sẽ không có gì cả. Vậy có các khách thể không? Không biết được. Nếu không có ai để nhận thức về các khách thể thì việc chúng tồn tại hay không tồn tại trở nên hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì. Mặc kệ có bao nhiêu thứ trước mặt bạn, nếu bạn tắt tâm thức đi thì sẽ không có gì cả. Tuy nhiên, nếu bạn có tâm thức, sẽ không có chuyện gì đó diễn ra trước mặt bạn mà bạn lại nhận thức rằng không có gì cả. Thực sự chẳng có gì phức tạp, điều này sáng tỏ như ban ngày.
Và bây giờ, nếu tôi hỏi bạn: “Bạn là ai?”, bạn sẽ trả lời:
“Tôi là người quan sát. Tôi là người quan sát từ bên trong, tôi nhìn ra và nhận thức được những sự kiện, ý nghĩ, và cảm xúc lướt qua trước mắt tôi.”
Nếu bạn tiến bước sâu hơn, bạn sẽ đến nơi bạn thực sự sống. Bạn sống ở vị trí của tâm thức. Sống một đời sống tâm linh thực sự, không cần một sự cố gắng hay chủ đích nào. Đơn giản như việc bạn đưa mắt nhìn ra ngoài và nhận biết tất cả những gì bạn thấy, cuối cùng bạn sẽ an vị đủ xa từ bên trong bạn để có thể nhìn thấy tất cả suy nghĩ và cảm xúc bên trong mình, cũng như hình thái bên ngoài. Tất cả những khách thể này đều ở phía trước bạn. Suy nghĩ ở bên trong – gần bạn hơn, cảm xúc ở xa hơn một chút, còn hình thái ở cách xa nhất – bên ngoài kia. Đứng sau tất cả là bạn. Bạn ở sâu bên trong đến nỗi bạn ý thức được rằng đó chính là nơi ở thường trực của bạn. Ở mỗi giai đoạn của cuộc sống, bạn nhìn thấy những suy nghĩ, cảm xúc, và khách thể khác nhau lướt qua phía trước mình. Nhưng bạn luôn là người tỉnh thức nhận biết tất cả những điều đó.
Bây giờ bạn đang ở trung tâm của tâm thức. Bạn ở đằng sau tất cả, chỉ quan sát thôi. Đó là ngôi nhà thực sự của bạn. Nếu đem tất cả mọi thứ đi thì bạn vẫn còn ở đó, nhận biết rằng mọi thứ đã không còn ở đó. Nhưng nếu đem trung tâm của tâm thức đi thì không còn gì cả. Trung tâm đó là vị trí quan sát của Bản thân. Từ vị trí đó, bạn nhận biết rằng có ý nghĩ, cảm xúc và vạn vật đang xâm nhập vào bên trong bạn thông qua các giác quan. Điều khác biệt là bạn biết rằng bạn đang nhận thức. Đó là vị trí của Buddhist Self(1) (bản ngã theo đạo Phật), Hindu Atman(2) (tiểu ngã theo đạo Hindu) và Judeo-Christian Soul (linh hồn theo đạo Ki-tô Do Thái giáo). Bạn sẽ thấy được điều bí ẩn tuyệt diệu một khi bạn đặt mình vào vị trí đó, sâu bên trong.
(1) Theo diễn giải của Đức Phật trong cuốn Mahayana Mahaparinirvana Sutra (được dịch bởi Kosho Yamamoto vào năm 1973).
(2) Atman: Tiểu ngã (từ dùng trong Ấn Độ giáo), trong cuốn The innermost essence of each individual (Merriam - Webster 2003) (Tạm dịch: Bản chất sâu xa của mỗi cá nhân).