S
ự trưởng thành về tâm linh hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức rằng cách duy nhất để tìm thấy sự bình an và mãn nguyện là ngừng suy nghĩ về bản thân mình. Bạn chỉ bước qua ngưỡng cửa trưởng thành khi bạn nhận ra rằng cái “tôi” – mà đang không ngừng huyên thuyên bên trong bạn – sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Cái “tôi” đó luôn gặp rắc rối với một vấn đề nào đó. Thành thật một chút nhé, có lúc nào bạn thực sự không bị phiền nhiễu bởi bất kỳ chuyện gì chưa? Rắc rối này xảy ra tiếp ngay sau khi bạn vừa giải quyết xong một rắc rối khác. Và nếu khôn ngoan, bạn sẽ nhận ra rằng sau khi vấn đề này qua đi, sẽ có vấn đề khác xảy đến.
Điểm mấu chốt là, bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi các rắc rối cho đến khi bạn thoát khỏi cái phần “tôi” có quá nhiều rắc rối bên trong bạn. Khi một vấn đề quấy nhiễu tâm trí bạn, đừng hỏi: “Mình nên làm gì với nó?”, mà hãy hỏi: “Phần nào trong mình đang bị phiền nhiễu bởi sự việc này?”. Nếu bạn hỏi: “Mình nên làm gì với nó?”, tức là bạn đã bắt đầu tin rằng thực sự đang có một rắc rối bên ngoài mà bạn cần phải giải quyết. Nếu bạn muốn bình yên khi đối mặt với mọi vấn đề mình gặp phải, bạn phải nhìn nhận lại xem một tình huống như thế nào thì được xem là một rắc rối. Nếu bạn đang cảm thấy ghen tuông, thay vì cố gắng tìm cách bảo vệ bản thân, hãy hỏi: “Phần nào trong mình đang nổi cơn ghen?”. Điều này sẽ khiến bạn nhìn vào bản thân và nhận biết rằng có một phần cái “tôi” đang có vấn đề với sự ghen tuông.
Một khi đã nhận biết rõ cái phần chủ thể đang bị phiền nhiễu, hãy hỏi: “Ai là người nhận thấy điều này? Ai nhận biết được sự xáo trộn nội tâm này?”. Đặt câu hỏi này là giải pháp đối với mọi vấn đề của bạn. Quả thật, nếu bạn có thể nhận ra sự xáo trộn đó thì có nghĩa bạn không phải là nó. Quá trình nhận thức một điều gì đó đòi hỏi một mối quan hệ chủ thể - khách thể. Chủ thể được gọi là “Nhân chứng” vì đóng vai trò là người nhìn thấy điều đang diễn ra. Khách thể là cái bạn đang nhìn thấy, trong trường hợp này là những rối loạn của tâm trí. Việc bạn duy trì nhận thức khách quan về mọi vấn đề bên trong sẽ giúp bạn không bị lạc mất mình trong tình huống bên ngoài. Đây là khác biệt chủ yếu giữa người có đời sống thiên về tâm linh và người có đời sống thiên về thế giới bên ngoài. Sống đời sống thiên về thế giới vật chất bên ngoài không có nghĩa là bạn có tiền hoặc địa vị xã hội. Bạn chọn cách sống này có nghĩa là bạn thường tìm kiếm ở thế giới bên ngoài giải pháp cho những vấn đề nội tại của bạn. Bạn cho rằng nếu bạn thay đổi những thứ bên ngoài, bạn sẽ ổn. Nhưng trong thực tế, chưa ai thực sự trở nên ổn hơn bằng cách thay đổi những thứ bên ngoài. Sẽ luôn nảy sinh vấn đề tiếp theo. Giải pháp thực tế duy nhất là luôn đứng ở vị trí của “Nhân chứng” và hoàn toàn thay đổi hướng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của bạn.
Để đạt được trạng thái tự do nội tâm thực sự, bạn phải có khả năng quan sát vấn đề một cách khách quan thay vì bị lạc lối trong đó. Không giải pháp nào có thể tồn tại khi bạn bị lạc trong trường năng lượng của một vấn đề. Mọi người sẽ nhận thấy rằng bạn chẳng thể nào đối phó tốt với một tình huống nếu bạn đang lo lắng, sợ hãi hay tức giận với nó. Vấn đề đầu tiên bạn phải xử lý là cách bạn phản ứng với mọi vấn đề. Bạn sẽ không thể nào giải quyết bất cứ tình huống gì xảy ra bên ngoài cho đến khi bạn nhận biết tầm ảnh hưởng của tình huống đó đối với tinh thần bên trong của bạn. Các vấn đề thường không như vẻ bề ngoài của chúng. Khi đủ sáng suốt để nhận biết, bạn sẽ thấy rằng vấn đề thực sự nằm ở chỗ có điều gì đó bên trong bạn thường hay gặp rắc rối với hầu hết mọi chuyện diễn ra bên ngoài. Bước đầu tiên là phải đối phó với cái phần đó trong bạn. Điều này đòi hỏi sự thay đổi từ “ý thức giải pháp ngoại tại” thành “ý thức giải pháp nội tại”. Bạn phải phá vỡ thói quen cho rằng giải pháp cho vấn đề bên trong của bạn là sắp xếp lại những thứ ở bên ngoài. Giải pháp lâu dài duy nhất đối với các vấn đề bên trong của bạn là đi sâu vào bên trong và buông bỏ đi cái phần nào của bạn mà hay gặp vấn đề với hiện thực bên ngoài. Một khi làm được điều đó, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng để giải quyết mọi vấn đề còn lại.
Thực sự có cách để buông bỏ đi cái phần bên trong bạn vốn luôn nhìn nhận mọi thứ đều có vấn đề. Nghe có vẻ như quá khó khăn, nhưng không hẳn vậy. Thực sự có một phần trong con người bạn có thể được tách riêng ra khỏi tình huống cảm xúc thái quá của chính bạn. Bạn có thể quan sát chính bản thân bạn đang ghen tuông hoặc giận dữ. Bạn không cần phải nghĩ về nó hay phân tích nó; bạn chỉ có thể nhận thức về sự tồn tại của nó. Ai là người nhìn thấy tất cả điều này? Ai đang nhận biết những thay đổi xảy ra bên trong bạn? Khi bạn nói với một người bạn: “Lúc nào nói chuyện với Tom tớ cũng thấy rất khó chịu”. Làm sao bạn biết là bạn khó chịu? Bạn biết thế vì bạn ở trong sự khó chịu đó và nhìn thấy những gì đang xảy ra trong đó. Có sự tách biệt giữa bạn và cảm giác tức giận hay ghen tuông. Bạn là người ở trong cảm xúc đó và đang nhận biết chúng. Một khi bạn ở vào vị trí của nhận thức, bạn có thể thoát khỏi những xáo trộn nội tâm này. Bước đầu bạn hãy tập quan sát. Chỉ cần biết rằng bạn ý thức là mình nhận biết tất cả những gì đang diễn ra bên trong. Thật đơn giản! Điều bạn sẽ nhận thấy là bạn đang quan sát tính cách của một con người với tất cả những điểm mạnh và điểm yếu của họ. Như thể có ai đó đang ở cùng bạn. Bạn cũng có thể nói rằng bạn đang có một “người bạn cùng phòng”.
Nếu bạn muốn gặp người bạn cùng phòng đó, chỉ cần cố gắng “ngồi yên” bên trong bản thân bạn một lúc, trong trạng thái hoàn toàn một mình và yên lặng. Bạn có quyền làm vậy; đó là lãnh địa nội tâm của bạn. Nhưng thay vì tìm thấy sự tĩnh tại, bạn lại nghe cuộc tán gẫu liên tu bất tận:
“Tại sao mình lại làm điều này nhỉ? Mình có những thứ quan trọng hơn cần làm. Thật lãng phí thời gian! Không có ai ở đây ngoài mình. Tất cả những điều này có nghĩa gì chứ?”
Đó là lúc người bạn cùng phòng hiện diện. Bạn có ý định ban đầu rõ ràng là sẽ tĩnh tại bên trong, nhưng người bạn cùng phòng không chịu hợp tác. Không chỉ khi bạn cố gắng yên lặng, người bạn này luôn có chuyện để nói về mọi thứ bạn nhìn thấy: “Mình thích nó. Mình không thích nó. Cái này tốt. Cái kia xấu”. Người bạn cùng phòng đó cứ thao thao bất tuyệt. Bạn thường không nhận thấy vì bạn không ngừng lại để quan sát một cách khách quan. Bạn quá nhập tâm đến nỗi không nhận ra rằng bạn đang bị thôi miên để lắng nghe người bạn này nói.
Về cơ bản, bạn không đơn độc. Có hai khía cạnh riêng biệt của con người bên trong bạn. Khía cạnh đầu tiên là bạn, là sự nhận biết, là nhân chứng, là chủ thể đưa ra những mong muốn có chủ đích của bạn; và khía cạnh khác là những gì bạn đang quan sát. Vấn đề là, cái phần mà bạn đang quan sát đó không bao giờ “tắt tiếng”. Nếu bạn có thể từ bỏ cái phần đó đi, thậm chí chỉ trong một khoảnh khắc, thì bạn sẽ tận hưởng được một kỳ nghỉ mát bình yên và thanh thản chưa từng có.
Hãy tưởng tượng sẽ như thế nào nếu bạn không phải mang người bạn cùng phòng này theo cùng bạn khắp mọi nơi. Để có được một sự phát triển tâm linh thực sự, bạn cần phải thoát khỏi tình trạng khó khăn này. Nhưng trước tiên bạn phải nhận ra rằng tình trạng này giống như bạn đang bị khóa trái trong một căn phòng với một người kỳ quặc. Trong bất kỳ tình huống hay hoàn cảnh nào, người bạn cùng phòng cũng có thể đột nhiên quyết định: “Tôi không muốn ở đây. Tôi không muốn làm điều này. Tôi không muốn nói chuyện với người này”. Bạn sẽ ngay tức khắc cảm thấy căng thẳng và không thoải mái. Người bạn cùng phòng có thể phá hủy bất kỳ cái gì bạn đang làm mà không báo trước một khắc nào. “Anh ta” có thể làm hỏng ngày cưới của bạn, hay thậm chí là đêm tân hôn của bạn! Cái phần “tôi” đó của bạn có thể hủy hoại tất tần tật mọi thứ, và nó thường làm thế.
Bạn mua một chiếc xe hơi mới keng và rất đẹp. Nhưng mỗi lần bạn lái nó, người bạn cùng phòng trong tâm trí bạn lại tìm thấy một nhược điểm nào đó của nó. Tiếng nói bên trong bạn cứ tiếp tục chỉ ra mỗi một tiếng rít nhỏ, mỗi một cú rung lắc nhẹ, đến tận khi bạn không còn yêu thích chiếc xe nữa. Ngay khi bạn nhận ra điều này có thể ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống của bạn, bạn mới sẵn sàng để trưởng thành về tâm linh. Bạn sẵn sàng để thay đổi thực sự khi bạn nói ra những điều sau đây: “Hãy nhìn lại mà xem. Chuyện này đang phá hỏng cuộc sống của mình. Mình đang cố gắng để sống một cuộc sống yên bình và có ý nghĩa, nhưng lúc nào mình cũng cảm thấy như đang ngồi trên ngọn núi lửa. Bất cứ lúc nào người bạn cùng phòng này cũng có thể phá bĩnh, trấn áp và chiến đấu với những gì đang xảy ra. Hôm nay thì ‘anh bạn này’ thích một ai đó, nhưng hôm sau thì ‘anh ta’ lại soi mói chỉ trích mọi việc mà người đó làm. Cuộc sống của mình là một mớ hỗn độn chỉ vì cái người bạn đang sống bên trong mình đây luôn cường điệu hóa về mọi thứ”. Khi bạn nhận thấy điều này, và học cách không gắn kết với người bạn cùng phòng này nữa là lúc bạn sẵn sàng để giải phóng cho bản thân mình.
Nếu bạn chưa đạt tới vị trí nhận thức này, chỉ cần bạn bắt đầu quan sát. Hãy dành một ngày để quan sát tất tần tật mọi điều mà người bạn cùng phòng làm. Hãy bắt đầu vào buổi sáng và xem liệu bạn có thể nhận biết người bạn này đang nói gì trong từng tình huống không. Mỗi khi bạn gặp ai đó, mỗi lần điện thoại đổ chuông, chỉ cần chú ý quan sát. Thời điểm thích hợp để quan sát cuộc nói chuyện của người bạn này là khi bạn đang tắm. Chỉ cần để ý những điều mà tiếng nói đó đang đề cập đến, bạn sẽ nhận ra là nó không để bạn tắm yên một giây phút nào. Tắm là để làm sạch cơ thể, không phải là để theo dõi cuộc đàm thoại không hồi kết của tâm trí. Hãy xem liệu bạn có thể đủ tỉnh thức trong suốt toàn bộ cuộc nói chuyện để nhận thức điều gì đang diễn ra. Bạn sẽ vô cùng kinh ngạc về bản thân mình bởi những điều bạn mới khám phá. Cuộc nói chuyện không ngừng nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác. Bạn nhận ra là cuộc đối thoại liên tu bất tận này khiến cho bạn nhiễu loạn thần kinh đến nỗi bạn không tin rằng trước giờ nó vẫn xảy ra với bạn. Nhưng quả đúng là thế!
Bạn phải luôn tỉnh táo quan sát nếu muốn thoát khỏi điều này. Bạn không cần phải làm bất cứ điều gì cụ thể; bạn chỉ cần luôn sáng suốt và khôn ngoan đối với mọi tình huống khó chịu mà bạn đối mặt. Bạn cần nhận ra rằng bằng mọi cách phải giúp người bạn cùng phòng trong tâm trí kết thúc mớ hỗn độn này. Nếu bạn muốn người bạn này được bình yên ở bên trong bạn, bạn sẽ phải chấn chỉnh tình trạng này.
Cách để biết người bạn cùng phòng thực sự như thế nào là cho “anh ta” hiện thân ra bên ngoài. Hãy tưởng tượng rằng người bạn cùng phòng của bạn là một cá thể độc lập, với một tâm trí và cơ thể riêng. Bạn tin vào điều này bằng cách hình dung ra một nhân cách trọn vẹn từ những gì bạn đang nghe trong tâm trí và tưởng tượng nó như một người đang nói với bạn ở thế giới thực. Chỉ cần tưởng tượng rằng một người khác đang biểu đạt mọi điều mà tiếng nói nội tâm đề cập đến. Bạn hãy dành trọn một ngày với người bạn đó.
Bạn đang ngồi xem chương trình truyền hình yêu thích như thường lệ. Chỉ khác là, giờ đây bạn đang ngồi cùng với người bạn nói trên. Bạn sẽ nghe đoạn độc thoại liên miên, tương tự như trước giờ vẫn xảy ra bên trong tâm trí bạn, chỉ khác là giờ đây người phát ra tiếng nói đang ngồi kế bên bạn trên ghế trường kỷ và tự nói với chính nó:
“Bạn đã tắt đèn ở tầng dưới chưa? Tốt hơn hết là đi kiểm tra đi. Không phải bây giờ, tôi sẽ làm sau. Tôi muốn xem xong chương trình đã. Không, làm liền giờ đi. Đó là lý do vì sao hóa đơn tiền điện cao như thế.”
Bạn ngồi yên lặng trong sợ hãi, theo dõi tất cả những điều này. Vài giây sau, người bạn cùng trường kỷ lại bị cuốn theo một cuộc tranh cãi khác:
“Này, tôi muốn ăn một cái gì đó! Tôi đang thèm bánh pizza. Không, bạn không thể ăn pizza ngay bây giờ; xa quá, không lái xe đi nổi đâu. Nhưng tôi đói bụng. Khi nào thì tôi có thể ăn được?”
Trong sự ngạc nhiên của bạn, những đợt đối thoại mâu thuẫn gây hỗn loạn thần kinh này vẫn cứ tiếp diễn không ngừng nghỉ. Và như thể vẫn chưa đủ, thay vì chỉ đơn giản là xem ti vi, người này bắt đầu dùng lời nói để phản ứng lại bất cứ điều gì diễn ra trên màn hình. Và rồi, khi nhìn thấy một mái tóc đỏ xuất hiện trong chương trình, người bạn cùng trường kỷ lại bắt đầu lẩm bẩm về người chồng/vợ cũ và cuộc ly hôn đau khổ. Sau đó, tiếng la hét bắt đầu – cứ như thể người chồng/vợ đó đang có mặt trong phòng với bạn! Và rồi nó ngừng la hét, cũng đột ngột như khi nó bắt đầu. Lúc đó, bạn thấy mình thu mình vào một góc trường kỷ với nỗ lực tuyệt vọng tránh anh bạn cùng phòng đang bị rối loạn này càng xa càng tốt.
Bạn có dám thực hiện thử nghiệm này không? Bạn cứ để anh bạn cùng phòng này tiếp tục nói, và cố gắng hình dung ra một người thực thụ đang sống bên trong bạn và tưởng tượng như giọng nói của anh ta đang oang oang bên tai. Hãy cho nó một thân xác và đặt nó trong thế giới hiện thực như một người bình thường. Hãy để cái “người” đang ở bên ngoài trò chuyện với bạn nói chính xác những gì mà tiếng nói của tâm trí bạn đang nói. Hãy khiến người đó trở thành người bạn thân nhất của bạn. Rốt cuộc thì bạn không có nhiều người bạn mà bạn có thể dành toàn thời gian cho họ và tuyệt đối chú ý lắng nghe mọi lời họ nói?
Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu thực sự có một ai đó bên ngoài nói với bạn theo đúng cách mà tiếng nói nội tâm đang nói với bạn? Bạn sẽ làm gì với một người mở miệng nói tất cả những gì mà tiếng nói tâm trí bạn đang nói? Sau một khoảng thời gian rất ngắn, hẳn bạn sẽ yêu cầu họ hãy tránh xa bạn ra mãi mãi. Vậy mà giờ đây, khi tâm trí bên trong bạn liên tục lải nhải, bạn thậm chí còn không phản ứng gì cả. Bạn để mặc nó gây cho bạn bao nhiêu rắc rối, bạn vẫn lắng nghe. Bạn còn chăm chú lắng nghe mọi điều nó nói. Tâm trí kéo bạn ra khỏi những gì bạn đang làm dù cho việc đó có thú vị đến cỡ nào, để chú ý lắng nghe bất cứ cái gì mà nó nói. Hãy tưởng tượng bạn đang có một mối quan hệ nghiêm túc và sắp kết hôn. Bạn đang lái xe đến đám cưới của mình và tiếng nói trong tâm trí bạn kêu lên:
“Có lẽ đây không phải là người thích hợp với mình. Mình thực sự lo lắng về điều này. Mình nên làm gì đây?”
Nếu một người nào đó ở bên ngoài nói điều này, bạn sẽ lờ đi. Nhưng với tiếng nói bên trong, bạn cảm thấy bạn mắc nợ tiếng nói đó một câu trả lời. Bạn cảm thấy cần phải thuyết phục tâm trạng đang lo lắng rằng đây là người thích hợp, nếu không thì nó sẽ không để bạn bước chân vào giáo đường. Có nghĩa là bạn rất xem trọng mọi thứ xảy ra tác động đến thần kinh bên trong bạn. Bạn biết rằng nếu mình không lắng nghe nó, nó sẽ quấy nhiễu bạn mỗi ngày trong cuộc sống:
“Tôi đã bảo bạn đừng kết hôn. Tôi đã nói là tôi không chắc chắn rồi mà!”
Điểm mấu chốt không thể phủ nhận là: Nếu bằng cách nào đó mà tiếng nói hiển lộ trong một con người thực thụ, và bạn phải mang người này theo khắp mọi nơi, bạn sẽ không thể chịu đựng anh ta dù chỉ một ngày. Nếu ai đó hỏi bạn người bạn mới trông như thế nào, bạn sẽ trả lời: “Đây là một người bị rối loạn nghiêm trọng. Chỉ cần tra từ điển từ ‘rối loạn thần kinh’ và bạn sẽ hình dung ra ngay”.
Trong trường hợp bạn đã trải qua một ngày cùng với người bạn đó theo cách kể trên, bạn có nghĩ là mình sẽ tiếp tục tìm đến người bạn đó để xin lời khuyên không? Sau khi chứng kiến tần suất người này thay đổi ý kiến, độ mâu thuẫn của họ trong quá nhiều đề tài, và mức phản ứng thái quá của họ, liệu có bao giờ bạn yêu cầu họ thiết lập mối quan hệ hoặc xin họ tư vấn về tài chính? Thật ngạc nhiên là bạn làm điều đó trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống. Đặt người bạn này trở ngược lại đúng vị trí bên trong bạn, “anh ta” chính là “người” từ trước tới nay vẫn nói cho bạn biết cần làm gì với mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Bạn đã bao giờ để tâm kiểm tra tính xác thực của những lời khuyên đó chưa? Bao nhiêu lần tiếng nói ấy hoàn toàn sai?
“Cô ấy không quan tâm đến bạn nữa. Đó là lý do cô ấy không gọi điện. Cô ấy dự định sẽ chia tay với bạn vào tối nay. Tôi có thể cảm thấy điều đó đang đến gần; Tôi biết mà. Thậm chí bạn không cần phải trả lời điện thoại nếu cô ấy gọi.”
Ba mươi phút sau, chuông điện thoại reo và đó là bạn gái của bạn. Cô ấy đến trễ vì hôm nay là kỷ niệm một năm yêu nhau và cô ấy đang chuẩn bị một bữa tối bất ngờ. Bạn quá đỗi ngạc nhiên, vì bạn hoàn toàn không nhớ tới ngày lễ kỷ niệm. Cô ấy nói cô ấy đang trên đường đến đón bạn. Ôi, bạn quá phấn khích, và tiếng nói trong đầu bạn giờ lại đang huyên thuyên về việc cô ấy tuyệt vời đến mức nào. Nhưng bạn không quên điều gì đó chứ? Bạn đã quên mất lời khuyên tồi tệ mà tiếng nói nội tâm đưa ra cho bạn và khiến bạn phải đau khổ trong nửa tiếng vừa qua?
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thuê một chuyên gia tư vấn các mối quan hệ mà họ lại cho bạn lời khuyên khủng khiếp đó? Họ đã hoàn toàn hiểu sai toàn bộ tình huống. May thay, nếu nghe theo lời của chuyên gia tư vấn này, bạn đã không nghe điện thoại. Hẳn bạn sẽ sa thải tay chuyên gia này ngay lập tức? Làm sao bạn còn có thể tin tưởng lời khuyên của họ sau khi nhận thấy họ đã sai lầm như thế nào? Ồ, bạn có dự định sẽ sa thải người bạn cùng phòng trong tâm trí bạn không? Chốt lại thì lời khuyên và phân tích tình huống của nó hoàn toàn sai. Ấy vậy mà, bạn không bao giờ quy trách nhiệm cho những rắc rối mà người bạn bên trong này gây ra. Thật vậy, lần tới khi “anh ta” đưa ra lời khuyên, bạn lại dỏng tai lên nghe. Điều đó hợp lý chăng? Bao nhiêu lần tiếng nói đó đưa ra phán đoán sai về những gì đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra? Có lẽ việc đáng làm nhất bây giờ là hãy luôn ý thức được bạn đang nghe theo lời khuyên của ai.
Sau một thời gian cố gắng thực hành tự quan sát và nhận thức, bạn sẽ nhận ra rằng bạn quả là đang có vấn đề. Bạn sẽ nhận thấy rằng bạn chỉ có một vấn đề trong suốt cuộc đời, và bạn đang xem xét nó. Nó gần như là phần lớn nguyên nhân của mọi vấn đề mà bạn từng gặp phải. Giờ đây câu hỏi đặt ra cho bạn là: “Làm sao để thoát khỏi kẻ gây rắc rối bên trong này?”. Điều đầu tiên bạn nhận ra là bạn không có hy vọng thoát khỏi nó trừ khi bạn thực sự muốn. Cho đến khi bạn quan sát người bạn cùng phòng đủ lâu để thực sự hiểu tình trạng khó chịu mà bạn đang vướng vào, từ đó bạn mới có cơ sở cho những thực hành giúp bạn đối phó với vấn đề của tâm trí. Một khi bạn quyết định giải thoát bản thân khỏi những lời nói cường điệu của tâm trí, bạn mới sẵn sàng dung nạp những bài giảng lý thuyết và hướng dẫn về kỹ thuật. Bạn sẽ có cơ hội ứng dụng chúng vào thực tế.
Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng bạn không phải là người đầu tiên gặp vấn đề này. Có những người đi trước bạn đã đối mặt với tình huống tương tự. Nhiều người trong số họ tìm kiếm sự hướng dẫn từ những bậc thầy trong lĩnh vực tri thức này. Họ được cung cấp những bài giảng lý thuyết và hướng dẫn về các kỹ thuật, chẳng hạn như yoga, được tạo ra để hỗ trợ trong quá trình này. Yoga không chỉ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh, mặc dù nó thực sự đem lại kết quả đó. Yoga còn giúp cung cấp những kiến thức giúp bạn thoát khỏi tình trạng khó chịu, những kiến thức có thể giải phóng bạn. Một khi bạn xem trạng thái tự do nội tại trở thành ý nghĩa cuộc sống của bạn thì sẽ có những bài tập luyện tinh thần có thể giúp bạn. Những bài tập thực hành này là những gì bạn làm với thời gian của bạn để giải phóng bản thân bạn khỏi chính bạn. Cuối cùng, bạn sẽ hiểu rằng bạn phải tách bản thân ra khỏi tâm lý của bạn. Bạn làm điều này bằng cách định hướng lại cuộc sống khi đã thông suốt mọi thứ và không để tâm trí dao động gây ra những cản trở cho bạn. Ý chí của bạn sẽ đủ mạnh để chiến thắng thói quen lắng nghe tiếng nói bên trong. Không có gì mà bạn không thể làm. Ý chí của bạn quan trọng hơn tất thảy mọi điều.
Nếu muốn giải phóng chính mình, trước hết bạn phải đủ tỉnh táo để hiểu tình trạng khó khăn của bạn. Tiếp đến bạn phải cam kết với chính mình, quyết tâm tìm kiếm sự tự do trong tâm trí. Bạn quyết tâm như thể cuộc sống của bạn phụ thuộc vào điều đó; mà đúng là như thế. Vì cứ như bây giờ, cuộc sống của bạn không phải của riêng bạn; nó thuộc về người bạn cùng phòng trong tâm trí của bạn, đó là tâm lý. Bạn phải lấy lại cuộc sống của bạn. Hãy đứng vững ở vị thế của người làm chứng và tự mình thoát khỏi tầm ảnh hưởng mà tâm trí theo thói quen vẫn gây ra cho bạn. Đây là cuộc sống của bạn – hãy đòi lại nó.