“Ô
i trời, mình không thể nhớ tên cô ấy. Cô ấy tên gì nhỉ? Chết tiệt, cô ấy đang đến gần. Tên gì ta… Sally… Sue? Cô ấy vừa nói chuyện với mình hôm qua. Mình bị gì thế này? Chắc xấu hổ chết mất.”
Nhiều khi bạn không nhận ra là có một cuộc đối thoại đang thao thao bất tuyệt trong đầu bạn. Nó cứ liên tục không ngừng. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao những cuộc đối thoại như thế cứ diễn ra trong đầu bạn không? Bằng cách nào trí óc bạn quyết định nói chuyện gì và khi nào cần nói? Bao nhiêu phần trăm những lời nói đó biến thành sự thật? Bao nhiêu phần trăm những lời nói đó là quan trọng? Và nếu ngay bây giờ bạn đang nghe thấy: “Tôi không hiểu bạn đang nói cái gì. Tôi không nghe bất kỳ tiếng nói nào bên trong đầu tôi cả!” – thì đó chính là tiếng nói mà chúng ta đang đề cập đến.
Nếu tỉnh táo, bạn sẽ ngay lập tức ngừng lại, lắng nghe giọng nói này, để hiểu rõ về nó. Vấn đề là, bạn khó mà tỉnh táo để có suy nghĩ khách quan. Bạn cần phải lùi lại và “quay ngược cuốn băng” để nghe lại cuộc trò chuyện đó. Khi đang lái xe, bạn thường nghe những cuộc trò chuyện trong đầu như:
“Không phải mình phải gọi cho Fred sao? Mình phải gọi cho anh ấy. Ôi Chúa ơi, không thể tin được là mình lại quên mất! Anh ấy sẽ nổi điên lên cho mà xem. Chắc anh ấy sẽ chẳng bao giờ nói chuyện với mình nữa. Có lẽ mình nên dừng lại và gọi liền cho anh ấy. Không. Mình không muốn dừng xe ngay bây giờ…”
Hãy chú ý rằng giọng nói này đảm nhiệm cả hai tuyến nhân vật của cuộc trò chuyện. Nó không quan tâm nó đứng về phía giới tuyến nào, miễn là nó khiến cho cuộc nói chuyện được diễn ra liên tục. Khi bạn mệt mỏi và cố dỗ giấc ngủ, có một giọng nói rù rì bên trong đầu bạn:
“Mình đang làm gì thế này? Mình vẫn không ngủ được. Mình đã quên gọi điện cho Fred. Mình đã nhớ phải gọi khi ở trên xe nhưng mình đã không gọi. Nếu bây giờ mình không gọi… ồ đợi đã, trễ quá rồi. Mình không nên gọi cho anh ấy bây giờ. Mình thậm chí còn không hiểu tại sao lại nghĩ về chuyện này. Mình cần phải ngủ. Ôi trời, giờ thì mình không thể chợp mắt. Mình không cảm thấy mệt mỏi nữa. Nhưng ngày mai mình có nhiều việc phải làm, và mình phải dậy sớm.”
Chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn chẳng thể ngủ! Tại sao bạn có thể chịu đựng được tiếng nói cứ lải nhải suốt trong đầu bạn như thế? Ngay cả khi giọng nói đó nhẹ nhàng và êm ái thì nó vẫn quấy nhiễu mọi thứ mà bạn đang làm.
Nếu bạn dành thời gian quan sát cuộc đối thoại diễn ra trong đầu thì điều đầu tiên bạn nhận thấy là nó không bao giờ ngừng lại. Khi bạn để mặc nó, nó vẫn cứ bép xép, lèm bèm. Hãy tưởng tượng nếu bạn thấy ai đó đang đi bộ gần bạn mà liên tục nói chuyện một mình. Bạn nghĩ hắn ta thật quái lạ. Bạn sẽ tự hỏi: “Nếu anh ta là người nói và cũng chính là người nghe thì rõ ràng là anh ta biết mình sẽ nói gì tiếp theo trước khi anh ta nói ra điều đó. Vậy thì anh ta nói để làm gì?”. Điều tương tự cũng xảy ra đối với tiếng nói bên trong đầu bạn. Tại sao nó lại tự nói chuyện? Chính bạn là người đang nói, và cũng chính bạn là người đang lắng nghe. Và khi tiếng nói đó tranh luận với chính nó, nó đang tranh luận với ai? Ai có thể giành chiến thắng? Thật “hại não”. Hãy lắng nghe:
“Mình nghĩ là mình nên kết hôn. Không! Bạn biết là bạn chưa sẵn sàng. Bạn sẽ hối hận. Nhưng mình yêu anh ấy. Ồ, tiến tới đi, bạn cũng cảm thấy như thế với Tom. Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đã kết hôn với anh ta nhỉ?”
Nếu quan sát một cách cẩn thận, bạn sẽ nhận ra rằng tiếng nói ấy chỉ đang cố gắng tìm một nơi thoải mái để nghỉ ngơi. Nó sẽ thay đổi giới tuyến trong chớp mắt nếu điều đó có vẻ hữu ích. Và nó không yên lặng ngay cả khi nhận ra rằng quyết định đó là sai lầm. Nó chỉ cần điều chỉnh quan điểm và tiếp tục “phát thanh”. Nếu tập trung chú ý, bạn sẽ nhận ra những cuộc đối thoại bên trong này đều theo những “kiểu mẫu” của nó. Ắt hẳn bạn sẽ sốc khi lần đầu nhận thấy tâm trí bạn “nói” liên tục. Thậm chí, với nỗ lực yếu ớt, bạn có thể cố gắng la hét để bắt nó “câm miệng”. Nhưng rồi bạn sẽ nhận ra rằng đó cũng chỉ là một tiếng nói đang lên giọng để quát lại tiếng nói kia:
“Im đi! Tôi muốn ngủ. Sao cứ lải nhải suốt thế?”
Rõ ràng là bạn không thể bắt nó yên lặng theo cách đó. Cách tốt nhất để tự giải thoát khỏi những cuộc tán gẫu liên tù tì đó là lùi lại và xem xét nó một cách khách quan. Chỉ nên xem đó như là một cơ chế phát âm đơn thuần, tạo ra những câu đối thoại mà nghe như thể một ai đó đang trò chuyện với bạn. Đừng nghĩ về nó; chỉ nhận biết nó thôi. Mặc kệ tiếng nói đó đang thầm thì điều gì, nội dung như nhau cả thôi. Mặc kệ nó đang đề cập đến những điều tốt đẹp hay tầm thường, xấu xa hay thiêng liêng. Chẳng đáng để bạn phải bận tâm vì nó cũng chỉ là một tiếng nói trong đầu bạn mà thôi. Trên thực tế, cách duy nhất để “cách ly” bạn với tiếng nói này là ngừng phân biệt những gì nó đang thao thao. Từ bỏ cái suy nghĩ rằng cái này nó nói là bạn còn cái kia nó nói không phải là bạn. Nếu bạn chú ý lắng nghe thì rõ ràng nó không phải là bạn. Bạn chính là người đang nghe tiếng nói đó. Bạn là người nhận biết nó đang nói.
Bạn vẫn nghe thấy nó đang nói, phải không? Hãy thử khiến nó nói “xin chào”. Hãy thử lặp đi lặp lại một vài lần nữa. Bây giờ hãy hét “xin chào” vào trong đầu bạn! Bạn có nghe thấy chính mình đang nói “xin chào” trong đầu không? Hẳn là bạn có nghe thấy. Có một tiếng nói đang “oang oang” trong đầu bạn, và bạn chính là người nhận biết tiếng nói ấy. Vấn đề là bạn dễ dàng nhận ra tiếng nói ấy đang cất tiếng “xin chào”, nhưng lại khó để tỉnh táo nhận thức rằng bất kể nó đang nói gì thì nó cũng đang đóng vai người nói còn bạn là người đang lắng nghe. Tuyệt đối không có gì khác mà tiếng nói có thể đề cập đến ngoài bạn. Giả sử bạn đang nhìn vào ba đồ vật – một lọ hoa, một bức hình và một cuốn sách – và sau đó được hỏi rằng: “Đối tượng nào trong số này là bạn?”. Bạn sẽ phản ứng: “Không cái nào cả! Tôi chỉ là người đang nhìn những đồ vật mà bạn đặt trước mặt tôi. Bất kể bạn đặt cái gì trước mặt tôi thì tôi vẫn luôn là người nhìn nó”. Bạn thấy đấy, đó là hành động của một chủ thể đang nhận thức các đối tượng khác nhau. Điều này cũng đúng với tiếng nói trong đầu bạn. Bất kể nó nói gì thì cũng không có gì khác biệt; bạn là người nhận thức nó. Nếu bạn nghĩ rằng một phần tiếng nói này là bạn còn phần tiếng nói kia không phải là bạn thì bạn đã đánh mất tính khách quan. Có lẽ bạn muốn gán bản thân mình cho cái phần đang nói những điều tốt đẹp, nhưng những lời đó thực ra vẫn chỉ là tiếng nói. Bạn có thể thích những gì nó nói, nhưng đó không phải là bạn.
Không gì quan trọng đối với sự trưởng thành thực sự hơn việc bạn nhận ra mình không phải là tiếng nói trong đầu bạn – bạn là người nghe thấy tiếng nói đó. Nếu không hiểu ra điều này, bạn sẽ tìm cách phân biệt điều nào trong vô số điều tiếng nói đang đề cập thực sự là bạn. Nhân loại trải qua nhiều thay đổi trong cái gọi là “cố gắng tìm thấy bản thân mình”. Họ muốn khám phá tiếng nói nào, khía cạnh nào trong tính cách của họ mới đích thực là bản thân họ. Câu trả lời khá đơn giản: Không cái nào cả.
Nếu xem xét một cách khách quan, bạn sẽ nhận ra rằng phần lớn những tiếng nói đang cất lên trong đầu đều vô nghĩa. Hầu hết các cuộc nói chuyện đều chỉ lãng phí thời gian và năng lượng. Sự thật là phần lớn cuộc sống sẽ mở ra tương ứng với những sức mạnh bên ngoài vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn, bất kể tiếng nói trong đầu bạn đang nói gì về mọi sự việc diễn ra. Điều này tương tự như vào mỗi tối, bạn ngồi xuống và suy nghĩ xem bạn có muốn mặt trời mọc lên vào buổi sáng ngày hôm sau không. Điểm mấu chốt là mặt trời vẫn sẽ mọc và vẫn sẽ lặn. Hàng tỷ điều đang xảy ra trên thế giới này. Bất kể bạn có thể nghĩ gì về tất cả những gì bạn muốn, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn như nó vốn thế.
Thật vậy, suy nghĩ của bạn ảnh hưởng đến thế giới này cực kỳ ít so với những gì bạn tưởng. Nếu sẵn sàng khách quan để quan sát tất cả những suy nghĩ của mình, bạn sẽ nhận thấy rằng phần lớn chúng không liên quan gì đến thế giới này. Chúng chẳng tác động đến bất cứ cái gì hay bất kỳ ai, ngoại trừ bạn. Chúng chỉ đơn giản khiến bạn cảm thấy tốt hơn hay tồi tệ hơn về những điều đang diễn ra trong hiện tại, những điều đã xảy ra trong quá khứ, hoặc có thể sẽ xảy đến trong tương lai. Nếu bạn dành thời gian để hy vọng rằng ngày mai trời không mưa, bạn đang phí hoài thời gian của chính mình. Suy nghĩ của bạn không thay đổi được thời tiết. Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra rằng những cuộc tán gẫu “xàm xí” trong nội tâm chẳng có ích gì, nên chẳng có lý do gì để tâm trí bạn phải liên tục nghĩ “cho ra ngô ra khoai” mọi thứ. Cuối cùng, bạn sẽ thấy rằng nguyên nhân thực sự của vấn đề không phải là bản thân cuộc sống. Chính những phản ứng đối với cuộc sống mà tâm trí tạo nên mới thực sự gây ra vấn đề.
Giờ đây, câu hỏi nghiêm túc đặt ra là: Nếu phần lớn những gì tiếng nói nội tâm đề cập đến là vô nghĩa và không cần thiết thì tại sao nó vẫn tồn tại? Bí quyết để giải đáp câu hỏi này nằm ở việc hiểu được lý do nó nói, câu chuyện nó nói đến và thời điểm tiếng nói vang lên trong đầu. Ví dụ, trong một số trường hợp, lý do khiến tiếng nói nội tâm cất lên là một với lý do ấm nước sôi reo. Đó là vì năng lượng tích tụ bên trong cần được giải phóng. Nếu quan sát một cách khách quan, bạn sẽ nhận thấy rằng khi có những cảm xúc căng thẳng, sợ hãi, hay năng lượng tích tụ do có quá nhiều mong muốn bên trong, tiếng nói đó sẽ trở nên vô cùng sôi nổi. Điều này dễ dàng nhận ra khi bạn tức giận ai đó và cảm thấy như muốn “xả” hết ra với họ. Chỉ cần xem tiếng nói bên trong đó lên giọng bao nhiêu lần trước khi bạn thực sự nhận ra chúng. Khi năng lượng tích tụ bên trong cơ thể, bạn thôi thúc muốn làm một cái gì đó để “xử lý” nó. Tiếng nói đó cứ rỉ rả suốt cho đến khi nào nội tâm bạn thấy ổn, và tiếng nói bên trong đó giúp bạn giải phóng năng lượng.
Tuy nhiên, bạn sẽ nhận ra rằng ngay cả khi bạn không bị làm phiền bởi một điều gì đó cụ thể thì tiếng nói ấy vẫn “phát loa”. Khi bạn đang đi dạo bộ trên phố, có thể nó sẽ nói:
“Nhìn con chó kia kìa! Nó là giống Labrador! Ơ, còn một con chó khác trong chiếc xe kia nữa. Nó giống chú chó đầu tiên của tôi, Shadow. Ôi, có một chiếc xe Oldsmobile cổ. Nó đã từng đoạt cúp Alaska đấy. Hiếm khi có thể bắt gặp một chiếc như thế trên đường phố.”
Nó đang tường thuật lại thế giới xung quanh cho bạn. Nhưng tại sao bạn cần điều này? Bạn đã nhìn thấy những gì đang diễn ra; vậy thì có ích lợi gì khi lặp lại những điều đó với bạn lần nữa thông qua tiếng nói trong đầu bạn? Bạn nên xem xét điều này kỹ càng hơn. Chỉ cần một cái liếc mắt cũng đủ để bạn nắm bắt rất nhiều chi tiết của những gì bạn đang nhìn thấy. Khi nhìn một cái cây, bạn dễ dàng nhìn thấy các cành, lá và nụ hoa. Vậy thì tại sao bạn phải diễn đạt thành lời những gì bạn đã nhìn thấy?
“Nhìn cây sơn thù du kia kìa. Những chiếc lá xanh mơn mởn làm nổi bật những bông hoa trắng muốt trông thật đẹp. Nhìn xem, quá trời hoa luôn kìa. Ôi, phủ kín cả cây!”
Nếu nghiên cứu điều này một cách cẩn thận, bạn sẽ nhận ra rằng đoạn tường thuật đó khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn với thế giới xung quanh. Giống như việc ngồi ngay sau ghế lái sẽ khiến bạn cảm thấy như thể mọi điều đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn hơn. Bạn thực sự cảm thấy có mối liên hệ nào đó với chúng. Cái cây không chỉ là một cái cây bình thường không liên quan gì đến bạn trên trái đất này; đó là cái cây mà bạn nhìn thấy, đặt tên cho nó và nhận xét về nó. Bằng cách diễn đạt nó thành lời trong tâm trí mình, bạn đã mang những ấn tượng ban đầu về thế giới vào vương quốc tư duy của riêng bạn. Ở đó, nó trở nên tương hợp với những suy nghĩ khác của bạn, những suy nghĩ tạo nên hệ thống giá trị và những trải nghiệm trước đây của bạn.
Hãy dành ra ít phút để xem xét sự khác biệt giữa trải nghiệm của bạn đối với thế giới bên ngoài và các phản ứng của bạn với thế giới bên trong. Khi bạn suy nghĩ, bạn tùy ý tạo ra bất kỳ ý nghĩ nào bạn muốn trong tâm trí, và những ý nghĩ này được biểu đạt thông qua tiếng nói. Bạn rất quen với việc khiến bản thân thoải mái trong sân chơi của tâm trí, tạo ra và xoay chuyển các suy nghĩ của mình. Thế giới nội tâm này là môi trường nằm dưới sự kiểm soát của bạn. Còn thế giới bên ngoài thì lại vận hành theo những quy luật riêng của nó. Khi tiếng nói thuật lại thế giới bên ngoài với bạn, những ý nghĩ mới được đưa vào này sẽ song hành cùng với tất cả những ý nghĩ khác đã có sẵn bên trong của bạn. Tất cả những ý nghĩ này sẽ trộn lẫn và thực sự ảnh hưởng đến cảm nhận của bạn về thế giới xung quanh. Cuối cùng thì những gì bạn đang cảm nhận về thế giới thực ra là một sự diễn đạt hoàn toàn mang tính cá nhân của riêng bạn chứ không phải là kinh nghiệm nguyên sơ, chưa chọn lọc về những gì thực sự diễn ra bên ngoài. Cách mà tâm trí bạn vận hành để điều khiển những trải nghiệm bên ngoài như thế này giúp bạn như một công cụ “giảm sốc” khi thực tế xảy ra. Ví dụ, vào bất kỳ thời điểm nào đó, mắt bạn nhìn thấy vô số sự vật, sự việc, nhưng bạn chỉ có thể kể lại một vài điều trong số đó. Những điều bạn thảo luận trong tâm trí là những điều quan trọng đối với bạn. Nhờ có hình thức tiền xử lý tinh tế này, bạn có thể kiểm soát các kinh nghiệm thực tế xảy ra để tất cả chúng đều tương thích với nhau trong tâm trí bạn. Ý thức của bạn thực ra đang trải nghiệm mô hình hiện thực trong tâm trí của riêng bạn, chứ không phải là hiện thực “gốc”.
Bạn cần phải quan sát kỹ quá trình này bởi vì bạn thực hiện nó trong mọi thời điểm. Bạn đang đi bộ ngoài trời vào mùa đông, bạn bắt đầu run, và tiếng nói vang lên: “Trời lạnh quá!”. Vậy thì điều này giúp gì cho bạn? Bạn đã biết là trời lạnh. Bạn là người đang trải nghiệm cái lạnh. Tại sao nó nói với bạn điều này? Bạn tái hiện lại thế giới trong tâm trí vì bạn muốn kiểm soát tâm trí của mình trong khi không thể kiểm soát thế giới. Đó là lý do bạn nói về điều đó trong tâm trí. Vì bạn không thể tiếp nhận thế giới theo cách bạn muốn, bạn sẽ nói về nó trong tâm trí, phán xét nó, than phiền về nó, và sau đó quyết định sẽ làm điều gì với nó. Điều này khiến bạn cảm thấy được chủ động hơn. Khi cơ thể bạn gặp lạnh, có lẽ bạn sẽ chẳng thể làm gì để tác động đến thời tiết. Nhưng khi tâm trí bạn biểu đạt “Lạnh quá!”, bạn có thể nói: “Chúng ta sắp về đến nhà rồi, chỉ một vài phút nữa thôi”. Và rồi bạn cảm thấy tốt hơn. Trong thế giới tư duy, bạn luôn luôn có thể làm một số điều để kiểm soát trải nghiệm của bản thân.
Về cơ bản, bạn tái tạo lại thế giới bên ngoài vào bên trong bạn, và sau đó bạn sống trong tâm trí của chính mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn quyết định không tiếp tục làm điều này? Nếu bạn quyết định không để tâm trí tường thuật lại mọi việc diễn ra, mà thay vào đó chỉ lặng im quan sát thế giới, bạn sẽ cảm thấy như đang phó mặc mình cho thế giới bên ngoài và sẽ thấy bất an. Đó là vì bạn không yên tâm khi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, và tâm trí bạn cũng đã quen với việc hỗ trợ bạn. Nó làm điều này bằng cách xử lý những kinh nghiệm hiện tại của bạn theo cách khiến cho chúng phù hợp với những quan điểm của bạn trong quá khứ và cả tầm nhìn của bạn trong tương lai. Tất cả điều này giúp tạo cho bạn cảm giác mình có khả năng kiểm soát. Nếu tâm trí bạn không làm điều này, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ bất an. Thực tế quá “trần trụi” với đa số chúng ta, vì vậy chúng ta dùng tâm trí để xoa dịu nó.
Rồi bạn sẽ nhận ra rằng tâm trí lải nhải suốt ngày vì bạn giao việc cho nó. Bạn sử dụng nó như một cơ chế bảo vệ, một hình thức phòng thủ. Nói cho cùng, nó khiến bạn cảm thấy an toàn hơn. Chừng nào bạn còn muốn làm điều này thì chừng đó bạn còn bị buộc phải liên tục sử dụng tâm trí để làm “tấm đệm” bảo vệ cho bạn đối phó với cuộc sống, thay vì sống thực sự. Thế giới này đang mở ra và hầu như không có mối liên hệ nào với bạn hay những suy nghĩ của bạn. Nó đã tồn tại lâu đời từ trước khi bạn đến, và sẽ tiếp tục hiện diện dài lâu sau khi bạn rời đi. Bạn nhân danh nỗ lực gắn kết thế giới nhưng thực ra là chỉ đang nỗ lực khiến mình cảm thấy an ổn.
Sự trưởng thành cá nhân thực thụ đòi hỏi bạn phải nỗ lực vượt mức để hoàn thiện phần bản thân chưa ổn và cần bảo vệ của chính bạn. Điều này được thực hiện bằng cách luôn ghi nhớ rằng bạn là chủ thể nhận biết tiếng nói trong tâm trí mình. Đó mới thật sự là cách giải quyết vấn đề. Có một phần chủ thể bên trong luôn ý thức được việc bạn không ngừng nói với chính mình về bản thân bạn – chủ thể đó luôn im lặng. Im lặng là con đường dẫn đến chiều sâu của con người bạn. Việc ý thức rằng bạn đang quan sát tiếng nói trong tâm trí đồng nghĩa với việc bạn đang đứng trên ngưỡng cửa của một cuộc hành trình nội tâm tuyệt vời. Nếu được sử dụng đúng cách, tiếng nói nội tâm mà đã từng gây lo lắng, phân tâm và rối loạn thần kinh có thể trở thành bệ phóng cho sự thức tỉnh tâm linh thực sự. Hãy tìm hiểu về cái phần chủ thể quan sát tiếng nói bên trong bạn, và rồi bạn sẽ thấu hiểu một trong những bí ẩn lớn nhất của tạo hóa.