Cuốn sách được viết dựa trên trải nghiệm thực tế của một người cha (Tiến sĩ Đào Xuân Khương) có con đi du học từ lớp 9 tại Mỹ và con trai ông – Đào Trung Kiên – hiện đang là du học sinh đại học năm thứ hai chuyên ngành Khoa học máy tính và Phân tích dữ liệu. Tiến sĩ Khương và du học sinh Đào Trung Kiên đang lên kế hoạch để Kiên có thể chuẩn bị tìm kiếm các chương trình học bổng thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Khoa học dữ liệu ở đây.
Khi viết cuốn sách này, tác giả dựa trên quan điểm:
Cấu trúc của cuốn sách
Sách gồm hai phần: Phần 1 nói tới giải pháp dành cho phụ huynh và học sinh từ khi lựa chọn ngành nghề, lựa chọn trường cho con cùng những hướng dẫn để con du học hiệu quả. Phần 2, tác giả đưa ra các sai lầm mà cha mẹ thường mắc phải và giải pháp cho các sai lầm đó. Cụ thể:
Nội dung phần 1 được chia làm 3 chương:
Chương 1: Tất cả bắt đầu từ phụ huynh
Chương 2: Các cột mốc đáng nhớ đối với học sinh và sự chuẩn bị
Chương 3: Gia đình có con du học và sự lo lắng của cha mẹ
Nội dung phần 2 được chia làm 4 chương:
Chương 4: Các sai lầm trong nhận thức của cha mẹ
Chương 5: Các sai lầm trong hành vi của cha mẹ
Chương 6: Các sai lầm trong thái độ của cha mẹ
Chương 7: Nguyên tắc nhận ra sai lầm và đưa ra giải pháp
Các chương 1, 4, 5, 6, 7 được Tiến sĩ Đào Xuân Khương viết dưới ngôn ngữ của một nhà nghiên cứu, một người làm việc trong lĩnh vực tư vấn du học và đào tạo học bổng, đồng thời ông cũng là người cha đã cùng con chuẩn bị hồ sơ và tìm kiếm học bổng từ năm con 12 tuổi để du học từ lớp 9, tiếp theo là du học đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Nội dung và ngôn ngữ viết là chia sẻ chuyên môn và tâm sự của tác giả với phụ huynh học sinh, vì thế các mô hình tác giả đưa ra sẽ phù hợp với các phụ huynh có mong muốn thấu hiểu con mình hơn, từ đó có định hướng, chiến lược chọn nghề, chọn ngành, chọn trường học cho con mình. Ông liệt kê ra những sai lầm trong nhận thức, hành vi và thái độ của cha mẹ khi có con đi du học. Ngoài ra ông còn đưa ra những giải pháp và nguyên lý của chúng để khắc phục các sai lầm đó. Để làm được điều này, tác giả dựa vào kinh nghiệm thực tế của bản thân đã từng trải qua; khảo sát các cha mẹ khác dựa trên các mẫu nghiên cứu; căn cứ vào các nghiên cứu về giáo dục, nghiên cứu về tâm lý học và xã hội học để kiểm chứng thực tế kết hợp với các trải nghiệm cá nhân để đưa ra các giải pháp và các gợi ý cho cha mẹ và học sinh. Những nội dung này không chỉ dành cho các bậc cha mẹ có định hướng cho con đi du học áp dụng được, mà các cha mẹ có con học ở tại Việt Nam vẫn có thể tham khảo.
Chương 2 được du học sinh Đào Trung Kiên viết dưới góc nhìn của một du học sinh từ năm 14 tuổi và hiện nay, 20 tuổi, Kiên đã có tám năm liên tục chuẩn bị hồ sơ du học. Năm 12 tuổi, Kiên bắt đầu chuẩn bị tìm kiếm học bổng cho cấp ba. Sau bốn năm, đến năm 16 tuổi, Kiên tiếp tục tìm kiếm học bổng để du học tại Mỹ cho bậc đại học. Hiện nay, Kiên đang tiếp tục tìm kiếm học bổng thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Khoa học dữ liệu tại Mỹ.
Nội dung và ngôn ngữ Kiên viết là dành cho học sinh. Vì vậy đây là lời chia sẻ và tâm sự với các em có nhu cầu đi du học mà chưa biết bắt đầu từ đâu. Trong chương 2 này, Kiên viết dựa trên các cột mốc thời gian lớp 6, lớp 9, lớp 10, xem chúng ta cần chuẩn bị nội dung gì và chuẩn bị như thế nào để có thể đi du học và tìm kiếm được học bổng giá trị – giảm bớt áp lực tài chính cho cha mẹ. Trong chương 2, Kiên cũng chia sẻ những điều cần biết trong đời sống sinh viên và các phương pháp, kỹ năng học tập trong 5 năm tại Mỹ.
Riêng chương 3 được hai tác giả cùng viết chung. Phần này phác thảo con đường chông gai mà cả con và cha mẹ đều phải đối mặt. Ở đây, hai tác giả bắt đầu từ trải nghiệm thực tế của một người con và một người cha phải đối diện với hoàn cảnh “chưa xảy ra bao giờ”. Đối mặt với những “khó khăn không thể tưởng tượng nổi”. Đây là phần khó viết nhất và khó mô tả nhất của cuốn sách. Cuốn sách cũng là lời chia sẻ với các du học sinh và cha mẹ về các tình huống có thể xảy ra và gợi mở một số giải pháp cho những vướng mắc gặp phải.
Mong rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bậc cha mẹ và các bạn học sinh đang và sẽ du học trong tương lai.