Đại sư Ấn Thuận
Đại sư Ấn Thuận (1906 - 2005), là một vị cao Tăng trứ danh đương đại có đóng góp to lớn cho Bách khoa Phật học toàn thư. Ngài ra đời tại vùng quê Hải Ninh thuộc tỉnh Triết Giang, xuất gia vào năm 1930 với Hòa thượng Thanh Niệm trên núi Phổ Đà, được pháp danh là Ấn Thuận, từ đó Ngài đã miệt mài tu học và nghiên cứu giảng dạy Phật pháp suốt hơn bảy mươi năm. Ngoài những thành tựu trên lĩnh vực học thuật và giáo dục, cống hiến quan trọng nhất của Ngài là tiếp nối được tinh thần “Phật giáo nhân gian” của Đại sư Thái Hư, đồng thời nhiệt tâm phụng sự cho cuộc vận động phong trào chấn hưng Phật giáo thời cận hiện đại. Ngài là một vị tu sĩ uyên thâm Phật học trong giới Phật giáo lúc bấy giờ. Vào cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, Ngài đã đến Đài Loan trụ trì chùa Thiện Đạo và xây dựng nhiều Phật học viện nổi tiếng.
Đạo sư Ấn Thuận là một Đại sư hàng đầu trong thế giới Phật giáo cận hiện đại, Ngài thông suốt Tam tạng kinh điển, đặc biệt là Phật giáo Ấn Độ, lịch sử và tư tưởng Phật giáo Trung Quốc v.v. Ngài cũng đã viết rất nhiều sách nhằm phân tích, biện giải toàn diện và sâu sắc về các vấn đề Phật học, do đó đã gặt hái được những thành tựu học thuật quan trọng. Những cuốn sách của Ngài ra đời đều trở thành những tác phẩm điển hình trong nghiên cứu Phật giáo, được giới Phật học và giới nghiên cứu hoan nghênh đón nhận nồng nhiệt. Ngài còn là người tiếp nối và duy trì công cuộc chấn hưng Phật giáo mang tư tưởng tích cực ứng dụng Phật học vào nhân gian, cho nên đã có sự ảnh hưởng quan trọng đến thế giới Phật giáo cuối thế kỷ XX.
Pháp sư Ấn Thuận suốt đời dạy học không dừng nghỉ, sáng tác và biên soạn nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đã xuất bản hơn 40 đầu sách tính ra hơn tám triệu chữ, tất cả kết tập lại gồm có: Diệu vân tập (24 quyển), Hoa vũ tập (5 quyển) v.v. Sở học của Ngài rất được giới Phật học và học thuật trên thế giới trân quý ngưỡng vọng. Năm 1973, trường Đại học Đại Chính tại Nhật Bản đã phong tặng cho Ngài học vị Tiến sĩ văn học với tác phẩm đã xuất bản Trung Quốc Thiền tông sử. Bởi sự thành tựu kiệt xuất của Ngài về phương diện giới thiệu và hoằng dương Phật học Ấn Độ, nên được người đời sau tôn xưng là “Huyền Trang tái thế đệ nhất nhân”.