1
BẢY LỚP CƠ THỂ CỦA CON NGƯỜI
Con người thực sự là một Tiểu Vũ trụ. Vũ trụ hình thành thế nào thì con người cũng hình thành y như vậy. Trong Vũ trụ có bảy tầng vật chất, thì cơ thể con người cũng có bảy lớp vật chất tương ứng với các tầng vật chất ấy. Chúng ta hãy so sánh bảy tầng vật chất trong Vũ trụ với bảy lớp cơ thể của mỗi con người.
Trong Vũ trụ có bảy tầng vật chất, từ thấp lên cao, từ vật chất hữu hình đến vật chất siêu hình, từ thô đến tinh là:
1. Tầng vật chất Hữu hình (Cõi Hạ giới hay Hồng trần)
2. Tầng vật chất Hạ trí (Cõi Trung giới)
3. Tầng vật chất Thiên thể (Cõi Thượng giới)
4. Tầng vật chất Năng lượng (Cõi Bồ đề)
5. Tầng Tuệ thức Tiên thiên (Cõi Niết bàn)
6. Tầng Tâm thức Tiên thiên (Cõi Đại Niết bàn)
7. Tầng Nguyên lý Tiên thiên (Cõi Tối đại Niết bàn)
Trong bảy tầng vật chất nêu trên chỉ có một tầng vật chất Hạ giới (hay Hồng trần) là vật chất hữu hình, nhìn thấy và cảm nhận được bằng giác quan thể xác; còn lại sáu tầng vật chất khác là siêu hình, không nhìn thấy được, không cảm nhận được bằng giác quan thể xác con người.
Trong cơ thể con người cũng có bảy lớp cơ thể tương ứng, từ thấp lên cao, từ thô đến tinh, từ hữu hình đến siêu hình, từ thân xác đến linh hồn:
1. Thân xác (xác thịt con người) là lớp cơ thể của con người tương ứng với tầng vật chất Hữu hình (Hạ giới).
2. Vía Hạ trí hay Vía Mental (mental body) là lớp cơ thể thứ hai. Đây là lớp vật chất trường sóng hạt đảm nhiệm hoạt động tính toán, tương ứng với tầng vật chất Hạ trí.
3. Vía Thiên thể (astral body), còn được gọi là Vía Cảm xúc (emotional body) là lớp cơ thể thứ ba, là trường sóng hạt đảm nhiệm hoạt động về cảm xúc, yêu, ghét, luyến ái, tương ứng với tầng vật chất Thiên thể.
4. Thể Phách (etheric body), hay (energy body) là lớp cơ thể thứ tư, là một trường sóng hạt năng lượng Tiên thiên, tương ứng với tầng vật chất Bồ đề.
5. Thể Tuệ tâm, lớp tâm thức ngoài cùng, đảm nhiệm hoạt động trí tuệ, tư duy trừu tượng, suy tư, nghiên cứu, tương ứng với tầng vật chất Tuệ thức Tiên thiên (tầng Niết bàn).
6. Thể Thiện tâm , lớp tâm thức thứ hai, nơi diễn ra những hoạt động cảm xúc lớn lao, tình yêu thương, lòng từ bi, bác ái, mang tính nhân văn cao cả, tương ứng với tầng vật chất Tâm thức Tiên thiên (tầng Đại Niết bàn).
7. Thể Trân tâm, lớp tâm thức cao nhất, thể hiện bản ngã, hay còn gọi là cái Tôi, nơi lưu giữ những tần số đặc thù về tiến hóa tâm linh của từng cá nhân con người, tương ứng với tầng vật chất Nguyên lý Tiên thiên (tầng Tối đại Niết bàn).
Hiện nay trong ngôn ngữ các nước Âu, Mỹ đều dùng từ etheric body, hay double etherique để chỉ thể Phách. Thực ra, thể Phách không phải là thể khí ête, mà là một lớp vật chất đặc biệt, là một trường năng lượng Tiên thiên. Ngày xưa những người có khả năng thấu thị nhìn thấy lớp cơ thể này có màu xanh dương bảng lảng như khói, rất nhẹ, nên nghĩ đó là khí nhẹ ête. Nhưng thực ra đó là một dạng vật chất đặc biệt, dạng trường năng lượng sinh học Tiên thiên, tập trung các hạt vật chất rất mịn, vừa là vật chất, vừa là năng lượng.
2
SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA BẢY TẦNG VẬT CHẤT TRONG VŨ TRỤ VỚI BẢY LỚP CƠ THỂ CON NGƯỜI
Vật chất trong Vũ trụ được phân định ra bảy tầng lớp, theo cơ số bảy của bảy dạng tần số dao động tự nhiên trong Vũ trụ. Cơ số bảy cũng chính là cơ cấu căn bản của Vũ trụ đối với các tổ chức vật chất. Cơ thể con người cũng là một tổ chức vật chất cao cấp trong Vũ trụ, nên cũng không nằm ngoài cơ cấu này.
Chúng ta hãy xem xét sự tương quan giữa bảy tầng vật chất của Vũ trụ với bảy lớp cơ thể của con người:
1. Tầng vật chất cao nhất, tinh túy nhất của Vũ trụ là tầng Nguyên lý Tiên thiên (Tối đại Niết bàn) tương đồng với thể Trân tâm trong tâm linh con người.
2. Tầng vật chất thứ hai trong Vũ trụ là tầng Tâm thức Tiên thiên (Đại Niết bàn) tương đồng với lớp Thiện tâm trong tâm linh con người.
3. Tầng vật chất thứ ba trong Vũ trụ là tầng Tuệ thức Tiên thiên (Niết bàn) tương đồng với lớp Tuệ tâm trong tâm linh con người.
4. Tầng vật chất thứ tư trong Vũ trụ là tầng Năng lượng (Bồ đề) tương đồng với thể Phách của con người.
5. Tầng vật chất thứ năm trong Vũ trụ là tầng Thiên thể (Thượng giới) tương đồng với thể Vía Cảm xúc, hay còn gọi là Vía Thiên thể của con người.
6. Tầng vật chất thứ sáu trong Vũ trụ là tầng Hạ trí (Trung giới) tương đồng với thể Vía Hạ trí hay Vía Tính toán của con người.
7. Tầng vật chất thứ bảy thấp nhất trong Vũ trụ là tầng vật chất Hữu hình Hạ giới (Phàm trần) tương đồng với thể Xác của con người.
Dưới đây là bảng so sánh sự tương quan, đồng nhất giữa các tầng vật chất trong Vũ trụ với các lớp cơ thể con người, để tiện theo dõi và ghi nhớ.
Qua đây, ta thấy cổ nhân đã có lý khi cho rằng con người là một Tiểu Vũ trụ. Vậy, theo chiều ngược lại thì sẽ thật vô lý khi con người đã là Tiểu Vũ trụ còn Đại Vũ trụ lại là vật thể vô tri, vô giác. Vũ trụ còn hơn con người rất nhiều. Nói cho hợp lý thì Vũ trụ đúng ra phải là một Tối linh sinh vật.
Ta sẽ xem xét cơ cấu cơ thể con người như một Tiểu Vũ trụ. Trong bảy cơ thể của con người chỉ có thân xác là vật chất hữu hình, nhìn thấy được, còn sáu cơ thể kia là vật chất siêu hình, không nhìn thấy bằng mắt được. Hiện nay người ta đã chụp ảnh được: thể Xác, thể Phách, thể Vía. Hai nhà khoa học Nga đã chụp ảnh được thể Vía và thể Phách. Người đầu tiên là Kirilian ở Craxnoda, là người tìm ra cách chụp trong điện trường cao. Song bức ảnh không được nét lắm. Sau đó Xmirnôp, người Matxcơva đã cải tiến cách chụp và có được các bức ảnh khá nét. Qua các bức ảnh này, chúng ta thấy rõ lớp Phách và hai lớp Vía của con người. Riêng phần Tâm linh cho đến nay vẫn chưa ai chụp được.
Dưới đây là hình vẽ bảy lớp cơ thể của con người (vẽ theo cảm quan thấu thị của nhiều nhà nghiên cứu Tâm linh học, không sắp xếp theo thứ tự nguyên lý, lý thuyết).
Phía bên trong của thân xác ta thấy có hình ba lớp cơ thể có cấu tạo gồm đầu và thân, không có tứ chi. Đó chính là ba lớp Tâm linh, hay theo cách gọi của người Việt là ba lớp hồn. Ba lớp Tâm linh này gồm: Lớp trong cùng là Trân tâm, ngoài Trân tâm là Thiện tâm, ngoài cùng là Tuệ tâm. Ba lớp Tâm linh này được bảo vệ bởi thân xác.
Bên ngoài thân xác có một lớp cơ thể mỏng, có độ dày khoảng 6 cm bao bọc toàn thân, đó chính là lớp Phách. Nói về khía cạnh logic, thể Phách thuộc vật chất tầng bốn, là tầng Bồ đề, đứng ngay sau ba lớp Tâm linh nên lẽ ra lớp Phách phải ở liền ngay sau thể Tuệ tâm. Nhưng trong thực tế thể Phách phải cung cấp năng lượng Tiên thiên cho cả thể xác cùng với các thể khác, nên nó phải nằm sát với thể xác, để liên thông với sáu thể khác thông qua huyệt Bách hội trên đỉnh đầu của thân xác.
Bên ngoài lớp Phách là thể Vía Mental (Tính toán), hay còn gọi là Vía Hạ trí. Thể Vía này có độ dày cách thân xác khoảng 20-25 cm, trông như bản sao của thể xác nhưng to hơn.
Bên ngoài Vía Hạ trí là một cơ thể trông như hình quả trứng, bao bọc hết toàn bộ cơ thể con người. Đây là Vía Astral, hay còn gọi là Vía Thiên thể, hay Vía Cảm xúc. Độ dày của thể Vía này có đường kính khoảng 100 cm.
Vậy tóm lại, tổng cộng con người có bảy lớp cơ thể: ba Hồn, một Phách, hai Vía, một Xác thân. Trong bảy lớp cơ thể này của con người chỉ có một cơ thể hữu hình (vật chất thô) là có thể nhìn thấy và cảm nhận bằng năm giác quan thể xác. Đó là thể xác. Còn sáu lớp cơ thể khác được cấu tạo bằng vật chất siêu hình, tần số dao động của nguyên tử ở các lớp cơ thể này là rất cao, vượt quá tốc độ ánh sáng rất nhiều lần, nên không thể nhìn thấy được và không thể cảm nhận được bằng các giác quan thể xác. Hoạt động của bảy lớp cơ thể này liên thông, hữu cơ với nhau một cách chặt chẽ, khiến chúng ta không cảm nhận được những sự khác biệt giữa các lớp cơ thể. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ ta sẽ thấy được sự tồn tại của một trong những lớp cơ thể này.
Đây là một ví dụ: Những người bị tai nạn, hoặc bị thương tật trong chiến tranh, đã cắt bỏ một tay, hoặc một chân. Phần cơ thể này không còn nữa, nên chúng ta sẽ nghĩ rằng, cái tay, hay cái chân đã bị cắt bỏ sẽ không bao giờ đau nữa. Nhưng không phải như vậy. Những người bị cắt bỏ chi này vẫn bị đau, thậm chí rất đau tại phần chi đã bị cắt. Tôi đã hỏi rất nhiều trường hợp và được xác nhận rằng họ vẫn có những cảm giác lạ lùng. Dù một chân của họ đã bị cắt bỏ hoàn toàn, song mỗi khi thời tiết thay đổi, họ vẫn thấy đau hoặc ngứa ở phần chi đã bị cắt. Điều đó có nghĩa là cái chân phần Xác đã bị cắt bỏ, song cái chân thể Vía và Phách vẫn còn. Vía Thiên thể của cái chân bị cắt vẫn báo cơn đau, hay cơn ngứa về não bộ.