Trong mỗi con người chúng ta đều có bảy lớp cơ thể. Nhưng độ phát triển của mỗi lớp cơ thể thì lại rất khác nhau. Nhìn hình vẽ cấu tạo bảy lớp cơ thể con người, chúng ta thấy:
- Ba lớp Tâm linh là ba loại vật chất cao nhất, vừa là vật chất, vừa là năng lượng, tồn tại ở dạng trường sinh học, được cấu tạo bằng vật chất siêu nhẹ, siêu mịn. Tần số dao động của các nguyên tử ở đây là cực kỳ cao. Các nguyên tử này tồn tại ở dạng sóng hạt. Nên những nguyên tử này là cực bền và trường tồn. Chính vì thế, có thể gọi những nguyên tử cấu tạo Tâm linh là những nguyên tử gốc của Vũ trụ, đồng nghĩa với việc Tâm linh con người cũng sẽ trường tồn cùng Tâm linh Vũ trụ. Thực chất Tâm linh con người cũng là biểu hiện của Tâm linh Vũ trụ mà thôi. Đó là loại vật chất bất biến. Như đã nói ở phần trên, Tâm linh con người được Ấn Độ giáo gọi là Atman. Nó là hiện thân từ Brahman - Linh hồn của Vũ trụ. Nó không sinh ra và cũng không mất đi. Đây là một điểm rất khác biệt về năng lượng. Ở thế giới vật chất thô hữu hình (Hồng trần) không tồn tại dạng năng lượng vĩnh cửu. Nhưng ở các thế giới siêu hình, đặc biệt là các thế giới Tâm linh, luôn luôn tồn tại dạng năng lượng trường tồn, bất biến này.
Hình dạng của trường Tâm linh tồn tại trong cơ thể sống của con người, nếu nhìn bề ngoài, chỉ có đầu và thân. Chức năng của Tâm linh con người, cũng như Đạo của Brahman Vũ trụ, là dẫn dắt, chỉ dạy cho con người biết cách tư duy và sống theo cơ chế của tạo hóa là: Chân, thiện, mỹ. Ba thể Tâm linh này không thể tồn tại một cách đơn lập trong môi trường của thế giới vật chất Phàm trần thô nặng. Chúng cần phải được bảo vệ bằng một “lớp áo giáp” chắc chắn bằng vật chất thô, nặng. “Chiếc áo giáp” đó chính là thân xác con người. Nguyên tử cấu tạo ra thân xác con người to gấp gần 14 tỷ lần so với nguyên tử cấu tạo ra Tâm linh, nên nó đủ chắc chắn để bảo vệ được cho Tâm linh tồn tại trong thế giới của vật chất thô hữu hình.
- Thân xác tồn tại để bảo vệ Tâm linh trước các bức xạ của Vũ trụ, trước các trận bão từ, trước các sóng điện từ của Trái đất, trước các sóng hình thể* của bề mặt Trái đất, cũng như các tia phóng xạ và các loại sóng điện từ do con người tạo ra v.v. Nhưng để tồn tại, thân xác cần phải có năng lượng để nuôi chính nó và nuôi các lớp cơ thể khác. Năng lượng nuôi thân xác được đo bằng calorie, do thân xác du nạp vào bằng con đường ăn uống. Đông y gọi nguồn năng lượng này là năng lượng Hậu thiên. Ngoài ra thân xác còn sử dụng một nguồn năng lượng nữa để nuôi các trường năng lượng của thân xác và các trường năng lượng của các cơ quan trong thân xác. Nguồn năng lượng này chính là năng lượng Prana. Đó cũng là nguồn năng lượng nuôi sống từ trường sóng hạt của Vía, Phách và Tâm linh. Đông y gọi đây là năng lượng Tiên thiên. Năng lượng Tiên thiên do bào thai thu hút được từ Vũ trụ, khi mới bắt đầu hình thành và sau đó thể Phách sẽ tiếp tục nạp thêm Prana vào cho thân xác, để cung cấp nguồn năng lượng này cho các lớp cơ thể khác cùng tồn tại và phát triển.
* Sóng hình thể là sóng được tạo ra bởi các dòng điện tích khi gặp các hình thể đặc biệt của các công trình kiến trúc hay các hình thể đặc thù của thiên nhiên trên bề mặt Trái đất như núi, sông…
- Thể Phách có chức năng thu hút sinh khí cầu, đồng hóa chúng thành bảy loại năng lượng thích ứng với bảy lớp cơ thể, rồi cung cấp những loại năng lượng Tiên thiên này cho Thân xác, hai thể Vía và ba lớp Tâm linh. Sau một thời gian, khi thể Phách suy yếu đi, không thể thu hút được Prana và sinh khí cầu để đồng hóa, lấy Tiên thiên khí cung cấp cho các lớp cơ thể nữa, thân xác chỉ sống được cho đến khi cạn kiệt hết nguồn năng lượng còn lại ở Đan điền, rồi diệt vong.
- Hai thể Vía có chức năng vừa dẫn dắt, tính toán, tìm cách cho thân xác tồn tại, vừa khơi dậy những cảm xúc, những đam mê, dục vọng của thân xác, lôi kéo, thúc giục thân xác hành động, để đạt được những dục vọng đó. Thiếu hai thể Vía, con người sẽ trở thành động vật vô tri, vô giác, vô cảm, đần độn, không thích thú, không ham muốn gì.
Chúng ta sẽ khảo cứu cụ thể hơn về cấu tạo và hoạt động của từng lớp cơ thể con người một cách chi tiết, từ Thân xác, đến Phách, Vía và Tâm linh.
1
THÂN XÁC
Thân xác là lớp cơ thể được cấu tạo từ các nguyên tử to nhất, thô nhất, nặng nề nhất. Vật chất của thân xác là vật chất hữu hình, tương ứng với tầng vật chất Hạ giới, hay Phàm trần trong Vũ trụ. Mỗi nguyên tử của thân xác to gấp gần 14 tỷ lần so với nguyên tử tâm linh. Cơ thể con người được cấu tạo từ cả các nguyên tử vô cơ, lẫn hữu cơ (sinh bào). Con người từ khi sinh ra vốn quen nhận thức và tìm hiểu thế giới bằng năm giác quan của thân xác, nên cứ tưởng thân xác là cơ thể duy nhất của con người và ngoài thân xác ra, con người không có gì nữa. Sau khi chết, xác chôn xuống đất là hết. Đây là một sai lầm khủng khiếp. Từ sai lầm này sẽ dẫn đến một dây chuyền những sai lầm khác: Sống vị kỷ, sống hiện sinh, sống không cần nghĩ đến kiếp sau, sống không màng đạo đức v.v.
Thân xác thuộc vật chất hữu hình, nên ở thế giới hữu hình này thân xác được nghiên cứu khá kỹ càng. Rất nhiều công trình nghiên cứu giải phẫu học với các chuyên ngành: tim, phổi, dạ dày, tụy, gan, mật, thận, ruột, xương cốt, da, cơ v.v. Trong cuốn sách này sẽ không đề cập đến những vấn đề đó nữa. Trong phần này chỉ đề cập đến những vấn đề có thật của thân xác, nhưng tồn tại ở dạng siêu hình, mắt người không thấy được, dẫu vậy vẫn rất quan trọng trong đời sống, cũng như trong y học và khoa học nói chung .
Thực ra thân xác con người chỉ là “bộ áo giáp” chắc chắn để bảo vệ, che chắn cho phần Tâm linh (vật chất dạng sóng hạt siêu hình) vốn không thể tồn tại được trong thế giới vật lý thô hữu hình với các tia bức xạ, các loại sóng điện từ, lực từ trường và các điều kiện sống của thân xác do con người tạo ra. Để làm được nhiệm vụ bảo vệ cho Tâm linh, bản thân phần xác thân trước tiên phải tự tồn tại được. Là một sinh vật, thân xác phải mưu sinh, phải kiếm sống, phải sinh sản để duy trì nòi giống mà sinh tồn như các loài vật khác. Cũng như các động vật bậc cao, thân xác cần các lớp cơ thể khác phụ giúp mới có thể tồn tại và duy trì nòi giống được. Đó là thể Vía và thể Phách. Thể Vía giúp thân xác có được những cảm giác, cảm xúc, những hoạt động tính toán. Thể Phách giúp thân xác có năng lượng Tiên thiên để nuôi dưỡng thể Vía và nuôi dưỡng trường sinh học của các cơ quan trong cơ thể con người.
Thân xác dùng hai nguồn năng lượng để tồn tại là năng lượng Hậu thiên và năng lượng Tiên thiên. Năng lượng Hậu thiên là năng lượng được lấy từ đồ ăn, thức uống và được tính bằng calorie, chủ yếu là glucid (đường) và lipid (mỡ). Ngoài ra còn có các khoáng chất và các vitamin trợ giúp quá trình tổng hợp và hấp thụ năng lượng. Năng lượng Hậu thiên là năng lượng do thân xác thu nhận được thông qua con đường ăn, uống. Năng lượng Hậu thiên chủ yếu cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể các chất dinh dưỡng để tồn tại và thực hiện các chức năng của mình. Nó cung cấp năng lượng cho não và hệ thống thần kinh, các loại cơ bắp và các tuyến nội tiết hoạt động.
Còn năng lượng Tiên thiên là năng lượng Prana, là Tiên thiên khí từ các sinh khí cầu, như tôi đã trình bày ở trên. Nguồn năng lượng này nuôi dưỡng từ trường sinh học tổng thể của thân xác và các từ trường sinh học cục bộ của từng cơ quan thuộc lục phủ ngũ tạng và nuôi dưỡng các cơ thể siêu hình khác như Phách, Vía, Tâm linh, giúp các lớp cơ thể này hoạt động và tồn tại. Nguồn năng lượng Tiên thiên này được thu vào cơ thể từ khi hình thành bào thai. Trong khoảng ba mươi năm đầu khỏe mạnh, nguồn năng lượng Tiên thiên cũng tiếp tục được thể Phách thu hút từ cõi Trung giới và tầng Bồ đề rồi đồng hóa thành năng lượng Tiên thiên, cung cấp bổ sung thêm cho cơ thể. Sau ba mươi tuổi thể Phách suy yếu dần, không thể thu hút, bổ sung được năng lượng Tiên thiên cho thể xác nữa. Nguồn năng lượng Tiên thiên trong thể xác lúc này là hữu hạn và sẽ tiêu hao dần theo năm tháng qua các hoạt động. Khi hết năng lượng Tiên thiên thì từ trường xác thân sẽ ngừng hoạt động, thân xác sẽ chết, cho dù năng lượng Hậu thiên còn dư, cơ bắp còn khỏe. Một điểm đáng lưu ý là khi năng lượng Hậu thiên vì lý do gì đó bị cạn kiệt, thì năng lượng Tiên thiên sẽ tự động chuyển thành Hậu thiên, để nuôi thân xác. Nhưng năng lượng Hậu thiên không thể chuyển thành năng lượng Tiên thiên để nuôi dưỡng từ trường của các cơ thể siêu hình kia được. Điều này giải thích cho hiện tượng rất nhiều các kiện tướng thể thao có cơ bắp mạnh khỏe lại chết sớm. Ngược lại, rất nhiều người tu luyện gầy guộc, cơ bắp tong teo, nhưng lại sống rất lâu mà không bệnh tật.
Ngoài vấn đề năng lượng, thân xác còn một vấn đề siêu hình nhưng vô cùng quan trọng nữa là trường năng lượng sinh học. Cơ thể (thân xác) con người có một trường sinh học tổng thể và mỗi cơ quan trong cơ thể lại có một trường sinh học cục bộ riêng. Trường sinh học này được tạo nên bởi hai mạng lưới điện tích âm và điện tích dương. Các từ trường cục bộ hòa đồng trong từ trường tổng thể ấy. Điều này chẳng khác gì từ trường tổng của cả Thái dương hệ với từng từ trường riêng biệt của mỗi hành tinh. Từ trường sinh học tổng thể của con người là hiện hữu, nhưng vì nó siêu hình, không nhìn thấy được bằng mắt, nên nhiều người không để ý đến sự hiện diện cũng như vai trò của nó đối với sức khỏe của con người. Ngay chính nền y học hiện đại cũng rất ít để ý đến vấn đề này trong việc khám, chữa bệnh và củng cố sức khỏe cho con người. Trong khi đó y học cổ truyền, đặc biệt Đông y lại coi từ trường sinh học này là vấn đề cốt lõi. Khi tổng các điện tích âm bằng tổng các điện tích dương thì cơ thể được cân bằng âm dương sẽ rất khỏe mạnh. Khi từ trường cục bộ của một cơ quan nào đó, hoặc từ trường của toàn bộ cơ thể mất cân bằng, nghĩa là tổng số điện tích âm không cân bằng với tổng điện tích dương nữa, thì cơ quan ở đó, hay toàn bộ cơ thể, sẽ suy yếu dần và sinh bệnh. Nếu mất cân bằng âm dương nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Đây chính là y lý quan trọng của Đông y trong việc khám và chữa bệnh. Cân bằng âm dương, cân bằng từ trường cục bộ, hay từ trường tổng thể chính là phương thức để phục hồi chức năng bị suy giảm của các cơ quan trong cơ thể con người. Đông y tìm được rất nhiều cách để cân bằng âm dương như dùng các loại thảo dược có chứa nhiều điện tích âm, hay dương. Một phương pháp nữa là châm, cứu, bấm huyệt, xông, “đánh gió” v.v. Những phương pháp này không gây phản ứng phụ nguy hiểm, lại có hiệu quả cao và nhanh.
Thuyết âm dương và ngũ hành tương sinh, tương khắc là cơ sở để đề ra y học và y thuật trong khám và chữa bệnh. Từ cổ xưa các học giả Đông Nam Á đã từng nói: “nhân nhân các hữu nhất thái cực, vật vật các hữu nhất thái cực” (mỗi người đều có một Thái cực (từ trường), mỗi vật cũng đều có một Thái cực (từ trường)). Từ trường chính là sự sống của con người, sự tồn vong của vật chất. Âm dương ở đây là Thái cực, là từ trường. Từ trường này được tạo lập từ hai mạng lưới: Điện tích âm và điện tích dương. Vậy từ trường sinh học tổng thể nằm ở đâu? Phân cực như thế nào? Có tác động ra sao đến cơ thể con người?
Trong cơ thể con người, trên đầu có não bộ bao gồm hai bán cầu não được nối với nhau và thông với tủy sống qua cầu não. Điểm liên thông này nối thẳng ra huyệt Ấn đường. Đây chính là một cực của từ trường tổng thể. Phía dưới, ngang thắt lưng có hai quả thận nằm đối xứng hai bên cột sống. Điểm giao cắt giữa hai quả thận với cột sống chính là huyệt Mệnh môn hỏa (cửa năng lượng sống). Đây là cực thứ hai của từ trường tổng thể. Đối với đàn ông, thì não là cực âm, thận là cực dương. Còn đối với đàn bà thì não là cực dương, thận là cực âm. Như vậy, não và thận là hai cực tạo ra một từ trường sinh học tổng thể của thân xác con người. Xem hình vẽ Từ trường sinh học tổng thể của con người dưới đây.
Bên trong từ trường sinh học tổng thể này, mỗi cơ quan như: tim, phổi, dạ dày, lá lách, gan, thận v.v đều có một từ trường sinh học cục bộ riêng. Mỗi từ trường sinh học cục bộ này đều được xác lập bởi hai mạng lưới điện tích âm và dương, mỗi mắt lưới có một điện tích. Tổng số các điện tích âm và điện tích dương ở hai mạng lưới điện tích này mà cân bằng (tổng số điện tích âm bằng tổng số điện tích dương), thì cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật. Khi thiếu cân bằng âm dương tại cơ quan nào thì cơ quan ấy sẽ trục trặc, sẽ bị nhiễm trùng, sinh bệnh, hoặc bị suy giảm chức năng hoạt động, cũng dẫn đến bệnh tật. Từ trạng thái mất cân bằng âm dương cục bộ, có thể sẽ dẫn đến mất cân bằng từ trường tổng thể, làm cả cơ thể suy yếu, nếu mất cân bằng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Đây là y lý chủ chốt của Đông y, để đề ra các phương thức khám, chữa bệnh theo nguyên lý cân bằng âm dương. Cân bằng âm dương là khôi phục lại sự cân bằng của hai mạng lưới điện tích âm và dương (từ trường) của một cơ quan nào đó đang bị mất cân bằng (bị bệnh). Khi tổng các điện tích âm và dương được cân bằng, cơ quan đó sẽ hoạt động bình thường trở lại, bệnh sẽ khỏi. Ví dụ khi một cơ quan nào đó bị bệnh, Đông y sẽ xem âm dương ở cơ quan đó có cân bằng không? Nếu mất cân bằng, thì âm dương thịnh, suy như thế nào? Đông y sẽ dùng cây thuốc có chứa nhiều điện tích âm hay dương đưa đến vùng đó cùng với một chất dẫn đường và với một liều lượng thích hợp. Lập tức từ trường ở vùng đó sẽ được cân bằng lại và bệnh sẽ lui. Đây là thế mạnh của Đông y trong việc chữa trị những căn bệnh do suy giảm chức năng của một cơ quan nào đó. Ví dụ, khi tuyến thượng thận (nhiều chức năng, trong đó có giữ vai trò điều khiển tuyến tụy tiết hoặc ngừng tiết insulin) bị suy giảm chức năng, khiến tụy không thể tiết được insulin để chuyển hóa glucid thành lipid, cung cấp cho các hoạt động cơ bắp, khiến gluco tăng cao, dẫn đến căn bệnh tiểu đường. Đây là căn bệnh nan y do suy giảm chức năng tuyến thượng thận, hoặc tuyến tụy gây ra. Ta có thể chữa được căn bệnh này bằng cách dùng các vị thuốc bắc để cân bằng lại trường điện tích của tuyến tụy hoặc tuyến thượng thận. Khi từ trường đã được cân bằng, bệnh ắt khỏi.
Tôi đã chữa cho rất nhiều người bị bệnh tiểu đường bằng cách này, kể cả khi bệnh nhân đã đái tháo đường rồi, vẫn khỏi. Vì vậy, từ trường sinh học của cơ thể là tối quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và chữa bệnh. Khi từ trường cân bằng, nếu có sự hiện diện của vi khuẩn, vi trùng, thì chúng cũng tự tiêu vong mà không cần phải dùng thuốc kháng sinh. Tôi đã dùng thuốc Đông y để cân bằng âm dương cho vùng từ trường gan của những người bị viêm gan siêu vi B, sau khi uống thuốc khoảng bốn mươi ngày trở lên, bệnh nhân đi làm xét nghiệm lại trong bệnh viện, tất cả các xét nghiệm đều âm tính.
Trường sinh học mà chúng ta vừa đề cập ở trên phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng Tiên thiên có trong cơ thể. Tôi sẽ nói kỹ hơn phần này ở mục bên dưới.
2
NĂNG LƯỢNG SỐNG TRONG THÂN XÁC CON NGƯỜI
Cơ thể con người sử dụng hai nguồn năng lượng chủ yếu là năng lượng Tiên thiên và năng lượng Hậu thiên. Ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu từng nguồn năng lượng.
Năng lượng Tiên thiên
Đây là nguồn năng lượng từ thiên nhiên, năng lượng trời cho. Nó phát xuất từ Mặt trời, do các vật chất trên bề mặt ở đây bị phân rã sau các phản ứng nhiệt hạch. Năng lượng Tiên thiên chính là Prana mà triết học yoga đã phát hiện cách đây hàng ngàn năm. Nó sinh ra từ những phản ứng hóa - lý nhiệt hạch từ Mặt trời và tồn tại ở dạng Vaccum (chân không), chứa đầy năng lượng điện sinh học, ở dạng trung tính, không mang dấu (xem lại phần Sinh khí cầu). Nguồn năng lượng này có thể nuôi dưỡng, làm cho các trường sinh học của sinh vật nói chung và của con người nói riêng, mạnh lên. Nó có thể giúp cân bằng những vùng từ trường sinh học cục bộ bị trục trặc, bằng cách thu hút, trung hòa những điện tích âm, hoặc dương thừa. Nó có thể khai thông hệ thần kinh, thậm chí có thể khôi phục lại những đường truyền tín hiệu thần kinh bị đứt quãng.
Nguồn năng lượng Tiên thiên này đến với sinh vật ngay từ khi còn trong bào thai. Khi hình thành phôi thai, từ trường sinh học của bào thai sẽ tạo ra một sức hút. Sức hút mạnh hay yếu, phụ thuộc vào thể trạng của bào thai. Sức hút này sẽ thu hút Prana tự do và các sinh khí cầu với số lượng nhiều, ít tùy tình trạng sức khỏe từng người, sau đó sẽ đồng hóa chúng, làm thành năng lượng sống cho bào thai và con người sau này. Nguồn năng lượng Tiên thiên càng tích được nhiều, con người càng khỏe mạnh và sống lâu. Kho chứa nguồn năng lượng Tiên thiên này nằm tại vùng từ trường Đan điền (vùng xung quanh huyệt Mệnh môn hỏa - dưới rốn khoảng 4 cm). Đan điền có thể ví như một bình ắc quy chứa năng lượng sống Tiên thiên khí của cơ thể. Đây là nguồn năng lượng được tự động cung cấp cho các từ trường sinh học cục bộ của các cơ quan trong cơ thể. Năng lượng Tiên thiên nuôi dưỡng và duy trì hoạt động của từ trường tổng thể lẫn từ trường cục bộ của các cơ quan. Nó làm cho tim tự động co bóp, phổi tự động hô hấp, dạ dày tự động nhào nặn để tiêu hóa thức ăn. Nó làm cho gan, tụy và các cơ quan nội tiết khác hoạt động một cách nhịp nhàng v.v. Nguồn năng lượng đó chính là tuổi thọ và sức khỏe của con người.
Khi nguồn năng lượng Tiên thiên này cạn kiệt, thân xác con người sẽ không thể tiếp tục tồn tại được nữa, cho dù cơ bắp còn khỏe mạnh, cho dù tuổi đời còn chưa cao v.v. Khi năng lượng Tiên thiên hết, các cơ quan trong cơ thể sẽ lập tức ngưng hoạt động.
Ngoài năng lượng Tiên thiên, trong cơ thể con người còn sử dụng một nguồn năng lượng khác nữa. Đó là năng lượng Hậu thiên.
Năng lượng Hậu thiên
Nguồn năng lượng này con người nạp vào qua con đường ăn uống. Năng lượng này được đo đếm bằng đơn vị calo (calorie). Nó đến từ các chất dinh dưỡng. Năng lượng Hậu thiên cung cấp năng lượng, dinh dưỡng cho các loại cơ, cơ bắp, các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết, cũng như não và hệ thống thần kinh, giúp các cơ quan này tồn tại và hoạt động. Khi cơ thể dùng hết năng lượng Hậu thiên, cơ thể sẽ tự động lấy năng lượng Tiên thiên từ “kho chứa” tại Đan điền, chuyển đổi thành năng lượng Hậu thiên, đảm bảo cho cơ thể tiếp tục tồn tại, hoạt động để duy trì sự sống. Chính vì thế, khi thường xuyên sử dụng cơ bắp ở mức quá độ, sẽ làm suy giảm năng lượng Tiên thiên và dẫn đến giảm thọ. Điều này giải thích cho hiện tượng các kiện tướng hay các vận động viên thể thao thành tích cao có thân hình và thể lực rất cường tráng, nhưng lại hay bị đột tử và tuổi thọ thường không cao. Đó là bởi vì họ buộc phải tập luyện thường xuyên ở cường độ cao, cơ thể tiêu tốn rất nhiều năng lượng Hậu thiên, lượng thức ăn du nhập vào cơ thể không cung cấp đủ calo cho cơ bắp hoạt động, cơ thể buộc phải tự động lấy năng lượng Tiên thiên chuyển hóa sang thành năng lượng Hậu thiên bù vào chỗ thiếu hụt cho cơ bắp. Chính vì thế mà nguồn năng lượng sống Tiên thiên (tuổi thọ) bị suy giảm hàng ngày mà không biết.
Điều đáng lưu ý ở đây là năng lượng Tiên thiên có thể chuyển thành năng lượng Hậu thiên, nhưng năng lượng Hậu thiên lại không thể chuyển thành năng lượng Tiên thiên được. Điều đó có nghĩa là ăn uống chỉ có thể làm cho cơ bắp khỏe mạnh, phát triển, béo tốt, chứ không thể làm cho con người sống lâu được. Muốn sống lâu, phải có năng lượng sống Tiên thiên. Muốn có năng lượng Tiên thiên, phải biết cách tiết kiệm nó, hoặc biết cách thu bù nguồn năng lượng này từ Vũ trụ, đặc biệt từ khoảng thời gian sau ba mươi tuổi. Điều này thực ra không khó, nhưng phải có phương pháp. Tôi sẽ nói rõ thêm về chuyện này ở phần thể Phách. Nếu biết cách tập luyện đúng phương pháp, hoàn toàn có thể thu được nguồn năng lượng quý giá này một cách dễ dàng, để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe, trẻ lâu, kéo dài tuổi thọ.
Ngoài “kho chứa” năng lượng Tiên thiên ở Đan điền, trong cơ thể con người còn một “kho phụ” chứa năng lượng sống tại vùng xương tam giác (bát liêu), mà đỉnh nhọn là đốt xương cụt cuối cùng: Vùng giữa hai huyệt Trường cường và Hội âm. Pháp môn Raja yoga gọi đây là nơi trú ngụ của “hai con rắn lửa Kundalini, hay hai luồng hỏa hầu. Khi có người bị đột tử lâm sàng, mà thân xác chưa bị hư hoại, không bị tổn thương do bệnh tật hoặc các kiểu tai nạn như phạm phòng (sinh hoạt tình dục quá độ, trong khi cơ thể đang suy yếu), bị chết ngạt, đuối nước, bị cảm nhập lý, bị sức ép v.v., thì có thể dùng một vật nhọn chích vào đốt xương cụt cuối cùng, để cứu sống nạn nhân. Khi chích kim hoặc gai nhọn vào đốt xương cụt cuối cùng này, năng lượng sống chứa ở đây sẽ được kích hoạt, phóng ngược lên theo đường tủy sống, chạy thẳng lên não, giúp não từ từ hồi sinh, hoạt động trở lại. Vừa chích vào đốt xương cụt, vừa bấm, day mạnh các huyệt Ấn đường (chỗ lõm trên xương trán, giữa hai lông mày), Nhân trung, Thừa tương (chỗ lõm giữa cằm, dưới môi dưới), Hợp cốc (tại góc giữa hai ngón trỏ và cái, trên gờ xương ngón trỏ). Sau khi năng lượng Tiên thiên chạy lên não, não sẽ được hồi phục. Những tín hiệu từ não sẽ lập tức điều khiển tim, phổi đang bị tê liệt kia trở lại hoạt động bình thường. Người “chết” sẽ dần dần tỉnh lại.
Năng lượng Hậu thiên là năng lượng do con người thu nhận qua con đường ăn, uống. Năng lượng này tồn tại ở hai dạng chính là glucid và lipid. Năng lượng Hậu thiên được dẫn truyền qua đường máu chủ yếu dùng để nuôi các loại cơ, gân, xương, não, tủy, thần kinh. Ngoài ra, đồ ăn, thức uống còn đem vào cơ thể các loại vitamin, các khoáng chất, các kim loại, các nguyên tố vi lượng. Các yếu tố này có thể làm chất xúc tác, giúp cho các tuyến nội tiết của cơ thể hoạt động tốt hơn. Song, nếu với nồng độ cao, chúng có thể gây ra ngộ độc hoặc làm rối loạn chức năng của các cơ quan nội tạng. Ngoài ra, trong thức ăn còn có thể chứa rất nhiều các điện tích âm hoặc dương, như ở một số thực vật, rau cỏ, thuốc bắc, thuốc nam vậy. Nếu có hiểu biết về tính chất của các loại thực phẩm, rau, củ, quả thì cách ăn uống cũng có thể trở thành phương pháp chữa được rất nhiều căn bệnh do mất cân bằng âm dương. Điều đáng lưu ý là, khi thừa năng lượng Hậu thiên, nó sẽ được tích lũy ở dạng mỡ. Khi mỡ quá nhiều nó sẽ xâm nhập vào gan, vào máu, gây ra những căn bệnh nguy hiểm, khó chữa cho gan, tụy và hệ tuần hoàn. Thành thử ăn quá nhiều chất bổ không phải là phương pháp đem lại sức khỏe và tuổi thọ cho con người, mà ngược lại, cách ăn uống này sẽ gây ra những căn bệnh hiểm nghèo, khó chữa. Điều cần nhớ là năng lượng Hậu thiên chỉ có giá trị dinh dưỡng, không đem lại tuổi thọ như năng lượng Tiên thiên. Năng lượng Tiên thiên có thể chuyển thành Hậu thiên nhưng năng lượng Hậu thiên không thể chuyển thành Tiên thiên được.
3
HỆ THỐNG KINH LẠC
Trong cơ thể con người còn một hệ thống rất quan trọng và vi tế nữa là hệ thống kinh lạc. Kinh là đường dọc, lạc là đường ngang. Đó là một hệ thống các đường ống dẫn khí nhỏ li ti chạy chằng chịt, dọc ngang khắp cơ thể. Hệ thống kinh lạc hoàn toàn độc lập với hệ thần kinh. Nó không chạy song song với hệ thống mạch máu như một số người vẫn nghĩ, mà nó kết nối với hệ thống huyết mạch thông qua hệ thống huyệt đạo, giúp thông khí, cân bằng áp suất bên trong hệ tuần hoàn, giúp cho máu lưu thông dễ dàng. Hệ thống mạch máu là hệ thống ống kín, dẫn máu đi nuôi cơ thể, trao đổi chất, trao đổi oxy. Hệ thống mạch máu như một hệ thống “đường ống”, được đấu nối với một “máy bơm” là trái tim. Chúng ta thử cầm một đoạn ống nhựa nhỏ, bên trong đựng nước. Nếu ta bịt một đầu ống, đầu kia để trống thì nước trong ống cũng không chảy ra được. Nếu ta bỏ tay bịt đầu ống kia ra, lập tức nước trong ống sẽ chảy xuống hết. Khi ta bịt một đầu ống, lập tức áp suất ở đầu ống bị bịt gần như bằng không, tạo thành chân không, giữ cho nước không chảy xuống được. Khi bỏ tay ra, áp suất lập tức cân bằng, khiến nước chảy ra ngay. Nếu hệ thống mạch máu kín mít, chân không sẽ hình thành, khiến máu không thể lưu thông được. Hệ thống kinh lạc làm nhiệm vụ thông khí trong mạch máu, giữ cân bằng áp suất, giúp cho máu lưu thông dễ dàng mà không chảy ra ngoài hệ thống mạch được. Hệ kinh lạc giúp thông khí, cân bằng áp suất, nhưng nó còn phải ngăn không cho vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn máu. Chính vì thế nó chỉ nối thông với hệ thống huyết mạch tại các huyệt đạo. Nhiều người nói nó chạy song song với mạch máu là không chính xác. Nó chạy một đường riêng, hoàn toàn độc lập với hệ thống thần kinh, độc lập với hệ tuần hoàn. Hệ kinh lạc, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn liên thông với nhau tại vị trí các huyệt đạo. Tại vị trí các huyệt đạo điện trở gần như bằng không và ở đây có điện trường luôn cân bằng. Chính sự cân bằng điện trường ở các huyệt đạo là yếu tố sát trùng, diệt khuẩn và ngăn chặn các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào hệ thống huyết mạch cũng như cơ thể nói chung.
Chính vì vậy, hệ thống kinh lạc cực kỳ tinh vi, giúp hệ tuần hoàn nói riêng và cơ thể nói chung liên thông với bên ngoài qua hệ thống huyệt đạo một cách rất an toàn. Hệ thống huyệt đạo có thể đóng mở theo sự thay đổi của khí hậu, thời tiết, môi trường, tình trạng cơ thể, để giữ cho mạch máu được thông thoáng, đồng thời ngăn được sự xâm nhập của các tác nhân độc hại. Khi một huyệt đạo nào đó bị tắc, áp suất trong mạch máu vùng đó bị giảm, khiến cho máu khó lưu thông, làm mạch trương lên, chèn ép vào hệ thần kinh, gây đau nhức. Đông y dùng châm(bằng kim) vào huyệt, hoặc cứu (bằng mồi ngải cứu) hơ trên huyệt đạo bị tắc do thấp (ẩm) để thông được khí. Lập tức máu được lưu thông, cơ thể sẽ hết đau. Thành thử trong Đông y mới có câu:“Thông thì bất thống. Thống thì bất thông” (tức là: Nếu thông thì không đau. Nếu đã đau là không thông). Ngoài ra khi châm, hay cứu vào các huyệt đạo, hệ thần kinh của khu vực sẽ được kích hoạt, sẽ làm giảm đau, tín hiệu thần kinh hết ách tắc, làm tăng cường hoạt động của cơ, gân, xương khớp, không còn bị đau nữa.
Hệ thống kinh lạc liên thông toàn bộ cơ thể, trên, dưới, trong, ngoài. Có mười hai đường kinh chính cộng với mạch Nhâm (phía bụng) và mạch Đốc (phía lưng) là mười bốn kinh mạch chính. Mười bốn đường kinh này lưu thông khí huyết để nuôi dưỡng, vận hành lục phủ, ngũ tạng, tứ chi, ngũ quan, cửu khiếu, bì nhục (da thịt), cân cốt (gân xương)… của toàn bộ cơ thể.
Lục phủ là các cơ quan “rỗng” có nhiệm vụ thu nạp, chuyển vận thức ăn, đào thải cặn bã ra ngoài. Lục phủ bao gồm: tiểu tràng, đại tràng, đởm (mật), vị (dạ dày), bàng quang (bọng đái) và tam tiêu. Tam tiêu là đường đi của khí và nước, thải bỏ cặn bã, các màng ngăn, chằng giữ các cơ quan nội tạng, để duy trì thân nhiệt. Tam tiêu bao gồm: Thượng tiêu là khu vực tim, phổi; Trung tiêu là khu vực bao gồm gan, mật, tụy, lá lách, dạ dày; Hạ tiêu là khu vực bao gồm thận, bàng quang, đại tràng, tiểu tràng, cơ quan sinh dục.
Ngũ tạng là năm cơ quan “đặc” có nhiệm vụ chứa đựng, chuyển hóa, tàng trữ tinh, khí, thần, huyết, tân, dịch. Ngũ tạng bao gồm tâm (tim), can (gan), tỳ (tụy, lá lách), phế (phổi), thận.
Theo tôi, lục phủ, ngũ tạng trong Đông y không phải cụ thể là quả tim, lá gan… theo kiểu giải phẫu của Tây y. Tâm trong Đông y là toàn bộ trường sinh học của tim. Can là trường sinh học của toàn bộ gan, hay thận là trường sinh học của toàn bộ thận, bao gồm cả tuyến thượng thận và tỳ là trường sinh học của cả tụy và lá lách. Đông y quan tâm đến từ trường, được tạo ra bởi hai mạng lưới điện tích âm dương của từng cơ quan, chứ không quan tâm đến từng cơ quan cụ thể mang tính giải phẫu như của Tây y.
Ngũ quan là năm giác quan của con người, bao gồm thị giác, khứu giác, vị giác, thính giác, xúc giác.
Cửu khiếu là chín “lỗ liên thông” giữa bên trong cơ thể với bên ngoài, bao gồm: hai lỗ mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, lỗ miệng, lỗ sinh dục, lỗ hậu môn.
4
HỆ THỐNG HUYỆT ĐẠO TRONG CƠ THỂ CON NGƯỜI
Hệ thống huyệt đạo trong cơ thể con người là một mạng lưới dày đặc, chi chít các huyệt, sắp xếp thành từng tuyến ngang dọc chạy khắp cơ thể. Như đã trình bày ở phần trên, hệ thống huyệt liên quan mật thiết đến hệ tuần hoàn máu, hệ kinh lạc, hệ thần kinh, trường sinh học tổng thể và cục bộ. Như mọi người đều biết, hệ thống tuần hoàn máu là một hệ thống mạch máu kín, bao gồm hệ thống động mạch, gắn liền với hoạt động của tâm thu ở tim, bơm máu đỏ có oxy đi vào hệ thống tĩnh mạch, gắn với hoạt động của tâm trương ở tim hút máu đen có carbonic về qua phổi, lấy oxy để lại trở thành máu đỏ, tiếp tục tuần hoàn. Nếu hệ thống tuần hoàn này kín hoàn toàn, thì dù “máy bơm” là tim có khỏe đến đâu đi nữa cũng không thể bơm máu đi được. Sở dĩ máu có thể lưu thông dễ dàng là nhờ hệ thống thông khí giữa mạch máu với bên ngoài. Đó là hệ thống kinh lạc, dẫn khí dọc ngang chạy khắp cơ thể, giúp cân bằng áp suất trong các mạch máu to, nhỏ với bên ngoài, làm cho máu lưu thông dễ dàng. Nhưng hoạt động này không đơn giản như vậy. Làm thế nào để hệ thống kinh lạc thông khí giữa mạch máu với bên ngoài mà máu không được theo khí xuất huyết ra, đồng thời vi trùng, vi khuẩn cũng như các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài không thể xâm nhập được vào bên trong cơ thể?
Để hệ thống kinh lạc hoạt động được an toàn như vậy, là phải có sự hỗ trợ của hệ thống huyệt đạo. Khí được thông từ trong mạch máu ra ngoài qua hệ kinh lạc. Kinh lạc dẫn khí từ mạch máu vào các huyệt. Các huyệt đạo này có khả năng co giãn rất tốt, như các van đóng, mở giúp cho khí lưu thông được mà máu không bị xuất ra ngoài. Tại vị trí các huyệt đạo, điện trở rất thấp và mạng lưới điện tích âm dương (từ trường sinh học) tại vị trí này luôn luôn cân bằng. Vì vậy, tại vị trí các huyệt đạo, vi trùng và vi khuẩn không thể tồn tại, hoặc bị hất ra ngoài, hoặc bị tiêu diệt. Vì thế, hầu như không xảy ra các hiện tượng bị nhiễm trùng khi châm cứu. Chỉ có những trường hợp châm cứu không đúng huyệt, lại không sát trùng, diệt khuẩn mới bị nhiễm trùng. Còn trường hợp châm cứu bị chảy máu thường xảy ra nhiều hơn, do đâm kim sai huyệt, trúng vào các mạch máu.
Trường sinh học tổng thể và các từ trường cục bộ của từng cơ quan, hệ thống năng lượng Tiên thiên, hệ thống kinh lạc, hệ thống huyệt đạo trong cơ thể là có thật, nhưng, hoặc là siêu hình, hoặc là quá nhỏ, không nhìn thấy bằng mắt thường được. Song không nhìn thấy được không có nghĩa là không tồn tại. Những hệ thống này hiện hữu và giữ những vai trò vô cùng quan trọng và cốt yếu trong cơ thể con người. Bởi vậy, càng hiểu rõ về cơ thể con người, chúng ta càng có nhiều phương pháp chữa bệnh hiệu quả hơn, tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Với thể xác hữu hình đã có sự tồn tại của những hệ thống siêu hình, khó hoặc không nhìn thấy được như trên. Ấy là chưa kể đến con người còn có sáu cơ thể siêu hình khác, hoàn toàn không thể nhìn thấy bằng mắt thường cũng không cảm nhận được bằng các giác quan thể xác. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu những lớp cơ thể siêu hình này.