Như cuốn sách đã đề cập, con người sinh thành cùng Vũ trụ với kết cấu cơ thể bảy lớp giống như Vũ trụ. Con người với các kích thước cơ thể và một số đặc điểm diện mạo khác nhau đang tồn tại và sinh sống tại ít nhất là bảy hành tinh có điều kiện thiên nhiên như Trái đất. Các hành tinh có người ở cũng có kích thước to, nhỏ khác nhau và hình thành vào các thời điểm khác nhau. Có hành tinh đã bị hủy diệt, có hành tinh vẫn đang tồn tại. Loài người ở mỗi hành tinh tất nhiên sẽ có những trình độ hiểu biết, những tri thức, những vốn sống và những trình độ phát triển khác nhau.
Cơ thể con người có cấu tạo bảy lớp, trong đó có ba lớp là vật chất bất biến và siêu hình. Đó là ba lớp Tâm linh: Trân tâm, Thiện tâm và Tuệ tâm. Ba lớp Tâm linh này tương đồng với ba tầng vật chất cao nhất trong Vũ trụ là ba tầng Niết bàn. Lớp Trân tâm tương ứng với tầng Nguyên lý Tiên thiên (Tối đại Niết bàn) trong Vũ trụ. Đây là lớp Tâm linh lưu giữ những tần số Tâm linh qua từng kiếp sống, giúp con người đầu thai tiến hóa qua mỗi kiếp sống. Lớp Thiện tâm tương ứng với tầng vật chất Tâm thức Tiên thiên (Đại Niết bàn) trong Vũ trụ. Lớp Tâm linh này đảm nhiệm những hoạt động yêu thương, bác ái, hỉ, nộ, ái, ố đầy nhân văn, vì con người. Lớp Tuệ tâm tương ứng với tầng vật chất Tuệ thức Tiên thiên (Niết bàn) trong Vũ trụ. Lớp Tâm linh này đảm nhiệm các hoạt động tư duy trừu tượng, triết lý, tư tưởng vị nhân sinh. Các nhà tư tưởng, các triết gia, các lãnh tụ tôn giáo, các lãnh tụ quốc gia nổi tiếng đều có lớp Tâm linh này rất phát triển.
Ba lớp Tâm linh chính là Linh hồn con người, là phần chính yếu, quan trọng nhất để khu biệt con người với động vật.
Ba lớp vật chất tiếp theo trong cơ thể con người cũng là vật chất siêu hình (vô hình, không nhìn thấy bằng thị giác của thân xác được), nhưng không tồn tại vĩnh cửu như Tâm linh. Thể Phách (cơ thể năng lượng - Energetic body) tương ứng với tầng năng lượng trong Vũ trụ, còn được gọi là tầng Bồ đề. Lớp cơ thể này quyết định tuổi thọ, hay độ dài mỗi kiếp sống của con người. Vì vậy nếu biết tập luyện để phát triển thể Phách sẽ giúp cơ thể thân xác con người sống khỏe, sống thọ. Thể Vía Thiên thể (Astral body), hay còn gọi là Vía Cảm xúc (Emotional body), tương ứng với tầng Thiên thể (Astral plan), hay còn gọi là Thượng giới trong Vũ trụ. Lớp cơ thể này đảm nhiệm những hoạt động cảm xúc mang tính thân xác của con người. Những nghệ sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, vũ công v.v. đều có lớp vía này rất phát triển. Thể Vía H ạ trí (Mental body), tương ứng với tầng Trung giới trong Vũ trụ. Vía Hạ trí đảm nhiệm hoạt động tính toán của con người, mang tính vị kỷ cá nhân, mưu lợi cho thân xác.
Thân xác là lớp cơ thể thứ bảy. Đây là lớp vật chất thô nhất và là loại vật chất hữu hình duy nhất (nhìn thấy và cảm nhận được bằng các giác quan thể xác), tương đồng với tầng vật chất Hạ giới hay còn gọi là Hồng trần trong Vũ trụ. Đây là lớp cơ thể nặng nề nhất, mang đủ loại bệnh tật, những cơn đau, cơn đói, cơn khát. Nó làm cho kiếp sống của mỗi con người trở nên rất vất vả, khổ sở. Nhưng nhìn từ góc độ khác, thì chính thân xác lại đem đến cho con người những khoái cảm, hoan lạc dựa trên cảm xúc của năm giác quan, mà những lớp cơ thể khác không thể có được.
Con người thay đổi nhiều kiếp sống. Độ dài mỗi kiếp sống phụ thuộc vào nguồn năng lượng Tiên thiên tích lũy được ở Đan điền, hay ở thể Phách nhiều hay ít. Khi thay đổi kiếp sống, lớp cơ thể thuộc loại vật chất thô hữu hình là thân xác sẽ chấm dứt sự tồn tại trước tiên. Ba lớp Tâm linh, lớp Phách và hai lớp Vía sẽ buộc phải rời khỏi thân xác, thân xác sẽ được chôn cất, hoặc hỏa táng và sẽ phân hủy. Con người chuyển sang sống ở cõi Trung giới với cơ thể sáu lớp và đợi đến chu kỳ để đầu thai. Sau một hoặc nhiều chu kỳ (mỗi chu kỳ 49 ngày), ba lớp Tâm linh sẽ đầu thai vào một bào thai nào đó có tần số tương đồng với các lớp Tâm linh và ở tại một tầng nhân sinh nào đó trong bảy tầng: Địa ngục nhân, Súc sinh nhân, Ngã quỷ nhân, Atula nhân, Chính nhân, Thánh nhân, Phật nhân. Sau khi Tâm linh đã thoát ra đi đầu thai, sinh linh còn lại gồm ba lớp: Phách và hai Vía, sẽ tồn tại và sống ở cõi Trung giới, hoặc Thượng giới một khoảng thời gian từ 300 đến 400 năm rồi cũng tan biến. Thân xác sau cái chết chuyển kiếp sẽ trở về với cát bụi.
Mỗi lần chuyển kiếp, Tâm linh có thể được đầu thai vào một trong bảy tầng nhân sinh của con người, như đã nói ở trên. Thậm chí Tâm linh có thể đầu thai tạm, hoặc lâu dài vào một loài động vật nào đó. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào kiếp sống vừa qua của mỗi người: lương thiện hay bất hảo, hiểm ác hay hiền lương. Chính cách sống của mọi người sẽ tạo ra các tần số Tâm linh tương ứng, và những tần số Tâm linh này với sức mạnh thu hút của trường điện từ sinh học sẽ tạo ra sự đầu thai chuyển kiếp rất tự nhiên, chặt chẽ, logic và hoàn toàn tự động.
Tần số Tâm linh là thứ duy nhất con người có thể mang theo sau mỗi kiếp sống. Tần số này được lưu giữ mãi ở Tâm linh, trong lớp Trân tâm của con người và nó quyết định việc đầu thai vào bào thai nào có tần số Tâm linh của cha và mẹ phù hợp với nó.
Tâm linh quyết định tình yêu thương nhân văn, trí tuệ siêu việt, những hoạt động hào hiệp, xả thân, mang tính hy sinh, cống hiến cao cả vì con người. Vì thế, trình độ phát triển của Tâm linhchính là thước đo chân giá trị của con người. Hiểu biết rõ về Tâm linh sẽ giúp con người ít bị lầm lạc. Tâm linh còn là chìa khóa đưa con người đến được Niết bàn, thâm nhập được vào kho tri thức khổng lồ của nhân loại. Tâm linh cùng hai thể Vía mới là phương tiện để con người tư duy, suy nghĩ, tính toán, yêu thương, căm ghét, chứ không phải não bộ. Vì thế nếu muốn có được những tri thức uyên thâm, muốn có những tư duy sắc sảo, thông tuệ, muốn có được những tình yêu cao cả vô bờ thì phải chăm sóc, vun trồng Tâm linh, Vía, Phách, chứ không phải là ăn uống bồi bổ cho não thông minh.
Ngoài Tâm linh, con người còn thân xác. Thân xác là căn nhà để che chở, bảo vệ Tâm linh. Thân xác cũng cần những tiện nghi vật chất để tồn tại. Nhưng nếu coi những tiện nghi vật chất phục vụ thân xác này là mục đích tìm kiếm, là giá trị cuộc đời, là chân giá trị của con người thì đó sẽ là thảm họa cho chính kiếp sống này của con người, kéo theo những nghiệp báo suốt nhiều kiếp sống sau, thậm chí còn là thảm họa cho cả những người thân trong gia đình. Tiện nghi vật chất chỉ nên vừa đủ, nên tập trung vào những công việc nâng cao những giá trị của Tâm linh. Cần tu luyện tinh thần, phát triển Tâm linh, trau dồi tuệ thức, rèn luyện cơ thể, để có cuộc sống khỏe mạnh, vô tư, yêu đời.
Lấy việc trau dồi tri thức và mài dũa trí tuệ để giải trí. Lấy việc hành thiện, giúp đỡ mọi người để tích Phúc, tạo Nghiệp thiện cho việc tiến hóa Tâm linh. Lấy việc chăm sóc, yêu thương con người làm niềm vui sống. Lấy việc chăm sóc thiên nhiên, môi trường để rèn luyện thân thể. Đó chẳng phải là kiểu sống của các bậc Thánh nhân và các Đức Phật hay sao? Nếu ai cũng tìm niềm vui sống hạnh phúc bằng cách yêu thương, chăm lo cho hạnh phúc cộng đồng, rèn luyện thân thể bằng cách chăm lo cho môi trường sinh thái, thì xã hội đó sẽ là một xã hội đáng sống.
Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2016