1
SỰ HÌNH THÀNH VŨ TRỤ
"Thiên, Địa, Nhân đồng nhất thể!"
Đối tượng chính được đề cập đến trong cuốn sách này là CON NGƯỜI và những thế giới mà con người đã, đang và sẽ sống ở đó. Một vấn đề nữa liên quan đến thân phận con người là: Con người có thực sự là một Tiểu Vũ trụ hay chỉ là một sinh vật như bao loài thú khác? Đặc thù cốt lõi nào khu biệt Con người với con vật?
Từ rất xa xưa, cách đây hàng ngàn năm, Con người đã hiểu được rằng: Vũ trụ, Trái đất và Con người là những thể đồng nhất. Triết lý “Thiên, Địa, Nhân đồng nhất thể” đã tồn tại từ thời cổ xưa ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Vì thế muốn hiểu về con người, không thể không biết về Vũ trụ - nơi sinh ra vạn vật, muôn loài. Và cũng không thể không biết về Trái đất - vừa là cái nôi và cũng là ngôi nhà của vạn sinh vật hữu hình. “Trái đất” ở đây chúng ta nên hiểu theo nghĩa rộng, là một hành tinh có sự sống trong Vũ trụ.
Vũ trụ, Trái đất và Con người có thực sự là những thể đồng nhất và luôn luôn đồng hành nhau? Nếu chỉ nhìn bên ngoài, thì dường như ba phạm trù này chả có gì liên quan đến nhau cả. Nhưng càng nghiên cứu sâu, ta càng thấy chúng đồng nhất với nhau cả về cơ cấu và vật chất. Con người tuy là một vật thể nhỏ bé nhất, nhưng lại mang trong mình cơ cấu và mọi yếu tố của một Vũ trụ hoàn chỉnh. Vũ trụ thoạt nhìn như một tổ hợp những hành tinh, vật chất vô tri, vô giác khổng lồ. Nhưng nghiên cứu kỹ thì lại giống như một Linh vật sống khổng lồ, vận động khó lường.
Hàng ngàn năm trước, triết học cổ đại Á Đông, khởi đầu là Phục Hy (khoảng 4480 - 4369 TCN) và sau là Khổng Tử (khoảng 551- 479 TCN), Chu Hy (1130 - 1200) và Chu Đôn Di (tôn xưng Chu Liêm Khê) đã từng nói về sự hình thành Vũ trụ như thế này:
Đầu tiên Vũ trụ là một khoảng trống không, không đầu, không cuối, mà Chu Đôn Di gọi là Vô cực (chân không). Sau đó từ khoảng không bao la, không đầu, không cuối (Vô cực) ấy, sinh ra Thái cực, hay còn gọi là Nhất nguyên âm dương. Thái cực là gì về bản chất vật lý? Thái cực chính là từ trường bản thể của Vũ trụ.
Chu Đôn Di đã mô tả trong “Thái cực đồ thuyết” của mình như sau: “Vô cực mà là Thái cực. Thái cực vận động thì sinh Dương. Vận động đến cùng cực thì sinh Tĩnh. Tĩnh cực thì sinh Âm. Tĩnh đến cực đại lại sinh Động. Một Động, một Tĩnh cùng làm nên nền tảng căn bản cho nhau (Nhất động, nhất tĩnh, hỗ vi kỳ căn). Rồi khi đã phân Âm, phân Dương thì Lưỡng nghi được thành lập. Và đến khi Dương biến, Âm hợp thì Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ sẽ sinh ra. Năm khí đó nếu được xếp đặt thuận hợp với nhau, thì bốn mùa sẽ vận hành đều đặn. Ngũ hành nếu hợp nhất thì thành Âm - Dương. Âm - Dương nếu hợp nhất thì thành Thái cực. Thái cực có gốc là Vô cực. Ngũ hành sinh hóa đều có tính chất duy nhất. Cái chân không của Vô cực, cái tính chất của Âm Dương, của Ngũ hành, tất cả phối hợp một cách kỳ diệu và kết tụ lại với nhau. Thế rồi đạo Kiền (càn) làm thành trai, đạo Khôn làm thành gái. Hai khí giao cảm mà sinh ra muôn vật. Muôn vật cứ sinh, rồi lại sinh, sinh mãi và biến hóa vô cùng”.
Sơ đồ Thái cực đồ thuyết của Chu Đôn Di
Từ Thái cực bắt đầu sinh ra Lưỡng nghi hay còn gọi là Lưỡng cực. Lưỡng nghi chính là hai cực đã được phân định: Âm và Dương. Tuy hai, nhưng lại là một: Nhất nguyên Lưỡng cực (Song song tồn tại và không thể tách rời, mặc dù hai cực đối chọi nhau). Vũ trụ đã được phân cực.
Tiếp theo, Lưỡng nghi (hai cực) lại tiếp tục tự phân cực, để sinh ra Tứ tượng. Dương biến, Âm hợp thì sinh: Hỏa, Thủy, Mộc, Kim, Thổ. Về thực chất Tứ tượng là quá trình từ hai cực Âm - Dương chính, sẽ phân tiếp ra hai cực phụ. Cực Dương chính sẽ sinh ra một cực phụ bên cạnh để tự tồn tại gọi là Thiếu âm. Cực Âm chính sẽ sinh ra cực phụ bên cạnh, gọi là Thiếu dương. Thiếu âm và Thiếu dương không thể tồn tại ở dạng đơn lập. Hai thành tố này luôn độc lập, nhưng tuy hai mà một, không thể tách biệt, phải liên kết với nhau để tạo ra một thành tố thứ ba. Đó là thành tố trung tính, mà khoa học hiện đại gọi là Trung tử (Neutron). Nếu thiếu thành tố trung tính này, hai cực Âm - Dương chính kia sẽ không thể tồn tại.
Âm - Dương - Thiếu âm - Thiếu dương, đó chính là Tứ tượng. Tứ tượng tuy là bốn thành tố, nhưng chỉ có ba thành phần. Thiếu âm và Thiếu dương không thể tồn tại đơn lẻ, tách biệt mà phải luôn hợp với nhau tạo ra một thành phần là Trung tử (neutron) không mang dấu điện tích. Vì trong thành phần này có cả Âm và Dương rồi. Như vậy Tứ tượng chính là mô hình vật chất cơ bản được hình thành (mô hình nguyên tử vật chất: Proton - Dương, Electron - Âm, Neutron - Trung tính (Thiếu âm, Thiếu dương).
Tứ tượng tiếp tục tự phân cực, để thành Bát quái. Bát quái là mô hình đa dạng vật chất. Từ đây vật chất cứ thế mà sinh sôi, nảy nở thành vô ngàn vạn trạng các thể loại. Như vậy cả Vũ trụ vật chất đã được hình thành: từ tinh thần (Thái cực) thành vật chất (Bát quái), từ siêu hình thành hữu hình, từ tinh thành thô, từ hữu hạn thành vô hạn.
Quy trình hình thành Vũ trụ theo triết học cổ đại phương Đông xem ra cũng chẳng khác gì mô hình hình thành vật chất theo Thuyết nguyên tử hiện đại. Mô hình đó chính là “lược đồ Tứ tượng” đã được các học giả phương Đông, như Khổng Tử và Chu Hy đề cập từ hàng ngàn năm trước. Bản chất của lược đồ Tứ tượng chính là mô hình nguyên tử tạo ra vật chất: Proton mang điện tích dương đứng giữa cùng với Neutron - Trung tử (Thiếu âm, Thiếu dương). Quay xung quanh Proton và Neutron là các Electron mang điện tích âm. (Proton dương, Electron âm, Neutron trung tính: Thiếu âm, Thiếu dương).
Như vậy Đồ hình Tứ tượng chính là mô hình nguyên tử tạo ra vật chất, gồm ba thành tố: Cực chính dương là Proton (P) mang điện tích dương, cực chính âm là Electron (E) mang điện tích âm, còn Thiếu dương, Thiếu âm là Trung tử Neutron (N) có cả âm lẫn dương, nên trung hòa về điện tích, thì không mang dấu (trung tử).
Như vậy không thể nói, đến tận đầu thế kỷ XX, loài người mới tìm ra Thuyết vật lý nguyên tử. (Ernest Rutherford phát hiện ra hạt nhân và mô hình nguyên tử năm 1911. Tiếp theo nhà vật lý lý thuyết Đan Mạch Niels Bohr năm 1913, nhà vật lý người Đức Arnold Sommerfeld năm 1916 và nhiều nhà vật lý châu Âu khác vào những năm tiếp theo đã bổ sung để hoàn thiện Thuyết nguyên tử này). Như chúng ta đã thấy, từ thời cổ đại trước Công nguyên, những học giả Á Đông, như Phục Hy, sau là Khổng Tử, rồi Chu Đôn Di trong “Thái cực đồ thuyết” của mình đã đưa ra Thuyết nguyên tử này rồi. Đến thế kỷ XII Chu Hy cũng đã từng phát biểu: “Nhân nhân các hữu nhất Thái cực. Vật vật các hữu nhất Thái cực”. (Mỗi người đều có một Thái cực. Mỗi vật cũng đều có một Thái cực (từ trường)). Trong các kinh kệ, giáo lý của các tôn giáo trên thế giới cũng đều thấy nhắc đến những thuật ngữ có ý nghĩa tương tự như nhau về ba thành tố tạo nên Vũ trụ, ba nhưng chỉ là một (tam vị nhất thể):
Khổng giáo gọi ba thành tố đó là: Thái cực, Lưỡng nghi, Tứ tượng.
Bà-la-môn giáo thì gọi là: Brahma (Ngôi Sáng tạo), Vishnu (Ngôi Bảo tồn) và Shiva (Ngôi Biến hóa).
Phật giáo gọi là: Amitabha (Adiđà), Avalokitesvara (Quán thế âm) và Manjushri (Đại thế chí).
Hồi giáo gọi là: Osiris, Isis và Horus.
Thiên Chúa giáo gọi là: Đức Chúa cha, Đức Chúa con và Đức Chúa Thánh thần.
Hội Thông thiên học gọi là: Primer Logos (Đệ nhất Thượng đế), Deuxiemer Logos (Đệ nhị Thượng đế) và Troisiemer Logos (Đệ tam Thượng đế).
Đến tận đầu thế kỷ XX các nhà khoa học châu Âu mới chứng minh, khẳng định luận thuyết này bằng thực nghiệm. Nói như vậy sẽ chính xác hơn là nói các nhà khoa học châu Âu lần đầu tiên “tìm ra Thuyết nguyên tử”. (Xem hình vẽ so sánh sơ đồ cấu tạo nguyên tử vật chất hiện đại và Lược đồ Tứ tượng cổ xưa). Qua hai hình vẽ, một cổ xưa, một hiện đại, chúng ta sẽ thấy thuyết hình thành Vũ trụ và vật chất của các học giả phương Đông cổ xưa cách đây hàng ngàn năm là hoàn toàn khoa học và đáng kính phục.
So sánh Lược đồ Tứ tượng và mô hình nguyên tử
Chúng ta sẽ xem Lược đồ Tứ tượng của cổ nhân dưới đây, để so sánh với mô hình nguyên tử của các nhà khoa học hiện đại. Trong Lược đồ Tứ tượng có ba thành tố: Thái cực là từ trường tổng thể. Thái cực sẽ sinh ra Lưỡng nghi là hai cực: Dương (Proton) và Âm (Electron). Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng: Âm, Dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng chính là mô hình vật chất nguyên lý đầu tiên. Trong đó Thiếu âm và Thiếu dương không mang dấu điện tích và luôn gắn kết (cân bằng điện tích), mà các nhà khoa học hiện đại gọi là Trung tử (Neutron). Nếu theo mô hình nguyên tử hiện đại thì: Nguyên tử vật chất được xác lập bởi ba thành tố: Hạt nhân Proton P (mang điện tích dương), hạt điện tử Electron E (mang điện tích âm), hạt trung tử Neutron N (trung tính, không mang dấu điện tích). Như vậy, Thuyết hình thành vật chất và Vũ trụ (Tứ tượng) của phương Đông với Thuyết nguyên tử của phương Tây hoàn toàn thống nhất, chẳng có gì là mâu thuẫn cả. Có khác chăng là ở xuất xứ. Học thuyết Tứ tượng cổ đại ra đời từ suy luận về học thuyết Âm - Dương và mang tính triết lý lý thuyết. Thuyết nguyên tử ra đời từ thực nghiệm vật lý và mang tính thực nghiệm thực tế. Cả hai phương pháp đều đi đến cùng một kết quả.
Lược đồ Tứ tượng
Âm cực trong Lược đồ Tứ tượng chính là điện tích E (Electron) trong mô hình nguyên tử. Dương cực trong Lược đồ Tứ tượng chính là hạt nhân P (Proton) trong mô hình nguyên tử. Thiếu dương, Thiếu âm trong Lược đồ Tứ tượng chính là trung tử N (Neutron) trong mô hình nguyên tử. Bây giờ chúng ta xem sơ đồ nguyên tử hiện đại.
Mô hình nguyên tử
Trong mô hình nguyên tử, chúng ta cũng lại thấy bức tranh của “Lược đồ Tứ tượng”: Hạt nhân P (Proton) trong mô hình nguyên tử là Dương cực trong Lược đồ Tứ tượng, điện tử E (Electron) trong mô hình nguyên tử sẽ là Âm cực, Trung tử N (Neutron) là Thiếu âm, Thiếu dương. So sánh hai sơ đồ, chúng ta thấy chẳng có gì khác biệt. Có chăng sự khác biệt là sự tĩnh và động trong hai sơ đồ.
2
SỰ HÌNH THÀNH CÁC TẦNG LỚP VẬT CHẤT
Theo nguyên lý hình thành vật chất trong triết học cổ Đông phương, Tứ tượng tiếp tục quá trình phân cực, nhân đôi, để thành Bát quái. Bát quái chính là quá trình hình thành đa dạng các cấu trúc nguyên tử vật chất khác nhau. Tuy khác nhau, nhưng các nguyên tử tạo ra vật chất đều có một cấu trúc giống nhau, gồm hai phần như đã nêu trên: Phần tĩnh là hạt nhân Proton, mang một hoặc nhiều điện tích dương, bên cạnh đó là các Neutron trung tử, không mang dấu điện tích. Neutron chính là Thiếu âm và Thiếu dương. Phần động luôn quay quanh hạt nhân là các điện tử Electron, mang điện tích âm. Các Electron quay quanh hạt nhân với các tốc độ, các quỹ đạo riêng, với một nhịp điệu hoàn toàn khác nhau. Nhịp điệu và tốc độ quay của các Electron tạo ra tần số dao động của nguyên tử.
Tần số dao động của nguyên tử cực kỳ quan trọng trong việc hình thành đa dạng các loại vật chất và các tầng vật chất trong Vũ trụ. Tần số dao động của các nguyên tử càng cao, tốc độ quay của các electron sẽ càng nhanh, vật chất được tạo ra sẽ càng nhẹ, càng thanh mịn, sẽ tồn tại ở các tầng vật chất “cao” bên trên. Tần số dao động càng thấp, tốc độ quay của các Electron càng chậm, vật chất được tạo ra sẽ càng thô, nặng, sẽ chìm dần xuống, tồn tại ở các tầng vật chất “thấp” bên dưới.
Các nguyên tử khi va chạm nhau sẽ thu hút nhau, kết hợp với nhau, hoặc phân hủy nhau, xúc tác với nhau tạo ra các dạng vật chất mới, hoặc sẽ gây ra những phản ứng nguyên tử, tạo ra các vụ nổ (như vụ nổ “Big Bang”, tạo thành những thế giới vật chất, những tầng vật chất mới). Như vậy, từ chu trình Bát quái vạn vật được hình thành, sinh sôi, nảy nở ra nhiều đến vô cực… (Lục thập tứ quái), nhưng chúng được phân ra thành các tầng, các lớp vật chất rất chặt chẽ. Vật chất có cấu tạo từ các nguyên tử nhẹ, thanh, mịn sẽ ở các tầng “trên”. Vật chất có cấu tạo từ các nguyên tử nặng, thô, tạp sẽ ở các lớp “dưới”.
Người Á Đông cổ xưa đã sơ đồ hóa quá trình hình thành Vũ trụ, cũng như quá trình hình thành vật chất bằng năm biểu tượng - năm hình tròn như sau:
Đầu tiên là một vòng tròn, tượng trưng cho Vũ trụ rỗng không, không đầu, không cuối, chưa phân cực: Đó là Chân không. Chu Đôn Di gọi là Vô cực. Từ vòng tròn Vô cực sẽ sinh ra Thái cực - hình tròn thứ hai.
Vòng tròn thứ hai tỏa sáng và có một chấm đen ở giữa: Đó là biểu tượng của Thái cực (từ trường) đã hiện hữu. Thái cực lại sinh ra Lưỡng nghi - vòng tròn thứ ba.
Vòng tròn thứ ba tượng trưng cho Lưỡng nghi. Vòng tròn này chia ra hai nửa (phân ra hai cực): Âm và Dương (Lưỡng nghi). Lưỡng nghi tiếp tục sinh ra Tứ tượng, được biểu thị bằng hình tròn tiếp theo.
Vòng tròn thứ tư. Vòng tròn này chia bốn phần: Tứ tượng (biểu tượng vật chất lý thuyết của Vũ trụ). Tứ tượng sẽ sinh ra Bát quái, được thể hiện bằng vòng tròn thứ năm. Vòng tròn này chia thành tám phần (Bát quái), là biểu tượng của đa dạng vật chất trong Vũ trụ.
Như vậy Bát quái chính là năm giai đoạn hình thành Vũ trụ nói chung và vật chất hiện hữu nói riêng.
Chúng ta cần phân biệt hai chu trình: Chu trình từ Thái cực đến Tứ tượng là chu trình hình thành vật chất và Vũ trụ về lý thuyết. Còn chu trình từ Thái cực đến Bát quái là chu trình hình thành vật chất và Vũ trụ cụ thể và hiện hữu. Đó cũng chính là quá trình hình thành vật chất từ siêu hình đến hữu hình, từ vật chất tinh đến thô, từ tập trung, đến phân định, từ trừu tượng đến cụ thể. (Xem hình vẽ)
a) Sơ đồ hình thành Vũ trụ và vật chất theo Lý học Đông phương
Vô cực sinh Thái cực (Nhất nguyên). Thái cực sinh Lưỡng nghi (Lưỡng cực). Lưỡng nghi sinh Tứ tượng. Tứ tượng sinh Bát quái.
Người xưa còn diễn tả quá trình hình thành Vũ trụ, từ Vô cực thành Bát quái, theo thuyết Âm - Dương, bằng các ký hiệu Âm - Dương, để thấy được sự biến thiên từ Từ trường tổng thể (bản thể) của Vũ trụ thành các Từ trường cục bộ đơn lập của đa dạng vật chất trong Vũ trụ như sau:
Từ những năm 550 trước Công nguyên, các học giả Á Đông đã mô hình hóa quá trình hình thành Vũ trụ: Từ vô cực thành bát quái, quá trình biến đổi vật chất từ siêu hình thành hữu hình, từ vật chất siêu hình thành các loại vật chất đa dạng hữu hình. Đồng thời các học giả Á Đông cổ đại cũng đã rất chú ý đến vai trò của Từ trường (Thái cực) với sự tồn tại của vật chất. Quá trình hình thành vật chất cũng diễn ra song hành với quá trình hình thành các Từ trường (Thái cực): Từ Từ trường tổng thể thành các Từ trường cục bộ, đơn lập. Quá trình đó được biểu đạt bằng mô hình Âm - Dương như thế này:
Ở phương Tây, triết học cổ Hy Lạp mà tiêu biểu là Milesi, Anaximander và Heraclitus, cũng rất gần với Vũ trụ quan Đông phương. Triết học cổ Hy Lạp cho rằng: “Mọi biến dịch trong Vũ trụ đều do tính động (sự vận động) và sự tác động qua lại giữa các cặp đối lập tạo ra. Đó là một sự tương tác đầy sức sống, có nhịp điệu. Các cặp đối lập đó tuy hai, nhưng lại là một thể thống nhất. Và cái xuyên suốt qua mọi cặp đối lập ấy là Logos (Nhất thể, Thượng đế)”.
Anaximander (610 - 547 TCN) cho rằng Vũ trụ như một cơ thể sống, được Pneuma (sinh khí của Vũ trụ) nuôi dưỡng, cũng như cơ thể con người được khí trời (oxy) nuôi sống vậy. Cho đến tận đầu thế kỷ XX, khi ngành Vật lý nguyên tử ra đời, chúng ta mới thấy, các học giả, cả Đông lẫn Tây từ trước Công nguyên đã biết rõ về Thuyết nguyên tử, Thuyết lượng tử và cả Thuyết tương đối rồi. Ta thử so sánh hai tư tưởng, một của phương Đông cổ đại, một của phương Tây đương đại:
Trong bộ kinh Ấn Độ giáo cách đây hàng ngàn năm đã từng ghi lại như thế này: “Trên trời, dưới đất, trong không khí tất cả đều đang dệt, và ngọn gió cũng là hơi thở… Ngươi nên biết, trong tất cả những cái đó đều có một Linh hồn duy nhất đang ngự trị!” (Đoạn này nói về Brahman - Linh hồn Vũ trụ, nó như Linh hồn nằm trong các đường tơ dệt thành tấm lưới vật chất của Vũ trụ).
Còn nhà vật lý lượng tử hiện đại người Đức Werner Heisenberg, sau những nghiên cứu về thế giới Hạ nguyên tử (các hạt nhỏ hơn nhiều lần so với nguyên tử), do chính mắt mình quan sát qua kính hiển vi điện tử, đã phải thốt lên: “Vũ trụ hiện ra như một tấm lưới gồm toàn những tiến trình, trong đó hiện lên rất nhiều kiểu liên kết kỳ lạ, cái nọ sinh ra cái kia, chồng chéo lên nhau, tác động lẫn nhau. Cứ như thế, chúng quyết định cơ cấu của toàn bộ mạng lưới!”. Cái “tiến trình” tạo ra vật chất mà Werner Heisenberg đề cập, có khác gì “Linh hồn Vũ trụ - Brahman” của các học giả cổ đại phương Đông?
Như vậy từ thượng cổ, từ Đông sang Tây đều thấy rõ quá trình hình thành Vũ trụ cũng như hình thành vật chất là đồng nhất theo một quy trình, một cơ cấu: Từ siêu hình đến hữu hình, từ tập trung đến đơn lập, từ tinh, nhẹ đến thô, nặng. Từ “tinh thần” đến vật chất.
Vật chất trong Vũ trụ có ba dạng cơ bản chủ chốt là: vô cơ, hữu cơ và Prana. Prana là một loại vật chất đặc thù rất đặc biệt. Nó xuyên suốt qua mọi vật chất trong Vũ trụ. Prana vừa là năng lượng, vừa là vật chất. Nó tồn tại ở dạng sóng hạt. Thiếu nó vật chất nói chung và sinh vật nói riêng sẽ không tồn tại. Điều này sẽ được nói rõ ở phần sau, trong chương “Các tầng vật chất trong Vũ trụ. Prana - năng lượng Vũ trụ”.
Quá trình hình thành Trái đất cũng không ngoài nguyên lý trên. Đã có rất nhiều tài liệu viết về giả thuyết hình thành Trái đất. Theo thiển ý của tôi, khi nói đến việc hình thành Trái đất, không thể tách riêng mỗi Trái đất ra mà nghiên cứu được. Việc hình thành Trái đất liên quan mật thiết với quá trình hình thành của cả Thái dương hệ. Nhà vật lý Anh quốc nổi tiếng Ernest Rutherford từ năm 1911 khi tìm ra hạt nhân và mô hình nguyên tử, ông đã ví mô hình nguyên tử này với Thái dương hệ. Trong đó Mặt trời đứng yên như một hạt nhân và các hành tinh quay xung quanh Mặt trời như các điện tử khổng lồ. Nếu coi cả Thái dương hệ như sơ đồ một nguyên tử khổng lồ, thì Mặt trời là Proton, còn Trái đất là một trong các hành tinh (một trong các Electron khổng lồ) quay quanh Thái dương. Vị trí cũng như hoạt động của nó với các hành tinh khác là nhất quán, chặt chẽ, ổn định và hoàn toàn phụ thuộc vào Mặt trời với vai trò như một Proton khổng lồ. Vì thế nghiên cứu Trái đất cũng sẽ giống như việc nghiên cứu một “electron” trong cơ cấu của một “nguyên tử khổng lồ” tạo ra vật chất. Không thể tách riêng một điện tử trong một nguyên tử ra để mà nghiên cứu được, cần phải nghiên cứu nó trong tổng thể nguyên tử mà nó là một thành tố không thể tách rời.
Mọi loại vật chất từ to đến nhỏ trong Vũ trụ đều có những quy luật, tiến trình hình thành như nhau, chỉ khác nhau về quy mô và mức độ mà thôi. Chắc chắn Trái đất đã cùng hình thành song hành với các hành tinh khác trong cả Thái dương hệ của chúng ta. Và chắc chắn rằng trong Vũ trụ bao la này sẽ phải có rất nhiều Thái dương hệ. Và mỗi Thái dương hệ cũng sẽ có một Mặt trời như một “proton” khổng lồ đứng yên, một vài hành tinh “neutron” (trung tính) tồn tại ngay cạnh Mặt trời, các hành tinh còn lại khác sẽ quay xung quanh nó, như các “electron”. Trong số các hành tinh “electron” đó, sẽ có một hành tinh, trên đó cũng có nước, có sự sống như Trái đất và ở đó có con người. Đương nhiên các Thái dương hệ trong Vũ trụ sẽ khác nhau về kích cỡ và tiến trình phát triển. Và theo cơ cấu tự nhiên của Vũ trụ, mỗi hành tinh trong Vũ trụ chắc chắn cũng sẽ phải có bảy lớp vật chất, một hữu hình và sáu siêu hình. Ở những chương sau sẽ đi vào chi tiết về sự hình thành bảy tầng vật chất này. Trong phần vật chất hữu hình có đề cập đến sự hình thành của Thái dương hệ và Trái đất. Nên ở đây, tôi chỉ lưu ý bạn đọc đến hai lĩnh vực trừu tượng, sát hơn với đề tài của cuốn sách này là: Cơ cấu của Vũ trụ (Bảy cõi giới, hay Bảy tầng vật chất) và Cơ cấu của cơ thể Con người (Bảy lớp cơ thể).
Qua đó ta thấy quá trình hình thành Vũ trụ cũng chính là quá trình hình thành vật chất. Quá trình hình thành vật chất diễn ra theo chu trình từ Vô cực (chân không) thành Bát quái, từ Tinh thần thành Vật chất, từ Siêu hình thành Hữu hình, từ Tinh đến Thô, từ Hữu hạn đến Vô hạn. Lý thú hơn, quy trình đó cũng chính là quy trình hình thành bào thai con người. Có lẽ vì thế mà từ xưa người ta đã bảo, Con người là một Vũ trụ, hay Tiểu Vũ trụ. (Xem phần tiếp theo dưới đây)
b) Thiên - Địa - Nhân đồng nhất thể
“Connais-toi toi-même et tu connaîtras l’univers et les dieux.”
“Bạn hãy hiểu biết về chính bạn, rồi ắt sẽ hiểu biết về Vũ trụ.”
Socrates
Thuyết hình thành Vũ trụ nêu trên đã được các học giả Á Đông đưa ra cách đây hàng ngàn năm rồi. Thế còn Con người? Nếu Con người là một Tiểu Vũ trụ, là đồng nhất thể với Vũ trụ, thì liệu loài người có hình thành song hành với Vũ trụ và theo đúng nguyên lý hình thành của Vũ trụ hay không?
Hãy thử xem một cuốn phim khoa học, trong đó các nhà khoa học đã mô tả chân thực quá trình hình thành và phát triển bào thai người. Những thước phim khoa học này đã từng công chiếu rộng rãi trên mạng YouTube và ở rất nhiều nước trên thế giới. Chúng ta sẽ giật mình sửng sốt khi thấy quá trình hình thành bào thai người được đưa lên phim giống hệt như mô tả của các học giả Á Đông ngày xưa, cách đây hàng ngàn năm, về quá trình hình thành vật chất và Vũ trụ.
Cuốn phim khoa học quay chậm, ghi lại toàn bộ quá trình thụ thai, từ tế bào trứng phát triển thành bào thai con người. Chúng ta sẽ đối chiếu quá trình hình thành bào thai người với mô tả của người xưa về việc hình thành Vũ trụ. Đầu tiên là tế bào trứng - một quả cầu tròn (Vô cực), khi tinh trùng đã xâm nhập vào trong trứng, ta thấy quả cầu kia tỏa ra một vầng hào quang sáng rực bao quanh - từ trường sinh học bắt đầu hình thành (Thái cực). Ở giữa quả cầu từ một chấm đen dần dần xuất hiện một quả cầu nhỏ màu hồng. Quả cầu đó to dần, sáng rực và có màu hồng đỏ. Nó không ngừng vận động. Đột nhiên quả cầu đó từ từ phân đôi, tách ra thành hai quả cầu (Lưỡng nghi). Hai quả cầu nhỏ màu đỏ vận động không ngưng nghỉ trong quả cầu trứng. Chúng vần vũ, liên tục đổi chỗ cho nhau. Rồi đột nhiên từ hai quả cầu tách ra thành bốn quả cầu (Tứ tượng). Bốn quả cầu cứ xoắn xuýt chuyển động không nghỉ. Chúng liên tục hoán vị, đổi chỗ cho nhau. Rồi từ bốn quả cầu bỗng chốc tách thành tám quả (Bát quái). Tám quả cầu cứ xoắn xuýt vận động, hòa nhập rồi liên kết với nhau và từ trong tổ hợp những quả cầu đã liên kết với nhau ấy, bắt đầu hiện dần hình hài của phôi thai. Phôi thai ấy thoát ra khỏi vỏ quả trứng đã bị phân hủy và chìm dần xuống lớp niêm mạc tử cung, bắt đầu thò ra những mạch máu và từ từ cắm những “mạch máu như rễ cây” này xuống mạng lưới mạch máu ở lớp màng niêm mạc dạ con của người mẹ, để lấy máu nuôi bào thai. Phôi thai lớn dần với cái đầu to, một dải xương sống và quả tim lớn luôn đập nhịp nhàng. Rồi tứ chi bắt đầu xuất hiện - bé xíu, ngắn cũn, trông không cân đối. Tứ chi từ từ dài ra, rồi đôi mắt thành hình. Và một con người hoàn chỉnh dần dần hình thành, lớn dần lên, cuộn tròn trong bụng mẹ với cơ thể cân đối dần, thành một con người.
Thật đáng kinh ngạc! Đúng như lời người xưa đã mô tả cách đây hàng ngàn năm. Sự hình thành Vũ trụ và sự hình thành Con người vẫn theo đúng một chu trình, chẳng có gì khác nhau cả. Cách đây hàng ngàn năm, tuy trong tay không hề có các phương tiện kỹ thuật như kính hiển vi, máy quay, máy ảnh, v.v., vậy mà chỉ bằng tư duy trừu tượng, con người đã hình dung ra toàn bộ tiến trình hình thành Vũ trụ, cũng như quá trình thụ thai, hình thành Con người, chính xác đến mức khó mà tưởng tượng.
Dưới đây là các bức ảnh chụp trong tử cung người, từ quá trình thụ tinh rồi phát triển của trứng thành thai nhi và các hình vẽ tóm lược các giai đoạn chính của cuốn phim khoa học quay chậm toàn bộ quá trình thụ thai và hình thành thai nhi, mời bạn đọc so sánh với quá trình hình thành Vũ trụ của cổ nhân Á Đông.
Hình vẽ năm tiến trình hình thành Vũ trụ của triết học cổ Á Đông
Hình vẽ quá trình thụ tinh hình thành phôi thai người (vẽ theo ảnh chụp)
Ảnh chụp những giai đoạn chính của quá trình thụ tinh hình thành bào thai người trong tử cung
1/ Trứng khi chưa thụ tinh (vô cực).
2/ Trứng sau khi thụ tinh: xuất hiện vầng hào quang xung quanh. Ở giữa có một chấm đen dần dần biến thành một quả cầu màu hồng (thái cực).
3/ Từ một quả cầu màu hồng trong trứng biến thành hai quả cầu (lưỡng nghi).
4/ Từ hai quả cầu biến thành bốn quả cầu (tứ tượng).
5/ Từ bốn quả cầu biến thành tám quả cầu (bát quái).
Qua so sánh sự mô tả quá trình hình thành Vũ trụ và Vật chất của triết học cổ Á Đông với phim chụp quá trình thụ tinh và hình thành bào thai người, chúng ta có thể nhận thấy Con người và Vũ trụ đều hình thành theo một quy trình chung nhất. Nên quan niệm “Thiên, Địa, Nhân đồng nhất thể” (Vũ trụ, Trái đất và Con người là những thể đồng nhất) của cổ nhân là hoàn toàn có lý. Vì vậy khi nghiên cứu Con người, ta có thể hiểu được Vũ trụ và Trái đất. Ngược lại, khi nghiên cứu Vũ trụ và Trái đất, ta có thể hiểu được về Con người. Theo tôi Con người là một sinh linh đặc biệt, đại diện cho giới sinh vật, là một Tiểu Vũ trụ, sánh ngang cùng Vũ trụ.
Tôi không tin Con người là loài khỉ vượn tiến hóa mà thành. Tôi cho rằng loài khỉ vượn, trước sau vẫn chỉ là loài động vật khỉ vượn. Chúng chỉ có hình hài na ná như cơ thể con người mà thôi. Sự khác biệt giữa Con người và khỉ vượn là ở sự phát triển của sáu lớp cơ thể siêu hình, đặc biệt là thể Tâm linh, mà tôi sẽ nói rõ ở phần sau. Đặc biệt, thể Tâm linh độc lập chỉ loài người mới có. Tôi tin rằng, loài người hình thành song hành cùng với Vũ trụ, và từ khi hình thành, con người vẫn là Con người. Chỉ có điều, Con người luôn luôn thay đổi, luôn tiến hóa và phát triển theo thời gian và môi trường sống. Con người luôn luôn sống và tồn tại song hành và đồng nhất cùng Vũ trụ. Thiên - Địa - Nhân thực sự là những thể đồng nhất.