Nói đến vật chất là phải nói đến năng lượng. Vật chất không thể tồn tại thiếu năng lượng. Hai khái niệm vật chất và năng lượng tuy hai nhưng lại là một. Có nhiều dạng vật chất lưỡng tính, vừa là vật chất, vừa là năng lượng. Cũng có loại lúc này là vật chất, lúc khác lại là năng lượng. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một nguồn năng lượng tự nhiên, dồi dào đến vô tận của Vũ trụ và nó cũng huyền bí như chính Vũ trụ vậy. Nguồn năng lượng này có trong bất kỳ loại vật chất nào, chỉ khác nhau ở trữ lượng nhiều hay ít mà thôi. Chúng tạo ra từ trường năng lượng bao quanh mọi dạng vật chất trong Vũ trụ, từ vật chất vô cơ đến vật chất hữu cơ của giới sinh vật, giúp các dạng vật chất luôn vận động để tồn tại và phát triển. Nguồn năng lượng đó các học giả Đông Nam Á gọi là năng lượng Tiên thiên (Tiên thiên khí). Có nhiều người gọi đó là Sinh khí, còn theo thuật ngữ của các hành giả yoga, đó là Prana. Thuật ngữ Prana hiện nay đã khá phổ biến trên thế giới, nên tôi xin sử dụng thuật ngữ này để mọi người có thể hiểu theo một khái niệm thống nhất.
Prana được các hành giả Ấn Độ giáo phát hiện cách đây hàng ngàn năm. Trong các bộ kinh Veda (Vệ Đà) và Upanishad (Áo Nghĩa Thư) đã có nói đến nguồn năng lượng huyền bí Prana này. Các hành giả yoga Ấn Độ là những người tiên phong nghiên cứu và sử dụng nguồn năng lượng này để rèn luyện sức khỏe, chữa bệnh và tu luyện, nhằm đạt đến thiền định, hòa nhập vào với Vũ trụ (Niết bàn). Prana là nguồn năng lượng Vũ trụ vô cùng dồi dào, mạnh mẽ và kỳ bí. Chúng là nguồn năng lượng làm cho các nguyên tử tạo ra vật chất luôn luôn vận động để tồn tại và phát triển. Prana còn là nguồn sinh lực vô cùng kỳ bí nuôi sống và liên kết các nguyên tử đặc biệt: Nguyên tử sinh bào, để tạo ra các tế bào sống. Cũng chính Prana giúp các tế bào sống trao đổi chất, gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo ra các mô tế bào, các tổ hợp tế bào và các cơ thể sống của động, thực vật. Quanh các cơ thể sống, Prana giống như các bình ắc quy điện nhỏ li ti, trong suốt, chứa đầy năng lượng điện sinh học, liên kết với nhau tạo thành các trường điện từ sinh học bao bọc quanh các cơ thể sống của sinh vật. Trong từ trường sinh học này, các tế bào sống được cung cấp một nguồn năng lượng đặc biệt, hoạt động nhịp nhàng, liên thông, tương tác nhau. Từ trường sinh học bao quanh các cơ thể sinh vật càng cân bằng về mạng lưới điện tích (âm, dương) thì sẽ càng mạnh mẽ. Trường sinh học càng mạnh, cơ thể sinh vật sẽ càng khỏe khoắn, tươi tắn, sống lâu. Từ trường này càng mất cân bằng giữa hai mạng lưới điện tích âm - điện tích dương thì cơ thể sinh vật sẽ bị trục trặc, suy yếu. Khi trường sinh học đã suy yếu, cơ thể sinh vật sẽ hay mắc bệnh tật, rệu rã và chết yểu.
Vậy trường sinh học tác động lên cơ thể sống như thế nào? Muốn hiểu được điều này, ta phải biết được cấu tạo của nguyên tử tạo ra tế bào sống của sinh vật. Hiện nay đơn vị nhỏ nhất tạo ra cơ thể sống mà chúng ta biết là tế bào sống. Nhưng tế bào sống có phải là yếu tố nhỏ nhất tạo ra cơ thể sống hay không? Không, tế bào sống là một tổ hợp gồm rất nhiều nguyên tử tạo nên. Hơn nữa ở đây mới nói đến tế bào sống của sinh vật hữu hình. Còn có sáu thế giới siêu hình nữa, với những sinh vật có những cơ thể siêu vật chất mà mắt người không thấy được. Các cơ thể này do một loại nguyên tử vô cùng đặc biệt và kỳ bí cấu tạo ra. Chưa ai nói đến loại nguyên tử tạo ra tế bào sống này của sinh vật. Chúng ta sẽ gọi loại nguyên tử này là gì? Nguyên tử sống hay nguyên tử hữu cơ đều không chính xác, vì không phải chất hữu cơ nào cũng có thể tạo ra sự sống. Theo tôi, chúng ta sẽ gọi loại nguyên tử này là nguyên tử sinh bào, nghĩa là nguyên tử tạo ra tế bào sống của sinh vật.
Như đã nói ở phần trên, các nguyên tử tạo ra vật chất vô cơ đều có một kiểu cấu tạo: Gồm một hay nhiều hạt nhân (Proton) mang điện tích dương đứng ở giữa cùng với một hoặc nhiều trung tử (Neutron) không mang dấu (điện tích). Quay xung quanh Proton và Neutron là các điện tử (Electron) mang điện tích âm. Về giới sinh vật, chúng ta gần như chưa bao giờ nghe nói đến nguyên tử tạo ra vật chất sống. Chúng ta mới chỉ được nghe nói đến thành tố nhỏ nhất tạo ra cơ thể sống là tế bào sống. Nhưng tế bào sống là cả một tổ hợp của nhiều nguyên tử tạo ra nó. Cấu tạo của nguyên tử tạo ra tế bào sống (nguyên tử sinh bào) về nguyên lý cũng có cơ cấu cơ bản như nguyên tử vật chất, nhưng về cấu trúc và hình thức thì lại khác hẳn và phức tạp hơn rất nhiều.
Thuật ngữ Nguyên tử sinh bào là thuật ngữ do tác giả đặt ra, để chỉ hạt nguyên tử tạo ra tế bào sống của sinh vật. Hiện nay chưa có một thiết bị nào chụp hay nhìn được cấu trúc của các hạt nguyên tử tạo ra loại vật chất sống này. Vì vậy, cho đến nay, chưa ai nói đến loại nguyên tử này mà chỉ nói đến tế bào sống. Mà tế bào sống là một tổ hợp của rất nhiều nguyên tử. Nếu gọi nguyên tử này là nguyên tử sống thì không ổn, vì nó không phải là nghịch nghĩa với nguyên tử chết. Mà ý nghĩa của nó là: Nguyên tử tạo ra tế bào sống. Có một số ít người, sau nhiều năm tu luyện, hoặc bẩm sinh có tâm linh rất phát triển với các giác quan tâm linh đã được khai mở, có khả năng “trực giác” (intuition) và “thần nhãn”(clairvoyance), đồng thời họ lại là những nhà khoa học rất quan tâm đến lĩnh vực này, nên đã nhìn thấy được cả hình thù, cấu tạo của những nguyên tử tạo ra tế bào sống rất kỳ bí này.
Tôi xin mô tả kỹ các nguyên tử sinh bào theo cảm quan của những người có khả năng thấu thị trực giác, còn tin hay không là tùy bạn đọc, vì hiện tại chưa có cách chứng minh. Cũng chưa biết đến bao giờ loài người mới chế tạo ra kính hiển vi phóng to khoảng mười bốn tỷ lần để nhìn được hạt nguyên tử này.
NGUYÊN TỬ SINH BÀO
Để nói về Nguyên tử sinh bào, chúng ta sẽ so sánh với Nguyên tử vật chất vô cơ về mặt cấu trúc. Như đã trình bày ở trên, hạt nguyên tử vô cơ bao gồm ba phần: Phần mang điện tích dương (Proton P), phần trung tính (Neutron N không mang dấu) và phần mang điện tích âm (Electron E). Phần Proton và Neutron luôn tĩnh, phần Electron luôn chuyển động, quay quanh Proton (tĩnh và động chỉ là tương đối). Xem sơ đồ mô hình nguyên tử vật chất vô cơ này để so sánh với nguyên tử sinh bào được mô tả bên dưới:
MÔ HÌNH NGUYÊN TỬ
Đến đây, chúng ta bắt đầu nói về nguyên tử sinh bào. Hạt nguyên tử sinh bào có cấu tạo phức tạp hơn nguyên tử vô cơ rất nhiều lần. Một hạt nguyên tử sinh bào được cấu tạo từ 13.841.287.201 hạt tiên thiên. Song trong số gần 14 tỷ hạt tiên thiên đó, lại bao gồm ba loại hạt khác nhau, theo một cơ cấu khá kỳ lạ và phức tạp. Loại hạt tiên thiên mang điện tích dương (hạt to), loại hạt tiên thiên mang điện tích âm (hạt nhỏ) và loại hạt tiên thiên to vừa, trung tính, không mang dấu điện tích. Điều khác biệt đầu tiên là, nguyên tử vô cơ chỉ có một loại, không phân biệt âm, dương. Còn hạt nguyên tử sinh bào, cấu tạo ra tế bào sống của sinh vật có hai loại: âm và dương. Dưới đây là hình vẽ của nguyên tử sinh bào âm và dương. Đây là hình vẽ theo cảm quan thấu thị (clairvoyance) của các nhà nghiên cứu tâm linh có khả năng trực giác (intuition) thấu thị đã nhìn thấy. Xin các bạn quan sát kỹ để thấy sự kỳ bí của tạo hóa.
Nhìn toàn cục bên ngoài, hạt nguyên tử sinh bào tạo ra tế bào sống này trông như hình quả tim, hay hình con quay, được kết từ những sợi dây cườm. Chúng luôn quay tít theo chiều trục đứng và liên tục di chuyển. Nếu quan sát thật kỹ, ta thấy hạt nguyên tử sinh bào được cấu tạo từ ba loại “dây cườm” với ba loại hạt tiên thiên: Loại hạt nhỏ, loại hạt vừa và loại hạt to. Loại hạt to kết dính với nhau thành hai sợi dây cườm to, quấn vặn với nhau thành hình quấn thừng, nằm ở trục giữa hạt nguyên tử, thông tâm từ trên xuống dưới. Hạt tiên thiên loại to vừa kết nối với nhau thành những sợi dây cườm to vừa, xếp ba hàng mỗi đợt. Cứ sau ba hàng dây hạt to vừa này, lại đến bảy hàng hạt tiên thiên loại nhỏ (xem hình vẽ). Gọi là các sợi “dây cườm” cho dễ hình dung, nhưng thực ra các hạt tiên thiên này tự kết dính với nhau, hạt nọ dính chặt vào hạt kia bằng lực hút của từ trường, trông giống như có một sợi dây xâu chuỗi các hạt cườm với nhau vậy.
Các “sợi dây cườm tiên thiên” này được quấn vòng tròn, sợi nọ dính chặt với sợi kia, tạo thành “một cái lồng” có hình quả tim. Đầu to ở trên hơi lõm xuống, đầu dưới thon dần và lồi ra ngoài, hình hài hạt nguyên tử này trông hao hao như quả tim, con quay, hay trái đào vậy. Đầu trên của hạt nguyên tử nối thông tâm với đầu dưới bằng hai sợi dây tiên thiên hạt to nhất, quấn vặn thừng với nhau. Hai đoạn dây tiên thiên hạt to nối từ đỉnh đến đáy ở tâm của “chiếc lồng” này kết nối trực tiếp với các sợi tiên thiên khí hạt trung bình, quấn ba hàng một đợt. Ba hàng ở đầu trên và ba hàng ở đầu dưới sẽ nối trực tiếp với hai đầu trên dưới của trục quấn thừng của hai dây tiên thiên hạt to. Xen kẽ giữa các lớp tiên thiên hạt to vừa này là các lớp tiên thiên hạt nhỏ, xếp bảy lớp một đợt.
Đoạn dây hai sợi vặn thừng có các hạt tiên thiên loại to nối liên thông từ đỉnh xuống đáy chính là trục Proton mang điện tích dương.
Các lớp dây ba sợi các hạt tiên thiên to vừa nối với hai đầu của trục Proton này là các hạt Neutron trung tính.
Còn các lớp dây bảy vòng tiên thiên hạt nhỏ, quấn vòng tròn phía mặt ngoài, xen kẽ với các vòng dây Neutron, là cả một mạng lưới dày đặc các hạt điện tử mang điện tích âm (Electron) luôn quay tít.
Thoạt nhìn, ta cứ tưởng chỉ có một loại nguyên tử sinh bào nhưng khi quan sát kỹ, ta sẽ thấy có hai loại khác nhau. Một loại to hơn, một loại hơi nhỏ hơn. Một loại quay theo chiều kim đồng hồ, một loại quay ngược chiều. Hạt nguyên tử sinh bào quay thuận chiều kim đồng hồ là hạt nguyên tử dương, hạt này hơi to hơn một chút. Còn loại hạt nguyên tử nhỏ hơn, quay ngược chiều kim đồng hồ, là hạt nguyên tử âm. Nếu ta tách được từng sợi dây tiên thiên khí ra và đếm từng hạt, chắc chắn chúng sẽ có tất cả là 13.841.287.201 hạt tiên thiên khí.
Các vòng dây hạt tiên thiên nhỏ và vừa nối với trục Proton ở giữa tạo ra một không gian phía bên trong như một bình ắc quy, lưu giữ năng lượng điện sinh học. Còn không gian bên ngoài hạt nguyên tử tạo ra một điện trường lưu giữ từ trường điện sinh học. Khi nguồn năng lượng Vũ trụ là Prana kéo đến, bao quanh các nguyên tử này sẽ làm trường điện từ sinh học của các nguyên tử này mạnh lên. Các nguyên tử sẽ hoạt động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, sạc năng lượng tiên thiên vào bên trong hạt nguyên tử, làm cho các tế bào sống được tăng cường năng lượng sinh học sẽ hoạt động tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, trao đổi chất nhiều hơn, dễ dàng hơn, sự sống nhờ thế mà phát triển mạnh mẽ hơn. Nhờ sức hút của trường điện từ sinh học bên ngoài các hạt nguyên tử sinh bào, mà Prana được thu hút đến. Thông qua trường điện từ sinh học của các nguyên tử sinh bào này, năng lượng Prana có thể xâm nhập được vào cơ thể sinh vật, giúp cơ thể trung hòa các điện tích âm, hoặc dương dư thừa. Các điện tích thừa này làm nhiễu loạn từ trường cơ thể sinh vật, là các tác nhân gây ra bệnh tật làm cơ thể bị suy nhược. Khi năng lượng Prana xâm nhập được vào cơ thể, trung hòa được các điện tích thừa, sẽ giúp cho cơ thể cân bằng được từ trường, giúp cơ thể khỏe mạnh lên, hết bệnh tật.
Trường điện từ được tạo ra từ hai mạng lưới điện tích âm và điện tích dương bao quanh mỗi cơ quan nội tạng, hoặc bao quanh toàn bộ cơ thể trong trạng thái cân bằng hay thiếu cân bằng, đó chính là nguyên nhân cơ thể khỏe mạnh hay bị bệnh tật. Việc cân bằng hai mạng lưới điện tích âm - dương này chính là nguyên lý chữa bệnh của Đông y.
Tóm lại, nếu so sánh nguyên tử vô cơ (nguyên tử tạo ra vật chất vô cơ) với nguyên tử sinh bào (nguyên tử tạo ra tế bào sống) ta sẽ thấy các nguyên tử vô cơ có cấu trúc rất đơn giản, bao gồm hai phần: Phần tĩnh là hạt nhân gồm một hay nhiều Proton, mang điện tích dương kết hợp với trung tử Neutron. Phần động là các điện tử Electron mang điện tích âm quay xung quanh. Nguyên tử vô cơ chỉ có một loại, còn nguyên tử sinh bào có hai loại và có cấu tạo phức tạp hơn nhiều, như đã trình bày trên. Nguyên tử sinh bào có hai loại: âm và dương, luôn quay ngược chiều nhau. Chính hai loại nguyên tử sinh bào âm - dương này sẽ tạo ra tế bào sống có trường sinh học bao quanh (mạng lưới các điện tích dương và mạng lưới các điện tích âm). Nguyên tử vô cơ có phần hạt nhân (Proton) và trung tử (Neutron) đứng yên, còn trong nguyên tử sinh bào, mạng lưới các hạt trung tử Neutron tuy có gắn kèm với mạng lưới Proton, nhưng lại xếp xen kẽ với mạng lưới Electron. Trong nguyên tử sinh bào trục Proton không đứng yên, mà quay cùng mạng lưới Neutron và Electron, nhưng tốc độ quay giữa trục Proton và các Electron là khác nhau. Năng lượng làm cho các Electron trong nguyên tử vật chất vô cơ, và năng lượng làm trục Proton, lẫn các vòng hạt Neutron và Electron của nguyên tử sinh bào quay tít là Prana, hay còn gọi là năng lượng Tiên thiên của Vũ trụ. Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về Prana, nguồn năng lượng Tiên thiên của Vũ trụ này.