Đời người chỉ có một lần. Vậy nên, chắc hẳn trong thâm tâm chúng ta, ai cũng từng nghĩ đến việc trở thành một ông chủ tự lực tự cường. Ước mơ này không hề viển vông. Đúng là không phải ai cũng đủ năng lực để sở hữu một công ty lớn, nhưng nếu là chủ của một cửa hàng nhỏ thì bạn hoàn toàn có khả năng. Hơn cả thế bạn còn có thể kinh doanh cả đời trong vui vẻ nữa.
Để có thể kinh doanh, buôn bán lâu dài trong vui vẻ, chúng ta phải tìm cách giúp cho cửa hàng của mình thật phát đạt. Điều này thực chất không hề quá khó khăn. Vì chính bản thân tôi đây cũng chỉ làm những việc đơn giản mà bất kì ai cũng có thể làm, và tôi đã kinh doanh được gần 50 năm rồi.
Trong kinh doanh, có những điều tuy nhỏ bé nhưng lại có thể trở thành cơ hội để thu hút khách đến cửa hàng.
Cửa hàng đầu tiên của tôi là một quán cà phê. Thời đấy, đá viên khá là đắt đỏ, vậy nên khi phục vụ nước lọc cho khách, tôi sẽ hỏi:
- Quý khách có dùng đá không ạ?
Nếu khách hàng trả lời “Có”, tôi mới thêm đá vào. Vì đã cất công dùng đá như vậy, tôi muốn khách hàng ý thức được rằng: “Cửa hàng này phục vụ nước lọc có bỏ đá cho khách hàng.”
Chỉ một việc nhỏ như thế thôi nhưng khi được tôi nói ra thành lời, khách hàng sẽ cảm thấy: “Nước lọc ở đây lúc nào cũng có đá, thích thật đấy!” Nhờ vậy, có thể khách hàng sẽ quay lại quán của tôi không chừng.
Khi bắt đầu kinh doanh một quán nhậu có diện tích vỏn vẹn 16,5 m2, vì chỉ có một mình đứng quán nên tôi đã suy nghĩ xem làm thế nào để có thể kinh doanh một cách đơn giản nhất mà vẫn có hiệu quả cao. Tôi quyết định sẽ chuẩn bị sẵn vài món ăn trước giờ mở cửa.
“Cánh tay phải” của tôi trong việc nấu nướng chính là chiếc lò vi sóng. Khi khách gọi món, tôi chỉ cần hâm nóng thức ăn trong đĩa rồi mang ra là được. Thời đấy, việc công khai sử dụng lò vi sóng trong bếp là chuyện đáng xấu hổ, nhưng vì quán của tôi bé nên tôi chỉ có thể đặt nó ở nơi ai cũng có thể nhìn thấy. Nếu đã vậy, để biến tình huống này bớt phần ngại ngùng, tôi đặt tên cho lò vi sóng là “anh đầu bếp”. Khi khách gọi món, tôi sẽ hỏi:
- Quý khách muốn “anh đầu bếp” làm không ạ? Hay để anh bếp trưởng làm?
Nghe thế, khách hàng liền ngạc nhiên hỏi tôi:
- Ô? Thế bếp trưởng đi.
Tôi lập tức đáp lại:
- Bếp trưởng (tức là tôi) đang bận nên để “anh đầu bếp” làm có được không ạ?
Cứ như vậy, tôi đã thành công gây ấn tượng với khách hàng. Nếu khách hàng nghĩ: “Cửa hàng này thú vị nhỉ!” thì rất có thể họ sẽ quay lại quán lần nữa.
Tôi mở chi nhánh đầu tiên của quán nhậu ở Shibuya, Tokyo. Địa điểm tôi chọn là một nơi chẳng có mấy ai hứng thú qua lại, đến mức chủ nhà đã phải hỏi tôi rằng:
- Ông thực sự muốn thuê chỗ này sao?
Không lâu sau đó, toà nhà nơi quán nhậu của tôi kinh doanh xảy ra một vụ nổ súng. Tôi nhanh trí nảy ra một ý tưởng:
- Món ăn được phục vụ ngày hôm nay sẽ là món rau củ xào thập cẩm1!
1 Tác giả chơi chữ giữa hai từ “rau củ xào thập cẩm” (happousai) và “nổ súng” (happou).
Và tôi đã bán hết sạch món đó.
Rau củ xào thập cẩm thì chỉ cần dùng những loại rau có sẵn ở cửa hàng là có thể chế biến ngay được. Hơn thế nữa, tôi còn tranh thủ trò chuyện với khách:
- Hôm nay vất vả thật đấy!
Nhờ thế mà khoảng cách đôi bên được rút ngắn lại.
Để duy trì mức chi phí thấp, tôi thường mua nguyên liệu là thịt gà. Khi khách gọi món cánh gà tẩm bột chiên giòn, tôi sẽ hỏi lại:
- Quý khách muốn ăn cánh trái hay cánh phải ạ?
Câu pha trò đó đã khiến khách hàng bật cười vui vẻ.
Không chỉ chú trọng cung cách phục vụ khách hàng, tôi còn chú ý xây dựng thực đơn sao cho phù hợp với phong cách của quán nhất. Ví dụ, khách hàng rất yêu thích hai món mì udon kimchi và trứng cá của quán tôi. Mặc dù những món này đơn giản đến mức ngay cả người không mấy khi nấu nướng cũng có thể làm được, nhưng khi ngà ngà say thì chúng thực sự rất ngon!
Tuy thực đơn toàn là những món không đòi hỏi kĩ thuật hay nỗ lực gì, nhưng nhờ cách vận hành như vậy, khách hàng vẫn thường xuyên quay lại quán của tôi. Chỉ cần phục vụ những món ăn mà khách hàng có thể vui vẻ thưởng thức trong khoảng thời gian ở quán, chúng ta sẽ có thể tạo dựng được những mối quan hệ sâu sắc và biến họ trở thành người hâm mộ của quán. Rồi sau đó những người hâm mộ đấy sẽ là những người ủng hộ, giúp đỡ cho quán của chúng ta.
***
Là một người biết điểm dừng, tôi luôn nghĩ đến việc làm thế nào để đạt được mục tiêu mà vẫn nằm trong giới hạn mình đặt ra. Tính cách của tôi thực sự không phù hợp với hai từ “nỗ lực” quá sức.
“Nỗ lực” quá sức chính là việc cố gắng vượt lên trên năng lực của bản thân. Nhưng nếu cứ cố nhón chân rồi vươn tay đến một nơi rất, rất cao, chẳng phải chúng ta sẽ chóng cảm thấy mệt mỏi và không thể đứng lâu hay sao? Ngược lại, đứng vững chãi trên mặt đất và vươn tay tới những thứ trong độ cao có thể với tới thì sẽ chẳng quá mất sức mà vẫn có thể lấy được đồ. Mặc dù vậy, nếu cứ liên tục giơ tay lên thì sẽ rất mỏi. Tôi cho rằng chính vì không bao giờ cố quá sức nên tôi không biết mệt mỏi là gì và có thể duy trì quán nhậu suốt mấy chục năm như vậy.
Mặc dù đã kinh doanh quán nhậu được một thời gian nhưng nếu không có chứng chỉ đầu bếp, tôi sẽ khó có thể tiếp tục duy trì quán. Vì chẳng có tài cán gì nên tôi đã phải vắt óc suy nghĩ làm sao để chỉ với những việc đơn giản mà ngay cả tôi cũng làm được, lại có thể biến khách hàng thành người hâm mộ của mình và giúp cho cửa hàng phát đạt.
Nghĩ thử thì cụm từ “không cố gắng quá sức” có khi là một trong những khẩu hiệu chính của cuộc đời tôi. Trước đây, tôi cũng từng thử nỗ lực. Trong những năm dậy thì, để tăng chiều cao, tôi thậm chí đã sử dụng những dụng cụ tập thể dục kì quặc, rồi còn uống canxi hàng ngày nữa. Nhưng rốt cục chẳng mang lại kết quả gì nên tôi đã từ bỏ thứ gọi là nỗ lực viển vông ấy.
Liệu tôi có thể làm được công việc nào không tạo thêm gánh nặng cho bản thân, mà còn vô cùng thú vị, vui vẻ không? Đó chính là điều cơ bản của cơ bản trong kinh doanh. Tôi nghĩ nếu có cơ hội làm việc một cách hạnh phúc như vậy, tôi mới có thể vận hành cửa hàng lâu dài và thoải mái tận hưởng đời người.
Kí tên:
Giám đốc tập đoàn Raku Coporation
Uno Takashi