Đội ngũ nhân viên và nhân viên cũ của tôi, đều gọi tôi là sếp hoặc là “bố”. Thậm chí mọi người còn gọi vợ tôi là “mẹ” một cách ngưỡng mộ. Vợ tôi cũng thực sự coi mọi người như người trong gia đình vậy. Tôi đã thử cùng vợ tôi hồi tưởng lại mọi chuyện cho đến giờ.
Bố: Thời đại bây giờ, kể cả sau khi nghỉ hưu ở độ tuổi 60 hay 65, mọi người vẫn có thể phải trải qua một quãng đời thật dài nhỉ. Vậy nên, những người bạn từng làm trong doanh nghiệp lớn của tôi sau khi nghỉ hưu, mất việc đều cảm thấy rất buồn bực. Nhưng kinh doanh ăn uống thì khác, họ vẫn có thể tiếp tục bán mãi, nên hàng ngày tôi đều cảm thấy rất vui.
Mẹ: Lần đầu gặp bố nó, tôi không hề nghĩ rằng sẽ có ngày bố nó lại mở được mấy cửa hàng như thế này đấy. Khi nghĩ đến việc này, tôi đều cảm thấy thật đáng kinh ngạc, không ngờ mọi thứ đã phát triển như thế này từ lúc nào.
Bố: Không chỉ tăng số lượng cửa hàng, mà chúng ta còn di chuyển từ Tokyo cho đến Yatsugatake, thậm chí di cư đến Vancouver ở Canada, tôi thật không thể tưởng tượng được cuộc đời mình sẽ như thế. Thời kì bong bóng kinh tế, ngôi nhà mà chúng ta đang thuê ở Tokyo được bán với giá gần 4 triệu yên. Trong khi đó, nhà ở Yatsugatake chỉ có giá khoảng 60.000 yên. Vì bọn trẻ hãy còn nhỏ nên thời kì đó tôi muốn sống ở môi trường nào đó có thể thong thả một chút, thế là tôi đã tìm những nơi như Kamakura. Dù đã chuyển đến Yatsugatake sống, nhưng gần như nửa tuần là tôi ở Tokyo, sau đó lên tàu tốc hành “Azusa” đi đi về về. Vì đất rẻ nên chúng ta đã xây được một ngôi nhà to trên khoảng đất rộng rãi. Nhờ vậy mà nhân viên quán sau khi xong việc cũng thường lấy ô tô lái như bay trên đường cao tốc về nhà mình chơi. Những bước ngoặt lớn như thế, lúc nào người quyết đoán cũng là mẹ nó nhỉ.
Mẹ: Vì tính cách của tôi là quyết định một lần rồi nói rõ “Tôi muốn như thế này!”. Hồi ấy, thỉnh thoảng tôi cũng đến Yatsugake chơi, tôi đã thấy cây cối, rừng núi xung quanh đều vô cùng đẹp. Nơi ấy thật tuyệt! Lúc đó, mặc dù bọn trẻ hãy còn đang đi học mẫu giáo nhưng mọi người xung quanh đều nói về kì thi đầu vào tiểu học. Tôi cảm thấy chuyện đấy thật sai lầm và đáng ghét. Còn chuyện Vancouver cũng là do tôi thấy ảnh trên tạp chí phụ nữ. Vì thấy nó đẹp quá nên cả gia đình mình đã đến đó chơi. Khi đến nơi thì chỉ đến ngày thứ hai thôi là tôi đã cảm thấy “Đây chính là thành phố mình sẽ sống!” Và một tháng sau, chúng ta đã dẫn các con di cư qua đấy.
Bố: Còn tôi nghĩ việc sống ở Yatsugake hay những nơi như Vancouver sẽ trở thành một tấm gương tốt cho nhân viên học tập theo. Điều này sẽ truyền cho họ cảm hứng rằng: “Nếu mình có thể tự mở quán và biến nó trở nên đắt khách hơn, thì mình cũng có thể có một cuộc sống như thế này.” Sau vài năm tự mở quán là chúng ta đã có thể kiếm được thu nhập gấp hai hay ba lần so với đi làm công ăn lương ở công ty. Việc hình dung những thứ đó một cách thật cụ thể, chi tiết là điều hết sức quan trọng. Vì đó là mục tiêu tương lai của kinh doanh hàng ngày.
Mẹ: Trong số những cửa hàng bố nó đã mở cho đến bây giờ, cửa hàng có năng lượng mạnh mẽ là cửa hàng đầu tiên ở Shimokitazawa mà bố nó mở ra sau khi kết hôn.
Bố: Thời điểm đấy tôi đang kinh doanh hai cửa hàng ở Kyodo, nhờ bài viết Cửa hàng ăn uống với mức vốn nhỏ của tôi đã được xuất hiện trên tạp chí số đặc biệt, nên tôi cũng được mọi người chú ý một chút. Vì Shimokitazawa là nơi tôi từng kinh doanh cùng vợ cũ nên ông Honda Kazuo – người đại diện của tập đoàn Nhà hát kịch Honda1, cũng là bạn của tôi, đã nói rằng: “Cậu đang làm gì thế, mau mở quán ở Shimokitazawa đi chứ!” Đầu tiên tôi đã mở cửa hàng sushi. Ở cửa hàng Kyodo, cá được mua từ cửa hàng cá ngon nên tôi rất có tự tin về nguyên liệu. Có một quán sushi mà tôi rất thích ở Gyouza nên tôi cũng từng mơ ước một lúc nào đấy có thể mở được quán giống như thế. Hơn nữa, phía trước toà nhà tôi chuyển đến có quán nhậu mà tôi từng nhượng lại cho vợ trước, nên tôi cảm thấy mình không thể mở quán cạnh tranh được.
1 Nhà hát kịch Honda: Một nhà hát nằm ở Shimokitazawa thuộc quận Setagaya, Tokyo. Từ khi khai trương vào năm 1982, nhà hát dần dần nhận được nhiều sự yêu mến từ người hâm mộ kịch.
Mẹ: Chúng ta đã tuyển người làm rồi bắt đầu đi vào kinh doanh, nhưng cửa hàng sushi đấy trong khoảng mười tháng đều lỗ suốt.
Bố: Đúng thế, đúng thế! Vậy nên tôi đã đến nói với vợ cũ rằng: “Xin lỗi em! Quả thật anh không kinh doanh được quán sushi. Anh mở quán nhậu có được không?” thì cô ấy đã nói rằng: “Anh làm ngay từ đầu có phải tốt rồi không?” Vậy là quán chỉ nghỉ có một tuần, sửa sang lại đôi chút rồi mở cửa trở lại.
Mẹ: Lúc ấy quán lại lập tức kín khách. Cứ như chuyện đùa vậy! Khu vực quầy có ghế dài ngồi được khoảng 15 người và có hai bàn lẻ ngồi được 4 người. Chúng ta còn đặt thêm chiếc ghế dài ở đằng sau quầy để làm chỗ chờ cho khách, cả chỗ đấy cũng kín khách liên tiếp mấy ngày. Bố nó thích quán phải đông đến mức khách hàng thậm chí còn không ngồi thẳng, thoải mái ở quầy, mà phải phải ngồi chéo mới đủ chỗ. Chính vì thế, hàng ngày khu vực quầy đều đông đúc, chật kín khách. Mỗi tối chỗ đấy phải thay phiên 4, 5 lượt khách ấy nhỉ.
Bố: Nội thất thì hầu như vẫn giống trước, chỉ thay mỗi tấm rèm phía trước cửa. Vậy mà những đầu bếp hồi trước làm sushi cho quán cũng nói rằng: “So với cửa hàng sushi, cửa hàng bây giờ tốt hơn nhiều!” (Cười). Tôi cũng nghĩ rằng quán sushi không phải là thứ mình làm được. Cuối cùng, tôi cũng nhận ra chỉ cần tôi vẫn có thể đi ăn ở những cửa hàng mình yêu thích bằng số tiền kiếm được nhờ quán nhậu là được. Mặc dù không thành công nhưng nhờ có việc mở quán sushi mà tôi biết đến việc ở quán su- shi, người ta đều làm một cái bậc cao hơn quầy một chút, trên kệ đấy sẽ đặt khay đựng chuyên dụng rồi xếp sashimi san sát nhau. Và tôi đã áp dụng phong cách đấy vào cửa hàng của chúng ta, nhờ thế mà có thể gây dựng được cơ nghiệp như bây giờ.
Mẹ: Bố nó toàn bộ tự mình vẽ sơ đồ quán, và sự khác biệt bởi những thứ tự làm như thế đã khiến ấn tượng của khách hàng hoàn toàn thay đổi. Tôi cũng thường xuyên cùng bố nó đi ăn ở rất nhiều cửa hàng. Nhưng có quán làm bậc để khay phía trước quầy cao quá nên ánh mắt mình không thể chạm đến những món bày trong đấy được. Cũng có quán, phần sàn ở khu vực bếp phía sau quầy cao quá, nên khi khách hàng ngồi xuống ghế phải ngước mắt lên nhìn nhân viên quán, mỏi hết cả cổ.
Bố: Cũng có cửa hàng mình học tập được từ họ nhỉ. Như quán lươn Kobuchizawa ở chân núi Yatsugatake chẳng hạn. Thấy họ sử dụng những chiếc xà ngang trong nội thất, mình cũng thấy hay rồi áp dụng theo. Trước đây, khi đến Kanazawa, tôi có vào một cửa hàng vốn dĩ tận dụng ngôi nhà truyền thống để kinh doanh. Tôi đã nghe thấy những cô gái trẻ đến từ Tokyo reo lên: “Ồ, chiếu này, cửa giấy bồi này!” Vậy nên tôi đã nghĩ đến việc chắc hẳn giới trẻ bây giờ cảm thấy hạnh phúc, tò mò trước những thứ cổ xưa như chiếu hay cửa giấy bồi, nên hồi đấy tôi đã cải tạo lại một cửa hàng thành phong cách truyền thống và yêu cầu khách hàng bỏ giày dép ra để vào quán. Mốt của thời đại luôn thay đổi theo thời gian, nhưng mỗi khi đi một lượt các quán cùng mẹ nó thì tôi đã nhận ra rất nhiều điều. Vì mẹ nó đã nhìn mọi thứ với con mắt phụ nữ mà.
Mẹ: Tôi thì thấy bố nó rất giỏi trong việc nuôi dạy con người. Có thể do thái cực yêu ghét của tôi quá rạch ròi nên trong số những nhiên viên trong quá khứ, có những nhân viên tôi không tài nào thân thiện được. Nhưng bố nó lại hoàn toàn khác. Chúng ta mở nhiều chi nhánh và cần nhân lực như thế nhưng đâu phải lúc nào chúng ta tuyển được toàn người như ý đâu. Tôi luôn háo hức chờ đợi xem bố nó sẽ làm như thế nào để thay đổi được những bạn lúc đầu không đạt yêu cầu. Và khi những bạn đấy ngày càng thay đổi tốt lên, tôi đã rất hạnh phúc. Mặc dù tốn thời gian nhưng quả thật ai ở quán chúng ta cũng đều thay đổi. Ngược lại, những bạn không thể thay đổi thì đều xin nghỉ mất. Chưa kể các cửa hàng trưởng của các chi nhánh cũng nghiêm khắc nữa, vì mọi người đều có mơ ước mở được cửa hàng riêng của bản thân mình nên họ đều rất nghiêm túc và ánh mắt cũng khác hẳn. Đến thăm cửa hàng của các bạn mở ra cũng là niềm vui của hai vợ chồng mình nữa.
Bố: Hai vợ chồng mình cứ đến quán của nhân viên cũ mở ra là mấy đứa lại nói: “Mẹ, mẹ đến thăm quán con ạ!” Hình như mấy đứa thấy mẹ nó đến còn vui hơn là thấy tôi đến.
Mẹ: Tôi nghĩ là vì bố nó đến quán là cứ như kiểm tra tác phong làm việc của mọi người, còn tôi đến thì sẽ nhìn nhận mọi thứ với con mắt của khách hàng nên chúng nó thấy vui chứ sao! (Cười)
Bố: Mẹ nó còn có cả tài khoản Facebook của mọi nhân viên, kể cả nhân viên cũ nữa. Mẹ nó đều giữ liên lạc với mọi người, vào ngày sinh nhật còn nhắn tin chúc mừng sinh nhật nữa nhỉ.
Mẹ: Tôi đều gửi tin chúc mừng đến tất cả người quen qua Facebook hoặc email cả. Bởi vì nếu nhận được lời chúc “Chúc mừng sinh nhật”, chẳng phải mọi người sẽ cảm thấy rất vui hay sao? Tôi chỉ có một tấm thân này nên không thể thường xuyên đến các cửa hàng được. Nhưng chí ít tôi cũng gửi được tin nhắn chúc mừng cho mọi người, đó chính là ám hiệu “mẹ không quên mọi người đâu”. Tôi làm như thế nên nhân viên nam đứa nào mà có bạn gái thì thể nào cũng giới thiệu với tôi. Thậm chí tôi còn thân thiết với cả vợ hoặc chồng của nhân viên nữa.
Bố: Nhờ có sức mạnh của mẹ nó luôn đồng hành cùng, nên cửa hàng của chúng ta mới được như thế này. Tôi cho rằng việc chúng ta có thể hạnh phúc mà kinh doanh thuận lợi lâu dài cũng sẽ dẫn dắt cho tương lai của những nhân viên của quán chúng ta.
Tháng 4 năm 2018
Tại nhà riêng ở Tokyo
Tôi ở phía trước cửa hàng chính “Kuimono ya raku” (Đồ ăn và niềm vui). Bên tay trái là tấm biển mà tôi tự tay viết từ thời điểm mở quán, đấy là những từ khoá giúp cho quán nhậu thú vị :“Tửu-Hào-Thái-Hữu”. Ý là: có rượu (tửu), thức ăn (hào) và rau củ (thái) rồi, nếu có thêm cả bạn bè (hữu) nữa thì con người sẽ có những giây phút vui vẻ.