Tôi cho rằng để mở được cửa hàng phát đạt thì nhất định phải có đối thủ. Những nhân viên cũ dù đã ra mở quán riêng nhưng vẫn thường đến chỗ tôi ăn uống, vậy nên mối quan hệ của mọi người rất thân thiết. Nhưng mặt khác, họ đều sôi sục cạnh tranh với nhau.
Chỉ cần nghe thấy cửa hàng của bạn mình đang làm ăn phát đạt là mọi người lập tức quan tâm. Một mặt, họ cảm thấy “Đứa đấy đang cố gắng thật đấy!”, một mặt họ lại cảm thấy “Mình cũng tuyệt đối không thể thua nó được!”. Bởi vì những nhân viên trong quán tôi đều có xuất phát điểm giống nhau, họ đều bắt đầu từ lúc bản thân chẳng có gì trong tay rồi mới học việc, tiết kiệm tiền và cuối cùng là tự mình mở quán. Ở chỗ tôi, mọi người đều mỗi ngày cầm cự bằng đồ ăn của quán dành cho nhân viên, họ đặt mục tiêu cố gắng tiết kiệm được 6 triệu yên trong 5 năm. Đó chẳng phải vì họ đều nghĩ rằng “Tên đấy làm được thì không có lí gì mình lại không thể làm được!” hay sao?
Thành công của bạn bè chính là nguồn sức mạnh và là động cơ để bản thân mình nỗ lực, cố gắng hơn
Nếu bạn có đối thủ với họ tên cụ thể, chứ không phải là một ai đó mơ hồ thì sẽ tốt hơn. Thông thường, những bạn học đồng khoá hay là những người tầm tầm tuổi nhau sẽ trở thành đối thủ của nhau. Nhưng không phải chỉ có những trường hợp như thế.
Ví dụ, trước đây từng có một người và một nhân viên cũ quán tôi tình cờ tìm kiếm mặt bằng ở cùng một khu vực. Và nhân viên cũ chỗ tôi đã tìm thấy mặt bằng quán sớm hơn, người còn lại đã nghĩ “Mình bị vượt mất rồi!” Nhưng nhờ vậy mà người đấy mới thực sự trở nên nghiêm túc, tự đốc thúc bản thân “Mình sẽ không thua đàn anh đấy đâu!” Để xây dựng được một cửa hàng phát đạt, nhất định phải cần có khao khát sục sôi mạnh mẽ như thế.
Những lúc như thế mà bạn lại để mọi thứ trôi qua một cách nhẹ nhàng, “Đứa đấy may mắn thật đấy!” thì cả đời này bạn cũng không thể tạo được một cửa hàng phát đạt được. Nếu bạn không thấy cái hay nơi người khác, cạnh tranh theo nghĩa tích cực, học học hỏi, bạn sẽ không thể nào mở quán và biến nó thành một quán phát đạt được.
Đôi khi, cửa hàng của những nhân viên cũ chỗ tôi cũng trở thành bài học cho người khác. Cho đến nay, đã có hàng trăm bạn rời khỏi chỗ tôi để khởi nghiệp. Trải qua bao nhiêu năm tháng dài đằng đẵng như thế, nói thật, tuy cũng có những cửa hàng ăn nên làm ra, nhưng cũng có những cửa hàng mãi vẫn chưa khấm khá được.
Trong số đó, có cả những bạn mặc dù không cam tâm nhưng vẫn phải đóng cửa. Khi tận mắt thấy hiện thực như thế thì những bạn khác, những người cũng muốn mở cửa hàng trong tương lai, sẽ phải thật sự suy ngẫm xem “Mình phải làm thế nào để bản thân không bị rơi vào hoàn cảnh như thế?”
Hiện thực không phải một màu hồng tươi đẹp, nó còn có cả những nỗi đau. Nhưng quan trọng là mỗi người có tự biến nó trở thành kinh nghiệm xương máu cho bản thân hay không
Một thời gian sau khi mở quán, bạn sẽ có đủ nguồn lực để mở chi nhánh thứ hai, và cửa hàng thứ nhất sẽ trở thành cánh tay phải của bạn. Điều bắt buộc phải chú ý ở đây là không cố áp đặt cá tính của bản thân lên cánh tay phải đấy.
Mặc dù tôi thích những cửa hàng thể hiện được cá tính của chủ cửa hàng, nhưng việc nối tiếp cá tính đấy sang cửa hàng thứ hai, thứ ba sẽ thật khó khăn. Trong số những chủ quán tôi quen, có một người hễ thấy nhân viên làm khác với hình dung của bản thân là sẽ vô cùng tức giận. Nhưng không thể nào có chuyện nhân viên làm đúng hệt 100% theo những gì bản thân mình hình dung được.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng không phải là việc phủ lên quán sắc màu cá nhân bản thân, mà việc có thể thoải mái mở rộng những điều mình muốn làm ở “cánh tay phải” mới là điều đáng lưu tâm.Bởi vì điều quan trọng nhất trong kinh doanh là làm sao để khách hàng vui lòng
Nếu bạn không thể kinh doanh một cách thoải mái và vui vẻ thì bạn cũng không thể khiến khách hàng vui lòng được. Hơn nữa, không chỉ phát huy những ý tưởng của bản thân mình, bạn nên phát huy cả những ý tưởng của “cánh tay phải” để cửa hàng trở nên thú vị hơn.
Nếu bạn cứ cố áp đặt cá tính bản thân lên quán thì tôi nghĩ “cánh tay phải”, vốn là nơi vững chắc giúp đỡ các cửa hàng khác, sẽ chán ghét rồi rời bỏ bạn.