Siêu hình học: Bản thể luận
(hay Tồn tại)
Ý tưởng con dao
Peter Worley
Một người tiền sử tên là Ug vừa mới phát hiện một con voi ma mút đã chết một cách tự nhiên và do vậy trên cơ thể nó không có những vết thương đặc trưng mà những con hổ răng kiếm để lại. Mùa đông sắp đến rồi. Anh ta cần bộ da và thịt của con voi ma mút này nhưng không thể xẻ thịt vì dao còn chưa được sáng chế ra.
Chiều tối hôm đó, trong lúc Ug đang nhặt những hòn đá để nhóm lửa – cách nhóm lửa thì đã được phát minh ra rồi! – anh ta bị xước tay vì một hòn đá bén nhọn (ngày nay chúng ta gọi hòn đá này là “đá lửa”). Sự kiện này khiến anh ta nảy ra một ý tưởng: Anh lấy một hòn đá sắc nhọn và dùng nó xẻ thịt con voi. Thế là anh ta lấy được thịt và lột được da với sự giúp sức của dụng cụ mới này.
Ngày hôm sau, anh ta dùng một loại đá cứng hơn để ghè hòn đá lửa thành một hình thù có một cạnh rất bén, làm cho dụng cụ mới của anh hiệu quả hơn nhiều. Với dụng cụ mới đó, anh ta có thể tạo ra cho mình nhiều thứ vật dụng khác – mà cho tới lúc đó chưa được tạo ra – như chén bát, ghế và bàn. Sau này anh còn biết cách làm ra thêm những dụng cụ cắt xẻ khác và anh dùng chúng để thay thế những cái bị gãy hoặc trao đổi với những người tiền sử khác lấy vật dụng. Chẳng bao lâu, cả bộ lạc của anh đều có dụng cụ mới đó và họ gọi nó là “dao”.
Câu hỏi khởi động: Khi nào dụng cụ đó trở thành con dao?
Hãy suy nghĩ về Câu hỏi khởi động trước khi đọc những gợi ý bên dưới.
Có phải…
1. Khi hòn đá mà anh ta sẽ tạo thành con dao còn đang nằm trên mặt đất?
2. Khi anh ta bị hòn đá làm xước tay?
3 . Khi anh ta nảy ra ý tưởng đó?
4 . Khi anh ta mài nó thành một hình thù?
5 . Khi lần đầu tiên anh ta dùng nó?
6 . Khi lần đầu tiên nó được gọi là “con dao”?
7 . Hay vào một lúc nào khác? Nếu vậy thì khi nào và tại sao?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Khi nào một cái gì đó trở thành cái là nó?
• Con dao chính xác là gì? Bạn có thể định nghĩa một con dao?
• Dụng cụ của Ug có phải là con dao hay không?
• Con dao phải có một hình thù nhất định phải không?
• Khi “con dao”, “cái chén”, “cái ghế đẩu” và “cái bàn” chưa có tên gọi thì chúng là gì?
• Sự tồn tại là gì?
• “Tồn tại” nghĩa là gì?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Những cuộc phiêu lưu triết học của Người Bút chì, trang 66-73
✓ Phil, Soph và món kem
✓ Chỉ thử nghiệm thôi!
✓ Một đống bài tập?
✓ Về những hàng rào
✓ Cỗ máy Nếu như: Chiếc ghế*
* Xem sách Cỗ máy Nếu như: Vấn đáp triết học trong lớphọc của Peter Worley (Continuum, 2011)
Triết học: Bản thể luận, tồn tại, hiện hữu, ý nghĩa và tham chiếu, Aristotle, Wittgenstein, Frege.
Hình vuông số 2
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
2 2
2 2
Câu hỏi khởi động: Hãy nhìn vào những con số 2 ở trên. Theo bạn có bao nhiêu con số?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn có thể nghĩ ra bao nhiêu câu trả lời khác nhau?
• Nếu ai đó nói rằng không có con số nào ở đó, bạn có thể cho biết tại sao họ lại nói vậy không?
• Con số là gì?
• Những con số có thực hay được tạo ra?
• Những con số được sáng chế hay được khám phá ra?
• Có thể tìm thấy những con số ở đâu?
• Những biểu tượng mà bạn thấy trong “hình vuông số 2” có phải là những con số?
• Nếu không, thì những con số là gì?
• Vẽ con số 2 lên tờ giấy trắng. Giờ hãy nhìn vào nó thật kỹ trong vài phút. Liệu nó còn giống như số 2 không? Xoay ngược tờ giấy lại và nhìn nó từ những chiều khác nhau. Bài tập này làm bạn nghĩ đến điều gì?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Cả trang không có gì
✓ Phil, Soph và những con số
✓ Bánh rán donut
✓ Một cái lỗ không chứa gì
✓ Vài bài toán với số 0
✓ Suy tưởng: Những điều kỳ diệu với con số**
**Thoughtings: Puzzles, Problems and Paradoxes in Poetry to Think With, Peter Worley và Andrew Day (Crown House Publishing, 2012)
Nguồn: Bài giảng về “Các Mô thức của Plato” của Rob Torrington.
Triết học: Triết học về toán học, thuyết hư cấu, Plato, Aristotle và các Mô thức.
Bánh rán donut: Những thí nghiệm với một cái lỗ
Alfred Archer
Tuổi bắt đầu học: 5 tuổi
Giáo cụ:
• (Tùy chọn) Một đồ vật có hình như cái bánh rán donut, chẳng hạn đồ chơi. Hoặc một cái bánh rán thật (có thể hơi bẩn tí đấy!)
• (Tùy chọn) Một gói kẹo bạc hà Polo (loại viên kẹo tròn có lỗ ở giữa)
Alice cầm cái bánh rán donut. Cô bé nghĩ về cái lỗ ở giữa bánh. Cô bé tự đặt ra một loạt câu hỏi và làm một vài “thí nghiệm”. Đây là những câu hỏi và thí nghiệm của cô bé để bạn suy nghĩ.
Câu hỏi khởi động Cái lỗ trong bánh rán có tồn tại? Hoặc (tùy vào tuổi của người tham dự) cái lỗ trong bánh rán là gì đó hay không là gì cả?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Cái lỗ có phải là một phần của bánh rán?
• Cái lỗ có phải là một vật thể?
• Cái lỗ là một cái gì đó, hay nó không là gì cả?
• Một cái lỗ là gì?
• Thí nghiệm 1: Nếu bạn di chuyển cái bánh rán, cái lỗ có dịch chuyển theo không?
• Thí nghiệm 2 : Nếu bạn ăn cái bánh rán đó, bạn có ăn cái lỗ không?
• Thí nghiệm 3: Bạn có thể ăn cái lỗ mà không ăn cái bánh không?
• Thí nghiệm 4: Nếu bạn bẻ cái bánh làm hai thì cái lỗ chạy đi đâu?
• Bạn có thể có một cái lỗ nguyên vẹn không?
• Bạn có thể có một nửa cái lỗ, hay một cái lỗ không nguyên vẹn không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Cái hộp của Immy
✓ Trống rỗng
✓ Âm thanh của im lặng
✓ Một cái lỗ không chứa gì
✓ Cả trang không có gì
✓ Suy tưởng : Một điều bí ẩn biến mất
✓ Cỗ máy Nếu như: Nghĩ về không gì cả
Nguồn: http://plato.stanford.edu/entries/holes/
Triết học: Triết học về những cái lỗ, bản thể luận, nhận thức luận, tham chiếu, entia representationis (những thực thể “giả định”, những hư cấu).
Cái hộp của Immy
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 10 tuổi- Nâng cao
Immy có một cái hộp và cậu bé muốn làm nó trống rỗng. Nhưng cậu muốn làm cho nó trống rỗng hoàn toàn và tuyệt đối. Đầu tiên, cậu mở cái hộp và thấy những thứ linh tinh như bút chì, cục tẩy và vài món đồ chơi nho nhỏ.
[Nếu bạn đang làm việc này với lớp học thì hãy sử dụng một cái hộp thật với vài thứ linh tinh trong đó.]
Immy lần lượt lấy từng cái ra. Sau cùng, cậu đã lấy ra hết mọi thứ có trong hộp. Nhưng nó có trống rỗng không?
Câu hỏi khởi động 1 Cái hộp có trống rỗng không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn có nghĩ được cái gì có khả năng ở trong hộp không?
• “Trống rỗng” có đồng nghĩa với “không gì cả” không?
• Cái hộp có thể chứa đầy không gì cả không?
• Có phải phần bên trong của cái hộp nằm trong cái hộp không?
• Trống rỗng là gì?
Immy sẽ lấy ra bất cứ cái gì bạn nghĩ vẫn còn nằm trong hộp. Vậy bạn có thể nghĩ đến cái gì? Hãy kể ra (ví dụ, nhóm học có thể đề xuất là dấu vân tay, các mầm hay nguyên tử) rồi Immy sẽ lấy chúng ra.
Một khi Immy đã lấy ra bất cứ thứ gì bạn nghĩ đến, cái hộp giờ hoàn toàn trống rỗng rồi chứ? Hay vẫn còn cái gì khác ở trong hộp?
Cứ tiếp tục cho đến khi bạn nghĩ Immy sẽ thỏa mãn được rằng cuối cùng cái hộp đã hoàn toàn và tuyệt đối trống rỗng. Bạn có thể làm như vậy không?
Câu hỏi khởi động 2: Liệu cái hộp có thể trở nên trống rỗng hoàn toàn và tuyệt đối không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Điều đó thậm chí có thể xảy ra không?
• Có thứ gì không bao giờ bỏ ra được không?
• Định nghĩa một khoảng chân không là “khoảng trống hoàn toàn không có vật chất”. Không có gì nghĩa là “hoàn toàn không có” và vật chất nghĩa là “thứ mang tính chất vật lý”. Nếu bạn tìm cách đạt được một khoảng chân không trong cái hộp thì liệu lúc đó cái hộp có hoàn toàn trống rỗng không? Hay liệu vẫn có một cái gì đó mà bạn không lấy ra được?
• Còn không gian mà cái hộp ở trong đó thì sao – Immy có lấy nó ra được không?
• Điều gì sẽ xảy ra nếu Immy bỏ được cả không gian ấy ra?
• Còn thời gian mà cái hộp ở trong đó thì sao – Immy có lấy nó ra được không?
• Điều gì sẽ xảy ra nếu Immy có thể gỡ bỏ được cả thời gian?
• Cái hộp có ở trong thời gian không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Cả trang không có gì
✓ Một cái lỗ không chứa gì
✓ Bánh rán donut
✓ Trống rỗng
✓ Phil, Soph và món kem
✓ Suy tưởng: Không gian, thời gian và những thứ kỳ quặc khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Nghĩ về không gì cả
Nguồn: Xin gửi lời cảm ơn Ben Jeffreys và Claire Field vì đã nghĩ về “Cái hộp của Kant” như một cách giới thiệu không gian và thời gian tiên nghiệm (a priori) cho các lớp học.
Triết học: Không gian và thời gian tiên nghiệm của Kant.
Một cái lỗ không chứa gì
David Birch
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Hai vợ chồng Cú cưới nhau đã nhiều năm. Chúng sống trong một cái lỗ của cây sồi nằm ở một góc rừng xinh đẹp. Hai vợ chồng ngủ suốt ngày và khi đêm xuống, chúng sẽ ra khỏi cái lỗ để đi săn mồi cho bữa ăn tối.
Vì vợ chồng Cú là những con vật sống về đêm nên chúng cần cặp mắt rất to giúp chúng nhìn rõ. Nhưng Cú vợ tội nghiệp tuổi đã xế chiều, thị lực của chị không còn như xưa; trong mấy tháng qua, Cú vợ phải cần đến kính đeo mắt mỗi khi ra ngoài tìm thức ăn.
Nhưng một đêm nọ, sau khi mặc quần áo, Cú vợ lại quên mang kính, và rời cái lỗ trong cây mà không có cặp kính.
“Ôi anh Cú ơi,” _ Cú vợ phát hiện ra và kêu lên với chồng. “Em để quên kính ở nhà rồi. Anh yêu vào lấy cho em nhé.”
“Ngay bây giờ à?” _ Cú chồng lưỡng lự hỏi.
“Dạ, anh. Em gần như không thấy gì hết. Em sẽ đuổi theo một con nhím gai. ” _ Cú vợ cười khúc khích.
“Ừm…” _ Cú chồng lầm bầm rồi im lặng.
“Cú cú, đi đi anh, đừng run lập cập thế chứ.”
“Anh phải đi sao? Sao em không đi đi?”
“Trời ơi, anh sao vậy?” _ Cú vợ bực bội hỏi.
“Anh hơi… sợ.”
“Sợ ư? Sợ cái gì chứ?”
“Trong đó tối thui, ớn quá.” _ Cú chồng nhăn nhó trả lời.
“Mình ơi, anh đang nói với em anh sợ bóng tối hả?”
Một thoáng im lặng. “Phải.”
“Mình ơi! Anh bình tĩnh đi nào. Làm sao mà anh lại có thể sợ bóng tối cơ chứ?”
“Em đừng cáu với anh mà.” _ Cú chồng sợ sệt năn nỉ vợ.
“Nhưng nó là cái lỗ của tụi mình, nhà của tụi mình mà. Anh biết là không có cái gì đáng sợ trong đó mà. Sợ cái gì chứ?”
“Bóng tối.”
“Thôi nào, mình ơi. Bóng tối chỉ là cái xảy ra khi không có ánh sáng. Nó chỉ là… chỉ là… không là gì cả.” _ Cú vợ giải thích.
“Ừ. Không gì cả. Anh sợ Không gì cả.” _ Cú chồng nói thẳng thừng.
“Anh sợ không có gì ư? Hay đấy, rồi anh có thể lấy cái kính cho em mà. Anh à, thiệt tình mà nói, thỉnh thoảng anh…”
“Không, không. Em không hiểu. Anh sợ một cái gì đó: Anh sợ Không gì cả.”
“Thật vô lý, mình à,” _ Cú vợ cau mày nói. “Anh mới nói một điều, rồi sau đó anh nói ngược lại. Vậy cái nào mới đúng?”
“Cả hai! Em làm ơn nghe này. Anh không thể đi vô cái lỗ đó vì nó tối thui và đầy Không gì cả, điều đó làm anh sợ.”
“Ồ em hiểu rồi,” _ Cú vợ nói, cố phụ họa theo chồng. “Không có gì làm anh sợ?”
“Phải!”
“Vậy thì anh tranh luận về cái gì?”
“Không gì cả.”
“Đúng vậy,” _ Cú vợ nói, giương hai cánh lên. “Kính của em để bên cạnh chỗ để mũ, em nghĩ vậy.”
“Trời,”_ Cú chồng thở dài. “Anh không thể lấy kính cho em. Anh không thể.”
“Lại chuyện rắc rối gì nữa đây?”
“Không gì cả.”
“Tốt. Sao anh cứ nói đi nói lại như con vẹt ấy nhỉ? Anh không phải là con vẹt, anh biết mà, mình ơi. Anh là cú. Nào lẹ lên đi anh.”
Nghe mệnh lệnh, Cú chồng theo bản năng quay về cái lỗ, cho đến khi thấy một vùng tối đen và nhớ lại nỗi sợ của mình. “Ồ, không, bóng tối…”
Và thế là cuộc cãi vã lại tiếp tục. Cú chồng cứ khăng khăng nói rằng anh ta sợ Không gì cả, còn Cú vợ thì không ngừng nói với chồng rằng điều đó nghe hay ho quá và ra lệnh cho chồng đi lấy cái kính của mình. Và hai vợ chồng Cú cứ ngồi mãi trên một khúc cây, cãi nhau cho đến khi trời rạng, như hai con vẹt.
Câu hỏi khởi động 1: Nếu Cú chồng sợ bóng tối, vậy thì anh ta sợ cái gì đó hay không sợ gì cả?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bóng tối không là gì cả hay là một cái gì đó?
• Bóng tối là gì?
• Liệu cuộc tranh cãi của vợ chồng Cú có bao giờ chấm dứt không?
• Có điều gì tốt đẹp về bóng tối không?
• Sợ là gì?
• Tại sao chúng ta hay sợ bóng tối?
Câu hỏi khởi động 2: Nếu Cú chồng sợ Không gì cả, vậy thì anh ta sợ cái gì đó, hay không sợ gì cả?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Không gì cả có phải là một cái gì đó không?
• Có thể sợ không gì cả không?
• Không gì cả có thể đáng sợ hơn một cái gì đó không?
• Không gì cả là gì?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Cái hộp của Immy
✓ Trống rỗng
✓ Bánh rán donut
✓ Cả trang không có gì
✓ Âm thanh của im lặng
✓ Cỗ máy Nếu như: Nghĩ về không gì cả
✓ Suy tưởng: Một điều bí ẩn biến mất
Triết học: Logic, bản thể luận, thuyết hiện sinh và sự khắc khoải, Kierkegaard, Heidegger, Sartre, Tillich.
Âm thanh của im lặng
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Bài tập triết học: Đọc lời bài hát sau đây và hát thầm trong đầu giai điệu nổi tiếng đó. Đừng hát ra tiếng nhé! Nếu bạn đang dạy trong một lớp học, hãy hướng dẫn học sinh nhép môi không ra tiếng để cả lớp cùng nhau “hát trong im lặng”. (Nếu đó là sinh nhật của em học sinh nào đó thì hãy hát thầm trong đầu bài “Happy Birthday” này tặng em ấy!)
Happy Birthday
Happy Birthday to you
Happy Birthday to you
Happy Birthday dear [tên ai đó]
Happy Birthday to you
Khuyết danh
Câu hỏi khởi động Có phải bạn vừa nghe bài “Happy Birthday” đúng không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nghe là gì?
• Âm thanh là gì?
• Âm thanh có tồn tại không nếu nó chỉ ở trong tâm trí bạn?
• Nhà soạn nhạc Beethoven bị điếc hoàn toàn vào cuối đời. Liệu có thể nói ông đã nghe những tác phẩm mà ông soạn khi bị điếc không?
• Nếu Beethoven bị điếc cả đời, liệu ông có trả lời khác không?
• Bạn nghĩ ông có thể soạn những giai điệu như “Ode to Joy” nếu ông bị điếc hoàn toàn từ lúc sinh ra không?
• Bạn có cần phải nghe âm thanh để hình dung ra âm thanh không?
• Nhạc sĩ khiếm thính Evelyn Glennie cảm nhận âm nhạc qua sự rung động của nó. Bạn có thể nghe nhạc theo cách này không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ “Nghe rất êm tai!”
✓ Những ý tưởng xanh lá cây
✓ Nói ra và không được nói ra
✓ Nhạc dương cầm
✓ Suy tưởng: Giữa hai tai tôi
✓ Cỗ máy Nếu như: Nghĩ về không gì cả
Nguồn: Bài này được gợi hứng từ bé Elena 7 tuổi. Em nói “âm nhạc em nghe nằm trong đầu em” khi cả lớp được yêu cầu nghĩ ra nhiều ví dụ về những điều không phải vật chất có thể nằm trong đầu các em, như “tư duy” thay vì “bộ não”. (Hoạt động thảo luận này nằm trong chủ đề Suy tưởng: Giữa hai tai tôi.)
Triết học: Hiện tượng học về âm thanh, bản thể luận về âm thanh/âm nhạc.
Một đống bài tập?
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Bài tập 1
1. Chất đống những thứ nào đó như sách, bút chì, hạt chuỗi, v.v…
2. Bây giờ lấy ra một trong số những thứ ấy. Đó có còn là một đống không?
3. Lấy ra thêm một thứ gì đó. Đó vẫn còn là một đống chứ?
4. Cứ tiếp tục làm như vậy cho đến lúc bạn nghĩ đó không còn là một đống nữa.
Câu hỏi khởi động 1 Khi nào thì nó không còn là một đống? Và tại sao?
Bài tập 2
1. Đặt một cuốn sách/một cây bút chì/một hạt chuỗi/v.v… lên sàn nhà. Đó có phải là một đống không?
2. Đặt thêm bất cứ món gì lên sàn cùng với món đồ trước đó. Bây giờ đó có phải là một đống không?
3. Đặt thêm một món nữa lên trên hai món kia. Bây giờ đó có phải là một đống chưa?
4. Cứ tiếp tục làm vậy cho đến khi bạn nghĩ bạn đã có một đống.
Câu hỏi khởi động 2: Khi nào nó trở thành một đống? Và tại sao?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Một đống là gì?
• Vào thời điểm nào thì một đống trở thành một đống?
• Vào thời điểm nào thì một đống không còn là một đống?
• Vấn đề rắc rối này có giải quyết được không?
• Khi nào thì một đống đúng là một đống và khi nào thì một đống không đúng là một đống?
• Nó có thể không đúng, nhưng cũng không sai không?
• Nó có thể vừa đúng vừa sai không?
• Những bài tập trong trang này có phải là một đống bài tập không?
Hoạt động mở rộng 1
1. Đặt một tờ giấy A4 theo chiều ngang trước mặt bạn.
2. Vẽ hình một em bé ở bên trái tờ giấy và sau đó vẽ hình một đứa trẻ lớn hơn bên phải tờ giấy.
3. Kẻ một đường ngang giữa em bé và đứa trẻ.
4. Đánh dấu X trên đường kẻ ở chỗ mà bạn nghĩ là em bé trở thành đứa trẻ. Bạn có làm được điều đó không?
Hoạt động mở rộng 2
1. Bắt đầu thì thầm.
2. Hãy tưởng tượng có ai đó đang khuếch đại giọng nói bạn lên như thể họ có một cái điều khiển từ xa với nút âm lượng để kiểm soát bạn.
3. Âm lượng càng lúc càng to dần cho đến khi tiếng thì thầm của bạn trở thành tiếng thét.
Câu hỏi khởi động 3: Chính xác thì khi nào một tiếng thì thầm trở thành tiếng thét?
Hoạt động mở rộng 3
Câu hỏi khởi động 4: Viền của đám mây ở đâu?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Một đám mây được làm bằng gì?
• Làm sao bạn tìm thấy cái viền đó?
• Làm sao bạn biết khi nào bạn tìm thấy cái viền của đám mây?
• Khi một đám mây hơi nước thoát ra khỏi ấm đun nước, đâu là cái viền của đám mây hơi nước đó? (Lưu ý quan trọng: Hết sức cẩn thận với hơi nước bay ra từ ấm đun nước!)
• Một đám mây có viền không?
• Khi một đám mây làm mưa thì đâu là nơi đám mây đó kết thúc và cơn mưa bắt đầu?
• Nước hay đá có phải là cùng một thứ với mây không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Vừa đúng-vừa sai
✓ Phil, Soph và cuộc chạy đua ba chân
✓ Sách nhắn tin
✓ Ông ta không còn được một nửa ngày xưa
✓ Cú sút cuối cùng của Zeno
Nguồn: Nghịch lý Sorites Hy Lạp cổ (sorites trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “đống”); cảm ơn David Birch về những hoạt động mở rộng và em Clarissa 11 tuổi về câu hỏi “Viền của đám mây ở đâu?”.
Triết học: Mập mờ, lưỡng nghĩa.
Qua sông và vào rừng
Angie Hobbs
Tuổi bắt đầu học: 9 tuổi
Một ngày sau tiệc sinh nhật lên chín của mình, Lucy cảm thấy rằng những trò vui đó nên tiếp tục. “Vẫn còn là tuần lễ sinh nhật của mình mà”, cô bé nói. Vì đó là một ngày Chủ nhật nắng đẹp trong tháng Năm, mẹ cô bé gợi ý cô nên mời vài người bạn ghé chơi, và tất cả sẽ chuẩn bị một buổi picnic trong rừng cây hoa chuông gần nhà.
Thế là chúng xếp bánh pizza, bánh sôcôla và mứt dâu vào đầy một cái giỏ rồi bắt đầu băng qua mấy cánh đồng, hướng về rừng cây hoa chuông. Ngay trước khi đến khu rừng, chúng phải băng ngang một chiếc cầu gỗ cũ kỹ bắc qua con sông nhỏ, nước sông ồ oạp vỗ vào những tảng đá trắng muốt và lấp lánh dưới ánh mặt trời. Chúng dừng chân ít phút, ném những cành cây nhỏ xuống sông, để rồi thấy những cành cây ấy trồi lên trước tiên từ phía dưới cây cầu. Lucy (đang mang giày ống) ngồi trên cầu, nhúng một chân xuống sông, nhìn cành cây cuộn xoáy quanh đôi giày ống của mình.
Chúng ăn tiệc picnic ngoài trời, dưới gốc một cây sồi cổ thụ to lớn, đầy các mấu, rồi trèo lên cây và vạch một con đường mòn xuyên rừng. Rồi bọn trẻ nằm xuống, chơi game trên điện thoại, người mẹ phản đối. Nhưng cả bọn chẳng để ý đến bà bởi vì chúng đang sung sướng.
Cuối cùng, chúng thu dọn đồ đạc và trở về nhà, lại đi qua cầu. Tất cả những cành nhánh đã biến mất từ lúc nào, ngoại trừ một cành, vẫn còn vướng trong đám cỏ. Chung quanh cành cây bị vướng lại đó, nước cuộn xoáy.
Câu hỏi Khởi động 1: Khi đi qua cầu, có phải tất cả chúng đang băng qua cùng một dòng sông không? Nếu đúng, thì tại sao? Nếu không, thì tại sao không?
Năm sau Lucy đề nghị tổ chức lại buổi đi chơi picnic. Lần này chúng đi chơi sau buổi học, vào ngày thứ Hai. Chúng đi qua cầu (Lucy lại đong đưa chân dưới dòng nước), và thấy rằng một phần bờ sông đã bị sạt lở, có lẽ do cơn bão gần đây. Chúng lại ngồi ăn uống dưới cây sồi và chơi những game mới trên điện thoại di động giữa những cây hoa chuông. Bà mẹ không phản đối nữa và mọi người đều vui vẻ. Họ quay về nhà, dừng chân trên cầu để ném những cành cây nhỏ xuống nước. Cành cây của người mẹ trồi lên đầu tiên.
Câu hỏi khởi động 2: Một năm sau, có phải chúng vẫn đi qua cùng một dòng sông đó? Nếu đúng, thì tại sao? Nếu không, tại sao không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu bạn nghĩ nó vẫn là dòng sông cũ, thì điều gì làm cho nó vẫn là dòng sông cũ?
• Nếu bạn nghĩ nó không phải là dòng sông cũ, thì tại sao (và như thế nào) chúng ta vẫn gọi nó là dòng sông đó?
• Tại sao (và như thế nào) chúng ta vẫn gọi nó cùng một cái tên?
• Làm thế nào chúng ta có thể dùng những từ ngữ ổn định để chỉ những đối tượng không ổn định?
• Cây sồi mà họ đã ngồi dưới gốc trong buổi picnic có phải là cây sồi cũ?
• Lucy lúc 10 tuổi và Lucy lúc 9 tuổi có phải là một người không?
• Nếu mọi sự vật luôn thay đổi ít nhất về một phương diện nào đó, thì điều gì (nếu có) cho phép nó vẫn là cùng một sự vật?
• Nếu mọi sự vật luôn thay đổi, thì thoạt đầu những sự đồng nhất – của dòng sông, cây sồi, Lucy – hình thành như thế nào? Hay có lẽ chỉ có một chút thay đổi thoáng qua và không có những thứ tách biệt?
• Tốc độ thay đổi nhanh hay chậm thế nào có tạo ra sự khác biệt không?
• Nếu các sự vật đơn giản là có khả năng thay đổi, thay vì luôn luôn thay đổi trên thực tế, thì có tạo ra sự khác biệt nào không?
• Thay đổi là gì?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Câu chuyện này dựa trên một nghịch lý của triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus, ông nói rằng bạn không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông, bởi vì những dòng nước khác nhau luôn chảy qua. Đồ đệ của ông, Cratylus, nói rằng bạn không thể tắm trong cùng một dòng sông dù chỉ một lần. Trong một thế giới biến dịch cực độ, những sự đồng nhất thậm chí không thể hình thành. Nói thật nghiêm ngặt, chúng ta không thể nói được gì về một “dòng sông”.
• Bạn có đồng ý với Cratylus không?
• Có ai đồng ý với cách dùng từ của Cratylus không? Hay vị triết gia này đang cho chúng ta bức tranh về một thế giới mà trong đó ngôn ngữ không thể tồn tại? (Cratylus rõ ràng đã từ chối trả lời các câu hỏi, chỉ ngồi im đó thôi.)
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Sự phô bày tính đồng nhất
✓ Phần “Tính đồng nhất cá nhân”
✓ Người bút chì gặp Người bút chì!
✓ Cỗ máy Nếu như: Chiếc thuyền Theseus
✓ Suy tưởng: Dòng chảy
Nguồn: Triết gia trước Socrates, Heraclitus, và đồ đệ của ông, Cratylus.
Triết học: Tính đồng nhất, thay đổi/biến dịch.
Mưu mẹo
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 10 tuổi - Nâng cao
Ali nghe nói rằng nếu chà xát những cây đèn thần, người ta sẽ phóng thích các vị thần, và cậu ta còn nghe rằng các vị thần sẽ ban điều ước cho ai giúp họ thoát khỏi cây đèn.
Suốt ba tuần nay, Ali đã chà xát những cây đèn, hầu như không ngừng tay. Cậu rất mệt, thấy chán và sắp bỏ cuộc thì đột nhiên cây đèn mà cậu đang chà bừng sáng lên. Cậu kinh ngạc đến mức đánh rơi nó, vì từ lâu cậu đã từ bỏ ý nghĩ rằng những cái đèn như thế còn tồn tại. Một làn khói xanh bay ra từ họng đèn và chẳng bao lâu sau Ali đã thấy một vị thần đang ngồi trên một đám mây kỳ lạ tụ lại phía trên cây đèn.
“Ta chính là thần đèn,” – vị thần nói bằng một giọng trầm vang,“ – và ta là vị thần hùng mạnh nhất mà ngươi từng gặp”.
“Ồ, tuyệt quá… vì ngài là vị thần duy nhất tôi từng gặp.” – Ali thản nhiên đáp.
“Nhưng nếu ngươi đã gặp một ngàn vị thần thì ta vẫn là người quyền năng nhất,” – vị thần tiếp tục khoác lác, –”vì ta được gọi là Vị Thần Tài Trí Toàn Năng, à này, thế nghĩa là 'quyền năng tối thượng' …”.
Thực tế là Ali đã phải ngồi nghe suốt gần nửa giờ đồng hồ rằng quyền lực của vị thần “quyền năng tối thượng” hùng mạnh đến thế nào và trước khi vị thần cuối cùng cũng tuyên bố rằng ông ta sẽ ban những điều ước cho bất kỳ ai giải thoát mình, Ali đã rất chán nản và bực bội với những lời khoác lác đó. Cậu cũng thất vọng khi phát hiện rằng vị thần này chỉ ban có hai điều ước, trong khi Ali nghe nói các vị thần sẽ ban đến ba điều!
Rốt cuộc vị thần cũng kết thúc bài phát biểu lê thê của mình và nói: “Giờ ta sẽ ban cho ngươi hai điều ước. Ngươi có thể ước bất cứ điều gì ngươi muốn, và nhớ rằng: không có gì là không thể đối với Vị Thần Tài Trí Toàn Năng ta đây!”.
Vì bực mình trước những lời khoác lác quá thể đó, Ali bèn nghĩ ra những điều ước mưu trí mà cậu biết là sẽ bịt mồm vị thần này một lần và mãi mãi. Thần với thánh! cậu thầm nghĩ.
“Tôi ước…” – Ali nói bằng giọng đầy tinh quái, – “ngài tạo ra một quả núi mà ngài không dời chuyển được”.
“Không có gì là không thể đối với Vị Thần Tài Trí Toàn Năng.” – Vị thần nói và làm điệu bộ ban điều ước. Trong khoảnh khắc một trái núi khổng lồ hiện ra sừng sững trước mặt hai người.
“Ngài có chắc là ngài không thể dời chuyển nó không?” – Ali hỏi.
“Chắc chứ!” – Vị thần cam đoan, dù Ali thấy có vẻ như ông ta chẳng cố gắng chút nào. “Giờ ước điều thứ hai đi.” – Vị thần nóng nảy thúc giục.
“Được rồi. Điều ước thứ hai, tôi ước…” – Ali hấp háy mắt còn tinh quái hơn, – “rằng ngài dời chuyển được quả núi mà ngài vừa tạo ra này!”.
“Ơ, nhưng mà… nhưng mà…” – Vị thần tỏ ra lúng túng.
“Thế này là để dạy cho ngài biết rằng đừng có khoác lác về cái gì mình không có!” – Ali nói. Nhưng rồi Ali nhận ra cậu đã phí phạm khi nghĩ ra những điều ước mưu mẹo chỉ để đánh lừa vị thần, rồi giờ đây không còn điều ước nào cho chính nó. Ôi trời! Ali ngớ ngẩn thật!
Câu hỏi khởi động: Nếu vị thần quyền năng tối thượng có thể làm bất kỳ điều gì, liệu ông ta có thể ban cả hai điều ước đó được không? Hai điều ước sau:
Điều ước 1: Tạo ra một quả núi mà vị thần không thể dời chuyển.
Điều ước 2: Dời chuyển chính quả núi mà vị thần vừa tạo ra.
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có phải không có gì là không thể đối với vị thần đó?
• Có phải không có gì là không thể không?
• Ý Ali là gì khi nói với vị thần rằng ông ta không nên khoác lác về cái mình không có? Cái mà vị thần không có là cái gì?
• Ali nghĩ ra điều gì là không thể đối với vị thần chưa?
• Ali đã chứng tỏ được rằng suy cho cùng vị thần nọ chẳng toàn năng gì cả chưa?
• Bạn có nghĩ ra được điều gì hoàn toàn không thể thực hiện không?
• Điều gì sẽ xảy ra nếu vị thần có thể ban điều ước đó?
• Điều gì sẽ xảy ra nếu vị thần không thể ban điều ước đó?
• “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Luke 1:37). Hãy thảo luận câu Kinh thánh này.
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Phần “Thời gian”
✓ Vài bài toán với số 0
✓ Về chính nó
✓ Vừa đúng-vừa sai
✓ Chỉ thử nghiệm thôi!
✓ Suy tưởng: Điều bất khả và những điều bất khả hơn
Nguồn: Ibn Rushd (ở phương Tây gọi là Averroes) và nghịch lý về sự toàn năng.
Triết học: Triết học về tôn giáo, khả thể logic.
Chỉ thử nghiệm thôi!
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 9 tuổi - Nâng cao
Hãy tưởng tượng trước khi Thượng Đế tạo ra mọi sự, ngài quyết định trước hết sẽ tạo ra chỉ một thứ. Ngài quyết định tạo ra một hành tinh, chỉ để thử nghiệm những kỹ năng sáng thế của mình. Ngài đã làm thế: kazoom!
Câu hỏi khởi động: Hành tinh mà Thượng Đế đã tạo ra có lớn không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Lớn là lớn như thế nào?
• Điều gì quyết định kích cỡ của một cái gì đó?
• Kích cỡ là gì?
• Một thứ gì đó có thể tự thân là lớn được không?
• Kích cỡ có phụ thuộc vào sự so sánh không?
• Nếu không có gì để so sánh với hành tinh đó thì nó sẽ có kích cỡ thế nào?
• Thượng Đế có kích cỡ thế nào?
• Lớn có phải là lớn không?
• Có thứ gì mà chỉ có lớn và không bao giờ nhỏ không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Mưu mẹo
✓ Hình vuông số 2
✓ Thần Zeus làm gì khi buồn chán
✓ Cỗ máy Nếu như: Cái bóng của Kim tự tháp
✓ Suy tưởng: Những điều kỳ diệu về con số
Nguồn: Thí nghiệm trong tư tưởng này nảy sinh trong cuộc thảo luận với một số học sinh 11 tuổi về chủ đề “những con số được tạo ra hay khám phá ra”.
Triết học: Các khái niệm tương quan, bản chất của con số.
Cả trang không có gì
Sophia Nikolidaki
Câu hỏi lớn
Chọn một trong số những câu hỏi dưới đây. Bạn có thể trả lời nó không? (Ngoài ra, bạn có thể chọn ngẫu nhiên một con số từ 1 đến 21 và cố gắng trả lời câu hỏi mang số thứ tự đó.)
Các câu hỏi khởi động
1. Một cái gì đó có thể chứa đầy cái không có gì không?
2. Cái không có gì có tồn tại không?
3. Có một chỗ dành cho cái không có gì không?
4. Liệu bạn có thể một lúc nào đó thực sự muốn nói rằng “bạn đang không làm gì cả” không?
5. “Không có gì” nghĩa là gì?
6. Có cái gì đó có thể thay thế cho cái không có gì không?
7. Liệu có phải “không có gì” chỉ là một cụm từ? Trong trường hợp đó, liệu chúng ta có thể khẳng định rằng “ở đó không có gì cả” không?
8. Một âm thanh có thể phai nhạt dần thành không có gì không?
9. Có phải số 0 là không có gì?
10. Bạn có thể vẽ cái không có gì đó được không?
11. Có lúc nào không có gì sẽ có ích không?
12. Tại sao chúng ta lại dùng cụm từ “không có gì” để ca ngợi một điều gì đó? (ví dụ: Câu “không có gì tốt hơn một tách trà ngon” có ý nghĩa gì?)
13. Liệu ai đó/điều gì đó có thể không là gì không?
14. Bạn có thể không cảm thấy/nghĩ/làm gì không?
15. “Tình trạng không quan trọng” và “tình trạng không có gì” có đồng nghĩa không?
16. Cái gì có trước không có gì?
17. Cái gì đến sau không có gì?
18. Ảo giác có phải là một dạng của không có gì không?
19. Bạn có thể ẩn giấu (sự) không có gì không?
20. Sự ẩn giấu có biến dần thành không có gì không?
21. Có cái gì ít hơn không có gì không?
Còn câu hỏi nào về không có gì nữa không? Bạn có thể tiếp tục lấp đầy trang này không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Cái hộp của Immy
✓ Một cái lỗ không chứa gì
✓ Bánh rán donut
✓ Trống rỗng
✓ Cỗ máy Nếu như: Nghĩ về không gì cả
✓ Suy tưởng: Một điều bí ẩn biến mất, Ngài Không Ai Cả đâu rồi?
Triết học: Triết gia trước Socrates, Parmenides, và cái không, Sartre, Heidegger.
Tiểu hành tinh của BURIDAN
Robert Torrington
Tuổi bắt đầu học: 9 tuổi
Trong 3.141 năm, máy tính Nghiên cứu, Nhận diện, Định nghĩa và Điều hành Vũ trụ Nhân từ (gọi tắt là BURIDAN) đã hướng dẫn những thành viên còn sót lại của loài người đi xuyên không gian trong cuộc tìm kiếm một thế giới mới của nó. Toán học cao cấp, suy luận và logic hoàn hảo đã giúp loài người an toàn suốt hàng nghìn năm.
Nhưng một ngày nọ, BURIDAN cho ngừng chiếc tàu không gian lại.
Cách đó đúng 100 năm ánh sáng về phía trái là một tiểu hành tinh đủ lớn để con người có thể sống được. Nhưng cũng đúng 100 năm ánh sáng về phía phải là một tiểu hành tinh thứ hai giống hệt tiểu hành tinh kia. Mỗi tiểu hành tinh có hình dạng và kích cỡ giống hệt nhau. Mỗi tiểu hành tinh cách tàu không gian một khoảng bằng nhau (đều là 100 năm ánh sáng). Cả hai giống hệt nhau. Thực vậy, nếu chúng không nằm ở hai vị trí khác nhau, bạn hẳn đã nghĩ rằng chúng là một. Không có gì khác biệt giữa hai chọn lựa, mà không thể cùng lúc đi theo cả hai hướng. BURIDAN không có lý do nào để chọn cái này hay cái kia. Cho nên chiếc tàu đã ngừng lại.
Phi hành đoàn hỏi BURIDAN tại sao chiếc tàu lại ngừng, và được trả lời đúng những gì đã diễn ra.
“Cứ chọn một đi, BURIDAN.” – Họ yêu cầu.
“Tôi sẽ chọn sao đây?” – BURIDAN đáp.
“Điều đó không quan trọng – cứ chọn đại một cái đi, bên trái hoặc bên phải cũng được.”
“Sự lập trình của tôi chỉ cho phép tôi hành động phù hợp với lý tính. Tôi chỉ được tự do làm những gì hợp logic. Nhưng giờ không có lý do nào để chọn một trong hai. Tôi sẽ hành động phi logic nếu tôi chọn cả hai.”
“Nhưng thật ngớ ngẩn nếu cứ ngồi đây mà không làm gì cả. Nếu cuối cùng ngươi không di chuyển, thì chúng ta sẽ kẹt ở đây mãi mãi.”
“Nhưng dù sao vẫn không có phương cách logic nào để quyết định hết.”
Câu hỏi khởi động: Có phương cách logic nào để đưa ra quyết định không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn (theo các chủ đề)
Logic và lý tính
• Hành động hợp logic là gì?
• Logic là gì?
• Lý tính là gì?
• BURIDAN có đúng khi ngừng lại không?
• BURIDAN nên quyết định sẽ làm như thế nào?
• Chúng ta có suy nghĩ như BURIDAN không?
• Chúng ta có hợp logic, trái logic và phi logic (sự khác nhau giữa trái logic và phi logic là gì?) không?
• Bạn thích cái nào hơn: hợp logic hay trái logic?
• Hợp logic quan trọng như thế nào?
Tự do và tư tưởng
• BURIDAN chỉ có thể làm điều gì hợp logic; vậy thì BURIDAN có tự do không?
• Bạn có tự do không nếu bạn chỉ làm điều gì hợp logic?
• Khi nào bạn tự do?
• Chúng ta có tự do không?
• Tự do là gì?
Tính đồng nhất và vật lý học
• Có thể có hai sự vật đồng nhất không?
• Đồng nhất nghĩa là gì?
• Một sự vật có thể ở hai nơi cùng một lúc không?
• Anh em sinh đôi có đồng nhất không?
• “1+1” có đồng nhất với 2 không?
• Bạn có đồng nhất với bạn không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
Tự do và logic:
✓ Những bài trong phần “Tự do”
✓ Sự lựa chọn của Charlie
✓ Nelly nói không
✓ Sự thú nhận tình cờ
✓ Cố quên
✓ Cậu bé đèn giao thông (3)
✓ Suy tưởng: Trí óc và não bộ, Bạn có tự do không?
✓ Cỗ máy Nếu như: Lời nói dối, Ếch và Bọ cạp.
Tính đồng nhất:
✓ Người bút chì gặp Người bút chì!
✓ Máy sao chép
✓ Sự phô bày tính đồng nhất (3): Bản sao cơ thể
✓ Qua sông và vào rừng
✓ Cỗ máy Nếu như: Chiếc thuyền Theseus, Tái thiết
✓ Suy tưởng: Dòng chảy
Nguồn: Câu chuyện về con lừa của Buridan, trong đó con lừa không thể chọn giữa hai bó cỏ cách nó một khoảng bằng nhau. Con lừa đành chịu đói đến chết! Câu chuyện này được chế ra để trêu chọc triết học về ý chí tự do của Jean Buridan.
Triết học: Con lừa của Buridan, logic, Leibniz và “quy luật của Leibniz”, tính đồng nhất, sự đồng nhất của những cái không thể phân biệt.
Phil, Soph và món kem
Philip Cowell
Tuổi bắt đầu học: 5 tuổi
Ngồi ngả lưng ra sau, dưới những tia nắng cuối cùng, khi kết thúc một ngày dài chơi đùa, Phil và Soph đang thưởng thức thời khắc yên tĩnh với những ly kem. “Ngon tuyệt!” – Phil vừa nói vừa múc một muỗng kem to đưa lên miệng. Soph cũng múc một muỗng đầy. “Mình biết,” – cô bé nói. – “Mình thích một ly kem sôcôla màu xanh!”
Phil nghĩ một lúc rồi nói: “Mình thì muốn thử một loại kem có vị kem”.
Cảm nhận có sự cạnh tranh, và sau khi ăn thêm một muỗng đầy kem thơm ngon, Soph nói: “Mình lại muốn một thứ kem không mùi vị!”.
Các câu hỏi khởi động
1. Kem sôcôla màu xanh sẽ có vị thế nào?
2. Kem có vị kem sẽ có mùi vị thế nào?
3. Có thể có một loại kem không mùi vị không? (Có loại thức ăn hay thức uống nào mà không có mùi vị không?)
Phil lúc này thậm chí trông trầm tư hơn, và sau một hồi suy nghĩ, nó nói: “Mình thắc mắc không biết có thứ gì không mùi, không vị, không màu sắc, không âm thanh và không sờ được không nhỉ”.
Cả hai cùng im lặng suy nghĩ về câu hỏi của Phil trong lúc nhóp nhép ăn hết phần kem của mình.
Câu hỏi khởi động 4: Bạn có nghĩ ra cái gì (không chỉ thức ăn mà bất cứ thứ gì ) không vị, không mùi, không màu sắc, không âm thanh và không sờ được không?
[Cố gắng trả lời Câu hỏi khởi động 4 trước khi xem những gợi ý dưới đây nhé.]
Bạn nghĩ sao về:
1. Nước?
2. Không khí?
3. Từ ngữ?
4. Các cảm xúc (như yêu, giận, v.v…)?
5. Suy nghĩ?
6. Không có gì (như trong “cái không”)? Câu hỏi: Không có gì có phải là một điều gì đó không? Bạn có nghĩ ra cái gì khác không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Tại sao một thứ gì đó lại có vị của thứ đó?
• Kem có màu sắc không?
• Bạn có thể có một thứ kem không màu sắc không?
• Bạn có thể có một thứ kem không màu, không mùi vị, không âm thanh và không sờ được không?
• Giả sử bạn là Phil và bạn muốn có một món kem thú vị về mặt triết học như ly kem của Soph. Vậy “món kem triết học” của bạn sẽ như thế nào?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Những câu chuyện Phil và Soph khác
✓ Ai là triết gia?
✓ Cô gái dơi
✓ Những suy đoán tô hồng
✓ Thêm những câu hỏi hóc búa về màu sắc
✓ Vịt và thỏ
Triết học: Triết học về màu sắc và mùi vị, cảm thụ tính, bản chất của tư duy, những nghịch lý.
Những cuộc phiêu lưu triết học của Người bút chì
Những bài học này có thể hòa trộn dễ dàng với nhau vì có nhiều sự chồng chéo, trùng lặp về ý tưởng. Chẳng hạn, nếu phần thảo luận trong bài “Giới thiệu Người bút chì” dẫn đến sự phân biệt giữa các kiểu loại (types) và những sự vật cá thể thì thực hành bài “Người bút chì gặp Người bút chì!” sẽ giúp tập trung vào vấn đề đó.
Giới thiệu Người bút chì
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Giáo cụ: Bốn (hay tám) cây bút chì, một cuốn sách, một trái banh (hay bất kỳ vật nào có thể làm một cái “đầu” và một “cơ thể” – Tuy nhiên, Người bút chì thì phải có các cây bút chì để là “Người bút chì”.
Hướng dẫn lắp ráp: Lấy ra bốn (hay tám) cây bút chì, một cuốn sách và một trái banh. Đặt cuốn sách trên nền nhà sao cho cuốn sách hướng thẳng về phía bạn. Sau đó, đặt những cây bút chì ở bốn góc của cuốn sách để làm tay và chân. Cuối cùng, đặt trái banh lên phía trên để làm cái đầu.
(Đối với các học sinh bé hơn, thì trước, trong và sau khi lắp ráp Người bút chì, hãy đọc và ngâm nga bài thơ “Người bút chì”).
Suy tưởng: Người bút chì
Tôi là một người làm bằng những cây bút chì
Ồ, có thể không phải hoàn toàn như vậy
Tôi có những cây bút chì làm tay và chân
Cuốn sách là thân mình
Và đầu tôi là trái banh.
Nào, đây là câu hỏi cho bạn
Đủ khiến bạn phải cắn cây bút chì của mình:
Tôi là bao nhiêu sự vật?
Tôi là Một hay Nhiều?
Tuy rõ ràng được làm từ những vật dụng.
Câu hỏi khởi động: Có bao nhiêu vật ở đây (chỉ vào Người bút chì được lắp ráp nằm trên nền nhà)?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có phải Người bút chì là một sự vật?
• Có phải Người bút chì là nhiều sự vật? Nếu vậy, có bao nhiêu sự vật?
• Người bút chì là người?
• Bạn có thể đưa ra bao nhiêu câu trả lời khác nhau cho Câu hỏi khởi động ở trên?
• Có thể có một sự vật và nhiều sự vật không? Cùng một lúc?
• Một “sự vật” là gì?
• Một “vật thể” là gì?
• Các bộ phận có cần được kết nối để thành một sự vật không?
• Có phải nó chỉ phụ thuộc vào cách ta nhìn nó không?
• Ai đó có thể sai khi nói có bao nhiêu sự vật không?
• Triết gia Aristotle nói: “Toàn thể thì khác với tổng các bộ phận của nó”. Bạn nghĩ vị triết gia này muốn nói gì?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Chỉ thử nghiệm thôi!
✓ Hình vuông số 2
✓ Vài bài toán với số 0
✓ Ý tưởng con dao
✓ Người bút chì biến mất
✓ Người bút chì gặp Người bút chì!
✓ Có bao nhiêu con chó?
✓ Một đống bài tập?
✓ Suy tưởng: Những điều kỳ diệu về con số
Nguồn và triết học: Thuyết bộ phận-tổng thể, Aristotle và vấn đề đơn thể và đa thể.
Người bút chì biến mất
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 9 tuổi
Lưu ý cho giáo viên: Nếu thực hành bài này với một lớp học, bạn có thể diễn tương tự như nhà ảo thuật thay vì đọc câu chuyện.
Nhà ảo thuật nói rằng ông ta sẽ làm cho Người bút chì biến mất: “Không, không chỉ biến mất thôi đâu,” – nhà ảo thuật nói. – “Tôi sẽ làm cho Người bút chì không còn tồn tại nữa!” Từ hàng ghế khán giả, có thể nghe rõ mọi người cùng hít sâu vào.
Tiếng trống bắt đầu giục liên hồi. Đèn mờ dần. Mọi người có thể cảm nhận được sự hào hứng trong khán phòng. Đột nhiên nhà ảo thuật đặt Người bút chì vào cái túi vải và, toàn thể khán giả có thể nhìn thấy rõ, ông ta mang cái túi ra khỏi phòng rồi đặt nó lên sàn nhà. Sau đó, ông quay lại phòng, đóng cửa, chạy vội về sân khấu và nói – trong khi vung vẫy “hai bàn tay sặc sỡ”: “Ta đa! Người bút chì không còn tồn tại nữa!” .
Sau một hồi im lặng vì sốc, một người trong khán phòng nói, hơi ngập ngừng: “Nhưng mà ông đặt Người bút chì trong cái túi rồi đem ra ngoài kia để xuống sàn mà”.
“Phải rồi, thì sao?” – Nhà ảo thuật trả lời vị khán giả đang thất vọng.
“À thì, Người bút chì vẫn tồn tại mà, nó chỉ không ở trong phòng nữa thôi.” – Vị khán giả bất bình nói.
Nhà ảo thuật bắt đầu tỏ vẻ khó chịu và ông hướng về phía kẻ chống đối, giận dữ nói: “Vậy anh nói cho tôi biết xem anh có thể làm cách nào khác để Người bút chì không còn tồn tại nữa?”
Câu hỏi khởi động: Làm cách nào để Người bút chì không còn tồn tại nữa?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu đốt cháy hay tháo rời các cây bút chì, cuốn sách và trái banh thì có đạt hiệu quả mong muốn không?
• Có thể làm cho một điều gì đó không còn tồn tại nữa không?
• Một điều nào đó có thể tồn tại trong ký ức của chúng ta không?
• Nếu một điều nào đó từng tồn tại, thì có phải nó sẽ luôn tồn tại, bất kể chuyện gì xảy ra với nó không?
• Nếu một điều gì đó chưa từng tồn tại thì sao? Nó sẽ không tồn tại phải không?
• Bạn có thể làm cho một điều tồn tại không tồn tại vào lúc này được không? Nếu được, thì đó là cái gì?
Sau một hồi tranh cãi liệu Người bút chì có còn tồn tại hay không, nhà ảo thuật nảy ra một ý tưởng. Ông phóng ra ngoài và đem cái túi trở lại phòng. Ông lấy hết tất cả bút chì, cuốn sách và trái banh ra khỏi cái túi rồi đặt từng cây bút chì vào các hộp bút chì khác nhau của mọi người, nằm rải rác ở những nơi khác nhau trong căn phòng. Ông đặt cuốn sách lên kệ giữa nhiều cuốn sách khác và trái banh thì bỏ vào cái hộp đầy những trái banh đủ loại.
“Thấy chưa!” – Ông ta kêu lên. – “Nào, chắc chắn là giờ Người bút chì không còn tồn tại nữa!”
Câu hỏi khởi động 2: Nhà ảo thuật đã làm được chưa? Có phải ông ta đã làm cho Người bút chì không còn tồn tại nữa phải không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Những bộ phận của một thứ gì đó phải được sắp xếp như thế nào để nó tồn tại?
• Nếu các bộ phận vẫn tồn tại, thì phải chăng vật mà các bộ phận đó tạo nên vẫn tồn tại?
• “Tồn tại” nghĩa là gì?
• Người đàn ông ấy có phải là nhà ảo thuật không?
• Nếu bạn xếp một tờ giấy thành cái máy bay, ném cho nó bay qua căn phòng, sau đó mở tờ giấy ra lại, thì liệu chiếc máy bay giấy còn tồn tại không? Nào, thử làm đi.
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Ý tưởng con dao
✓ Bánh rán donut
✓ Một đống bài tập?
✓ Phần “Tính đồng nhất cá nhân”
✓ Giới thiệu Người bút chì
✓ Người bút chì gặp Người bút chì!
✓ Sự hạn hẹp của thời gian
✓ Cỗ máy Nếu như: Cái ghế, Bị nhồi nhét, Đến rìa của vô tận
✓ Suy tưởng: Không gian, thời gian và những thứ kỳ quặc khác
Nguồn: Ibn Sina (Avicenna) và sự tồn tại tất yếu và bất tất – được tạo cảm hứng bởi một phần “chứng cứ” của ông về sự hiện hữu của Thượng Đế.
Triết học: Bản thể luận, tồn tại, khái niệm về một vật.
Người bút chì gặp Người bút chì
Roger Sutcliffe
Tuổi bắt đầu học: 5 tuổi
Làm theo những hướng dẫn ở trang 67 để tạo ra hai Người bút chì, xếp cạnh nhau, sao cho chúng có vẻ ngoài y hệt nhau.
Câu hỏi khởi động: Chúng giống hay khác nhau?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Chúng có cùng là một loại sự vật không?
• Chúng có thể khác nhau ở bao nhiêu khía cạnh?
• Nếu chúng khác nhau ở quá nhiều khía cạnh, thì tại sao người ta đồng ý rằng chúng rốt cuộc vẫn cùng một loại?
• Bạn có thể nhìn quanh và xác định được hai vật vốn là hai vật khác loại, nhưng lại “giống nhau” ở ít nhất một khía cạnh được không?
• Các vật khác nhau có thể giống nhau theo cách nào không? Nếu có, thì như thế nào?
• Cái gì làm cho một điều gì đó vẫn là nó?
• “Giống” có nghĩa chính xác là gì? “Khác” có nghĩa chính xác là gì?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Giới thiệu Người bút chì
✓ Người bút chì biến mất
✓ Phần “Tính đồng nhất cá nhân”
✓ Có bao nhiêu con chó?
✓ Vịt và thỏ
✓ Qua sông và vào rừng
✓ Pinka và Arwin chu du trái đất (2): Bổ sung thêm tinh thần
✓ Cỗ máy Nếu như: Bạn ở một hành tinh khác, Bạn có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông được không?
Triết học: Tính đồng nhất, tính đồng nhất về loại và biểu hiện, cái phổ quát và cái đặc thù, Plato và các Mô thức.
Siêu hình học: Thời gian
Suy tưởng: Điều bất ngờ dành cho sinh nhật!
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Tôi có thể đi lùi lại
Hoặc cứ đi thẳng
Tôi có thể rẽ ngang;
Trái hoặc phải.
Peter Worley
Nhưng liệu tôi có thể đi xuyên thời gian
Tới trước hay quay về;
Bạn nghĩ
Tôi có thể làm được không?
Tôi ước gì tôi có thể
Vì lúc đó tôi sẽ
Chào mẹ tôi
Nhưng để có điều bất ngờ dành cho sinh nhật
Tôi sẽ cất tiếng “Chào”
Ngay trước khi
Tôi chui ra khỏi bụng mẹ!
Của bạn (xem Một bài thơ của bạn? ở trang 87 để biết cách thức)
Câu hỏi khởi động: Nếu có cỗ máy thời gian, liệu bạn có thể du hành đến khoảng thời gian trước khi bạn ra đời không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn có nghĩ rằng chúng ta có thể du hành xuyên thời gian như chúng ta đi xuyên không gian, đi tới và lùi lại, rẽ trái và rẽ phải, được không?
• Sẽ như thế nào nếu như đi về bên trái hay bên phải khi du hành xuyên thời gian? Bạn nghĩ chuyện đó có thể xảy ra không?
• Liệu du hành đến khoảng thời gian trước khi bạn ra đời có dẫn đến mâu thuẫn không (ví dụ: chuyện bạn xuất hiện ở đó là vừa đúng vừa sai vì lúc đó bạn chưa sinh ra)?
• Liệu có ngày nào đó cỗ máy thời gian sẽ được chế tạo ra không, hay không thể có một cỗ máy như thế?
• Với cỗ máy thời gian, bạn có thể gặp chính bạn được không?
• Nếu bạn có thể gặp chính bạn khi còn trẻ, bạn sẽ nói gì với con người hồi trẻ của mình? Bạn có lời khuyên gì không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Một bài thơ của bạn?
✓ Về chính nó
✓ Người hùng không tồn tại
✓ Cô gái đến từ hôm qua
✓ Suy tưởng: Không gian, thời gian và những thứ kỳ quặc khác
Nguồn và Triết học: Triết học về du hành xuyên thời gian, bài viết “Những nghịch lý của du hành xuyên thời gian” của David Lewis.
Sự hạn hẹp của thời gian
Peter Cave
Tuổi bắt đầu học: 10 tuổi - Nâng cao
Câu hỏi khởi động 1 (để suy nghĩ trước khi đọc câu chuyện): Quá khứ và tương lai có tồn tại không?
Samantha nói: “Quá khứ không tồn tại – suy cho cùng, nó là quá khứ, đã qua hẳn rồi. Nó không tồn tại nữa. Bạn chỉ có thể có những ký ức về nó”.
Stanley nói: “Tương lai không tồn tại – suy cho cùng, nó là tương lai, nên rất xa xôi. Nó chưa tồn tại. Bạn chỉ có thể đoán những gì sẽ xảy ra”.
Sue nói: “Ừ thì, ít nhất hiện tại tồn tại – và mình sống trong hiện tại. Vậy là ổn rồi”.
“Khoan đã,” – Samantha và Stanley cùng lên tiếng, – “hiện tại kéo dài bao lâu trong thời gian? Nếu nó có độ dài – một giờ, một phút, một giây – thì một phần của nó hẳn phải ở trong quá khứ hoặc trong tương lai chứ. Vậy, bây giờ là bao lâu?”.
Câu hỏi khởi động 2: Bây giờ là bao lâu?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bây giờ nghĩa là gì?
• Bây giờ là ở đâu?
• Bây giờ có luôn vận động hay bây giờ đứng yên?
“Được rồi,” – Sue trả lời, nhưng khoảnh khắc bây giờ cảm thấy bị ép chặt bởi thời gian, càng lúc càng mỏng đi trong thời gian. “Hiện tại là một khoảnh khắc, một đường kẻ ở giữa quá khứ và tương lai.”
“A ha,” – Samantha và Stanley đồng thanh reo lên. – “Tương lai không tồn tại; quá khứ không tồn tại. Cho nên, hiện tại chỉ là một đường kẻ giữa hai thứ không tồn tại. Nhưng đó là điều bất khả. Làm sao có thể có một đường kẻ, một ranh giới, một hàng rào, giữa hai thứ không tồn tại?”
Sue tự thấy bản thân mình cũng mỏng dần, mỏng dần với ý nghĩ – mỏng đến nỗi cô biến mất vào hư vô luôn.
Câu hỏi khởi động 2 (lặp lại): Quá khứ và tương lai – và cả hiện tại nữa – có tồn tại không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn có thể đưa ra những lý do nào để lý giải tại sao quá khứ, hiện tại và tương lai không tồn tại?
• Quá khứ có tồn tại không, nếu không có tương lai?
• Hiện tại – bây giờ – kéo dài bao lâu?
• Nếu quá khứ không tồn tại, thì làm sao bạn có ký ức về nó?
• Thời gian trông thế nào? Nó chuyển động ra sao? Hình dạng của nó thế nào? Nó làm gì?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Những bài khác trong phần “Thời gian” (đặc biệt là các bài “ Kéo dài thời gian”, “Máy đóng băng thời gian”, “Cỗ máy thời gian”, “Cô gái đến từ hôm qua”)
✓ Trống rỗng
✓ Suy tưởng: Từ tôi đến bạn và không gian, Thời gian và những thứ kỳ quặc khác, đặc biệt là bài Cạn kiệt dần.
✓ Triết học: Triết học về thời gian, Thánh Augustine với thuyết hiện tại, McTaggart với thời gian tĩnh và thời gian động.
Trống rỗng
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Hãy hình dung ra một khoảng trống rỗng. Không có gì trong khoảng trống rỗng, ngoài… sự trống rỗng!
Câu hỏi khởi động 1: Có thời gian trong khoảng trống rỗng không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu không có gì xảy ra trong khoảng trống rỗng, vậy có thời gian không?
• Nếu không có gì thay đổi trong khoảng trống rỗng, vậy có thời gian không?
• Thời gian là gì?
• Thay đổi là gì?
• Có phải thời gian là cái gì đó khác với sự thay đổi không?
• Triết gia Aristotle nghĩ rằng “thời gian là thước đo sự thay đổi”. Bạn có đồng ý với ông không? Nếu không có sự thay đổi xảy ra trong không gian trống rỗng, thì Aristotle nghĩ ở đó có thời gian hay không?
Câu hỏi khởi động 2: Có không gian trong khoảng trống rỗng không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu không có gì trong không gian, vậy ở đó có không gian không?
• Không gian là gì?
• Thế giới sẽ như thế nào nếu không có không gian?
• Khoa học gia Isaac Newton nghĩ rằng phải có không gian trong khoảng trống rỗng bởi vì cần phải có không gian nếu có cái gì để đặt vào đó. Triết gia Gottfried Leibniz thì nghĩ rằng không có không gian nào trong khoảng trống rỗng bởi vì không gian chỉ hiện hữu khi nào có một cái gì đó để có không gian ở giữa. Bạn có đồng ý không và tại sao?
• Triết gia Immanuel Kant lại nghĩ rằng thời gian và không gian chỉ hiện hữu nếu có ai đó suy nghĩ về chúng. Bạn đồng ý hay không đồng ý?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Sự hạn hẹp của thời gian
✓ Cái hộp của Immy
✓ Bánh rán donut
✓ Một cái lỗ không chứa gì
✓ Cả trang không có gì
✓ Cỗ máy Nếu như: Nghĩ về không gì cả
✓ Suy tưởng: Không gian, thời gian và những thứ kỳ quặc khác, đặc biệt là bài Không gian
Nguồn và Triết học: Aristotle nói về thời gian, Newton với không gian tuyệt đối, Leibniz với không gian tương đối, Kant với không gian và thời gian tiên nghiệm, “Thời gian không thay đổi” của Sydney Shoemaker.
Thời gian của Siêu Nhóc!
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Siêu Nhóc là một siêu anh hùng với những siêu quyền lực nhưng tâm trí thì vẫn là tâm trí trẻ con. Một hôm Siêu Nhóc đang chơi game trên máy tính và cậu thua siêu đậm. Cậu cảm thấy siêu giận và muốn chơi lại. Nhưng thay vì đơn giản là bấm nút “bắt đầu chơi lại” trên bàn phím thì cậu quyết định sẽ làm cho thời gian đi siêu lùi để chơi lại màn game cũ nhưng lần này không bị siêu thua! Thế là cậu bay lên trên đỉnh Everest, nắm gọn trong tay cả quả núi và dùng sức mạnh siêu phàm của mình làm cho Trái đất quay theo chiều ngược lại để thời gian cũng đi theo chiều ngược lại luôn.
Câu hỏi Khởi động: Nếu thế giới quay theo chiều ngược lại, thì có khiến thời gian đi lùi lại không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Thời gian có chuyển động không?
• Chuyển động của trái đất có gây nên chuyển động của thời gian không?
• Bạn nghĩ cái gì làm cho thời gian chuyển động?
• Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu trái đất đột nhiên quay theo chiều ngược lại?
• Rõ ràng Siêu Nhóc có sức mạnh siêu phàm nhưng liệu Siêu Nhóc cũng có các kỹ năng siêu suy luận không? Siêu Nhóc siêu đúng hay siêu sai khi nó suy luận rằng nếu thế giới quay ngược lại, thời gian cũng sẽ đi lùi lại?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Trống rỗng
✓ Ống kính truyền hình
✓ Máy đóng băng thời gian
✓ Kéo dài thời gian
✓ Thí nghiệm thời gian lớn
✓ Cỗ máy thời gian
✓ Suy tưởng: Không gian, thời gian và những thứ kỳ quặc khác
Nguồn: Phim Siêu nhân của đạo diễn Richard Donner.
Triết học: Chiều của thời gian.
Ống kính truyền hình*
* Nguyên văn: The Telly-Scope là tên phim ngắn trong loạt phim truyền hình Cracking Contraptions nói về phát minh ra ống kính truyền hình, một hệ thống điều khiển truyền hình từ xa mới.
Ống kính truyền hình
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 11 tuổi
Lilly rất thích xem bộ phim truyền hình nhiều tập Người Zargonia. Cô bé cười khóc theo các nhân vật khi dõi theo cuộc đời của họ được phơi bày ra. Câu chuyện đôi khi nhàm chán, đôi khi thật hứng thú và đôi khi rất buồn. Nhưng Lilly sống ở thời mà những bộ phim truyền hình nhiều tập rất khác so với thời của bạn – cô bé sống ở thời tương lai rất xa bạn. Khi đó người ta không sử dụng các diễn viên vì không cần. Tất cả những gì họ làm là hướng một ống kính viễn vọng cực mạnh về phía một hành tinh xa xôi và đơn giản ngồi nhà quan sát cuộc sống của các cư dân trên hành tinh đó qua cái mà họ gọi là “Ống kính truyền hình”. Người xem học các ngôn ngữ và nghiên cứu văn hóa của người Zargonia ở trường. Nó còn hơn cả phim truyền hình nhiều tập nhưng mọi người xem và thưởng thức nó như một bộ phim vậy.
Khi một trong những nhân vật chính, một cậu bé người Zargonia tên là Noob, buồn rầu vì một chuyện xảy ra trong gia đình, Lilly muốn liên lạc với cậu để an ủi. Cô bé hỏi mẹ: “Con có thể liên lạc với những người Zargonia không ạ? Dù sao họ cũng có thực mà phải không mẹ?”.
Người mẹ nhìn con và nói: “Đúng là họ có thực… có thể nói như vậy…”. Mặt bà lộ vẻ băn khoăn.
“Thế nghĩa là sao, mẹ?” – Lilly hỏi.
“Có một điều mẹ cần nói với con nhưng mẹ không biết chắc phải giải thích nó như thế nào.”
“Mẹ định nói với con chuyện gì cơ?” – Lilly nói.
“À,” – mẹ cô bé bắt đầu, – “nếu con nhìn lên mặt trời, con thực sự thấy mặt trời, nhưng không phải nó lúc này, mà là nó cách đây tám phút”.
“Ủa, sao kỳ cục vậy. Vì sao ạ?” – Cô bé thắc mắc.
“Đó là vì ánh sáng di chuyển với một tốc độ nhất định. Nó di chuyển cực kỳ nhanh, với tốc độ 299.792.458 mét/giây. Nhưng mặt trời ở quá xa đến nỗi ánh sáng của nó phải di chuyển ở tốc độ đó trong tám phút mới đến được đây. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy mặt trời như nó tám phút trước.”
Lilly nghĩ một lúc rồi nói: “Vậy nếu con muốn nhìn mặt trời như nó ngay lúc này thì con sẽ phải chờ tám phút nữa?”.
“Đúng như vậy đó.” – Mẹ cô bé đáp. – “Chúng ta nói rằng mặt trời “cách xa tám phút ánh sáng” bởi vì phải mất tám phút ánh sáng mới đi từ mặt trời đến được đây.” – Rồi mẹ nói thêm: “Nhưng con nhớ này, Lilly: Đừng bao giờ nhìn trực tiếp vào mặt trời – nó có thể làm con mù mắt đấy!”.
“Nhưng điều đó có liên can gì đến phim Người Zargonia đâu mẹ?” – Lilly hỏi, lơ đễnh với lời cảnh báo của mẹ.
“Lilly à, vấn đề là: Zargonia ở cách xa chúng ta đến mười triệu năm ánh sáng.”
“Để con nghĩ xem…” – Lilly tư lự nói chống cằm ngước nhìn lên. – “Như vậy…
[Trước khi đọc tiếp: bạn nghĩ nó có nghĩa gì?]
… nếu 'tám phút ánh sáng' nghĩa là cần tám phút để đến Trái đất, thì 'mười triệu năm ánh sáng' nghĩa là…” – Khuôn mặt Lilly tối sầm lại khi cô nhận ra điều đó có nghĩa gì, – “… phải mất đến mười triệu năm để đến được Trái đất. Nhưng như vậy nghĩa là những gì con nhìn thấy qua Ống kính truyền hình không hề diễn ra ngay lúc này”.
“Chính xác, Lilly.” – Bà mẹ thốt lên, tìm cách trấn an cô bé.
“Nó hẳn đã diễn ra cách đây mười triệu năm.” – Lilly nói. – “Khi con xem bộ phim truyền hình nhiều tập ưa thích là con đang nhìn sâu vào lịch sử.”
“Mẹ cho rằng con đúng.” – Bà mẹ nói, thoáng giật mình. Bà chưa từng nghĩ đến điều đó trước đây.
Lilly im lặng và tư lự suốt mấy ngày. Cô bé cảm thấy rất buồn, như thể trong nhà vừa có người qua đời vậy, mặc dù tất cả những người trong Người Zargonia đã chết cách đây mười triệu năm rồi. Nhưng sau đó cô bé nảy ra một ý tưởng làm tinh thần cô phấn chấn lên. Cô bé chợt nghĩ ra rằng khi xem Người Zargonia là cô đang đi xuyên thời gian bằng cách sử dụng phép màu của tốc độ ánh sáng… và Ống kính truyền hình.
Câu hỏi khởi động: Xem phim Người Zargonia có phải là một hình thức du hành xuyên thời gian không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có phải bạn luôn luôn du hành xuyên thời gian khi nhìn vào mặt trời không? (Nhưng nhớ rằng sẽ rất nguy hiểm nếu nhìn trực tiếp vào mặt trời!)
• Một số ngôi sao xa đến nỗi chúng ta vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng của chúng khi chúng không còn tồn tại nữa. Khi bạn nhìn những ngôi sao cổ xưa đã chết, đó có phải là du hành xuyên thời gian?
• Nếu đó không phải là du hành ngược thời gian thì ít nhất có phải bạn đang “nhìn sâu vào quá khứ” như Lilly nói không?
• Có phải Lilly thấy buồn vì khám phá ra rằng người Zargonia đã sống cách đây rất lâu rồi không?
• Điều đó có thay đổi cách cô bé xem phim Người Zargonia không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Thời gian của Siêu Nhóc!
✓ Trống rỗng
✓ Máy đóng băng thời gian
✓ Kéo dài thời gian
✓ Thí nghiệm thời gian lớn
✓ Suy tưởng: Thời gian, không gian và những thứ kỳ quặc khác, đặc biệt là bài Ánh sáng từ các ngôi sao
Nguồn: Thuyết tương đối của Einstein.
Triết học: Triết học về du hành xuyên thời gian.
Một bài thơ của bạn?
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 10 tuổi
Một hôm, khi bạn đang chăm chú xem tivi trong phòng ngủ của bạn thì một điều gì đó rất kỳ lạ xảy ra. Một thứ kỳ quặc lơ lửng trong không khí ở giữa phòng. Thế rồi, một người bước xuyên qua vùng không khí quái lạ đó. Có vẻ như đó là một kiểu cửa ra vào. Nhưng dù có lạ cách mấy, cũng không thể lạ bằng cái người vừa xuất hiện. Vì người đó chính là bạn.
Họ giải thích rằng họ đến từ tương lai. Bạn đang được chính bạn ở tương lai viếng thăm. Họ trao cho bạn một tờ giấy. Trên đó có một bài thơ, tựa đề là “Điều bất ngờ dành cho sinh nhật”. Rồi họ nói: “Bạn phải chép lại bài thơ này bằng chữ viết tay của bạn để có thể chiến thắng trong một cuộc thi thơ. Nếu làm vậy, bạn sẽ là một nhà thơ nổi tiếng khi bạn lớn… như tôi!”.
“Nhưng bạn lấy nó từ đâu vậy?” – Bạn hỏi vị khách của mình.
“Tôi lấy nó từ cuốn sách ghi lại những bài thơ thắng giải trong cuộc thi. Bạn có mặt trong rất nhiều tập thơ trong tương lai.” – Bạn ở tương lai trả lời.
“Nhưng họ lấy nó từ đâu?” – Bạn hỏi.
“Tất nhiên là họ lấy từ bạn rồi!” – Bạn ở tương lai giải thích. – “Dù sao đó cũng là bài thơ của bạn mà. Hoặc nó sẽ là bài thơ của bạn khi bạn tham dự cuộc thi. Xin lỗi, tôi phải đi trước khi cổng thời gian đóng lại đây!”
Bạn ở tương lai quay lại khung cửa – hay cổng thời gian, như họ gọi. Vùng không khí kỳ lạ tan dần, để lại bạn chết lặng trước những gì vừa xảy ra với bạn. Như đã được… chính bạn hướng dẫn, bạn ngồi xuống, lấy ra một tờ giấy và chép lại thật nhanh bài thơ bằng chữ viết tay của mình:
Điều bất ngờ dành cho sinh nhật
Tôi có thể đi lùi lại
Hoặc cứ đi thẳng
Tôi có thể rẽ ngang;
Trái hoặc phải.
Nhưng liệu tôi có thể đi xuyên thời gian
Tới trước hay thụt lùi;
Bạn nghĩ
Tôi có thể làm được không?
Tôi ước gì tôi có thể
Vì lúc đó tôi sẽ
Cất tiếng chào mẹ tôi
Nhưng để có điều bất ngờ dành cho sinh nhật
Tôi sẽ cất tiếng “Chào”
Ngay trước khi
Tôi chui ra khỏi bụng mẹ!
Câu hỏi khởi động: Ai là người đầu tiên sáng tác bài thơ “Điều bất ngờ dành cho sinh nhật”?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có phải ai đó đã sáng tác bài thơ này?
• Bài thơ này có thể xuất hiện từ hư không được không?
• Liệu câu chuyện này có dẫn đến một nghịch lý (một tình trạng bất khả) không hay bạn có nghĩ rằng nó hợp lý?
• Liệu kịch bản này có cho thấy du hành xuyên thời gian là không thể được?
• Nếu không được, thì việc du hành thời gian có ý nghĩa như thế nào trong những hoàn cảnh như hoàn cảnh này?
• Nếu bạn thắng cuộc thi, có phải bạn đã gian lận?
• Ai sẽ chiến thắng cuộc thi đó?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Điều bất ngờ dành cho sinh nhật
✓ Người hùng không tồn tại
✓ Hiệu ứng cánh bướm
✓ Cô gái đến từ hôm qua
✓ Thơ triết học
✓ Suy tưởng : Khảo cổ học và Tuyển tập những bài thơ chưa được viết.
Nguồn: Truyện ngắn “Nàng thơ Muse” của Anthony Burgess.
Triết học: Triết học về du hành xuyên thời gian, bài viết “Những nghịch lý của du hành xuyên thời gian” của David Lewis.
Máy đóng băng thời gian
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi - Nâng cao
Giáo sư Timothy Tempo đã sáng chế ra máy đóng băng thời gian. Ông đem cỗ máy đó vào một trường học để biểu diễn. Ông giải thích với các học sinh rằng ông có thể đóng băng thời gian bằng cái máy mới này. Ông yêu cầu lớp học đưa ra một độ dài thời gian để ông lập trình vào máy. Em học sinh đầu tiên lên tiếng: “Năm phút?”.
“Không ai ở đây cảm thấy phiêu lưu hơn thế sao?” – Giáo sư hỏi.
Một cánh tay khác đưa lên. “Một giờ ạ.” – Giọng nói rụt rè vang lên.
Thêm những cánh tay đưa lên.
“Một ngày.”
“Một tuần.”
“Một năm.”
“Mười năm!”
“Một trăm năm!”
“Được rồi.” – Giáo sư nói. – “Bây giờ chúng ta sẵn sàng thử máy nào. Chúng ta sẽ đóng băng thời gian trong một triệu năm.”
Một vài học sinh tỏ ra lo lắng. Giáo sư nhập dữ liệu thời gian chính xác vào máy đóng băng thời gian. Rồi ông giải thích: “Khi tôi ấn nút đỏ trên máy, thời gian sẽ đóng băng trong một triệu năm”.
Một vài học sinh nắm lấy tay nhau. Vị giáo sư chồm tới trước và ấn cái nút đỏ…
Câu hỏi khởi động 1: Bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu thời gian đóng băng trong một triệu năm, làm sao các em học sinh biết nó có xảy ra hay không?
• Liệu họ có biết không?
• Có gì khác biệt không?
• Họ có già đi chút nào không?
Khi thả ngón tay ra khỏi cái nút, giáo sư Tempo nhìn lên mỉm cười với khán giả. “Sao, cảm giác thế nào?”. Đám đông tỏ ra rất bối rối. Không ai nói lời nào. Chỉ còn nghe tiếng tích tắc của đồng hồ trên tường. Sau đó, một cô bé trong đám đông mạnh dạn đưa tay lên. “Nhưng thưa giáo sư, đâu có gì xảy ra… mọi thứ vẫn như vậy. Thời gian vẫn cứ trôi đi.”
“Không, nó không trôi đi,” – Giáo sư trả lời. – “Nó đã bị bắt đứng yên trong một triệu năm.”
“Nhưng em không thấy có gì khác!” – Cô bé kêu lên đầy thất vọng.
“À,” – Giáo sư Tempo trầm tư hồi lâu. – “Các em sẽ nói thế nào chứ?”
Câu hỏi khởi động 2: Bạn sẽ nói gì nếu thời gian đã ngừng lại?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Làm sao chúng ta biết thời gian không lúc nào ngừng lại?
• Nếu không có gì thay đổi, bạn vẫn sẽ nghĩ vậy chứ?
• Thời gian là gì?
• Chuyện gì đã xảy ra với thế giới bên ngoài lớp học?
• Ý tưởng về máy đóng băng thời gian nghe có hợp lý không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Trống rỗng
✓ Thời gian của Siêu Nhóc!
✓ Kéo dài thời gian
✓ Thí nghiệm thời gian lớn
✓ Cỗ máy thời gian
Nguồn: 101 vấn đề triết học của Martin Cohen. Cảm ơn Rob Torrington về phần 2 của bài này.
Triết học: Triết học về thời gian, bài “Thời gian không thay đổi” của Sydney Shoemaker.
Kéo dài thời gian
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 5 tuổi
Bé Timmy háo hức chờ đến ngày mai vì mai là sinh nhật của bé. Nhưng thời gian trong tuần này dường như chậm lại. Càng gần đến sinh nhật thì có vẻ như mỗi ngày lại càng kéo dài hơn ngày trước đó. Chuyện đó xảy ra như thế nào nhỉ? Cậu bé tự hỏi, làm sao thời gian lại có vẻ như dài hơn ở một số ngày và một số ngày khác nó lại có vẻ ngắn hơn?
Câu hỏi khởi động 1: Có phải đôi khi thời gian chậm lại và đôi khi nhanh hơn vào những thời điểm khác nhau không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Thời gian trôi nhanh đến mức nào?
• Nó có thay đổi tốc độ không?
• Hãy tưởng tượng hai đứa trẻ đang cùng chơi đùa và một trong hai đứa rất vui. Với cô bé thấy vui thì một giờ cứ như là mười phút vậy. Còn với đứa trẻ thấy chán thì một giờ như dài gấp đôi! Có phải ở mỗi đứa trẻ, thời gian di chuyển với tốc độ khác nhau?
Đêm trước sinh nhật, Timmy chuẩn bị đi ngủ và tự nhủ, mình không thể đợi nổi đến ngày mai! Mình ước gì có cỗ máy thời gian để sinh nhật đến nhanh hơn. Nhưng nó chợt nảy ra ý nghĩ rằng nó đã có cỗ máy thời gian rồi. Tất cả những gì nó phải làm là đi ngủ và thức dậy trong khoảng thời gian có vẻ như năm phút, rồi sinh nhật cũng đến!… Tất cả những gì nó phải làm là đi ngủ.
Câu hỏi khởi động 2: Nếu Timmy ngủ được, thì có phải khi tỉnh dậy nó đã du hành xuyên thời gian như thể nó đang ở trong một cỗ máy thời gian không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Giấc ngủ phải chăng là một loại máy thời gian? Nếu đúng thì tại sao? Nếu sai thì tại sao?
• Cỗ máy thời gian là gì?
• Nếu cỗ máy thời gian tồn tại, nó sẽ trông thế nào?
• Theo bạn Timmy có ngủ được không?
• Thời gian là một thứ xảy ra trong trí óc hay bên ngoài nó?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Sự hạn hẹp của thời gian
✓ Trống rỗng
✓ Thời gian của Siêu Nhóc!
✓ Máy đóng băng thời gian
✓ Thí nghiệm thời gian lớn
✓ Cỗ máy thời gian
✓ Cô gái đến từ hôm qua
Nguồn: Những thí nghiệm trong tư tưởng này được gợi cảm hứng từ câu hỏi của em Rokas 8 tuổi, rằng liệu thời gian có thể di chuyển với những tốc độ khác nhau với những người đang vui vẻ và những người đang buồn chán không.
Triết học: Hiện tượng học về thời gian.
Người hùng không tồn tại
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 11 tuổi - Nâng cao
Herbert là một người hùng đối với toàn nhân loại, nhưng có một rắc rối nhỏ. Herbert không tồn tại. Và đây là lý do.
Ông nội của Herbert không phải là người tử tế, ông đã làm những điều tệ hại với nhiều người. Ông ta rất, rất giàu. Herbert ghét ông mình vì những gì ông đã gây ra cho quá nhiều người. Khi ông nội của anh chết ở tuổi 80, Herbert được thừa kế một gia tài lớn. Anh dùng tiền để đầu tư vào việc sáng chế một cỗ máy thời gian chưa từng có. Một khi cỗ máy này hoàn thành, anh sẽ đi ngược thời gian để tìm lại ông nội của mình thời trẻ, thời điểm ông chưa làm những điều khủng khiếp mà Herbert biết ông sẽ làm.
Herbert nấp trong một công viên đối diện nhà ông nội, lăm lăm khẩu súng trường và chờ ông xuất hiện. Cuối ngày hôm đó, khi ông nội của anh bước ra khỏi nhà, Herbert giương súng lên, nhắm vào ông ta. Khi ông nội anh đã lọt vào tầm ngắm, anh ngừng lại vì chợt nhận ra hậu quả bi kịch của tình huống này. Nhưng bất chấp điều đó, anh vẫn dứt khoát nghĩ rằng bi kịch của riêng anh là cái giá phải trả cho những gì ông nội anh sắp làm với nhân loại.
Anh bóp cò.
Và đó là lý do tại sao Herbert không tồn tại.
Câu hỏi khởi động: Bạn có thể giải thích vì sao Herbert không tồn tại không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Câu chuyện này có hợp lý không? Liệu các biến cố trong chuyện này có xảy ra được không?
• Một số người nghĩ rằng những tình huống như thế này chứng tỏ rằng du hành xuyên thời gian là bất khả thi. Bạn có nghĩ vậy không?
• Vì sao tình huống của Herbert lại là bi kịch?
• Ngừng tồn tại là cái giá đáng phải trả để cứu thế giới này thoát khỏi bàn tay một kẻ xấu xa phải không?
• Câu chuyện này là một ví dụ về “nghịch lý thời gian”. Đâu là nghịch lý trong câu chuyện này?
• Nghịch lý là gì?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Điều bất ngờ dành cho sinh nhật
✓ Một bài thơ của bạn?
✓ Mưu mẹo
✓ Về chính nó
✓ Suy tưởng: Những rắc rối và những nghịch lý
Nguồn: Bài báo “Những nghịch lý về du hành xuyên thời gian” của David Lewis.
Triết học: Triết học về du hành xuyên thời gian, những nghịch lý về du hành xuyên thời gian.
Thí nghiệm thời gian lớn
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Tất cả các chính phủ trên thế giới đã quyết định thực hiện một cuộc thí nghiệm lớn với thời gian. Thực tế đây là một cuộc thử nghiệm lớn nhất từ trước đến nay. Vào đúng 12 giờ trưa ngày 12 tháng 12 năm 2112, tất cả các đồng hồ trên thế giới sẽ ngừng chạy. Nhà khoa học đứng sau hoạt động lớn này, giáo sư Timothy Tempo, tin rằng khi cuộc thí nghiệm này hoàn thành, thời gian sẽ tự dừng lại.
Câu hỏi khởi động 1: Giáo sư có nói đúng không – liệu thời gian tự nó có dừng lại không khi tất cả các đồng hồ trên thế giới bị đứng?
Đây là phần hai cuộc thí nghiệm thời gian lớn của giáo sư Tempo. Sau khi tất cả đồng hồ ngừng chạy, ông sẽ để cho tất cả các đồng hồ trên thế giới cùng lúc chạy lùi lại một giờ. Ông nói rằng một khi điều này được thực hiện thì toàn bộ thế giới, và đồng thời là tất cả mọi người trên đó, sẽ đi ngược chiều thời gian một giờ đồng hồ.
Câu hỏi khởi động 2: Giáo sư có đúng không khi cho rằng để tất cả các đồng hồ chạy ngược lại một giờ có nghĩa là mọi người sẽ đi ngược chiều thời gian một giờ?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Đồng hồ được con người phát minh ra, vậy thời gian có phải cũng do con người phát minh ra không?
• Có phải đồng hồ làm thời gian di chuyển? Nếu không thì cái gì làm thời gian di chuyển?
• Trước khi đồng hồ được phát minh thì thời gian như thế nào?
• Có phải thời gian được cảm nhận khác đi trước khi đồng hồ được phát minh?
• Làm sao bạn biết giờ giấc trong ngày nếu không có đồng hồ?
• Thời gian là gì?
• Có phải cuộc thí nghiệm này cần được thực hiện để chúng ta biết giáo sư Tempo đúng hay sai? Hay chúng ta có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra chỉ bằng cách suy nghĩ về nó?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Thời gian của Siêu Nhóc!
✓ Ống kính truyền hình
✓ Máy đóng băng thời gian
✓ Kéo dài thời gian
✓ Cô gái đến từ hôm qua
✓ Viên thuốc cuộc sống
Nguồn: Cuộc thí nghiệm tư tưởng này bắt nguồn từ các buổi trò chuyện với nhiều em học sinh tiểu học về việc băng qua các múi giờ khác nhau.
Triết học: Bản chất của thời gian, sự khác biệt giữa thời gian và thước đo thời gian hay “thời gian đồng hồ”.
Suy tưởng: Máy thời gian
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Tôi thật sự có liên quan đến cỗ máy thời gian
Tôi đến lớp trễ: đó là lịch sử!
Khi thời gian trôi qua
Nó sẽ mất đi mãi mãi?
Hay chúng ta sẽ tìm lại được nó
Với chút ít nỗ lực?
Nhưng đợt chút nào
Tôi thật sự có một cỗ máy thời gian!
Và tôi đang du hành bằng nó
Mỗi giây một lần.
Hãy nghĩ về điều đó,
Đừng nghĩ tôi kỳ quặc,
Cỗ máy thời gian của tôi là,
Ừm, nó chính là… cơ thể của tôi!
Câu hỏi khởi động: Có phải cơ thể bạn là cỗ máy thời gian?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có phải cơ thể bạn du hành xuyên thời gian không?
• Thời gian nằm ngoài cơ thể bạn hay nó nằm trong trí óc của bạn?
• Bạn có thể kể tên ba chiều? Thời gian có phải là một chiều không?
• Nếu cơ thể bạn không phải là cỗ máy thời gian, thì cỗ máy thời gian là gì?
• Tác giả có ý gì khi nói “Tôi đến lớp trễ: đó là lịch sử!”? Có phải bạn ấy sắp có giờ học lịch sử không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Thời gian của Siêu Nhóc!
✓ Ống kính truyền hình
✓ Kéo dài thời gian
✓ Thí nghiệm thời gian lớn
✓ Vừa đúng-vừa sai (nửa đầu)
✓ Suy tưởng: Từ tôi đến bạn
Nguồn: Bài này bắt nguồn từ các buổi trò chuyện với các em học sinh tiểu học, một vài em trong số đó đã tự mình đưa ra một gợi ý tương tự thế này.
Triết học: Bản chất của du hành xuyên thời gian.
Cô gái đến từ hôm qua
David Birch
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Đó là ngày đẹp nhất trong đời Jessica. Để đón chào sinh nhật của mình, cô bé đã cùng bạn bè tổ chức một chuyến dã ngoại đến một ngôi làng ven biển. Mặt trời tỏa nắng và thế giới ngập trong sắc màu khắp nơi nơi.
Chúng đến thăm một chuồng ngựa và thuê mấy con ngựa. Thế rồi chúng cùng nhau cưỡi ngựa dọc bờ biển suốt nhiều giờ liền, phi nước đại qua những đụn cát, rồi cười vang thích thú. Chúng cưỡi ngựa băng qua những chỗ nước cạn, người ướt sũng khi nước biển bắn tung tóe lên. Chúng cưỡi ngựa đùa chơi cho đến lúc mệt nhoài.
Sau đó, Jessica và các bạn đi bộ vào làng. Chúng phát hiện thấy một cửa hiệu bánh kẹo tỏa mùi thơm ngọt ngào khắp con đường làm chúng phát điên và tim đập rộn ràng. Chúng vội ùa vào. Phía sau quầy, một ông lão đang cân những túi kẹo chanh.
“Ông ơi, ông biết gì không ạ?” – Jessica nói to, đầy tự hào. – ”Hôm nay là sinh nhật cháu đó.”
“Ồ vậy à?”
Jessica và đám bạn gật đầu xác nhận.
“Chà, nếu vậy thì,” – ông lão nói, – “các cháu muốn lấy bao nhiêu kẹo tùy thích”.
“Không phải tốn tiền hả ông?” – Cả bọn cùng lúc há hốc mồm.
“Phải, không tốn tiền.” – Ông lão thốt lên giản dị, giọng trầm sâu.
Đó là ngày tuyệt nhất trong đời mình và Jessica không muốn nó chấm dứt. Trên chuyến tàu lửa về nhà, cô bé gắng hết sức để không ngủ, mong sao cho ngày hôm ấy kéo dài thêm chút nữa. Nhưng cơn gà gật ập đến và chẳng bao lâu cô bé chìm vào giấc ngủ.
Cô bé tỉnh dậy vì tiếng mưa rơi và tiếng mẹ gọi dậy để thay quần áo đi học. “Ngày hôm qua đi đâu rồi?” – Cô bé tự hỏi trong sững sờ. Cô không tài nào nhớ nổi. Mới phút trước cô còn ở trên chuyến tàu lửa chan hòa ánh nắng, mà phút sau, lúc này đây – trời thì mưa và cô bé phải đến trường.
“Con muốn ngày hôm qua.” – Jessica nói với mẹ.
“Con đừng quan tâm đến ngày hôm qua,” – mẹ cô bé nói. – “Hôm nay mới là thứ mà con phải nghĩ đến.”
“Nhưng ngày hôm qua biến đi đâu rồi? Con nhớ nó.” – Jessica òa khóc.
“Ngày hôm qua kia kìa.” – Mẹ cô bé vừa nói vừa đưa tay chỉ vào tấm ảnh chụp các bạn của Jessica.
“Đó không phải là ngày hôm qua. Nó chỉ là tấm ảnh. Nó không có thực.”
Câu hỏi khởi động 1: Ngày hôm qua đã đi đâu?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Ngày hôm qua đi đâu?
• Quá khứ ở đâu?
• Quá khứ có biến mất không?
Tâm hồn Jessica khao khát ngày hôm qua nên cô bé tìm đường quay lại nhà ga và lên một chuyến tàu. Cô bé sẽ đi tìm ngày hôm qua.
Cô bé trở lại bãi biển nơi cô và bạn bè đã phi ngựa như điên cuồng. Nhưng ngày hôm qua không có đó. Những vết móng ngựa vẫn còn nhìn thấy được, nhưng đã nhạt mờ. Và biển hôm qua xanh thẫm, trong khi hôm nay nó lại có màu xám bạc.
Cô bé đi bộ vào làng và tìm đến cửa hiệu bánh kẹo.
“Cháu là cô bé đến từ hôm qua!” – Ông lão vui vẻ kêu lên khi cô bé bước vào.
“Không phải đâu ạ,” – Jessica buồn rầu đáp, – “cháu là cô gái của hôm nay”.
“Sao cháu rầu rĩ thế kia?” – Ông lão hỏi. – “Hôm nay là khởi đầu một tuổi mới trọn vẹn của cháu mà.”
“Mẹ cháu cũng nói vậy. Mẹ nói cháu nên thôi nghĩ về ngày hôm qua.”
“Mẹ cháu nói đúng đó. Cháu có biết bao nhiêu thứ để mong chờ phía trước.”
“Nhưng cháu không muốn chỉ có đi tới. Cháu thích đôi lúc đi ngược thời gian nữa.” – Một tiếng thở dài kín đáo. – “Ngày hôm qua đâu rồi ạ?” – Jessica hỏi đầy hy vọng, thực lòng tin rằng ông lão có thể biết câu trả lời.
Một thoáng im lặng. “Bản thân ta cũng tự hỏi thế,” – ông lão trả lời, giọng ông chùng xuống.
“Ông có biết không?”
“Có những ngày ta nghĩ nó đã ra đi mãi mãi. Nhưng có những ngày ta không dám chắc chuyện đó.”
Ra đi mãi mãi. Jessica nhói đau vì những lời này.
Cô bé rời tiệm bánh kẹo của ông lão để đón chuyến tàu về nhà, nhưng cô tự nhủ rằng cô sẽ không ngừng tìm kiếm ngày hôm qua.
Khi con tàu rầm rập lao đi trên đường sắt, Jessica cảm thấy cả người mình nặng nề. Cô cảm thấy giấc ngủ đang ập tới. Cô bé nhắm mắt và nằm mơ. Cô mơ nghe thấy những âm thanh của biển và mơ thấy những bãi biển dài vô tận, mặt trời chiếu lung linh trên mái tóc óng vàng; cô bé mơ thấy những móng ngựa đang giẫm đạp và trăng đang lên, và tất cả những thứ đó đều không hề xuất hiện ở đó.
Câu hỏi khởi động 2: Liệu Jessica có tìm thấy ngày hôm qua không hay nó đã biến mất mãi mãi?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có phải quá khứ ở bên trong chúng ta?
• Chúng ta có nên quên đi quá khứ và chỉ nghĩ về hiện tại?
• Có phải quá khứ đã biến mất mãi mãi?
• Quá khứ là gì?
• Ký ức là gì?
• Khi nhìn vào một bức ảnh, có phải chúng ta đang nhìn vào quá khứ không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Điều bất ngờ dành cho sinh nhật
✓ Sự hạn hẹp của thời gian
✓ Thời gian của Siêu Nhóc!
✓ Ống kính truyền hình
✓ Kéo dài thời gian
✓ Thí nghiệm thời gian lớn
✓ Suy tưởng: Từ tôi đến bạn
Triết học: Bản thể luận về quá khứ, bản chất của thời gian.
Hiệu ứng cánh bướm
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 10 tuổi - Nâng cao
Bây giờ là năm 2214 và Công ty Du lịch Thời gian (gọi tắt là TTC) chào mời kỳ nghỉ để đời. Công ty TTC – như cái tên của nó – tổ chức những chuyến du lịch vượt thời gian bằng cách sử dụng “Cỗ máy Thời gian Công ty Du lịch Thời gian” được cấp bằng sáng chế. Khách hàng có thể du lịch đến bất cứ thời kỳ nào họ thích, miễn là nó nằm trong quá khứ. Chuyến đi tốn một khoản tiền lớn nhưng không thiếu khách hàng sẵn sàng cho một trải nghiệm độc đáo và hồi hộp như vậy.
Để tránh mọi rắc rối có thể phát sinh từ việc làm thay đổi quá khứ, TTC lắp đặt một con đường đặc biệt lơ lửng trên thế giới trong quá khứ để cho du khách không thể chạm vào bất cứ thứ gì có thể gây thay đổi quá khứ. Họ cũng trở nên vô hình với bất kỳ ai trong quá khứ. Vì thế tất cả những gì các du khách ngược thời gian có thể làm là nhìn ngắm lịch sử.
Nhưng một hôm, trong khi một nhóm du khách ngược thời gian đang viếng thăm thế Eocene, cách đây khoảng 40 đến 50 triệu năm, thì một người bước ra khỏi con đường đặc biệt, dù đã có cảnh báo không được làm vậy. Khi người du khách ngược thời gian lang thang ra khỏi con đường đó, anh ta vô tình giẫm phải một con bướm, giết chết nó dưới chân.
Câu hỏi khởi động: Việc giẫm lên con bướm có gây ảnh hưởng gì cho tương lai không? Nếu có, bạn nghĩ đó là ảnh hưởng gì?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Đó chỉ là một thay đổi nhỏ, vậy thì nó có ảnh hưởng gì không?
• Liệu một thay đổi nhỏ trong quá khứ có thể gây ảnh hưởng lớn đến tương lai được không?
• Khi các du khách ngược thời gian trở lại thời đại của mình, liệu có điều gì đã thay đổi không?
• Mọi vật được kết nối xuyên thời gian như thế nào?
• Vạn vật có được kết nối không?
• Thế Eocene là một thời kỳ địa chất nơi người ta có thể tìm thấy những con bướm, những hóa thạch đầu tiên. Nếu người du khách ngược thời gian kia kết liễu một loài bướm nào đó, thì hành động đó có thể ảnh hưởng gì?
• Liệu việc du hành ngược thời gian có gặp khó khăn vì những lý do này hay không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Thời gian” (đặc biệt là các bài “Người hùng không tồn tại”, “Điều bất ngờ dành cho sinh nhật”, “Một bài thơ của bạn?”)
✓ Cánh cửa sổ vỡ
✓ Cậu bé đèn giao thông (1, 2 và 3)
✓ Jean quan sát
Nguồn: Truyện ngắn “Âm thanh của tiếng sấm” của Ray Bradbury.
Triết học: Tính phức hợp, quan hệ nhân quả, thuyết hỗn độn, sự ngẫu nhiên.
Siêu hình học: Tự do
Nữ hoàng tay chân
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 9 tuổi - Nâng cao
[ Câu hỏi để suy xét trong khi đọc hay nghe câu chuyện Marion là gì?]
Marion thức dậy và trèo ra khỏi cái hộp của cô. Cô là nghệ sĩ trình diễn và rất thích cảm giác được ở trên sân khấu, đem lại niềm vui cho mọi người. Cô là nghệ sĩ hài và là một cây hài được nhiều người yêu thích.
Marion làm việc với con rối tay có tên là Pippa. Cô cảm thấy tiếc cho Pippa vì Pippa không được là chính mình. Nó chỉ trở nên sống động khi có ai đó đút tay vào bên trong thân thể trống rỗng của nó và làm nó cử động. Pippa không vui vẻ gì khi buộc phải thể hiện những màn trình diễn mà nó không muốn. Nó trình bày với Marion rằng nó là một “diễn viên thực sự” và rằng nó sẽ diễn kịch Shakespeare, nhưng mỗi đêm người ta cứ bắt nó diễn cái thứ hài kịch cũ kỹ ngớ ngẩn. “Thứ đó dưới tầm của tôi!” – Nó phản đối.
Mặc dù Marion rất vui sướng khi được diễn hài kịch, nhưng cô vẫn cảm thấy tiếc cho Pippa vì nó không thể tự quyết định và không thể làm những gì nó thực sự muốn làm. Cô thổ lộ điều này với Pippa. Pippa nhìn Marion bằng ánh mắt giận dữ (cái mặt-rối của Pippa luôn có cặp mắt với ánh nhìn giận dữ, nhưng ngay lúc này thì đó là khuôn mặt chính xác nó cần có!)
“Cô nghĩ cô khác tôi à?” – Nó nói với Marion.
Marion ở trong hoàn cảnh rất khác với Pippa – không có bàn tay nào kiểm soát những quyết định của cô, nhưng cô thấy mình thật vô cảm nếu nói ra điều đó.
Pippa nói tiếp: “Cô có thể tự lựa chọn những gì cô làm không?”.
Marion cảm thấy nên trả lời. “Dĩ nhiên, tôi có thể, tôi yêu công việc này và tôi vẫn sẽ chọn nó ngay cả khi tôi có thể làm bất cứ công việc nào khác.”
“Nhưng cô có thực sự được chọn lựa làm bất cứ công việc nào khác không?” – Pippa hỏi.
“Có!” – Marion đáp. – “Nhưng đơn giản là tôi chọn không làm bất cứ việc gì khác bởi vì tôi yêu những gì tôi đang làm.” – Cô ngừng một lúc rồi tiếp. – “Tôi không bị bàn tay nào ở bên trong điều khiển mọi cử động của tôi!” – Cô cảm thấy hối hận ngay khi thốt ra những lời này.
Tuy khuôn mặt Pippa không thể biến đổi, nhưng dường như nỗi giận dữ trong ánh mắt nó đang tăng lên. “Có thể cô không bị bàn tay nào điều khiển, nhưng cô thử nhìn kỹ hơn chung quanh cô đi!” – Giọng Pippa thể hiện rõ sự tức giận, nó khiến Marion rơi vào tâm trạng hoang mang. Pippa muốn nói gì vậy?
Câu hỏi khởi động 1: Marion có tự quyết định và lựa chọn không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Marion là gì?
• Nếu không ngẫu nhiên yêu thích những gì mình làm, liệu Marion có thể chọn làm một việc khác không?
• Bạn đồng ý với ai trong cuộc tranh luận giữa Pippa và Marion?
• Việc Marion tin cô có thể chọn làm một công việc khác có chứng tỏ được rằng cô có sự lựa chọn không?
• Lựa chọn là gì?
• Bạn nghĩ Pippa muốn nói gì khi nói “cô thử nhìn kỹ hơn chung quanh cô đi”?
[Câu hỏi để suy xét trong khi nghe phần hai của câu chuyện Bạn nghĩ Marion bắt đầu nhận ra điều gì?]
Đêm đó, trong lúc trình diễn – một cuộc trình diễn mà Marion đã thực hiện cả trăm, thậm chí cả ngàn lần – cô bỗng nhớ những lời nói của Pippa, khuyên cô hãy thử nhìn kỹ hơn chung quanh. Đã nhiều lần cô bắt gặp một tia sáng qua khóe mắt. Lúc này cô nghĩ về nó, tia sáng kia luôn hiện diện ở đó, nhưng trước đây cô chưa thực sự nghĩ về nó. Tia sáng đó là gì nhỉ? Kìa, nó lại hiện ra! Đó cũng chính là tia sáng thỉnh thoảng lóe lên ở mấy cái mạng nhện ở những góc độ nhất định dưới ánh sáng. Và nữa kìa! Nó trông giống như một sợi tơ duy nhất rất gần với đầu cô. Rồi thêm nữa, thêm nữa. Những sợi tơ vây quanh cô. Chúng dẫn đến đâu? Chúng xuất phát từ phía trên và kết thúc… ở bàn tay, cánh tay và hai chân cô! Tốt thôi, gần như những sợi tơ vô hình ấy kể một câu chuyện duy nhất: Marion rùng mình nhận ra rằng rốt cuộc cô cũng chẳng khác Pippa là mấy.
Căn nguyên tạo ra những cử động của Pippa dễ nhìn thấy – một bàn tay và cánh tay hiện hữu rõ ràng – nhưng căn nguyên cho những cử động của Marion lại không dễ nhìn thấy. Tuy nhiên, giờ đây cô đã nhìn thấy chúng, không thể tin nổi trước đây cô lại không nhìn thấy chúng. Giờ đây cô đã nhìn thấy những sợi tơ chỉ dẫn cho tay chân cô, chúng trông giống như những sợi thừng thô ráp treo khắp chung quanh cô, ngăn đường cản lối.
Câu hỏi khởi động 2: Marion là gì và cô đã khám phá được điều gì về bản thân mình?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Chúng ta giống bao nhiêu so với Marion và Pippa?
• Có thứ gì khiến ta cử động, như bàn tay điều khiển Pippa và những sợi tơ điều khiển Marion?
• Có thứ gì khiến chúng ta đưa ra những quyết định cho bản thân, ngoài chính chúng ta?
• Chúng ta có giống Pippa và Marion không? Có những lực lượng nào kiểm soát chúng ta hay chúng ta khác?
• Chúng ta có tự do chọn lựa những gì chúng ta làm không? Chúng ta có tự do ra những quyết định của chính mình không?
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tự do”
✓ Đúng lúc
✓ Sự lựa chọn độc ác
✓ Lựa chọn của Charlie
✓ Một thế giới mới
✓ Suy tưởng: Bạn có tự do không?
✓ Cỗ máy Nếu như: Người tù hạnh phúc, Ếch và Bọ cạp, Cửa hiệu cổ xưa nhỏ bé đầy những điều lạ lùng, Billy tiệc tùng, Vụ cướp
Nguồn và triết học: Tất định luận và tự do ý chí, Bài luận đoạt giải về Tự do ý chí của Schopenhauer.
Người tù
Georgina Donati
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Câu hỏi khởi động: Người này có tự do không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Điều gì khiến người ta tự do hay không tự do?
• Được tự do nghĩa là gì?
• Tự do là gì?
• Bạn có thể tự do ít hơn hoặc nhiều hơn được không?
• Một người ở trong tù có được tự do chút nào không?
• Những người không ở tù có tự do không?
• Nếu có người chọn bị nhốt vào tù, thì liệu họ có tự do không?
• Có các loại tự do khác nhau không? Nếu có, đó là những loại nào?
• Bạn có thể nghĩ ra một người không có thực. Nếu họ không có thực, vậy họ có tự do không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tự do”
✓ Đúng lúc
✓ Sự lựa chọn độc ác
✓ Lựa chọn của Charlie
✓ Một thế giới mới
✓ Suy tưởng: Bạn có tự do không?
✓ Cỗ máy Nếu như: Người tù hạnh phúc, Ếch và Bọ cạp
Triết học: Tự do ngôn luận, tự do chính trị, tự do và tất định luận, tự do của cái thiện và lý trí.
Có những bánh răng dưới gió không?
David Birch
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Trong câu chuyện này có hai thế giới. Một trong hai là thế giới Bộ máy đồng hồ. Mỗi sáng, trước khi mọi người thức giấc, thế giới này được lên dây cót như một cái đồng hồ. Vặn, vặn rồi thả ra, khiến cho ngày hôm đó chuyển động như cái bánh răng. Mọi thứ diễn ra có thể dự báo được, không có gì ngẫu nhiên, toàn bộ ngày hôm đó trải ra đều đều theo nhịp tích tắc đồng hồ.
Có một thế giới khác rất khác với thế giới này. Đó là thế giới Lộng gió. Mỗi sáng, trước khi mọi người thức giấc, thay vì được lên dây cót, thế giới này được lắc lên, như thể nó là một quả cầu tuyết khổng lồ. Thế là ngày hôm đó diễn tiến như lốc xoáy. Mọi thứ diễn ra một cách ngẫu nhiên, gần như không thể đoán trước, toàn bộ ngày hôm đó bắt đầu xoáy cuộn hỗn loạn.
Trong khi thế giới Bộ máy đồng hồ đầy ý nghĩa, thì thế giới Lộng gió đầy những điều bất ngờ. Và vậy là thế giới Bộ máy đồng hồ thì gọn gàng ngăn nắp, còn thế giới Lộng gió rất lộn xộn. Trong thế giới Bộ máy đồng hồ, các quy luật quyết định những gì sẽ xảy ra, nhưng trong thế giới Lộng gió tất cả đều do may rủi. Thế giới Bộ máy đồng hồ đầy kiến thức; thế giới Lộng gió chỉ toàn phỏng đoán. Trong thế giới Lộng gió, mọi người đi tới đi lui với hai bàn tay luôn chắp lại cầu nguyện, còn trong thế giới Bộ máy đồng hồ họ tin rằng một kế hoạch chu đáo là tất cả những gì người ta cần.
Thế giới Bộ máy đồng hồ được bao bọc, gọn gàng. Thế giới Lộng gió thì rối tung hàng đống.
Câu hỏi khởi động: Trong hai thế giới đó, cái nào giống với thế giới của chúng ta hơn?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Thế giới này hay thế giới kia hay cả hai thế giới?
• Bạn thích sống trong thế giới nào hơn?
• Thế giới nào trong hai thế giới:
a. Hạnh phúc hơn?
b. Nguy hiểm hơn?
c. Hoàn hảo hơn?
d. Bổ sung thêm vào danh sách khi những gợi ý trên đã được bàn xong.
• Các điều sau đây thuộc về thế giới nào?
a. Lựa chọn.
b. Thảm họa thiên nhiên, như động đất và bão táp.
c. Sinh nhật.
d. Suy nghĩ và mong ước.
e. Thời gian
f. Phiêu lưu.
g. Đúng và sai.
h. Một lần nữa, hãy bổ sung thêm vào danh sách khi những gợi ý trên đã được bàn xong.
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tự do”
✓ Món khai vị ngẫu nhiên
✓ Cái gì bay lên…
✓ Cánh cửa sổ vỡ
✓ Con vẹt của Jack và Gió viết
Triết học: Cuộc tranh luận mục đích luận về sự hiện hữu của Thượng Đế, tất định luận và sự may rủi.
Người làm đồ chơi có bộ máy đồng hồ
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 11 tuổi - Nâng cao
Vào thế kỷ 18 tại Thụy Sĩ có một người thợ làm đồ chơi chuyên làm ra những món đồ chơi đặc biệt nhất. Chúng tinh vi đến độ không ai tin rằng chúng được chế tác bằng tay. Đồ chơi nổi tiếng nhất của ông là hai con búp bê máy có tên Isaac và Gottfried. Mỗi khi được lên dây cót, chúng sẽ cùng nhau xoay vòng thành điệu nhảy duyên dáng nhất. Trông thật thích nhưng cũng thật kinh sợ khi biết rằng một con người, và hai bàn tay của mình, có thể sáng tạo ra từ hư không một sự thanh nhã và phức tạp đến như thế. Sự phức tạp là ở chỗ Isaac và Gottfried sẽ không bao giờ nhảy cùng một bước nhảy hai lần. Luôn có một chút gì đó, dù nhỏ, khác với lần đầu.
“Ông tìm cảm hứng từ đâu để tạo ra những món đồ chơi nhỏ bé kỳ diệu này.” – Có một khách hàng từng hỏi ông như vậy.
“Dễ lắm,” – người thợ làm đồ chơi trả lời, “tôi chỉ quan sát mọi người chung quanh, họ thực hiện 'những bước nhảy nhỏ' của riêng mình mỗi ngày đi – về sở làm, đến nhà thờ và khi quây quần bên nhau. Luôn giống nhau, nhưng cũng luôn có một chút khác biệt,” – ông cười khẽ.
“Nhưng con người chúng ta không giống như những món đồ chơi lên dây cót. Chúng ta không phải là máy móc, chúng ta có thể chọn những gì chúng ta làm.” – Người khách phản đối.
“Tôi thường thắc mắc về điều đó,” – người thợ làm đồ chơi đáp. – “Tôi thường tự hỏi liệu tôi có thể chỉ dùng lò xo và các cuộn dây, bánh răng và những con lắc để chế tác một món đồ chơi có khả năng chọn lựa những gì nó muốn làm hay không.”
Câu hỏi khởi động 1a: Bạn có nghĩ rằng có thể - hoặc lúc nào đó sẽ có thể - chỉ dùng lò xo và các cuộn dây, bánh răng và những con lắc để làm ra một con người đồ chơi không?
Câu hỏi khởi động 1b: Nếu được, liệu món đồ chơi đó có thể được chế tác sao cho có khả năng chọn lựa những gì nó muốn làm không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu chúng ta có tự do ý chí (khả năng chọn lựa cho chính mình) như người khách hàng nọ gợi ra, nó sẽ hoạt động như thế nào?
• Chúng ta có tự do ý chí không?
• Tự do ý chí là gì?
• Bạn nghĩ có thể làm ra một con búp bê máy với tự do ý chí như người làm đồ chơi mong muốn không?
“Tôi không nghĩ là điều đó có thể.” – Người khách nói.
“Nhưng chúng ta có thực sự khác biệt với những món đồ chơi của tôi như chúng ta muốn nghĩ như vậy không?” – Người thợ làm đồ chơi hỏi.
“Từ lúc mới chào đời chúng ta đã được lên dây cót và chúng ta cứ thế tiếp tục vận động theo mọi cách cho đến khi chúng ta tháo lỏng dây cót lúc cuối đời. Điều đó có khác lắm so với những món đồ chơi của tôi không?”
Người thợ làm đồ chơi dần dần già đi và một hôm, than ôi, mọi người nhận ra rằng những món đồ chơi của ông sẽ không bao giờ được chế tác nữa vì ông đã trút hơi thở cuối cùng và ra đi. Trong di chúc ông bày tỏ ý muốn các cơ quan nội tạng của ông “được sử dụng cho những mục đích tốt đẹp hơn”. Nhưng khi các bác sĩ phẫu thuật giải phẫu cơ thể ông để lấy nội tạng, họ sửng sốt phát hiện rằng bên dưới làn da nhăn nheo là những bộ máy rắc rối nhất thay thế cho tim, hai lá phổi, bộ não và, nhiều bộ phận khác nữa. Dưới lớp da đó, họ chỉ nhìn thấy những bộ phận sáng bóng và chạy trơn tru của bộ máy đồng hồ, nó giống như những món đồ chơi nhỏ bé của ông, chỉ có điều phức tạp hơn rất, rất nhiều.
Các bác sĩ phẫu thuật kinh ngạc nhìn nhau. “Nhưng ai đã tạo ra người thợ làm đồ chơi này?” – Một người trong số họ hỏi. “Ông ta không thể tự tạo ra chính mình!” – Một người khác kêu lên.
Theo nguyện vọng của ông, cho đến nay, trái tim đồng hồ của ông vẫn điều khiển một chiếc đồng hồ treo đâu đó trong một ngôi nhà cổ ở Thụy Sĩ, nhưng còn bộ não đồng hồ để ở đâu và nó được dùng vào mục đích gì thì vẫn còn là điều bí ẩn.
Câu hỏi khởi động 2: Chúng ta giống người thợ làm đồ chơi đến mức nào?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Con người giống với đồ chơi bằng máy đến mức nào?
• Nếu người thợ làm đồ chơi phải vặn dây cót một trong những món đồ chơi của ông và để cho nó chạy, liệu việc nó dừng lại ở đâu có được quyết định bởi cách nó được khởi động không?
• Có một ngạn ngữ của người Trung Hoa nói rằng, “Sự kết thúc đã có sẵn trong khởi đầu của mọi sự”. Một khi một việc gì đó bắt đầu, phải chăng kết cục là tất yếu?
• Những gì bạn làm lúc cuối đời phải chăng được quyết định bởi những gì xảy ra ở đầu đời?
• Nếu đúng như thế, phải chăng mọi sự đều đã được sắp đặt?
• Nếu các món đồ chơi không bao giờ lặp lại đúng cùng một điệu nhảy cũ, phải chăng chúng không được quyết định trước?
• Ai tạo ra người thợ làm đồ chơi? Ông ta có thể tự tạo ra mình không?
• Phải chăng có một vài thứ được quyết định và vài thứ khác thì không?
• Mọi thứ diễn ra có hay không có ý nghĩa và mục đích?
• Phải chăng cách vũ trụ khởi đầu đã quyết định mọi thứ diễn ra trong vũ trụ?
• Nếu đúng như thế, sự kiện đó có bao gồm bạn và tôi không?
• Những gì sẽ xảy ra có được quyết định bởi những gì đã xảy ra rồi không?
Hoạt động mở rộng:
Thì ra người thợ làm đồ chơi bị một người chạy ngang qua mặt ông mà không nhìn đường xô ngã. Khi ông ngã xuống, một bộ phận nào đó bên trong bị gãy và vỡ ra. Đó là lý do vì sao ông đã ngừng hoạt động.
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Người thợ làm đồ chơi bị giết hay đơn giản chỉ bị vỡ nát?
• Kẻ hất ngã ông có nên bị trừng phạt không? Nếu có, vì lý do gì?
• Việc các bộ phận trong người ông được sử dụng “cho những mục đích tốt đẹp hơn” có đúng đắn không?
• Khi chúng ta chết, có nên để các bộ phận của chúng ta (tim, thận, gan, v.v…) cho người khác sử dụng không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tự do”
✓ Đúng lúc
✓ Pinka và Arwin chu du trái đất, đặc biệt là Về máy móc và con người
✓ Suy tưởng: Bạn có tự do không?
✓ Cỗ máy Nếu như: Billy Bash, Cửa hiệu cổ xưa nhỏ bé của những điều lạ lùng, Ếch và Bò cạp, Người tù hạnh phúc
Nguồn: Bộ máy đồng hồ hay Tất cả đều được lên dây cót của Phillip Pullman.
Triết học: Thuyết tất định, tự do ý chí, Isaac Newton, Gottfried Leibniz, Vấn đề nguyên nhân đầu tiên (“động cơ thứ nhất”).
Sáng chế thú vị của Immy
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 10 tuổi
Immy lo lắng vì có quá nhiều người nói dối, trộm cắp và làm tổn hại người khác mà lẽ ra họ không nên làm vậy. Đấu tranh với nỗi băn khoăn này – nỗi băn khoăn mà nhiều người chia sẻ với anh – đồng thời với tư cách một nhà khoa học và nhà sáng chế, Immy đã nghĩ ra một giải pháp. Anh sáng chế một thiết bị rất nhỏ có thể cấy được vào đầu chúng ta, và một khi đã được cấy rồi thì dù trong bất kỳ tình huống nào, nó sẽ ngăn không cho chúng ta làm một vài điều cụ thể. Immy đề xuất lập trình thiết bị này để ngăn chúng ta làm những điều không nên như:
1. Nói dối
2. Trộm cắp
3. Gây tổn hại cho người khác
Như thế có nghĩa là một khi thiết bị đó được cấy vào đầu bạn thì đơn giản là bạn không có khả năng nói dối, trộm cắp hay gây tổn hại cho người khác. Nếu bạn cố thực hiện, thì lưỡi bạn, hai bàn tay bạn – hay bất kỳ bộ phận nào khác – sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn.
Câu hỏi khởi động 1a: Bạn có muốn được cấy vào đầu mình thiết bị nói trên của Immy để khi trong bất kỳ tình huống nào, bạn sẽ không bao giờ nói dối, trộm cắp hay gây tổn hại cho người khác?
Câu hỏi khởi động 1b: Nếu không phải là những đề xuất của Immy, bạn có đề xuất nào muốn được lập trình để đưa vào thiết bị này?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Giống như Immy, một số người nghĩ rằng có những việc cụ thể mà bất luận trong tình huống nào bạn không bao giờ nên làm, chẳng hạn như giết người. Họ nghĩ vậy có đúng không?
• Có đúng là tự do của chúng ta bị hạn chế là để chúng ta hành xử tốt hơn?
• Có đúng là chúng ta có tự do làm theo ý muốn ngay cả khi vì điều này mà người khác bị tổn hại?
• Cái gì quan trọng hơn: tự do hay sự thiện hảo?
• Có phải sẽ tốt hơn nếu chúng ta không có quyền lựa chọn nhưng luôn làm điều đúng đắn?
• Nếu chúng ta có thiết bị cấy của Immy, liệu chúng ta có luôn làm điều đúng đắn không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tự do” (đặc biệt là bài “Người tù”)
✓ Bức tranh xấu
✓ Sự lựa chọn độc ác
✓ Đúng lúc
✓ Chủng tộc Dalek tốt
✓ Arete và Deon
✓ Máy phát hiện điều tốt của Louis
✓ Cỗ máy Nếu như: Chiếc nhẫn của Gyges, Những câu chuyện của Ceebie
✓ Suy tưởng: Bạn có tự do không?
Nguồn: “Ba quy luật” từ những câu chuyện Robot của Isaac Asimov.
Triết học: Kant và mệnh lệnh nhất quyết, thuyết tuyệt đối đạo đức, Mill và nguyên tắc không gây hại.
Cỗ máy nhìn theo cách khác
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 10 tuổi - Nâng cao
Có khi nào bạn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đã làm một việc gì đó khác đi?
Saheela đã từng tự hỏi như vậy. Và cô rất để tâm tới câu hỏi đó. Cô đã thiết kế và chế tạo ra một cỗ máy, một cỗ máy rất đặc biệt và rất to. Cô phải dựng một phòng thí nghiệm to như sân đá banh dưới hầm nhà để chứa một siêu máy tính khổng lồ và phức tạp với hàng ngàn thanh chứa dữ liệu và dây nhợ chằng chịt.
Cha cô cũng giúp một chút.
Cỗ máy này cho phép cô nhìn thấy những gì có thể xảy ra nếu mọi thứ khác đi. Cô đặt một máy quay chuyên biệt để ghi lại chuyện sắp xảy ra, còn ở phòng thí nghiệm, cô bật chương trình ghi nhận sự thay đổi và nó cho cô thấy những gì đáng lẽ đã xảy ra trên màn hình video. Saheela và cha cô gọi cỗ máy của họ là “Cỗ máy nhìn theo cách khác”.
Cô tự hỏi liệu những thay đổi nhỏ có tạo ra khác biệt nhiều như những thay đổi lớn không. Cô nghĩ rằng có thể, nhưng cha cô không nghĩ vậy. Để quyết định, Saheela đánh cược với cha. Một buổi sáng nọ em trai cô mặc áo len màu xanh da trời đi học. Cô nói, “Con cược là một thay đổi nhỏ như màu sắc của chiếc áo len mà em con mặc sẽ đem đến một thay đổi trong ngày”. Nhưng cha cô trả lời, “Nếu em con mặc áo len màu đỏ thay vì màu xanh thì mọi thứ vẫn vậy thôi”.
Câu hỏi khởi động 1: Bạn đồng ý với Saheela hay với cha cô?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Những thay đổi nhỏ có thành vấn đề không?
• Những thay đổi lớn có thành vấn đề không?
• Có phải mọi thứ vẫn vậy, như ý kiến của cha Saheela?
• Sẽ là một thay đổi nhỏ hay thay đổi lớn nếu màu ưa thích của cậu em là màu đỏ?
• Bạn nghĩ bạn có thể tác động đến thế giới theo kiểu nào?
• Mọi thứ bạn làm có quan trọng không?
• Có thể biết được những gì đáng lẽ đã xảy ra không?
Sáng hôm sau em trai cô thức dậy và lại mặc chiếc áo len màu xanh như thường lệ, chuẩn bị đến trường, nhưng lần này Saheela bí mật quay lại khoảnh khắc cậu em mặc chiếc áo ấy. Đêm đó, sau bữa ăn tối, cô và cha đi vào phòng thí nghiệm bí mật của họ dưới hầm nhà và lập trình ghi nhận sự thay đổi. Cô gõ, “Em tôi mặc áo len đỏ thay vì áo len xanh”. Rồi cô bấm nút “quay lại”.
Hoạt động: Bạn có thể dựng nên một câu chuyện về những gì có thể xảy ra?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn nghĩ cỗ máy sẽ cho thấy những gì?
• Bạn có nghĩ ngày hôm đó của cậu em sẽ khác chỉ vì cậu ta mặc chiếc áo len màu khác?
Trong khi đó, khi cậu em của cô thức dậy, mặc chiếc áo len màu xanh thường ngày và đây là những gì đã diễn ra:
Cậu ấy được chọn vào đội áo xanh cho một trận đấu bóng bầu dục của lớp. “Đội áo xanh” đã thắng. Là người chiến thắng cậu ta về nhà trong tâm trạng đầy tự tin và hạnh phúc. Điều đó giúp cậu ta phấn chấn tinh thần để hoàn thành các bài tập về nhà. Vì hoàn thành các bài tập về nhà, cậu được thầy giáo khen. Cậu ta, một lần nữa, về nhà trong tâm trạng lâng lâng và tiếp tục hoàn thành các bài tập suốt cả tuần…
Câu hỏi khởi động 2: Nếu cậu bé mặc chiếc áo len màu đỏ, bạn có nghĩ rằng điều gì khác đáng lẽ đã xảy ra không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Những thay đổi này sẽ tác động đến tương lai của cậu bé nhiều như thế nào?
• Những gì đáng lẽ sẽ khác đi?
• Cậu ta vẫn có thể thắng trận bóng bầu dục đó không?
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tự do”
✓ Đúng lúc
✓ Hiệu ứng cánh bướm
✓ Sự lựa chọn độc ác
✓ Sự lựa chọn của Charlie
✓ Thần Zeus làm gì khi buồn chán
✓ Suy tưởng: Bạn có tự do không?
✓ Cỗ máy Nếu như: Người tù hạnh phúc, Ếch và Bò cạp, Cửa hiệu cổ xưa nhỏ bé của những điều lạ lùng, Billy tiệc tùng, Vụ cướp
Triết học: Bất tất và tính nguyên nhân
Thần Zeus làm gì khi buồn chán
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 10 tuổi - Nâng cao
Các vị thần trên Đỉnh Olympus có khả năng nhìn thế giới từ đài cao của họ, nơi đó cao hơn hết thảy mọi vật, ở bên ngoài và tách biệt với thế giới.
Một hôm, trong lúc sắp hàng ngàn quân cờ đôminô để tiêu khiển và nhìn chúng đổ xuống chỉ vì một cái đụng nhẹ vào quân cờ đầu tiên, Zeus – vua của các vị thần Olympus – bỗng nảy lên một suy nghĩ. Ngài tự hỏi rằng nếu ngày hôm qua diễn ra lần nữa thì nó sẽ khác đi hay vẫn y như cũ. Ồ,ta là thần thánh, ngài tự nhủ, tại sao ta không tìm thử xem? Thế là Zeus dùng quyền năng của mình biến mọi thứ trong thế giới quay về buổi sáng hôm qua. Mọi người bắt đầu đi thụt lùi rất nhanh như một bộ phim được tua lại cho đến khi họ trở về đúng buổi sáng hôm qua. Lúc bấy giờ Zeus làm cho tất cả mọi người dừng lại và đóng băng họ ngay tại nơi họ đang đứng.
Câu hỏi khởi động 1 Trước khi Zeus búng ngón tay để cho ngày hôm qua hiện ra lại, bạn có nghĩ nó sẽ diễn ra khác hẳn hay chính xác như nó đã diễn ra lần đầu?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Ví dụ, nếu gió thổi mạnh làm bật một cái cây ở lần đầu tiên, điều đó có lặp lại không?
• Nếu một cậu bé vừa lỡ chuyến xe buýt nên đi học muộn, điều đó có lặp lại không?
• Nếu một cô bé chọn ở nhà xem tivi thay vì ra ngoài chơi đùa với bạn bè, điều đó có lặp lại không?
• Nếu cậu bé vì trò nghịch ngợm của mình mà gặp phải rắc rối khủng khiếp, liệu cậu ta có thể chọn không làm điều đó nữa nếu ngày hôm qua quay lại?
• Người ta có thể chọn những thứ khác nếu ngày hôm qua quay lại hay họ chỉ chọn những điều như trước?
• Nếu bạn biết rằng ngày hôm nay đang diễn ra lần thứ hai, bạn có làm mọi việc khác đi không?
• Nếu bạn biết những gì bạn đã làm lần đầu, bạn có làm mọi việc khác đi không?
• Nếu bạn không biết ngày hôm nay đang diễn ra lần thứ hai, bạn có nghĩ bạn sẽ làm mọi việc khác đi hay vẫn như trước?
Hoạt động mở rộng nâng cao
Hãy nghĩ lại lần gần đây nhất bạn đưa ra lựa chọn, như chọn loại ngũ cốc nào để ăn hay kênh tivi nào để xem chẳng hạn. Bây giờ hãy tưởng tượng Zeus đã “quay ngược thực tế” trở lại đúng ngay trước khi bạn chọn lựa.
Câu hỏi khởi động 2 Bạn sẽ chọn một điều gì đó ngoài những gì bạn đã chọn lần đầu thì có được hay không?
• Nếu bạn biết những gì bạn làm lần đầu và bạn biết rằng thực tế đã được “quay ngược lại” thì sao? Bạn sẽ chọn khác đi chứ?
• Nếu bạn không biết những gì bạn làm lần đầu và bạn cũng không biết rằng thực tế đã được “quay ngược lại” thì sao? Bạn sẽ chọn khác đi chứ?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn nữa (cho những người tham dự lớn tuổi)
• Câu trả lời của bạn nói gì với bạn về những lựa chọn?
• Một số triết gia nghĩ rằng để những lựa chọn của bạn trở thành những lựa chọn thực sự (để chúng ta có tự do ý chí thực sự) thì bạn phải được trao cho khả năng làm điều gì đó khác với điều bạn đã làm ở bất cứ thời điểm cụ thể nào. Bạn nghĩ gì về điều này?
• Bạn có nghĩ rằng lẽ ra bạn có thể đưa ra một lựa chọn khác với lần gần đây nhất hay không?
• Nếu không, bạn có thể là người theo quyết định luận (người không tin vào tự do ý chí).
• Nếu có, bạn có thể là một người theo chủ nghĩa tự do siêu hình (người tin vào tự do ý chí).
• Bạn có thể vừa là người theo quyết định luận vừa là người theo chủ nghĩa tự do siêu hình không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Nữ hoàng tay chân
✓ Có những bánh răng dưới gió không?
✓ Người làm đồ chơi có bộ máy đồng hồ
✓ Cỗ máy Nếu như: Người tù hạnh phúc, Cửa hiệu cổ xưa nhỏ bé của những điều lạ lùng, Ếch và Bò cạp
✓ Suy tưởng: Bạn có tự do không?
Nguồn và triết học: Tính tất yếu, sự ngẫu nhiên, vấn đề tự do ý chí và quyết định luận; Spinoza, Hume, Schopenhauer và Kant bàn về tự do ý chí và quyết định luận; Simone de Beauvoir bàn về “tự do tùy hoàn cảnh”.
Siêu hình học: Tính đồng nhất cá nhân
Sự phô bày tính đồng nhất
Andrew Routledge
Tuổi bắt đầu học: 12 tuổi
Sáu bài viết có trong phần Sự phô bày tính đồng nhất có thể được thảo luận theo cùng một cách với những bài viết khác trong sách này; tuy nhiên, dưới đây, tác giả đưa ra một phương pháp lôi cuốn – và hài hước – hơn cho các lớp và các nhóm để suy nghĩ về những vấn đề liên quan.
Hoạt động phô bày tính đồng nhất
Khởi động
Một học sinh sẽ được chọn ngẫu nhiên làm “tù nhân”. Có thể làm việc này bằng nhiều cách nhưng cách nào thì cũng nhằm phá vỡ sự im lặng ban đầu. Một cách khác để chọn tù nhân là xổ số: những người tham gia không hề biết rằng dưới mỗi chiếc ghế trong phòng đều có dán một tờ vé số. Một con số sẽ được rút ra và đọc lên.
Khi được chọn, tù nhân được trao một “tấm thẻ kịch bản” (xem các bài khác trong Sự phô bày tính đồng nhất), sau đó người ấy phải ngồi trong “cái lồng” cho đến khi phán quyết được đưa ra (có thể dùng chiếc ghế làm “cái lồng”). Điều phối viên của buổi hội thảo, người đóng vai thẩm phán, sẽ đọc tấm thẻ kịch bản. Tất cả những người còn lại sẽ được chia thành “luật sư bên nguyên” (những người sẽ biện luận rằng tù nhân và người phạm tội là một người), “luật sư biện hộ” (những người sẽ cộng tác và giúp tù nhân biện luận rằng anh ta không phải là tội phạm và phải được trả tự do) và – cuối cùng – một vài người làm “bồi thẩm đoàn”, họ sẽ cân nhắc các luận chứng và đưa ra phán quyết “có tội” hay “vô tội” vào cuối phiên tòa.
Con số chính xác cho mỗi bên tùy thuộc vào số lượng thành viên trong nhóm. Xin nhắc lại, cần có sự linh hoạt ở đây, nghĩa là chỉ cần một số lượng nhỏ thiết yếu cho mỗi bên. Đối với các nhóm quá ít người, bạn không cần cả hai thành phần luật sư và bồi thẩm đoàn riêng. Thay vào đó, cả nhóm có thể tranh luận về phiên tòa và sau đó bỏ phiếu ở cuối buổi tranh luận.
Đóng vai thẩm phán, vai trò của điều phối viên buổi hội thảo sẽ bị giới hạn, nhưng trong phạm vi của trò chơi, họ được phép giữ cuộc tranh luận đi đúng hướng bằng cách đặt cho các luật sư những câu hỏi cụ thể hay đề nghị bồi thẩm đoàn xem xét những chứng cứ đáng tin cậy.
Mười phút tranh luận
Trong phần này nhóm sẽ xem xét kịch bản được giới thiệu. Ví dụ, đó có thể là vụ xét xử một tên tội phạm đầy mưu mô thực hiện một vụ cướp tại nhà trưng bày mỹ thuật. Sau khi phạm tội, hắn uống một loại thuốc để xóa sạch mọi ký ức và thay đổi tính cách mãi mãi. Tuy nhiên, cảnh sát đã tìm thấy một trong những bức tranh vô giá giấu trong nhà hắn ta. Người này không còn nhớ gì về vụ cướp – hay bất cứ chuyện gì khác trong quá khứ – và không thể tin rằng mình đã làm một việc như vậy. Có phải người này cũng chính là người đã gây ra vụ cướp tại nhà trưng bày mỹ thuật? Hắn ta có bị trừng phạt không? Những ký ức giúp chúng ta là chính mình quan trọng như thế nào? Tính cách có quan trọng đối với tính đồng nhất cá nhân không? Đây là một số câu hỏi mà kịch bản đưa ra.
Năm phút kết luận
Trong phần này bồi thẩm đoàn sẽ xem xét bằng chứng, những phán quyết có tội/vô tội sẽ được đựng trong phong bì và gửi riêng cho thẩm phán. Sau một lúc im lặng đủ gây kịch tính, thẩm phán sẽ tuyên đọc phán quyết. Thời gian còn lại sẽ được dành để làm rõ những ý tưởng triết học được bàn tới trong cuộc thảo luận. Tóm tắt và xem xét lại một số tư tưởng/luận điểm được và kết nối các câu hỏi với các lĩnh vực triết học có liên quan. Sau cùng, điều phối viên buổi hội thảo có thể chỉ cho người tham gia biết những nguồn tài liệu có sẵn để đọc thêm.
Lưu ý: Các kịch bản chọn lọc được trình bày như sau. Đối với những buổi học dài hơn, có thêm lựa chọn cho phép người tham gia tiếp tục tự viết kịch bản của mình. Đây là một cách thực hành triết học rất hay, giúp họ hiểu cách kết hợp những thí nghiệm trong tư tưởng lại với nhau – đây là một công cụ then chốt của triết học. Để thiết kế một kịch bản, những người tham gia cần nghĩ ra (a) một cái tên cho kẻ phạm tội, (b) hành vi phạm tội và (c) giải thích rõ người ấy đã thay đổi như thế nào. Lúc bấy giờ câu hỏi tương tự sẽ được đặt ra: Có phải họ vẫn chính là một người? Đối với những ai phải gắng sức suy nghĩ, hãy nhớ rằng kịch bản không nhất thiết phải hoàn toàn mới hay khác lạ so với những gì đã được thảo luận. Trong thực tế, triết học thường tiến triển chỉ bằng cách điều chỉnh những kịch bản có sẵn một chút, thay X nhưng vẫn giữ nguyên Y. Và sau đó đặt câu hỏi: Thay đổi này có gì khác biệt không? Bằng cách đó, nó cho phép bạn nắm chắc hơn và chính xác hơn cái gì thực sự quan trọng. Ví dụ, bạn có một kịch bản được điều chỉnh một chút trong đó cá tính của ai đó thay đổi mạnh mẽ nhưng họ vẫn còn giữ được phần lớn ký ức như trước.
Triết học: Tính đồng nhất cá nhân, sự bền vững của cái tôi qua thời gian, chủ nghĩa duy vật, tính vị kỷ.
Sự phô bày tính đồng nhất (1): Ký ức
Andrew Routledge
Tuổi bắt đầu học: 12 tuổi
Một tên tội phạm mưu mô thực hiện vụ cướp tại một phòng trưng bày mỹ thuật và lấy đi nhiều bức tranh nổi tiếng trị giá hàng triệu bảng. Hắn chuẩn bị hưởng cuộc sống giàu có suốt đời. Để bảo đảm không bao giờ lộ bí mật về mình hay để không bị cám dỗ thực hiện một vụ cướp khác, hắn uống một loại thuốc giúp xóa sạch mọi ký ức và thay đổi tính cách. Cách suy nghĩ và hành xử của hắn khác hẳn – hắn ta trở thành một người tử tế, tận tâm giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, cảnh sát tìm thấy một bức tranh giấu trong nhà hắn từ một nguồn tin bí mật. Họ bắt người ấy và tìm thấy dấu vết của thuốc xóa ký ức vẫn còn trong cơ thể hắn, nhưng vì dùng thuốc này mà người ấy không còn nhớ gì đến vụ cướp – hay bất cứ điều gì trong quá khứ – và hắn không thể tin được là hắn có thể đã làm một việc như vậy. Ý nghĩ về việc trộm cướp làm hắn khiếp sợ.
Người này hiện đang ngồi trong cái lồng trước mặt chúng ta. Những gì chúng ta cần quyết định là thế này:
Câu hỏi khởi động: Phải chăng hắn và kẻ cướp tại phòng trưng bày mỹ thuật vẫn cùng là một người ? Có nên trừng phạt hắn không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Những ký ức giúp chúng ta là chính mình quan trọng như thế nào?
• Và nhân cách của chúng ta quan trọng đến mức nào?
• Sử dụng thứ thuốc này có giống như đang chết không?
• Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn là người ở trong cái lồng kia? Bạn có nghĩ bạn đáng bị trừng phạt không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tính đồng nhất cá nhân” (đặc biệt là bài “Sự phô bày tính đồng nhất: Cơ thể, Bản sao cơ thể, Bộ não, Sinh sản vô tính, Thay đổi, Những thứ lấp lánh…”)
✓ Cố quên
✓ Jemima hay James
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie, Chiếc thuyền của Theseus, Hai bạn ở hành tinh khác, Bạn ở đâu?
Sự phô bày tính đồng nhất (2): Cơ thể
Andrew Routledge
Tuổi bắt đầu học: 12 tuổi
Có người đang phát tán tiền giả trên khắp đất nước. Cảnh sát bố ráp một nhà máy bỏ hoang và phát hiện một băng nhóm với nhiều vali đựng tiền giấy. Chưa tìm ra tên đầu sỏ của băng nhóm này nhưng cảnh sát biết hắn là ai: trước đây hắn ta đã từng ngồi tù và cảnh sát biết con người ấy trông như thế nào, chiều cao, cân nặng, vóc dáng và vân vân. Một cuộc truy lùng trên khắp cả nước bắt đầu.
Đọc được tin này trên báo, tên đầu sỏ nhận thấy cần phải có hành động quyết liệt. Gã liên lạc với hai người cũ. Một trong hai người đó làm việc cho một công ty chuyên tìm kiếm những người hiến tạng, còn người kia là một bác sĩ phẫu thuật bị mua chuộc làm việc trong một bệnh viện. Bọn chúng tiến hành một cuộc phẫu thuật vô cùng nguy hiểm và tốn kém nhưng tên đầu sỏ không muốn bị bắt. Trong những tuần đầu tiên bác sĩ phẫu thuật tháo chân và bàn chân của tên đầu sỏ, thay bằng chân và bàn chân của một người khác. Khi tên đầu sỏ phục hồi lại sau cuộc phẫu thuật, bác sĩ bắt đầu đổi cánh tay và bàn tay của hắn và cuối cùng là đến các cơ quan nội tạng như phổi và tim. Gần một năm sau, không ai nhận ra hắn ta nữa. Bác sĩ phẫu thuật thực hiện những thay đổi cuối cùng bằng cách cấy ghép bộ não cho hắn.
Con người bước ra từ cuộc phẫu thuật ấy không có tứ chi hay nội tạng của cùng một cơ thể. Mỗi bộ phận trên cơ thể được thay thế tuần tự qua nhiều tuần và nhiều tháng. Nhưng bất chấp những nỗ lực của bọn chúng, tên đầu sỏ vẫn bị bắt. Sau khi điều tra một loạt vụ ăn cắp bộ phận cơ thể người, cảnh sát tìm thấy hồ sơ tài chính của hắn và lần theo dấu vết. Số vết sẹo bất thường trên cơ thể hắn lập tức nói lên tất cả.
Hắn hiện đang ngồi trong cái lồng trước mặt chúng ta. Những gì chúng ta cần quyết định là thế này:
Câu hỏi khởi động Hắn ta và tên đầu sỏ dùng tiền giả vẫn cùng là một người? Có nên trừng phạt hắn không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Việc cơ thể của chúng ta giúp chúng ta là chính mình quan trọng như thế nào?
• Những loại thay đổi gì trên cơ thể có thể thực hiện trước khi trở thành một người khác?
• Bạn sẽ để cho bác sĩ phẫu thuật thay thế bao nhiêu bộ phận cơ thể bạn?
• Những thay đổi này diễn ra dần dần ở mức nào có quan trọng không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tính đồng nhất cá nhân” (đặc biệt là bài “Sự phô bày tính đồng nhất: Ký ức, Bản sao cơ thể, Bộ não, Sinh sản vô tính, Thay đổi”)
✓ Phát hiện
✓ Pinka và Arwin chu du trái đất (1): Về máy móc và con người
✓ Pinka và Arwin chu du trái đất (2): Bổ sung thêm tinh thần
✓ Bobby - bao cát tập đấm
✓ Jemima hay James
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie, Chiếc thuyền của Theseus, Hai bạn ở hành tinh khác, Bạn ở đâu?
Triết học: Thomas Hobbes và chủ nghĩa duy vật, John Locke và tính đồng nhất qua thời gian.
Sự phô bày tính đồng nhất (3): Bản sao cơ thể
Andrew Routledge
Tuổi bắt đầu học: 12 tuổi
Một số máy tính của chính phủ đã bị tấn công. Kẻ nào đó đã lấy được những thông tin bảo mật. Cảnh sát tin rằng các thông tin đó đang được rao bán và họ biết những kẻ dính líu vào vụ này là ai. Nhưng kẻ chủ mưu đã có kế hoạch đào tẩu. Trong quá khứ, tội phạm có thể dùng xe hơi để bỏ trốn, còn ở thời đại này (kể từ bây giờ cho đến sau này) những tên tội phạm có thể đào thoát bằng máy móc. Khi bước vào một trong những cái máy này, nó chụp ảnh toàn bộ cơ thể của người đó và gởi những thông tin được ghi nhận cho một cái máy ở đầu bên kia thế giới thông qua vệ tinh. Dựa trên bản thiết kế chi tiết, cái máy thứ hai sẽ thực hiện một bản sao chính xác về người đó bằng một vài chất hóa học mới. Cả hai đều có cơ thể, bộ não giống hệt nhau. Họ giống nhau như đúc và hành xử cũng giống nhau, tin tưởng những điều như nhau và mong muốn mọi thứ giống nhau. Thế rồi, vào đúng khoảnh khắc mà cái máy thứ hai thực hiện bản sao này, thân thể trong cái máy thứ nhất bị loại trừ và hủy diệt để chỉ còn một trong hai tồn tại mà thôi. Không may cho người bước ra khỏi cái máy đó, cảnh sát quốc tế đã lần theo dấu vết vụ mua bán những tin tức công nghệ này và bắt hắn trong vòng một tiếng đồng hồ.
Hắn hiện đang ngồi trong cái lồng trước mặt chúng ta. Những gì chúng ta cần quyết định là thế này:
Câu hỏi khởi động Hắn và tay tin tặc vẫn cùng là một người chứ? Có nên trừng phạt hắn không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Cơ thể của chúng ta giúp chúng ta là chính mình quan trọng như thế nào?
• Cơ thể chúng ta vốn quan trọng nhất, nói vậy nghĩa là gì?
• Chất liệu làm nên cơ thể hay các bộ phận được sắp xếp lại với nhau như thế nào, điều gì mới là quan trọng?
• Bạn sẽ bước vào một cái máy đào tẩu nếu bạn đang bị săn lùng chứ?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tính đồng nhất cá nhân” (đặc biệt là bài “Sự phô bày tính đồng nhất: Ký ức, Cơ thể, Bộ não, Sinh sản vô tính, Thay đổi, Máy sao chép”)
✓ Người bút chì gặp Người bút chì!
✓ Hình vuông số 2
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie, Chiếc thuyền của Theseus, Hai bạn ở hành tinh khác, Bạn ở đâu?
Triết học: Những lý lẽ và những con người của Derek Parfit.
Sự phô bày tính đồng nhất (4):Bộ não
Andrew Routledge
Tuổi bắt đầu học: 12 tuổi
Một tên tội phạm liều lĩnh đang tìm cách bỏ trốn sau khi ăn trộm chiếc Vương miện của hoàng gia. Người dân được xem đoạn băng ghi hình cảnh trốn chạy đầy kịch tính của tên tội phạm và cảnh sát yêu cầu mọi người hãy cảnh giác với tên này. Trong khi tên tội phạm tiếp tục ẩn nấp, những tên đồng phạm khác đang tìm cách thực hiện một cuộc cấy ghép não tinh vi nhất. Bộ não của hắn được lấy ra và ghép vào một cơ thể khác. Phần cơ thể cũ của gã được bí mật đem chôn. Lúc này trông hắn ta khác hoàn toàn và chỉ có bộ não là cũ. Nhưng hắn lại không gặp may khi tìm cách bán chiếc Vương miện cho một người nọ và bị người đó lừa. Trong lúc hắn đến nhận tiền thì cảnh sát có vũ trang đã đợi sẵn rồi.
Hắn hiện đang ngồi trong cái lồng trước mặt chúng ta. Những gì chúng ta cần quyết định là thế này:
Câu hỏi khởi động: Hắn và tên trộm vẫn cùng là một người chứ? Có nên trừng phạt hắn không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu bộ não của bạn được ghép vào một cơ thể khác, vậy bạn sẽ ở đâu: nơi thân thể cũ của bạn hay nơi bộ não hiện tại của bạn?
• Cái gì quan trọng hơn để biết chúng ta là ai: thân thể hay tính cách chúng ta?
• Nếu bộ não của bạn được đặt vào một thân thể khác, bạn có nghĩ rằng bạn vẫn có tính cách như cũ?
• Nếu phải chọn lựa, bạn thích giữ lại bộ não hay phần còn lại của cơ thể mình?
• Những ký ức của bạn có như cũ không? Còn tính cách của bạn thì sao?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tính đồng nhất cá nhân” (đặc biệt là bài “Sự phô bày tính đồng nhất: Ký ức, Cơ thể, Bản sao cơ thể, Sinh sản vô tính, Thay đổi”)
✓ Hãy chăm lo hành tinh này
✓ Pinka và Arwin chu du trái đất (2): Bổ sung thêm tinh thần
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie, Chiếc thuyền của Theseus, Hai bạn ở hành tinh khác, Bạn ở đâu?
Sự phô bày tính đồng nhất (5): Sinh sản vô tính
Andrew Routledge
Tuổi bắt đầu học: 12 tuổi
Một diễn viên Hollywood giàu có đang bị tống tiền. Những kẻ tống tiền muốn có một trăm triệu đô la mới bảo đảm vợ ông ta về nhà an toàn. Cảnh sát tìm cách lần theo dấu vết những lá thư và tập kích một ga-ra, nơi người phụ nữ đang bị bắt làm con tin. Mặc dù tìm cách trả tự do cho vợ của người diễn viên, gã tội phạm đã có sẵn một kế hoạch đào thoát hoàn hảo. Trong quá khứ, tội phạm có thể dùng xe hơi để bỏ trốn, còn ở thời đại này (kể từ bây giờ cho đến sau này) những tên tội phạm có thể đào thoát bằng máy móc. Khi bước vào một trong những cái máy này, nó chụp ảnh toàn bộ cơ thể của người đó và gởi những thông tin được ghi nhận cho một cái máy ở đầu bên kia thế giới thông qua vệ tinh. Dựa trên bản thiết kế chi tiết, cái máy thứ hai sẽ thực hiện một bản sao chính xác về người đó bằng một vài chất hóa học mới. Cả hai đều có cơ thể bộ não giống hệt nhau. Họ giống nhau như đúc và hành xử cũng giống nhau, tin tưởng những điều như nhau và mong muốn mọi thứ giống nhau. Thế rồi, vào đúng khoảnh khắc mà cái máy thứ hai thực hiện bản sao này, thân thể trong cái máy thứ nhất bị loại trừ và hủy diệt. Nhưng thật xui xẻo, cái máy gặp trục trặc ngay khi tên tội phạm bước vào. Nó phát ra những tạp âm rất tức cười và khói bắt đầu bốc lên. Thay vì làm ra chỉ một bản sao của hắn, cái máy lại làm thành ba. Tất cả đều giống y hệt như bản gốc vốn giờ đây đã bị hủy diệt. Mỗi người đều nhớ đã bước vào cái máy đó! Cả ba sau đó bị cảnh sát quốc tế lần theo dấu vết và đưa từng người ra tòa xét xử riêng.
Một trong ba người đó hiện giờ đang ngồi trong cái lồng trước mặt chúng ta. Những gì chúng ta cần quyết định là thế này:
Câu hỏi khởi động Người này và gã tống tiền vẫn cùng là một người chứ? Có nên trừng phạt gã không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu giờ đây có ba người khác nhau, bằng cách nào chúng ta có thể quyết định ai trong số đó là một với người nguyên bản?
• Có phải sự trục trặc của máy móc có nghĩa rằng không ai trong ba người đó giống nhau?
• Cái máy đã giết gã tống tiền phải không?
• Nếu cái máy trục trặc và không hủy diệt được gã tống tiền nguyên bản thì sao? Vậy thì ai trong bốn người nên bị trừng phạt? Hay phải chăng nên trừng phạt tất cả bọn họ?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tính đồng nhất cá nhân” (đặc biệt là bài “Sự phô bày tính đồng nhất: Ký ức, Cơ thể, Bản sao cơ thể, Bộ não, Thay đổi”)
✓ Người bút chì gặp Người bút chì!
✓ Có bao nhiêu con chó?
✓ Hình vuông số 2
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie, Chiếc thuyền của Theseus, Hai bạn ở hành tinh khác, Bạn ở đâu?
Sự phô bày tính đồng nhất (6): Thay đổi
Andrew Routledge
Tuổi bắt đầu học: 12 tuổi
Trong một cuộc chiến tranh cách đây nhiều năm, có một người phải chịu trách nhiệm cho việc giết hại và tra tấn nhiều người vô tội. Khi chiến tranh kết thúc, người này đã trốn khỏi đất nước vì lo sợ bị trừng phạt về những tội ác do mình gây ra. Ông tìm đường đến châu Mỹ Latinh và ẩn náu ở đó. Nhiều năm trôi qua, người đàn ông đó già đi nhiều. Ông ta không còn nhớ những chuyện xảy ra cách đây quá lâu và cũng không bao giờ hành xử như vậy nếu bây giờ ông ở trong tình huống tương tự. Cách mà ông nghĩ về thế giới khác lắm rồi. Tính của ông đã hoàn toàn thay đổi. Thân thể của ông cũng già cỗi và trông khác không thể tả nổi. Hầu như mỗi tế bào trong thân thể ông đã chết và được thay thế bằng một tế bào khác. Tuy nhiên, các nhà thực thi công lý được người dân địa phương cảnh báo rằng người này có thể là tội phạm chiến tranh. Và họ đã bắt ông ta.
Người này hiện giờ đang ngồi trong cái lồng trước mặt chúng ta. Những gì chúng ta cần quyết định là:
Câu hỏi khởi động Người này và tên tội phạm chiến tranh vẫn cùng là một người phải không? Có nên trừng phạt ông ta không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Điều quan trọng về cách chúng ta thay đổi là gì?
• Phải chăng có một số cách thay đổi tự nhiên hơn các cách khác? Nếu đúng như vậy thì tại sao?
• Tại sao chúng ta có thể sống sót được với những thay đổi kiểu này mà không phải là những kiểu khác?
• Chúng ta thay đổi chậm hay dần dần ở mức độ nào có quan trọng không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tính đồng nhất cá nhân” (đặc biệt là bài “Sự phô bày tính đồng nhất: Ký ức, Cơ thể, Bản sao cơ thể, Bộ não, Sinh sản vô tính, Những thứ lấp lánh…”)
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie, Chiếc thuyền của Theseus, Hai bạn ở hành tinh khác, Bạn ở đâu?
Quay lại lối cũ
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 9 tuổi
Bạn hãy thoải mái và thử bài thí nghiệm trong tư tưởng sau đây. Hãy dành chút thời gian suy nghĩ giữa mỗi phần bài tập được đánh số.
1. Nhớ lại nơi bạn có mặt cách đây mười phút.
2. Bây giờ nhớ lại nơi bạn có mặt cách đây một giờ.
3. Bạn ở đâu cách đây một ngày?
4. Còn một năm trước?
5. Bây giờ hãy nghĩ xem năm năm trước bạn ở đâu?
6. Mười năm trước?
7. Bạn ở đâu một trăm năm trước đây?
8. Một ngàn năm trước đây thì sao?
9. Và một triệu năm trước đây?
10. Mười triệu năm trước thì sao?
11. Và một tỷ năm trước?
Câu hỏi khởi động Bạn là gì và bạn ở đâu trước khi bạn sinh ra?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có ý nghĩa gì không khi nghĩ về chính bạn vào thời điểm trước khi bạn sinh ra? Có một người là “bạn” trước khi bạn sinh ra không?
• Bạn có tồn tại trước khi bạn sinh ra không?
• Bạn có tồn tại trong gien (hoặc trong các tổ tiên của bạn) trước khi bạn sinh ra không?
• Phải chăng các hóa chất tạo nên bạn tồn tại trước khi bạn sinh ra? (Bạn hãy thử tìm hiểu xem các hóa chất nào đã tạo nên bạn!)
• Bạn có nghĩ bạn có một linh hồn trước khi bạn sinh ra không? Nếu có, nó ở đâu?
• Có điều gì mà mọi vật đều được tạo thành từ nó không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tính đồng nhất cá nhân” (đặc biệt là bài “Bạn nghĩ bạn là ai?”)
✓ Hãy chăm lo hành tinh này
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
Nguồn: Bài thơ “Bạn nghĩ bạn là ai?” của Carl Sandburg.
Triết học: Triết học về linh hồn và cái tôi, ngụy biện tổng thể.
Bạn nghĩ bạn là ai?
Nolen Gertz
Tuổi bắt đầu học: 14 tuổi
John là một học sinh vừa chuyển nhà và bắt đầu đi học ở trường mới. Ngày đầu tiên đến trường, thầy giáo Paul chào đón John và giới thiệu cậu với các học sinh khác. Đứng trước lớp, thầy Paul nói với John: “Em có thể nói cho các bạn biết một chút về em không?”. John gật đầu rồi nói: “Chào các bạn, tôi là John. Tôi từng sống ở Brighton, nhưng gia đình tôi vừa chuyển tới London và tôi mong được học ở đây với tất cả các bạn”. Thầy Paul có vẻ bối rối, quay qua nói với John: “Cảm ơn những thông tin của em, nhưng ý thầy là: em có thể cho mọi người biết em là ai không?”. John khẽ cười và cố gắng lần nữa. Cậu nói: “À, xin lỗi, tôi có người chị tên là Simone, và một chú mèo tên là Albert…”. Trước khi John tiếp tục, thầy Paul lại cắt ngang: “Xin lỗi John, nhưng đó cũng chỉ là thêm thông tin thôi. Em hãy kể cho mọi người nghe về em nhé”. John xin lỗi và cố gắng lần nữa, nhưng ngay khi cậu bắt đầu kể về cha mẹ và các trò chơi ưa thích, thầy Paul lại cắt ngang và lại yêu cầu John nói với mọi người “ cậu là ai”. John cảm thấy rất bối rối, bèn nói: “Được rồi, ừm, tôi nghĩ tôi là...”. Thầy Paul cố gắng giúp đỡ cậu nên liền giải thích: “John, mọi người không muốn nghe chi tiết về quá khứ của em, về ngôi nhà của em, về gia đình em, hay về những sở thích của em. Mọi người chỉ muốn nghe về em, và em là ai” . Không thể nghĩ được điều gì khác, John chỉ thốt lên: “À thì, tôi là tôi !”.
Câu hỏi khởi động Bạn là ai?
Lưu ý: Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó khó chịu tương tự như cảm giác của John, không sao hết. Bạn có thể nói lý do khiến bạn cảm thấy khó chịu không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn có thể trả lời câu hỏi này mà không cần liệt kê đơn giản thông tin về bản thân bạn không?
• Lời đáp của John: “À thì, tôi là tôi!”, có phải là cách duy nhất để trả lời câu hỏi của thầy Paul không?
• “À thì, tôi là tôi !” có phải là câu trả lời cho câu hỏi “Bạn là ai?” không? Nếu có, đó có phải là câu trả lời thỏa đáng không?
• Bạn thường tự giới thiệu bản thân với người khác như thế nào? Những người khác tự giới thiệu về họ với bạn như thế nào?
• Bạn nghĩ thầy Paul muốn John nói gì? Bạn có thể nghĩ ra câu trả lời tốt hơn cho câu hỏi của thầy Paul không?
• Có sự khác nhau giữa “thông tin về bạn” và “bạn là ai?” không? Nếu có, sự khác nhau đó là gì?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tính đồng nhất cá nhân” (đặc biệt là bài “Quay lại lối cũ”)
✓ Phát hiện
✓ Chỉ là con người
✓ Tôi có thể suy nghĩ?
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
Triết học : Heidegger, Sartre, chủ nghĩa hiện sinh, lo âu hiện sinh, tính bản ngã.
Những thứ lấp lánh…
Emma Worley
Tuổi bắt đầu học: 9 tuổi
Natasha 9 tuổi và trái tim cô bé đập mạnh khi chồm lên kệ để lấy hộp kẹo cam thảo. Nó lấp lánh trước mắt khiến cô bé không thể cưỡng lại được. Cô bé chạy vội ra khỏi cửa hiệu. Nhưng không kịp rồi – chủ tiệm đã bắt được cô bé và đưa cô bé về nhà. Cô bé bị phạt.
33 năm sau…
Natasha 42 tuổi và tim cô loạn nhịp khi cô vươn người để lấy cuốn tự truyện của mình. Tên cô lung linh trên bìa sách. Cô mở ra đọc những dòng đầu tiên mà cô đã thuộc lòng. Cô đặt cuốn sách xuống và đi ra khỏi hiệu sách. Cô chợt mỉm cười khi nhớ lại mình đã ăn trộm hộp kẹo cam thảo nhiều năm trước đây, câu chuyện này cô đã kể lại trong sách.
40 năm sau…
Natasha giờ đã 82 tuổi và tim bà rung lên nhè nhẹ khi bà đọc những câu chuyện về cuộc đời bà cho đứa cháu trai 7 tuổi nghe. Đôi mắt Kwami lấp lánh khi lắng nghe những chuyện phiêu lưu của bà. Sau khi đọc đến chương kể về chuyện bà Natasha bị phạt vì tội ăn cắp kẹo cam thảo, Kwami thốt lên: “Bà ơi! Con không ngờ bà là kẻ cắp!”. Bà Natasha nhìn cháu, và đáp lại hết sức chân thành: “Bà cũng vậy, Kwami à. Bà đã hoàn toàn quên đi khoảnh khắc đó trong đời bà rồi”.
Câu hỏi khởi động 1: Natasha có phải là kẻ cắp?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Khi đã thành người lớn, chúng ta có chịu trách nhiệm về những việc chúng ta đã làm khi còn là trẻ nhỏ không?
• Chúng ta có thể chịu trách nhiệm về điều gì đó chúng ta đã làm nhưng không nhớ mình đã làm sao?
Bà Natasha 80 tuổi nhớ cuốn tự truyện của mình được xuất bản khi bà 40 tuổi.
Cô Natasha 40 tuổi nhớ mình ăn cắp kẹo cam thảo khi lên 9 tuổi.
Nhưng bà Natasha lại không nhớ đã ăn cắp kẹo cam thảo.
Câu hỏi khởi động 2: Họ có cùng là một người không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu đúng, điều gì làm cho họ cùng là một người nếu họ không có cùng ký ức?
• Bé Natasha 7 tuổi có phải chịu trách nhiệm về những hành vi của Natasha 9 tuổi không? Chúng ta có thể chịu trách nhiệm về những việc chúng ta sẽ làm nhưng chưa làm không? Và tương tự, chúng ta có phải chịu trách nhiệm về điều chúng ta không thể nhớ mình đã làm?
• Ký ức của chúng ta khiến chúng ta là chính mình quan trọng như thế nào?
• Điều gì kết nối chúng ta với quá khứ của mình?
• Điều gì làm cho chúng ta vẫn cùng là một người trong ngày mai hay năm năm tới?
• Chúng ta có cùng là một người ở những thời điểm khác nhau trong đời mình không?
• Nếu chúng ta cần nhớ quá khứ của mình để vẫn cùng là một người, vậy những người mất ký ức thì sao?
• Nếu ký ức không phải là điều làm cho chúng ta cùng là một người qua thời gian, vậy thì cái gì mới đúng?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Sự phô bày tính đồng nhất (1): Ký ức
✓ Đúng lúc
✓ Cái đầu u của ai?
✓ Ông ta không còn được một nửa ngày xưa
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Tái thiết
Nguồn: “Cậu bé bị đòn và vị đại tướng” của Thomas Reid.
Triết học: Sự liên tục của ý thức của John Locke, tính đồng nhất cá nhân, ký ức, trách nhiệm.
Cái đầu u của ai?
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Khi Byron đến trường sáng nay mọi người gọi cậu là “Brian”. Cậu rất bực mình vì tên cậu là Byron mà. Khi điểm danh, không có tên nào là “Byron”, chỉ có tên “Brian”. Nhưng Byron không trả lời khi tên “Brian” được gọi lên. Những đứa trẻ khác cứ khăng khăng nói rằng tên cậu bé là Brian. Chúng nói rằng cái tên Brian có lâu nay rồi. Cô giáo cũng bảo tên cậu là Brian và cô sẽ chứng minh điều đó: “Tên em đây,” – cô giáo nói, – “trong sổ điểm danh này”. Brian vẫn còn bối rối bởi vì cậu không nhớ bất cứ điều gì trước bữa ăn sáng.
Câu hỏi khởi động 1: Làm sao Byron (hay Brian) tìm ra chính mình nếu cậu ta không nhớ mình là ai trước bữa điểm tâm?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Làm sao chúng ta biết chúng ta là ai?
• Không có ký ức, làm sao bạn biết bạn là ai?
• Chúng ta có thể biết về chính mình nhờ những gì người khác nói về chúng ta không?
• Người khác có biết chúng ta không? Nếu biết, vậy họ biết nhiều đến mức nào?
Đây là những gì đã xảy ra: sáng hôm đó, trước bữa điểm tâm, Byron là Brian. Nhưng Brian bị một cú va đập vào đầu rất nặng. Khi đến trường, cậu bé mất hết mọi ký ức về cuộc sống của mình trước cú va đập này. Cậu nghĩ tên cậu là Byron và chỉ có thể nhớ những gì xảy đến với cậu từ sau khi bị u đầu. Mẹ cậu vẫn đưa cậu đến trường. Bà nghĩ làm vậy là tốt cho cậu bé và giúp cậu lấy lại trí nhớ.
Câu hỏi khởi động 2: Byron và Brian có phải cùng là một người không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Con người sau khi bị u đầu có phải cũng chính là con người trước khi bị u đầu?
• Nếu phục hồi được trí nhớ trước khi bị u đầu thì liệu cậu bé có là con người như trước hay không?
• Nếu không bao giờ phục hồi được trí nhớ trước khi bị u đầu thì liệu cậu bé có là con người như trước hay không?
Trong khi ở trường cậu bé lại bị va đập vào đầu lần nữa, nhưng lần này cú va đập lại phục hồi tất cả ký ức của cậu bé. Cô giáo và các bạn trong lớp vui mừng thấy Brian trở lại. Nhưng Byron đi đâu rồi?
Câu hỏi để kết thúc: Điều gì đã xảy ra với Byron?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Đi đôi và bám sát với bài “Những thứ lấp lánh…”
✓ Sự phô bày tính đồng nhất (1): Ký ức
✓ Ông ta không còn được một nửa ngày xưa
✓ Cố quên
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Tái thiết
Nguồn: Cám ơn David Birch vì câu hỏi, “Nếu bạn quên bạn là ai thì bạn sẽ tìm lại như thế nào?”.
Triết học: Cơ thể, ký ức và tính đồng nhất cá nhân; John Locke; Thomas Reid.
Máy sao chép
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Cái máy sao chép không sao chép hình ảnh và văn bản; nó thú vị hơn thế nhiều. Nó sao chép con người. Nhưng nó không chỉ làm ra những bản sao hình ảnh; nó làm ra một bản sao vật chất khác của một con người. Tất tần tật từ số lượng lông tóc cho đến vị trí của các nốt tàn nhang đều giống nhau y hệt.
Có hai buồng máy: buồng số 1 và buồng số 2. Khi một người hay một vật được đặt vào buồng số 1, người điều khiển máy sẽ bấm nút “sao chép”, và một bản sao hoàn hảo của người hay vật đó được tạo ra ở buồng số 2.
Hãy tưởng tượng bạn bước vào buồng số 1. Nút “sao chép” được bấm. Bạn bước ra khỏi buồng số 1 trong khi bản sao của bạn bước ra khỏi buồng số 2.
Câu hỏi khởi động 1: Sẽ như thế nào nếu bạn gặp chính bạn?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn sẽ nói những chuyện gì?
• Bạn sẽ có nhiều điều để nói chứ?
• Cuộc đàm thoại có vấn đề gì không?
• Hai bạn có biết mọi thứ về nhau không?
Câu hỏi khởi động 2: Người nào là bạn? Cả hai đều là bạn chăng?
Các câu hỏi của bạn
• Điều gì làm cho bạn là bạn ?
• Bạn là gì?
Một tuần sau một trong hai bạn gặp tai nạn và bị gãy một tay. Rất đau.
Câu hỏi khởi động 3: Có phải như thế có nghĩa là bạn bị gãy tay không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Để tránh cảm giác đau đớn vì bị gãy tay, thì việc ai trong hai bạn là người bị gãy tay có quan trọng không? Để giúp suy nghĩ về điều này, hãy xem xét các câu hỏi sau:
• Nếu bạn bị gãy tay là người ở trong buồng số 1 (tức là nguyên bản) nghĩa là bạn bị gãy tay?
• Nếu bạn bị gãy tay là người ở buồng số 2 (tức là bản sao) nghĩa là bạn bị gãy tay?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tính đồng nhất cá nhân” (đặc biệt là bài “Sự phô bày tính đồng nhất: Ký ức, Cơ thể, Bộ não, Sinh sản vô tính, Thay đổi”)
✓ Người bút chì gặp Người bút chì!
✓ Tiểu hành tinh của BURIDAN
✓ Hình vuông số 2
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện của Ceebie, Chiếc thuyền của Theseus, Hai bạn ở hành tinh khác, Bạn ở đâu?
Nguồn: Phim The Prestige của đạo diễn Christopher Nolan.
Triết học: Triết học về cái tôi, tính vị kỷ, tính đồng nhất cá nhân, Quy luật của Leibniz (tính đồng nhất của những thứ bất khả phân biệt).
Ông ta không còn được một nửa ngày xưa
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 8 tuổi
Methusela, còn gọi là Metty, muốn sống càng lâu càng tốt, nhưng ông ấy lại đang già đi. Hôm nay, Metty không còn được một nửa ngày xưa. Hai đầu gối của ông không còn khỏe như lúc trước. Tuy nhiên, vì câu chuyện này xảy ra ở tương lai nên khi các bộ phận trên cơ thể của ông ngừng hoạt động, ông ấy có thể dùng các bộ phận bằng máy được làm từ chất dẻo và kim loại để thay vào. Ở thời đại này chúng ta chỉ có thể thay khớp gối của mình, nhưng ở thời của Metty ông ấy có thể thay thế không chỉ khớp gối mà mọi bộ phận trên cơ thể bằng những bộ phận vừa mới vừa hoạt động hoàn hảo.
Trước tiên, ông thay hai khớp gối và sau đó, khi thị lực bắt đầu yếu dần, ông sẽ thay mới một đôi mắt-máy quay phim đặc biệt. Đôi mắt này thậm chí còn tốt hơn mắt thật của ông khi còn khỏe mạnh. Metty rất vui với đôi mắt mới. Ông tiếp tục theo cách này: mỗi lần có một bộ phận trong người không còn hoạt động tốt thì ông liền thay nó.
Câu hỏi khởi động 1: Ông ấy có thể tiếp tục thay thế các bộ phận bao lâu nữa trước khi biến thành một người khác?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có phải sau lần thay thế thứ nhất?
• Có phải sau lần thay thế cuối cùng?
• Hay một lần thay thế nào đó ở giữa hai lần ấy?
Cuối cùng, một trăm năm sau đó, ông đã thay thế mọi bộ phận trên cơ thể mình bằng những bộ phận mới, hoạt động hoàn hảo, được làm bằng chất dẻo và kim loại; tất cả mọi bộ phận, trừ bộ não. Tuy nhiên, Metty nhận thấy rằng bộ não không còn hoạt động tốt nữa – cụ thể là ký ức của ông không còn được một nửa ngày xưa. Ông đang nghĩ đến việc thay thế bộ não già cỗi của mình bằng một bộ não-máy tính mới. Người ta nói rằng nó sẽ hoạt động tốt hơn rất nhiều so với bộ não nguyên gốc của ông. Ông sẽ trở nên siêu thông minh và có một ký ức tuyệt vời, hơn thế nữa, ông sẽ có khả năng lấy lại được tất cả ký ức từ bộ não cũ đem qua cho bộ não-máy tính mới này. Bộ não mới sẽ hoạt động ít nhất là hai trăm năm nữa. Tuy nhiên, bộ não cũ của ông sẽ chết sớm nếu không được thay thế. Ông tự hỏi: ông có nên thay bộ não của mình bằng bộ não-máy tính mới không?
Câu hỏi khởi động 2: Nếu ông ấy thay thế bộ não của mình bằng bộ não-máy tính mới, ông ấy vẫn còn là chính mình hay sẽ thành một con người khác?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu ông ấy không chuyển mọi ký ức qua bộ não mới thì ông ấy có còn là chính mình không hay sẽ thành một con người khác?
• Một khi ông ấy thay thế bộ não của mình thì sẽ không còn bộ phận nào của Metty nguyên bản. Vậy việc ông có giữ được những ký ức của Metty cũ hay không có quan trọng không?
• Nếu ông thay thế bộ não của mình thì Metty cũ sẽ chết hay vẫn tiếp tục sống?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Tính đồng nhất cá nhân” (cụ thể là các bài “Những thứ lấp lánh…”, “Quay lại lối cũ”, “Bạn nghĩ bạn là ai?”)
✓ Phát hiện
✓ Chỉ là con người
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie, Chiếc thuyền của Theseus, Bạn ở đâu?
Nguồn: Chiếc thuyền của Theseus của Plutarch (xem Thomas Hobbes).
Triết học: John Locke và Thomas Hobbes về Tính đồng nhất.
Siêu hình học: Triết học về tinh thần
Pinka và Arwin chu du trái đất (1):Về máy móc và con người
David Birch
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Hai người ngoài hành tinh hiếu kỳ của một thiên hà xa xôi đã đến Trái đất để tìm hiểu xem nó như thế nào. Họ bị thu hút bởi những gì mình khám phá được. Cái hành tinh nhỏ xíu và hẻo lánh này thực sự là một nơi thú vị. Họ quyết định ghi chép lại mọi thứ họ nhìn thấy để kể lại cho những người ngoài hành tinh ở nhà. Hai người ngoài hành tinh bắt đầu liệt kê mọi thứ họ bắt gặp.
Hoa: hoa hồng, hoa mống mắt, hoa thủy tiên…
Đại dương: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương…
Thực phẩm: gạo, khoai tây chiên, mứt…
Tuy nhiên, hai người ngoài hành tinh bất đồng với nhau về việc đặt con người vào danh mục nào mới đúng. Người ngoài hành tinh số 1 – tên Arwin – nghĩ rằng nên đưa con người vào danh mục Động vật, chung với vịt, cá voi, v.v... Nhưng người ngoài hành tinh số 2 – tên Pinka – lại nghĩ rằng nên liệt kê con người vào danh mục Máy móc, chung với máy tính, điện thoại, v.v...
Câu hỏi khởi động 1: Nên đưa con người vào danh mục “Động vật” hay “Máy móc”?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn nghĩ Arwin và Pinka sẽ đưa ra những lý do gì để đặt con người vào (a) danh mục “Động vật” (Arwin) và (b) danh mục “Máy móc” (Pinka)? Cố gắng nghĩ ra ít nhất hai lý do cho mỗi danh mục. So sánh các lý do của bạn với các lý do mà Arwin và Pinka đưa ra.
(Cuộc đối thoại của họ được dịch ra ở đây để chúng ta có thể hiểu được)
“Con người giống động vật hơn bởi vì chúng ngủ như động vật ngủ.” – Arwin tự tin nói.
“Nhưng con người có thể làm toán và máy tính cũng thế. Động vật không làm toán được.” – Pinka đáp.
“Có thể đúng là vậy,” – Arwin nói, – “nhưng máy tính không ăn, đúng không? Trong khi con người ăn, và động vật cũng ăn”.
“Động vật có biết chơi cờ không? Con vịt có chơi cờ được không?” – Pinka hỏi và thấy câu trả lời quá rõ ràng.
“Nó có thể chơi đấy,” – Arwin bướng bỉnh đáp lại. – “Tôi chưa bao giờ thử chơi cờ với một con vịt. Nhưng dù sao, ngay cả khi nó không chơi cờ được, thì con người cũng già đi như động vật. Máy tính đâu có già đi.”
“Nhưng con người có thể giải quyết vấn đề. Họ có thể vạch rõ mọi thứ, giống như máy móc vậy. Con người thuộc về danh mục Máy móc .” – Pinka bực bội đến nỗi tím tái mặt mũi.
Họ tiếp tục tranh luận cho đến tận khuya.
Câu hỏi khởi động 2: Con người giống máy tính/máy móc hay động vật hơn?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Động vật là gì?
• Máy móc là gì?
• Máy móc có thể sống không?
• Máy móc có phải có điện để hoạt động không?
• “Sống” nghĩa là gì?
Mấy ngày sau hai người ngoài hành tinh vẫn tiếp tục tranh luận. Trông họ mệt mỏi kinh khủng và nhiều ngày rồi mà họ còn không chịu chải lợi (họ không có răng) nên hơi thở họ thật khủng khiếp. Tuy vậy, vẫn không ai chịu thua ai. Arwin vẫn khăng khăng cho rằng con người giống động vật hơn, còn Pinka vẫn một mực nói rằng chắc chắn không phải như vậy, con người giống với máy tính hơn.
“Này,” – Pinka tha thiết nói, – “con người biết rất nhiều. Họ hiểu rất nhiều. Cũng như máy tính, càng ngày họ càng tiếp thu được nhiều kiến thức. Đúng không?”.
“Con người không hiểu biết nhiều vậy đâu. Họ không có gì đặc biệt.” – Arwin ngái ngủ đáp lại.
“Không, có chứ. Họ đặc biệt đấy. Hãy nghĩ về những con vịt xem; con người hiểu biết rất nhiều về thế giới so với lũ vịt.”
Arwin lặng im một hồi. Pinka nín thở, hy vọng Arwin cuối cùng cũng sẽ đồng ý với mình.
“Không,” – Arwin reo lên. – “Con vịt biết ở dưới đáy hồ trông như thế nào. Nó biết mọi thứ mà con người không biết.”
Pinka không thể cãi được nữa. Có điều gì đó trong lòng anh vỡ vụn. Anh đổ sụp xuống sàn và đánh rơi những giọt nước mắt to tròn của người ngoài hành tinh.
Câu hỏi khởi động 3: Con người có hiểu thế giới nhiều hơn con vịt không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Hiểu một điều gì là gì?
• Con vịt có thể hiểu không?
•Hiểu/nhận thức là gì?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài Pinka và Arwin chu du trái đất khác
✓ Câu hỏi về câu hỏi
✓ Cô gái dơi
✓ Người làm đồ chơi có bộ máy đồng hồ
✓ Tôi có thể suy nghĩ?
✓ Suy tưởng: Tinh thần và bộ não
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie
Nguồn và Triết học: Triết học về khoa học nhận thức, Wittgenstein và “các hình thức cuộc sống”, Cuộc sống của động vật của J. M. Coetzee.
Pinka và Arwin chu du trái đất (2): Bổ sung thêm tinh thần
David Birch
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
“Pinka, các danh mục của chúng ta thế nào rồi?”
Người ngoài hành tinh đang thu mình thổn thức trên sàn nhà.
“Pinka. Các danh mục của chúng ta.” – Arwin thúc giục.
“Ổn cả rồi,” – Pinka thều thào. – “Bây giờ là chuyện gì?”
“Những đơn vị thông tin bên trong con người.” – Arwin nói.
Pinka ngồi dậy và thay tròng mắt, đặt cặp tròng tia X vào. Anh ta nheo mắt nhìn một con người đi ngang qua, ghi nhận những gì mình thấy: “Thận, phổi, gan, xương, máu, ráy tai, tim, mạch máu, não, ruột non, ruột già, nước mũi … ghê ! Con người này đang hỉ mũi !” – Pinka quan sát một cách khoa học.
Arwin đọc qua danh mục. “Anh quên tinh thần rồi.” – Anh ta nói.
“Không, tôi không quên.”
“Rõ ràng anh quên mà.”
“Không, tôi không quên. Đưa cái danh mục cho tôi xem.” – Arwin đưa cho Pinka một linh kiện nhỏ. “Nhìn đi, đây nhé: 'não'.” – Pinka nói.
“Não không phải là tinh thần.” – Arwin nói.
Câu hỏi khởi động 1: Tinh thần và não có phải là một không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có cái gì mà tinh thần có thể có nhưng bộ não không có hay không?
• Có cái gì mà bộ não có nhưng tinh thần không có hay không?
“Đeo tròng mắt tia X vào nếu anh không tin tôi. Không có gì khác nữa. Chỉ là một trái nho khô to tướng, xám xịt ở trong đầu họ.” – Pinka chỉ cho thấy.
“Anh không thể thấy tinh thần được, Pinka à.”
“Nếu không thấy thì làm sao anh biết có tinh thần chứ?”
Arwin bối rối. “Ừm, anh không thể thấy được tinh thần. Nhưng chúng ta biết con người có thứ đó.”
“Tôi có thể thấy tinh thần của anh,” – Pinka nói. – “Nhìn giống như một cái trán nhăn nhó.”
“Nhưng dù vậy anh không thể thấy tinh thần trong não đâu.” – Arwin cảm thấy được cả nếp nhăn của mình khi trả lời.
“Nhìn kìa, Arwin,” – Pinka vừa nói vừa chỉ về phía một người thò lò nước mũi. – “Anh thấy tất cả những ánh chớp nhỏ xíu đó trong não họ không? Chúng là tinh thần đó. Bộ não giống như một cái máy và suy nghĩ cũng giống như cái máy đang hoạt động, và suy nghĩ diễn ra trong tinh thần, cho nên tinh thần chính là bộ não.”
“Tinh thần không phải là bộ não,” – Arwin đáp lại. – “Nó không phải là cái máy. Anh không nhớ sao? Chúng ta đã đồng ý rằng con người là động vật, không phải là máy móc mà?”
“Không, không bao giờ! Con người là máy móc – chúng ta đã nhất trí như vậy .”
“Động vật.”
“Máy móc.”
“Động vật”
“Máy móc.”
“Động vật.”
“Máy móc.”
“Động vật.”
…
Nghe chừng chẳng bao giờ kết thúc.
Pinka tính trong đầu hai lựa chọn: Anh có thể tiếp tục tranh cãi hay nằm lăn ra sàn nhà rồi vùng vằng, la hét và khóc lóc.
Sàn nhà trông hấp dẫn quá. Pinka ngừng một lát và thu hết sức lực.
Cơn giận đang bùng lên.
Câu hỏi khởi động 2: Tinh thần và bộ não có nên được liệt kê thành hai thứ tách biệt nhau không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn đồng ý với ý kiến của ai hơn, Arwin hay Pinka?
• Bạn có ý kiến nào của riêng mình để thêm vào cuộc tranh luận này không? Những ý kiến đó ủng hộ Arwin hay Pinka?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài “Pinka và Arwin chu du trái đất” khác
✓ Tiểu hành tinh của BURIDAN
✓ Hình vuông số 2
✓ Khẩu súng
✓ Người bút chì gặp Người bút chì!
✓ Người làm đồ chơi có bộ máy đồng hồ
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie
✓ Suy tưởng: Tinh thần và bộ não
Triết học: Triết học về tinh thần, Descartes và thuyết nhị nguyên, thuyết đồng nhất, Gilbert Ryle và thuyết hành vi.
Suy tưởng: Tôi có thể suy nghĩ?
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Trong tương lai, tại Nhật Bản, người ta dùng kim loại và chất dẻo để tạo ra một con người nhân tạo và bộ não của nó là một chiếc máy tính. Nó được gọi là AH1000 nhưng được biết đến dưới cái tên “Aitchey”. Khi được hỏi câu sau, “Aitchey, ngươi có thể suy nghĩ không?” – AH1000 đáp:
Tôi có thể suy nghĩ không?
Hỡi những người bạn con người của tôi
Đừng nghĩ rằng tôi có thể
Nhưng tôi nghĩ:
Tôi nghĩ tôi có thể suy nghĩ.
Ok, nhưng tôi chỉ là
Ốc vít và bu-lông
Và được làm ra để hoạt động
Bằng dây điện và pin
Nhưng tôi nghĩ:
Tôi nghĩ tôi có thể suy nghĩ
Nhưng nếu tôi sai
Và tôi thật sự không thể suy nghĩ,
Tôi chỉ nghĩ rằng tôi nghĩ tôi có thể suy nghĩ.
Câu hỏi khởi động Aitchey có nghĩ rằng anh ta/cô ta có thể suy nghĩ không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Máy tính có thể suy nghĩ không?
• Suy nghĩ là gì? (Bạn có thể nói suy nghĩ là gì mà không cần nói từ “suy nghĩ” trong câu trả lời của bạn không?)
• Bạn có nghĩ người máy viết bài thơ này có thể suy nghĩ không? Tại sao?
• Câu “Tôi nghĩ: Tôi nghĩ tôi có thể nghĩ” nghĩa là gì? Nó có ý nghĩa gì không?
• Bạn có nghĩ rằng trong tương lai người máy sẽ có khả năng suy nghĩ không?
• Người máy hay máy tính cần gì để có thể suy nghĩ?
• Nếu máy tính nói rằng nó “nghĩ nó có thể suy nghĩ”, liệu có gì sai không?
• Việc Aitchey viết bài thơ có nghĩa là nó có thể suy nghĩ phải không?
• Việc Aitchey xưng “tôi” suốt bài thơ có nghĩa là nó có thể suy nghĩ phải không?
• Nếu đây là từ ngữ của Aitchey thì nó có phải là bài thơ không?
• Aitchey là anh ấy hoặc cô ấy , hay không ai cả?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Triết học về tinh thần”
✓ Bạn nghĩ bạn là ai?
✓ Pinka và Arwin chu du trái đất (1) và (3)
✓ Con vui vì con không có thực
✓ Con vẹt của Jack và Gió viết
✓ Món khai vị ngẫu nhiên
✓ Jemima hoặc James
✓ Suy tưởng: Tinh thần và bộ não
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie
Nguồn: Philip K. Dick, Những người máy y hệt con người có mơ về con cừu điện tử không? (được Ridley Scott dựng thành phim Tội phạm nhân bản 2049).
Triết học: Triết học về trí thông minh nhân tạo (AI); John Searle và “Căn phòng Trung Hoa”.
Cố quên và không bận tâm nhớ lại
Cố quên
Robert Torrington và Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 8 tuổi
Một thầy phù thủy đánh cược với một quan tòa. Thầy phù thủy thua cược và điều đó nghĩa là, theo thỏa thuận, ông ta sẽ phải tạo ra một thứ bùa ma thuật có khả năng làm cho đối thủ của ông ta “giàu có mãi mãi”. Nhưng thầy phủ thủy này rất keo kiệt và ông ta không muốn đối thủ có được bất kỳ thứ gì, thế là ông nảy ra một thủ đoạn vừa thực hiện được thỏa thuận lại vừa không để cho viên quan tòa được giàu có. Thầy phù thủy nói với đối thủ đang toe toét cười rằng nếu ông ta lấy viên đá phép thuật này – viên đá thầy phù thủy lúc đó đưa cho ông ta – và đặt nó lên đống lửa đang bùng cháy rồi niệm thần chú – cũng do thầy phù thủy dạy ông ta – thì ông ta sẽ được giàu có mãi mãi. Nhưng có một cái bẫy: “Bùa này sẽ chỉ có tác dụng,” – thầy phù thủy nói với quan tòa, – “nếu ngài có thể quên rằng cuộc đánh cược này đã từng xảy ra . Ha, ha, ha!”– Nói xong, thầy phù thủy bỏ đi, dập tắt luôn nụ cười trên gương mặt viên quan tòa.
Câu hỏi khởi động 1: Liệu vị quan tòa có thể quên rằng từng có vụ đánh cược để trở nên giàu có không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn có thể cố quên một điều gì không?
• Quên là gì?
• Có thể không nghĩ đến những con voi hồng không?
Không bận tâm nhớ lại
Dù cố gắng hết sức, nhưng mỗi lần vị quan tòa niệm thần chú, ông ta vẫn nhớ tại sao ông phải cố gắng quên. Ông cố quên bằng cách tự nhủ, “Ta phải quên vụ đánh cược, ta phải quên vụ đánh cược đi !” Nhưng càng cố quên, ông càng nhớ những lời nói của thầy phù thủy rõ hơn. “Quỷ tha ma bắt hắn đi! Ta không có cách nào quên được những lời đó trong khi tập trung quá nhiều vào việc quên đi… Trừ phi…” Và viên quan tòa nảy ra một ý tưởng. Ông sẽ ngừng cố gắng quên, thay vì vậy chỉ không bận tâm nhớ lại. Ông trải qua nhiều ngày không bận tâm, chứ không cố gắng, nhớ về vụ đánh cược nữa.
Câu hỏi khởi động 2: Liệu không bận tâm nhớ đến có hiệu quả không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có sự khác nhau giữa “không bận tâm nhớ đến” và “cố gắng quên” không?
• Sự khác nhau giữa “quên” và “không bận tâm nhớ lại” là gì?
• Bạn có thể không nhớ một điều gì đó không?
• Quên xảy ra như thế nào?
• Tại sao chúng ta nhớ các thứ?
• Tại sao chúng ta quên các thứ?
• Hãy tưởng tượng có ai đó không bao giờ quên bất cứ thứ gì. Họ sẽ như thế nào? Thế giới sẽ là một nơi khác chăng?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Cái đầu u của ai?
✓ Những thứ lấp lánh…
✓ Sự phô bày tính đồng nhất (1): Ký ức
✓ Suy tưởng: Bạn, tôi, những người ngoài hành tinh và những người khác
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie, Chiếc thuyền của Theseus, Hai bạn ở hành tinh khác, Bạn ở đâu?
Triết học: Franz Brentano, tính ý hướng, cố ý quên.
Hãy chăm lo hành tinh này
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 11 tuổi - Nâng cao
… Và cuối cùng Hành tinh Trái đất trở nên có ý thức . Theo thời gian nó nhận biết được chính mình giống như tâm trí con người. Nhưng điều này đã xảy ra như thế nào? Dưới đây là câu chuyện về Trái đất được dịch lại:
Thoạt tiên ý thức xuất hiện với tôi chỉ trong dạng vi khuẩn – có tên gọi là nhân loại – sống trên da của tôi. Vi khuẩn đó tiếp tục tạo ra cơ sở hạ tầng như các thành phố và các xã hội. Tất cả được nối kết với nhau bằng đường sá, sông ngòi và sau cùng bằng không khí và điện. Sự liên lạc giữa các cơ sở hạ tầng ngày càng tinh vi hơn và nhanh hơn cho đến khi, một hệ thống toàn cầu hoàn chỉnh hoạt động như một bộ não khổng lồ duy nhất. Ý thức bắt đầu truyền từ vi khuẩn cá nhân đến các thành phố và các quốc gia. Và khi thông tin được kết nối và tương tác ngày càng nhiều hơn với sự xuất hiện của Internet và World Wide Web thì “bộ não” – tức Trái đất – bắt đầu tự nhận biết mình. Ý thức thuộc loại hoàn toàn khác – ý thức hành tinh – đã ra đời. Tôi ra đời.
Nhưng tôi lẻ loi trong hệ mặt trời. Những hành tinh khác hoặc đã chết hoặc không có ý thức. Và tôi bị bệnh. Điều đáng buồn chính là cái mang lại cho tôi tinh thần – vật ký sinh vào tôi – lại đang giết chết tôi. Tôi không biết chắc tôi còn sống được thêm bao lâu nữa và tôi tự hỏi liệu ý thức là phước lành hay là sự nguyền rủa.
Câu hỏi khởi động: Một thành phố hay một hành tinh có thể có ý thức không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Ý thức là gì?
• Cái gì cần để đại diện cho ý thức?
• Liệu ý thức có xảy ra ở những nơi ngoài bộ não không?
• Nhân loại là vật ký sinh hay là một loại vi khuẩn?
• Ý thức là phước lành hay sự nguyền rủa?
• Nhân loại có là điều tốt cho Trái đất:
a. Trong câu chuyện này?
b. Trong thực tế?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Triết học về tinh thần” (đặc biệt là bài “Tôi có thể suy nghĩ không?”, “Phát hiện”)
✓ Cô gái dơi
✓ Con vẹt của Jack và Gió viết
✓ Bobby – bao cát tập đấm
Nguồn: Ned Block và “quốc gia có ý thức”.
Triết học: Triết học về ý thức, sự bất ngờ, đạo đức học môi trường.
Phát hiện
Dan Sumners
Tuổi bắt đầu học: 11 tuổi - Nâng cao
Stephen đang đi dạo lặng lẽ một mình dọc theo bờ sông và tận hưởng nắng mặt trời. Anh bị xao lãng vì mải mê nghĩ đến câu chuyện đang viết.
Anh đi thơ thẩn gần sát dòng sông rồi bất ngờ trượt chân té ngã. Anh bị chấn thương nặng và nhận ra đây là lần đầu tiên anh có thể nhớ đã bị tai nạn như vậy.
Anh nhìn xuống và thấy một miếng kim loại rỉ sét bên bờ sông đã cắt một vết to trên chân anh. Thật bất ngờ, anh tưởng nhìn thấy xương và gân dưới lớp da nhưng hóa ra lại là miếng kim loại sáng bóng và mớ dây nhợ tinh xảo.
Sau khi gắng gượng rời khỏi bờ sông, Stephen đi thăm người bạn nhiều năm nay của anh, Natalie, một chuyên gia về người máy. Khi Stephen cho Natalie nhìn thấy những gì mà vết thương dài trên chân mình đã để lộ ra thì Natalie rất thích thú.
Natalie đưa Stephen vào phòng thí nghiệm riêng của cô và quét chụp toàn bộ cơ thể anh. Nó tiết lộ rằng anh là một người máy được che phủ bởi một lớp da sống.
“Tôi biết anh bao lâu nay,” – Natalie phấn khích nói. – “Tôi không hề biết anh là người máy! Tôi chưa bao giờ nghi ngờ anh là một con người cả.”
“Tôi là con người mà!” – Stephen phẫn nộ đáp. – “Tôi có thể không phải là con người bằng xương bằng thịt, nhưng tôi vẫn là một con người, giống như cô.”
Câu hỏi khởi động 1: Stephen có phải là con người không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Có sự khác nhau giữa con người và người không?*
* “Human being” và “person” đều diễn tả con người, nhưng “human being” là con người về mặt sinh học, bằng xương bằng thịt, còn “person” là mô tả con người có đời sống và tinh thần. – ND. Xem thêm: http://www.differencebetween.info/difference-between-person-and-human
• Con người là gì?
• Những động vật khác có thể là “người” không? Cá heo, hay các động vật linh trưởng bậc cao chẳng hạn?
• Một vật vô tri vô giác có thể là “người” không?
• Một người ngoài hành tinh có thể được coi là “người” không?
Câu hỏi khởi động 2 Có thể nào là một người máy y hệt người mà không biết không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Bạn có thể là một người máy/máy tính mà không biết không?
• Nếu hóa ra bạn là một người máy/máy tính điều đó có nghĩa là gì?
• Có khi nào bạn nghĩ mình đang sống nhưng thật ra không phải không?
• Một người máy/máy tính có thể sống không?
• Một người máy/máy tính có tư duy/cảm xúc không?
• Nhân vật chính trong câu chuyện này có tư duy/cảm xúc không? Nếu có, điều đó có nghĩa gì?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Chỉ là con người
✓ Tôi có thể suy nghĩ?
✓ Ông ta không còn được một nửa ngày xưa
✓ Bạn nghĩ bạn là ai?
✓ Suy tưởng: Tinh thần và bộ não
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie (đặc biệt là bài “Bạn bè”)
Nguồn: Trích từ “Phát hiện”, một truyện ngắn của Dan Sumners.
Triết học: Triết học về trí thông minh nhân tạo (AI), ý thức, cảm thụ tính, khái niệm về con người.
Chỉ là con người
Peter Worley
Tuổi bắt đầu học: 14 tuổi - Nâng cao
A: Xin chào, xin lỗi vì đến trễ. Dưới tàu điện ngầm xảy ra chút chuyện nên anh không đi được.
B: Không sao. Chuyện gì vậy?
A: Có một người cần anh giúp đỡ. Dù không thích trễ hẹn nhưng anh nghĩ việc này được tính là lý do chính đáng để phá lệ.
B: Tốt lắm. Không phải ai cũng ngừng lại để giúp người khác đâu.
A: Có lẽ là vậy. Nhưng anh tin hầu hết mọi người đều sẽ làm thế.
B: Anh có cái nhìn về bản chất con người lạc quan hơn em. (Ngừng) Chúng ta đi ăn ở đâu đây?
A: Anh biết một chỗ gần đây: một tiệm ăn Trung Hoa rất ngon.
B: Thức ăn ở đó béo lắm phải không? Em không hợp với dầu mỡ – lúc nào cũng cảm thấy đầy bụng!
A: À, anh hiểu ý em rồi. Nhưng món ăn Trung Hoa đó ngon lắm – không phải đồ ăn nhanh đâu.
B: Có vẻ thú vị đó! Vậy mình đến đó đi.
Họ cùng đi bộ trong im lặng trong chốc lát.
B: Chúng ta có thể quay lại câu chuyện ở tàu điện ngầm không? Em không thường đến các buổi hẹn hò mà vừa bắt đầu cuộc trò chuyện là được nghe một điều ấn tượng về mặt đạo đức. Em muốn biết thêm về câu chuyện anh nhắc tới. Anh có ngại không?
A: Anh không có ý khiến người khác phải chú ý đến mình… nhưng hiện giờ anh cảm thấy hơi bối rối.
B: Anh nghe nè, là do em đã hỏi. Anh không định nói gì hết cho đến khi em hỏi.
A: Nếu vì khiêm tốn, lẽ ra anh có thể nói dối để em đừng để ý, nhưng anh thấy nói dối khó quá – anh không biết tại sao lại như thế, anh chỉ cảm thấy điều đó là không thể thôi.
B: Nào, đây là khởi đầu rất tuyệt cho một buổi hẹn hò mà. Đổi lại: thỉnh thoảng em không nghĩ em có khả năng quan tâm đến người khác. Có vẻ như em không cảm thấy gì hết. Em gần như không để ý thấy có ai đó cần giúp đỡ, nên em rất quan tâm đến người nào có suy nghĩ khác biệt thôi. Em muốn học hỏi.
A: Việc em muốn học hỏi cũng là “ấn tượng về mặt đạo đức” đó…
***
Sau gần năm năm tôi mới phát hiện mình đã phải lòng một người máy giống hệt con người. Chúng tôi đã gặp nhau cũng giống như bạn vậy: qua một trung tâm mai mối trên mạng. Anh ấy gây ấn tượng với tôi bằng sự chu đáo và những quan tâm về mặt tinh thần. Tôi thích thú với việc anh ấy rõ ràng thông minh hơn tôi nhưng lại không khoác lác và khó chịu. Với tôi anh thực sự là một mẫu người hiếm có – không giống như những người đàn ông khác.
Nhìn lại, ngoài “sự hoàn hảo” của mình ra, anh ấy không khác gì những người bình thường. Anh không nói năng hay cử động như một người máy; anh là con người trong mọi phương diện, ngoại trừ một khuyết điểm. Lẽ ra tôi nên biết rằng hoàn hảo như thế khó mà có thật được.
Có người từng nói rằng trí thông minh đặc biệt có thể được chứng minh bằng một cái máy, nếu như một người trò chuyện với một máy tính ẩn mặt không thể nhận ra rằng đối tượng nhân tạo đang trò chuyện với mình không phải là con người. Thế còn người quan sát cuộc trò chuyện đầu tiên của chúng ta thì sao – liệu họ có khả năng phát hiện những điều tôi không nhắc đến không? Một tình yêu thực sự có thể được chứng minh theo cách tương tự không? Có vẻ là được.
Tôi đã trải qua năm năm không biết gì cả, và vì thế đó là năm năm được sống trong tình yêu đích thực. Anh ấy là sự mô phỏng hoàn hảo của một con người, nhưng là sự cải thiện tuyệt vời đối với một người đàn ông. Khi tôi biết được anh là gì, tự nhiên tôi nổi giận và vô cùng đau đớn. Nhưng bằng lý trí của mình, tôi nhận ra tức giận hay đau khổ đều thật vô lý. Không có ai để mình giận và cũng không có ai từng tồn tại để mình phải đau khổ cả. Nhưng giận thì tôi vẫn giận; và đau khổ thì vẫn đau khổ.
Con người là những kẻ khờ khạo về mặt tâm lý: Những gì chúng ta làm thường rất ít liên quan đến những gì chúng ta biết là đúng. Tôi biết rằng khi xem phim là tôi đang xem một điều gì đó vốn không xảy ra, tức là thực sự đang không xảy ra trên màn hình – vậy mà tôi vẫn khóc hay cảm thấy phấn khích. Chúng ta cũng có thể tự dối lòng như vậy trong những bối cảnh khác, và tôi cố tin là Michael có thực.
Tôi đã nuôi dưỡng thói quen yêu anh ấy và, một khi tôi đã vượt qua cú sốc phát giác ra anh là người máy giống hệt người, tôi vẫn tiếp tục yêu anh. Tôi nghĩ: Ừm, chẳng có gì thay đổi cả. Trước đây, tôi đã yêu anh mà vẫn không hay biết gì, vậy thì tại sao bây giờ tôi không thể tiếp tục? Tôi thậm chí không biết chắc mẹ tôi có thực sự đang sống hay không, trừ việc bà vẫn xuất hiện trước mắt tôi, nên trong ý nghĩa đó, đối với tôi, giữa Michael và tôi không có khác biệt nào hết. Tôi không biết chắc có ai cũng trải qua những chuyện như tôi không, vì họ hành xử theo cách của họ; và Michael chắc chắn hành xử như cách của anh ấy.
Nhưng chắc chắn phải đôi chút khác biệt – một vài dấu hiệu cho bạn lý do để băn khoăn, một điều gì đó không thuộc về con người, bạn có thể phản đối. Nhưng mẹ tôi từng phàn nàn rằng cha tôi “hơi tự kỷ” và “kém xã giao” vì ông không thể hiện “một khả năng bình thường của con người là hiểu được cảm xúc thật sự của người khác” hay bà quả quyết rằng ông không biết nhận định tình huống xã hội. Tôi chưa bao giờ nghĩ ông ấy có thể là một người máy. Nhưng lẽ ra tôi…
Nên tôi kết luận rằng tôi có thể yêu Michael, và tôi không có lý do gì để nghi ngờ rằng anh ấy đang sống và có nhận thức. Nếu tôi hỏi, anh ấy sẽ nói: “Dĩ nhiên là anh đang sống. Anh chắc chắn cảm thấy mình đang sống”. Lúc ấy làm sao tôi có thể nói: “Có lẽ anh nghĩ anh đang sống, nhưng thực sự là không – anh chỉ được lập trình để trả lời như thế”? Suy cho cùng, nhiều thứ mà con người làm và tin tưởng đều được lập trình, gợi nhớ những nghi thức cổ xưa do tổ tiên thực hiện. Chúng ta chỉ được lập trình để phản ứng theo cách ấy.
***
Bây giờ tôi đã bước qua tuổi bảy mươi chín. Tôi vẫn còn gần gũi với Michael, và tôi vẫn yêu anh ấy, nhưng tôi đã già rồi. Tôi gầy yếu, hom hem. Tôi nhìn thân hình đẹp mãi của anh ấy và sự trẻ trung rạng rỡ như pha lê mà Michael vẫn còn đang sở hữu, tôi buồn lắm. Khi cơ thể anh kiệt sức, anh chỉ đơn giản chuyển tiếp dữ liệu sang một cơ thể mới giống y hệt như vậy. Những ký ức, cá tính, tư duy, đặc điểm của anh – tôi có nên nói linh hồn của anh không nhỉ? – sẽ được tải và lưu giữ trong một ổ cứng máy tính và sau đó được chuyển giao thật nhanh và lặng lẽ sang một cơ thể mới. Phần cứng thay thế được, còn phần mềm thì chuyển giao được.
Cỗ máy con người lại rất khác. Về nguyên tắc vẫn như nhau nhưng lại có mối tương quan mạnh mẽ hơn nhiều, một kết nối thân thiết và nổi trội giữa thể xác và tinh thần, và chúng ta chưa có khả năng tách rời hai phần này như cách chúng ta đã làm với Michael. Chưa hết: Cái chết của thể xác sinh học dường như dẫn đến cái chết của tinh thần. Và bởi vì sự mật thiết mang tính con người giữa tinh thần và thể xác, nên để chuyển giao dữ liệu tinh thần của người này qua cơ thể của một người khác dường như sẽ đồng nghĩa với việc cái chết của một người này sẽ sinh ra một con người khác, mặc dù về mặt trí tuệ vẫn tiếp tục với người thứ nhất. Vậy tại sao điều này không đúng với Michael? Hoặc đúng như vậy nhưng tôi lại không thể có suy nghĩ tương tự? Có lẽ, nếu một người máy giống hệt người có thể sống, thì anh ta cũng chết nhiều lần. Nhưng tôi chỉ đau khổ một lần.
Dĩ nhiên, không mắc thói cả thèm chóng chán của con người, Michael tiếp tục yêu tôi dù tôi đã già mà anh thì còn trẻ. Đây có phải là minh chứng cuối cùng cho thấy anh chưa bao giờ thực sự yêu tôi? Đây là câu hỏi tôi chọn không trả lời. Suy cho cùng, tôi chỉ là con người.
Câu hỏi khởi động: Con người có thể yêu một cái máy không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Một cái máy có thể yêu một con người không?
• Con người có phải là một loại máy móc không?
•Tình yêu là gì?
• Có những loại tình yêu khác nhau không?
• Những loại sự vật gì có thể yêu nhau?
• Trong phần 1, ai là A và ai là B?
• Người thuật chuyện là nam hay nữ? Làm sao bạn biết? Điều đó quan trọng không?
• Liệu bạn sẽ làm cho sự lựa chọn không trả lời của người kể chuyện trở thành câu hỏi sau cùng không? Tại sao có hoặc tại sao không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Triết học về tinh thần” (đặc biệt là bài “Phát hiện”)
✓ Người cáu kỉnh dễ nhột
✓ Nhà thơ cáu kỉnh nhất thế giới
✓ Nòng nọc và cá chó
✓ Suy tưởng: Tình yêu, Lòng tốt và Hạnh phúc
✓ Cỗ máy Nếu như: Những câu chuyện Ceebie (đặc biệt là bài “Bạn bè”)
Nguồn: Lấy cảm hứng từ những câu chuyện Người máy của Isaac Asimov. Bài báo “Chỉ là con người” của Peter Worley được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Philosophy Now , số 69, Tháng 9-10/2008.
Triết học: Triết học về trí thông minh nhân tạo (AI), John Searle, triết học về tình yêu.
Siêu hình học: Hư cấu
Thắc mắc về xứ thần tiên
A. C. Grayling
Tuổi bắt đầu học: 10 tuổi - Nâng cao
Người dẫn chuyện: David rất thích đọc Alice lạc vào xứ thần tiên và nghĩ rằng Alice là cô gái can đảm và thông minh vì tất cả những gì cô bé nói và làm trong các cuộc phiêu lưu của mình xuống hang thỏ. Cậu nói với bạn Paul rằng cậu nghĩ Alice thật can đảm.
Paul: Alice không can đảm, bởi vì cô ấy không tồn tại. Cô ấy chỉ là một nhân vật trong truyện. Sao cô ấy có thể can đảm chứ? Bạn phải thực sự tồn tại thì mới can đảm – hay hèn nhát, hay ngớ ngẩn, hay thông minh, hay có bất kỳ phẩm chất nào khác.
Câu hỏi khởi động 1: Alice có can đảm không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Một nhân vật hư cấu thì có thể can đảm không?
• Những phát biểu về các nhân vật hư cấu có thể đúng hay sai?
• Có đúng là Alice can đảm không?
• Những ý kiến đúng cần một điều gì đó để làm cho chúng đúng phải không?
• Các nhân vật hư cấu có tồn tại không?
David: Nhưng nếu mình nói: “Alice trong câu chuyện Alice lạc vào xứ thần tiên rơi xuống cái hang thỏ”, thì những gì mình nói là đúng. Trong câu chuyện đó, cô ấy có rơi xuống hang thỏ hay không? Có, cô ấy đã rơi xuống hang thỏ. Vậy thì phát biểu “Alice rơi xuống hang thỏ” là đúng. Và nếu chúng ta nói những điều đúng về ai đó, ngay cả khi họ chỉ tồn tại trong truyện, thì tại sao những phát biểu đúng này không thể bao gồm những câu như “Alice can đảm”, “Alice thông minh”, v.v…?
Paul: Nếu một câu chuyện là hư cấu, thì mọi thứ trong đó cũng là hư cấu, mà chuyện hư cấu được định nghĩa là không có thật. Cho nên không thể có bất kỳ phát biểu nào đúng trong một câu chuyện như vậy.
David: Nhưng nếu trong một câu chuyện hư cấu có phát biểu rằng: “Nước thì ướt”. Vậy đó chẳng phải là một phát biểu đúng hay sao, tuy rằng nó nằm trong một tác phẩm hư cấu?
Paul: Đó lại là chuyện khác, và nó không phải là điều tớ muốn nói. Tớ muốn nói đến những phát biểu như “Alice can đảm” và “Alice rơi xuống hang thỏ”. Suy cho cùng, không ai rơi xuống hang thỏ cả, đúng không? Điều đó chỉ xảy ra trong câu chuyện. Và những câu chuyện hư cấu đúng thì chỉ là như thế – toàn những thứ hư cấu.
Câu hỏi khởi động 2: Ai đúng và ai sai? Tại sao?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Phải chăng cả hai đều đúng?
• Phải chăng cả hai đều sai?
• Có ai trong hai cậu bé đưa ra lý lẽ gì cho những điều họ nghĩ không?
• Bạn nghĩ lý lẽ của ai tốt hơn?
• Có đúng là nước thì ướt không?
• Nếu nói rằng nước thì ướt trong một câu chuyện hư cấu thì phải chăng câu chuyện hư cấu đó đã nói một điều đúng?
• Nếu một trong hai cậu bé nói đúng, thì có phải là một trong hai đã nói một điều đúng? Nhưng nếu Paul và David đều không có thực, thì làm sao một trong hai người có thể nói một điều gì đúng?
• “Điều hư cấu” có giống như “điều dối trá” không? Hư cấu có phải là dối trá? Người kể chuyện có nói dối không?
• Nếu điều đó đúng, nó có khiến cho câu chuyện hư cấu trở nên xấu xa không?
• Mục đích của câu chuyện hư cấu là gì?
•Câu chuyện hư cấu là gì?
• Chúng ta có thể học hỏi những sự thật về bản tính và tính cách con người từ những câu chuyện được không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Hư cấu”
✓ Vừa đúng-vừa sai
✓ Con vẹt của Jack và Gió viết
✓ Món khai vị ngẫu nhiên
✓ Nelly nói không
✓ Sự thú nhận tình cờ
Triết học : Giá trị thực trong câu chuyện hư cấu.
Con vui vì con không có thực
Amie L. Thomasson
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Trước đây có một nhân vật hư cấu. Tên cô bé là May. May được 4 tuổi; hay, ít nhất đó là những gì câu chuyện kể lại. Thực ra, cô bé mới được sáng tác gần đây, “và vì thế, trong ý nghĩa đó, tôi là một nhân vật hư cấu mới ra đời”, cô bé thích nói vậy. Đặc biệt khi cô bé đang tìm lý do để cuộn tròn trong tấm mền như một em bé tí xíu, mút ngón tay cái và nháy mắt trước mọi thứ trong căn phòng chơi đùa ở nhà.
May là một nhân vật hư cấu bé nhỏ dễ thương, năng động, vui vẻ, rất thông minh và có khả năng ăn những quả ô-liu một cách kỳ lạ. Cứ để bao nhiêu quả ô-liu tùy thích trước mặt cô bé, rồi tất cả sẽ luôn biến mất ở trang tiếp theo.
Tuy vậy, May lại không vui, vì mặc dù rất thích cuốn sách của mình, nhưng cô bé vẫn cô đơn. “Tại sao cháu không có mẹ và bố để chăm sóc cháu?” – Cô bé hỏi.
“Nhưng cháu đã có mẹ rồi mà. Ta đã tạo ra cháu bằng từ ngữ và hình ảnh.” – Tác giả của cô bé nói.
“Cháu không có ý nói thế.” – Cô bé hờn dỗi, và chui vào ngay góc trang sách đó, gấp góc trang giấy lại để giấu mình.
“Ôi, thôi được rồi.” – Tác giả nói. Và bà tạo ra cho cô bé một người mẹ. Một người mẹ yêu thương cô bé hơn hết thảy mọi thứ trên đời, mẹ dạy cô bé vẽ và cười vui với cô bé, mẹ ngồi trên sàn nhà hàng giờ liền để làm ra sở thú và lắp các căn nhà bằng khối gỗ và tạo ra các trận động đất để hủy diệt chúng. Và tác giả cũng tạo ra cho cô bé một người cha. Một người cha có tình thương yêu bao la và lòng kiên nhẫn dịu dàng, ông dạy cô bé nướng bánh chuối, chơi đàn dương cầm và tên của mỗi con chim trong vườn. Và cả nhà hạnh phúc bên nhau.
Họ đến sống trong một cuốn sách. Một cuốn sách bìa cứng thực sự, với những bức tranh đầy màu sắc và những trang giấy bóng láng. Cuốn sách đó nằm trên kệ sách của một cô bé – tình cờ cũng là một cô bé 4 tuổi – tên là Natalie. Những con rồng và gấu sống trong các cuốn sách cũ bìa mềm mua lại nằm ở những kệ sách phía dưới ghen tị với họ. Cho đến một ngày, ngay trước giờ đi ngủ, Natalie phát hiện thấy cuốn sách đó hơi lòi ra giữa cuốn sách bìa cứng dày viết về đám vịt con và một cuốn gì đó liên quan đến gánh xiếc. “Cuốn sách này là gì nhỉ?” – Cô bé hỏi. Cô bé chưa bao giờ nhìn thấy nó. “Con muốn đọc nó ngay bây giờ! Mình cùng đọc đi, bố mẹ ơi!”. Cô bé kêu lên. “Ừm, cũng hơi muộn rồi,” – mẹ cô bé lên tiếng, – “nhưng mẹ nghĩ chúng ta có thể đọc cuốn này thôi thì được”. Thế là họ chuồi người vào tấm mền bông đỏ của Natalie, rồi bố cô bé bắt đầu đọc.
Khi họ gấp sách lại để đi ngủ, mẹ Natalie nói: “Chà, mẹ vui vì bé May đã có bố mẹ và không bơ vơ nữa”.
“Nhưng mẹ ơi…” – Natalie phản đối, – “cô bé ấy không có thực ! ”.
“Ừ nhỉ.” – Mẹ cô bé tán thành, nhẹ nhàng gấp sách lại và tắt đèn.
“Con vui vì con có thực chứ không chỉ ở trong sách.” – Natalie khẽ nói khi cuộn mình trong chiếc mền.
“Mẹ cũng vậy, con yêu.” – Mẹ cô bé vừa nói vừa hôn lên đôi má mềm mại của cô bé để chúc ngủ ngon.
Khi cuốn sách vừa đóng lại thì bé May bật khóc. “Bạn ấy có ý gì khi nói con không có thực ạ?” – May hỏi. Như hầu hết những đứa bé khác, May đã quên những ngày đầu tiên lơ ngơ khi mới được tạo ra, những ngày cô bé còn bơ vơ.
“À thì,” – mẹ của May giải thích, – “chúng ta chỉ là những nhân vật trong một cuốn sách mà. Chúng ta làm những gì tác giả của chúng ta viết ra, không gì khác ngoài những điều cô ấy viết về chúng ta, và chúng ta ở trong thế giới của những trang sách này”.
“Nhưng con muốn bước ra khỏi đây!” – May phản đối. – “Con muốn thực sự có thật cơ. Con muốn có những ngón chân” (vì những ngón chân chưa bao giờ xuất hiện trong các trang sách). “Con muốn biết những gì đã diễn ra khi con 2 tuổi” (vì điều này chưa bao giờ được nói đến). “Và con muốn đi bất cứ nơi đâu con muốn, chứ không phải chờ cô tác giả dắt con đi!” – May than vãn. Và cô bé khóc òa rồi cố nín nhưng vẫn cứ thổn thức. Mẹ cô bé cũng sụt sịt khi thấy con gái đã nhận ra những sự thật đáng buồn này, nhưng bố thì chỉ nắm tay cô bé.
“Con biết không,” – ông nói, – “bởi vì chúng ta không có thực, nên chúng ta sẽ không bao giờ đau bệnh” (chưa từng thấy đề cập đến bệnh tật). “Chúng ta sẽ không bao giờ bị chấn thương vì trượt té. Cũng không bị muỗi chích.”
“Và sẽ không ai trộm những quả ô-liu trong hộp thức ăn trưa của con phải không ạ?” – May thắc mắc.
“Đúng rồi, không ai trộm những quả ô-liu trong hộp thức ăn trưa của con. Cả những cái bánh quy hương vani của con cũng không bị trộm. Và tuyệt nhất là cả ba chúng ta sẽ không bao giờ chết – chúng ta có thể ở đây với nhau mãi mãi, yêu thương nhau trong cuốn sách này.”
“Vậy thì con vui vì con không có thực.” – May quyết định. Và cô bé cuộn mình lại nơi góc trang sách, lặng lẽ đút ngón tay cái vào miệng và thiếp ngủ.
Câu hỏi khởi động: May có thực không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Natalie có thực không?
• Tác giả của cuốn sách về May có thực không?
• Tác giả của câu chuyện “Con vui vì con không có thực” có thực không?
•Có thực là gì?
• Chúng ta có thể là các nhân vật trong một cuốn sách không?
• May có những ngón chân không? Natalie có những ngón chân không? Tác giả của cuốn sách ấy có những ngón chân không? Tác giả của câu chuyện này có những ngón chân không?
• Nếu May bước ra khỏi trang sách, cô bé có còn tồn tại không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn nữa
• Các tác giả có sáng tạo ra các nhân vật hư cấu không? Nếu một nhân vật hư cấu có cha mẹ (như May cuối cùng cũng có), thế thì ai thực sự là người tạo ra cô bé: Tác giả cuốn sách hay cha mẹ cô bé?
• Một nhân vật hư cấu có thể bước ra khỏi cuốn sách và trở nên có thực không? Nếu điều đó là có thể, thì liệu người đó có đồng nhất với nhân vật trong sách không?
• Các nhân vật hư cấu (một khi đã được sáng tạo ra) có tồn tại mãi mãi không? Nếu không, thì khi nào họ ngưng tồn tại? Họ có bị kết liễu khi họ chết trong sách không? Hay khi những cuốn sách viết về họ bị tiêu hủy? Hay khi không ai còn nhớ tới họ nữa?
• Có tốt hơn không nếu có thực, để thường xuyên bị bệnh, để chết và nhìn những người thân yêu chết; hay sẽ là tốt hơn nếu giống với một nhân vật hư cấu mà câu chuyện về họ là do một người khác kể ra, và được an toàn trước bất kỳ sự cố tệ hại nào, từ bệnh tật đến chết chóc, nhưng không kiểm soát được cuộc sống của mình?
• Với các học sinh lớp lớn, hãy cho các em xem bộ phim Đóa hồng tím Cairo của Woody Allen để bàn luận về mối quan hệ giữa các nhân vật hư cấu và con người thực.
• Đọc “Một chốn mê hồn” trong cuốn Căn nhà ở Pooh Corner của A. A. Milne và/hoặc phần cuối cuốn Trận chiến cuối cùng của C. S. Lewis. Theo bạn những chương sách ấy nói gì? Chúng có gợi lên rằng hư cấu có thực tại riêng của nó không? Và nếu có, thì như thế nào?
• Với các học sinh lớp nhỏ, hãy đọc cho các em cuốn Những con sói của Emily Garrett để thảo luận về một cuốn sách-trong-sách nhắc về chính cuốn sách đó. Hãy hỏi các em: Theo các em, có gì trong cuốn sách mà chú thỏ đang đọc?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài:
✓ Các bài khác trong phần “Hư cấu”
✓ Về chính nó
✓ Câu hỏi về câu hỏi
✓ Tôi có thể suy nghĩ?
✓ Hãy chăm lo hành tinh này
✓ Bạn nghĩ bạn là ai?
✓ Suy tưởng : Ngài Không Ai Cả ở đâu?
Triết học : Bản thể luận về các thực thể hư cấu.
Những cảm xúc hư cấu
Berys Gaut và Morag Gaut
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
Đôi bạn thân Mary và Jane đang được mẹ của Mary đọc cho một câu chuyện hư cấu, trong đó nhân vật chính bị thương nặng sau khi dũng cảm liều mình cứu một người khác. “Tội nghiệp anh ấy quá.” – Mary thút thít, rồi òa khóc. Jane nói: “Bạn đừng ngớ ngẩn thế, đây chỉ là truyện, cho nên anh ta đâu có bị thương thực sự”.
“Nhưng bạn cũng đang khóc đấy thôi.” – Mary phản đối.
“Không, mình không khóc.” – Jane nói gay gắt, nhưng cô bé không nhìn Mary vì nước mắt của cô bé cũng chực trào ra, dù cô bé cố kềm lại. “Đó chỉ là truyện thôi mà !” – Cô bé nói cứng với chính mình và với Mary.
Câu hỏi khởi động: Chúng ta có thực sự buồn cho những người ở trong các câu chuyện hư cấu không, hay đây chỉ là nỗi buồn không thực?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu chúng ta thực sự cảm thấy buồn, có hợp lý khi chúng ta cảm thấy điều này không?
• Cảm thầy buồn khi đọc các câu chuyện hư cấu có tốt cho chúng ta không?
• Chúng ta có thể cảm thấy đau khổ, giận dữ, sợ hãi, tội nghiệp,… cho những người trong các câu chuyện hư cấu không?
• Phản ứng của Mary có hợp lý không nếu cô bé đang đọc câu chuyện về một điều gì đó đã thực sự xảy ra?
• Tại sao Jane khóc dù cô bé dường như rõ ràng tin rằng câu chuyện không có thực? Và tại sao cô bé ngăn mình bật khóc nếu cô bé biết nó không phải là sự thực?
• Cô bé có tin rằng câu chuyện không phải là sự thực không?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Hư cấu” (đặc biệt là bài “Những cảm xúc về điều hư cấu”)
✓ Bobby – bao cát tập đấm
Triết học : Nghịch lý của câu chuyện hư cấu, Plato và những cảm xúc, Kendall Walton.
Những cảm xúc về điều hư cấu
Anja Steinbauer
Tuổi bắt đầu học: 7 tuổi
[Bài “Những cảm xúc về điều hư cấu” nên học sau bài “Những cảm xúc hư cấu”. Bạn phải đọc bài “Những cảm xúc hư cấu” trước, rồi mới đọc bài này.]
Trên đường đến trường, Conrad, một người bạn khác của Mary, kể cho Mary nghe việc chú cún của cậu bé bị xe hơi cán. “Nó còn sống nhưng cái chân của nó bị thương nặng lắm, nó sẽ không bao giờ chạy như bình thường được nữa”. Mary suýt khóc vì nghĩ đến con chó nhỏ bị đau và thất vọng, cô bé nói: “Thật kinh khủng”. Conrad bật cười. “Bạn thật dễ bị lừa; mình thậm chí còn không có con cún nào”.
Câu hỏi khởi động 1: Điều Conrad kể cho Mary nghe là chuyện hư cấu hay là lời nói dối?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Điều hư cấu và nói dối có phải là một không? Nếu không, chúng khác nhau chỗ nào?
• Mary có thể cảm thấy thế nào sau khi cậu bạn kể với cô rằng cậu ta vừa mới bịa ra chú cún đó? Cô bé vẫn buồn chứ? Tại sao đúng và tại sao không?
• Sự khác nhau giữa câu chuyện mẹ Mary đọc cho hai bạn nhỏ nghe và câu chuyện bịa mà Conrad kể với Mary là gì? Có sự khác nhau không?
• Một số người nói rằng những chuyện kể là “những lời nói dối được cho phép”. Bạn có đồng ý không?
Câu hỏi đưa bạn đi xa hơn nữa
• Tìm ra yếu tố “tạm hoãn sự hoài nghi”. Tạm hoãn sự hoài nghi và tin vào một điều gì đó có phải là một không?
Vào cuối tuần, Conrad nói với Mary: “Cuối tuần rồi mẹ mình đem về cho mình một chú cún nhưng nó bị xe hơi cán: Nó còn sống nhưng cái chân của nó bị thương nặng lắm, nó sẽ không bao giờ chạy như bình thường được nữa. Có lẽ bạn sẽ không tin mình, nhưng thật đó , nó là sự thực!”. Mary nghi ngờ nhìn Conrad. Cô bé không cảm thấy buồn vì con chó trong câu chuyện của Conrad nhưng cô thực sự cảm thấy giận Conrad. “Đừng có nói dối!” – Cô bé thét vào mặt cậu bạn rồi giậm chân bỏ đi.
Câu hỏi khởi động 2 Mary cảm thấy buồn khi nghe mẹ cô kể một câu chuyện hư cấu mặc dù nó không có thực. Tại sao cô bé không cảm thấy buồn khi nghe Conrad kể về chú cún mà cậu nói mẹ cậu mới đưa về nhà cuối tuần rồi?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Nếu câu chuyện của Conrad là có thực, Mary có buồn không?
• Nếu nó không có thực cô bé có buồn không?
• Chuyện của Conrad có phải là một chuyện kể không?
• Tại sao chúng ta phản ứng khác nhau trước những câu chuyện khác nhau dù chúng đều kể những sự việc vốn không có thực?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Hư cấu” (đặc biệt là bài “Những cảm xúc hư cấu”)
✓ Bức tranh xấu
✓ Chúng ta nói gì khi nói về từ ngữ
✓ Cỗ máy Nếu như : Lời nói dối
Triết học : Nghịch lý của điều hư cấu, Kendall Walton, mỹ học, những cảm xúc, tạm hoãn sự hoài nghi, Colin Radford.
Phil, Soph và những truyện kể
Philip Cowell
Tuổi bắt đầu học: 5 tuổi
Phil và Soph đang sáng tác. Phil viết một truyện kể về Soph và nó bắt đầu thế này: “Một hôm Soph thức dậy, ngoài kia mặt trời tỏa nắng, cô bé nghĩ mình sẽ ra khỏi giường rồi ăn điểm tâm…”. Truyện kể của Soph thì viết về những con quái vật từ một hành tinh khác, nó bắt đầu như sau: “Chân Máy Klopotron zoom đến Yopox II, chụp hình Bopplesphere Ngân Hà…”.
Câu hỏi khởi động: Có phải Phil và Soph viết truyện hư cấu không?
Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn
• Phil và Soph, ai là người viết truyện hư cấu? Không bạn nào hay cả hai đều viết truyện hư cấu?
• Truyện hư cấu là gì?
• Cái gì không phải là truyện hư cấu?
• Phi-hư cấu là gì?
• Cả hai truyện kể của họ đều viết về điều gì đó phải không?
• Từ “Soph” ám chỉ điều gì trong truyện kể của Phil?
• Từ “Bobblesphere” ám chỉ điều gì trong truyện kể của Soph? Có cái gì như thế không?
• Truyện kể của Soph có ý nghĩa gì không?
• Giả sử bản thân Phil và Soph cũng xuất hiện trong một truyện kể, vậy có phải một trong hai người đang viết cái gì đó không?
• Nếu những người ngoài hành tinh có tồn tại, thì nghĩa là truyện kể của Soph là có thực hay không có thực?
• Nếu những người ngoài hành tinh không tồn tại, thì nghĩa là truyện kể của Soph là có thực hay không thực?
Các câu hỏi của bạn
•
•
•
Kết hợp tốt với các bài
✓ Các bài khác trong phần “Hư cấu” (đặc biệt là bài “Những cảm xúc về điều hư cấu” và bài “Thắc mắc về xứ thần tiên”)
✓ Các truyện kể về Phil và Soph khác
Triết học : Triết học về văn học, đúng và sai, tính chân thật, ý nghĩa và sự ám chỉ, sáng tác.