Rất nhiều cuốn sách được viết ra với mục đích giới thiệu triết học đến người đọc đều mang tính truyền dạy . Hoặc đúng nghĩa truyền dạy, ở chỗ những cuốn sách đó giải thích các vấn đề triết học, rồi đưa người đọc đi qua các cuộc tranh luận truyền thống, hoặc chúng truyền dạy dưới diện mạo của một khám phá. Đó một phần là do giới hạn của văn bản: Dù tác giả có muốn cuốn sách của mình mang tính khám phá bao nhiêu đi nữa, và dù tác giả có thể nêu lên bao nhiêu câu hỏi đi nữa, thì sự thiếu tương tác dường như vẫn đòi hỏi tác giả phải đưa ra những câu trả lời cách này hay cách khác cho một câu hỏi vào một thời điểm nào đó. Như Plato đã nói, triết học đích thực không thể hoàn thành qua văn bản vì những cuốn sách không thể trả lời các câu hỏi hoặc làm sáng tỏ những điều không được hiểu tường tận. Sự mỉa mai trong phát biểu của Plato nằm ở chỗ ông nói những lời đó, hay đúng hơn, Socrates nói, trong một trong những đối thoại do ông viết ra – Phaedrus – và ngày nay những đối thoại này là cách duy nhất để chúng ta biết về triết học Plato. Bài phê bình ông viết về thứ triết học văn bản gói gọn sự căng thẳng mà Plato biết quá rõ: Chúng ta không thể làm triết học đúng mực bằng những lời lẽ được viết ra, nhưng dường như chúng ta cũng không thể làm triết học mà không có nó. Câu trả lời của Plato đối với vấn đề này thiếu hẳn một vế. Nhiều đối thoại của ông kết thúc lửng lơ và lời mời mà nó đưa ra cho người đọc là tiếp tục những cuộc thảo luận mà Plato đã khởi xướng. Gợi ý mà tôi rút ra được ở đây là Plato đang nói triết học là cuộc tranh cãi tiếp diễn không ngừng.
Cuốn sách đối thoại
Cuốn sách này hồi đáp vấn đề đó trong tinh thần trao đổi kiểu Plato. Những câu hỏi được nêu lên thông qua cuộc tranh luận xuất phát từ một câu chuyện hay một kịch bản, một bài thơ hay một hoạt động; nhưng, khác với Plato, cuộc đối thoại không chỉ được viết ra mà còn dùng để khiến cho người đọc hay lớp học tập trung vào vấn đề rồi tự họ động não suy nghĩ. Trong ý nghĩa đó, cuốn sách này mang tính tương tác; và vì lý do đó, từ lúc này tôi sẽ xem người đọc như những người tham gia khi nói đến các tình huống trong lớp học hay trong nhóm đọc, bởi vì cuốn sách nhắm đến cả người đọc cá nhân lẫn các lớp học cho trẻ em. Có một ý nghĩa khác khiến tôi mong muốn cuốn sách này mang tính tương tác. Ở cuối mỗi phần và những chỗ thích hợp, bạn sẽ thấy một ghi chú về nguồn của một bài viết, ngoài ra còn có những chủ đề triết học chính, những ý tưởng và tên của các triết gia đi kèm. Những ghi chú này được đưa vào để giúp bạn đọc, các thầy cô giáo hay lớp học nào quan tâm có thể theo đuổi một số ý tưởng trong đó và tìm hiểu thêm về các triết gia đã suy nghĩ về những câu hỏi và chủ đề này trong suốt chiều dài lịch sử. Wikipedia có một số bài viết nhập môn rất hữu ích về nhiều từ khóa trong số đó, ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo những trang web triết học rất hay và chuyên sâu hơn, như The Stanford Encyclopedia of Philosophy. Xem thêm những địa chỉ cần thiết ở cuối sách nhé.
Chứng kiến những cuộc tranh cãi
Người ta thường nói rằng giá trị chủ yếu và thực chất của hoạt động triết học với trẻ em là nó mang lại niềm vui. Dĩ nhiên, điều này còn phụ thuộc vào một sự thật rằng trẻ em thích triết học. Và nhìn chung, từ kinh nghiệm và những quan sát của bản thân, tôi hạnh phúc mà nói rằng, đó là sự thật. Nhưng còn những đứa trẻ không thích triết học thì sao? Tôi đã để ý thấy nhiều em trong số những đứa trẻ nói mình không thích triết học đều không thể ngăn mình tham gia vào một vấn đề triết học, một khi chúng nhận ra đó đúng là một vấn đề.
Khung khái lược
Trong cuốn sách này chúng tôi đã cố gắng tìm ra một “khung khái lược” cho mỗi bài viết được trình bày với người tham dự. Khung khái lược là bối cảnh câu chuyện hay tác phẩm văn học chứa đựng ý tưởng hay vấn đề triết học. Đôi khi nó là một truyện ngắn, một thể nghiệm hay kịch bản tư tưởng, một bài thơ, một hình ảnh hay thậm chí một hoạt động. Cái khung khái lược đó giúp ta đạt đến những điều sau:
• Nó giúp hiểu những ý tưởng hoàn toàn khó hiểu. Triết học chưa bao giờ dễ dàng – ngay bản chất nó đã là một cuộc đeo đuổi khó khăn – nhưng chúng ta có thể tiếp cận được, cũng như có thể yêu thích.
• Nó bối cảnh hóa vấn đề triết học để cho những người tham dự không lạc lối trong những cái trừu tượng.
• Dùng khung khái lược là một cách thú vị để lôi cuốn người tham gia vào vấn đề hay ý tưởng đó.
• Nó trao ý nghĩa cho vấn đề; khung khái lược đưa ra một bối cảnh cho thấy tại sao vấn đề và những suy tư về nó lại quan trọng. Điều này có thể trực tiếp cho thấy nó quan trọng như thế nào với người tham dự hoặc trong thế giới thực, hoặc đơn giản là có thể cho thấy tại sao nó quan trọng “trong câu chuyện”; dù cách nào thì nó cũng nối kết vấn đề với giá trị cho người tham dự.
• Khung khái lược thúc đẩy người tham dự giải quyết vấn đề, thường là vì một lý do nào đó trong câu chuyện. Bằng cách suy tư về vấn đề triết học, người tham dự có thể giúp đỡ nhân vật hoặc đơn giản là có thể tạo cơ sở cho câu chuyện được tiếp nối. Có thể nhận ra rằng nhiều khung khái lược không trọn vẹn (xem “Cái gì bay lên…” ở trang 233) và đây là lý do làm cho cảm giác về điều bí ẩn chưa hé mở thường góp phần kích thích người tham dự và khiến họ suy nghĩ mãi về vấn đề triết học theo cách nào đó.
• Khung khái lược bổ sung màu sắc cho những điều có thể khô khan và vô vị. Một vài khung khái lược hài hước chút đỉnh để thêm phần thú vị.
• Và thỉnh thoảng chính khung khái lược cũng chứa đựng một vài khía cạnh triết học hoặc bổ sung vào vấn đề triết học theo một cách đặc biệt và thống nhất. Nói cách khác, nếu không có khung khái lược, thì một số khía cạnh của vấn đề sẽ không xuất hiện (xem “Thần Zeus làm gì khi buồn chán” ở trang 126).
Mỗi khung khái lược được trình bày nhằm soi sáng một vấn đề, để người tham dự có thể nhận ra nó chính là một vấn đề. Tất nhiên không phải lúc nào tất cả những người tham dự cũng đều nhìn thấy rõ ràng mọi vấn đề, nhưng thỉnh thoảng tất cả những gì cần phải làm là dành thêm thời gian để suy ngẫm về khung khái lược cho đến khi nhìn thấy vấn đề một cách rõ ràng. Ở Quỹ Triết học, chúng tôi đã nhận ra rằng khám phá thật nhiều góc nhìn khác nhau của một lớp học hay một nhóm thường là cách tốt nhất để phát hiện ra những căng thẳng, và đồng thời cũng thấy được những tranh cãi, trong các món khai vị triết học nhẹ nhàng này.
Suy tưởng và thơ triết học
Bạn sẽ thấy rằng một vài khung khái lược, hay các tác vụ kích thích cho những bài viết trong sách này được viết bằng thơ. Không hẳn là thơ nhưng cũng không hẳn không phải thơ , chúng được gọi là Suy tưởng , vì chúng được viết để kích thích tư duy và suy tư về những chủ đề hay vấn đề nào đó (phần Đọc Thêm có nói thêm về Suy tưởng) . Trẻ con thích những ý tưởng được trình bày bằng thơ và chúng hiểu những ý tưởng đó cực kỳ nhanh. Ngoài ra, bạn có thể đọc bài viết của David Birch trong phần “Những ý tưởng đến sau” về thơ triết học (trang 411) để có thêm ý tưởng làm sao lôi cuốn trẻ em tự viết ra những bài thơ triết học.
Thí nghiệm trong tư tưởng
Như tôi đã nói, khung khái lược có thể chứa đựng những thí nghiệm trong tư tưởng . Nhưng thí nghiệm trong tư tưởng là gì? Nó là một thủ pháp được các triết gia sử dụng để bắt chúng ta suy tư về một triết đề hay ý niệm cụ thể theo những điều kiện đặc biệt nào đó. Chính vì phương cách họ nỗ lực kiểm soát những biến số chỉ bằng tư tưởng mà chúng được gọi là “thí nghiệm trong tư tưởng”. Nhưng các triết gia không độc quyền sử dụng phương pháp này; có nhiều thí nghiệm trong tư tưởng nổi tiếng trong khoa học, như “Cái thùng của Newton” (Newton’s bucket), trong nỗ lực chứng tỏ rằng không gian là tuyệt đối. Tuy gắn liền với các triết gia, và tuy các thí nghiệm trong tư tưởng đã được sử dụng suốt hàng ngàn năm, nhưng thuật ngữ này được cho là do nhà khoa học Ernst Mach nghĩ ra. Đôi lúc thí nghiệm trong tư tưởng được trình bày dưới hình thức trần trụi, nguyên khai (xem “Người bay”, trang 213), nhưng ở những chỗ khác chúng lại được tóm tắt thành một câu chuyện (xem “Cô gái dơi”, trang 238).
Những câu hỏi chủ đề: Khởi động, Đi xa hơn và Trọng tâm
Đối với Plato và Aristotle, “điểm khởi đầu” là rất quan trọng trong nghiên cứu triết học, và – tiếp tục với ẩn dụ “vị trí” (hay topos trong tiếng Hy Lạp, từ nguyên của “topic” trong tiếng Anh) – “bạn đi đâu” và “làm cách nào để đến đó” cũng quan trọng không kém. Cả Plato lẫn Aristotle đều sử dụng hình ảnh thị giác trường đua ngựa để minh họa cho sự tiến bộ của nghiên cứu triết học. Phần quan trọng giúp tìm ra vị trí của bạn , cho thấy những tranh cãi và định hướng chung quanh chúng, là những câu hỏi được chọn lọc kỹ, sẽ được tìm thấy đi kèm với các tác vụ kích thích.
Tôi đã chia những câu hỏi này thành ba loại: Câu hỏi khởi động , tiếp đến là một chuỗi Các câu hỏi đưa bạn đi xa hơn – từ đây trở đi sẽ gọi là “Những câu hỏi thêm” – trong đó có những Câu hỏi trọng tâm .
Câu hỏi khởi động được trình bày sao cho có thể đưa người tham dự đi thẳng vào triết đề bằng cách đặt ra câu hỏi vốn đã được chứng tỏ, trong lớp học, là soi sáng rõ nhất cho triết đề nằm trong bối cảnh của tác vụ kích thích. Câu hỏi khởi động thường liên kết với khung khái lược; nó là câu hỏi mà nhìn chung những người tham dự đang tìm cách trả lời và nó mở đầu cuộc thảo luận bằng cách yêu cầu một cách rõ ràng: Bạn nên suy nghĩ về Câu hỏi khởi động như mũi tên chỉ vị trí hiện tại của bạn trên bản đồ hay sơ đồ và khi bạn khám phá địa hình, nó sẽ giúp bạn quay trở lại điểm này thường xuyên. Nó cho phép bạn (hay những người tham dự) tìm ra phương vị của mình và một khi bạn biết mình đang ở đâu, bạn cần biết mình sẽ đi đến đâu.
Những câu hỏi thêm lúc bấy giờ được trình bày như những câu hỏi đi vào triết đề hay đề tài và thường diễn tiến từng bước từ câu chuyện hay kích thích (tuy cần phải chỉ rõ rằng không nhất thiết phải đặt ra tất cả những câu hỏi này hay không nhất thiết phải đặt ra chúng theo trình tự). Bắt đầu với Câu hỏi khởi động rồi chuyển sang các câu hỏi thêm sẽ giúp cuộc thảo luận khởi đầu một cách cụ thể, hợp lý, nhưng dần dần sẽ đi vào những suy tư và diễn ngôn trừu tượng hơn. Ví dụ, trong bài “Ai được gì và tại sao?” ở trang 323, Câu hỏi khởi động là: “Mỗi đứa trẻ nên được chia bao nhiêu phần của chiếc bánh?”. Nhưng sau đó, một trong những câu hỏi thêm là: “Công bằng là gì?”. Những câu hỏi thêm thường là những câu hỏi sâu hơn, được giấu kín hơn đằng sau Câu hỏi khởi động rõ ràng, dễ thấy. Những câu hỏi thêm đã được chọn lọc cẩn thận để hướng dẫn người tham dự và chứa nhiều thông tin thu được từ những cuộc tranh luận, các quan điểm và luận cứ xoay quanh chủ đề đó được tìm thấy trong các văn liệu chuẩn mực. Bằng phương pháp loại suy, nếu bạn nhìn thấy tác vụ kích thích trên cánh cửa, thì Câu hỏi khởi động sẽ cho phép – và mời gọi – bạn mở cánh cửa đó để đi vào những thách đố hay vấn đề; và những câu hỏi thêm lúc bấy giờ sẽ hướng dẫn bạn đi sâu hơn vào những thách đố hay vấn đề đó để bạn không lạc đường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, lạc đường là một phần rất tự nhiên của tiến trình triết học, nên nếu có lạc đường, thì đó cũng thường là dấu hiệu cho thấy bạn đang nghiên cứu triết học, chứ không phải bạn thất bại như người ta thường lầm tưởng.
Có lẽ cái trọng tâm nhất trong danh sách tất cả những câu hỏi thêm là những câu hỏi “Là gì…?”, chẳng hạn “Đẹp là gì?” hay “Niềm tin là gì?”. Gọi theo truyền thống thì đây là những Câu hỏi Socrates bởi vì vai trò hệ trọng của nó trong phương pháp Socrates, những điều ông đeo đuổi và các mối quan tâm triết học của ông. Tuy nhiên, để đi theo Câu hỏi khởi động và những câu hỏi thêm, và luôn ở đúng ẩn dụ “vị trí”, tôi gọi chúng là những Câu hỏi trọng tâm bởi vì chúng chính là nền tảng triết học. Chúng khá nổi bật ( in đậm ) trong danh sách đó.
Ở một thời điểm nào đó trong bất kỳ cuộc thảo luận nào xoay quanh các bài viết trong sách này, các Câu hỏi trọng tâm như “Đẹp là gì?” có thể có ích. Đơn giản bạn chỉ cần đặt ra câu hỏi đó và thảo luận. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy rằng trẻ em, đặc biệt là những em bé nhỏ, thường hay nói một điều gì đó đại loại như “Đẹp là khi cái gì đó đẹp”. Để giúp các em tránh kiểu vòng vo này, hãy áp dụng chiến lược mà tôi gọi là “Phá vỡ vòng tròn” (xem Cỗ máy Nếu như: Vấn đáp triết học trong lớp học - The If Machine: Philosophical Enquiry in the Classroom - của Peter Worley) và thêm quy định rằng khi bạn đặt ra Câu hỏi trọng tâm, thì các em không được dùng từ có trong câu hỏi để trả lời. Như vậy, liệu các em có thể nói “đẹp” là gì, hay có nghĩa gì, mà không dùng từ “cái đẹp” hay “đẹp” trong câu trả lời được không? Đây là phiên bản cho người bắt đầu tìm hiểu điều mà các triết gia gọi là phân tích khái niệm.
Lưu ý cho giáo viên,người chủ trì và người điều phối
Với tư cách giáo viên, người chủ trì hay điều phối thì điều cực kỳ quan trọng là phải đọc kỹ – nhưng còn quan trọng hơn là phải suy nghĩ kỹ – về những câu hỏi thêm, vì chúng sẽ cho bạn một mô tả khái quát về “quang cảnh tư duy” được vạch rõ trong kịch bản. Không nhất thiết “phải có câu trả lời” cho các vấn đề trong sách này nhưng điều hết sức quan trọng là bạn phải suy nghĩ về các vấn đề đó để tự tìm ra cách sử dụng hiệu quả nhất cuốn sách này cho học sinh của bạn, giúp các em định hướng đường đi chung quanh các chủ đề. Nếu bạn muốn có “câu trả lời”, thì điều tốt nhất bạn có thể làm là học thuộc các luận điểm khác nhau trong các cuộc tranh luận kinh điển về những đề tài này, để bạn khỏi phải nói những gì bạn nghĩ là câu trả lời nhưng chí ít cũng cung cấp một số thông tin dựa trên những gì các nhân vật khác đã đóng góp vào sự tranh luận. Cần lưu ý rằng bạn nên cố gắng tránh đưa ra bất kỳ câu trả lời nào, càng hạn chế càng tốt, khi điều khiển một buổi tranh luận triết học. Ở Quỹ Triết học chúng tôi đã lưu ý thấy rằng sự đa dạng tự nhiên trong các ý tưởng của bọn trẻ sẽ đột nhiên bị dập tắt khi giáo viên hay người điều phối chia sẻ quan điểm riêng của mình. Một khi trẻ em biết thầy/cô nghĩ gì thì nhiều khả năng chúng sẽ lặp lại những phiên bản khác nhau của quan điểm này. Việc đưa ra câu trả lời cũng có thể làm hỏng những mục tiêu tương tác của cuốn sách này.
Không gian suy tư
Tôi cũng đã dành chỗ trống cho những câu hỏi và ghi chú của riêng bạn với tiêu đề “Các câu hỏi của bạn”. Bạn có thể ghi vào đó các câu hỏi thêm dựa trên những tư duy và suy ngẫm riêng của bạn và của những người tham dự buổi thảo luận.
Kết hợp tốt với (các) bài...
Tôi cũng đưa ra một danh sách đề nghị những bài viết dẫn dắt sẽ kết hợp tốt với bài viết đang được sử dụng, tùy vào phương hướng mà nhóm chọn. Điều này giúp xây dựng giáo án và kế hoạch làm việc dựa trên các chủ điểm và chủ đề liên quan. Nhưng nếu một bài viết nào đó không phù hợp với một lớp học nào đó thì nó chẳng giúp gì được cho giáo viên. Có thể đơn giản là đề tài đó không “gãi đúng chỗ ngứa” học sinh hoặc có thể nó hơi cao quá; cũng có thể bạn chỉ cần đọc một bài mới để giữ nhịp độ buổi học hoặc khiến học sinh chú ý hơn. Nếu vậy, chỉ cần liếc qua phần “Kết hợp tốt với (các) bài…”, bạn sẽ dễ dàng tìm được một bài viết khác phù hợp hơn. Phần “Thời gian” là một ví dụ rất tốt cho thấy phần này nên diễn ra như thế nào, vì rất nhiều bài được thiết kế cho những buổi hỏi đáp ngắn gọn và dễ dàng dẫn đến một bài viết khác. Vì thế, nếu bạn khởi đầu với “Thời gian của Siêu Nhóc!”, nhiều khả năng bọn trẻ sẽ nói điều gì đó liên quan đến chiều quay của kim đồng hồ và hướng của thời gian; cả hai trường hợp này đều có thể dùng để giới thiệu cho bài “Thí nghiệm thời gian lớn”. Phần này cũng sẽ có ích bằng sự khu biệt các nhóm có trình độ khác nhau. Vậy nên nếu chủ đề của bạn là “thời gian và di chuyển trong thời gian” thì bạn sẽ tìm thấy những bài viết có thể đáp ứng cho các nhóm có trình độ khác nhau. Bằng cách này, bạn có thể hoàn thành tốt ba – bốn bài đọc trở lên trong một buổi học, có thể cùng lúc. Danh sách trong phần “Kết hợp tốt với các bài” sẽ giúp giáo viên hay người điều khiển thảo luận dễ sử dụng cuốn sách này hơn.
Cuốn sách này dành cho ai?
Cuốn sách này dành cho bất kỳ ai cầm nó lên rồi cứ muốn đọc tiếp. Nó dành cho những ai thích chủ động đắm mình vào những ý tưởng hơn là thụ động đón nhận thông tin. Cuốn sách này bao gồm những bài viết cho nhiều độ tuổi – độ tuổi có thể bắt đầu đọc được ghi ngay dưới tựa mỗi bài viết. Một số bài được viết cho học sinh tiểu học (như những cuộc phiêu lưu của Phil và Soph), nhưng một số bài sẽ chỉ phù hợp với những người tham dự lớn tuổi hơn (như “Khẩu súng” trang 308) nhưng có nhiều ví dụ cho thấy rằng, tuy viết cho trẻ em nhưng người lớn cũng có thể thoải mái tham dự. Tôi cá bất kỳ ai ở lứa tuổi nào đọc “Bobby – bao cát tập đấm” (trang 263) mà lại không quan tâm ít nhiều. Thỉnh thoảng chúng tôi gán nhãn “nâng cao” trong các bài viết chỉ là do muốn mở mang tí chút cho các trí óc non trẻ. Những bài viết ấy sẽ phù hợp với các lớp học có năng lực, các nhóm trẻ có tài năng thiên phú hay các nhóm/lớp học đã quen hay thông thạo với việc bàn luận triết học. Nhưng đừng sợ phải thử sức với những bài nâng cao; lớp học của bạn có thể làm bạn kinh ngạc đấy.
Cũng có thể có những độc giả cụ thể hơn quan tâm đến cuốn sách này.
Giáo viên và lớp học
Có nhiều cách để trò chuyện triết học với trẻ em nhưng có một điểm chung là hỏi-đáp rất cởi mở – những cuộc thảo luận được mở rộng bằng cách chất vấn và suy luận – để lôi cuốn lớp học. Một số cách đề nghị tham gia cùng trẻ em trình bày và chọn lọc những câu hỏi (Triết học cho Trẻ em – Philosophy for Children, hay P4C), một số khác thì đề nghị sử dụng những câu hỏi được chuẩn bị kỹ đặt ra cho trẻ em, như những câu hỏi khởi động và những câu hỏi thêm trong sách này. Trong vài trường hợp, Cửa hiệu triết học có thể được sử dụng theo cả hai cách, nhưng cần lưu ý rằng nhiều ví dụ đã được chọn lọc cẩn thận vì tiêu điểm triết lý của chúng. Nếu để cho bọn trẻ tự chọn các câu hỏi riêng, tiêu điểm đó có thể sẽ bị mất. Như đã nói, trẻ em có thể khám phá ra nhiều câu hỏi triết học thú vị khi trình bày các câu hỏi dựa trên sự quan tâm và thích thú của các em. Đa phần những câu chuyện đầy đặn chi tiết, như “Cô gái đến từ hôm qua” (trang 101), đều có nội dung “già dặn” hơn nhiều so với những câu hỏi được chuẩn bị sẵn. Có lẽ tốt nhất nên phối hợp cân bằng giữa hai cách tiếp cận này để tiêu điểm được duy trì mà người tham dự vẫn dẫn dắt cuộc thảo luận trong phạm vi tiêu điểm ấy. Hãy viết những câu hỏi nảy sinh khi thảo luận vào phần “Các câu hỏi của bạn”. Quỹ Triết học đã tạo ra phương pháp vấn đáp triết học riêng với tên gọi PhiE nhằm nỗ lực đạt đến sự cân bằng đó. Bạn có thể xem mô tả ngắn gọn về phương pháp này ở trang 23 (để biết đầy đủ hơn, hãy đọc quyển Cỗ máy Nếu như: Vấn đáp triết học trong lớp học của Peter Worley).
Các khóa học triết, các nhóm hội thảo chuyên đề ở đại học và trợ giảng
Một cách để giới thiệu một chủ đề triết học, cũng là cách mà hầu hết các khóa triết học chọn để làm theo, là giải thích chủ đề (ví dụ, thái độ hoài nghi về nhận thức luận) và sau đó đưa ra những văn bản của các triết gia đã có những đóng góp quan trọng cho những cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề đó (chẳng hạn, Những suy niệm (MedItalictions) của Descartes). Tuy nhiên, Quỹ triết học lại ủng hộ một cách tiếp cận khác. Chúng tôi đề xuất mang đến cho người học một hoạt động kích khởi có thể giúp nắm bắt một hay nhiều khái niệm hoặc vấn đề thiết yếu có trong chủ đề triết học đó. Chẳng hạn, câu hỏi trong “Giấc mơ hóa bướm” của Trang Tử (trang 236) giới thiệu những băn khoăn về thái độ hoài nghi nhận thức luận (cụ thể là tranh luận mơ hay không mơ). Trước hết, người học được khuyến khích tự tham gia vào hoạt động kích khởi đó, nhờ vậy sẽ cung cấp bối cảnh cho cách suy tư của riêng người học về chủ đề đó. Nó cho phép người điều khiển khóa học đặt những ý tưởng và các triết gia vào trong bối cảnh cho hoạt động suy tư của riêng người học. Cách thức này sẽ giúp người học cảm thấy hấp dẫn về mặt triết học khi được gặp gỡ các triết gia và chủ đề triết học đó. Cuốn sách này sẽ cung cấp nhiều ví dụ về các hoạt động kích khởi để sử dụng theo cách vừa nêu, đa số do các nhà triết học có nhiều kinh nghiệm trong việc lôi cuốn được người học ở trình độ đại học với các vấn đề và chủ đề triết lý viết ra.
Các nhóm đọc triết hay nhóm thảo luận,các nhóm trẻ và các nhóm ở nhà thờ
Nhiều người thích gặp nhau để cùng bàn luận về những cuốn sách. Các nhóm triết học, mà lý do gặp nhau là các ý tưởng, cũng ngày càng tăng khi người ta tìm thấy sự hậu thuẫn từ nhiều người ham thích cùng nhau suy tư. Nếu có một nhóm triết học nào đó hấp dẫn được bạn, thì cuốn sách này chính là tài liệu hoàn hảo vì nó có các bài viết dùng để kích khởi cho mọi lứa tuổi và cũng dễ hiểu nữa; các bài viết được trình bày sao cho mọi người đều có thể “nắm bắt vấn đề triết học” nhanh nhất mà không phải đọc quá nhiều. Tuy vậy, các nhóm cũng nên sử dụng những gợi ý ở cuối các bài viết để theo đuổi mọi ý tưởng hay vấn đề thảo luận nào mà nhóm cảm thấy quan tâm trong tài liệu nguồn ban đầu – tức là vấn đề triết học do các triết gia đứng đằng sau, truyền cảm hứng cho các bài trong quyển sách này viết ra.
Cha mẹ với con cái và các câu lạc bộ triết học ngoài trường lớp
Ở Quỹ Triết học, chúng tôi thường tiếp xúc với các phụ huynh thích tìm các nguồn tài liệu để khuyến khích con cái họ suy tư triết học. Có rất nhiều sách cho lứa tuổi thiếu niên, các em có thể tự tìm đọc, nguồn tài liệu cho các em nhỏ hơn để học ở lớp cũng rất phong phú, nhưng có vẻ chẳng có gì dành cho phụ huynh sử dụng để dạy trẻ nhỏ. Cuốn Cửa hiệu triết học này ra đời để thay đổi điều đó. Tuy nội dung trong sách trải rộng cho người đọc/người tham dự ở nhiều độ tuổi, nhưng đa số các bài thích hợp với trẻ em, và trong vài trường hợp là với trẻ rất nhỏ. Bạn sẽ thấy khuyến nghị “tuổi bắt đầu học” ngay đầu bài, dưới nhan đề mỗi bài viết. Tuy nhiên, vì nội dung sách trải rộng, phụ huynh nên sử dụng cuốn sách này để dạy con một cách chọn lọc; chúng tôi không khuyến khích phụ huynh để con đọc một mình. Bất kỳ phụ huynh nào dùng cuốn sách này cũng cần lưu ý rằng thảo luận triết học với trẻ thường sẽ hiệu quả khi có một nhóm trẻ hơn là chỉ một em. Dĩ nhiên điều này phụ thuộc rất nhiều vào đứa trẻ. Các phụ huynh cũng nên xem phần “Hướng dẫn nhanh cách điều khiển một buổi vấn đáp triết học (PhiE)” (bên dưới). Một cách để sử dụng cuốn Cửa hiệu triết học này là tổ chức một nhóm phụ huynh cùng điều hành một câu lạc bộ triết học ngoài giờ học. Kết hợp với một số trò chơi (xem các thành viên của Quỹ Triết học ở trang web www.philosophy-foundation.org để tìm nguồn trò chơi), và có thể với bánh trái và các món giải khát, câu lạc bộ triết học sẽ là một cách hay ho và vui thú để bọn trẻ khởi sự suy tư triết học.
Người quan tâm và thích đọc một mình
Nhưng đừng nghĩ rằng cuốn sách này chỉ dành cho các nhóm. Nó cũng sẽ hấp dẫn với bất cứ ai thích suy ngẫm, hay trầm tư sâu xa, đặc biệt là những người thích làm điều đó mà không phải đọc quá nhiều. Hãy nghĩ về mỗi ví dụ như một bài thơ haiku Nhật Bản, nhưng có lẽ mang phong vị châu Âu nhiều hơn. Hãy mở sách ra, đọc một bài, nghĩ về các câu hỏi, để cho chúng gây xôn xao trí óc bạn. Hãy mang quyển sách này theo trong những chuyến đi và đắm mình vào nó; hãy giở ra xem trong khi chờ xe buýt hay trong lúc ngồi trên tàu điện ngầm, để sẵn một cuốn trong nhà vệ sinh cũng được, hay dùng nó để bày ra các cuộc thảo luận trong bữa ăn tối, các buổi họp mặt gia đình nhằm thoát khỏi những chủ đề nhàm chán. Nhưng để tận dụng lợi ích của cuốn sách này, người đọc một mình nên sử dụng nó để kích khởi sự thẩm xét của riêng mình và theo đuổi những luận điểm truy vấn của riêng mình. Bằng cách này người đọc được mời gọi trực tiếp viết tiếp phần hai của cuốn sách này.
Hướng dân nhanh cách điều hành phần PhiE (vấn đáp triết học)
Dù là nhóm thảo luận trong một quán nhỏ nào đó, một hội thảo chuyên đề ở trường đại học hay một lớp tiểu học thì cũng đều cần có vài gợi ý và mẹo hữu dụng để điều hành một cuộc thảo luận nhóm. Trước hết, cần chọn ra ai đó làm “người chủ trì” buổi thảo luận (còn gọi là “điều phối viên”), tốt nhất điều phối viên nên cam kết không tham gia vào cuộc thảo luận mà chỉ tạo điều kiện và trợ giúp cho những người tham dự theo đuổi cách thảo luận của riêng họ, dựa trên biện pháp kích khởi được trình bày. Vì thế dưới đây là hướng dẫn nhanh cách điều hành một buổi vấn đáp xoay quanh các bài viết trong sách này:
1. Trình bày hoạt động kích khởi
Đọc hoặc kể câu chuyện, bài thơ hay các hướng dẫn cho người tham dự. Có thể đọc hoặc kể hơn một lần, dùng những phương thức trình bày khác nhau nếu cần và nếu bạn có thể làm vậy với hoạt động kích khởi đó (xem “Chóng mặt!” trang 370 để có ví dụ về những phương thức trình bày khác nhau dựa trên các phong cách học nghe, nhìn và vận động; xem thêm “Văn phòng phẩm không quá bất động” ở trang 265 về cách sử dụng một điều kịch tính để giúp dễ hiểu hơn; và hãy xem “Giới thiệu Người bút chì” ở trang 67 để biết cách sử dụng giáo cụ sao cho hoạt động kích khởi sống động hơn). Những bài viết trong sách này đóng vai trò như những ví dụ; bạn phải sáng tạo thêm cách nào đó giúp truyền đạt tốt hơn những hoạt động kích khởi khác trong sách bằng cách sử dụng những bài viết này như những mẫu hình.
2. Dành thời gian để hiểu rõ nếu cần thiết
Riêng với trẻ nhỏ, có lẽ cần dành thời gian để các em kể lại cho nhau những gì các em nghĩ là hoạt động kích khởi đang nói đến. Chẳng hạn, nếu bạn đọc bài “Arete và Deon” (trang 300), bạn nên bắt đầu bằng cách yêu cầu các em liệt kê càng nhiều càng tốt những đặc điểm căn bản của hai em nhỏ trong câu chuyện. Có thể ghi ra những đặc điểm các em nhớ được ở hai cột “Arete” và “Deon” trên bảng cũng hay. Điều này không chỉ có nghĩa là giúp các em hệ thống câu chuyện đó tốt hơn, mà còn giúp các em nhìn thấy những thông tin quan trọng về các nhân vật trong suốt buổi thảo luận. Bạn nên làm như vậy với nhiều bài viết trong sách này.
3. Đặt ra Câu hỏi khởi động
Người điều phối phải bảo đảm đặt ra câu hỏi này một cách rõ ràng. Nên viết rõ ra để ai cũng có thể nhìn thấy. Nội dung câu hỏi phải được giữ nguyên cho đến khi cuộc thảo luận chuyển sang một câu hỏi khác. Nhưng thường thì nếu điều này có xảy ra, nó vẫn sẽ giúp trả lời Câu hỏi khởi động tốt hơn. Nên hãy cứ trở lại Câu hỏi khởi động nhé.
4. Dành thời gian trò chuyện
Khi đã trình bày hoạt động kích khởi và đã đặt Câu hỏi khởi động cho nhóm, các thành viên nhóm cần có vài phút để suy nghĩ/trò chuyện thật nhiều với những người ngồi cạnh. Nên thực hiện phần thảo luận này theo cặp hoặc nhóm nhỏ.
5. Điều khiển một buổi vấn đáp theo nhóm với Câu hỏi khởi động
Trả lời Câu hỏi khởi động khi nó đã được đặt ra sẽ là nhiệm vụ chính của cuộc thảo luận, nhưng giữ cho hoạt động thảo luận được tập trung thì người điều phối phải liên tục nhắc lại Câu hỏi khởi động mỗi khi các thành viên lơ là. Đôi khi cuộc thảo luận sẽ tự nhiên dẫn đến một trong những câu hỏi thêm như là tiêu điểm mới, trong trường hợp này, cần phải nhắc nhở nhóm tập trung vào câu hỏi đó. Một vài bài viết được thiết kế thành những câu hỏi ngắn gọn (xem “Chóng mặt!” ở trang 370 hay “Nelly nói không” ở trang 382), còn những bài viết khác được viết để có thể mở rộng thành những câu hỏi dài hơn (xem “Người làm đồ chơi có bộ máy đồng hồ” ở trang 116).
6. Chú ý vào những câu hỏi thêm
Người điều phối nên lắng nghe để tìm ra những dấu hiệu cho thấy nhóm thảo luận đã chuyển qua – hoặc đang chuyển qua – một trong những câu hỏi thêm. Giả dụ, khi có ai nói: “Nhưng rốt cuộc thì cái đẹp là gì?” trong buổi thảo luận về bài “Máy phát hiện cái đẹp của Louis” (trang 312), thì rõ ràng cần ngừng lại để xem xét câu hỏi thêm (còn gọi là Câu hỏi trọng tâm) là “Cái đẹp là gì?”, trước khi trở lại với Câu hỏi khởi động.
7. Chỉ giới thiệu các câu hỏi thêm khi nào cần thiết
Đừng xem các câu hỏi thêm như những câu hỏi phải giải quyết theo trình tự trong danh sách, chúng xuất hiện chỉ để làm nhiệm vụ hướng dẫn thôi. Bạn nên để cho cuộc thảo luận quyết định nên giới thiệu câu hỏi thêm nào, và chỉ giới thiệu khi nào cuộc thảo luận mời gọi nó.
Ghi lại các câu hỏi
Khi kết thúc cuộc thảo luận, hãy ghi lại bất kỳ câu hỏi nào bạn mới nghĩ ra hoặc người tham dự đặt ra trong buổi thảo luận.
8. Kết hợp tốt với (các) bài…
Hãy xem những gì các bài viết khác trong sách cung cấp để tiếp tục thảo luận thật tốt. Chẳng hạn, bài “Phil, Soph và cuộc gặp gỡ” (trang 226) sẽ rất hiệu quả khi dùng để khởi động cho bài “Thoth và Thamus” (trang 353). Nhiều bài viết trong phần “Thời gian” rất hiệu quả khi áp dụng cho phương pháp chọn và trộn lẫn trong một buổi thảo luận dựa trên hướng mà buổi thảo luận đi theo. Chắc chắn cuối cùng bạn sẽ hoàn thành ba hoặc bốn bài trong phần “Thời gian” cho một buổi thảo luận.
9. Bạn có thể xem các nghiên cứu về vấn đề triết học đó ở cuối mỗi bài
Ví dụ, sau khi bàn luận về bài “Trống rỗng” (trang 79) hay “Cái hộp của Immy” (trang 38), hãy tìm hiểu thêm về Newton và thời gian/không gian tuyệt đối, Leibniz và thời gian/không gian tương đối, hay Kant và thời gian/không gian tâm lý học.
Dù phần giới thiệu này có thể giúp bạn bắt đầu, nhưng nếu bạn là giáo viên tiểu học hay trung học, có thể bạn sẽ muốn tìm hiểu thêm về cách điều phối hiệu quả những cuộc thảo luận. Vì vậy, để hiểu chi tiết hơn về cách thức điều phối một cuộc thảo luận hay vấn đáp, hãy đọc cuốn Cỗ máy Nếu như: Vấn đáp triết học trong lớp học của Peter Worley, bạn sẽ hiểu rõ về các kỹ năng quản trị, điều phối của diễn giả và các chiến lược để có được nhiều suy nghĩ hay hơn trong lớp học, cùng với 25 bài giáo án hết sức chi tiết. Quỹ Triết học cũng cung cấp hoạt động đào tạo cách đặt câu hỏi và kỹ năng truy vấn. Xem www.philosophy-foundation.org để biết thêm chi tiết và nguồn tài liệu.