“Hãy nhìn tất cả những thứ này, tôi không cần chúng!”, người ta đồn triết gia Socrates đã tuyên bố như vậy khi đứng trước nhiều quầy hàng nằm san sát trong khu chợ của thành Athens cổ đại. Trái ngược với các quầy hàng ở agora đó (tiếng Hy Lạp nghĩa là “khu chợ”) và nhờ thu hút được sự chú ý các công dân ở đó bằng những câu hỏi quan trọng có tính triết lý, Socrates đã bày ra một cuộc trao đổi theo kiểu hoàn toàn khác. Tiền của ông là các ý tưởng; một người khôn ngoan, phản tỉnh đang sống yên lành, hạnh phúc là mục tiêu của ông. Giai thoại này cho thấy làm thế nào người ta có thể tìm thấy nguồn gốc của triết học – ít nhất là thứ triết học mà chúng ta biết ở châu Âu – nơi việc mua sắm.
Có lẽ chúng ta sẽ nhận ra được Socrates ở đây vì chúng ta cũng đang đứng giữa một khu chợ ồn ào đến chóng mặt – dù khu chợ toàn cầu này rộng lớn hơn nhiều – và chúng ta điếc tai với những lời chào mời từ mọi phía của đám người bán hàng rong, hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và có thể chúng ta cũng cảm thấy cần có một loại cửa hiệu khác thay thế như một biện pháp giải độc trước áp lực và những lời hứa hẹn của agora thời hiện đại này – một biện pháp chống lại nhiều loại thuốc trị bá bệnh được mời mọc bằng cách nhấn mạnh đến “câu chuyện” hay “lý tính”,hay logos* trong tiếng Hy Lạp. Có thể chúng ta cần một cửa hiệu thay thế như thế này để có được “cuộc sống tốt đẹp hơn” bằng phương tiện gì đó ngoài phương tiện tài chính, tiêu dùng.
* Logos: ngôn từ, lý, lời phát biểu, nguyên lý, lý tính… (ND. Từ đây trở đi các chú thích của người dịch sẽ được ghi ND, còn các cước chú của tác giả sẽ không ghi gì thêm.)
Cửa hiệu triết học sẽ đóng vai trò như Socrates nói chuyện với người đọc: có lúc lôi cuốn, khôi hài và hứng khởi; có lúc chọc ngoáy như một kẻ ưa châm chích, khiến chúng ta không yên; cũng có lúc nói lòng vòng phát ngán hay bỏ lửng. Nhưng luôn kích thích suy nghĩ – hy vọng thế.
Cuốn sách này chỉ đường cho độc giả đi qua cửa hiệu đó bằng những hướng dẫn ngắn gọn dù độc giả không nhất thiết phải biết họ muốn món hàng gì. Phương cách mà tôi hy vọng làm được việc này là thông qua cấu trúc – hay địa hình học – của cuốn sách này. Nội dung chính được chia thành bốn phần, hay bốn “gian hàng”, mỗi gian hàng có những tiểu mục riêng:
1. Siêu hình học hay Cái hiện hữu
2. Tri thức luận hay Những gì có thể biết được về cái hiện hữu
3. Giá trị hay Điều quan trọng trong cái hiện hữu
4. Ngôn ngữ và ý nghĩa hay Có thể nói gì về cái hiện hữu
Cuối cùng, có một số mục từ dưới tiêu đề “Những ý tưởng đến sau”, bạn nên lướt qua sau khi đọc hết cuốn sách, rất bổ ích đấy. Các bài trong sách có thể đọc theo bất kỳ thứ tự nào, nhưng để hỗ trợ thêm cho người đọc/người tham gia, tôi có soạn phần “Kết hợp tốt với các bài…” ở cuối mỗi bài nhằm cung cấp cho người đọc các bản đồ chủ đề theo nhiều hướng khác nhau có thể sử dụng ở cả trong và ngoài sách. Phần “Câu hỏi khởi động” và “Những câu hỏi đưa bạn đi xa hơn” cũng được thiết kế để hướng dẫn cho độc giả hoặc người tham dự (xem thêm phần “Cuốn sách này chứa đựng điều gì?” ở trang 9). “Những ý tưởng đến sau” sẽ có một vài thông tin và hướng dẫn hữu dụng để triển khai việc viết lách về những chủ đề triết học khác nhau: Tiến sĩ John Taylor trình bày một số lưu ý quan trọng về cách viết các đề tài triết học thật hay để đăng lên các báo và các dự án triết học; mặc dù đối tượng hướng tới ở đây chủ yếu là cho các dự án trong nhà trường, nhưng nhiều lời khuyên của ông cũng rất hữu ích với sinh viên đại học năm thứ nhất. David Birch giới thiệu cách làm thơ triết học cho trẻ em và thầy cô giáo; đó là những ý tưởng về nhiều cách triển khai và đa dạng hóa được ông trao vào tay các thầy cô giáo và những học trò có óc sáng tạo.