TỪ CHUYỆN “CON NHÀ NGƯỜI TA”
Tôi dám chắc một điều, 90% bố mẹ rất hay mắc hội chứng “con nhà người ta”. Hội chứng đó cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, đặc biệt, mỗi lần đi họp phụ huynh về các bệnh “con nhà người ta” lại có cơ hội bùng phát. Sao bạn Linh lớp con học lắm đội tuyển thế nhỉ, cả toán, cả văn, Anh văn, mà con chốt mỗi đổi tuyển Anh cũng chưa nên hồn? Đây là câu mà hồi con gái lớn học lớp 6, tôi hay nói với con tôi.
Mà sau này, khi con ra trường, vào cấp ba, tôi mới nghe nó kể lại: “Hồi đó, con thấy học lớp đội tuyển vất quá, thi vào đội tuyển toán, con làm được 4 điểm, rồi ngủ, trong khi 5 điểm là chắc chắn sẽ vào đội tuyển mẹ ạ”. Có rất nhiều câu hỏi tại sao mà nhiều bậc phụ huynh không bao giờ hiểu nổi, tất cả đều xuất phát từ hội chứng “con nhà người ta”. Cái hội chứng so sánh con mình với “con người” nó ăn sâu bám rễ trong nhiều bố mẹ, có tính di truyền từ đời ông bà. Như nhà tôi hồi bé, tôi nghịch và học chỉ 30 phút là xong bài, nháo nhào để đi chơi.
Mẹ tôi thường than: “Sao cái Minh nhà bác Lan nó chăm học thế mà con học có tý đã đi chơi?”, “Sao bạn Bắc được học sinh giỏi mà con chỉ được học sinh tiên tiến?”, “Sao chị Huyền Anh cạnh nhà không bao giờ trốn đi chơi mà con cứ hở ra là chạy, hộ khẩu ngoài đường à?” Đó là những câu suốt tuổi thơ tôi được nghe mẹ nói. Tôi còn nhớ, tầm cấp hai, tôi đã biết cãi lại mẹ: “Sao mẹ không so con với thằng Trung, thằng Hoàng, nó học kém hơn con nhiều, sao mẹ không so là cả lớp mỗi con được giải thi vẽ thành phố, sao mẹ không so là con 7 tuổi đã được đăng thơ lên báo Hà Nội Mới, báo Nhi Đồng, nhưng các bạn cùng lớp con thì không?” Mẹ tôi bảo: “Mày chưa lớn đã cãi à? Ai đẻ ra mày?”. Vậy đó, tuổi thơ tôi chính là bài ca: “Con nhà bác Lan nó học giỏi thế, con nhà bác Tuấn nó ngoan thế...” Mỗi lần bị mẹ mang ra so sánh với ai đó, mỗi lần cãi lại, đều kết thúc với câu “chắc như đinh đóng cột” của mẹ: “Ai đẻ ra mày?” và câu chuyện kết thúc ở đó.
Giờ nghĩ lại, xưa bé, tôi từng ghét cay ghét đắng mấy đứa bạn mà mẹ tôi hay lôi ra làm “tấm gương” để định hướng tôi theo chủ trương đường lối học hành của mẹ. Vô hình trung, mẹ đẩy con đến cái tính đố kỵ, ghen ghét từ nhỏ với một ai đó giỏi hơn mình. So sánh con nhà người ta lợi thì chưa thấy đâu, cái hại là như thế. Vào các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm học tập, cái lợi thấy rõ là ta có thêm các thông tin, các kinh nghiệm chia sẻ của các bố mẹ, thầy cô và mọi người để vận dụng phần nào đó cho con cái ta.
Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Cái hội chứng “con nhà người ta” có đất dụng võ kinh khủng, khi bố mẹ nào cũng ngấm ngầm đọc thông tin, rồi so sánh con nhà mình, với con nhà các“phây búc cơ” trên mạng. Như một phản xạ không điều kiện, cứ thấy ai đó đăng tin về con nhà người ta đỗ chuyên, chọn, được giải kỳ thi trong nước và quốc tế, được điểm chứng chỉ tiếng Anh IELTS, SAT cao... là nhiều bố mẹ lại chạnh lòng. Rồi thì đổ lỗi lòng vòng. Đôi khi bảo con: “Mẹ thấy nhiều bạn điều kiện khó khăn hơn con mà học vẫn giỏi, mẹ có tiếc gì tiền cho con đâu, mà con không học được. Tại sao các bạn đỗ Ams, mà con chỉ đỗ trường X, trường Y thôi hả???” Ngược lại, có mẹ lại tiêu cực ngay khi đọc thông tin: “Học lắm làm gì, mất hết tuổi thơ. Lớn lên chắc gì đã làm ông vương bà tướng gì?” Cái so sánh con nhà mình với con nhà người ta, nếu ở mức “đủ dùng”, nghĩa là ở mức nạp thông tin để bản thân bố mẹ nhìn ra định hướng cho con là cái tốt, chứ cứ so sánh lấy được, là lợi bất cập hại.
Từ cái hội chứng con nhà người ta, nhiều bố mẹ quyết đua bằng được vào các trường, các lớp mà họ nghe nói là rất tốt, bất chấp con mình có phù hợp hay không. Khi bằng mọi cách cho con được vào các ngôi trường cấp một, cấp hai mơ ước, con lại vào được các lớp “chọn” thì bố mẹ yên tâm lắm rồi. Nhưng, đã là “cuộc đua” thì đều có cái giá của nó, con bạn rơi vào một môi trường cạnh tranh kinh khủng. Lúc đó, chắc chắn nếu con bạn không có tố chất, không “gặp thầy gặp thợ”, không may mắn có được các thầy cô sát cánh thì chắc chắn, bạn sẽ thất vọng sau mỗi kỳ họp phụ huynh “Tại sao con mình mãi ở top 20-30, trong khi nhiều bạn cùng lớp đạt bao nhiêu giải học sinh giỏi?” và một loạt câu hỏi so sánh làm con bạn mất hết tự tin và dần trở nên “cô đơn giữa đám đông”.
Nhiều con đã được học giỏi nhất lớp rồi, nhưng bố mẹ vẫn không ngừng so sánh với những tấm gương khác đầy trên các báo mạng, các “gờ rúp”... Hội chứng “con nhà người ta” không dừng ở các học sinh thường, nó có ở các con học cực giỏi cũng bị bố mẹ đem ra so sánh. Nếu con bạn cá tính và bản lĩnh, nó sẽ bật lại bạn ngay. Điều đó thật tốt. Nhưng với lối giáo dục giáo điều, nhiều cháu chọn cách im lặng, stress hoặc ngấm ngầm phản kháng, điều đó thật là tệ hại...
NGẪM CHUYỆN “BỐ MẸ NHÀ NGƯỜI TA”
Một lần, tôi đọc được một câu chuyện vui, là có một người mẹ đọc báo, thấy con gái Obama dù có bố là tổng thống Mỹ vẫn tự giác học hành và chủ động kế hoạch học tập, người mẹ bèn nói với con mình: “Con thấy không, con gái Obama bằng tuổi con đó, tự giác học thế, còn con thì sao?” Con trai của người mẹ đó trả lời: “Đúng là bạn đó tự giác thật, nhưng mẹ thử nghĩ xem, bằng tuổi mẹ, vợ ông Obama đã giúp chồng tranh cử Tổng thống rồi đó, chứ không ngồi so sánh con cái nữa đâu.”
Nghe qua tưởng em học sinh đó láo, dám lý luận, cãi mẹ. Nhưng kỳ tình cũng có cái lý của nó. Và chỉ là một câu chuyện hài thôi, nhưng tôi tự dưng thấy như thức tỉnh.
Đúng là mỗi một đứa trẻ sinh ra trong một môi trường nhất định, là cá biệt, là duy nhất. Tại sao ta lại đem đi để so sánh với những bạn khác con? Nhưng cái bệnh so sánh “con nhà người ta” thực sự là một căn bệnh khó chữa, đôi khi, nó có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì thế, tôi luôn phải tự nhủ, Linh bạn con gái tôi, đang học Ams Anh, được giải học sinh giỏi gì đó, nhưng không chơi đàn piano, guitar như con tôi, cũng bạn Linh đó, học tiếng Anh giỏi, nhưng không đọc sách sử và sách văn học kiểu như con tôi, bạn đó chăm học lắm, cũng thích ảo thuật lắm, nhưng chưa bao giờ đi diễn ảo thuật trước hàng trăm khán giả như con tôi. Đại khái, không phải mình so sánh để “dìm hàng” con nhà người ta đâu, để mình thấy, con mình là một đứa không giống bất cứ ai và rất chi là OK. Để mà tự tin, cùng con bước tiếp chứ không phải thu mình vào cái vỏ ốc vô hình.
Điều đó thực sự giúp cho con gái tôi có được tính tự tin rất đáng quý. Con vốn rất cá tính, giờ mẹ đỡ đi cái hội chứng “con nhà người ta” điều đó là một bước tiến đáng kể ở nhà tôi. Và dạo con thi vào 10, tôi lấy làm căng thẳng, nhỡ con trượt chuyên thì thế nào. Trông người thì ngẫm đến ta. Để chữa căn bệnh so sánh “con nhà người ta” một cách hữu hiệu, bản thân tôi cũng đã phải tự nhủ, hãy luôn tự so sánh, mình là bố mẹ, đã được như bố mẹ nhà người ta, như bố mẹ Obama đâu mà đòi hỏi nhiều ở con. Con nhà người ta học giỏi, học siêu, nhiều khi do nhiều yếu tố quyết định: Do yếu tố di truyền bao đời, nhà người ta có gen học dẫn đến con nhà người ta có tố chất; do bố mẹ nhà người ta định hướng chuẩn, chăm lo, do con nhà người ta chịu nghe lời bố mẹ, do đầu tư tiền bạc đúng hướng và thành công, còn một phần do may mắn. Đó, biết bao yếu tố quyết định nên một con người, đã thế sau này ra đời, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, làm sao cứ phải ngồi mà so sánh mãi.
Mà đâu cần so sánh các bố mẹ vĩ đại như Obama, hãy so sánh mình với các bố mẹ khác thôi đã, mình còn kém họ quá nhiều.
Chúng ta cần nghĩ đến “bố mẹ nhà người ta” để chữa căn bệnh so sánh “con nhà người ta” một cách đơn giản và hiệu quả nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta thôi không thu thập thông tin, thôi đồng hành cùng con, thôi không nhìn thấy những điểm tốt của các phụ huynh khác mà vận dụng một cách sáng tạo. Tôi nhấn mạnh một điều, đằng sau một tấm huy chương, luôn là bao mồ hôi, nước mắt, nụ cười, đằng sau một học sinh giỏi, luôn là nhiều điều mà chúng ta không nhìn thấy hết, tất cả không chỉ là màu hồng. Vì vậy, không có bất cứ cách học nào, mô hình nào bạn “bắt chước” cho con mà OK đâu, chỉ có bạn và con bạn cùng đồng hành, cùng dò đường, cùng leo núi, cùng trải nghiệm thì mới ra được con đường cho riêng mình.
Có một điều, tình yêu của bố mẹ với con mình luôn là vô điều kiện và không gì so sánh được, nên chúng ta phải cân đối, đừng sa vào cái hội chứng “con nhà người ta” để đánh mất đi sự tự tin của con mình và của chính mình. Chỉ có sự tự tin mới làm nên sự thành công của con bạn chứ các bảng điểm, rất quý giá, những tấm huy chương, rất quý giá, nhưng chỉ là một góc trong hành trang vào đời của con bạn mà thôi.