Khi bạn đem lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) và lục thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) đều buông bỏ hết, không còn gì nữa, bạn sẽ được giải thoát khỏi sự ràng buộc trong sinh tử.
Đức Phật
CHĂM SÓC TÂM LINH
Hình thức chăm sóc tâm linh bản địa hóa - trình tự ra đi an lành
Sự trải nghiệm trong cuộc sống của mỗi người là độc nhất vô nhị, nhưng khi đi đến cuối cuộc đời, chúng ta có thể viết dấu chấm tròn viên mãn cho kiếp này, chấp nhận sân khấu đã khép lại hay không?
Có thể nói trong quá trình chăm sóc tâm linh ấy, cũng không ít những ca làm tôi cảm thấy bất lực, để lại sự ám ảnh sâu sắc.
Người phụ nữ luôn muốn đánh bài đòi lại số thua
Một phụ nữ ngoài 50 tuổi nằm trên giường bệnh, toàn thân co giật và luôn la hét “ui da… ui da…”, luôn cố bò dậy để ra khỏi bệnh viện…
Tôi đến gần giường bệnh và hỏi: “Sao vậy ạ?”.
“Tôi không muốn, tôi không muốn chết, tôi không muốn chết…”, người phụ nữ liền gào lên nhiều lần như thế.
“Không muốn chết, thế chị muốn làm gì?”.
“Tôi muốn đi đánh bài lấy lại số tiền đã thua, tôi muốn đi đòi lại, tôi còn phải đi lấy lại số đã thua…”, cô ấy liên tục lặp đi lặp lại như thế.
Tôi lại hỏi: “Bệnh tình của chị đã không tốt như thế này, làm sao đi đòi lại số tiền đã thua được chứ?”.
“Không xem, không xem, tôi không cần. Tôi muốn đứng dậy, tôi muốn đi đòi lại số đã mất…”.
Người phụ nữ không hề để ý đến tình cảnh của bản thân, lại còn liên tục đòi đi, để lấy lại những gì đã thua trong sòng bạc.
Nhìn người phụ nữ nhỏ bé với nước da đen và do bệnh tình giày vò mà bây giờ chỉ còn da bọc xương ở trước mặt, cảm xúc của tôi dâng trào.
Tại sao cô ấy hoàn toàn không quan tâm gì đến tình trạng bệnh tình của mình, mà chỉ một mực muốn đi đòi lại những gì đã thua.
Thì ra, người phụ nữ này nghiện bài bạc. Hơn nửa thời gian của cuộc đời đã trải qua trong sòng bài, cô ấy hóa điên cũng vì bài bạc. Không chỉ bản thân cô bị nợ tín dụng, mà còn khiến cho con trai, con gái cũng phải gánh nợ rất nhiều.
Cho dù như thế, con gái cũng không bỏ bê, luôn ở bên cạnh mẹ, thay phiên với dì (em của mẹ) để chăm sóc. Nhưng người phụ nữ này lại không thích con gái, chỉ mong người con trai có thể đến bệnh viện thăm mình.
Người phụ nữ ngày đêm mong đợi, nhưng chẳng thấy bóng dáng con trai đâu. Cô cho rằng, chỉ có cách chơi bài để thắng lại số tiền đã thua, chỉ cần thắng một lần thì có thể giúp con trai trả hết nợ, lúc đó con trai sẽ đến và tha thứ cho mình.
Từng ngày, từng ngày trôi qua, người phụ nữ ấy tiều tụy hẳn đi, gần như chỉ còn là bộ xương. Cho dù tôi có nói gì, cô ấy vẫn cứ gào to, sau đó còn lải nhải mãi những câu: “Không, tôi không muốn chết, tôi muốn dậy, tôi muốn đi lấy lại số tiền đã thua…”.
Cứ như vậy cho đến phút cuối cùng!
Người phụ nữ ấy không thể lấy lại số tiền đã thua, cũng không chờ được con trai đến, đã ra đi đau đớn trong lưỡi hái của tử thần…
Cô giáo học Phật
Đây là một cô giáo hết sức có khí chất!
Lần đầu tiên tiếp xúc, tôi chào hỏi cô: “Cô đến nằm viện à, sao vậy?”.
Cô ấy rất lịch sự, giọng nói nhỏ nhẹ trả lời tôi: “Thầy ạ, tôi rất tốt, rất bình an mà!”.
Giọng nói của cô rất nhỏ nhẹ chất chứa cả sự dịu dàng tình cảm. Không chỉ có cô ấy, mà người chồng đến chăm sóc cô cũng vậy. Hai vợ chồng đều rất nhã nhặn và họ đã học Phật nhiều năm.
Và như vậy, chưa được mấy phút tôi đã được mời ra ngoài với vẻ lịch sự ấy.
Lần thứ hai vào phòng bệnh, tôi chưa kịp nói thì cô giáo ấy đã lên tiếng: “Thầy à, thầy không phải lo lắng, tôi rất tốt, tôi rất bình an. Tôi đã học Phật hơn 20 năm rồi. Thầy muốn nói gì tôi đều biết hết! Tôi cũng có một thầy thân cận, tôi phối hợp rất tốt và tôi đều đã chuẩn bị xong hết rồi!”.
Nhưng, chỉ cần nhìn chân mày nhíu lại của cô ấy, cũng đủ biết chữ “chết” tuyệt đối không được nói.
Hằng ngày tôi đến thăm hỏi. Ngày nào cũng vậy, khi chưa kịp tìm hiểu thêm gì, thì đã bị cô ấy lịch sự mời ra ngoài. Nhưng khi cô ấy nói: “Tôi không sao, tôi rất tốt, tôi rất bình an… Tôi đọc nhiều kinh Phật, trong đó nói những gì tôi đều biết…”, thì ánh mắt luôn nhìn về phía chồng. Người chồng không thể rời khỏi tầm nhìn của cô ấy. Nhất định, khi cô ấy mở mắt ra là phải nhìn thấy chồng.
Y tá cho biết, cứ đến tối là cô giáo không ngủ được và khi ngủ nhất định phải bật đèn.
Mới nằm viện một tuần, mà bệnh tình của cô giáo xấu hẳn đi nhanh chóng. Cô bắt đầu mê sảng, thân thể thường hay bị co giật, lúc đó nhất định cô phải nắm lấy tay chồng mới cảm thấy yên tâm; khi bệnh tình nghiêm trọng hơn, cô ấy còn nói trong vô thức: “Mọi người hãy cứu tôi!”.
Lần sau, khi tôi vào phòng bệnh, tôi thấy toàn thân cô ấy quằn quại, lầm bầm nói: “Cứu tôi với! Cứu tôi với… Tôi không muốn chết. Tôi không muốn chết…”.
Có lẽ cô ấy vẫn còn ấn tượng với tôi, khi tôi bước vào, cô ấy liền nắm lấy tay tôi nói: “Thầy ơi, cứu con với. Thầy ơi, cứu con với…”.
Cho dù đã đến thăm nhiều lần, tôi vẫn chưa biết gì về cuộc đời của cô ấy, cô ấy đã trải qua những gì để có ngày hôm nay? Tôi chỉ có thể nắm tay cô ấy, an ủi cô ấy theo cách đơn giản.
Nhưng chồng cô lập tức nói: “Thầy ơi thầy, nào nào, để tôi đến là tốt thôi. Để tôi đến là tốt thôi…”.
Thế là tôi lại bị mời ra ngoài. Lần này là tôi bị chồng cô ấy mời ra ngoài!
Họ khép kín bản thân, dựng cho mình bức tường bảo vệ, và cũng cự tuyệt sự giúp đỡ từ bên ngoài, không ai có thể đi vào được…
Sau đó, cô giáo rơi vào trạng thái hôn mê, không thể nói được nữa. Chồng cô ấy xem ra rất tiều tụy, thần thái bất an. Mỗi lần tôi vào phòng bệnh, chồng cô không muốn nói nhiều, lập tức đứng dậy nói: “Thầy ơi, A Di Đà Phật, không có chuyện gì cả, không có chuyện gì cả. Chúng tôi đều biết ạ…”. Con của họ cũng nhìn tôi với ánh mắt thất thần…
Cuối cùng, với tâm trạng lo lắng, sợ hãi sâu sắc, cô giáo đã đi hết thế gian mà cô cho rằng cô đã hiểu, nhưng thực sự lại chưa nhìn thấu.
Người mẹ khóc lóc
Cô ấy luôn luôn không thể chấp nhận bệnh tình của mình!
Bác sĩ trong nhóm chăm sóc giảm nhẹ cho biết: “Cô ấy có nỗi lo sợ rất lớn, buổi tối gần như không ngủ được, mong thầy đi thăm cô ấy!”.
Thế là tôi chuẩn bị đến thăm cô! Khi đi đến cửa phòng bệnh thì tôi bị con gái của bệnh nhân chặn lại.
“Không cần đâu. Mẹ tôi rất bình an! Bác sĩ đã nói gì với thầy rồi hả? Không sao đâu ạ!”. Con gái của cô ấy khoảng hơn 20 tuổi, vừa từ Mỹ về để chăm sóc mẹ.
Sau đó, tôi đến thăm mấy lần nữa, nhưng đều bị con gái của cô ấy chặn ngay trước cửa, nên ngay cả cửa phòng tôi cũng không bước vào được! Tôi nghĩ: “Không sao cả, vậy thì không vào nữa”.
Mấy ngày sau bác sĩ lại nói với tôi: “Người đó cứ khóc suốt, vừa khóc vừa gào tôi không muốn chết, tôi không muốn chết...”.
Tôi hỏi: “Con gái cô ấy có đó không?”.
“Không ở đó!”.
Nghe bác sĩ nói thế tôi liền đến thăm! Vừa thấy tôi vào cửa, cô ấy đã nhanh miệng chào.
Chúng tôi bắt đầu nói chuyện, nói về cuộc đời của cô ấy... Sau đó, cô ấy nói: “Tôi không biết mình phải đi tiếp như thế nào, tôi lo cho chồng, lo cho con gái. Nếu tôi ra đi như thế, họ phải làm sao?”.
Nói được một nửa, con gái của cô ấy về, tôi liền đứng dậy chào hỏi.
Điều ngạc nhiên là con gái cô ấy nói với tôi rằng: “Thầy đang nói chuyện với mẹ con à, được thôi, được thôi, rất hoan nghênh! Thầy ngồi đó nhé, thầy tiếp tục đi, tiếp tục đi…”.
Tôi khẳng định sự nỗ lực của cô ấy trong cuộc đời, hết lòng vì gia đình, và nói: “Cuộc đời của cô giờ đến giai đoạn này, không những điều kiện sống tốt, có điều kiện ở phòng bệnh riêng, lại còn có chồng luôn bên cạnh, con gái cũng từ Mỹ về chăm sóc, sự vất vả của cô đã được đền đáp…”.
“Cũng phải thôi, có đủ, cứ nghĩ như vậy thì con cũng có rất nhiều! Cảm ơn thầy! Sau khi nói chuyện với thầy, con cảm thấy tốt hơn nhiều. Cảm ơn thầy…”. Khi tôi ra về cô ấy vẫn liên tục nói lời cảm ơn.
Sáng hôm sau, tôi đang đi ở bên ngoài phòng bệnh, đã thấy con gái của cô ấy từ xa đi tới và chào hỏi tôi, tay cô xách một hộp bánh pizza…
Tôi vui vẻ nhanh chân bước tới, con gái cô ấy liền nói: “Thầy, thầy cho rằng chúng tôi rất thích thầy đến hay sao? Thầy muốn nói gì, chúng tôi đều biết, sau này thầy đừng đến nữa, có được không? Mẹ tôi rất tốt, không cần thầy đâu ạ…”.
Tôi chết lặng người, chưa kịp định thần, chưa kịp nói lại câu nào… chỉ mở to hai mắt nhìn người con gái ấy quay lưng bỏ đi.
Từ đó về sau, cửa phòng bệnh của cô ấy dán câu: “Không tiếp khách!”. Chỉ có nhân viên y tế mới ra vào được, và muốn nói gì cũng không cần nói nhiều.
Sau đó, hầu như ngày nào cũng nghe thấy bác sĩ nói: “Người bệnh ngày nào cũng khóc, khóc mãi không thôi, vô cùng não nề…”. Nhưng con gái cô ấy không cho bất kỳ ai có thể vào phòng để giúp cô ấy.
Đội ngũ y tế cũng bó tay, tôi cũng chẳng có cách nào, cô ấy từ biệt cõi trần trong tiếng khóc não nề ấy!
CHĂM SÓC TÂM LINH
Hình thức chăm sóc tâm linh bản địa hóa - trình tự ra đi an lành
Khi một kiếp người chuẩn bị kết thúc, thân và tâm linh sẽ trải qua các giai đoạn nào? Trong quá trình nào cần phải duy trì cái gì? Cuối cùng nên đột phá như thế nào, để có được sự sống mới?
Có một số đoàn thể chăm sóc cho rằng, sau khi hoàn tất tứ đạo: Đạo cảm ơn, đạo xin lỗi, đạo yêu thương và đạo biệt ly, thì việc chăm sóc xem như đã viên mãn. Cũng có một số tín đồ tôn giáo cho rằng, trợ niệm hay làm lễ, chính là quan tâm chăm sóc lúc lâm chung, sau khi trợ niệm hay làm lễ, công đức quan tâm chăm sóc lúc lâm chung xem như đã viên mãn.
Trong thực tế có đúng như vậy không?
Những bệnh nhân mà chúng tôi đã gặp, hoàn toàn không như thế. Tứ đạo rất quan trọng, nhưng sau khi làm xong tứ đạo, người bệnh có thể vẫn chưa tìm thấy chỗ dựa. Trợ niệm, hay làm lễ rất nghiêm trang, nhưng nỗi lo sợ mãnh liệt của bệnh nhân có khi không thể bình tĩnh để chờ cho đến lúc được trợ niệm.
Điều này có nghĩa là, chúng ta làm thế nào để tìm ra được phương thức chăm sóc chu toàn, để có thể khơi gợi sức mạnh nội tại một cách toàn diện, phù hợp với nhu cầu tâm linh cho bệnh nhân?
Trước đây, trong khoảng 16 năm, chúng tôi tham gia nghiên cứu việc chăm sóc tâm linh trong Phòng chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện Đại học Y Đài Loan. Theo kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và chăm sóc thực tế, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đưa ra định nghĩa về Chăm sóc tâm linh bệnh nhân giai đoạn cuối như sau: “Năng lực cảm ứng, chứng ngộ và lý giải đối với chính pháp là một loại sức sống, là biểu hiện của sự trưởng thành về tâm trí”.
Trong quá trình gần 20 năm qua, từ chăm sóc giảm nhẹ ở bệnh viện, đến việc quan tâm chăm sóc tâm linh cho bệnh nhân giai đoạn cuối tại nhà, định nghĩa trên là quy phạm giúp chúng tôi hiểu được nhu cầu tâm linh của bệnh nhân giai đoạn cuối.
Vậy “chính pháp” là gì? Trí tuệ để giúp một người bình an đối diện với sinh tử, khó khăn, tự mình sản sinh ra sức mạnh nội tại… đều được gọi là “chính pháp”.
Chính pháp, hay trí tuệ về sinh tử cần phải học tập ra sao? Có thể thông qua việc cảm ứng, chứng ngộ và lý giải được không? Theo quan điểm Phật giáo, ai ai cũng đều có Phật tính, tức là ai ai cũng có khả năng thông qua việc học tập, khơi gợi sức mạnh tâm linh nội tại và thể hiện ra đó chính là một loại sức sống.
Sức sống cũng chính là năng lực trưởng thành trong đau khổ, bao gồm “sức mạnh nội tại” và “nguyện lực - sức mạnh tự nguyện”, là động lực, khả năng tự chủ. Đó chính là năng lực mà vốn dĩ ai ai cũng đều có.
Thế nào là biểu hiện của sự trưởng thành về tâm trí? Đó là một người sau khi tâm linh trưởng thành, thì dù trong lúc khốn đốn nhất cũng không lấy mình làm trung tâm, để có thể tránh xa những tư tưởng và hành vi sai lầm, đồng thời luôn có tấm lòng “từ, bi, hỷ, xả” đối với người, vật và sự việc xung quanh.
Nói tóm lại, tâm linh là một loại năng lực học tập trưởng thành, có thể thông qua các phương thức cảm ứng, chứng ngộ, hoặc lý giải để học những tri thức về sinh tử.
Một khi đã nhận biết tri thức về sinh tử thì cho dù trong giai đoạn lâm chung đau khổ và yếu đuối nhất, người bệnh vẫn còn đủ sức sống và vẫn còn tấm lòng từ bi, hỷ xả. Cũng tấm lòng từ bi, hỷ xả này sẽ giúp bệnh nhân bình an trải qua sinh tử, thoát khỏi đau khổ để được an vui.
Chúng tôi căn cứ theo định nghĩa về sinh tử này để phát triển thành “Hình thức chăm sóc tâm linh bản địa hóa”. Có thể chia thành các giai đoạn gồm: giảm nhẹ nỗi thống khổ tổng thể cho bệnh nhân, thông báo bệnh tình, chấp nhận cái chết, cảm ứng tâm linh tồn tại, tuân theo Phật pháp và con đường thành Phật.
Bệnh nhân giai đoạn cuối thường gặp phải cái gọi là “thống khổ tổng thể”, bao gồm nỗi đau về thân thể, tâm lý xã hội và tâm linh, hơn nữa chúng còn ảnh hưởng lẫn nhau, càng làm cho họ đau khổ hơn.
Điều đầu tiên cần làm của đội ngũ y bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ là giúp đỡ bệnh nhân giảm đau, cũng như sự thống khổ về mặt sinh lý. Nhưng có một số bệnh nhân đau khổ do tâm lý xã hội hoặc về mặt tâm linh, và dù bác sĩ đã dùng hết cách điều trị y học nhưng cũng không thể thuyên giảm. Do đó, cần phải đi theo hướng điều chỉnh bệnh tật phù hợp, hoặc chuẩn bị cho cái chết để giúp sức cho họ.
Thông báo bệnh tình
Bước thứ nhất là thông báo bệnh tình: giúp người bệnh hiểu rõ tình hình bệnh của họ để tránh những lo lắng không cần thiết, hoặc những kỳ vọng một cách không thực tế.
Về lâm sàng, bệnh nhân có thể hoàn toàn không biết gì, hoặc biết nhưng giả như không biết, có thể không có ai nói với họ, hoặc bản thân họ không muốn nói đến, không thể chấp nhận hoặc phải đối mặt. Như vậy, họ sẽ rơi vào tình trạng thống khổ tổng thể.
Khi bệnh nhân biết được bệnh tình, biết được việc mình sắp chết, nhất định sẽ bị sốc về mặt tâm lý. Do đó, tiếp theo, việc lắng nghe, đồng tình và bầu bạn là rất quan trọng!
Chúng tôi tin rằng, ai ai cũng có sức mạnh nội tại để đối diện với cái chết, nhưng chỉ vì có quá nhiều cảm xúc đan xen, cộng thêm sự hoảng loạn nhất thời nên sức mạnh nội tại tạm thời bị quên lãng.
Chấp nhận cái chết
Trong quá trình bầu bạn, sau khi đã thông báo bệnh tình, cần phải giúp bệnh nhân chấp nhận cái chết, nhìn nhận rõ và chỉnh lý, xem xét lại toàn bộ cuộc sống và nắm được quá trình đối mặt với cái chết cần phải làm những gì?
Khi đi đến đoạn đường cuối cùng của cuộc đời, bệnh nhân thường hay hỏi: Rốt cuộc tôi là ai? Tôi có đáng được yêu không? Cuộc đời này của tôi có giá trị không? Có phải là tôi đã có lỗi với ai không?… Trong quá trình đó chúng ta sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân tìm được ý nghĩa của cuộc đời.
Có thể bệnh nhân sẽ nhìn thấy vẫn còn trách nhiệm chưa được hoàn tất, vậy thì hãy giúp họ hoàn thành tâm nguyện cuối cùng. Và trong quá trình hoàn thành tâm nguyện ấy, nếu làm được càng chu toàn bao nhiêu thì bệnh nhân càng dễ dàng chấp nhận hiện trạng, chấp nhận sự thật bấy nhiêu.
Cảm ứng tâm linh tồn tại
Cảm ứng là gì? Là sự giao tiếp nội tại qua lại giữa hai cảnh giới. Ví dụ khi cầu trời làm mưa, người ta thành tâm cúng bái, trời cao sẽ cảm động. Giữa người và hư không tồn tại một loại năng lượng giao tiếp, tương tác lẫn nhau, đó chính là cảm ứng.
Theo kinh nghiệm lâm sàng, sau khi thực hiện đạo cảm ơn, đạo xin lỗi, đạo yêu thương và đạo biệt ly, khẳng định ý nghĩa và giá trị cuộc đời, đồng thời hoàn thành tâm nguyện xong vẫn chưa đủ, vì người bệnh vẫn còn hoài nghi: Tôi như vậy đã có thể chết được chưa? Sắp tới tôi sẽ đi về đâu? Khi trắng đen vô thường xuất hiện, tôi phải đối phó như thế nào?
Do đó, chúng ta tiếp tục nói cho người bệnh biết: Chết rốt cuộc là chuyện gì? Trong quá trình chết, có thể xảy ra những chuyện gì? Nếu cái chết là sự thoát khỏi thân tâm và tiếp theo đó là trạng thái tồn tại của tâm linh, vậy trạng thái tồn tại của tâm linh là gì?
Thông qua việc thảo luận các đề tài về sinh tử, người bệnh có thể hiểu thêm trạng thái của người chết rốt cuộc ra sao để bắt đầu có “sự chuẩn bị cho cái chết”.
Nương theo Phật pháp
Nếu chúng ta hiểu rõ chuyện sinh tử ra sao, thì sẽ hiểu được những gì Phật pháp nói. Thì ra, trước và sau quá trình chết có được bình an là nhờ tâm niệm và thái độ của chính bản thân mỗi người!
Chỉ cần tin tưởng có kiếp sau thì bạn sẽ biết rằng sự chuẩn bị trước lúc lâm chung sẽ quyết định kiếp sau của bạn. Như vậy, bạn sẽ dùng sự tu hành trước lúc lâm chung làm cơ sở để bắt đầu một kiếp sau tốt hơn.
Tôi có phương pháp nào để nương theo không? Đối với việc nương theo phương pháp, tôi có tinh tấn không? Tôi đã chuẩn bị xong hành trang gồm “tín, nguyện, hạnh” chưa? Nếu các điều kiện trên đều đã đầy đủ, vậy thì đã có thể bình an trải qua kiếp này, trải qua giai đoạn trung ấm, vãng sinh Tây phương Tịnh độ. Thậm chí, còn có thể đi trên con đường thành Phật.
LỜI GIỚI THIỆU (1)
Học bài học về lâm chung không bao giờ là sớm
Lý Bội Di1
1 Giảng viên Khoa Tư vấn Sinh tử và Sức khỏe Tâm lý Đài Bắc.
Đây là một cuốn sách rất hay, tôi sẽ mua nhiều quyển để tặng người thân và bạn bè.
Ngay từ khi mở mục lục ra xem, nhìn tên từng bài viết và những câu châm ngôn ngắn gọn khiến ta phải suy nghĩ sâu xa, tôi đã bị thu hút và muốn đi ngay vào những câu chuyện của mỗi bệnh nhân cùng với cuộc đời thăng trầm của họ.
Quyển sách này nói về những kinh nghiệm và trải nghiệm vào cuối đời của bệnh nhân. Bệnh nhân bị bệnh tật giày vò, trải qua những đau đớn tột cùng trong giai đoạn lâm chung của mình. Đây chính là cửa ải khó khăn, khốn đốn nhất trong cuộc đời; vì những cơ duyên vi diệu mà họ đã gặp được người thầy chăm sóc tâm linh, có cơ hội được dịu dàng dẫn dắt, cõi lòng vốn luôn khép kín được mở rộng, nhận thức được lợi ích và được dung hòa trong tình yêu từ bi, quảng đại. Tâm linh của bệnh nhân từ từ bình lặng, chịu tương tác với đội ngũ y bác sĩ. Một khi đã khơi gợi được trí tuệ nội tại của họ thì những ân oán, hận thù trong cuộc sống sẽ được hóa giải. Khi cái chết đến thì họ được bình an thanh thản.
Cầm quyển sách này trên tay, có thể bạn sẽ cho rằng: “Cuộc đời của tôi còn rất dài, tại sao lại phải chú ý đến trạng thái của giây phút ngắn ngủi cuối cuộc đời? Tại sao lại phải phá bỏ yếu đuối, đau bệnh, đau đớn, vô vọng chứ? Tốn thời gian cho việc chú ý vào giai đoạn không có năng suất gì của cuộc đời, đó không phải là việc làm vô nghĩa sao?”.
Thực ra không phải như vậy, vì ý nghĩa của câu “Chúng ta sống thế nào thì sẽ chết như thế!” là: Phương thức mỗi ngày chúng ta đối xử với mình, với người và sự việc đã hình thành nên diện mạo cuộc sống. Trong giai đoạn lâm chung, nó sẽ được thể hiện một cách sống động như thực. Giai đoạn lâm chung của mỗi người giống như buổi diễn cuối cùng trên sân khấu cuộc đời. Vào đoạn cuối của cuộc đời, chúng ta trình diễn thành quả đạt được trong mỗi vai trò của mình trong cuộc sống. Và rồi, mỗi vai trò khép lại. Nếu suy xét vấn đề này sớm, chúng ta nhận biết rằng cuối cuộc đời cần đối diện với cái chết để chúng ta có thể sống trong trạng thái cảnh tỉnh, nắm vững phương hướng cuộc đời và cải thiện chất lượng quan hệ giữa mình với mọi người.
Đối với tôi, cả cuộc đời, bất kể là giai đoạn nào đều đang học “bài học yêu thương”. Giai đoạn cuối đời là cơ hội quý báu cuối cùng để học cách “yêu người”, “yêu mình”, “yêu thế giới”, “yêu trời đất”, “yêu vạn vật”. Nếu chúng ta ngã và bị thương trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, ta không thể yêu thương và được yêu thương một cách chân chính. Và rồi vết thương to lớn ấy sẽ không thể che giấu được mà hiện lên vào cuối cuộc đời. Nói một cách đơn giản là những bài học ta chưa học xong sẽ lần lượt hiện lên trong giai đoạn cuối đời. Cho nên, đội ngũ y bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ đã cố gắng hết sức để giúp bệnh nhân và gia đình của họ, có khi thì khích lệ những người trong gia đình tâm sự lẫn nhau, có khi thì giúp bệnh nhân hiểu rõ và chấp nhận bệnh tình của mình, có khi thì giống như người thầy trong quyển sách này, muốn giảng giải cho bệnh nhân hiểu về lâm chung, nhận thức bản chất cuộc đời, khẳng định và chấp nhận chính mình.
Đây là quyển sách viết về vô số những câu chuyện lúc lâm chung của bệnh nhân, qua sự phục vụ của nhiều thầy, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chăm sóc giảm nhẹ. Họ chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc bệnh nhân lúc lâm chung, khi đối diện với cái chết, truyền đạt một cách dễ hiểu đến độc giả, cùng những câu nói thông minh, trí tuệ khi hướng dẫn bệnh nhân và người thân. Khi chúng ta không thể nhìn nhận cái chết, sợ lâm chung và có nhiều hoài nghi hoặc bị khủng hoảng, quyển sách này cho bạn những tư vấn đầy đủ về lâm chung, cũng như chăm sóc tâm linh rất hữu ích! Tôi rất thích phần giải thích về chăm sóc tâm hồn trong mỗi bài. Để có thể hiểu rõ hơn về câu chuyện của mỗi bệnh nhân và đưa ra sự tư vấn cặn kẽ hơn, với một tầm nhìn rộng hơn, giúp độc giả hiểu rõ hơn về bản chất cũng như sự tinh túy trong chăm sóc tâm linh.
Những bạn có nhân duyên tiếp xúc với quyển sách này thật là hạnh phúc. Vậy hãy mở lòng để đón đọc Cuộc Sống Nhiệm Màu. Chính lúc này đây, chúng ta đã có tâm lý chuẩn bị cho con đường ta nhất định phải đi qua trong tương lai của chính mình và người thân. Các bạn bắt đầu từ đây hãy học “bài học yêu thương”, mãi mãi vẫn còn kịp!
LỜI GIỚI THIỆU (2)
Từ phút lâm chung, nhìn nhận ý nghĩa diệu kỳ của cuộc đời
Thái xương Hùng1
1 Giảng viên Khoa Sinh tử học Trường Đại học Nam Hoa.
Chủ đề của quyển sách Cuộc Sống Nhiệm Màu này là chăm sóc tâm linh trong chăm sóc giảm nhẹ, do các thầy có tri thức về chăm sóc tâm linh thâm hậu như thầy Tông Đôn và thầy Đức Gia tuyển chọn và viết ra đầu tiên. Đối với nhân viên chăm sóc tâm linh lâm sàng mà nói, đây chính là ân phúc mà họ đã chờ đợi từ rất lâu. Nội dung 16 câu chuyện trong sách, chính là những câu chuyện thực tế lâm sàng, được chọn kể theo 16 chủ đề trong chăm sóc tâm linh. Hơn nữa, sau mỗi câu chuyện kể, lại có thêm những phân tích đơn giản về bài học trong chăm sóc tâm linh; có thể nói, nó vừa có tính sinh động trong kinh nghiệm thực tiễn, vừa có tính cảnh tỉnh trong lý luận chăm sóc lâm sàng, và là cuốn cẩm nang tuyệt hay, về học tập chăm sóc tâm linh lâm sàng, đáng được trân trọng giới thiệu cho mọi người cùng đọc!
Đối với người bình thường mà nói, lâm chung là lúc đi đến điểm cuối của cuộc đời. Khi cái chết ập đến, họ tự mình nhận thức được mối đe dọa bị hủy diệt, là mất hết tất cả những sự vật và giá trị mà cá nhân có trên thế gian này; nhưng, chính giá trị kinh nghiệm chủ thể của người lâm chung lại là kinh nghiệm đỉnh cao về việc cá nhân thăm dò trực tiếp vào nội hàm của cuộc sống. Vì căn cứ theo nhận thức vĩ mô về cuộc đời trong Triết Học Luôn Tồn Tại (Perennial Philosophy) mà các sư thầy Phật giáo chia sẻ, thì giờ khắc lâm chung chính là thời cơ quan trọng một cá thể hòa nhập vào cuộc sống của vũ trụ vốn luôn nhiều biến hóa. Lúc này cần có tri thức của người thầy dẫn dắt, phát hiện ra những ràng buộc, hoặc những điều vượt quá khả năng chịu đựng trong cuộc sống của cá nhân, mới có thể giúp họ hoàn thành nhiệm vụ chuyển hóa hình thức tồn tại của cuộc sống một cách thuận lợi.
Nhưng trong thực tế lâm sàng, trừ những người tu hành có công phu thâm hậu, những người có quan điểm xem nhẹ cuộc đời, hoặc những trẻ nhỏ với tâm hồn thơ ngây, trong trắng ra, thì rất ít người có thể nhanh chóng thích ứng được với hành trình chuyển hóa từ đời sống cá thể sang hòa nhập vào cuộc sống vũ trụ. Quá nửa số người trên trần thế vẫn còn đang ngập sâu trong bùn lầy của nhân duyên sự nghiệp mà không thể thoát ra được. Do vậy, mỗi cá nhân vào giờ khắc lâm chung có thể được thầy bầu bạn và chỉ dẫn, chính là tư trang phúc tuệ quan trọng chuẩn bị cho ra đi an lành, vãng sinh và giải thoát.
Mười sáu chủ đề trong quyển sách này là những bài học về cái chết, là thử thách mà mỗi cá nhân bình thường có thể phải đối mặt. Phân tích từng trường hợp, để giúp bệnh nhân và người nhà buông bỏ những vọng kiến và cố chấp trong cuộc sống, tập trung vào những sự việc có ý nghĩa mà bước vào giai đoạn cuối của cuộc đời mình. Một mặt, hy vọng cố gắng mãn nguyện, giảm hối hận, một mặt cầu mong có thể hóa giải những liên quan với nhân duyên thế tục; từ đó, khơi gợi tri giác tâm linh để cuối cùng có thể vượt qua ranh giới sinh tử một cách thuận lợi, hoàn thành nhiệm vụ chuyển hóa cuộc đời.
Cả quyển sách được bắt đầu với chủ đề: thông báo bệnh tình và kết thúc bằng phương trình lâm chung an lành, tháo gông cùm sinh tử; trọng tâm là hướng dẫn con người tiếp xúc thực tế với cái chết mà ta vốn không muốn đối mặt và chấp nhận. Sự chân thành tha thiết, lòng từ bi rộng lớn, sự chịu thương chịu khó và nhẫn nại thuyết pháp, đưa ra những phương pháp có thể ứng phó, cởi trói cho chúng sinh luôn hiện hữu trong mỗi trang sách này. Nó giống như nhành dương liễu tưới nước cam lộ để cho mọi người được thấm nhuần. Vậy nên, khi đọc quyển sách này mà không cảm nhận được lợi ích gì thì quả là chuyện không thể tưởng tượng được!
Nếu cái chết là một đường hầm đen tối thì vào lúc lâm chung ta phải đi vào cửa hầm ấy. Tâm điểm của quyển sách này chính là thời khắc quan trọng khi chuyển đổi cuộc đời. Nó nêu ra những tinh hoa được chắt lọc trong kinh nghiệm chăm sóc giảm nhẹ lâm sàng và trí tuệ Phật pháp. Từ đó, viết ra những bài học kinh điển về chăm sóc lúc lâm chung. Nguyện cầu những độc giả có duyên tiếp xúc với quyển sách này đều có thể học được những tri thức hữu ích trong sách, nhìn nhận ý nghĩa diệu kỳ của cuộc đời, từ đó phá vỡ màn đêm đen tối, vượt qua biển lớn của sinh tử, vượt qua thử thách cuối cùng của cuộc đời!
LỜI GIỚI THIỆU (3)
Việc gì cũng đều tốt, sống cũng tốt và chết cũng tốt như thế
Trần Vinh Cơ1
1 Chủ tịch Quỹ Phật giáo Liên Hoa, giảng viên Khoa Thần kinh Học viện Đại học Y Đài Loan.
Chăm sóc lâm sàng và điều trị y học, là sự chăm sóc y học toàn diện (holistic care) và là hệ thống chăm sóc chú trọng toàn diện, bao gồm thân và tâm linh. Trong chăm sóc tâm linh, sự tham gia của tôn giáo tương đối quan trọng. Thiên Chúa giáo xem trọng truyền đạo điều trị y học, bất kể các chức danh như Linh mục, Nữ tu sĩ hay Mục sư, hoặc nhân viên mục vụ, trong quá trình đào tạo huấn luyện, họ đều được học nhiều bài học liên quan đến điều trị y học; do đó, họ rất dễ tham gia vào đội ngũ chăm sóc giảm nhẹ, phối hợp với nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân.
Trong Phật giáo truyền thống, chương trình đào tạo bồi dưỡng bị thiếu môn liên quan đến điều trị y học nên khó tìm được người thích hợp tham gia đội ngũ chăm sóc giảm nhẹ và công việc điều trị y học. Quỹ Phật giáo Liên Hoa từ năm 1998 bắt đầu hợp tác với Phòng điều trị bệnh chăm sóc giảm nhẹ của Đại học Y Đài Loan, giới thiệu các thầy có ý nguyện muốn tham gia điều trị y học. Bài học về cách vận dụng y học cơ bản và Phật pháp đối với bệnh nhân lâm chung, được gọi là bài học tập huấn đối với các thầy lâm sàng (thuộc tu sĩ Phật giáo). Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của thầy Huệ Mẫn, Viện trưởng Học viện Khoa học Nhân văn và Khoa học Tự nhiên Pháp Cổ, và Chủ nhiệm khoa Y học gia đình - giảng viên Trần Khánh Dư, dần dần đã hình thành quy chế bồi dưỡng “Thầy lâm sàng”. Các thầy sau khi được đào tạo, sẽ đến phục vụ tại các Phòng chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cộng đồng và chăm sóc dân cư trong các bệnh viện trên địa bàn Đài Loan. Họ sánh vai hợp tác với đội ngũ nhân viên y tế, trở thành thành viên hạt nhân trong chăm sóc giảm nhẹ và được nhân viên y tế, bệnh nhân và người thân tại các bệnh viện chào đón.
Chế độ “Thầy lâm sàng” này có thể coi là khởi nguồn mới trong lịch sử Phật giáo. Năm 2013, nó được truyền sang từ Nhật Bản với sự nỗ lực của thầy Thần Nhân (神仁) của Viện Nghiên cứu Phật giáo Lâm sàng Hiệp hội Giáo hóa Thanh niên Toàn quốc Pháp nhân Tài chính Công ích Nhật Bản.
Thầy Tông Đôn và Đức Gia là giảng viên dạy khóa học “Thầy lâm sàng” đầu tiên của Trường Đại học Y Đài Loan, và trở thành Thầy chỉ đạo truyền thừa của chế độ tập huấn này. Dưới sự chỉ đạo của thầy Hiệu trưởng Huệ Mẫn và Chủ nhiệm Trần Khánh Dư, Hiệp hội Nghiên cứu Phật học lâm sàng Đài Loan đã được thành lập, thầy Tông Đôn kế nhiệm chức Chủ tịch từ Chủ nhiệm Trần Khánh Dư, và tiếp tục phát triển hiệp hội lớn mạnh.
Thầy Tông Đôn và Đức Gia tiếp tục thành lập Đại Bi Học Uyển (Vườn học Đại Bi), tích cực dùng “truyền đạo điều trị y học” nhiệt tình hướng dẫn các thầy và tình nguyện viên những kiến thức quý báu và thúc đẩy hoạt động chăm sóc giảm nhẹ trong cộng đồng. Giờ đây, những kinh nghiệm quan tâm, chăm sóc lúc lâm chung rất cảm động ấy, đã được biên soạn thành sách, thành quyển Cuộc Sống Nhiệm Màu này. Mười sáu câu chuyện cảm động trong sách cho ta cái nhìn thấu đáo, sâu sắc về chăm sóc lúc lâm chung và tinh thần của chăm sóc giảm nhẹ; đồng thời, nó khẳng định vai trò quan trọng của các “Thầy lâm sàng” trong những câu chuyện này.
Với quyển sách này, bạn sẽ thấy việc thầy đã thân thiện giao tiếp thế nào, để bà cụ ngoài 90 tuổi nắm lấy tay của Phật A Di Đà tiếp dẫn, đi về hướng “thiện” cuối cuộc đời, chứ không phải đi về “cái chết”. Để sau cái kết tốt đẹp của mỗi cuộc đời, tất cả đều có thể an nhiên đi về thế giới Cực lạc!
Sinh, lão, bệnh, tử, là con đường mà loài người phải đi qua; và “do tôi là một phân tử của loài người, nên đừng hỏi kèn trống đám tang thổi cho ai”. Lúc lâm chung phải biết kịp thời hành đạo cảm ơn, đạo xin lỗi, đạo yêu thương và đạo biệt ly. Sau bốn đạo ấy, “có thể từ trong mông lung của hiện tại, chúng ta lại có thể nhìn thấy bóng dáng của tương lai?”. Nếu “bạn muốn biết điều diệu kỳ của cái chết, ngoài việc kiếm tìm trong cuộc đời ra, bạn làm sao còn có thể tìm thấy ở đâu?”.
Trong sách lại viết: “Nếu chúng ta không chuẩn bị tốt việc đối diện với cái chết, thì cũng giống như chưa chuẩn bị tốt việc đối diện với sự sống”. Sáu pháp môn lớn của Phật giáo, có thể tăng cường sức mạnh nội tại để bạn “nhìn nhận sáng suốt trong thiên biến vạn hóa của mỗi sự vật trong quá trình ngắn ngủi từ sinh đến tử, và không chỉ thời gian vô hạn lúc còn sống mà còn bao gồm cả sau khi đã chết”. Thông qua sự hướng dẫn của tín, nguyện, hạnh, bạn nhận biết rằng “việc gì cũng đều đẹp đẽ, vạn sự vạn vật đều tốt, chết và sống cũng đều tốt như thế”.
Từ từ thưởng ngoạn từng câu, từng lời trong sách, bạn có cảm thấy đây chính là quyển sách hay, đáng để mọi người đón đọc hay không?
Khẩu hiệu của Quỹ Liên Hoa là: “Sống là món quà quý giá nhất; ra đi an lành là lời chúc phúc tốt đẹp nhất”.
Xin chúc phúc mọi người!
LỜI GIỚI THIỆU (4)
Đối diện với cái chết cùng sáng tạo ra giá trị của cuộc sống
Hoàng Thắng Kiên1
1 Tổng Giám đốc Bệnh viện Lập Liên Hợp thành phố Đài Bắc.
Sự tiến bộ của y học và sự sống của loài người luôn luôn trong thế giằng co. Nhờ y học tiến bộ nên các y, bác sĩ đã giành lại sự sống cho rất nhiều bệnh nhân “chưa đáng chết” từ tay tử thần. Nhưng y học dù có tiến bộ đến mấy thì vẫn luôn có giới hạn. Đối với người mà bệnh tật không thể lội ngược dòng, thì việc cố gắng kéo dài quá trình chết của họ với bất kỳ giá nào có phải là quá vất vả không?
Rốt cuộc trong thời gian có hạn, chúng ta có thể tìm được gì?
Trước đây, tại phòng bệnh tôi đã ngộ ra rằng: đã chăm sóc “sự sống” thì cũng phải chăm sóc “cái chết”. Đứng trước quyết sách sinh tử thường là trận chiến giữa trời và người, và có khi con người rơi vào khốn khó mà không biết. Những năm gần đây, Bệnh viện Lập Liên Hợp đang tích cực tuyên truyền mở rộng về “chăm sóc giảm nhẹ tại nhà”, cho đến chương trình “chăm sóc tổng hợp y học tại nhà”. Họ triển khai với mục đích lớn nhất, là hy vọng nhân viên y tế có thể hoán đổi từ bị động sang chủ động. Vượt qua khỏi khuôn khổ bó buộc trong chiếc áo blouse trắng, họ đi đến từng gia đình bệnh nhân, thậm chí đi vào trong lòng thân nhân của người bệnh để tăng cường chăm sóc tâm linh, để bệnh nhân có thể có được từ bi, sự ấm áp giữa người với người, không hối hận khi sang bờ bên kia.
Là bác sĩ thường phải điều trị cho các bệnh nhân có bệnh tình nặng, phải đối diện với sinh tử, ngoài việc có đầy đủ tri thức và kỹ thuật cứu chữa điều trị tốt ra, họ còn cần phải có thái độ về sinh tử thật sự đúng đắn. Khi bác sĩ có thể đối diện với sinh tử thì bệnh nhân và người nhà mới có thể thản nhiên đối diện với sinh tử, sự sống mới có cơ hội thăng hoa. Điểm giới hạn lớn nhất của điều trị y học là gì? Khi nào cần phải chọn cách “buông xuôi”? Trong lòng mỗi bác sĩ đều có sự tính toán, nếu không sẽ giống như mạng wifi, việc điều trị không có hiệu quả chỉ đem lại kết cục: bệnh nhân khổ, người thân xót, nhân viên y tế bất lực, gia tăng chi phí bảo hiểm y tế, thậm chí còn gây tranh cãi trong điều trị y học.
Đối với tôi, chăm sóc giảm nhẹ là: y học lấy bệnh nhân và người thân làm trung tâm, y học phòng ngừa và giải trừ thống khổ, y học giao tiếp tốt, y học với quyết sách hoàn mỹ, y học toàn diện đối với mọi người, y học tiêu chuẩn hóa theo từng cá nhân, và là y học với “tình yêu to lớn”.
Đương nhiên, việc thảo luận về đoạn cuối của cuộc đời càng sớm càng tốt, và dù cho đến lúc nào đó mới bắt đầu vào đến Phòng chăm sóc giảm nhẹ thì cũng không muộn. Mục đích và giá trị quan trọng nhất của nó là cho chúng ta có cơ hội tìm thấy giá trị cuộc đời và ý nghĩa của cái chết. Qua quá trình diễn ra cái chết, sự tương tác và hỗ trợ giữa người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế có thể bù đắp cho những rạn nứt, những vết thương của cuộc đời.
Nhiều câu chuyện trong quyển sách này hướng dẫn chúng ta (người nhà bệnh nhân và đội ngũ nhân viên y tế) dũng cảm đối diện với sinh tử, làm thế nào để có được sự hỗ trợ tâm linh, được giải thoát từ trong khốn khó, cuối cùng hoàn thành lâm chung an lành, sau khi chết trở thành điển hình trong xã hội, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
LỜI GIỚI THIỆU (5)
Đối thoại tâm linh về sinh tử - chuyên ngành thầy (Phật giáo) lâm sàng
Trần Khánh Dư1
1 Giảng viên, Chủ nhiệm Khoa Y học gia đình Học viện Y Đài Loan.
Tác giả quyển sách này là thầy Đức Gia và thầy Tông Đôn mời tôi viết lời giới thiệu. Tôi rất vui mừng khi thấy những nỗ lực trong việc thúc đẩy sự quan tâm, chăm sóc tâm linh cho bệnh nhân giai đoạn cuối trong cộng đồng. Quyển sách được viết bằng những câu chuyện kể kiên trì, nhẫn nại, thông qua từng câu chuyện của mỗi cá nhân. Từng chữ như viên ngọc sáng, giúp xã hội và người chăm sóc nhận thức về vai trò của người “Thầy lâm sàng” và quan niệm chăm sóc tâm linh; thực hiện nhiệm vụ cần truyền đạt cấp bách về chăm sóc giảm nhẹ tại nhà và trong cộng đồng. Đây là quyển sách đáng được giới thiệu đến độc giả.
Phần lớn, các quan niệm và các câu chuyện minh họa dùng trong sách, được lấy từ báo cáo về kế hoạch nghiên cứu bồi dưỡng “Thầy lâm sàng” và phương thức chăm sóc tâm linh bản địa hóa, do Quỹ Liên Hoa ủy thác cho tôi chủ trì. Tôi rất vinh hạnh. Với việc dùng nội dung ghi chép từng câu chuyện làm ví dụ, lấy đối thoại sinh tử làm đề tài, ẩn dụ và đúc kết, nó thuận tiện cho độc giả học tập và hiểu biết về tính chuyên nghiệp của “Thầy lâm sàng”.
Vậy, làm sao để nhận biết được bệnh nhân có nhu cầu chăm sóc tâm linh mà diện kiến “Thầy lâm sàng”? Vì nhu cầu về tâm linh thuộc loại không thể miêu tả bằng lời nói hay chữ viết, và là nỗi đau trong thân tâm không có thuốc giảm đau; đội ngũ chăm sóc thông qua quá trình làm việc để đánh giá và phát hiện thấy: bệnh nhân giai đoạn cuối tuy thần trí minh mẫn nhưng cử chỉ khác thường, lo lắng như kiến bò trên lò lửa, tình cảnh đau khổ đến quặn thắt tim gan được che giấu và khó nói ra bằng lời, hoặc lời nói không theo tiếng lòng, hoặc trả lời chẳng ăn nhập gì. “Thầy lâm sàng” xuất hiện đúng lúc sẽ mở ra cơ hội tốt lành cho việc đối thoại tâm linh.
Chăm sóc tâm linh có lợi cho việc khống chế triệu chứng bệnh tật trong thân và tâm. Do vậy, thông báo bệnh tình là việc đầu tiên cần phải làm. Nhưng bài học tâm linh về nỗi sợ hãi và huyền thoại của cái chết đã làm cản trở việc bệnh nhân và người thân chấp nhận thông báo bệnh tình. Thường thì, họ mong muốn được bác sĩ điều trị thông báo và xác nhận. Các phản ứng thông thường sau khi thông báo bệnh tình là những biểu hiện của bệnh nhân như hoài nghi, phủ nhận, phẫn nộ, trốn tránh (như trong câu chuyện: “Tôi có thể không chết được không?”). Về phía người thân, dự kiến có thể có cảm xúc không tin, không cam lòng, không chịu nổi việc bệnh nhân đau khổ, không nỡ lìa xa, sao cuộc đời lại bất hạnh thế… Lúc này kỹ năng giao tiếp của “Thầy” rất quan trọng. Trong sách có thể tìm thấy những kỹ năng giao tiếp ấy, bao gồm lắng nghe, bầu bạn, quan tâm, đồng tình và chia sẻ.
Qua quá trình giao tiếp từ bi của “Thầy”, năm cơ quan cảm giác gồm mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể, được cùng vận dụng, giúp bệnh nhân từ cảm xúc lạc lõng đến tận cùng, chấp nhận và hiểu đạo lý vô thường trong nhân sinh của Phật pháp. Từ trong việc hồi tưởng lại cuộc đời, họ tìm thấy sức mạnh nội tại, xây dựng niềm tin và ý nghĩa của cuộc đời. Ví dụ, như câu chuyện về bệnh nhân mắc chứng bệnh thần kinh vận động, với động cơ mong muốn được “chết tôn nghiêm” thì sự chuẩn bị cho cái chết, để khắc phục nỗi sợ hãi cái chết, chính là bài học bắt buộc. Phật pháp yêu cầu, tùy tình hình để rút ngắn bài dạy, ứng dụng lâm sàng vào việc xử lý những khó khăn trong sinh tử, có hiệu quả điều trị đặc biệt hơn các lĩnh vực chuyên ngành khác. Sự khó khăn, khốn đốn trong sinh tử ấy đến từ định hướng giá trị trong phép sinh tồn, nó tạo nên sự phân biệt đối lập, xem “sống” là “có” và “hy vọng”, ngược lại xem “chết” là “không” và “tuyệt vọng”.
Trong lâm sàng, đề tài về khó khăn, đau khổ trong sinh tử phổ biến nhất là “không nỡ” chịu khổ và nó có nguồn gốc từ đạo đức hiếu thảo tốt đẹp trong lý luận văn hóa gia đình truyền thống. Mỗi nhà mỗi cảnh và những nỗi khổ khác nhau, những đối thoại nhân sinh lúc cuối đời được nêu trong sách cho ta dễ dàng thấu hiểu. Vì “làm sai” nên có lỗi với người nhà, khiến người nhà lo lắng; “không cam tâm” vì cái chết là sự trừng phạt, lòng tốt không được thiện báo, tại sao lại là sự dằn vặt của tôi, oán trách sai sót của người khác; “không yên tâm” vì tôi chết đi người nhà phải làm sao, nhất định phải nhìn mặt lần cuối; và “không buông bỏ được” trong lòng bất an, tôi chết rồi thì cái gì cũng hết. Ngoài ra, còn có “cảm giác tự tôn” bị tổn thương, vì trước đây không quan tâm, chăm sóc gia đình, nên sau khi bị bệnh không được sự quan tâm, chăm sóc của người thân.
Phật pháp chú định vào kiến tính tu hành với giới, định và tuệ, ngoài việc thông qua “bốn đạo nhân sinh” (đạo cảm ơn, đạo xin lỗi, đạo yêu thương và đạo biệt ly) thường dùng trong chăm sóc tâm linh để tìm cách hòa giải mối quan hệ. Để có được sự sinh tử đều bình an, ta phải bắt đầu từ việc thay đổi chính mình. Mọi người đều có tính Phật Như Lai, vì vậy trong tâm trạng cảm ơn và chúc phúc này cần chú trọng việc khơi gợi nhận thức của người bệnh, để bắt đầu việc buông bỏ. Do thể nghiệm được sự vô ngã, khiến cho tấm lòng rộng mở, tự thân người bệnh sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi cái chết và chuẩn bị cho kiếp sau.
Cảm ứng linh tính là một sự thể hiện sức sống, phương pháp giảm khổ hữu hiệu. Nỗi khổ của cuộc đời là do “ngã chấp” tạo ra, theo pháp duyên khởi trong Phật giáo được chia làm “tâm nương vào thế giới bên ngoài” và “tâm tự thân tư duy”. Được sự khai thị của “Thầy lâm sàng” nên việc đối diện với cái chết sẽ khởi phát tín căn và huệ căn của bệnh nhân, nhờ phát “tâm Bồ đề ” nên sinh ra sức mạnh nội tại (niệm lực, tinh tấn lực và định lực). Sự thể hiện sức sống và sức mạnh tín ngưỡng vốn có của con người, vượt ra ngoài hình thức tôn giáo chính là nét đặc sắc trong chăm sóc tâm linh bản địa hóa.
Chuyên ngành “Thầy lâm sàng” được học tập. Khi bệnh tình xấu đi, quá trình hấp hối đau đớn giống như rùa bị lột mai, cùng với đó là nỗi lo sợ kiếp sau không biết sẽ đi về đâu. Nỗi sợ hãi cái chết có biểu hiện lâm sàng và mức độ sợ hãi khác nhau tùy theo mỗi người, như từng ví dụ trong sách này đã nêu. Việc điều trị tùy theo triệu chứng và nương tựa vào pháp môn chính là phương pháp tốt nhất, thường dùng nhất là: đếm hơi thở và niệm Phật theo hơi thở. Sự sống nằm ở hơi thở, do vậy dưới sự hướng dẫn của thầy, người bệnh duy trì chuyên chú và chính niệm, trải qua nghi thức hối cải thật lòng và quy y, được trao chứng nhận trở thành đệ tử Phật. Khi có mục tiêu ra đi và phương hướng cố gắng thông qua đối thoại tâm linh, hy vọng rằng với sự dẫn dắt của Phật A Di Đà và sự trợ niệm của thầy cùng nhóm thiện nguyện, họ sẽ ra đi thanh thản.
Đội ngũ y bác sĩ điều trị chăm sóc giảm nhẹ nếu được sự tham gia giúp đỡ của thầy, giúp bệnh nhân lâm chung an lành (thiện chung) là hạnh phúc lớn đối với bệnh nhân và gia đình. Quá trình hấp hối là cơ hội tốt nhất để tu hành và trưởng thành về mặt tâm linh, thân trung ấm phải trải qua việc này. Từ những ghi chép về việc đạt đến thiện chung qua từng ví dụ trong quyển sách này, độc giả có thể học được các tri thức tương ứng như: gương mặt hiền từ, lâm chung mê sảng, địa-thủy-hỏa-phong tứ đại phân giải và cảm nhận tri thức trước khi chết… cũng như các phương pháp phòng ngừa và điều trị theo triệu chứng.
Đội ngũ y bác sĩ điều trị chăm sóc giảm nhẹ, với văn hóa quan tâm chăm sóc thân thiện, lấy bệnh nhân làm trung tâm sẽ cố gắng nâng cao chất lượng sống của người bệnh giai đoạn cuối và đảm bảo tốt nhất về lâm chung an lành. Đồng thời, hướng dẫn điều trị việc khó thở và phòng ngừa sự bi thương của người thân, giúp người thân trong gia đình trở thành bầu bạn, cũng là sự trợ giúp lớn để bệnh nhân an lành ra đi.
Con người là linh hồn của vạn vật, nếu có thể cảm ứng sự tồn tại của tâm linh có trong thể chế tín ngưỡng văn hóa bản địa, với kiểu mẫu như “lập đức, lập công, lập tín” của Nho gia, “trở về thiên nhiên” của Đạo giáo và “liễu sinh thoát tử” của Phật giáo, thì mỗi người vốn đều có năng lực giải thoát nỗi sợ hãi đến từ cái chết. Bất kể là tôn giáo hay tín ngưỡng gì, với sự hướng dẫn của thầy đều có thể giác ngộ. Đài Loan là nơi Phật giáo hưng thịnh, mong rằng mọi độc giả và dân cư trong cộng đồng đều có đủ tuệ căn, phúc đức, nhân duyên, đều có thể được “Thầy lâm sàng” chăm sóc và được thiện sinh, thiện chung.
LỜI GIỚI THIỆU CỦA CHỦ BIÊN
Sinh tử tam quan
Thích Huệ Mẫn1
1 Hiệu trưởng Học viện Khoa học xã hội và Tự nhiên Pháp Cổ.
Tôi được mời làm chủ biên cho quyển sách Cuộc Sống Nhiệm Màu gồm 16 bài viết về đối thoại tâm linh và lâm chung do thầy Tông Đôn, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Phật học lâm sàng Đài Loan và thầy Đức Gia biên soạn, xuất bản. Được đọc trước, nên tôi cảm thấy rất vui và vinh hạnh. Quyển sách về “Chăm sóc tâm linh” này, ghi chép 16 câu chuyện khác nhau, nhưng đều thể hiện rõ quan niệm về chăm sóc, kết hợp lý luận và thực tiễn, vừa văn hoa nhưng cũng bình dị, mà vô cùng hữu ích.
Năm 1967, khi Bệnh viện Chăm sóc giảm nhẹ St. Christopher’s Hospice của Anh triển khai hình thức hợp tác điều trị đoàn thể, chăm sóc toàn diện bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và giúp đỡ người thân vượt qua giai đoạn bi thương (bereavement) được gọi là Chăm sóc giảm nhẹ (Hospice Care) “bốn toàn”, gồm “toàn diện, toàn gia đình, toàn quá trình và toàn đoàn thể”. Khi nói đến “chăm sóc toàn diện” là nói đến việc chăm sóc điều trị tổng thể “thân, tâm linh”, vì cái gọi là “chăm sóc tâm linh” (Spiritual Care) thì chú trọng vào việc đánh giá “nhu cầu tâm linh” của bệnh nhân, tích cực tìm hiểu vấn đề “khó khăn tâm linh” của họ.
Ví dụ như trong báo cáo về Kế hoạch bồi dưỡng nhóm “Thầy lâm sàng” tại Phòng chăm sóc giảm nhẹ ở Bệnh viện Y Đài Loan (từ năm 2000 đến năm 2003) do thầy Trần Khánh Dư chủ trì đã chỉ rõ: trong quá trình điều trị bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, từ khi bệnh tình xấu đi đến chấp nhận cái chết, vì “khó khăn tâm linh” nên xảy ra các vấn đề và có thể chia thành bảy loại lớn sau: Ý thức nhân phẩm của mình bị tổn thương, ruồng bỏ chính mình, không đành lòng (bao gồm không cam tâm, không yên tâm, không buông bỏ, làm sai), sợ hãi cái chết, chưa hoàn thành tâm nguyện, hiểu biết sai lầm, cần sự giới thiệu… Các “Thầy lâm sàng” có thể đánh giá biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân, căn cứ theo các loại vừa kể trên để đề xuất kế hoạch chăm sóc tâm linh, giúp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nâng cao sức mạnh nội tại.
Việc này bắt nguồn từ mô hình “chăm sóc giảm nhẹ” trong văn hóa Ki-tô giáo khi truyền sang phương Đông. Các quốc gia phương Đông, tùy theo văn hóa tôn giáo của mình, ngoài việc tiếp nhận, giới thiệu quan niệm và phương pháp ấy ra, do nhu cầu bản địa hóa đã tạo ra các hình thức và lời nói phù hợp với bối cảnh văn hóa của nước mình. Ví dụ như Nhật Bản dùng từ tiếng Phạn cổ là Vihara (viện tu dưỡng, tăng phòng) để thay thế cho từ Hospice (viện chăm sóc giảm nhẹ, an vui) trong Ki-tô giáo, và tiết lộ ba quan niệm gồm “hiểu biết về vô thường, tôn trọng ý nguyện và sự sống” để biểu đạt nét đặc sắc trong quan tâm chăm sóc lúc lâm chung của Phật giáo.
Quan điểm chăm sóc toàn diện gồm “thân, tâm linh” bắt nguồn từ Ki-tô giáo chủ trương: “Ngoài thân và tâm, còn một loại “tâm linh” tồn tại ngoài cơ thể và tư tưởng”. Nếu phối hợp với giáo lý Phật giáo, chúng ta có thể đề xuất “tứ niệm xứ” chăm sóc tâm tính làm hình thức tham khảo trong việc quan tâm, chăm sóc lúc lâm chung theo Phật giáo. Vì “giống” trong thuyết đoạn diệt thân tâm, và “khác” trong thuyết tâm linh của thân tâm đều không khác với “vô ngã luận” và “duyên khởi luận” trong thân tâm “không giống không khác”. Căn cứ theo tư tưởng Trung Đạo “bất đoạn, bất thường”, khiến người lâm chung học tập, nhận thức được bốn phương diện gồm “thân, thọ, tâm, pháp” của chính mình, và khiến “tâm tính” tương đối có tác dụng.
Từ năm 1998, tôi vinh hạnh được mời tham gia vào nhóm lập kế hoạch Hiệp hội Quỹ Liên Hoa Phật giáo và đoàn thể điều trị chăm sóc giảm nhẹ, tại phòng bệnh ung thư giai đoạn cuối, ở Bệnh viện Y Đài Loan tiến hành nghiên cứu “Ứng dụng Phật giáo trong quan tâm chăm sóc lúc lâm chung” và “Bồi dưỡng, thúc đẩy “Thầy lâm sàng”, tiếp xúc với không ít bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Mỗi trường hợp đều cho tôi bài học quý giá về sự sống để tôi không dám quên giáo lý Phật pháp chính như: “các hành vô thường”, “các pháp vô ngã”, “Niết bàn tịch tĩnh”, hiểu rõ “sự sống chỉ trong một hơi thở” và suốt quá trình học tập thường đem cái chết đặt ở trong đầu.
Với kinh nghiệm đã tích lũy nhiều năm, tôi nhận thấy mình có vấn đề, hoặc vướng mắc trong việc đối diện với sinh tử, tuy có muôn vàn hình trạng khác nhau, nhưng hình như có thể thu gọn thành ba quan hệ gồm: “bệnh duyên thiện ác quan”, “tỉnh mê chính niệm quan” và “sinh tử Niết bàn quan”, gọi tắt là “sinh tử tam quan”. Tôi cũng từng đăng bài trên tạp chí “Nhân Sinh” (tháng 10 năm 2009), nhân cơ hội này xin một lần nữa đưa ra ý kiến nhỏ nhặt, phối hợp với các ví dụ nêu trong sách trên, để tóm gọn lại như sau:
Một: Bệnh duyên thiện ác quan - Người (hiền tài) như thế này sao lại bị bệnh (hiểm nghèo) như vậy.
Chúng ta thường thấy trong thống kê “10 nguyên nhân tử vong cao nhất”, ngoài nguyên nhân “sự cố ngoài ý muốn” và “tự sát” ra, còn lại đều là nguyên nhân “bệnh tật”. Và, chúng ta lại thường đem quan hệ giữa “nguyên nhân bệnh tật” và “nghiệp thiện ác” canh cánh trong lòng, khó mà thấu hiểu. Bài “Báo ứng hay không yêu thương bản thân” trong sách này đã miêu tả về sự nghi ngờ này: “Cả đời này tôi không làm việc xấu, tại sao lại gặp phải sự báo ứng này?”. Thậm chí, đức Khổng Tử khi học trò yêu quý của mình là Bá Ngưu mắc bệnh nan y, cũng từ ngoài cửa sổ nắm tay học trò mà nói: “Sắp mất đi người này rồi, đó là định mệnh sao! Người hiền tài như thế này sao lại bị bệnh hiểm nghèo như vậy”.
Ngoài việc cảm thán số phận, cũng có ý quy nguyên nhân do thần, trong bài “Chúa ơi, rốt cuộc là Ngài có ở đây không?” trong sách này có một số quan niệm như có thể giảm nhẹ được nỗi thống khổ từ sự kháng cự, nhưng vẫn luôn cho rằng bệnh tật là “ác” báo, không dám đi khám bệnh để điều trị, sợ ảnh hưởng xấu đến hình tượng người tốt. Như vậy vẫn còn tốt hơn là những nguyên nhân mê tín không căn cứ (ví dụ: phong thủy mộ tổ tiên, tương khắc với ai…) mang lại những phiền não. Nhưng, nếu có thể xem xét nguyên nhân bệnh tình một cách hợp tình hợp lý và đúng với thực tế, có lợi cho mình và cho mọi người, thì đây mới gọi là thuyết Nhân duyên của Phật pháp.
Phật giáo cho rằng Thánh nhân cũng bị đau khổ vì bệnh tật hoặc bị thương. Ví dụ như Đức Phật từng bị bệnh đau lưng, đau đầu, bệnh đau bụng… và cũng từng bị thương chảy máu. Vào năm cuối cùng, trên đường về quê, Đức Phật được bố thí thực phẩm không phù hợp, bị bệnh kiết lỵ nặng nên nhập Niết bàn. Cho nên, giới, định, tuệ mà người học Phật đã học, có thể giúp thân tâm chúng ta dễ dàng khỏe mạnh; nếu bị bệnh tật hay chết do tai nạn, cũng dễ đạt được “thân khổ, tâm không khổ”.
Hai: Tỉnh mê chính niệm quan (mối liên quan giữa chính niệm và lúc tỉnh, lúc mê) - Nếu hôn mê hoặc mê sảng, thì không thể chính niệm hay sao?
Bệnh nhân gần cuối đời là tín đồ Phật giáo, thường hay cho rằng, nếu duy trì được sự tỉnh táo thì là “chính niệm”; nếu hôn mê thì không thể chính niệm. Đây thực ra là một suy nghĩ hão huyền, vì Nhiếp Thắng Quyết Trạch Phẩm - phẩm số 11 trong Hiển Dương Giáo Luận quyển 19 có viết: “Lúc mạng sống kết thúc có ba loại tâm: vị thiện tâm, bất thiện tâm, vô ký tâm, tâm vị phân minh rõ ràng”. Nếu không rõ ràng, tức là vô ký. Tâm phân minh rõ ràng (trạng thái tỉnh táo) thì có ba khả năng gồm: thiện tâm, bất thiện tâm và vô ký tâm, cũng không nhất định là “chính niệm”. “Tâm không phân minh rõ ràng” (trạng thái hôn mê hoặc mê sảng sinh lý), ví dụ: bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối, có chức năng gan suy giảm, chỉ số amoniac trong máu cao, dễ dẫn đến biến chứng não gan, và thường gọi “hôn mê gan”; lúc này bệnh nhân dễ bị các trạng thái như run tay, mê sảng, cảm xúc hỗn loạn, buồn ngủ. Đây chính là “vô ký” (phi thiện phi ác), cũng vẫn có thể dẫn đến tập tính chính niệm.
Maha-Nam hỏi Phật: “Nếu tôi tham gia giao thông trong thành phố đông đúc, người và xe đi loạn xạ nên bị tai nạn mà chết, quên không niệm Phật, niệm Tỳ kheo tăng. Theo tư duy của mình lúc lâm chung thì sẽ đi về đâu?”. Phật trả lời: “Ví như cái cây lớn ngả về phía nào, một khi cưa đi, thì cũng sẽ đổ về phía đó. Bình thường niệm Phật, hình thành thói quen thiện, dù khi chết quên niệm Phật thì vẫn sẽ hướng thiện. Vì tập tính mạnh mẽ, không bị ảnh hưởng bởi tâm thức tỉnh táo hay hôn mê”.
Sau này, quân của vua Virudhaka (vua Lưu Ly) tấn công thành Kapilavastu, lúc chuẩn bị tiến hành thảm sát thì Maha-Nam cầu xin: “Hãy để tôi nhảy xuống nước tự sát, khi thi thể còn chưa nổi lên thì hãy để cho dân chúng có cơ hội được chạy thoát”. Vua Virudhaka đồng ý, vua đợi rất lâu mà không thấy thi thể nổi lên, liền cho quân xuống mò thì phát hiện sau khi Maha-Nam nhảy xuống nước, đã lấy tóc cột chặt vào rễ cây trong nước để kéo dài thời gian cho dân chúng của mình chạy thoát. Hành động bi tráng ấy, khiến vua Virudhaka cảm động và ngừng thảm sát. Có thể thấy Maha-Nam đã tu dưỡng hình thành tập tính thiện hạnh, nên trong lúc nguy kịch đến tính mạng vẫn có thể phát huy tinh thần hy sinh vì mọi người, tạo nên sức mạnh hướng thiện nhân tính.
Do đó, nếu chúng ta có thể phá vỡ: “Mối liên quan giữa chính niệm và lúc tỉnh, lúc mê” thì có thể tránh được việc tùy ý dựa vào việc tỉnh táo hay hôn mê mà phán xét người chết có “chính niệm” hay không, rồi suy đoán có thiện chung hay không. Cũng giống như tình trạng mê sảng trong câu chuyện “Con chữ hình tượng đảo điên” trong sách này có thể phá bỏ những quan niệm sai lầm của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, về việc dùng morphin giảm đau có thể gây hôn mê; cũng có thể phá bỏ quan niệm sai rằng sau khi chết, hiến tặng nội tạng sẽ bị mất chính niệm, như vậy sẽ rơi vào con đường ác; chúng ta có thể học tập Maha-Nam về tinh thần Bồ tát xả thân vì mọi người.
Ba: Sinh tử Niết bàn quan - Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi sẽ đi về đâu?
Từ khi có sự sống, Trái Đất đã trải qua nhiều thời kỳ, thời kỳ vi khuẩn và tảo lam, thời kỳ các loài tảo và động vật không xương sống cho đến thời kỳ thực vật hạt kín và động vật có vú, rồi đến thời kỳ con người. Cho nên, tất cả sự sống không phải là trường tồn bất biến. Chư hạnh vô thường, sự sống của mỗi một loài đều trong quá trình thừa kế tương tự, diễn hóa biến dị, cũng giống như cuộc đời của bong bóng nước trong dòng chảy của đại dương, từ biển mà có và cuối cùng lại trở về với biển.
Cuộc sống, cũng có thể nói là “hệ thống sinh thái” trong quần thể sinh vật, không thể đi ngược dòng với việc trao đổi vật chất. Sự sống của mỗi sinh vật đều dựa vào chất hóa học do sinh vật thời trước phóng thích ra để duy trì. Sự sống hoàn toàn không thể tồn tại độc lập, “các pháp vô ngã”, có những sự sống cá biệt cùng tồn tại trong hệ thống sinh thái, cũng giống như cuộc đời của sóng biển trong biển rộng bao la. Ai sinh? Ai tử? Điều này có thể tham khảo trong các bài: “Câu đố về sinh tử, ai là người giải đáp”, “xe đã hư, tài xế vẫn còn sống”, “Ra đi, tôi phải đi đâu?”, “Cuối cùng, đi với ai?”, hoặc “Đường về nhà bao xa?” trong quyển sách này.
Vì hiểu về cảnh giới bất sinh bất tử, nên không hối hận chuyện quá khứ, không quá mong cầu về tương lai, cố gắng làm tốt việc của mỗi thời kỳ. Không mong cầu, chấp trước gì, thậm chí ngay cả công đức tâm linh cũng không tích lũy. Vì đã bỏ được quan niệm sai lầm rằng “ngã” tồn tại độc lập vĩnh hằng, nên hiểu được ngũ uẩn “sinh tử” (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tức là “Niết bàn” (không tướng bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm). Do đó Đại Trí Độ Luận trích dẫn trong Bát Nhã Kinh: “sắc tức là không, không tức là sắc”, và khen ngợi trong Trung Luận: “Niết bàn không khác thế gian, thế gian không khác Niết bàn”, đây chính là điểm then chốt để phá vỡ “sinh tử Niết bàn quan”.
Chúng ta có thể thông qua các câu chuyện trong quyển sách này, cũng như những chuyện mà chúng ta đã từng gặp để hiểu về sinh tử tam quan, gồm: “bệnh duyên thiện ác quan”, “tỉnh mê chính niệm quan” và “sinh tử Niết bàn quan”, đây không chỉ là thói quen tốt, tự giác, giác tha hằng ngày mà còn tránh những điều đáng tiếc cho chúng ta vào phút cuối cuộc đời: chân tay luống cuống, tâm mê ý loạn.