Nguyện cho tất cả chúng sinh bình an, vui vẻ!
Nguyện cho tất cả chúng sinh hữu tình, bất kể là thân thể khỏe mạnh hay suy nhược, thể hình cao, to, trung, thấp, gầy, béo, nhỏ, nhìn thấy hoặc không nhìn thấy, ở xa hay ở gần, đã chào đời hay chưa, nguyện tất cả mọi người đều được bình an, vui vẻ!
Từ Bi Kinh
CHĂM SÓC TÂM LINH
Biệt ly, thuyết pháp và trợ niệm lúc lâm chung
Chúng ta luôn cho rằng vẫn còn thời gian, đâu biết rằng chỉ trong một hơi thở là đã lỡ mất rồi!
Cảnh đời thực ấy diễn ra ngay trước mắt tôi…
Quá đột ngột, chưa dặn dò điều gì
Hôm đó, khoảng hơn sáu giờ tối, tôi lê bước mệt mỏi sau một ngày làm việc, chuẩn bị ra khỏi bệnh viện.
Đi qua hành lang, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng khóc, nhìn kỹ thì thấy ba người, một nam, hai nữ đang đứng ngoài phòng bệnh, người thì cúi đầu, người thì úp mặt vào tường, tay vịn vào tường mà khóc, hai vai không ngừng run lên… Trong phòng bệnh cũng có một nhóm người và một bệnh nhân chỉ nhìn thấy phần mặt, từ cổ trở xuống đã được đắp chăn cho người quá cố.
Hai tiếng đồng hồ trước, giường bệnh này còn trống mà! Tôi không hề biết gì về người chết, hơn nữa cũng đã vào giờ tan ca, hôm nay tôi thực sự đã quá mệt. Trong lòng nghĩ, có lẽ mình cũng chẳng giúp được gì, thôi thì cứ về nhà vậy!
Tôi tiếp tục bước về phía thang máy, nhưng khi cửa thang máy mở ra, chân tôi như nặng hàng nghìn cân, không thể bước được nữa, trong đầu lại nghĩ về ba người đang bi thương, bất lực kia…
Tôi hiểu rõ, nếu cứ như vậy ra về, tối nay chắc chắn tôi sẽ không ngủ được, và cũng không có cách nào để thuyết phục bản thân. Thôi, dù gì thì cũng đã gặp rồi, tôi không thể xem như không nhìn thấy.
Thế là tôi quay người trở ra.
Ba người đó vẫn đứng bên ngoài, vừa khóc vừa lau nước mắt. Thì ra họ là ba anh em, người đàn ông là con trai lớn và họ đều là con của người vừa mới mất.
Tôi hỏi: “Sao vậy?”.
“Mẹ tôi mới chuyển vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ chưa được hai tiếng, vừa rồi đột nhiên đã ra đi rồi, mẹ đã đi như thế rồi…”.
Tôi lại hỏi: “Mẹ anh có dặn dò gì không?”.
“Mẹ tôi chẳng dặn dò gì cả”.
“Vậy các anh chị đã nói gì với mẹ chưa?”.
Họ đều lắc đầu, họ chưa nói được gì cả…
Đáng tiếc vì không kịp
Tôi đại khái đã hiểu được chuyện gì rồi!
Đối với mọi người mà nói, mọi chuyện đều xảy ra quá nhanh, ngoài dự liệu, không kịp trở tay, cũng chưa có ai chuẩn bị tâm lý thì sự việc đã xảy ra! Người mẹ ra đi không để lại lời nào, chỉ bỏ lại phía sau sự tiếc nuối.
“Các anh chị có muốn nói chuyện với mẹ không?”. Tôi hỏi.
“Không kịp nữa rồi!”. Họ đều nghẹn ngào cho rằng không kịp nữa!
“Kịp mà!”, tôi nói, “Đi mau, chúng ta cùng vào, nhưng lát nữa khi tôi hỏi, các anh chị phải phối hợp trả lời câu hỏi của tôi, không được im lặng không nói lời nào nhé!”.
Thế là người con trai lớn, con gái thứ hai và cô em út trong trạng thái thất thần cùng tôi đi vào phòng bệnh. Trong đó, còn có đông đủ các con cháu gồm con dâu, con rể và cháu nội, cháu ngoại.
Mọi người đứng xung quanh giường bệnh, tôi bắt đầu nói: “Các anh chị có điều gì muốn nói với mẹ không? Bây giờ là lúc có thể nói rồi!”.
Có lẽ còn chưa kịp định thần, trong lòng còn nặng trĩu nên mọi người đều đờ người ra đó, chẳng trả lời tiếng nào, không khí vô cùng nặng nề.
“Thế các anh chị có lời cảm ơn gì muốn nói với mẹ không?”.
Có người lên tiếng: “Chúng tôi không nói nên lời!”.
Thực ra, họ có rất nhiều điều muốn nói, nhưng do quá thương xót nên không biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi hiểu cảm xúc của gia đình, có lẽ vừa muốn nói đã nghẹn lời, vừa muốn nói đã cảm thấy suy sụp, làm sao có thể nói nên lời?
Tôi nghĩ, tôi hoàn toàn không quen biết người mẹ này, làm sao mở đầu nhỉ? Nhưng tấm lòng của tất cả các bà mẹ hình như đều có điểm giống nhau.
Các bà mẹ đều có điểm giống nhau là hay cằn nhằn
Tôi nói: “Không nói được à, không sao cả, vậy thầy hỏi nhé, mẹ của các anh chị bình thường có hay cằn nhằn không?”.
Vừa nghe thấy “cằn nhằn”, các con đã đồng cảm ngay, giống như đã chạm vào đáy lòng, nên họ đều lên tiếng.
Anh con trai nói trước: “Mẹ luôn cằn nhằn và cũng hay lải nhải nữa. Suốt ngày cứ nói với tôi rằng: Con là con trai trưởng trong nhà họ Lâm chúng ta, con phải trông nom hương khói của họ Lâm… Không được hung dữ như vậy với vợ, phải chú ý đến sự nghiệp, mẹ đã đem hết tiền cho con rồi, lần này nếu con thất bại nữa, thì mẹ cũng hết cách rồi…”.
Kế đến là cô con gái thứ hai nói: “Mẹ là siêu cằn nhằn, bà thường nói với tôi rằng: Ban đầu hôn nhân của con, mẹ không hài lòng, là do con tự quyết, dù gì thì con cũng đã lấy chồng rồi, do mình chọn thì tự mình chịu trách nhiệm, đừng có sau này khi cãi nhau, hơi một tí là chạy về nhà mẹ… Hôn nhân đâu có dễ dàng như thế. Ngày xưa, khi mẹ và cha con lấy nhau, vì sinh ba anh em các con, nên mẹ cũng phải nhường nhịn rất nhiều mới có thể duy trì được hôn nhân, không được để cho người ta nói rằng “lăng nhăng”… Mẹ cũng nói với chồng của tôi rằng, đừng có quá thật thà để bị lừa nữa, khả năng giúp đỡ của mẹ là có hạn…”.
Đến lượt người con gái út nói: “Mẹ tôi đúng là hay cằn nhằn, tôi đã hơn 20 tuổi rồi mà khi đi qua đường, mẹ cũng phải dắt tay tôi, tối ngày lại còn cứ hỏi tôi có bạn trai chưa. Chỉ cần tôi đi chung với người con trai nào, mẹ tôi liền nhìn anh ta với ánh mắt nghi ngờ, dò xét, muốn tìm hiểu xem người đó làm công việc gì, có nhà cửa chưa, thu nhập một tháng bao nhiêu, sau đó là mẹ anh ta có dễ gần không, ba anh ta như thế nào? Giống như mẹ đang điều tra thân thế gia đình họ. Chỉ mới là bạn thôi mà mẹ đã hỏi quá nhiều thứ mà không ngại chút nào, thật phiền phức… Còn nữa, mẹ nói nếu thực sự là bạn trai thì nhất định phải dẫn về nhà để cho mọi người xem mặt xem có ưng ý không thì mới được quen, không được “có gì” trước với người ta…”.
Những người khác cũng lần lượt nói: “Bà luôn nói đồ ăn ở ngoài không sạch, tốt nhất là tự nấu, nếu không thì phải ăn như thế này… thế này…”.
“Nếu mẹ nhìn thấy mây đen thì liền gọi điện thoại hỏi xem có mang ô không…”.
“Mẹ thường dặn khi nhìn thấy đèn vàng, không được vượt qua, lái xe chậm lại một chút…”.
Thực ra, có người mẹ nào mà không cằn nhằn chứ? Chẳng qua là có bao nhiêu người con trai, con gái đã cảm nhận được sau sự cằn nhằn ấy chính là tình yêu của mẹ?
An tâm ra đi, không buồn chuyện nhân gian
Mọi người nói về chuyện mẹ hay cằn nhằn, nên trong lòng không còn nặng trĩu như trước nữa!
“Các anh chị đều nói là mẹ không để lại lời dặn dò nào, nhưng thầy lại thấy những điều mà các anh chị vừa nói, chính là những gì mà mẹ lo lắng, muốn dặn dò đó!”. Tôi nói: “Những lời các anh chị vừa nói mẹ đều nghe thấy, những gì mẹ không yên tâm chính là những điều trên, bây giờ các anh chị biết phải đáp lại như thế nào rồi chứ?”.
Người con trai lớn đã hiểu, bèn nói với mẹ: “Được rồi, mẹ ơi, mẹ nói những điều ấy con đều biết rồi! Con là con trưởng trong gia đình, sẽ đem những điều cha, mẹ đã chỉ dạy để tiếp tục truyền cho con cháu, con cũng sẽ chăm sóc cho hai em gái. Mỗi khi lễ Tết, anh em chúng con sẽ tụ tập lại, giống như lúc mẹ còn sống. Con cũng sẽ chú ý việc em út tìm bạn trai, lo lắng giúp mẹ…”.
“Mẹ đừng lo lắng, sự nghiệp của con bây giờ đã đi vào nề nếp rồi, con làm cũng tương đối tốt! Con sẽ dạy dỗ cháu đích tôn của mẹ nên người, để cháu biết giáo huấn gia phong nhà mình là gì, con cũng sẽ đối xử tốt với vợ con, con sẽ thay đổi tính khí…”.
“Mẹ ơi, mẹ yên tâm nhé, sẽ không có chuyện vì mất mẹ mà gia đình này ly tán. Mẹ yên tâm, hãy ra đi thanh thản mẹ nhé!”.
Cô con gái thứ hai nói: “Mẹ ơi, con đã hiểu rồi! Thực ra chồng con cũng không xấu tính, anh ấy rất có trách nhiệm. Con sẽ sửa đổi tính khí, không cứng đầu như vậy nữa, không thể để mẹ luôn lo lắng, con sẽ làm việc chăm chỉ và nghĩ cho con cái của mình nhiều hơn…”. Rồi cô vừa khóc vừa nói tiếp: “Mẹ ơi, trước đây lúc mẹ nói những lời như vậy, con thường cãi lại, sau này khi có con rồi con mới hiểu được nỗi khổ của mẹ, con biết mẹ yêu con nên mới lo cho con như vậy, con thật sự xin lỗi mẹ!”.
Kế đến là cô út nói: “Mẹ ơi, trong lòng con hiểu rất rõ, cho dù con bao nhiêu tuổi, thì với mẹ con vẫn chỉ là một đứa trẻ. Con thường đẩy tay mẹ ra…, sao con lại có thể làm như thế chứ. Con rất buồn, xin mẹ tha lỗi cho con! Còn nữa, sau này con có bạn trai nhất định sẽ dẫn về nhà cho anh trai xem mặt, xin mẹ hãy yên tâm…”.
Mọi người thay nhau nói với mẹ, hy vọng mẹ ở trên trời được thanh thản, không còn phải lo lắng chuyện thế gian nữa…
Bà nội đang cười kìa
Cả quá trình ấy mọi người đều vừa nói vừa khóc, nước mắt giàn giụa, cuối cùng chỉ còn lại tiếng nấc và sụt sùi…
Lúc này, đứa cháu nhỏ giơ tay lên và nói: “Con cũng muốn nói đây! Con cũng muốn nói với bà nội!”.
Tôi dẫn đứa bé đến bên bà: “Cháu muốn nói với bà nội à? Thế bà nội thương cháu như thế nào?”.
Đứa cháu với giọng trẻ con nói: “Bà nội hay lén mua kem cho cháu ăn, bảo cháu không được nói cho ai biết!”.
Nghe câu nói ấy, mọi người cười ồ lên, rồi họ vừa khóc, vừa cười.
Thế là những đứa cháu khác cũng tranh nhau nói mỗi đứa một câu: “Bà nội… bà nội...”
Đúng lúc đó, một đứa bé đột nhiên nói rằng: “Kìa, mọi người xem, bà nội đang cười, bà nội đang cười kìa!”.
Câu nói “Bà nội đang cười kìa!” lan truyền trong không trung, lan vào tận trong lòng của mỗi người…
CHĂM SÓC TÂM LINH
Biệt ly, thuyết pháp và trợ niệm lúc lâm chung
Khi người bệnh chết đột ngột, thời gian từ hấp hối đến vãng sinh thường phải có thầy hướng dẫn. Điều này, không những có thể xóa bỏ sự khủng hoảng, bất an của người vãng sinh mà còn có tác dụng an ủi đối với gia quyến.
Chúng ta hay cho rằng: quan tâm đặc biệt của Phật giáo lúc lâm chung chính là “trợ niệm” và thường là sau khi người bệnh đã ra đi một lúc rồi mới bắt đầu “trợ niệm”. Trước và sau khi người bệnh ra đi, hầu như rất ít người tiếp xúc, nhưng thực ra quá trình này rất quan trọng.
Bản sắc của “chăm sóc tâm linh bản địa hóa” chính là việc khi bệnh nhân được chuyển đến Phòng chăm sóc giảm nhẹ thì bắt đầu chăm sóc và chú trọng ở phần trút bỏ tâm niệm, buông bỏ sự cố chấp, việc này được tiến hành từ lúc bệnh nhân chưa chết. Nhưng khi người bệnh chết đột ngột, trước và sau khi hấp hối rồi ra đi, cũng có phương pháp chăm sóc thích hợp, đó là: biệt ly, thuyết pháp và trợ niệm lúc lâm chung.
Thông thường, chúng ta sẽ gặp ba tình trạng sau: Thứ nhất, bệnh nhân duy trì chăm sóc tâm linh, vì bệnh nhân đã có sự cố gắng trong thời gian dài, đã trưởng thành nhiều rồi nên chúng ta sẽ làm theo cách chủ yếu là nhắc nhở đơn giản. Thứ hai, là trường hợp đã có tiếp xúc, nhưng do nhiều nguyên nhân nên bệnh nhân chưa thể chấp nhận thầy, hoặc gặp trở ngại trong học tập. Thông thường là không nỡ, hay chưa dứt bỏ được tâm nguyện. Như vậy, ta sẽ căn cứ vào vấn đề mà người bệnh còn chấp nhất để thuyết pháp, và khẳng định ý nghĩa của cuộc đời của họ. Thứ ba, là đối với người bất đắc kỳ tử, độ tuổi đa dạng, không có sự chuẩn bị cho cái chết, họ thường có biểu hiện lâm sàng là sợ hãi cái chết. Thầy sẽ hướng dẫn người thân và bệnh nhân cùng quy y, tụng kinh. Như vậy, cần phải có thời gian dài.
Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ bàn bạc với gia đình trước, nói rõ tâm thức lúc lâm chung có thể vượt qua giới hạn của thân tâm, bất kể là bệnh nhân có hôn mê hay không đều ở trạng thái có thể giao tiếp được và nhu cầu tâm linh rất mạnh. Sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, đảm bảo và chỉ dẫn của gia đình là điều rất quan trọng đối với người bệnh. Sau đó, cùng gia đình tìm ra phương pháp quan tâm, bầu bạn thích hợp nhất, rồi hướng dẫn người thân ngồi xuống, như vậy có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy ổn định và yên tâm.
Cả quá trình biệt ly, thuyết pháp và trợ niệm lúc lâm chung thường được làm hai hay ba lần trước và sau khi người bệnh ra đi. Nhưng cũng có thể tùy theo tình trạng hấp hối, ra đi của từng người để điều chỉnh phương pháp cho phù hợp.
Biệt ly lúc lâm chung
Biệt ly lúc lâm chung có hai điều quan trọng: Thứ nhất, là đạo cảm ơn, từng người trong gia đình nói lời cảm ơn và chúc phúc đối với người lâm chung. Thầy sẽ nói lời cảm ơn đáp lại người thân thay cho người lâm chung. Thứ hai, là người sống phải cho phép người bệnh ra đi, chịu buông tay ra và hứa mình sẽ sống rất tốt.
Cho phép người bệnh ra đi không nhất thiết phải nói trực tiếp, nhưng trong lòng phải thực sự chịu buông bỏ, sau đó nói từ trong lòng. Ví dụ như: “Chúc mẹ ra đi bình an, con sẽ sống tốt ạ!” hoặc “Mẹ bình an là con bình an!”; “Mẹ yên tâm, không cần phải buồn phiền chuyện thế gian, chúng con sẽ biết tự bảo trọng”.
Trong lâm sàng, việc cho phép người thân ra đi, không phải là điều dễ làm. Giống như có người bệnh ngoài 40 tuổi kia, vợ của anh ta luôn nói với chúng tôi rằng: “Tôi có thể để chồng ra đi!”, nhưng sự thực lại không phải như thế. Lúc đó, người bệnh ở trong trạng thái hấp hối rất lâu, mọi người cảm thấy rất lạ, tại sao lại không đi được?
Sau đó, chúng tôi mời người vợ ra ngoài nói chuyện, cuối cùng người vợ nói thật rằng: “Tôi không thể tưởng tượng được những ngày tháng sống thiếu anh ấy, làm sao tôi sống được chứ? Tôi thực sự không muốn anh ấy ra đi!”. Thầy hỏi: “Vậy chị cảm thấy anh ấy có thể sống lại được không? Chị thực sự muốn anh ấy cứ mãi trong trạng thái như thế này hay sao?”. Lúc này người vợ khóc lớn rồi nói: “Được, tôi đồng ý để anh ấy ra đi!”. Chị vừa nói xong, người chồng trong phòng liền tắt thở.
Lời hứa của người thân là sức mạnh lớn nhất để người bệnh an tâm. Sau khi nói lời ly biệt và hứa hẹn, thì giữa họ không còn vướng bận gì, có thể buông bỏ những ràng buộc, cố chấp của đời này để hướng về tương lai, lúc đó, bệnh nhân mới có thể chuyên tâm cho bài tập lúc lâm chung, vận dụng sức mạnh nội tại.
Thuyết pháp lúc lâm chung
Sau khi nói lời ly biệt, tiếp đến thầy sẽ tiến hành thuyết pháp lúc lâm chung. Tinh thần chủ yếu của việc thuyết pháp này là: hướng dẫn người bệnh điều chỉnh tâm niệm để đáp ứng với việc các cơ quan chuẩn bị suy thoái và cái chết sắp xảy ra, đảm bảo thân tâm an định, duy trì chính niệm. Trong thực tế, chúng tôi thường tìm hiểu lịch sử cuộc sống của người bệnh, trần thuật lại cuộc sống của họ đã diễn ra như thế nào, gặp phải khó khăn gì, làm thế nào để vượt qua... để cho người bệnh biết là mình hiểu họ. Sau đó, tổng kết lại cuộc đời, nhìn nhận nỗi khổ mà người bệnh đã trải qua cũng như ý nghĩa và giá trị cuộc đời của họ, như vậy kiếp này họ đã sống không uổng phí. Đó cũng chính là cách hướng dẫn người lâm chung từ biệt cuộc đời này.
Nếu như, người bệnh trước đây đã làm nhiều chuyện không hay, và trong quá trình chăm sóc dưỡng bệnh đã sám hối, lúc này cũng có thể nhắc lại một chút: “Cho dù hồi trẻ anh đã làm sai chuyện gì, nhưng anh đã nhận lỗi, và người nhà cũng đã tha thứ, tâm hồn anh đã được gột rửa, có thể viên mãn rồi!”.
Có thể nói rõ ý nghĩa của sinh tử: “Có sinh ắt có tử. Bản chất của sự sống nằm ở chỗ ý nguyện, muốn được tiếp tục… Nhất tâm niệm Phật vào lúc này sẽ quyết định bạn có thể đi trên con đường tươi sáng, người thân không thể thay thế bạn. Cho nên, phải buông bỏ những chuyện phàm tục của thế gian mới có thể đến bờ bên kia; nếu không buông bỏ, bờ bên kia không thể đón bạn. Một khi bạn đã nối được liên lạc với bờ bên kia liền có thể trở lại chúc phúc cho người nhà…”.
Cũng có thể nói rõ sự biến đổi của thân tâm trong quá trình cái chết diễn ra. “Bây giờ thân thể của ông (bà/anh/chị) đang trong trạng thái phân giải, sẽ rất khó chịu, nhưng nó chỉ trong chốc lát, nhất định sẽ qua đi; bất kể là ông (bà/anh/chị) nhìn thấy gì, cảm nhận thế nào, có thể là biểu hiện trong tầng sâu của ý thức, cũng cứ kệ nó, cần phải để cho bản thân được thư giãn, thư giãn hơn nữa…”, hoặc “Trước đây ông (bà/anh/chị) đã trải qua vất vả như thế nào, bây giờ hãy lấy sức lực ấy ra, dũng cảm đi về hướng tương lai”.
Cuối cùng, nhắc người bệnh sức mạnh phi thường của tâm niệm, niệm Phật giúp bản thân được thư giãn, đảm bảo tấm lòng rộng mở, duy trì chính niệm, niệm A Di Đà Phật chính là chúc phúc, chính là quang minh. Niệm Phật theo hơi thở và chúc phúc bản thân, chúc phúc người nhà, chúc phúc cho tất cả mọi người. Dùng danh hiệu Phật để chúc phúc có thể làm cho tâm ngày càng trong sáng…
Lúc này, mời người nhà cùng người bệnh niệm Phật. Đợi sau khi người nhà và người sắp lâm chung có thể duy trì, ổn định niệm Phật thì có thể chuyển sang dùng máy thu âm hướng dẫn niệm Phật.
Trợ niệm lúc lâm chung
Sau khi người bệnh ngừng thở, bác sĩ tuyên bố bệnh nhân đã chết, thầy có thể làm thêm một lần nghi thức nói lời ly biệt và thuyết pháp. Đây cũng là cơ hội cuối cùng được gần người chết. Tùy tình hình, mà có thể nói lời ly biệt trong phòng bệnh hoặc trong phòng trợ niệm.
Cần lưu ý rằng, người bệnh vừa ra đi, sự thay đổi nội tại vô cùng không ổn định, người nhà không được nói chuyện nhỏ nhặt, linh tinh bên cạnh họ.
Vì trong phòng bệnh thường hay bị làm phiền, nên đề nghị có một không gian độc lập và không bị làm phiền. Do đó, thường thì sau khi người nhà đã chuẩn bị xong, nếu không cần phải cố ý chờ ai thì sẽ di chuyển người mất đến phòng trợ niệm. Sắp xếp xong, thì tiến hành nói lời ly biệt và thuyết pháp.
Lúc này, trọng tâm của thuyết pháp là giúp người ra đi và người thân hiểu được ý nghĩa của trợ niệm và việc cần làm trong tám giờ đồng hồ tới. Vì sự kết nối nội tâm của người ra đi và người nhà lúc này rất mạnh nên phải hiểu được cần chăm chỉ như thế nào mới có cơ hội tạo ra nhân duyên phi thường. Đối với người nhà mà nói, điều có thể giúp người thân của họ trong thời khắc quan trọng nhất đó là tâm lý. Điều này rất quan trọng.
Trợ niệm, là việc sau khi thuyết pháp, người nhà, bạn bè hoặc người tình nguyện giúp duy trì chính niệm bằng cách niệm hồng danh Phật. Mục đích chính là duy trì lợi ích của việc thuyết pháp cho người lâm chung và giúp cho người nhà có cảm giác cùng được tham gia, giúp họ vơi bớt đau thương.
Người nhà có thể chưa biết niệm Phật như thế nào, có thể rất đau lòng, hoặc có thể đã có kinh nghiệm, hoặc có thể không theo kịp. Do đó, khi thầy hướng dẫn ly biệt và thuyết pháp xong, nhóm tình nguyện và nhóm trợ niệm sẽ tiếp tục trợ niệm, cùng hướng dẫn người nhà để họ có sự nhập tâm, sau đó mới từ từ rút lui. Trong quá trình này, vai trò của nhóm tình nguyện rất quan trọng, vì lúc này người nhà rất cần sự giúp đỡ.
Trong lúc trợ niệm, nếu người thân có mặt trước giờ liệm, thường thì chúng tôi sẽ lựa thời cơ thích hợp để người thân tỏ bày tâm sự lần cuối, cảm ơn và chúc phúc người ra đi, chúc họ ra đi thanh thản và hứa rằng mình cũng sẽ sống tốt. Trong lúc quan tâm, chăm sóc người ra đi, cũng cần chăm sóc những người còn sống, để cả đôi bên đều không có gì đáng tiếc, sinh tử đều bình an.
Nhưng nếu thỉnh thoảng vẫn còn người tiếp tục chạy đến (những người thân, bạn hữu không kịp nhìn mặt người ra đi lần cuối) cố gắng không nên mở khăn che mặt người ra đi trong lúc đang trợ niệm để tránh làm phiền đến tâm niệm của họ.
Trong lâm sàng, lợi ích của việc nói lời ly biệt, thuyết pháp và trợ niệm rất rõ ràng, có thể nhận thấy sự biểu cảm của người ra đi ở thời điểm trước và sau khi trợ niệm, ví dụ như trong bài này, người ra đi mang dung mạo thanh nhàn như: “Bà nội đang cười kìa”, “gương mặt thanh thản”… Đây cũng chính là an ủi lớn đối với người thân và bạn bè, có tác dụng phòng chống tâm trạng quá bi thương sau khi người thân qua đời.
Khi ra đi có thể di chuyển không?
Bất kể là có phải tín ngưỡng Phật giáo hay không, người ta thường nói rằng sau khi người bệnh tắt thở ít nhất phải trợ niệm giúp họ tám giờ đồng hồ. Hơn nữa, trong thời gian này không được làm động thi thể người mất; nhưng nhiều người nghi ngờ cách nói này, vậy rốt cuộc là có được làm động không?
Theo giải thích của Phật giáo, người mới mất dù đã đi nhưng thần thức chưa ra đi, bất kỳ sự tác động nào cũng có thể gây trở ngại và đau khổ, gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc của họ, họ có thể rơi vào trạng thái xấu.
Nhưng trong thực tế, không thể có chuyện không làm động đến người ra đi! Vì trong điều trị y học, sau khi bệnh nhân tắt thở, bác sĩ sẽ đến để khám, kiểm tra xem tim có còn đập không, kiểm tra đồng tử có phản ứng co giãn hay không. Sau khi bác sĩ tuyên bố người bệnh đã chết, y tá sẽ tháo bỏ các ống trên người bệnh nhân, tháo tất và tiến hành xử lý thi thể.
Thường thì chúng tôi cố gắng để người nhà hiểu việc tất nhiên không nên làm động, nhưng nhất định phải làm động. Nên khi làm bất kỳ động tác gì với người ra đi đều có thể nhắc nhở họ phải cố gắng làm sao cho động tác chậm và nhẹ nhất, bất kể là ở nhà hay ở bệnh viện.
Theo giáo dục và đào tạo trong chăm sóc giảm nhẹ, nhân viên chuyên nghiệp đều biết khi xử lý thi thể, bệnh nhân đều có thể nghe thấy, cảm nhận thấy. Do đó, mỗi động tác đều phải hết sức nhẹ nhàng, hơn nữa mỗi việc làm đều phải báo cho người ra đi biết, để họ chuẩn bị tâm lý.
Nếu người nhà thật sự còn đang lo lắng và hoài nghi, chúng tôi sẽ giải thích cho họ hiểu: nếu điều kiện cho phép sẽ không gây cản trở, người nhà có thể ở cạnh ngay khi người đó ra đi, sờ nhẹ trán người ra đi, hướng dẫn thần thức ra đi từ đỉnh đầu. Khi bác sĩ đến thì nói với người ra đi: “tên gọi…, bác sĩ đến rồi! Muốn kiểm tra nhịp tim cho ông (bà/cha/mẹ/anh/chị), đừng sợ nhé; bác sĩ muốn xem đồng tử của ông (bà/cha/mẹ/anh/chị) xem có giãn không, sẽ chiếu đèn, ông (bà/cha/mẹ/anh/chị) để ý nhé, đừng sợ, chỉ cần thư giãn thoải mái là được…”.
Khi xử lý thi thể, có thể báo cho người ra đi biết: “tên gọi..., bây giờ tháo ống giúp ông (bà, anh, chị) nhé, giúp ông (bà, anh, chị) tháo tất nhé, chúng tôi sẽ làm từ từ, xin hãy thả lỏng nhé. Bây giờ thay quần áo giúp ông (bà, anh, chị) nhé… Chúng ta đi về nhà nhé, vào cầu thang máy đi xuống nhé, lên xe nhé…”.
Nếu với tâm thái tôn trọng, vừa làm, vừa nói như vậy, người ra đi sẽ có cảm giác và cũng không vì làm động đột ngột mà cảm thấy kinh hãi, có thể tiếp tục duy trì chính niệm, đạt được lợi ích từ trợ niệm.