Nhập tâm thiền định có thể giết thời gian, đồng thời có thể soi xét quá khứ, hiện tại và tương lai. Sau đó, mọi chuyện sẽ tốt thôi, mọi chuyện đều hoàn mỹ…
Vạn sự, vạn vật hiện tại đều rất tốt - sinh và tử đều tốt cả.
Hermann Hesse
CHĂM SÓC TÂM LINH
Tín, nguyện, hạnh - nhìn thấy cái không nhìn thấy
Hễ nghĩ tới tình cảnh bi thảm của mẹ, em trai và em gái trước lúc chết là bà cụ hơn sáu mươi tuổi lại hết sức lo sợ, càng nghĩ tới càng sợ. Bà cực kỳ lo lắng không biết khi mình chết có bị đau đớn như thế không?
Nhìn đôi chân không thể đi được nữa bà cũng hỏi: “Rốt cuộc tôi đã làm gì nên tội, mà ông Trời lại trừng phạt tôi như thế này?”.
Bà mẹ mạnh mẽ và con gái cố chấp
Ban ngày, bà ngồi trên ghế sofa ngoài phòng khách, hai mắt vô hồn nhìn ti vi. Rất khó tưởng tượng rằng, trước đây bà là người hễ có thời gian là lại đi chơi, cùng bạn bè đi đây đi đó, rất là sôi nổi.
Cô con gái duy nhất của bà ở bên cạnh chăm sóc bà. Nhìn cách hai mẹ con đối xử với nhau, người ta thấy có cái gì đó kỳ lạ, khó nói nên lời.
Trên tường nhà họ có treo những bức tranh thêu và vải ghép tuyệt đẹp. Nghe nói, để ghép bức tranh vải này, bà miệt mài đến nỗi có vấn đề về mắt. Bác sĩ chữa bệnh cho bà giải thích: “Bà là người cầu toàn, nên cái gì cũng yêu cầu phải làm tốt nhất”.
Bệnh nhân là người giỏi ăn nói. Tôi thử dẫn dắt bà trò chuyện về cuộc sống trong quá khứ. Những điều bà kể lại khiến người khác phải khâm phục.
Lúc con gái được hai tuổi thì vợ chồng bà ly hôn. Vì điều kiện kinh tế gia đình trước lúc ly hôn không tốt, nên bà đành phải tự lực nuôi con. Bà làm việc hết sức chăm chỉ, có chí cầu tiến và ôm trong mình ý niệm mình nhất định phải thắng. Tiền lương của bà luôn cao hơn người khác nhiều lần.
Chỉ cần con gái muốn cái gì, thì bà nhất định cho con thứ đó. Bà tìm mọi cách để cho con có cuộc sống vật chất tốt nhất, tạo điều kiện cho con được học hành tốt nhất. Con gái bà cũng cực kỳ thông minh. Khi học trung học phổ thông, chỉ cần sách của Lý Ngao được xuất bản là cô phải đọc cho bằng được. Đến điểm thi cũng có thể đậu vào Đại học Đài Loan. Thế nhưng cô lại chọn trường đại học khác và học Khoa Văn học…
Không hiểu tại sao bà luôn cho rằng tính cách của con gái mình yếu đuối và thường lo lắng nếu như mình chết đi thì con gái phải làm sao?
Trên thực tế, con gái bà sau khi tốt nghiệp đại học thì thi đậu công chức. Chồng của cô cũng học cao và có một công việc tốt. Hai vợ chồng sinh được hai con, một trai, một gái và sống ở căn nhà mà bà đã mua cho con gái. Sau khi bà bị bệnh, cần con gái chăm sóc nên bà bán ngôi nhà mình đang ở và dọn đến ở chung với vợ chồng người con gái. Đồng thời, bà cũng không còn đi lại với người đàn ông mà bà đã quen hơn 20 năm qua.
“Thầy ơi, thầy có thể nói chuyện với con bé được không? Nói nó mạnh mẽ lên một chút, đừng có yếu đuối như thế”.
Tôi đồng tình nói: “Bà rất mong con gái mình giống như mình?”.
“Vâng, cá tính của con đúng là như vậy”.
“Cũng may tính của con bà không giống bà! Như thế rất tốt, đối với ung thư gan có thể có miễn dịch…”. Tôi thử thăm dò suy nghĩ của bà về cá tính của con gái, nhưng không ăn thua gì. Bà vẫn cho rằng tính cách của con gái mình nên mạnh mẽ hơn. Bởi vì bà không thuyết phục được con gái, nên hy vọng tôi nói chuyện với cô.
Nói chuyện hồi lâu, cuối cùng bà lại nói: “Con gái con chăm sóc con chỉ là biểu hiện bề ngoài, dường như nó không thật lòng. Con không cảm thấy ấm áp chút nào cả… Thầy ơi, thầy có thể nói chuyện với con gái con được không?”.
Chắc đây mới là mấu chốt của vấn đề!
Tự lập và thương tổn
Mấy hôm sau, tôi gặp con gái của bệnh nhân và cũng nói chuyện về cuộc sống của cô ấy.
Cô con gái nói: “Thực ra thì mẹ rất cưng chiều con. Từ hồi con học lớp bốn trở về trước, thì tình cảm của hai mẹ con rất tốt. Cho đến một ngày nọ, nửa đêm con thức giấc thì không thấy mẹ đâu cả. Con muốn mở cửa thì phát hiện cửa bị khóa ngoài nên không ra được. Lúc đó con rất sợ hãi. Rốt cuộc là mẹ đã đi đâu? Hồi đó đang xảy ra sự kiện Bành Uyển Như bị ám sát, gây chấn động dư luận, con lo lắng không biết mẹ ở ngoài có phải đã gặp phải chuyện chẳng lành rồi hay không? Cứ thao thức mãi không ngủ tiếp được, nên con bắt đầu suy nghĩ lung tung: nếu như mẹ có mệnh hệ gì thì mình biết phải làm sao đây?”.
Bắt đầu từ hôm đó, việc ấy cứ diễn ra suốt mấy năm trời: “Nếu như không có cửa sổ sắt, thì con đã nhảy lầu đi tìm mẹ”. Cô con gái từ nhỏ đã phải sống trong cảnh phải phập phồng lo lắng, không được gặp mẹ nữa, lo rằng mẹ bị người ta bắt đi. Song bất luận con gái có nói gì thì cũng không có cách nào thay đổi tình trạng đó. Bà kiên quyết “dạy cho con biết sống tự lập”, bà nói một là một, hai là hai, nhìn bà là biết ngay điều đó.
Con gái bà đã rất giận về việc này, cô dùng kéo rạch nát ghế sofa, cắt đứt dây điện và đem cả quần áo của mẹ ra cắt nát…
Còn nữa, bà luôn bắt con gái phải đi học thêm. Khi cô học trung học phổ thông còn phải đến Đài Bắc học thêm đến 10 giờ đêm. Một mình cô phải đi bộ trong đêm, bắt xe buýt, đến hơn 11 giờ đêm mới về đến nhà…
“Hồi ấy con thường tự hỏi: Mẹ đang thương mình đúng không? Làm sao có thể thương mình chứ? Từ sau khi làm mẹ, con cũng thường thắc mắc: Hồi đó tại sao mẹ có thể nhẫn tâm để con ở nhà một mình? Tại sao lại nhẫn tâm để con ban đêm ở ngoài một mình kia chứ?... Mẹ cứ luôn miệng nói là thương con,… làm cho con rất nghi hoặc!”.
Thì ra, ngày ấy bạn bè của bà đều cảm thấy con gái bà sống dựa dẫm quá, nói bà nên rèn cho con gái biết tự lập, còn bản thân thì cũng nên tìm bạn đời. Thế là bà có bạn trai. Sau đó, hầu như ngày nào bà cũng để con gái ở nhà một mình.
“Mẹ vẫn chưa xin lỗi con. Việc này vẫn chưa xong đâu…”.
Và như thế, con gái bắt đầu xa lánh mẹ và cũng chưa từng nhìn bạn trai của mẹ một lần. Thậm chí đến một câu chào hỏi cũng không, cô dùng cách kháng cự để cân bằng những thương tổn lâu năm của bản thân.
Bởi vì vẫn còn yêu thương nên gắng gượng
Vết thương cũ chưa lành, mẹ lại dọn đến ở chung, khúc mắc trong lòng hai mẹ con càng nhiều thêm.
Một hôm, người con gái thấy cậu con trai đang học mẫu giáo viết: “Thế mạnh của mẹ là chăm sóc bà ngoại”. Bởi vì con gái bà tan làm về nhà thì cố gắng cùng mẹ xem ti vi, để mấy đứa con của mình ở trong phòng khiến cho lũ trẻ cảm thấy mẹ chỉ quan tâm đến bà ngoại mà không quan tâm đến chúng.
Ở nhà con gái, bà suốt ngày chỉ ngồi trên ghế sofa, soi mói hết việc này đến việc khác, nói cái này không tốt, cái kia không ra làm sao. Việc lớn việc nhỏ, đều nhắc đến mấy lần, làm cho ai nghe cũng thấy bực mình.
“Cơm con nấu ít quá… Tụi nhỏ nói lớn tiếng quá! Sao lại tồi tệ thế này, đến đứa trẻ nhỏ cũng dạy không được… cho nên chỉ sinh một đứa là tốt rồi, sinh nhiều để làm cái gì?”.
“Con cứ dựa dẫm vào chồng, không tin vào chồng được đâu! Đàn ông đều giống nhau, không thể tin được! Con yếu đuối như thế, tự mình không biết tự lập…”.
“Mẹ vất vả kiếm tiền, tốn bao nhiêu tiền để cho con ăn học. Con muốn cái gì mẹ cũng đều cho con, thế mà bây giờ con bất hiếu với mẹ như thế đấy. Sớm biết như thế thì trước đây mẹ đã chẳng phải vất vả đến thế để nuôi con…”, “Sau này tiền của mẹ đều là tiền của con, con nên…”.
Con gái bà rất buồn, nói: “Trước đây mẹ đối xử với con thế nào? Mà bây giờ, hằng ngày mẹ dùng lời nói để làm tổn thương con. Bà ấy sắp làm cho gia đình của con rối tung cả rồi! Con thà không cần tiền của bà ấy, còn hơn phải chịu áp lực lớn như thế này!”. Cũng chính vì trước đây gia đình chỉ có một con, cô cảm thấy rất cô đơn và bất lực, cho nên bây giờ con gái bà đã sinh hai người con.
“Những ngày tháng như thế thật là khổ!”. Tôi lặng lẽ nghe, đáp lời và hỏi: “Thế khi mẹ cô nói như thế, thì cô đối phó như thế nào?”.
“Con ước ao con là người bị bệnh, ước gì người sắp chết là con. Như thế, con mới có thể nói ra những điều muốn nói! Thế nhưng, cái gì con cũng không thể nói, vì người đang bị bệnh là mẹ nên con phải nín chịu tất cả!”.
Con gái bà bất đắc dĩ hỏi: “Tại sao con lại có một người mẹ như thế? Cá tính hoàn toàn khác với con! Tại sao mẹ con thích xen vào việc của người khác đến như vậy? Mẹ ở yên không được hay sao?”.
“Mẹ con như thế khiến cho con rất muốn tránh xa, nhưng lại không làm được!”.
Hai khóe mắt người con gái hoen đỏ.
Tôi nói: “Thật ra cá tính của con rất giống mẹ. Con không có cách nào làm mẹ con thay đổi, cũng giống như mẹ con không có cách nào làm cho con thay đổi được cả. Cho nên không phải nghi ngờ gì! Không phải người một nhà thì không vào cùng một cửa”.
Tôi quan sát thấy mỗi lần nhắc đến bệnh tình của bà cụ là hai khóe mắt cô lại đỏ lên. Thậm chí còn rơi nước mắt.
Tôi nói: “Con yêu mẹ con!”.
“Dạ” - cô trả lời. Song, khi tiếp tục nói chuyện thì sự cảnh giác của cô đối với mẹ lại trỗi dậy. “Không. Con không yêu bà ấy! Bà ấy thích xen vào chuyện của người khác… Con không phải là bà ấy. Con không phải là loại người như thế… Bà ấy rất cố chấp, rất chủ quan, không bao giờ chịu nghe ý kiến đóng góp của ai cả. Bà ấy luôn cho rằng chỉ có mình mới đúng, còn những người khác đều sai cả”.
“Thế nhưng, tại sao hồi nãy hai khóe mắt con lại hoen đỏ thế? Thật ra con rất quan tâm đến mẹ của con!”.
Con gái bà không trả lời được.
“Con rất yêu mẹ của mình. Chỉ có điều, tình yêu mà mẹ dành cho con không phải là điều mà con mong muốn”.
“Thầy ơi, thầy nói đúng rồi!”.
Tôi tiến thêm một bước nói: “Hai chữ hiếu thuận, nhất định phải có thuận thì mới có hiếu! Con ngồi xem ti vi với mẹ con. Cơ thể đã làm được chữ “hiếu” rồi. Thế nhưng trong lòng vẫn chưa “thuận”. Giữa hai mẹ con, dường như bị ngăn cách bởi một bức tường băng giá. Mẹ của con nhất định cảm nhận được sự quan tâm lạnh lẽo này”.
Người con nói: “Con và mẹ nói chuyện đều rất thẳng thắn. Còn về lớn giọng, con nói với mẹ, với chồng hay với tụi nhỏ đều giống nhau cả!”.
Tôi hỏi cô: “Thế mỗi lần chồng con đi đâu về thì trong lòng con cảm thấy như thế nào? Mỗi khi con nghĩ về mẹ, trong lòng con lại cảm thấy như thế nào?”.
Cô hiểu ngầm ý tôi và cười. Cô đã hiểu ra!
Điều này, thật ra chính là vấn đề về thái độ. Thái độ sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ cơ thể! Khi nghĩ đến chồng trong lòng sẽ có tình yêu, sự dịu dàng, có cảm giác muốn được tựa vào chồng. Khi nghĩ đến mẹ thì trong đầu toàn là ý nghĩ: bà suốt ngày lải nhải, làm tổn thương tôi. Thế nhưng lại có một âm thanh nói với cô ấy: mẹ bị ung thư sắp chết rồi, phải hiếu thuận…
“Con chẳng có cách nào dịu dàng với mẹ được, vì mỗi khi con muốn tốt với mẹ thì chỉ cần một câu nói của mẹ thôi là lại làm con co lại”.
“Thầy không ép con cần phải có sự dịu dàng, chỉ cần con thay đổi thái độ một chút là tốt rồi. Con cũng biết, thời gian của mẹ không còn nhiều, nếu như vào thời khắc này mà mẹ ra đi thì con sẽ như thế nào?”.
“Con nghĩ là mình sẽ cảm thấy ân hận!”.
“Thế thì đúng rồi! Con biết là con sẽ hối hận. Về mặt lý trí thì cố chăm sóc mẹ. Về mặt tình cảm thì tuy rằng yêu mẹ, nhưng lại còn giận mẹ năm xưa bỏ mình ở nhà một mình, lời nói thì làm tổn thương con. Cho nên, biểu hiện không thật thân thiết. Nhưng cái mà mẹ con cần thì lại chính là sự thân thiết đó”.
“Con với mẹ con về bản chất là giống nhau. Chỉ là, con không thích cái dáng vẻ quyền thế, yêu cầu hoàn mỹ và khuôn mẫu của mẹ con. Nhưng, đó lại là triết lý thành công của mẹ con, không thể lay chuyển được. Thế nên, con chỉ còn cách là làm ngược lại những điều đó. Vì vậy mà mọi thứ đều đảo ngược”.
Người con gái nghe và không phản bác những điều tôi nói. Ngược lại còn lo lắng nói: “Ngoài mặt thì mẹ con nói rằng chết không có gì phải sợ cả, nhưng thực ra mẹ con sợ chết lắm! Chẳng qua, là nói mạnh miệng trước mặt người ngoài mà thôi! Bệnh của mẹ con đã đến mức này, không phải là nên hướng nội, nên nhìn về phương diện tâm linh hay sao? Thưa thầy, thầy có thể giúp mẹ con không? Bây giờ, một mình con thật tình không biết phải xử lý việc của mẹ con như thế nào…”.
“Con đừng lo, các thầy sẽ ở bên con, cùng con đối diện với việc này!”.
Chú thỏ trắng nhỏ câu cá
Trong thời gian đó, tôi đóng vai trò là nhịp cầu nối giữa hai mẹ con. Hơn nữa, người mẹ cũng rất muốn biết, trong lòng con gái mình đang nghĩ gì?
Tôi nói với người mẹ: “Con của bà yêu bà lắm. Cô ấy rất lo lắng khi bà bị bệnh, và cô ấy không biết mình phải làm gì? Cô ấy cũng biết bà yêu con gái. Chỉ là tình yêu ấy của bà không như cô ấy suy nghĩ! Đây là những lời tâm sự tự đáy lòng con gái bà”.
“Còn nữa, sau khi bà bị bệnh, người đàn ông của bà “lặn” mất tăm. Vì bà nói “muốn ông ấy đến thăm bà” mà con gái bà đã phá vỡ mặc cảm, định kiến trong suốt 20 năm qua để gọi điện cho ông ấy. Lần duy nhất mà ông ấy đến nhà thăm bà, cô ấy cũng đã lịch sự chào hỏi”.
Trong thực tế thì sau lần đầu tiên tôi nói chuyện với người con gái bà mẹ đã cảm nhận rất rõ thái độ dịu dàng của con gái mình, không còn cảm giác khó chịu như toàn thân bị châm chích, cũng không còn sự đối lập nữa. Sau khi về nhà, cô gái còn nói với bà: “Thầy ấy, mỗi lần nói chuyện đều nói trúng tim đen của con luôn”.
Con gái đã thay đổi. Thế còn người mẹ thì sao?
Bà vẫn sẽ nói bản thân tốt với con gái như thế nào. Thế nhưng, bà vẫn kiên định là: “Con gái không ngoan, không hiếu thuận, không thân mật, không biết trời cao đất dày là gì! Nỗi khổ của đời người! Nếu như tôi chết đi, con gái lại yếu đuối như thế thì tôi phải làm sao đây?”. Trong lòng người mẹ, con gái mình dường như vẫn chỉ là một cô bé. Bà vẫn muốn chỉ đạo con gái, phải làm như thế này, thế kia… mới đúng.
Lúc đó, tôi kể một câu chuyện: “Có một con thỏ trắng nhỏ đi câu cá. Ngày đầu tiên, chú không câu được con cá nào. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, cũng vẫn không câu được con nào. Chú thỏ trắng không bỏ cuộc và ngày thứ tư chú lại đi câu cá… Khi đó, có một con cá rất giận dữ, nó nhảy lên khỏi mặt nước và nói với chú: “Làm ơn đi, đừng có dùng cà rốt để làm mồi câu nữa có được không?”.
Bà nghe xong cười ha hả.
“Bà giống như chú thỏ trắng nhỏ đó, còn con gái bà thì giống như con cá đó. Bà cho rằng cà rốt là ngon nhất, bèn đem cái ngon nhất cho cá. Thế nhưng, cá không ăn cà rốt, bởi vì cá không những không thích mà còn ghét cà rốt”.
“Bà cứ luôn nói là con gái yếu đuối không tự lập. Thế nhưng, bà thử nghĩ xem, khi cháu còn nhỏ như thế, mà bà đã nhốt cháu trong nhà liên tục trong mấy năm liền. Lại còn việc đi học thêm, chẳng phải cô ấy đều đã làm theo ý bà rồi sao. Con bà học đại học, thi đậu công chức, nuôi hai đứa con. Con bà làm sao lại yếu đuối và không tự lập kia chứ?”.
“Ngày ấy bà có bạn trai với hy vọng để cho con gái tự lập. Điều ấy không có vấn đề gì cả, chỉ là cách làm có lẽ đã sai. Bà không nên nửa đêm mất tích. Lại nữa, cho con đi học thêm muộn như thế, bà đã không biết rằng, sau mỗi bước chân, con mình luôn sợ: liệu có kẻ xấu nào tấn công mình hay không? Bà có biết không? Con gái bà đã lớn lên như thế, thì làm sao lại nói là nó không tự lập kia chứ?”.
Về sau, mỗi lần người bệnh nhắc đến con gái mình, nói nó thế này, nó thế kia, tôi lại dí dỏm nói: “Bà xem, chú thỏ trắng nhỏ lại tới kìa…”.
“Lần này con gái bà đã thay đổi rồi, bà cũng nên thay đổi đi”.
Bà trả lời ngay: “Tôi già rồi, phải thay đổi như thế nào đây?”.
“Bà không nhất thiết phải thay đổi hoàn toàn. Chỉ cần, khi nói chuyện bà hãy chú ý đến lời nói một chút. Trước đây, bà nói gay gắt mười phần thì giờ hãy giảm còn năm phần,… từ từ điều chỉnh là được rồi. Thực ra, lòng dạ bà rất tốt, chỉ có điều bà nói thẳng thừng quá”.
Cứ như thế, mối quan hệ giữa hai mẹ con đã dần dần tốt hơn.
Khúc gỗ trôi sông và căn nhà rao bán
Có một lần bà hiếu kỳ hỏi tôi: “Thầy ơi, thầy trẻ như thế sao mà đã xuất gia?”.
Tôi thử giới thiệu với bà về khái niệm Tam thế luân hồi: “Thật ra đó là nhân duyên của vô lượng kiếp. Nó có tính liên tục chứ không phải chỉ là công việc của đời này mà thôi. Chúng ta đều từ đời trước bước sang đời này. Nếu như chỉ nhìn vào đời này, thì sẽ thấy có người cao người thấp, người mập người gầy, người giàu kẻ nghèo… tuyệt đối sẽ cho rằng cuộc đời rất không công bằng. Thế thì, điều quan trọng lúc này là chúng ta sẽ bước từ thế giới này sang thế giới bên kia như thế nào? Kiếp sau có tốt hơn kiếp này không? Bây giờ thì nên học tập, sau đó đến thời khắc cuối cùng của cuộc đời phải giữ bình tĩnh…”.
Bà mẹ mở to đôi mắt hỏi: “Làm như thế nào?”.
“Tu hành! Thân thể chúng ta sẽ bị ràng buộc, nhưng tâm thì không. Chỉ có dựa vào sự nỗ lực của tâm thì mới có thể bình an bước sang thế giới bên kia”.
Bà thắc mắc rằng tôi còn không nhìn thấy được đời trước và đời sau thì làm sao lại biết được có quá khứ và tương lai kia chứ. Vì trước kia, bà cũng đã từng tham gia khóa tu thiền nên tôi dùng kinh Phật và kinh nghiệm thiền định để giải thích rõ với bà. Bà đã tin vào quan niệm luân hồi.
Thế nhưng, trong lòng bà vẫn còn rất nhiều nghi vấn: “Con biết bây giờ phải nỗ lực để đi tới đời sau, nhưng mà con lại rất sợ. Con không sợ chết, nhưng con sợ quá trình của cái chết rất đau đớn, giống như mẹ và em gái con…”. Tôi định nói cho bà biết về quá trình của cái chết, thì bà liền nói: “Thầy chưa từng chết thì làm sao biết được?”.
“Theo kinh Phật ghi chép và những trải nghiệm lâm sàng hơn 10 năm nay cùng với cả quá trình tu tập… quá trình của cái chết quả đúng như những gì kinh Phật đã nói…”. Rồi tôi giải thích rõ quá trình của “tứ đại phân giải”.
“Ôi, nếu đúng là như thế? Con đã hiểu rồi, chính là phải thả lỏng toàn thân, chính là phải chấp nhận và buông xả đúng không ạ!”.
“Đúng rồi. Chính là phải chấp nhận, đừng đối đầu với nó. Đối đầu chỉ làm đau đớn thêm”.
Nghe xong, bà cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Vậy tiếp theo thì sao đây?
“Tuy rằng, y học ngày nay đã tiến bộ hơn trước đây rất nhiều, nhưng chỉ có thể khống chế được 60% đau đớn, 40% còn lại vẫn phải dựa vào chính mình. Thế nhưng, khi bà hiểu được quá trình của cái chết, tâm lý đã có sự chuẩn bị, biết được phương pháp, và trong lòng cũng đã thanh thản thì đau đớn sẽ tiếp tục giảm… Cái này giống như có ai đó bất ngờ vỗ lưng khiến bạn giật mình và nhất định sẽ ảnh hưởng đến cơ thể bạn. Nhưng trước khi vỗ nếu người đó đã nói với bạn để bạn chuẩn bị tâm lý thì sẽ không bị giật mình”.
“Quá trình này cũng giống như một người không biết bơi, sơ ý bị rơi xuống biển. Khi đó cần phải vớ được một khúc gỗ thì mới không bị chìm xuống. Khúc gỗ này còn có thể giúp bạn đi từ bờ bên này sang bờ bên kia, đi từ kiếp này sang kiếp khác. Tứ đại phân giải chắc chắn sẽ xảy ra, cho nên khi bạn cảm thấy không thoải mái và đau đớn thì cần phải đem tất cả sự tập trung đặt vào khúc gỗ, chứ không phải đặt vào sự đau đớn của tứ đại phân giải. Như thế, bạn mới có thể bình an vượt qua…”.
Bà mẹ đã hiểu, liền hỏi: “Khúc gỗ đó là cái gì?”.
Thế là tôi lấy ra cuốn kinh Phật và nói: “Khúc gỗ ấy là cái này - A Di Đà Kinh!”.
“A Di Đà Kinh viết cái gì mà con đọc không hiểu!”.
Do bà rất rành về bất động sản nên tôi tùy duyên so sánh: A Di Đà Kinh thực ra giống như một căn nhà rao bán. Chúng ta mua nhà. Khi xem nhà, bao giờ ta cũng muốn tìm hiểu xem căn nhà được xây dựng như thế nào? Vật liệu bao gồm những gì? Các phòng được ngăn như thế nào? Có thông gió không? Môi trường xung quanh ra sao? Giá bán là bao nhiêu? Sau đó, bạn có thích căn nhà ấy hay không? Làm sao thì mới mua được? Kinh văn, chính là giống như căn nhà đang rao bán, hiện ra thế giới tương lai cho bạn. Chỉ có điều, bạn có muốn mua nó hay không?”.
Bà nghe đến đó cảm thấy rất hứng thú, cứ cười miết và nói: “Ha ha, căn nhà rao bán…”. Sau đó bà hỏi: “Cho nên, ai cũng mua được phải không ạ?”.
“Không dễ mua đâu! Không phải có tiền là mua được. Trước hết, bà cần phải hiểu rõ về nó. Bà có muốn mua không? Nếu muốn mua thì chúng ta sẽ nghĩ cách mua! Thế bà có đồng ý mua không?”.
Bà mẹ lập tức nói: “Con muốn mua”.
“Thế thì phải chịu khó nha”. Tôi bắt đầu sắp xếp bài học cho bà. Mỗi sáng thức dậy, khi ngồi ngoài phòng khách phải tụng một lượt A Di Đà Kinh. Buổi chiều, buổi tối lại tụng một lần nữa khi rảnh rỗi.
Bà mẹ quả thật đã làm theo lời của tôi. Bà không những chăm chỉ tụng kinh sáng, tối, mà còn nỗ lực tìm hiểu xem nội hàm, cảnh quan của căn nhà rao bán này như thế nào. Thật ra, bà mẹ rất khó tin người khác, nhưng một khi đã tin rồi thì sức thực hành rất mạnh.
Giáo dục về cái chết, thuyết pháp không lời
Không lâu sau, một tình nguyện viên đến thăm bà và phát hiện tâm trạng của bà hết sức xấu!
Hai hôm sau, khi tôi đến thăm, bà phiền não nói: “Hộ lý nói chân của con ngày càng nghiêm trọng, cuối cùng sẽ không đi được… chỉ có thể nằm ở trên giường… như thế thì con thà chết đi. Không có sự trang nghiêm thì còn đau khổ hơn cả cái chết”.
Tôi đồng tình với bà: “Một câu nói đã làm bà gục ngã rồi!”.
Tôi hỏi: “Bà hiểu rõ về bệnh tình của mình như thế nào? Bà cho rằng còn bao nhiêu thời gian nữa?”.
“Dạo này cơ thể con càng lúc càng yếu, có thể chẳng còn nhiều thời gian nữa đâu!”.
“Đúng rồi! Bà có nhìn thấy ai sắp xa lìa cuộc sống mà còn có thể chạy nhảy được không? Nằm một chỗ cũng là điều bình thường thôi! Bây giờ bà cũng đã vào giai đoạn ngủ nhiều rồi, cứ ngủ mê man suốt ngày. Nếu như chờ đến ngày đó, bà cũng không cần phải lo lắng việc mình có cử động được hay không, huống hồ cũng sẽ không nằm quá lâu…”.
Nghe tôi nói xong, bà như trút được gánh nặng, mỉm cười và nói: “Nếu như tình trạng của con tiếp tục xấu đi, thì con bảo bạn bè đừng đến thăm con nữa”.
“A, bà cũng không cần các thầy đến nữa sao?”.
“Không phải, không phải! Các thầy nhất định phải đến. Mỗi lần các thầy đến thăm con đều rất vui”.
Nói xong bà mẹ dường như có tâm sự, rồi bà lại nói: “Con rất hối hận! Trước đây, khi còn khỏe mạnh con chỉ biết vui chơi. Thật sự là con hy vọng mình có thể làm tình nguyện viên như các thầy, đi giúp người khác!”.
Tôi khích lệ bà: “Hiện giờ bà cũng có thể làm tình nguyện viên mà!”.
Bà mẹ rất hoài nghi: “Con hằng ngày ngồi ở nhà không ra khỏi cửa, làm sao có thể làm tình nguyện viên được?”.
Tôi nói tiếp: “Bà có biết điều khó khăn nhất trong cuộc đời là gì không? − Chuyện đại sự về sinh tử”.
“Đứng trước sự sống và cái chết mà vẫn có được lòng tin, có sức mạnh, thì đó chính là một tấm gương sáng. Đó cũng là một tình nguyện viên giỏi”.
“Bất luận là con gái, con rể, các cháu, tình nguyện viên, bác sĩ, y tá… họ đều đang nhìn xem, bà làm sao đối diện với khó khăn này. Quá trình này, bản thân nó đã là một hình thức giáo dục, dạy cho mọi người biết sự chết đi là cái gì? Những người xung quanh bà đều không thể làm được điều này. Chỉ có bà mới đủ tư cách, mới có thể dạy được. Bà là người đứng đầu, có trách nhiệm và nghĩa vụ hướng dẫn những người khác. Bà chính là một tình nguyện viên giỏi nhất”.
Nghe xong, bà mẹ cảm thấy có lý và vui vẻ chấp nhận. Thế nhưng, bà vẫn lo lắng một số điều. Đó là khi đối diện với tứ đại phân giải, nếu lỡ bà quên mất thì phải làm thế nào? Bà cũng lo lắng, lúc đó con gái bà có một mình, thì không biết nó phải xoay xở ra sao?
“Bà không cần phải bận tâm. Nếu như bà đồng ý, tôi sẽ tiếp tục đến thăm bà và sẽ nhắc nhở bà đang ở giai đoạn nào. Nếu như bà không chê thì chúng tôi cũng không bỏ rơi con gái bà đâu”.
Tôi dường như có thể thấy được, một ngày nào đó một người tình nguyện viên giỏi nhất, trong thời khắc cuối của cuộc đời mình, thuyết pháp theo hình thức “không lời” với mọi người…
CHĂM SÓC TÂM LINH
Tín, nguyện, hạnh - thấy được cái không nhìn thấy
“Có cá mập, có cá mập!”. Một cậu bé kêu lên. Những người đang tắm bên bờ biển sợ hãi bỏ chạy. Một lần, hai lần sau đó, mọi người đều cho rằng cậu bé nói dối gạt người.
Mãi cho đến một hôm, có một người đi trên trực thăng, từ trên không nhìn xuống mới phát hiện ra, hình dáng của hòn đảo giống như một con cá mập. Cậu bé này vốn có một năng lực khác người, có thể nhìn thấy toàn bộ diện mạo của hòn đảo. Người bình thường chỉ tin vào những gì mà mắt mình nhìn thấy - một góc của hòn đảo. Họ dùng góc nhìn của cá nhân mình để quan sát, và luôn tự cho rằng mình đã nhìn thấy tất cả.
Việc như thế có thể ngày nào cũng xảy ra đối với mỗi người, dần dần nó được tích lũy lại, trở thành ý kiến phiến diện hoặc thói quen tự cho mình là đúng, tạo nên sự rắc rối, vướng mắc về thân tâm, xảy ra xung đột về quan hệ, dẫn đến cả đời hối tiếc.
Về mặt chăm sóc tâm linh, nếu như người bệnh bị sốc, không thể chấp nhận hiện thực, bất luận là quan hệ hay là xu hướng của sự việc, chúng ta sẽ cố hết sức để có thể giúp bệnh nhân nhìn lại quá khứ và hiện thực. Hãy thử dùng nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó phát hiện và nhìn thấy toàn bộ diện mạo mà lâu nay người bệnh vốn không nhìn thấy, vén màn sương mê tối. Sau đó, tiến thêm một bước, là dẫn dắt người bệnh thể nghiệm tự nhìn nhận sức mạnh nội tại của mình - thể nghiệm sự tồn tại của tâm linh.
Không nhìn thấy, hoặc là chưa nhìn thấy, không có nghĩa là không tồn tại. Tâm linh cũng là như vậy, nhìn không thấy, sờ không được, nhưng có thể hiểu và cảm ứng; nó ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta bất cứ lúc nào.
Chỉ có điều, thông thường chúng ta luôn chỉ nhìn thấy “thân tâm” và nghĩ rằng đó là tâm linh.
Tâm linh vượt qua “thân tâm”. Chết đi, chính là sự tồn tại rời xa “thân tâm”. Hai cái này có chỗ thông với nhau. Nói một cách đơn giản, chết đi là đổi một cách tồn tại khác, cũng chính là trạng thái tồn tại của tâm linh.
Vậy, việc thể nghiệm sức mạnh nội tại không nhìn thấy, hoặc sự tồn tại của cảm ứng tâm linh như thế nào? Trước hết, phải bắt đầu từ “nội quán” - quán chiếu tâm hướng nội.
Đa số con người chúng ta đem hết tâm sức cả đời để bấu víu những thứ ở ngoài. Đó có thể gọi không hề khoa trương một chút nào là “cái tâm lăng xăng”. Từ khi sinh ra đến lúc chết đi, những điều ta thường nghĩ đến mỗi ngày là: “Tôi có thể đạt được cái gì? Có được cái gì? Hưởng thụ cái gì? Tôi làm sao để được bình an? Người nhà của tôi làm sao để được bình an? Tôi phải làm sao để công thành danh toại, lưu tiếng thơm đến muôn đời…”.
Nếu chúng ta dành toàn bộ thời gian để nghĩ đến “cái tôi”, thì tâm nhất định sẽ bấu víu vào những thứ bên ngoài.
Bước thứ nhất của cảm ứng tâm linh là tâm phải hướng nội, dừng hết tất cả những bấu víu với bên ngoài. Chú tâm dừng lại sự bấu víu. Học cách ngồi thiền, học cách chuyên tâm thì trí tuệ, bình an và năng lượng nội tại sẽ phát sinh.
Cái chết là thời điểm cơ thể chuyển từ sự tồn tại hữu hình sang tồn tại vô hình. Cảm ứng tâm linh là kết quả của tâm niệm từ “chấp trước của cái tôi” chuyển biến thành “vô chấp vô ngã”. Hai vấn đề này thông nhau ở chỗ: bỏ đi sự chấp trước thì có thể bình an, rời xa cái khổ để có được niềm vui. Cảm ứng với thế giới Cực lạc cũng kỳ diệu giống như điều mà đạo Thiên Chúa gọi là “trở về với Chúa”.
Đối với người bình thường mà nói, đến giai đoạn sắp chết rồi mới tập thiền, tập bỏ chấp trước thì sẽ có khó khăn nhất định. Nhưng, vẫn còn may mắn là Phật Đà từ bi đã giảng về pháp môn Tịnh độ. Trong Phật thuyết A Di Đà Kinh có miêu tả cảnh tượng và sự thù thắng của thế giới Tây phương Cực lạc cũng như phương pháp vãng sinh. Người nào chí tâm niệm Phật, nhất tâm bất loạn thì “người đó khi chết sẽ được Phật A Di Đà và chư Thánh chúng hiện ra trước mặt. Nếu người đó, trước khi chết mà tâm không điên đảo, thì sẽ được vãng sinh đến cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà”.
“Nhất tâm bất loạn” tuyệt đối không phải đi một bước là tới, mà cần phải có một quá trình tập luyện nhất định. Quá trình luyện tập này, cũng là sự “chuẩn bị cho cái chết”, mà chúng ta thường nói tới khi chăm sóc bệnh nhân. Phật tử thường hay gọi đó là “tư lương (tiền bạc và lương thực) chuẩn bị cho vãng sinh”.
Tóm lại, có ba điều quan trọng, một là khởi tín, hai là nguyện thiết và ba là thực hành. Đó chính là: ba nguồn lương thực dành cho vãng sinh - “tín, nguyện, hạnh”.
Lương thực nói đến ở đây là cái gì? Cũng giống như khi bạn đi du lịch xa cần phải chuẩn bị đủ tiền và vật dụng cần thiết. Bạn chuẩn bị càng chu đáo thì chuyến du lịch của bạn càng được hoàn hảo.
Thế thì, phải chuẩn bị tư lương cho vãng sinh như thế nào?
Trước tiên, nhất định phải “tín”. Phải tin rằng, ngoài cơ thể này ra còn có sự tồn tại của trạng thái tâm linh. Tin rằng có sự tồn tại của thế giới Tịnh độ. Cũng cần phải tin rằng, mình có thể tự quyết định và rất có tư cách để đi. Tin rằng, bản thân trước đây đã trồng cây thiện, nên mới có thể gặp được phương pháp này. Tin rằng, chúng ta và Phật A Di Đà có mối nhân duyên nhất định ta có thể sinh về thế giới Cực lạc.
Cho nên, không được xem nhẹ bản thân, không được cho rằng mình đã phạm nhiều lỗi lầm thì không thể đi đến thế giới Cực lạc. Vì bất luận quá khứ như thế nào, thì hiện tại bạn đã sám hối, đã sửa chữa, đã bỏ cái ác làm điều lành, và bạn có thể đem những tội chướng ấy đến thế giới Cực lạc để tiếp tục tu hành. Trên thực tế, ngoài những đại sư có tu chứng ra thì tuyệt đại đa số chúng ta đều mang theo nghiệp chướng sang thế giới Tịnh độ.
Thứ hai, sau khi có niềm tin, cần phải có “nguyện”. Cũng chính là bạn đồng ý: nguyện cầu sinh về thế giới Tây phương Cực lạc; nguyện học tập theo Phật; nguyện đoạn bỏ tất cả các phiền não; nguyện cho người khác cũng thoát khỏi phiền não, có lợi cho mình và cũng có lợi cho người… Đây không phải là sự miễn cưỡng, không phải người khác dắt bạn đi, mà là bạn tự đồng ý gần gũi với Phật A Di Đà. Nếu như bạn không đồng ý, cho dù Phật A Di Đà có đồng ý đến đón bạn thì cũng không có cách nào tương ứng cả, bạn không thể đến thế giới Cực lạc được.
Thứ ba, bạn tin rồi và cũng đã đồng ý rồi thì phải “hạnh”, cũng chính là việc làm thực tế - đó là niệm Phật, một phương pháp đơn giản nhất, dễ nhất.
Nói đơn giản thì “tín, nguyện, hạnh” chính là phải: “Tin tưởng có sự tồn tại của thế giới Cực lạc. Tin tưởng sự từ bi của Phật A Di Đà không bỏ chúng ta. Tin rằng, nhất tâm niệm Phật sẽ có thể vãng sinh Tịnh độ. Bởi vì tin tưởng, nên phát nguyện chân thành, khẩn thiết và ngày ngày thực hành, nhớ về Phật, niệm Phật cầu xin vãng sinh Tịnh độ”.
Nói về phương diện lâm sàng thì phải nói về tín, nguyện, hạnh trước. Rồi sau khi đã có được mối quan hệ tốt đối với bệnh nhân và bệnh nhân đã tin tưởng thì sẽ khởi lên động lực tình nguyện tu tập. Vậy, phải khởi động như thế nào? Chính là phải tìm hiểu kỹ xem người bệnh quan tâm đến cái gì? Vướng mắc điều gì nhất? Yêu cái gì nhất, hoặc có hứng thú với điều gì nhất? Với tiền đề như thế, việc tu tập không những chỉ có ý nghĩa, mà sẽ còn có cả sức mạnh.
Cùng với sự phân hủy thân tâm ở giai đoạn lâm chung và cả áp lực khi cái chết đến gần, người bệnh nếu như có thể tin, thiết nguyện và thực hành thì niệm Phật rất dễ có cảm ứng. Nó có thể giúp cho người bệnh càng có năng lực để thích ứng với nỗi thống khổ về sự xáo động thân xác mà giai đoạn lâm chung tạo ra.
Trên lâm sàng, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân niệm Phật cảm ứng. Có bệnh nhân đã nhìn thấy mặt đất dát vàng của thế giới Cực lạc. Có người nhà bệnh nhân nhìn thấy cảnh tượng Phật A Di Đà tiếp dẫn người thân của mình. Có bệnh nhân nhìn thấy các đóa hoa sen lớn nhỏ khác nhau, nhiều màu sắc của thế giới Cực lạc. Cũng có một người mẹ, sau khi con mình vãng sinh, đã mơ thấy Phật A Di Đà nói với bà: “Cậu bé giờ không còn là con của bà nữa rồi, mà đã là con của ta”. Phật nói xong bèn bế đứa bé trong nôi đi, để lại bà mẹ với tâm trạng buồn vui lẫn lộn.
Cùng với việc chứng kiến của bệnh nhân thì những người chăm sóc bệnh nhân như chúng ta lại càng phải có lòng tin vào pháp môn niệm Phật. Tin rằng, đây là pháp môn trí tuệ, nó trợ giúp cho người bệnh khi lâm chung. Nhưng, cũng cần đặt ra một yêu cầu: đối với những người chăm sóc thì càng phải có nhiều kỹ năng hơn để giúp cho người bệnh có thể tin tưởng.
Thí dụ, người mẹ trong câu chuyện đã kể, thích bất động sản, nên thầy lấy “ngôi nhà rao bán” để ví von, dẫn dắt bà đến với quan niệm “tín, nguyện, hạnh”. Chúng ta cũng có thể lấy “du học”, “bảo hiểm”… làm ví dụ. Tùy vào từng hoàn cảnh mà có cách xử lý khác nhau. Mục tiêu càng rõ ràng bao nhiêu sẽ càng dễ hiểu bấy nhiêu, người bệnh sẽ luôn đồng ý chuẩn bị hành trang cho mình. Họ tu tập, tiến tới thể ngộ được sự giàu có của bản thân vốn nằm ở đâu. Đó chính là kinh nghiệm nhìn thấy cái không nhìn thấy, người bệnh không còn cảm thấy hư vô hoặc xa vời, không với tới nữa.
Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh là muốn có kết thúc tốt đẹp, cầu sinh Tịnh độ thì không thể thiếu phúc đức nhân duyên. Không phải chỉ có tín, nguyện, hạnh, mà còn phải có sức mạnh của hộ trì tốt và cả thiện hạnh. Đối với người sắp chết mà nói, sự hòa giải mối quan hệ trong gia đình và sự ủng hộ của gia đình là hết sức quan trọng.
Về vận dụng lâm sàng, chúng ta không chỉ cần người bệnh niệm Phật, họ còn phải buông bỏ tất cả, không nghĩ về bất cứ điều gì hết, và chúng ta hy vọng họ vui vẻ nói lời tạm biệt với người nhà. Điều này, trước tiên làm cho người trong nhà yên tâm, rồi sau đó bình tĩnh hộ trì cho nguyện vọng cuối cùng của người bệnh.