Bạn nên dẹp bỏ tất cả những gì làm phiền bạn mà chẳng có ích lợi gì… Chỉ cần trong lòng bạn dung nạp cả vũ trụ, hiểu được tính vĩnh hằng của thời gian, thì bạn có thể quan sát mọi thay đổi nhanh chóng trong quá trình ngắn ngủi từ sinh đến tử, đồng thời bạn sẽ nhận ra thời gian vô hạn, lúc còn sống cũng như đã chết.
Marcus Aurelius
CHĂM SÓC TÂM LINH
Lục đại pháp môn - phương pháp tăng cường sức mạnh nội tại
Anh Vinh đe dọa sẽ tự tử!
Anh ấy không thể chấp nhận việc hai chân đã mất hết chức năng, không thể tự lo cho mình, ngày nào cũng la mắng, ngày nào cũng oán trách, thuê hết người chăm sóc này đến người chăm sóc khác, họ cứ ra ra vào vào bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ điều trị cho anh ấy cũng bó tay…
Người nhà lạnh nhạt
Lần đầu tiên đến nhà thăm anh ấy, con gái anh ấy đứng ở cửa hỏi: “Ông muốn làm gì?”; giống như không hoan nghênh chúng tôi. Vợ của anh ấy tránh không gặp, chỉ thấy trên bàn thờ rất nhiều tượng Phật và thần linh… Không khí gia đình tẻ nhạt, lạnh lùng.
Vào phòng thăm anh Vinh, anh ấy liên tục oán trách: “Tôi đã ốm nặng như thế này mà vợ không ở nhà chăm sóc lại còn đi làm, xin tiền con gái cũng không cho, tôi gọi cho con trai, nó cũng chẳng để ý gì đến tôi… Tôi cho bạn mượn tiền, bạn cũng không trả, bây giờ cũng không đến thăm tôi nữa…”.
Sau khi trách hết người nhà và bạn bè xong, anh ấy đau khổ nói: “Thầy ơi, mong thầy nói với gia đình tôi rằng: ít nhất họ cũng quan tâm đến tôi một chút chứ!”.
Tôi hẹn với người nhà của anh ấy để nói chuyện. Vợ anh tránh né, có ý đi ra ngoài vắng nhà. Con gái thì không quan tâm, thậm chí những phản hồi cũng chỉ toàn là tiêu cực.
Vợ anh ấy nói với tình nguyện viên công tác xã hội ở bệnh viện: “Anh ấy không la mắng, không nói năng gì thì càng tốt. Đây chính là thời gian bình an nhất kể từ khi tôi lấy anh ấy, không cần phải nhắc đến chuyện gì nữa!”. Con gái lớn anh ấy cũng từng nói: “Con người ấy nếu có chết cũng không cần phải thông báo cho tôi”.
Vậy nhà họ đã xảy ra chuyện gì?
Rốt cuộc tôi vẫn chưa có được những thông tin từ người nhà mà chỉ có thể nói chuyện với anh Vinh về cuộc đời của anh.
“Hồi đó, tôi là đầu bếp trưởng, tiền lương còn cao hơn cả Tổng thống Lý Đăng Huy…”. Anh Vinh đắc ý nói, anh là con trai út được mẹ và chị gái vô cùng cưng chiều, đặc biệt là chị gái thường hay cho tiền tiêu xài. Anh nhỏ hơn vợ hai tuổi, và vợ cũng chiều anh… coi anh giống như người cha, người mẹ.
Hồi còn trẻ, anh Vinh rất thích bài bạc, mà mỗi lần bài bạc thì đều thua, không những thế, anh lại còn kết giao với đám bạn ăn nhậu. Tiền anh kiếm được không phải chi vì thua bài bạc thì cũng dùng để ăn uống ở nhà hàng và trai gái. Khi hết tiền thì về nhà đòi, đòi không được thì chửi bới, sau cùng thì không chỉ lấy trộm tiền của vợ, mà ngay cả tiền nữ trang cưới hỏi của con gái lớn anh cũng lấy cắp đi…
Thì ra là thế!
Bắt đầu từ việc thay đổi chính mình
Sau khi tìm hiểu sơ về tình hình thực tế, lần sau đến thăm, tôi nói với anh Vinh: “Thử nghĩ xem hồi anh còn trẻ đã sống vô trách nhiệm như thế, kiếm được nhiều tiền vậy, không những chẳng giúp vợ nuôi gia đình, lại còn hung ác với người nhà… chả trách mà người nhà không quan tâm đến anh! Việc gì anh cũng luôn oán trách, cứ la mắng, như vậy trong lòng sẽ trống rỗng, sẽ trở thành hố đen, thân thể cũng sẽ càng khó chịu, thử hỏi có ai muốn tiếp xúc với một người như thế?”.
“Anh thử nghĩ xem bây giờ có bao nhiêu người đến thăm anh? Bác sĩ, y tá, tình nguyện viên xã hội trong bệnh viện một tuần đến thăm anh bốn ngày, hoàn toàn không thu phí. Hồi anh còn phong độ, anh có mời những người này uống trà hay dùng cơm một lần chưa? Chưa hề mà! Vậy tại sao mọi người lại đồng ý tới đây? Chẳng lẽ đó là chuyện họ bắt buộc phải làm sao?”.
“Anh lại thử nghĩ xem, thuê người chăm sóc một tháng hết bao nhiêu tiền. Vợ anh nếu không ra ngoài đi làm thì tiền ở đâu ra? Con trai thì giống như anh nói, lương có hơn 20.000 Đài tệ, nuôi bản thân cũng còn khó khăn. Huống hồ, hồi trước lương anh hàng trăm ngàn, anh cũng không nuôi gia đình, vậy giờ anh làm sao yêu cầu họ phải như thế này như thế kia chứ?”.
“Bây giờ chuyện duy nhất anh cần phải làm là thay đổi chính mình, như vậy mọi người xung quanh mới có phản hồi! Nếu anh không thay đổi, vẫn giống như trước, chỉ biết đòi hỏi mọi người thì làm gì có ai chịu ở gần anh? Nếu anh cứ tiếp tục oán trách, la mắng, không những bệnh của anh không thể khỏi, mà ngược lại còn nặng hơn, người nhà và những người quan tâm anh sẽ càng xa lánh anh hơn…?”.
Rất ít khi tôi trực tiếp chỉ ra những vấn đề của bệnh nhân, nhưng gia đình này quá lạnh nhạt, mà vấn đề lại nằm ở người bệnh, hơn nữa biết người bệnh tin tưởng nên tôi mới nói thế.
“Thầy ơi, tôi biết rồi, tôi phải thay đổi bản thân mình!”. Có lẽ anh ấy cảm thấy tôi nói có lý nên đã trả lời như vậy.
Lần thứ ba, lần thứ tư, khi tôi đến thăm anh, chúng tôi lại lần lượt nói chuyện rất nhiều, “ngoài việc phải thay đổi bản thân, anh còn cần phải ăn năn hối lỗi…”.
“Nhớ lại những hành động, việc làm trước kia của anh, vậy mà người nhà không để anh ra ngoài, đồng ý cho anh về nhà ở, lại còn thuê người chăm sóc anh. Còn nữa, bác sĩ và anh không có mối quan hệ thân thiết gì, sao lại tận tình chăm sóc khám bệnh cho anh? Y tá ở bệnh viện cũng đến nhà tắm giúp anh, anh cũng không trả tiền. Tại sao họ lại tự nguyện đến? Lại còn có tình nguyện viên từ nơi xa đến, anh đã từng làm giúp họ việc gì chưa?”.
“Hãy nhìn kỹ lại đi, mọi người xung quanh đều vì anh mà! Còn có thầy ngồi đây nói chuyện với anh! Anh phải nhìn thấy tất cả những gì anh có, để tỏ lòng biết ơn. Một khi anh có lòng biết ơn, thì trong lòng sẽ không thiếu thốn. Khi trong lòng đầy đủ rồi, thì sẽ ôn hòa dịu hiền, làm vui cái bụng. Như vậy, thân thể anh sẽ thoải mái dễ chịu hơn, và cũng dễ ra đi hơn…”.
“Anh biết không, bản chất thật sự của anh rất lương thiện, nên mới cảm hóa được nhiều người đến với anh vô điều kiện như thế. Hy vọng, anh sẽ thể hiện được bản chất lương thiện của mình…”.
Dù nói nhiều như vậy, nhưng tôi cũng không biết anh Vinh có nghe thấu không?
Thay đổi, gia đình đã nhận thấy
Sau một tuần, đột nhiên tôi nhận được một cuộc điện thoại từ con trai anh Vinh, họ nói rất mong được gặp tôi để nói chuyện.
Vì gia đình phát hiện hình như anh ấy đã khác rồi! Có gì khác vậy?
Trước đó, vào lúc nửa đêm anh Vinh cứ gọi tên con trai, hoặc cứ gọi người nhà, rất ồn ào, khiến con trai cãi nhau với cha, ngay cả người chăm sóc cũng chịu không nổi… Không ai muốn đến gần anh. Bây giờ, nửa đêm rất yên tĩnh, anh không kêu gọi ai nữa, thậm chí còn nói “cảm ơn” với người chăm sóc!
Họ kể với tôi rất nhiều chuyện quá đáng của anh Vinh trước kia, tôi rất cảm thông với cảm nhận của họ.
Trên thực tế, anh Vinh đã nói với tôi rất nhiều lời cảm ơn và hối lỗi đối với người nhà. Anh vẫn còn tình yêu gia đình, nhưng anh ấy nói mình là người đàn ông, làm sao dám mở miệng mà nói lời xin lỗi trước mặt mọi người chứ!
Tôi nói với người nhà anh Vinh về những điều anh ấy nghĩ trong lòng nhưng không dám nói ra, anh đã nói: “Tôi mắc nợ vợ mình rất nhiều, khi tôi mất rồi, con trai lại không kiếm được nhiều tiền, nếu sau này con cưới vợ mà vợ lại không tốt với mẹ thì phải làm sao?”.
Vợ anh nghe mà rơi nước mắt.
Anh ấy cũng nói: “Tôi luôn cảm thấy có lỗi với con trai, cũng thiếu nợ con nữa. Nhớ hồi con còn nhỏ, một hôm nó nói với tôi rằng: “Cha ơi con cảm thấy mệt!”. Tôi đã không quan tâm đến con, còn đẩy nó ra để làm việc của mình. Đến khi đi ngủ, phát hiện con trốn trong chăn, mở ra xem thì thấy con bị chảy máu cam…”.
Lúc này, mắt con trai đỏ lên. Anh ấy nói: “Lúc đó có thể con còn nhỏ quá, con cũng quên rồi. Mà từ trước đến giờ con không biết cha đã nghĩ như thế”.
Còn nữa, anh Vinh trọng nam khinh nữ, nhưng cũng nói: “Tôi không coi trọng con gái, nhưng tôi có đứa con gái làm việc ở nhà hàng, nó luôn mang thức ăn ngon về cho tôi ăn…”.
Sau khi gia đình nói chuyện xong, thái độ của mọi người dần dần thay đổi, mọi người chịu đi vào phòng và động chạm vào người anh ấy, giúp đỡ chăm sóc, chứ không đứng ở ngoài cửa nhìn vào dò thử xem người trên giường bệnh còn sống không?
Hối hận trước mặt, chuyện về cặp song sinh
Anh Vinh luôn mong chờ “kỳ tích” xảy ra, hy vọng được sống tiếp. xem ra anh còn chưa chấp nhận sự thật, nhưng tôi không dập tắt niềm hy vọng trong lòng anh ấy.
Điều then chốt lúc này là tăng cường lòng tin. Thế là, chúng tôi tổ chức cho anh một nghi lễ quy y chính thức và hướng dẫn anh, để anh có thể nói ra những lời chân thành trong lòng trước mặt gia đình.
Sau khi anh nói lời ăn năn, hối hận và xin lỗi trước mặt vợ con, tôi dò hỏi: “Còn gì nữa không?”.
Thế là, anh ấy nói ra chuyện cặp song sinh khiến ngay cả tôi cũng phải kinh ngạc.
Năm đó khi vợ anh ấy sinh, sau khi sinh được một bé gái xong, bác sĩ phát hiện trong bụng sản phụ vẫn còn một hài nhi nằm ngang, đó là cặp song sinh, cần phải mổ để lấy con, người nhà phải ký giấy đồng ý mổ. Bác sĩ cứ đợi hoài đợi mãi nhưng không thấy người nhà đến.
“Lúc đó tôi đang ở sòng bạc gần bệnh viện, tôi biết vợ đang rất đau và chờ tôi ký giấy chấp thuận mổ. Nhưng vì đánh bạc thua, có một ma lực nào đó cứ muốn tôi ở đó để gỡ lại, và tôi không làm sao rời khỏi sòng bạc được, cứ đánh cho đến khi trời sáng. Tôi thực sự xin lỗi!”.
Cứ như thế, anh ấy đã để vợ la khóc thảm thiết mấy tiếng đồng hồ trong bệnh viện rồi mới sinh ra một bé gái nữa.
Anh rơi lệ tự trách mình, luôn xin lỗi và nói: “Bây giờ tôi bị ung thư, bụng sưng to như thế này, mới cảm nhận được khi đó vợ mang bầu, sinh con đau đớn như thế nào!”.
“Anh cũng biết à, anh cứ bài bạc, không ký giấy mổ cho tôi, để tôi đau lâu như thế, đau đến muốn xỉu luôn… do mắc nợ anh, do mắc nợ anh, trả nợ là xong rồi…”. Khi nhớ về nỗi đau năm ấy, vợ anh cằn nhằn.
Khi nói đến con trai, anh Vinh nghẹn ngào. Hai cha con đối mặt với nhau, tình cảm có lúc lên cao trào: “Điều cha buồn phiền nhất chính là con, công việc không ổn định, cũng không có bạn gái…”.
Con trai kìm nén lại tình cảm, nói: “Có rồi, con có người yêu rồi, còn chưa phải lúc ra mắt thôi. Nhưng con đã có kế hoạch rồi, sau này nếu cha có thế nào, con cũng không để mẹ một mình, con sẽ thay cha chăm sóc mẹ thật tốt…”.
Sau đó, anh Vinh nói với con gái: “Con rất tốt đối với cha, dẫn cháu chưa đầy hai tuổi về thăm cha, không chê thân thể cha dơ bẩn, để cho cháu chạy chơi trên giường cha, lại còn gọi ‘ông ngoại, ông ngoại’…”.
“Tôi đã sống cả đời, đây chính là lúc quý giá nhất, đời tôi như vậy là quý quá rồi, không có gì hối hận cả!”. Anh Vinh đã nói như vậy sau khi làm xong lễ quy y.
Sức mạnh tâm hồn, không thể tưởng tượng
Mấy ngày sau anh Vinh nói: “Thầy ơi, sau khi quy y tinh thần tôi rất tốt, lại nhớ đến thầy, trong lòng rất dễ chịu, cứ như vậy đã hai, ba ngày rồi!”.
Tôi trả lời: “Nghe nói anh cũng không cần uống thuốc nữa!”.
“Y tá mang đến tôi vẫn uống! Nhưng trước đây uống thuốc, thậm chí tăng thuốc cũng không thấy dễ chịu, còn hai, ba ngày nay thì không thế!”.
“Anh có biết lý do tại sao không?”.
Anh ấy lại trả lời: “Tôi cảm thấy có Phật Tổ đến thăm”.
“Đó chính là sức mạnh trong tâm hồn, là sức mạnh nội tại của chính anh!”. Tôi giải thích thêm. “Tinh thần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, lúc vui vẻ cơ thể sẽ thoải mái, cũng không cảm thấy đau như thế nữa! Cũng có thể nói, sau khi quy y, Phật Tổ ban phước lành và anh có lòng tin, nên trong lòng có thêm sức mạnh, cơ thể cũng cảm nhận được sức mạnh đó, vì vậy mà không suy sụp...”
“Tôi cũng không biết tại sao, chỉ cảm nhận được có một sức mạnh, cũng giống như vô tuyến điện... tôi cho rằng nó giống như sóng não!”. Anh Vinh cho biết.
Tôi nói: “Sóng não tuy không nhìn thấy, nhưng nó có sức mạnh. Điều này chứng tỏ, cho dù không nhìn thấy, nhưng không phải là không tồn tại! Nếu anh thành tâm niệm danh hiệu Phật, luôn luôn niệm Phật, thì sẽ có cộng hưởng, cũng giống như đánh điện báo vậy, Phật Tổ sẽ nghe thấy... Cũng giống như điện thoại di động, tuy không có dây, nhưng khi mở điện thoại ra, thì ta có thể gọi, nói chuyện với nhau được”.
Anh Vinh nói theo: “Tôi nghĩ như thế này, tôi chuyên chú, chăm chỉ niệm Phật, đưa tay về phía Phật, niệm lâu dài sẽ có sức mạnh, Phật nghe thấy sẽ đến dắt tay tôi! Buổi tối tôi luôn niệm Phật, có khi còn mơ thấy Phật đến… và tôi đã ở...”
Những trải nghiệm như vậy khiến lòng anh vui hẳn lên, giảm bớt nỗi đau bệnh tật, và cũng dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn!
Nhưng, ba ngày sau anh lại bị đau lại!
Tôi nói: “Từ khi anh bị bệnh đến nay, dù có nhờ thuốc thang khống chế bệnh tình, nhưng nhiều khi càng đau hơn. Anh hãy nhìn lại vào lòng mình xem có thấy an lành không? Nếu trong lòng không an, càng lo lắng hoảng sợ thì thân xác sẽ càng đau hơn! Có nghĩa là, về mặt thân xác, y học sẽ cố gắng tìm cách điều trị, nhưng về mặt tinh thần, anh phải dựa vào chính mình. Hơn nữa, y học cũng có hạn chế, khi y học đã không thể giúp mình nữa, thì chính anh phải tự giúp mình!”.
Anh Vinh chưa hiểu nên hỏi: “Khi y học không có cách nào nữa thì tôi có thể làm gì, có cách nào không?”.
“Anh từng nói, sau khi quy y ba ngày, vì trong lòng vui nên đã không cảm thấy đau. Đây không phải là dựa vào sức mạnh của mình để vượt qua đó sao? Còn nữa, dù còn có Phật ban phước lành! Nhưng, muốn dựa vào Phật, thì cũng phải xem bản thân anh có mong muốn hay tin tưởng không. Nếu không mong muốn thì cho dù Phật đã đến rồi, cũng chẳng có cách nào cả”.
Đi theo tiền, hay đi theo Phật?
Mấy ngày qua, anh Vinh không ngủ được, vì người giúp việc cứ lèo nhèo đòi phải đổi tiền, phải đổi để khi về làm kỷ niệm…
Tôi nói: “Khi khỏe mạnh anh muốn có tiền, bây giờ bệnh nằm đây vẫn đang muốn tiền? Vậy rốt cuộc anh muốn đi theo tiền, hay đi theo Phật Tổ?”.
Anh Vinh nói: “Chết rồi thì chẳng còn gì hết, tôi phải đi theo Phật Tổ chứ!”.
“Thực ra vẫn còn một thứ, đó là nghiệp báo thiện ác cho những việc mình làm cả đời. Giúp đỡ, chúc phúc mọi người bao nhiêu thì sẽ được báo phúc bấy nhiêu”.
Nghe tôi nói như vậy, anh Vinh nói ngay: “Tôi luôn luôn ăn năn, hối hận mà!”.
Nhưng anh Vinh và vợ, vẫn có lúc vì một vài chuyện mà không nhường nhịn nhau. Vợ anh ấy nói với tôi, có lần cô ấy đang tụng kinh, anh Vinh ở bên cạnh cằn nhằn nói là còn nhiều việc quan trọng hơn cần làm. Cô ấy cảm thấy bực bội nên cố ý tụng kinh lâu hơn.
Anh Vinh nói: “Cô ấy càng như vậy thì tôi lại càng cố ý cằn nhằn…”.
“Cá tính của cô ấy cũng rất kiên cường, nếu không như vậy thì làm sao cô ấy có thể nuôi được năm người con! Anh đã nói khi vợ sinh đôi, anh rất có lỗi với cô ấy. xin hỏi, anh có lỗi với cô ấy mấy phần?”.
“Chín phần!”.
“Tốt! Nhưng nếu anh dùng chín phần sức lực để nghĩ về lỗi lầm, càng buồn… vậy phần đen tối sẽ càng đen tối hơn. Cho nên, bây giờ chúng ta cần thay đổi sang một trạng thái khác, thay đổi sức mạnh có màu sắc, tức là dùng chín phần sức mạnh đó để niệm Phật, chúc phúc cho cô ấy!”.
Tôi hỏi anh Vinh có biết bốn chữ Phật A Di Đà có ý nghĩa gì không?
“Người chúc phúc rất vinh quang!”.
Tôi khẳng định rằng: “Anh rất có tuệ căn, bốn từ Phật A Di Đà có nghĩa là chúc phúc vô hạn, quang minh vô hạn. Đem những tội lỗi trong lòng chuyển đổi thành quang minh, chúc phúc, thì sức mạnh của cái thiện sẽ ngày càng lớn, và cái này có thể mang theo! Như vậy sẽ hữu dụng hơn so với việc mang Đài tệ, đô la Mỹ, hay tiền Việt đi chứ!”.
Anh Vinh kể: từng có người nói với anh ấy rằng, kiếp trước anh cũng là người xuất gia.
Tôi trả lời: “Thực ra không phải cạo trọc đầu mới gọi là người xuất gia, như vậy chỉ được gọi là thân thể xuất gia, chính yếu của người xuất gia chân chính phải là tâm xuất gia”.
Lúc này, anh Vinh nghĩ về một chuyện trong quá khứ đã làm anh giận dữ, đó là việc anh cho bạn mượn tiền để mua nhà trả góp, khi bạn giàu lên nhanh chóng, thì lại bảo không trả nợ.
Sau khi lắng nghe anh Vinh nói, tôi đồng tình cho rằng người bạn ấy không nên làm như thế! Rồi hỏi ngược lại: “Thế bây giờ anh tính giải quyết sao?”.
“Chúc phúc cho anh ấy!”.
“Rất tuyệt! Tôi vẫn đang lo anh còn mãi nhớ đến tiền, đến cuối cùng mà ý niệm cũng không được bình yên, như vậy thì tay của Phật Tổ cũng không dắt tay anh được!”.
Sức mạnh của từ bi
Sau khi quy y và hối lỗi trước mặt gia đình, anh Vinh đã trưởng thành, quan hệ gia đình cũng đã được cải thiện. Vợ anh, sau khi tan ca đã chủ động mang cơm cho anh. Khi con trai hết giờ làm, cũng gọi điện thoại hỏi cha muốn ăn gì để anh ấy mua; con gái ngồi bên cạnh cũng nắm tay anh, cùng anh niệm Phật.
Trong quá trình chăm sóc, tôi nhận thấy sự thay đổi của anh, thực sự đã không giống như trước. Còn nhớ, khi mới bắt đầu niệm Phật, tôi gợi ý anh có thể hồi hướng. Anh bảo được.
Tôi hỏi: “Vậy anh hồi hướng cho ai, nội dung hồi hướng như thế nào?”.
“Tôi cầu Phật Tổ cho tôi khỏe lại”, anh tiếp: “Phù hộ cho vợ, con tôi và mọi người đều bình an”.
Có lần, anh Vinh đang ở trong bệnh viện, tôi đến thăm anh ấy. “Thầy ơi, giường bên kia có một cụ hơn 80 tuổi, tối hôm qua luôn kêu la… tôi liền niệm Phật ở đây để hồi hướng cho cụ, để cụ bớt đau đớn”.
Một lần khác, anh Vinh được xuất viện về nhà, vợ anh ấy nói với tôi: “Mấy ngày nay sao anh ấy chẳng nói gì, hỏi cũng không trả lời, có lẽ có chuyện gì chưa giải quyết được”.
“Anh làm sao thế, sao lại mang nét mặt buồn quá vậy? Trong người anh có chỗ nào khó chịu, hay trong lòng có gì không vui?”.
Nghe tôi hỏi, mắt anh Vinh rưng rưng đỏ: “Thầy ơi, tôi thật có lỗi với Maria!”.
Maria, người giúp việc người nước ngoài này không tốt với anh Vinh, có khi mặc kệ anh, thậm chí có khi còn giơ tay định đánh anh. Sau đó, vợ anh nhìn thấy nên cho nghỉ việc. Phản ứng của anh Vinh như thế làm mọi người khó hiểu.
Anh Vinh giải thích: “Cha của Maria cũng bị bệnh giống tôi, bệnh khá nặng, cô ấy không thể chăm sóc cha, vì phải kiếm tiền nên mới bất đắc dĩ đến Đài Loan chăm sóc tôi! Cho nên, tôi đã quyết tâm và cũng đã xin với Bồ tát: Nhất định sẽ chăm sóc tốt cho Maria, không để người nhà biết những việc cô ấy làm. Bây giờ cô ấy bị cho nghỉ việc rồi, tôi cảm thấy rất có lỗi với cô ấy!”.
Tôi xác nhận và khen ngợi anh: “Anh Vinh, anh thật có tâm Bồ tát, tâm của anh rất tốt, ngay cả thầy cũng chưa làm được, thầy phải học tập anh rồi! Hãy duy trì chính niệm như vậy. Bây giờ sự việc đã xảy ra rồi, chúng ta cùng nhau niệm Phật để cầu nguyện cho Maria và cha của cô ấy!”.
Nghe xong câu chuyện, mọi người có mặt tại đó đều rưng rưng nước mắt. Anh Vinh thực sự đã thay đổi rất nhiều.
Chỉ còn một con đường
Khối u của anh Vinh không ngừng to hơn, rốt cuộc anh ấy đã chuẩn bị đối mặt với tất cả những gì có thể xảy ra chưa? Trong lòng anh ấy có sợ hãi gì không?
Cho dù bác sĩ đã nói rõ bệnh tình cho anh biết lâu rồi, nhưng anh Vinh vẫn cho rằng bác sĩ chưa nói cho anh ấy nghe, và nói với tôi: “Cứ nói thật với tôi, không sao đâu, xấu hay tốt cũng cứ để cho tôi biết, tôi đã chuẩn bị rồi!”.
Tôi bảo con trai anh nói rõ cho anh biết việc cột sống của anh đã bị khối u vây kín, tình hình không lạc quan chút nào.
Anh Vinh im lặng không nói gì. Tôi hỏi: “Anh sợ không?”.
Anh Vinh lắc đầu nói: “Không đâu!”, rồi lại im lặng vài phút.
“Anh đang nghĩ gì vậy?”.
Mắt anh Vinh nhìn chăm chú vào bức hình Phật A Di Đà tiếp dẫn treo trên đầu giường, rồi lặp đi lặp lại câu: “Chỉ còn một con đường, không còn con đường nào khác nữa rồi!”.
Có khi đến thăm anh, tôi đứng ngoài phòng bệnh hay trước cửa phòng của anh để quan sát. Tôi thấy anh nằm trên giường bệnh, hai mắt nhìn thẳng về phía trước, đưa tay ra trước mặt rồi lại thu về. Sau đó khi cánh tay đưa ra trước ấy được rút về, anh dùng tay còn lại dắt tay vừa rút về, nắm thật chặt… và anh cứ làm đi làm lại động tác ấy.
Sau khi vào phòng, tôi hỏi: “Tôi đứng ngoài cửa nhìn thấy những động tác anh làm, động tác ấy có ý nghĩa gì?”.
“Thầy ơi, tôi đang luyện tập! Khi thực sự không có cách nào, thì phải luyện tập đi nắm tay Phật”. Anh Vinh vừa hình dung sẽ nắm tay Phật như thế nào, vừa làm các động tác.
Trên thực tế, sau khi quy y anh ấy đã bắt đầu tập luyện và luôn nói: “Thầy ơi, thầy đưa tay cho tôi mượn để luyện tập một chút, nắm chặt tay của thầy cũng giống như việc nắm tay Phật Tổ, cho dù thế nào, tôi nhất định phải nắm chặt!”.
Tôi chuyển đề tài, hỏi anh: nếu một ngày, đột nhiên khối u của anh vỡ ra, anh có sợ không?
Anh Vinh trả lời ngay: “Không đâu thầy, có lẽ tôi sẽ gọi: ‘Phật Tổ ơi, cảm ơn Ngài’ ấy”. Nói xong anh lại tiếp: “Bây giờ chỉ đều là đang tưởng tượng ra thôi. Tôi cảm giác khối u đó ngày một lớn, cũng giống như trái bong bóng vậy, cũng có nhói đau. Tôi cũng không biết đến lúc đó sẽ như thế nào…”.
Tôi liền góp ý: “Quan trọng nhất, là anh cần có sự chuẩn bị về tâm lý, cho dù là khi nào xảy ra, cho dù lúc đó người nhà không ở bên cạnh, anh cũng vẫn luôn duy trì lòng từ bi. Vì không chỉ có mình anh ở đây, mà Phật Tổ luôn bên cạnh anh. Anh là đệ tử của Phật, Phật cũng giống như cha mẹ, lúc nào cũng luôn ở bên cạnh để phù hộ. Anh sẽ cảm thấy một sức mạnh rất lớn, sức mạnh ấy chính là từ bi!”.
“Anh nhớ nhé, đừng lấy tiền, mà hãy lấy quang minh, lấy chúc phúc!”.
Anh Vinh gật đầu, ra hiệu đã hiểu.
Sau đó không lâu, anh Vinh lại phải nhập viện. Vì đêm qua rất đau, nên anh cảm thấy rất mệt mỏi. Vừa bi thương lại vừa buồn sầu. Khi tôi đến thăm, anh luôn nói: “Đau chết đi được, đau chết đi được! Tôi liên tục gọi vợ, gọi người chăm sóc, gọi y tá, nhưng chẳng ai để ý đến tôi cả!”.
Thế là tôi lại nói cho anh rõ về tình trạng tứ đại phân giải của cơ thể: “Anh thử nghĩ xem, khi cơ thể phân giải còn đau đớn, khó chịu hơn bây giờ, cho dù là vợ con ở bên cạnh cũng chỉ càng thêm đau lòng, lo lắng, có ai giúp được anh không? Thậm chí cả bác sĩ, y tá, thầy… cũng không thể chịu đau đớn thay anh được!”.
“Nếu anh cảm thấy có lỗi với gia đình, không biết đền đáp như thế nào, thì đây chính là cơ hội tốt nhất! Việc cần làm bây giờ là luyện tập, để đến cuối cùng có thể tự chủ, vượt qua cửa ải cuối cùng một cách tuyệt vời, như vậy vợ con anh mới cảm thấy được an ủi. Đây cũng chính là cách đền đáp tốt nhất”.
Anh Vinh trả lời: “Tôi biết rồi! Tôi phải tự nhủ, đau đớn à, đến đi, đến đi! xem mày đau đến mức nào. Càng đau, tôi càng luyện tập nắm lấy tay Phật A Di Đà”.
“Đúng như thế, đến phút cuối cùng chỉ có anh mới giúp được anh thôi! Bác sĩ sẽ cố gắng dùng thuốc giảm đau cho anh, nhưng thuốc men cũng có hạn, phần lớn anh vẫn phải dựa vào bản thân mình”.
Vinh quang ra đi
Theo tiến triển của bệnh, chúng tôi càng thường xuyên đến thăm anh Vinh hơn, ngoài việc trả lời các câu hỏi, còn giải thích thêm cho anh về cõi Phật Tịnh độ, rồi sau đó cùng anh tụng kinh, và nói với gia đình khi tứ đại phân giải cần phải làm gì.
Trước khi ra đi ba ngày, anh Vinh đã không nói được nữa. Tôi cầm tay anh, hỏi anh tên gì, anh vẫn ý thức rất rõ và trả lời cũng rất rõ.
Tôi nói bên tai anh: “Rất nhiều người đến thăm anh, anh biết không?”.
“Vâng, rất vinh quang!”. Anh Vinh trả lời và lặp lại từ “vinh quang”.
Hôm sau, anh Vinh đã không thể đọc kinh được nữa, nhưng mắt anh vẫn luôn chăm chú nhìn hình “Phật A Di Đà tiếp dẫn” khi bên cạnh không có ai, mắt anh sáng lên, giống như thời gian đã ngừng trôi, chỉ có anh và Phật là tồn tại.
Anh Vinh vốn dĩ là người ngang tàng, nhưng bây giờ nhìn nét mặt anh rất bình thản và hiền hòa...
Cuối cùng, trong sự tiễn đưa của tất cả người thân, thời khắc thuộc về anh ấy đã đến!
CHĂM SÓC TÂM LINH
Sáu phương pháp lớn - phương pháp nâng cao sức mạnh nội tại
Bệnh ung thư giai đoạn cuối thường gây ra đau đớn, khổ sở về nhiều mặt: cơ thể, tâm lý, xã hội và tâm linh. Khi bệnh nhân được chuyển sang chăm sóc giảm nhẹ, ngoài việc giảm đau đớn về thể xác ra, họ cũng hy vọng được “thiện chung” - ra đi an nhiên. Nhưng muốn được ra đi an nhiên, thì đầu tiên phải chấp nhận sự thực là mình sắp chết. Sau đó, cần phải học các pháp môn, để khơi dậy sức mạnh nội tại, nắm rõ các kiến thức về sinh tử, chuẩn bị cho cái chết.
Nhưng, sau khi ra đi an nhiên họ sẽ đi về đâu?
Khi nói đến chăm sóc giảm nhẹ chúng ta sẽ nhớ đến “tứ đạo” gồm: Đạo tạ (cảm ơn), đạo khiêm (xin lỗi), đạo yêu (yêu thương) và đạo biệt (biệt ly). Tứ đạo này rất quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ sức mạnh để bệnh nhân đối diện với thế giới mà mình chưa biết. Do đó, họ cần học tập pháp môn để kết nối hiện tại với tương lai.
Khi chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối, chúng ta thường dùng sáu pháp môn lớn như sau: pháp môn thiện lành, pháp môn sám hối, pháp môn quy y, pháp môn niệm Phật, liệu pháp đếm hơi thở, thuyết pháp và trợ niệm lúc lâm chung.
Pháp môn thiện lành
Bất kỳ một phương pháp nào có thể giúp được bệnh nhân vượt qua sự đau đớn của bệnh tật, hướng dẫn họ đến với sự chuẩn bị cho cái chết đều có thể gọi là pháp môn thiện lành. Ví dụ như: hồi ức cuộc đời, khẳng định ý nghĩa cuộc sống, hòa giải mối quan hệ, hoàn thành những tâm nguyện, tứ đạo... đều thuộc về phương pháp thiện lành.
Như vậy, có thể rất nhiều người sẽ hoài nghi, ngay cả các phương pháp trong nghi thức tôn giáo của Thiên Chúa giáo, đạo Hồi, đều thuộc về pháp môn thiện lành sao?
Trong thực tế lâm sàng, chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân theo các loại tín ngưỡng tôn giáo, tín ngưỡng dân gian và cả những người không theo tín ngưỡng nào. Cho nên, các nghi thức như cầu nguyện lúc lâm chung, sám hối, tạ ơn Chúa (lễ Misa) của Thiên Chúa giáo; lễ của đạo Hồi, tín ngưỡng dân gian như lễ tạ ơn Ông, Diêu Trì Kim Mẫu, Ma tổ, Tam Thái Tử, hoặc cúng tổ tiên, ông bà... hoặc thậm chí nghĩ mình là người trong sạch, không tội lỗi gì với trời đất, tự có một sức mạnh chính khí..., chỉ cần hữu ích đối với bệnh nhân đều thuộc về pháp môn thiện lành.
Pháp môn thiện lành có phần thiên về sự viên mãn về mặt tâm lý xã hội, có thể nói đó là tiền đề và cơ sở của các pháp môn khác.
Pháp môn quy y - mong đợi kiếp sau
Sau khi bệnh nhân học xong bài học tâm linh về chấp nhận cái chết và các mặt tâm lý xã hội, ý thức được việc tiếp theo là phải cố gắng “chuẩn bị cái chết” cho mình, thì cần phải chuẩn bị như thế nào?
Trong thực tế, có một số bệnh nhân giai đoạn cuối không biết tương lai sẽ đi về đâu, luôn cảm thấy bất lực, sợ hãi, thêm vào đó con người trước lúc lâm chung thường ở vào thế giới mà nhận thức ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt là sau khi ngưng thở, rơi vào trạng thái thân trung ấm, trừ những nhân duyên đặc biệt, thế giới của người lâm chung thường là khép kín, đen tối và không ổn định, bất kỳ kích động nhỏ nào cũng làm cho họ vô cùng đau đớn.
Pháp môn quy y muốn thiết lập cho người lâm chung nơi nương tựa cũng như phương hướng và mục tiêu để cố gắng. Cũng giống như thắp lên một ngọn đèn, để cho dù người lâm chung thân tâm phân giải, nước chảy ra ngập hết tứ bề, ngập tràn thân thể, ngập thính giác, ngập thị giác… nhưng do ngọn đèn được thắp lên khi quy y vẫn luôn luôn sáng, trở thành đôi mắt dẫn dắt họ trong con đường đen tối sau khi ngưng thở.
Nghi thức quy y bắt buộc phải do thầy chủ trì. Việc quy y này không phải cầu mong chữa lành bệnh tật, mà là để chuẩn bị cho việc “trở về” trong tương lai. Với tiền đề như thế, trong thời gian có thể, các thầy trong bệnh viện, hay ở đạo tràng đều rất muốn cử hành nghi thức quy y cho bệnh nhân, dẫn dắt người bệnh thông qua nghi thức quy y thiết lập mục tiêu và phương hướng nỗ lực.
Các bước cơ bản trong nghi thức quy y gồm: sám hối, quy y Tam bảo, phát nguyện, hồi hướng và khai thị. Nhưng trong thực tế thì cần xem tình hình của bệnh nhân để điều chỉnh cho phù hợp.
“Quy y” trong Phật giáo có nghĩa là bắt đầu cho sự tái sinh. Nó cũng là cột mốc quan trọng trong cuộc đời con người, cũng có thể nói, từ đó họ thiết lập mối quan hệ thân thiết với Phật, Bồ tát. Cho nên, trước khi tiến hành nghi thức quy y chính thức, cần phải sám hối, để cho bản thân trở về “không”, thân tâm thanh tịnh, mới có thể tái sinh.
“Quy y” là chỉ quy y Tam bảo, bao gồm Phật, Pháp, Tăng trong Phật giáo. Ngoài việc quy y Tam bảo về mặt hình thức ra, quan trọng hơn nữa là tự phát quy y Tam bảo. Vì bản thân mỗi người đều sẵn có đức hạnh Tam bảo, chẳng qua đã bị quên lãng mà thôi.
“Phật là giác ngộ
Pháp là chân chính
Tăng là thanh tịnh”.
Cho nên chúng ta nên tự phát quy y Phật, tự phát quy y Pháp và tự phát quy y Tăng, để tìm lại nhận thức và quang minh nội tại trong bản thân mình.
Trước đây, chúng ta mong cầu sự sống, cầu thành công bên ngoài. Sau khi quy y Tam bảo, xác định rõ phương hướng, thì phải cầu vào trong, học tập tinh thần của Phật, tương ứng với tự phát Tam bảo.
Nhưng, muốn tìm kiếm sự giải thoát, chúng sinh không thể chỉ đơn độc dựa vào thân mà còn phải dựa vào tâm. Trong thực tế, chúng ta sẽ động viên bệnh nhân sau khi quy y chỉ cần chính niệm thì lúc nào bên mình cũng có Hộ pháp bảo vệ, Tam bảo phù hộ, độ trì; sau khi bản thân được lợi từ việc quy y cũng nên để tất cả chúng sinh cảm nhận thấy, để có lợi cho mình và mọi người, cần “phát nguyện” khởi phát Tâm Từ bi.
Chúng ta thường thấy người bệnh sẽ tự phát nói: “Tôi chỉ mong cái khổ này đến với tôi thôi, đừng để những người khác cũng chịu khổ”. Vì người trong cảnh đau đớn tột cùng, sẽ nhìn thấy nỗi đau bệnh tật của những người khác. Khi họ cảm nhận được một số tình cảm ấm áp, vinh quang, hân hoan thì sẽ rất dễ phát khởi Tâm Từ bi, và tấm lòng trở nên rộng lượng hơn, thậm chí tâm linh cũng cao hơn người tu hành lâu dài.
Thông thường, khi đã đến giai đoạn này, trong lòng người bệnh hoan hỷ, vui mừng, cho nên chúng ta sẽ hướng dẫn họ: “Người đang trong đau khổ không có cách nào được vui mừng hoan hỷ như bạn (ông/bà, anh/chị), vậy, chúng ta có nên đem sự hoan hỷ và công đức này chúc phúc, hồi hướng cho tất cả mọi người, để tất cả mọi người đều được hoan hỷ như bạn”.
Tiếp đó, hướng dẫn hồi hướng: “… hồi hướng cho cha mẹ, hồi hướng cho người vai trên, bạn bè thân hữu, cho ân nhân, cho người có lỗi và những người cũng đau khổ như mình, hoặc những người đau khổ hơn…”. Sau đó, cũng hướng dẫn bệnh nhân phát Tâm Bồ đề, vãng sinh thế giới Tây phương Cực lạc.
Sau khi kết thúc nghi lễ quy y, chúng ta sẽ chúc phúc cho bệnh nhân: “Chúc mừng! Lúc này bạn đã chính thức là đệ tử Phật Tam bảo, không cần phải hối hận về những chuyện trước kia, tâm linh bạn đã được tắm rửa sạch sẽ! Phật và Bồ tát đều biết, bây giờ bắt đầu từ “không”, tái sinh rồi!…”. Khi đã đến giai đoạn này, bệnh nhân và gia đình thường trong trạng thái hoan hỷ và cảm động. Lúc này, có thầy sẽ tùy theo thời cơ thích hợp để làm cầu nối, dẫn nhập vào “tứ đạo”, mời mọi người nói những suy nghĩ trong lòng, bất kể ở đó có vợ, chồng, con cái, cha mẹ… ai cần xin lỗi thì xin lỗi, cần cảm ơn thì cảm ơn, muốn nói yêu thương thì nói yêu thương, cần cáo biệt thì cáo biệt… Rồi tất cả mọi người cùng chúc phúc cho nhau.
Sau khi quy y xong, chúng ta sẽ mời bệnh nhân bắt đầu luyện tập.
Pháp môn niệm Phật - sức mạnh ổn định thân tâm
Sau khi quy y, phải niệm Phật.
Bệnh nhân thường hỏi: “Đến lúc đó, tôi có bị đau đớn giống bệnh nhân phòng bên không?”; “Tôi sẽ rất sợ!”; “Tôi sẽ đi về đâu?”...
Khi bệnh nhân đã có sự chuẩn bị về tâm lý, chúng ta sẽ nói rõ về quá trình tử vong, giải thích về “tứ đại phân giải” của cơ thể, thân tâm sẽ xảy ra những thay đổi gì, hoặc những trạng thái có thể gặp và nên đối phó với chúng như thế nào? Làm sao để làm an lòng bản thân?
Về cơ bản, chúng tôi sẽ đề xuất các pháp môn như “niệm Phật”, thông qua việc niệm Phật để chuyên chú một lòng, tâm không bấn loạn, giúp bệnh nhân từ từ an định thân tâm.
Niệm Phật như thế nào? Thực ra có rất nhiều phương pháp niệm Phật, mỗi cái có cái hay riêng, chỉ cần tìm được phương pháp phù hợp với chính mình đó là phương pháp tốt nhất. Trên thực tế, phương pháp thường dùng nhất là trì danh niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, nhưng cũng còn tùy vào tình hình mà có khác biệt. Giống như, có một số bệnh nhân sẽ phát triển ra phương pháp niệm Phật độc đáo riêng, ví dụ như cách làm động tác với ngón tay cái và niệm Phật thầm trong lòng, hoặc như anh Vinh trong câu chuyện trên.
Khi niệm Phật, phải nắm chắc nguyên tắc cứ tiếp tục đọc từng danh hiệu Phật và không ảo tưởng. Đại sư Ấn Quang đã từng nói: “Bất kể thời gian dài hay ngắn, niệm danh hiệu Phật được bao nhiêu, khi niệm Phật cần phải làm được ba điều gồm: “miệng đọc, tai nghe, tâm nghĩ”; như vậy mới dễ dàng đạt đến cảnh giới “nhất tâm bất loạn”(một lòng không bấn loạn)”.
Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh - Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm có chép: “nhất tâm (một lòng) xưng niệm” danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, đạt được rất nhiều phúc báo, ví như Quán Thế Âm Bồ tát sẽ tìm nghe tiếng của bạn để giải cứu bạn khi gặp tai nạn sông nước. Trong A Di Đà Kinh nói rõ hơn, nếu bạn nhất tâm niệm Phật, chuyên tâm niệm danh hiệu “A Di Đà Phật” thì có thể vãng sinh đến thế giới Tây phương Cực lạc. Hoặc ngay cả người trí tuệ như Văn Thù Bồ tát, Ngài không những chỉ dạy người ta niệm Phật, cầu mong đến thế giới Tây phương Cực lạc, mà ngay bản thân mình cũng muốn vãng sinh thế giới Tây phương Cực lạc.
Trong tín ngưỡng Phật giáo, mọi chúng sinh đều không muốn đến sáu con đường tái sinh luân hồi (thiên, nhân, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục), mà chỉ muốn đến thế giới Tây phương Cực lạc, và niệm “A Di Đà Phật” chính là bài học cơ bản nhất. “A Di Đà Phật” đại diện cho quang minh, hy vọng, là lời chúc phúc. Cho nên, khi bạn niệm Phật, cũng giống như chúc phúc cho mình và người khác, một đời tràn đầy quang minh.
Con người khi lâm chung thường không nỡ xa gia đình, người thân. Có những tình cảm không đành chia cách, và đến lúc này hoàn toàn không biết còn có thể làm gì cho người nhà, rất dễ cảm thấy bản thân mình không còn giá trị hay ý nghĩa gì nữa, chỉ đợi người khác chăm sóc. Cũng vì thế, khi lâm chung, chúng ta lại kết hợp Quán từ bi và phương pháp trị liệu đếm hơi thở, dẫn dắt người bệnh rằng: “Phật A Di Đà đại diện cho quang minh, chúc phúc. Niệm Phật, chính là niệm sự quang minh ấy, chúc phúc cho mình và mọi người. Cho nên khi niệm Phật, hít thở sâu và nghĩ về những điều tốt mà mọi người đã làm cho mình, hoặc những lỗi lầm, ăn năn của mình đối với người khác, chúc phúc cho họ…”. Khi đã biết khi nào niệm Phật và niệm Phật như thế nào rồi, chính là lúc dễ khơi gợi sức mạnh nội tại.
Quan sát lâm sàng cho thấy, một khi có thể kết hợp những lo lắng, những yêu thương trong lòng bệnh nhân, biết họ muốn làm vì ai, có phương hướng mục tiêu, thì việc niệm tụng cũng rất nhập tâm. Nếu không, cứ niệm hoài A Di Đà Phật, lâu dần họ sẽ cảm thấy tẻ nhạt và nhàm chán.
Khi bạn yêu thích, thì sẽ niệm Phật trong hoan hỷ và chúc phúc. Còn khi bạn đang đau khổ hoặc tức giận, cũng có thể niệm Phật để nói những tức giận, phẫn nộ trong lòng ra. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, niệm Phật khi đang rất nóng giận, sau khi xả hết nóng giận sẽ thấy cảm động, vì cảm nhận được Phật A Di Đà đang ở cùng mình; niệm Phật khi đang bi thương sẽ niệm đến phát khóc, nước mắt đầm đìa, và sau cùng cảm thấy Phật A Di Đà không bỏ rơi mình. Đây cũng là phương pháp chữa trị.
“Quy y” sẽ tạo quan hệ mật thiết hơn với Phật và Bồ tát. Do đó, có người ví Phật A Di Đà như cha, cho dù bạn đang vui vẻ hay bi thương, phẫn nộ, niệm Phật cũng giống như mình đang tâm sự với cha, có thể từ từ nói hết mọi chuyện trong lòng. Trong quá trình ấy, tâm trạng của bạn cũng sẽ từ từ thay đổi, bình tĩnh lại. Bình tĩnh niệm Phật, thì sự liên kết với Phật, Bồ tát càng sâu đậm, đồng thời cũng tạo ra cảm giác tin tưởng.
Khi con người bước vào giai đoạn tứ đại phân giải, họ có thể không còn nói chuyện được, mắt cũng không thể nhìn thấy, thậm chí rơi vào trạng thái buồn ngủ, mê sảng hoặc hôn mê. Vậy phải làm sao? Nếu bình thường niệm Phật, quán tưởng Phật đã in sâu vào trong não, niệm hoặc quán tưởng thấy mình và Phật hòa nhập làm một, lúc này chúng ta quán tưởng lại rằng: “Phật A Di Đà trong lòng tôi, tôi ở trong quang vinh của Phật, tôi và Phật A Di Đà là một thể”.
Nếu niệm Phật và cảm nhận được có sự kết nối với Phật và Bồ tát, hòa một thể với Phật A Di Đà, thường thường sẽ cảm ứng được những tồn tại mà trên thế gian không nhìn thấy, hoặc trải nghiệm những điều không thể ngờ. Như vậy, sẽ không hoảng loạn đi nắm giữ những gì nhìn thấy và những gì sở hữu, không còn sợ hãi, hay cảm thấy bất lực trước sự thay đổi từ có đến không, giảm nhẹ nỗi sợ hãi cái chết và có thể tương đối buông xả. Vì từ bờ bên này vượt sang bờ bên kia, cho dù không thấy bên kia, chỉ mang theo niềm tin để vượt qua, và biết rằng mình chắc chắn được đón rước thì đã an tâm rồi.
Liệu pháp đếm hơi thở - khôi phục sức mạnh hoạt động thần kinh tự chủ
Tứ Thập Nhị Chương Kinh có ghi: “… Có một lần, Phật hỏi đệ tử: “Đời người dài bao lâu?”. Đệ tử trả lời: “Đời người trong mấy ngày”. Phật lại hỏi, một đệ tử khác trả lời: “Đời người trong một bữa ăn”. Phật trả lời: “Các con đều chưa hiểu chân tướng về sự sống”. Phật lại hỏi, một đệ tử khác trả lời: “Đời người chỉ trong một hơi thở”. Phật liền đáp: “Con đã hiểu chân tướng của sự sống rồi”...
Hơi thở, chính là cái để duy trì sự sống, có ra có vào, có sinh có diệt, biến đổi vô thường; cho nên, thiền sư Quy Sơn Linh Hựu đời nhà Đường đã nói: “Trong chớp mắt, một hơi thở đã chuyển sang kiếp sau”. Nếu chúng ta hiểu bản chất của sự sống là vô thường, con đường giải thoát sinh tử chính là hơi thở, thì sẽ nhận thức và nắm chắc hơn về sự sống. Cho nên, tự cổ chí kim, tất cả các tông phái đi tìm sự giải thoát, đều bắt đầu luyện tập hơi thở, ví dụ như Yoga, thiền của Ấn Độ và thiền định của Phật giáo.
Cũng vì thế, trong chăm sóc tâm linh, chúng ta thường vận dụng liệu pháp “đếm hơi thở” được tạo ra từ khái niệm trên, chủ yếu là để người bệnh khi lâm chung có thể thư giãn và tập luyện sự tập trung. Cho nên, khi người bệnh mới bắt đầu luyện tập hít thở, chúng ta sẽ để cho người bệnh được thư giãn toàn thân, luyện tập qua toàn bộ cơ thể, thư giãn từ từ.
Đầu tiên, hít thở sâu ba lần, hít vào, thở ra, hít vào, thở ra... Mỗi lần thở ra đều nhắc bản thân hãy thư giãn, sau đó rất thư giãn, vô cùng thư giãn. Hít vào, thở ra, thư giãn lông mày, cặp mắt, mũi, miệng và cả gương mặt; thư giãn cổ, vai, cánh tay, ngón tay; thư giãn ngực, lưng, eo, bụng; thư giãn đùi, đầu gối, bắp vế, ngón chân... Mỗi tấc da trên cơ thể, mỗi lỗ chân lông đều được thư giãn. Cuối cùng, rà soát lại từ đầu đến chân xem bộ phận nào còn chưa được thư giãn thì hãy thư giãn, thả lỏng... Sau khi toàn thân thả lỏng thư giãn rồi, bây giờ hãy thư giãn cho trái tim còn đang chất chứa nhiều ưu tư lo lắng, thư giãn nữa, thư giãn hoàn toàn...
Đếm hơi thở theo đúng tên gọi của nó chính là phương pháp dùng các con số để đếm hơi thở, tập trung sự chú ý vào việc đếm số để đạt được mục đích tâm an định. Hít vào không đếm, thở ra đếm 1, hít vào không đếm, thở ra đếm 2, cứ như vậy đếm từ 1 đến 10, sau đó lại bắt đầu đếm từ 1 đến 10, giữ cho hơi thở tự nhiên, không cố ý điều chỉnh hơi thở.
Đợi đến khi tương đối tập trung rồi, thì có thể không đếm số nữa mà chỉ đơn thuần chú ý vào hơi thở - hít vào, thở ra, tâm linh sẽ trở nên nhạy cảm, cảm nhận được sự ma sát giữa hơi thở ra ở vùng da giữa mũi với miệng (vùng nhân trung) và tập trung sự chú ý ở vùng nhân trung đó.
Chúng tôi đã từng gặp trường hợp người bệnh trong một phút thở bốn mươi mấy lần (nhịp thở bình thường trong 1 phút khoảng từ 12 đến 16 nhịp). Nhìn anh ấy thở dốc như thế, chúng tôi liền hướng dẫn anh ấy đếm hơi thở, chỉ sau vài phút, nhịp thở của anh ấy đã xuống 20 lần/ phút, triệu chứng khó thở giảm xuống rõ rệt.
Đếm hơi thở là phương pháp tốt trong việc ứng dụng hoạt động thần kinh tự chủ, chỉ cần thở bình thường, cảm nhận hơi thở đi vào, đi ra. Đồng thời không bị tình cảm can thiệp, không dùng tín niệm để kìm chế, cứ để hơi thở tự do và phát triển, ứng với thần kinh tự chủ và hiểu cơ chế hoạt động thì có thể đạt được sự an định rất lớn, giúp thân tâm cân bằng.