Cuộc đời chưa trải qua sự tự xem xét đánh giá là cuộc đời không có giá trị.
Socrates
CHĂM SÓC TÂM LINH
Sám hối - phương pháp trút bỏ ưu phiền
Những tháng năm lêu lổng để lại bao nhiêu dấu tích khó có thể chấp nhận!
Nhưng giữa hai mẹ con họ có hận thù gì sâu đậm không? Những gì diễn ra tại Phòng chăm sóc giảm nhẹ…
Quan hệ mẹ con nhiều mâu thuẫn
Khi thấy người lạ vào phòng bệnh, hai mẹ con họ ngơ ngác nhìn tôi rồi sau đó cùng rơi nước mắt, rồi lại liên tục cầm giấy lau. Trước mắt tôi là anh Trần, khoảng ngoài 40 tuổi, mở ống thông khí quản, lưỡi lè ra ngoài, máu từ trong cứ chảy thấm qua cái khăn che miệng. Hình như trong lòng anh có quá nhiều điều khổ tâm muốn nói và đang rất mong muốn được thổ lộ…
“Có phải anh muốn nói gì với thầy không?”.
Anh ấy gật đầu, rồi dùng bút viết: “Toàn thân không thoải mái, cái đầu và cổ vô cùng khó chịu!”.
Vì y tá vào chuẩn bị tiêm thuốc, thay băng nên tôi nói anh ấy cứ tạm nghỉ ngơi.
Hôm sau, tôi gặp mẹ của anh Trần trong phòng bệnh, bà nói với giọng trách móc: “Nó trước đây từng đánh tôi, cho dù có cố ý hay không, hành động như vậy là không đúng”... Người chăm sóc cho biết, vì mẹ đòi tiền, anh ta tức quá, tiện tay cầm cái bình trên bàn ném vào người mẹ. Nhưng anh Trần giải thích: “Do mẹ đòi đánh tôi, tôi đưa tay lên đỡ không may hất đổ cái bình, không phải cố ý. Nếu mẹ nói tôi đánh bà ấy... thôi thì kệ!”.
“Tôi bị bệnh mười mấy năm rồi, luôn bị mẹ chửi rủa, không tôn trọng. Trước mặt mọi người bà ấy giỏi diễn kịch, tôi xem chán rồi!”. Anh ấy vừa rơi nước mắt vừa viết: “Đối với mẹ tôi chỉ có hận mà thôi”.
Quan hệ giữa hai mẹ con họ đã xảy ra chuyện gì?
Chỉ cần nhắc đến mẹ là anh Trần liền oán giận: “Hằng ngày bà ấy đều đến thăm tôi là vì hiện giờ tôi có tiền trợ cấp cho hộ có thu nhập thấp. Tôi bảo mẹ không cần đến nữa. Bà ấy chỉ quan tâm đến bản thân mình, mở miệng ra là đòi tiền, hễ đến là mẹ con cãi nhau…”. xem ra “tiền” đang tác quái!
Tôi hỏi dò: “Anh và người trong nhà, hình như có rất nhiều mâu thuẫn?”.
“Là thù hận! Thù hận sâu đậm!”. Anh ấy trả lời.
Tôi nói: “Nghe anh nói thật khó hiểu!”. Anh ấy gật đầu. Tôi hỏi: “Vậy người mẹ lý tưởng trong anh phải là như thế nào?”.
Anh ấy không trả lời, chỉ viết sáu chữ: “Đánh, đánh, đánh, đánh, đánh, đánh”, nhưng cũng không đưa ra được ví dụ cụ thể.
Những khi nhìn thấy mẹ buồn đến rơi lệ vì mình, anh ấy lại càng tức giận vì anh cho rằng đó là mẹ đang diễn kịch để mọi người biết anh ấy bất hiếu nhiều như thế nào. “Không có tiền, mọi thứ đều là giả dối! Ba mẹ tôi mê bài bạc, chỉ biết mượn mà không có trả, nếu không cho mượn thì họ lại kiếm chuyện… tôi đành nhẫn nhịn, không đáp trả… nhiều lúc tôi chẳng muốn nhớ chuyện ngày xưa…”. Anh ấy viết tiếp: “Tôi hy vọng mình sớm được giải thoát”.
Những ngày sau đó, việc tôi làm chỉ là bầu bạn, lắng nghe, và tìm cách biểu thị sự thông cảm với cảm xúc của họ.
Trốn tránh sự thật, không nơi nương tựa
Mấy ngày sau, anh Trần lấy cuốn Dược Sư Kinh của bác sĩ tặng cho anh ra, mong muốn tôi có thể giải thích cho anh nghe. Mười hai đại nguyện của Đức Phật Dược Sư, tôi giải thích từng điều, nhưng hình như anh ấy không chuyên tâm nghe.
Tôi thử tìm hiểu chuyện gia đình của anh ấy. Đây là lần đầu tiên anh ấy nhắc đến vợ cũ và con cái.
“Tôi không muốn liên lụy đến vợ và hai đứa con gái cho nên tôi chủ động ly hôn, và hy vọng cô ấy đi bước nữa. Không ngờ gia đình bên vợ không hiểu, cấm tôi liên lạc…”. Khóe mắt anh ngấn lệ.
Tôi nói: “Dù anh không liên lạc được, một trái tim vẫn luôn ở đó…”. Anh ấy mở to mắt nhìn tôi.
Tôi hỏi: “Anh thực sự có muốn vợ cũ đi thêm bước nữa không?”. Anh ấy liền nhún vai, không đồng ý cũng không phủ nhận.
Ba tháng trước, người vợ cũ có đến thăm anh ấy. Anh tự cho rằng quan hệ của anh với vợ cũ bây giờ cũng tương đối tốt và cũng rất tự hào về thành tích học tập của các con. Anh nhớ vợ con, mong vợ cũ đến thăm. Nhưng anh lại nghĩ nên để con gái học hành nên thôi… thế nào cũng được.
Thì ra, sau khi anh bị bệnh, rồi ly hôn, anh bèn dọn về nhà ở chung với cha mẹ, nghe chỗ nào có bài thuốc chữa ung thư liền tìm đến mua về uống.
“Tiền tôi kiếm được đều dùng để trị bệnh, đều tiêu hết rồi, khiến mọi người đều không hiểu, tôi mất hết mọi thứ…”. Hình như anh ấy đem tất cả mọi thứ đều quy về “tiền”. Tôi hỏi chen vào: “Trước đây khi buồn, anh thường tâm sự với ai?”.
“Chẳng có ai chịu bình tĩnh lắng nghe tôi, chẳng có một ai cả. Khi có tâm trạng buồn, tôi thường uống rượu một mình, câu cá, ngắm trăng sao. Tôi chẳng tin tưởng ai cả, ngay cả người thân…”. Khi viết đến người thân, anh cười nhếch mép.
“Xem ra những ngày tháng qua tôi thật cô đơn, có người thân cũng như không”. Anh ấy có vẻ ngại ngùng trả lời tôi.
“Tôi muốn chạy trốn quá khứ, còn đối với tương lai thì mù mịt, tôi cũng không biết bây giờ phải làm thế nào”. Tôi nói với anh ấy: “Chúng ta cùng thử tìm xem, được chứ?”.
Anh ấy vẫn lắc đầu, không biết bây giờ có thể làm được gì. Nhưng chỉ cần nhắc đến hai con gái, anh ấy luôn hãnh diện nói: “Con gái lớn được vào thẳng trường Đại học Sư phạm, con gái nhỏ học còn giỏi hơn, chúng đều rất có bản lĩnh”.
Tôi hỏi: “Vậy anh có mong vợ con đến thăm anh không?”.
“Không muốn! Họ đến có nhiều trở ngại lắm. Mà cũng chẳng sao đâu! Mười năm không gần gũi, thân thiết thì làm gì còn tình cảm?”.
“Tôi giống như cái xác không hồn, trời cao đất rộng nhưng cũng không có chỗ cho tôi dung thân! Tôi chỉ muốn tìm một nơi yên tĩnh để trốn ở đó, tôi rất muốn lên núi, nhưng không thể được, có nơi nào là nhà đâu? Tôi không có mục tiêu, không biết nên đi đâu về đâu? Chỉ cần các con gái tốt là tôi vui rồi. Tôi buông bỏ tất cả rồi!”.
Tôi hỏi: “Trong lòng anh rất mong muốn gia đình đoàn tụ?”.
Anh ấy không đồng tình, cũng chẳng phản đối, rồi viết tiếp: “Bây giờ hút thuốc chính là chỗ dựa duy nhất của tôi!”. Anh luôn để điếu thuốc vào chỗ mở ống thông khí quản để hút. Trong khói thuốc, anh ấy dường như có thể tạm thời xa lánh thực tại.
Khi ôn lại cuộc đời, anh viết rằng: “Khi còn trẻ tôi kiếm được nhiều tiền, luôn mời người ta ăn nhậu và mua rất nhiều nhà…”. Kỳ thực, những điều anh nói đều chỉ là những điều lý tưởng trong mơ mà anh muốn làm. Còn thực tế thì anh làm không được. Anh luôn sống trong thế giới ước mơ của mình. Khi ngày càng quen thuộc với tôi hơn, cùng với nỗi nhớ các con, anh đã thổ lộ những điều suy nghĩ trong lòng, cảm nhận mông lung về tương lai, cũng như không có nơi nào nương tựa.
Thế là tôi nói với anh ấy: “Anh có chú ý không? Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, liên tục nối tiếp nhau. Cũng giống như hoa cỏ, có sinh thì có diệt, cuộc đời con người cũng vậy, cũng từng thời kỳ qua đi, đời đời kiếp kiếp, chẳng qua cũng chỉ là sự thay đổi thân thể khác nhau, có duyên thì gặp nhau. Anh nhìn thấy hay nghe thấy có người nào trường sinh bất tử chưa? Thầy biết có nhà của Phật A Di Đà chính là nơi yên tĩnh mà anh muốn đến, sẽ để anh về ngôi nhà yên tĩnh mãi mãi đó. Nếu anh cảm thấy thích, hôm nào chúng ta tìm thời gian nói chuyện kỹ hơn…”.
Bốn ngày sau, anh ấy chỉ nhìn tôi theo phép lịch sự, không muốn viết để nói chuyện cứ lẩn tránh. Tôi nhận ra sự bất an trong lòng anh ấy.
Sự tôn trọng bị tổn thương, sợ cái chết
Tôi vẫn đi vào phòng bệnh, hỏi thăm người chăm sóc về tình trạng của anh Trần?
Người chăm sóc cho biết gần đây anh ấy luôn ngồi trên ghế lăn, lau vết máu chảy từ mũi xuống, rất hoang mang và không thể ngủ ngon… Mẹ anh ấy bảo anh ấy đừng hút thuốc nữa! Anh ấy mong ngủ thiếp rồi đi luôn thì tốt nhất, nhưng lại không cam tâm và cũng không thể nói là tại sao.
Thì ra bệnh viện sắp cho anh ra viện. Nhưng sau đó anh ấy muốn nhờ tôi nói với bác sĩ cho anh ấy được ở lại.
Tôi nói: “Anh xem, mẹ anh cũng rất quan tâm đến tình trạng của anh mà, bà bảo anh đừng hút thuốc nữa…”.
“Mẹ tôi cứ động đến là nói tôi hoang phí…”. Mẹ anh ấy thực ra cho rằng anh ấy cũng sắp đi rồi, sao còn mua thuốc lá, chơi vé số, thậm chí còn mua đồ lung tung.
“Vậy anh cảm thấy bản thân mình có hoang phí không?”. Anh ấy không trả lời.
Anh ấy còn viết, mẹ anh đòi 1.000 Đài tệ tiền điện thoại, anh ấy đã đưa 13.000 Đài tệ; vì: “Nếu không đưa thì mẹ dọa bỏ mặc tôi ở bệnh viện, giống như tôi đang cầu cạnh bà ấy vậy! Nhưng nếu tôi chết đi thì phải có người lo hậu sự cho tôi chứ”.
Tôi hỏi: “Anh sợ không có ai lo chuyện hậu sự à?”. Anh ấy không trả lời.
Thực ra, trong lòng mẹ anh nghĩ rằng: từ nhỏ đến lớn, tuy rằng con không hiếu thảo với mẹ, cũng không nghe lời, thậm chí còn chơi ma túy, lại còn bị ung thư! Nhưng khi con ra đi, mẹ vẫn là người giúp con và lo cho con mọi chuyện!
Nhưng hình như anh ấy không muốn nhắc đến mẹ mình nữa, bèn viết: “Tôi cảm thấy tự mình cũng được rồi, thật sự tôi mong có một không gian yên tĩnh… Người chăm sóc cũng sắp hết hạn rồi, tôi đành chỉ tự mình chống chọi thôi”.
Tôi khích lệ anh ấy: “Thực ra, ai đi đến đoạn cuối cùng của cuộc đời cũng đều phải dựa vào chính mình, những người xung quanh chỉ là giúp đỡ thôi! Tôi tin rằng anh có khả năng vượt qua. Cho nên, anh phải tin mình có thể thích ứng…”.
Ngày hôm đó sau khi chúng tôi nói chuyện, người chăm sóc nhận thấy hình như anh ấy có thể an tâm đi vào giấc ngủ hơn. Nhưng sau đó, sức khỏe của anh ấy xuống dốc nhanh nên tinh thần lúc tốt lúc xấu.
“Tâm trạng anh như thế nào: giận dữ, lo lắng hay sợ hãi?”. Tôi hỏi.
“Hoang mang!”.
“Hình như cơ thể tôi dần dần mất đi công năng, mắt hoa, không thể đứng dậy, không thể làm gì được nữa, không thể chăm sóc bản thân, chắc là tôi sắp chết rồi, trong khi đó ba mẹ đều không quan tâm đến tôi”.
“Tôi rối loạn lắm rồi…”. Anh ấy chỉ vào tim và đầu, một nỗi sợ hãi sâu thẳm đang giày vò, anh luôn lo rằng sau khi ra viện không có ai chăm sóc.
Anh ấy viết tiếp: “Chết là gì? Một khoảng trống rỗng…”.
Tôi trả lời: “Tôi cũng không có kinh nghiệm, không biết cảm giác khi chết thế nào? Anh có thể nói cho tôi nghe anh nghĩ về cái chết như thế nào không?”.
“Chẳng hạn như trước mắt trống rỗng, yên tĩnh… giống như khi tôi nhìn thầy, cũng cảm thấy rất mờ ảo…”. Anh ấy chỉ vào mắt mình.
“Nghe thật bất lực! Nhưng làm sao để tinh thần của mình tốt hơn là điều rất quan trọng, anh có nhớ việc lần trước chúng ta đi cho chim ăn không…?”.
Anh ấy trả lời: “Đó chỉ là nhất thời thôi!”.
“Anh đã từng nghĩ: hình như có niềm vui vĩnh hằng?”.
Anh ấy lại viết: “Hút thuốc chính là việc duy nhất cho tôi có cảm giác đang sống… chỉ giận rằng sao tôi vẫn còn tỉnh thế này”.
“Anh mâu thuẫn quá!”.
“Tôi nghĩ thôi bỏ đi, chết có gì khác đâu? Tôi sớm giác ngộ rồi!”. Nhưng rồi anh ấy lại cho biết, bây giờ chỉ mong sao cơ thể hồi phục, có thể cử động được bình thường. xem ra tinh thần của anh ấy luôn bất định.
Sau đó, anh ấy lấy ra cuốn nhật ký, trong đó viết rằng anh nhớ các con. Các con chính là nơi gửi gắm lớn nhất, cũng là điều làm cho anh ấy cảm thấy vui nhất, kỳ vọng nhất. Trong nhật ký, anh cũng viết cả bệnh tình diễn ra thế nào, phải làm gì…
“Anh mong muốn con gái và người nhà quan tâm đến mình nhưng hình như không giống như mong đợi của anh, cho nên anh rất giận! Thầy và anh có thể thử nghĩ xem - làm sao để giúp mình không khổ sở như thế, nếu không..., thầy rất thương cho tình trạng của anh”.
“Tôi không biết, thôi bỏ đi, bỏ tất cả đi!”. Viết xong, anh ấy liền không viết gì thêm nữa.
Sau đó, người chăm sóc anh ấy cho biết, mấy đêm gần đây anh ấy không dám chợp mắt, không dám lên giường, cứ ngồi mãi trên xe lăn, vì anh ấy luôn sợ khi nhắm mắt rồi thì không mở ra được nữa, lo lắng sau khi chết rồi không biết mình sẽ đi đâu?
Tôi suy nghĩ, làm sao để có thể miêu tả thêm cho anh ấy biết về quá trình lâm chung, mở nút thắt trong lòng anh ấy và người nhà.
Chân thành sám hối, có thể an tâm ngủ
Mấy ngày sau, khi tôi đi ngang phòng bệnh, đúng lúc người chăm sóc đẩy xe cho anh Trần ra ngoài. Nhìn thấy tôi, anh ấy liền vẫy tay rồi chỉ vào phòng bệnh, mặt anh hoang mang thất thần. Thế là tôi theo vào phòng bệnh.
“Có chuyện gì xảy ra vậy?”.
Người chăm sóc cho biết, bác sĩ bảo bệnh tình của anh ấy ổn định, có thể xuất viện.
“Tôi phải ở đâu? Tôi phải đi đâu? Tôi phải rời xa thế gian bệnh tật đau khổ này…”. Viết đến đây, anh ấy dùng bút đâm vào tay mình bị thương.
“Anh đang lo lắng gì vậy? Sợ hãi gì vậy? Tại sao lại đau khổ như thế?”. Tôi hỏi.
Anh ấy đã chủ động viết:
“Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thỉ tham sân si,
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết tội chướng giai sám hối.”1
1 Dịch nghĩa: Mọi thứ ác nghiệp tạo từ trước đều phát sinh do thân, ý, niệm tham sân si, nay xin sám hối tất cả.
Tôi nói với anh ấy: “Thực ra thầy là thầy, nhưng cũng có khi làm sai và cũng cần phải sám hối”. Thế là, tôi dẫn anh ấy đến phòng lễ Phật.
Anh ấy vừa viết vừa khóc để sám hối. Tôi đem tờ giấy mà anh đã viết sám hối dâng lên bàn thờ Phật. Trên giấy viết rằng: Anh đã không lo làm người tốt, không chịu học hành, nghiện rượu, đánh vợ, không chăm sóc cho gia đình, thân thể đau bệnh, trong lòng đau khổ.
Tôi thấy, trong tờ sám hối, anh ấy không nhắc đến mẹ…
Sau đó, tôi hướng dẫn anh ấy đọc văn sám hối trước bàn thờ Phật: Trước đây đã tạo ác nghiệp, nay con xin sám hối trước mặt Phật. Những ác nghiệp đã tạo trước đây, con xin được sám hối tất cả tội chướng. Những ác nghiệp đã tạo ra trước đây, con xin được sám hối tất cả tội căn. Sám hối được thanh tịnh, sám hối được an lạc. Đời này con sẽ không phạm phải sai lầm như thế nữa…
“Không phải là anh luôn mong có một nơi để dựa dẫm tinh thần sao? Tôi chỉ vào tượng Phật - Anh xem Phật A Di Đà đã đưa tay ra dài như thế để giúp anh, anh có muốn nắm tay Phật A Di Đà không?”.
“Thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà, chính là nơi yên tĩnh mà anh luôn muốn tìm. Trong thế giới Cực lạc có Phật, Bồ tát, anh sẽ không sợ hãi. Thân thể sẽ bị hư, nhưng chúng ta có một trái tim không bao giờ bị hư, chỉ cần niệm Phật thật nhiều, chúng ta đều có thể trở về quê hương vĩnh hằng…”.
Tôi hướng dẫn anh ấy lễ Phật rồi tặng anh ấy một tràng hạt.
Sáng hôm sau, khi tôi đến thăm thì anh ấy vẫn đang ngủ. Người chăm sóc cho biết, hôm qua từ sau khi đi sám hối ở phòng lễ Phật về, anh ấy đã có thể nhắm mắt nằm ngủ. Giấc ngủ kéo dài hơn 20 tiếng đồng hồ.
Tôi nghĩ, sám hối được an lạc.
Buổi chiều, khi tỉnh dậy, anh ấy cứ ngồi lần tràng hạt niệm Phật. Người chăm sóc cho biết, anh ấy quen với việc này rất nhanh, bất kỳ là ngồi trước mặt tượng Phật, hay là nằm trên giường bệnh anh đều làm như thế. Thế là tôi liền hẹn anh ấy: mỗi ngày cứ đến 10 giờ sáng, đến phòng lễ Phật tụng niệm.
Liên tục trong ba ngày anh ấy đều đến niệm Phật, đồng thời nghe tôi giảng giải Kinh A Di Đà.
Sau đó, hầu như anh ngủ li bì cả ngày.
Được tha thứ, sám hối quy y
Mấy ngày sau, người chăm sóc cho biết anh ấy bắt đầu không thể đứng được, mắt càng ngày càng nhìn không rõ…
Thế là, vợ cũ và các con đến thăm anh ấy.
Thì ra, 24 tuổi anh ấy lấy vợ, thường hay thay đổi nơi làm việc. Sau khi uống rượu thì đánh vợ. Sau khi bị bệnh, công việc không ổn định, anh thường xuyên nghi ngờ, theo dõi, thậm chí còn cầm dao đòi giết vợ. Vợ anh đành phải trốn ở nhà người chú, sau đó bất đắc dĩ phải tìm đến Hiệp hội Phòng chống bạo lực gia đình bên Hội Phụ nữ để được giúp đỡ giải quyết ly hôn.
Điều này khác hoàn toàn với những gì bệnh nhân đã nói với tôi.
Người chăm sóc kể chuyện, hôm đó các con gái khóc mãi, người vợ cũ không nói nhiều, nhưng tiếng nói nhỏ nhẹ, rất dịu dàng với anh ta, cô ấy nói: “Tôi chịu đến thăm anh tức là đã tha thứ cho anh rồi! Tôi không chấp nhất anh nữa, mong anh có thể ra đi thanh thản!”.
Anh ấy nghe thấy vậy thì rất vui, khẽ nói với vợ cũ: “xin lỗi em!”. Rồi anh cảm ơn vợ cũ và các con đã tha thứ và đã đến thăm anh, anh ấy cảm thấy an lòng hơn rất nhiều.
Chuyện vợ cũ đến thăm khiến anh ấy cảm thấy đó như là cảm ứng của việc nhiều ngày qua anh đã niệm Phật. Niệm Phật làm anh tự tin hơn và cảm thấy mình có chỗ nương tựa.
Hôm sau, chúng tôi đến phòng lễ Phật.
“Anh phải chăm chỉ niệm Phật. Anh xem, người ta đều đã đến thăm anh rồi, Phật A Di Đà đã cho anh được mãn nguyện. Anh có muốn được quy y không, trở thành đệ tử của Phật A Di Đà, niệm Phật và học Phật theo Phật A Di Đà không?”.
Anh ấy gật đầu đồng ý.
Tôi liền giúp anh ấy làm lễ quy y, đặt pháp danh là “An Tâm”. Anh ấy chắp hai tay rơi nước mắt, cầu nguyện rất khẩn thiết. Từ đó chủ nhiệm, bác sĩ, điều dưỡng, y tá, người tình nguyện đều gọi anh ấy là “An Tâm”.
Mẹ con hòa giải, điềm tĩnh ra đi
Quy y là nhân duyên rất tốt! Do đó, tôi bắt đầu hướng dẫn An Tâm nhìn mẹ với nhiều góc độ và chiều hướng khác nhau. Đồng thời, cũng hướng dẫn cho mẹ anh ấy cách để biểu thị sự quan tâm và tình yêu thương con của mình.
Khi anh ấy kết hôn, vì giúp anh mua nhà nên mẹ anh đã vay tiền ngắn hạn, sau đó bà bị vỡ nợ, nợ nần chồng chất. Anh ấy đam mê bài bạc, thậm chí còn đánh bạc đến thua mất cả ngôi nhà. Công việc hằng ngày của cha mẹ anh là thu mua phế liệu, thu nhập không cao, nên họ bèn chơi số đề với hy vọng sẽ trả được nợ…
Tôi nói với An Tâm: “Mẹ anh cũng đã già, đã ngoài 70 tuổi rồi, lại không được học hành, cả đời chỉ sống vì con cái. Bà ấy thực ra rất yêu thương anh, chẳng qua là bà không biết cách thể hiện thôi! Hằng ngày bà không quản khó nhọc, phải đi nhiều tuyến xe buýt để đến bệnh viện thăm anh, bà cũng hứa sẽ lo hậu sự cho anh, lại gọi điện thoại tìm vợ cũ đến thăm anh. Anh thử nghĩ xem, nếu bà ấy không quan tâm đến anh, thì tại sao lại phải làm như vậy?”.
Tôi lại nói với mẹ anh ấy: “Anh ấy sắp đi rồi, cả đời này anh ấy đã là nghịch tử, đã làm bà đau khổ rất nhiều, nhưng bây giờ đã biết sám hối. Nếu bà muốn anh ấy được ra đi thanh thản thì hãy thỏa ước nguyện của anh ấy, làm tròn nhân duyên mẹ con, hãy nói những điều tốt đẹp với anh ấy, yêu thương và chúc phúc cho anh ấy…”.
Gần một tháng chăm sóc, chú ý theo dõi cả hai mẹ con, tôi tin rằng họ sẽ nghe lời tôi!
Chiều hôm đó, An Tâm tình nguyện đem sổ tiết kiệm giao lại cho mẹ.
Người mẹ cũng đã không còn nghi ngờ, bà không còn nói những lời khó nghe với An Tâm nữa. Hai mẹ con cuối cùng đã có thể nói chuyện với nhau, không còn hơi một chút là cãi nhau vì tiền.
Hôm sau, An Tâm rơi vào trạng thái mê sảng, không phân biệt được người, thời gian, sự việc và nơi chốn, thậm chí còn co giật không yên…
Mẹ anh ấy nói bên tai anh: “Tất cả những việc làm bất hiếu của con trước đây, mẹ đều không chấp nhất nữa, mẹ đã bỏ qua rồi, việc hậu sự mẹ đã sắp xếp cho con xong rồi. Chỉ mong con có thể an tâm ra đi”.
Tôi cũng ở đó cùng họ niệm Phật và nhắc anh ấy: “Anh phải duy trì chính niệm, bỏ hết vạn duyên. Những ác nghiệp tạo ra trước đó, anh đã sám hối trước mặt Phật rồi. Phật và Bồ tát từ bi. Điều mà anh quan tâm nhất là vợ cũ và các con, thì họ cũng đã đến thăm anh rồi, họ đã chấp nhận sự xin lỗi của anh, không còn oán hận anh nữa, anh được mãn nguyện rồi. Chuyện hậu sự của anh, mẹ anh cũng đã hứa sẽ lo chu tất. Hôm nay, ba và em trai cũng đến thăm anh, chúc phúc cho anh, nhân duyên trong kiếp này của anh đều đã viên mãn rồi”.
“Trong một trăm thứ thiện, thì lấy chữ hiếu làm đầu, cho dù trước đây mẹ có đối xử chưa tốt với anh hay anh không tôn kính, hiếu thảo với mẹ, thì nay mẹ anh đã hoàn toàn buông bỏ rồi, không chấp nhất gì anh nữa. Mẹ luôn giúp đỡ anh, nhân duyên kiếp này của anh đã viên mãn, anh nên buông bỏ đi!”.
“Bệnh tật giày vò mười mấy năm qua, chắc chắn anh đã cảm nhận được sự đau khổ của kiếp người, hãy buông bỏ mọi suy nghĩ, chuyên chú tâm niệm vào Phật A Di Đà. Nhớ rằng, anh luôn nói với thầy là mong có một gia đình yên tĩnh, thế giới Phật A Di Đà chính là ngôi nhà mà anh hằng mơ ước, hãy chăm chú một lòng một dạ niệm Phật, Phật A Di Đà sẽ phù hộ cho anh…”.
Khoảng 30 phút sau, gương mặt An Tâm điềm tĩnh, rồi đi về ngôi nhà lý tưởng của mình.
CHĂM SÓC TÂM LINH
Sám hối - phương pháp trút bỏ ưu phiền
Chăm sóc lâm sàng nhận thấy, khi bệnh nhân bắt đầu nhận ra rằng cái chết đang đến gần, họ thường hay sợ hãi, đau xót, ưu phiền, thậm chí là phẫn nộ… Đó là những cảm xúc phản ứng nội tại. Họ, có thể trước đó đã xảy ra chuyện gì rất lớn; hoặc có thể có quan hệ khúc mắc chưa được hóa giải… Một số người do trong quá khứ đã làm chuyện sai hay nói sai, nên xuất hiện cảm giác ân hận, áy náy, hoặc tội lỗi, và thường cho rằng bệnh tật là sự trừng phạt.
Nếu không có sự tự xem xét đánh giá, không sám hối thì họ không thể hòa hợp được với bản thân mình trong quá khứ, không thể cảm nhận được ý nghĩa của sự tồn tại. Cuối cùng, họ sẽ bị bệnh tật ràng buộc, tâm hồn cũng không thể bình an.
Đức Khenpo Sodargye đã nói: “Hơn 20 năm qua, phương pháp sám hối là phương pháp mà ngày nào tôi cũng tu tập…”; điều đó cho thấy tầm quan trọng của sám hối, ngay cả người tu hành cũng xem như đó là bài tập hằng ngày.
Thế nào là sám hối? Chính là việc nói ra những điều mình đã làm sai, dũng cảm đối diện với những gì đã làm trong quá khứ, xin mọi người khoan dung để được sự thanh tịnh trong nội tâm.
Trước khi Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, tiếng Hoa chưa có từ “sám hối”. Còn ở Ấn Độ, sám hối - chính là điều kiện mà mỗi người tu hành đều phải có, bất kể là trong cuộc đời có làm gì sai hay không, chúng ta đều nên sám hối.
Mỗi người đều có thể phạm sai lầm vì chúng ta đều có những trở ngại và buồn phiền của riêng mình; nhưng thông qua quá trình sám hối, có thể gột rửa những tạp chất trong lòng (trở ngại, buồn phiền), để cho tâm trong sạch trở lại, trở về sự thuần khiết như trẻ thơ. Cho nên, sám hối là phương pháp giải trừ trở ngại, buồn phiền, nó thích hợp cho mọi người.
Có một bệnh nhân trước khi ra đi ba ngày luôn cảm thấy bất an và nói rằng: “Tôi sẽ bị đày xuống địa ngục! Tôi sẽ bị đày xuống địa ngục!”; khiến mọi người cảm thấy khó hiểu. Hóa ra 30 năm trước, anh ấy chăm sóc mẹ bị bệnh lâu ngày, do quá mệt nên luôn mong những người khác trong gia đình có thể đến đỡ đần mình. Nhưng mọi người thì còn bận đi làm. Có lần chị dâu nói: “Chú mà không chăm sóc mẹ thì xem như là bất hiếu!”. Vì quá tức giận nên anh ấy trả lời: “Tôi thà xuống địa ngục chứ nhất định không chăm sóc bà ấy”.
Dù nói như vậy, nhưng sau đó anh ấy vẫn chăm sóc mẹ hơn 20 năm, thế nhưng câu nói: “Tôi thà xuống địa ngục chứ nhất định không chăm sóc bà ấy” vẫn luôn ám ảnh trong lòng, làm anh không thể thanh thản lúc lâm chung.
Chúng tôi cùng anh ấy ôn lại những chuyện đã xảy ra năm đó, hiểu rõ lý do lúc đó tại sao anh lại nói như vậy, cũng nhìn nhận rõ sau đó anh ấy đã một mình chăm sóc mẹ hơn 20 năm và bảo anh ấy trước hết phải biết tự tha thứ cho chính mình.
Cho dù về lý thì cũng chấp nhận được, nhưng về mặt tình cảm thì với vai trò là con cái, quả thực không nên nói như thế. Thế là anh ấy đã chân thành sám hối trước mặt Phật, khóc to một trận, giải thích rõ ràng, rồi anh ấy bình tĩnh buông bỏ.
Đó chính là pháp môn Sám hối. Hối tiếc và tạ tội, cầu xin sự tha thứ, có tác dụng giúp cho thân tâm được gột rửa, tịnh hóa. Một phương pháp rất quyền năng.
Khi hướng dẫn sám hối, thông thường chúng ta thường hay quan tâm đến hai mặt. Thứ nhất là Từ bi: hướng dẫn bệnh nhân trong quá trình nhìn lại cuộc đời, giúp họ nhận ra sám hối có thể mở rộng lòng và đối diện với chính mình. Giúp người trong cuộc có thể tự tha thứ cho mình và tha thứ cho người khác, quan trọng nhất là hãy mở rộng lòng Từ bi. Thứ hai là, về mặt Trí tuệ: sám hối, đại diện cho trí tuệ phân tích. Phân tích khách quan các sự kiện, nhân tố đương thời, từ đó hiểu được trí tuệ “không tính”(trống rỗng), vén bức màn che mù mịt.
Trong thực tế, khi người bệnh đã tự nhận mình sai, nguyện thành tâm ăn năn sám hối và mong thầy hướng dẫn họ sám hối; thì lúc đó, chúng tôi mới dẫn họ đến phòng lễ Phật, quỳ trước tượng Phật, hướng dẫn bệnh nhân nói ra những điều họ cảm thấy ân hận hoặc sai trái, cả quá trình thường như sau:
Đầu tiên, mời bệnh nhân nói ra điều mình đã làm sai, sau đó hướng dẫn họ đọc kinh sám hối:
“Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thỉ tham sân si.
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết tội chướng giai sám hối”.
Chắp tay tụng niệm, lạy một lạy.
Sau khi lạy xong, lại để cho bệnh nhân nói một lần nữa, trước đó đã làm sai những gì, rồi lại hướng dẫn đọc kinh sám hối lần thứ hai:
“Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thỉ tham sân si.
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết tội chướng giai sám hối”.
Chắp tay tụng niệm, lạy một lạy.
Sau khi lạy Phật xong, lại bảo bệnh nhân nói lại lần nữa, rốt cuộc là đã làm sai điều gì?
“Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thỉ tham sân si.
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết tội chướng giai sám hối”.
Chắp tay tụng niệm, lạy một lạy.
Có thể tùy theo tình hình mà sắp xếp. Kinh sám hối cũng có thể đọc bằng cách hát, để trên nền nhạc đệm khơi dậy tình cảm, giúp cho con người có thời gian hồi tưởng. Thông qua việc phân tán niềm ân hận trong lòng khi sám hối, người từng phạm lỗi có thể rửa sạch buồn phiền và trở ngại.
Những điều này không ép buộc, chỉ cần có đủ nhân duyên. Nhưng lý tưởng nhất là người được xin tha thứ trong sám hối cùng có mặt, để bệnh nhân có thể nói lời xin lỗi trước mặt họ. Như vậy thì năng lực chữa lành bệnh càng mạnh hơn.
Bất luận thế nào, quan trọng nhất vẫn là trái tim muốn được chân thành sám hối. Chỉ có như thế, người từng phạm sai lầm mới có cơ hội và sức mạnh phá vỡ hiện trạng, để có thêm bước trưởng thành về tâm linh.