Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra lúc lâm chung, quá trình cái chết diễn ra sẽ là trải nghiệm vô cùng đau khổ.
Nếu chúng ta đã hiểu rõ ý nghĩa của cái chết, quá trình đó diễn ra như thế nào và có sự chuẩn bị nhất định, vào khoảnh khắc ánh hào quang phát sáng ấy, chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều hy vọng.
Sogyal Rinpoche
CHĂM SÓC TÂM LINH
Chuẩn bị cho cái chết - bài học về sinh và tử
Cô ấy kiên quyết đòi rút ống thở oxy!
Lúc Di Quân, người phụ nữ ngoài 40 tuổi vừa tỉnh dậy sau hôn mê, cô ngạc nhiên phát hiện ra trong miệng mình có một cái ống nối với bình oxy và một ống truyền thức ăn qua mũi vốn đã có từ trước, cô vô cùng đau khổ.
Cô không thể hiểu, tại sao trước đó cô đã dặn người nhà trong bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào cũng không cấp cứu, không nối ống và không thở oxy… Tại sao lại như thế?
Trước yêu cầu của Di Quân, người nhà đã vô cùng ân hận, tự trách việc không nên quyết định thay cho cô ấy để nối ống thở oxy, lại càng đau khổ khi biết rằng một khi đã nối vào thì không thể rút ra; bệnh viện không biết phải xử lý ra sao, chỉ đành để cho cô ấy mang cả máy thở oxy xuất viện!
Thân xác bất lực, nhưng tâm có thể làm chủ
Di Quân được giới thiệu chuyển qua Phòng điều trị hỗ trợ.
Lúc đó tôi cũng vừa đi qua phòng bệnh, trong lòng nghĩ rằng hay mình thử chào hỏi trước xem sao; nhưng cô ấy không có phản ứng gì, chỉ có đôi mắt to đang nhìn tôi.
Nhận thức và thính giác của cô ấy rất rõ ràng, nhưng không thể tự mình biểu đạt. Đôi mắt vẫn có thể nhìn, có thể chớp, miệng có thể mở ra nhưng không thể nói, vì trong miệng còn có ống thở oxy. Ngoài những điều trên ra, cơ thể cô ấy hoàn toàn bất động.
Di Quân chỉ có thể chớp mắt để biểu đạt sự bất lực trước bệnh tật. Đành phải thế thôi! Nhưng cô hiểu quá trình cơ thể của mình sẽ phải đối mặt và cũng hiểu những hạn chế của y học nên đã sớm lập di chúc sắp xếp chuyện hậu sự. Chỉ có điều sự thay đổi của cơ thể nhanh hơn so với dự tính của cô.
Sau khi tìm hiểu qua, tôi lại bước vào phòng bệnh, khẽ nắm lấy bàn tay khô cứng, teo tóp của cô và nhẹ nhàng nói: “Thầy đến thăm cô đây”.
Có lẽ trong lòng cô có quá nhiều những nỗi đau không thể thổ lộ cùng ai, và đã đến lúc không thể kìm nén được nữa. Tôi nghe thấy giọng nói cô thều thào nhưng không thành tiếng cùng nước mắt giàn giụa…
“Đã làm khó cô rồi, thật chẳng thoải mái…”.
Tôi còn chưa nói hết câu thứ hai, Di Quân lại khóc. Có thể cảm nhận được sự ấm ức trong lòng cô đang dâng trào. Cho dù cô ấy nói là đã sẵn sàng chấp nhận tất cả. Nhưng đâu dễ như vậy?
“Khóc... không sao cả… Ở đây có rất nhiều người quan tâm đến cô, sẽ ở bên cạnh để giúp đỡ cô...”. Mỗi câu nói của tôi dường như đều động đến sợi dây thần kinh mẫn cảm nhất của cô. Và cô đã khóc như thế hơn nửa tiếng đồng hồ, giống như muốn thổ lộ những uất ức, những kìm nén trong nhiều năm qua. Sau khi được trải lòng như thế, tâm trạng của Di Quân từ từ ổn định, và cô cảm thấy thoải mái hơn.
Cuộc thi lớn nhất của đời người, bạn đã chuẩn bị xong chưa?
Mẹ của Di Quân cho biết, con gái mình vì cha bị bệnh nên đã phát tâm ăn chay. Bà kể tình trạng bệnh của con gái rằng: “Ban đầu phát hiện chân yếu, sau đó dần dần giọng nói cũng ngày một yếu đi. Nhưng Di Quân năm tháng trước kiên trì, tự mình chăm sóc, không phiền đến người thân. Cho đến khi cô không thể đứng hay ngồi, phải nằm hoàn toàn trên giường, mới nhờ người chăm sóc”.
Người mẹ khóc và nói tiếp: “Di Quân muốn được hiến tạng nhưng bệnh viện cho rằng không phù hợp, nên nó mong muốn được lấy thân mình làm vật phẩm để giải phẫu thử nghiệm”.
Nhân viên y tế chăm sóc cho biết từ khi cắm ống thở oxy, do đau nên Di Quân không thể ngủ yên. Sau khi nghe bác sĩ nói rõ, tôi mới hiểu ra rằng rút ống thở oxy chính là rút hệ thống duy trì sự sống, đồng nghĩa với việc kết thúc sự sống!
Đây là vấn đề khá phức tạp về sinh tử. Đối với Di Quân mà nói: chỉ đơn giản là việc rút hay không rút. Nhưng đối với đội ngũ y bác sĩ, nó liên quan đến đạo lý y học và cũng có rất nhiều quan điểm và lập trường khác nhau về sự chọn lựa phức tạp này. Từ nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý đến nhà hoạt động xã hội và tôn giáo, mọi người đều rất thận trọng và bàn luận với nhau rất căng thẳng, với hy vọng để cho Di Quân có sự chuẩn bị tốt về mặt thân thể, tinh thần và tâm linh.
Mọi người đều hiểu rằng thời gian của Di Quân là có hạn, sẽ đến lúc ngay cả cái chớp mắt đơn giản nhất cũng không thể làm được nữa, lúc ấy cô làm sao có thể biểu đạt những cảm nhận của mình với mọi người? Làm sao mọi người có thể giúp cô ấy?
Khi nghĩ đến đây, tôi thấy mình cần phải giúp cho Di Quân có thể cảm nhận về sự vô thường của sự sống. Từ trong nỗi niềm đau khổ của bệnh tật, giúp cô có thể tăng cường sức mạnh linh hồn nội tại, để giảm bớt những thống khổ trong thân tâm, thậm chí là giải thoát. Vì chúng ta đều biết rằng, hiện tại Di Quân chỉ chấp nhận một cách tiêu cực, chứ chưa cảm nhận được sức mạnh nội tâm là như thế nào.
Chiều hôm đó, tôi lại đi vào phòng bệnh, nhẹ nhàng nói bên tai của Di Quân: “Chúng tôi biết những đau khổ về thể xác và tinh thần mà cô đang phải chịu đựng. Cái máy thở oxy làm cho cô đau, đến mức không muốn sống”. Di Quân nghe tôi nói, lại bắt đầu khóc không thành tiếng.
“Tất cả rồi sẽ qua đi, sự sống vẫn tiếp tục, sự kết thúc này sẽ là mở đầu cho một sự sống mới. Cho dù không thể làm chủ được thân thể, nhưng vẫn có thể làm chủ được nội tâm. Những điều này cô đều hiểu, thầy muốn nhắc cô rằng: “Hiện vẫn còn việc rất quan trọng cần phải hoàn tất, đó là phải đối diện với sinh tử bằng thái độ của người trưởng thành, có học thức. Đây chính là bài học bắt buộc”.
Tôi khuyến khích cô ấy: “Bắt đầu từ bây giờ, hãy nắm giữ lấy mỗi ngày, trân trọng mỗi phút, để chuẩn bị tốt cho kiếp sau”.
Trong quá khứ, chúng ta đã từng trải qua vô số những kỳ thi lớn nhỏ, nhưng đây là kỳ thi lớn nhất trong cuộc đời mỗi người, là kỳ thi cuối cùng, để hướng về cánh cửa kiếp sau. Thầy muốn hỏi cô một câu: “Cô đã chuẩn bị xong chưa? Đã chuẩn bị tư lương cho hành trình kiếp sau chưa?”.
Chuẩn bị, không chỉ dừng ở việc dặn dò chuyện hậu sự, cũng như di chúc, mà quan trọng hơn, là phải chuẩn bị cho cuộc hành trình của sự sống kế tiếp, phải có phương hướng nỗ lực và mục tiêu; không phải mỗi ngày nằm trên giường để chịu sự đau khổ giày vò, đợi cái chết đến...”
Nhìn ánh mắt lắng nghe của Di Quân, tôi biết cô ấy vốn là người thông minh nên đã nghe và hiểu điều này.
Trường học thực nghiệm cao nhất, Tịnh độ thế giới
Di Quân học ở trường thực nghiệm cao nhất ở Đài Loan, tố chất văn hóa tốt, tích cực tham gia công tác xã hội, cũng rất thích đọc sách Phật giáo. Vì muốn hoàn thiện bản thân hơn, dù biết rằng phản ứng hành động bị chậm chạp, nhưng cô vẫn kiên trì tiếp tục học nghiên cứu công tác xã hội một năm.
Cô hy vọng được sống đàng hoàng và chết đàng hoàng.
Thế là, tôi bắt đầu giới thiệu cho cô ấy cảnh giới học tập cao nhất trong phát nguyện đầu tiên của Phật: Đó là thế giới Tây phương Cực lạc, Phật A Di Đà trước kia lúc còn là Pháp Tạng Tỳ kheo đã đưa ra 48 đại nguyện, với tâm nguyện sáng tạo ra cõi Phật. Đó là thế giới không có nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử, cũng không có đấu tranh, phiền não, là thế giới thanh tịnh, quang minh, thọ vô lượng... “Nói như vậy, sau này khi chúng ta gặp nhau trên thế giới Cực lạc, cô sẽ là chị học cùng trường của thầy rồi, đến lúc đó nhờ cô chỉ giáo thêm!”. Tôi nói như thế và Di Quân nghe xong thì lại khóc, không biết là đau lòng, hay vui mừng?
Nhưng muốn vào được cảnh giới học cao nhất này, điều kiện cơ bản nhất là phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Tại sao phải tụng niệm? “Tâm tính của chúng ta và của Phật vốn không có gì khác biệt, nhưng vì quá nặng nề phiền não, hoài nghi, không buông bỏ được nên bị che khuất, nghe tiếng niệm Phật có thể thức tỉnh tâm tính của chúng ta, để tương ứng với Phật”.
Tôi vừa mát xa tay cho Di Quân vừa đánh nhịp để cô ấy niệm Phật theo thì phát hiện ra trong khi niệm Phật, mắt cô chăm chú nhìn lên trần nhà. Thì ra trên trần nhà đã dán một tượng Phật. Em trai cô đã chủ động dán tượng ấy lên cho cô.
Người nhà của Di Quân đều ủng hộ và tôn trọng quyết định của cô. Cha cô ngày nào cũng đến thăm, mẹ cô, em dâu cũng đều ở quanh cô. Khi Di Quân chầm chậm đánh vần chữ bằng ánh mắt, em dâu cô sẽ vận dụng kỹ thuật đánh vần một cách khéo léo để đánh vần ra từng chữ tiếng Hán. Muốn biểu đạt chữ trước tiên phải đánh vần âm, rồi lại chọn bốn dấu, ít nhất mười lần chớp mắt mới ra được.
Di Quân muốn biểu đạt ý nguyện của mình là điều không dễ chút nào!
Cuộc đời gian khó, cảm nhận vô thường
Nhân duyên trùng hợp, Di Quân và tôi cùng tuổi nên vô hình trung khoảng cách được thu nhỏ, điều này có lẽ thuận lợi ít nhiều chăng?
Tôi biết Di Quân khó có thể ngủ yên, nên luôn cùng niệm Phật với cô ấy. Cô ấy thỉnh thoảng lại nhìn lên tượng Phật trên trần nhà. Tôi khuyến khích cô ấy niệm Phật chăm chú, để có thể tạo ra sức mạnh, để có thể tập luyện khiến cho thân thụ, tâm không thụ (thân đau đớn, nhưng tâm không đau đớn), để có thể giảm nhẹ hoặc vượt qua những đau khổ về mặt thể xác.
Vì quá trình đau khổ khi bị bệnh, tin rằng Di Quân có thể nhận ra sự vô thường và đáng trân trọng của sự sống!
Để giảm nhẹ sự bất an và đau khổ do lo sợ cái chết của Di Quân, mọi người đều đồng ý tiến hành nghi thức quy y cho cô. Trong nghi thức quy y đơn giản mà trang nghiêm, trước sự chứng kiến của người thân, thầy và tình nguyện viên, cầu mong có thể đem đến cho Di Quân sức mạnh tâm linh, bình an đi qua cửa ải sinh tử.
Hai ngày sau, tôi thăm Di Quân vào buổi sáng, thấy đôi mắt cô sáng lên lộ vẻ mỉm cười. Có lẽ đã có chỗ dựa tâm linh, hơn nữa, là ngày thứ bảy và chủ nhật có rất nhiều người đến thăm, cả Giáo sư Trịnh Thạch Nham cũng đến hỏi thăm, tinh thần của Di Quân xem ra ổn định hơn rất nhiều.
Thế là tôi lại nói thêm về việc: Thân thể con người là do bốn vật chất cơ bản gồm đất, nước, lửa và gió tạo thành… Kết thúc sự sống là quá trình phân giải của bốn loại vật chất trên… Nhưng đây cũng là lúc quan trọng để có sự giải thoát tâm linh. Do vậy, nếu chúng ta có thể chú ý vào những gì ngay trước mắt ta, cảm nhận, hiểu rõ ràng... có thể loại trừ những chướng ngại vật trên con đường đi đến của việc ra đi.
Di Quân nghe một cách vô cùng chuyên tâm và luôn chuyên chú nhìn vào tượng Phật.
Cảm ơn, xin lỗi, tạm biệt
Di chúc đã được dặn dò xong, Di Quân còn có điều gì day dứt chưa buông bỏ được?
Chiều hôm đó tôi thấy mẹ, em trai và người chăm sóc y tế của Di Quân thảo luận về khả năng thuyết phục Di Quân gặp mặt con trai.
Tôi tìm hiểu thêm, được biết vì quan hệ mẹ chồng, con dâu không hòa thuận nên từ khi cháu lên năm, sáu tuổi nhà chồng kiên quyết đòi nuôi con. Hơn mười năm nay Di Quân chưa được gặp mặt con, ngay cả thư viết cho con cũng bị trả về nên cô bị sốc nặng. Di Quân từng cho biết rất hối hận, nếu năm đó cô có thể nhẫn nhục, thì sự việc đã không đi đến tình cảnh như vậy.
Di Quân là người theo chủ nghĩa cầu toàn, hôn nhân đổ vỡ làm cô ngày càng độc lập hơn, và lại càng khiến cô che giấu quá khứ, ngay cả đồng nghiệp làm việc cùng cô sáu năm, cũng không biết cô đã từng kết hôn. Em dâu thì hình dung cô là “người thần bí”. Cô thực sự rất hiểu ý mọi người, vì không muốn để cho gia đình và người thân, bạn bè lo lắng, nên những đau khổ trong hôn nhân trắc trở, những áp lực cô đều một mình chịu đựng.
Tôi hiểu tình cảnh của Di Quân, thử nói thêm vào: “Đã có duyên trở thành mẹ con, nếu cuối đời có thể để dấu chấm tròn viên mãn thì tốt hơn. Sự việc khó xử năm đó, không phải do cô có thể quyết định, đừng đem tất cả cái sai đổ lỗi, dằn vặt chính mình! Hãy từ bi, khoan dung tất cả những ai đã làm tổn thương chúng ta và quan trọng hơn hết chính là phải biết “khoan dung chính bản thân mình”, “tha lỗi cho mình”…”.
Từng lời nói của tôi đã chạm đến nỗi niềm thương đau trong lòng nhiều năm qua của cô, làm lòng cô quặn đau từng cơn, nhưng cô đã có thể từ từ lấy lại bình tĩnh.
Tôi hỏi cô nghĩ gì về con trai? Cô trả lời bằng cách chớp mắt đánh vần rằng: “Áy náy và thiếu nợ!”.
Tôi cảm phục cô mà nói: “Cô là người tình nguyện đọc truyện tranh cho nhi đồng, hết sức yêu mến con cái của mọi người, để tình yêu nhỏ trở thành tình yêu lớn, điều này thật đáng quý”.
Tôi cũng cảm phục cô việc nói chuyện với người chụp hình hôm qua, công bố số tài sản dành để bố thí, phần thi thể cống hiến cho y học để phục vụ công tác giải phẫu nghiên cứu, hy vọng tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị tốt hơn cho căn bệnh “thần kinh vận động” (MND), và dũng khí kiên quyết rút ống oxy làm mọi người cảm phục. “Nếu đổi lại là thầy, có lẽ cũng không đủ dũng cảm và lòng nhân ái như cô đâu!”.
“Di Quân, thầy muốn biết có sức mạnh nào, khiến cô trở nên dũng cảm đến vậy?”.
Sau nhiều lần chớp mắt đánh vần chữ, tôi có được câu trả lời: “Ý nghĩa cuộc sống nằm ở chỗ chất lượng sống chứ không phải thời gian sống − con đã sẵn sàng”.
“Rất tốt, nhưng làm sao cô xác định được rằng, mình đã chuẩn bị xong?”.
Di Quân không trả lời được tại sao, ánh mắt có vẻ do dự và hoài nghi.
Tôi nhắc cô rằng: “Theo kinh nghiệm từ xưa, vào cuối đời, thân thể sẽ dần dần rệu rã, nhưng tâm lý và linh hồn sẽ phát huy tác dụng, thường biểu hiện ra những việc bị ức chế trong thâm tâm sâu thẳm, những việc chưa giải quyết được!”.
Di Quân vẫn kiên quyết không cho con trai hay tin, cũng không muốn để con nhìn thấy tình trạng bệnh tật hiện nay của mình; nhưng mỗi lần nhắc đến con cô đều cảm thấy rất đau lòng, rơi nước mắt, biểu thị còn rất thương nhớ con, không buông bỏ được.
Tôi xoa nhẹ lên trán cô, chia sẻ với cô câu nói tôi đã từng nghe: “Một người lúc lâm chung, nếu có thể an nhiên nói với mọi người, sự vật và sự việc rằng: Cảm ơn bạn, xin lỗi, tạm biệt, sẽ có thể đạt đến sự bình an chân chính”.
Di Quân vẫn lo lắng sẽ làm phiền đến con, không muốn con nhìn thấy tình cảnh bệnh tật của mình. Cộng thêm việc, có lẽ chồng cũ quá cố chấp, nên khả năng cô gặp mặt con trai càng khó hơn.
Sau khi nghe ý kiến bàn luận của mọi người, tôi thử hỏi bằng cách khác: “Sau này nếu con trai hỏi cô có muốn nói gì với con không? Cô có muốn gởi lại lời nhắn nhủ gì cho con trai không?”.
Tôi đề nghị quay phim chụp hình việc chớp mắt đánh vần chữ để làm kỷ niệm, để cho con cô biết cái khó của cô lúc này, để cho con cái biết cha mẹ luôn yêu thương con, cũng vẽ một dấu chấm tròn viên mãn cho duyên mẹ con của Di Quân với con trai.
Di Quân đồng ý và đã đánh vần bảy chữ: “Cảm ơn con, xin lỗi, tạm biệt” để nhắn gửi lại con trai.
Tinh tấn chăm chỉ, kiên quyết rút ống oxy
Một tuần sau, nghe nhân viên chăm sóc y tế nói Di Quân chủ động biểu thị ý muốn nghe niệm Phật, thay cho việc nghe đọc sách, và thường xuyên nhìn chăm chú vào tượng Phật. Hôm đó, tôi vừa vào phòng bệnh thì liền nghe thấy tiếng niệm Phật. Tôi xoa trán Di Quân và cùng niệm Phật theo. Việc này hình như trở thành thói quen.
Di Quân được mọi người yêu mến, ngày nào cũng có bạn bè đến thăm. Những người làm cùng ở hội đọc sách tình nguyện đọc riêng cho cô ấy, người của hội Tiệm Đông cũng đến thăm nom. Thậm chí có một số thầy chủ động đọc kinh hồi hướng cho cô… bạn bè, bạn học càng quan tâm cô, thường mang đến phòng bệnh không ít không khí vui tươi.
Tôi luôn nhắc Di Quân: “Không thể nói hết lời cảm ơn, chỉ có thể niệm Phật để hồi hướng những người thân, bạn bè đến thăm cô, đó chính là sự chúc phúc và đền đáp tốt đẹp nhất”. Cô mỉm cười đáp lại.
Nhưng mục đích chính của Di Quân khi vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ này là hy vọng đội ngũ chăm sóc y tế sẽ rút ống thở oxy cho cô.
Tôi thận trọng nói với Di Quân rằng: “Khi rút ống oxy sẽ khiến khó thở, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần, đây chính là lúc cần bắt đầu tập luyện và tăng cường sự chuyên chú niệm Phật. Khi khó thở, không phải lo lắng, càng căng thẳng càng tiêu hao khí, cũng giống như khi đang trôi trên biển, nếu càng căng thẳng, sợ hãi sẽ càng giãy giụa, như vậy sẽ càng chìm sâu, nếu thả lỏng tự nhiên sẽ nổi trên mặt biển. Cho nên, phải bình tĩnh, thả lỏng, thả lỏng hơn nữa…”.
Đội ngũ y bác sĩ hết sức thận trọng, bàn luận đi bàn luận lại, xác định tới xác định lui, rồi lại hỏi cô ấy xem đến lúc đó có cần khí oxy, thuốc chữa hen, thuốc trấn tĩnh… Di Quân đều nhất mực trả lời “không cần thiết” và “cũng không hối hận”; khi được hỏi về quyết tâm rút ống, cô đều rất kiên quyết và bình tĩnh trả lời, không có chút do dự và chần chừ nào, thái độ luôn không hề thay đổi.
Đây là trường hợp đòi rút ống oxy đầu tiên mà đội ngũ y bác sĩ gặp, có thể nói đó là một sự trải nghiệm và thử thách chưa từng có. Tôi nói: “Người trong đội ngũ y bác sĩ đều rất quan tâm đến cô, cũng rất cảm phục trước tinh thần của cô, luôn suy xét làm cách nào tốt nhất cho cô”.
Di Quân mở to mắt nhìn chằm chằm, tôi an ủi: “Chủ yếu là, không chỉ chính cô phải chuẩn bị tốt, mà người nhà cũng phải chuẩn bị tốt giữa sự sống và cái chết! Hơn nữa, đội ngũ y bác sĩ cũng phải có sự chuẩn bị tốt!”.
Thực ra, hiện nay việc rút hay không rút ống oxy cũng không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là Di Quân đã thực sự chuẩn bị xong chưa? Nếu khi rút ống, thân thể và tình cảm có gì thay đổi, liệu có hối hận không? Có thể duy trì sự tín niệm đối với Phật pháp không?
Tôi nói: “Nếu đổi sang là thầy, có lẽ sẽ không có đủ dũng khí như cô; thực sự thì cô đã sớm giải thoát hơn cả thầy rồi”.
Di Quân cười.
Tôi giải thích: “Máy thở oxy và cô hiện nay đã có chung một sự sống, hai trong một. Nếu cô có thể hòa nhập sự tín nguyện niệm Phật và trái tim Phật làm một, tức có thể loại bỏ sự thống khổ về mặt thể xác, vậy thì việc rút hay không rút ống sẽ không còn là vấn đề nữa rồi”.
Trưởng thành và thay đổi, hoa sen nở trong tim
Trong quá trình tiếp xúc nhiều lần, cùng niệm Phật nhiều lần, Di Quân đã ít khóc hơn, thậm chí còn có thể hài hước, mỉm cười đáp lại.
Hôm đó, tôi hướng dẫn Di Quân đọc “cầu nguyện Tây phương” và ôn tập bài kệ mà tôi chép cho cô ấy: “Di Đà trong thân tâm tôi, tôi cũng trong quang vinh của Di Đà, Phật ở trong tôi, tôi ở trong Phật, tôi và Di Đà là một”.
Tôi nhấn mạnh: ba thứ tâm, Phật và chúng sinh không có gì khác biệt.
Nhân viên y tế chăm sóc Di Quân hằng ngày hiểu rõ nhất sự trưởng thành của Di Quân, cô ấy cho biết: “Lòng của Di Quân đã nhập vào lòng Phật rồi!”. Mọi người đều rất hiếu kỳ muốn biết nguyên nhân chính khiến Di Quân trưởng thành là gì?
Di Quân trả lời bằng cách đánh vần chữ: “Sức mạnh an định có được sau khi niệm Phật, càng hoan hỷ và chúc phúc. Lại còn có cả tình yêu thương của mọi người”.
Khi cùng niệm Phật với Di Quân, tôi thường xuyên dặn: “Khi lâm chung, bất kể là thân tâm cảm nhận thấy không thoải mái dễ chịu thế nào cũng phải nhớ việc thả lỏng, chuyên chú một lòng, duy trì niệm Phật”.
“Thầy yên tâm”. Di Quân lập tức đánh vần.
Xem ra, tâm linh của Di Quân đã thực sự trưởng thành rồi!
Chiều hôm đó, tôi lại đến phòng bệnh, nhìn thấy Di Quân đang chăm chú nhìn vào tượng Phật, tôi và người nhà của cô ngồi ở hai bên để xoa bóp cho cô. Cô quá nhập tâm, hơn nửa tiếng đồng hồ không hề đáp lại câu hỏi của mọi người.
“Di Quân, cô vừa nghĩ gì vậy?”.
“Quán tưởng ánh sánh vô lượng và hoa sen màu vàng”.
Mọi người không hiểu hoa sen màu vàng ở đâu ra?
Tôi giải thích, Di Quân quán tưởng bức tượng Phật dán trên trần nhà, dưới hai chân có hai bông sen, trong đó có một bông màu vàng. Trên thực tế, căn cứ theo ghi chép trong Di Đà Kinh, hoa sen trong ao Thất bảo của thế giới Cực lạc có màu xanh, trắng, vàng và đỏ, nhưng những bông hoa nhìn thấy thường khác nhau tùy thuộc vào tâm cảnh chuyên chú của người quán tưởng, không giống như hoa sen mà chúng ta nhìn thấy trong hình, tất cả đều do tâm tạo ra.
Người em dâu liền hỏi: “Tại sao lại chọn màu vàng? Có phải bông màu vàng có ánh sáng lấp lánh đã vẫy tay với chị và nói hãy chọn tôi, chọn tôi à, cùng đến tu ở thế giới Cực lạc…”.
Di Quân nghe và cười thật tươi.
Nhà tâm lý hỏi Di Quân hiện tinh thần đón nhận các vấn đề như thế nào. Di Quân lần lượt đánh vần cho biết: “tinh thần bình tĩnh”, “niệm Phật thấy rất an tâm”, “ý nghĩa của việc chịu khổ là chuẩn bị cho đời sau”, “tử vong là bất sinh bất diệt, chỉ là đổi thể xác”, “cảm nhận khốc liệt nhất là bị cấp cứu, cắm ống thở oxy”, “giống như người sống như chết, không có giá trị”, “chỉ là không nỡ xa người thân, bạn bè để thay đổi đường đi khác”.
Di Quân đang nóng lòng với tinh thần được rút ống thở oxy nên việc biểu đạt rất thuận lợi.
Nỗ lực tu học, đền đáp công ơn cha mẹ
Bất kể là lập trường và quan điểm của đội ngũ y bác sĩ ra sao, hoặc có người khuyên cô nên tiếp tục sống, thậm chí mẹ của cô còn hỏi: “Có phải việc mở khí quản đã ổn rồi?”. Mẹ cô hoàn toàn không hiểu việc mở khí quản cũng không giúp Di Quân thở được. Còn Di Quân luôn hy vọng mọi người đừng níu kéo cô ấy nữa.
Di Quân cho rằng, trước khi chưa bị bệnh, ý nghĩa sự sống của cô là làm việc thiện nguyện, phục vụ mọi người.
Sau khi bị bệnh, ý nghĩa của cuộc sống là sự chuẩn bị cho kiếp sau. Nhưng, có lẽ phúc phần của mình không đủ, nên mới khiến cho việc rút ống thở càng trở nên khó khăn hơn…
Được biết ba của Di Quân đã 80 tuổi, trước kia cha mẹ hay cãi vã và Di Quân thường hòa giải can ngăn, sau này cô không thể ở bên cạnh để khuyên giải nữa! Bây giờ mái đầu bạc tiễn đưa mái đầu xanh, càng cảm thấy đau thương bội phần! Việc Di Quân muốn rút ống thở, cha mẹ không đành lòng nên đã từng phản đối, nhưng cuối cùng đành tôn trọng sự chọn lựa của cô.
Mẹ Di Quân cho tôi biết, Di Quân từ nhỏ đến lớn đi học luôn có học bổng, không hề phiền đến cha mẹ, nên bà thường than thở rằng người con ngoan ấy tại sao lại bị căn bệnh này?
Tôi nói: “Mỗi người khi đến thế giới này đều có nhiệm vụ riêng của mình, Di Quân là người con gái tốt, đã sớm đạt điểm số, tất nhiên sẽ được chuyển đến trường học tốt hơn (môi trường học tập), thực ra thì cô ấy đã giải thoát sớm hơn chúng ta đó!”.
“Cũng phải, các bộ phim chiếu trên ti vi đều là người tốt chết sớm, còn người xấu ngược lại sống rất lâu”.
Tôi nói tiếp: “Kiếp này cô ấy là con của bà, đến để đền ơn…”.
Bà mẹ liền nói chen vào: “Đúng vậy, đúng là Di Quân đến để đền ơn, nó rất hiếu thảo”.
“Kiếp này Di Quân là con ngoan của bà, tương lai không lâu, cô ấy sẽ đến thế giới Cực lạc làm con của Phật A Di Đà, chúng ta phải rất an tâm giao cô ấy cho Phật A Di Đà, nên bà yên tâm ạ”.
Bà mẹ cũng tự an ủi: “Người đến thăm thường hỏi nó đang nghĩ gì, nó đều nhìn tượng Phật trên trần nhà, niệm Phật chăm chỉ”.
Tôi khuyến khích Di Quân thành tâm niệm Phật, hồi hướng cho cha mẹ, an nhiên đi hết kiếp này, mới làm cho cha mẹ an tâm; có thể đem sự luyến tiếc này, trở thành động lực để tinh tấn, nỗ lực tu học, để đền đáp ơn cha mẹ. Kiếp sau nếu bình an, người còn sống đương nhiên cũng sẽ yên tâm.
Tôi nói: “Chúng ta cùng nỗ lực nhé!”. Ánh mắt của Di Quân càng chăm chú nhìn tượng Phật.
Lập di chúc, thử rút ống oxy
Đã niệm Phật được một thời gian, tôi hỏi cảm giác của Di Quân như thế nào?
Cô đánh vần: “Niệm Phật có thể cảm nhận được từ bi”.
Hiện tại, khi giao tiếp với tôi, thậm chí là với những người khác, Di Quân cũng thường nở nụ cười.
Sau khi bàn luận, Di Quân đã sửa di chúc và có ba người bạn thân không quen biết lẫn nhau làm chứng, đồng thời nhờ người quay phim quay lại quá trình đánh vần chữ để xác nhận: “xin hãy tôn trọng ý nguyện của tôi, tôi không muốn chấp nhận bấy kỳ sự cấp cứu nào, thông ống dạ dày và mũi, mở khí quản, mở thông dạ dày qua đường bụng, máy thở hoặc các ống nối qua miệng, nếu đã nối rồi thì xin hãy rút ra. Tất cả đều do ông Trời quyết định”.
Trước yêu cầu của Di Quân, đội ngũ y bác sĩ giải thích cho cô rõ kinh nghiệm đã trải qua khi rút ống oxy đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, những triệu chứng khó chịu sau khi rút ống. Cô biểu thị đã hiểu: “Các anh chị đã đồng ý giúp tôi, rút ống chính là niềm vui lớn nhất của tôi!”. Vì Di Quân đã từng đánh vần rằng: “Chỉ một sợi tóc cũng làm tôi đau đớn như chết đi sống lại, một con kiến cũng khiến tôi đau không muốn sống”.
Ngày thứ 24 nằm viện, sau khi đội ngũ y bác sĩ cùng thảo luận với Di Quân, cũng đã thử rút ống thở oxy, chưa đến một phút thì sự hô hấp của Di Quân đã có thay đổi rõ rệt, lại phải nối lại liền...
Sau sự việc đó, vì không có mặt nên tôi hỏi rằng: “Khi ấy, cảm giác của cô như thế nào khi không hít khí vào được? Có hoảng sợ, lo lắng gì không?”.
Di Quân đánh vần chữ: “Có thể dự kiến thời gian”, “sẽ không sợ”. Nhân viên chăm sóc tâm lý cho biết Di Quân rất bình tĩnh.
Tôi đứng cạnh máy thở oxy nói: “Một tháng qua, chiếc máy này đã duy trì sự sống cho cô, cho cô thêm thời gian để chuẩn bị đầy đủ hơn cho kiếp sau. xem ra, nó chính là ân nhân cứu mạng cô, giúp cô được giải thoát từ trong lưu lạc. Hay nói theo cách khác, là từ bên này của bến bờ sinh tử sang bờ kia của Niết bàn…”. Di Quân mở mắt to lắng nghe.
“Quan trọng là cô đã chuẩn bị xong chưa? Thầy từng nói, khi niệm Phật thì hoa sen ở phương Tây sẽ có tên của cô, tinh tấn niệm Phật, hoa sen nở càng to; khi đến độ chín muồi, Phật A Di Đà sẽ đưa hoa sen tới và đón cô đến cõi vãng sinh Cực lạc. Các bậc cổ đức từng nói: khi còn sống thì niệm Phật, hồi tưởng Phật, nhìn Phật ra đi, chứ không phải sau khi chết mới cậy nhờ người khác niệm Phật vãng sinh; khi sống tự niệm Phật sẽ thù thắng và ổn định hơn là sau khi chết mới cậy nhờ người khác”.
“Nhớ hãy ngồi trên hoa sen màu vàng có ghi tên của cô, đừng ngồi nhầm nhé!”.
Di Quân hiểu tôi đùa nên cười.
Đã chuẩn bị xong, chờ rút ống
Vậy rốt cuộc khi nào thì có thể chính thức rút ống thở oxy?
Di Quân và người nhà hỏi bác sĩ, và hy vọng có thể để thêm một tuần nữa, đợi sau khi viết xong hai lá thư sẽ rút ống giúp cô ấy, mong có thể dành nguồn lực để chữa trị cho người khác.
Ngày thứ 27, nhân viên y tế về hô hấp lại thử rút ống ra, lần đầu tiên là 2 phút, lần thứ hai là 1 phút. Tôi đã quan sát hết biểu cảm của Di Quân suốt quá trình đó và nhắc nhở cô thả lỏng thoải mái. Cô chăm chú nhìn tượng Phật, không hề có sự chau mày và cũng không có biểu hiện đau đớn nào.
Hôm sau, bác sĩ điều trị chính đến bên giường bệnh, nơi có không khí Tịnh độ an lạc cát tường, cho biết: “Di Quân là cô giáo của nhóm, thời gian qua đã cho mọi người học tập và trưởng thành rất nhiều, có thể nói nhóm hơi tham lam, hy vọng càng học được nhiều hơn… Hôm nay Di Quân sẽ là người tiên phong giúp chúng ta thực hiện việc vãng sinh Tây phương Cực lạc…”.
Thực ra, tinh thần và sự hài hước của Di Quân làm mọi người cảm động, cũng để lại ấn tượng sâu sắc; hơn nữa khi nói đến việc rút ống, Di Quân cười một cách tự tại, nhưng y bác sĩ thì lại căng thẳng.
Mới bốn ngày mà Di Quân đã viết xong một số thư, nào là thư gửi con trai, thư gửi hội Tiệm Đông, và trên thư gửi đội ngũ chăm sóc giảm nhẹ viết rằng: “Cảm ơn sự trân trọng của mọi người, cảm ơn lòng chân thành, chính trực và từ bi của mọi người, ai cũng đều là quý nhân của tôi, kính phục mọi người và xin được cảm ơn mọi người một lần nữa”.
Sau đó, em dâu cô cho biết, Di Quân chủ động đánh vần chữ để hẹn thời điểm rút ống và cũng để khoảng thời gian hai ngày dành cho bạn bè.
Đội ngũ nhân viên y tế lại một lần nữa thảo luận với Di Quân về những chi tiết quan trọng trong quá trình rút ống thở oxy. Tôi lưu ý: “Một khi rút ống, sự sống sẽ nhanh chóng kết thúc, sự cảm nhận về quá trình phân giải của tứ đại1 có thể nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, nhất định phải có công phu một cách kỹ càng hơn, duy nhất tin tưởng vào chính niệm, chính tín, để thư giãn thân tâm…”. Di Quân mỉm cười nhìn tôi, tinh thần an nhiên, tự tại.
1Sự tan rã của bốn loại vật chất trong cơ thể (người dịch chú).
Chiều hôm sau, bạn học ở Viện nghiên cứu đến thăm, kể chuyện hồi đó Di Quân học giỏi nhất trong lớp, đặc biệt là các bài tập về thống kê đều để cho các bạn mượn chép. Nhưng, có một bạn nam đến trễ, Di Quân cười mãi, mọi người không hiểu, thì ra Di Quân đánh vần chữ cho biết muốn phạt anh ta phải nhảy lò cò, bạn học ấy cũng liền nhảy phạt, cả hội vui nhộn, khó mà tưởng tượng chỉ hai ngày sau Di Quân sẽ từ biệt trần gian.
Một ngày trước khi rút ống, sau khi kiểm tra xác nhận các trình tự y học và chi tiết, Di Quân muốn dành một ngày cuối cùng cho bản thân, không gặp mặt người đến thăm. Vì cô muốn duy trì ý thức tỉnh táo trong quá trình lâm chung, xem quá trình lâm chung là sự tu tập chính niệm. Cô còn cho biết, nếu trong quá trình rút ống, cô có biểu hiện đau đớn, nhất định là do không dễ chịu, nhưng quyết không hối hận về việc rút ống, xin đừng lo lắng.
Di Quân cũng để lại những câu nói làm đội ngũ y tế cảm thấy xúc động: “xe đã hư, tài xế vẫn còn”. Cô đã dùng xe để so sánh với thân thể của mình, cho rằng thân thể dù đã biến mất, nhưng linh hồn của cô (tài xế) vẫn còn tồn tại.
An nhiên vào mộng, hẹn gặp trên thế giới Cực lạc
Ngày thứ 34, kể từ khi chuyển vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ, Di Quân cuối cùng cũng đã chờ đến giây phút được rút ống thở oxy.
Sáng sớm, tôi khích lệ Di Quân phải nắm vững giây phút ấy, cả tháng trời chuẩn bị, giờ đã đến lúc phải đi rồi! Lưu ý cô ấy việc chuyên chú một lòng niệm Phật. Di Quân mỉm cười và chuyên chú nhìn lên hình tượng Phật, cũng như mọi khi, cô vẫn kiên trì theo ý nguyện của mình.
Mẹ cô nhìn thấy tôi liền vui mừng nói rằng: “Từ khi Di Quân bệnh, tôi chưa từng mơ thấy con; rất lạ, ba giờ sáng nay tôi mơ thấy con có thể ngồi lên được, nói với tôi rằng bệnh của con đã khỏi rồi!”.
Tôi nói: “Từ nay về sau, bệnh của Di Quân đã khỏi hoàn toàn, bà nên yên tâm và hãy bảo trọng. Hôm nay vô cùng quan trọng, bà phải giúp Di Quân an tâm ra đi…”. Người mẹ gật đầu biểu thị đã hiểu.
Đội ngũ y bác sĩ cũng lưu ý hai ba lần rằng: “Nếu muốn thay đổi quyết định thì bất kỳ lúc nào cũng có thể nói dừng lại, tuyệt đối đừng ngại!”.
Di Quân vừa mới nói lời chia tay với từng người trong gia đình, mắt vẫn còn ngấn lệ, nhưng thái độ kiên quyết rút ống thở cũng vẫn giữ như mọi ngày.
Trong sự chúc phúc của bác sĩ điều trị chính, nhân viên chăm sóc y tế, đội ngũ y bác sĩ và người thân trong gia đình, mọi người đã làm xong lễ cầu nguyện lần cuối. Tôi thay mặt Di Quân chúc phúc cho mọi người và cảm ơn gia đình của Di Quân…
Cuối cùng, trong tiếng niệm Phật khẩn thiết của mọi người, bác sĩ điều trị chính đã rút đầu nối ống thở oxy của bệnh nhân…
1 phút, 5 phút, 10 phút, 30 phút trôi qua, huyết áp của Di Quân ban đầu tụt xuống rõ, đến 100/60 rồi không xuống tiếp nữa, mắt vẫn có thể đưa qua bên phải nhìn tôi và nhân viên tình nguyện, thật sự là ngoài dự tính! Vì trước đó bên y tế thông tin dự liệu rằng: sau khi rút ống, không đến vài phút cô sẽ ra đi vì khó thở.
Lúc này, tôi nhìn ngón tay và tai của Di Quân từ từ xuất hiện màu tím. Hai vị chăm sóc y tế chính cho Di Quân cũng cảm thấy khó hiểu, khác với dự định ban đầu, Di Quân há miệng thở một cách khó khăn nhưng cũng không hề chau mày lần nào.
Sau khoảng 40 phút, Di Quân đồng ý để bác sĩ chích thuốc, mong rằng ngủ thiếp đi sẽ dễ chịu hơn. Mọi người vẫn tiếp tục niệm Phật 20 phút nữa mà Di Quân vẫn không ngủ được.
Lúc này, Di Quân thở rất khó khăn, thở dốc, tiếng niệm Phật cùng với nhịp hơi thở của Di Quân, mọi người chuyên chú niệm Phật. Tiếp đến, y tá đề nghị rút ống thông dạ dày thực quản và ống khí trong cho Di Quân, chỉ trong một phút sau Di Quân cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Mọi người tiếp tục niệm Phật, tôi cảm nhận được sự khó chịu của Di Quân do không hít thở được, nhưng trên mặt cô không hề biểu cảm sự đau khổ… 30 phút nữa lại trôi qua, thật không thể tin, Di Quân vẫn không có chuyện gì xảy ra…
Y tá trưởng đề nghị và rút ống duy nhất còn lại trên người của Di Quân, đó là ống thông tiểu, đợi sau khi lau sạch sẽ, tôi nói với Di Quân: “Toàn thân cô đều sạch sẽ rồi, bây giờ đã phục hồi toàn bộ, bệnh đã khỏi hoàn toàn rồi, có thể an tâm đi gặp Phật A Di Đà rồi”.
Sau đó, chúng tôi kéo rèm lại, người nhà vẫn đứng ở ngoài rèm tham gia niệm Phật, và có thể nhìn thấy tâm thái an nhàn của Di Quân.
Điều kỳ lạ là, sau khi rút tất cả các ống trên người ra, huyết áp của Di Quân bị tụt xuống nhanh chóng, khoảng 10 phút đầu, Di Quân bị co rút khoảng ba lần tương đối mạnh, và cuối cùng cô đã có thể an nhiên, tĩnh lặng thiếp ngủ, giấc ngủ ngàn thu!
Người nhà nhìn thấy Di Quân an nhiên như thế nên cũng không xúc động, bi thương như trước đó, mà rất bình tĩnh và an ủi. Sự yên tĩnh, tự tại và quyết tâm của Di Quân khiến ai cũng nể phục, thực sự cô ấy đã thực hiện được sự an nhiên trong sinh tử.
Di Quân, chúng ta hẹn gặp lại trên thế giới Cực lạc!
CHĂM SÓC TÂM LINH
Chuẩn bị cho cái chết - giáo dục về sinh tử
Chết không phải là kết thúc, mà là một sự bắt đầu khác, quan trọng hơn là sự chuẩn bị cho kiếp sau.
Người bình thường không thể chuẩn bị cho kiếp sau là vì không thể chấp nhận cái chết, không thể chấp nhận cái chết là do sau khi loài người được sinh ra đã gặp phải rất nhiều mịt mờ vô minh (không nhìn thấy, không biết, không rõ) mà bị mê hoặc, gây ra sự sợ hãi vô cùng lớn đối với cái chết; nhưng cái chết, chỉ là sự biến mất của hình thể, là quá trình từ có đến không, vượt ra ngoài tầm những kinh nghiệm trong cuộc sống, mà chúng ta đã nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy.
Làm sao vượt qua được nỗi sợ hãi đối với cái chết? Phương pháp chính là: “Chuẩn bị tốt cho cái chết”. xét từ quan niệm của Phật giáo, chuẩn bị cho cái chết, cũng như việc cao tăng tu hành, không phải là đến lúc lâm chung mới làm, mà là chuẩn bị càng sớm càng tốt, tốt nhất là bình thường cũng chuẩn bị, khiến nó trở thành một phần bài học trong cuộc sống.
Muốn có thể điềm nhiên chấp nhận, chuẩn bị cho cái chết, thì phải có nhận thức đúng đắn đối với nó, giống như Phật Đà khi lâm chung, Người đã từng nói với đại chúng rằng: “Mọi người không phải bi thương. Trời đất, vạn vật, hữu sinh, đều là sự gặp gỡ vô thường. Những gì yêu thương, nhất định cũng sẽ ly tán, mất đi. Có hội hợp, thì nhất định cũng có biệt ly. Sự sống của thể xác, không thể là mãi mãi. Thân tâm cũng là vô thường, không phải là vĩnh hằng như mọi người luôn nghĩ. Đây chính là định luật của thế gian”. Khi xác định rõ cái chết là con đường mà ai ai cũng phải đi qua, ngay cả Phật Đà cũng không ngoại lệ, thì mới có thể học cách đối mặt với cái chết.
Nhưng trong điều trị lâm sàng, đại đa số bệnh nhân đều không nghĩ đến việc “chuẩn bị cho cái chết”, họ luôn dành hết sức lực cho việc tích cực điều trị hoặc tìm một biện pháp nào khác; bên cạnh đó lại có một số bệnh nhân, cho dù đã biết điều trị không có kết quả nữa, nhưng cũng sẽ nghĩ rằng “chẳng phải nói gì, chẳng phải nghĩ ngợi gì, có nói, có nghĩ cũng chẳng có tác dụng gì, đằng nào thì cũng chết”. Thái độ như vậy sẽ làm cho quá trình lâm chung càng trở nên đau khổ hơn.
Sự quan trọng của việc chuẩn bị cho cái chết, ngoài việc có thể nâng cao chất lượng cuộc sống cuối đời của người bệnh, giảm bớt nỗi sợ hãi, còn có thể làm giảm sự bi thương, xót xa của người thân, cũng là bài học về sinh và tử.
Vậy, đối với cái chết, thế nào mới được gọi là chuẩn bị xong rồi?
Khi điều trị lâm sàng, nhiều người ban đầu nói rằng: “Tôi không sao cả, tất cả đều chuẩn bị xong rồi!”. Nhưng nếu bàn thêm nữa, thì sẽ biết là có vấn đề. Thường thì mọi người nói “đã chuẩn bị xong” đều chỉ giới hạn ở mức sự việc: việc dặn dò di chúc, phân chia tài sản, tư vấn nghi thức tôn giáo, dặn dò việc sắp xếp hậu sự, chọn đoàn làm tang… Đây thực ra chỉ mới là một phần của công việc “chuẩn bị cho cái chết”. Cũng giống như chỉ mới làm được việc hoàn thành tâm nguyện, không phải là then chốt của việc chuẩn bị cho cái chết; vì điều then chốt của việc chuẩn bị cho cái chết chính là sự trưởng thành về linh hồn, tạo ra sức mạnh nội tại.
Tương tự, những bệnh nhân không phải là bệnh ung thư giai đoạn cuối, mà đang trong thời kỳ điều trị tích cực để giành lại sự sống, vẫn kiêng kỵ khi bàn về vấn đề chuẩn bị cho cái chết. Đại đa số bệnh nhân trong thời kỳ cuối phải đến khi các cơ quan nội tạng chính bị suy thoái, trực tiếp đối mặt với sự đau khổ của cái chết, mới buộc phải chuẩn bị cho cái chết. Còn một số người, đến khi đã ý thức được cần phải chuẩn bị cho cái chết thì tay chân đã bất lực, thế nên họ không biết phải bắt đầu từ đâu?
Từ góc độ chăm sóc tâm linh lâm sàng, sự chuẩn bị cho cái chết gồm có ba mặt: cải thiện bài học về tâm linh, học tập pháp môn và chuẩn bị cho kiếp sau. Nhưng cần nhấn mạnh là khi triệu chứng được khống chế tốt mới có thời gian để chăm sóc cho phần tâm linh. Không được xem nhẹ những cảm giác về mặt thân thể của bệnh nhân, để bàn đến chuyện chăm sóc tâm linh. Cho nên, cần phải suy xét đến triệu chứng của cơ thể, cũng chính là vấn đề quyết sách trong điều trị y học. Như trường hợp rút ống thở của Di Quân, liên quan đến đạo đức lâm sàng, cần phải xem xét yếu tố điều trị y học, ý nguyện của bệnh nhân, chất lượng cuộc sống và những tình cảnh khác.
Về mặt tâm lý xã hội - cải thiện bài học về tâm linh
Khi các triệu chứng bệnh đã được khống chế ổn định, người bệnh mới nghĩ đến: rốt cuộc là ai, vật gì và việc gì khiến mình lo lắng, có gì muốn làm, còn có gì không yên tâm. Cùng với đó là những vấn đề về mặt tâm lý, xã hội với thế giới hiện tại; chẳng hạn như việc hòa giải các mối quan hệ hay hoàn thành tâm nguyện… Cho nên, việc chuẩn bị cho cái chết, đầu tiên là phải hòa hoãn, hoặc cải thiện các vấn đề về mặt này.
Cũng giống như nhiều bệnh nhân thường hỏi: Tại sao lại là tôi? Khi nỗi thống khổ lên đến tột đỉnh, tôi có thể tự sát được không? Sau khi tôi chết, người khác có còn nhớ đến tôi không? Tôi mơ thấy nhiều người nói nhất định phải làm vỡ khối u ra, nếu không làm vỡ ra, thì chết sẽ không có nơi chôn cất? Tôi nhìn thấy trần nhà rơi xuống, trắng đen vô thường?…
Giả sử mọi người đều mong có kết thúc tốt đẹp, vậy tại sao nhiều người lại sợ cái chết, không thể có cái kết đẹp? Do vậy, chúng ta hãy tìm ra những nguyên nhân, cũng chính là bài học về tâm linh đã gây cản trở cho cá nhân để có cái kết đẹp.
Theo kinh nghiệm lâm sàng, chúng tôi chia mặt tâm lý xã hội của bệnh nhân thành bảy bài học lớn về tâm linh: 1. Tự mình cảm nhận sự mất mát hay đau thương một cách nghiêm túc. 2. Tự mình buông bỏ. 3. Không đành (không cam chịu, không yên tâm, không buông bỏ được, làm sai). 4. Lo sợ cái chết. 5. Tâm nguyện chưa hoàn thành. 6. Không nhận thức đúng đắn về chính pháp. 7. Những người khác cần giới thiệu: người mất trí hoặc người bị bệnh tâm thần nặng.
Khi những bài học về tâm linh này được xem xét một cách đúng đắn, thêm vào đó là sự nỗ lực nhất định thì bệnh nhân mới có thể bình tâm suy nghĩ về nơi sẽ đến trong tương lai, trở thành động cơ để học tập, trưởng thành. Nếu không, tình cảm bị bó buộc sẽ vẫn rơi vào tình trạng rối bời trong sinh tử.
Chuẩn bị trước khi chết - học tập pháp môn
Cuối cuộc đời chúng ta luôn phải độc hành, luôn phải ra đi một mình…
Thế thì làm sao để tự mình chuẩn bị cho cái chết? Nên ra đi như thế nào? Phải đi về đâu? Quá trình chết sẽ trải qua hoặc phát sinh sự việc gì? Và nên làm gì cho đúng? Có phương pháp nào để học được điều này? Thực ra những điều này, trong điển tích Phật giáo đã nêu rất rõ ràng.
Con người trước lúc lâm chung cũng là lúc rơi vào trạng thái sắp chết, sẽ phải đối mặt với sự phân giải tứ đại, có thể sẽ gây ra rất nhiều khó chịu, cũng có thể bị mê sảng, co giật, nhìn thấy những cảnh mà người khác không nhìn thấy…
Cho dù tứ đại phân giải là hiện tượng bình thường ngắn ngủi, nhưng về lâm sàng, những bệnh nhân ngày thường chưa có sự chuẩn bị cho cái chết sau khi xảy ra quá trình tứ đại phân giải thường sẽ cảm thấy rất bất an, rất dễ dẫn đến việc đột nhiên nắm chặt tay người thầy tôn giáo (sư thầy hay linh mục) để yêu cầu thuyết pháp.
Làm sao để có thể an nhiên trải qua quá trình chết? Điều này cần phải có phương pháp và cũng cần phải học tập. Đối với những tín ngưỡng tôn giáo khác nhau sẽ có quan điểm về cái chết và phương thức đối xử khác nhau: Bất kể là thế nào, chính lúc này là lúc quan trọng để cho tín ngưỡng và tín niệm tạo ra sức mạnh nội tại hoặc sự trưởng thành về mặt tâm linh.
Phật giáo có Thập nhị nhân duyên (12 nhân duyên), tức là phân thành 12 giai đoạn, nói rõ sự sống của con người từ đâu đến và đi, gồm cả ba thời là quá khứ, hiện tại và tương lai. Các mắt xích kết nối với nhau. Do đó tạo thành tiền nhân và hậu quả. Cái tạo thành quan hệ nhân - quả, chính là “duyên” và được gọi là Thập nhị nhân duyên. Duyên, là một trợ lực, cũng có thể nói là một phương pháp. Nếu có phương pháp tốt, thì việc tạo ra quả cũng khác nhau.
Cho nên, trong hình thức chăm sóc tâm linh được bản địa hóa, đã nêu ra sáu phương pháp học tập gồm: 1. Chúng thiện pháp môn (thông báo bệnh tình, hồi tưởng cuộc đời, bài học về sự sống và cái chết, hoàn thành tâm nguyện…); 2. Quy y pháp môn; 3. Niệm Phật pháp môn; 4. Phương pháp điều trị đếm hơi thở; 5. Pháp môn sám hối; 6. Thuyết pháp và trợ niệm lúc lâm chung.
Sáu pháp môn này dùng để giúp con người có thể vượt qua nỗi sợ hãi về cái chết, bình tĩnh, an trú đi từ bờ bên này sang bờ bên kia.
Sáu phương pháp học tập cho dù có điểm xuất phát đều cùng từ Phật giáo nhưng có thể điều chỉnh tùy theo tín ngưỡng tôn giáo, hay tín ngưỡng dân gian khác nhau, hoặc tùy theo sự thích ứng và tiện lợi của mỗi cá nhân.
Việc chuẩn bị cho cái chết không thể xem nhẹ vấn đề học tập pháp môn. Đặc biệt là đối với bệnh nhân giai đoạn cuối, sức khỏe và thân tâm suy nhược, khi có sự kích thích rất nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng khốc liệt. Cần phải tự biết làm an lòng mình trong sự cảm nhận nỗi thống khổ của bệnh tật thì mới không cảm thấy đau khổ thêm. Pháp môn sẽ là thứ quan trọng giúp chúng ta tạo ra sức mạnh để làm mình an lòng.
Chuẩn bị cho kiếp sau
Phật giáo chia quá trình biến hóa của sinh tử thành bốn giai đoạn: hữu sinh (chào đời), bản hữu (thời gian sống), tử hữu (chết), trung hữu (trạng thái tồn tại trong thời gian từ khi chết đến kiếp sinh mới), rồi sau đó là quá trình lưu chuyển của sinh sinh bất diệt, từ sinh đến không, từ không đến có…
Do đó, chết cũng là sự bắt đầu của sinh mệnh, chứ không phải là kết thúc, lại càng không phải là “hết một là hết tất cả”. Nói ở một góc độ khác, bất kể là trước đó như thế nào, cần phải nắm bắt cơ hội học tập ngay hiện tại, chuẩn bị hành trang cho việc ra đi, nỗ lực vì kiếp sau.
Làm thế nào để chuẩn bị hành trang cho kiếp sau? Đó cũng chính là học phương pháp (pháp môn) từ trong học tập để kiên định niềm tin, rồi sau đó muốn được thực hành; sau khi thực hành, tất sẽ có những cảm nhận, sẽ hiểu được ý nghĩa của sự sống là gì và thế nào là sự sống và cái chết? Sự cảm nhận như vậy chính là hành trang cho kiếp sau.
Bị bệnh thực ra chính là một cách để tu hành, để chúng ta dừng chân nhìn lại những việc đã qua, là hành vi tu hành, điều chỉnh lại nhịp chân bước, đi về phía tương lai.
Sự hao mòn của thân xác không phải là không có ý nghĩa, vì đó là một cách bố thí, không những có thể đem trả lại hình hài thân xác ấy, bố thí cho đất trời hay để làm nghiên cứu khoa học; mà còn là sự trải nghiệm thử quá trình từ giã cõi đời, là bài học về cái chết cho người thân và đội ngũ y bác sĩ, trở thành tình nguyện viên trong giáo dục về cái chết.
Còn trong bài học niệm Phật đếm hơi thở, lại có thể dùng những hành trang tích lũy được để hồi hướng cho chính bản thân và những người thân yêu trong gia đình, bạn bè, thậm chí là cả đại chúng, kết nhân duyên tốt với mọi người, chào đón kiếp sau tươi đẹp hơn.