Bạn có muốn biết bí mật về cái chết? Chúng ta làm sao tìm được, ngoài việc tìm kiếm ở trong sự sống ra?
… Vì sinh và tử là một việc, cũng giống như sông ngòi và đại dương cũng là một việc.
Gibran
CHĂM SÓC TÂM LINH
Triệu chứng hấp hối - tứ đại phân giải và cảm giác biết được thời gian chết
Vừa bước vào phòng bệnh, không khí dường như ngưng kết lại, tôi thấy một người phụ nữ khoảng hơn 50 tuổi đang ngồi dưới nền nhà khóc nức nở…
Thì ra bác sĩ vừa mới đi ra. Bác sĩ nói với bà rằng việc hóa trị đã không còn tác dụng nữa!
Bà hỏi bác sĩ: “Các bác sĩ nói tôi đã không thể hóa trị được, không giúp gì được tôi. Thế nhưng, ngoài vấn đề về cơ thể ra, tôi còn có vấn đề về tâm linh… Phải làm như thế nào đây?”.
Bác sĩ không có lời giải đáp. Cầu cứu không được, bà cảm thấy bi thương đến tột độ…
Nỗi bực dọc hơn nửa thế kỷ của hai chị em
Bà là người rất tài giỏi, tự mình gây dựng cơ nghiệp, khi bị chẩn đoán mắc ung thư, bà đã nhập viện khoa Ung bướu và được chị gái chăm sóc.
Chị gái bà cũng là một phụ nữ có tài. Bà đảm nhiệm chức vụ quan trọng của một công ty. Vì sự ủy thác của người cha trước lúc ông cụ ra đi mà từ nhỏ bà đã gánh trọng trách chăm sóc các em.
Cả hai bà đều chưa lập gia đình và sống chung với mẹ, song hai chị em vẫn cứ đối đầu với nhau, tranh chấp mãi không thôi, họ rất khó nói chuyện với nhau. Người chị, thậm chí còn cho rằng mẹ và em gái về một phe. Mẹ luôn luôn bênh vực em gái. Còn mình thì cô độc một phe… Rốt cuộc là họ tranh chấp vì cái gì?
Thí dụ: nếu như bữa trưa người chị nấu cơm thì người em lại nói: “Em nói chị là muốn ăn cơm hồi nào kia chứ? Em muốn ăn cháo!”. Thế là người chị vội vã đi nấu cháo. Người em lại nói: “Em nói em ăn cháo khi nào kia chứ? Em muốn ăn mì không được sao?”.
Chỉ cần người chị nói Đông, thì cô em sẽ khăng khăng nói Tây… Những việc như thế, cứ như chuyến tàu luân hồi, diễn ra liên tục giữa hai chị em.
Người chị cho rằng cô em luôn giày vò mình. Mặc dù trong lòng rất khó chịu nhưng lại phải tuân theo lời trăng trối của cha, gánh vác nghĩa vụ nặng nề là chăm sóc cho các em.
Song, khi bác sĩ thông báo em gái bị bệnh thì người mẹ cũng đổ bệnh theo. Lấy ai chăm sóc bây giờ? Hai người em trai thì cũng đã yên bề gia thất cả rồi. Và đương nhiên trách nhiệm này lại đè lên vai người chị.
Người chị nghĩ bụng: “Lúc còn khỏe mạnh, mấy người cứ luôn đối đầu với tôi. Bây giờ đổ bệnh rồi lại bắt tôi phải chăm sóc. Đây là cái thế giới gì vậy?”.
Người chị vừa chăm sóc vừa bực tức, giận đến lú lẫn, bèn đem mẹ gửi vào viện dưỡng lão. Song, việc chăm sóc em gái vẫn làm cho bà bực bội. Bà cảm thấy vừa bi thương, vừa bất lực nên bèn cầu cứu các thầy.
Người chị ngồi cạnh tôi luôn miệng kể tội và chỉ trích em gái: “Khối u trên người nó có cũng đã hơn 10 năm rồi. Con cũng đã khuyên nó đi khám bác sĩ ngay từ đầu rồi. Thế nhưng nó có thèm nghe con đâu, không chịu đối diện, không chịu… Hiện nay con vẫn đang tìm người giúp đỡ cho nó. Nhưng nó cứ cho rằng bản thân mình không bị sao…”.
“Còn nữa, đã bệnh ra nông nỗi này rồi, mà việc gì trong nhà nó cũng cứ can thiệp vào. Nói này nói nọ… không biết là có ý gì?”.
Nói đến mức bị kích động, nên người chị đã thốt ra những lời khó nghe nhất… “Con hy vọng hai người họ sớm chết đi, đừng có làm khổ con nữa!”.
Người chị chửi mắng như thế một hồi, xong rồi khóc, nhưng rồi cũng nói ngay: “Thế nhưng phải làm sao bây giờ? Nghe nói ở Đài Nam có một thầy lang, chỉ cần trả cho ông ấy hơn 700.000 Đài tệ, thì có thể chữa khỏi bệnh. Là người trí thức, con cũng biết đấy là gạt người, không có ích gì. Thế nhưng, nếu như đấy là tia hy vọng cuối cùng, thì lẽ nào con lại không làm. Nếu như không làm thì trong lòng con sao mà yên được?”.
Người chị giận em gái vô cùng, nhưng cũng rất lo lắng cho em. Trong lòng người chị hết sức mâu thuẫn. Tôi nghĩ đây tuyệt đối không chỉ là trách nhiệm, có lẽ vẫn còn tình yêu ẩn chứa bên trong?
Người chị với tâm trạng vừa giận dữ, vừa bi thương và cũng đầy mâu thuẫn nói với tôi: “Cuộc sống vô thường và đầy đau khổ cũng chỉ như thế mà thôi. Song cái đáng quý của cuộc sống không phải ở chỗ có tình cảm, tình yêu và đau thương sao!”.
Thế nên, tôi sắp xếp đến ngay khu Ung bướu, vô tình thấy cảnh người em đang khóc tấm tức.
Thân tâm khốn đốn, cầu cứu khó giải
Hình ảnh một người với tố chất mạnh mẽ, đầy tôn nghiêm thông tuệ và một người ngồi bệt dưới sàn nhà khóc lóc yếu đuối dường như là hai người hoàn toàn khác biệt nhau.
Lúc đó, bà đã cởi bỏ sự đề phòng và cái áo giáp tôn nghiêm hằng ngày, bà chỉ cần người có thể giải đáp hoài nghi cho mình.
Tôi không giải đáp những hoài nghi của người em ngay, mà đề nghị bà có thể chuyển đến Phòng chăm sóc giảm nhẹ để tiếp tục điều trị hay không?
Thế nhưng, sau khi chuyển đến Phòng chăm sóc giảm nhẹ, tính cố chấp của người em vẫn như cũ, liên tục thắc mắc. Khi người chị hy vọng người em chấp nhận sự giúp đỡ của Phật pháp, người em không những không đồng ý mà còn cự tuyệt một cách kịch liệt.
Khi vị thầy vừa bước vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ, người em liền hỏi ngay:“Phật giáo của các thầy không phải rất từ bi hay sao? Tại sao lại còn nói đến địa ngục?”.
Thầy giảng cảnh địa ngục trong Địa Tạng Kinh cho bà nghe… Thầy càng giảng, bà càng cảm thấy sợ hãi. Kết quả là bà đã mời vị thầy ấy ra ngoài.
Không có được sự giải đáp vừa ý, nên khi vị thầy thứ hai bước vào thì bà vẫn hỏi lại câu hỏi cũ.
Thầy ấy trả lời: “Địa ngục do tâm mà nên”.
Ban đầu, người em thấy thầy giảng cũng hay nên mới thổ lộ: “Thế thì nếu như trong lòng không nghĩ đến, thì sẽ không có địa ngục có phải không thầy?”.
Thầy tiếp tục giải thích quan điểm “duy thức”. Người em càng nghe càng mơ hồ, càng nghe càng tức giận, và thế là vị thầy thứ hai cũng bị mời ra ngoài.
Tôi đã lần lượt mời hai thầy đến để thăm dò và các thầy đều không trụ được. Thế là, tuần thứ hai tôi đến Phòng chăm sóc giảm nhẹ của người em.
Thấy tôi, tâm trạng người em bộc phát và lớn tiếng trách mắng.
“Là thầy khuyên con chuyển đến đây, nhưng lại không đến thăm. Thử hỏi thầy giúp con được việc gì nào? Rốt cuộc thầy khuyên con chuyển đến đây để làm gì? Con không hiểu cách trị bệnh giảm nhẹ của mấy thầy rốt cuộc làm được cái gì cho con? Thầy là thầy kiểu gì? Thà đừng làm còn hơn!”.
“Còn nữa, chị của con thường tìm thầy để nói chuyện có phải không? Con biết ngay mà. Chị ấy nói con có vấn đề, cần phải “yên tâm”.
“Thế không phải chị con nhờ thầy giúp con “yên tâm” hay sao? Thầy giúp con “yên tâm” như thế nào đây?”. Người em ngồi trên giường, hai chân lơ lửng, vừa không ngừng trách móc tôi, vừa dùng một tay liên tục chọc chọc vào chân phải…
Người em đang ở trạng thái nào? Vì khối u đè nén nên chân phải vừa đau, vừa mỏi, vừa tê. Bà vẫn đang cầu cứu nhưng lại không có được lời giải đáp. Không chỉ cơ thể đau đớn, mà trong lòng cũng không yên.
Lúc đó, tôi lấy một cái ghế nhựa để bà kê chân lên và nói: “Để tôi mát xa cho bà”. Tôi dùng tay đỡ chân bà và bắt đầu xoa bóp đầu gối, cẳng chân…
Lấy câu chuyện để ám chỉ, phát hiện điểm mù của chính mình
Lúc đó tôi nói: “Thầy kể cho bà nghe một câu chuyện. Trong Phật giáo có câu chuyện về Sư tổ Đạt Ma. Bà có muốn nghe không?... Đạt Ma có một đệ tử tên là Huệ Khả. Bà có biết Huệ Khả là người như thế nào không?”.
Tuy rằng người em vẫn đang giận, hai mắt nhắm nghiền nhưng cũng không tỏ thái độ là không muốn nghe. Thế nên, tôi vừa bắt đầu kể chuyện vừa mát xa chân cho bà.
“Nghe nói Huệ Khả kiếp trước có võ công. Tay trái giết người như ngóe. Dẫn đến kiếp này đêm nào cũng gặp ác mộng… Để cầu xin Đạt Ma thu nhận, Huệ Khả đã đứng trong tuyết suốt một ngày, một đêm, còn chặt đứt cánh tay trái của mình… Vì tâm bất an nên thỉnh cầu Đạt Ma an tâm cho mình…”.
Để thu hút sự chú ý của bà, điều mà tôi kể là tình tiết trong phim. Một lát sau, tôi quan sát thấy thái độ của bà đã dần dần dịu lại. Kể đến chỗ ly kỳ, tôi bèn dừng lại không kể tiếp nữa.
Lúc đó người em bỗng mở to đôi mắt, hiếu kỳ hỏi tôi: “Kết quả như thế nào? Kết quả như thế nào? Cuối cùng thì thầy Huệ Khả có an được tâm không?”.
Tôi trả lời: “Quan trọng là ở quá trình. Thế nhưng, cuối cùng Huệ Khả có thể an được tâm là do có ba điều then chốt: Thứ nhất, thầy Huệ Khả công nhận mình gặp khó khăn. Thứ hai, thầy ấy đồng ý nói ra. Thứ ba, thầy ấy tiếp thu ý kiến đóng góp và học tập”.
Người em rất thông minh, lại có tài ăn nói. Bà biết rằng ba điều then chốt đó là nhắm vào mình. Vì từ trước đến giờ bà không bao giờ công nhận là mình bị bệnh, hay gặp khó khăn gì, và cũng không chịu nói ra. Tất cả đều đổ tại người chị nói ra cả. Là do chị gái mời người đến giúp đỡ, chứ không phải tại bà yêu cầu. Còn nữa, cho dù người khác nói cái gì thì bà cũng đều phản bác cả. Người ta nói là đen, thì bà nhất định nói là trắng.
Sau khi nghe ba điều then chốt, người em nhắm mắt lại, im lặng không nói nữa.
Tôi cũng giữ yên lặng và tiếp tục mát xa chân cho bà. Tôi hiểu rằng người em đang “sắp xếp” lại thái độ của mình.
Phải luyện tập trước, làm giảm đi sự sợ hãi
Mấy phút sau, tôi vỗ nhẹ vào lưng người em. Bà không tự kiềm chế được và bắt đầu khóc… Tiếp đó, bà hỏi một loạt các câu hỏi.
“Con nghe thấy tiếng thở hổn hển của bà ở phòng bên cạnh, khi bà ấy sắp chết. Thở hổn hển như thế, có phải là rất đau đớn không? Có phải con sẽ đau đớn giống bà ấy không?”.
“Sự đau đớn đó, có phải giống như trong kinh Phật nói không? Người chết đau đớn như rùa bị lột mai, như chim bị vặt lông. Nếu đau đớn như thế thì con phải làm sao?”.
“Niệm Phật có thể hết đau không? Khi con đau đớn như thế, thì niệm Phật có tác dụng với con hay không?”.
“Niệm Phật dẫu rằng có thể hết đau đớn. Thế nếu như con chết rồi thì sẽ đi về đâu? Thế giới Cực lạc hay sao? Con thấy, thầy cũng chưa từng thấy hay đi qua, nên nhất định sẽ không biết. Vậy, như thế nào để con tin đây?”.
Thì ra khi người em chuyển sang Phòng chăm sóc giảm nhẹ được hai ngày thì phòng bên có người ra đi. Mấy ngày sau, bà lại nghe thấy tiếng rên đau đớn như thế. Lại một người nữa ra đi…
Một ngày 24 tiếng nằm trên giường bệnh, chỉ biết nhìn lên trần nhà, cho nên bà đặc biệt chú ý đến những động tĩnh xung quanh, tư tưởng tình cảm cũng đặc biệt mẫn cảm. Người em nghĩ bụng, có lẽ ngày mai, hay ngày mốt, cũng đến phiên mình. Mình cũng sẽ đau đớn giống như họ sao? Bà rất lo lắng, buồn phiền và chơi vơi! Thế nhưng rốt cuộc thì bà cũng đã chịu nói ra nỗi lo lắng và sợ hãi trong lòng mình, không còn đổ lỗi tất cả đều do chị gái nữa.
Đối với câu hỏi thứ nhất và thứ hai của bà, tôi dùng quan niệm về giai đoạn “tứ đại phân giải”, từng phần, từng phần, giải thích những điều kinh Phật ghi chép và những phản ứng, trạng thái lâm sàng có thể xảy ra.
Phật giáo cho rằng con người (vật chất) là do bốn thành phần chính gồm đất, nước, lửa và gió hợp lại mà thành. Nếu như bốn thành phần này phối hợp hài hòa, thì cơ thể khỏe mạnh. Còn bốn thành phần này mà phối hợp không nhịp nhàng, thì sẽ dẫn đến các loại bệnh tật.
Bốn yếu tố này, tương ứng với cơ thể con người. Lông tóc, móng, răng, da, thịt, tủy xương, gân mạch và cả lục phủ ngũ tạng… trạng thái rắn thuộc về “đất”. Máu, nước bọt, mồ hôi, đờm, nước mắt, nước mũi, phân và nước tiểu, cặn bã tiết ra… trạng thái lỏng thuộc về “nước”. Nhiệt độ, hơi ấm, năng lượng nhiệt… từ sự giao cảm giữa bên trong cơ thể và bên ngoài… thuộc về “lửa”. Hô hấp thì thuộc về “gió”.
Con người lúc sắp chết, cơ thể sẽ lần lượt đối diện với “tứ đại phân giải” hoặc “băng giải”. Cũng giống như trong kinh Phật nói là con người khi chết, đau đớn giống như rùa bị lột mai, như chim bị vặt lông. Đó là một trạng thái tồn tại có tính phổ biến mà người nào cũng sẽ phải trải qua.
“Cho nên, bà nghe được tiếng rên, nhưng không nhìn thấy sự đau đớn. Và cũng không nhất thiết sẽ đau đớn, như bà tưởng tượng. Vì đó là một trạng thái phân hủy, là quá trình tự nhiên của cái chết, là một loại phản ứng bản năng của cơ thể”.
“Cái chết tuy rằng không biết trước, không có cách nào để khống chế cái chết. Song, khi đồng ý tìm hiểu về những giai đoạn và sự biến đổi của quá trình chết đi, thì quá trình chết sẽ không còn gian khổ như thế nữa…”.
Pháp môn an tâm, giáo dục về sinh tử
Niệm Phật, rốt cuộc có làm cho hết đau đớn không?
Tôi trả lời: “Thầy cũng không biết. Thế nhưng, tứ đại phân giải đích thực sẽ tạo nên trạng thái (cảm giác) không thoải mái. Nếu như chúng ta không có sự chuẩn bị tốt, bản năng cơ bản sẽ muốn đối kháng lại với điều đó. Song, càng muốn đối kháng, thì sẽ càng không thoải mái. Phải làm sao đây?”.
“Lúc này, chúng ta cần có một phương pháp để tâm của chúng ta an trú (yên ổn). Hãy thả lỏng hoàn toàn!
Giống như khi chúng ta qua sông thì cần phải có thuyền bè để đi từ bờ bên này sang bờ bên kia an toàn. Lúc này, niệm Phật có thể trở thành thuyền bè của chúng ta, giúp cho chúng ta đi đến bờ bên kia. Cho nên, bà có muốn thử niệm Phật xem có đúng là niệm Phật sẽ làm hết đau không?”.
“Phải niệm Phật thì bà mới biết được có đúng là có thế giới Cực lạc hay không? Bà hãy cứ thử xem sao? Sau đó, hãy nói cho thầy biết có thế giới Cực lạc hay không?”. Người em không cự tuyệt!
Tôi lấy ra một bức tranh Phật và nói: “Đây là Phật A Di Đà! Nhìn vào bức tranh Phật A Di Đà này bà nghĩ đến cái gì? Hay là có cảm giác như thế nào?”.
Người em trả lời: “Con nghĩ đến ánh sáng, có một cảm giác rất ấm áp”.
Thế nên tôi dạy bà cách niệm Phật, đếm hơi thở, nghĩ đến những cái tốt của mẹ và chị, dùng tình yêu để chúc phúc cho họ.
“Bà có thể để cảm giác ánh sáng đó ở trong tim, làm ấm áp chính mình và chúc phúc cho tất cả những người mình yêu thương cũng như tất cả những người mà mình lo lắng. Vừa niệm A Di Đà Phật, vừa đưa ra những lời chúc phúc. Khi hít vào thì nghĩ đến ánh sáng đó, nghĩ đến tình yêu đó. Khi thở ra thì đem ánh sáng đó, tình yêu đó ra ngoài…”.
“Hít vào, thở ra, thả lỏng, tiếp tục thả lỏng, nói với chính mình phải tiếp nhận tất cả, không nên đối kháng. Khi hít vào, quán tưởng Phật A Di Đà đại diện cho ánh sáng, tình yêu nhân từ. Khi thở ra quán tưởng mình dùng ánh sáng, tình yêu nhân từ chúc phúc cho chị và mẹ. Bà lo lắng cho mẹ và chị gái bao nhiêu thì hãy dùng sức mạnh tương đương như thế để chúc phúc cho họ…”. Nghe xong người em lại nhắm mắt lại.
Mấy phút sau bà lại mở mắt và nói: “Thưa thầy, con hiểu rồi!”.
Sau đó bà lại hỏi: “Mẹ của con đã lớn tuổi rồi. Con nên cầu sinh hay cầu tử đây?”.
Điều này thể hiện tuy rằng người em biết rất rõ bệnh tình của mình. Nhưng trong lòng thì vẫn chưa có cách nào để chấp nhận cái chết cả…
Tôi nói: “Không cầu sinh, cũng không cầu tử, mà cầu lòng được thanh thản”. Sống và chết đều không cầu được. Điều quan trọng nhất là “chỉ cần lòng bà thanh thản, thì lòng mẹ của bà cũng sẽ thanh thản”.
“Bà thử nghĩ xem”, tôi tiếp tục nói: “Cuộc sống, rốt cuộc phấn đấu vì cái gì? Trước đây là phấn đấu vì bản thân, sự nghiệp và tương lai. Còn bây giờ, có thể phấn đấu vì những người mà mình thương yêu. Phấn đấu cái gì? Phấn đấu để thanh thản”.
Thực ra, mỗi lần chị của bà nói về bà, thì trong mỗi lời nói đều thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho bà. Trước mặt thầy, chị của bà đã khóc rất nhiều lần. Thầy cũng hiểu tình yêu của bà đối với chị của mình. Chỉ là cách thể hiện không giống nhau mà thôi.
“Trong chặng đường cuối của cuộc đời, chị của bà luôn ở bên cạnh, chăm sóc bà. Điều đó bà đều đã nhìn thấy. Bây giờ thì bà hãy vì chị, vì những người trong gia đình, mà làm một việc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời - làm điển hình về giáo dục cái chết. Trên thế gian này, không còn món quà nào quý hơn điều này nữa!
Chúng ta cùng làm thử xem như thế nào, được không?”.
Người em gật đầu nói: “Con đã hiểu những điều thầy nói rồi!”.
Khơi gợi sức mạnh nội tại, hóa giải sự lo lắng về sinh tử
Chiều hôm đó, nhìn thẳng vào bốn vấn đề trước mắt, hai chị em lại thảo luận liên tục ba, bốn tiếng đồng hồ.
Người chị nói rõ với tôi: Trong lúc nói chuyện, em bà đã nói ra cảm nghĩ của mình về chị. Đem những tình cảm buồn khổ bị đè nén trong lòng bấy lâu nay nói hết ra… Cuối cùng, em bà đã thanh thản rồi!
Hai ngày sau, người em gái xuất viện, đồng ý được chăm sóc ở nhà.
Về sau, người chị kể với tôi về những việc xảy ra trước khi em mình ra đi.
Ngày hôm ấy người em cảm nhận thấy toàn thân rã rời nên nói với bà: “Chị à, hôm nay người em kỳ lạ thế nào ấy! Dường như giống với hiện tượng “tứ đại phân giải” mà thầy đã nói. Người cảm thấy rất nặng nề, chẳng có chút sức lực nào… đang phân giải rồi…”.
“Đừng nói bậy! Chị đưa em đi bệnh viện kiểm tra ngay, nhanh lên!”. Trong lúc cấp bách bà khuyên em đừng có nghĩ quẩn.
“Chị, chị đừng như thế có được không? Trong lòng chị biết rất rõ mà. Thời gian của em đã đến. Chị nên chúc phúc cho em để em ra đi được thanh thản! xin chị hãy chúc phúc cho em có được không? Như thế em mới có thể yên tâm mà ra đi…”. Người em thản nhiên đối diện với cái chết. Người em của trước đây và bây giờ dường như là hai con người hoàn toàn khác nhau.
“Đến phút cuối, rốt cuộc lại là em gái an ủi con, một người sắp ra đi…”, người chị vừa nói vừa khóc. Chỉ có điều đây là những giọt nước mắt cảm động!
Trong suốt quá trình, cả hai chị em đều nói với tôi về suy nghĩ của mình đối với người kia. Tôi bèn thuật lại sự quan tâm của hai chị em họ với nhau. Thì ra là một sự hiểu lầm kéo dài hơn nửa thế kỷ!
Từ trước đến giờ, người em rất thương chị. Thật ra ý của bà là: “Chị ơi, chị vất vả rồi. Chị đã nuôi chúng em khôn lớn. Chị đã làm tròn di nguyện của cha. Chúng em thật sự đã trưởng thành rồi, chị không cần phải việc gì cũng lo cho chúng em nữa. Chị có thể lo cho bản thân mình một chút có được không? Ăn ngon một chút, mặc đẹp một chút. Chị nghĩ cho bản thân mình một chút…”.
Hai chị em cuối cùng cũng đã hiểu được lòng nhau. Trong một bức thư của người chị gửi cho tôi, nhiều cảm xúc đan xen cứ dâng trào trong tôi.
21 ngày, tính từ khi em gái trở về nhà, là sự bắt đầu trải lòng giữa hai chị em. Qua việc xin lỗi, tha thứ và cảm ơn, ân oán tình cảm hơn 50 năm đã được hóa giải thành những lời chúc phúc đời đời, kiếp kiếp. Những xung đột kéo dài hơn nửa thế kỷ đã được kết thúc bằng tình yêu thương.
Tôi tin rằng tình yêu giữa hai chị em không chỉ lan truyền đến người mẹ (đã được đón từ viện dưỡng lão về) mà cũng sẽ lan rộng đến cả những người khác…
Bức thư người chị gửi đến
Kính thưa thầy!
Em gái con ra đi đến ngày mai là được 40 ngày. Những ngày này con lo việc hậu sự cho em - ngưng việc làm ăn, bận rộn xử lý hàng tồn, nhưng trong lòng con, vẫn luôn nhớ một việc, đó là tự đáy lòng mình cảm ơn thầy và những thành viên trong đoàn.
Sau khi em từ bệnh viện trở về, thì luôn khen ngợi bệnh viện với con (trước đó con có đưa em đi chữa bệnh hai lần nhưng em đều oán trách cả). Em đặc biệt nói đến việc nói chuyện với thầy rất hợp. Vì em nghe và hiểu những điều các thầy nói. Khi nhắc đến thầy, đôi mắt em sáng lên và vui vẻ. Con hiểu rằng, em cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm!
Em gái con vất vả cả đời, không được tưới mát trong Phật pháp, ít được người thân hiểu. Người làm chị như con, thậm chí còn là người đối đầu với em, tranh chấp với em mãi không thôi, lại còn nói những lời ác ý với em. Thế mà, trong lòng em lại rất xem trọng người chị chẳng ra gì này!
Nếu như không phải nhờ thầy, người đã làm nhịp cầu nối cho chúng con, thì làm sao con hiểu được tấm lòng của em con? Và cũng cứ luôn cho rằng mình đúng, nên không xin lỗi em.
Cảm ơn thầy, đã giúp con hiểu, đằng sau những việc em xen vào đều ẩn chứa tình yêu và sự quan tâm. Bởi hiểu như thế, con mới thôi tranh luận đúng sai với em, trong mọi việc tiếp nhận người em có vẻ ngoài cứng rắn, nhưng bên trong thì luôn khát khao được đồng cảm.
Sau khi em gái con từ bệnh viện về nhà, con tiếp cận em từ nội tâm (trước đó, để tránh tranh cãi, con luôn giữ khoảng cách về mặt tình cảm với em). Khi nhận ra sự hiểu lầm của mình về em, con đã xin lỗi em vì đã không đọc, không hiểu được khi nội tâm của em cô đơn, lẻ loi và yếu đuối. xin lỗi, không có nghĩa là chấp nhận cái gì em cũng đúng, mà là sự sám hối của bản thân con đối với việc mình không có trí tuệ, không có lòng từ bi. Và đương nhiên, còn có cả những suy nghĩ và việc làm chủ quan của bản thân con, chỉ vì cầu toàn, mà đã đem đến cho em mình rất nhiều áp lực và tổn thương.
Thật ra, em còn rộng lượng hơn con. Em nói: “Chị em ai lại giận nhau qua đêm”. Câu nói này làm cho con cảm thấy xót xa. Trong cuộc đời này em nói xin lỗi con ba lần và đều xảy ra trong 21 ngày, những ngày sau khi từ bệnh viện trở về.
May mắn là tình chị em hơn 50 năm giữa hai chị em được kết thúc bằng sự tha thứ và cảm ơn lẫn nhau. Chỉ tiếc là, trước đó chị em con đã không có được hòa khí, để có thể tâm sự mọi chuyện và kính trọng nhau.
Chủ nhật con dọn dẹp phòng của em, bất giác đau thương cứ trào dâng, cảm thấy buồn mãi không thôi, vì mình đã từng làm tổn thương em, đã không có đủ lòng từ bi, bao dung và đức hạnh để cảm động em, con đã không thể làm được cho em nhiều hơn.
Nhưng tất cả, chỉ có kiếp sau con mới bù đắp cho em được và đương nhiên là trong đời này con sẽ không phạm những sai lầm như thế đối với người nào khác nữa. Vào ngày em gái con mất, con đón mẹ con từ viện dưỡng lão về, nói cho mẹ biết sự thật và để mẹ nhìn mặt con gái lần cuối. Mẹ rất hài lòng việc con sắp xếp tang lễ đơn giản mà long trọng.
Cái chết của em khiến con quyết định không chờ người giúp việc ở quê lên nữa. Con đã bỏ thêm tiền ra mời hộ lý đến nhà, giúp mẹ đứng lên. Mẹ con rất kiên cường, về nhà được hơn một tháng thì bệnh dần dần bớt đi. Con cũng sám hối với mẹ về sự bất hiếu của mình. Mẹ con trở nên vui vẻ và béo ra. Tinh thần của mẹ con đã tỉnh táo hơn, không còn hoảng hốt như khi còn ở viện dưỡng lão nữa.
Từ quá trình mở lòng với em gái và mẹ, con cảm nhận được sức mạnh của trái tim, cũng như cảm nhận được vạn Pháp cũng từ trái tim mà ra. Không được xem thường ngay cả một suy nghĩ nhỏ, khả năng sát thương của sự sân hận đối với người khác thật ra rất là lớn. Người giúp việc ở dưới quê cũng phải qua Tết mới lên. Lúc đó, con còn phải dành thời gian để hướng dẫn người ta cách chăm sóc mẹ. Cũng phải giúp họ yên tâm làm việc, để họ có cảm giác như đang ở nhà.
Tóm lại, con cũng còn rất bận, nhưng con sẽ dành thời gian để gọi điện hẹn đến gặp thầy. Thật lòng con cảm ơn thầy cùng các thầy khác. Con xin lỗi, vì không biết thứ bậc của các thầy ấy. Thầy có thể chuyển lời cảm ơn của con đến tất cả những thành viên trong đoàn được không ạ? Một dịp khác con sẽ đích thân đến để cảm ơn.
CHĂM SÓC TÂM LINH
Triệu chứng hấp hối - tứ đại phân giải và cảm giác biết được thời gian chết
Quá trình lâm chung - từ lúc còn sống đến lúc chết, cơ thể sẽ trải qua quá trình tứ đại phân giải. Hệ thống các cơ quan toàn cơ thể sẽ dần dần suy kiệt. Triệu chứng khi cái chết đến gần sẽ xuất hiện, báo hiệu sự sống sắp kết thúc.
Kinh Phật có ghi chép: Cơ thể con người là do sự hội tụ của bốn yếu tố chính là đất, nước, lửa và gió. Trong quá trình con người chết đi, thân thể sẽ xảy ra hiện tượng “tứ đại phân giải” hoặc “băng giải”. Sự đau đớn của “tứ đại phân giải” sẽ tùy vào sự tu hành của mỗi người khác nhau mà diễn ra khác nhau. Có người thì rất dữ dội, rất nghiêm trọng; có người thì không rõ rệt, nhẹ nhàng dường như đang ngủ vậy… Những người tu Đại thừa có thể an nhiên tự tại mà đi qua những giai đoạn này.
Đối diện với tứ đại phân giải, chúng ta nên tự xử lý như thế nào?
Chỉ cần hiểu được quá trình của cái chết, có tâm lý chuẩn bị thì không cần phải lo lắng hoặc sợ hãi. Vì cho dù có bất kỳ thay đổi gì, những hiện tượng này đều là tạm thời, đều là hiện tượng bình thường trong quá trình phân giải và chúng sẽ qua đi. Những hiện tượng này có khi sẽ xuất hiện cùng một lúc, nhưng thứ tự xảy ra cũng không nhất định, hơn nữa thời gian tứ đại phân giải của mỗi người cũng khác nhau.
Cho dù xuất hiện bất cứ hiện tượng, hoặc cảnh tượng gì, hãy thử nhận ra nó nhưng đừng lưu luyến, và cũng đừng đối kháng với nó. Phải thả lỏng. Vì đối kháng sẽ làm cho cảm giác của phân giải càng nghiêm trọng, càng đau đớn, lúc ấy cần phải nhất tâm an trú với phương pháp đã luyện tập bấy lâu nay thì đau đớn sẽ từ từ qua đi.
Tứ đại phân giải, có trình tự của nó và còn có thể tương ứng với “Hệ thống sinh vật suy kiệt” của y học.
Đất phân hủy - hệ thống xương cốt, cơ bắp và thần kinh suy kiệt
Hiện tượng đất phân hủy, trong y học gọi là hệ thống xương cốt, cơ bắp và thần kinh suy kiệt, do hệ thống cơ bắp thiếu oxy, lượng lớn axit béo bị chất đống, trao đổi chất không được thực hiện dẫn đến cơ bắp nặng nề không chịu nổi, đồng thời công năng của thần kinh, tâm lý, sinh lý cũng bởi thế mà phải đối mặt với nguy cơ thiếu oxy trầm trọng. Chức năng nhận thức của não bị ức chế, do đó, đã không thể có phản ứng hay đánh giá chính xác đối với mọi thứ xung quanh và trạng thái của bản thân. Cho nên, người sắp chết sẽ có những động tác mang tính quán tính để nâng mình lên như muốn đứng dậy, gối phải kê cao, tay luôn với nắm, tưởng rằng thân thể được nâng cao lên thì sẽ không việc gì.
Biểu hiện lâm sàng của người bệnh có những hiện tượng nhỏ như sau: mềm nhũn không có sức lực; thời gian ngủ càng lúc càng nhiều, rơi vào giai đoạn ngủ triền miên, thậm chí hôn mê; hai má hóp lại, nuốt khó khăn, không thèm ăn, lưỡi mặt kính (mặt lưỡi bóng như gương), đầu lưỡi co rụt vào, răng có những vết đốm, răng ngậm chặt, dái tai co lại; nói và nghe giảm, khả năng phân biệt kém; không thích người khác chạm vào mình; bị ảo giác, ảo thính, nhìn thấy những người thân đã qua đời, bực bội lo lắng…
Quá trình đất phân hủy dễ nhận ra nhất. Thường thì lúc đó con người sẽ cảm thấy cơ thể mất đi sức lực, không thể cầm đồ vật, bắt đầu cảm thấy nặng nề. Thế nên người đang đi lại bình thường, thì đi lại chậm chạp, đang đứng được, thì chỉ còn ngồi được, sau đó ngồi cũng không vững nữa.
Thêm vào đó là cảm giác buồn ngủ, mí mắt cứ díp lại. Cơ thể nặng nề như núi Thái Sơn đè, luôn cảm thấy có một sức mạnh kéo người mình xuống. Cơ thể cứ chìm xuống, rơi xuống… thế nên sẽ vô cùng sợ hãi. Rốt cuộc là thế nào đây?
Trong lâm sàng, chúng ta sẽ thấy người sắp chết cố hết sức chống lại sức mạnh kéo xuống kia, muốn đứng lên hoặc đi lại, muốn kê gối cao, họ sẽ dùng sức cầm lấy những thứ có thể cầm được như thành giường… hoặc hai tay cứ chụp bắt vu vơ… Có người thậm chí còn gạt bỏ chăn bông, xé quần áo, bỉm…; gạt những người giúp mát xa hay khi có ai đó chạm vào người thì gạt ra… Cũng có trường hợp, cơ bắp rung lên, chân tay co rút… xem ra vô cùng sốt ruột, lo lắng. Có chỉnh sửa tư thế như thế nào thì họ cũng không thấy thoải mái. Lúc đó, có bệnh nhân sẽ muốn xuống giường bởi vì họ cảm thấy chân đứng trên mặt đất có cảm giác an toàn - cái này trong dân gian gọi là “từ thổ”… Nghe nói nó có nghĩa là “nói lời tạm biệt với đất” hoặc “từ chối không nhận đất”.
Nếu như càng chống lại, thì tình hình sẽ càng xấu đi. Nội tâm sẽ càng sợ hãi… sẽ càng lo lắng khua múa, uốn éo lung tung.
Cuối cùng, có người sẽ có ảo giác, nhìn thấy nước trong vắt, phát sáng. Đó cũng chính là dấu hiệu sắp bước sang giai đoạn nước phân hủy.
Khi người nhà thấy hiện tượng như trên, thường sẽ cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Thậm chí, còn cho là nghiệp chướng hiện tiền, hoặc là quỷ đến bắt người! Về mặt y học, thì gọi chung là “xao động”, thông thường bác sĩ sẽ tiêm “thuốc an thần” để bệnh nhân “yên tĩnh” trở lại - nhìn bề ngoài thì rất là bình thản nhưng thực chất là bệnh nhân không có sức phản kháng, và có thể sẽ dẫn đến lo lắng hơn.
Cho nên, nếu khi nhìn thấy có hiện tượng “đất phân hủy” thì chúng ta đừng mát xa hoặc tiếp xúc vào người sắp chết… Bất cứ ngoại lực nào đều có thể khiến họ đau đớn hơn. Nhưng nếu tay của người bệnh cứ khua lung tung thì cũng có thể để họ nắm nhẹ tay của bạn. Thậm chí có người còn trở về tư thế như là thai nhi trong tử cung. Với trường hợp này, thì có thể nhè nhẹ ôm họ từ sau lưng, khiến họ có cảm giác an toàn.
Nước phân hủy - hệ thống tuần hoàn suy kiệt
Hiện tượng “nước phân hủy”, trong y học gọi là “hệ thống tuần hoàn suy kiệt”. Biểu hiện lâm sàng có: tim đập nhanh, yếu và loạn nhịp; huyết áp giảm; lượng nước tiểu giảm, thậm chí không có nước tiểu; đại tiểu tiện không điều tiết được; phù thũng dần mất đi nhưng mắt phù thũng…
Lượng nước trong cơ thể con người chiếm khoảng 70%. Khi nước phân hủy, lượng nước trong cơ thể bắt đầu thoát ra ngoài qua các đường khác nhau, mức độ rõ ràng hay nghiêm trọng xảy ra ở mỗi người mỗi khác.
Khi đó, người sắp chết sẽ bắt đầu ra mồ hôi, toàn thân ẩm ướt, bết dính. Người bị nặng có thể ngay cả quần áo, gối, chăn bông cũng bị ướt, giống như bị rớt xuống nước. Có người sẽ nhìn thấy nước lớn sắp tràn đến, kêu lên “nước đến rồi, nước đến rồi, mau chạy đi” hoặc “có thuyền không, mau lên thuyền” hoặc làm động tác như đang chèo thuyền… hoặc bị nước sông đẩy đi hoặc cuốn trôi. Hình như sắp chết đuối… cảm giác vừa ướt vừa lạnh…
Cũng có thể nước mắt, nước miệng, nước mũi cứ tự động chảy ra, đại tiểu tiện không điều tiết được… cảm giác miệng với cổ họng dính như bị nghẹt…
Do nước trong người dần dần bị đẩy ra ngoài, có người cảm thấy toàn thân khô kiệt, dường như sắp bốc lửa. Khi trước thì cảm thấy ướt, lạnh mà bây giờ lại cảm thấy nóng như thiêu, một hồi lạnh, một hồi nóng, cũng sẽ cảm thấy khát nước, muốn uống nước, sẽ kêu lên “nước, nước…”. hoặc “uống nước...”. Nhưng họ không biết rằng bản thân đã không có cách nào uống nước được.
Khi đó, sức cảm nhận của họ cũng yếu đi, càng lúc càng mơ hồ, người trở nên hết sức nóng nảy, căng thẳng, bất lực… Có người sẽ nhìn thấy sương mù. Một làn sương khói bay qua… Điều này cho thấy họ sắp chuyển sang giai đoạn lửa phân hủy.
Cho nên, nếu nghe thấy người sắp chết kêu khát, đòi uống nước thì ta có thể dùng tăm bông thấm nước và xoa lên trên môi họ để giữ ẩm cho môi. Còn cần phải an ủi người sắp chết: “Con biết ba (mẹ) rất khát, rất háo nước. Con xin lỗi, không phải chúng con không muốn cho ba (mẹ) uống nước mà vì ba (mẹ) không thể hấp thu được nữa, uống vào thì sẽ bị sặc, như vậy sẽ càng đau đớn hơn… đây chỉ là quá trình ngắn mà thôi, sẽ qua rất nhanh…”.
Còn có một số người nhà sẽ cho rằng người sắp chết đang khóc, chảy nước mắt buồn bã. Thực ra có thể do mắt bị phù thũng, đây là giai đoạn nước phân hủy, đơn thuần là cơ thể suy kiệt.
Lửa phân hủy - hệ thống tuần hoàn suy kiệt
Hiện tượng lửa phân hủy, trong y học cũng thuộc “hệ thống tuần hoàn suy kiệt”, do chức năng trao đổi chất vật lý xấu đi. Tất cả các chức năng dần dần suy kiệt. Để duy trì tính ổn định của cơ thể, hệ thống thần kinh tự chủ sẽ dồn hết sức mình làm việc… Trong lâm sàng của ngành y phát hiện một số hiện tượng nhỏ như sau: tim đập nhẹ nhưng nhanh, tứ chi lạnh và tím tái, mu bàn chân teo lại, chân lạnh, trong người dường như có lửa đốt, toàn thân toát mồ hôi lạnh…
Khi lửa phân hủy, người sắp chết sẽ cảm thấy miệng, mũi khô, toàn thân nóng khô, sau đó thân thể lạnh dần. Thông thường thì tay chân bắt đầu lạnh, có khi lạnh như đá vậy, lạnh đến phát run lên… Song những khối u thì lại bỏng phồng lên, bên trong thì như lửa đốt, trong nóng ngoài lạnh, bỗng chốc nóng lại bỗng chốc lạnh…
Khi đó, tinh thần của người sắp chết lúc thì rất sáng suốt, lúc thì hỗn loạn, lúc tỉnh táo, lúc không rõ ràng. Họ không nhớ được người và sự vật, như là không nhớ tên của người nhà hoặc bạn bè, thậm chí không nhận ra họ là ai… Sau đó, có thể nhìn thấy trong gió có những đốm lửa hồng nhảy nhót như những con đom đóm. Điều này thể hiện họ đã bước sang giai đoạn gió phân hủy rồi.
Vào lúc này, chúng ta đừng vì thấy người sắp chết tay chân giá lạnh, mà vội vàng mặc thêm quần áo, đắp thêm chăn, hoặc mở lò sưởi, hay dùng đèn pha chiếu vào để sưởi, hoặc vội vàng đóng cửa sổ lại… Thực ra, trong cơ thể người sắp chết rất nóng. Nếu làm như trên, thì họ sẽ cảm thấy đau đớn hơn nhiều!
Thông thường thì ta nên mở cửa sổ, hoặc bật quạt điện, để không khí lưu thông, làm dịu đi sự khó chịu trong người của người sắp ra đi. Cho dù nóng hay lạnh, thì thật ra đều là cảm giác của người sắp lâm chung. Thực tế khám lâm sàng cho thấy nhiệt độ cơ thể của người sắp chết đa phần là bình thường.
Gió phân hủy - hệ thống hô hấp suy kiệt
Hiện tượng gió phân hủy, trong y học gọi là “hệ thống hô hấp suy kiệt”, vì công năng của não bộ suy kiệt, đặc biệt là công năng tự điều tiết của trung khu khống chế hô hấp bị tổn thương làm cho hô hấp thay đổi. Trong lâm sàng, y học phát hiện những hiện tượng như sau: cánh mũi của bệnh nhân phập phồng, hơi thở gấp, họ phải há miệng ra để thở, thở rất tốn sức, hơi thở trở nên chậm, phát ra tiếng khò khè, giống như kiểu thở từ ngực của nam giới.
Khi gió phân hủy, người sắp chết sẽ bắt đầu cảm thấy hơi thở không thông, thở càng lúc càng khó khăn hơn. Không khí dường như từ họng tản mát, sắp không hít vào được nữa rồi. Vì không hít được không khí, nên họ càng sốt ruột, lo lắng. Bản năng phản kháng sẽ muốn dùng sức để hít lấy không khí và liền bị rơi vào tuần hoàn ác tính. Họ bắt đầu thở dốc, cũng sẽ cảm thấy lồng ngực khó chịu, dường như bị tắc nghẹt, phát ra tiếng thở hổn hển nặng nề… Người bệnh lúc sắp tắt thở, cũng thường phát ra âm thanh như âm thanh của rắn đuôi chuông (cũng giống như tiếng ấm nước sôi kêu). Đó cũng chính là triệu chứng khi cái chết đến gần (Death rattle), vì cổ họng người bệnh bị phù nề nên khi hô hấp không khí truyền qua mà sinh ra âm thanh như thế.
Ở giai đoạn này, cõi lòng người sắp sang thế giới bên kia sẽ trở nên u mê, rối loạn. Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác đều không có cách nào khống chế được nữa. Họ mất đi cảm giác đối với sự vật xung quanh, không còn biết gì về thế giới bên ngoài, rơi vào trạng thái mơ mơ, màng màng. Sau đó, có thể xảy ra các loại ảo giác. Có người có thể nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng, mà sợ đến nỗi khóc lên. Có người cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng tươi đẹp mà bình tĩnh, yên vui.
Cho nên, khi người nhà hoặc người đứng cạnh nghe được tiếng “khò khè của người sắp chết”, thường hay thấp thỏm không yên hoặc sợ hãi. Thực ra, xuất hiện âm thanh này, người sắp chết hoàn toàn không có biểu hiện khó chịu và chỉ cần thay đổi tư thế thì âm thanh ấy mất đi, nhưng không thể duy trì lâu được. Nếu như, chúng ta có thể thường xuyên lật người họ thì có thể làm giảm nhẹ triệu chứng.
Cuối cùng hơi thở của họ sẽ ngắn nhưng tốn sức, thời gian thở ra dài hơn. Cũng chính là khí thở ra khá nhiều, hít vào càng lúc càng ít… Dần dần đến cả sức để thở hổn hển cũng không còn, như mô tơ mất đi động lực, lâu lâu mới hít vào một lần, ngưng lại rất lâu và cuối cùng giống như là thở dài, tức “hô hấp kiểu xúc động mà thở than”. Sau khi duy trì được một thời gian, hô hấp sẽ từ từ ngừng lại. Tất cả các triệu chứng sống chủ yếu đều ngừng lại. Đây chính là cái mà y học hiện đại gọi là “tử vong”. Thế nhưng, theo Phật giáo thì lúc này mới tới trạng thái nội phân hủy chứ vẫn chưa chết thật sự.
Điều cần phải nhấn mạnh là tứ đại phân giải, cho dù cơ thể có xảy ra thay đổi gì, đều là tạm thời, đều là hiện tượng bình thường của quá trình phân hủy.
Sau khi hiện tượng khó chịu của bốn quá trình phân hủy qua đi, thì tiến tới trạng thái nội phân hủy. Lúc này sẽ nhìn thấy hào quang, có khi ánh hào quang rất rực rỡ nhưng không chói mắt. Đó là sự hiển hiện ánh hào quang của Phật A Di Đà, của tự tính Phật. Phải hòa nhập vào ánh hào quang đó, cùng với ánh hào quang đó cảm ứng đạo giao. Nếu như đó là ánh sáng lờ mờ êm dịu, hoặc chói mắt thì cần phải tránh xa.
Cảm nhận trước khi chết - người bệnh cảm nhận được mình sắp chết
Bằng kinh nghiệm, chúng tôi thường phát hiện có bệnh nhân có thể cảm nhận được “thời gian sắp đến”, và dùng các phương thức gián tiếp để biểu đạt, thậm chí họ cũng có thể biết trước được thời gian mình chết. Loại nhận biết khi đến gần với cái chết này được gọi là: “Cảm nhận trước khi chết”.
“Cảm nhận trước khi chết” thông thường chỉ xảy ra ở những người đã có sự chuẩn bị kỹ về cơ thể và tâm linh. Có thể bình yên cảm thụ nội tại, hiểu rõ sự thay đổi của cơ thể, mới có thể nhận biết cái chết đến.
Trên lâm sàng, bệnh nhân đã biết mình sắp chết, nhưng không nhất định sẽ nói rõ ra, thậm chí chỉ vòng vo báo cho những người rất thân biết. Năm tình huống dưới đây chính là hiện tượng: “Cảm nhận trước khi chết” điển hình.
Tôi muốn về nhà
Có một bệnh nhân mới nhập viện được mấy ngày, thì cứ nằng nặc đòi về. Điều dưỡng hỏi ông ta: “Ông vội về nhà như thế để làm gì?”. Ông ta trả lời: “Tôi về nhà để trồng rau”. Thật ra, với sức khỏe của người bệnh thì ông không thể trồng rau, nhưng cứ la lên “tôi muốn về nhà”. Có một hôm, nhân lúc chúng tôi đi ngang qua, ông ta nói: “Thầy ơi, làm ơn, làm ơn! Tôi nói tôi muốn về nhà. Thầy nghe có hiểu không?”. Cũng có một bệnh nhân mất trí tay cứ chỉ lên trời và hét: “Tôi muốn về nhà”.
Có một bệnh nhân ung thư gan, ban đầu luôn nói: “Mau chữa bệnh cho tôi. Tôi còn rất nhiều việc phải làm!”. Đột nhiên một ngày nọ bà nói với con trai: “Con đưa mẹ về nhà”. Người con rất đắn đo và cũng rất khó xử, vì quan niệm ở quê thì chỉ có người nào sắp chết mới ngồi xe cứu thương về, huống hồ thời gian của mẹ vẫn chưa đến. Bệnh nhân bất đắc dĩ phải nói: “Con gọi cha con tới đây”. Người cha vội đến bệnh viện, lo làm thủ tục mãi tận nửa đêm mới ngồi xe cứu thương về nhà. Cuối cùng, người bệnh đó chết trên đường về nhà.
Liệu có thể xuất viện về nhà ngay được không? Phải qua đánh giá của đội ngũ bác sĩ, vì không nhất định là ai nói “muốn về nhà” đều là hiện tượng “Cảm nhận trước khi chết”.
Nhìn thấy phương tiện giao thông hoặc muốn đi du lịch
Có một số bệnh nhân sẽ nhìn thấy, hoặc mơ thấy phương tiện giao thông.
Có bệnh nhân sẽ nói một cách nhẹ nhàng: “Tôi muốn đi chơi, gói ghém hành lý giúp tôi nhanh lên”. Chúng ta sẽ hỏi: “Thế anh muốn đi như thế nào?”. Có người sẽ nói: “Tôi muốn cưỡi ngựa sắt” hoặc dùng phương tiện giao thông khác. Có người bệnh cũng sẽ nói: “Tôi muốn đi bằng xe lửa”. Nếu như nói với họ: “Không tốt đâu, đi xe lửa chậm lắm, chúng ta đi tàu cao tốc nhé?”. Bệnh nhân sẽ cương quyết: “Không cần, không cần đâu, tôi muốn đi xe lửa”. Thậm chí có một số người bệnh sẽ nói: “Con thuyền lúc nãy đông quá, ba ngày nữa là ra đi rồi”. Có người bệnh nhờ chúng ta chú ý đến máy bay, vì sẽ có máy bay đến và ông ta muốn lên máy bay rời khỏi đây. Hoặc có bệnh nhân nhìn thấy thang máy hoặc muốn đi thang máy, thậm chí muốn ngồi kiệu… Điều này có thể có liên quan đến trải nghiệm văn hóa, hoặc phương tiện giao thông đó có ý nghĩa đặc biệt, hoặc có giá trị kỷ niệm đặc biệt với họ.
Nhìn thấy nơi muốn đi
Có một số bệnh nhân sẽ nhìn thấy nơi mà sau khi ra đi họ sẽ đến, nhưng lại không tự biết. Thực ra, có rất nhiều người có trải nghiệm này trước khi chết. Tại thời gian ngắn ngủi ngay lúc ngừng thở họ cũng đều có trải nghiệm như thế. Họ đều nói đã đi đến một nơi nào đó, nhưng đối với những người xung quanh, thì thật ra họ vẫn cứ luôn nằm trên giường bệnh.
Ví như có một ông cụ chỉ bệ cửa sổ nói: “Thu dọn giúp tôi những đồ kia. Tôi còn phải đi đến đó”. Người nhà đều cảm thấy không hiểu ra sao, vì trên bệ cửa sổ không có cái gì cả. Gặp những tình huống như thế này chúng ta sẽ đi đến bên bệ cửa sổ, khua khua tay thu dọn một chút rồi nói với ông cụ: “Đã dọn xong rồi ạ”.
“Tôi vẫn muốn đi đến đó”, ông cụ kể hôm qua ông đã đi đến một nơi, nhìn thấy một người đang đứng, phía sau người đó có một vầng hào quang. Ông cụ muốn đi về phía trước nhưng người đó không cho ông qua mà bảo ông quay trở về nên ông đành phải trở về, cho nên, hôm nay ông vẫn muốn đi nữa.
Có một Phật tử ngoan đạo đã dặn dò xong chuyện hậu sự. Vì sợ mẹ mình không nỡ lìa xa mà khóc, nên cô đã không nói lời chia tay với mẹ. Có một lần, cô hôn mê ba ngày rồi bỗng dưng hét lên một tiếng và tỉnh dậy. Cô ấy cho rằng mình chỉ đi đến “chỗ ấy” một chút mà thôi.
Thì ra, cô ấy đi đến một đồng cỏ xanh rờn, thấy một số người đang chuẩn bị đồ ăn sáng, hình như sắp đón khách quý. Thấy mọi người đang bận, nên cô ngại không muốn làm phiền, mà chỉ nhàn tản đi dạo quanh đó. Đang đi, cô bước lên một bậc thềm bèn kêu lên một tiếng… cảm giác như mình đang trở về. Nhưng cô không nhịn được bèn quay đầu lại nhìn và nhìn thấy một đài sen lớn.
Cô rất buồn… Cô nói: “Tôi tu tập chưa xong, vì tôi chưa nói lời chia tay với mẹ!”.
Sau khi trở lại, cô hoàn thành việc nói lời chia tay với mẹ và một tháng sau cô ra đi thanh thản.
Thậm chí, có một bệnh nhân nói rằng, có người bảo ông ấy rút ống thở ra. Sau khi ông rút ống thở ra, thì đi đến một nơi đất rất sáng. Màu sắc của nhà như màu của hạt mã não niệm Phật vậy. Sau đó, có một người giở sách ra và nói: “không có tên của ông”, cho nên ông lại quay về.
Biết trước được thời gian mình chết
Trong lâm sàng, nếu như bệnh nhân tự nói ra thời gian nào mình sẽ chết, thì thông thường tính chính xác rất cao.
Có một bệnh nhân ung thư gan cãi nhau với con gái. Đột nhiên ông nói: “Được rồi, không phải cãi nhau nữa, sau ngày 23 thì ba sẽ không cãi nhau với con nữa đâu”. Nói xong thì ông đi ngủ. Hai hôm sau bệnh nhân rơi vào tình trạng gan hôn mê. Việc người cha hôn mê khiến cô con gái hết sức lo lắng nghĩ rằng cha bị mình làm cho tức chết. Bệnh viện đành phải rửa ruột cho bệnh nhân để bệnh nhân tỉnh lại và chính miệng ông cụ nói là ông không giận cô.
Lúc đó, vợ ông cũng vội hỏi: “Khi nào thì ông đưa chìa khóa két sắt cho tôi? Ngộ nhỡ ông lại hôn mê thì phải làm sao?”.
Người bệnh nói: “Bà vội cái gì? Ngày 23 tôi sẽ đưa cho bà!”. Người bệnh dặn dò, nếu ông lại hôn mê thì đừng có rửa ruột, đừng có làm cho ông đau đớn, hãy để ông “ngủ yên là được rồi”.
Cuối cùng, bệnh nhân quả đúng ra đi vào lúc hơn 10 giờ tối ngày 22, cách ngày mà ông biết trước được thời gian mình ra đi hai giờ.