Chỉ khi mình điềm nhiên đối diện với sinh tử;
Nếu không sẽ mãi mãi chẳng thể tìm được dũng khí và tự tin trong cuộc sống.
Scott Peck
CHĂM SÓC TÂM LINH
Mê sảng - cảm xúc dâng trào, ý thức rối loạn
“Chết là một chuyện hết sức tự nhiên, cũng giống như hoa nở rồi tàn, chẳng có gì mà phải sợ!”. Khi thấy những người khách đến thăm Phòng chăm sóc giảm nhẹ, ông cụ ngoài 70 tuổi vẫn nói cười như bình thường với tâm thái hết sức nhẹ nhàng.
Ông Bá là tín đồ Phật giáo, đã sớm nhìn nhận rõ sinh tử đại sự! Thầy cũng luôn khen ngợi ông Bá có cảnh giới tâm linh cao, có cách nhìn thoáng đối với vấn đề sinh tử, không khí trong phòng bệnh rất an tịnh, hài hòa.
Chết, có gì mà sợ?
Ông cụ với dáng vẻ hiền hòa, nho nhã, nói năng hoạt bát, thường kể chuyện ngày xưa và có khả năng nói rất tốt…
Hồi nhỏ, gia đình khó khăn, nhờ ông tự nỗ lực, từ tay trắng dựng nên cơ đồ thành công. Ông là người cương trực, lương thiện, được cấp dưới cũng như mọi người yêu quý, những người giao tiếp với ông đều là người có địa vị kinh tế trong xã hội.
Cho dù bị ung thư đại tràng, nhưng ông chẳng có biểu hiện nào như người bệnh cả, cũng chẳng thấy mình có khó khăn nào, luôn thao thao bất tuyệt chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống của mình.
Khi thầy muốn nói chuyện cùng ông, thầy dùng một thái độ rất khách sáo, nhưng ông lại luôn trả lời thầy bằng cách “phản vấn”. Không ai có thể biết gì về thế giới nội tâm thực chất trong con người ông.
Lần đầu tiên thầy đến thăm ông, ông rất nhiệt tình. Không chỉ về Phật pháp, mà ông có thể nói chuyện về bất kỳ vấn đề gì. Còn nói một cách chắc chắn rằng: “Chết có gì mà đáng sợ chứ! Sau khi chết sẽ về phương Tây, về cõi của Phật A Di Đà!”.
Trong vẻ điềm nhiên ấy, không biết có ẩn giấu câu chuyện gì? Nghe nhân viên y tế nói, ông chỉ ngủ được vài phút rồi lại tỉnh. Hỏi tại sao thì ông chỉ trả lời là không ngủ được!
Chúng tôi đành tiếp tục thăm dò và quan sát, hy vọng mọi thứ giống như lời ông nói.
Thẳng thắn đối diện với chính mình, đối với nhiều người mà nói, không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng, cho dù là tâm sự giấu kín tận đáy lòng, đến một lúc nào đó cũng sẽ tự nhiên biểu hiện ra trước mắt, khiến người ta không biết trốn đi đâu…
Vài ngày trước khi xuất viện, ông luôn nhìn thấy những con chữ hình tượng xoay đảo trước mặt, khiến ông cảm thấy bất an, giống như có sự sợ hãi nào đó trong tận đáy lòng khiến ông cứ phải nhíu cặp chân mày.
Khi thầy đến muốn cùng ông nói về chuyện chữ hình tượng xoay đảo kia, ông luôn nói: “Không có gì đâu, chỉ là nhìn thấy vài chữ hình tượng thôi mà”. Ông không muốn nói nhiều, và cũng không biết tại sao lại nhìn thấy những chữ ấy. Ông xem ra rất bình tĩnh, không có cảm giác bất an.
Sau đó, vì bệnh tình khống chế tốt, nên ông được xuất viện để người thân chăm sóc tại nhà.
Tâm sự nặng trĩu, rắc rối với các chữ hình tượng
Sau khi ông về nhà, chứng mất ngủ càng trầm trọng, dễ bị giật mình và tự nhiên chảy nước mắt, buồn sầu không vui…
Sau đó, ông không chỉ nhìn thấy chữ hình tượng, mà còn ngửi thấy mùi kỳ lạ, nghe thấy âm thanh kỳ lạ, nhưng những người có mặt tại đó lại không nhìn thấy, không ngửi thấy và cũng không nghe thấy bất kỳ cái gì khác thường! Nghe nhân viên chăm sóc y tế tại nhà cho biết, giai đoạn sau ông thường bị ảo giác và ảo thính, khi ngủ mơ thường hay kêu: “Cứu tôi với, cứu tôi với…”, thậm chí còn nắm tay lại đánh người, cảm xúc rất bất thường, cần phải có người thường xuyên bên cạnh ông.
Đó là mê sảng! Trong lòng có gì khúc mắc để ông phải giày vò như vậy?
Sau khi nghe nhân viên chăm sóc y tế tại nhà chia sẻ, tôi hiểu được đại khái nguyên nhân sự việc, nên đến nhà thăm ông.
Khi thấy tôi, ông tỏ ra rất vui, chào hỏi lịch sự. Vợ và con trai út của ông đều ở nhà! Ông thương con trai út nhất. Con trai út ở Đức, ngày nào cũng gọi điện thoại nói chuyện. Giờ đây người con trai út từ Đức đã trở về với mong muốn đưa cha đi hết đoạn đường cuối đời.
Ông vẫn nói chuyện phiếm với tôi, kể về những ký ức ngày xưa… Nhưng, tôi phát hiện ra ông lo lắng hơn nhiều so với lúc còn ở bệnh viện, tinh thần xuống nhiều… Vì ông biết tôi làm công tác giáo dục tại bệnh viện, nên rất tôn trọng tôi. Chờ thời cơ thích hợp, tôi nghĩ có lẽ phải đi thẳng vào vấn đề xem sao.
“Ông Bá ơi, ông nhìn thấy các chữ hình tượng, có phải rất buồn phiền?”. Sau khi quan sát phản ứng của ông, tôi tiếp tục nói: “Ông Bá à, những chữ đó như thế nào? Ông giải thích nó ra sao? Không biết có liên quan gì đến việc ông mất ngủ không?”.
“Những chữ đó giống như những con chữ hình tượng, tôi cũng không biết có liên quan gì…”. Ông ấy nói vòng vo nhưng cũng chưa nói ra hết được, thực sự vẫn còn chưa biết phải cởi bỏ lớp áo giáp che giấu sự việc ra sao.
Tôi liền trực tiếp chỉ ra vấn đề: “Nghe nói ông Bá đã từng đánh chết chó hoang?”.
Ông rất ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi biết chuyện ấy. Thực ra ông Bá cũng đã nói chuyện này với nhân viên chăm sóc y tế tại nhà rồi, nhưng cũng chỉ nói sơ qua thôi.
“Ông Bá ơi, tại sao ông Bá phải đánh chó hoang?”.
“Không có cách nào khác, đó là trách nhiệm công việc của tôi…”. Cuối cùng ông ấy cũng đã trút được nỗi niềm sâu kín ông đã cất giấu tận đáy lòng trong mấy chục năm qua.
Tôi thông cảm với ông Bá chuyện khi ấy buộc phải thế, và kể lại chuyện hồi nhỏ gia đình cũng nuôi chó. Cảm thấy chó rất dễ thương, trung thành và lại có linh tính. Cùng lúc kể chuyện ấy, tôi hỏi ông Bá có phải đã từng nuôi chó không.
Ông ấy nói: “Hồi nhỏ tôi thích nhất là chó. Nhà cũng nuôi một con chó, nó rất tình cảm với tôi. Dù nó không biết nói tiếng người, nhưng tôi làm gì nó đều biết, chỉ số thông minh của nó cao lắm…”.
Chúng tôi nói chuyện về chó rất vui, nói rất nhiều và tự nhiên ông ấy không kìm được nên đã khóc rất to…
Tôi nói: “Ông Bá à, đó là do công việc bắt buộc mà, cũng không phải ông muốn bắt chó giết đi!”.
“Ai cũng đều nói như vậy, nhưng điều này không thuyết phục được tôi, tôi cũng không thể thuyết phục được chính bản thân mình nữa”.
“Vậy ông Bá đã bắt và giết mấy con chó hoang?”.
“Hơn 1.000 con”.
Ông Bá lại khóc to rồi tự trách: “Sao tôi lại có thể làm thế chứ? Sao tôi lại có thể…”.
Ông Bá đã thổ lộ được những dồn nén mấy chục năm trong lòng, cũng là chuyện bất an, lo lắng nhất. Cảm xúc dần dần lắng xuống.
Quy y cho chó hoang, thoát bỏ cảm giác tội lỗi
Tôi hỏi tiếp: “Về việc này, lúc đó không biết ông Bá có suy nghĩ gì? Sau sự việc ấy, ông đã làm những gì nữa?”.
Ông Bá trả lời: “Để chuộc tội, tôi đã làm một số tượng Bồ tát…”.
“Tôi cũng đã mời mấy chục vị Pháp sư tổ chức lễ “Tam thời hệ niệm” để cầu siêu cho những con chó đó”.
Thực tế, ông Bá cũng đã hỏi các thầy, và cũng hỏi những tín đồ Phật giáo về vấn đề này, rằng trước đây làm những chuyện sát sinh như thế giờ phải làm sao? Có bị vướng tội nghiệp không?
Câu trả lời mà ông nhận được thường là: “Đây là vì công việc nên mới phải làm, cho nên không phạm tội!”. “Ông Bá, câu trả lời như vậy ông không hài lòng à?”.
“Đương nhiên rồi! Tôi vẫn chưa thuyết phục được bản thân, nên vẫn chưa buông bỏ được”.
Tôi nghĩ, hồi đó ông còn trẻ, chỉ bỏ tiền ra tạo tượng, lập pháp hội chứ chưa phải sám hối từ trong đáy lòng? Do đó, cho dù giải thích như thế nào thì cũng chưa thuyết phục được cửa ải lương tâm, trong lòng vẫn luôn giày vò, nhưng cũng chỉ biết cất giấu tận trong đáy lòng mình.
“Cả đời này tôi luôn trong sạch, luôn giữ vững bổn phận, trách nhiệm, không làm chuyện gì xấu cả, nhưng sao tôi lại có thể sát hại nhiều chó hoang bất hạnh đến thế? Chúng cũng có quyền được sống mà! Tại sao tôi lại có thể tự ý vì cơm no áo ấm, vì công việc mà sát hại nhiều chó hoang đến thế. Với bất kỳ lý do nào cũng không thể làm như thế. Hết đời này dù đến chết tôi cũng không thể tha thứ cho mình… Sao lại có thể thế chứ…”.
Ông Bá lại vừa khóc, vừa lắp bắp tự trách mình.
Tôi hiểu nỗi niềm của ông Bá, vì chỉ có người đã từng nuôi chó, hiểu chó, mới có thể hiểu được mâu thuẫn, khúc mắc trong lòng ông ấy. Nhất định phải giúp ông ấy thổ lộ được tội ác và sự hối lỗi chôn chặt tận đáy lòng ông mấy chục năm qua, giải thoát nỗi đau trong lòng thì ông ấy mới có thể thực sự buông bỏ được.
Tôi nói: “Việc này bây giờ không thuộc khả năng giải quyết của ông nữa rồi! Cũng không thuộc khả năng giải quyết của tôi!”.
Ông Bá trợn trừng mắt hỏi: “Thế thì phải làm sao?”.
“Đây là chuyện của Bồ tát! Chúng ta sẽ làm lễ quy y cho những con chó ấy, được không? Để những vị Bồ tát mà trước đây ông đã tạo tượng tiếp dẫn những con chó đi theo con đường chân chính, đi về phía hào quang, được không?”.
Ông Bá đã không thể nghĩ ra có thể làm gì được nữa? Nghe tôi nói như vậy ông lấy làm ngạc nhiên và vui mừng, cả gương mặt bừng sáng rồi hỏi đi hỏi lại: “Thì ra vẫn có thể làm lễ quy y cho những con chó hoang ấy. Thì ra…”.
“Đúng vậy đó!”.
Thế là ông Bá vui vẻ dặn vợ về việc quy y.
Nói ra sự thật, dũng cảm đối mặt
Sau khi từ nhà ông Bá ra về, tôi cứ đợi tin từ ông ấy. Vài ngày trôi qua cũng không thấy có tin gì.
Một hôm ông Bá lại nhập viện! Lần này tình trạng không mấy lạc quan, ông ngủ li bì, mỗi lần tỉnh cũng chẳng bao lâu, có gọi cũng khó tỉnh dậy.
Điều dưỡng chăm sóc cho biết huyết áp của ông không ổn định. Một ngày, hai ngày trôi qua, huyết áp càng không ổn định. Thỉnh thoảng ông mới tỉnh dậy và luôn nói với vợ: “phải làm… lễ quy y… cho những con chó…”.
Ngày thứ ba, tình hình càng xấu đi, tôi lo lắng không kịp thời gian nên thử gắng gọi ông tỉnh dậy.
“Ông Bá, ông Bá, tôi là thầy đây, ông có nghe thấy không? Hôm đó chúng ta nói sẽ làm lễ quy y cho những con chó. Ông Bá, ông nghe thấy thầy nói không?”.
Sau khi tôi nói, tôi nhận thấy ông Bá cựa quậy, cố gắng mở to mắt, ông nói: “Quy y, quy… y, làm… làm, nhanh lên, nhanh lên, phải làm… lễ quy y…”.
“Chiều nay chúng ta làm lễ quy y cho những con chó đó, được không?”.
Ông Bá lập tức nói: “Không, không… làm… ngay bây giờ… ngay bây giờ…”.
Nhìn thấy cảnh này, cả nhà đều rất kinh ngạc, vì trước đó gọi ông ấy, nhiều lắm cũng chỉ nghe thấy ông ấy “ừ” một tiếng, giống như ông Bá vì chuyện quy y mà đang cố đợi tôi đến. Tôi nhanh chóng đẩy ông sang phòng lễ Phật. Vợ, con trai và con gái ông cũng ở bên cạnh, chuẩn bị làm lễ quy y cho những con chó hoang.
Tôi hướng dẫn mở đầu buổi lễ: “Do … tiếp dẫn hơn 1.000 con chó hoang quy y!”; “Bồ tát đang trước mặt ông, ông Bá ơi, ông đã làm gì xin hãy nói với Bồ tát. Nghi thức sẽ tiến hành ba lần”.
Ông Bá chắp hai tay, với giọng run run đau khổ bắt đầu nói: “Bồ tát ơi, hồi tôi còn trẻ, vì trách nhiệm công việc tôi đã bắt giết hơn 1.000 con chó hoang, cho dù thế nào tôi cũng không nên làm như vậy. Cả đời tôi trong sạch, chỉ duy nhất có chuyện này tôi không thể tha thứ cho mình… tôi cảm thấy tội rất nặng, rất sợ phải xuống địa ngục… xin Bồ tát chỉ dạy, quy y giúp cho những con chó đó…”.
Lần thứ hai, tôi đọc lại: “Do … tiếp dẫn hơn 1.000 con chó hoang quy y!”.
Lúc này, ông ấy đưa ngón tay ra hiệu là số ba.
“Ông Bá, điều này nghĩa là sao? Lẽ nào lại là hơn 3.000 con?”.
Ông ấy ngại ngùng, gật đầu nói: “Đúng!”.
Trong giờ khắc hết lòng sám hối này, ông Bá cuối cùng đã dũng cảm nói ra sự thật, đối diện với chính mình! Ông hiểu rõ rằng đây là cơ hội cuối cùng, không thể nào giấu giếm được nữa.
Tôi trả lời: “Không sao, không thể thiếu con nào!”.
Tôi tiếp tục hướng dẫn: “Do … tiếp dẫn hơn 3.000 con chó hoang quy y!”.
Lần này ông Bá khóc thảm thiết hơn, nghẹn ngào nói: “… Tôi cả đời làm hết trách nhiệm của mình, không hổ thẹn với quốc gia, với xã hội và gia đình… nhưng có lỗi với hơn 3.000 con chó hoang này, có lỗi với chúng… Cả đời trong sạch đã bị hủy hoại rồi… Khẩn cầu Quán Âm Bồ tát chỉ dạy…”.
Sau lễ quy y, tôi cầm tờ “chứng nhận quy y” đưa cho ông Bá, thay mặt cho hơn 3.000 con chó hoang “quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng”.
Tôi nói: “Ông Bá à, những con chó đã an tâm rồi, từ lúc này trở đi, chúng đã được Quán Âm Bồ tát dẫn đi, không còn liên quan gì đến ông nữa, không phải để trong lòng nữa”.
Ông Bá rất vui, cầm giấy chứng nhận quy y hỏi lại con trai út: “Ba vừa rồi… có nói là hơn 3.000 con không?”.
Tôi trả lời: “Vâng, hơn 3.000 con, không thể thiếu con nào!”.
Ông Bá vui vẻ nói: “Tốt… tốt quá rồi… tốt quá rồi… chó hoang không còn là vấn đề của tôi nữa rồi, là của Bồ tát rồi”.
Người chết yên nghỉ, người sống yên tâm
Sau khi về phòng bệnh, ông Bá không chịu ngủ, cứ đòi con trai đẩy xe ra vườn hoa trong bệnh viện…
Thì ra theo tập tục dân gian, sau khi quy y xong, đem giấy chứng nhận đốt đi thì ông Trời mới nhận được. Do đó, ông Bá vội vàng muốn hóa hỏa “giấy chứng nhận quy y” ấy. Nhưng cả quá trình làm lễ quy y trong phòng lễ Phật đã là quá sức đối với ông, sau khi cả nhà khuyên ông mới chịu về phòng bệnh nghỉ trước.
Khi đến vườn hoa, ông vui mừng đốt tờ giấy chứng nhận quy y trong tay, rồi lại hỏi con trai bên cạnh rằng: “Là hơn 3.000 con, không bị sót con nào chứ?”.
“Vâng, chúng đều được quy y đến dưới chân Quán Âm Bồ tát rồi, từ nay không còn lưu lạc không nơi nương tựa, không bị ai hại nữa!”.
Sau khi về lại phòng bệnh, ông Bá an tâm ngủ, và không tỉnh dậy nữa!
Hôm sau, ngoài dự tính của bác sĩ, bệnh tình của ông Bá xấu đi nhanh chóng, huyết áp rất thấp, và luôn trong trạng thái hôn mê…
Thế là, tôi nhanh chóng đến phòng bệnh, nói bên tai ông Bá rằng: “Ông Bá, cuộc đời này ông đã rất thành công… một chuyện lo lắng duy nhất, ông cũng đã dũng cảm nói ra, và còn giúp những con chó hoang quy y, chúng đều đã tìm được nhà rồi, ông có thể an tâm rồi…”.
Lúc này, nhóm trợ niệm cũng đã đến, bắt đầu đọc kinh trợ niệm cho ông.
Trong lúc tôi ôn lại cuộc đời của ông Bá, khẳng định cuộc đời của ông và khẳng định việc cuối cùng ông làm là quy y cho những con chó… ông Bá đã thanh thản ra đi.
Khi ông Bá ngừng thở, con trai út có việc chạy ra ngoài, mười phút sau mới về đến phòng bệnh.
Phút cuối cùng của cha lại không có mặt mình bên cạnh, cậu con trai út vô cùng ân hận, đau xót, bi thương không tự chủ được, toàn thân run rẩy…
Tôi nói: “Anh có muốn nói điều gì với cha không?”.
Con trai út khóc thương và nói: “Thưa thầy còn kịp không?”.
“Vẫn còn kịp, cha anh mới đi, thần thức vẫn còn ở đây, anh có điều gì muốn nói với cha, ông ấy đều nghe được hết!”.
Lúc này, có người trong nhóm trợ niệm cho rằng chỉ cần chuyên tâm niệm Phật, không nên làm phiền người vãng sinh, không được nói.
Nếu chúng ta có thể so sánh, thì lúc này đây, điều mà ông Bá muốn nghe nhất chính là tiếng nói của ai?
Tất nhiên chính là tiếng nói của người con trai út mà hồi còn sống ông yêu thương nhất, có tiếng nói cảm ơn và chúc phúc của con trai út, tin chắc rằng ông Bá sẽ càng an tâm, và người con trai út cũng không vì việc này mà tự trách mình suốt đời.
Tôi đỡ người con trai út đang run rẩy không đứng vững, an ủi, ủng hộ anh ấy. Từ từ anh ấy đã có thể nói ngắt quãng rằng: “Ba ơi, con từ Đức về, chính là để ở bên cạnh ba. Ba có trách con không?”.
Tôi liền hướng dẫn và nhắc anh ấy: “Bất kể lúc nào đều là lúc thích hợp nhất, đây chính là sự lựa chọn của cha!”.
Người con trai út tiếp tục nói: “Ba là người ba tốt nhất, từ nhỏ đã rất yêu thương con, con vô cùng cảm ơn ba!... Hy vọng ba ra đi thanh thản… Ba an tâm yên nghỉ nha…”.
Nói xong người con trai út cũng bớt xúc động, không còn run như trước nữa.
Và trong lúc tiếp tục nghe niệm danh Phật, người chết đã an nghỉ, người sống cũng an tâm.
CHĂM SÓC TÂM LINH
Mê sảng - cảm xúc dâng trào, ý thức rối loạn
Mê sảng không phải là bệnh tật, mà là một hội chứng, trạng thái ý thức rối loạn cấp tính.
Theo thống kê, có đến trên 50% bệnh nhân giai đoạn cuối có hiện tượng mê sảng, cũng chính là việc rối loạn ý thức đối với người, thời gian, địa điểm, vật và phương hướng, dễ nhận sai người, hoặc không nhận ra người thân, ý thức phương hướng lẫn lộn, và ý thức lúc rõ lúc không, trong một ngày có lúc nhớ lúc quên, từ chiều tối đến sáng hôm sau càng nghiêm trọng, đặc biệt là vào lúc nửa đêm.
Khi mê sảng, có thể nhìn thấy những hiện tượng mà người bình thường không nhìn thấy, chẳng hạn như nhìn thấy từng đoàn kiến hay người thân… Người bên cạnh thường cho rằng đó là ma thuật, khoa học thần kinh chẩn đoán hiện tượng trên là “ảo giác”. Mức độ mê sảng nghiêm trọng thường kèm thêm việc lo lắng bất an đến tột độ, nói năng lung tung, chửi bới tùm lum, lăn lộn không chịu nằm yên trên giường… Người chăm sóc rất vất vả.
Khi người bệnh bị mê sảng, bác sĩ căn cứ theo quá trình điều trị để tìm hiểu nguyên nhân mê sảng, thường có liên quan đến các vấn đề như: chất điện giải mất cân bằng, hay do bị nhiễm trùng? Hoặc do nhiều cơ quan bị suy kiệt, khối u di căn đến não? Hoặc bệnh não do rối loạn chuyển hóa? Nếu tất cả đều không phải, thì có thể là mê sảng lúc lâm chung.
Một số mê sảng có thể xử lý được (có thể khống chế, có thể hồi phục), ví dụ như mất cân bằng chất điện giải, bổ sung chất điện giải là tình hình được cải thiện, nhưng có một số mê sảng không thể cứu vãn (không thể khống chế, không thể phục hồi), chẳng hạn như nhiều cơ quan bị suy kiệt, khi ấy cho dù là mất cân bằng chất điện giải thì cũng không thể bổ sung được. Trừ nguyên nhân sinh lý ra, chúng tôi nhận thấy những người bình thường có cá tính quá ức chế, tính kiềm chế quá mạnh hoặc tính cách bên trong và bên ngoài tương phản quá lớn, đến khi lâm chung thường bị mê sảng. Đây có thể nói là bài học kinh nghiệm đối với người khỏe mạnh bình thường; phải cố gắng làm sao cho tính cách trong và ngoài gần giống nhau, không thể quá kìm chế bản thân, vì quá ức chế hoặc sự không thống nhất trong ngoài sẽ làm cản trở sự lưu thông của năng lượng khỏe mạnh, khi đau bệnh yếu đi không thể kìm chế được nữa sẽ xảy ra tình trạng rối loạn ý thức.
Đã từng có bệnh nhân được công nhận là “người đàn ông mẫu mực”, trong thời gian ở Phòng chăm sóc giảm nhẹ thường nói bâng quơ rằng: “Không nghĩ nữa, nghĩ tới cũng chẳng được gì!”. Và trước khi lâm chung ba ngày, nhìn ông rất đau khổ, ông bị mê sảng nghiêm trọng.
Còn có một quý bà trong gia tộc lớn, bình thường “cử chỉ nho nhã, lời nói chuẩn mực”, nhưng trước khi lâm chung lại bắt đầu chửi “tam tự kinh”, điều này khiến người con trai chăm sóc bà cảm thấy kinh ngạc và hối lỗi, tự hỏi tại sao người mẹ của mình bình thường rất nhã nhặn, bây giờ lại trở nên như vậy? Chúng tôi chỉ có thể nói rằng: “Mẹ của anh thật vĩ đại, vì sự hài hòa trong gia tộc, nên cả đời bà đã nhẫn nhịn không biết bao uất ức…”.
Rất nhiều tín đồ Phật giáo gắn nhãn cho bệnh nhân mê sảng: Đó là do không duy trì chính niệm trong lúc lâm chung, nghiệp chướng hiện tiền, oan gia trái chủ… đã ăn chay hai ba chục năm rồi lại chuyển sang ăn mặn, sát sinh nhiều gà, chó, nên oan chủ đến bắt đi rồi…
Cho dù người bên cạnh không nhìn thấy, không nghe thấy, từ kinh nghiệm chủ quan của bệnh nhân mà nói, những hiện tượng mà họ trải qua là có thực và cũng đều có ý nghĩa, có thể là thông tin đến từ sâu trong ý thức, hoặc cũng có thể liên quan đến những việc chưa kết thúc, chưa hoàn thành trước đó.
Về chăm sóc tâm linh mà nói, mê sảng là cơn phong ba của cảm xúc, ý thức rối loạn. Khi gặp mê sảng, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân trước, trừ những yếu tố sinh lý ra, tìm những nguyên nhân của cơn phong ba cảm xúc, bất an, tìm hiểu mọi mặt của vấn đề giúp bệnh nhân giải mã một cách hợp lý và tìm cách thư giãn. Sự rối loạn ý thức này sẽ từ từ qua đi.