Có phải ở một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta và bạn bè chia tay nhau, sau đó gặp lại ở thế giới này? Hay là, từ cảnh tượng mông lung hiện tại, chúng ta lại nhìn thấy hình bóng của tương lai.
Shelley
CHĂM SÓC TÂM LINH
Tứ đạo nhân sinh - đạo cảm ơn, đạo xin lỗi, đạo yêu thương, đạo tạm biệt, và sau đó là gì?
Trước mặt là người con trai 28 tuổi - A Kiệt, dường như anh không hề biết chuyện gì sắp xảy ra?
Anh nằm ở trên giường. Bên cạnh là một nhóm phụ nữ vây quanh, người thì mát xa chân, người thì mát xa tay, người thì đang giúp anh gọt vỏ trái cây, người thì bưng trà, giống như quốc vương đang trong kỳ nghỉ vậy. Thầy, điều dưỡng, hằng ngày ra vào phòng bệnh. Tất cả cảnh tượng ấy vẫn diễn ra hằng ngày.
Đó là cảnh yên tĩnh và an nhàn trong Phòng chăm sóc giảm nhẹ; nhưng cũng nhóm phụ nữ ấy, khi ra khỏi Phòng chăm sóc giảm nhẹ thì họ rầu rĩ, đau buồn và thường cùng khóc rất bi thương…
Hai thế giới, năm ngày lo lắng
A Kiệt đã chuyển đến phòng bệnh này năm ngày qua. Và hai cảnh tượng mà những người phụ nữ gồm mẹ, em gái, sáu người dì và bạn gái của anh diễn ở trong và ngoài phòng bệnh rất trái ngược nhau, giống như ở hai thế giới, điều này đều là vì A Kiệt, người con trai duy nhất trong gia đình.
Chẳng hiểu A Kiệt hoàn toàn không biết, hay giống như anh thường nói: “Bệnh phổi đã mười mấy năm rồi, cũng đã quen sống với bệnh tình rồi; lần này chắc cũng vào viện điều trị vài ngày, sau một đợt điều trị lại về nhà thôi”.
Bạn gái luôn bên cạnh anh. Hai người cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì, vẫn luôn xem ti vi, ăn uống, giống như có dự tính sẽ ở đây lâu dài…
Nhưng, mẹ anh lo lắng cứ như kiến trên nồi lửa, ngày nào cũng dùng nước mắt rửa mặt: “Con trai tôi sắp chết rồi, hằng ngày nhìn nó cứ xem ti vi vô tư như không có chuyện gì, tôi không biết phải nói với nó như thế nào. Không biết nó có biết tình trạng của mình không? Có cần sự giúp đỡ gì không? Nó đã không còn cha, sao lại có thể không hiểu biết như ngày xưa chứ?”.
Không chỉ có mẹ, người dì lớn từ nhỏ đã yêu thương anh nhất, cũng là người luôn lo lắng và tự trách mình: “Do tôi quyết định cho nó chuyển đến phòng này. Nhưng, hình như đến giờ này nó vẫn chưa biết đây là Phòng chăm sóc giảm nhẹ. Bác sĩ nói nó chỉ có thể sống khoảng hai tuần nữa thôi. Nếu A Kiệt ra đi trong tình trạng không hề hay biết gì, nó có trách tôi tại sao lại bỏ nó? Tôi phải làm sao đây?”. Các dì khác không tán thành việc chuyển A Kiệt vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ này, nhưng dì lớn đã quyết định như thế.
Chốt cửa phòng bệnh của A Kiệt luôn được cài chặt, cự tuyệt người đến thăm, và thường giữ khoảng cách chào hỏi lễ nghĩa với các thầy, đồng thời họ cũng từ chối lời đề nghị rửa tội của bạn bè, người thân tốt bụng. Gia đình bảo vệ anh ta rất kỹ, giống như một bức tường phòng hộ, không ai vào được.
Thực ra, trong lòng ai cũng có tâm sự nhưng không ai nói ra!
Ngoài những việc cần làm về mặt chăm sóc y tế ra, đội ngũ y bác sĩ cũng hiểu rõ sự việc nhưng không ép buộc, họ muốn giúp cũng không được. Tất cả đều rất lo lắng cho A Kiệt, nhưng người không có bất kỳ một sự chuẩn bị nào, thì làm sao có thể đi hết đoạn cuối cuộc đời?
Phá vỡ sự căng thẳng, ai sẽ là người nói trước?
Mọi người đều hiểu rõ “thời gian của A Kiệt không còn nhiều”. Cả gia đình đang rất cần sự trợ giúp.
Ai sẽ phá vỡ sự căng thẳng?
Thế là tôi dò hỏi thử. A Kiệt hình như ít nói chuyện, nhưng bạn gái lại hay nói, còn nói là đã từng đến chùa, làm quen với Phật pháp, khi buồn rầu sẽ tụng kinh…
Tôi liền nói nhỏ với bạn gái anh ấy rằng: “Nếu chị đã tiếp xúc với Phật pháp, vậy chúng ta đến phòng lễ Phật nói chuyện nha?”.
“Vâng ạ”.
“Tôi cũng muốn đi!”. A Kiệt khi biết chúng tôi đi đến đó cũng muốn đi.
Sau khi ngồi xuống tôi hỏi hai người rằng: “Anh chị có biết nơi này là nơi nào không?”.
“Biết ạ, là Phòng chăm sóc giảm nhẹ!”.
Nghe A Kiệt trả lời, tôi rất ngạc nhiên, lại hỏi tiếp: “Thế anh có biết thế nào gọi là Phòng chăm sóc giảm nhẹ không?”.
“Khi bệnh tình đã không có cách nào điều trị, chỉ có thể giúp bệnh nhân khống chế bệnh và giảm đau thôi…”; “Bệnh nhân đến đây rồi thì thời gian không còn nhiều nữa!”. A Kiệt thực ra đều biết hết!
Tôi tiếp tục nói: “Thế anh có biết mẹ và các dì ngày nào cũng khóc hết nước mắt không? Dì lớn còn tự trách mình. Họ rất muốn biết trong lòng anh đang nghĩ gì? Thấy anh hằng ngày sống như vậy… họ vô cùng lo lắng”.
“Không ạ!”.
“Đúng, giống như anh vừa nói, thời gian không nhiều nữa, một ngày nào đó anh buộc phải ra đi, anh đã từng nghĩ rằng khi chuyện đó xảy ra, anh sẽ để lại cho họ cái gì chưa?”.
A Kiệt lắc lắc đầu biểu thị từ trước đến giờ chưa từng nghĩ đến vấn đề này.
“Họ có tâm trạng như thế, anh lại không có sự chuẩn bị nào, nếu ngày đó thật sự đến, trong tình hình ấy, anh có thanh thản không?”.
“Sẽ không thanh thản!”. A Kiệt cho biết trước đây không nói, vì không biết nói cái gì, phải nói như thế nào, lại càng không muốn nhìn thấy mọi người khóc lóc. Vậy nên, thôi thì không nhắc đến cho xong. Thì ra A Kiệt rất sợ sơ ý mở trúng chiếc hộp pandora1, mở rồi sẽ không biết đóng lại thế nào.
1 Theo thần thoại Hy Lạp, Pandora - người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người, có mang theo một chiếc hộp, dù đã được dặn dò không được mở chiếc hộp, nhưng với bản tính tò mò, nàng hé mở nắp hộp và khiến những điều bất hạnh như thiên tai, bệnh tật, chiến tranh... tràn ngập thế giới. Chiếc hộp được vội vã đóng lại và bên trong chỉ còn sót lại một điều - hy vọng (người dịch chú).
Lúc này, bạn gái anh ấy lên tiếng: “Hằng ngày tôi cũng ở bên anh Kiệt, nhưng cũng không biết trong lòng anh ấy nghĩ gì”.
Tôi nói: “Anh có thể viết thư, thu hình, có thể từ từ nói chuyện… có rất nhiều cách. Ít nhất mỗi ngày làm một ít, để an ủi họ. Nếu không, mái đầu bạc tiễn đưa mái đầu xanh, như vậy thì quá đáng tiếc! Anh có muốn thầy làm giúp anh điều gì không?”.
“Chỉ cần họ bình an là tôi tốt rồi”. A Kiệt muốn tôi nói chuyện với mẹ, các dì với mong muốn họ đừng buồn sầu như thế.
Tôi nói: “Tôi tin rằng tiếng lòng của họ cũng giống như anh thôi, chỉ cần anh bình an là họ tốt rồi”.
Họ đều không biết trong lòng mỗi người có suy nghĩ gì, chỉ luôn lo lắng cho đối phương, hy vọng đối phương được bình an. Nhưng thực ra vì chẳng ai nói gì, nên tất cả mọi người đều không an tâm.
“Thầy, nếu như thế, khi thầy tìm họ nói chuyện, tôi cũng tham gia nhé”. A Kiệt đề nghị.
Thì ra A Kiệt cũng rất muốn nói chuyện, nhưng muốn đợi người nào đó nói trước.
Chấp nhận thực trạng, nói lời cáo biệt
Hôm đó là ngày thứ bảy A Kiệt nhập viện.
Mọi người đều vây quanh anh ấy. Không khí buổi họp gia đình ấy có phần hơi căng thẳng.
Tôi hướng dẫn mở đầu: “Hôm qua, tôi và A Kiệt đã nói chuyện rất nhiều, anh ấy thực ra hiểu rất rõ tình trạng của mình. Anh ấy nhờ tôi mời mọi người đến, vì trong lòng có rất nhiều lời muốn nói với mẹ và các dì...”.
A Kiệt ghìm nén cảm xúc rồi nói: “Cho dù dì lớn không nói với cháu, nhưng cháu biết đây là Phòng chăm sóc giảm nhẹ, xin mọi người đừng trách dì lớn. Cháu biết bệnh của mình không thể điều trị, chỉ vì sợ mọi người lo lắng, mọi người không nói nên cháu cũng không nói. Cháu rất cảm ơn dì lớn đã yêu thương, quyết định của dì lớn rất đúng, nếu cháu có ra sao xin mọi người cũng đừng trách dì ấy…”.
A Kiệt đang nói thì nghẹn lại, bạn gái nắm chặt tay anh ấy biểu thị sự ủng hộ, thỉnh thoảng tôi cũng nắm tay hai người, hy vọng tiếp thêm nghị lực cho họ. Tôi có thể cảm nhận rõ mồ hôi trên tay họ, rất căng thẳng.
Một người dì nói tiếp: “Như vậy sao lại đúng, cháu còn trẻ như vậy, phải cố gắng lên, không được bỏ cuộc! Bây giờ cháu vẫn có thể ăn uống được, ý thức còn rõ ràng như thế, sao lại không cố gắng đến phút cuối cùng chứ?”.
“Dì à, đừng nói như vậy, cháu từ hồi nhỏ đã bị bệnh, đến nay cháu hiểu rõ sức khỏe của mình. Chẳng qua mọi người thương cháu như vậy, nên cháu không thể mở lời…”
Một dì khác nói: “Các dì không ngờ là cháu biết mọi chuyện, còn rất lo lắng, cháu bệnh nặng như vậy mà ngày nào cũng chỉ xem phim Hàn Quốc… thật không biết trời cao đất rộng… Cháu có chuyện gì cần mọi người giúp không?”.
A Kiệt luôn cảm ơn các dì: “Cháu từ nhỏ đã không có cha, các dì chăm sóc cháu như vậy, giúp đỡ mẹ cháu nhiều như thế. Giờ đây cháu lo lắng nhất chính là mẹ… Mẹ khó khăn nuôi con lớn, khi con vào đại học thì bắt đầu bị bệnh... vốn nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp sẽ kiếm tiền lo cho mẹ… cảm ơn các dì đã tốt với mẹ cháu như thế… xin đừng trách dì lớn…”. Nói đến đây A Kiệt nghẹn ngào không thành tiếng nữa.
Dì lớn lên tiếng: “Trong quá trình này, dì đã chịu áp lực rất lớn, lo lắng đến mức không ngủ được, luôn nghĩ phải làm sao mới là tốt nhất cho cháu? Cháu có trách dì tại sao lại không tích cực tìm bác sĩ điều trị giúp cháu, sao lại chuyển cháu đến Phòng chăm sóc giảm nhẹ này không? Dì thật sự đau đớn, sắp sụp đổ rồi, không ngờ rằng…”.
Các dì lần lượt nói, mọi người vừa nói vừa khóc, nước mắt chảy ròng ròng…
Cuối cùng, nên đến lượt mẹ nói, tôi gợi ý: “Mẹ có lời nào muốn nói với A Kiệt không?”.
Mẹ cứ lắc đầu, không thể nói được lời nào, chỉ chảy nước mắt mãi. Để làm dịu không khí căng thẳng, tôi lại nói chuyện với A Kiệt một hồi, sau đó nói: “A Kiệt rất muốn nói chuyện với mẹ, mẹ có muốn tâm sự gì không?”.
Mẹ lại bắt đầu nghẹn ngào, vẫn không nói nên lời, mọi người yên lặng chờ đợi… Một lúc khá lâu sau, bà ấy đột nhiên nói: “Những lời như thế này làm sao tôi nói ra được chứ…”.
Cuối cùng, với giọng nói run run do khóc, bà nói: “Lời này mẹ thật sự khó có thể nói ra, nhưng nếu thực sự bệnh không khỏi, vậy thì ra đi thanh thản! Mẹ lo lắng nhất là con sợ”.
“Con không sợ, đã bệnh lâu như vậy rồi. Điều con lo nhất là sau khi ra đi rồi thì mẹ ra sao? Còn bạn gái luôn bên cạnh con, con biết làm sao để đáp đền”. A Kiệt khóc lớn, siết tay bạn gái chặt hơn.
Người mẹ nói với người yêu của con: “Cháu tận tâm chăm sóc A Kiệt như thế, không bỏ mặc nó, thật rất cảm ơn cháu! Là cô không có phúc phần, không thể cưới cháu về được. Cháu rất tốt, gia đình cô thiếu nợ cháu, không biết phải báo đáp như thế nào…”. Lúc này, người mẹ biểu thị muốn trao món trang sức bằng vàng gia truyền cho người yêu A Kiệt, đó là món đồ mẹ chồng đã trao cho bà khi cưới.
Người yêu A Kiệt trả lời: “xin cô đừng nói như vậy, cháu tình nguyện bầu bạn cùng anh Kiệt, những thứ trang sức ấy không có ý nghĩa gì đối với cháu, cái cháu cần không phải là những thứ này. Tất cả đều là nhân duyên của chúng ta, đừng cảm thấy có lỗi với cháu”.
A Kiệt lo lắng những thứ trang sức ấy sẽ trói buộc người yêu, bèn nói: “Cảm ơn em! Anh rất yêu em, không thể nào bầu bạn cùng em suốt cuộc đời. Anh xin lỗi nhé! Em còn trẻ, phải đi tìm bạn trai nữa…”.
Người bạn gái khóc và nói: “Anh đừng nói em đi tìm bạn trai nữa, bây giờ đừng nói chuyện này với em…”.
Nghe mọi người nói những điều trong lòng, tôi cũng không cầm được nước mắt… Trong lúc mọi người còn đang khóc, A Kiệt đột nhiên nói: “Mẹ, mẹ không được nghỉ hưu đâu nhé, ít nhất phải làm việc đến 60 tuổi!”.
Tôi nói thêm: “Anh không để cho mẹ nghỉ hưu? Bắt mẹ phải làm việc suốt à?”. Mọi người cùng cười, không khí bi thương trong phòng vơi đi phần nào.
A Kiệt mong muốn mẹ tiếp tục làm việc để không phải luôn nghĩ về anh ấy, như thế bà mới có thể thoát khỏi bi thương…
Cuối cùng, A Kiệt lại nói: “Nếu cháu thật sự ra đi rồi, các dì có thể vẫn cứ như trước, bầu bạn cùng mẹ cháu được không?”.
Lúc này, em gái vội vàng lên tiếng: “Anh, còn có em mà, bất kể là như thế nào, em cũng nhất định chăm sóc mẹ thật tốt!”.
Chuẩn bị lâm chung, chăm chỉ tập luyện
Những ngày qua A Kiệt thực ra rất đau khổ, vì phải giấu đi những lo lắng trong lòng để an ủi mẹ, các dì và bạn gái… phải chăm sóc tình cảm tốt cho mỗi người, nên cho dù đau bệnh cũng không dám kêu một tiếng, tỏ vẻ như không có chuyện gì, hoàn toàn không hề nghĩ cho mình.
Lúc này, tôi lựa thời cơ đề cập đến cái chết và sự chuẩn bị: “Mẹ, các dì, bạn gái và em gái đều hết sức chăm sóc anh, thầy biết anh cũng rất muốn an ủi họ, và anh cũng đã làm hết sức tốt. Nhưng đến giai đoạn cuối, giống như lúc này mọi người đang quây quần bên anh, đang nhìn anh như thế này. Khi họ rất đau thương, anh đã không có khả năng an ủi họ rồi. Cách duy nhất để an ủi họ chính là anh phải biết chăm sóc chính mình, sau đó bình tĩnh và ra đi thanh thản…”.
Tôi giải thích với mọi người về tình trạng xảy ra khi tứ đại phân giải thì mọi người cần phải làm gì, sau đó nói với A Kiệt rằng: “Lúc đó sợ là bình thường, nhưng chỉ cần có sự chuẩn bị là không sợ, bây giờ anh phải chịu khó chăm chỉ, khi tứ đại phân giải, phải an trú tâm của mình…”.
Cả buổi nói chuyện kéo dài gần ba giờ đồng hồ, vấn đề quan trọng nhất cũng đã được bày tỏ, chúng tôi bèn để A Kiệt nghỉ ngơi mà chưa nói đến phương pháp an trú tâm.
Hôm sau, cũng là ngày nhập viện thứ tám, bệnh tình của A Kiệt nguy kịch hơn, bạn gái của anh ấy đến hỏi tôi: “Thầy ơi, phương pháp làm cho tâm an trú như thế nào?”. Không ngờ bệnh tình xấu đi nhanh thế, tôi liền theo cô ấy về phòng bệnh, dạy cho A Kiệt cách niệm Phật, đếm hơi thở và Từ bi quán.
“Tình yêu của gia đình đối với anh, và tình yêu của anh đối với gia đình là niềm vui và hy vọng! Cho nên, khi hít vào, anh hãy hít cả niềm vui của tình yêu vào, và khi thở ra, hãy chúc phúc cho tất cả những người yêu anh và những người anh yêu…”
Tôi nói bạn gái anh ấy hãy bầu bạn cùng anh ấy, phối hợp với nhịp thở của anh ấy để niệm Phật: A Di Đà Phật… A Di… Đà Phật, chúc phúc cho tất cả mọi người…
A Kiệt nghe rất kỹ, anh bắt đầu chăm chỉ luyện tập cùng với mẹ và bạn gái.
Mang theo tình yêu và mỉm cười ra đi
Ngày thứ mười một, tính từ ngày A Kiệt nhập viện, tôi lại được tin tức về anh ấy.
Bạn gái A Kiệt gọi điện thoại cho tôi, nói rằng: “Thầy ơi, hôm qua anh Kiệt đã vãng sinh rồi, khi anh ấy ra đi trên mặt luôn mỉm cười!”.
“Thầy ơi, điều thầy nói là đúng đó, không ngờ thay đổi nhanh như thế. Mọi người tuy rất bi thương, nhưng may là cuối cùng đã có cơ hội để thổ lộ lòng mình, anh Kiệt có nhân duyên học và niệm Phật nên biết con đường tương lai sẽ đi như thế nào”.
“A Kiệt là người trí thức, từ nhỏ là con cưng trong gia đình, được bảo vệ chăm sóc, thầy là người đầu tiên anh ấy chịu nghe theo, chịu chấp nhận, anh ấy trước khi lâm chung được sự hướng dẫn của thầy, gia đình xin cảm ơn thầy ạ!”.
Có lẽ A Kiệt biết mình đã không còn con đường nào khác, nhưng lo lắng không biết phải làm sao. Khi anh ấy nghe được có một cách khác để nói lời từ biệt nghe ra cũng rất hợp tình hợp lý nên đã chấp nhận và chuẩn bị tốt.
Ngày thứ mười nhập viện, A Kiệt đã mang theo tình yêu của gia đình, mỉm cười ra đi!
CHĂM SÓC TÂM LINH
Tứ đạo nhân sinh - đạo cảm ơn, đạo xin lỗi, đạo yêu thương, đạo tạm biệt, và sau đó là gì?
Trong văn hóa của chúng ta, nói đến cái chết là điều cấm kỵ. Giáo dục trong nhà trường cũng rất ít dạy chúng ta phải tạm biệt cuộc sống như thế nào. Thế là bệnh nhân và người nhà không biết phải làm sao, bỏ lỡ cơ hội đặt dấu chấm tròn cho cuộc đời, để lại sự nuối tiếc và ân hận. Nhưng, có khi bệnh nhân chẳng nói gì cả, giả vờ như không có chuyện gì, vì anh ta cho rằng mọi người không thể giải quyết được vấn đề của mình. Hoặc mọi người nghe không hiểu anh ta đang nói gì, cho rằng thế giới của anh ta và thế giới của mọi người là hai đường thẳng song song không bao giờ giao nhau… Thực ra, anh ta đang chờ người hiểu mình. Vấn đề là nếu không đợi được người ấy thì phải làm sao?
Mỗi người trong chúng ta đều cần thảo luận về lúc lâm chung, nhưng thực sự không thể chờ đến trước khi nhắm mắt mới nói đến, giống như A Kiệt, nếu giai đoạn đầu không thảo luận, thì sau đó thật khó mà tưởng tượng.
Trong chăm sóc giảm nhẹ, từ biệt cuộc sống là quá trình vô cùng quan trọng. Do đó, cần nhấn mạnh tứ đạo nhân sinh bao gồm: đạo cảm ơn, đạo xin lỗi, đạo yêu thương, đạo tạm biệt, tuy chỉ là những lời đơn giản, nhưng lại chính là món quà trân quý mà người bệnh và những người trong gia đình tặng cho nhau.
Đạo cảm ơn: Cảm ơn những người đã xuất hiện trong cuộc đời mình, đã vì chúng ta mà làm tất cả, để chúng ta được yêu thương và bảo vệ.
Đạo xin lỗi: xin mọi người tha thứ cho những gì chúng ta đã làm sai, cũng là khoan dung, là tha thứ sự sai sót của mọi người, xóa bỏ sự áy náy, ân hận của mọi người, xóa đi mọi ân oán.
Đạo yêu thương: Đối diện với người thân, nói ra những suy nghĩ trong lòng, chúc phúc cho nhau và biểu thị sự quan tâm, yêu thương.
Đạo tạm biệt: Nói lời tạm biệt chân thành với người thân và bạn bè. Một lần nữa cảm ơn sự xuất hiện của họ trong cuộc đời mình, bảo họ hãy yên tâm; người thân và bạn bè cũng chúc phúc cho người bệnh có thể buông bỏ, ra đi thanh thản.
Theo quan niệm phương Tây, đây là các bài tập về “tứ đạo nhân sinh” điển hình. Nhưng, đối với văn hóa và quan niệm về giá trị khác của phương Đông, điều chúng ta cần suy xét là: sau khi “tứ đạo nhân sinh” viên mãn thì đã thực sự là tốt chưa? Người bệnh đã thực sự có thể an tâm đối mặt với quá trình chết chưa? Trên thực tế thì không phải như thế.
Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân sau khi làm xong bài tập về “tứ đạo” cho biết: “Thầy à, cảm ơn tôi cũng đã cảm ơn rồi, xin lỗi cũng đã nói rồi, còn việc tôi yêu anh, tạm biệt cũng đều đã nói, nhưng sao tôi vẫn còn thấy sợ!”.
Lúc này, chúng ta thường hỏi: “Thế anh đang sợ cái gì?”. Và câu trả lời thường là: “Tôi không biết sau này sẽ đi đâu, khi chết có đáng sợ lắm không? Khi mắt nhắm lại rồi sẽ nhìn thấy gì? Tôi rất sợ…”. Đó chính là sợ cái chết.
Chết không phải là kết thúc, mà là bắt đầu cho một sự sống mới. Tứ đạo chủ yếu là tạm biệt với những nhân duyên trong kiếp này; sau khi thực hiện xong tứ đạo, cần phải đánh giá chi tiết cuộc sống từ kiếp này sang kiếp sau, cần phải học tập và tập luyện pháp môn, cần biết con đường phía trước phải đi như thế nào. Khi bệnh nhân có thể thực sự yên tâm, người nhà mới có thể được an ủi.