GẶP KHÓ KHĂN VẪN PHẢI KIÊN TRÌ
Tuấn về chỗ được một lúc rồi, vậy mà khuôn mặt vẫn còn tái tái, lấm tấm mồ hôi.
Anh ta cứ ngồi thẫn thờ, mắt chăm chăm nhìn màn hình mà đầu óc trống rỗng, chẳng nghĩ được gì cụ thể. Trong đầu anh ta đầy những tiếng nói tiêu cực của nỗi bất an, tự ti: “Mình thật tệ hại, mình không làm được việc,” “Nhỡ bị đuổi khỏi đây thì biết ăn nói thế nào với mẹ bây giờ? Phải rồi, còn mẹ nữa, mình còn phải chăm lo cho mẹ.” Càng nghĩ anh ta càng cảm thấy như trời sập đến nơi.
Tuấn sinh ra ở một vùng quê nghèo xa Hà Nội. Bố mất sớm, nhà nghèo, hai mẹ con nương tựa vào nhau để sống. Mẹ Tuấn quen cuộc sống nhà nông, bần hàn, lam lũ. Bà chỉ mong có một đời yên ổn nên chưa từng tạo sức ép gì lên con trai. Nhưng Tuấn lại luôn mơ mộng được như các bạn ở thành phố, cho nên anh quyết tâm học giỏi để đổi đời.
Thành quả của bao năm đèn sách là tấm bằng giỏi của một trường đại học danh tiếng. Cứ tưởng thế là tương lai tươi sáng sẽ mở ra, ai dè chật vật suốt nửa năm Tuấn mới xin được làm việc ở một công ty lớn trong ngành truyền thông.
Vào được rồi cũng chưa phải yên thân. Công ty lớn đương nhiên yêu cầu công việc khắt khe, môi trường chuyên nghiệp đòi hỏi tác phong tương ứng. Giữa bao nhiêu đồng nghiệp sáng láng, thông minh, anh chàng Tuấn của chúng ta chỉ mờ nhạt khuất lấp. Chưa kể vẻ ngoài có phần thô kệch thường làm anh kém tự tin.
Càng tự ti, người ta càng muốn kết thân, cố gắng hòa nhập. Bạn biết đấy, các vấn đề về tâm lí tạo một khe hở cho lí trí sai lệch. Tuấn tự ti, thế nên anh muốn thoát ra khỏi tình trạng đó bằng cách cố gắng tỏ ra hòa đồng thân thiện. Chuyện đó sẽ chẳng có gì là xấu, nếu anh không hùa theo những cuộc trò chuyện cá nhân của đồng nghiệp thay vì chia sẻ, học hỏi về công việc. Tự ti, lắm tâm cảm, lại mất thời gian cho những việc “râu ria,” kết quả công việc đương nhiên là sa sút.
Sáng hôm đó trưởng phòng gọi Tuấn vào gặp riêng. Anh ta vừa vào, chưa kịp nói gì, Sếp đã mắng luôn một tràng rất gay gắt. Cuối cùng chốt lại là:
Chưa bao giờ Tuấn bị mắng té tát như thế, và chưa bao giờ cậu thấy mình thiếu năng lực đến thế. Vốn tự ti về ngoại hình, nên năng lực là thứ Tuấn bám trụ vào để chứng tỏ giá trị của mình với công ty. Nhưng lần này thì…
Người vừa làm Tuấn hoang mang thì sao nhỉ? Sếp Tuấn là người chỉ biết đến công việc, lúc nào cũng thấy anh ta đang làm việc. Cho nên dễ hiểu khi Sếp yêu cầu nhân viên của mình cũng phải như thế. Có khi Tuấn đang làm dở việc này, Sếp đã giao ngay việc khác. Một lúc sau đã hỏi xem một việc nào đó đã làm xong chưa. Với nhịp độ gấp gáp và công việc chồng chéo như vậy, nếu không khéo sắp xếp thì rất dễ rối loạn. Lại thêm cái giọng “sắc lệnh” của Sếp lúc giao việc thật dễ khiến người ta ức chế (Đấy là Tuấn thấy thế, vào lúc đang vừa sợ vừa… tức này.)
Nhưng vấn đề không phải là Sếp. Vấn đề của Tuấn chính là anh ta không làm chủ được tâm trạng khi làm việc với một vị Sếp như thế. Sếp càng kiểm soát, Tuấn càng cảm giác ám ảnh, chỉ muốn làm nhanh cho xong chuyện, không muốn cống hiến. “Sếp lúc nào cũng đòi hỏi cao, gặp Sếp rất áp lực.” Tuấn không nhận ra những cảm xúc vui buồn bên trong đã dần hình thành một dạng thái độ của anh với công việc: Được khen thì vui vẻ nói cười, được làm điều mình thích thì năng nổ, hăng hái, bị chê thì buồn chán ngồi ủ dột... Những hành xử ấy dần hình thành công thức phản ứng trước các vấn đề, về cơ bản là Tuấn không nghĩ khác, làm khác được.
Tuấn chỉ chợt “tỉnh” ra khi anh Hùng bước vào. Anh là người hướng dẫn Tuấn hồi cậu mới vào công ty. Anh Hùng cầm theo một xấp tài liệu tiến đến hỏi:
Tuấn không nói gì, chỉ khẽ gật đầu.
- Vẫn sốc lắm hả? Ai cũng có lúc sai sót, ai cũng từng được “hưởng” cơn thịnh nộ của Sếp ấy mà. Haha. Nhưng được nghe chửi là còn may đấy. Cậu cứ ngồi thừ ra thế thì sẽ bị đá đít đi luôn, không có ai chửi nữa đâu. Lúc này không nghĩ được gì thì ngồi nhập dữ liệu đi vậy, công việc đơn giản nhất rồi đấy.
- Vâng ạ. Cảm ơn anh.
- Đàn ông con trai đừng để mấy tâm trạng tiêu cực chi phối như thế. Chú còn nhớ các cách vượt khỏi tâm trạng tiệc cực không đó? Cố lên, nghe nói lát con bé Quỳnh đến đấy.
Anh Hùng nói kèm cái nháy mắt, làm Tuấn đỏ mặt. Quỳnh là con gái Sếp, đang học năm cuối đại học nên thực tập ở công ty. Mỗi lần Quỳnh đến, nhịp độ làm việc trong phòng gấp gáp rộn ràng hẳn lên, phần bởi mọi người sợ cô “mách” bố, phần vì tính Quỳnh khá vui vẻ. Tuy vậy, lời nhắc này của anh Hùng mang ý nghĩa hơi khác một chút. Với Quỳnh, Tuấn là tiền bối. Với Tuấn, Quỳnh là… nỗi nhớ. Anh ta trót “đổ” cô bé ngay từ ngày đầu gặp mặt. Anh chàng nhà nghèo đi làm thuê và cô con gái Sếp, quả là một mối tình rất... “Sọ Dừa.”
“Mình là chàng trai nghèo chẳng có gì, nghèo từ ngoại hình nghèo đi.” Tuấn nghĩ. Chỉ có gia đình là yêu thương, quan tâm Tuấn (như người mẹ của Sọ Dừa), nhưng gia đình lại ở xa anh lúc này. Tất nhiên Tuấn có nhiều thứ lắm, nhưng lúc này anh chỉ thấy những thứ mình không có vì đang quá tự ti.
Tuấn cũng mong một ngày mình thoát ra khỏi những ám ảnh tự ti, để lột xác thành một anh chàng nhân viên tài năng, thăng quan tiến chức, giống như Sọ Dừa cuối cùng trở thành người khôi ngô tuấn tú, thi đỗ trạng nguyên vậy. Đấy là mong thế, còn thực tế thì anh ta đang ngồi bần thần chỉ vì một lần “nộ khí” của “ông bố vợ tương lai” (dĩ nhiên là trong tưởng tượng của Tuấn).
Tuấn nghĩ thế rồi với xấp tài liệu để nhập. Thế nhưng tâm trạng tiêu cực vẫn chưa buông tha anh. Vậy nên anh chàng bèn ngồi viết ra những hậu quả của việc tiếp tục để tâm trạng chi phối, bên cạnh là một cột ghi những câu trích dẫn hay nhằm nhắc nhở bản thân “tỉnh ngộ”.
Những cách điều chỉnh sức ép tâm lí này đều là anh Hùng hướng dẫn Tuấn. Hẳn trong đầu bạn đã hình dung được vài nét về anh Hùng rồi. Anh Hùng là người điềm tĩnh. Mỗi khi trong nhóm có người bị quá tải vì nhiều việc hoặc bị áp lực tinh thần, anh đều quan tâm động viên hoặc phân chia lại công việc cho hợp lí. Anh từng nói rằng:
- Trước các sức ép, các lực co kéo của đời sống, thường con người chỉ có hai cách để đối diện thôi. Cách thư nhất là giải toả như đi hát karaoke, đi uống bia rượu hay nói xấu người khác... Cách thứ hai là sai lệch sang hướng khác, chẳng hạn chấp nhận sai lầm là chuyện bình thường… Hai cách này nói chung đều không tốt, có thể còn gây tổn thương cho người khác Thế nên, cách tốt nhất để tự xử lí là viết ra (Giải toả mà chẳng hại ai!). Viết xong rồi làm việc tiếp.
Anh Hùng cũng đã phân chia lại công việc, để Tuấn làm phần việc đơn giản hơn (nhưng vẫn phải tiếp tục làm). Bằng cách này Tuấn được giảm bớt sức ép công việc khi đang mang nhiều gánh nặng tâm lí.
Tạm thời cứ như vậy đã. Tuấn viết xong rồi cặm cụi ngồi nhập dữ liệu.
Nhưng Tuấn không ngồi đấy mãi. Nếu Sọ Dừa chăm chỉ vừa chăn dê vừa đọc sách, thì Tuấn nhà ta cũng là một chàng trai chịu thương chịu khó. Chịu khó là một đức tính tốt, nó giúp anh ta nhận ra các cảm xúc không tốt khi chúng vừa “đột nhập”:
“Không!!! Các ngươi mới là các tâm trạng tiêu cực ngăn ta làm việc năng suất. Ta biết thế mạnh của ta là chăm chỉ cần cù. Ta mới vào làm được vài tháng, nhầm lẫn thì cẩn thận hơn là được chứ gì. Chẳng qua những lời Sếp mắng làm ta rối trí thôi. Vấn đề là phải kiểm soát được tâm trạng, chứ không phải tiếp tục lo âu!”
Viết ra quả thật giúp Tuấn nhìn rõ hơn những tiếng nói bên trong ảnh hưởng tới tâm trạng bản thân ra sao.
Vừa so sánh với đồng nghiệp (tâm lí tự tôn lẩn khuất), vừa tự hạ thấp bản thân (tâm lí tự ti nổi bật), cảm xúc của Tuấn trở nên rối loạn. Tuấn nhận ra anh đang để cho ý chí cầu tiến của mình bị chìm khuất đi.
Thế là Tuấn bặm môi, cố ngồi nhập hết tập số liệu mà bình thường mọi người vẫn trêu là việc “chán chết.” Những lúc chán quá thì Tuấn tự khích lệ bản thân cần nỗ lực, kiên cường, mạnh mẽ hơn.
Cứ kiên nhẫn, cặm cụi như thế, cuối cùng Tuấn cũng xong việc, nhìn đồng hồ thì đã quá giờ về gần một tiếng. Văn phòng chẳng còn ai.
Đấy là Tuấn tưởng thế. Ngồi một lúc, Tuấn thấy có tiếng gõ cạch cạch phát ra từ góc phòng nơi anh Hùng ngồi. “Hóa ra anh ấy vẫn ngồi làm thêm giờ.” Tuấn thầm nghĩ. Thật ra anh Hùng cố ý ngồi đợi cho Tuấn đỡ tủi thân. Tuấn lên tiếng gọi:
- Anh Hùng ơi, em xong việc rồi. Tối nay anh có bận gì không ạ? Anh em mình đi uống nước được không? Em mời anh.
- Thôi khỏi ra ngoài chi cho tốn kém. Chú có gì muốn tâm sự phải không? Trong tủ có sẵn bịch cà phê Chi mới mua, chú pha mỗi người một cốc rồi mình ngồi đây nói chuyện luôn.
- Vâng anh.
ĐÀN ÔNG CON TRAI, CẦN CÓ HOÀI BÃO
Tuấn mang phin cà phê vừa pha xong tới bàn anh Hùng, rồi kéo ghế ngồi xuống phía đối diện. Ánh mắt hai người giao nhau ở những giọt cà phê đang nhỏ từ từ xuống cốc. Mọi thứ tĩnh lặng như phong thái của anh Hùng, và trái ngược với cơn bão cảm xúc trong Tuấn.
Im lặng một lúc, Tuấn mới ngại ngần hỏi:
- Có phải năng lực của em tệ lắm không anh? Hôm nay bị Sếp mắng, em mới thấy mình vô cùng nghiệp dư.
Anh Hùng không trả lời thẳng vào câu hỏi của Tuấn. Anh nhìn Tuấn một lúc, rồi từ tốn kể:
Tuấn im lặng cúi đầu. Chẳng thể nói rằng anh chỉ đơn giản là cần một công việc. Nhiều khi ở đô thị này, người ta chẳng biết cái mình muốn là gì. Anh lí nhí nói:
- Nghĩ lại em thấy mình thật tệ anh ạ. Ngày phỏng vấn, em đã hứa rằng nếu được nhận sẽ chăm chỉ, sẵn sàng học hỏi. Hồi đó em quả thật có quyết tâm ấy nên mới được cho cơ hội vào làm. Lúc ấy em cảm kích lắm, vì trước giờ người ta cứ nhìn bộ dạng em là muốn đánh trượt rồi.
Hùng ngắt lời:
- Anh kể ra đâu phải để em tự ti. Anh chỉ muốn cho em hiểu rằng nếu em có một hoài bão, hướng theo một giá trị cao hơn, chứ không chỉ nhận lương để sống sót từng ngày, em sẽ thấy bản thân không dễ trôi theo những tâm trạng tiêu cực nữa.
- Lâu giờ em chỉ nghĩ làm sao đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc, để không bị mắng, bị đuổi khỏi công ty là tốt lắm rồi ạ.
Hùng cười, anh biết một chàng trai trẻ nghĩ vậy cũng là điều dễ hiểu.
- Chí hướng nam nhi sao ngắn thế. Nhưng cũng tốt, mục tiêu hướng đến là nâng cao năng lực bản thân thì sẽ không chán ngại bất kỳ việc gì. Kể cả những công việc rất đơn giản, như nhập số liệu anh vừa giao ấy. Thật ra nó cũng là việc rất quan trọng đấy!
- Dạ em có thấy ạ. Lúc nhập dữ liệu có một thông tin làm em rất ngạc nhiên, không ngờ xu hướng thị trường có thể biến chuyển mạnh chỉ vì một sự kiện tưởng là nhỏ. Người ta nhiều khi bỏ qua những thứ vụn vặt, chỉ chú tâm vào những gì to tát…
Hùng lại khéo léo dừng lời Tuấn, nếu không có lẽ cậu sẽ thao thao bất tuyệt về “phát hiện kỳ thú” này mãi không dứt. Tâm trí người ta dễ rẽ hướng (“lưỡng- phân”) như vậy đấy.
- Đúng thế. Em rất tinh ý đấy. Đừng tủi thân. Em phải có niềm tin rằng em sẽ làm được tốt chứ. Em mới làm ở đây có mấy tháng, anh làm đến cả vài năm rồi. Nếu không có niềm tin và dựa vào một giá trị để sống thì chẳng mấy chốc là “bay”. Em không bám trụ được trong một công ty chỉ nhờ tinh thần lạc quan đâu.
- Dạ, anh ơi, thế anh từng bị Sếp mắng té tát bao giờ chưa ạ?
- Sao lại chưa!
Tuấn không giấu nổi vẻ ngạc nhiên:
- Giỏi như anh cũng từng bị Sếp mắng á?
- Ai chẳng có lúc mắc sai lầm.
- Nhưng chắc anh không bị ảnh hưởng tâm trạng như em đâu nhỉ? Anh lúc nào cũng điềm tĩnh…
- Anh có bí quyết đấy!
- Như thế nào ạ? Anh dạy em với!
- Để kiểm soát tâm trạng tạm thời đúng không?
- Vâng.
Giọng Tuấn mạnh và dứt khoát hơn rồi.
- Dạ?
- Đúng vậy. Nín thở sẽ giúp em giữ thái độ điềm tĩnh hơn. Kinh nghiệm của anh đấy!
Nín thở ư? Đừng vội ngạc nhiên, những gì bạn vừa đọc là hoàn toàn có lí đấy. Hơi thở gắn liền với phổi, phổi liên quan tới giao tiếp với bên ngoài. Nhớ lại xem, những lúc mất bình tĩnh, có phải hơi thở của bạn thường dồn dập, gấp gáp hơn? Những lúc như thế, có phải bạn giao tiếp với bên ngoài chẳng còn tự nhiên? Hơi thở dồn dập làm tăng nhịp tim, máu bơm lên não nhiều hơn mức cần thiết, suy nghĩ càng rối thêm. Chính lúc ấy, nín thở là đang cố gắng để ước chế những tác động từ bên ngoài tới mình, nhìn nhận rõ hơn những cảm xúc và suy nghĩ bên trong. Như thế có thể suy xét mọi chuyện bình tĩnh hơn một chút, tránh có thái độ hoặc hành động quá khích, còn ước chế được tâm trạng tiêu cực.
- Em mà biết sớm hơn chắc lúc nãy không ngồi đần ra lâu thế. Em đã viết như anh từng dặn, nhưng toàn những lời lẽ tiêu cực. Thế nên em chuyển sang chép lại một số câu quote ngắn gọn mang tính khích lệ. Vậy mà vẫn không tránh khỏi việc cứ ngồi hối tiếc mãi: Giá mà thế này, giá mà thế kia…
- Chú hối tiếc làm gì, mất thời gian lại chẳng nâng cao năng lực được. Nên nghĩ xem mình học được gì.
- “Học được gì” ạ?
- Ừ. Cứ ngẫm lại tất có bài học. Quan trọng là hướng đến giải pháp, làm sao thay đổi để tốt hơn.
- Dạ, để em nghĩ lại xem có thể học được gì từ sai lầm hôm nay.
- Tốt, tốt. Cứ bình tâm suy ngẫm. Giờ thì về nghỉ ngơi đã, muộn quá rồi.
- Dạ vâng ạ.
Tối đó về nhà Tuấn mới nghĩ lại tất cả những gì đã xảy ra, những lời Sếp và anh Hùng nói. Rồi anh tự rút ra bài học cho mình. Từ lâu Tuấn đã có thói quen ghi chép, tích nhặt những bài học mỗi ngày. Hôm đó cũng vậy, anh mở cuốn sổ quen thuộc ra ghi vào đó:
Về giải pháp thì:
Phải trả lời nhiều câu hỏi: Nó có tiềm tàng hiểm hoạ nào không? Có yếu tố nguy hiểm ảnh hưởng tới mảng/ vấn đề khác không? Bởi cảm giác “mình chỉ có một lựa chọn duy nhất” làm người ta trở nên bị động, thiếu tư duy logic về những gì xảy ra.
Giống như lúc Tuấn lắng nghe anh Hùng, Tuấn rất tôn trọng anh ấy, nhưng Tuấn cũng liên tục ngẫm nghĩ sau đấy. Vấn đề không phải là tin tưởng hay không, mà là phải hiểu rõ lời nói hay ẩn ý bên trong. Hiểu rõ vấn đề tồn tại trong chính mình, hiểu rõ mục tiêu cần hướng đến, rồi tới hiểu rõ ẩn ý bên trong lời nói của “vị” chuyên gia (trường hợp của Tuấn là anh Hùng). Những người theo truyền thống phương Đông thường trả lời nước đôi, không đưa ra hẳn phương hướng giải quyết cụ thể, mà chỉ giúp nêu ra hậu quả phải gánh chịu để người kia cân nhắc. Vì vậy khi nghe lời khuyên cần có sự xem xét, bỏ qua tâm lí tự ti. Đặc biệt là tự ti trước “mác” chuyên gia được trưng ra. Mấu chốt là tin tưởng. Bạn tin tưởng vào chính mình, hay vào điều gì?
Việc này chẳng hề đơn giản. Nó liên quan đến ngưỡng thấu hiểu của mỗi người. Hiểu một cách đơn giản là mỗi hành động, lời nói, quyết định của chúng ta đều tác động trực tiếp tới thân thể, suy nghĩ, cảm xúc của chính ta lẫn người xung quanh. Thật ra, cảm xúc của những người xung quanh cũng quay lại tác động tới chúng ta, dù cách này hay cách khác. Vậy nên, đừng chỉ cân nhắc tới lợi ích cá nhân, nên cân nhắc cả về tác động, ảnh hưởng của quyết định lên những người xung quanh nữa.
Quá trình lựa chọn chẳng dễ dàng gì, luôn nhiều mệt mỏi băn khoăn. Nên ai cũng cần thận trọng, kiên nhẫn đối diện với hoàn cảnh khó khăn, tìm ra phương án thích hợp nhất để tăng khả năng giải quyết các vấn đề của bản thân.
KIỂM SOÁT CƠN GIẬN – BẢN LĨNH ĐÍCH THỰC
Nghĩ đến đó Tuấn mới nhận ra, nếu lường trước việc Sếp sẽ nóng giận, anh ta đã nói chuyện được với Sếp bình tĩnh hơn. Sếp mắng đấy nhưng rõ ràng cũng là dạy dỗ. “Dù tâm cảm cậu có lộn xộn thế nào, tự ti, tự ái mặc cảm hay gì gì đi nữa thì điều quan trọng là cậu có thể chuyên tâm làm việc, cống hiến hay không.” Ý Sếp chẳng phải muốn dạy Tuấn bỏ qua những mặc cảm, tự ti, suy nghĩ tiêu cực để chuyên tâm làm việc đấy sao!? Thế mà Tuấn lúc đó chẳng nghe được gì ngoài những tiếng ấm ức. Con người mà, họ đâu có thể nghe được gì ngoài chính mình.
Nghĩ lại Tuấn quả thực thấy mình yếu đuối quá, mới gặp chút chuyện đã lúng túng, tủi thân. Không chỉ thế, anh còn rất dễ nổi nóng. Lúc thấy Tuấn được giao việc nhập số liệu, cô bạn đồng nghiệp tên Chi quay sang trêu chọc:
Anh bạn Dũng cùng nhóm cũng lên tiếng:
- Đúng đúng, em cũng cùng tư tưởng với Chi, trưởng nhóm ạ, dù nó rất chán nhưng đỡ đau đầu hơn bài nội dung em đang viết.
Thật ra họ cũng chỉ nói vui vẻ thôi, nhưng Tuấn nghe thế thì bực bội lắm, nghĩ rằng họ chế nhạo mình “làm việc nhẹ,” “việc chán.” Anh đỏ mặt tía tai ngồi im không nói gì. Thấy vậy anh Hùng vội chữa:
- Mấy đứa này, tập trung làm việc đi. Dũng đàn ông không nên ganh tị thế đâu nhé.
Nghĩ lại chuyện đó, Tuấn vẫn thấy ấm ức, giận dữ, không biết làm cách nào để thanh thản lại được. Không biết thì lại nhờ giúp đỡ thôi. Hôm sau Tuấn hẹn anh Hùng cuối giờ làm ở lại để hỏi xin kinh nghiệm.
- Đầu tiên anh thường cố gắng ngồi yên. Nhưng không phải ngồi thần người ra đâu (khi tức giận chẳng ai ngồi thần ra được cả, người ta có nhu cầu giải phóng năng lượng tiêu cực ra ngoài). Nên ngồi nín thở như anh đã nói với chú ấy.
- Dạ, sau đó phải làm gì nữa ạ?
- Chờ cho tâm thái bình ổn hơn rồi mới cố gắng suy nghĩ xem nguồn cơn gây tức giận là gì, vì sao mình tức giận thế? Người ta không làm đúng ý mình là vì mình chưa rõ năng lực của người ta, hay do mình quá nôn nóng sốt sắng? Tức giận thế nữa có thay đổi được điều gì không hay chỉ làm tổn hại sức khoẻ bản thân? Có phương án nào giải quyết được? Có nên nói chuyện thêm?... Cứ tự trả lời những câu hỏi đó, cậu sẽ biết nên làm gì.
Tuấn nghe thế, nghĩ lại từ khi gặp anh Hùng đã thấy anh luôn giữ vững bản lĩnh, cùng sự điềm tĩnh. Chưa bao giờ thấy anh tranh cãi với ai, dù là đồng nghiệp hay khách hàng. Có nhiều khi công ty gặp khách hàng khó tính, anh cũng chưa từng tỏ thái độ khó chịu. Nghĩ lại thái độ của bản thân – lập được chút công trạng đã tỏ vẻ giỏi lắm, bị chê trách liền tủi hổ, tự ti, thật là nghiệp dư quá! Thật may là anh đã nhận ra. Thật may là…
- Anh ơi, may quá được là đệ của anh. Em nghĩ lại thấy đúng là anh chưa từng tức giận hay tranh cãi với ai điều gì.
- Haha, cảm ơn chú, đề cao anh thế. Chẳng qua từ bé anh đã được bố dạy cái chính không phải thắng thua, quan trọng là bản lĩnh và tìm kiếm giải pháp. Ông già anh nghiêm lắm, nên anh cũng học được nhiều.
Tuấn chưa làm được như thế. Gặp người đang hăng máu, anh ta bị ảnh hưởng nhìn thái độ ấy rồi cũng sôi máu theo. Tự kiềm chế lúc ấy còn khó, nói gì đến nghĩ ra giải pháp. Trong đầu chỉ toàn những ý nghĩ liên miên rối rắm. Không nói ra thì thấy uất ức oan uổng, muốn trút lên người khác.
- Em thấy mình không nói lại thì cái tôi bị động chạm dữ lắm.
- Chú cứ nhìn clip mấy đứa trẻ trâu đánh nhau trên mạng ấy. Vì nghĩ động chạm cái tôi, người ta càng lao vào tranh cãi để đáp trả những gì người kia nói, chứ chẳng có tinh thần giải quyết vấn đề đâu. Chú thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc, tâm trạng của bản thân chưa? Chưa kể cái kiểu nói chuyện của mấy đứa anh chẳng lạ gì. Tuổi trẻ mới biết một tí đã nghĩ mình biết nhiều lắm, hiểu hết ngọn ngành rồi, nên rất tự cao. Mấy cái đấy thể hiện hết ra ngoài đấy.
- Thể hiện hết ạ?
- Phải rồi. Từ cách nói câu khẳng định, tới cái điệu bộ mở to mắt nhìn thẳng với vẻ tự tin. Thật ra thái độ đấy chỉ khiến chúng ta dễ sa vào tranh luận thêm, rồi tức giận bực bội. Em cứ tỏ thái độ khiêm nhường một chút, dùng những cụm từ mang tính thương lượng trao đổi như là tôi nghĩ rằng, theo tôi thì, nếu nói thế liệu có… sẽ thấy khác ngay. Ban đầu khó đấy, phải tự đặt ra quy tắc cho mình hẳn hoi để thay đổi cách nói trong cuộc sống hàng ngày. Sau đấy mới quen dần và áp dụng được trong tình huống quan trọng.
- Kiểu như em sẽ bảo “Vấn đề đấy liệu có...” đúng không ạ?
- Đúng rồi, kết hợp cả điệu bộ nữa: Ngực thu vào, cằm hơi cúi xuống. Nhìn thấy thế, người ta lập tức nghĩ mình là người biết điều.
Những gì anh Hùng vừa hướng dẫn Tuấn chỉ là vài điệu bộ cơ bản thôi, nhưng giúp ta cải thiện nhiều trong tương tác với người khác đấy. Điệu bộ như thế giúp bảo vệ cơ thể (và cả mối quan hệ) của chúng ta nữa. Kể cả người ta có đang tức giận, muốn “bắn súng liên thanh” ra xung quanh, thì mình cũng tránh được nguy cơ “ăn đạn.” Người ta hay ví “Lời nói ra sắc như dao đâm.” Thu ngực vào giúp phần ức, phần dễ xúc động nhất, được bảo vệ khỏi “con dao” ấy.
- Dạ, ra thế. Vậy em sẽ luyện mấy tư thế đấy cho nhuần nhuyễn, sau này gặp đem ra áp dụng liền.
- Chú cứ yên tâm, sau này còn gặp nhiều đấy.
- Hic, anh nói xong em chẳng thấy yên tâm chút nào cả.
- Anh chỉ nói cho chú biết sự thật thôi.
Rồi anh Hùng nói tiếp (hôm nay anh ấy nói nhiều hơn thì phải):
- Kiểm soát được tâm trạng của bản thân mới có thái độ hành xử thật đúng đắn. Có thái độ hành xử đúng đắn mới làm việc tử tế được. Chứ một tuần năm ngày chú ngồi rầu rĩ mất bốn thì anh em trong phòng cũng mệt với chú đấy. Chưa kể ngày còn lại chú cứ nhìn ngó xung quanh như lúc cái Quỳnh đến, thì chẳng ai làm được gì.
- Dạ em nào dám ạ. Em không sáng sủa cũng chẳng đẹp trai, gặp Quỳnh chỉ dám ngó thôi chứ chẳng dám mơ tưởng.
- Chú cứ mơ nếu nó giúp chú thêm phần yêu đời, chăm chỉ sáng tạo (nói xong anh Hùng cười lớn). Tuổi trẻ có tí yêu đương vào người ta mới có tinh thần cống hiến. Chú cứ theo đuổi đi. Người tự ti tiêu cực nhưng mơ mộng hão huyền thường hy vọng rằng một ngày nào đó người ta sẽ nhận ra điểm đặc biệt, sự tốt đẹp của mình để thích. Như thế thì cứ ngồi một chỗ mơ tưởng thôi.
- Anh này…
Tuấn biết anh Hùng đang dạy mình điều khác. Hùng cũng không nói “sâu xa” nữa:
- Chúng ta là dân truyền thông, nên thực tế. Chuyện tình yêu cứ để theo duyên trời, nhưng nàng ở gần rồi thì chú cứ nói chuyện thôi. Có điều nếu anh là Sếp, có cô con gái cưng, sẽ không muốn một cậu nhân viên mới học viêc, hay mơ mộng viển vông, công việc trễ nải bén mảng tới gần con gái mình đâu (kể cả nàng ta có thích đi nữa). Thế nên, Tuấn ạ, em có thể thầm tương tư Quỳnh, nhưng đừng mơ mộng một ngày nào đấy nàng phát hiện ra mình tốt. Hãy nỗ lực để thể hiện cho nàng thấy rằng mình thật sự tốt, ít nhất là trong công việc.
- Dạ em cảm ơn anh.
Nói chuyện xong với anh Hùng, tâm trạng Tuấn tích cực hơn hẳn. Ít nhất anh biết rằng mình cần kiểm soát được những trạng thái cảm xúc để tập trung hơn vào công việc. Anh Hùng đã hướng dẫn Tuấn cách hành động rồi. Tuấn ghi chép lại để những lúc cần còn giở ra, coi nó như bí kíp kiểm soát tâm trạng. “Giờ thì không còn sợ nữa nhé. Ta biết nên làm gì mỗi khi vấp ngã, biết đối phó với những tâm trạng tiêu cực thế nào rồi.” Tuấn ghi sâu trong đầu ba điều:
“Sọ Dừa xuất phát điểm không như người khác, anh ta luôn cố gắng. Còn mình không thể vừa gặp chút khó khăn đã thấy nặng.” Tuấn chẳng biết sao tự nhiên anh ta lại so sánh mình với Sọ Dừa nữa. Lòng tự tôn trong anh ta tăng lên, hay là anh ta vừa cảm nhận được mối liên kết tinh tế sâu thẳm nào đó. Thật khó mà nói rõ.
Dù sao thì một ngày thật dài lại vừa trôi qua. Ngày mai là một ngày mới.