HỌC HỎI THÀNH TÀI, VỮNG CHẮC TƯƠNG LAI
Kiểm soát được bản thân trước những tâm trạng tiêu cực chỉ là bước đầu thôi. Để khắc phục lỗi sai do mình làm ra, Tuấn phải học hỏi gấp đôi. Cũng may là anh ta đã nhận ra rằng sai lầm đó đến từ việc thiếu hiểu biết về chuyên môn (mà cứ tưởng đã hiểu rồi), lại chưa biết cách học hỏi. Vì thế sáng hôm sau, Tuấn lân la ở gần trưởng nhóm (là anh Hùng đó) để học thêm các kỹ năng, kinh nghiệm.
May cho Tuấn, anh gặp được người hướng dẫn nhiệt tình. Anh Hùng là người dẫn dắt Tuấn từ ngày đầu vào công ty. Anh đã dạy Tuấn hầu hết các kỹ năng, kiến thức, nên rất hiểu năng lực Tuấn đến đâu. Sai sót lần này là do Tuấn chưa nắm bắt tốt các thông tin về thị trường cũng như nhu cầu khách hàng. Những điều này lại không thể dạy trong vài lời được. Nếu bạn là anh Hùng, bạn sẽ làm gì để giúp Tuấn? Anh Hùng quyết định Tuấn cần thay đổi cách nắm bắt kiến thức.
- Những kỹ năng cơ bản em nắm rồi, nhưng thực hành và tự tìm hiểu còn yếu. Mấy cái đấy không ai dạy em kỹ được, chính em phải tự mình trau dồi. Mọi người ở đây cũng thế, nắm kiến thức nền, rồi tìm hiểu phân tích dựa trên khả năng của mình. Nói thế không có ý rằng ai giỏi hơn ai kém hơn. Quan trọng là trong phòng, mỗi người phát huy được thế mạnh cá nhân. Như thế mới cùng góp sức được.
- Em chưa biết mình có thế mạnh gì anh ạ. Em chỉ biết cứ chăm chỉ cần cù làm những gì được giao thôi ạ.
- Em chăm chỉ là tốt, nhưng cách em tiếp thu như thế còn hơi bị động. May mắn là em học chuyên ngành truyền thông ra, nên có nền tảng từ trước. Mỗi tội em thiếu thực hành. Kiến thức anh có thể dạy em được, nhưng như thế chúng vẫn ở bên ngoài em, lâu không nhắc đến em sẽ quên. Muốn nó thực sự là của mình, ai cũng cần tự tìm hiểu thêm, kết hợp với quan sát cuộc sống. Mọi người trong phòng đều trải qua quá trình ấy, nên em cứ tập dần.
Quả đúng là thế. Kiến thức sẽ mãi nằm bên ngoài chúng ta nếu ta chưa thật sự thấm nhập, phân tích, tìm hiểu. Chúng ta cũng đồng thời không thể vận dụng được nó. Bạn đã bao giờ gặp những người học rất giỏi nhưng đi làm cứ lóng ngóng? Hoặc những người đi làm thuộc lòng các quy trình, cuối cùng vẫn làm mọi chuyện rối tinh? Quá nhiều, nhất là ở một đất nước chăm chỉ “học gạo” như Việt Nam. Điều đó cũng dễ hiểu, phần vì chưa quen, phần vì kiến thức khi ứng dụng trong thực tế cần rất linh hoạt.
Những tình huống xảy ra, những kiến thức đã đọc, nếu như chỉ nhìn rồi cố học thuộc thì bộ não vận động chưa? Có đấy, nhưng chưa là bao. Tiếp thu thụ động sẽ không nắm được bản chất của vạn vật; suy nghĩ, phân tích không thật sâu. Điều đấy dần làm cho con người ta không rèn luyện được trí tuệ, không thể thăng tiến, và chấp nhận cuộc sống tầm thường.
Anh Hùng nhận ra điều ấy ở Tuấn, nên lần này, anh yêu cầu Tuấn phải chủ động. Tự tìm hiểu, cần thì hỏi, anh giải đáp cho. Khả năng chủ động là một yếu tố cần thiết cho cả hành trình trưởng thành sau này của Tuấn.
Loay hoay một lúc, Tuấn đánh liều vào hỏi tiếp anh Hùng:
- Anh ơi, em chưa biết mình nên bắt đầu từ đâu ạ.
- Em nghĩ xem mình còn yếu phần nào, có tìm hiểu được thêm thông tin ở đâu hay học hỏi từ ai không, rồi chủ động quan sát hoặc hỏi thêm điều mình chưa biết. Nói cách khác, hãy coi mọi người, mọi tình huống đang xuất hiện đều như để dạy mình một điều gì đấy.
- Dạy một điều gì đấy ạ?
- Ví dụ hôm qua sự việc bị Sếp mắng xảy ra, đã dạy cho em biết về tầm quan trọng của kiểm soát tâm trạng cũng như hiểu hơn về các tâm lí hối hận, tức giận bên trong chẳng hạn. Ngoài ra em có thể đọc thêm sách, tham khảo thêm các bài viết trên mạng. Thật ra, chỉ cần quan sát trong công ty thôi em cũng học được khối điều rồi đấy. Như Chi với Dũng, mỗi người đều có ưu điểm để em học hỏi.
Tuấn nghe anh Hùng so sánh thế thấy hơi bực bội, tự nhiên cảm giác như mình thua kém bạn đồng trang lứa. Bực xong anh ta lại thấy hơi tức, anh Hùng gần gũi với mình hơn, sao giờ lại so sánh... Nhưng rồi anh ta ngay sau đó nhận ra cảm giác bực bội giận dỗi này là do nội tâm yếu đuối, chẳng qua bên trong thấy bất lực vì thua kém nên ấm ức đấy thôi.
Tuấn lí trí hơn sau khi được dạy làm chủ cảm xúc, thế nên anh nhanh chóng thoát ra khỏi tâm cảm nhỏ nhặt của mình. Nghĩ lại, đúng là Chi với anh Dũng hơn mình thật. Đáng buồn nhưng vẫn phải chấp nhận sự thật.
Qua cơn tức giận, Tuấn chuyển sang mơ tưởng. Mơ rằng, “Một ngày em Quỳnh thấy mình xử lí công việc chính xác đâu ra đấy, em ấy sẽ thấy mình đáng tin, rồi bắt chuyện, nhờ mình dạy… Và thế là…” Mới nghĩ đến đấy, chưa kịp mơ mộng xong đã thấy Chi nhắn tin hỏi bài content đáng ra hôm qua phải nộp. Sếp Hùng giao Tuấn viết bài content giới thiệu sản phẩm để đăng lên trang web công ty. Muốn viết được, Tuấn phải nghiên cứu, tìm tư liệu từ nhiều nguồn, chứ không chỉ viết suông theo hiểu biết của mình là xong. Nhưng vì ngẩn ngơ sau buổi nói chuyện với Sếp, Tuấn chưa kịp viết. Chi biết điều đó, nên thay vì nhắn tin thúc giục như mọi lần “Ông kia, xong chưa?”, cô bạn tử tế hơn: Nhắc nhở bằng cách gửi cho Tuấn một loạt bài content mẫu. Chi còn kèm câu nhắn gửi nhẹ nhàng “Này ông đọc mấy bài này mà làm tư liệu viết. Nhớ thống nhất lại các ý, vì còn lộn xộn lắm đấy. Chiều nay gửi tôi nhé ;)” Tuấn đành chấm dứt mơ mộng, cắm cúi ngồi nghiên cứu các bài content Chi gửi để viết sao cho chuẩn.
Ban đầu đọc các bài Chi gửi, Tuấn khá bối rồi vì phát hiện ra tuy cùng một nội dung cốt lõi nhưng ý tưởng các bài rất khác nhau, phân tích cũng dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này làm Tuấn hoang mang không biết nên sắp xếp, học tập thế nào. Thật ra đây là dụng ý của anh Hùng. Muốn Tuấn chủ động trong công việc hơn, và để thúc đẩy việc kết nối trong phòng, anh đã nói chuyện trước nhờ mọi người để ý giúp đỡ Tuấn.
Chật vật mãi trong đống tài liệu, rất muốn hỏi nhưng nhớ ra đang phải tự tìm tòi, Tuấn đành tự lực cánh sinh. Tự mày mò, Tuấn mới nhận ra rằng một sự việc có rất nhiều cách tiếp cận. Chọn đúng cách, sự việc sẽ suôn sẻ. Chọn sai cách sẽ gặp ngay vấn đề. Nếu chỉ đọc một bài rồi sao chép, hoặc cố gắng tổng hợp nhiều bài theo kiểu xáo trộn rồi cho chung vào một chỗ, thì sẽ ra một mớ hỗn độn không ai đọc nổi. Sai lầm của Tuấn trước đây phần nào là vì cắt ghép qua loa, không để ý đến tính liền lạc, liên kết giữa các ý nên phải gánh chịu hậu quả. Giờ Tuấn đã khác. Anh cố gắng đọc từng bài, tự đặt câu hỏi xem phần nào hợp lí, phần nào không, sau đó mới chắt lọc ý hay nhất.
Ngày trước Tuấn có biết cách làm này không? Có chứ, anh Hùng từng dạy rồi. Tuy nhiên nếu chỉ chắt lọc ý thôi, Tuấn thấy chẳng được mấy, nên anh ta đã cố gắng tận dụng thêm cả những câu nghe “hay hay,” “ấn tượng”. Ngờ đâu chúng đối nhau chan chát, người làm lâu năm vừa đọc là nhận ra ngay sự “đấu đá ý tứ” này. Chưa kể việc tận dụng ấy tuy giúp bài dài, nhưng lại thiếu đi một tinh thần chung thống nhất. Tuấn cứ mặc nhiên “người ta viết ra là đúng” nên thế đấy.
Lần này anh ta thận trọng hơn, cố gắng viết bằng ý tưởng của mình, chỉ lấy những bài viết đấy để tham khảo thôi. Cuối cùng cũng viết ra được một bài ưng ý. Buổi chiều Tuấn gửi cho Chi còn được khen. Khen ngợi làm người ta thích chí, quên đi giới hạn hiện tại mà bay bổng lên mây, có thể tự hài lòng với bản thân mà không cần cố gắng nữa. Nhưng khen ngợi cũng có thể tạo động lực để người ta cứ thế phát huy những điểm tốt đó.
Như Tuấn bây giờ, nhận được lời khen của Chi, anh chàng vô cùng sung sướng. Dù sao Tuấn cũng đã cố gắng thay đổi mình, lời khen từ Chi như một tín hiệu tốt. “Nếu nhận được lời khen của Quỳnh nữa, chắc sẽ tuyệt lắm,” Tuấn tiếp tục tự tưởng tượng ra cảnh Quỳnh đến đúng lúc dự án mình làm được biểu dương. Quỳnh sẽ nhìn Tuấn bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Ôi tưởng tượng quá đẹp. Tuấn sung sướng, sẵn sàng mang tài liệu và công việc về nhà để vừa làm vừa học thêm.
Tất nhiên thành công không quên ân nhân. Tuấn vội chạy ngay đến chỗ anh Hùng để khoe về “thành tích” được Chi khen.
Anh Hùng nghe Tuấn kể, cười khà khà rồi khuyên:
Tuấn nghe thế như được cổ vũ. Mối quan hệ của anh ta với mọi người trong văn phòng vốn tốt, chỉ có điều anh ta hơi tự ti nên chẳng mấy khi hỏi ai. Tuấn cứ làm theo ý mình rồi mọi người rảnh thì xem giúp. Giờ Tuấn bắt đầu thấy tương lai rộng mở hơn hẳn.
Cứ thế, Tuấn chăm chỉ tự tìm hiểu, thỉnh thoảng quan sát, học hỏi thêm từ mọi người. Dần dần, Tuấn nắm chắc công việc hơn, dù vẫn chậm. Nhưng những bước tiến đạt được cũng làm anh ta tự hào lắm. “Quan trọng không phải là ai giỏi ai kém, mà là có thể học được gì từ những người xung quanh,” Tuấn dần dần đã nhận ra được điều ấy.
NOI GƯƠNG NGÔI SAO MỚI
Nhưng học rồi vẫn có thể quên. Cứ học đi học lại mãi mới thấm được.
- Em làm tốt lắm! - Tiếng anh Hùng vang lên.
“Hứ, tốt gì chứ.” Tuấn vừa làm việc vừa thầm nghĩ.
- May mà có em, loáng cái đã xong.
“Lại là cô ta, lại là cô ta. Tại sao tất cả mọi người xung quanh đều chú ý đến cô ta vậy???” Đấy, Tuấn lại đố kỵ rồi.
Mà Tuấn đang nói đến “cô ta” nào nhỉ? Đấy là nhân viên mới nổi của phòng. Một cô bé còn trẻ lắm, mới du học Đan Mạch về. Mọi người gọi cô bé ấy là Ariel. Ariel kém Tuấn hai tuổi, nhưng vừa vào làm, cô đã luôn nổi bật và được đánh giá cao. Tuấn cảm thấy mình trở thành nền cho cô ta.
“Thật bất công!!!”
Khoan nói chuyện bất công. Hãy cùng xem họ có hai phong cách làm việc khác nhau thế nào.
Hãy nói về ngôi sao mới của chúng ta – Ariel – trước! Ariel luôn hoàn thành công việc rất nhanh, do đó cô làm được khối lượng công việc gấp đôi một người bình thường trong phòng. Thậm chí có những hôm, cô ta còn xin thêm việc để làm, vì việc được giao đã làm hết.
Trong khi đó, được giao việc gì Tuấn cũng căn theo deadline mà phân chia đúng thời gian. Anh cặm cụi chăm chút mãi mới xong một việc.
Ariel mới vào phòng làm một thời gian, mà dường như khu cô ta ngồi dần chuyển sang màu nắng. Còn từ khi có Ariel, nơi Tuấn ngồi dần chuyển đến màu đêm. Tuấn bắt đầu tiêu cực dần, ngày đi làm chán hơn, nhiệm vụ dù nhỏ cũng nặng nhọc hơn. Đến hôm nay, buổi sáng anh ta còn không muốn đi làm nữa, có lẽ động nhất duy nhất của anh ta chỉ là nghĩ đến việc được “tình cờ” gặp Quỳnh mà thôi.
Trên đường đi làm, anh ta bắt đầu nghĩ, một tư tưởng có lẽ là “tích cực” hơn một tí chăng? Anh ta nghĩ là: “KHÔNG THỂ THẾ ĐƯỢC. Mình phải làm gì đó!” Xem ra anh ta vẫn còn chút lí trí, bắt đầu tìm cách loại bỏ tâm cảm để hành động.
Tuấn bắt đầu để ý xem làm cách nào Ariel có thể hoàn thành công việc nhanh và tốt được như thế. Tuấn nghĩ: “Hmm, trông cô ta có vẻ nhiều năng lượng, lúc nào cũng hừng hực, có lẽ vì thế mà làm nhanh chăng? Nhưng năng lượng này là đặc tính rồi, mình làm sao giống thế được?” Tuấn càng so sánh, lại càng thấy thất vọng. Anh ta nhìn công việc của mình, chẹp miệng, rồi uể oải...
“ANH TUẤN! ANH TUẤN ƠI!!” – Tiếng ai nghe ghét ghét như tiếng Ariel, cùng cái cảm giác cánh tay mình bị một cánh tay khác dùng lực dữ dội mà lay.
Anh ta choàng tỉnh dậy, mơ mơ màng màng. Chỉ biết mình đang gục trên bàn, không làm việc mà đang ngủ, Tuấn vẫn kịp trông thấy Sếp đang đứng nhìn. Anh ta thở dài trong lúc Sếp vẫy vẫy anh ta vào phòng.
Trong phòng Sếp, Sếp nói:
- Cậu làm gì buổi đêm mà ngủ giờ này?
- Em xin lỗi anh, em mệt quá.
Có thể bạn chưa từng ngủ gật trong giờ làm như Tuấn, nhưng bạn đã trải qua cảm giác lúc này của anh ta bao giờ chưa? Đó là khi bạn là một nhân viên vô hình trong văn phòng, không có gì nổi bật, năng lực bình thường, rồi bạn làm sai một việc và đang bị quở trách. Bạn nhớ cảm giác đó không? Cảm giác đó rất đáng sợ. Chúng ta sợ gì nhỉ? Chúng ta sợ mình vốn không là ai, lại còn làm sai, vậy thì chẳng ai coi trọng ta cả, chẳng ai muốn thuê ta nữa. Ta sẽ lạc lõng, ta sẽ bơ vơ.
Sếp nói tiếp:
- Tuấn này, tôi thấy cậu mấy tháng gần đây đã có nhiều cố gắng, chất lượng công việc ổn tốt. Nhưng đấy là so với cậu trước đây. Còn so với mặt bằng chung thì chưa ổn. Tốc độ làm việc thì còn cần đẩy nhanh lên nhiều. Cậu xem con bé Ariel mới vào 2 tháng đã bắt kịp tốc độ làm việc của mọi người, thậm chí còn nhanh gấp đôi.
“Lại là cô ta!” Tuấn càng thêm “ghét” Ariel.
- Sao, cậu có ý kiến gì không?
- Dạ, đúng là em còn chậm quá ạ – Tuấn “tỏ ra” thành khẩn.
- Thế giờ cậu định sao?
Trong lúc Tuấn đang lúng búng tìm cách ngụy biện cho qua, Sếp nói tiếp:
- Tôi giao cho Ariel kèm cặp cậu trong một tháng. Cậu cố gắng học hỏi cách làm nhanh như Ariel. Sau một tháng tôi sẽ xem cậu tiến bộ thế nào, rồi quyết định.
- Dạ vâng ạ!
Nếu không “Dạ vâng ạ” thì làm gì còn cách nào khác đâu, câu nói đấy của Sếp khác nào muốn nói với Tuấn: Cậu mà không học cho tốt lên thì tôi đuổi!
Thế là Sếp gọi Ariel vào:
- Một tháng tới cô sắp xếp thời gian giúp đỡ cậu Tuấn, làm sao để cậu ấy cải thiện tốc độ làm việc.
- Dạ vâng ạ!
Bí quyết làm việc nhanh của Ariel là:
- Sáng tạo ư? Chuyện đấy liên quan gì đến tốc độ làm việc?
- Liên quan chứ ạ.
Càng nói chuyện với Ariel, Tuấn càng cảm thấy cô ta thật kỳ lạ. Cô ta có một giọng nói du dương khác thường, lúc nào cũng như đang hát. Mọi người trong phòng đều nói giọng nói của Ariel rất hay, rung động người nghe. Còn với Tuấn, giọng nói đấy rất chối tai, nghe đã thấy ghét. Cũng phải, ghét ai ghét cả đường đi lối về! Các cụ nói chưa bao giờ là sai.
Chưa hết, Ariel lúc nào trông cũng như đang nhảy múa. Tuấn chỉ nghĩ: “Chả hiểu sao cô ta lại hợp với một văn phòng, cô ta nên tham gia nghệ thuật và đi tìm một chàng hoàng tử đi, sao quanh quẩn ở đây làm rối loạn cuộc sống mình chi vậy?”
Ariel chắc thờ ơ với việc đi tìm hoàng tử, bởi cô vẫn ở đây, ngay trước mặt Tuấn và thao thao bất tuyệt về bản thân mình:
- Anh biết không, em có trí sáng tạo tuyệt vời. Nếu phải làm một việc, em tin là em có thể làm nó theo cách chưa ai từng làm. Em nhất định tìm ra cách làm tối ưu hơn, nhanh hơn, tốt hơn, đẹp hơn, hay hơn.
Trong tai Tuấn, lời của Ariel chỉ là những tiếng thế này: Blah Blah Blah Bloh Bloh Bloh.
Thực ra, lời Ariel nói không phải không có lí. Những người sáng tạo hơn là những người giải quyết vấn đề tốt hơn. Người không sáng tạo thì khác. Khi phải đối mặt với một vấn đề ở nơi làm việc, trường học, hay trong các mối quan hệ, họ lựa chọn những cách xử lí thông thường, đã trở thành thói quen. Nếu cách xử lí đó không có tác dụng, họ bỏ cuộc.
Nhưng hãy đặt một câu hỏi ngược lại, vì sao những người như Tuấn không thể sáng tạo? Có một số nguyên nhân như sau:
Chúng ta sống trong những lịch trình giống nhau ngày qua ngày, sử dụng những giải pháp lặp đi lặp lại quen thuộc. Khi não bộ đã quen xử lí một khối lượng công việc nhất định và lặp lại, tình trạng của não là: Không hoạt động nữa. Bộ não sẽ nói với bạn theo ngôn ngữ của nó là: Không động-não nữa! Nghe hợp lí chứ nhỉ? Động não làm chi trong khi có thể xử lí theo phản xạ, thói quen.
Chúng ta phụ thuộc nào cách xử lí của não. Vì quen với nó, chúng ta chấp nhận nó. Vậy là bạn không có một động lực nội tại nào để bứt ra khỏi “lối mòn tư duy” (đó là cách người ta quen gọi về tư duy không sáng tạo). Kết quả là, chúng ta không nhận thấy sự cần thiết của việc phải giải quyết cho thấu đáo một vấn đề, hay không cảm thấy cần thiết phải cải tiến nó, phải làm cho tốt hơn. Chuyện này nguy hiểm đấy!
Tạm dịch: “Cách tiếp cận vấn đề quan trọng hơn thứ giải pháp chỉ cần đến một phép toán hoặc kinh nghiệm. Hãy đặt ra những câu hỏi mới, tạo ra những cơ hội mới, nhìn nhận các vấn đề quen thuộc từ những góc nhìn khác lạ. Những gì cần đến trí tưởng tượng và một quá trình nhận biết thực thụ mới chính là khoa học.”
Nỗi sợ thất bại đến từ một căn phòng kín.
Nghe thật kỳ lạ phải không?
Hãy tưởng tượng hình ảnh một người cưỡi ngựa dưới thảo nguyên, bầu trời xanh với những đồi cỏ mênh mông. Tay anh ta cầm cây roi, quất mạnh vào mông con ngựa. Con ngựa hý lên một hồi thật to, rồi nó phi nước kiệu. Cuộc sống ấy thật đẹp và tự do, phải vậy không? Nếu bạn đang tưởng tượng, và thấy nó thật đẹp, thật tự do, thì bạn đang sống trong một cảm giác phòng kín.
Có phải bạn thấy khao khát tự do là một điều quá đỗi đương nhiên? Vậy thì bạn đang mắc vào nguyên nhân thứ nhất làm bạn không thể sáng tạo!
Trong một văn phòng kín, chúng ta ngồi cùng mọi người và luôn cảm giác có một đôi mắt nào đó đang dõi theo. Cảm giác này rất rõ ràng khi bạn bắt đầu đi làm, khi vừa bước vào một văn phòng, bạn còn nhớ chứ? Chẳng hạn nhấc máy gọi một cuộc điện thoại thôi cũng phải nói bé một chút, cảm giác rất sợ ai phát hiện ra mình không biết gọi điện (vì không biết cách gọi điện nghĩa là không chuyên nghiệp!). Sao phải khổ vậy nhỉ? Bạn là người mới chập chững vào văn phòng, bạn cần có thời gian học, làm quen. Nhưng bạn vẫn sợ. Sợ thất bại và sợ bị coi là thất bại.
Đó là nguyên nhân thứ hai làm chúng ta không thể sáng tạo.
Tuấn thực sự không tin Ariel và những lời cô ta ba la bô lô về bản thân cùng khả năng sáng tạo tuyệt vời đó. Anh ta chỉ tin chính mình, nên anh ta quyết định mặc kệ những gì Ariel đang nói. Anh ta muốn quan sát những gì cô ta thực sự làm.
THERE’S NO BOX – HỘP KHÔNG CÓ CÁI NÀO!
Nhắc đến sáng tạo, người ta hay nhắc đến một câu rất quen thuộc trong tiếng Anh: “Think outside (of ) the box”. Tạm dịch: Hãy nghĩ vượt ra khỏi cái hộp – cái hộp ý chỉ sự giới hạn về tư duy. Nghe quá hợp lí, phải chứ?
Nhưng theo một nghĩa nào đấy, câu này không đúng với tư duy sáng tạo.
Tại sao lại như thế? Bởi vì nếu bạn nghĩ rằng “Hãy vượt qua khỏi cái hộp” – thì nghĩa là cái hộp này tồn tại. Khi đã tin rằng cái hộp này tồn tại, tức là bạn không thể nghĩ vượt ra khỏi cái hộp. Và vấn đề thuộc về cái hộp, chứ không còn là tư duy thế nào nữa, phải vậy không?
Bạn thử xem, nếu nói “Let’s think outside of the box,” có phải bạn đang cố gắng tưởng tượng ra một cái hộp, hoặc một vòng tròn đang bao quanh đầu hoặc tư duy của mình, và cố gắng làm sao “hình học hóa” nó thành hai miền? Nếu nó là cái hộp, bạn hình học hóa thành tư duy 3D, và làm sao để bạn ở miền ngoài cái hộp. Còn nếu nó là một đường tròn hoặc một phần của đường tròn, bạn nghĩ nó là một hình 2D, và bạn cố gắng tưởng tượng mình ở miền còn lại của vòng tròn. Như thế, trong đầu bạn lúc này chỉ có: CÁI HỘP!
Bây giờ hãy tưởng tượng đến một điều khác. Nếu nói rằng: “Tất cả những gì xung quanh bạn chỉ là ảo cảnh. Hãy nhìn một cái cốc trước mặt bạn. Cái cốc đó không phải là cái cốc, nó là một kết cấu hình thang bốn đỉnh trong không gian, kết cấu đó làm vật chất của nó rất cứng. Nếu nó vỡ ra, các vật chất này được phân chia nhỏ hơn và nó vẫn tồn tại với hình dáng như cũ.” Bạn tưởng tượng ra không?
Nếu bạn đang nghĩ trong đầu: “Điên! Chuyện đấy làm sao xảy ra được!” Thế là bạn đang bị “cái box” này chi phối rất mạnh. “Cái box” có thể được gọi tên là quan niệm. Quan niệm có nghĩa là, nếu bạn đã cho một điều gì là đúng, là chân thực, thì bạn không thể chấp nhận một điều gì khác nó. Chẳng hạn, bạn nghĩ: “Cuộc đời này, phải biết cách sống sao cho nó rất tươi đẹp!” Giờ có người đến vỗ vai bạn và nói chắc nịch: “Cuộc đời này, sống thế nào cũng khổ, nếu mà thấy nó tươi đẹp thì càng khổ.” Bạn thấy không thể chấp nhận được, thì chỉ có nghĩa là quan niệm của bạn không thể chấp nhận được, “cái box” của bạn không thể dung chứa được điều đấy.
Cũng giống như khi bạn nghe nói: Hộp không có cái nào, bạn thấy: Nhầm rồi, không ai nói thế cả! Nếu xét trong tư duy sáng tạo, thì bạn... nhầm rồi! Muốn sáng tạo, bạn thậm chí phải chấp nhận cả những tư tưởng “hâm dở” nhất của mình (Tất nhiên là “hâm dở” nhưng phải hướng đến một điều tốt, không thì nó thành “điên loạn,” cái này thì không vui chút nào!).
Nhưng nếu chấp nhận điều này, thì bạn phải cẩn thận đấy! Sẽ có người cho rằng bạn “điên,” đơn giản là vì bạn không quan niệm như họ. Họ nghĩ đây là cái cốc, kia là quyển sách. Bạn có thể nghĩ đây là hình thang 3D, kia là một con chim Khổng Tước to vĩ đại hóa thành. Nhưng bạn cũng đừng lo, thế giới quan của một người cấu thành nên thế giới họ sống. Mọi người là mọi người, ta là ta, vậy thôi.
Vậy là, chúng ta đã biết đến bước đầu để có được tư duy sáng tạo, bạn nhận ra chứ: Chấp nhận cả những ý tưởng “hâm dở” nhất của mình (nhớ là hâm dở, không phải điên loạn).
Nếu bạn chưa nhớ ra, thì Ariel là tên Nàng Tiên Cá trong truyện cổ Andersen. “Thảo nào nó đặt tên mình là Ariel!” Tuấn nghĩ.
- Thế còn trong công việc, em áp dụng nó thế nào?
Tuấn tò mò hỏi.
SÁNG TẠO MANG TÍNH KẾ THỪA
- Anh ví dụ một công việc anh đang làm và cách anh làm cho em xem với ạ.
- Chẳng hạn Sếp giao viết content, truyền thông một cây bút, ví dụ thế. Khi ấy anh sẽ bắt đầu ngồi nghĩ về các ưu điểm của nó, xem nó phù hợp với khách hàng thế nào, rồi anh viết những nội dung đó ra.
- Lần nào anh cũng làm thế ạ?
- Ừ, lần nào cũng thế.
- Anh có bao giờ cảm thấy bí bách với công việc của mình không ạ? Cả cảm thấy nặng nề?
- Có chứ, nói thật là anh đang thấy thế đây.
Chẳng hiểu sao Tuấn lại nói ra cảm xúc bên trong của mình, nhất là với “người như Ariel.” Đơn giản lắm, tâm cảm luôn có nhu cầu kể lể. Thế nên, người biết cách chia sẻ là người nắm được trái tim người khác.
- Vậy thì anh phải có cách làm công việc của mình thú vị hơn. Tuy nhiên có một điểm đặc biệt. Khi anh cần sáng tạo trong công việc, anh cần nhớ: Sáng tạo mang tính kế thừa.
Chẳng hạn bạn bắt đầu một công việc giống như Tuấn, và bạn khởi động với một tiền đề: Mình phải sáng tạo. Bạn cố gắng tìm cách để xử lí nó sáng tạo nhất. Nhưng càng cố gắng, bạn càng thấy khó khăn, cuối cùng bạn bỏ cuộc với một nỗi thất vọng rằng mình không thể sáng tạo.
Nhưng thực ra, quá trình sáng tạo là một quá trình diễn ra theo cách khác. Như thế nào?
Tài liệu từ đồng nghiệp: Những sản phẩm của họ, những gì họ đã tìm hiểu được, kinh nghiệm từ họ.
Tìm trên mạng. Bằng cách sử dụng đúng những từ khóa, bạn sẽ tìm được nguồn tài liệu rất lớn trên mạng. Nên nhớ chớ để mạng ảo chỉ là nơi giải trí!
Hãy lựa chọn những gì bạn thấy hay và phù hợp với mình. Chớ sa vào so sánh: Sao họ làm hay thế? Để rồi lại tủi thân: Mình thì không. Bởi bạn đang học hỏi từ họ. Chẳng hạn Tuấn có thể tham khảo cách viết content, xem cách diễn đạt nào thú vị, cách nào không, mình nên thú vị như thế khi nào, làm thế nào để thú vị được như thế…
Khi bước 2 đang diễn ra, bạn có thấy trí óc mình nảy lên vài ý tưởng không? Có những ý tưởng lúc ở trong đầu, bạn cảm thấy rất hay, nhưng đến lúc viết thì hóa ra là “dở hơi.” Có những ý tưởng rất “dở hơi” nhưng lúc cố gắng viết ra, nó gợi ý cho bạn một điểm khác. Điểm ấy có khi là một kho vàng hẳn hoi! Vì thế, bất cứ khi nào có ý tưởng, đừng đánh giá nó hay hay không hay, hãy viết ra và thử nghiệm nó.
Bạn biết không, đây cũng là cách giúp cho trí não của bạn được vận hành thông suốt. Nếu trong đầu bạn quá nhiều suy nghĩ cùng lúc mà không được giải tỏa ra, các suy nghĩ sẽ mắc ở trong, dần làm tâm trí bạn trở nên rối loạn.
Nếu bạn có quá nhiều ý tưởng? Đừng sợ, hãy viết hết chúng ra. Quá trình viết và tìm tòi theo những ý tưởng là quá trình tuyệt vời. Bạn thấm nhập vào một trạng thái “flow” (dòng chảy), đó là quá trình lao động tuyệt vời của thân thể. Hãy làm đi và cảm nhận thân thể bạn lúc đấy vui thế nào.
Tuấn cũng đang thực hành theo cách Ariel chỉ dẫn. Bình thường anh ta tự ti vào bản thân, sự tự ti và phán xét mình ấy làm anh ta tiêu cực và mất rất nhiều năng lượng. Bạn có từng như vậy không? Dù cố gắng thế nào, sau một ngày dài, bạn luôn cảm thấy kiệt sức, chẳng ai tránh khỏi cảm giác đó cả, nhất là trong đô thị này, nhất là ở văn phòng kia. Nhưng khi Tuấn thực hành, anh ta cảm thấy một cái gì đấy khác. Anh ta bắt đầu thấy tự tin, bắt đầu thấy trí óc của mình không đờ đẫn, chậm chạp như mình vẫn nghĩ. Trong lúc hiểu ra cách làm của mọi người, anh ta nghĩ ra rất nhiều ý tưởng cho mình.
Anh ta tiếp tục những công việc phải hoàn thành. Lần này anh ta làm loáng một cái đã xong, không mất quá nhiều thời gian và năng lượng cho sự chán nản nữa.
THIẾT LẬP MÔI TRƯỜNG SÁNG TẠO
Ariel nhìn bàn làm việc của Tuấn và bĩu môi:
- Hảaa... Bàn anh thế nào?
- Bừa bộn quá. Ngồi trước một đống “mess” này, anh làm sao nghĩ được gì, làm sao mà sáng tạo được.
- Vậy chứ gọn gàng thì liên quan à?
- Đương nhiên ạ.
- Ừ, như nào, em nói thử xem?
Tuấn cố nuốt cơn bực bội, đáp lại bằng giọng bình tĩnh nhất có thể.
Ariel nói tiếp:
- Khi anh ngồi ở một nơi gọn gàng, anh sẽ cảm thấy không khí lưu thông hơn, không trì trệ nữa, thân thể cũng thoải mái hơn, trí não dễ vận động hơn, không bị stress. Thân thể thoải mái giúp anh nghĩ ra các ý tưởng rất nhanh và vì thế làm việc hiệu quả hơn. Không phải ngẫu nhiên các cụ nói “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” đâu anh.
Tuấn nhìn lại cái bàn mình, đúng là “một đống mess”! Bình thường anh ta cảm thấy thoải mái với giấy tờ, bút, sổ, đồ đạc được quăng bừa ra hơn, bởi vì nó làm anh ta có cảm giác “như ở nhà.” À, như thế nghĩa là anh ta không chỉ bừa bộn ở văn phòng. “Có thể vì bình thường mình hợp với sự trì trệ, nên mới thích bừa bộn chăng?” – Tuấn nghĩ thế cũng phải, không có gì là ngẫu nhiên cả, phải không?
Không chỉ sạch sẽ, môi trường làm việc quanh bạn cần được chăm chút. Các nhà Phong Thủy cổ xưa thường nói, quá trình một con người sống chính là quá trình nhân khí tương tác với không gian của nó. Quá trình tương tác này tạo ra Vận.
Chăm chút nó bằng cách nào? Mời Tuấn hãy nhìn sang bàn của Ariel. Mọi thứ được sắp xếp có trật tự, đẹp, và còn rất thuận tiện nữa. Cô ta biết cách treo thêm móc, xếp thêm các giá để đồ. Trên bàn có những chiếc bút đủ màu. Cô ta còn trang trí đồ đạc của mình bằng hoa văn Mandala nữa. Trông mọi thứ đều như mang một sức sống mới.
Bạn biết không, nếu bạn làm được thế, đúng là bạn đã trao cho nó một sức sống mới.
Tưởng tượng xem, nếu bạn sống trong một không gian như thế, mọi thứ đều có dấu hiệu của bàn tay, của trí óc bạn đặt lên, có phải bạn sẽ muốn ở nơi đó hơn? Thay vì biến nơi làm việc của mình thành một nhà tù đúng nghĩa, ngồi đó mỗi giờ và chịu đựng mỗi ngày, hãy sáng tạo. Sáng tạo có rất nhiều cách, không chỉ là nghĩ ra một điều gì đó mới tinh, thay đổi xung quanh, trao cho một vật một cái gì đó khác cũng là sáng tạo. Đấy là cách sống của những con người sáng tạo, cách họ tác động tới thế giới quanh mình.
RÈN LUYỆN KHẢ NĂNG QUAN SÁT
Bạn biết Leonardo Da Vinci chứ? Ông ấy đã quá nổi tiếng rồi. Ông còn là người đã sáng tạo ra tàu ngầm. Đúng! Chiếc tàu ngầm đầu tiên! Và bạn biết tại sao Leonardo nghĩ ra cách làm một cỗ máy (machine) không? Ông ấy bắt chước một con sò, và một con cá. Đúng vậy! Ông ấy quan sát con cá sống dưới nước, nó có một bộ phận đặc biệt giúp nó di chuyển ở các tầng khác nhau của nước, bạn đoán ra đó là bộ phận nào không?
Cái bong bóng!
Nghe lạ quá ư? Cá có một cái bong bóng trong bụng và nó tăng giảm kích thước của cái bong bóng đó để di chuyển lên xuống các tầng nước khác nhau. Còn con sò thì sao? Kết cấu của con sò có cái vỏ úp xuống, như thế nó tạo ra một khoảng không có thể thở được dưới nước. Leonardo lấy ý tưởng từ đấy để tạo ra được cỗ máy tàu ngầm đầu tiên.
Leonardo Da Vinci là một nhà quan sát vĩ đại. Ông ấy có vô số sáng kiến, chẳng hạn như: Chiếc máy bay đầu tiên dựa theo kết cấu cơ thể của một con chim đang bay. Cùng với khả năng quan sát đặc biệt, ông ấy còn là một người ghi chép đặc biệt. Bạn đã từng thấy những bản ghi chép của Leonardo chưa? Đó là những cách ghi lại thông tin bằng hình ảnh và chữ kết hợp. Đó là kết tụ của những gì ông ấy có thể thấy và tư duy. Ông đã để lại vô số bản ghi chép gồm cả các bản thiết kế kiến trúc chưa được xây dựng của mình.
Bạn có đang nghĩ, ông ấy là Leonardo, là một thiên tài, còn mình làm sao làm được như vậy? Ông ấy làm được như vậy bởi vì ông ấy đã làm như vậy. Bạn hoàn toàn cũng có thể làm như ông ấy.
Giờ hãy tưởng tượng, bạn đang luộc rau. Tranh thủ lúc nước sôi, bạn ngắm nhìn nồi nước. Khi ta bật bếp lên, lửa bắt đầu cung cấp động năng cho nước thế nào nhỉ? Sau khi có nhiệt năng cung cấp, các phân tử nước thay đổi chuyển động của nó thế nào? Nó di chuyển tán loạn như một loại hạt vì có nhiệt năng, hay nó đứng im một chỗ và xô đẩy lẫn nhau rất mạnh như một loại sóng? Không cần biết quá nhiều kiến thức về vật lí, chỉ cần bằng quan sát chi tiết và tinh tế, bạn thật sự có thể thấy được. Dù ít hay nhiều, bạn vẫn thấy phải không?
Nếu bạn có thể rèn luyện khả năng quan sát này, bạn sẽ có một trải nghiệm thú vị nữa: Trí óc bạn sẽ vô cùng tò mò trước xung quanh.
Bạn có để ý cách học tập của một đứa trẻ không? Những đứa trẻ học thế nào nhỉ? Chúng luôn đặt các câu hỏi. Đúng thế! “Tại sao lại thế? Tại sao lại thế?” Những người có thể đặt ra câu hỏi “tại sao” là những người luôn nhìn ra mấu chốt ẩn sau một vấn đề. Bạn thử xem. Tại sao người ta lại nghĩ ra cái cốc như vậy, tại sao có một cái bàn, tại sao chúng ta sống như thế,…
Bằng cách đặt các câu hỏi, bạn sẽ có những phương án giải quyết tuyệt vời cho một vấn đề.
TẠI SAO người xưa có thể quan sát sáng tạo, còn mình thì không nhỉ? – Tuấn bỗng nhiên nghĩ. Rồi anh lại tóm tắt những điều mới thu lượm được:
Còn bạn, bạn đã nhớ được những gì rồi?