Sau một tuần làm việc cùng Ariel, Tuấn sực nhớ ra Sếp và hoàn cảnh của mình: Nếu không học được sẽ bị đuổi.
Tuấn quay ra nhìn Ariel ngán ngẩm:
- Này Ariel!
- Dạ..ạ.ạ.ạ...
- Có lẽ anh sắp bị đuổi thật rồi!
- Sao lại thế ạ?
- Trước lúc em đến sếp đã bảo với anh rằng, nếu anh không học được để làm việc cho nhanh, cho tốt lên thì sẽ bị đuổi.
- Anh đang học mà ạ.
- Thế em giỏi sáng tạo, em nghĩ hộ anh xem có cách nào trong một tháng mà không bị đuổi việc không?
- Có một cách để trả lời các câu hỏi sáng tạo, đó là đặt lại câu hỏi theo một cách khác.
- Vậy câu hỏi của anh phải đặt lại thế nào?
- Vì sao anh lại hỏi câu đấy ạ?
- Hmm... Chắc là vì anh sợ mất việc.
- Anh có thấy ý tưởng gì không?
- Ồ. Thực ra là có!
- Anh thấy gì?
- Làm sao để Sếp giữ mình lại làm việc? Vậy anh phải làm sao thể hiện là bản thân có giá trị với công ty.
- Đúng ạ! Hay nói cách khác: Làm sao để xây dựng hình tượng của mình trong công ty.
HÌNH TƯỢNG CỦA NHÂN VIÊN NÊN-LÀ
Tuấn tính: “Con Ariel này, mình không ưa nổi hình tượng nhân viên của nó. Mình phải đi tìm một người khác, một hình tượng khác.”
Tuấn nghĩ không ra, nên xin phép sếp ra ngoài cốt để đi dạo. Vừa đi được vài bước thì Tuấn bỗng cảm thấy đầu óc thông suốt hẳn ra. Lúc này mới nhớ, hôm trước Ariel có nói về việc khi đầu óc bế tắc không thể sáng tạo, có thể đi dạo, vận động đôi chân.
Bạn biết không, khi bạn bắt đầu bế tắc, là khi não hoạt động quá tải, các cửa ra vào thông tin của não đều bị đóng chặt lại. Giống như khi bạn làm việc mệt quá thì biện pháp của bạn là nghỉ ngơi vậy. Hệ thần kinh phục vụ cho não, nên khi não đóng, hệ thần kinh cũng bị “đơ.” Có lẽ ta trải nghiệm cảm giác này rõ nhất thời còn đi học. Không hiểu sao đang tỉnh táo bình thường, thầy cô vừa giảng được năm phút, bạn đã thấy buồn ngủ lắm rồi, mệt mỏi lắm rồi. Đó là bởi vì các cửa ra vào của não đã đóng lại. Não đóng bạn tất sẽ buồn ngủ.
Ngược lại, nếu lúc đó bạn đi “dạo mát,” hít thở chút khí trời, thân thể được tiếp xúc với Tự nhiên, “tự nhiên” hệ thần kinh hoạt động trở lại. Hệ thần kinh gắn với toàn thân thể, nó đánh thức não hoạt động. Lúc đấy bạn sẽ nghĩ ra điều gì đó. Cho nên có một lời khuyên với những người muốn sáng tạo, đó là, khi bí bách thì hãy ra ngoài, đi bộ nhẹ nhàng một chút, bạn sẽ nghĩ ra điều gì đó. Chắc chắn là như thế.
Như Tuấn, dù chưa nghĩ ra cách nào cụ thể, nhưng Tuấn nghĩ đến… anh Hùng! Với tất cả những gì đã quan sát (bạn còn nhớ bài học quan sát chứ, luôn phải quan sát!), Tuấn biết rằng anh ấy có thể giúp mình.
Vậy là giờ ăn trưa, Tuấn ra ngồi cùng anh Hùng rồi bảo:
- Khổ thân chú! Nên chú muốn tìm cách xây dựng hình tượng hả?
- Vâng, em tính rồi, trong một tháng em không thể cải thiện quá nhiều được, nếu từng ấy không đủ thì làm sao em được ở lại. Em nghĩ phải có cách để xây dựng một hình tượng đủ đẹp trước, trong quá trình đó bù đắp những phần còn thiếu bên trong.
- Chú nghĩ có lí đấy.
- Anh có cách không ạ?
- Có chứ. Thực ra trong văn phòng, nếu không biết cách xây dựng hình tượng thì “chết chắc”! Chú làm tốt cũng chết, còn không làm tốt thì chết là đương nhiên.
- Làm tốt cũng chết được ạ?
- Đúng, nên có một quyển sách rất nổi tiếng tên là Sống sót nơi văn phòng. Chốn văn phòng khốc liệt lắm chú!
- Em gấp lắm rồi, anh chỉ em cách luôn với.
- Được thôi. Nhưng chủ phải đảm bảo với anh ba điều.
- Vâng ạ?
- Một là từ giờ, chú phải giữ đúng kỷ luật. Kỷ luật bao gồm:
- Chú làm được không?
- Mới điều một đã nhiều như 10 điều! Nhưng không còn cách nào khác, em đồng ý ạ.
- Tốt lắm. Điều thứ hai, chuyện em anh mình nói gì, không được kể cho Ariel biết. Tuyệt đối bí mật!
- Ơ, sao lại thế ạ?
- Chú chỉ cần biết thế thôi.
- Vâng anh.
- Kể cũng lạ, Ariel kèm cặp chú cả tuần nay, thế mà nó không nói gì à?
- Vâng? Nói gì được ạ? Hay là...
- Điều thứ ba!
- Yeap.
- Sau một tháng, chú được ở lại phải khao anh đi ăn.
- Xời, em tưởng chuyện gì. OK hết ạ.
Tuấn nghe theo lời anh Hùng, đã chỉnh đốn rất nhiều “nhan sắc,” từ nhan sắc bàn làm việc, cho đến cách viết email, cho đến nhan sắc cá nhân.
Bạn thân mến, bạn làm gì để chỉnh đốn cách làm việc của mình, để ông chủ không phải lắc đầu ngao ngán mỗi khi nghĩ về bạn? Làm gì để mỗi giờ phút ở văn phòng đều có-ý-nghĩa? Làm gì để thành công, ít nhất là ở chốn văn phòng chẳng dễ sống đây?
Ông ta cần gì ở một người làm thuê? Nếu ông ta là Phú Ông, và ông ta cần một anh Sọ Dừa đi chăn dê, thì Sọ Dừa chỉ cần chăm chỉ chăn dê là đủ. Nhưng ông chủ ngày nay không phải Phú Ông nữa, ông chủ cần một người làm thuê chuyên nghiệp từ cả bề ngoài lẫn phong cách làm việc. Vậy là, để kiếm sống từ ông ta, và sống tốt được ở nhà ông ta (công ty của bạn) thì bạn phải có nhiều thứ hơn là sự chăm chỉ.
ĐỂ Ý CÁCH ĂN MẶC CỦA MÌNH
Từ đầu tuần, Tuấn đã thay đổi cách ăn mặc của mình để trông chuyên nghiệp nhất. Có lẽ mọi người thường bị ảnh hưởng từ cái họ nhìn thấy đầu tiên, nên khi Tuấn mặc giống anh Hùng, mọi người đã nhìn ra ngay sự thay đổi của Tuấn.
Khi Tuấn vào đưa hợp đồng cho Sếp ký, Sếp đã nhìn Tuấn hẳn hai lần, rồi hỏi:
- Cậu học với Ariel tốt chứ hả?
- Vâng, em đang cố gắng ạ.
- Ừ, cố lên nhé. Tôi trông đợi ở cậu lắm đấy.
- Vâng.
Vậy là chiến thuật thay đổi từ hình tượng của Tuấn có vẻ thành công.
Ariel bước chân như múa qua chỗ Tuấn:
- Sao tự nhiên anh ăn mặc giống anh Hùng vậy?
- Thì sao? Anh thích phong cách của anh ấy đấy, làm sao nào?
- Không có gì. Em chỉ ngạc nhiên thôi. Trước đây anh lếch tha lếch thếch, suốt ngày ủ rũ chậm chạp...
- Em cũng rất thích phong cách của anh Hùng.
“À, anh biết rồi, cô thích anh Hùng chứ gì. Thảo nào anh ấy bảo anh không được kể chuyện cho cô.” Tất nhiên Tuấn vẫn chỉ dám nghĩ trong đầu.
- Bởi vì phong cách của anh ấy rất đơn giản, nhưng lại vừa đủ. Anh ấy chọn màu rất khéo nữa, chỉ chọn màu xanh dương, xanh lam, trắng, đen, thỉnh thoảng thêm một cái caravat hợp màu. Nó làm nên phong cách người mặc, luôn luôn không quá nổi bật, nhưng lại tạo cho người khác cảm giác trân trọng, tin tưởng, thấy đây đúng là người chuyên nghiệp.
Blah blah bloh bloh...
Tuấn nhìn kỹ thì thấy Ariel cũng thế. Cô ta nói nhiều như vậy, tưởng phải thích nổi bật, thế nhưng ở văn phòng, cô ta luôn cẩn thận lựa chọn trang phục. Tuấn chưa bao giờ thấy cô ta mặc váy ngắn. Váy luôn đủ dài qua đầu gối, nhưng chủ yếu cô ta mặc quần dài, đeo thêm một cái thắt lưng da. Cô ta luôn mặc áo sơ mi có cổ, cài cúc cao kín đáo, tay áo xắn dài qua khuỷu tay. Cô ta chọn màu quần áo cũng giống anh Hùng, các màu trầm theo tông trắng, xanh, đen…
Bắt chước anh Hùng, Tuấn mới thấy, những tông màu ấy là những tông màu rất dễ chịu trong một căn phòng kín. Nó làm mắt người ta dịu lại, người mặc còn rất dễ phối màu.
Tuấn nhớ anh Hùng từng nói, nếu có thể mặc theo các màu sắc đấy và kín đáo như thế, người ta sẽ thu- liễm hơn (không gây chú ý), ít muốn phát tác, thể hiện. Mà cái tâm lí thể hiện trong văn phòng là tối kỵ, bạn nhớ nhé, ai thích thể hiện đều dễ bị ghét cả. Khổ nỗi ở chốn văn phòng người ta lại thường muốn thể hiện. Con người kỳ lạ thế, mà cũng thật dễ hiểu.
ĐỂ Ý CÁCH ĐI, ĐỨNG, NGỒI
Hình ảnh của Tuấn ở văn phòng lúc trước là thế này: Gầy, da đen, mặt lúc nào cũng nhăn nhó (dáng vẻ dễ thấy ở những người tự ti), tay kẹp sát nách, làm gì cũng không được linh hoạt, không được thoải mái. Theo lời nhận xét của Ariel là:
Anh Hùng hướng dẫn Tuấn là, muốn được mọi người trong văn phòng tôn trọng, nhất định phải để ý dáng vẻ của mình. Dáng vẻ bao gồm cử chỉ của thân thể từ đầu đến chân. Anh Hùng còn nói, nếu có thể duy trì dáng vẻ này, Tuấn có thể làm việc mà không biết mỏi, nghĩ nhiều mà vẫn thông suốt, tập trung chứ không bị phân tán.
Cái dáng anh Hùng nói, đơn giản thế này:
Lưng giữ thẳng (khu vực xương cụt đến đoạn xương sống ngang ức), ngực hơi thu. Anh Hùng nói, tư thế này giúp cho xương sống được giữ trong trạng thái tốt nhất để vận chuyển năng lượng từ trên đầu xuống phía dưới, cung cấp năng lượng cho nội tạng và giữ cho nội tạng được an định. Nội tạng an định thì mới ngồi làm việc được lâu, mới không nóng nảy, không khó chịu, trí óc mới thông suốt.
Nếu ngồi, hai chân thả lỏng, để song song với nhau trên mặt đất, cách nhau một nửa bước chân. Để như vậy chân tiếp thu được địa khí, giữ cho đầu óc không bị hướng ra người ngoài. Bớt nghĩ đến người khác là bớt yêu bớt ghét, là biết tập trung cho chuyện của mình rồi.
Nếu đứng, giữ hai đầu gối hơi chùng, sao cho xương sống và nội tạng được giữ nguyên, không lệch là ổn. Bạn tưởng tượng, khi bạn đứng và trụ vào một chân, tức là một chân bạn cong, còn một chân bạn thẳng, chân thẳng sẽ khiến nội tạng khu tương ứng ở bụng bị kích động (nó mà kích động thì bạn khó mà kiểm soát được), khi đó xương sống cũng lệch hẳn sang một bên, làm gián đoạn quá trình chu chuyển năng lượng từ trên đầu xuống.
Khi đi nên đi chậm, chắc chắn, đi bằng đầu mũi chân thay vì gót chân. Hãy nhớ, mấu chốt là để giữ cho nội tạng và xương sống, xương chậu được cố định. Như thế thì trí não luôn thông suốt, lúc nào cũng có thể nghĩ đúng, làm đúng.
Nói thì đơn giản, thế mà Tuấn tập mãi một tuần nay, cứ nhớ cái này lại quên cái kia, hoặc ngồi được một lúc thì thấy cử động về như cũ. Nhưng không lo, vì anh Hùng nói, có người phải luyện tư thế này nhiều năm mà chưa thành thạo, luyện được đến đâu tốt đến đó, chỉnh sửa dần là được.
Khi tập luyện tư thế này, chúng ta cũng dần hình thành một số thói quen như sau:
Luôn giữ khoảng cách nhất định với người xung quanh. Đó là căn gốc của Lễ Nghĩa mà Đức Khổng Tử dạy con người. Bạn biết không, tư thế này làm cho những người xung quanh luôn tôn trọng bạn, vì thế giữ khoảng cách với bạn. Điều ngược lại cũng đúng. Một người chỉ tôn trọng người khác khi giữa hai người có một khoảng cách. Khoảng cách này giúp bạn có một “khoảng trời” riêng trong văn phòng để hoàn thành tốt việc của mình.
Luôn mỉm cười vừa phải khi có ai đó hỏi chuyện. Thái độ mỉm cười này rất quan trọng. Bạn đừng nghĩ cười hở răng hớn hở là tốt, nó làm người đối diện rút ngắn khoảng cách với bạn, đồng nghĩa với việc mất đi tôn trọng, cũng chẳng còn lễ nghĩa gì nữa. Vậy nên, hãy mỉm cười vừa phải.
Luôn giữ ánh mắt tương tác vừa phải với người đối diện. Tư thế này sẽ giúp bạn luôn trong trạng thái thủ giữ (thu về phía mình mà không bị tác động bởi người ngoài). Ánh mắt ấy có thể làm người khác tin tưởng bạn hơn. Sống trong một đô thị với nhiều thứ quá đà, ai chẳng tin tưởng một người luôn vừa-phải ở văn phòng, phải không?
KỶ LUẬT VÀ CÔNG VIỆC: “BỘ ĐÔI” THÂN THIẾT
Dù muốn làm gì đi nữa, hình tượng một nhân viên cần xây dựng nhất định phải thể hiện kỷ luật làm việc và chất lượng công việc. Điều này thì cả Sếp và anh Hùng đã nói với Tuấn nhiều lần rồi. Sọ Dừa có thể xấu, không có tay chân, nhưng anh ta vẫn được Phú Ông cho làm việc vì anh ta có thể chăn dê tốt. “Chăn dê tốt” quy đổi ra thời hiện đại là làm việc đảm bảo kỷ luật và chăm chỉ. Nếu Sọ Dừa không chăm chỉ, thì Phú Ông đã đuổi “thẳng cổ” rồi.
Nhắc đến kỷ luật, bạn nghĩ đến điều gì? Có phải bạn đang cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng: Phải “trả” đủ tám tiếng đều đặn mỗi ngày làm việc cho Sếp?
Chúng ta làm việc gì cũng sinh ra năng lượng. Đừng vội hiểu năng lượng theo nghĩa động năng, thế năng như trong vật lí. Năng lương ở đây nghĩa là, chẳng hạn bạn đã quen nấu cơm hằng ngày cho gia đình, thì giữa bạn và “nấu cơm” nảy sinh một loại năng lượng. Bạn càng quen làm, năng lượng đó càng mạnh. Nó biểu hiện là bạn nấu ngày càng nhanh và ngon hơn trước.
Để nói rằng trong công việc cũng thế, giữa bạn và công việc là một loại năng lượng. Thái độ bạn đặt vào đó chính là cách bạn duy trì năng lượng cho nó. Đến lượt nó, năng lượng này sẽ phản ánh trực tiếp lên bạn, lên chất lượng công việc của bạn, và lên mọi thứ xoay xung quanh văn phòng, nơi bạn sống và làm việc hằng ngày. Bạn chán làm việc, lười làm việc, thậm chí ghét làm việc, thì công việc của bạn sẽ gặp chuyện. Bởi bạn đã đưa loại năng lượng tiêu cực vào đó rồi.
Để khắc phục được nó, để trao cho nó nguồn năng lượng tích cực, để duy trì cuộc sống tám tiếng một ngày tại văn phòng một cách ý nghĩa (một phần ba quãng thời gian năng suất nhất đời bạn là dành cho chốn văn phòng đấy), bạn chỉ còn cách là phải kỷ luật. Kỷ luật chính là “kỹ năng” chắc chắn nhất giúp bạn có một đời sống văn phòng vui vẻ (ít nhất là bạn sẽ vui hơn bây giờ).
Tuấn cần điều này, anh ta cần được đánh giá tốt để ở lại công ty.
Còn bạn thì sao? Bạn không muốn “được” rơi vào hoàn cảnh như Tuấn, lúc nào cũng nơm nớp lo bị đuổi khỏi công ty bất kỳ lúc nào đúng không? Hãy tìm mọi cách để đảm bảo kỷ luật văn phòng. Việc đó cần một chút nỗ lực của bạn đấy.
Nếu bạn từng là một học sinh chăm chỉ hồi đi học, bạn hẳn nhớ trạng thái thế này. Khi bạn càng cố gắng đi học sớm, làm bài đầy đủ, bạn càng muốn giữ gìn quy củ ấy, càng mong trở thành một học sinh giỏi hơn. Giờ hãy thử điều đó xem, bạn sẽ sớm trở thành một nhân viên muốn cống hiến cho công ty.
Bạn biết không, tự đặt lịch cho mình, tự có kỷ luật cho mình chứ không phải nhờ sự đốc thúc của ai là kỹ năng cần có của một người lãnh đạo. Có thể bạn chưa trải qua cảm giác này vì bạn vốn là người “được” lãnh đạo? Nhầm rồi, bạn luôn có một người để lãnh đạo đấy: Chính mình! Trước khi lãnh đạo người khác, hãy biết lãnh đạo chính mình.
Đây là cách để bạn hoàn thành đúng hạn các công việc của mình. Thân thể rất kỳ lạ, nó không phải cái máy. Mỗi giờ làm việc của nó đều không giống nhau. Cụ thể là nó thay đổi theo nhịp của Mặt trời. Trong tám tiếng làm việc, có thể cố gắng lắm, bạn cũng chỉ làm việc hiệu quả được sáu tiếng thôi. Vậy hãy nắm rõ lịch làm việc của thân, sắp xếp cho nó những việc quan trọng vào những khoảng thời gian hiệu quả. Như thế bạn sẽ vượt qua sự chán nản một cách dễ dàng khi bị một đống deadline đuổi sau lưng.
Nếu công việc của bạn đa dạng và khó giữ một lịch trình cụ thể thì sao?
Như Tuấn chẳng hạn, anh ta thực hiện theo dự án, hôm nay có thể đang quen với những công việc này, thì hôm sau đã sang công việc khác, thời gian phân bổ khác. Vậy thì, bạn hãy duy trì nhịp độ bằng một việc nào đó bạn phải làm hằng ngày: Như liên tục viết một cái gì đó mỗi ngày (update bảng “to do list” chẳng hạn), hay thường xuyên chỉnh sửa “nhan sắc” bàn làm việc. Ít nhất, chúng ta đã có một lịch trình riêng cho mình. (Có vẻ trong cuộc sống văn phòng, chúng ta hiếm khi có mấy thứ “riêng” cho mình như thế!)
Một nguyên nhân chủ yếu làm công việc không được thuận lợi như kế hoạch dự kiến là vì công việc khó quá, không thể làm nhanh và tốt như bạn tính toán được, nhất là các công việc liên quan đến sáng tạo. Có thể làm đi rồi xóa lại, có khi mệt quá không làm nổi tí nào, lại để sang hôm sau, rồi kết quả là domino (đổ liên hoàn!) sang lịch của các công việc khác. Vậy thì, hãy cố gắng làm việc tiếp kể cả khi nó không tốt như bạn mong muốn. Bạn vẫn nhớ về năng lượng chứ? Năng lượng tích cực bạn cấp cho nó vẫn sẽ dần lớn lên, rồi đến lúc bạn làm được tốt. Khi đã làm tốt, bạn có thể quay ngược lại những phần cần thực hiện tiếp.
Thế rồi, kết quả thế nào? Tuấn “sống” chứ? Anh ta được Sếp giữ lại chứ? Cũng may Tuấn chịu khó, chăm chỉ, không phụ công giúp đỡ của mọi người. Tốc độ và tác phong làm việc của Tuấn dần dần đã thay đổi, chuyên nghiệp, và nhanh chóng hơn hẳn. Ít nhất, Sếp có thể yên tâm giao việc cho anh ta mà không băn khoăn về chất lượng và deadline nữa.
Tuấn thầm cảm ơn những người “thầy” đã giúp mình trụ lại với công ty. Đó không phải chỉ là anh Hùng, Ariel, Chi… Đó là những điều họ đúc rút và (gián tiếp hoặc trực tiếp) chỉ cho anh: