GÁNH HẬU QUẢ GIAO TIẾP KÉM
Bắt đầu cảm nhận được trạng thái của một nhân viên đắc lực, Tuấn ngày càng hăng hái cống hiến, cảm giác như không việc gì có thể gây khó dễ cho anh. Hãy nhớ lại cảm giác khi bạn còn rất trẻ, bạn hừng hực và vô tư (có thể đang yêu nữa), bạn sẽ hiểu cảm giác này của Tuấn. Nếu chưa hiểu thì bạn cứ nhìn vào công ty nơi Tuấn làm việc sẽ rõ: Mọi người bắt đầu nhìn Tuấn như một nhân viên mẫu mực. Thi thoảng có người khen ngợi: “Tuấn chăm chỉ,” “Nhìn anh làm việc, em thấy xấu hổ quá,” “Phòng này có nhân viên xuất sắc của năm rồi”… Tuấn không biết đáp lại thế nào, trong lòng hơi… thinh thích. Nhưng Tuấn đủ tỉnh táo để im lặng, tiếp tục làm việc.
Tất nhiên đó là thái độ của những người ở bộ phận khác. Còn những đồng nghiệp cùng phòng thì sao? Tuấn tiến bộ là tốt nhưng cũng có một số “nhân viên không cống hiến” chẳng thích thú gì hình ảnh “ngôi sao mới nổi” của anh, cho dù họ ngoài mặt vẫn tỏ ra bình thường.
“Đi làm chỉ cần làm công việc được giao cho tốt. Các thứ khác chẳng cần quan tâm.” Tuấn giữ suy nghĩ như thế. Một buổi sáng Chi chạy đến chỗ Tuấn, nói giọng nhí nhảnh:
Tuấn đáp với giọng lãnh đạm, mặt lạnh tanh, mắt vẫn chăm chú nhìn vào màn hình máy tính. Hôm nay anh có deadline phải hoàn thành. Chi giọng giận dỗi nhưng vẫn đưa quà ra:
- Sao ông hờ hững thế. Nhìn này, tôi đi siêu thị thấy có con mèo trông giống ông quá nên mua tặng ông đấy. Haha!
- Tôi không có nhu cầu. Bà cầm về chỗ mà chơi đi.
- Ông! Sao ông có thể nói thế chứ hả?!
Chi cứ đứng vùng vằng hồi lâu làm Tuấn không thể trung làm việc. Anh đành nhận lấy con mèo.
Chiều hôm đó Dũng đi qua chỗ Tuấn, thấy con mèo trên bàn Tuấn liền hỏi:
- Haha, dạo này mới có sở thích chơi mèo hả Tuấn?
- Không ạ, Chi bảo thấy giống em nên cho em đấy.
- Uầy thích thế. Nhưng sao cậu được nhận quà mà mặt lại tiu nghỉu thế kia.
- Anh có nhớ truyện Sự tích dưa hấu không? Trong đấy có câu: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ.” Em thấy câu đấy rất đúng. Em ngại nhận quà lắm. Lúc nào cũng cảm thấy mắc nợ người cho mình.
- Cậu cả nghĩ quá.
Dũng nói thế nhưng rất nhớ điều Tuấn vừa nói. Biết làm sao được, Tuấn càng tỏ ra chỉn chu, các đồng nghiệp càng dễ có xu hướng tìm điểm khiếm khuyết của anh. Chỉ cần bắt được một điểm nhỏ, họ sẽ rất hả hê. Âu cũng là tâm lí khó tránh ở chốn văn phòng.
Mấy tuần sau Sếp đi công tác về, mua quà phát cho mọi người ở công ty. Đến buổi trưa, Dũng và Chi đi ăn cùng Sếp và mấy đồng nghiệp khác. Tuấn mang cơm đến ăn nên không đi. Dũng liền kể lại cuộc nói chuyện với Tuấn cho Sếp và Chi:
- Em nghĩ Sếp đừng tặng quà cho Tuấn làm gì. Hôm trước em hỏi thăm con mèo Chi tặng nó, nó bảo: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ.” Nó không muốn có thêm “của nợ” nào đâu.
Thế là chủ đề buổi nói chuyện liền tập trung vào Tuấn. Sếp với Chi đều tỏ vẻ không vui. Mấy đồng nghiệp ở phòng khác ngồi đó cũng góp thêm mấy lời phán xét. Họ chẳng ghét gì Tuấn, nhưng ở chốn văn phòng, những lời phán xét lại dễ nhân lên hơn một lời phân trần phải trái. Chẳng biết là do sức mạnh của đám đông, hay dông tố chốn văn phòng dễ lan rộng, chỉ biết Tuấn đang là nạn nhân của “cơn dông” ấy đây. Nói đi thì cũng phải nói lại, bình thường Tuấn ăn nói vụng về, không giỏi giao tiếp, cũng không ít lần làm Sếp với đồng nghiệp phật ý. Lần này là do Dũng “thêm dầu vào lửa” thôi.
Đúng lúc ấy có một nhiệm vụ khó khăn chưa được phân công. Đấy là tổ chức sự kiện cho một đối tác khó tính. Dũng và Chi đều đã từng tiếp xúc với đối tác này nên hiểu rõ cái khó khi làm việc với họ. Đương nhiên chẳng ai muốn cáng đáng “ca khó” này. Dũng nảy ra một ý:
- Sếp ơi, có lẽ nên để Tuấn “trưởng thành” hơn.
- Ừ. Bằng cách nào?
- Sắp tới mình cần làm việc với công ty X. Họ yêu cầu rất khắt khe. Tuấn làm việc với họ thì sẽ có cơ hội rèn luyện kĩ năng giao tiếp ạ.
Chẳng biết là ý kiến của Chi với Dũng có bao nhiêu phần trăm chân thành, bao nhiêu phần trăm vì không ưa thái độ của Tuấn, bao nhiêu phần trăm là trốn tránh nhiệm vụ. Chỉ biết là Sếp sau một hồi suy nghĩ rồi cũng đưa ra quyết định: Để Tuấn làm việc với đối tác đó.
GIAO TIẾP CƠ BẢN – CÓ THỰC SỰ ĐƠN GIẢN?
Tuấn ra khỏi phòng Sếp. “Thường thì Ariel nhận những nhiệm vụ kiểu này vì nó giao tiếp khéo, năng động, rất phù hợp. Lần này sao lại là mình nhỉ?” Tuấn thắc mắc.
Lần đầu tiên anh rời khỏi bàn giấy, ra ngoài gặp đối tác, lại còn là tổ chức sự kiện. Nghe cũng đủ toát mồ hôi! “Nhưng dù sao mình cũng cần thông thạo các công việc khác, có gì còn hỗ trợ nhau.” Tuấn chỉ thấy hơi lạ, lần này Sếp dặn dò anh phải để ý giao tiếp. Thậm chí còn nhắc đi nhắc lại mấy lần. Nhất thời không hiểu, Tuấn cố gắng ghi nhớ. Có nhiều thứ phải đến lúc làm mới thấu được.
Đối tác hẹn Tuấn gặp mặt tại một quán café. Anh đến chỗ hẹn sớm 15 phút, mang theo đầy đủ giấy tờ. Anh cũng đã tìm hiểu thông tin về các yêu cầu của đối tác qua email họ gửi. Chỉ có điều Tuấn chưa tìm hiểu gì về người anh sẽ phối hợp làm việc, chỉ biết loáng thoáng rằng những đồng nghiệp trong phòng đã mấy lần phàn nàn về độ khó ưa của người này.
Đối tác “huyền thoại” đó đã đến.
Xuất hiện trước mặt Tuấn là người phụ nữ lớn tuổi, to béo, trang điểm đậm, tóc nhuộm vàng, mặc chiếc váy rất sặc sỡ. Cạnh người phụ nữ nổi bật ấy là một cô gái trẻ tuổi, cao ráo, giản dị với mái tóc đen dài buộc gọn một nửa. Hai hình ảnh tương phản như hai nửa thái cực ấy đập vào mắt anh.
Chưa kịp chào hỏi, người phụ nữ lớn tuổi đã ngồi xuống đối diện với Tuấn, hỏi lớn:
- Cậu ở bên truyền thông phải không?
- Vâng, chào cô ạ.
- Các cậu tổ chức sự kiện lần này cho cẩn thận. Tôi đã gửi email yêu cầu rồi. Ban đầu bên cậu còn bảo có một số yêu cầu cần xem xét. Mấy yêu cầu đơn giản đó xét cái gì nữa? Khó ở chỗ nào?...
Người phụ nữ đó hỏi nhưng không đợi Tuấn trả lời, lại nói tiếp một tràng dài nữa. Anh ngồi căng thẳng, cố nhớ các chi tiết người phụ nữ này đưa ra. “Biết thế mình bật máy ghi âm ngay từ đầu.” Tuấn nghĩ.
Nói một thôi một hồi xong, người phụ nữ kia dừng lại uống gần hết cốc nước. Lúc này Tuấn mới “dám” nói:
- Thưa cô,…
- Thôi, tôi nói với cậu thế đã, giờ tôi có việc gấp phải đi. Có gì cậu trao đổi tiếp với trợ lí của tôi. Bận lắm nhưng vì muốn nói trực tiếp tôi mới cố đến thế này đấy. Cậu nhớ thực hiện đầy đủ các thứ tôi vừa nói.
Tuấn đứng hình, chưa kịp nói thêm lời nào người phụ nữ đó đã đứng lên đi mất. Anh ngồi ngẩn ra một lúc. Một giọng nói nhẹ nhàng làm Tuấn “tỉnh lại”.
- Chào anh. Tôi tên Như.
Đó là người phụ nữ trẻ đi cùng đối tác huyền thoại kia.
- Cô giám đốc chỗ tôi vừa nói chuyện với anh tên Hiền. Lúc nãy cô Hiền cần nói gấp để đi nên giờ tôi mới chào hỏi anh được. Anh thông cảm nhé.
- À không sao.
- Tôi 30 tuổi. Xưng hô thế nào với anh cho tiện nhỉ?
- Dạ, em tên Tuấn. Chị lớn tuổi hơn em ạ.
- Ừ ok em. Hôm nay em cần trao đổi gì về sự kiện sắp tới, nói đi chị nghe.
Như tự giới thiệu về bản thân trước rồi nói đỡ cho giám đốc, thay giám đốc giữ lịch sự với đối tác. Cô cũng không ngại tự nói tuổi tác của mình trước để xưng hô cho đúng. Giọng nói dễ chịu, cách làm quen ý nhị, chừng mực của Như làm Tuấn thấy rất có thiện cảm. Anh đã hiểu ra tại sao Sếp nhắc đi nhắc lại chuyện lưu ý giao tiếp. Cũng may người phụ nữ lớn tuổi kia đã đi mất, chứ không Tuấn chẳng biết phải đối đáp thế nào.
Hai bên trao đổi về công việc. Như lắng nghe Tuấn trình bày hết mới nói. Cô chỉ chỉnh sửa, bổ sung những gì cần thiết. Cuộc nói chuyện diễn ra hoà ái và vẫn đảm bảo hoàn thành công việc của cả hai bên.
Trao đổi về sự kiện sắp tới xong xuôi, Như mới hỏi thêm về công việc của Tuấn. Những thông tin đó không chỉ là xã giao, nó rất có ích cho việc phối hợp công việc giữa hai người. Cô không động tới các vấn đề đời tư, Tuấn thấy rất thoải mái về điều đó. Chẳng ít lần anh trả lời quá chi li về đời tư với đồng nghiệp, rồi thấy câu chuyện của mình có dị bản khác, trở thành chuyện mua vui nơi bàn trà. Mối quan hệ của họ gắn với công việc, vậy chỉ nên nói chuyện công việc. Một mối quan hệ trên mức công việc thì nên diễn ra ở một không gian khác, vào một thời gian khác thời-gian-thường-nhật.
Đến cuối buổi gặp, Như hẹn lại với Tuấn:
- Em không chắc mình trao đổi được với cô ấy.
Tuấn thành thật nói.
- Đừng lo. Cô Hiền bận rộn, thẳng tính, phong thái mạnh mẽ lấn át người khác. Nhưng cô ấy nói vậy rồi thôi, không để bụng những chuyện nhỏ nhặt bao giờ. Em hiểu cô sẽ thấy khác đó.
Đúng là một nhân viên trung thành, luôn giữ hình ảnh cho Sếp, đảm bảo mọi việc chỉn chu.
- Vâng. Tại em kém giao tiếp.
Tuấn vừa nói vừa gãi đầu.
- Chị thấy em chân thành, dễ gần. Có điều em hơi rụt rè. Một người đàn ông dù đối diện với ai cũng cứ mạnh mẽ lên, em đừng ngại. Đôi lúc vui đùa, lạc quan giúp người đối diện thoải mái hơn đó.
- Vâng em cảm ơn chị.
Tuấn chưa quên bài học về sáng tạo: Phải luôn quan sát. Đi đâu anh cũng quan sát. Quan sát chị Như, Tuấn thấy chị ấy có phong thái giao tiếp thật chuyên nghiệp, trưởng thành. Tuấn biết anh có thể học lấy cách giao tiếp của chị ấy.
Để chuẩn bị cho buổi gặp tiếp theo, Tuấn nhớ kỹ gợi ý của Như: Hiểu về đối phương. Bằng cách nào? Anh ghi nhớ những điều Như nói về cô Hiền và còn tìm hiểu thêm thông tin về cô ấy qua mạng, qua những đồng nghiệp đã làm cùng cô. Nhờ thế anh biết cô Hiền có một người con trai cũng chạc tuổi mình, đang du học ở nước ngoài. Những biểu hiện của cô Hiền khi gặp trực tiếp, dù không nhiều, vẫn đủ cho anh thêm thông tin để hiểu cô hơn.
Buổi gặp tiếp theo, Tuấn đến sớm ngồi đợi cô Hiền và Như. Hai người đó tới, phong thái vẫn như buổi gặp đầu tiên. Cô Hiền không vội đi nữa nhưng vẫn nói liền một lúc rất nhiều. Tuấn ngồi kiên nhẫn lắng nghe, cố gắng tiếp thu. Lần này anh đã quen rồi, không đến nỗi ngồi im không phản ứng. Tuấn thỉnh thoảng còn gật gù đồng tình: “Dạ dạ.” Cô Hiền dùng rất nhiều tính từ, chứng tỏ cô có nhiều tâm cảm. Nhiều tâm cảm thì luôn đi cùng nhu cầu nói nhiều hơn nghe. Tuấn đã rèn luyện khả năng làm chủ cảm xúc, nên nhận ra điều đó.
Nói là kiên nhẫn nhưng Tuấn vẫn rất ngại nghe phụ nữ nói dài dòng (đàn ông thường thế). Có lúc anh sốt ruột, phát bực vì thấy cô Hiền nói ý nọ chồng sang ý kia, có khi lặp đi lặp lại mãi một ý. Có lúc cô Hiền nói Sếp Tuấn và công ty Tuấn hơi “thiển cận,” Tuấn suýt bật ra “CÔ KHÔNG NÊN NÓI NHƯ THẾ.” Lúc đó chị Như nhanh tay đưa cho Tuấn cốc nước như một lời nhắc nhở. Cốc nước ấy quả thật đã giúp cậu bình tĩnh hơn. Tuấn nhanh chóng tự kiểm soát cảm xúc của mình. Anh nhẹ nhàng nói: “Dạ, từ góc nhìn của cô có thể cô thấy như thế là chưa được, điều đó là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng Sếp cháu và công ty luôn cố gắng để việc hợp tác giữa hai bên đạt kết quả tốt nhất. Chúng ta có thể bàn thêm để lần tới tổ chức sự kiện thành công chứ ạ?“ Tuấn đọc ở đâu đó rằng, nên chấp nhận trước rồi phản đối sau, như vậy giao tiếp sẽ hiệu quả, không lưu dấu tổn thương ở người đối diện. Dù sao thì Tuấn cũng ít tuổi, cần có một thái độ kiên nhẫn lắng nghe và thể hiện sự tôn trọng với đối phương.
Cô Hiền nghe Tuấn nói thế thì dịu lại, đồng ý bàn về kế hoạch sắp tới. Cô nói một mạch, đến lúc thấm mệt mới dừng nghỉ. Tuấn lúc này mới chia sẻ tiếp:
- Cô làm cháu nhớ đến mẹ cháu, cả hai người đều tuyệt vời ạ. Người ta hay nói phụ nữ yếu đuối, còn cháu thấy cô với mẹ cháu rất mạnh mẽ nhưng vẫn tình cảm. Cháu ở đây, mẹ cháu dưới quê một mình cáng đáng mọi chuyện, vẫn quan tâm lo lắng cho cháu. Quả thật cháu vừa cảm kích, vừa khâm phục ạ.
Những điều Tuấn vừa nói hoàn toàn đúng suy nghĩ, tâm can của anh. Anh thực sự nghĩ đến mẹ mình khi đó, cảm thấy trân trọng những người phụ nữ lớn tuổi mạnh mẽ như thế. Tất nhiên cô Hiền có nhiều điểm khác mẹ Tuấn, cách cô chăm chút ngoại hình này thuộc về đô thị, cũng thể hiện cô muốn người khác coi trọng mình. Thế nhưng giữa họ có một điểm chung như thế.
Tấm chân tình giản dị của Tuấn đã chạm vào đúng “yếu huyệt” của người phụ nữ đối diện. Hình như trong đô thị này, ai cũng cô đơn, ai cũng mong có người thấu hiểu, chia sẻ với mình.
Tuấn dứt lời, cô Hiền liền chia sẻ về gia cảnh, về những khó khăn của mình, cô đã vượt qua thế nào. Anh ngồi nghe chăm chú, thỉnh thoảng nói thêm vài câu thể hiện sự quan tâm. Như ngồi chứng kiến hai bên đối thoại từ đầu tới giờ, im lặng mỉm cười với Tuấn thay lời khen: “Em làm tốt lắm.” Tuấn dần thấy những khó chịu của mình với cô Hiền đã tan đi, còn thấy thân thiết với cô tựa như đã quen thân lâu ngày. Hẳn cô Hiền cũng thấy thế. Lời nói quả là một vũ khí đặc biệt.
Những câu chuyện bên lề tưởng như không liên quan nhưng lại rất có ích cho công việc. Đến khi Tuấn trình bày những vấn đề cần thống nhất ở hợp đồng, không khí trao đổi rất hài hoà, nhanh chóng đi đến thống nhất. Điều khoản nào khó nhưng có thể hoàn thành ở sự kiện, Tuấn đều chấp nhận. Nghĩ cho đối tác, nghĩ cho những cơ hội hợp tác lâu dài, anh nghĩ mình chẳng thiệt đâu, còn có cơ hội luyện rèn. Thế nhưng vẫn có một số điều khoản quá khó thực hiện, có phần phi lí, Tuấn lúc này giải thích rõ cho cô, đề nghị có một số thay đổi. Cô Hiền rất hợp tác, đều đồng ý với những điều chỉnh anh đưa ra.
Bản hợp đồng được ký kết vào cuối buổi hôm đó. Hai bên rất vui vẻ còn hẹn có dịp sẽ gặp gỡ, trò chuyện, mở ra một mối liên hệ dài lâu. Tuấn cảm nhận được rõ sức mạnh của chân thành, thấu hiểu trong một mối quan hệ. Anh tự nhủ sẽ áp dụng với cả với những mối quan hệ tưởng chừng đã gắn bó nhưng thực ra chưa hiểu gì như với Sếp, đồng nghiệp hay những người quen khác...
THÂN THIẾT CŨNG CẦN BIẾT RANH GIỚI
Trên đường về nhà, Tuấn thấy phấn chấn vì thành công bước đầu với nhiệm vụ khó nhằn lần này. Mặt khác anh còn chút lăn tăn, trăn trở. Tuấn liên tục nghĩ về mẹ mình kể từ lúc nhắc tới mẹ. Cái miệng cũng là một bộ não, theo một nghĩa nào đấy. Khi chúng ta nói điều gì, chúng ta sẽ suy nghĩ về điều đó. Tuấn đã nhận ra và áp dụng những cách thức chung khi giao tiếp với người lạ như lúc gặp đối tác mới. Thế còn với những mối quan hệ vốn thân thiết, quen thuộc như gia đình, bạn bè, vốn đã có tình cảm thì sao? Người ta thường nói: Đằng sau sự thành công của đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ. “Người phụ nữ” của Tuấn là mẹ. Thành công ở sự nghiệp của Tuấn rõ ràng có bóng dáng của mẹ anh.
Nói chuyện với người thân quen không cần trịnh trọng, chẳng nên câu nệ, khác hẳn với trao đổi công việc. Biết thế nhưng Tuấn hình như đã làm ngược lại. Từ hồi lên thành phố làm việc, cách nói chuyện của anh với mẹ đã biến đổi, không còn như xưa. Tuấn bị ảnh hưởng bởi các quy tắc hành chính ở văn phòng, ở đô thị nên nói chuyện với mẹ giống như cán bộ nói với dân! Rồi anh hay dùng các thuật ngữ chuyên ngành. Có lúc mẹ Tuấn phàn nàn: “Mày nói gì mẹ không hiểu.” Lúc đó anh nghĩ mẹ mình quê mùa, không hiểu được nên cũng kệ. Chưa kể câu kết thường là: “Con bận lắm, thôi lúc khác nói chuyện mẹ nhé!”
Riêng về mặt lễ phép với bề trên, đáng lẽ Tuấn cần giữ nguyên thái độ dù trong mối quan hệ công việc hay riêng tư. Thế nhưng anh lại làm ngược tiếp. Tuấn đi làm cứ lưu giữ mãi những tự ti về xuất thân, diện mạo, cũng do nhiều năm làm nhân viên quèn chẳng chứng tỏ được với ai (anh đã bỏ tâm lí này nhưng chưa dứt hẳn). Khi ấy người mẹ già ở quê vô tình trở thành chỗ trút an toàn của Tuấn, để anh còn cảm thấy mình không đến nỗi thua kém ai. Hoá ra vì ích kỷ, chúng ta thường sai lệch, tàn nhẫn với người yêu thương mình nhất. Tuấn toàn nói cộc lốc, thậm chí hỗn láo với mẹ kiểu: “Con ăn rồi,” “Mẹ lẩm cẩm thế,” “Nói mãi không nghe.” Anh chợt hối hận: “Sao nói với người lạ mình lễ phép được, với người thân lại như thế nhỉ?”
Tuấn về đến nhà, lập tức gọi điện cho mẹ. Đầu bên kia nhấc máy:
- Con à, sao tự dưng hôm nay gọi điện cho mẹ thế?
- Con hỏi thăm mẹ thôi ạ. Đợt này con được giao việc mới, chưa có thời gian về. Mẹ còn đau lưng nhiều không ạ?
- Mẹ đỡ nhiều rồi, bác Mơ hàng xóm cũng hay sang đỡ đần cho mẹ, con yên tâm. Giọng con hôm nay nghe khác quá.
- Vâng. Mẹ nhớ đừng làm việc nặng ạ.
- Ừ. Thế con vẫn ăn ngủ được chứ? Mua rau ở đấy xong có rửa cẩn thận không?
Mẹ Tuấn tiếp tục một tràng dài những câu hỏi, quan tâm anh từ những điều nhỏ lặt nhất. Lần này anh kiên nhẫn lắng nghe, thỉnh thoảng kể cho mẹ nghe cách mình lo cho bản thân để nhấn mạnh mình đã lớn (chứ không trả lời quấy quá cho xong rồi dập máy như mọi khi). Tuấn có thể cảm nhận niềm vui từ mẹ, có lẽ bà đã nhận thấy sự thay đổi, dù nhỏ, ở con trai. Anh còn thấy cả sự hài lòng, tin tưởng từ mẹ. Tuấn cũng mừng vì mình đã biết cách giao tiếp, bớt cứng nhắc hơn.
Những mối quan hệ từ xã giao đến thân thiết đều có thể liên quan đến sự nghiệp. Có lúc Tuấn phải hỏi người bạn học cũ cùng chuyên ngành mấy vấn đề công việc. Hay anh từng phải nhờ tới sự trợ giúp của người họ hàng khi viết dự án cho đối tác. Biết phân định các mức độ giao tiếp để ứng xử phù hợp ở các hoàn cảnh khác nhau, đây là kỹ năng cần thiết với bất cứ ai.
VUI VẺ TẾU TÁO LỢI HẠI BIẾT BAO
Tuấn cầm bản hợp đồng đã ký tới công ty để báo cáo Sếp và cả phòng. Đối với Tuấn đây là thành tích lớn – chật vật mãi mới xong mà – cho nên anh ta vẫn luôn kỳ vọng mọi người khen ngợi mình. Nhưng thực tế lại có phần trái ngược, Sếp vẫn bắt bẻ đôi ba chỗ. Các đồng nghiệp cùng phòng gần như chẳng tỏ thái độ gì, trừ anh Hùng lúc nào cũng khích lệ, cổ vũ. Tuấn nhận ra anh chưa giải quyết vấn đề giao tiếp ở chính văn phòng mình. Giao tiếp không tốt, kết quả làm việc có thế nào thì mọi người vẫn thấy Tuấn chưa đủ tốt.
“Phải thấu hiểu Sếp, đồng nghiệp. Nó đòi hỏi cả quá trình, mình không vội được.” Tuấn tự trấn an mình, rồi nghĩ tiếp: “Nói thế chứ mình cần có động thái tích cực ngay, những người xung quanh mới nhanh thay đổi quan niệm. Thay đổi cái gì bây giờ nhỉ, nghĩ xem nào…” Tuấn tự hối thúc mình. “A đúng rồi! Chị Như từng khuyên mình vui đùa, lạc quan giúp người đối diện thoải mái. Chính mình cũng rất ngưỡng mộ những người vui vẻ tếu táo, họ có sức hút tuyệt vời. Mình phải lưu ý khoản này.”
Tuấn không phải không muốn vui vẻ tếu táo, anh đã từng thử phong cách này hồi mới đi làm. Có điều hồi đó Tuấn chưa biết cách, nhiều lúc trêu đùa không thấy ai hưởng ứng, anh nghĩ mình không có năng khiếu nên dừng lại. Về sau, Tuấn cố tạo cho mình hình ảnh nghiêm túc, có khi còn khó tính.
Tuấn nghĩ mình chưa đủ tự tin để kể những câu chuyện cười giữa cả phòng hay một đám đông. Thế nên bước đầu Tuấn tập trung vào các mối quan hệ cá nhân. Anh tươi cười với các đồng nghiệp, tìm cách “pha trò” với họ.
Tuấn ngồi vào bàn làm việc. Công việc không quá bận. Vô tình thấy Chi đi qua, mắt nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, Tuấn đoán Chi đang làm việc cá nhân nên cũng không bận lắm. “Lấy chuyện gì đùa Chi một chút nhỉ, cậu ta luôn thích vui vẻ.” Tuấn đang suy tính liền nhìn thấy con mèo Chi tặng ở bàn, anh nảy ra ý tưởng ngay. Tuấn nói với Chi:
- Con mèo bà tặng công nhận nhìn giống mặt tôi, Chi ạ. Tôi đang định đặt tên nó là Béo Bự. Thỉnh thoảng stress tôi ngồi nói chuyện với nó. Nghe có vẻ nó đang muốn hỏi thăm chị Chi xinh đẹp đấy.
- Ủa, sao ông không đặt tên là Của Nợ cho đúng ý.
Chi vẫn để bụng Tuấn vụ con mèo ấy nên đáp lại lạnh te, chẳng khác nào dội cho Tuấn gáo nước lạnh. Tuấn nghe thế, hiểu ngay vấn đề. Hôm đó anh chỉ nói chuyện với Dũng, không ngờ chuyện đã đến tai Chi. Hơi bất ngờ nhưng nghĩ lại Tuấn cũng thấy câu nói của mình có phần quá đáng. Nó cũng bởi tính anh cứng nhắc quá mới coi những chuyện quà cáp là phiền phức. Tuy nhiên nghĩ tích cực thì, Chi đã khơi vấn đề, đấy chính là cơ hội cho Tuấn sửa chữa. Nhớ lại quyết tâm trở thành người vui vẻ, anh tranh thủ thực hành ngay cách giao tiếp vui vẻ tếu táo để giải quyết tổn thương giữa hai bên:
- Ừ nhỉ, cái tên đó cũng hay, haha. Bà tìm được con mèo giống tôi thế này, tôi biết báo đáp sao đây, tìm đâu được cái gì đáng yêu giống bà bây giờ. Hay để tôi mua tặng bà con mèo Kitty, xong vẽ thêm cho nó cái miệng của hay nói của bà. Thế được không, Chi Kitty, haha.
- Ù ôi, ông biết đùa từ bao giờ thế.
Câu đùa của Tuấn vẫn còn ngờ nghệch, song nó rất dễ được chấp nhận. Mỗi người có thể vui đùa tự nhiên theo tính cách vốn có của mình, quan trọng là tâm thái phải thực sự tích cực. Tuấn còn biết chừng mực, kết hợp với sử dụng trí thông minh để khen Chi một cách không lộ liễu, làm Chi âm thầm thích thú. Giả sử Tuấn cố nói đùa theo kiểu chuyên nghiệp như diễn viên hài, hay bắt chước một ai đó, người nghe chỉ thấy bất thường, sinh ra phản cảm.
Ngay hôm sau Tuấn mua một chiếc đồng hồ Hello Kitty tặng cho Chi, kèm theo lời nói vui:
- Chi Kitty, tặng bà đúng như lời hứa nhé. Phần miệng của nó biến thành đồng hồ rồi, tôi khỏi vẽ thêm. Coi như miệng nó nói: “Nhìn tôi biết thời gian thế nào, nắm được tôi khỏi lo trễ deadline.”
- Woa, cảm ơn ông nhé. Nhìn yêu thế!
Khỏi nói cũng biết Chi thích chiếc đồng hồ thế nào. Làm việc chung với nhau bao lâu, ngay đến người vô tâm nhất cũng biết thừa tính cách, sở thích, mối quan tâm của nhau, chẳng qua là ta có chịu quan tâm tới nhau không. Tuấn biết Chi hay trễ deadline, nên dùng quà tặng thay cho lời khuyên, vừa có được thiện cảm, vừa là lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Chiếc đồng hồ gắn với câu chuyện lần này, và như thế trở thành một biểu tượng giao tiếp tích cực giữa hai người. Đảm bảo sau này nếu có xích mích, chỉ cần nhắc đến cái đồng hồ, Chi sẽ nguôi giận. Quả thật một mũi tên bắn trúng vô số đích.
Tuấn lấy lại tự tin bằng khả năng giao tiếp vui vẻ tếu táo đó. Anh áp dụng nó thường xuyên cùng với các kỹ năng giao tiếp khác. Sếp và đồng nghiệp ngày càng nhìn nhận tích cực hơn về anh ta. Tuấn đã tiến thêm một bước để mỗi ngày đi làm quả thực là một ngày vui!
Người thành công không thể giao tiếp kém. Hãy xem anh chàng Tuấn đã học được những bài học gì sau câu chuyện lần này nhé!