TẬN DỤNG THÔNG TIN ĐỂ NẮM LẤY THỜI CƠ
Sự kiện tổ chức cho công ty của cô Hiền đã cận kề. Đó là một sự kiện quan trọng: Ra mắt sản phẩm mới. Đây là sản phẩm chiến lược của công ty họ trong năm nay. Tuấn đã dẹp các việc khác để tập trung cho sự kiện “khó nhằn” này. Anh đã biết cách giải quyết vấn đề giao tiếp, song việc tổ chức sự kiện lần này có nhiều vấn đề khác. Nó không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo, mà còn cần đến nhiều kĩ năng, yếu tố khác liên quan tới hoàn cảnh, con người. Công ty chỉ định Tuấn phụ trách chính. Điều đó chứng tỏ Tuấn đã được cấp trên tin tưởng hơn nhiều. Anh cũng quyết tâm làm thật tốt chương trình lần này để thể hiện năng lực bản thân.
Công ty của cô Hiền yêu cầu bên Tuấn liên hệ mời một người nổi tiếng tham gia sự kiện lần này, giúp tăng khả năng quảng bá sản phẩm. Điểm khó là công ty cô Hiền chỉ chi mức cát-xê khiêm tốn, thương hiệu còn chưa nổi bật, sản phẩm mới ít người quan tâm. Tóm lại rất khó tìm người nổi tiếng phù hợp với sự kiện và với mức cát-xê như vậy.
Việc liên hệ người nổi tiếng phải làm sớm để họ sắp xếp lịch, nên Tuấn đặt ưu tiên. Anh rất băn khoăn chẳng biết bắt đầu từ đâu. Tuấn chặc lưỡi: “Thôi mình cứ vừa làm vừa mò. Bám vào quy trình cơ bản, phải tìm thông tin, sàng lọc nó đã.” Thông tin của sản phẩm, phác thảo sự kiện theo hướng ra mắt sản phẩm mới, anh đều đã nắm được từ khi làm hợp đồng. Giờ chỉ còn thông tin của người nổi tiếng để tìm ra người phù hợp, có khả năng đồng ý hợp tác.
Người nổi tiếng có nhiều, thông tin về họ cũng không thiếu, nếu không muốn nói là vô số. Tuấn cảm giác mình đang bơi giữa một biển thông tin. Anh nghĩ: “Mình cần thu hẹp thông tin đã, đưa ra tiêu chí cho phù hợp. Nếu người nổi tiếng đến chỉ để nói về sản phẩm thì thành quảng cáo thô quá. Mình cần tìm liên kết giữa sản phẩm với người nổi tiếng, như thế sẽ có lợi cả đôi bên.”
Tuấn quyết định dùng thử sản phẩm để tự mình trải nghiệm. Anh cũng mời một vài người thân thiết dùng thử để ghi nhận đánh giá, phản hồi. Ban đầu Tuấn chỉ nghĩ cứ tìm một ca sĩ nào đó hát một bài rồi nói về sản phẩm. Thậm chí anh đã tìm được một danh sách tiềm năng. Thế nhưng Tuấn thấy có gì đó “sai sai”. Nếu không hiểu biết về sản phẩm, người đó sẽ nói dông dài, mọi thứ chỉ mang tính hình thức. Người nổi tiếng đó cũng cần trở thành khách hàng thực, nói ra những cảm nhận thực tâm về sản phẩm một cách tích cực. Như thế mới làm lay động khán giả.
Sản phẩm ra mắt lần này của công ty cô Hiền là chiếc ghế làm việc thông minh. Tuấn ngồi trên chiếc ghế đó, mải miết xem các trang tin tức, một số diễn đàn và các mạng xã hội để xem có nhân vật nào mới nổi được mến mộ. Anh nghĩ chỉ có những người mới nổi hoặc nổi vừa phải mới đồng ý tham gia sự kiện.
Tuấn cứ cắm cúi vào danh sách dài các nhân vật nổi tiếng, đến lúc nhớ ra nhìn đồng hồ thì thấy đã qua cả giờ ăn. Bình thường ngồi làm trong văn phòng theo nhịp chung, đợt này tự do bay nhảy để chuẩn bị tổ chức sự kiện nên Tuấn quên cả giờ giấc. Nhưng cảm giác hôm nay cũng khác hẳn, Tuấn ngồi làm liên tục mà không bị mỏi lưng mỏi cổ như bình thường. Nhận ra sự khác biệt, Tuấn xem lại thông tin giới thiệu trên tập catalogue về sản phẩm anh đang dùng thử: “Thiết kế theo đúng tư thế chuẩn, giúp người sử dụng làm việc năng suất, khí huyết lưu thông, thân thể thoải mái.”
Tuấn dùng thử mấy ngày và hỏi thêm trải nghiệm của người thân, anh thấy đây đúng là một sản phẩm tốt, rất hữu ích cho người làm văn phòng. Anh xem lại bản danh sách, lọc ra những người nào cần ngồi làm việc nhiều. Lập tức Tuấn “tia” thấy một vài nhà văn có tiếng tăm. Nhà văn thì phải viết, viết thì cần ngồi nhiều. Anh liền tìm thêm thông tin về các nhà văn này. Ting tingg! Lướt qua các bài phỏng vấn, Tuấn thấy một nhà văn trong danh sách chia sẻ rằng sức khoẻ gần đây không tốt nên ảnh hưởng đến tiến độ ra tác phẩm mới. Thấy một người gặp sức khỏe không tốt thì không nên hớn hở, nhưng chàng trai trẻ của chúng ta như… vớ được vàng. Đúng là ứng cử viên sáng giá đây rồi. “Đừng lo, chiếc ghế này có thể giúp anh tăng thời gian làm việc mà không mỏi mệt nhiều nữa.” Tuấn thầm nghĩ. Và Tuấn cũng không phải lo nữa, vì cuối cùng anh cũng đã thấy ánh sáng trong việc tổ chức sự kiện này. Chính là kĩ năng chắt lọc, tận dụng thông tin đã giúp Tuấn nắm bắt cơ hội, mọi việc trở nên dễ dàng hơn.
Tuấn tìm hiểu thêm thông tin về nhà văn này rồi quyết định tìm gặp. Xếp lịch khá khó khăn, Tuấn phải đi lại mấy lần anh ta mới chịu gặp. Anh mở đầu bằng việc nói về các tác phẩm của nhà văn, thể hiện rằng mình quan tâm tới những đứa con tinh thần của anh ta:
- Em đã xem các tập truyện ngắn X, Y, Z của anh. Các truyện đều có phong cách viết mới lạ, truyền cảm hứng rất mạnh mẽ ạ.
- Cảm ơn chú em. Thế chú gặp anh có việc gì?
Tác giả hỏi Tuấn. Giọng anh đứt đoạn, biểu hiện cho một sức khỏe không ổn định.
- Công ty em đang tổ chức sự kiện ra mắt bộ bàn ghế mới cho thương hiệu F. Em đã dùng thử bộ bàn ghế này, nó có chức năng điều chỉnh tư thế, giúp người ngồi luôn giữ được thế ngồi chuẩn nhất, nhờ đó có thể tập trung làm việc trong thời gian dài. Em xin phép mời anh dùng thử và tham gia sự kiện ra mắt sản phẩm với tư cách khách mời ạ. Đây là thông tin về chương trình cùng một vài đề xuất hợp tác, mời anh xem qua ạ.
Tuấn đưa nhà văn tập tài liệu. Nhà văn tỏ ra băn khoăn:
- Anh không muốn tham gia các chương trình của doanh nghiệp lắm. Nó liên quan đến uy tín của anh.
- Đúng là lo lắng của anh có lí, nhưng sẽ đáng tiếc nếu anh quyết định ngay và để lỡ mất một cuộc hợp tác có lợi cho cả hai bên.
Chấp nhận rồi mới phản đối thì giao tiếp sẽ hiệu quả, Tuấn vẫn nhớ như in điều ấy sau lần nói chuyện với cô Hiền. Anh tiếp tục áp dụng lần này thì thấy tác giả đã có vẻ cân nhắc hơn, dù vẫn chưa hoàn toàn đồng ý. Được “đà,” Tuấn tiếp tục:
- Vấn đề là anh đang phải viết bài về thị hiếu đọc của giới trẻ hiện nay, có báo họ đặt rồi. Anh lại đang thiếu tư liệu viết, không có thời gian.
- Trùng hợp quá! Em cũng mới hợp tác viết dự án truyền thông với một đơn vị xuất bản nên có sẵn tài liệu khảo sát thị hiếu đọc của giới trẻ, có thể gửi anh tham khảo. Để em hỗ trợ anh thêm việc khảo sát theo các yêu cầu cụ thể. Việc này là sở trường của bọn em rồi, anh yên tâm ạ.
Thấy anh nhà văn bắt đầu cân nhắc, Tuấn lập tức chớp thời cơ, không chút chần chừ. Anh nhất định phải thuyết phục được nhà văn tham gia chương trình này. Chưa bao giờ Tuấn quyết tâm như thế. Buổi gặp mặt này anh đã chuẩn bị kỹ càng, tâm thế vững vàng, cộng thêm quyết tâm có thừa, nên dễ dàng đối đáp để thuyết phục anh nhà văn.
Lần này Tuấn phải đánh cược một phen. Bộ bàn ghế tặng nhà văn, giả sử nhà văn vẫn không đồng ý thì sao? Anh đành bỏ tiền túi chi trả. Mạo hiểm thế, nhưng Tuấn tin là sự nhiệt tình thậm chí đến mức đeo đẳng của mình sẽ làm nhà văn ưng thuận.
Nhà văn chưa quyết định về việc tham gia sự kiện song đã chấp nhận phương án Tuấn vừa đưa ra: Dùng thử sản phẩm và nhận các tài liệu tham khảo về thị hiếu đọc do Tuấn gửi. Tuấn lập tức chuyển bộ bàn ghế cho nhà văn và giữ đúng lời hứa về việc hỗ trợ khảo sát. Sau một tuần, anh mang toàn bộ tư liệu khảo sát tới gửi nhà văn và hỏi ý kiến về chất lượng sản phẩm. Nhà văn rất hài lòng với bộ bàn ghế. Việc giữ được tư thế ngồi đúng quả nhiên giúp anh ta tỉnh táo, thoải mái hơn hẳn, nhờ đó thời gian làm việc tăng lên. Anh nhà văn rất mừng khi có thể tăng thời gian làm việc, đẩy nhanh tiến độ ra mắt tác phẩm mới.
Về phía đối tác, cô Hiền hoàn toàn đồng ý việc mời nhà văn nổi tiếng này. Cô cũng là một người rất yêu văn thơ. (Hóa ra cô cũng lãng mạn lắm!)
Ba ngày sau, Tuấn nhận được phản hồi từ nhà văn: Anh ta đồng ý tham gia sự kiện ra mắt.
THẤY CƠ HỘI Ở KHẮP NƠI
Khách mời nổi tiếng đã có, tiếp theo Tuấn phải tìm cộng tác viên. Chi phí tổ chức sự kiện lần này quá hạn chế. Có thể nói với mức thù lao “còm cõi” này thì chẳng thể tìm được cộng tác viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm. “Đúng là một bài toán khó, làm sao để có cộng tác viên làm việc hiệu quả với mức kinh phí này đây?” Tuấn nghĩ mãi. Anh không thể tuỳ tiện tuyển cộng tác viên thiếu khả năng, dù ngân sách hạn hẹp. Lần tổ chức sự kiện này nhất định phải làm tốt nhất. Nhất định phải thành công!
Tuấn thử đi hỏi một vài nơi nhưng nhân sự có chuyên môn, kinh nghiệm đều không đồng ý cộng tác. Anh đành xoay sang đối tượng sinh viên không chuyên.
Những sinh viên này nhiệt tình nhưng chỉ phù hợp với các công đoạn bề nổi. “Nhìn nhận thực tế thì chính mình chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa thể tính đến việc đào tạo cho cộng tác viên.” Tuấn thở dài, tâm tự ti lại nổi lên. Có lúc Tuấn bí quá, định nhờ Ariel tư vấn, giúp đỡ. Nhưng đợt này Ariel đi công tác nước ngoài, anh phải tự lực thôi. Lòng tự tôn của một người đàn ông cũng thôi thúc Tuấn nỗ lực tự thực hiện, không dựa vào người khác.
Nhưng không có “người khác” này thì có “người khác” kia. Một hôm chị Như hẹn gặp Tuấn để bàn bạc thêm một số vấn đề cần thống nhất giữa hai bên trong việc tổ chức sự kiện sắp tới. Cả hai bàn bạc xong, nhìn khuôn mặt ưu tư của Tuấn, Như hỏi thăm:
- Vâng, em chưa quen. Nhân sự tới giờ cũng chưa có, chưa tuyển được cộng tác viên ạ. Em thấy hơi lo lắng chị ạ.
- Chị biết em có tài năng, có nỗ lực. Giá như em có thêm niềm tin, tinh thần lạc quan, chuyện đã khác. Tự cho mình thêm cơ hội, việc sẽ thành thôi. Thay vì ngồi âu sầu ủ dột, hãy kiếm tìm thêm ở những nơi có thể, rồi ngồi bàn bạc với họ thử xem. Thực sự kiên tâm bền chí, không ngừng tìm kiếm, mọi việc sẽ ổn thôi. Khó khăn vẫn là khó khăn, chị mong em vượt lên chính mình. Vượt lên chính mình, em sẽ rất vĩ đại. Chị tin em là một đấng nam nhi đại trượng phu, hoàn toàn có thể làm việc lớn, không vướng mắc vào những vụn vặt đời thường. Em hãy tiếp tục nhé, xứng đáng với kì vọng của mọi người. Có em việc mới thành.
Như nói một mạch như thế, Tuấn thấy một lực hút làm anh chăm chú vào từng từ chị nói, dù không thể diễn tả cảm giác thành lời. Như quả thực là một bậc thầy giao tiếp, vừa khéo léo, vừa chân thành. Chị làm người đối diện cảm nhận được sự chia sẻ vô tư, cảm thấy được quan tâm thật sự. Tuấn cảm ơn chị Như. Buổi trò chuyện kết thúc, nhưng những lời chị nói thì còn vang mãi. Tuấn thấy mình vừa được tiếp thêm động lực, tinh thần phấn chấn hẳn lên.
Qua cơn tuyệt vọng, Tuấn tỉnh táo trở lại, anh tiếp tục tìm kiếm. Lần này anh chủ động đi tìm thời cơ thích hợp với các tiêu chí cần thiết. Đâu có chuyện ngồi một chỗ thì thời cơ tốt rơi xuống đầu. Đi tìm cơ hội khác với làm việc một cách mông lung.
Tuấn phân tích lại, nhận thấy nhóm đối tượng sinh viên có chuyên môn truyền thông là nguồn cộng tác viên khả dĩ nhất. Dù thiếu kinh nghiệm, họ có kiến thức cập nhật và thừa nhiệt huyết. Ý thức được cái thiếu của mình, họ cũng luôn tìm kiếm cơ hội để tích lũy kinh nghiệm thực tế. (Tất nhiên, đa phần sinh viên chuyên ngành truyền thông có khả năng vẫn muốn được chi trả tương xứng với công sức.) Tuấn tìm thêm các thông tin về nhóm đối tượng này bằng các cách khác nhau như xem trên mạng, gọi điện cho các tổ chức, trực tiếp đến các trường đào tạo, hỏi người quen…
Cuối cùng thời cơ đã xuất lộ. Tuấn tìm thấy thông tin về một khoá đào tạo truyền thông sắp kết thúc. Khoá đào tạo yêu cầu sinh viên tự liên hệ các công ty để thực tập. Chứng nhận kèm nhận xét của công ty là điều kiện để tốt nghiệp. Thời gian thực tập, tình cờ hoặc không, trùng với thời điểm tổ chức sự kiện do Tuấn phụ trách.
Tại sao gọi là “thời cơ”? Bởi thời điểm chín muồi chính là lúc chúng ta phải chớp lấy cơ hội. Tuấn vui mừng tới gặp mặt và gợi ý các sinh viên của khoá học kia cộng tác. Anh xin phép trường để hẳn một bàn tư vấn. Rất nhiều sinh viên đến hỏi thông tin. Anh nhanh chóng “nhắm” được một số sinh viên phù hợp. Ánh mắt của Tuấn trở nên sắc bén hơn từ hồi Ariel nói về việc rèn luyện khả năng quan sát. Tuấn nhanh chóng trao đổi với các sinh viên được chọn.
Đôi bên đều có lợi ích nên hầu hết các sinh viên đồng ý ngay. Tuấn đã có đội ngũ cộng tác viên như ý.
TỰ TẠO CƠ HỘI XỬ TRÍ TÌNH HUỐNG
Tuấn đã tháo gỡ được hai vấn đề hóc búa bậc nhất là khách mời và nhân sự thực hiện, giờ chỉ còn các công đoạn triển khai. Anh cùng các cộng tác viên nhanh chóng bắt tay vào việc. Trong giao tiếp khó tránh khỏi khúc mắc nhỏ, nhưng rồi công tác chuẩn bị cũng đâu vào đấy. Tuấn hài lòng, xen lẫn chút hồi hộp khi chờ tới ngày chính thức tổ chức sự kiện.
Ngày đó cuối cùng cũng đến. Không gian sự kiện được thiết kế giản dị nhưng vẫn gây được ấn tượng. Toàn bộ các bộ bàn ghế dành cho khách tới dự đều thay bằng chính sản phẩm ra mắt lần này: Chiếc ghế của công ty cô Hiền. Tuấn còn cho đặt một số bộ bàn ghế trang bị sẵn máy tính, giấy bút, đồ ăn, dụng cụ làm đồ thủ công để khách tự trải nghiệm.
Bài phát biểu của nhà văn cùng những trải nghiệm thực tế của anh rất thuyết phục khán giả. Đến giữa buổi, mọi thứ đã theo đúng dự liệu. Tuấn khấp khởi mừng vì nghĩ mình sắp hoàn thành một nhiệm vụ khó.
Tuấn đã điều hành công tác chuẩn bị chi li, kỹ càng. Mọi thứ đều được thực hiện công phu, còn được kiểm tra rà soát cẩn thận. Chương trình diễn ra khá suôn sẻ. Tuy nhiên, thực tế luôn biến động chứ không đơn giản như dự định của mỗi người.
Phần cuối chương trình là phần dành cho nhà thiết kế đã làm ra sản phẩm này. Theo kịch bản, nhà thiết kế sẽ được mời lên trình bày chi tiết về sản phẩm. Nhưng gần đến giờ vẫn chưa thấy anh ta. Tuấn liên lạc hỏi thì anh ta đáp sẽ đến trước phần trình bày. Nhưng đến giữa chương trình, Tuấn gọi lại thì nhận được “tin dữ”:
“Ơn với huệ gì chứ!!?” Tuấn chết sững. Chỉ ít phút nữa thôi là đến phần trình bày này, nội dung chương trình đã được công bố cho khách tới dự và cả bên báo chí. Phần trình bày này lại thuộc nội dung chính. Việc thuyết minh sản phẩm tới đông đảo công chúng này rất quan trọng. Nó giúp khách mời có ấn tượng sâu sắc hơn về sản phẩm.
Người nghệ nhân kia vốn hiểu quá rõ về sản phẩm rồi nên tự tin mình có thể thuyết trình mà không cần tài liệu. Giá trị nằm ở câu chuyện của người đó với quá trình tạo ra sản phẩm chứ không ở mấy thông số kỹ thuật. Suy nghĩ đấy rất có lí, nhưng lại đẩy Tuấn đến bước dở khóc dở cười lúc này. Nhân vật “lưu trữ” câu chuyện đang ở tình trạng sức khoẻ như thế, tìm ai bây giờ, làm sao tiếp theo? Tuấn nhất thời rối bời, chưa biết phải xử lí ra sao.
Nếu có trí nhớ bao quát, bạn có thể hỏi, Tuấn chuẩn bị thật kỹ lưỡng rồi, sao giờ lại bối rối? Tuấn không có phương án dự phòng rủi ro cho tình huống này. Lần đầu Tuấn tổ chức sự kiện, anh không thể tưởng tượng lại có tình huống như thế. Đúng là cái gì cũng có thể xảy ra! Lúc này Tuấn mới biết điều đó thì có vẻ hơi muộn mất rồi.
Anh nghĩ ra vài phương án thay thế, song đều thấy không khả thi, có cố làm theo cũng rất vụng. Thời gian còn lại không kịp tìm người thay thế ở công ty đối tác. Tuấn nhìn quanh quất hội trường. Chỉ có một số nhân viên của công ty đó, nhưng họ không đủ kiến thức cũng như kỹ năng để thuyết trình về sản phẩm cho đông đảo khách mời và giới truyền thông. Để lãnh đạo công ty đối tác trực tiếp đứng ra nói cũng không ổn, như thế bên Tuấn chưa làm hết trách nhiệm giải quyết tình huống phát sinh. Họ làm lãnh đạo, cũng không chắc nắm được các chi tiết cụ thể về sản phẩm.
Tuấn cứ đi đi lại lại, nghĩ mãi không ra cách giải quyết. Thời gian không đợi người, sắp đến phần thuyết trình đó rồi. Tuấn nhìn vào hàng ghế ngồi của đại diện công ty đối tác như thể cầu cứu. Bỗng lúc đó Tuấn dừng ở ánh mắt chị Như. “…Khó khăn vẫn là khó khăn, chị mong em vượt lên chính mình. Vượt lên chính mình, em sẽ rất vĩ đại…” Những lời nói của Như buổi trước làm Tuấn bừng tỉnh. Anh biết mình phải tin vào bản thân, không được bỏ cuộc, gắng sức làm tốt nhất có thể.
Tâm trí ổn định, Tuấn không đi đi lại lại nữa. Anh đứng một chỗ, tập trung nhìn vào toàn bộ không gian sự kiện, suy nghĩ tìm giải pháp: “Nhân tố đang làm sự việc chệch hướng chính là con người – nhân tố bất ổn nhất, cũng là nhân tố chủ chốt. Chính con người mới khắc phục được vấn đề. Tuy nhiên mình phải dựa vào thực tế để điều chỉnh thực tế. Nhìn vào thực tế những gì đang diễn ra sao? Muốn tận dụng thời cơ, cần biết ở thời điểm hiện tại mọi thứ đang diễn ra thế nào. Từ đó mình mới tìm ra cơ hội xoay chuyển tình thế, dùng khả năng sáng tạo đã rèn luyện, biến khó khăn thành động lực tìm ra phương án tốt nhất.”
Tuấn quan sát những người tới dự để hiểu hơn về khách hàng. Rất nhiều người tập trung ở khu vực ghế thử nghiệm làm các việc riêng. Một số người ngồi ngay ở ghế của khách tới dự để cảm nhận, xem xét chất liệu sản phẩm.
Tuấn nhớ lại lúc nhà văn chia sẻ về trải nghiệm với chiếc ghế, mọi người đều chăm chú lắng nghe, còn đặt câu hỏi cho anh ta. Tuấn rút ra một kết luận nhỏ từ cảnh tượng đó: Đa số khách hàng quan tâm tới trải nghiệm thực tế với sản phẩm!
Ting!
Tuấn đột nhiên nảy ra một ý định: Chính anh sẽ lên trình bày về sản phẩm, chia sẻ những trải nghiệm từ bản thân. Còn ai thích hợp hơn chính mình lúc này? Tuấn thấu hiểu sản phẩm, yêu thích nó, cũng có cả trải nghiệm cá nhân. “Nhưng trước giờ mình vốn kém khoản thuyết trình này, nói ở đám đông thấy mất tự tin lắm!” Ý nghĩ đó làm Tuấn hơi chùn bước.
Suy nghĩ tích cực, Tuấn triển khai ngay ý định. Anh dặn dò cộng tác viên giám sát để các hoạt động khác diễn ra như bình thường, riêng phần thuyết trình thì có thay đổi. Tuấn chỉ còn ít thời gian xem lại vài thông tin về sản phẩm, sắp xếp ý trong đầu. Giờ G đã đến, Tuấn bước lên sân khấu:
- Kính chào toàn thể quý vị. Xin phép tự giới thiệu, tôi tên Tuấn, là người phụ trách chính việc tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm lần này. Đáng lẽ theo khung chương trình thì giờ là phần diễn thuyết của nghệ nhân đã thiết kế sản phẩm. Song phải thành thật với tất cả quý vị, nghệ nhân đó có việc đột xuất bất khả kháng, không thể tới tham dự. Kính mong các quý vị thông cảm. Bù lại, tôi mạn phép chia sẻ trải nghiệm của chính tôi về sản phẩm này. Là người phụ trách chương trình, tôi đã có một thời gian dùng thử sản phẩm để trực tiếp trải nghiệm. Vì thế tôi đã có những kỷ niệm thú vị với sản phẩm này...
Tuấn chia sẻ câu chuyện của chính mình một cách tự nhiên, chân thành. Anh không quên lồng ghép các chi tiết nổi bật ghi nhớ được trong tài liệu. Đặc tính điều chỉnh về tư thế chuẩn của chiếc ghế được Tuấn nhấn mạnh. Anh còn chia sẻ thêm về tầm quan trọng của việc giữ đúng tư thế ngồi tới sức khỏe, năng suất làm việc. Những điều đó không chỉ là kiến thức suông, mà là những gì anh đã thực sự trải qua.
Trải nghiệm cá nhân là điều ai cũng quan tâm. Những trải nghiệm của Tuấn hết sức gần gũi. Mọi người đón nhận nồng nhiệt bài phát biểu của anh. Vậy là Tuấn đã tự tạo ra thời cơ cho mình, xoay chuyển tình thế từ sự cố thành điểm mới lạ hấp dẫn. Buổi tổ chức sự kiện thành công tốt đẹp, khép lại nhiệm vụ mà ban đầu tưởng chừng bất khả thi của Tuấn.
Tuấn biết rằng, nắm bắt cơ hội là một tố chất cần có để thành công:
Bất chợt Tuấn nhìn lên bầu trời trong xanh. Trải qua sự việc vừa rồi, anh nhận ra thêm điều gì đó thật lớn lao trong mình. Nó rất khó diễn tả thành lời. Tuấn chỉ biết nghĩ tới: Thiên thời, địa lợi, nhân hoà. “Đúng như lời dạy của cổ nhân. Hiểu được một phần nhỏ sự vận hành của Trời Đất, con người, cuộc sống thôi, mình đã có thể vận dụng thời cơ một cách thuận lợi, chính đáng. Xin cảm ơn!”