Những chiếc móng chân được sơn kỹ màu máu bầm, một màu mà bà thích từ hồi con gái. Bàn chân đã tóp lại, nhăn nheo, gót rạn nứt. Tiếng thở dài buông nhẹ, nuối tiếc. Con Út lạch bạch chạy vô sân, chiếc áo tuột nút lòi ra cái rún sâu, lấm đất:
- Mẹ ơi mẹ! Chị Ba hông lo chận bò, đi trèo cây bắt tổ trau trảu với anh Tít kìa!
- Ba ơi ba! Bò vô phá hết đám mía nhà ông Chín Thanh đó ba!
Ông già ném vội mấy củ mì gòn cho bầy heo rừng, vòng tay đấm thụp thụp sau thắt lưng:
- Dẫy na! Để ba xử vụ nầy cho! Mình coi nhà tui chạy ra rẫy chút hánh!
Bà la lớn:
- Con ranh kia! Bò phá mía người ta, sao không đuổi ra còn chạy về méc! Bảy, tám tuổi đầu rồi còn gì!
Con bé bĩu môi:
- Bao giờ con được đi chận bò thì con mới đuổi! Giờ chị Ba chận thì phải trông chứ!
Bà mẹ chụp cây mì khô nhỏ bằng ngón tay, quất vô đít con gái:
- Mày trả treo hả! Đánh cho chừa thói thèo leo…
Con nhỏ khóc ré lên, chạy ngược ra ngõ, miệng kêu “ba ơi, ba ơi!”.
Bà bực bội ném cây mì gãy, mắng theo:
- Đi kêu ba mày đi nhé! Rồi tối về coi ai cho ăn cơm!
Lạ thiệt lũ con nhà này. Cứ mở miệng ra là ba, ba! Hai đứa con gái đều thích ba, bữa ăn giành chỗ ngồi cạnh ba, lúc ngủ giành nhau nằm gần ba. Đến như con Ba, năm nay mười ba tuổi, nhổ giò nhổ cẳng như thiếu nữ rồi mà vẫn đòi ngủ cùng ba để đêm được gác chân. Bà cảm thấy ghen hờn với hai đứa con gái. Ôi ông chồng già của bà, tính nết hiền lành, chân chất. Những năm đầu mới lấy nhau, ông chiều vợ như chiều vong, ngày nào cũng gánh nước từ giếng làng về cho vợ tắm. Cứ tưởng tại ông lớn hơn vợ hai chục tuổi nên như vậy, sau có con rồi mới biết đó là bản tính ông, vốn yêu thương hết lòng những người ruột thịt.
Chiều tối mới thấy ông già lụi cụi dẫn ba con bò về chuồng. Con Ba, cái ống quần tét ngược, hở tới bẹn, ôm trước ngực một tổ chim. Hai con chim non lơ phơ đám lông non màu xanh cánh chả, cái mỏ há ra đòi ăn. Nhỏ Út nhảy chân sáo cạnh chị, miệng tía lia:
- Chị Ba cho Út một con hánh?
- Hông! Ai biểu em hay thài lai đi méc mẹ chi!
- Hông cho, bữa nào đi học, ở nhà tui thả con mèo vô lồng chim…
Bà đang bắc nồi cá rô kho, giật mình nghe con Ba hét:
- Hả! Coi chừng chị treo cổ cả em với con mèo lên cành mận đó!
- Hai đứa kia có đi tắm rửa không hả? Trời ơi là trời! Quần áo mày thế nào kia hả con Ba? Lại còn rước chim cò về đây nữa.
Ông đứng đằng sau bà lúc nào, ho khúc khắc:
- Thôi mình! Con nó còn nhỏ mà! Hai con chim lỡ bắt về thì để nó nuôi, chớ ném cho mèo ha? Tội chết!
Bà im lặng, dù trong lòng còn bực bội. Bà vốn nghe lời chồng, kính phục biết ơn ông. Điều này khó lý giải với mọi người, nhất là những người bên nhà bà. Một thiếu phụ trẻ đẹp, nết na, học thức, lại chấp nhận lấy người đàn ông lớn hơn mình hai chục tuổi, từng có vợ và hai người con. Nhưng bà thì hiểu ông chính là một trái núi nhỏ nhưng vững chãi, để suốt đời nương tựa. Không phải bà mới biết điều ấy, mà chợt nhìn thấy từ lần đầu gặp ông, trong một căn phòng tập thể của cung đường sắt Quy Nhơn. Người ta nói tới “duyên nợ” và bà nghĩ mình nợ ông cả kiếp trước lẫn kiếp này. Không phải vậy sao, mà cái đêm cuối đông lạnh giá năm ấy, thiếu phụ trẻ gửi con cho bà ngoại, rồi xách túi đồ với hai cây vàng lận trong người, từ Kon Tum xuống Quy Nhơn theo bạn gái đi vượt biên.
Bà rùng mình như gặp cơn gió lạnh. Ký ức thật lạnh lẽo. Đêm ấy chưa muộn lắm, mới hơn mười giờ khuya. Cô gái mảnh khảnh cuốn cao mái tóc, cột lại trên đầu, ôm chiếc túi nhỏ co ro theo chị bạn dò từng bước, tiến về phía biển.
- Nẫu hẹn tập trung tại bãi liễu phía Nam. Lẹ cái chân lên!
Chị bạn sốt ruột giục. Cô gái siết vòng tay trước ngực, răng gõ lốp cốp không biết vì lạnh hay sợ. Cô bắt đầu lo lắng. Bây giờ phải đến được bãi tập kết, rồi lên ghe cá, chạy ra tuốt ngoài biển mới có tàu đón. Nỗi nhớ con xát muối trong lòng cô. Sáng mai, con bé bốn tuổi thức dậy sẽ hỏi bà ngoại mẹ nó đi đâu? Bà ngoại sẽ trả lời: Mẹ bé đi kiếm tiền, thật nhiều tiền, để bảo lãnh cho bà ngoại và bé ra nước ngoài. Ở bển sướng lắm, không phải ăn cơm độn bắp, có xe hơi đưa bé tới trường học mỗi ngày, bé được sắm áo váy thiệt đẹp. Tiếng chân gấp gáp chạy tới gần. Bóng người như đổ ập trước mặt, cùng tiếng đàn ông hổn hển:
- Chạy trốn đi! Bể kèo rồi! Công an đang kiểm tra ngoài bãi biển.
Như tiếng sấm nổ trên đầu. Hai chị em quay ngoắt lại, mạnh ai nấy chạy. Cô gái không hiểu nổi lúc đó sao mình khỏe dữ vậy. Cô không ngược lại con đường dẫn vô phố, mà chạy dọc theo đường sắt. Vài ánh đèn pin quét từ phía bờ biển càng làm cô cuống cuồng lao đi. Ngực thắt lại, nghẹt thở, cô cảm thấy mình sắp ngất xỉu. Ánh đèn điện vàng nhạt hắt ra từ một cánh cửa bằng cót, khép hờ. Căn nhà lợp giấy dầu, cách đường sắt không xa. Sau cú vấp ngã lộn nhào khi nhảy qua đường ray, cô lao bừa vô căn phòng còn sáng đèn kia. Người đàn ông trung niên đang nằm đọc sách bật ngồi dậy khi một cô gái trẻ tóc tai rối bù, quần áo tả tơi đột ngột xuất hiện. Đôi mắt kiếng lấp lóa câu hỏi. Cô gái khoanh tay:
- Chào chú ạ! Cháu xin lỗi đã làm phiền…
Người đàn ông buông cuốn sách xuống. Cô gái kịp nhìn thấy bìa sách màu xanh lá cây có tựa đề Trà hoa nữ. Ồ! Tiểu thuyết của Dumas-con. Ông này cũng biết đọc đó. Chủ nhà hỏi nhẹ nhàng:
- Tại sao vậy?
- Chú ơi! Cứu cháu với! Cháu sợ bị bắt!
Ánh mắt ngạc nhiên nhìn soi mói trên người cô:
- Sao bị bắt?
- Mấy đứa bạn rủ cháu… vượt biên! Giờ thì cháu sợ quá rồi! Cháu nhớ con gái… - Cô gái cúi đầu, vai rung lên, nghẹn giọng.
- Cháu người Bắc hả? Tỉnh nào?
- Vâng ạ! Gia đình cháu trên Kon Tum! Bố mẹ cháu người Hòa Bình ạ!
- Chắc dân Bắc “năm tư”…!
Bây giờ ông ấy trói mình lại, gọi công an tới thì toi đời. Sẽ không được gặp con gái, sẽ không được đứng lớp dạy tụi nhỏ môn tiếng Pháp nữa. Thân gái mảnh mai như mình sẽ chết sớm trong tù thôi. Hình như ánh mắt người đàn ông cũng nói lên những ý nghĩ ấy. Có tiếng người lao xao, ánh đèn pin loang loáng gần đó. Cô sợ rúm người, van lơn nhìn người đàn ông. Kéo bộ quần áo bảo hộ lao động trên dây phơi xuống, ông ta đưa cho cô, chỉ vô phòng phía sau bảo thay đi, rồi mở toang cửa, bước ra ngoài. Nhóm người đi qua nói cười nho nhỏ, thấy ông thì hỏi:
- Chưa ngủ hả anh Năm?
- Chưa! Uống trà Bắc vô… khó ngủ!
- Hè hè! Lại nhớ bà nào ngoài Hà Nội!
- Đi tuần khuya dẫy?
- Tuần tác gì đâu! Vây bắt vượt biển...
- Dẫy na!
Hôm sau là ngày chủ nhật. Ông dặn mấy người còn ở lại cơ quan trông nhà:
- Tui đưa nhỏ cháu về trên Kon Tum cho mẹ nó!
Ông ta dùng chiếc xe Honda nữ màu đỏ chở cô về Kon Tum.
Người đàn ông trước kia là bộ đội tập kết ra Bắc. Năm ấy ông hai mươi tuổi, lần đầu tiên xa quê hương với những niềm tin, nỗi buồn chồng chéo. Cũng thật trùng hợp. Lúc ông lên chiếc tàu biển của Ba Lan ra Bắc, mẹ cô cũng ôm bụng bầu lặc lè xuống tàu ở Hải Phòng vào Nam. Định cư tại Kon Tum được hai tháng thì mẹ sinh ra cô, èo uột chỉ có hai kí rưỡi.
Khi bà mẹ vừa sợ hãi vừa xun xoe làm cơm rượu đãi khách, cô mới có dịp nhìn kỹ dung nhan ân nhân của mình. Ông ta khá trẻ so với tuổi bốn mươi lăm, nước da màu nâu bóng khỏe mạnh. Tuy làm quản lý ở cung đường sắt, nhưng ông mê bóng đá, bóng chuyền.
- Chú cũng đọc Trà hoa nữ ạ?
- Đọc chứ! Tui mê cả hai cha con nhà Dumas, dù hai dòng văn của họ khác nhau. Tui cũng thích Vichto Huygo, Máckét. Tại sao cháu dại dột vượt biên? Lỡ chìm tàu ngoài khơi, mất cả người lẫn của…
Nghe ông nhắc, cô sực nhớ tới chiếc bọc nhỏ cất hai cây vàng giắt ở lai quần. Chắc nó rớt dọc đường khi tháo chạy. Sau này mẹ cô biết chuyện mất vàng, chỉ xuýt xoa than đừng tiếc, coi như của đi thay người. Chứ con gái bà bị chết hoặc vô tù, nghìn vàng không đổi lại. Ông về lại Quy Nhơn, cô xin địa chỉ của ông để viết thư. Hai năm thư từ, vài lần đưa con gái xuống Quy Nhơn chơi, cô đã quyết định ngỏ lời yêu ông. Chính là cô chứ không phải ông. Ông nói còn hai đứa con ở với bà ngoại và dì ngoài Hà Nội. Mẹ chúng bị chết trong đợt giặc Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội năm 1972. Người em dì là bác sĩ, gần bốn mươi tuổi mà chưa lập gia đình. Em dì có ý nguyện nuôi hai đứa cháu thay chị, nên ra sức thuyết phục anh rể:
- Anh cứ đi công tác, lũ trẻ em lo cho. Hãy để các cháu được học tập ở Thủ đô, đừng đưa vào Nam. Nghỉ hưu thì về hẳn ngoài này với con.
Giờ thì ông đứng trước thử thách của tình yêu muộn. Lấy thiếu phụ một con xinh đẹp kia hay chờ nghỉ hưu sẽ ra Bắc với các con? Cuối cùng thì bản tính thích chinh phục của đàn ông đã thắng. Ông có vợ mới, với lời khuyên rất chí tình của cô: “Hàng tháng ba gửi tiền nuôi con. Bao giờ ổn định nhà cửa mình dắt con vô đây em nuôi cho”. Từ hồi yêu ông, cô thay đổi cách xưng hô từ chú qua ba, một cách gọi thay các con mà vẫn thể hiện tình thân thiết chồng vợ.
Cô vợ trẻ là người ngoan hiền, đảm đang. Ông chồng vốn biết cái nết này của phụ nữ miền Bắc từ người vợ trước. Buổi tối, trong nhà giòn giã tiếng cười, nhẹ nhàng giọng Bắc làm lòng ông ấm lại những năm tháng xưa. Cô vợ nói chồng bị lật xe chết năm “bảy tư”, lúc đứa con mới ba tháng tuổi. Giờ nó đã bốn tuổi rồi, chịu sống với bà ngoại chớ không muốn về với ba dượng. Cô được chồng xin cho vô dạy hợp đồng môn tiếng Pháp trong một trường trung học cơ sở. Lương bổng chắc đủ tiền rau dưa, nhưng cô vui vì được theo nghề cũ:
- Chiều nay ba muốn ăn gì? Mực xào hay cá bống kho tiêu?
- Thôi thôi! Mình cho tui miếng tàu hũ với rổ rau sống, chấm mắm cá cơm là ngon rồi.
- Không được! Đàn ông ăn nhiều tàu hũ không tốt! Ảnh hưởng đến sinh lý.
Ông cười hơ hơ:
- Dẫy na! Sao có người cấn bầu rồi đó!
Cái bầu được bốn tháng thì ông tuyên bố xin nghỉ hưu non, rồi đùng đùng dắt vợ về quê trên vùng núi Phù Cát. Ở đó đất hương hỏa còn mấy mẫu, chỉ cần sửa sang lại ngôi nhà cũ của ba má ông ngày trước. Tại sao chồng không chịu ở lại thành phố mà một mực về quê? Cô vợ trẻ linh tính có chuyện gì đó vừa xảy ra với chồng. Có lẽ từ việc ông cưới vợ mới, mà cô lại là con gái của một gia đình Bắc di cư? Mới giải phóng được vài năm, người ta rất quan trọng việc nguồn gốc lý lịch. Ông là cán bộ, đảng viên, chắc có hệ lụy? Thương chồng, cô không than vãn lời nào, thu dọn mớ đồ đạc ít ỏi, rời bỏ thành phố và việc dạyhọc mà mình yêu thích.
Thoắt cái, bà vợ chưa kịp quen với cuộc sống nhà quê, thì ông chồng đã biến thành một tiều phu thực thụ. Bạn bè chẳng ai nhận ra ông cán bộ đường sắt lúc nào cũng chải tóc láng mượt, áo bỏ trong quần phẳng phiu. Ở quê chồng, đêm tĩnh lặng nghe rõ tiếng muỗi bay vo ve, ngọn đèn dầu chỉ đủ soi sáng cái mặt bàn. Năm ngày mới chợ phiên, phải đạp xe mấy cây số mới tới chợ, bán mấy thứ sản vật rừng, mua dự trữ mắm muối, cá khô đủ cho cả tuần. Khi bà vợ sanh ra con Ba thì cuộc sống khó khăn gấp bội, ông chúi mặt trong rừng từ sáng đến tối, hết chặt giang tới đào rễ trầu, bứt sợi trân bện võng… Việc gì làm ra tiền là ông không quản. Buổi sáng, bà vợ dậy từ ba giờ nấu cơm cho chồng dỡ theo vô núi. Cơm nấu dỡ núi phải đổ nhiều nước hơn cơm nấu ăn ở nhà, để khi vắt hạt cơm dẻo và mịn. Khi cơm chín, dỡ vào khăn rồi vắt lại, sau đó gói vào lá chuối hơ qua lửa. Thức ăn thì muối đậu phộng, muối mè. Thường năm giờ sáng ông đã có mặt ở bìa rừng. Bắt đầu việc khai phá sơn lâm. Một lần, đang hì hụi đào bụi mang lấy rễ ăn trầu, ông thấy khúc thân con rắn lớn nằm khoanh tròn, vảy đen bạc lấp lánh. Ông sợ và mừng. Hiện nay người ta lùng mua rắn sống rất nhiều. Càng độc càng đắt tiền. Con rắn này, bán rẻ cũng được hai, ba trăm ngàn, vợ con ông sống được cả tháng. Nhưng ông lại chưa bao giờ biết bắt rắn. Con rắn cứ nằm khoanh tròn trên lớp lá khô, không biết đầu đuôi nó ở khúc nào. Ông lấy con rựa, tách một khoanh rắn gần khúc giữa. Đầu rắn chợt bật ra, ngóc lên cả gang tay, hai cái bạnh nó phình ra, chiếc lưỡi chẻ hai thò thụt, phun khè khè. Ông quýnh. Biết làm sao bây giờ? Tau tóm cổ mày là chắc ăn chứ gì. Chỉ kịp nghĩ vậy, ông nhanh tay tóm ngang cổ rắn. Nó gồng mình, bung thân ra cuốn lấy cánh tay ông, cái đuôi thọc tới nách. Ông cắt một đoạn dây rừng cột chắc cổ con rắn, khoanh tròn nó lại, cột hai ba khúc rồi xỏ đoạn cây ngang, gánh về.
Bà vợ mặt xanh mét, ngã khuỵu chân khi nhìn thấy chồng vác con rắn bự về nhà. Bà lắp bắp một hồi, rồi khóc òa:
- Sao ba liều thế? Trước tới giờ ba có biết rắn rít gì đâu? Con rắn hổ mang này độc lắm, lỡ nó mổ một nhát là ba chết bỏ em với con chứ?
Ông lúng túng xin lỗi vợ. Bà phải thông cảm cho ông. Người ta nói “đói ăn vụng, túng làm càn”, ông liều mạng cũng chỉ vì sợ vợ con đói khổ. Hình như bữa ấy bà mới cảm nhận được hết tình yêu mình dành cho chồng thật lớn lao, trọn vẹn. Cũng lâu lắm, đêm đó bà mới có giấc mơ về quá khứ vàng son của đời con gái. Một dĩ vãng bị vùi chôn rất lâu, rất kỹ từ ngày bà theo chồng về xứ nẫu.
Chiếc xe Jeép nhà binh còn lấm bụi đỏ cao nguyên, chạy vút đi trong tiếng hò reo của lũ bạn gái. Mỗi lần anh đi hành quân chiến đấu về, cô vui nhất là được rủ bốn đứa bạn gái thân cùng trường đi chơi, ăn chè, ăn cơm thập cẩm… theo ý thích của sinh viên. Anh chàng sĩ quan của cô đẹp trai, phong độ theo kiểu lính. Hai bông mai trên ve áo càng tôn thêm vẻ phong trần, bất cần đời. Chàng trung úy lỳ lợm này cảm sắc đẹp dịu dàng của cô gái Bắc từ hai năm trước, lúc cô mới mười bảy tuổi, vừa đỗ tú tài toàn phần. Sau những chuyến du hí kiểu nhà binh, chàng ngỏ ý muốn “rước nàng về dinh”, cha mẹ cô nhất định không đồng ý vì đang tập trung cho con gái thi vào trường đại học Văn khoa Sài Gòn. Cô còn nhớ buổi trưa chủ nhật ấy, anh tới nhà chơi với một gói quà thiệt lớn. Mặt anh đỏ bầm vì bia, áo phanh ngực ngang tàng.
- Thưa hai bác! Xin hai bác thương tụi con mà cho con làm rể! Cưới xong, vợ con vẫn tiếp tục vô giảng đường đại học. Con thì lính chiến nay đây mai đó, lâu lâu mới về thăm được một lần. Nếu hai bác không đồng ý, bữa nay con quyết ngồi lại đây!
Anh chàng đặt lên bàn một… trái lựu đạn, làm cô kêu rú lên, ngất xỉu. Cha cô nghiến răng ngồi im, nhưng mẹ cô là người nhát chết. Bà lay gối chồng, giục:
- Gả quách đi ông ơi! Thôi không tôi vỡ tim mất. Thời chiến có con gái trong nhà khác chi bom nổ chậm.
Vậy là đám cưới rình rang được tổ chức. Sau ba ngày trăng mật, anh chồng theo đơn vị ra Đà Nẵng, cô tiếp tục xuống Sài Gòn học. Mỗi lần chồng được nghỉ phép, cô theo xe đò về Ban Mê Thuật gặp nhau. Những đêm ân ái cuồng nhiệt, những ngày vui chơi thả cửa và những trận đòn ghen bầm dập. Chồng cô hay ghen, thấy bài thơ tình nào trong cặp vở của vợ cũng ghen, thấy cô sửa sang lại mái tóc dài cũng ghen, hoặc thấy vợ đẹp quá thì cũng ghen!
- Tao đi trận, mày ở nhà cặp với những thằng nào? - Chồng cô thường quấn mái tóc dài của vợ vô chân giường, vừa đánh vừa hỏi.
Cô chỉ biết khóc. Cô không yêu ai ngoài chồng. Nhưng hình như những người lính, sau mỗi lần ra khỏi chiến trận đều có thái độ ấy. Cho đến cuối năm bảy tư, cô đang mang bầu đứa con đầu được ba tháng thì nhận tin dữ. Xe của chồng cô trúng mìn du kích, chết trận ngoài Ba Tơ. Cô trở thành góa phụ năm hai mươi tuổi, với cái bụng bầu.
Sau giải phóng miền Nam, cô dắt con về ở với ông bà ngoại ở Kon Tum, hàng ngày chịu đựng ánh mắt xót xa của người thân. Cha cô mỗi lần uống rượu vào là lại rỉa rói vợ là kẻ tham quyền, ham phú quý, đến nỗi để con gái góa chồng lúc lông tơ trên mặt còn chưa rụng hết. Mẹ cô bị chửi quá, thường gầm lên:
- Tôi khắc nuôi được con, được cháu! Không bận gì đến ông!
Cũng có nhiều đàn ông trí thức có hoàn cảnh dang dở tìm tới cô, ngỏ lòng yêu. Lúc đó cô đẹp lắm. “Gái một con trông mòn con mắt”, nhưng chẳng ai biết cô đã từng làm mẹ. Cô như một cành xanh tươi non, thanh khiết và mơn mởn sức sống. Nhưng trái tim cô thì đã khép lại. Những ngày vui ngắn ngủi, những trận đòn ghen đau đớn hằn trong ký ức, cô hận chồng nhiều lắm. Hận anh đem hư danh đến nhử tuổi thanh xuân của mình. Hận anh với những đòn roi tủi nhục còn nhiều hơn yêu thương. Hận anh bỏ mặc cô với đời, mà lặng lẽ ra đi không một lời trăng trối. Cô cảm thấy cuộc sống thật ngột ngạt, nên quyết định xin mẹ một số vàng, theo bạn đi vượt biên, hi vọng tìm vùng đất hứa…
Cơn mê dài, vật vã tới gần sáng. Bà choàng thức với hai dòng nước mắt chảy đẫm gối. Bà biết rằng, ông già chân chất kia mới chính là điểm tựa cho cuộc đời bà. Ông không sang giàu phú quý, nhưng ông cho bà sự bình yên và trân trọng. Sống với ông, bà thấy mình được là một con người hữu ích. Hai đứa con riêng của ông cũng thật hiếu thảo, chứng tỏ chúng được giáo dục trong một môi trường tốt. Mỗi quý, họ đều gửi cho ông bà một số tiền, nhưng lại nói khéo rằng: “Gửi biếu dì và các em”. Đến đứa con gái riêng của bà, đến bây giờ nó cũng chưa biết gì về ba nó, một sĩ quan quân đội Sài Gòn. Từ nhỏ nó vẫn gọi ông chồng bà là ba, lý lịch nó khai mang tên ông. Thực lòng, có lúc bà muốn nói với con về người đích thực sinh ra nó, nhưng bà lo sợ con sẽ bị sốc, công việc của nó ở một cơ quan nhà nước bị ảnh hưởng. Kể cả ông cũng không hay biết gì về người cũ của vợ mình. Nói đúng ra là ông chẳng quan tâm. Ông yêu thương bà và sống hết lòng vì vợ con. Như bữa ông bắt rắn đó, bà nghĩ lại còn rùng mình. Ông ấy đã dám liều chết vì mẹ con bà.
Bà thấy như mình lừa dối chồng suốt mấy chục năm qua. Một ngày thuận lợi nào đó, nhất định bà sẽ thật thà kể hết quá khứ đời mình với ông. Ông là người hiền lành, bao dung, chắc không nỡ lòng nào trách móc vợ.
Sương sớm lành lạnh, tự dưng bà muốn ôm lấy chồng.
- Ba ơi! Ba à!
Bà gọi khẽ, không thấy ông trả lời. Bật đèn pin lên, bà phì cười vì thấy chồng nằm ngửa nghiêm ngắn, bên trái là con Ba, bên phải là con Út, chúng giành nhau gối đầu tay, mỗi đứa ôm và gác chân lên một bên bụng ông.
Ngày 19-3-2018