Vũ Hoàng (ACMilanVN)
Người Anh tạo ra bóng đá nhưng người Pháp mới đưa bóng đá tiến lên thời kỳ hiện đại. Và chúng ta đang nói về một người đàn ông khiêm nhường nhưng ý tưởng và hành động của ông đã biến bóng đá trở thành một trò chơi vĩ đại…
Gabriel Hanot (Nguồn: Twitter)
Ngôi làng nhỏ được bao bọc bởi những ngọn đồi và rừng cây xanh mướt. Vào một ngày cuối thế kỷ XIX, Gabriel Hanot đã chào đời tại đây và trải qua những năm tháng ấu thơ giữa khung cảnh thanh bình ấy. 50 năm sau, ông đã sống giữa một thế giới thời hậu chiến, phát triển điên cuồng và chính bản thân tham gia vào sự thay đổi của bóng đá. Nhưng ở thời điểm Hanot xuất hiện, ngôi làng Wangenbourg-Engenthal quê ông thực sự không có gì nổi bật. Ngôi làng này chỉ có một chút tiếng tăm khi vào thập niên 1940, vị Tổng thống Pháp tương lai, Chuẩn tướng Charles De Gaulle, đã đến đây tá túc trong vài tháng trước khi đem quân ra nước ngoài để tiến hành cuộc kháng chiến chống phát xít.
Có lẽ để lo cho việc học của con cái, cha mẹ Hanot đã quyết định rời làng để tới Tourcoing sinh sống nhằm tiếp cận với một nền giáo dục ưu tú hơn. Thị trấn này nằm ở gần biên giới với nước Bỉ và đang bắt đầu thịnh hành một môn thể thao mới toanh với người Pháp: bóng đá. Hanot nhanh chóng làm quen và thích thú với bóng đá. Ở tuổi thiếu niên, ông bắt đầu luyện tập và thể hiện được năng khiếu thiên bẩm của mình. Khi còn đang học trung học, Hanot đã được đội bóng US Tourcoing để mắt đến và ký một bản hợp đồng chuyên nghiệp. Sự nghiệp của Hanot lên nhanh như diều. 17 tuổi, ông trở thành cầu thủ chính thức của đội bóng. 18 tuổi, ông được triệu tập vào đội tuyển quốc gia và chơi rất nổi bật.
Thế nhưng, sự nghiệp của Hanot đáng lý sẽ còn lên cao hơn nữa thì một mâu thuẫn nổ ra giữa Hiệp hội Thể thao Xã hội Pháp với FIFA. Do phản đối FIFA quy định mỗi quốc gia chỉ có một đại diện duy nhất, Hiệp hội này đã quyết định rời khỏi tổ chức và bị thay thế ngay lập tức bởi Ủy ban liên hiệp Pháp CFI. Vốn trước đó, Hiệp hội Thể thao Xã hội là cơ quan chủ quản của đội tuyển quốc gia Pháp nhưng giờ, họ đã bị tước đi quyền ấy. Kết quả, Hanot không thể tiếp tục khoác áo Les Bleus nữa. Năm ấy, ông mới chỉ 21 tuổi. Để tránh lãng phí thời gian, Hanot đã vạch ra cho mình một kế hoạch mới. Ông sang Đức.
Nước Đức thời kỳ này cũng đang trong quá trình phát triển bóng đá. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, họ chưa có một giải vô địch thống nhất mà được chia ra thành nhiều vùng khác nhau. Preussen khi ấy là một đội bóng hạng khá của Berlin và Hanot đã lựa chọn đó là điểm đến của ông. Do CLB thiếu hụt vị trí hậu vệ trái, Hanot đã lấp vào chỗ trống dù sở trường của ông là tiền đạo cánh trái. Ở vai trò mới, ông vẫn thể hiện đẳng cấp ngôi sao và đưa Preussen giành ngôi quán quân của vùng Brandenburg. Sau 2 năm ở Đức, Hanot lại quay về quê hương bởi lúc này, mâu thuẫn giữa CFI và Hiệp hội Thể thao Xã hội Pháp đã được hòa giải. Song, một vấn đề khác đã xuất hiện để ngăn ông thăng tiến: chiến tranh.
Tháng 6-1914, Đại công tước Franz Ferdinand bị ám sát. Sự kiện ấy như giọt nước làm tràn ly, thổi bùng lên mâu thuẫn đang âm ỉ giữa các cường quốc. Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất đã nổ ra. Hàng triệu thanh niên, bao gồm cả những cầu thủ bóng đá, bị động viên (hoặc bắt ép) ra tiền tuyến để phục vụ cho tham vọng của những ông chủ. Hanot cũng không ngoại lệ. Ở tuổi 24, ông bắt đầu sung quân và tham chiến ở các chiến trường miền Đông. Thế chiến thứ Nhất là cuộc chiến mà nhiều người Pháp bỏ mạng nhất trong lịch sử của mình. Tổng cộng có gần 1,4 triệu thanh niên đã hi sinh tại các chiến trường lớn nhỏ, gấp 6 lần Thế chiến thứ Hai. Rất nhiều cầu thủ bóng đá Pháp đã vĩnh viễn nằm lại mặt trận, trong số đó có cả Julien Verbrugghe, cầu thủ trẻ nhất lịch sử Les Bleus hay các cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia như Marius Royet và Andre Francois.
Năm 1915, Hanot bị quân Đức bắt làm tù binh. Đó là lúc mà ông cảm thấy quãng thời gian 2 năm chơi bóng ở Đức thực sự có ích. Cùng với sự dũng cảm, thông minh và vốn tiếng Đức xuất sắc, Hanot đã vượt ngục thành công và đi qua vùng chiếm đóng của người Đức khá dễ dàng để trở về chiến tuyến. Bắt đầu từ đây, ông phục vụ trong lực lượng không quân và chơi bóng dưới màu áo của Hiệp hội Thể thao Pháp trong những ngày rảnh rỗi. Sau khi Thế chiến kết thúc, Hanot đá bóng thêm 1 năm nữa và quyết định treo giày ở tuổi 29 sau những vết thương chiến tranh để chuyển sang một lĩnh vực khác mà ông thấy mình có thể đóng góp tốt hơn, đó là báo chí.
Năm 1920, Hanot đến làm việc tại tờ báo thể thao Miroir des Sports và sau đó vài năm, chuyển sang tờ L’Equipe. Chỉ cần một thời gian ngắn ngủi, với ngòi bút sắc sảo cộng thêm kinh nghiệm của một tuyển thủ quốc gia và một người lính từng nhiều năm tham chiến, ông nhanh chóng nổi bật trên truyền thông. Một loạt phóng sự và bình luận của Hanot lúc ấy gây chấn động với giới thể thao. Ông thôi thúc và cổ vũ các nhà lãnh đạo chuyển bóng đá Pháp sang chuyên nghiệp, giống như nước Anh và nước Đức. Từ một môn thể thao từng bị kỳ thị bởi những người nông dân ở cuối thế kỷ XIX, bóng đá đã dần trở thành thú vui rồi sau đó là niềm tự hào và yêu mến của họ.
Không chỉ dùng sức mạnh của ngôn ngữ, Hanot còn trực tiếp tham gia vào việc thay đổi diện mạo bóng đá Pháp. Năm 1930, ông thành lập Hiệp hội Giáo dục Bóng đá để hướng tới công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Chính Hiệp hội do ông làm Chủ tịch đã tổ chức một cuộc thi cho các cầu thủ trẻ trước những trận chung kết Cup quốc gia Pháp. Cuộc thi này nhờ đó đã phát hiện ra khá nhiều nhân tài xuất sắc như Michel Leblond, Jean-Michel Larqué – người đang nắm giữ kỷ lục về số lần vô địch Ligue 1 và đặc biệt nhất là Quả Bóng Vàng châu Âu 1958 Raymond Kopa.
Tháng 12-1934, Hanot đã viết một bài báo mô tả ý tưởng về một giải đấu cấp CLB tầm cỡ châu lục. Đó không phải là ý tưởng quá mới mẻ với thời bấy giờ. Thực tế thì vào năm 1927, một số quốc gia ở vùng Đông-Nam Âu đã hình thành Cup Mitropa và cử các đại diện của mình tham gia. Thế nhưng, Cup Mitropa chỉ tổ chức trong một phạm vi nhỏ hẹp còn Hanot thì muốn nâng giải đấu lên mức độ toàn châu Âu. Một trong những lý do khiến ông mạnh dạn như thế là bởi sự phát triển của ngành hàng không thương mại. Những chiếc máy bay thương mại cho phép các cầu thủ di chuyển từ nước này sang nước khác dễ dàng hơn thay vì mệt mỏi vài ngày trên những chuyến xe lửa hay tàu thủy. Cần phải hiểu rằng vào thập niên 1930, bóng đá có rất ít trận thi đấu quốc tế vì điều kiện giao thông vô cùng khó khăn. Chính vì vậy mà World Cup lần thứ nhất không được nhiều quốc gia châu Âu ủng hộ bởi họ cảm thấy ngồi tàu vượt biển để tới Nam Mỹ suốt vài tháng là rất… phiêu lưu. Tuy nhiên, những lời kêu gọi của Hanot đã không được đáp ứng. Những Liên đoàn bóng đá quốc gia lúc ấy vẫn giữ thái độ “bế quan tỏa cảng” và chỉ tiến hành thi đấu nội bộ. Phải đến 20 năm sau, tức năm 1954, khi mà Wolverhampton được báo chí Anh tôn vinh là “nhà vô địch thế giới” sau vài trận giao hữu thành công, Hanot mới biến được ý tưởng của mình thành hiện thực.
Cầm những tờ báo lá cải của người Anh trên tay, Hanot giận run người. Ông lập tức ngồi vào bàn và viết một bài bình luận, theo đó chỉ ra rằng, chừng nào Wolverhampton chưa đến các sân đối phương để thi đấu và chừng nào họ chưa đánh bại được những Real Madrid hay AC Milan (lúc ấy được coi là những CLB mạnh nhất châu Âu) thì chừng đó họ vẫn chưa thể tự vỗ ngực là “nhà vô địch thế giới” được. Hanot đã mời các đồng nghiệp Jacques Ferran và Jacques de Ryswick tới phòng làm việc để thảo luận về kế hoạch của ông. Tổng Biên tập Jacques Goddet cũng tham gia cuộc họp. Buổi thảo luận đã đưa ra quyết định rằng L’Equipe sẽ vận động UEFA và các CLB tổ chức một giải đấu chưa từng có, giải đấu dành cho các nhà vô địch quốc gia trên toàn châu Âu, không phân biệt đó là phía Tây hay phía Đông, một giải đấu hoàn toàn vì thể thao và không được để chính trị xen vào.
Dưới sự nỗ lực của các nhà báo mà đứng đầu là Hanot, một loạt CLB đã nhiệt tình ủng hộ và cuối cùng, UEFA đã thông qua việc tổ chức Cup châu Âu bắt đầu từ mùa giải 1955-56. Để tôn vinh những nhà báo người Pháp đã khai sinh ra giải đấu, UEFA quyết định trận chung kết Cup châu Âu đầu tiên trong lịch sử sẽ được tổ chức tại Paris. Cup châu Âu cũng được L’Equipe ấn định thi đấu vào thứ Tư hàng tuần, vừa để tránh các cuộc đấu tại giải vô địch quốc gia, vừa để tăng doanh số bán báo giữa tuần của họ. Thật là nhất cử lưỡng tiện!
Hanot không bao giờ được chứng kiến bóng đá Pháp lên ngôi. Ông mất năm 1968 ở chính ngôi làng đã sinh ra mình. Kể từ đó, tên tuổi ông bắt đầu chìm vào quên lãng. Người Pháp đã không còn nhớ tới nhà báo vĩ đại, người đã tạo ra bộ mặt cho bóng đá hiện đại. Một điều hài hước đầy mỉa mai là Liên đoàn bóng đá Pháp còn ghi sai ngày sinh của ông. Họ đã ghi ông sinh ngày 13-12-1901, tức là theo họ, ông đã được gọi vào đội tuyển quốc gia Pháp ở tuổi lên… 6. Cũng chẳng có bức tượng hay tên đường phố nào để vinh danh ông cả. Tên tuổi ông đã hòa vào dòng chảy của bóng đá. Cho đến ngày UEFA chính thức công nhận ông là người cha khai sinh ra Cup châu Âu hiện đại.
Những con người vĩ đại chỉ cần di sản của họ được trường tồn là đủ để tôn vinh…