Vũ Hoàng (ACMilanVN)
Có một cái tên khiến tôi phải bất ngờ khi tìm hiểu những thông tin về hành trình của Cup châu Âu. Tên của ông là Jacques Ferran. Bạn đã bao giờ nghe thấy cái tên này chưa? Tôi cá là chưa! Ferran đã chìm vào trong bóng tối sau khi ông nghỉ hưu vào năm 1985, và khi ông qua đời đầu năm 2019 ở tuổi 99, chẳng một tờ báo thể thao Việt Nam nào đề cập đến tên ông. Nhưng ở châu Âu, ông là nhân vật được giới bóng đá tôn kính bởi những đóng góp vượt xa tầm ảnh hưởng của một nhà báo đơn thuần.
Jacques Ferran (Nguồn: UEFA)
Jacques Ferran là một người thực sự công bằng. Đối với ông, bóng đá trước tiên phải công bằng. Ông không bao giờ đặt lợi ích của đất nước mình lên trên nếu nó đi ngược lại với sự công bằng trong thể thao. Cuối năm 1977, khi “hoàng tử” Michel Platini đã trải qua một năm thi đấu tuyệt hay và được giới bóng đá Pháp vận động hết mình trong cuộc đua Quả Bóng Vàng, Ferran vẫn bỏ phiếu bầu chọn Allan Simonsen cho vị trí số 1 và Kevin Keegan cho vị trí số 2. Lá phiếu này đã khiến cho Platini vô cùng tức tối nhưng nó lại phản ánh đúng hoàn toàn cục diện cuộc đua tranh. Năm ấy, Simonsen đã đoạt Quả Bóng Vàng, Keegan Quả Bóng Bạc và Platini chỉ về đích ở vị trí thứ 3. Kết quả thể hiện tầm nhìn chính xác của Ferran trong môn bóng đá.
Ferran không phải là một người đam mê bóng đá từ trong máu. Khi còn ấu thơ, niềm yêu thích của ông dành cho văn học và đặc biệt là kịch nói. Nền tảng gia đình khá sung túc cho phép Ferran được sống cùng đam mê. Là con trai cả của một thẩm phán, ông được tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học cổ điển và có thói quen suy tư từ rất sớm. Năm 18 tuổi, Ferran theo ngành Cử nhân Văn chương của Đại học Montpellier, một trong những trường đại học lâu đời nhất thế giới. Cuộc đời của ông những tưởng sẽ đi theo một con đường bằng phẳng thì Thế chiến thứ Hai nổ ra. Vào lúc ông đang theo học năm thứ 3 đại học thì nước Pháp thất thủ. Quân đội Đức Quốc xã tiến vào Paris và Chính phủ Vichy sau đó đã tuyên bố cộng tác với Hitler. Sự hợp tác này dẫn đến việc hàng trăm ngàn thanh niên Pháp bị quân phát xít lùa vào các trại lao động cưỡng bức. Gia đình Ferran nhận định nếu không kịp thời trốn khỏi Montpellier, rất có thể sẽ đến lượt họ. Bởi thế, vào một ngày mùa xuân năm 1943, Ferran mang cả gia đình ông rời khỏi quê hương, đi xuyên qua các làng mạc và thị trấn để đến bờ Tây của nước Pháp. Tại đó, họ lánh nạn giữa vùng nông thôn thơ mộng của d’Arsac cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Năm 1945, Ferran trở lại quê nhà. Tại đây, ông bắt đầu sự nghiệp phóng viên khi gia nhập tờ Tigre. Ferran vẫn giữ niềm đam mê văn chương của mình. Ông đã tự thử thách nó bằng việc đi dạy học một thời gian song cuộc sống sôi động của một nhà báo đã cuốn hút ông hơn. Năm 1948, Ferran nộp đơn xin vào tòa soạn của tờ L’Équipe. Ông được giao ngay nhiệm vụ lớn, đó là tới Nam Mỹ để đưa tin về một giải đấu rất mới mẻ có tên dài thượt “Campeonato Sudamericano de Campeones”. Đây là giải đấu do CLB Colo Colo của Chile tổ chức, quy tụ 7 nhà vô địch của 7 quốc gia Nam Mỹ lúc bấy giờ. Riêng Brazil, do chưa hình thành giải vô địch quốc gia nên Vasco Da Gama, CLB vô địch bang Rio, được phép tham dự giải. 7 đội bóng lớn đá vòng tròn 1 lượt để tính điểm nhằm chọn ra đội đoạt Cup. Mặc dù là chủ nhà nhưng Colo Colo không được đánh giá cao. Theo quan điểm của Ferran khi ấy, Vasco Da Gama, River Plate và Nacional mới là những ứng viên của danh hiệu. Bất chấp việc River đang sở hữu hàng tấn công siêu mạnh, trong đó có thiên tài Manuel Moreno cùng tiền đạo vĩ đại Atilio Garcia, họ đã bất ngờ bị Nacional giã đến 3 bàn không gỡ và ngậm ngùi nhìn Vasco đăng quang với 1 điểm nhiều hơn.
Trong suốt gần 40 ngày ăn dầm nằm dề ở Chile, chàng thanh niên Ferran đã tận mắt chứng kiến sự thành công vang dội của giải đấu giữa những CLB chưa từng đụng độ nhau trước đó. Các nhà vô địch đã cống hiến những trận đấu đẹp mắt và thu hút gần 1 triệu lượt khán giả tới sân. Sau này, Ferran tâm sự với tờ El Mercurio rằng: “Chắc chắn Cup châu Âu không thể tồn tại nếu không có giải vô địch các CLB Nam Mỹ 1948, bởi lẽ, giải đấu này đã thúc đẩy sự hình thành những ý tưởng của chúng tôi. Rõ ràng, giải đấu năm đó đã đẩy nhanh quá trình này.” Cũng chính trong dịp tới Nam Mỹ ấy, Ferran đã lần đầu tiên được chứng kiến tài năng của một chàng trai rất trẻ có tên là Alfredo Di Stefano, người mà định mệnh sẽ trao cho thanh gươm để thống trị chiếc Cup châu Âu mà ông sẽ tạo ra trong tương lai.
Trở về châu Âu, Ferran bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp báo chí của mình. Là một người rất giỏi văn chương, các bài báo về bóng đá của ông luôn thu hút lượng lớn công chúng bởi ngôn từ sắc sảo, cộng thêm những nhận định chính xác và sâu sắc. Nhờ những bài báo của Ferran, độc giả đã hiểu bóng đá không chỉ là một trò chơi. Nó còn là chiến lược, là tầm nhìn của những nhà lãnh đạo, thậm chí là cả các quan điểm về chính trị và xã hội nữa. Sự xung đột trong bóng đá đôi khi vượt ra khỏi ranh giới về thể thao và có thể mang ý nghĩa quốc gia. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ferran đã trở thành nhà báo nổi tiếng khắp nước Pháp. Ông cũng nhanh chóng thân thiết với một đồng nghiệp lão làng tên là Gabriel Hanot. Cả hai chia sẻ rất nhiều quan điểm về bóng đá và báo chí với nhau.
Wolves đấu với Honved
(Nguồn: Guardian)
Năm 1954, sau khi Wolverhampton đánh bại Honved trong một trận giao hữu, cả nước Anh sôi lên sùng sục và báo chí xứ sở sương mù đã gọi bừa Wolves là “nhà vô địch của thế giới”. Ferran cảm thấy nóng mặt. Đúng lúc ấy, Hanot tới gặp ông và cả hai đã bàn bạc với nhau về một giải đấu mới. “Làm sao mà châu Âu, vốn muốn dẫn đầu thế giới bóng đá, lại không thể tổ chức một giải đấu như của Nam Mỹ? Chúng ta cần làm theo tấm gương ấy.” Ferran và Hanot nhận định rằng cần phải tập hợp các CLB vô địch các quốc gia châu Âu để tìm ra đội bóng số 1 thực sự, thay vì những trận đấu giao hữu vô bổ và những lời tán dương vượt quá sự thực sau đó. Để hiện thực hóa giấc mơ, Ferran đã thức thâu đêm để soạn thảo bản kế hoạch Cup châu Âu.
Sau khi bản kế hoạch hoàn tất, hai nhà báo tới gặp Tổng Biên tập Jacques Goddet và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. L'Équipe đề xuất lên UEFA về ý tưởng Cup châu Âu và được thông qua vào mùa hè năm 1955. Ferran lúc này đã chuyển tới làm biên tập viên của một tờ báo khác, đó là France Football. Một lần nữa, ông lại là nhà tiên phong cho thế giới bóng đá. Năm 1956, tức là chỉ 1 năm sau khi Cup châu Âu ra đời, Ferran nêu lên ý tưởng tìm ra cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu trong năm với sự bình chọn của các nhà báo khắp lục địa. Ban giám đốc của France Football tán thành ý tưởng của Ferran và cuối năm ấy, họ mời các nhà báo thể thao nổi tiếng nhất ở các quốc gia tới trụ sở để bầu chọn một giải thưởng có tên là “Quả Bóng Vàng”. Kể từ đó, Quả Bóng Vàng sẽ song hành cùng với Cup châu Âu và trở thành hai niềm khao khát của mọi cầu thủ trên toàn thế giới.
Mặc dù có công lao to lớn trong việc tạo dựng nên bộ mặt bóng đá thế giới hiện đại, Ferran vẫn không đi vào con đường quản lý chuyên nghiệp. Đối với ông, khát vọng lớn nhất là làm cho bóng đá trở nên hấp dẫn hơn. Bằng tình yêu thể thao và trí tuệ mẫn tiệp, những bài viết của ông luôn bảo vệ tầm vóc và sự công bằng trong môn bóng đá. Ảnh hưởng của ông còn tiếp tục kéo dài khi vào năm 1973, ông cùng với một số nhân vật lớn khác đã sáng lập nên CLB Paris Saint-Germain, một đội bóng theo xu hướng hiện đại bậc nhất của bóng đá Pháp.
Ferran quyết định từ giã làng báo vào năm 1985, ngay sau trận chung kết Cup châu Âu giữa Liverpool và Juventus. Sự kiện bi thảm ở Bỉ đã tác động rất mạnh đến ông. Những gì mà cả cuộc đời Ferran cố gắng tạo dựng đã có một vệt đen không bao giờ xóa mờ và ông cảm thấy đã đến lúc mình cần dừng lại. Những năm tháng cuối đời, Ferran còn tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của Champions League thay thế cho “đứa con Cup châu Âu” của mình. Sự phát triển khủng khiếp của thể thức mới cộng với cơn bão kim tiền do bản quyền truyền hình mang lại đã làm phân hóa sâu sắc các CLB. Giờ đây, chỉ có một nhóm những đội bóng tinh hoa mới đủ khả năng đua tranh ngôi vô địch. Những bất ngờ ở trận chung kết như Reims, Steaua Bucharest, Malmo, Forest hay Aston Villa sẽ không bao giờ còn nữa. Năm 2006, khi Cup châu Âu tròn 50 tuổi, Ferran đã nói về sự day dứt của ông: “Ngày nay, các quốc gia nhỏ yếu hầu như đứng ngoài cuộc chơi bóng đá. Tất cả những gì quan trọng chỉ là tiền bạc. Chúng tôi tự hỏi rằng liệu có phải chúng tôi đã tạo nên một điều gì đó dẫn tới cái chết của thể thao hay không? Nhưng như mọi người thấy đấy, đó là cuộc sống…”
Tháng 12-2017, Ferran được tạp chí France Football mời tới trao giải thưởng Quả Bóng Vàng cho siêu sao Cristiano Ronaldo. Lúc ấy, ông vừa trải qua một ca phẫu thuật và sức khỏe rất yếu nên buộc lòng phải từ chối. Mặc dù vậy, cho đến tận cuối đời, ông vẫn giữ được sự minh mẫn của mình khi luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn bất cứ khi nào có thể. Nhà báo thể thao vĩ đại này qua đời vào tháng 2-2019, khi đã gần 99 tuổi. Gần trọn thế kỷ của cuộc đời, Ferran đã góp phần tạo nên một thế giới bóng đá sôi động như ngày hôm nay. Trên trang chủ của mình, UEFA cũng xác nhận chính thức Ferran, cùng với Gabriel Hanot, chính là những người đã khai sinh ra Cup châu Âu.
Bằng tất cả trí tuệ, tình yêu và lòng nhiệt huyết của mình…