Vũ Hoàng (ACMilanVN)
“Wolverhampton Wanderers - The Champions of World”!
Thật là một cái tít mê ly và đầy say đắm! Bây giờ, Wolves đang lóp ngóp ở top dưới của giải Ngoại hạng nhưng vào thời điểm mà Cup châu Âu còn chưa chào đời, đó là cái tên người Anh lấy làm tự hào và muốn khoe với cả thế giới rằng sự thống trị của họ vẫn còn tồn tại.
Người Anh không thể nào quên cái đêm tủi nhục tại Wembley vào ngày 25-11-1953 ấy. Trước khi Hungary thần thoại của Puskas và Kocsis giã 6-3 cho đội tuyển Anh, trong suốt hơn 80 năm, tất cả các đội bóng xứ sở sương mù, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, đã bảo vệ sự tôn nghiêm của nơi khai sinh ra bóng đá. Họ chống trả lại mọi cuộc tiến công của các đội bóng nước ngoài và bất bại cho đến cái đêm ở Wembley ấy. Trận thua trước Hungary là một gáo nước lạnh hắt vào cái đầu tự mãn của người Anh. Nhà báo Gabriel Hanot đã bình luận: “Người Anh chiến đấu với dĩa và liềm còn người Hungary có vũ khí tự động.” Sự tự tôn của quê hương bóng đá một lần nữa bị giày vò. Ở trận tái đấu tại Budapest 6 tháng sau đó, đội Anh thiếu vắng cầu thủ vĩ đại nhất của mình là Stanley Matthews, do vậy, không còn ai đủ tài năng đọ sức với các siêu sao chủ nhà; kết quả là, thầy trò Winterbottom còn chịu sự sỉ nhục lớn hơn: 1-7.
Chính vì những thất bại liên tiếp trước Hungary và trước đó là World Cup 1950 muối mặt, giới truyền thông Anh chỉ chờ đợi một dịp để “gáy” vang trời. Và cái ngày lịch sử ấy đã đến.
Cho đến thập niên 1950, việc có hệ thống đèn chiếu sáng là của hiếm trong bóng đá. Vì các trận đấu cần đủ ánh sáng nên đa phần, thời gian các cầu thủ ra sân luôn là khoảng sau giờ trưa. Mãi đến năm 1950, Southampton mới trở thành CLB tiên phong trong việc lắp đèn pha trên sân The Dell của họ. Như vậy, thay vì đá vào buổi chiều sớm, giờ đây, đội bóng này còn đá được cả vào buổi tối nữa. Thật là một cuộc cách mạng vĩ đại!
Tất nhiên, Wolves không thể bỏ qua sự cách tân này được. Các cốp của “Bầy sói” lập tức lên kế hoạch và cuối cùng, năm 1954, đội bóng đã hoàn tất việc lắp đặt dàn đèn pha xịn sò cho Molineux. Khác với Southampton, Wolves tận dụng ngay cơ hội để quảng bá thương hiệu. Họ vừa giành ngôi vô địch Anh lần đầu tiên vào mùa hè năm ấy và đây là lúc để tạo dựng danh tiếng của mình. Ban lãnh đạo Wolves lập tức mời một số CLB nước ngoài tới Anh giao hữu tại Molineux nhưng các trận đấu thay vì diễn ra vào lúc chiều thì nó lại diễn ra vào buổi tối mịt.
Tất cả chỉ vì cái dàn đèn pha xịn sò mới cáu.
Lần lượt các ngôi sao Nam Phi, Celtic, Racing Club, Spartak Moscow và Maccabi Tel Aviv đã tới đấu với đội chủ nhà. Đây đều là những đội bóng tên tuổi lúc ấy. Celtic vừa giành chức vô địch Scotland. Racing là CLB thống trị bóng đá Argentina nhiều năm trong khi Spartak thuộc nhóm mạnh nhất của Liên bang Xô viết. Wolves đã giành được những kết quả đáng khâm phục khi họ bất bại trước các đối thủ này, trong đó có các trận thắng hủy diệt trước những đội bóng đến từ Israel và Liên Xô. Đó là tiền đề để Wolves tự tin đối mặt với đội bóng vĩ đại mang tên Honved.
Ngày nay, có lẽ nhiều người không biết đến Honved nhưng cách đây ngót 70 năm, đây là một CLB cực kỳ phi thường. Họ sở hữu một dàn sao mà chỉ nghe qua tên đã thấy chóng mặt như Puskas - một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, Kocsis - vua phá lưới World Cup 1954, Grosics - một trong những thủ môn hay nhất lịch sử và là thần tượng bóng đá trong thế kỷ XX của Hungary, hay Czibor - sau này là thành viên trụ cột của Barcelona cuối thập niên 1950. Có thể mời Honved sang đá giao hữu trong kỷ nguyên của Chiến tranh Lạnh thì rõ ràng là một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao và đẩy danh tiếng của Wolves lên cao vút. Chính vì lý do ấy, BBC đã quyết định làm một việc hết sức đặc biệt: tường thuật trực tiếp trận đấu. Bây giờ, với truyền hình cáp và internet, việc xem trực tiếp một trận bóng đá đỉnh cao là quá sức bình thường. Nhưng vào thời mà không phải nhà nào cũng có ti vi, phát trận đấu đang diễn ra trên sóng truyền hình là một điều vô cùng mới mẻ. Trước đó 1 năm, trận chung kết Cup FA được mệnh danh là “chung kết của Matthews” mới là chương trình bóng đá đầu tiên phát sóng trực tiếp. Chính vì sự kiện đặc biệt này, trận đấu giữa Wolves và Honved đã được cả nước Anh háo hức đón xem.
Tỷ số đã thay đổi từ sớm. Honved, với sức mạnh của các siêu sao hàng đầu thế giới, đã nhanh chóng dẫn trước 2-0 chỉ sau 15 phút. Thủ thành Bert Williams, một cựu nhân viên của Không quân Hoàng gia Anh, bay nhảy như chú mèo (ông có biệt danh là “The cat”) trong khung gỗ để cứu thua cho Wolves. Nếu không có Williams, cách biệt có lẽ phải lên đến 4-5 bàn. Nhờ tài nghệ của Williams, tinh thần các cầu thủ chủ nhà đã dần lấy lại và bắt đầu kiểm soát thế trận. Thế nhưng, dù cầm bóng nhiều hơn, Wolves vẫn chỉ loanh quanh ngoài khu cấm địa và thi thoảng sút cầu may về phía khung thành của Honved. Vào giờ nghỉ giải lao, huấn luyện viên Stanley Cullis nghĩ ra một kế. Ông ra lệnh cho nhân viên sân bóng mang bình nước ra tưới lên cỏ cho nó… đẹp. Trước đấy, trời đổ mưa liền mấy ngày và sân bóng vẫn còn khá ướt. Cullis nhanh chóng nhận ra sự khác biệt ở đôi giày của hai đội. Với những chiếc giày khá nhẹ, các cầu thủ Honved chắc chắn sẽ gặp khó khăn trên mặt sân lầy lội. Quả nhiên, ông đã đúng. Ron Atkinson, huấn luyện viên tiền nhiệm của Sir Alex Ferguson ở MU, lúc ấy cũng tham gia tưới nước, nhớ lại: “Tôi luôn tin chắc chắn rằng, nếu Cullis không ra lệnh tưới nước cho chúng tôi, có lẽ Honved đã thắng tới… 10-0.” Sau khi màn tưới nước được thực hiện, mặt sân Molineux trông như bãi chăn bò và các cầu thủ thì như móc từ dưới cống lên. Phía Honved, Puskas và đồng đội phải cố giữ thăng bằng để không bị trượt ngã trong khi các cầu thủ Wolves, với đôi giày nặng, tỏ ra rất thích hợp với “mặt ruộng” này. Phút 54, Wolves được hưởng quả penalty và rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2. Hai mươi phút sau, Roy Swinbourne ghi bàn san bằng cách biệt rồi ấn định chiến thắng 3-2 chỉ trong vòng có 60 giây. Honved sụp đổ còn Wolves lâng lâng vì chiến thắng. Các cầu thủ chủ nhà, trong trang phục dính đầy bùn đất, lăng quăng chạy khắp sân ăn mừng. Còn khán giả xem ti vi đã được dịp vui sướng đến tột độ khi chứng kiến nhà vô địch Anh đánh bại Honved vĩ đại. Trận đấu ấy đã tạo nên niềm cảm hứng cho nhiều tên tuổi lớn của bóng đá Anh trong tương lai, trong đó có Gordon Banks và George Best.
“Wolves, the Great!” - Daily Mirror giật tít.
“Wolves, the Champions of the world” - Daily Mail bốc thơm.
“Bóng đá Anh vẫn là hay nhất thế giới” -Daily Express hít hà.
Sau trận đấu, hàng loạt tiêu đề như trên xuất hiện khắp các sạp báo đã kích động sự sùng bái Wolves lên các khán giả Anh quốc. Thế nhưng, không phải ai cũng bị mờ mắt bởi điều này. Nhà báo Gabriel Hanot đăng một bài dài trên tờL’Equipe, trong đó, ông viết: “Hãy ngừng việc tuyên bố bất khả chiến bại của Wolverhampton cho đến khi đội bóng này tới thi đấu ở Moscow và Budapest. Ngoài ra, vẫn còn có các đội bóng khác ở đẳng cấp thế giới như Real Madrid và AC Milan chẳng hạn. Giải vô địch thế giới cấp CLB hoặc ít ra là giải đấu châu Âu, một giải lớn hơn, có ý nghĩa và danh giá hơn Cup Mitropa và độc đáo hơn giải cho các đội tuyển quốc gia, nên được xuất hiện.” Jacques Ferran, nhà báo hàng đầu nước Pháp, đồng tình. Ông đã từng lặn lội tới tận Nam Mỹ để đưa tin về giải Campeonato Sudamericano, tiền thân của Copa Libertadores, bởi thế đã hình dung trong đầu về cách thức thực hiện. Tổng Biên tập Jacques Goddet củaL’Equipe cũng hoàn toàn tán đồng ý kiến của cấp dưới. “Chúng ta dám…” - L’Equipe đã giật tít như vậy vào ngày 16-12-1954, khởi đầu cho sự bùng nổ của bóng đá hiện đại. UEFA hoàn toàn không hài lòng khi tổ chức điều hành bóng đá châu Âu bị một tờ báo qua mặt. Cùng với một loạt các Liên đoàn bóng đá khác, UEFA đã ra thông báo phản đối “ý tưởng điên rồ” của người Pháp.
Không nản chí, ngày 03-02-1955, L’Equipe đã đăng chi tiết kế hoạch Cup châu Âu của mình. Đó là công sức sau nhiều ngày nghiền ngẫm của Jacques Ferran. Bài báo ngay lập tức gây tiếng vang rất lớn và kéo theo lời tuyên bố ủng hộ của Chủ tịch Real Santiago Bernabeu. Để hiện thực hóa giấc mơ, Tổng Biên tập Goddet đã quyết định mời lãnh đạo các CLB hàng đầu châu Âu tới họp để cùng nhau tổ chức giải đấu. L’Equipe lên một danh sách gồm 18 đội bóng thuộc 18 quốc gia có nền bóng đá hùng mạnh nhất thời bấy giờ, phần lớn là các nhà vô địch quốc gia hoặc nếu không cũng là những đội bóng nổi tiếng bậc nhất của quốc gia đó. Đó là tư duy cực kỳ hiện đại của các nhà báo Pháp. Họ thừa hiểu, để Cup châu Âu tồn tại thì cần phải có tiền. Mà để có tiền, những đội bóng tham dự phải là những đội có lượng cổ động viên hùng hậu. Chính vì vậy, L’Equipe đã đưa ra những lựa chọn thực dụng nhất có thể. Ví dụ như việc họ bỏ qua Hajduk Split, đội bóng đang dẫn đầu giải vô địch Nam Tư, để thay thế bằng FK Partizan - CLB có sự hậu thuẫn cực lớn từ quân đội. Hay như Rapid Vienna, được chỉ đích danh bởi đó là CLB nổi tiếng và được hâm mộ nhất nước Áo. Tương tự là trường hợp của Hibernian, đội bóng danh tiếng nhất Scotland lúc này với hàng tấn công gồm 5 cái tên đang cực kỳ được yêu mến có biệt danh là “Famous Five”.
Ngày 02-04-1955, các đội bóng được lựa chọn tham dự mùa giải đầu tiên đã cử đại diện của mình tới khách sạn Ambassador ở Paris để thảo luận về kế hoạch thi đấu. Tuy nhiên, phía Dynamo Moscow đã không cho người tới với lý do… thời tiết và do đó, sẽ bị gạt khỏi giải đấu. Chủ tịch keo kiệt Harry Swan của Hibernian cũng không đến dự nhưng đội bóng Scotland này vẫn được giữ lại bởi danh tiếng quá lớn lao ở thời điểm ấy. Bốn đại diện của L’Equipe là Tổng Biên tập Jacques Goddet và các nhà báo Robert Thominet, Jacques de Ryswick và Jacques Ferran cùng 20 nhà lãnh đạo của 15 đội bóng hàng đầu châu Âu đã bàn thảo sôi nổi trong nhiều giờ. Cuối cùng, một Ủy ban Điều hành giải đấu được thành lập do ông Ernest Bedrigans, người Pháp, làm Chủ tịch. Hai Phó Chủ tịch gồm Bernabeu - người Tây Ban Nha và Gusztav Sebes - người Hungary. Tổng Thư ký John Battersby của Chelsea cùng đại diện các CLB Saarbrücken, Servette và Rot-Weiss Essen là ủy viên. Sau cuộc họp, L’Equipe đã cho đăng tải toàn bộ thông tin lên trang nhất của mình. Cả châu Âu sôi lên sùng sục.
Đến lúc này, UEFA đã nhận ra họ đang mất quyền kiểm soát bóng đá lục địa. Việc L’Equipe thực hiện đã giáng mạnh vào lòng tự tôn của tổ chức này. Cuối cùng, UEFA tuyên bố sẽ không cản trở L’Equipe và các CLB nếu họ đáp ứng ba điều kiện sau: thứ nhất, các đội tham gia phải nhận được sự đồng ý của Liên đoàn bóng đá quốc gia nước sở tại; thứ hai, giải đấu sẽ do UEFA quản lý và điều hành; thứ ba, giải đấu phải có một tên khác không chứa từ “châu Âu” nhằm tránh đụng chạm tới giải đấu cấp đội tuyển quốc gia mà UEFA đang nghiên cứu và lên kế hoạch. Một tháng sau, Ủy ban Điều hành lâm thời đã đồng ý.
Ngày 17-05-1955, Ban tổ chức lâm thời đã họp tại Madrid và thông qua việc đặt tên cho giải đấu mới mẻ này là Cup Seeldrayers, theo tên của Chủ tịch FIFA lúc ấy là ông Rodolphe Seeldrayers. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận việc tổ chức, UEFA đã đổi tên thành “Cup các CLB vô địch châu Âu”, hay gọi tắt là “Cup châu Âu”. FIFA cũng đồng ý thông qua kế hoạch này và chỉ yêu cầu giải đấu không được trùng với các giải vô địch quốc gia. Ban tổ chức đã thống nhất sẽ thi đấu Cup châu Âu vào giữa tuần và nó vẫn diễn ra như vậy cho đến tận ngày nay.
Thế nhưng, không phải đội bóng nào được L’Equipe mời cũng tham gia giải đấu đầu tiên. Đương kim vô địch nước Anh là Chelsea khi ấy buộc phải từ chối trước áp lực khủng khiếp của Liên đoàn bóng đá Anh. FA cho rằng Cup châu Âu sẽ đe dọa giải đấu quốc nội và The Blues đành ngậm ngùi tuân theo. Chelsea phải chờ tới 44 năm sau mới được thưởng thức hương vị của giải đấu lớn nhất thế giới cấp CLB.
Để đảm bảo chất lượng và sự thu hút, UEFA cũng quyết định, các cặp đấu được phân ra dựa trên tiêu chí các đội nổi tiếng nhất sẽ tránh gặp nhau ở những vòng đầu. Như vậy, hoàn toàn không có một lễ bốc thăm phân cặp nào ở mùa giải đầu tiên. Lúc này, luật bàn thắng trên sân đối phương chưa có và nếu tổng tỷ số của hai trận lượt đi và về hòa nhau, hai đội sẽ phải đá một trận play-off để quyết định thắng thua. Thật may! Ở mùa đầu tiên, không có bất cứ cặp đấu nào cần đến trận thứ ba để giải quyết.
Trận đấu đầu tiên của Cup C1
(Nguồn: Twitter)
Khác với những trận đấu sau này, trận khai mạc của Cup châu Âu được lựa chọn diễn ra vào ngày Chủ nhật, 04-09-1955 trên sân vận động quốc gia Bồ Đào Nha, giữa đội chủ nhà Sporting với FK Partizan. Một biểu tượng cho sự đoàn kết của châu Âu, khi mà hai đội bóng một ở phía Tây và một ở phía Đông lục địa. Hôm ấy, tiền đạo huyền thoại Joao Martins đã đi vào lịch sử khi ông trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại các Cup châu Âu.
Joao Martins là nhân vật thể thao vĩ đại nhất ở quê nhà Sines. Được mệnh danh là “cây vĩ cầm thứ 6”, Martins đã ghi 258 bàn cho Sporting. Ông xuất thân không phải là một cầu thủ chuyên nghiệp mà là một người thợ thủ công chuyên khắc nút chai. Nhưng tài năng bóng đá kiệt xuất đã khiến ông được rất nhiều đội bóng chuyên nghiệp lôi kéo. Cuối cùng, ông gia nhập Sporting bởi đây là “đội bóng của trái tim ông”. Trong 13 mùa giải, Martins đã giúp Sporting vô địch Bồ Đào Nha 7 lần. Năm 1959, Martins từ giã sân cỏ ở tuổi 32. Cuộc sống vất vả của một cầu thủ hết thời đã khiến ông phải trôi dạt sang Pháp và trở thành một công nhân. Không ai có thể ngờ người thợ máy chăm chỉ mỗi ngày đã từng là một tiền đạo xuất chúng. Martins qua đời năm 1993 ở tuổi 66. Truyền thông Bồ Đào Nha khi đó tin rằng ông chính là trung phong vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước này, nếu không tính đến “người nhập cư” Eusebio. Không chỉ ghi bàn giỏi, Martins còn được biết đến như là biểu tượng của lối chơi đẹp và tinh thần chuyên nghiệp. Ông sẵn sàng đá ở tất cả các vị trí mà huấn luyện viên giao cho, kể cả thủ môn. Trong suốt sự nghiệp của mình, Martins chưa bị trọng tài thổi phạt một lần nào.
Một cầu thủ khác cũng nối gót Joao Martins để viết tên vào lịch sử. Đó là Milos Milutinovic, một trong những tiền đạo cánh vĩ đại nhất từ trước đến nay. Ông không chỉ là người thứ 2 ghi bàn tại Cup châu Âu mà còn là người đầu tiên lập cú đúp, rồi kế đến là cú hat-trick và cú poker tại giải đấu để trở thành Vua phá lưới của mùa giải khởi đầu.
Ngày 13-06-1956, trên sân vận động Parc des Princes ở thủ đô Paris, Real Madrid đánh bại Stade de Reims 4-3 trong trận chung kết đầu tiên cực kỳ hấp dẫn. Các cầu thủ áo trắng chạy quanh sân bóng, giơ cao chiếc Cup châu Âu tuyệt đẹp trước hàng chục ngàn khán giả. Đó là tặng phẩm của tạp chí L’Equipe cho giải đấu, một biểu tượng của nhà vô địch. Ngày nay, chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn chiếc Cup đầu tiên này ở Bảo tàng của Real Madrid. Đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha đã được trao tặng vĩnh viễn chiếc Cup vào năm 1966 sau khi họ có lần thứ 6 trở thành nhà vô địch.
Phiên bản đầu tiên của Cup C1
(Nguồn: Wikipedia)
Trở lại mùa hè năm 1955, sau khi UEFA đồng ý tổ chức Cup châu Âu, L’Equipe đã bắt đầu tiến hành việc thiết kế chiếc Cup giành cho nhà vô địch tương lai. Họ đã lựa chọn người thợ kim hoàn nổi tiếng Leon Maeght ở Amiens để tạo nên vật phẩm. Maeght đã mất rất nhiều tháng để vẽ kiểu dáng và tạo khuôn đúc. Cuối cùng, chiếc Cup châu Âu đã được hoàn tất. Chiếc Cup phiên bản đầu tiên được mô phỏng theo những chiếc bình dùng để đựng chất lỏng trong những chuyến vận tải bằng đường biển hoặc đường bộ khi xưa. Nó cao 66 cm, được làm hoàn toàn bằng bạc và được đặt lên giá đỡ bằng đá cẩm thạch. UEFA quy định các đội vô địch khi đó được giữ một phiên bản nhỏ hơn của chiếc Cup thật và được giữ chiếc Cup thật trong khoảng thời gian diễn ra 2 trận chung kết Cup châu Âu. Tuy nhiên, vào năm 1966, UEFA đã ra quyết định rằng kể từ mùa bóng này, bất cứ CLB nào vô địch châu Âu 5 lần hoặc vô địch liên tục 3 năm sẽ được giữ phiên bản gốc của chiếc Cup. Ngay sau khi quyết định trên đưa ra, chiếc Cup châu Âu bản gốc đầu tiên đã thuộc về Real Madrid, đội bóng thỏa mãn cùng lúc cả 2 điều kiện trên.
Để thay thế cho chiếc Cup của Maeght, UEFA đã tiến hành việc thiết kế một phiên bản khác. Phiên bản mới này do thợ kim hoàn người Thụy Sĩ, Jorg Stadelmann, chế tác. Chiếc Cup này được làm to và cao hơn phiên bản đầu tiên với hình dạng gần như khác biệt hoàn toàn. Ngay tay cầm của chiếc Cup cũng được làm mảnh hơn và to hơn. Tương tự như bản đầu, chiếc Cup thứ hai cũng được làm hoàn toàn bằng bạc, cao 74 cm, tức là cao hơn chiếc Cup ban đầu 8 cm. Nó nặng khoảng 11 kg và có giá trị khoảng chừng 30.000 € ngày nay. Hình dáng độc đáo của chiếc Cup phiên bản thứ hai đã khiến rất nhiều cổ động viên thích thú và gọi bằng biệt danh “Cup tai to” (big ears Cup). Tương tự như chiếc Cup đầu tiên, các CLB vô địch cũng sẽ được giữ Cup thật trong khoảng 1 năm, đồng thời được phép làm một phiên bản nhỏ hơn. Với quy định về giữ Cup vĩnh viễn, trong những năm sau đó, lần lượt Ajax, Bayern, Milan và Liverpool đã mang về phòng truyền thống của mình các phiên bản gốc của chiếc Cup châu Âu. Từ năm 2009, UEFA đã bãi bỏ quy định trên và như vậy, sẽ chỉ có 5 CLB được giữ chiếc Cup thật. Những đội bóng vô địch được giữ phiên bản nhỏ hơn (khoảng chừng 80%) để trưng bày. Vậy là, tổng cộng có tất cả 6 chiếc Cup châu Âu thật do UEFA và L’Equipe đặt hàng chế tác được sử dụng trong suốt lịch sử giải đấu.
Với chiến tích ở ngay mùa giải đầu tiên, Real Madrid đã đặt nền móng cho sự tồn tại vững chắc của Cup châu Âu. Những chiến thắng của Real đã làm danh tiếng Cup châu Âu bay cao. Ở mùa giải sau đó, Manchester United bất chấp những lời đe dọa của FA, đã dũng cảm tham gia giải đấu và trở thành đội bóng Anh đầu tiên thi đấu tại châu lục. Các CLB khác cũng noi gương theo, lần lượt tham gia và khiến mùa thứ 2 được mở rộng lên thành 22 đội.
Kể từ đấy, Cup châu Âu đã biến thành khát vọng của mọi cầu thủ tại lục địa và là minh chứng cho sự vĩ đại.
Nhưng UEFA vẫn không ngừng hoàn thiện giải đấu để nó trở nên hấp dẫn hơn. Một trong những quyết định rất lớn chính là việc xuất hiện luật “bàn thắng trên sân đối phương”. Ngay từ mùa giải đầu tiên, Cup châu Âu đã xác định rằng khi hai đội bóng gặp nhau, họ sẽ lần lượt thi đấu trên sân nhà của mỗi đội. Trong trường hợp tổng tỷ số của 2 lượt trận ngang nhau, hai đội sẽ thi đấu thêm một trận thứ 3 gọi là “play-off” để phân định thắng thua. Việc thi đấu 2 lượt trận đảm bảo sự công bằng cho 2 bên, tránh tình trạng giống như Wolverhampton mời thi đấu giao hữu tại sân nhà rồi “nổ” như pháo rang. Ngoài ra, đó cũng là một cách gia tăng đáng kể nguồn thu từ bán vé trong thời đại chưa có bản quyền truyền hình.
Trong khoảng 10 mùa giải đầu tiên, luật play-off bắt đầu bộc lộ những khuyết điểm của mình. Việc buộc phải đá thêm trận thứ 3 kéo theo lịch thi đấu kéo dài hơn so với dự kiến. Các cầu thủ cũng gặp nhiều vấn đề về mặt phong độ. Ngoài ra, luật play-off quy định đội đá sân nhà lượt đi sẽ được đá trận play-off trên sân nhà một lần nữa thay vì sân trung lập. Điều này dẫn tới các đội đá sân nhà lượt đi có lợi thế lớn trong các trận đấu thêm. Không ít đội đã tận dụng điều này để đi tiếp, ví dụ như Real Madrid vượt qua Rapid Wien sau khi hòa 5-5 (mùa 1956-57), hoặc Dortmund trước các đối thủ Spora Luxembourg (mùa 1956-57) và Steaua Bucuresti (mùa 1957-58). Đặc điểm chung là trong ba loạt trận này, nếu tính theo luật bàn thắng trên sân đối phương như ngày nay, chính Real và Dortmund mới là những đội bị loại.
Theo luật bàn thắng trên sân đối phương, trong trường hợp tổng tỷ số của 2 lượt trận là ngang nhau, mỗi bàn thắng trên sân đối phương sẽ được tính gấp đôi. Có nghĩa là nếu một đội A thắng 2-1 trên sân nhà, sau đó thua 0-1 trên sân đội B thì đội B là đội đi tiếp do có 1 bàn thắng trên sân đối phương được nhân đôi, tỷ số không chính thức khi đó sẽ là 2-3 nghiêng về phía đội B. Sau những thử nghiệm mang tính nhỏ giọt ở Cup C2 và Cup Hội chợ (tiền thân của UEFA Cup, tức Europa League bây giờ), luật mới bắt đầu được áp dụng cho Cup châu Âu từ mùa giải 1967-68.
Như vậy, UEFA đã tạo ra một luật vô cùng đúng đắn ngay từ cách đây nửa thế kỷ. Có rất nhiều lý giải về việc tại sao bàn thắng sân đối phương lại được coi trọng như thế. Theo một thống kê rất chi tiết về các trận đấu ở giải Premier League trong những năm qua, các đội chủ nhà đã tận dụng lợi thế sân đấu của mình để giành chiến thắng tới 50,5% số trận trong khi các đội khách chỉ chiến thắng chưa đầy 26%. Và thực tế thì ngay từ thế kỷ XIX, các đội chủ nhà luôn có tỉ lệ thắng cao hơn rất nhiều so với các đội khách. Đó là lý do ngay từ lúc ấy, UEFA đã nhận ra lợi thế của các đội chủ nhà.
Trước tiên, đội chủ nhà luôn có nhiều thời gian để nghỉ ngơi trước trận đấu hơn đội khách. Họ không phải di chuyển xa để thi đấu, một điều đặc biệt quan trọng ở thập niên 1960 và 1970. Chúng ta đều biết rõ thời kỳ đó, đi lại giữa các quốc gia châu Âu không hề đơn giản khi mà hàng không chưa phát triển. Các đội bóng đã phải di chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau để đến được sân đối phương và sẽ đối mặt với tình trạng thể lực bị suy giảm. Yếu tố này có thể đã dần bị xóa nhòa khi các tiến bộ của công nghệ cho phép các CLB bay khắp lục địa trong một khoảng thời gian ngắn nhưng những yếu tố sau đó thì vẫn tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Một trong những khác biệt lớn nhất của yếu tố sân nhà chính là việc quen sân. Các cầu thủ khi đá trên một mặt sân quen thuộc luôn có xu hướng thi đấu tự tin và tốt hơn hẳn các mặt sân lạ. Sân nhà là nơi các đội bóng thường đá một nửa số trận mỗi mùa, điều đó khiến họ có cảm nhận hoàn toàn khác biệt so với những đội khách. Các nghiên cứu của Seckin và Pollard cho thấy sự quen thuộc với khí hậu, thời tiết và địa hình có ảnh hưởng tích cực với đội chủ nhà. Lợi thế này sẽ trở nên rất lớn nếu nơi thi đấu khắc nghiệt như có một mùa đông lạnh lẽo hay ở trên một vùng đất quá cao khiến không khí bị loãng. Mặt sân cũng ảnh hưởng nhiều tới lối chơi của một đội bóng. Thông thường, chiến thuật riêng của từng đội sẽ khiến việc chăm sóc cỏ cũng được biến đổi theo để phù hợp. Đó là còn chưa kể các đội chủ nhà có quyền thay đổi mặt sân theo ý đồ của họ. Ví dụ lớn nhất chính là việc Wolves đã tưới nước lên mặt cỏ ngay trong giờ nghỉ để lật ngược tình thế trước Honved.
Các lợi thế khác có thể kể tới là sự cổ vũ của khán giả. Một thống kê cho thấy trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, khi khán giả không được tới sân bóng, tỉ lệ thắng của các đội chủ nhà đã giảm mạnh trong khi lại có xu hướng tăng đối với đội khách. Ví dụ như Serie A mùa 2020-21, các đội khách đã thắng tới 37% số trận, nhiều hơn hẳn so với mùa trước khi có dịch (khoảng 27%), và tiệm cận với tỉ lệ thắng của đội chủ nhà lúc ấy (khoảng 40,2%). Nhà nghiên cứu Ryan Boyko đã tính toán sau khi thống kê từ hơn 5.000 trận đấu rằng cứ mỗi 10.000 khán giả trên sân sẽ mang lại lợi thế cho đội chủ nhà là 0,1 bàn. Vậy sẽ thế nào nếu đó là một biển người như Bernabeu, Camp Nou hay San Siro? Chắc chắn, lợi thế sẽ rõ rệt hơn hẳn. Không phải ngẫu nhiên khi các cầu thủ thường hay nói rằng sự cổ vũ của khán giả nhà khiến họ luôn cảm thấy hưng phấn và tự tin hơn. Ngoài ra, âm thanh của đám đông cũng khiến các cầu thủ đội khách không thể tập trung bằng các cầu thủ đội nhà, vốn đã quá quen thuộc với điều này. Sự cổ vũ của đám đông khán giả còn dẫn tới các trọng tài có xu hướng trong vô thức thiên vị đội chủ nhà hơn. Đây hoàn toàn là vấn đề cảm xúc của con người khi đứng trước sức ép từ một số lượng đủ lớn những người xung quanh mình.
Cuối cùng, lợi thế sân nhà sẽ ảnh hưởng tới những yếu tố sinh học của cầu thủ. Khoa học đã chứng minh rằng đàn ông nói riêng và giống đực nói chung luôn có xu hướng mạnh mẽ và tập trung hơn khi phải bảo vệ “lãnh thổ” của mình. Các thủ môn luôn thi đấu ở sân nhà tốt hơn chính vì có sự tập trung này trong khi các cầu thủ tuyến trên sẽ tấn công mạnh hơn nhiều so với lúc họ trở thành đội khách. Khi các đội chủ nhà mở tỷ số, họ sẽ giành tới 84,85% số điểm trong khi với đội khách, con số này rút xuống còn 76,25%. Cũng vì thế, phòng thay đồ còn luôn được thiết kế sao cho các cầu thủ chủ nhà thoải mái nhất trước mỗi trận đấu, góp phần đáng kể vào việc gia tăng khả năng chiến thắng.
Từ những lý do trên, chúng ta dễ dàng nhận ra việc ghi bàn khi làm khách khó hơn thế nào khi được đá trên sân nhà. Các đội bóng giờ đây không chỉ cần ghi bàn mà còn phải cố ghi nhiều bàn nhất có thể khi xa nhà, bởi lúc ấy, họ sẽ có thêm lợi thế rất lớn để điền tên mình vào vòng trong.
Cup châu Âu đã trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều chính từ quy định ấy của UEFA.