Hồng Nam
“Khi màn tra tấn kết thúc, chúng tôi ngồi như lũ ngớ ngẩn trong phòng thay đồ sân Ataturk. Các cầu thủ đều không thể nói hay bước đi. Họ đã tàn phá tâm trí chúng tôi. Sự tổn thương lan tỏa từ những phút đầu và dần khoét sâu hàng giờ sau đó. Mất ngủ, tức giận, trầm cảm và trống rỗng. Chúng tôi đã phát minh ra một căn bệnh mới với hàng loạt triệu chứng kể trên: Hội chứng Istanbul.” Đó là những dòng hồi tưởng cay đắng và khủng khiếp mà Andrea Pirlo, khi đã có sự nghiệp vinh quang mà một đời cầu thủ phải mơ ước kiếm tìm, nhớ lại khi nói về đêm ác mộng ở sân Ataturk, thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc lội ngược dòng vĩ đại của Liverpool (Nguồn: The42)
Đêm 25-05-2005, AC Milan chạm trán Liverpool trong trận chung kết Champions League. Đội bóng của Carlo Ancelotti dẫn 3-0 sau 45 phút, bước vào phòng thay đồ với tâm trạng khoan khoái. Milan vĩ đại đã ở rất gần danh hiệu C1/Champions League thứ 7. Sau 15 phút nghỉ ngơi, Pirlo và đồng đội trở lại sân bóng mà không biết mình chuẩn bị trở thành chứng nhân của lịch sử.
Nhưng đó là trang sử của một trong những cuộc lội ngược dòng vĩ đại nhất mà nửa đỏ - đen thành Milan sắm vai nạn nhân.
Bóng đá có một thuật ngữ là “underdog”, dùng để chỉ các đội chiếu dưới, bị lép vế hoặc thua cuộc trong một trận đấu. Bản chất của bóng đá là tranh đấu, nơi phần lớn các trận diễn ra giữa “kẻ yếu” và “kẻ mạnh”. Tuy nhiên, bóng đá không phải cuộc chơi của toán học hay kinh tế học, khi quy luật “mạnh được, yếu thua” hay những minh định lý trí không tồn tại.
Trong bóng đá, một biến cố nhỏ nhất có thể xô đẩy chuỗi domino liên hoàn, đưa diễn biến trận đấu trôi theo chiều hướng hoàn toàn khác. 90 phút trận đấu là tập hợp của những sai số khó đoán định, đánh giá, mà một trong những nét chấm phá khiến môn thể thao này trở nên hấp dẫn nhất chính là lội ngược dòng, nơi các quy luật thông thường bị phá vỡ và phép suy luận logic trở nên tầm thường trước vẻ đẹp của môn thể thao vua. Đó là lý do người đời vẫn nói: tiếng còi mãn cuộc còn chưa vang lên, đừng bao giờ nói trước điều gì.
Solskjaer ghi bàn quyết định cho MU
(Nguồn: Sport1)
Lội ngược dòng là con đường mong manh ngăn cách đỉnh cao và vực sâu. Đội thực hiện được cú ngược dòng tiến thẳng đến đỉnh trời, còn kẻ bị ngược dòng chịu sự đả kích khủng khiếp, ngồi thất thần và gặm nhấm nỗi đau như “những kẻ ngớ ngẩn” mà Pirlo, Andriy Shevchenko hay Ricardo Kaka đã từng ở Ataturk 16 năm về trước.
Cùng là lội ngược dòng, Sir Alex Ferguson và Manchester United sẽ không quên cảm giác sung sướng tột cùng trong đêm Camp Nou huyền diệu. Bàn thắng của Mario Basler giúp Bayern Munich hùng mạnh vượt lên dẫn trước, để rồi bi kịch ập xuống với đội bóng Đức ở phút bù giờ. Lần lượt Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer ghi bàn từ hai quả phạt góc đơn giản của David Beckham, giúp “Quỷ vương” như trở về từ địa ngục.
Ở Champions League, lội ngược dòng còn có thể xoay chuyển lịch sử, bởi thành công hay thất bại tại đấu trường vĩ đại nhất châu Âu đều có ý nghĩa khổng lồ với bất cứ đội bóng nào. Không có màn ngược dòng huyền thoại trước Bayern Munich, Manchester United có đi vào lịch sử và thiết lập kỷ nguyên thống trị nước Anh trong thập niên đầu những năm 2000?
Không có cuộc lật đổ ván cờ chỉ có trong trí tưởng tượng, Liverpool của Rafael Benitez có trở thành vua đấu Cup, duy trì vị thế đội bóng mạnh ở sân chơi châu Âu với lần thứ 5 được khắc tên lên Cup bạc?
Nếu không trải qua một trong những cơn ác mộng kinh hoàng nhất lịch sử tại Riazor trước Deportivo La Coruna, Milan có lẽ không phải chờ thêm 3 năm mới có chiếc Cup Bạc châu Âu thứ 7. Và nếu không kiên cường lật đổ Barcelona ở thế thiếu người trên sân Camp Nou năm 2012, thế hệ vàng Chelsea có thể mơ về danh hiệu Champions League đầu tiên trong sự nghiệp?
Barcelona lật ngược thế cờ trước PSG 2017
(Nguồn: TheIndependent)
Lội ngược dòng không chỉ là gạch nối, mà còn là hố sâu ngăn cách cảm xúc, chạm đến sâu thẳm trái tim và trở thành xúc tác để những người đàn ông cứng rắn nhất cũng phải bật khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt khác nhau. Tuyến lệ của kẻ thất bại tiết ra dòng nước mặn chát, còn kẻ chiến thắng chỉ nếm hương vị ngọt ngào.
Đứng trên bến bờ ngược dòng, nơi những dự đoán, phân tích trở nên vô nghĩa và tầm thường trước sức mạnh kỳ diệu của bóng đá, cảm xúc sẽ bị đẩy lên cao nhất, hoặc hạnh phúc, hoặc cay đắng tận cùng. Đó là vẻ đẹp của môn thể thao vua nói chung và Champions League nói riêng.
“Lội ngược dòng” là một trong những dư âm đẹp nhất, biến sân chơi châu Âu trở thành bất tử. Không có những trận đấu đẩy nhịp tim của người hâm mộ vượt khỏi quy luật vận hành của tự nhiên, Champions League sẽ chỉ như món ăn trông đẹp mắt, nhưng lại thiếu dinh dưỡng và gia vị.
* *
*
ĐÊM THIÊN ĐƯỜNG Ở CAMP NOU
3 phút bù giờ hiệp 2 ở trận chung kết Champions League 1998-99 là thước phim ngưng đọng sống động và rực rỡ nhất, lý giải vì sao Manchester United là một trong những đội bóng vĩ đại nhất thế giới. “Quỷ đỏ” xứng đáng đi vào lịch sử khi thoát khỏi nanh vuốt “bầy hùm” Bayern Munich, dù bị dẫn trước trong phần lớn thời gian trận đấu và chỉ còn cách khoảnh khắc phải chứng kiến đối thủ nâng cao danh hiệu đúng 180 giây.
“Những bàn thắng ở phút cuối đã tóm gọn lịch sử của tôi ở Manchester United”, Sir Alex Ferguson nói trong một bài phỏng vấn năm 2014. “Tôi si mê chúng và có thể nói về chúng mọi lúc, mọi nơi.” Kỷ nguyên huy hoàng của chiến lược gia người Scotland ở Old Trafford gắn liền với những danh hiệu lớn, được định đoạt bởi những màn lội ngược dòng kinh điển hay bàn thắng ở những phút cuối cùng, trong thời khắc Ferguson thường nhìn vào đồng hồ để báo hiệu “Fergie’s Time” đã tới. Trong buổi tối quan trọng nhất sự nghiệp Ferguson ở Camp Nou năm 1999, Manchester United làm được cả hai điều này.
Không điều gì thôi thúc và khiến Ferguson khao khát hơn Champions League, với tiền thân là Cup C1 châu Âu. Từ khi dẫn dắt Aberdeen đến khi ngồi ghế nóng ở Manchester United, huấn luyện viên người Scotland đều bị ám ảnh bởi chiếc Cup “tai to”. Khao khát sở hữu Champions League được nung nấu từ khi Ferguson là chàng trai 19 tuổi chen chúc vào sân Hampden Park để chứng kiến Real Madrid đè bẹp Eintracht Frankfurt 7-3 trong trận chung kết năm 1960. Vô địch châu Âu mang lại thứ hứng cảm say đắm và thanh danh cho CLB, mà 13 danh hiệu Premier League, trên khía cạnh này, không thể sánh bằng.
Chiến lược gia Scotland đã xây dựng cho Manchester United sức mạnh và sự thiện chiến để chinh phục đến cùng giấc mơ ông nuôi nấng khi còn trẻ. Những năm đầu thập niên 1990, các đội bóng Anh chưa có vị thế ở Cup C1 châu Âu như bây giờ. Manchester United thua tan nát ở mùa giải 1993-94 và 1994-95, bị loại ở bán kết mùa 1996-97 và tiếp tục dừng bước ở tứ kết một năm sau đó. “Chúng tôi cứ như thể phải học lại bóng đá một lần nữa vậy”, David Beckham ngao ngán khi nói về trải nghiệm ở đấu trường vĩ đại.
Tuy nhiên, Ferguson đã nhìn thấy ánh sáng hy vọng ở mùa giải 1998-99, thời khắc Manchester United nhìn thấy cơ hội cạnh tranh bình đẳng danh hiệu. Ngoại trừ trận ra quân khó nhọc trước Barcelona của Louis van Gaal, nơi “Quỷ đỏ” có tỷ số hòa 3-3 tại Old Trafford và Ferguson hoài nghi liệu đội bóng của ông có đủ mạnh để chiến thắng hay không, Manchester United đã thực sự trưởng thành.
Trận chung kết năm 1999 là lần đầu tiên sau 8 năm không xuất hiện một đại diện Italia góp mặt. Trên đường đến trận đấu cuối cùng tại Camp Nou, thầy trò Ferguson đã loại bỏ hai đội bóng của Italia là Inter Milan và Juventus. Trước đó, “Quỷ đỏ” vượt qua bảng tử thần, nơi có sự hiện diện của Barcelona và Bayern.
Những thất bại hun đúc cho thế hệ 1992 của nửa đỏ thành Manchester một tinh thần thép. Đây là yếu tố bản lề để Manchester United làm nên một trong những cuộc lội ngược dòng được khắc ghi mãi mãi vào biên niên sử bóng đá châu Âu.
Manchester United đã gặp vấn đề rất lớn trước trận chung kết với Bayern, đó là thời gian trôi đi… quá chậm. Trận đấu bắt đầu lúc 8 giờ 45 phút (giờ địa phương), và các cầu thủ phải tìm cách giết thời gian, kiểm soát nỗi lo đang tăng lên theo cấp số nhân. Jaap Stam mở cuốn sách của John Grisham, trước khi nhận ra anh không thể tập trung vào các con chữ.
Ở cùng phòng với Stam, Ole Gunnar Solskjaer thậm chí còn không ngủ được. Tiền đạo người Na Uy xem phim, nhưng cũng không thể tập trung. Solskjaer gọi điện về Na Uy để hỏi người bạn thân nhất của anh sẽ xem trận chung kết ở đâu. “Tôi có cảm giác điều gì lớn lao sắp xảy đến với mình. Thật khó diễn tả, nhưng tôi có linh cảm mình sẽ làm được điều gì đó trong buổi tối tại Camp Nou”, Solskjaer nói.
Stam không có linh cảm như Solskjaer. Không có điềm báo nào xuất hiện trong đầu trung vệ này, ngoài sự lo lắng cùng cực khiến anh là người đầu tiên bước tới sảnh khách sạn để chuẩn bị đến sân. Stam không còn giữ được bình tĩnh. Nicky Butt và Ryan Giggs, hai “cây hài” của đội, gần như không nói được lời nào. “Ngay cả huấn luyện viên Ferguson cũng rất căng thẳng. Cuộc so tài này không đơn thuần là một trận đấu. Mọi cầu thủ trên xe đều hiểu đây là trận đấu lớn nhất chúng tôi sẽ có trong sự nghiệp”, Roy Keane nhớ lại.
Phòng thay đồ của Manchester United căng thẳng tột đột, khi mọi cầu thủ đều thinh lặng và tập trung. Huấn luyện viên Ferguson trấn an cầu thủ rằng họ không cần lo lắng, Bayern còn không mạnh bằng Arsenal - đối thủ “Quỷ đỏ” đã vượt qua ở cả FA Cup và Premier League. Ferguson không quên nhấn mạnh: Bayern lên kế hoạch ghi bàn sớm để định đoạt trận đấu, trong khi Manchester United thường thủng lưới rất sớm. Họ nhận bàn thua ở phút 11 trước Bayern ở vòng bảng, phút thứ 6 trước Juventus ở bán kết và chỉ sau 49 giây trước Barcelona cũng tại vòng bảng.
Lời cảnh báo của Ferguson không thừa, nhưng các cầu thủ đã không chịu tiếp thu. Trong trận chung kết tại Camp Nou, đại diện nước Anh lại để thua sớm. Beckham mất bóng ở tuyến giữa, Bayern phản công. Carsten Jancker bị Ronny Johnsen đốn ngã ngay sát mép vòng 16m50 và đội bóng Đức được hưởng quả đá phạt. Ở chấm đá chếch về phía trái theo hướng tấn công của Bayern, Mario Basler vung chân sút phạt hiểm hóc vào góc thấp, khiến Peter Schmeichel chỉ biết đứng nhìn bóng bay vào lưới. Thủ môn người Đan Mạch phàn nàn rằng tầm nhìn của anh đã bị đồng đội che chắn, nhưng không thay đổi được gì.
Manchester United bị đẩy vào thế khó từ rất sớm. Đội bóng của Ferguson không lạ lẫm gì điều này, nhưng thủng lưới sớm ở trận đấu quan trọng và phải chơi phần lớn thời gian trong thế phải tìm kiếm bàn gỡ hòa là trải nghiệm mới mẻ với Beckham cùng đồng đội. Thách thức cho “Quỷ đỏ” không chỉ đến từ bàn thắng sớm của Basler, mà Manchester United đã hoàn toàn kiệt quệ ở thời điểm đá chung kết. Trận đấu với Bayern ở Camp Nou là trận thứ 63 của Manchester United ở mùa giải 1998-99. Huấn luyện viên Ferguson cũng không có Keane - thủ lĩnh tinh thần ở tuyến giữa, người khơi mào cuộc lội ngược dòng kinh điển trước Juventus ở bán kết trước đó.
“Chúng tôi đã ức chế. Các cầu thủ chưa từng đá chung kết”, Giggs nhớ lại. Cầu thủ Xứ Wales không phải người duy nhất cảm nhận được nỗi sợ. Jesper Blomqvist còn cảm thấy đôi chân mình “như hóa thạch”. Ngoài 90 giây đầu hiệp 2, Manchester United không tạo ra mối đe dọa đáng kể nào lên cầu môn Bayern. “Tôi không thể nghĩ tới bất cứ điều gì khác, cho đến khi 3 phút bù giờ xuất hiện”, Alex Ferguson chia sẻ.
Manchester United không hoàn toàn bị áp đảo. “Quỷ đỏ” cầm bóng, đá phạt góc và sút trúng đích nhiều hơn Bayern, nhưng các pha chạm bóng của tiền đạo áo đỏ đều nặng nề, căng cứng và thiếu chính xác. Nỗi lo lắng bao trùm khiến Manchester United đưa ra quyết định thiếu chính xác, chơi bóng với nhịp độ thấp hơn hẳn thói quen đá nhanh trước đó. Giggs thi đấu nhiệt tình nhưng không hiệu quả, Blomqvist “biến mất” trên sân, còn Dwight Yorke là nỗi thất vọng tràn trề. Không có cách lý giải nào khác.
Thứ duy nhất an ủi một Manchester United đang run lên vì lo lắng và sợ hãi, là các cầu thủ đã chơi tới cùng trước Bayern. “Quỷ đỏ” không để tâm nhiều đến cách đá của Bayern, mà chỉ tập trung vào lối chơi của mình. Trong thời gian nghỉ giữa hiệp, Ferguson yêu cầu Stam giành lại bóng nhanh hơn và Manchester United phải đá nhanh, mạnh hơn nữa.
“Nếu thua trận, các cậu sẽ cách chiếc Cup vô địch vài bước chân, mà chẳng thể nào chạm đến được. Tôi muốn các cậu nghĩ rằng mình đang ở rất gần chức vô địch rồi. Đây là lần duy nhất các cậu được ở gần nó như thế. Có thể các cậu sẽ ghét suy nghĩ này trong phần còn lại của cuộc đời mình, nhưng hãy chắc chắn rằng chúng ta sẽ không thua. Đừng quay lại phòng thay đồ nếu không cống hiến hết khả năng”, Ferguson nắn gân học trò.
Huấn luyện viên người Scotland nói chuyện riêng với Teddy Sheringham, nói rằng tiền đạo này sẽ vào sân trong 25 phút cuối nếu tỷ số vẫn là 0-1. Điều này khiến Solskjaer cáu giận. “Tôi đã ghi 17 bàn mùa này, chủ yếu khi vào sân từ ghế dự bị. Vậy mà ông ấy không nói chuyện với tôi ư?”, Solskjaer khẳng định. Sau cùng, cả Sheringham và Solskjaer cùng vào sân. Phần còn lại, như người ta thường nói, chính là lịch sử.
Manchester United tấn công dồn dập trong nửa đầu hiệp 2 mà không thu lại kết quả gì. Huấn luyện viên Ferguson gọi Sheringham ra dặn dò, nhưng tiền đạo này không giữ được kiên nhẫn. Anh muốn vào sân ngay lập tức. Manchester United từ bỏ sơ đồ kim cương 4-4-2 để đá 3-5-2. Thay một cầu thủ phòng ngự như Blomqvist bằng Sheringham, “Quỷ đỏ” chấp nhận nguy cơ mất cân bằng đội hình, bị Bayern phản công liên tục. Gary Neville nói rằng Manchester United không bao giờ đá với đội hình đó, nhưng “20 phút cuối với sự tuyệt vọng thì lại là câu chuyện khác”.
Đại diện nước Anh phải mạo hiểm. Họ không còn lựa chọn khác. Họ không muốn đứng gần chiếc Cup, mà không thể nào chạm vào được nó.
Những phút cuối, hàng thủ Manchester United chao đảo liên tục. “Chúng tôi sống trên bờ vực thẳm, các cầu thủ đều hiểu điều đó. Thời gian và sự kiên nhẫn đang cạn dần”, Andy Cole khẳng định. Trong khi Manchester United đang loay hoay, các cầu thủ Bayern liên tục khiêu khích. “Khi Basler chuẩn bị đá phạt góc, anh ta tạo dáng rồi vỗ tay. Basler tin rằng anh ta là nhân vật chính, với bàn thắng định đoạt trận đấu này”, Stam viết lại trong tự truyện. Basler là biểu tượng cho sự ngạo mạn của người Đức, với liên tiếp những pha xử lý theo kiểu “ngôi sao”. Sự nhẫn nhịn của Manchester United bị thử thách cực đại.
Bayern có thể ghi 4 bàn trong khoảng thời gian từ phút 73 đến 84 nếu thủ môn Schmeichel không quá xuất sắc. Khi thủ môn Manchester United bị khuất phục, bóng lại dội cột dọc. Định mệnh đã đứng về phía “Quỷ đỏ”, nhưng vấn đề của họ vẫn là bàn thắng. Không ghi bàn, Manchester United sẽ thua trận. Sau cùng, Solskjaer được tung vào sân. Tiền đạo người Na Uy buộc Oliver Kahn phải bay người cứu thua chỉ sau 22 giây hiện diện trên sân. Khoảng thời gian trước đó, thủ môn người Đức không phải hoạt động quá nhiều.
Càng về cuối trận, Bayern càng tin vào chiến thắng. “Basler và Lothar Matthaus rời sân cứ như thể họ vừa lên lĩnh giải Oscar. Nhìn những kẻ đang tự tung hô mình là người chiến thắng, tôi càng có thêm năng lượng dù đôi chân đã bị chuột rút. Tôi muốn thắng Bayern hơn bất cứ đối thủ nào mình từng đối mặt”, Stam nói.
Với Beckham, tiền vệ này thậm chí đã tưởng tượng ra hình ảnh chiếc Cup được phủ lên bởi những dải ruy-băng của Bayern. Giggs, Butt và Neville còn tin rằng trận đấu đã kết thúc. “Tôi nhìn lên đồng hồ. Thời gian cứ cạn dần vào cuối hiệp. Tôi chỉ nghĩ người Đức lại đánh bại mình một lần nữa”, Neville nhớ lại.
Nhưng “nghĩ mình đã thua” và “bỏ cuộc” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Phút 90, Markus Babbel bị Solskjaer gây sức ép, khiến bóng rời sân, cầu thủ Bayern trôi ra biên. Neville bước đến, thực hiện một quả ném biên rất dài cho Beckham. Tiền vệ người Anh đánh bại Scholl và chuyền lại cho Neville. Bằng một pha nước rút, Neville đưa bóng vào tầm thấp, khiến bóng đập trúng người cầu thủ Bayern đi hết đường biên ngang.
Phút 90+1, Manchester United được hưởng quả phạt góc. Khi Beckham bước lên chấm đá, thủ môn Schmeichel cũng băng qua nửa sân để giúp “Quỷ đỏ” tăng quân số trong vòng cấm Bayern. Lần cuối cùng Schmeichel làm được điều tương tự là trận gặp Arsenal 14 tháng trước đó. Chỉ đến khi Sheringham nhìn thấy Schmeichel, anh mới nhận ra rằng thời gian còn lại rất ít. Khi Beckham nhìn Schmeichel lao về phía trước, tiền vệ này quyết định hướng cú đá về phía thủ môn của Manchester United. Ít nhất, đây sẽ là lựa chọn gây nguy hiểm tối đa cho Bayern.
Quả phạt góc của Beckham lướt qua đầu Linke, người đang chịu sức ép từ Schmeichel, và chạm đến Yorke ở phía xa cột dọc. Yorke hướng bóng trở lại trung tâm, nhưng cầu thủ dự bị Fink đã cắt bóng thành công. Giggs đợi sẵn ở rìa vòng cấm, tung cú sút bằng chân không thuận. Cú đá có lực không tốt, nhưng lại đi hiểm hóc để vượt qua Linke và thẳng đến Sheringham. Bằng một nhịp chạm bóng bản năng, Sheringham dứt điểm khiến Bayern chết lặng.
Bản năng đầu tiên của Sheringham là nhìn về trọng tài biên xem có bị thổi việt vị không. Chẳng có lá cờ nào được giương cao, và Bayern sụp đổ. “Khi tỷ số là 1-1, chúng tôi biết mình sẽ thua”, Babel nhớ lại.
Trong 58 giây từ khi gỡ hòa và bắt đầu lại trận đấu, “Quỷ đỏ” đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc. Beckham “cảm thấy muốn khóc”; Butt bắt đầu chạy vòng quanh để cố gắng làm cho khối máu trở lại đôi chân của mình. Thủ môn Schmeichel cũng trở lại cầu môn, cố gắng tập trung và kiềm chế sự hưng phấn. Sheringham nhìn lên, thẩm thấu sự rộng lớn của sân Camp Nou và ngẫm lại về những gì vừa làm.
Sheringham chỉ ghi 5 bàn trong mùa giải 1998-99, thành tích kém ấn tượng nhất trong 20 năm, nhưng chất lượng hơn số lượng. Pha lập công vào lưới Bayern đã giúp Manchester United trở về từ địa ngục.
Sau bàn gỡ 1-1, Manchester United không lùi về phòng ngự, mà tiếp tục tấn công. Khi trận đấu còn 26 giây, Solskjaer mang về thêm một quả phạt góc. Beckham lại là người đá. Lần này không có Schmeichel nên anh tung cú sút chìm vào góc gần. Sheringham, người đã có một pha chạy tự do, nghĩ rằng mình sẽ ghi bàn một lần nữa. Tuy nhiên, Sheringham đã nhảy quá sớm và biết rằng không thể đánh đầu vào khung thành. Trong tích tắc, cầu thủ này thực hiện kế hoạch B: treo người trên không càng lâu càng tốt và chuyển hướng quả bóng về phía cột xa. Solskjaer xuất hiện như từ dưới đất chui lên và ấn định màn lội ngược dòng cho Manchester United bằng cú đá tung nóc lưới Kahn.
“Thật không thể tin được. Cụm từ đó được sử dụng quá thường xuyên, quá dễ dàng, nhưng tôi vẫn phải nói điều đó thật không thể tin được”, Terry Venables không giấu được sự xúc động. Cũng giống Sheringham, Solskjaer tin rằng anh có thể việt vị, nhưng không có điều gì khác thường xảy ra. Solskjaer đã bắt chước pha trượt đầu gối mà Basler đã ăn mừng trước đó trong trận đấu. Mọi cảm xúc bị dồn nén, giờ đã bung tỏa khi Manchester United có 3 phút bù giờ huy hoàng nhất trong lịch sử.
“Bóng đá, đó là địa ngục đẫm máu”, Ferguson nhớ lại khi nhắc đến trận đấu này. “Đó là câu chuyện cổ tích trong ngày sinh nhật của Sir Matt Busby. Tôi sẽ không nói gì với cầu thủ. Tôi chỉ muốn ôm hôn họ thôi. Cầu thủ hiểu rõ cảm xúc của tôi, họ cũng biết tôi nghĩ gì về họ.”
Chỉ trong 3 phút, Manchester United quật ngã Bayern hùng cường, nhưng cú ăn 3 lịch sử năm 1999 là kết tinh của mồ hôi và nước mắt. “Quỷ đỏ” băng qua 63 trận đấu với tinh thần quyết tâm và nỗ lực cao độ. Bỏ cuộc là từ không xuất hiện trong đầu cầu thủ Manchester United, dù nghịch cảnh đã đẩy họ đến bờ tuyệt vọng. “Khi còn là đứa trẻ ở Manchester United, tôi được dạy phải tiếp tục chiến đấu, cố gắng và chạy cho đến chết”, Neville khẳng định. Tinh thần quyết tử của Manchester United là yếu tố thôi thúc cuộc lội ngược dòng kỳ vĩ bậc nhất lịch sử, chứ không phải những yếu tố vô hình như định mệnh.
Lịch sử chứng minh Manchester United xứng đáng với thành quả này. 9 năm sau, “Quỷ đỏ” lại bước lên ngôi vương châu Âu một lần nữa. Đó là chiến thắng của lòng quả cảm, chứ chẳng đến từ vận may hay bất cứ tác động ngoại cảnh nào.
* *
*
THẦN KỲ ISTANBUL
6 năm sau đêm thần kỳ ở Camp Nou, bóng đá châu Âu chứng kiến một nhiệm màu nữa. Lần này, câu chuyện cổ tích dịch chuyển 2.930 km, từ Barcelona tới Istanbul, nơi tọa lạc của sân vận động Ataturk.
Trong thể thao, được chơi trận chung kết là đỉnh cao mà mọi đội bóng hướng tới. Tại Champions League, các CLB phải vượt qua tổng cộng 12 trận đấu tại vòng bảng, tứ kết và bán kết để có mặt tại chung kết. Trong 32 đội bóng dự giải, chỉ 2 đội bóng đi đến trận đấu cuối cùng. Nhưng thua trong trận chung kết là một thảm họa. Người ta thường nói không có phần thưởng cho kẻ về nhì, điều thực ra không đúng nhưng tấm Huy chương Bạc không đủ để an ủi đội á quân.
Lịch sử thường không ghi nhớ đội thua ở trận chung kết. Tottenham đã đi vào sử sách nếu đánh bại Liverpool ở chung kết Champions League, song trận thua 0-2 khiến thầy trò Mauricio Pochettino nhanh chóng bị lãng quên khỏi dòng chảy. Cái mác “đương kim á quân” không giúp nhiều cho Tottenham ở mùa giải kế tiếp. “Gà trống” khủng hoảng và Pochettino bị sa thải.
Tương tự, sẽ không nhiều người nhớ tới AS Monaco, á quân Champions League 2003-04, mà chỉ nhớ tới FC Porto kiêu hùng của Jose Mourinho. Borussia Dortmund của Jurgen Klopp trình diễn lối đá mê hoặc, nhưng tấm Huy chương Bạc ở Champions League mùa 2012-13 nhanh chóng mờ nhạt khi đặt cạnh vinh quang của Bayern, dù hai đội chỉ hơn thua nhau ở pha lắc hông ghi bàn trong những phút cuối của Arjen Robben.
Dù vậy, trận chung kết Champions League ở Istanbul là một ngoại lệ, nơi Liverpool và AC Milan cùng đi vào lịch sử với tư cách nhà vô địch và kẻ thất bại vĩ đại. Đội bóng của Carlo Ancelotti đã dẫn trước Liverpool 3-0, nhưng lại thua chung cuộc sau loạt đá phạt đền nghiệt ngã. “Chúng tôi đã chơi thứ bóng đá hoàn hảo trong hiệp 1, khi ấy, thật khó tưởng tượng Milan sẽ thủng lưới 3 bàn”, thủ môn Dida nhớ lại. Người gác đền mang quốc tịch Brazil là chứng nhân lịch sử, và là một trong hàng triệu trái tim Milanista tan vỡ sau trận đấu định mệnh ở Ataturk. 16 năm sau, cuộc so tài vẫn được nhớ tới với cái tên “thần kỳ Istanbul”.
Milan được đánh giá là ứng viên số một cho danh hiệu vô địch khi trái bóng Champions League 2004-05 còn chưa kịp lăn. Trong tay huấn luyện viên Carlo Ancelotti là đội hình trong mơ, giống món spaghetti được chế biến hoàn hảo bởi những nguyên liệu tốt nhất. 11 cầu thủ Milan ra sân là sự pha trộn giữa các hảo thủ Italia và ngôi sao quốc tế, cộng hưởng giữa khối phòng ngự đậm đặc của xứ mì ống cùng chất ngẫu hứng của các cầu thủ tấn công với thứ bóng đá vị nghệ thuật, vị nhân sinh.
7 trong số 11 cầu thủ thường xuyên đá chính của Milan vô địch Champions League chỉ 2 năm trước đó. Cafu, Dida và Kaka đăng quang World Cup 2002 cùng đội tuyển Brazil. Andriy Shevchenko giành Quả Bóng Vàng năm 2004. Paolo Maldini là huyền thoại vĩ đại, được công nhận là một trong những hậu vệ giỏi nhất mọi thời đại. Andrea Pirlo, Gennaro Gattuso và Alessandro Nesta là những nhân tố sẽ giúp Italia vô địch World Cup một năm sau đó.
“Milan có đội hình quá chất lượng. Tôi tin rằng Milan sẽ thắng trận đó. Tôi rất tự tin”, Paolo Agostinelli khẳng định với báo chí. Agostinelli không phải cổ động viên Milan duy nhất tin vào điều này. Tầm vóc vĩ đại với 6 lần vô địch Champions League trước đó của Milan là bảo chứng hoàn hảo cho chức vô địch.
Liverpool từng thống trị nước Anh và có 4 lần đăng quang châu Âu, nhưng vinh quang của thầy trò Rafael Benitez đã trở thành dĩ vãng. Mùa 2004-05, thành tích của Liverpool ở Premier League tệ đến mức Steven Gerrard cùng đồng đội không được dự Champions League mùa tiếp theo. Trên đường đến chung kết, nửa đỏ vùng Merseyside thua 2 trận vòng bảng, xếp sau đương kim á quân AS Monaco. Ở bán kết, Liverpool không vượt trội, mà chỉ vượt qua Chelsea nhờ “bàn thắng ma” của Luis Garcia.
Đó là đội bóng với đầy rẫy điểm yếu, bất ổn và đã ở rất xa đỉnh cao. Khi ấy, Liverpool đang ở cách lần gần nhất vào chung kết Champions League tới 20 năm, còn Milan 4 lần lên ngôi vô địch trong khoảng thời gian này.
Gương mặt lấm tấm mồ hôi của huấn luyện viên Benitez đã sáng lên nụ cười đầy tự tin trong phòng họp báo trước trận chung kết. Trả lời câu hỏi về sự chuẩn bị, ông thầy người Tây Ban Nha nói Liverpool cần “chơi tốt, trình diễn thứ bóng đá chất lượng và tốt nhất là ghi bàn thắng sớm”. “Chúng tôi muốn nâng cao danh hiệu. Milan được đánh giá cao hơn, nhưng trong trận đấu, điều gì cũng có thể xảy ra”, Xabi Alonso chia sẻ.
Đại diện nước Anh là một “underdog” - kẻ chiếu dưới đúng nghĩa trong trận chung kết, nơi mọi phân tích lý trí, logic và con số đều chống lại đội bóng này. Nhưng một lần nữa, bóng đá cho thấy vẻ đẹp khi vượt ra khỏi mọi khuôn khổ số liệu và khoa học thống kê. Liverpool đã vượt lên nghịch cảnh khi con sông niềm tin bị hút cạn đến tận mặt đáy và “điều gì cũng có thể xảy ra” mà Alonso đề cập, cuối cùng cũng xảy ra như tia sáng lóe lên cuối đường hầm.
Bàn thắng sớm mà Benitez mong đợi đã xuất hiện ở Ataturk, nhưng không phải dành cho Liverpool. Những giây đầu tiên sau tiếng còi khai cuộc, Milan tràn lên tấn công. Djimi Traore buộc phải phạm lỗi để ngăn cản pha xuống biên phải của Kaka. Milan hưởng quả phạt, và Pirlo có cú thả bóng tinh tế vào trung điểm giữa vạch 16m50 và vạch kẻ sát cầu môn để Maldini dứt điểm thành bàn. Pha phối hợp hoàn hảo của Milan, bóng nằm gọn trong lưới Jerzy Dudek ở giây thứ 50.
“Chúng tôi đã chơi thứ bóng đá tuyệt vời. Toàn đội tự tin, mọi thứ đều ổn và sau đó Maldini ghi bàn. Đó là dấu hiệu của định mệnh. Maldini không bao giờ ghi bàn cả”, Agostinelli nhớ lại trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN. Tiếng gầm gừ của Milan khiến Liverpool run rẩy. Phút 39, Kaka chọc khe cho Shevchenko băng xuống. Tiền đạo Ukraine chuyền như đặt để Hernan Crespo nhân đôi cách biệt cho Milan.
Bầu trời sụp đổ với Liverpool chỉ vài chục giây trước khi hiệp 1 kết thúc. Phút 44, Kaka loại bỏ Gerrard bằng một cú xoay người tinh tế, rồi tung đường chuyền xé toang hàng thủ Liverpool cho Crespo. Chân sút người Brazil dễ dàng đánh bại Dudek lần thứ hai với một cú bấm bóng. Kết thúc hiệp 1, Milan dẫn 3-0.
Khi được hỏi liệu Liverpool có gây nhiều khó khăn cho Milan trong hiệp 1, thủ môn Dida bật cười: “Thành thật mà nói thì không đâu. Chúng tôi đã cực kỳ tập trung.” Lịch sử Champions League chưa từng ghi nhận đội bóng nào ngược dòng thành công khi thua trước 3 bàn. So với Manchester United năm 1999, nhiệm vụ của Liverpool khó khăn gấp bội. Trước mặt họ là cách biệt 3 bàn, cùng một Milan đang sôi sục khí thế để nuốt chửng cầu trường Ataturk.
“Tôi thấy trống rỗng, thứ cảm giác chưa từng trải qua trước đây. Tôi bước vào giờ nghỉ giữa hiệp. Liverpool phải rất cố gắng để tới được sân đấu này, đánh bại rất nhiều đội bóng mạnh và giờ vứt bỏ hết mọi thứ chỉ trong hiệp 1. Tất cả chúng tôi đều trống rỗng. Tôi không nghĩ tới những gì huấn luyện viên có thể làm hay nên làm. Tôi chỉ bước đi với sự héo mòn”, Didi Hamann khẳng định.
“Tôi đã chuẩn bị những lời phải nói với cầu thủ sau hiệp 1, nếu tỷ số là 2-0. Vốn tiếng Anh của tôi không tốt. Bây giờ vẫn không tốt, nên hãy tưởng tượng 15 năm trước còn kém thế nào. Sau đó, Liverpool thua thêm bàn thứ ba. Thông điệp phải nói với cầu thủ vẫn giữ nguyên. Tôi phải mang lại cho họ sự tự tin và giúp họ tin tưởng”, Rafael Benitez nhớ lại khoảnh khắc cân não trong phòng thay đồ.
Khi các cầu thủ trở lại sân để bắt đầu hiệp 2, thật khó để phân biệt đội nào đang thua. Trên khán đài Ataturk, cổ động viên Liverpool đứng dậy hát vang và giơ cao khăn quàng cổ đầy thách thức. Tiếng hát từ bài thánh ca You will never walk alone phủ khắp sân vận động.
“Khi bạn thua 0-3 và nhìn sang đối diện, Milan có Seedorf, Kaka, Shevchenko, Crespo. Ở mọi vị trí, Milan đều sở hữu những cầu thủ giỏi nhất thế giới. Chúng tôi là đội chiếu dưới, không giỏi bằng Milan, nhưng chúng tôi nhận được những tiếng cổ vũ. Khán giả vẫn tiếp lửa cho chúng tôi, khi hiểu rằng mọi chuyện chưa kết thúc”, thủ quân Gerrard khẳng định.
“Điều đó đã mang lại cho chúng tôi một chút sức mạnh”, Sami Hyypia khẳng định. Mạnh mẽ và trực diện hơn, Benitez yêu cầu học trò “phải mang đến cho người hâm mộ điều gì đó để cổ vũ”. Liverpool đang rơi vào khó khăn và cổ động viên không để cầu thủ bước đi một mình. Do đó, cầu thủ phải đáp lại, không để tiếng hát của cổ động viên Liverpool trở thành bản nhạc đơn độc trong biển hò reo của những người ủng hộ Milan.
Với tinh thần ấy, Liverpool đã chơi hiệp 2 hoàn toàn khác. Nhưng khác đến mức hai hiệp đấu gần như không liên quan đến nhau như trận chung kết ở Istanbul thì bóng đá thế giới hiếm khi được chứng kiến, dù môn thể thao này đã có đầy rẫy thứ điên rồ vượt ra khỏi những khuôn khổ sáo rỗng nhất.
Sau giờ nghỉ, Liverpool đá như thế trận đang là 0-0. Không có chút do dự, hoang mang hay sợ hãi nào xuất hiện trên đôi chân của “Lữ đoàn đỏ”. Liverpool tấn công dồn dập, ép mạnh vào hai hành lang cánh tương tự cách Milan tiếp cận hiệp 1. Phút 54, John Arne Riise thực hiện quả tạt hoàn hảo để Gerrard bật cao đánh đầu tung lưới Dida.
“Một chút hy vọng, một chút niềm tin, các cổ động viên như ‘phát điên’. Trên khuôn mặt của các đồng đội, tôi nhìn thấy niềm tin đã sáng bừng trở lại”, Gerrard nói về khoảnh khắc ghi bàn rút ngắn tỷ số. 2 phút sau, Vladimir Smicer, cầu thủ duy nhất được Benitez đưa vào sân trong hiệp 1 để thế chỗ Harry Kewell, lên tiếng với cú sút xa chéo góc, hạ gục Dida lần thứ hai.
15 phút sau khi hiệp 2 trở lại và 6 phút sau bàn gỡ của Gerrard, trận đấu đã trở lại vạch xuất phát. Phút 60, Dida xuất sắc cản được quả phạt đền của Alonso, nhưng không thể làm gì trước cú đá bồi của tiền vệ người Tây Ban Nha.
Cảm xúc của cổ động viên thay đổi chóng mặt chỉ sau 15 phút. Từ chỗ tự tin và hồ hởi khi chứng kiến đội nhà dẫn 3-0 sau hiệp 1, các Milanista rơi vào trạng thái lo lắng. Cục diện trận đấu đảo chiều ở mức không thể tính toán nổi. “Tôi bị sốc theo đúng nghĩa đen. Tôi không thể đứng vững được nữa. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là đến sân bay và về nhà càng sớm càng tốt”, một cổ động viên Milan nhớ lại.
Dida chưa đánh mất niềm tin. Theo thủ môn người Brazil, Milan có nhiều tiền đạo giỏi và có thể kết liễu trận đấu trong nửa giờ còn lại. Nhưng điều đó không xảy ra. Đội bóng áo đỏ - đen bị Liverpool giằng co từng mét vuông cỏ và kéo trận đấu vào loạt đá luân lưu may rủi. Để rồi, Shevchenko, Pirlo và Serginho trở thành tội đồ với những cú đá hỏng ăn.
Gương mặt trĩu nặng lo âu của Shevchenko trước loạt đá thứ 5 đã báo hiệu điều không lành với Milan. Anh đánh lừa được Dudek với cú sút vào chính giữa cầu môn, nhưng thủ môn người Ba Lan vẫn kịp giơ cánh tay cản lại pha dứt điểm, cản lại hy vọng nâng cao danh hiệu danh giá nhất châu Âu lần thứ 7 của Milan.
Liverpool như trở về từ “cửa tử” và tiến một mạch lên vườn địa đàng, còn với Milan, 120 phút ở Ataturk là cơn ác mộng kinh hoàng. “Lời nguyền Istanbul”, “Bi kịch” là những nghiệt từ được sử dụng khi nhắc đến những cái cúi đầu của người Milan, trong trận đấu Kaka, Pirlo hay Shevchenko vứt bỏ chức vô địch dù đã chạm một tay lên lớp bạc tráng lệ của chiếc Cup “tai to”.
“Tôi không còn cảm thấy mình giống một cầu thủ, thứ đó tàn phá mọi ngóc ngách. Nhưng còn tệ hơn, tôi không còn cảm thấy mình giống một con người. Trong khoảnh khắc, bóng đá trở thành thứ vô nghĩa nhất, có lẽ bởi nó từng là thứ quan trọng nhất. Một mâu thuẫn thật đau đớn”, Pirlo nhớ lại. Trận thua ở Istanbul mãi là vết dằm trong tim đội hình huyền thoại của Milan, dù 2 năm sau đó, đội bóng áo đỏ - đen phục thù Liverpool thành công với chiến thắng ở chung kết Champions League tại Athens. Milan từng ở rất gần đỉnh cao, nhưng 30 chưa phải là tết. Ngược lại, hào khí tại Istanbul là minh chứng cho “tinh thần Liverpool” - thứ khí chất bung tỏa dữ dội mỗi khi đội bóng áo đỏ rơi vào nghịch cảnh. Tuy chiến thắng ở Ataturk không khởi đầu cho triều đại thống trị của Liverpool ở Champions League bởi đội bóng áo đỏ vẫn thiếu sự ổn định đường dài, trận đấu này vẫn là trang sử chói lọi được đội bóng thành phố cảng nhớ mãi.
Hình ảnh Gerrard nâng cao chiếc Cup trong những hạt kim tuyến lấp lánh sắc đỏ là một trong những khoảnh khắc vĩ đại nhất Champions League, nơi ý chí và khát vọng của con người có thể kết tinh thành sức mạnh thổi bay mọi vật cản.
* *
*
“LA REMONTADA”
Dẫu bóng đá luôn tồn tại bất ngờ và rất nhiều cuộc lội ngược dòng từng xảy ra trong lịch sử, Champions League (hay tiền thân là Cup C1 châu Âu) cũng có những thách thức rất khó vượt qua. Trong hơn nửa thế kỷ tồn tại, giải đấu này chưa từng chứng kiến đội bóng nào thua với tỷ số 0-4 ở lượt đi, mà có thể đi tiếp với chiến thắng chung cuộc.
Năm 2012, Arsenal của Arsene Wenger từng ở rất gần điều này. “Pháo thủ” thảm bại 0-4 trước AC Milan ở trận lượt đi, nhưng bất ngờ chơi tốt ở lượt về để dẫn 3-0. Thêm một bàn thắng nữa, Arsenal sẽ đẩy trận đấu vào hiệp phụ, tuy nhiên, Milan của Massimiliano Allegri đã siết chặt đội hình và không để bất cứ sai lầm nào lặp lại.
Hay cuộc lội ngược dòng vĩ đại của Deportivo La Coruna trước AC Milan năm 2004 được tôn sùng như một chất men cảm tử, để mỗi khi bị đẩy vào thế thua đậm ở lượt đi, các đội bóng luôn sử dụng cụm từ “tinh thần Deportivo” để thôi thúc bản thân tin vào những điều diệu kỳ nhất của bóng đá. Dẫu vậy, “Super Depor” chỉ lật ngược thế cờ khi có 1 bàn sân khách làm vốn tại San Siro trong trận lượt đi. Thua 1-4 ít ra vẫn “dễ chịu” đôi chút so với thua 0-4. Nhận thất bại lấm lưng trắng bụng 4 bàn, các đội bóng không có cửa đảo chiều cục diện.
Vậy nhưng, một đội bóng đã làm được điều này: thảm bại 0-4 ở lượt đi, nhưng vẫn có mặt ở vòng sau nhờ chiến thắng 6-1 lượt về. Khoảnh khắc vĩ đại được dành cho một trong những đội bóng vĩ đại nhất thế giới: Barcelona.
Màn ngược dòng kỳ vĩ của Barca diễn ra 4 năm trước, bắt đầu từ ngày lễ Tình nhân ác mộng mà thầy trò huấn luyện viên Luis Enrique phải đón nhận trên sân Parc des Princes. Mùa giải 2016-17, Barca đọ tài với Paris Saint-Germain, đội bóng khi ấy đang trỗi dậy ở đấu trường châu Âu dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Unai Emery, chiến lược gia giúp Sevilla có 3 năm liên tiếp vô địch Europa League.
Thành tích đối đầu ủng hộ Barca tuyệt đối. Ngoài việc thắng áp đảo đối thủ ở những lần gặp gỡ trong quá khứ, Barca thời điểm 2017 vẫn còn nguyên bộ ba nguyên tử khuynh đảo thế giới: Lionel Messi, Luis Suarez và Neymar (M-S-N). Tuy nhiên, trận đấu tối 14-2 trở thành sân đấu của riêng PSG.
Đội bóng nước Pháp trình diễn lối đá hiện đại, đặc trưng của kỷ nguyên mới: pressing mạnh, tranh chấp hiệu quả, tấn công trực diện và phản công thần tốc. Tuyến giữa Barca bị bóp nghẹt trước sự cơ động của PSG. Sergio Busquets, Andres Iniesta và Andre Gomes chậm chạp, thiếu sức sống khi đặt cạnh sự sung mãn và cơ động của Marco Verratti, Blaise Matuidi hay Marquinhos. Trên hàng công, Messi, Neymar và Suarez bị cô lập hoàn toàn.
Cú đúp của Angel di Maria, cộng với bàn thắng của Edinson Cavani và Julian Draxler như thể đặt dấu chấm hết cho Barca. Đội bóng của Enrique rời nước Pháp với cái đầu cúi thấp. Trong lịch sử, chưa từng có đội nào thua với tỷ số này có thể ngược dòng thành công ở lượt về. PSG thời điểm ấy cũng mạnh toàn diện, sở hữu siêu sao ở mọi chiến tuyến. Đánh bại đội bóng này với tỷ số 4-0, hoặc 6-1 là chuyện không tưởng với Barca.
Các cầu thủ PSG đã nghĩ tới vòng tứ kết, và trong một đoạn clip quảng cáo trôi nổi trên mạng chỉ 1 ngày trước trận đấu, các cầu thủ PSG, trong đó có Verratti, Matuidi và Draxler còn thoải mái cười lớn khi nói về cuộc so tài. Matuidi nhắc lại về trận thua Chelsea ở tứ kết Champions League 2013-14. PSG thắng 3-1 ở trận lượt đi, nhưng chơi run rẩy trước đối thủ trong trận lượt về và bị loại cay đắng với hai bàn thua trắng, trong đó pha lập công ấn định kết quả của Demba Ba được ghi ở phút cuối. “Chúng ta sợ hãi và không dám tấn công trước Chelsea”, Matuidi nhắc lại.
Tiền vệ người Pháp không muốn nỗi sợ ấy tái hiện khi PSG đến Camp Nou, sân đấu có sức chứa gấp đôi Stamford Bridge của Chelsea. Nhưng với cách biệt 4 bàn, ngay cả khi đá dưới phong độ, PSG cũng rất khó thua. Lịch sử đứng về phía đội bóng thủ đô Paris.
“Chúng tôi chỉ có 1% hy vọng”, Neymar nói sau thảm bại. Tuy nhiên, Barca không từ bỏ. “Toàn đội đều hạnh phúc. Không ai lo lắng hay thất vọng. Chúng tôi không biết mình có đi tiếp vào vòng trong không, nhưng chúng tôi tin tưởng vào chiến thắng vì các cầu thủ biết mình sẽ hoàn thành tốt vai trò.”
Đó là khác biệt cơ bản giữa Barca của Enrique và đội bóng xứ Catalan thời điểm này. Barca của thời điểm 4 năm trước luôn tràn đầy niềm tin vào năng lượng khi bộ ba M-S-N còn ở đỉnh cao phong độ và các cầu thủ chưa trải qua giai đoạn chịu sức ì do đã no nê vinh quang.
Barca bắt đầu chuẩn bị kỹ lưỡng cho một “điều gì đó” ở trận Camp Nou lượt về. Messi cùng các đồng đội đánh bại Sporting Gijon 6-1, đè bẹp Celta Vigo 5 bàn không gỡ. Barca “tập” đánh bại đối thủ với cách biệt 5 bàn, bởi chỉ có kết quả này mới giúp họ đi tiếp vào vòng sau.
Cũng giống tâm lý của Liverpool trong đêm Istanbul huyền thoại, việc đầu tiên Barca cần làm để ngược dòng là quên trận thua 0-4 ấy đi. Barca không nghĩ đến nhiệm vụ phải trút 4 bàn vào lưới PSG, mà chia nhỏ mục tiêu ấy thành từng giai đoạn nhỏ. Trong một khoảng thời gian nhất định của trận đấu, Barca phải ghi được 1 bàn. Ví dụ, đội chủ nhà sẽ cố ghi 1 bàn trong 30 phút đầu, ghi thêm 1 bàn trước khi hiệp 1 khép lại, tương tự với hiệp 2. Khi chia nhỏ số lượng bàn thắng phải ghi (thay vì nghĩ tới cả 4 bàn một lúc) thành các mục tiêu nhỏ, các cầu thủ Barca “nhẹ đầu” và thoải mái hơn nhiều. Đó là thành tố quan trọng của tâm lý học động lực cơ bản.
Tỷ số 0-4 ở lượt đi không còn đẩy Barca vào thế rượt đuổi, mà họ phải nhẫn nại tăng cường sức ép trong từng giai đoạn. Nhiệm vụ khó khăn ấy dành cho Enrique. Ông có lòng tin, nhưng phải truyền “đức tin” ấy cho từng cầu thủ. Khi đã thua tới 4 bàn, bao nhiêu cầu thủ dám nghĩ tới kịch bản lội ngược dòng?
“Nếu một đội có thể ghi 4 bàn vào lưới chúng tôi, chúng tôi có thể ghi 6 bàn vào lưới họ. Trong 95 phút, mọi điều đều có thể xảy ra”, huấn luyện viên Enrique quả quyết. “Vạc dầu” ở Camp Nou sục sôi sau câu nói của chiến lược gia người Tây Ban Nha. Khi vị tướng dám nói về những điều không thể, đội bóng của ông và các cổ động viên bắt đầu tin vào điều đó.
Bên kia chiến tuyến, Cavani tuyên bố sẵn sàng cho trận chiến. Chỉ cần ghi 1 bàn ở Camp Nou, Cavani sẽ đẩy Barca vào thế phải ghi 6 bàn để bù lấp. Rút kinh nghiệm từ trận thua Chelsea, PSG cũng muốn nhập cuộc chủ động hơn, thay vì chơi bóng kiểu cam chịu. Tuy nhiên, chiến thắng 4-0 là “cái bẫy” chết người. PSG không thể tập trung tuyệt đối chính bởi lợi thế quá lớn. Trong cuốn tự truyện, Cavani tiết lộ giám đốc của PSG đã thảo luận về việc đặt ra chai rượu vang nào để ăn mừng, ngay trước khi toàn đội rời khách sạn sang trọng Fairmount Rey Juan Carlos I.
Khoảnh khắc cầu thủ PSG đặt chân lên chuyến xe tới Camp Nou, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Sự bình tĩnh của PSG bị xé nát trong không gian hỗn loạn, náo nhiệt trên đường tới sân vận động. Hàng nghìn cổ động viên Barca với pháo khói, băng rôn và cờ quạt xếp hàng dài chặn đứng xe bus để buông lời công kích, chế nhạo đội khách. Bầu không khí địa ngục được tạo ra, khiến quãng đường từ khách sạn tới sân bóng như dài đến vô tận. Sự tự tin của PSG bắt đầu sụt giảm. Nhưng PSG không biết, đấy mới là phần dạo đầu của khúc nhạc “tử thần” bị cất lên trên sân bóng huyền thoại Camp Nou.
Trong phòng thay đồ, Enrique muốn cầu thủ làm điều gì đó mới mẻ. Trong bộ comple, ông đi một vòng, hỏi cầu thủ đã từng tham gia vào cuộc “remontada” nào trong đời cầu thủ chưa. “Remontada” là phương ngữ Tây Ban Nha, ám chỉ một cuộc lội ngược dòng, nơi những kẻ yếu thế vùng lên để giành lấy chiến thắng sau cùng. Phần lớn đội hình Barca trả lời Enrique rằng: “Chưa.” Chiến lược gia Tây Ban Nha nói: “Tốt thôi, chúng ta chuẩn bị ngược dòng ngay bây giờ.”
Không chỉ cầu thủ Barca, cổ động viên cũng bắt đầu nghĩ về những điều kỳ diệu. Nửa tiếng trước cuộc so tài, sân Camp Nou sôi sục. Khán giả đến kín sân, mang theo niềm tin vào một phép lạ chuẩn bị diễn ra trước mắt. Camp Nou không còn một chỗ trống, bởi không ai muốn bỏ lỡ những giây phút chuẩn bị trở thành lịch sử. “Chúng tôi cảm nhận rõ Camp Nou đang rung chuyển”, Sergi Roberto nhớ lại. Với Neymar, kết quả trận lượt đi đã trở thành thứ gì lờ mờ, nhàn nhạt trong tiềm thức Barca. “Tôi tiến lên thách thức đối thủ và chạy nhiều hơn bất cứ trận đấu nào từng chơi trong đời”, tiền đạo người Brazil khẳng định.
Đội chủ nhà dồn lên, vây bắt PSG với một mục tiêu duy nhất: ghi càng nhiều bàn thắng càng tốt. Trước sức ép nghẹt thở của đội bóng xứ Catalan, PSG bắt đầu bối rối. Khuôn mặt Verratti, Matuidi hay Thomas Meunier không còn thoải mái như bữa ăn tối trong video quảng cáo đăng tải trước đó 1 ngày. “Thật khó để chơi bóng hay chuyền bóng, Barca gây sức ép quá lớn”, Verratti chia sẻ về trận đấu, còn Matuidi nói PSG đã thi đấu với sự sợ hãi và không biết phải tiếp cận trận đấu thế nào.
Tỷ số 4-0 lượt đi khiến đội bóng của Emery không biết nên đôi công tìm bàn thắng hay ưu tiên phòng ngự, dù ông hiểu rõ Barca sau gần 10 năm dẫn dắt Almeria, Valencia và Sevilla đá La Liga. Còn Barca chỉ có một lựa chọn: tấn công. Nếu có lựa chọn thứ hai, đấy sẽ là “tấn công nhiều hơn nữa”.
Ngay phút thứ 3, PSG đã lộ rõ sự lúng túng. Từ quả tạt vào của Rafinha, đội trưởng Thiago Silva vụng về đánh đầu thẳng lên trời. Các cầu thủ PSG lưỡng lự trong khâu đón bóng hai, tạo điều kiện cho Suarez khéo léo đánh đầu vượt tầm với của Kevin Trapp, mở tỷ số trận đấu.
Barca đạt được mục tiêu đầu tiên: ghi bàn thắng sớm.
Lúc này, PSG của huấn luyện viên Emery dồn toàn lực phòng ngự. 9 cầu thủ PSG vây quanh vòng cấm để chống chịu sức ép như nồi nước sục sôi của Barca. Đội khách chỉ cắm Cavani ở trên, để chân sút người Uruguay đơn độc giữa khối phòng ngự của đối thủ. Với số đông hậu vệ, PSG kèm chặt Messi, nhưng thực tế là siêu sao người Argentina chỉ đóng vai trò chim mồi. Nhiệm vụ ghi bàn và gánh vác sứ mệnh lịch sử được giao cho Neymar, tiền đạo mà PSG đã bỏ quên hoàn toàn ở trận này.
Phút 41, Neymar chuyền bóng quyết đoán để mở khoảng không cho Suarez. Sau một nhịp đỡ, tiền đạo người Uruguay xoay người chọc khe bổng cho Andres Iniesta băng xuống. Marquinhos phòng ngự thiếu quyết đoán, để Iniesta vượt qua và dứt điểm điệu nghệ. Trong nỗ lực lùi về bọc lót, hậu vệ Layvin Kurzawa đã phản lưới nhà vụng về. Cả sân Camp Nou gầm lên đầy phấn khích. 2-0 cho Barca. Chủ nhà đã làm được phân nửa nhiệm vụ.
Bước vào phòng thay đồ, huấn luyện viên Enrique tái khẳng định thông điệp phải ghi bàn, nhưng lần này, ông có một câu nói đi vào lịch sử đội bóng: “Các chàng trai, ngay cả khi chỉ còn 5 phút, các cậu vẫn có thể ghi 3 bàn.” Enrique không cho phép cầu thủ hoảng sợ hay tuyệt vọng, cũng không được hưng phấn quá mức. Barca phải duy trì sự tập trung, bởi vé tứ kết vẫn còn ở rất xa. Enrique hiểu rõ ở bên kia phòng thay đồ, Emery cũng đang làm điều tương tự với PSG. 15 phút nghỉ giữa hiệp là đủ để PSG lấy lại tinh thần và đổi cách tiếp cận, đó là lý do Barca phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, các cầu thủ đội khách đã tranh luận gay gắt trong đường hầm dẫn vào phòng thay đồ. Ngay cả khi thua đến 2 bàn, PSG vẫn chưa biết phải chơi như thế nào.
5 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, PSG lại thủng lưới. Meunier ngã xuống sau pha đuổi theo truy cản Neymar, nhưng anh lại vô tình cản đường chạy của tiền đạo người Brazil. Trọng tài Deniz Aytekin ban đầu lưỡng lự, song cuối cùng vẫn chỉ tay vào chấm phạt đền sau khi tham khảo trợ lý. Messi bước lên, bóng bay như quả đạn vào “góc chết”. 3-0.
Dù vậy, Barca đột ngột xuống dốc. Dường như đây là phản ứng tự nhiên trong trận đấu quá căng thẳng và hao tổn năng lượng. Barca như sợi dây bị căng suốt một giờ đồng hồ, và ở thời điểm đội bóng của Enrique chùng xuống, PSG đã vùng lên. Sau pha dứt điểm nguy hiểm dội cột dọc, Cavani điền tên lên bảng tỷ số. Phút 62, nhận đường đánh đầu trả bóng của Kurzawa, Cavani vẩy má ngoài tung lưới thủ môn Ter Stegen. Hàng thủ Barca không quen với việc chịu áp lực từ đầu trận. Khi PSG vùng lên, Barca lập tức mắc sai lầm. Khoảng lặng đáng sợ mở ra ở sân Camp Nou, khi các cổ động viên thất thần nhìn cầu thủ PSG nhảy múa ăn mừng. Để đi tiếp, Barca phải ghi thêm 3 bàn và không được thủng lưới. Ghi 3 bàn vào lưới một PSG đang phấn khích tột độ?
“Chúng tôi sẽ không chết! Chúng tôi là Barcelona! Chúng tôi sẽ chiến thắng”, Ter Stegen hét lên, nhưng không phải ai cũng nghĩ như thủ môn người Đức. Theo Verratti, một số cầu thủ đã nói với anh rằng trận đấu “coi như xong rồi”. Neymar nhìn thấy hầu hết đồng đội đều có thái độ chấp nhận buông xuôi.
“Khi tỷ số là 3-1, không ai có thể nghĩ đến sự thay đổi nào nữa”, Cavani chia sẻ. Barca xuống dốc tột độ sau bàn thua. Thủ môn Ter Stegen sau đó phải nhoài chân hết cỡ để cản phá tình huống đối mặt mười mươi của Cavani. Sau đó 20 phút, đến lượt Di Maria bỏ lỡ cơ hội. PSG cũng có một tình huống được hưởng phạt đền mười mươi khi Javier Mascherano ngáng chân Di Maria, song trọng tài nói không. “Tôi đã nói với Di Maria rằng đó là một pha phạm lỗi”, Mascherano chia sẻ lại với AS. Ai cũng thấy đó là tình huống phạm lỗi, trừ ông Aytekin.
Nhưng PSG không tiếc nuối quá lâu, bởi 3-1 đã là đủ.
Phút 87, Barca tiếp tục đẩy cao đội hình để có thêm càng nhiều bàn thắng càng tốt. Quỹ thời gian đang dần cạn, nhưng Neymar không bỏ cuộc. Phút 87, tiền đạo người Brazil nỗ lực đột phá ở cánh trái và mang về một quả đá phạt. Ở góc sút rất khó, anh đánh bại Trapp, nâng tỷ số lên 4-1. Cú đá của Neymar đẹp tới mức thủ môn PSG chỉ kịp giơ tay lên trước khi nhận ra điều đó vô ích, và sau đó cam chịu ngã xuống cột. Đó là hình ảnh biểu tượng cho những gì chuẩn bị xảy ra với PSG.
Đội bóng nước Pháp bất ngờ hoảng sợ, và chỉ đẩy bóng ra càng xa khung thành càng tốt. “PSG tổn hại về tinh thần sau bàn thắng này. Họ nghĩ chúng tôi đã bỏ cuộc”, Samuel Umtiti nói với RMC. Barca cầm bóng, dồn toàn bộ đội hình lên phần sân PSG và phút bù giờ đầu tiên, Suarez ngã xuống trong vòng cấm. Trọng tài Aytekin lại chỉ tay vào chấm 11m.
Messi là người thực hiện, nhưng số 10 nhường lại cho Neymar. Messi nghĩ rằng cầu thủ người Brazil có vẻ “tự tin hơn” và “cảm thấy vào thời điểm đó” mình sẽ ghi bàn. Neymar một lần nữa đánh bại Trapp. 5-1, lúc này, khuôn mặt các cầu thủ PSG không còn một giọt máu. Những tranh cãi giữa Silva và đồng đội cũng ít dần đi. Xung quanh đội khách chỉ là sự trống rỗng và vô hồn. Trong 10 phút, PSG chỉ chạm bóng 3 lần, 2 trong số đó đến từ chấm giao bóng sau khi họ thủng lưới.
“Đúng, chúng tôi có thể.” Những tiếng cổ động gầm dậy ở Camp Nou. Cổ động viên Barca tỉnh dậy sau 20 phút căng thẳng và bất lực, còn PSG đã ở rất sát bờ vực sụp đổ. Barca phải ghi 1 bàn nữa, khi thời gian đang trôi chóng mặt với họ, nhưng lại dài như vô tận với PSG. Phút bù giờ thứ 4, Verratti phạm lỗi với Ter Stegen, lúc này đã băng lên phần sân PSG để gây áp lực. Barca chẳng còn gì để mất. Neymar sút phạt, bóng bật ra. Chân sút người Brazil cầm một nhịp, ngoặt sang chân trái rồi thả bóng hợp lý. Bóng vượt qua đầu Messi, rồi Gerard Pique. Lúc này, Sergi Roberto như từ dưới đất chui lên, phá bẫy việt vị và dứt điểm vượt tầm với của Trapp. 6-1.
Cả sân Camp Nou như bùng nổ. Máy dò địa chấn đặt cách sân bóng 500m ghi nhận một trận động đất nhỏ đã xảy ra ở cầu trường vĩ đại này. Màn ăn mừng của cổ động viên Barca nhòa đi trong nước mắt. “La Remontada” đã hoàn tất. Barca đúng là có thể ghi 3 bàn trong 5 phút như lời Enrique nói. Còn PSG gục xuống trong đau đớn.
Barca đã biến điều không thể thành có thể, nơi những dữ kiện và thống kê quan trọng đều bị át bởi cảm xúc và âm thanh lớn nhất mà bất cứ ai ở Camp Nou từng nghe thấy trong đời. Được có mặt ở Camp Nou trong đêm 07-03-2017 là một đặc ân, nhưng với PSG, chẳng còn gì ngoài khoảng trống trắng xóa. Đội bóng nước Pháp nằm dài xuống mặt cỏ, không tin vào những gì vừa xảy ra.
Hình ảnh ấn tượng nhất trong đêm ngược dòng của Barca là khi Messi được cầu thủ công kênh như một vị Chúa trời quyền năng. Messi không phải nhân vật chính của cuộc lội ngược dòng, nhưng anh là biểu tượng của Barca - đội bóng vượt qua nhiều trầm luân, gian khổ, dù vậy, luôn biết cách ghi danh vào lịch sử theo nhiều cách khác nhau. Sau chiến thắng trước PSG, Barca cũng dừng bước ở tứ kết trước Juventus của Allegri. Màn ngược dòng của Barca cũng trở nên không trọn vẹn khi những quyết định tranh cãi của trọng tài bị mổ xẻ (như cho Barca hưởng 2 quả phạt đền 50:50, còn từ chối PSG quả phạt đền rõ ràng), nhưng thực tế là, sự hoảng loạn của PSG mới là tác nhân khiến họ phải rời Champions League. Trong đêm hùng vĩ ở Camp Nou, PSG quá nhỏ bé so với ý chí quật cường của Barca.