Dũng Phan
Cup C1/Champions League sẽ không thể vĩ đại nếu thiếu đi những bộ óc cầm quân vĩ đại. Người ta thậm chí còn phát hiện ra một điều đặc biệt, đấy là chiến thuật của các đội tuyển quốc gia thường đi sau chiến thuật của các CLB. Đơn giản vì những CLB có thời gian ăn tập nhiều hơn, thi đấu nhiều hơn, có nền tảng từ đào tạo trẻ với triết lý xuyên suốt. Tổng hòa từng đó yếu tố đã giúp chiến thuật CLB đi trước một nước cờ, và có một thế đứng cao trong lịch sử bóng đá. Câu chuyện của chương này xin kể về bậc thầy của những chiến công.
Miguel Munoz - HLV vĩ đại của Real
(Nguồn: Youtube)
Cup C1 bắt đầu từ Real Madrid, và huấn luyện viên đầu tiên được đưa vào biên niên sử vàng cũng là huấn luyện viên của Real Madrid. Ông là vị cha đẻ của nghệ thuật “đắc nhân tâm” trong bóng đá: Miguel Muñoz. 15 năm cầm quyền, ông giành được 14 danh hiệu cùng Real Madrid, trong đó có 9 La Liga, 2 Copa del Rey, 2 Cup C1, và 1 Intercontinental Cup. Không có vị huấn luyện viên nào nắm quyền ở Real Madrid lâu như Miguel Muñoz với tổng thời gian là 15 năm, cùng 604 trận huấn luyện Real Madrid. Tại sao ông làm được những điều phi thường ấy ở một đội bóng đòi hỏi cao như Real? Câu trả lời chính là nghệ thuật “đắc nhân tâm” trong phòng thay đồ. Vị huấn luyện viên người Tây Ban Nha có biệt danh là “Người đàn ông với bó hoa sau lưng” đủ để nói lên chất lịch lãm, phong cách bảo ban cầu thủ mà ông thực hiện. Muñoz làm việc như một người cha cần mẫn, bằng cách khơi gợi tinh thần chiến đấu cho họ, để họ thoải mái nhất. Chứ Real ngày đó cũng như Real ngày nay. Mất công nói nhiều chiến thuật làm gì khi mà trên sân nào có ai ngăn nổi Di Stefano và Ferenc Puskás phối hợp với nhau? Ai mà chặn nổi “cơn lốc” Paco Gento bên cánh? Đã thế, Bernabeu còn mang thêm về Raymond Kopa để tạo ra “bộ tứ huyền ảo”. Vì Real Madrid mạnh từ thời xa xưa nên những huấn luyện viên thành công nhất của Real Madrid là những con người biết làm chủ phòng thay đồ. Miguel Muñoz có sự lãng mạn, tinh tế, sự thấu hiểu để thành niềm cảm hứng mà Del Bosque hay Zinedine Zidane đã áp dụng và thành công. Bây giờ, khi quyền lực của các cầu thủ càng lúc càng lớn dần, đã qua rồi cái thời của những cách quản lý kiểu quân phiệt, chính các huấn luyện viên khác của bóng đá hiện đại nên quay ngược về 60 năm trước để xem cách Muñoz tặng hoa như thế nào mà quản lý phòng thay đồ cho tốt.
Người lật đổ được “Người đàn ông với bó hoa sau lưng” chính là Bela Guttmann. Ông là một huấn luyện viên huyền thoại người Hungary gốc Do Thái, cha đẻ của tactic 4-2-4. Cho đến tận bây giờ, Bela Guttmann cũng là người đem về cho Benfica 2 danh hiệu vô địch C1/Champions League đầu tiên và duy nhất. Cùng người học trò Eusebio, ông đánh bại Real Madrid của Di Stefano và Puskas với tỷ số 5-3 ở chung kết Cup C1 năm 1962. Đây vẫn được xem là một trong những trận chung kết đẹp nhất lịch sử, như chính triết lý vũ công của Bela Guttmann: “Tôi chẳng thèm quan tâm đến cách đối thủ ghi bàn, bởi chúng tôi có thể ghi được nhiều bàn hơn họ.” Sau trận, Guttman đã đến gặp Ban lãnh đạo Benfica để đòi tăng lương, và bị từ chối. Phẫn nộ, ông ra đi và để lại một lời nguyền ma quỷ: “Trong vòng 100 năm nữa, sẽ không có đội bóng Bồ Đào Nha nào trở thành nhà vô địch châu Âu, và Benfica mà không có tôi sẽ không bao giờ giành được một Cup châu Âu nào nữa.” Porto đã phá bỏ được lời nguyền thứ nhất, nhưng Benfica thì không. Kể từ năm 1962 tới nay, hơn một nửa thế kỷ đã đi qua, Benfica lọt vào chung kết 8 lần nhưng đều thất bại. Năm 1990, trước trận chung kết gặp Milan tại Vienna. Eusebio tới kính viếng hương hồn ông, để hy vọng lời nguyền được hóa giải. Nhưng không, Benfica thua 0-1 bởi bàn thắng duy nhất của Frank Rijkaard. Đến ngày hôm nay, người ta vẫn gọi đó là “Lời nguyền Bela Guttmann”.
Cup C1 châu Âu là nơi sinh ra những huấn luyện viên huyền thoại của thuở khai thiên lập địa, cũng là nơi khai sinh những trường phái bóng đá. Sau Real Madrid và Benfica chính là “kỷ nguyên vàng” của thời đại phòng ngự Catenaccio mà dẫn đầu là hai vị huấn luyện viên của thành Milan: Nereo Rocco của AC Milan và đặc biệt Helenio Herrera - người truyền giáo vĩ đại nhất của Catenaccio, huấn luyện viên của Inter Milan. Bằng viên ngọc của phòng ngự, hai vị huấn luyện viên này đem đến cho thành Milan 4 chức vô địch C1 trong thập niên 1960 (Milan 2 lần vào các năm 1963, 1969, và Inter 2 lần vào các năm 1964, 1965). Catenaccio không phải bắt nguồn từ Ý, xuất phát là từ Thụy Sĩ bởi huấn luyện viên Karl Rappan. Nhưng Catenaccio là gắn liền với Ý, với Rocco, với Herrera, và với Italia của World Cup 1982, là câu nói đến nay đã thành huyền thoại: “Hãy kèm lấy hắn, đi theo hắn, dù hắn ta có đi vào nhà vệ sinh chăng nữa”. Nereo Rocco cùng Milan đã “kèm chết” Eusebio của Benfica, giúp Milan trở thành đội bóng Ý đầu tiên vô địch C1. Còn Helenio Herrera - vị tướng quân được nhớ tới cùng Catenaccio - sẽ làm được nhiều điều hơn nữa. Nếu Miguel Muñoz là cha đẻ của nghệ thuật “đắc nhân tâm” cho các vị huấn luyện viên, thì Herrera là “quân phiệt” trong bóng đá. Ông quản trị xuất sắc nhưng không phải bằng vỗ về mà bằng kỷ luật. Sau lưng Muñoz là cánh hoa, sau lưng Herrera là voi rọt. Ông không chỉ khắc nghiệt với cầu thủ, ông còn độc địa với đối thủ. Là người tạo nên một Grande Inter của thập niên 1960, là người đưa Catenaccio lên tầm nghệ thuật, ông còn là cha đẻ của nghệ thuật hắc ám mà Jose Mourinho hay Diego Simenone sau này cũng chỉ là hậu bối. Herrera tạo nên Catenaccio bằng cách đưa Armando Picchi về vị trí libero, vừa bọc lót cho hai trung vệ, vừa tổ chức các đường bóng lên qua những cú phất bóng dài. Người Brazil tự hào về những hậu vệ cánh ư? Herrera tự hào mang ra Giacinto Facchetti để cân đếm. Còn ở bên trên, ai hơn được Sandro Mazzola cơ chứ? Vậy là một “Grande Inter” ra đời và chinh phạt.
Sau cơn sóng của Ý là cơn sóng của Đức, vị huấn luyện viên tiên phong cho vinh quang của người Đức có tên là Udo Lattek. Ông sinh năm 1935 dưới chế độ phát xít Đức. Đến năm 35 tuổi, ông đã trở thành huấn luyện viên của những Franz Beckenbauer, Gerd Mueller, Sepp Maier... Phải chăng, để những huấn luyện viên “tuổi trẻ tài cao” nắm quyền là thói quen của người Đức? Sau này họ có Julian Nagelsmann, 33 tuổi đã đưa Leipzig vào bán kết Champions League. Huấn luyện viên Lattek là người mở ra kỷ nguyên vĩ đại của Bayern. Ông dọn đường cho sự thống trị của Bayern ở đất Đức, bằng việc đưa Bayern trở thành đội bóng đầu tiên vô địch Bundesliga 3 lần liên tiếp từ 1972-1974. Bên ngoài lãnh thổ, Lattek chấm dứt sự thống trị của Ajax Amsterdams, và đem về cho bóng đá Đức danh hiệu Cup châu Âu đầu tiên trong lịch sử vào năm 1974. Chưa hết, ông còn mua về Uli Hoeness - người không chỉ là cầu thủ giỏi, mà còn là nhà quản lý tài ba cho thành công của Bayern đến tận hôm nay. Một lịch sử của Bayern đã được kiến tạo dưới bàn tay và khối óc của người đàn ông nay. Và xin nhắc lại, ông cầm quyền từ tuổi 35.
Khi những cơn sóng đỏ tràn vào Cup châu Âu thập niên 1970, đã nổi bật lên hai vị huấn luyện viên đặc biệt. Con người của những quái chiêu, họ chính là Bob Paisley và Brian Clough. Đã nửa thế kỷ đi qua nhưng Bob Paisley vẫn là huấn luyện viên thành công nhất lịch sử nước Anh ở đấu trường châu Âu. Cùng Liverpool, ông mang về 3 Cup C1. 55 tuổi mới cầm quyền, đơn giản vì ông là sự kế thừa của Bill Shankly - huấn luyện viên đặt nền tảng cho thành công của Liverpool. Không thể không nói tới Bill Shankly, cha đẻ của câu nói “Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”. Người khai sinh ra văn hóa, tính cách và lối đá cho Liverpool trước khi đi tìm kiếm những danh hiệu mới.
Thời kỳ huy hoàng của Bob Paisley là ngọn núi mà nhiều huấn luyện viên nước Anh vẫn ước mơ. Ông qua đời vào ngày lễ Tình yêu năm 1996 ở tuổi 77, và một đài tưởng niệm Paisley đã được dựng lên ở thị trấn quê hương Hetton-le-Hole để tưởng nhớ ông. Nhưng nước Anh ngày đó điên cuồng không phải vì Paisley, mà vì một “gã điên” kỳ lạ khác. Tên hắn ta chính là Brian Clough - “người đặc biệt” đầu tiên của thế giới bóng đá, người mở đường cho vị trí ngôi sao trên băng ghế chỉ đạo. Brian Clough nổi tiếng với những phát ngôn ấn tượng, thông minh, và xin nhấn mạnh là cũng đầy quyến rũ. Không thể tin nổi vào cái thời đó mà ngôi sao truyền thông số 1 đội bóng lại là huấn luyện viên chứ không phải cầu thủ. Điển hình như việc Martin O’Neill khi còn đá cho Nottingham Forest vì sa sút phong độ nên bị đẩy xuống đội dự bị. Khi bị chất vấn về việc này, Clough đáp lại: “Bởi vì cậu quá giỏi để đá cho đội dự bị thứ 2”. Liên quan đến vấn đề bất đồng với cầu thủ trong phòng thay đồ, ông ngạo nghễ kể lại với phóng viên: “Chúng tôi nói về vấn đề trong 20 phút và sau đó chúng tôi quyết định rằng tôi là người đúng”. Nếu luận về sự ngạo mạn, Clough cũng chẳng thua ai khi thẳng thừng tuyên bố: “Thành Rome không xây được trong một ngày. Nhưng chẳng qua tôi không đụng tay vào."
Clough luôn xác định tâm thế đứng cao hơn mọi người, cách ông làm là tỉ mỉ, căn dặn để khiến cầu thủ phải thay đổi. Ông đã làm được những điều đặc biệt hơn tất cả ai cùng thế hệ. Ông dẫn dắt Derby County, một đội bóng ở dưới đáy hạng Hai đi lên hạng Nhất, và vô địch nước Anh chỉ sau 5 năm cầm quân. Sau đó, ông đến với đội bóng hạng Hai khác là Nottingham Forrest, đưa họ lên hạng Nhất. Chỉ sau 5 năm, đưa Nottingham Forrest đến với chức vô địch... Cup châu Âu, thậm chí còn bảo vệ thành công ngôi vương sau đó một năm. Cuộc đời Brian Clough là biến những CLB hạng hai thành những nhà vô địch tại những vị trí hạng nhất. Ông là người gây tranh cãi về sự xuất sắc và sự vĩ đại, vì là người có số danh hiệu vô địch châu Âu nhiều hơn vô địch quốc gia, giống như James Dean, tuy ngắn ngủi mà huy hoàng.
Còn một người nữa cũng tạo nên cách mạng trong dòng chảy chiến thuật của bóng đá thế giới nói chung và Champions League nói riêng, ông chính là Arrigo Sacchi huyền thoại. Nếu Helenio Herrera là bậc thầy của Catenaccio, thì Arrigo Sacchi là vị chúa của pressing. Nếu hôm nay Juergen Klopp khiến tất cả các đội bóng ông dẫn dắt phải chạy nhiều hơn 2km mỗi trận, thì Sacchi từ thập niên 1980 đã khiến cho Ancelotti phải thở than: “Chỉ cần nghĩ đến cảnh leo cầu thang về phòng là tôi đã hãi hùng. Tôi và đồng đội đã kiệt sức vào mỗi cuối tuần.” Sacchi không yêu Catenaccio như những huấn luyện viên Italia khác, ông thần tượng những người Hà Lan, thích 4-3-3 và phát triển chúng lên một tầm cao mới. Dưới tay ông, bộ ba Hà Lan bay Rijkaard, Gullit, Van Basten là những viên kim cương, dưới hàng tiền vệ là Donadoni, Ancelotti, dưới hàng hậu vệ là bộ tứ Mauro Tassotti, Costacurta, Baresi và Maldini. Lối đá ông tạo dựng như một cơn cuồng phong, nghiền nát mọi đối thủ và đó là một lối đá đi trước thời đại. Sau này, khi Fabio Capello nắm quyền, “gã mặt lạnh” kế thừa và phát triển những gì Sacchi đã làm được, tạo nên chuỗi bất bại kỷ lục cho Milan, cùng chiến thắng 4-0 thần thoại ở trận chung kết Champions League 1994 trước “Dream Team” của Johan Cruyff.
Dù Sacchi đã giải nghệ, nhưng pressing chưa bao giờ mất đi trong dòng chảy bóng đá. Vào các năm 2013, 2019, 2020, cả 3 nhà vô địch Champions League đều chơi bóng bằng cách kiểm soát từng mét vuông sân cỏ, áp sát liên tục, và di chuyển với mật độ cao khủng khiếp. Mùa giải 2012-13 là đỉnh cao của lối đá này bằng trận chung kết toàn Đức giữa Bayern Munich và Dortmund. Trên con đường đi vào trận chung kết, hai đội bóng Đức đã hủy diệt hai gã khổng lồ lớn nhất thế giới bóng đá khi ấy là Barcelona và Real Madrid ở bán kết. Jupp Heynckes trở thành huấn luyện viên tiếp theo giành 2 Champions League với 2 đội bóng khác nhau. Bại tướng của ông hôm đó là Jurgen Klopp sẽ có thêm 6 năm để phục thù khi đưa Liverpool đến với chức vô địch năm 2019, và cũng bằng lối chơi pressing đã thành thương hiệu. Năm tiếp theo, vẫn là Bayern Munich, vẫn là kiểu chơi pressing tàn sát các đối thủ, họ vô địch Champions League 2019-20 bằng thành tích… toàn thắng. Ngày nâng cao chức vô địch, số danh hiệu mà huấn luyện viên Hans-Dieter Flick có được thậm chí còn nhiều hơn số trận thua. Nhắc thêm một chút về Flick, ông có 14 năm làm trợ lý. Như thể ở ẩn đọc binh pháp, chờ ngày xuống núi. Và khi xuống đến nơi thì giang hồ đại loạn. Rất đúng với phong cách của Tư Mã Trọng Đạt: “Dùng kiếm một ngày, nhưng mài kiếm cần 20 năm.”
Ernst Happel - HLV đầu tiên vô địch C1 với 2 đội khác nhau (Nguồn: FIFA)
Chúng ta cũng không thể không nhắc tới những con người đặc biệt khác, ví dụ như Ernst Happel - người đầu tiên vô địch C1 với 2 CLB khác nhau (sau này có thêm Ottmar Hitzfeld, Jupp Heynckes, José Mourinho, Carlo Ancelotti). Hay Ljupko Petrovic, người từng đến Việt Nam và cầm quân tại FLC Thanh Hóa. Ông đã vô địch Cup C1 mùa giải 1990-91 cùng Sao Đỏ Belgrade sau khi đả bại Marseille của những Jean-Pierre Papin, Jean Tigara dù khi ấy Petrovic đang dẫn dắt Sao Đỏ Belgrade giữa hoàn cảnh biến động nhất lịch sử khu vực Đông Âu, trong cảnh chiến tranh loạn lạc ở Nam Tư cũ. Dòng chảy huấn luyện viên tại đấu trường châu Âu còn có những con người không vô địch nhưng lại tạo nên các bản trường ca, ví dụ Valery Lobanovsky, huấn luyện viên của Dinamo Kiev, cha đẻ của bóng đá Đông Âu và chiến thuật “bầy ong”.
Nếu thập niên 60 là của người Ý, thập niên 70 là của người Đức, thập niên 80 là của người Anh, thì thập niên 90 là của người Hà Lan, không chỉ đơn giản là những chiến thắng, mà còn vì những triết lý bóng đá của họ. Sacchi và “Bộ ba Hà Lan bay” đưa Milan đến với giai đoạn thống trị trọn vẹn ở Cup C1 châu Âu, Johan Cruyff cùng Barcelona làm mưa làm gió, và cuối cùng là “cơn gió chướng” Luis van Gaal cùng đoàn quân trẻ trung Ajax Amsterdam 1994-95.
Mùa giải 1991-92, “Thánh” Johan là người đã đem về cho Barcelona danh hiệu vô địch châu Âu đầu tiên trong lịch sử đội bóng. Ông cũng là người đặt nền móng, xây dựng triết lý cho gã khổng lồ xứ Catalunya. Tôn chỉ của ông rất rõ ràng: “Chiến thắng một điều quan trọng. Nhưng phải có phong cách riêng, được sao chép, được ngưỡng mộ. Đó mới là món quà quý giá nhất.” Đời người không phải được đo vì ngắn hay dài, mà vì di sản để lại. Johan Cruyff bên cạnh thứ bóng đá tổng lực, kiểm soát bóng, ông còn truyền đến một triết lý vĩnh cửu như người giáo sư đầu ngành. Người học trò xuất sắc nhất của ông, sinh sau ông đúng 2 giáp, Pep Guardiola là một minh chứng. Pep phát dương quang đại tiqui-taca, đem về cho Barca một kỷ nguyên thống trị với 2 chức vô địch Champions League. Ảnh hưởng của Pep đến hôm nay vẫn còn đang sâu rộng, qua hình ảnh thống trị của Manchester City trên bầu trời nước Anh bằng lối chơi kiểm soát bóng.
Còn về Van Gaal - nhà vô địch Champions League 1995, thì đánh theo hướng khác. Ông là người gây dựng nên thế hệ vinh quang tiếp theo của người Hà Lan, họ bao gồm những cái tên như Van der Sar, Patrick Kluivert, anh em De Boer, Dennis Bergkamp, Marc Overmars, Michael Reiziger và Clarence Seedorf, Edgar Davids… Đội bóng Ajax 1995 mà Van Gaal đào tạo sở hữu lối đá cách tân từ chiến thuật “Bóng đá tổng lực”. Họ phối hợp nhịp nhàng, ào ạt như những cơn lốc, luân chuyển đội hình bằng sự hiểu ý tối đa giữa các cá nhân. Đấy là đỉnh cao của lối chơi đồng đội trên một tập thể đồng đều và tài ba. Có một thống kê đáng sợ về Ajax giai đoạn ấy: ghi 106 bàn trong 34 trận (trung bình trên 3 bàn mỗi trận). Điều khủng khiếp nhất của thế hệ Ajax này chính là độ tuổi trung bình của các cầu thủ chỉ mới 23 tuổi, và họ còn cả tương lai dài phía trước. Nhưng định mệnh đến vào tháng 12-1995, đạo luật Bosman ra đời. Luật này cho phép các cầu thủ được ra đi tự do sau khi hết hạn hợp đồng. Những nhân tài tuyệt vời nhất của Ajax bị các CLB lớn xâu xé, cuối cùng rã đám toàn bộ khi tiền bạc của Ajax không đủ sức níu giữ họ. Giấc mộng tan vỡ, Ajax trở thành âm hưởng.
Bóng đá tấn công trở thành trào lưu chiến thắng kéo dài 3 thập niên, cho đến một ngày đẹp trời xuất hiện gã đàn ông kiêu ngạo có tên là Jose Mourinho. Đó là một năm 2004 điên loạn. Trong mặt trận Champions League, Porto lên ngôi đầy bất ngờ; ở Euro 2004, Hy Lạp của huấn luyện viên người Đức, Otto Rehhagel, cũng vô địch bằng lối chơi thực dụng. Một năm sau, Rafael Benítez lên ngôi cùng Liverpool trong đêm Istanbul điên rồ (Andrea Pirlo tâm sự từng muốn giải nghệ chỉ vì thua trận này). Nhưng không ai tạo được ấn tượng vì lối chơi thực dụng, xây dựng nên một trào lưu, và gây ra nhiều giông gió cho bóng đá hiện đại của thế kỷ XXI lớn như Jose Mourinho cả. Với quy tắc “2 tiền đạo là quá nhiều, 4 tiền vệ là quá ít”, với quan điểm xây dựng đội hình “3 thủ môn và 2 cầu thủ chất lượng trong cùng một vị trí”, với sự “sùng đạo” dành cho Makelele, ông tạo nên một hệ thống triết lý phản Johan Cruyff của mình, trong đó có hai điểm quan trọng: “ai có bóng thì dễ phạm sai lầm”, và “đội phạm ít sai lầm hơn sẽ thắng trận”. Đội bóng của Mourinho thực dụng, ưa thắng 1-0 và hủy diệt cả giải đấu. Mourinho qua nước Anh và ngạo nghễ nói: “Xin đừng gọi tôi là kẻ kiêu ngạo. Tôi đã giành chức vô địch châu Âu và tôi nghĩ mình là người đặc biệt.” Sau đó, ông phá vỡ cuộc đua song mã của Arsenal - Manchester United. Nếu hai đối thủ kia như những kẻ say đòn, thì Mourinho như một con mèo vờn con chuột, tỉnh táo, trốn chạy về góc võ đài, và tung ra cú đấm knock-out lúc chẳng ai ngờ nhất. Tại Champions League, hành trình của Mourinho khởi đầu với Porto, vinh quang cùng Chelsea và đẹp tựa khúc hùng ca tại Inter Milan. Ở cái nơi ông và những cầu thủ Inter như Diego Milito, Wesley Sneijder, Javier Zanetti, Júlio César, Maicon… đã cùng nhau kết dính như tường đồng vách sắt chống lại mọi thứ, để đi qua các chướng ngại, và vô địch giữa trập trùng gian khổ. Đó là một khung trời Inter cháy bỏng, nồng nàn, khiến nhiều trái tim Interista rướm lệ khi nhìn lại. Mourinho đã đến Milano, ra đi như một cơn gió, và một phần trái tim ông đã vĩnh viễn để lại Inter Milan qua những lần rơi nước mắt vì đội bóng này. Từ sau ngày đó, Mourinho không còn tìm lại những khung hình chiến thắng nữa.
Người vinh quang nhất ở mặt trận này, cũng là người kéo dài nhất chuỗi vinh quang từ đầu thập niên thứ nhất qua thập niên thứ hai của thế kỷ XXI chính là Carlo Ancelotti. Người đàn ông đến từ Reggiolo này nổi tiếng bằng một sơ đồ có hình cây thông, qua “cửa ngõ chiến thuật” lùi sâu Andrea Pirlo. Sơ đồ mà Milan chiến thắng ở Champions League 2002-03 chính là 4-3-1-2 với bộ tứ vệ Kaladze, Maldini, Nesta và Costarcurta. Pirlo, Gattuso và Seedorf hợp thành tuyến giữa, còn bên trên, Rui Costa đá hộ công bên dưới Pippo và Sheva. Ancelotti đã đưa vào sân đồng loạt ba cầu thủ kiến tạo gồm Pirlo, Seedorf và Rui Costa: hai người đá nhô cao và một lùi xuống thấp. Để hàng tiền vệ nghệ sĩ này hoạt động, Ancelotti cần người quan trọng thứ hai của “cây thông” - Gennaro Gattuso: một người càn quét và bơm máu cho hệ thống hoạt động tốt. Thế là một Milan vĩ đại ra đời bằng hàng tiền vệ hệt như một dây chuyền với những chiếc bánh răng khớp vào nhau một cách hoàn hảo. Còn Carletto đã tạo nên kỷ nguyên vĩ đại thứ 3 trong lịch sử AC Milan bằng 2 chức vô địch Champions League vào các năm 2003 và 2007.
La Decima
Dấu mốc tiếp theo của Ancelotti chính là kỳ công thực hiện giấc mơ “La Decima” cho Real Madrid vào năm 2014. Đấy là một chiến tích tuyệt vời mà đến hôm nay các Madridistas vẫn không quên ơn. Bằng nghệ thuật lãnh đạo tĩnh lặng, Ancelotti quản lý phòng thay đồ Real một cách chuẩn mực, giúp đội bóng nhìn về một hướng và ông cởi trói cho tâm lý của đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ XX để đi đến chức vô địch quan trọng nhất, chức vô địch mang tên “La Decima”.
Sau đó, người học trò của ông là Zinedine Zidane mang về cho Real thêm 3 danh hiệu Champions League nữa. Zidane thì thật khó để bàn về triết lý, người ta bảo rằng Zidane “dùng vô chiêu thắng hữu chiêu”, hay Zidane là một con người thâm sâu khó dò, hoặc Zidane vận dụng uyển chuyển “đắc nhân tâm” trong bóng đá. Dù là câu chuyện thế nào đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn chỉ biết một điều, luôn có những con người sinh ra đã là lịch sử. Và Zidane - Real là một chứng nhân truyền kỳ của một thời đại mà ai cũng tin chắc rằng “Giành 3 Champions League liên tục ở thế kỷ XXI khó hơn gấp bội 5 Cup châu Âu liên tiếp ở thế kỷ XX”. Điều Zidane làm được, vì thế, là sự vĩ đại ngoài khuôn khổ câu chữ.
Zinedine Zidane - vị vua của Champions League
Câu chuyện về Zidane cũng xin khép lại chương sách về dòng chảy các huấn luyện viên của Cup C1 châu Âu. Một điều chắc chắn không thể phủ nhận, sức mạnh và trí tuệ của những con người ngoài đường pitch ở đấu trường này đã định hình nên bộ mặt của bóng đá hiện đại. Bạn có nhận ra điều đặc biệt này hay chăng? Chiến thuật bóng đá cấp CLB thường đi trước cấp đội tuyển quốc gia.