CELTIC 1967
Vũ Hoàng (ACMilanVN)
Những chiếc xe goòng được chầm chậm đẩy vào hầm mỏ. Sau vài chục phút, những người công nhân mặt dính đầy nhọ mệt mỏi đẩy xe đã được chất quặng than ra khỏi hầm. Hết một kíp, đã đến giờ nghỉ. Đám công nhân tựa người vào bất cứ chỗ nào có thể tựa để hít thở đôi chút không khí trong lành không còn dính bụi than. Lẫn trong đám ấy, cậu nhóc Jock Stein ngồi bệt xuống đất và ngẩng đầu nhìn bầu trời âm u. 15 tuổi và chẳng có ý tưởng gì cho tương lai, cậu không biết rằng trong vòng 30 năm nữa, cậu sẽ trở thành một truyền thuyết của người Scotland, một vị anh hùng vĩ đại của nền thể thao đất nước nhỏ bé này.
Jock Stein và học trò
“Này các nhóc, ta tin các nhóc sẽ giành được mọi thứ ở mùa giải này.” Jock Stein oai vệ nói với các cầu thủ của mình vào buổi sáng của mùa giải mới như thế. Đó là lúc tinh thần của Celtic được đẩy lên đến mức cao nhất. Không ai rõ liệu Stein có ám chỉ đến chiếc Cup châu Âu hay chỉ nói về những giải đấu quốc nội, nơi mà Celtic năm trước đã suýt có cú ăn 3. Nhưng sau lời động viên mang chất tiên tri ấy, các cầu thủ lao vào tập như điên để chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu đầu tiên tại Cup C1.
Mười tám tháng trước đó, Stein đến gặp Bob Kelly để thỏ thẻ về việc ông được Wolverhampton mời về làm huấn luyện viên. Ông hỏi vị Chủ tịch của Celtic rằng liệu mình có nên rời Scotland để bắt đầu một cuộc sống mới hay không. Kelly ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi ngược lại: “Cậu có muốn thay Sean (tức Sean Fallon, quyền huấn luyện viên của Celtic lúc ấy) không?” Stein đáp ngay: “Có!” Và một thỏa thuận ngầm lập tức được ký kết, Stein sẽ quay trở lại Celtic vào cuối mùa giải. Kelly đã làm đúng những gì ông cần phải làm. Stein khi ấy là một huấn luyện viên trẻ đầy triển vọng, người đã đưa Dunfermline và Hibs giành được những thành công ngoài sức tưởng tượng trong vòng vài năm qua. Nhưng Stein cũng nổi tiếng là một gã nóng đầu và sẵn sàng chửi bới bất cứ cầu thủ nào không chịu làm theo ý ông. Đưa Stein quay trở lại Celtic Park là một con dao hai lưỡi, hay nói đúng hơn là trò đỏ đen của đội bóng áo xanh trắng.
Tháng 1-1965, Stein tuyên bố ông sẽ rời Hibs vào cuối mùa. Thông báo này khiến các cổ động viên lẫn cầu thủ của Hibernians buồn thối ruột. Họ không nghĩ vị thuyền trưởng đầy năng động này lại dễ dàng rời đi như thế. Nhưng tiếng gọi yêu thương của Celtic đã lấn át tất cả. Chỉ hơn 1 tháng sau, Stein bất ngờ tới Celtic Park thay vì đợi hết mùa giải. Bob Kelly đang cần một người thổi bùng ngọn lửa chiến đấu cho Celtic. Lúc ấy, Celtic đã thua tới 10 trận ở giải vô địch và đang lóp ngóp ở top giữa.
Các cầu thủ hồi hộp chờ đợi một màn tra tấn, “sạc”, “cạo lông lợn” hoặc bất cứ thứ gì tương tự như thế trong ngày Stein ra mắt. Nhưng ô kìa, thật kỳ lạ, vị huấn luyện viên nổi tiếng nóng máu này đã hiền hòa hơn hẳn những gì họ tưởng tượng. Stein nói chuyện với đám học trò bằng thứ ngôn ngữ ngọt ngào nhất mà ông có thể nặn ra. Những anh chàng Celtic đang chờ đợi một màn khủng bố bằng lời nói của ông thầy bỗng chốc cảm thấy cuộc đời tươi sáng hẳn lên. Buổi nói chuyện kết thúc bằng không khí vui vẻ và tràn đầy lạc quan. Stein đã chinh phục hoàn toàn các cầu thủ ngay từ lần đầu gặp mặt. Và Celtic sau đó đã thắng liền 2 trận trước khi… thua nốt 3 trận còn lại để kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 8. Bù lại, họ đã giành được Cup Quốc gia sau khi đánh bại chính Dunfermline trong trận chung kết. Stein đã có được thành công nho nhỏ bước đầu. Mùa giải năm sau mới là lúc Celtic bùng nổ. Stein cặm cụi chỉ dẫn các học trò trong những buổi tập. Dưới sự chỉ dạy của ông, các cầu thủ đã tiến bộ khủng khiếp. Sau khi thua Rangers trong trận derby Old Firm, Celtic đã thắng 14/15 trận để leo lên vị trí số 1 và không để tuột nó vào tay đối thủ của mình cho đến cuối mùa giải. Mùa hè năm ấy, Stein quyết định cho đám học trò du hí ở Mỹ để xả xì trét trước khi bước vào mùa giải mới. Và ở ngày đầu tiên trên sân tập, ông đã tuyên bố một câu nói để đời như đề cập phía trên.
Cup châu Âu đã trải qua 11 mùa giải và tất cả đều nằm dưới sự “giày xéo” của những bàn chân Nam Âu. Các đội bóng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia đã thay nhau thống trị mà không để lọt bất cứ mùa nào cho những CLB Bắc Âu. Khi Celtic bắt đầu tham dự Cup châu Âu lần đầu tiên, Inter là đội bóng được coi như ứng cử viên mạnh nhất. Mặc dù bị Real đánh bại ở bán kết năm ngoái nhưng trong 3 năm gần nhất, đội quân của Helenio Herrera đã giành tới 2 chức vô địch. Inter là sự kết hợp nhịp nhàng giữa lối đá chặt chẽ mang nhãn hiệu Catenaccio với những mũi tấn công sắc sảo mà đứng đầu chính là thiên tài Sandro Mazzola, một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới lúc ấy.
Celtic khởi đầu với một sự hứng khởi thực sự. Họ đã đánh bại FC Zurich 2-0 tại sân nhà trong một trận đấu mà đội khách chỉ co cụm nơi hàng phòng ngự. Thủ thành Simpson đã có một trong những trận đấu nhàn hạ nhất sự nghiệp khi anh chẳng biết mình có vai trò gì ở trên sân ngoài việc quanh quẩn dạo chơi ở khung thành và tìm hiểu tấm lưới được đan bằng những bàn tay tinh tế ra sao. Ở trận lượt về, trong buổi thảo luận chiến thuật, Stein đã đề nghị kéo một cầu thủ tuyến giữa xuống chơi như một trung vệ thứ 3 để đảm bảo an toàn. Nó trái ngược hoàn toàn với phong cách trước đó của Stein và khiến các cầu thủ phản đối dữ dội. Cuối cùng, Stein chấp nhận ý kiến của đa số. Ông để các học trò… muốn làm gì thì làm. Billy McNeill cùng toàn đội đã bước ra sân Letzigrund với khí thế hừng hực như thể đấy mới là sân nhà của mình và đè bẹp Zurich một lần nữa, lần này là tỷ số đậm hơn: 3-0.
Celtic tiếp tục thi đấu tuyệt vời ở vòng 2 khi gặp nhà vô địch Pháp Nantes. Họ thắng cả 2 lượt với tỷ số 3-1 bằng một thứ bóng đá cực kỳ hấp dẫn. Lúc này, báo giới châu Âu đã bắt đầu phải để mắt đến đoàn quân của Stein. Khó khăn chỉ thực sự đến khi Celtic gặp Vojvodina ở tứ kết. Celtic thua 0-1 ở lượt đi và cần ghi bàn thắng ở lượt về trên sân nhà. Đêm thứ Hai, các cầu thủ Tiệp Khắc bay tới Glasgow. Lúc này, tình trạng mặt sân Celtic Park không được tốt. Những cơn mưa nặng hạt của mùa xuân đã khiến sân ngập sũng nước và trận đấu vào cuối tuần trước của đội dự bị Celtic đã buộc phải bị hoãn lại. Huấn luyện viên Stein đành từ chối yêu cầu của đội khách được đá tập làm quen sân. Phải đến tận sát giờ thi đấu, hai đội mới được ra sân để khởi động trong điều kiện mặt sân vẫn còn loang lổ nước. Song nỗi lo của Stein không chỉ ở vấn đề sân bãi. Tiền đạo chủ lực Steve Chalmers vẫn chưa hoàn toàn bình phục chấn thương vai. Anh thi đấu với tuyên bố mình chỉ có 70% sức lực. Tình thế khó khăn buộc huấn luyện viên Stein phải kêu gọi sự cổ vũ từ các cổ động viên. Không phụ lòng ông, 70.000 khán giả đã có mặt trên sân để ủng hộ đội nhà. Phải mất gần 1 giờ, Chalmers mới cân bằng được tổng tỷ số. Các học trò của Stein đã vây ráp khung thành đối phương trong những phút còn lại để hi vọng không phải đá thêm một trận play-off. Khi thời gian đi vào những phút cuối cùng, từ một đợt tấn công bằng tất cả sức lực còn lại, đội trưởng McNeill bật cao đánh đầu xé toang khung thành Vojvodina. Cả sân Celtic Park như vỡ òa. Đó chắc chắn là một trong những bàn thắng được nhớ đến nhiều nhất trên sân bóng này. Celtic đã vượt qua đối thủ với tổng tỷ số 2-1 để lọt vào vòng bán kết.
Đối thủ của Celtic ở vòng bán kết là Dukla Prague, đội bóng đã đánh bại Ajax của Rinus Michels ở trận trước đấy. 15 phút đầu tiên diễn ra cực kỳ quyết liệt. Dukla tràn lên và suýt nữa đã mở tỷ số nếu không có pha bay người cứu thua trong gang tấc của Simpson. Một lần nữa, Chalmers lại là người hùng. “Cậu chỉ việc chạy theo bóng thôi”, Stein đã nói thế với tiền đạo của mình trước trận và Chalmers đã có một đêm bùng nổ với bàn mở tỷ số khi dẫn bóng xuống sát biên ngang rồi lật ngược lại chính xác để Johnstone dứt điểm. Celtic đã vươn lên dẫn trước, trước khi Dukla gỡ hòa sau đó 17 phút. Sang hiệp 2, đến lượt Willie Walace tỏa sáng (bạn đừng nhầm cầu thủ này với William Walace, anh hùng dân tộc Scotland). Gemmel lốp bóng đầy tinh tế để Walace đối mặt với khung thành bỏ trống và dễ dàng nâng tỷ số lên 2-1. Kế đến, lại là Walace, nhận đường chuyền từ đồng đội, anh tung ra cú sút xa sấm sét, hạ gục thủ thành Viktor. Chiến thắng ở lượt đi không làm Stein và các học trò thoải mái ở trận lượt về. Các cầu thủ Dukla bí mật tập trung ở một khu vực cách Prague khoảng chừng 30km để chuẩn bị. Nhưng tất cả đều vô nghĩa trước chiến thuật của Stein. Ông xáo trộn hàng thủ và để người hùng lượt đi Walace theo kèm Josef Masopust sát sao. Tiền vệ vĩ đại của Tiệp Khắc đã không “cựa quậy” được trong suốt 90 phút. Bên phía Celtic, thủ môn Simpson lại bay như chim trong khung thành để cứu không dưới 5 pha bóng có thể ăn bàn của đội chủ nhà. Trận đấu đã khép lại với tỷ số hòa 0-0. Lisbon đang vẫy gọi những chàng trai của Stein. Chỉ 1 phút sau đó, tin tức về việc Celtic lọt vào trận chung kết Cup châu Âu đã phủ đầy đường phố của Glasgow, nơi những người công dân của thành phố đang hồi hộp chờ đợi kết quả.
Ngày 25-05-1967, sân vận động Nacional của Lisbon tràn ngập ánh nắng của mùa hè. Stein dẫn các học trò bước ra sân cho trận đấu của cuộc đời. Lúc này, Celtic đã gần như hoàn thành mùa giải một cách mỹ mãn. Họ đã đoạt tất cả các danh hiệu quốc nội có thể có: vô địch quốc gia, Cup Quốc gia, League Cup và Glasgow Cup. Chỉ một trận thắng nữa, Celtic sẽ trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử vô địch tất cả các giải đấu lớn nhất trong cùng một mùa giải. Bên kia chiến tuyến, Helenio Herrera tỏ ra rất tự tin. Inter đang có phong độ rất tốt tại Cup châu Âu. Bằng chiến thuật catenaccio chắc chắn, Inter mới chỉ thủng lưới 3 bàn sau 9 trận đã đấu. Mặc dù Celtic mới là đội bóng có cơ hội đi vào lịch sử với “cú ăn 3” thần thánh lần đầu tiên của bóng đá nhưng Inter vẫn được đánh giá cao hơn hẳn. Tiền cược chảy vào cửa của đội bóng Italia nhiều hơn so với Celtic. Lý do: trong 4 mùa giải vừa qua, Inter chỉ thua đúng 1 trận ở Cup châu Âu, mà là thua trước Real Madrid, đội sau đó cũng giành ngôi quán quân.
Để chuẩn bị cho trận chung kết, Stein đã thả lỏng cho các cầu thủ nghỉ ngơi trước đó 1 tuần. Cả đội hầu như chỉ bàn chiến thuật thế nào để đối phó với Herrera và “những gã khổng lồ của ông ta”. May mắn đã tới với Celtic khi Luis Suarez bất ngờ chấn thương và không thể tham gia trận đấu. Khi tiền đạo chủ lực của đối phương không thể ra sân, Stein hiểu rằng mọi hi vọng của Inter sẽ dồn vào cảm hứng của Sandro Mazzola. Buổi sáng thứ Tư, một ngày trước trận chung kết, Stein dẫn các học trò hùng hổ tới sân tập để xem “giò cẳng” của Inter. Thế nhưng, Herrera đã khôn ngoan cho các cầu thủ của mình đến tập sớm và khi phía Celtic tới thì Inter đã tập xong rồi. Kết quả, chính Celtic mới là đội bị Inter “soi”. Nhưng điều đó không làm Stein quá lo lắng. Một buổi tập dù sao cũng chỉ là một buổi tập mà thôi.
Trước khi trận đấu diễn ra, Stein và các chàng trai của ông đã vui vẻ trò chuyện với cánh phóng viên Bồ Đào Nha một cách thân thiện nhất có thể. Trái ngược với sự lạnh lùng từ phía Inter, thái độ của Celtic đã hoàn toàn chinh phục giới báo chí và người hâm mộ. Thế là trận chung kết đã bắt đầu với sự ủng hộ Celtic từ các cổ động viên nước chủ nhà. Một khởi đầu thật sự thuận lợi.
Nhưng trên sân thì không dễ dàng như vậy. Mazzola đưa Inter vượt lên rất sớm từ chấm 11m sau pha bóng mà James Craig đã khẳng định nhiều lần rằng anh chưa hề phạm lỗi. Nhưng các cầu thủ Scotland không hề nản chí. Dưới sự thúc giục của Stein, McNeill và đồng đội ào ạt tấn công và tung ra những cú sút bất cứ lúc nào có thể. Khung thành của Sarti luôn bị đặt trong tình trạng báo động bất chấp Inter đang sở hữu một trong những hậu vệ vĩ đại nhất lịch sử Giacinto Facchetti. Những nỗ lực của Celtic cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Phút thứ 63, hậu vệ trái Gemmell tung cú sút trái phá san bằng cách biệt. Inter lúc này đã cảm thấy họ sắp sửa mất nốt danh hiệu cuối cùng của mùa giải. Và điều ấy đã đến khi trận đấu dần đi vào những phút cuối. Lại là Gemmell tung ra đường chuyền tuyệt đẹp để Murdoch đẩy vào vòng cấm địa. Chalmers nhanh như cắt xuất hiện ghi bàn ấn định tỷ số 2-1. Năm phút còn lại, Inter đã dồn lên tấn công trong tuyệt vọng nhưng Celtic đứng vững tới lúc trọng tài nổi hiệu còi hết giờ.
Celtic đã trở thành đội bóng Bắc Âu đầu tiên, đội bóng Vương quốc Anh đầu tiên, đội bóng ngoài khu vực Latin đầu tiên vô địch châu Âu. Chiến công này của họ đã mở đường cho sự thống trị tuyệt đối của bóng đá phương Bắc kéo dài trong suốt gần 20 năm sau đó. Còn hơn thế nữa, họ đã đoạt tất cả các danh hiệu trong mùa giải rực rỡ của mình và là CLB đầu tiên đoạt “cú ăn 3” thần thánh. Một kỷ lục khác còn phi thường hơn dành cho Stein và các học trò. Tất cả các cầu thủ Celtic ra sân trong ngày hôm ấy đều sinh trưởng ở quanh khu vực Parkhead, một kỳ tích mà có lẽ vĩnh viễn không có một CLB nào có thể lặp lại được nữa.
“Chúng tôi không thể phàn nàn gì cả. Celtic đã chiến thắng xứng đáng. Mặc dù chúng tôi thua nhưng đây là một chiến thắng của thể thao.” Helenio Herrera đã trả lời một cách đầy quân tử sau khi trận chung kết kết thúc. Stein và các cầu thủ Celtic ngất ngây trong men say của nhà vô địch. Họ đã trở về Glasgow trong sự đón chào cuồng nhiệt của người dân thành phố và được mệnh danh là “những chú sư tử thành Lisbon”. Stein cũng đi vào lịch sử với tư cách huấn luyện viên người Liên hiệp Anh đầu tiên giành được Cup châu Âu. Chiến công ấy sẽ còn được tiếp nối bởi những vị huấn luyện viên đồng hương vĩ đại khác của ông như Matt Busby và Alex Ferguson.
Alex Ferguson và các cầu thủ MU
Cả cuộc đời Stein đã dành cho bóng đá. Ông qua đời vì bị phù phổi ngay trong trận đấu giữa Scotland với Xứ Wales tại Cadiff khi đang làm huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia. Người trợ lý của ông hôm ấy đã xúc động đến nghẹn ngào và nói: “Ông ấy là nhà quản lý bóng đá vĩ đại nhất của nước Anh. Những người như Jock sẽ còn sống mãi trong tâm tưởng của tất cả chúng ta.” Người trợ lý của Stein, được sự dìu dắt của ông, sau đó đã trở thành Sir Alex Ferguson của Manchester United…
* *
*
MANCHESTER UNITED 1999
Đại Nguyễn (MUSVN)
Nếu bắt buộc phải lựa chọn ra một định nghĩa về những vẻ đẹp tuyệt vời của môn thể thao vua, có lẽ cuộc hành trình đầy cảm xúc mà thầy trò Sir Alex Ferguson từng trải qua trong mùa giải kỳ lạ 1998-99 sẽ trở thành ứng cử viên nặng ký bậc nhất. Hơn 400 năm sau khi đại văn hào William Shakespeare biên soạn vở kịch nổi tiếng có tên “Giấc mộng đêm hè” phản ánh khát khao mãnh liệt đầy chất thơ của tình yêu vượt thoát khỏi kiếp luân thường, người Anh đã được chứng kiến thêm một giấc mơ khác trở thành sự thật, với đỉnh điểm là nốt thăng hoa giữa đêm hè lộng gió Địa Trung Hải tại xứ Catalan.
Ngày 26-05-1999, những người yêu mến Manchester United hân hoan chào đón kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của huấn luyện viên huyền thoại Sir Matt Busby, vị thánh sống trong lịch sử câu lạc bộ. Ông là người đã sống sót dù ngồi trên một chiếc máy bay bị nổ tung, đã chứng kiến những đứa trẻ trong đội bóng mà mình gây dựng suốt mười mấy năm lần lượt qua đời, đã tiếp tục rời khỏi giường bệnh để chiến đấu vì người còn sống lẫn người đã khuất, mặc cho sức khỏe và mọi điều xung quanh ông không bao giờ trở lại như xưa. Theo lời Sir Alex Ferguson, “Ông ấy là người tạo nên Manchester United ngày hôm nay; tôi luôn cảm nhận được mùi tẩu thuốc của Busby vẫn còn vương vấn tại Old Trafford khi đặt chân đến đội bóng này.”
Nhưng trong một dịp kỷ niệm hoành tráng như vậy, sự quan tâm của người hâm mộ Man Utd và cả thế giới lại đổ dồn về một sự kiện khác. Thánh đường lộng lẫy của bóng đá, sân vận động Nou Camp sẽ là nơi diễn ra trận Chung kết Champions League giữa Manchester United kiêu hùng của nước Anh và Bayern Munich, ngọn cờ đầu của bóng đá Đức. Sự cạnh tranh giữa hai đất nước, hai dân tộc cả trong bóng đá lẫn trong lịch sử đưa cuộc đối đầu lên đến cao trào của kỳ vọng, nhất là khi 31 năm rồi Quỷ Đỏ thành Manchester chưa bao giờ tìm lại được ánh hào quang thời Sir Matt Busby, trong khi đó Hùm xám xứ Bavaria cũng phải chờ đến 23 năm cho ngày trở lại ngai vàng châu lục. Những quãng thời gian như thế là quá dài với một đời người, chứ chưa nói đến một đội bóng.
Sứ mệnh cao cả khởi nguồn từ bi kịch
Trọng trách đặt lên vai đội bóng thành Manchester ngày hôm ấy còn nặng nề hơn rất nhiều, khi họ chiến đấu không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả nước Anh. Giống hệt như khi xưa, Sir Matt là người mở đường để United trở thành đội bóng đầu tiên của Vương quốc Anh tiến ra thi đấu tại Cup châu Âu vào mùa giải 1956-57. Đã 14 năm kể từ thảm họa Heysel dẫn đến việc tất cả các đội bóng Anh bị cấm cửa ở Cup châu Âu trong một thời gian dài, bồi tiếp thêm một đòn giáng nặng nề nữa với thảm họa Hilsborough 1989. Trên khắp thế giới, người ta coi cổ động viên Anh nói riêng và nền bóng đá Anh nói chung giống như một thứ dị hợm đến cực đoan, nhắc đến bóng đá Anh là nhắc đến vấn nạn hooligan hoành hành. Chừng ấy thời gian, giới hâm mộ túc cầu quen với việc các đội bóng đến từ Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nam Tư, thậm chí cả Romania lên ngôi vô địch Cup C1/Champions League. Tuyệt nhiên không thấy tăm hơi một CLB Anh nào tạo được tiếng vang ở sân chơi danh giá nhất lục địa già. Từ xuất phát điểm là quê hương của bóng đá, nước Anh trở thành một vùng trũng thực sự trong số các nền bóng đá mạnh tại châu Âu. Người Ăng-lê bị tụt hậu khủng khiếp, như chính Ferguson từng thừa nhận sau các lần đối đầu sinh tử với những đội bóng Ý: “Họ đã dạy chúng tôi nhiều bài học lớn về bóng đá”. Nước Anh quan tâm và thèm muốn chiếc Cup Champions League này đến nỗi, theo thống kê của các nhà đài, có khoảng 20 triệu người Anh ngồi trước ti vi để xem Manchester United đá trận này, chiếm gần 50% dân số toàn quốc ở thời điểm bấy giờ. Thông thường một trận đấu của Tam Sư tại World Cup sẽ có khoảng 16 triệu người xem, và một trận chung kết Cup châu Âu tương tự của cấp CLB thì có khoảng 2 triệu người. Giờ thì những con số ấy đều trở nên vô nghĩa, khi đội bóng Quỷ Đỏ đại diện cho cả một dân tộc đầy niềm tự hào và kiêu hãnh đến mức bảo thủ. Một bước chân nữa là đến thiên đường, họ sẽ hoàn thành nốt giấc mộng bao năm qua.
Điều kỳ lạ nằm ở chỗ mới 9 tháng trước đó, khi mùa giải vừa bắt đầu, Manchester United bị tất cả căm ghét và nguyền rủa. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chiếc thẻ đỏ tai hại của David Beckham, khiến Tam Sư bị loại cay đắng trước đại kình địch Argentina tại World Cup 1998. Một dòng tít trên tờ Daily Mail chào đón chàng tiền vệ hào hoa và nổi tiếng bậc nhất thế giới trở lại đất nước: “Mười chú sư tử kiên cường, và một thằng ngu”. Trong chuyến làm khách đầu tiên của Man Utd đến Upton Park của West Ham, cả sân vận động ầm ĩ tiếng chửi rủa Becks lẫn Man Utd suốt 90 phút. Bên ngoài sân, một cơn mưa gạch đá được ném ra khi chiếc xe bus chở cả đội đi qua. Đó là cách hành xử dành cho kẻ thù dân tộc, chứ không phải đối với một tuyển thủ quốc gia hay đội bóng số 1 đất nước.
Chiến lược của Ferguson
Đối diện với khó khăn nghìn trùng, huấn luyện viên Alex Ferguson nhận ra mình cần phải có một cuộc cải tổ mạnh mẽ. Đội bóng với những chàng trai vàng thuộc Thế hệ 1992 của ông vừa bị Arsenal lật đổ ở giải trong nước, cũng chưa bao giờ đủ mạnh để mon men lại gần chiếc Cup bạc Champions League. Đã đến lúc, Man Utd cần những cú đấm thép trên thị trường chuyển nhượng để tạo ra bước nhảy lớn về chất. Gần 30 triệu bảng được Ferguson chi ra mùa hè năm ấy, một số tiền khổng lồ đủ để chiêu mộ các bản hợp đồng bom tấn cỡ Neymar hay Mbappe thời hiện tại. Dù là một huấn luyện viên chơi tấn công, Ferguson thừa biết hàng phòng ngự mới là yếu tố mang về danh hiệu nên ngay lập tức đưa về trung vệ thép người Hà Lan Jaap Stams để trám vào vị trí trung vệ do Gary Pallister để lại. Suốt cả mùa giải đầu tiên khoác áo Quỷ Đỏ, Stamp chơi bóng đúng nghĩa như một hòn đá tảng, anh là người khổng lồ chắn trước khung thành đội nhà theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Jaap Stams chính là cái tên duy nhất mà Ferguson phải hối hận vì bán anh đi trong một cơn tức giận.
Ở phía trên, Ferguson đem về tiền đạo Dwight Yorke từ Aston Villa, một cái tên gây ra khá nhiều ngạc nhiên cho giới hâm mộ. Có lẽ người ta sẽ chờ đợi ông tìm thấy một Cantona mới, một nghệ sĩ có khả năng dẫn dắt, truyền cảm hứng cho toàn đội sau khi Cantona xịn đã giải nghệ cách đó không lâu. Đằng này, Yorke cũng là mẫu tiền đạo săn bàn tương tự ba sát thủ mà Fergie đang có trong tay là Andy Cole, Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer. Người ta thậm chí còn không rõ Yorke có được đá chính hay không, và sẽ đá với ai trong đội hình kinh điển 4-4-2 thịnh hành của bóng đá Anh. Sau này chính Sir Alex cũng thừa nhận, ban đầu ông không hề có kế hoạch nào về việc kết hợp Cole - Yorke thành một cặp bài trùng. Ferguson chỉ suy nghĩ đơn giản, đây là một mùa giải rất dài, tham vọng của câu lạc bộ rất lớn, United sẽ cần phải có 2 cặp trung phong chất lượng để xoay vòng lực lượng. Với hàng tiền vệ cực mạnh và đồng đều từ hai biên cho đến trung lộ, chỉ cần có đủ hỏa lực nơi tuyến đầu, sẽ rất khó đội bóng nào đủ sức chống đỡ nổi sức tấn công của Quỷ Đỏ. Vụ chuyển nhượng ấy cũng là minh chứng cho triết lý của Sir Alex giai đoạn cuối thập niên 1990 - đầu 2000: nếu đối phương ghi vào lưới United một bàn, họ sẽ đòi lại gấp đôi.
Hắc phong song sát
Nỗi ám ảnh mà Ferguson tạo ra cho các đối thủ trở thành kỷ niệm ngọt ngào cho các cổ động viên đến nỗi, có lẽ suốt cuộc đời, những ai đã từng được chứng kiến trực tiếp cặp bài trùng Andy Cole - Dwight Yorke thi đấu không thể nào quên được. Bạn thấy khoái cảm khi xem Messi vờn bóng biểu diễn, xem Cristiano Ronaldo nã đại bác rồi bật nhảy vượt xà ngang khung thành, xem Zidane xoay compa, xem Ronaldinho lắc hông thế nào, thì Cole - Yorke cũng sẽ khiến bạn đê mê như vậy. Hai con người ấy, số áo gần giống nhau, với Cole số 9 và Yorke là số 19, có cùng một màu da, đi cùng một mẫu xe và màu xe, đã nắm tay nhau bước vào ngôi đền huyền thoại Old Trafford không chỉ vì 53 bàn thắng họ cùng nhau ghi ở mùa đầu tiên gặp gỡ và đưa Man Utd lên đỉnh cao châu Âu. Mỗi người đều sở hữu bộ kỹ năng hoàn hảo thường thấy ở các tiền đạo sát thủ, từ khả năng dứt điểm xuất sắc, chơi đầu hoàn hảo, kỹ thuật cá nhân khéo léo đến nhạy cảm săn bàn thượng thừa. Nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì huyền thoại về họ chưa đến mức lung linh như thế. Họ có một mối tương giao kỳ lạ không thể lý giải nổi trên sân bóng, đến nỗi người này nhắm mắt lại cũng biết người kia đang ở đâu, nghĩ gì. “Chúng tôi hiểu nhau và luôn tìm thấy niềm vui khi chơi cùng nhau. Đá với Yorke giống như khi bạn bước ra đường, gặp một cô gái bốc lửa rồi dính tiếng sét ái tình. Khi ấy, mọi chuyện dù sai cũng thành đúng. Thậm chí, chúng tôi còn chẳng bao giờ cần giao tiếp bằng lời trên sân bóng cả”, Andy Cole nói về mối tình trên sân cỏ mà số phận đã mang tới cho anh.
So với Cole, Dwight Yorke có phong cách chơi bóng nghệ sĩ và ngẫu hứng hơn, thậm chí số lượng những cô bồ từng qua tay Yorke cũng hơn người đối tác rất nhiều lần, đúng như dòng máu Nam Mỹ anh mang trong người. Huấn luyện viên đương nhiệm John Gregory của Aston Villa là người hiếm hoi cho rằng giá trị của Yorke vượt khá xa số tiền 12,6 triệu bảng mà Man Utd chi ra. Khi biết tin Yorke yêu cầu được chuyển sang thi đấu cho Quỷ đỏ, Gregory tức phát điên: “Nếu bây giờ có một khẩu súng trong tay, tôi sẽ cho hắn ta một phát đạn!”
Bóng đá vị nghệ thuật
Thứ bóng đá tấn công mê đắm, hay như người Việt vẫn mô tả là “ban bật như Man” mà thầy trò Ferguson trình diễn bắt đầu ngay từ vòng bảng Champions League. Quỷ đỏ rơi vào bảng tử thần cùng hai gã khổng lồ Bayern Munich và Barcelona, nhưng cuối cùng họ ghi đến 20 bàn thắng chỉ trong vòng 6 trận, bằng tổng số bàn của cả hai đội trên cộng lại, và gấp đôi hầu hết số bàn của các đội dẫn đầu bảng đấu khác. Những thước phim ở hai cuộc chạm trán với Barcelona năm đó vẫn hay được phát lại trên truyền hình, là minh chứng kinh điển cho các tình huống đáng được đưa vào sách giáo khoa bóng đá. Tại Old Trafford, Quỷ đỏ thêu hoa dệt gấm, hết tấn công trung lộ, tạt cánh đánh đầu, lại đá phạt trực tiếp để vượt lên dẫn trước Gã khổng lồ xứ Catalan. Bên kia chiến tuyến, những cái tên sau có thể làm bạn lạnh gáy: anh em nhà De Boer, Guardiola, Luis Enrique, Figo, Rivaldo, Kluivert… Dĩ nhiên, Barca chẳng phải dạng vừa, họ ăn miếng trả miếng, tạo nên trận hòa nghẹt thở 3-3.
Trận lượt về, những pha xử lý bóng ma mị của cả hai bên tiếp tục khiến tỷ số mãn nhãn 3-3 lặp lại, trong đó có một bàn thắng kinh điển của cặp song sát Quỷ đỏ. Từ một đường chuyền vô hại trên mặt cỏ Nou Camp, Yorke nhấc người thả quả bóng qua hai chân. Cole ở phía sau, bật đường chuyền một chạm cho người bạn đang băng lên. Yorke vụt chạy như mũi tên rời cây cung, đón quả bóng và gửi lại cho Cole vừa tiến sát khung thành đối thủ. Một cú dứt điểm lạnh lùng, khiến hàng phòng ngự Barcelona trở thành những gã hề, còn các khán giả túc cầu thì mắt chữ A, mồm chữ O vì điều họ vừa chứng kiến. Đó chẳng phải là thứ bóng đá được luyện tập thành thục hay lập trình kiểu tiki taka. Đó là sự giao cảm và hòa quyện của hai tâm hồn nói chung một ngôn ngữ trên sân cỏ.
Điều thú vị là mặc dù có chiều cao không quá vượt trội, Yorke sở hữu kỹ năng chơi đầu thượng thừa như một người Ăng-lê chính hiệu, khiến các trung vệ cao to lẫn thủ môn của đối phương phải khóc ròng. Sau khi Quỷ đỏ lọt qua khe cửa hẹp tại vòng bảng Champions League - là một trong hai đội xếp thứ nhì có thành tích tốt nhất, Yorke có một màn trình diễn không thể nào quên trong sự nghiệp. Đụng độ đội bóng khó chơi Inter Milan ở vòng tứ kết, với dàn hảo thủ Roberto Baggio, Ronaldo “béo”, Zamorano, Djorkaeff, Simeone cùng hàng phòng ngự trứ danh nước Ý được chỉ huy bởi Pagliuca, Bergomi, Javier Zanetti…, chàng trai của đất nước Trinidad & Tobago đã làm rạng danh quê nhà với hai bàn thắng bằng đầu từ hai quả tạt như đặt của David Beckham. Người khổng lồ không cần phải quá cao, nhưng có thể khiến tất cả ngước nhìn. Đó là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Old Trafford mới lại bùng nổ đến thế khi đón tiếp một câu lạc bộ già rơ đến từ nước Ý. Những đường tạt bóng xé gió mang thương hiệu Beckham cũng là sự trả thù ngọt ngào của cá nhân anh đối với Simeone bên kia chiến tuyến, thủ phạm tinh quái khiến Becks nhận thẻ đỏ ở World Cup và sống trong những ngày dài khó khăn. Ở trận lượt về trên sân Giuseppe Meazza, nhiệm vụ của United nhẹ nhàng hơn rất nhiều, thậm chí Paul Scholes còn bồi thêm một cú đấm nữa khiến Inter Milan tâm phục khẩu phục.
Không bao giờ nói “không bao giờ”
Bước vào trận bán kết, United tiếp tục đón nhận một thử thách cực đại nữa khi tái ngộ Juventus, đội bóng luôn “bán hành” cho thầy trò Fergie suốt nhiều năm liền. Xét một cách toàn diện, ở lần tái ngộ này, cả hai đội vẫn giữ nguyên những đặc trưng cơ bản trong lối chơi của mình. Juventus vừa vào đến 2 trận chung kết Champions Legue liên tiếp, có một bộ khung toàn các danh thủ như Conte, Deschamps, Edgar Davids, Inzaghi, và dĩ nhiên, nhạc trưởng Zidane. Về độ già rơ, Bà Đầm Già vẫn xếp trên tầm Quỷ đỏ. Juve hoàn toàn khống chế trận lượt đi trên sân Old Trafford, phải may mắn lắm Ryan Giggs mới kiếm được bàn gỡ hòa vào phút bù giờ. Đến khi đá lượt về tại Delle Alpi, Zidane và các đồng đội nhanh chóng đánh phủ đầu khiến Quỷ đỏ tối tăm mặt mũi. Mới đi qua 11 phút, Juve dẫn trước tới 2 bàn bằng một cú đúp của Pippo Inzaghi.
Trong đêm hè tháng 4 hôm ấy, có lẽ không ai tin rằng Man Utd đủ sức đứng vững trước Bà Đầm Già lão luyện sau những gì đã trải qua, thành Turin sẽ tiếp tục là hiểm địa với đội bóng Anh như mọi lần. Nhưng bằng một cách nào đó, tinh thần chiến đấu kiên cường của Quỷ đỏ bắt đầu phát tiết. Đúng một tuần trước khi hành quân đến nước Ý, United đã chơi trong thế 10 chống 11 trước Arsenal ở bán kết Cup F.A, đã thoát thua trên chấm phạt đền ở phút cuối cùng, rồi vùng lên từ địa ngục như cái cách Ryan Giggs solo từ giữa sân, đi qua 4 cầu thủ đối phương rồi nã đại bác xé toang mành lưới David Seaman. Bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử Cup F.A của Giggs phải chăng là cú điểm huyệt trúng hồng tâm, khiến bầy Quỷ như được đả thông kinh mạch, kích hoạt trạng thái quật khởi mỗi khi gặp khó khăn?
Với tấm băng đội trưởng trên tay, Roy Keane băng lên rút ngắn tỷ số rồi lầm lũi thúc giục các đồng đội ôm quả bóng tiến về vòng tròn trung tâm. Như được tiếp thêm doping, Yorke khiến Delle Alpi sững sờ với bàn gỡ hòa 2-2 sau 10 phút với cú đánh đầu điệu nghệ. Và Cole làm nốt phần việc cao cả còn lại, đóng đinh lên cỗ quan tài đưa tiễn người Ý bằng bàn thắng thứ ba. Không thể tin nổi, Man Utd đã vượt qua chính mình, đánh bại đối thủ khó chịu nhất ám ảnh họ nhiều năm qua ngay tại sào huyệt của kẻ thù khi chơi thứ bóng đá không biết sợ. Đám mây đen bao phủ trên đầu thầy trò Ferguson đã tan đi, dù chông gai thì mới chỉ bắt đầu.
Manchester United bước vào trận chung kết định mệnh với Bayern Munich giữa muôn vàn khó khăn. Họ thiếu vắng cặp tiền vệ trung tâm số 1: cả Roy Keane lẫn Paul Scholes đều bị treo giò sau cuộc chiến khốc liệt trên từng mét vuông ở Turin. Vẫn là một tương quan quen thuộc khi United phải đối đầu các đội bóng lục địa già: Hùm Xám có thừa kinh nghiệm lẫn tiểu xảo để lấn lướt Quỷ đỏ suốt cả trận, có bàn dẫn trước cực kỳ sớm rồi tạo thành khối bê tông bao bọc khung thành Oliver Kahn đến tận phút 90. Bình luận viên nổi tiếng của kênh ITV, Clive Tyldesley nhớ lại: “Không có dấu hiệu nào cho thấy United sẽ gỡ hòa cho đến tận phút cuối cùng. Matthaus rời sân. Bayern hai lần đá bóng trúng cột dọc và xà ngang. Thông thường, người ta sẽ chuẩn bị một bài ca an ủi cho thất bại của United. Chẳng có cú ăn 3 nào nữa cả.”
Tyldesley nói không sai. Các khán giả xem truyền hình và các cầu thủ Bayern Munich cũng đều nghĩ như vậy. Chỉ còn 3 phút nữa là hết giờ, Chủ tịch của UEFA vào thời điểm đó là Lennart Johansson bắt đầu rời hàng ghế VIP để chuẩn bị thực hiện các thủ tục trao chiếc Cup cho người chiến thắng. Bước qua hàng ghế có chỗ ngồi của huyền thoại Quỷ đỏ Sir Bobby Charlton, Johansson lịch sự dừng lại đôi chút để… nói lời chia buồn, rồi tiếp tục đi xuống sân vận động làm nhiệm vụ của mình. Có lẽ Johansson là một trong những người bất hạnh nhất thế giới, vì ông đã ở Nou Camp vào thời khắc lịch sử ấy nhưng lại không được chứng kiến những gì đã xảy ra.
Lời hiệu triệu của trái tim
Quay ngược thời gian về giờ nghỉ giữa hiệp 1 trận chung kết, phòng thay đồ của Manchester United tràn ngập bầu không khí nặng nề. Quỷ đỏ đã chạm trán Bayern hai lần ở vòng bảng mùa giải này, cả hai trận đều kết thúc với tỷ số hòa, United chưa từng lấn át được đối thủ. Giờ thì họ đang bị dẫn trước, thế trận thua kém khá nhiều và còn bị mất hai tiền vệ trung tâm hàng đầu. Ngay cả với những người lạc quan nhất, mọi chuyện đang đi theo hướng rất tệ cho thầy trò Ferguson.
Vào thời khắc sinh tử ấy, huấn luyện viên Scotland bỗng đứng dậy nói những lời hay nhất trong cuộc đời cầm quân đầy rẫy những trải nghiệm phi thường của ông. “Hãy tin ta đi các chàng trai, các bạn đều không muốn cúi đầu đi qua chiếc Cup bạc ấy khi trận đấu kết thúc đâu. Không thể cầm lấy nó, không thể giương cao nó lên sẽ là nỗi đau lớn nhất mà các anh sẽ phải nếm trải trong sự nghiệp. Hãy cố gắng lên, đừng để khi trận đấu kết thúc, các anh chỉ được nhìn chiếc Cup đó mà không thể chạm vào. Đừng để sau này phải hối tiếc rằng mình đã có cơ hội nhưng lại để nó trôi qua.” Tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ của “Máy sấy tóc” Fergie, ngọn lửa nhiệt tâm sôi sục của ông đã thôi thúc các học trò lao lên, với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi đến tận giây cuối cùng.
Cũng vào thời khắc lịch sử ấy, trong cabin bình luận của nhà đài ITV, Clive Tyldesley đưa ra các dự cảm để đời khiến cuộc đời bình luận viên lừng danh của ông có một dấu ấn không thể nào quên. “Trận đấu bước vào phút bù giờ. Liệu United có thể ghi bàn được không? Họ luôn ghi được bàn vào những phút như thế này.”
Giây bù giờ thứ 35. Peter Schmeichel bỏ khung thành lao lên chờ quả phạt góc. Cầu thủ Bayern lập bập phá ra. Ryan Giggs vung chân phải sút trượt quả bóng. Sheringham xoay người đá nối, gỡ hòa 1-1 cho Quỷ đỏ. Pháo sáng cháy trên các khán đài, 50.000 cổ động viên United ôm nhau ăn mừng vui sướng như phát điên. Dưới sân, trợ lý Steve McClaren nói về kế hoạch thay người cho hiệp phụ, ngay lập tức Alex Ferguson gạt đi. “Từ từ đã, mọi chuyện còn chưa kết thúc đâu.”
Giây bù giờ thứ 138. Beckham đá quả phạt góc thứ hai. Sheringham đánh đầu đưa bóng ngang qua khung thành. Solskjaer từ dưới đất chui lên, vung chân làm tung nóc lưới Bayern lần thứ hai. Tất cả choáng váng. Cả đội Bayern đổ gục xuống, trung vệ Samuel Kuffour òa khóc nức nở ngay trên sân. Người Anh dĩ nhiên là mở tiệc, sau khi Tyldesley gào đến lạc giọng trước micro: “And Solskjer has won it!!!”
Với hàng triệu khán giả trung lập trên thế giới, đặc biệt là tại Việt Nam, những hình ảnh giống một thước phim quay chậm mãi mãi in vào trong tâm khảm họ. Cảm xúc cứ bùng lên dữ dội, rồi lại âm ỉ dịu êm và miên man không dứt. Rất nhiều người trong số đó đã tìm thấy tình yêu vĩnh cửu của đời mình.
Thực ra, dù kết quả của trận chung kết ấy có thế nào, thì Manchester United vẫn là đội bóng mang lại nhiều cảm xúc nhất cho các khán giả trong mùa giải 1998-99. Quỷ đỏ đã chơi bóng đúng với tinh thần Hiệp sĩ Ăng-lê, với phong cách tấn công phóng khoáng hết mình, thậm chí tận hiến trước mọi đối thủ, trong mọi hoàn cảnh. Họ khiến những người yêu bóng đá say lòng từ trận đấu đầu tiên cho đến những phút cuối cùng. Trong cuốn biên niên sử các Cup châu Âu, người ta sẽ không bao giờ thôi trầm trồ trước những giờ phút kinh điển khi thầy trò Ferguson hòa 3-3 trong cả hai lượt trận với Barcelona ở vòng bảng, hay các màn thư hùng rực lửa với Juventus ở bán kết, và đỉnh cao là ba phút bù giờ trước Bayern Munich.
Đơn giản, vì Manchester United mùa giải ấy là tiếng lòng của tuổi trẻ trong mỗi con người chúng ta. Nhiệt huyết và say mê, nồng nàn và cháy bỏng, hào sảng và khoáng đạt, vô tư và ngây thơ. Hơn hết thảy, Manchester United không bao giờ đầu hàng, không bao giờ bỏ cuộc, cho dù thử thách có lớn lao tới bao nhiêu, cho dù thực tại có nghiệt ngã đến thế nào. Họ đã chơi như tinh thần mà Steve Jobs phát biểu trước các sinh viên của đại học Stanford ngày bế giảng: “Hãy luôn đói khát, hãy luôn dại khờ.” Cũng giống như Steve Jobs, họ đã trở thành bất tử.
* *
*
INTER 2010
Vũ Anh Tuấn (Inter club Vietnam)
Sân Ennio Tardini ngày 18-05-2008, bất chấp cơn mưa tầm tã ở vùng Emilia Romgana, Zlatan Ibrahimovic xuất hiện để giải cứu Inter trước Parma như bao lần. Cú đệm lòng sau đường chuyền của Maicon kết liễu mọi hi vọng của Parma và… AS Roma, khi Nerazzuri một lần nữa ngự trên đỉnh cao nhất của Calcio năm thứ 3 liên tiếp. Dưới gầm trời xám xịt ở Tardini, có một người đàn ông lầm lũi bước vào phòng họp báo khi biết trước điều gì đang chờ đón mình.
Giành 3 Scudetto trong 4 năm ở Meazza biến Roberto Mancini trở thành chiến lược gia giàu thành tích nhất của Nerazzuri tính từ kỷ nguyên của Helenio Herrera. Nhưng sự thật là nó không đủ cứu rỗi chiếc ghế của ông, cuộc nói chuyện sau 25 phút với Chủ tịch Moratti chỉ mang tính hình thức khi Mancini biết mình đã mất việc từ tận tháng 2, thời điểm Inter bị Liverpool đá văng khỏi Champions League. Vốn đã trở thành thói quen cho các Interista sau những vấp ngã trước Villarreal, Valencia. Với riêng Moratti, nỗi đau ấy như vết sẹo khó lành, bởi từ Ronaldo, Seedorf, Vieri… đến Ibrahimovic, cả núi tiền được chi ra trong suốt 13 năm dài hòng đưa chiếc Cup danh giá nhất châu Âu trở lại Milano. Nhưng tất cả đều thất bại và Roberto Mancini nằm trong danh sách dài các huấn luyện viên buộc Moratti phải tiễn họ ra đi. Ngay lập tức, một kế sách mới được âm ỉ ngay khi Mancio còn tại vị.
“Người Ý các anh chả yêu bóng đá nhiều như tôi nghĩ.” Đấy là Jose Mourinho, tân huấn luyện viên trưởng của Inter trong ngày ra mắt CLB vào tháng 6-2008 ở Appiano Gentile. Bằng thứ tiếng Ý trôi chảy, chiến lược gia người Bồ Đào Nha lập tức xóa tan khoảng cách với vùng đất mà ông vừa đặt chân đến. Nhưng theo nhật báo Diario de Noticias (Bồ Đào Nha), Jose Mourinho đã dành đến 5 tháng chuẩn bị cho ngày thay thế Mancini, chi tiết khẳng định việc Moratti đã chọn “Người đặc biệt” từ tận tháng 2 là có cơ sở. Nếu cá tính của Mourinho được khắc họa như một kẻ ngạo mạn trước giới truyền thông thì ngược lại, hành động của ông lại bày tỏ sự tôn kính với màu áo mới của mình. Như việc tuyển mộ trợ lý Beppe Baresi chẳng hạn, một huyền thoại những năm 1980 của Xanh Đen, lý do đơn giản là vượt xa yếu tố chuyên môn, người đàn ông ấy muốn bản thân hòa mình vào văn hóa và lịch sử CLB.
10 tháng sau ngày bị Chelsea sa thải, Jose Mourinho quyết định dấn thân vào thử thách không hề bóng bẩy như người ta nghĩ. Đó là giai đoạn mà Inter đặt ách thống trị sau Calciopoli, với lực lượng hùng hậu nhất lại thâu tóm thêm tinh hoa từ các đối thủ như Ibrahimovic, Vieira (Juventus), Chivu, Mancini (AS Roma), thật khó để nghĩ đến chuyện Inter sẽ chật vật ở Serie A nhưng vấn đề nằm ở thói quen chiến thắng tại châu Âu vốn đã xa rời CLB kể từ ngày Helenio Herrera ra đi. Suốt mấy thập kỷ, Inter không lọt thêm vào trận chung kết Cup C1 đến Champions League nào nữa, trong khi người anh em AC Milan kiến tạo hẳn kỷ nguyên chiến thắng của mình. Và nhiệm vụ của Mourinho, chính là thay đổi tâm lý chiến đấu của những Zanetti, Cambiasso, Julio Cesar, Stankovic… Dù ai cũng hiểu, thành Rome không bao giờ được kiến tạo chỉ sau một đêm.
Câu nói đó hẳn là đúng cho khởi đầu của “Người Đặc Biệt”, vì dù chiêu mộ thành công đôi cánh Mancini - Quaresma hòng làm mới hàng công Nerazzuri, nhưng kế hoạch lại không xuôi theo ý muốn của ông ở mùa giải 2008-09. Chỉ sau vài tháng, Mourinho buộc phải vứt bỏ sơ đồ 4-3-2-1 ưa thích để trở lại 4-3-1-2, vốn là di sản của người tiền nhiệm. Nguyên nhân là khả năng thích ứng kém về kỷ luật chiến thuật của Quaresma khiến ông nhận ra Inter vẫn chỉ như công trường ngổn ngang. Hệ quả là căn bệnh “Ibracadabra” ngày càng trầm kha, mà nhìn lại từ Fc Porto đến Chelsea, chưa bao giờ mẫu huấn luyện viên đề cao tính tập thể như Mourinho phải chấp nhận để đội bóng bị che mờ bởi một cá nhân. Nghĩa là Inter 2008-09 thực tế chỉ là bản nâng cấp nửa vời của Mancini. Khi Serie A năm ấy trôi qua 17 vòng, cách biệt 6 điểm với Juventus và AC Milan đủ để Nerazzuri vô địch mùa đông. Nhưng mấu chốt của sự trưởng thành được kiểm chứng khi họ chạm trán Manchester United tại vòng 1/8 Champions League, nhà vô địch châu Âu vào thời điểm đó.
Ngày 09-03-2004, Old Trafford như chết lặng sau pha đá bồi cận thành của Costinha. Bên ngoài sân, huấn luyện viên đội khách chạy thục mạng như thể vừa vô địch thế giới, đó là Jose Mourinho và pha ăn mừng để đời cùng FC Porto khi đá bay Manchester United khỏi Champions League. Khoảnh khắc cũng chứng giám cho sự xuất hiện của gã trai trẻ Bồ Đào Nha. Gần 5 năm sau, ông quay lại sân đấu này với mục tiêu giúp Inter thanh tẩy nỗi sợ hãi bấy lâu ở Cup châu Âu. Nhưng ngay phút thứ 4, Vidic đánh đầu tung lưới Julio Cesar. Phản ứng của đội khách là run rẩy khi thời cơ đến, hãy cứ nhìn vào nét mặt nhăn nhó của Ibrahimovic khi đánh đầu trúng xà ngang để bạn hiểu tại sao Inter không thể chinh phục châu Âu. Thất bại 0-2 tại Old Trafford như vạch trần sự thật rằng, Mourinho vẫn chưa thể cải tạo đội bóng của Chủ tịch Moratti thành cỗ máy chiến thắng ở Champions League. Inter cần điều gì đó thật mới mẻ thay vì sự cũ kỹ, tù túng bám víu lấy linh hồn đội bóng này bấy lâu. Ít ai ngờ, sự lột xác ấy lại đến từ chính biểu tượng của Nerazzuri trong giai đoạn hậu Calciopoli.
“Tôi giận dữ chứ vì không tay huấn luyện viên nào muốn mất Ibrahimovic, nhưng cũng chả ai buồn khi đón Eto’o.” Giữa ngày hè oi ả của năm 2009, Jose Mourinho và Inter nhận được cuộc gọi từ Catalan, nơi Chủ tịch Joan Laporta gửi đến Milano lời đề nghị đầy nghiêm túc rằng họ muốn có Ibrahimovic, mẫu siêu sao hòng đáp trả Cristiano Ronaldo và Kaka ở Madrid. Đổi lại, Inter sẽ nhận được 46 triệu € cộng với Samuel Eto’o, ngôi sao lớn trong cú ăn ba ở mùa giải 2008-09, nhưng quyết ra đi sau khi không được thừa nhận bởi Pep Guardiola. Inter hiểu rõ tầm vóc của Ibra bởi nếu không có anh, chắc gì Nerazzuri đã thống trị Calcio đến 3 năm liền, nhưng cuộc đời đôi khi khiến bạn phải có những quyết định táo bạo.
Nhận 46 triệu € kèm chân sút Cameroon nhưng trước đó, Giám đốc thể thao Marco Branca đã chốt xong Thiago Motta và Diego Milito từ Genoa. Chưa dừng lại, Inter nhanh tay thâu nạp Lucio vốn bị bật bãi khỏi Bayern Munich vì bất đồng với Louis van Gaal. Tất cả lờ mờ nhận ra việc tại sao dù không mấy vui vẻ khi mất Ibrahimovic nhưng Mourinho đầy hứng khởi khi đón dàn tân binh này bởi sau tất cả, bây giờ Inter sẽ chữa trị dứt điểm căn bệnh trầm kha “Ibracadabra”. Sau hơn 1 năm đến Milano, Jose Mourinho mới có cơ hội kiến tạo đội bóng mang đậm bản sắc của mình. Trong đó, ông hẳn nhiên là ngôi sao lớn nhất mà bất cứ cầu thủ nào cũng sẵn lòng xả thân, như câu chuyện về Samuel Eto’o.
“Không, tôi sẽ chỉ làm điều đó vì Mourinho”, Eto’o đáp lại như vậy khi huấn luyện viên Rafa Benitez hỏi anh về chuyện chơi dạt biên vào cuối năm 2010, thời điểm “Người đặc biệt” vừa ra đi. Ngôi sao Cameroon là mẫu cầu thủ tài năng nhưng tính khí thất thường và để kích hoạt hết tinh thần chơi bóng của anh, hẳn ông thầy phải rất tâm lý. “Tôi thích kiểu làm việc như anh em bạn bè của Mourinho, dù Pep là huấn luyện viên đại tài. Và không nghĩ bạn sẽ tìm thấy huấn luyện viên nào có thể khích lệ cầu thủ hơn ông ấy.” Ngay khi Samuel Eto’o đặt chân xuống Milano năm 2010, Jose Mourinho đã xác định anh chính là hạt nhân để kiến tạo hình hài mới của Nerazzuri với vai trò nổi bật hơn nhiều so với việc chỉ làm nền cho thành công của Lionel Messi như Pep đã từng. “Hãy để Eto’o nói về cách làm thế nào chiến thắng ở trận này”, huấn luyện viên Bồ Đào Nha muốn đánh thức bản năng chiến thắng trong lòng đội bóng từ một nhà vô địch như Samuel Eto’o.
Mùa giải khởi đầu không như ý muốn khi bàn thắng của Vitaly Kutuzov khiến Inter để Bari cầm hòa ngay ở Meazza. Vài ngày sau, chuyến bay từ Madrid đưa một vị khách Hà Lan đặt chân xuống phi trường Malpensa. Chưa kịp thăm thú đường phố Milano, anh được Calcio chào đón bằng trận Derby della Madonnina chỉ 2 ngày sau đó. Nhưng tất cả đều không thể làm khó tài năng của số 10, Inter vùi dập AC Milan những 4-0 và hôm ấy, phong thái của Wesley Sneijder khiến tất cả phải ngạc nhiên về sự hòa hợp của anh với đội bóng mới. Dù vậy, cánh báo chí vẫn chực chờ “bắn tỉa” Nerazzuri như sau trận hòa với Atalanta ở vòng 17, chuyện huấn luyện viên Inter cà khịa tay phóng viên ảnh trên sân xuất hiện tràn ngập ngày hôm sau. Đấy là lúc Inter có dấu hiệu mệt mỏi với thất bại trước Juventus, Mourinho thì bị truất quyền chỉ đạo ở Turin. Thế nên, những ai am tường về vị huấn luyện viên Bồ Đào Nha tin rằng, vụ va chạm kia xuất hiện không hề ngẫu nhiên chút nào khi ít nhất, sẽ chả còn ai nhớ đến việc Inter vừa mất điểm 2 trận liền.
Nhưng câu chuyện ở Champions League vẫn ẩn chứa mâu thuẫn cho Nerazzuri khi xoay xở chật vật ở bảng đấu, mà lẽ ra họ phải dễ dàng song tấu cùng Barca mới phải. 3 lượt trận đầu tiên kết thúc với tỷ số hòa thất vọng, giới chuyên môn lại có dịp mổ xẻ về sơ đồ 4-3-1-2 của Mourinho và cho rằng, nó không phải phương án tối ưu nhằm khai thác hết tiềm năng của các cầu thủ. Ví như trường hợp của Maicon, anh có tốc độ, kỹ thuật và sự lanh lẹ tuyệt vời của một hậu vệ phải nhưng cầu thủ Brazil lại gặp khó để phát huy sở trường, khi khoảng trống dành cho anh trước các đối thủ ở châu Âu là ít hơn so với sự áp đặt mà Inter làm được ở Serie A. Cho đến khi Andriy Shevchenko giúp Dynamo Kyiv dẫn trước 1-0 ở lượt trận thứ 4, ít ai nghĩ Inter sẽ đảo ngược tình hình dưới tiết trời lạnh giá ở Ukraine và Xanh Đen sẽ bị loại nếu kết quả được giữ nguyên. Nhưng hai bàn thắng trong 3 phút đồng hồ của Sneijder và Milito chính là bước ngoặt lớn cho mùa giải lịch sử.
Lách qua khe cửa hẹp vòng bảng sau thắng lợi 2-0 trước Rubin Kazan ở Meazza giúp Jose Mourinho có hơn 2 tháng để nghiền ngẫm về những tinh chỉnh chiến thuật cho đội bóng. Những câu hỏi cứ vây lấy huấn luyện viên Bồ Đào Nha từ chuyện làm sao phát huy khả năng dẫn dắt thế trận của Wesley Sneijder, vị trí trung phong cắm của Eto’o liệu có ảnh hưởng đến Diego Milito… Khi mọi thứ đang lâm vào bế tắc thì họ nhận được món quà không ngờ từ đối thủ ở Serie A.
Ngày 23-12-2009, Lega Calcio ra phán quyết rằng Lazio phải chấp nhận chuyện hủy bỏ hợp đồng với Goran Pandev lẫn bồi thường cho anh 170.000 € sau những án phạt nội bộ được cho là “vô cớ” với chân sút Macedonia. Inter lập tức nhảy vào cuộc săn đón đứa con lưu lạc thuở nào, khi Pandev chính là tài năng mà Nerazzuri từng phát hiện và tuyển mộ vào đội trẻ năm 2001. Đó là cây săn bàn chủ lực của Lazio bên cạnh Tomasso Rocchi nhưng buổi tập đầu tiên ở Appiano Gentile giúp Mourinho lóe lên điều gì đó về Pandev, thứ mà những Mancini, Quaresma, Arnautovic không thể sở hữu. Không chút đắn đo khi chỉ sau vài ngày anh đến Milano, Mourinho lập tức để tân binh người Macedonia đá chính trong chuyến hành quân đến Verona để đối đầu Chievo.
Hôm ấy, sân Bentagodi bị che phủ bởi chấn thương nứt hộp sọ của Cristian Chivu sau pha va chạm kinh hoàng với Sergio Pellissier. Thế nên, mấy ai còn chú ý đến việc Pandev chơi xuất sắc ra sao khi tung ra một keypass dẫn đến bàn thắng duy nhất của Mario Balotelli. Trận này, Mourinho dùng tân binh số 27 trong vai trò lệch cánh phải ở sơ đồ 4-2-3-1, ngạc nhiên thay khi Pandev thích ứng rất nhanh. Anh thuyết phục ông thầy bằng sức lao động bền bỉ, tích cực di chuyển trong tranh chấp, vốn giải phóng khá nhiều áp lực cho Maicon. Nhìn vào cựu cầu thủ Lazio, Mourinho như thấy lại sức chiến đấu thuở nào mà ông từng có ở những Dmitri Alenichev (Porto), Eidur Gudjohnsen (Chelsea). Sự có mặt của Pandev giúp Mourinho tự tin kéo Eto’o xuống đá ở hành lang trái và nhường lại suất trung phong cắm cho Diego Milito. Tất cả như mở toang chân trời mới cho Inter hướng về những phút giây lịch sử.
“Tôi nghĩ trận đấu với Chelsea là nút thắt quan trọng nhất để tất cả tin vào khả năng của đội bóng.” Lần tái ngộ ấy là đầu tiên sau ngày mà “Người đặc biệt” bị The Blues thẳng tay sa thải vào năm 2007. Thay vì Inter đối đầu Chelsea, cánh báo chí xem cuộc đọ sức này là màn đụng độ giữa hai con người kiêu ngạo Jose Mourinho - Roman Abramovich. Tại giải Ngoại hạng, Chelsea phô trương cơ bắp tấn công khi ghi đến 103 bàn thắng ở mùa giải năm ấy. Nhưng ở Stamford Bridge, đội bóng của Carlo Ancelotti không có lấy một cơ hội để hù dọa Nerazzuri. Người ta nói đến Sneijder và Eto’o ở bàn thắng duy nhất nhưng kỳ thực, hàng thủ với Maicon - Samuel - Lucio - Zanetti mới là những người hùng khi dập tắt bất cứ ý đồ đe dọa khung thành nào của Julio Cesar. Chelsea bế tắc đến nỗi, biểu tượng hàng công là Didier Drogba nhận thẻ đỏ vì pha trả đũa với Thiago Motta. Nghĩa là ngoài kỷ luật trong lối chơi, Inter chở theo cả sự mưu mẹo trước đối thủ, hình ảnh phản chiếu sự khác biệt với thất bại trước Valencia vào năm 2005 khi Nicolas Burdisso, Ivan Cordoba lao vào vụ ẩu đả sau khiêu khích của phe chủ nhà. Thời điểm mà giới chuyên môn nhận ra rằng, Inter âm thầm trỗi dậy bằng bản năng gốc của một đội bóng Italia. “Tôi chưa bao giờ thua trận ở Stamford Bridge cả”, Mourinho ngạo nghễ dành câu nói ấy cho Abramovich, khiến ông chủ người Nga trút nỗi căm hờn lên Carlo Ancelotti vào ngày hôm sau. Như lý giải của Carletto sau này, ông biết chắc mình đã gần kề ngày ra đường sau thất bại ở Stamford Bridge. Inter đi tiếp vào tứ kết, nhưng vượt trên tất cả là sự đồng lòng của tập thể đội bóng và cách hành xử của Mourinho giữ vai trò then chốt.
Tháng 1-2009, Inter để thua Atalanta 3-1 ở Bergamo, vấn đề là thái độ của Nerazzuri không tương xứng với vị thế CLB. Khi bước vào phòng thay đồ, Mourinho như phát khùng với các học trò. “Tôi nổi điên và bảo rằng, chỉ có đống phân mới xứng với các anh. Nhưng sau đó, tôi chợt nhận ra mình nặng lời thế nào và xin lỗi. Xưa nay, tôi hay nghĩ cho mình trước nhưng ở Inter, mọi thứ khác xa như vậy. Khi trở thành người cha, bạn sẽ thấy có những thứ quan trọng hơn bản thân mình nhiều.” Hãy đối diện với nhau như những người đàn ông, đó là cách mà Jose Mourinho lan tỏa tinh thần đoàn kết trong lòng đội bóng. Bởi thế, ngay cả “Ngựa chứng” Mario Balotelli cũng không dám giở trò khi cảm thấy mình sẽ lạc lõng thế nào giữa tập thể đang hừng hực khí thế chiến đấu.
Lá thăm vòng tứ kết đưa Inter gặp CSKA Moscow, đội bóng thống trị nước Nga sau kỷ nguyên Vàng của Spartak Moscow. Năm ấy, thầy trò Leonid Slutsky ghi dấu ấn khi là CLB Nga đầu tiên trong lịch sử tiến vào tứ kết Champions League. Hơn thế, họ phô diễn lối đá tấn công vũ bão dù đối thủ có là Manchester United (vòng bảng) hay Sevilla (vòng 1/8), kẻ phải chuốc lấy trái đắng từ tam tấu Keisuke Honda - Mark Gonzalez - Alan Dzagoev. Nhưng Inter đón nhận cặp đấu này với ký ức đẹp vào năm 1998 khi Ronaldo “Fenomeno” một mình chống lại Spartak Moscow và… thời tiết, pha solo qua cả thủ thành Filimonov trên “mặt ruộng” như minh chứng về tài nghệ phi thường của anh. Năm ấy, đội bóng của Luigi Simoni vô địch UEFA Cup nhờ chất siêu sao của Ronaldo nhưng chuyến trở lại Luzhniki lần này mang theo diện mạo khác hẳn.
“Thứ bóng đá họ chơi là rất khó chịu. Bạn không tài nào nhìn thấy kẽ hở, trong khi dễ dàng bị trừng phạt bởi sai lầm nhỏ nhất.” Tiền đạo người Brazil Vagner Love than thở khi đội bóng của anh bị Inter chế ngự sở trường tấn công, hai bàn thắng mà Diego Milito (lượt đi) và Wesley Sneijder (lượt về) ghi đều đến từ những cơ hội nhỏ nhất. “Họ chả khác nào một cỗ máy vậy”, Wagner cay đắng thừa nhận CSKA Moscow bị mất phương hướng toàn diện trước kỷ luật chiến thuật mà Nerazzuri phô diễn. Thắng lợi trước người Nga được Inter dùng làm bàn đạp cho cuộc phản kích ở Serie A nơi AS Roma dẫn họ 1 điểm khi bước vào tháng 4. Chuỗi 4 trận thắng liên tiếp tính từ vòng 33 khiến thầy trò Ranieri run rẩy khi cú đúp của Giampaolo Pazzini (Sampdoria) tại Olimpico giúp Inter nắm quyền tự quyết cho Scudetto. Bây giờ, khác biệt của Inter “Mourinho” so với Mancini nằm ở vận mệnh tại Cup châu Âu, nơi họ tái ngộ Barcelona lần nữa trong mùa giải.
Tháng 4-2010, châu Âu rung chuyển khi ngọn núi lửa Eyjafjallajoekull (Iceland) phun trào sau 200 năm ngủ yên làm đảo lộn mọi thứ. Trong đó, giao thông hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những cột khói bụi bốc cao đến 11km. Đúng là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, sự cố này nằm ngoài toan tính chiến thuật của Pep khi Barcelona đành lặn lội đến Milano bằng xe bus qua quãng đường hơn 1.000 km, sau 11 giờ di chuyển. Phản ứng của đội khách là chán nản khi Ibrahimovic dùng từ “thảm họa”, số khác mệt mỏi trước quyết định không lùi ngày diễn ra trận đấu của UEFA.
Chiến tích vĩ đại của Inter Mourinho
Ngược lại, Jose Mourinho vùi mình vào kế sách đối phó Lionel Messi, siêu sao đã ghi cú Poker vào lưới Arsenal ở tứ kết, “Vấn đề không phải là ngăn chặn cậu ấy, mà làm sao mang khó khăn đến trận đấu này.” Inter để Barca mặc sức kiểm soát bóng nhưng Messi thì không bao giờ thoải mái khi di chuyển, bởi hệ thống phòng ngự mà Nerazzuri thiết lập không bó buộc một cá nhân nào theo kèm số 10. Từ Cambiasso, Zanetti, Samuel, Lucio, Maicon đến Motta đều được trưng dụng khi Messi có bóng. Phần còn lại thuộc về những Sneijder, Eto’o, Milito. Tất cả đã phô diễn lối đá phòng ngự phản công lên đến đỉnh cao. Người Catalan đổ lỗi cho ngọn núi lửa ở Iceland nhưng kỳ thực, cho đến khi trận lượt về kết thúc, dù chơi hơn người trong 2/3 thời gian khi Thiago Motta bị đuổi, thầy trò Pep Guardiola không thể lý giải tại sao hàng thủ Inter lại chơi kín kẽ đến thế. Dưới những vòi nước mà Camp Nou cố tình chơi khăm kẻ chiến thắng tối hôm ấy, Mourinho lao một mạch về khu khán đài dành cho các Interista, bởi sau 45 năm, cũng đến lúc Inter nhận ra mình có thể làm nên những điều phi thường.
Nếu ngọn núi lửa Eyjafjallajoekull làm châu Âu tê liệt, thì màn thức giấc của Inter khiến Calcio kinh ngạc, bởi khác với mùa giải 1997-98 cho đến giai đoạn 2006-2009, thành công của Nerazzuri không được phản chiếu qua phong độ của một siêu sao. Thay vào đó, Jose Mourinho chia đều trách nhiệm lẫn niềm tin cho mọi thành viên, những con người đang bước vào buổi hoàng hôn của sự nghiệp như Lucio, Materazzi, Zanetti, Cambiasso, Stankovic... Như lịch sử đã ghi lại, họ đã bùng cháy dữ dội lần cuối cho mùa giải năm ấy. Trong đó, Diego Milito là hẳn là trường hợp kỳ lạ nhất.
Cho đến trước năm 2013, lịch sử trăm năm của túc cầu thế giới ghi nhận chỉ 3 cầu thủ từng lập Poker vào lưới Real Madrid. Đó là Jose Samitier (1926), Eulogio Martinez (1957) và… Diego Milito (2006). Khác biệt ở chỗ, hai huyền thoại kia đều chơi cho Barcelona hùng mạnh, trong khi El Principe chỉ khoác áo đội bóng tỉnh lẻ Real Zaragoza, CLB xuống hạng sau đó không lâu. Thế nên, báo giới chả buồn bình luận khi Inter tuyển mộ anh từ Genoa trước khi mùa giải 2008-09 kết thúc và càng phi lý hơn, nếu ai đó nghĩ Milito sẽ thay thế Ibrahimovic. Nhưng chỉ trong 15 ngày lịch sử, chân sút có vị thế khiêm tốn ấy đã hóa thành vị Vua Midas ở Milano, thứ mà những Altobelli, Klinsmann, Ronaldo nổi tiếng hơn anh cũng không thể nào với tới.
Từ Olimpico đến Artemio Franchi và kết thúc bằng đỉnh cao ở Bernabeu, hình ảnh chiến thắng của Inter được kết tinh qua một Diego Milito bình dị, vốn là khác biệt lớn của Inter 2010 so với những cú ăn ba khác trong lịch sử. Bởi Manchester United 1999, Barcelona 2009-2015, Bayern Munich 2013-2020 đều hội tụ hàng ngũ siêu sao trứ danh đang ở độ chín của tài năng. Ngược lại, chiến tích “Triplette” của Jose Mourinho được gầy dựng bằng việc xóa bỏ tàn dư của hình tượng siêu sao trong lòng đội bóng sau nhiều thập kỷ. Bởi nếu so giá trị của đội hình này với những kỷ lục chuyển nhượng thế giới mà cựu Chủ tịch Moratti từng thiết lập, rõ ràng Goran Pandev, Diego Milito… không thể sánh với Ronaldo, Christian Vieri… nhưng sự khiêm nhường của họ với lịch sử Nerazzuri chính là điểm tựa cho mọi vinh quang của đội bóng.
“Lý do tôi không trở lại Milano để ăn mừng là bởi nếu làm thế, tôi chả thể nào đến được Real Madrid nữa.” Người đàn ông ấy muốn chạy trốn cảm xúc nhói đau nếu phải trở lại thành phố cùng sắc áo Xanh Đen, gã khổng lồ đã được ông đánh thức sau nửa thế kỷ đắm chìm trong đắng cay lẫn nước mắt. Lịch sử hào hùng của Calcio từng ghi lại nhiều khoảnh khắc vinh quang chói lòa và Triplette 2010 chắc chắn nằm trong số những tượng đài bất diệt, vì đơn giản, chiến tích ấy là riêng, là duy nhất.
* *
*
BAYERN MUNICH 2020
Nhi Hexe (Viết từ nước Đức)
Champions League 2019-20. Dịch bệnh đe dọa sự an nguy nhân loại, phá hủy cuộc sống bình yên của cả địa cầu. Bóng đá không phải ngoại lệ, đã phải đi qua những tháng ngày trầm luân hết hoãn hủy cho tới những trận đấu vắng bóng người hâm mộ, những khán đài trống không. Nhưng đúng trong cơn bĩ cực ấy, Bayern Munich đã làm nên lịch sử vô tiền khoáng hậu khi giành chức vô địch với kỷ lục 11 trận toàn thắng và 43 bàn thắng. Họ là một “Độc cô cầu bại”.
Chân mệnh thiên tử
Bayern - chân mệnh thiên tử của năm 2020
Bayern đến Champions League với sức trẻ của những ngôi sao mới và cả những trụ cột dày dạn kinh nghiệm khi còn tới 5 cái tên (Manuel Neuer, Jerome Boateng, Javi Martinez, Thomas Müller, David Alaba) đã góp mặt trong đội hình ăn 3 mùa giải 2012-13. Trong số tất cả các đội bóng châu Âu, họ là đội duy nhất đã tận dụng hiệu quả thời gian cách ly Covid để đưa các cầu thủ đến đỉnh cao sung mãn nhất về sức mạnh. Leon Göretzka là một ví dụ điển hình. Ngoại hình tiền vệ này lột xác hoàn toàn, anh tăng thêm 8kg so với hồi mới tới Bayern, luôn có thuận lợi hơn đối thủ trong các pha tranh chấp trên không, một đối một bởi sức rướn và tì đè được cải thiện. Philippe Coutinho thì tăng 10kg thuần cơ bắp khiến cho huấn luyện viên đội tuyển Brazil phải thừa nhận ông quá ngỡ ngàng trước sự thay đổi chóng mặt đó của cậu học trò. Joshua Kimmich tăng từ 70 đến 75kg, cũng thuần cơ bắp. Robert Lewandowski gặp chấn thương khá nặng nhưng nhờ giai đoạn cách ly phong tỏa đã kịp phục hồi để thể hiện phong độ tốt nhất.
Thể lực tuyệt vời nhưng kỹ thuật và chiến thuật còn xuất sắc hơn thế. Thứ bóng đá pressing đến nghẹt thở mà huấn luyện viên Hansi Flick đã áp dụng với sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 được thể hiện rõ ràng nhất trong màn đại thắng Barcelona 8-2 ở tứ kết. Tỷ số điên rồ tưởng như chỉ có ở những trận cầu nội địa, giữa một ứng cử viên vô địch và một đội trụ hạng. Nhưng Bayern đã làm được điều đó dễ như trở bàn tay với đội bóng sở hữu Lionel Messi, bởi thật ra các cầu thủ Đức đã không hề đá bóng. Mà họ hủy diệt, tàn phá đối phương tàn nhẫn trong một đêm kinh hoàng mà Barca không có nổi một tia hy vọng như cách Thomas Müller từng phát biểu trước trận gặp Chelsea vòng trước đó: “Chúng tôi muốn cho họ thấy ngay từ đầu rằng sẽ không có niềm hy vọng nào cả và trông chờ vào một phép màu sẽ chỉ là vô nghĩa mà thôi.”
Messi đã có thể vừa ngã vừa vẫn ghi bàn khi Barca gặp Napoli ở vòng đấu trước nhưng ngay cả khi đứng vững, anh cũng đã không thể ghi bàn vào lưới Manuel Neuer, dù với Bayern năm này hay đội tuyển Đức cách đây 7 năm. Messi là lá phổi của đội bóng xứ Catalan và cũng là điểm yếu chết người của họ. Đó là một bức tranh tương phản, hàng thủ Bayern không phải làm quá nhiều để bắt chết Messi, nhưng hàng phòng ngự Barca thì tan hoang càng làm nền cho những pha đi bóng đi vào lòng người xé nát cánh hàng thủ đối phương của tài năng trẻ Alphonso Davies.
Ở đây, cũng xin nhấn mạnh một chút. Ăn 3 thì đã có nhiều đội bóng ăn 3 (Inter, Celtic, MU, Barca, Bayern), hai lần ăn 3 vẫn có Barca và Bayern. Nhưng ăn 3 mà toàn thắng, hai lần ăn 3 đều thuyết phục, đều vũ bão, đều “ăn tươi nuốt sống” đối thủ thì chỉ có Bayern Munich mà thôi.
Trước trận chung kết với PSG, người ta nói về truyền thuyết chưa có đội bóng nào thể hiện phong độ áp đảo với những trận toàn thắng giòn giã có thể lên ngôi ở Champions League, bởi nhà vô địch thường phải đi một quãng đường có ít nhiều chông gai với những trận thắng sát nút. Không nhiều người tin rằng Bayern sẽ vô địch giải đấu danh giá này với một phong độ khủng khiếp vô đối như thế. Nhưng khi đã là Chân Mệnh Thiên Tử, dớp nào cũng dễ xóa.
Hansi Flick
Thành công của Bayern có dấu ấn đậm nét của một… ông chủ tiệm đồ thể thao. Hansi Flick là cử nhân thể thao chuyên ngành bóng đá, ông đỗ thủ khoa khóa học chuyên nghiệp loại 1, từng phụ tá cho Joachim Löw trong chặng đường giành chức vô địch thế giới - World Cup 2014 cùng đội tuyển Đức. Khi Flick ra đi, đội tuyển Đức của Jogi lập tức rệu rã, còn khi ông đến Bayern, CLB lại thăng hoa quá nhanh chóng. Chẳng thế mà người hâm mộ cho rằng ngay cả thành công năm 2014 của Die Mannschaft cũng là do công lớn của Flick ở vị trí trợ lý.
Chỉ cần 10 tháng, ông đã biến một Bayern bất ổn từ người tiền nhiệm bất lực Niko Kovac lột xác thành một hung thần trên khắp mặt trận. Từ đội bóng mà Kovac bóng gió bảo rằng “Người ta không thể cố chạy 200 km/h trên xa lộ khi xe chỉ có khả năng đến 100” để rồi phải gánh chịu trận thua 1-5 nhục nhã trước Frankfurt trong khuôn khổ Bundesliga, Flick biến họ thành những nhà vô địch toàn thắng ở châu Âu. Từ tập thể mà Kovac ngán ngẩm nhận xét: “Để có thể thi đấu như ý muốn, người ta phải có những cầu thủ phù hợp...”, Flick biến họ thành một cỗ máy trơn tru hủy diệt bất kỳ đối thủ nào. Sự nhuần nhuyễn và ăn ý của các cầu thủ Bayern không chỉ tới từ 11 vị trí trên sân mà ngay cả các cầu thủ dự bị cũng là mảnh ghép hoàn hảo. Các cầu thủ bọc lót, hỗ trợ, giải nguy cho nhau với tinh thần đồng đội tối thượng. Điển hình là tình huống trong trận gặp Barcelona. Với vị trí tiền đạo cắm, Robert Lewandowski đã hoàn toàn có thể tự dứt điểm, nhưng anh lại chuyền ngược lại cho Thomas Müller khi thấy đồng đội ở vị trí thuận lợi hơn. Điều này đã khiến Müller, người như đánh mất chính mình dưới thời Kovac, xúc động chia sẻ: “Tôi thấy trái tim mình mỉm cười khi chúng tôi đã thi đấu như vậy. Tinh thần đồng đội của chúng tôi mạnh hơn bất kỳ một ngôi sao nào."
Chứng kiến sự keo sơn đã đóng góp vào thành công của Bayern trong suốt mùa giải, Giám đốc điều hành của Bayern, Karl-Heinz Rummenigge nhận xét: “Tôi hiếm khi thấy một nhóm cầu thủ gắn bó với nhau như thế này”. Còn huấn luyện viên đội tuyển Đức Joachim Löw thì chia sẻ về người đồng nghiệp cũ: “Đội bóng thực sự đoàn kết với nhau, ngay cả những cầu thủ không được thi đấu cũng thoải mái chấp nhận điều đó vì Hansi biết cách nói chuyện với họ.” Boateng thì bảo rằng: “Tôi biết với Flick, chỉ cần khỏe mạnh và lấy lại nhịp điệu, tôi sẽ luôn được trao cơ hội và đó là tất cả những gì tôi cần. Tôi hạnh phúc vì cuối cùng mình cũng đáp trả được sự tin tưởng mà ông ấy dành cho tôi.”
Vị chiến lược gia 56 tuổi này đã trở thành một hiện tượng trong làng huấn luyện viên. Còn quá mới mẻ ở Champions League nên dường như những đối thủ huấn luyện viên ngôi sao khác còn bỡ ngỡ với ông. Châu Âu bất ngờ với lối đá của Flick-Bayern. Hansi Flick được các học trò tin tưởng mà niềm tin này đã đến từ những cựu cầu thủ đội tuyển quốc gia từ lâu. Họ tin ông thầy này có thể đánh thức được tất cả tiềm năng trong mình. Ông làm họ tự tin tới mức các cầu thủ có chung suy nghĩ, chỉ cần ra sân chiến đấu hết mình, chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về chúng ta.
Flick điềm đạm, trầm tĩnh, kiên định và trên hết là rất được lòng cầu thủ. Ông không cần phải cứng rắn như Louis van Gaal, cũng không ngọt ngào vỗ về cầu thủ như Jupp Heynckes, cũng chẳng cần là thiên tài nhiều ẩn số như Pep Guardiola, nhưng Flick có cũng như hiểu rõ được một thứ: Mia San Mia. Điều đó khiến cho ông hiểu cầu thủ, biết họ cần làm gì, khiến họ thấy dễ chịu.
Manuel Neuer - thủ môn quét
PSG - đối thủ ở chung kết của Bayern Munich là đội bóng duy nhất gây được chút khó khăn cho họ, tỷ số sát nút 1-0 đã phần nào chứng minh điều ấy. Đó xứng đáng là một trận chung kết căng não ngang tài ngang sức nhưng định mệnh đã không mỉm cười với gã nhà giàu nước Pháp dù họ chơi không hề lép vế. Bởi PSG đã thua Manuel Neuer.
Trong trận, chỉ tính riêng những pha cản phá thành công bằng chân của Neuer, con số đã là 3. Nổi bật nhất là tình huống khi Mbappe việt vị, mặt đối mặt với chàng thủ môn Đức, sút đùa mà cũng không thể thắng nổi cái chân của thủ thành người Đức. Nhưng những tình huống như thế xảy ra như cơm bữa suốt cả giải, từ trận hủy diệt Barcelona 8-2 hay chiến thắng thuyết phục 3-0 trước Lyon, cái bóng của Neuer luôn ở đó. Lừng lững. Đáng sợ. Các tiền đạo đối phương có rất nhiều cơ hội dứt điểm “thành công” khi đối mặt với Neuer. Họ có thể sút vào tay trái, tay phải, đầu, chân trái, chân phải anh… hoặc sút ra ngoài.
Nhìn Neuer bắt bóng, người ta có cảm giác anh ở đâu thì cái khung thành cũng tự dịch chuyển ra đó hoặc Adidas đã chế tạo một cái găng tay nam châm đặc biệt dành cho thủ thành 34 tuổi này. Những pha ra vào hợp lý, những pha khép góc “bắt chết” tiền đạo đối phương, những pha phát động tấn công hoàn hảo, những cú ném bóng xa tới tận 3/4 sân, những lần tham gia phòng ngự cùng hàng hậu vệ, những khi tham gia kiến tạo cùng hàng tiền vệ ở giữa sân…, Neuer đều làm được hết, như chính anh từng nói: “Chúng tôi không chơi với 10 cầu thủ và 1 thủ môn, mà là 11 cầu thủ, chỉ là cầu thủ thứ 11 còn có quyền xử lý bóng bằng tay. Lối chơi của chúng tôi đã tiến tới chỗ tôi không phải là thủ môn, mà chỉ là người cuối cùng của đội bóng.”
Manuel Neuer không chỉ là thủ môn, mà là một Sweeper, một thủ môn “quét” duy nhất của bóng đá. Huấn luyện viên Hansi Flick cũng đã không ít lần nhấn mạnh tầm quan trọng của thủ thành đội trưởng đối với đội bóng: “Manuel là thủ môn đẳng cấp thế giới và là số 1 tuyệt đối của chúng tôi.” Trong 11 trận toàn thắng của Bayern ở Champions League này, có tới 6 trận Neuer giữ sạch lưới, cứu thua tổng cộng 28 lần.
Mia san Bayern
Nhưng kết tinh lại, thứ khiến Bayern khác biệt so với phần còn lại, và cũng được thể hiện rõ ràng nhất ở mùa giải này là một giá trị vô thực thể, thứ kích thích vô hình chảy trong huyết quản mỗi cầu thủ mỗi khi họ ra sân, đó là Mia san Bayern. Nhờ có nó, họ thi đấu bằng tất cả trái tim, không nản lòng khi thất bại, khát khao chiến thắng, thèm khát danh hiệu. Họ tự hào vì mình khác biệt và điều đó tạo nên những niềm tin và kiêu hãnh khổng lồ.
Ở Bayern và đội tuyển Đức, không có cá nhân nào là siêu sao mà cả tập thể ấy là một ngôi sao duy nhất. Tính đồng đội, sự kỷ luật, tôn trọng các nguyên tắc và trật tự được đề cao lên trên tất cả. Bạn không bao giờ thấy họ phụ thuộc vào cá nhân nào, nên cũng không ai sẽ phải gánh team. Các nhà tài phiệt không bao giờ có hy vọng thâu tóm được Bayern như cách họ làm ở các giải đấu Ngoại hạng khác, bởi cổ động viên cũng chính là những cổ đông lớn được tham gia các cuộc họp tài chính thường niên, ngoài ra còn có những doanh nghiệp khổng lồ hỗ trợ phía sau. Bayern có 3 nhà tài trợ chính hùng mạnh Allianz (bảo hiểm) - cũng là doanh nghiệp tài trợ cho sân vận động của đội với cái tên Allianz Arena, Adidas, Audi với tổng số 330 triệu €, chiếm 25% cổ phần đội bóng.
Đội bóng xứ Bavaria là CLB bên ngoài giàu thành tích bên trong nhiều tiền nhưng không bao giờ chi tiêu xa hoa và gây ồn ào bởi những chuyện ngoài bóng đá. Ở Đức, bóng đá đơn thuần là bóng đá, không phải showbiz nơi các cầu thủ khoe bộ sưu tập xe và bồ nhí, cũng không phải nơi để các nhà tài phiệt khoe túi tiền của họ. Bóng đá ở Đức thuộc về khán giả, dựa vào khán giả và hơn thế nữa, không bao giờ có chỗ cho những siêu sao khi tất cả thi đấu vì những ngôi sao trên áo họ và những ngôi sao trên khán đài.
Champions League là nơi làm nhiều CLB lâm vào cảnh nợ nần, phá sản. Cú ăn 3 của Inter năm 2010 vẽ lên trang sử mới nhưng nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là trong bức tranh COVID, CLB đã liên tục thua lỗ hàng trăm triệu €. AC Milan đã có thời kỳ hoàng kim năm 2007 và giờ cũng ôm một đống nợ, lỗ lên lỗ xuống. Chức vô địch ở đây khiến một đội bóng phải vung tay quá trán để chiêu mộ ngôi sao, tăng cường nòng cốt. Mùa này không vô địch thì càng chi nặng để trông chờ vào mùa sau. Bạn có thể vô địch hôm nay và thua lỗ ngay ngày mai vì ở thời điểm đó, CLB chưa chắc đã là một công ty tốt.
Bayern thì ngược lại. Họ duy trì và trung thành với triết lý kinh doanh, cả đội bóng là một công ty và chỉ cần vận hành đều, tốt, thành công sẽ đến. Champions League năm 2020 nói riêng và cú ăn 3, thậm chí ăn 6 của họ là một sự ghi nhận cho lý tưởng đó. 28 năm liên tiếp, Bayern làm ăn có lãi, bất chấp Covid. Họ trở thành tấm gương sáng cho các đội bóng muốn làm bóng đá thực sự, coi nó như một công ty để phục vụ khán giả và các cổ đông. Điều này tốt cho bóng đá hơn. Rất nhiều CLB đã phá vỡ các nguyên tắc kinh doanh để một lần được tiến tới mặt trời, như Lazio, Parma ngày trước, rồi Inter, hay thậm chí Barca, Real cũng là những đội bóng lỗ ròng nặng hậu vô địch. Bayern thì khác, họ hoạt động như một hệ thống kinh doanh lúc nào cũng tỉnh táo. Ưu tiên của đội bóng là tài chính, là sự hài lòng của khán giả nên quá khứ có hùng mạnh, song để nói là rực rỡ thì chưa phải. Nhưng đến giờ, cái “công ty” ấy cũng đã mang lại sự rực rỡ thật sự, với sự thống trị độc cô cầu bại.
Giống như tiếng Đức là một ngôn ngữ hiếm hoi mà động từ đặt ở cuối câu. Trong các câu đơn, sau động từ là dấu chấm, không có thêm một từ nào đứng sau nó, không một giải nghĩa nào nữa. Bởi vì khi người Đức hành động, họ tuyệt nhiên không cần giải thích. Họ lầm lũi mà làm. Chấm hết.
Champions League 2019-20 là một mùa giải đáng nhớ đối với tất cả, tiêu cực và tích cực. Nó đã đi một chặng đường kỳ lạ chưa từng có với những khán đài trống, những chiếc khẩu trang, những bộ kit xét nghiệm, và cả những cái ôm. Nhưng Bayern với 11 trận toàn thắng và thứ bóng đá chính xác đến hoàn hảo của họ đã mang đến một cái kết đẹp để chứng minh rằng dù dịch bệnh còn ở đó nhưng sức sống của bóng đá thì bất diệt, chỉ cần còn tình yêu. Và bóng đá luôn có tình yêu.