Cup châu Âu và Champions League đã chứng kiến vô số siêu sao xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Họ đã tạo nên muôn vàn dấu ấn trong những trận cầu kinh điển còn được nhớ mãi đến ngày hôm nay. Ai có thể quên được Ferenc Puskas với cú poker thần thánh trong một trận chung kết? Ai có thể quên được 2 đường kiến tạo thiên tài của Gianni Rivera? Ai có thể quên được Eusebio và Gerd Mueller, những người coi việc ghi bàn như hơi thở của chính mình? Và rồi đó còn là hàng phòng ngự trứ danh của Milan, là cú volley ngỡ ngàng của Zidane và những đường đan bóng như ma thuật của Xavi, Busquets và Iniesta. Nhưng có những con người đã vượt lên các siêu sao ấy để trở thành những vị vua không thể chối cãi của Cup châu Âu. Những con người cực kỳ đặc biệt. Những siêu nhân của thế kỷ!
ALFREDO DI STEFANO
Dũng Phan
“Năm 1953, ông chủ của Real Madrid - Santiago Bernabeu - ký hợp đồng với Di Stefano. Bóng đá châu Âu thay đổi hoàn toàn chỉ với một nét bút” - Bách khoa toàn thư thế giới nói về sự kiện ngày đó bằng những từ như vậy. Có Di Stefano, lịch sử Real Madrid thay đổi, lịch sử Barcelona thay đổi, lịch sử bóng đá thế giới lẫn bóng đá châu Âu thay đổi. Tất cả đều trên đôi chân huyền ảo của một con người đến từ Argentina.
Di Stefano - hoàng đế của Cup C1
Bây giờ, cả thế giới đều biết Real Madrid là Di Stefano, Di Stefano là Real Madrid. Nhưng nếu bạn lên thanh tìm kiếm google và gõ dòng khóa “Di Stefano Barcelona”, bạn sẽ choáng váng khi thấy hình ảnh Di Stefano đứng đó, tay chống nạnh, và đúng rồi, không thể nhầm lẫn vào đâu được: chiếc áo hai màu xanh-đỏ của Barcelona. Không thể tin được huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử Real lại từng đá cho Barca, nghe chẳng khác gì chuyện Messi từng đá cho Real trước khi qua Barca vậy? Câu chuyện đó là như thế nào đây?
Có lẽ hãy bắt đầu bằng một chút kiến thức lịch sử, từ cái thuở xa xưa khi Cristoforo Colombo tìm ra châu Mỹ vào ngày 12-10-1492. Rồi kể từ đó, những chuyến tàu bắt đầu đưa những người châu Âu đến với châu Mỹ để khai phá lục địa này. Chủ nghĩa thực dân theo đó phát triển, Argentina trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha, cùng hơn một nửa Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha (riêng Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha). Ảnh hưởng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đến Nam Mỹ không chỉ ở mỗi văn hóa, kinh tế, ngôn ngữ, tên gọi, lẫn màu da, chủng tộc, mà còn là bóng đá. Cũng rất nhanh chóng, những người làm bóng đá ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha luôn có những chuyên gia săn đầu người ở Argentina, Brazil. Còn những cầu thủ đường phố tại các nước Nam Mỹ cũng luôn nhìn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha như điểm đáp đầu tiên sau khi rời quê hương. Trong sự tìm đến nhau ấy, có một cuộc gặp định mệnh. Người ta có câu rằng “tiếng lành đồn xa”, và những ngôi sao tài năng tuyệt luân khi đã trình diễn trên sân cỏ, ắt sẽ có người phát hiện và tìm thấy. Lần này, Real và Barca đều hội tụ về một chàng trai: Alfredo Di Stefano Laulhe.
Sinh ngày 04-07-1926 trong một gia đình Italia nhập cư thuộc thế hệ thứ nhất, tại miền đất có tên là Barracas, vốn là một huyện nghèo ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires của Argentina, Di Stefano phải lao động từ nhỏ. Rất vô tình, chính chuyện này cộng với bản năng chơi bóng thiên tài đã biến Di Stefano thành cầu thủ có nền tảng thể lực dồi dào, sức mạnh vũ bão trên một đôi chân khéo léo khi bước vào con đường chuyên nghiệp. Ngày đó, các nhà báo khi xem Real của Di Stefano đã nhận xét bằng một câu nói nổi tiếng: “Có Di Stefano trong đội hình, Real Madrid giống như có hai cầu thủ đá hai vị trí.” Ấy là nói đến thể lực khủng khiếp của Di Stefano so với mặt bằng chung. Ông đã đến châu Âu khi 27 tuổi, chia tay Real Madrid khi 38 tuổi, và giã từ sự nghiệp sân cỏ ở tuổi 40. Nghe như câu chuyện về Paolo Maldini, Zlatan Ibrahimovic hay Cristiano Ronaldo ở 60 năm sau vậy? Mà thời đó làm gì có chế độ chăm sóc sức khỏe tốt như bây giờ. Như vậy có thể thấy được, Di Stefano là một viên ngọc, và ai có được ông thì đồng nghĩa với việc sẽ thay đổi lịch sử bóng đá của chính đội bóng. Vì thế mà câu chuyện tranh giành viên ngọc này thật sự là một truyền kỳ với vô số dị bản. Tuy nhiên, chúng ta có thể tóm gọn thế này.
Di Stefano có một người cha là cựu hậu vệ của River Plate. Vào năm 1944, cha ông khi nhận thấy năng khiếu chơi bóng của con trai đã viết một lá thư giới thiệu con trai cho “Dòng sông bạc”, và Di Stefano đương nhiên là được chọn. Anh trở thành con người của River Plate. Năm 1949, sau bốn mùa giải chơi cho gã khổng lồ của Argentina, trong đó có một mùa được cho mượn tại Huracan, thì Di Stefano gia nhập CLB của Colombia là Millonarios FC có trụ sở tại Bogota. Câu chuyện bắt đầu ở điểm này. Tháng 3-1952, ở châu Âu xa xôi, Real Madrid tổ chức một trận đấu giao hữu tại Madrid nhân kỷ niệm 50 năm thành lập đội bóng. Rất vô tình, đội bóng Nam Mỹ được lựa chọn là Millonarios FC. Trên khán đài, hàng ngàn khán giả tại Madrid đã “miệng chữ O, mồm chữ A” khi được chứng kiến những đường bóng không tưởng của anh chàng Di Stefano. Chủ tịch Santiago Bernabeu ở trên khán đài làm sao để yên cho được? Ông lập tức thỏa thuận với CLB chủ quản của Colombia là Millonarios FC để mang Di Stefano về với CLB Hoàng gia Real Madrid. Trước đó, xin nói thêm về thống kê của Di Stefano ở CLB Colombia vô danh này: 267 bàn trong 294 trận chơi cho Millonarios, cùng 4 chức vô địch Colombia (1949, 1951, 1952, 1953).
Vấn đề là tài năng của Di Stefano là một mỏ vàng lộ thiên, không chỉ Real mới thấy, mà Barca cũng đâu có mù? Và thậm chí họ đã nhanh chân hơn Real một bước từ trước rồi. Nhưng vấn đề phát sinh lại ở việc Barcelona chọn River Plate để thương thuyết. Vậy là xảy ra tình huống sau: Real mua Di Stefano qua chữ ký với Millonarios, còn Barca mua Di Stefano qua chữ ký với River Plate. Thế là những âm mưu man trá, những dị bản muôn đời, những niềm tin hận thù và cả guồng quay lịch sử đã được thay đổi từ chính cái lằng nhằng đấy. Vào cái giai đoạn hồng hoang đó, luật sở hữu cầu thủ còn lỏng lẻo. Và như ta đã thấy, rõ ràng cả Real và Barca đều có những lý lẽ riêng của mình trong việc giành giật Di Stefano. Thế hệ sau cũng không có đủ mọi tài liệu để khẳng định đúng - sai trong việc này. Người Barca tin rằng họ là nạn nhân của độc tài Franco, người đã can thiệp để ép phải nhượng Di Stefano lại cho Real. Còn người Real thì trả lời rằng: “Chúng tôi đã bỏ ra 5,5 triệu pesetas Tây Ban Nha (một con số khổng lồ thời ấy) để mua phần còn lại trong hợp đồng với Di Stefano. Chứ không phải cướp trắng.” Và rõ ràng, những con số không hề nói dối. Real Madrid đã đặt cược cực lớn với Di Stefano, không chỉ bỏ ra 5,5 triệu pesetas cho Barca, họ còn trả thêm 1,3 triệu cho Millonarios. Cộng với đó là mức lương 16.000 cho Di Stefano, cùng với đặc ân rằng anh sẽ nhận số tiền thưởng gấp đôi các đồng đội. Tổng cộng các chi phí, người ta sửng sốt phát hiện ra Bernabeu đã đánh một canh bạc cho Di Stefano, vì để có được ông và nuôi nổi ông, họ đã dùng 40% doanh thu hàng năm của câu lạc bộ cho ông. Đọc đến đây, có lẽ bạn đã hiểu, đúng như câu nói: “Hãy đi tìm lịch sử, vì chỉ có lịch sử mới giải thích cho bạn căn nguyên của vấn đề.” Hôm nay, những gì Real Madrid và Chủ tịch Florentino Perez từng làm với Zidane, Ronaldo, Beckham, Bale… chính là bắt đầu từ cái ngày mà Bernabeu ký với Di Stefano. “Những ngôi sao tự trả tiền cho chính họ” (Florentino Perez). Hàng chục năm sau, Barca vẫn tin vào một dị bản duy nhất là Real đã cướp Di Stefano của họ. Còn người Real chỉ tin vào một thứ duy nhất: kết quả.
Kopa, Di Stefano và Chủ tịch Bernabeu
Ngày 23-09-1953 sẽ được ghi nhớ là một ngày lịch sử của bóng đá thế giới cấp CLB, vì đó là ngày Di Stefano ra mắt tại Real Madrid, trong trận đấu giao hữu với CLB Nancy của Pháp. Một tháng sau, trận siêu kinh điển đầu tiên trong mùa giải 1953-54 diễn ra trên sân nhà Real. Hôm đó, Real đã tiêu diệt Barca với tỷ số 5-0. Và có lẽ bạn đã đoán ra được điều đáng sợ nhất. Vâng, Di Stefano ghi tới 4 bàn. Barca biết rằng mình đã sai lầm nghiêm trọng, nhưng đã quá muộn. Bên kia bầu trời, vị Chủ tịch Santiago Bernabeu cười sảng khoái. Cuối mùa giải ấy, Real Madrid vô địch La Liga, chức vô địch đầu tiên kể từ năm 1933 mà tôi đã nói ở câu chuyện về Bernabeu trong trang sách này. Mùa giải đó, Di Stefano ghi được 27 bàn sau 28 trận. Mùa giải tiếp theo, với 25 bàn sau 30 trận, ông đưa Real Madrid vô địch La Liga lần thứ hai liên tiếp. Mùa giải thứ ba, với 5 bàn sau 7 trận tại đấu trường C1 mùa giải 1955-56, Di Stefano đưa Real Madrid đến với chiếc Cup vô địch châu Âu đầu tiên trong lịch sử. Tiếp theo, chính là 5 chức vô địch C1 liên tiếp mà ai yêu bóng đá cũng đều một lần được nghe. Huyền thoại Kền Kền Trắng là Emilio Butragueno vì vậy đã nói: “Lịch sử Madrid khởi đầu với Di Stefano”, đấy là một lịch sử của vinh quang và chiến thắng, một lịch sử được cắt đôi trước Di Stefano và sau Di Stefano. Trước khi Di Stefano khoác lên người chiếc áo trắng ấy, trong hơn 50 năm - 50 năm tức nửa thế kỷ, Real Madrid chỉ vô địch vỏn vẹn 2 lần. Nhưng trong 11 năm mà Di Stefano thi đấu tại sân vận động Bernabeu, Real Madrid đã vô địch tới 8 lần. Một tờ báo Tây Ban Nha vì quá yêu ông mà đã viết: “Tại Madrid, mặt sân Santiago dốc nghiêng về bên trái bởi thời còn thi đấu, Alfredo Di Stefano hay chơi nhiều ở cánh này.” Vua bóng đá Pele khi đến thăm Madrid đã nói rằng ông không bằng Di Stefano. Điều này thậm chí được cả Maradona hay bậc thầy của Catenaccio là Helenio Herrera công nhận: “Tôi không biết mình có xuất sắc hơn Pele hay không nhưng tôi có thể nói không chút hồ nghi rằng Di Stefano xuất sắc hơn Pele. Tôi tự hào được nói về Di Stefano. Pele đã gặp khó khăn khi chơi bóng ở châu Âu trong khi Alfredo đã chơi cực hay trên khắp thế giới” (Diego Maradona). “Di Stefano chơi như một hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo trong mọi trận đấu. Pele chỉ tham gia trên tiền tuyến. Di Stefano tham gia mọi tuyến, cộng thêm những gì Pele làm được. Nếu Pele là cây vĩ cầm chính, Di Stefano là cả dàn nhạc” (Helenio Herrera).
Năm 1991, khi tạp chí France Football tổ chức cuộc bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu mọi thời đại thông qua việc lấy ý kiến của các nhà báo bóng đá, Di Stefano đã giành chiến thắng và được trao Siêu Quả Bóng Vàng châu Âu. Maradona, Pele có thể là các cầu thủ vĩ đại nhất cấp độ đội tuyển, nhưng Di Stefano sẽ là cầu thủ vĩ đại nhất cấp độ CLB. Tiếp cận được đẳng cấp và vị thế của ông, chỉ có thể là Messi và CR7 hôm nay. Nhưng những điều vĩ đại mà Ronaldo làm được, cũng là sự kế thừa trên nền tảng mà Di Stefano đã tạo ra. Lịch sử C1 vốn dĩ đã ở bên Real Madrid, một lịch sử vĩ đại được tạo ra theo cách riêng của nó trên đấu trường Champions League. Chủ tịch Florentino Perez nói rằng: “Real Madrid có DNA Champions League, CLB yêu nó hơn tất cả mọi thứ trên đời.” Trong phòng trưng bày của Real thì vị trí trung tâm phải là các danh hiệu C1, tất cả các bản hợp đồng được mua về đều đến đó, nhìn vào và nhắc nhở: “Anh phải đem thêm một chiếc Cup nữa về đây.”
Di sản mà Di Stefano để lại cho Real Madrid là 5 Cup C1 châu Âu, 8 chức vô địch Tây Ban Nha, 1 Cup Tây Ban Nha, 1 Cup Liên lục địa, 2 lần giành Quả Bóng Vàng châu Âu, ghi 216 bàn/282 trận tại La Liga cho Real Madrid, trong đó có 5 lần đoạt Vua phá lưới. Ông còn thiết lập số bàn thắng 49 bàn/59 trận ở Cup C1, một kỷ lục mà phải mất tới nửa thế kỷ thì Raul Gonzalez mới phá giải được. Cup C1 là định hình của giải đấu dành cho những đội bóng mạnh nhất thế giới, là nơi những đội bóng số 1 đua tài để xem ai là số 1 trong tất cả các số 1. Real Madrid xuất hiện trong ngày hồng hoang, vạch lên trên bầu trời một dải thiên hạ rực rỡ, ghi dấu ấn của một vị vua tuyệt đối chính là Di Stefano, người đã ghi bàn trong 5 trận chung kết Cup châu Âu liên tiếp (tổng cộng 7 bàn), người đã cùng Santiago Bernabeu đặt vào trong dòng máu Real Madrid một gen di truyền của “Champions League/C1”, và Cup C1/Champions League cũng đồng hành với Real Madrid. Ngày biết tin FIFA công nhận Real Madrid là CLB vĩ đại nhất thế kỷ XX, Lorenzo Sanz (Cố Chủ tịch Real Madrid giai đoạn 1995-2000), người đã qua đời vì Covid-19 vào năm 2020 phát biểu: “Một phần thành công này thuộc về Di Stefano. Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể tạ ơn xứng đáng trước những gì ông đã làm cho Real Madrid. Di Stefano sẽ luôn ở trong trái tim của chúng tôi.” Khí phách mà Real có được tại Champions League ngày hôm nay chính là từ những bước chạy ngày đó của Di Stefano.
Cống hiến tuyệt vời của Di Stefano đã biến ông trở thành người mang hai quốc tịch Argentina và Tây Ban Nha, tuy nhiên, cũng trở thành nỗi tiếc nuối vô bờ khi không thể vô địch World Cup trong hai màu áo quốc gia mà ông yêu quý. Thậm chí, ông còn chưa từng dự một vòng chung kết World Cup nào. Tin nổi không? Một thiên tài cỡ ấy lại chưa từng dự World Cup, chỉ vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mà trong đó có cả những lý do chính trị. Nhắc đến chính trị, người ta vẫn nói về vụ bắt cóc Di Stefano tại Venezuela bởi một tổ chức chống chính phủ. Nguyên nhân bị bắt rất rõ ràng: để báo chí biết về sự tồn tại của họ. Vì Di Stefano quá nổi tiếng, vì Real Madrid ngày đó đã giống như một biểu tượng ngoại giao của Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, sau hoàng hôn rực rỡ vẫn luôn là bóng đêm u sầu, kể cả một siêu nhân như Di Stefano chăng nữa cũng phải gánh chịu. Ông gặp phải hung thần tuổi trẻ của đời mình, đấy chính là “Báo đen” Eusebio của Benfica trong trận chung kết Cup C1 vào năm 1962. Ngày đó, Eusebio kể lại họ bước vào trận chung kết với cảm giác choáng ngợp, họ sợ hãi trước tầm vóc của Di Stefano, của Puskas, nhưng khi quả bóng bắt đầu lăn thì Eusebio phát hiện ra những vị thần ấy đã già cỗi. Và thế là đôi chân tốc độ của “Báo đen” đánh bại Real Madrid chậm chạp. Năm đó, Di Stefano đã 38 tuổi. Thất bại lần thứ 2 trước Eusebio vào năm 1965 đã khiến ông đi đến quyết định chia tay Real Madrid ở tuổi 38. Đến năm 40 tuổi, ông giải nghệ. Một tuổi thọ sự nghiệp mà kể cả nền y học hiện đại còn phải ghen tị.
Di Stefano trở thành huấn luyện viên, và sự nghiệp huấn luyện viên của ông cũng hoành tráng theo một cách rất riêng. Ai cũng biết về mối thù giữa Boca Juniors và River Plate, thế mà năm 1970, Di Stefano dẫn dắt Boca Juniors giành chức vô địch quốc gia Argentina, rồi 10 năm sau lại đưa đội bóng cũ River Plate đến chức vô địch quốc gia 1981. Ông đi vào lịch sử với tư cách huấn luyện viên duy nhất giành danh hiệu vô địch Argentina với cả hai CLB không đội trời chung là Boca Juniors và River Plate. Ông cũng là người đã dẫn dắt “bầy dơi” Valencia vô địch La Liga mùa giải 1970-71 sau 24 năm chờ đợi. Quả thật, càng đọc về ông, ta lại càng thấy các cầu thủ hôm nay bé nhỏ. Tuy nhiên, trời không cho không ai một cái gì. Dù có hai nhiệm kỳ với Real Madrid thì ông cũng chỉ có với Real một Siêu Cup Tây Ban Nha đầy khiêm tốn.
Giải nghệ vào tuổi 65, dấu chân ông được khắc trên đại lộ danh vọng ở Monaco. Di Stefano cũng trở thành chủ tịch danh dự của Real Madrid, và mỗi khi chủ tịch đương nhiệm công khai bản hợp đồng mới thì ông lại bước ra, đứng bên cạnh như nhắc nhở về một chứng nhân lịch sử đã tạo nên một Real Madrid vĩ đại, và các bản hợp đồng mới phải biết để chiến thắng, để vô địch, để biến sự vĩ đại này thành trường tồn.
Ngày 09-05-2006, Real Madrid đã khánh thành sân vận động Alfredo Di Stefano nằm trong khu huấn luyện liên hợp của họ ở Valdebebas, ngoại ô Madrid, để tôn vinh những đóng góp của ông. Vào thời điểm Covid-19 hoành hành và sân vận động Bernabeu tạm đóng cửa để trùng tu, sân Alfredo Di Stefano được lựa chọn làm sân nhà của đội bóng. Và như chúng ta đã biết, nơi đây chứng kiến thầy trò Zidane nâng cao chức vô địch La Liga thứ 34 trong lịch sử (mùa giải 2019-20). Nhưng ngày đó không còn thấy Di Stefano móm mém mỉm cười trên ghế khán giả nữa. Ông đã mất từ trước đó 6 năm, vào ngày 07-07-2014, ở tuổi 88. Joseph Blatter, Chủ tịch FIFA khi ấy đã viết dòng điếu văn: “Vĩnh biệt một huyền thoại, cầu thủ tôi rất yêu thích, cầu thủ tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy.”
* *
*
CRISTIANO RONALDO
Dũng Phan
Nếu Champions League là đấu trường danh giá nhất cấp độ CLB, là đấu trường quan trọng nhất thế giới trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, thì hắn là ai?
Hắn có nhiều bàn thắng ở vòng loại trực tiếp nhất (65)
Hắn có nhiều bàn ở tứ kết nhất (26)
Hắn có nhiều bàn ở bán kết nhất (13)
Hắn có nhiều bàn ở chung kết nhất (4)
Hắn kiến tạo nhiều nhất (42)
Giành 5 danh hiệu vô địch với 2 đội bóng khác nhau, 7 lần giành ngôi vị vua phá lưới, 8 cú hattrick. Hắn ghi nhiều bàn nhất ở đấu trường này (132).
Có những cầu thủ kỷ lục chỉ đạt 1/3 đến 1/4 các con số trên đây cũng đủ để thành huyền thoại. Còn hắn là hoàng đế trong đấu trường này. Những cột mốc hắn vẫn miệt mài đi chinh phục, thử thách này đến thử thách khác, có khi ngã xuống, bị chế giễu, lại bò dậy, lại chinh phục. Hắn không chịu dừng lại.
Ngày hắn rời đi, lịch sử Champions League sẽ cúi đầu trước hắn.
36 tuổi, nhiều huyền thoại vẫn thi đấu. 36 tuổi, không hiếm kẻ đua tài. Nhưng 36 tuổi mà vẫn sừng sững tỏa sáng cùng tuế nguyệt, không cho thế hệ sau chen vào mâm của mình, thì thật hiếm có vô song trong lịch sử bóng đá.
Tên hắn là Cristiano Ronaldo!
Hắn là một con quái vật của bóng đá thế giới. Một hoàng đế tại Champions League. Một người khổng lồ của đấu trường này.
Turin, một ngày tháng 4-2018, Juventus gặp Real Madrid ở trận lượt đi tứ kết Champions League mùa giải 2017-18. Phút 64, từ đường tạt bóng của Dani Carvajal, Cristiano Ronaldo ngả người tung cú “lật bàn đèn” ở trên không. Thủ thành huyền thoại Gianluigi Buffon bất động nhìn bóng bay vào lưới. Bên ngoài sân, huấn luyện viên Zidane xoa mái đầu hói như đang tự hỏi điều gì vừa xảy ra. Từ trên khán đài, một trong những hình ảnh sững sờ xuất hiện: hàng loạt cổ động viên Juventus đã đứng dậy vỗ tay tán thưởng màn trình diễn của chàng tiền đạo đối thủ vừa tiêu diệt đội mình. Ronaldo cũng chân thành áp hai bàn tay vào nhau, môi mím lại, đặt tay lên ngực để bày tỏ sự biết ơn. Hành động vô tình hôm ấy chính là một trong những lý do tạo nên thương vụ chuyển nhượng trị giá 100 triệu € của Cristiano Ronaldo từ Real Madrid sang Juventus trong mùa hè đó. Bàn thắng của anh khiến gia tộc Agnelli phải thèm khát. Họ tin rằng bằng mọi giá phải đem được vị hoàng đế này về, để hiện thực hóa giấc mộng Champions League mà Juventus đã tìm kiếm suốt hơn 2 thập kỷ. Hơn một tháng sau đêm mưa Turin ấy, Ronaldo cùng Real Madrid vô địch Champions League lần thứ 3 liên tiếp, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, và đấy cũng là danh hiệu vô địch Champions League lần thứ 5 của chàng trai người Bồ Đào Nha. Trong thành tích cá nhân, CR7 giành luôn danh hiệu Vua phá lưới với 15 pha lập công. Và đây đã là mùa giải thứ 6 liên tiếp anh làm vua ở vùng trời vinh quang này. Kết thúc trận đấu, khi gặp phóng viên, Ronaldo nói đùa, Champions League nên đổi theo tên của anh là “CR7 Champions League”… để cho xứng tầm.
Ronaldo - lợi nhuận kếch sù của Perez
Huyền thoại bóng đá dẫu nhiều người kiêu ngạo, nhưng tại sao chỉ Ronaldo mới dám mạnh miệng như thế ở đấu trường đặc biệt ấy? Cũng tại vì sao chỉ mình Ronaldo khiến một đội bóng truyền thống kiểu như Juve bất chấp tất cả để đi ngược lề lối mà mang anh về? À, vì như đã nói từ đầu câu chuyện, Ronaldo là hoàng đế đích thực của Champions League từ khi mở cõi. Nếu Di Stefano và Gento là những người định hình nên C1 ngày đầu hồng hoang, Paolo Maldini là chứng nhân của giai đoạn lịch sử mà AC Milan vươn tầm trong thế kỷ XX, thì Ronaldo chính là người khổng lồ vĩ đại nhất Champions League của thế kỷ XXI tính đến thời điểm này. Ronaldo không chỉ là người nổi bật nhất, cũng không đơn thuần vì anh đã bỏ lại Messi trong cuộc đua ở giải đấu danh giá này, mà còn vì cách anh công phá các kỷ lục, cách anh định hình nên nó, và sự hào nhoáng của con người CR7 toát ra nét đồng điệu “Ton sur ton” - “Quân tử nhất bộ” với sự lung linh của Champions League.
Tony Britten (Nguồn: IrishMirror)
Tony Britten, nhà soạn nhạc người Anh, người đã soạn nên bản nhạc nền bất hủ “Champions League” từng miêu tả đấy là một khúc ca mang tính âm hưởng thính phòng hoành tráng, cũng như không kém phần sang trọng. Ông có rất nhiều điều tự hào vì bản ca ấy, như được thấy cảnh Cristiano Ronaldo hát và nhún nhảy theo điệu nhạc khi khúc ca đó vang lên trước trận. Vâng, được thấy Ronaldo hát bài ca của mình là một trong những điều tuyệt vời nhất của người soạn nhạc. Điều đó cũng nói lên cái “Ton sur ton” - “Quân tử nhất bộ” của hai cá thể này. Tuy nhiên, hành trình từ chàng trai bé nhỏ ở Lisbon tới vị hoàng đế Champions League không hề đơn giản. Chẳng ai quên được cảnh Ronaldo đã nằm òa xuống sân và khóc rưng rức giữa cơn mưa nặng hạt Moscow 2008. Hôm ấy, Manchester United vô địch sau khi thắng Chelsea ở loạt sút luân lưu, nhưng Ronaldo là người đã sút hỏng trong lượt đấu súng ấy. Và nếu không có cú trượt chân tai hại của John Terry thì chẳng biết điều gì xảy ra. Trước đó một năm, Ronaldo cũng bị Kaka làm cho lu mờ hoàn toàn ở mùa giải 2006-07. Phải đến mùa giải 2007-08, với 42 bàn thắng trên mọi mặt trận thì Ronaldo mới vươn tầm lên vị trí cầu thủ số 1 thế giới. Và đấy cũng là hành trình của máu và nước mắt. Những hành động kênh kiệu, những phát ngôn coi trời bằng vung không khỏa lấp đi một tính cách yếu mềm của chàng trai thuở mới qua đôi mươi ấy. Sir Alex Ferguson hiểu điều đó, nên muốn giữ anh lại bên mình lâu nhất có thể. Nhưng không, Ronaldo là một con rồng lớn, và nó phải quẫy đạp ở vùng trời danh vọng nhất trên bình diện một CLB phải có. Manchester United tuy lớn đấy, nhưng điểm đến cuối cùng mà mọi cầu thủ trên thế gian đều mơ ước thì vẫn là Real Madrid. Vậy là Ronaldo - Real Madrid gặp nhau trong mối lương duyên trời định, để cùng với đó sinh ra thêm một trang sử mới.
Vào đúng 21 giờ 15 phút ngày 06-07-2009 (giờ địa phương), 85.000 khán giả trên Santiago Bernabeu chứng kiến màn ra mắt của cầu thủ số 1 thế giới, một người mang quốc tịch Bồ Đào Nha đến từ nước Anh, lưng mang áo số 9, bộ đồ trắng muốt và miệng cười tự tin. Chàng trai ấy mang trên mình phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới lên tới 80 triệu bảng. Đấy là Cristiano Ronaldo, và ngày 06-07-2009 là ngày mở ra một chương mới trong lịch sử Real Madrid, ngày họ có được một Di Stefano của thế kỷ XXI. Nhưng không phải một bước lên tiên như Di Stefano đâu, chàng trai ấy lận đận hơn nhiều. Anh đã đến đúng giai đoạn mà đại kình địch Lionel Messi đang thăng hoa rực rỡ và tiqui-taca của Barca làm mưa làm gió, biến Ronaldo trở thành người chứng kiến đối thủ năm này qua tháng nọ nâng cao các Quả Bóng Vàng, và anh thì 4 lần làm người về nhì vĩ đại. Nhưng sau tất cả, có khi nào Ronaldo bỏ cuộc đâu?
Sinh ngày 05-02-1985 ở Santo António, một khu phố ở thành phố Funchal, thuộc quần đảo Madeira nằm ở bờ biển phía Tây Bồ Đào Nha, Ronaldo đã phải khổ luyện… từ trước khi sinh ra. Có một câu chuyện rất cảm động, thậm chí đau lòng. Đó là người mẹ Dolores khi biết mình mang thai Ronaldo, bà đã tìm cách phá bỏ cái thai này. Cha Ronaldo - José Dinis Aveiro nghiện ngập rượu chè và bạo hành vợ. Thời điểm bà Maria Dolores dos Santos mang thai Ronaldo, gia đình rất nghèo, cuộc sống không hạnh phúc nên bà chỉ muốn phá thai. Bà gặp bác sĩ, bà uống rượu, bà cố tình chạy nhảy, vấp ngã chỉ để phá cái thai ấy. Nhưng không, bào thai trong bụng bà muốn bước chân ra đời để viết nên trang sử đời mình, dẫu gập ghềnh thế nào cũng không sợ hãi. Cậu bé Cristiano Ronaldo dos Santos Aveiro đã phải chiến đấu từ trong bụng mẹ để được sinh ra trên đời.
Khi biết đam mê bóng đá và thể hiện được tài năng, được Sporting Lisbon lựa chọn, thì tuổi nhỏ đã phải sống xa gia đình, ngày nào cũng ôm gối khóc. Ở Sporting Lisbon, anh luôn bị chế giễu là kẻ quê mùa. Đến khi khẳng định tài năng xong, chuyển sang Manchester United thì bị chỉ định mặc tấm áo số 7 của David Beckham - thần tượng lớn nhất Old Trafford. Sao số bình thường còn ngợp, nói gì một cầu thủ mới 18 tuổi? Ở Anh trong ba mùa đầu tiên, phong cách đá của Ronaldo vẽ vời hoa lá, trong khi thể hình, thể lực còn rất mỏng cơm nên tuy đẹp mà không hiệu quả. Dẫu thế, không giống như những cầu thủ lười biếng khác, Ronaldo lao mình vào trong phòng tập gym, nỗ lực cải thiện cơ thể hằng ngày. Carlo Tevez, đồng đội của Ronaldo kể lại, thường các buổi tập của MU sẽ bắt đầu lúc 9 giờ sáng, nhưng Tevez thường đến lúc 8 giờ sáng. Luôn luôn thấy Ronaldo ở đó. Tevez mới thử đến lúc 7 giờ 30 phút, và vẫn thấy Ronaldo ở đó. Tiền đạo người Argentina điên tiết lắm mới nghĩ cách phải cho thằng này bẽ mặt. Hôm sau, Tevez đến lúc 6 giờ sáng. Và bạn biết gì ko? Ronaldo đang ở đó. Khuôn mặt vẫn còn ngái ngủ đấy, nhưng đúng là hắn ta đã lù lù ở đó rồi. Không khó hiểu khi chỉ sau 3 năm ở nước Anh, Ronaldo vươn tầm. Tuy thế, chặng đường của Ronaldo không ít gập ghềnh và cả drama. Ít ai quên được cái nháy mắt láu cá của Ronaldo tại World Cup 2006 trong trận tứ kết giữa Anh và Bồ Đào Nha, giống như xúi trọng tài thổi đồng đội MU là Wayne Rooney thẻ đỏ. Rất may anh đã được Alex Ferguson bảo vệ, và dùng các bàn thắng để trả lời người hâm mộ xứ sương mù. Thương vụ chuyển nhượng qua Tây Ban Nha cũng nếm trải đủ lời nặng nhẹ. Có điều ta lại cảm tưởng như từng đó áp lực giống hệt các lớp áo giáp để khoác lên người CR7, để anh cứng cáp hơn, để hôm nay giữa Santiago Bernabeu hoa lệ, đứng trước đối thủ mạnh nhất lịch sử tồn tại của họ, thì chàng trai đó vẫn cương quyết không bỏ cuộc, vẫn trèo lên dòng nước ngược để ngẩng đầu nhìn trời, và vẫn có cách giành được vinh quang.
Tập luyện là bí quyết duy nhất của Ronaldo
Người ta không bao giờ quên được giọt nước mắt Zurich vào tháng 1-2014 khi anh giành Quả Bóng Vàng. Bên dưới khán đài, mẹ của anh, con trai anh, bạn gái anh là siêu mẫu Irina Shayk cũng không cầm nổi giọt lệ. Họ đã chứng kiến chàng trai đó khổ ải thế nào trong mỗi trận đấu, đã mệt mỏi thế nào trước những lời đàm tiếu, đã chịu đựng thế nào trong cảm giác của người thua trận. Nên khi anh giành được vinh quang ấy, cảm xúc vỡ òa. Có câu nói thế này: “Trên bước đường vinh quang, không có dấu chân của kẻ lười biếng.” So với đại kình địch Messi có phẩm chất thiên tài từ bé, thì Ronaldo không phải là cầu thủ của những bẩm sinh tài năng. Ở anh, điều quan trọng nhất để chiến đấu với Messi, để sánh ngang, để có những thành tựu nhất định vượt qua Messi, chính là sự khổ luyện. Ronaldo có một bí quyết là luôn đi bơi sau mỗi trận đấu, ngâm mình vào nước nóng rồi nước lạnh, giống như một cách để mát-xa cho cơ bắp. Mỗi ngày, Ronaldo tập 5.000 lần động tác đứng lên ngồi xuống. Ronaldo không chỉ tập các bài phát triển các nhóm cơ, mà bổ sung thêm các bài tập giúp tăng tốc, luyện sức bền, sự dẻo dai. Quan điểm của anh: “Bạn có thể tập cơ bụng ở trên giường khi vừa thức dậy hoặc trước khi đi ngủ. Nếu cứ làm thế thường xuyên, sẽ tạo thành thói quen.” Nhờ đó mà lượng mỡ thừa trong người Ronaldo là 5-7%, còn ít hơn các siêu mẫu (dao động 13,7%). Anh là minh chứng cho việc có khổ luyện thì mới thành tài, và những bài tập tưởng chừng đơn giản như thế này có thể tạo ra một cỗ máy săn bàn hoàn hảo như hiện tại.
Bóng đá không chỉ là bóng đá. Ronaldo dạy tất cả chúng ta bản lĩnh đi ngược giông gió. Dạy cho chúng ta cách đứng cao trên miệng đời. Dạy cho chúng ta nỗ lực và tính chuyên nghiệp. Và dạy chúng ta rằng, ai cũng có lúc thất bại, chỉ cần đừng bỏ cuộc. Bỏ cuộc có nghĩa là trận đấu đã kết thúc.
Thời khắc giành lại Quả Bóng Vàng đó, cũng chính thức mở ra một chương mới trong sự nghiệp của Ronaldo. Đó là con đường sẽ không chỉ giúp anh giành được những Quả Bóng Vàng để san bằng thành tích với đại kình địch Messi, đưa anh vượt qua Messi với danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp đội tuyển là chức vô địch Euro 2016, mà còn đưa anh lên thành hoàng đế ở Champions League. Chỉ bốn tháng sau danh hiệu Quả Bóng Vàng thứ 2 trong sự nghiệp, Ronaldo giành danh hiệu Champions League thứ 2 trong sự nghiệp, và là đầu tiên của Ronaldo với Real Madrid. Trận đấu cho giấc mộng La Decima mà kền kền đã trĩu cánh suốt 12 năm qua, là lý do cho việc họ mua anh về, là lúc giấc mơ chuẩn bị chạm ngưỡng hiện thực. Trên con đường đi đến trận chung kết ấy, một mình Ronaldo ghi 16 bàn, trong đó có chiến thắng đặc biệt trước Bayern Munich của Pep Guardiola tại bán kết, đưa Real vào chung kết sau 12 năm. Thượng đế thử thách thêm chút ít cho những Madridistas, khi đến tận phút 90+4 thì Sergio Ramos mới đánh đầu ghi bàn và gỡ hòa 1-1 cho Real Madrid, bàn thắng đã đưa người Madrid, đưa thầy trò Carlo Ancelotti trở về từ cõi chết. Bàn thắng của Ronaldo không phải là bàn thắng quyết định, nhưng là nét son trong danh hiệu Vua phá lưới để đi đến Quả Bóng Vàng thứ 3 trong sự nghiệp của anh vào cuối năm ấy. 17 bàn thắng năm đó cũng là kỷ lục mọi thời đại mà một cầu thủ có thể ghi được trong một mùa giải tại Champions League. Người duy nhất tiếp cận được kỷ lục của Ronaldo cũng chính là… Ronaldo ở mùa giải 2015-16 với 16 bàn thắng. Ronaldo ở Real Madrid, Ronaldo ở Champions League sở hữu một khối lượng bàn thắng lớn đến không tưởng. Anh ghi được 105 bàn thắng chỉ sau 101 lần ra sân cho Real Madrid, đạt tỉ lệ lên đến 1,04 bàn/trận. Người ta tính ra cứ trung bình gần 86 phút, Ronaldo lại ghi 1 bàn tại Champions League trong màu áo Real. Còn xét rộng ra, 5 danh hiệu Champions League luôn đi cùng 5 lần Chiếc Giày Vàng. Giá trị bàn thắng luôn đi cùng giá trị danh hiệu.
Ngày Zinedine Zidane quay lại Real Madrid để tiếp nhận chiếc ghế huấn luyện viên trưởng, ông thầy người Pháp lập tức yêu quý ngay sự chuyên nghiệp và “DNA Champions League” của Ronaldo. Tuy nhiên, thay vì làm bòn sức Ronaldo thì Zidane lại dùng Ronaldo một cách rất cẩn trọng. Quan điểm của Zidane rất rõ ràng: “Mổ gà thì không cần dùng dao mổ trâu”, việc sử dụng Ronaldo một cách có chừng mực đã đem đến cho Zidane một Ronaldo hoàn hảo ở mùa giải 2016-17. Và như chúng ta đều đã biết, đó là năm Real Madrid bảo vệ thành công chức vô địch Champions League. Đấy là một lời nguyền có từ thuở khai sinh Champions League, cụ thể: “Kể từ khi giải đấu đổi tên, không đội bóng nào bảo vệ được chức vô địch Champions League.” Mãi cho đến ngày Real Madrid lọt vào chung kết hai năm liên tục, thì điều này bị phá vỡ. Cũng phải thôi, có câu lạc bộ nào xứng đáng hơn Real Madrid để làm việc phá vỡ lời nguyền ấy đâu? Trong thần thoại Hy Lạp có câu chuyện về Antaeus, là con của thần biển Poseidon và đất mẹ Gaia. Mỗi khi Antaeus bị Hercules quật xuống đất, thì anh ta lại vùng lên, và càng mạnh hơn gấp bội, bởi vì có đất mẹ Gaia đã lén tiếp sức cho con. Real Madrid đến đấu trường này lại giống như Antaeus chạm đất mẹ Gaia. Cái gì người ta làm không được ở nơi chốn đó thì Real làm được. Đội bóng này sinh ra là kẻ vĩ đại nhất giải đấu này, từ cái thuở còn là hồng hoang.
Và đương nhiên như là sự se duyên trời định, người sứ giả làm nên việc này vẫn là Cristiano Ronaldo. Mùa giải 2015-16, chứng kiến hai mốc son của Ronaldo là bước ngoặt cho chức vô địch Champions League đầu tiên của Zidane. Đầu tiên là cú hattrick không tưởng vào lưới Wolfsburg giúp Real Madrid lọt vào bán kết sau khi đã để thua 0-2 ở lượt đi trước đội bóng Đức. Và thứ hai là sút thành công quả penalty cuối cùng trong loạt sút luân lưu. Không như Roberto Baggio, cá nhân Ronaldo đã được trui rèn trong lửa đỏ đủ lâu để những cú đá penalty kiểu này không khiến anh chùn bước. Người khác sợ hãi còn Ronaldo đã nghĩ đến việc ăn mừng bằng cách cởi trần khoe các múi cơ hoàn hảo. Real Madrid vô địch Champions League lần thứ 11. Nếu 2015-16 còn ít nhiều may mắn, khi Atletico Madrid đã gần như “thầu” hết các đối thủ lớn cho Real, thì mùa giải 2016-17 là một câu chuyện khác, đây là đỉnh cao của Ronaldo, từ vòng tứ kết trước Bayern Munich đến bán kết trước Atletico Madrid và cuối cùng là chung kết với Juventus, Ronaldo đều ghi bàn và chiến thắng. Ronaldo của mùa giải đó là không thể ngăn chặn, anh ghi những bàn thắng không tưởng, anh tạo nên những cột mốc thần sầu, và anh đưa đến một cảm giác đáng sợ cho đối thủ. Có một thống kê khá thú vị, đấy là Atletico Madrid chỉ bị loại bởi đội bóng nào có Ronaldo (thống kê này vừa bị phá vào mùa giải 2019-20), và Juventus (10 bàn), Ajax cùng Bayern (9 bàn) là những đội bóng xếp đầu trong danh sách bị Ronaldo phá lưới. Thật là một hung thần đúng nghĩa.
Một quãng thời gian dài, người ta không biết rằng Ronaldo đã qua tuổi 30 vào khi nào, chỉ bởi anh luôn dẻo dai như báo gấm, bắt tốc độ như những vận động viên điền kinh thứ thiệt, bật cao đánh đầu được xác lập kỷ lục với những con số phi thường lên tới 2m93, trong khi luôn sở hữu những cú sút liệng đủ quỹ đạo đầy sấm sét, và thân hình đẹp như tuổi ngoài 20. Không thể không nói đến khả năng đánh đầu phi thường của CR7. Ronaldo - Messi, ai xuất sắc hơn ai, có thể còn là tranh cãi. Ronaldo - Messi ở đâu bên cạnh những Maradona, Pele, Cruyff, Beckenbauer..., có thể còn gây tranh cãi. Nhưng sẽ không có cái gọi là tranh cãi dành cho cầu thủ đánh đầu hay nhất lịch sử bóng đá dành cho Ronaldo. Kể cả các bậc thầy đánh đầu như “quái thú” 2m02 người Cộng hòa Czech Jan Koller, Horst Hrubesch hay Oliver Bierhoff của bóng đá Đức cũng không thể so bì với anh về sự biến hóa. Với Ronaldo, thứ dành riêng cho anh chính là biệt hiệu “Michael Jordan của bóng đá”. Cựu cầu thủ Tony Cascarino đánh giá: “Khả năng đánh đầu của Ronaldo đạt ở cái tầm khác, anh thuần thục nhiều kiểu đánh đầu mà hầu hết những người khác may mắn lắm mới giỏi một hay hai kiểu.” Và ông ví những pha đánh đầu của Ronaldo cứ như một cú vụt gậy golf hoàn hảo. Ở đây phải nhấn mạnh điều này vì khi qua Juventus, quanh Ronaldo không phải là những “bậc thầy chuyền bóng” như Luka Modric hay Toni Kroos nữa, anh phải “tự làm tự ăn” khi mà hàng tiền vệ của Juve không có khả năng cung cấp các đường chuyền tuyệt diệu cho anh. Thứ duy nhất anh có thể sử dụng để cứu vớt Juve là những quả đánh đầu. 14 bàn thắng mà Ronaldo mang đến cho Juve ở mặt trận Champions League đa số là bằng đầu.
Ngày Ronaldo chia tay Real Madrid, người ta biết điều này không sớm thì muộn cũng tới vì giữa Chủ tịch Perez và anh chưa bao giờ hoàn toàn tin nhau. Nhưng nỗi nhớ mà Ronaldo để lại Real Madrid là vô cùng lớn lao. Ở khán đài C của Santiago Bernabeu, nơi những “ultra Madridistas” luôn gào thét, họ chỉ giương cao hai tấm áo lớn. Một tấm áo số 4 là của đội trưởng Sergio Ramos, người mang trọn vẹn tinh thần Madridismo huyền thoại. Và tấm áo kia, chính là tấm áo số 7 của Cristiano Ronaldo, siêu sao lớn nhất của họ, người đã cho họ 450 lần được gào thét và nhảy múa trong mỗi pha ăn mừng bàn thắng đầy khí phách. Cái ngày tấm áo số 7 rời đi vào tháng 7, hơn 700 ngày trôi đi nhưng chiếc áo số 7 ở khán đài C vẫn còn đó, không ai thay thế được. Những thất bại của Real Madrid từ ngày không còn Ronaldo càng gợi đến những điều buồn bã về một ký ức tươi đẹp đã đi qua. Ngày chia tay, Marcelo viết cho Ronaldo những dòng sau: “Chúng ta đã có gần 10 năm đồng hành cùng nhau, đó là khoảng thời gian hạnh phúc. Cùng nhau chơi bóng, những chiến thắng, những thất bại, và những khoảnh khắc tuyệt vời. Tôi học được rất nhiều từ cậu, sự cống hiến của cậu cho Real Madrid là điều kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy ở một cầu thủ. Tôi tự hào vì được chơi bóng cùng cậu. Không phải vì cậu là người giỏi nhất, mà vì cậu luôn là chính mình. Sau này khi giải nghệ, tôi sẽ đến quán bar, rồi uống một ly bia, sau đó sẽ kể cho tất cả nghe câu chuyện giữa chúng ta, những bức ảnh chúng ta chụp cùng nhau.”
Đấy cũng là ngày nhà vua băng hà.
Ronaldo là nhà vua, nhưng bóng đá là môn thể thao tập thể. Ronaldo dù có hay thế nào chăng nữa thì đội bóng vẫn 11 người và anh cũng phải nhận bóng. Anh là mũi kiếm quyết định, nhưng kiếm đâu đâm được nếu bộ giáp, nếu tấm khiên, nếu cơ thể không còn là cơ thể như ngày xưa nữa. Đấy không chỉ là điều duy nhất mà Juventus gặp phải khi mua Ronaldo về. Ngày không có Ronaldo, họ là một tập thể. Nhưng khi đứng trước Ronaldo, họ đâm đầu vào bế tắc trong một suy nghĩ duy nhất là chuyền hết bóng cho anh. Một cuộc hôn phối đặt cho nhau quá nhiều kỳ vọng và chết trên kỳ vọng. Hai mùa giải liên tục, Juventus đều bị loại sớm ở Champions League. Dẫu trong đó vẫn vang lên những khúc ca của “hoàng đế” Ronaldo ở đấu trường Champions League như cách anh lập hattrick loại Atletico Madrid, và trên khán đài có giọt nước mắt hạnh phúc của người bạn gái. Ronaldo vẫn là Ronaldo, vẫn ra sân mỗi cuối tuần và chinh phạt các kỷ lục ghi bàn từ cổ chí kim. Ngày chúng ta biết về bóng đá, chúng ta đều nói “Vua bóng đá” Pele là người ghi nhiều bàn thắng nhất. Nhưng đêm mai khi bạn tỉnh giấc, bạn hãy nói lại với con trai rằng: “Không con ạ, Cristiano Ronaldo đã phá vỡ kỷ lục 767 bàn của Pele rồi, và Ronaldo vẫn chưa dừng lại.” Rồi cũng có thể khi cuốn sách này vừa ráo màu mực, thì bạn lại nghe thêm thông tin rằng Cristiano Ronaldo đã vượt qua kỷ lục ghi bàn mọi thời đại của cựu danh thủ Ali Daei trong màu áo đội tuyển quốc gia. Vết dằm trong tim anh, vẫn là Quả Bóng Vàng, là Champions League với Juventus, dù cho hôm nay anh đã 36 tuổi.
9 năm trước, ngày anh thất bại lần thứ 3 liên tục trước Messi, khi Real chiến đấu trong điên cuồng và trước mắt vẫn là màn đêm, khi anh gánh chịu những lời nặng nhẹ, có ai nghĩ rằng sẽ có ngày hôm nay? Vì vậy, xin hãy để đoạn cuối của chương sách này là một chương mở. Ở nơi đó có ý chí lớn, và chúng ta hãy chờ những điều “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” của Cristiano Ronaldo ở tương lai.
* *
*
LIONEL MESSI
Thuận Nguyễn (FCB | Eric)
“Here is Messi away from two, three, four,... Wonderful! Wonderful! Wonderful! How good he is!!!”
Dù bạn có biết tiếng Anh hay không, có hiểu nghĩa của câu nói trên hay không, tôi tin rằng rất nhiều culers sẽ không bao giờ quên được tiếng gào ấy. Đó là tiếng gào của bình luận viên bóng đá Peter Drury trong bàn thắng kinh điển của Lionel Messi vào lưới Real Madrid tại trận bán kết UEFA Champions League mùa giải 2010-11. Messi nhận bóng từ pha che người thả bóng của Sergio Busquets rồi một mình anh đi xuyên qua hàng thủ của đội bóng Hoàng gia như chỗ không người, trước khi kết thúc bằng một pha chạm bóng đủ tinh tế để đánh bại cả nỗ lực cản phá của Sergio Ramos lẫn Iker Casillas.
Khi bạn đọc được những dòng này, 10 năm lẻ đã trôi qua.
Tôi từng xem một chương trình phỏng vấn giữa một MC nổi tiếng và một nghệ sĩ tên tuổi, trong buổi phỏng vấn ấy có một câu mà cá nhân tôi thấy rất hợp với nhiều cầu thủ lớn của bóng đá thế giới khi họ chơi ở UEFA Champions League, đại loại thế này: “Người nghệ sĩ, người ta thích khán giả gọi mình bằng cái tên nhân vật gắn liền với họ. Trong sự nghiệp của anh có rất nhiều vai diễn, thành công có, lớn có, nhỏ có, nhưng có bao giờ anh thấy chạnh lòng khi mà bản thân mình chưa có một vai diễn thực sự để đời để khán giả nhớ mặt, đặt tên?”
Có những cầu thủ mà cả sự nghiệp của họ ghi rất nhiều bàn thắng đẹp, tỏa sáng rất nhiều lần, nhưng để tỏa sáng rực rỡ nhất, được người ta nhớ đến thật lâu, thật nhiều, thì một khoảnh khắc kinh điển ở UEFA Champions League lại không mấy ai làm được. Lionel Messi vì thế rất vĩ đại, vì khi nhắc đến anh, người ta có thể nhớ nhiều hơn một khoảnh khắc như thế. Đó là cú đánh đầu tung lưới Manchester United ngay trước mặt bộ đôi trung vệ Rio Ferdinand - Nemanja Vidic; đó là 5 bàn thắng vào lưới Bayer Leverkusen; đó là khoảnh khắc anh vặn gãy trụ Jerome Boateng rồi lốp bóng qua đầu Manuel Neuer; hay khoảnh khắc anh sút phạt tung lưới Liverpool từ cự ly mà những cầu thủ bình thường sẽ chọn phương án treo bóng. Người hâm mộ Barcelona định danh một tình yêu dành cho Lionel Messi nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào trong gần 20 năm qua. Messi mang lại cho Barcelona những khoảnh khắc hạnh phúc. Bóng đá là trò chơi của cảm xúc và những cầu thủ như Messi xứng đáng được yêu quý bởi cổ động viên của đội bóng mà anh cống hiến.
Trước Leo, không phải Barcelona chưa từng giành Champions League, cũng chưa hẳn đội bóng là một cái tên xoàng xĩnh ở châu Âu. Nhưng vẫn luôn có một cảm giác thực sự khó khăn đến với người hâm mộ Barcelona khi câu lạc bộ bước ra đấu trường danh giá này. Cho đến khi Messi xuất hiện, người ta bắt đầu cảm thấy việc Barcelona tiến đến trận bán kết, hay thậm chí góp mặt trong trận chung kết là một điều hết sức bình thường, và cũng từ khi có anh, những người hâm mộ Barca trở thành những người hạnh phúc hiếm hoi trong thế giới bóng đá bởi họ không bao giờ phải trải qua nỗi đau thua một trận chung kết Champions League. “Thất bại trong trận chung kết Champions League”, mệnh đề khô khốc đó còn hơn cả một nỗi đau.
Messi thời còn trẻ
Ngược dòng thời gian về đêm ngày 07-12-2004, một đêm đã thay đổi lịch sử Champions League mãi mãi: Barcelona khi ấy đã giành quyền lọt vào vòng đấu loại trực tiếp và huấn luyện viên Frank Rijkaard quyết định tung ra một đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ để thử nghiệm trước Shakhtar Donetsk. Trong đó có cầu thủ nhỏ con, áo số 30, mái tóc dài. Anh được xếp đá ở vị trí cánh phải trên hàng công 3 người của đội bóng xứ Catalunya, bên cạnh Giovanni van Bronckhorst và Verdu. Cầu thủ trẻ người Argentina trước đó đã có màn ra mắt đội một tại đấu trường La Liga vào tháng 10 trước Espanyol trong trận derby Barcelona. Cầu thủ ấy chính là Messi, người về sau sẽ trở thành một huyền thoại của giải đấu này.
Ngay mùa giải tiếp theo, Messi có bàn thắng đầu tiên cho Barcelona tại đấu trường này, trong chiến thắng 5-0 trước Panathinaikos tại Camp Nou. Đấy là một pha solo từ cánh phải ở khu vực giữa sân, vượt qua sự truy cản của 3-4 cầu thủ Panathinaikos rồi bật tường với Eto’o. Tiền đạo người Cameroon ban đầu có pha xử lý thiếu cảm giác, nhưng sự lập bập của quả bóng sau đó khiến các hậu vệ của đội khách lúng túng, và Messi nhanh chân cướp lại bóng, tâng bóng một nhịp qua đầu thủ thành đối phương rồi đưa bóng vào lưới trống. Nói một cách tóm gọn, một mình anh đã làm hết trong pha bóng này, từ đi bóng, cướp bóng rồi ghi bàn. Barcelona mùa giải ấy vô địch, chức vô địch in đậm dấu giày của những Ronaldinho, Eto’o, Deco, nhưng cũng là khởi đầu cho một huyền thoại mang tên Lionel Messi.
Kỷ lục gia của Quả Bóng Vàng
17 năm trôi qua, 17 năm Lionel Messi đi từ một cầu thủ trẻ chỉ được ra sân trong một trận cầu mang tính chất thủ tục đến một người đã giành 4 Champions League cùng Barcelona, 3 trong số 6 Quả Bóng Vàng mà anh đang sở hữu chính là có được nhờ hào quang tỏa ra từ chiếc Cup tai voi. Đến thời điểm bài viết này hoàn tất, Lionel Messi đã có cho mình 92 lần ra sân ở Champions League, ghi 83 bàn và kiến tạo 20 bàn thắng khác. Một số cầu thủ mang đến những con số thống kê, một số khác mang lại những cảm xúc bất tận, Leo Messi mang lại cả hai.
Năm 2020, trong một cuộc phỏng vấn với Copa 90’, trung vệ lừng danh một thời của Manchester United - Rio Ferdinand tâm sự: “Tôi thừa nhận rằng cá nhân mình đã bị Messi ‘làm nhục’ ở Wembley. Cậu ấy thực sự là một sát thủ. Nếu Ronaldinho là một ảo thuật gia, thì Messi làm hết mọi thứ như vậy - không chỉ ghi bàn mà còn kiến tạo nữa.” Wembley mà Rio Ferdinand nhắc đến trên kia là một ký ức đẹp tuyệt vời đối với culers. Đó là chức vô địch Champions League hủy diệt nhất, xứng đáng nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây. Không phải Manchester United không hay, họ năm ấy vẫn là một đội bóng rất mạnh, nhưng Barcelona dưới thời Pep Guardiola dường như đã đạt đến đỉnh cao của mình vào đúng thời điểm đó, một đội bóng đến từ hành tinh khác, và sở hữu một cầu thủ thiên tài: Lionel Messi. Chúng ta thậm chí có thể đặt ra một giả thuyết rằng nếu không phải là Manchester United mà là một đội bóng khác, kết quả của trận đấu có khi sẽ còn cách biệt hơn.
Barcelona ghi ba bàn thắng, hai trong số đó có dấu giày của Messi và đều đến ở những thời điểm đủ nhạy cảm để sự vùng lên của đội bóng nước Anh trở nên vô vọng: cú ra chân trước vòng 16m50 đánh bại Edwin van Der Sar - người có không ít pha cứu thua xuất sắc trước đó. Bàn thắng thứ hai tiếp tục là một pha bóng nổi tiếng khác: động tác giả biến Luis Nani thành một khán giả bất đắc dĩ trước khi anh đưa quả bóng đến chân David Villa - một sát thủ khác mà Barcelona sở hữu khi ấy. Trận đấu được định đoạt. Bàn tay run run của Sir Alex Ferguson đã nói lên rất nhiều điều ở trong từng pha bóng của trận đấu ấy. Rio Ferdinand sau đó kết luận rằng: “Tôi và nhiều cầu thủ khác trong đội đều đồng ý rằng, nếu họ (Barca) không có Messi, chúng tôi đã giành chiến thắng.” Phải, cầu thủ người Argentina là cả một sự khác biệt. Pep là một bậc thầy chiến thuật, nhưng ông chỉ có thể tạo ra những điều tuyệt vời trên sa bàn, điều duy nhất ông còn thiếu cho một cuộc chinh phục đỉnh cao châu Âu thêm một lần nữa chính là Messi, Messi là cái thiếu của ông khi cầm quân Bayern Munich trước đó và Manchester City hôm nay.
Pep Guardiola ra đi và số danh hiệu Champions League ông giành được cùng Barcelona với những khoảnh khắc thiên tài của Messi dừng lại ở con số 2. Barca trải qua một quãng thời gian thực sự chật vật với giải đấu này trước khi Luis Enrique đến. Một lần nữa, Barcelona mới lại có thể đặt chân tiến vào đến trận chung kết. Ở Berlin, Messi không ghi bàn, nhưng chức vô địch năm ấy vẫn in đậm dấu ấn thiên tài của anh. 10 bàn thắng, 5 kiến tạo sau 13 lần ra sân. Đấy là một chức vô địch Champions League phi chiến thuật, nơi mọi toan tính trong thế giới bóng đá hiện đại đã phải chào thua cây đinh ba mang tên M-S-N. Kể cả đó có là Juventus của bậc thầy chiến thuật Allegri và bộ não Andrea Pirlo ở trên sân.
Nhưng đó chỉ là những điều đẹp đẽ cuối cùng mà Lionel Messi và Barcelona làm được ở Champions League cho đến ngày hôm nay. Những mùa giải UEFA Champions League từ 2016 đến nay của Barca - Messi là một hình ảnh đượm buồn, tuy đẹp nhưng nhiều sầu bi. Một cầu thủ thiên tài, trở thành nạn nhân của một CLB bị thôn tính bởi chính thế lực đen bên trong nó, gồng gánh đội bóng mà mình yêu quý đi qua những trận đấu khó khăn nhất, có những trận đấu để đời, nhưng cũng có những khoảnh khắc cô đơn và đáng thương đến tận cùng. Đó là Lionel Messi mà người ta bảo nhau rằng: đã hết thời. Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn ấy, Lionel Messi vẫn để lại những khoảnh khắc tại UEFA Champions League mà đôi lúc chính những người không thích anh cũng phải tự hỏi: Liệu anh có hết thời thật không? Câu trả lời, rất tiếc với họ, là “KHÔNG!”
Khi Messi đưa bóng vào vị trí gần như là duy nhất mà thủ thành Alisson không thể chạm tới trong khung gỗ Liverpool ở vị trí sút phạt mà không nhiều cầu thủ sẽ chọn phương án sút thẳng, một cây viết mà tôi rất thích về Barcelona, Kevin Williams, đã gọi đó là “quyền năng hắc ám”. Barcelona thắng 3-0, nhưng Liverpool mới là đội bóng đã chơi hay hơn. Họ cầm bóng tốt hơn, triển khai tấn công nhịp nhàng hơn và tạo ra những cơ hội nguy hiểm rõ ràng hơn, điều duy nhất mà Liverpool thiếu chính là nhân tố con người, à không, là nhân tố ngoài hành tinh mang tên: Lionel Messi.
Cuối thời Josep Maria Bartomeu và tiền bầu cử chủ tịch mới, Barcelona thường xuyên rơi vào những bảng đấu được xem là tử thần ở Champions League, bị đánh giá là có khả năng bị loại ngay từ vòng bảng nhưng lại vượt qua một cách rất dễ dàng để rồi thất bại một cách đau đớn ở những vòng sau. Lý giải cho điều này chỉ có thể dùng đến cụm từ “quyền năng hắc ám” mà Lionel Messi mang lại, nó đủ lớn để cứu vớt Barcelona ở những vòng đấu đầu tiên, nhưng trước những đối thủ cần nhiều hơn yếu tố tinh thần để chiến thắng, 10 người còn lại của Barca đã không đủ tốt để giúp đỡ Messi đưa đội bóng vượt qua. Bóng đá, suy cho cùng vẫn là một môn thể thao tập thể. Cụ thể nhất cho nhận định này, hãy xem Mauricio Pochettino, người đã dẫn dắt Tottenham Hotspurs đối đầu với Barcelona của Messi ở vòng bảng Champions League 2018: “Chúng tôi không thua một đội bóng mang tên Barcelona, chúng tôi thua một cầu thủ có tên là Lionel Messi. Chẳng có gì xấu hổ khi để thua một cầu thủ tuyệt vời như vậy.”
Mọi cầu thủ lớn đều khát khao chạm tay vào chiếc Cup bạc danh giá UEFA Champions League, Lionel Messi cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí, dù đã 4 lần có được vinh dự đó, tiền đạo người Argentina vẫn luôn khát khao. Một trong những minh chứng điển hình nhất cho khát khao ấy chính là việc anh tuyên bố sẵn sàng đánh đổi một vài Quả Bóng Vàng mà mình đang sở hữu để được một lần nữa vô địch giải đấu danh giá nhất hành tinh này. Tiền mùa giải 2018-19, trong buổi lễ ra mắt đội bóng, Messi từng có một phát biểu mà sau này, nó trở thành công cụ để nhiều người công kích anh một cách vô lý: “Tôi sẽ làm tất cả để mang chiếc Cup Champions League trở về với Camp Nou.”
Vào thời điểm đó, không ít culers đều cảm thấy đó là một sự mong muốn viển vông hơn là một quyết tâm thực tế. Barcelona vừa trải qua cú sốc ở Olimpico trước AS Roma vẫn chưa kịp tỉnh giấc hay có một sự thay đổi to lớn nào vào mùa hè, làm sao có cơ sở để cạnh tranh Champions League? Cho đến khi, Barcelona đánh bại Liverpool 3-0 trong trận lượt đi bằng thứ được gọi là - một lần nữa - “quyền năng hắc ám” của Messi, người ta mới giật mình nhìn lại cả một chặng đường Champions League năm đó của Barca: 10 lần ra sân, ghi 12 bàn thắng, kiến tạo 3 bàn. Những con số đó tương ứng với 50% những gì mà cả đội Barca làm được để tiến đến trận bán kết gặp Liverpool. Nhưng rồi nghiệt ngã thay, Barca tưởng chừng như đã đặt một chân vào trận chung kết, lại phải cúi đầu rời khỏi giải đấu đầy tủi nhục. Họ bị hóa đá ở Anfield, bị lội ngược dòng 4-0 tại Anfield. Lời hứa của Messi không thành hiện thực, nhiều người còn lấy đó ra làm trò đùa. Nhưng với culers mà nói, Messi đã là một người đội trưởng, một người đội trưởng có thể không nói quá nhiều - nhưng đã làm tất cả bằng hành động.
Có một câu chuyện nổi tiếng về huyền thoại bóng rổ Michael Jordan như thế này: Ngày 11-06-1997, Chicago Bulls đụng độ Utah Jazz trong trận chung kết giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ NBA, Jordan không thể góp mặt vì anh bị ốm, dù vẫn có tên trong danh sách đăng ký. Thiếu vắng cầu thủ quan trọng nhất của mình, Chicago Bulls dễ dàng bị dẫn với 16 điểm cách biệt. Jordan đứng dậy và cố hết sức để có thể vào sân. Chicago Bulls liên tiếp gỡ hòa và khi trận đấu còn lại khoảng 1 phút, anh thực hiện một cú ném 3 điểm thành công để đưa đội bóng của mình lần đầu tiên vượt lên dẫn trước trong trận đấu. Jordan gục ngã sau cú ném ấy.
Đó là một ví dụ trong rất nhiều trường hợp của thế giới thể thao mà tài năng cộng với ý chí và nỗ lực có thể đưa người ta vượt qua những giới hạn của bản thân, để tỏa sáng trong một khoảng thời gian nhất định nào đó và tạo ra những điều phi thường. Lionel Messi trong những năm tháng này cũng thế, chỉ khác là, anh không phải chỉ gồng gánh một trận đấu cụ thể như Michael Jordan, mà là nhiều trong số những trận đấu Barcelona ra sân vô hồn, hoặc đơn giản là họ không có một ý tưởng cụ thể cho trận đấu của mình. Những thất bại trong nhiều năm qua của Barcelona ở Champions League theo cùng một kịch bản đầy bế tắc và bất lực.
Nhưng rồi, sự vượt giới hạn đó của Messi cũng chỉ có thể xảy ra và kéo dài trong “một khoảng thời gian nhất định”. Messi tuyên bố anh muốn ra đi vào mùa hè năm ngoái. Bất ngờ, nhưng không bất ngờ. Dù năm nay đã bước sang tuổi 33, nhưng tài năng của Leo vẫn chưa có nhiều dấu hiệu của sự dừng lại (dù có đôi lúc, trong nhiều tình huống bóng, thật khó có thể phủ nhận là anh đã già). Messi vẫn có thể đến một câu lạc bộ khác đủ đáp ứng tham vọng UEFA Champions League của mình, một giải đấu mà Messi đã là huyền thoại, thì thật khó chấp nhận nếu anh không thể chạm tay vào nó lần nào nữa trong đời. Thật may, Barcelona mùa này đã có những dấu hiệu của sự hồi sinh, dù muộn màng. Chủ tịch Joan Laporta - người mà chắc chắn Messi sẽ luôn cảm thấy yêu quý, trở lại sau cuộc bầu cử tương đối dễ dàng. Những người trẻ đã đến như Pedri, Ilaix Moriba, Ronald Araujo... và mang lại một luồng sinh khí mới cho đội bóng này. Messi đã vui trở lại, đã cười nhiều hơn, hạnh phúc hơn nhưng anh cũng chưa từng quên rằng UEFA Champions League vẫn là thứ anh khát khao thêm một lần chạm tới, mà bàn thắng Messi ghi được trong trận lượt về trước Paris Saint Germain là ví dụ rõ ràng nhất cho quyết tâm ấy, dù chưa thành công.
Khi chúng ta nói đến Barcelona, chúng ta nói về đội bóng đã 5 lần vô địch giải đấu này. Có thể, chưa là gì so với Real Madrid, cũng chỉ tầm tầm những đội bóng khác như AC Milan, Bayern Munich hay Liverpool... nhưng trong giai đoạn 2008-2017, đó thực sự là một đội bóng tạo ra cho thế giới cảm giác rằng họ có thể chiến thắng và giành được danh hiệu này qua từng năm. Khi Real Madrid chưa lập cú hattrick vô địch giải đấu này dưới thời Zinedine Zidane, nhiều người sẽ đồng ý với quan điểm là Barcelona của giai đoạn đó là đội bóng duy nhất tạo ra niềm tin họ sẽ trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ được chức vô địch ở năm tiếp theo. Barca đó - không chỉ là Barca của riêng Pep Guardiola hay Tito Vilanova, Luis Enrique, Ernesto Valverde... Barca đó khác đi qua từng thời kỳ, thăng trầm có đủ, nhưng điều duy nhất tạo ra thứ niềm tin mơ hồ ấy cho những người yêu Barca nói riêng và rất nhiều fan trung lập nói chung là: Lionel Messi.
Những cầu thủ vĩ đại tạo ra những khoảnh khắc vĩ đại. Ngoài những bàn thắng mà sự vĩ đại của nó được ấn định bằng độ quan trọng, kỹ năng và một chút thiên tài, những cầu thủ giỏi nhất vô tình tạo ra những khoảnh khắc vĩ đại mang tính tức thời. Sự tô vẽ của truyền thông cùng sự bùng nổ của thời đại thông tin đưa những khoảnh khắc vô tình trở thành vĩ đại. Messi có một khoảnh khắc như thế: Khi Sergi Roberto đưa quả bóng vào lưới PSG trong cuộc lội ngược dòng kinh điển mà Barcelona tạo ra tại Camp Nou ở vòng tứ kết năm 2017, các cầu thủ Barcelona chạy ùa về một góc sân, nơi Sergi Roberto và Neymar - những người đã cùng tạo ra bàn thắng đó đang ăn mừng. Messi không làm thế, trong một khoảnh khắc bùng nổ của sự vui sướng, anh chạy đến đứng lên bảng quảng cáo khu khán đài phía nam nơi những cổ động viên cuồng nhiệt nhất của Barcelona đang phát điên vì sung sướng. Một nhiếp ảnh gia vô tình chụp lại được khoảnh khắc Messi giơ nắm đấm lên cao ăn mừng, giống như một vị vua đang được thần dân reo hò tán thưởng.
Khoảnh khắc đó, sau này trở thành một tranh cãi lớn. Rằng Messi thực sự không đóng góp quá nhiều vào cuộc lội ngược dòng đó mà Neymar Jr. mới là nhân vật chính, và màn chiếm “spotlight” của Messi vô tình trở thành thứ mà những người không thích anh đem ra dè bỉu. Thực tế thì sau đó, Messi đã chạy đến và ôm chầm lấy Neymar ăn mừng, cả hai khoác vai nhau xuất hiện trong một bức ảnh kém nổi tiếng hơn trong chiến thắng ấy. Nhưng điều đó không quan trọng, người ta vẫn tranh cãi rằng liệu việc Messi xuất hiện trong một bức ảnh mang tính biểu tượng như thế có công bằng với Neymar?
Thật ra thì, đó vẫn là một khoảnh khắc tức thời. Lionel Messi không hề quan tâm đến việc bức ảnh đó sẽ trở thành một bức ảnh lịch sử. Trong khoảnh khắc ấy, đơn giản là anh quá hạnh phúc khi đội bóng của cuộc đời mình hoàn tất cuộc lội ngược dòng. Messi đứng lên đầy kiêu hãnh trước những cổ động viên nhà như một lời khẳng định dõng dạc với cả thế giới về sức mạnh và ý chí của Barcelona. Truyền thông và mạng xã hội tạo ra những tranh cãi không đáng có, nhưng quanh đi quẩn lại, nó vẫn xoay quanh bản chất quan trọng nhất của tình yêu bóng đá và mọi thứ tình yêu trên đời: những người đã mang lại thứ cảm xúc hạnh phúc trong suốt một quãng thời gian dài xứng đáng được tôn vinh. Hãy đơn giản xem bức ảnh lịch sử ấy, khoảnh khắc lịch sử ấy là một sự tôn vinh xứng đáng dành cho Lionel Messi - một trong những vị vua của UEFA Champions League.
UEFA Champions League không chỉ là một giải đấu danh giá nhất của thế giới bóng đá, mà có thể là của tất cả các môn thể thao. Không có một giải đấu nào giống như thế mà tôi từng biết đến trong đời: những câu lạc bộ mạnh nhất đối đầu với nhau, những cầu thủ lớn nhất so tài cùng nhau để tìm ra những người giỏi nhất. Mỗi một cái tên được khắc lên chiếc Cup tai voi là một vì tinh tú. Giải đấu này chứng kiến những cầu thủ như Messi, đánh bại tất cả và giành lấy vinh quang, rồi lại bắt đầu một hành trình chinh phục mới vì sức hấp dẫn của nó chưa bao giờ dừng lại. Messi đã chơi ở Champions League 17 năm, tạo ra vô số khoảnh khắc mà như mình đã nói: kể hết thì khó, còn kể mà sót dễ khiến người khác phiền lòng. Đôi khi, chính những culers dù đã chứng kiến phần lớn hoặc toàn bộ chặng đường ấy của Messi cũng phải choáng ngợp khi dường như mỗi ngày, những gánh nặng về tuổi tác càng xuất hiện nhiều, và Messi lại càng có xu hướng tạo ra những điều kinh điển hơn theo một cách nhàn nhã hơn. Nếu xem UEFA Champions League là một tiêu chuẩn cho Lionel Messi, thì anh xứng đáng là một trong những người vĩ đại nhất của giải đấu này. Những cầu thủ khác xuất hiện tại Champions League như một sự bảo chứng cho tên tuổi của mình, nhưng ở một khía cạnh nào đó, có khi chính cái tên Messi đã là một bảo chứng cho sự danh giá của Champions League. Đấy là tầm vóc của cá nhân khổng lồ tại đấu trường này.