Dương Đỗ Hoàng
Trong lịch sử 66 năm hình thành và phát triển của Cup C1 châu Âu - UEFA Champions League, chỉ có vỏn vẹn 2 CLB đến từ Đông Âu chạm tay được vào chiếc Cup bạc tai voi danh giá, đó là Steaua Bucuresti (Steaua Bucharest, Rumani) - vô địch năm 1986, và Crvena Zvezda (Red Star Belgrade, Nam Tư) - vô địch năm 1991. Tuy vậy, ít ai biết rằng, cả 2 đội bóng này lại có mối liên hệ quấn quýt lạ kỳ, từ biểu tượng ngôi sao, từng bị đội bóng kình địch ở cùng quốc gia qua mặt ngay tại đấu trường C1 châu Âu và cả 2 đội “đều xài”… trung vệ thòng cực kỳ tài năng - Miodrag Belodedici.
KHÔNG PHẢI KIEV, STEAUA MỚI CHÍNH LÀ “BIỂU TƯỢNG MỚI CỦA ĐÔNG ÂU”
Steaua - nhà vô địch châu Âu 1986
Steaua, trong tiếng Rumani nghĩa là: “Ngôi sao” (logo của Steaua nổi bật với một ngôi sao màu vàng). Và quả thật, Steaua Bucharest chính là “ngôi sao sáng nhất” trong làng bóng đá Rumani suốt từ năm 1947 cho đến tận hôm nay, kể từ khi đội bóng được thành lập bởi Bộ Quốc phòng Rumani, trở thành biểu tượng của quân đội và bóng đá của đất nước Đông Âu này.
Với 26 ngôi vô địch quốc gia, 24 Cup Quốc gia - những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”, Steaua là đội bóng thành công nhất trong lịch sử phát triển của bóng đá Rumani. Tuy vậy, việc họ giành ngôi vô địch Cup C1 năm 1986, Siêu Cup châu Âu cũng trong năm 1986, rồi xếp ở vị trí Á quân Cup C1 năm 1989, mới khiến Steaua trở thành biểu tượng chung của cả bóng đá Đông Âu, thậm chí còn qua mặt cả “Lão đại” Dynamo Kiev…
Dynamo Kiev từng được xem là “Lão đại của bóng đá Đông Âu”. Đơn giản, vì đây là đội bóng tiêu biểu của Liên Xô - “Anh cả” của hệ thống các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Nhưng không chỉ có vậy, những hy sinh - mất mát trong quá trình thi đấu, quyết không đầu hàng Đức phát xít trong Thế chiến thứ Hai cũng khiến cho Dynamo Kiev trở thành một biểu tượng lớn lao của làng bóng đá khối xã hội chủ nghĩa. Đến năm 1975, Dynamo Kiev cùng huyền thoại Oleg Blokhin, dưới sự “lược trận” của một huyền thoại khác là Valeriy Lobanovskyi, đã giành Cup C2 (Cup các đội đoạt Cup Quốc gia, so sánh với Cup C1 - Cup các đội Vô địch quốc gia) và trở thành đội bóng Đông Âu đầu tiên đoạt một Cup châu Âu dành cho các CLB. Kiev đã luôn là lá cờ đầu, cho đến khi Steaua vươn lên thay thế!
Áp lực từ Dynamo Bucharest - Mệnh lệnh của Valentin Ceausescu
Thời điểm thập niên 1970-1980, Steaua cùng với Dynamo Bucharest là “Đại ca” và “Nhị ca” của làng bóng đá Rumani. Dù vậy, cả 2 đội bóng thuộc Quân đội và Công an Rumani cũng vẫn liên tục “minh tranh ám đấu” để tranh giành ảnh hưởng, tạo ra một cục diện cân bằng căng thẳng, rất khó có thể nói là đội nào vượt trội được đội nào.
Tuy vậy, khi Valentin Ceausescu, con trai của Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Rumani - Cố Chủ tịch Nicolae Ceausescu, được bổ nhiệm làm Chủ tịch đội bóng, ông này quyết tâm tạo ra cuộc cách mạng để cho Steaua đột phá và vượt qua Dynamo, trở thành đội bóng số 1 của đất nước Rumani. Quyết tâm của Valentin càng thêm nung nấu khi ông chứng kiến Dynamo làm nên “lịch sử” ở Cup C1 mùa giải 1983-84.
Ở mùa giải năm đó, đại biểu duy nhất của bóng đá Rumani tham dự Cup C1, với đội hình đồng đều, đã loại đương kim vô địch giải - Hamburg, ngay ở vòng 2, với chiến thắng 3-0 ở lượt đi và kết quả thua đầy hợp lý 2-3 ở lượt về. Ở tứ kết, Dynamo loại Dynamo Minsk (Liên Xô) sau 2 lượt trận với tổng tỷ số 2-1. Và ở bán kết, họ chỉ bị một Liverpool cực mạnh với những thiên tài như Ian Rush, Kenny Dalglish chặn đứng với tổng tỷ số 2-1. Liverpool sau đó đánh bại AS Roma trên loạt sút luân lưu 11 mét và đăng quang ngôi vô địch châu Âu, còn Dynamo đương nhiên đã trở thành niềm tự hào của người dân Rumani.
Áp lực từ Dynamo đã khiến cho Valentin sốt ruột. Trước mùa giải 1985-86, vị kỹ sư vật lý hạt nhân từng theo học tại Đại học Hoàng gia London đã đặt mục tiêu cho các cầu thủ Steaua: “Ít nhất các anh phải lọt đến bán kết Cup C1”. Mệnh lệnh của Valentin, ở thời điểm đó, giống như quân lệnh từ Chủ tịch nước, vì cho dù Steaua có một vị tướng quân đội “trấn sơn” để làm kiểng, ai ai cũng biết vị thế thật sự của Valentin là gì và quyết định cuối cùng của ông mang tính tối thượng đến mức nào.
“Quân đoàn lê dương” của Rumani
Khi Valentin âm thầm đặt mục tiêu cho Steaua, đội bóng cũng sở hữu quá nhiều tài năng của đất nước Rumani, đủ làm nên chuyện bất ngờ. Những tài năng đó, không chỉ giúp Steaua thăng hoa ở Cup C1 châu Âu, mà sau này còn giúp đội bóng tạo ra một kỷ nguyên vàng, kéo dài suốt từ năm 1986 cho đến tận trận chung kết Cup C1 năm 1989 (khi Steaua để thua AC Milan của “Bộ ba Hà Lan bay” với tỷ số 0-4 thảm liệt). Nếu chỉ tính riêng ở đấu trường quốc nội, Steaua có chuỗi thành tích 104 trận “bất khả chiến bại” trong suốt 4 năm trời.
Những ngôi sao như Miodrag Belodedic, Marius Lacatus (hay mặc áo số 7, sau này trở thành “kẻ đùa cợt” tuyển Liên Xô tại kỳ World Cup 1990 với cú tâng bóng như giỡn chơi ở cột cờ phạt góc, trận Rumani thắng 2-0), Lucian Balan, Gabi Balint, sát thủ săn bàn “Quỷ Satan” Victor Piturca, và thủ môn cao 1m93 Helmuth Duckadam, đủ sức đối đầu với bất kỳ CLB Tây Âu danh tiếng nào, bất kỳ hảo thủ nào ở các đội bóng thuộc khối tư bản chủ nghĩa.
Nên nhớ, ở thời điểm đó, Steaua thậm chí vẫn chưa có được sự phục vụ của “Maradona vùng Carpathians” - Gheorghe Hagi, người sau này tạo ra ảnh hưởng lớn lao lên Steaua nói riêng và cả đội tuyển - làng bóng Rumani nói chung, nhưng với thực lực hiện tại, họ vẫn đủ sức giành được Cup C1. Nguồn cơn sức mạnh của Steaua sẽ được giải thích cụ thể ở phần sau.
Họ còn có vị huấn luyện viên lỗi lạc Emerich Jenei, người vừa quay trở lại “nắm” Steaua lần thứ 3, dù trên danh nghĩa là “cố vấn”. Jenei từng cầm Steaua trong các giai đoạn 1975-1978, rồi 1983-1984. Sau đó, ông bị sa thải vì Steaua không thể vô địch quốc gia. Valentin đã ra lệnh cho trung phong kỳ cựu Aghel Iordanescu (từng chơi 317 trận cho Steaua từ năm 1968-1984), khi đó 34 tuổi và vẫn chưa giải nghệ, quay về kiêm nhiệm chức huấn luyện viên trưởng và cầu thủ.
Dù từng ghi 155 bàn cho Steaua, nhưng trên cương vị huấn luyện viên, Iordanescu chỉ là “tay mơ”. Để thua vài trận giao hữu đầu mùa, Iordanescu vội vã tìm kiếm một trợ lý giàu kinh nghiệm. Đầu tiên, Iordanescu tìm đến Florin Halagian (gốc Albania, từng làm huấn luyện viên tạm quyền cho tuyển Rumani hồi năm 1979). Thế nhưng, vị huấn luyện viên này, thậm chí không thể trụ lại quá 6 tuần. Cực chẳng đã, Iordanescu và Steaua phải mời lại Jenei. Jenei giữ vai trò “cố vấn”, nhưng ai cũng biết, ông chính là vị “tướng” định đoạt chiến thuật và nhân lực của Steaua ở mùa giải đó.
Jenei, tự bản thân là người Rumani gốc Hungary, đã tập trung quanh mình “một quân đoàn lê dương nho nhỏ”. Dù là Steaua ở thời điểm đó chưa được phép chuyển nhượng cầu thủ nước ngoài, nhưng những Belodecic (gốc Serbia), Belan (cũng gốc Hungary như Jenei) hay Duckadam (gốc Đức)… có ai không phải là “chiến binh ngoại quốc” dù mang trên mình quốc tịch Rumani? Và đó là “quân đoàn lê dương” vô địch châu Âu mùa giải 1985-1986…
Emerich Jenei là một huấn luyện viên khá thú vị. Ông không chỉ giỏi tiến hành huấn luyện cầu thủ, vẽ ra các sơ đồ chiến thuật trên bảng đen, mà còn yêu thích… sân khấu và hội họa. Số lần ông ghé thăm các Viện bảo tàng tính ra cũng không ít hơn những lần ông làm nhiệm vụ trong các sân vận động. Trước trận đấu bán kết Cup C1 khi Steaua đến làm khách tại Anderlecht, Jenei đã ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Brussels và chăm chú nghiên cứu các tác phẩm của Rubens cùng Anthony van Dyck. Ông nghiên cứu say mê đến nỗi, sau đó đã đến muộn buổi tập của Steaua những nửa tiếng đồng hồ…
Đường đến ngôi vô địch - may mắn và thực lực
Công bằng mà nói thì Steaua cũng khá may mắn ở Cup châu Âu mùa giải 1985-86, họ không phải đối mặt với những “rồng cọp” ở châu Âu thời bấy giờ như là Juventus (của Michel Platini, đương kim vô địch giải), Bayern Munich (mạnh truyền thống từ xưa đến tận ngày hôm nay), Bordauex, Ajax Amsterdam hay cả FC Porto. Họ cũng không phải đối đầu với mối hiểm nguy từ Anh, khi các đội bóng đảo quốc sương mù bị cấm cửa tham dự các Cup châu Âu vì sự cố kinh hoàng ở sân vận động Heysel (Everton là vô địch Anh ở mùa đó).
Tuy vậy, cũng không thể đánh giá quá thấp thành quả của Steaua, nhất là khi nhìn vào thực lực “quân đoàn lê dương” của họ. Nhưng, không có chiến thắng nào thật sự dễ dàng. Ngay trong trận lượt đi của vòng đấu đầu tiên, Steaua đã bị Vejle của Đan Mạch cầm chân 1-1. Họ thậm chí còn bị dẫn trước 1-0 ngay từ phút 61 và khung thành của thủ môn Duckadam liên tục bị tấn công chao đảo, Belodecic đã phải chật vật chống trả. Đến tận phút 89, Marin Radu mới ghi bàn gỡ hòa, cứu Steaua thoát khỏi một trận thua nhục nhã.
Lacatus sau này tiết lộ, Valentin đã làm ầm ĩ trong phòng thay đồ ngay sau trận đấu. Con trai của Chủ tịch Ceausescu đã bước vào phòng thay quần áo của đội nhà trong trạng thái say xỉn, ông này đe dọa giải tán đội bóng nếu các cầu thủ Steaua không vượt qua được đại diện Đan Mạch. Để rồi lại leo lên ghế ôm ấp và vỗ về các tài năng của mình. Có thể, điều đó đã ảnh hưởng đến tâm lý của các cầu thủ, khi họ hạ đối thủ 4-1 trên sân nhà Stadionul Steaua. Tiền đạo Piturca là người mở tỷ số ngay từ phút thứ 8…
Ở vòng 2, Steaua đấu với đội bóng Hungary Budapets Honved. Dù để thua 0-1 ở trận lượt đi (ngôi sao Lajos Detari là người ghi bàn thắng duy nhất, ông này từng sang Việt Nam hồi năm 2002 để làm Giám đốc kỹ thuật cho Hà Nội ACB), chiến thắng có tỷ số tương tự 4-1 ở trận lượt về (như lẽ thường, Piturca lại “điểm hỏa đầu tiên”, ngay ở phút thứ nhất, Lacatus cũng góp công) khiến người dân Rumani đổ ra đường ăn mừng, chẳng ai nhớ gì đến thất bại trước đó.
Ở vòng tứ kết, Steaua đấu với đội bóng Phần Lan kém danh Kuusysi. Có thể nói, nhánh thăm may mắn đã khiến nhà vô địch Rumani đi một con đường chẳng quá gập ghềnh. Sau khi đấu với các đại biểu Đan Mạch, Hungary, giờ đây, họ đấu với Phần Lan. Hãy nhìn vào những cặp tứ kết khác: Anderlecht của Enzo Schifo phải quyết chiến Bayern Munich, Gothenburg đấu Aberdeen (Scotland) cũng rất mạnh, và 2 gã khổng lồ Barca - Juve phải đối đầu nhau.
Nhưng chính Kuusysi cũng không phải đối thủ dễ nhằn. Trong cả 2 trận lượt đi - về, đội bóng ở vùng Lahti (hiện đá ở giải Hạng 4 của Phần Lan), thủ kín như bưng. 90 phút lượt đi, tỷ số là 0-0. Đến lượt về, tỷ số cũng là 0-0 cho đến khi Piturca lại khai thông thế bế tắc ở phút thứ 86. Bàn thắng duy nhất quyết định tấm vé vào bán kết.
Đến đây, mục tiêu của Valentin đã hoàn tất. Nhưng cách mạng là phải triệt để đến cùng. Vậy nên, Steaua oai hùng bay đến Brussels mà không có gì lo lắng. À, sau đó, họ lo lắng không ít, khi Scifo ghi bàn thắng duy nhất cho chủ nhà Andelecht, đội đã xuất sắc loại Bayern với tổng tỷ số 3-2 sau 2 lượt trận đi về. Kết quả của cặp đấu hẳn sẽ khác, nếu Anderlecht tận dụng các cơ hội ghi bàn thứ 2 và thứ 3… Tất nhiên, họ phải “hỏi ý” Duckadam và gã thủ môn to cao đã ám chỉ bằng những pha cứu thua đẳng cấp: “Không thể có chuyện đó!”
Trong trận lượt về, ở Bucharest, Steaua chơi thăng hoa như các trận lượt về vòng 1 và 2, họ hủy diệt đối thủ với 3 bàn không gỡ, khi Pirtuca lập cú đúp đầu tiên ở giải đấu, bàn còn lại thuộc về Balint (bàn thứ 2 của ông ở giải đấu năm đó). Phía trước Steaua là chuyến hành trình bay đến Sevilla để đấu với Barca hùng mạnh của Pichi Alonso, Marcos Alonso (cha của Marcos Alonso đang chơi cho Chelsea), Angel Pedrasa…
Trận chung kết diễn ra tại sân vận động Ramon Sánchez Pizjuan, cổ động viên Barcelona trên khán đài chiếm đa số. Đương nhiên là như vậy. Họ hồ hởi và hào hứng trước cơ hội giành Cup C1 đầu tiên trong lịch sử. Thật khó tin phải không? Barcelona khi đó đã lừng danh khắp 5 châu, nhưng vẫn chưa có chiếc Cup bạc tai voi trong phòng bảo tàng như là thứ trang sức đắt giá chứng tỏ đẳng cấp. Nhưng ai cũng nghĩ họ sẽ đăng quang dễ dàng, với đội hình cực khủng, với huấn luyện viên người Anh Terry Venables (cựu cầu thủ Chelsea, nhà cầm quân hàng đầu thế giới ở vào thời điểm đó).
Hiệp 1, Barca chiếm ưu thế, họ tạo ra hàng loạt cơ hội ghi bàn và dù Duckadam có giải cứu vài lần, cũng có lúc anh phải bất lực, khi mà tiền đạo người Đức Bernd Schuster (sau này là huấn luyện viên của Real Madrid) bật cao đánh đầu đầy chết chóc giữa 2 hậu vệ bất lực. Nhưng mà thế quái nào, Schuster bỏ lỡ tình huống này…
Từ đó cho đến khi kết thúc cả hiệp chính lẫn hiệp phụ, vẫn không có bàn thắng nào được ghi. Người ta chỉ nhớ vài tình tiết thế này: Francisco Carrasco trong một hình huống quá ham bóng đã lao thẳng vào bảng quảng cáo bên đường biên, xé nét bảng quảng cáo này rồi va thẳng vào… trung đội cảnh sát Tây Ban Nha đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh; Venables do dự khi tung Pichi vào sân và rốt cuộc siêu tiền đạo này chỉ được chơi từ phút 106; còn bên phía Steaua, trợ lý Jenei tung… huấn luyện viên trưởng Iordansecu vào sân (hay Iordanescu tự ý quyết định, người ta cũng không biết nữa) từ phút thứ 72.
Trận đấu được quyết định trên loạt sút luân lưu 11 mét. Tỷ số, cuối cùng đã hiển hiện một cách cực kỳ quái đản: Steaua - Barcelona 2-0. 8 hảo thủ hay nhất châu Âu, 8 cú ra chân tưởng chừng không thể đón đỡ từ khoảng cách 11 mét, nhưng chỉ có 2 người khiến mành lưới rung lên, đó là Lacatus và Balint, đều của Steaua. Thủ môn Duckadam đã trở thành người hùng làm nên câu chuyện chưa từng có trong lịch sử bóng đá châu Âu, khi ông phá được cả 4 cú sút 11 mét từ phía Barcelona. Cha của Marcos Alonso, chính là “nạn nhân cuối cùng”.
Đánh bại Barcelona, Steaua trở thành CLB Đông Âu đầu tiên giành Cup châu Âu, phần thưởng còn trân quý gấp 10 lần chiếc Cup C2 mà Kiev giành được từ hồi năm 1975, và cũng ngay trong năm 1986 đáng nhớ đó (đây là lần thứ 2, Kiev giành Cup C2 - Đông Âu đã thật sự thống trị châu Âu trong mùa giải 1985-1986). Cả Rumani rung chuyển, và Steaua mới chính là “biểu tượng mới” của bóng đá Đông Âu.
Hậu ngôi vô địch 1986
Duckadam được sơn phết là “Vị anh hùng ở Sevilla”, ông trở nên nổi tiếng trên khắp đất nước Rumani. Nhưng chỉ 2 tháng sau “đỉnh cao”, Duckadam tuyên bố giải nghệ ở tuổi 27. Ban đầu, người ta tin vào một câu chuyện hoang đường rằng Duckadam đã bị nhân viên của Lực lượng an ninh mật Rumani (đứng sau lưng Dynamo) triệu tập để thẩm vấn và bị tra tấn nặng đến nỗi không đủ sức khỏe chơi chuyên nghiệp sau này (!??). Tuy nhiên, lý do thật sự dẫn đến quyết định của gã thủ môn gốc Đức, là do ông bị bệnh xơ vữa - tắc nghẽn động mạch. Bệnh được phát hiện trước trận chung kết vài tuần, nhưng Duckadam giấu kín mọi người để cố tham gia trận đấu “cuộc đời”. Sau 10 phút thiên đường (khoảng thời gian 2 bên sút loạt luân lưu 11 mét), Duckadam đã phải treo găng để tập trung hoàn toàn vào việc chữa trị căn bệnh xương khớp nghiêm trọng. Dưới sự giúp đỡ của Valentin, Duckadam tìm đến một bác sĩ giỏi. Ông được chữa trị rất tốt, và không phải cắt cụt tay của mình. Thậm chí, 4 năm sau, Duckadam còn quay lại chụp bóng và chơi cho một CLB khiêm tốn từ giải hạng Nhì - Vagonul.
Piturca, sau mùa giải thăng hoa, muốn rời khỏi Steaua, đi “thỏa chí tang bồng” ở trời Tây. Tuy vậy, ở thời điểm đó, việc xuất khẩu cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ giỏi, sang Tây Âu, bị cấm triệt để. Piturca buộc phải ở lại gắn bó với Steaua đến năm 1989, là chứng nhân quãng thời gian hoàng kim sau đó. Năm 1989, chính biến nổ ra ở Rumani, Chủ tịch Ceausescu bị lật đổ và bị xử tử, Valentin bị bắt giữ (sau đó được phóng thích vì không liên quan đến hoạt động chính trị của cha mình). Không còn bị cấm đoán, Piturca đạt được ước mơ sang trời Tây, ký hợp đồng với Racing Club de Lens ở giải Pháp. Tuy vậy, ông đã quá lớn tuổi, chỉ chơi thêm 28 trận, ghi 4 bàn trước khi giải nghệ.
Valentin, chưa bao giờ “quá độc tài” như cha của ông, dù vẫn dùng mệnh lệnh áp lực, ông vẫn dùng những cách nhẹ nhàng khác, như âu yếm, tặng quà cáp, để quản lý các cầu thủ Steaua. Sau ngôi vô địch Cup C1, ông tặng cho mỗi cầu thủ Steaua một chiếc xe hơi hiện đại. Các cầu thủ Steaua, nếu có rắc rối đời thường, cũng có quyền gọi điện riêng cho ông, đề nghị giúp đỡ. Với các cầu thủ Steaua, Valentin luôn là người “ấm áp lạ thường”.
Hagi, sau ngôi vô địch C1 khoảng 1 năm (năm 1987), mới gia nhập Steaua, và trở thành một phần của lịch sử sau này, thành biểu tượng cá nhân của bóng đá Rumani. Tuy vậy, Hagi được “đặc cách” chơi cho Steaua khi họ đối đầu với “biểu tượng xưa cũ” là Dynamo Kiev ở trận Siêu Cup châu Âu năm 1986. Khi đó, Siêu Cup châu Âu phải đá 2 lượt trận đi - về. Nhưng do quan hệ căng thẳng của thượng tầng lãnh đạo ở 2 quốc gia Liên Xô và Rumani, bất chấp cả 2 đều thuộc khối xã hội chủ nghĩa, UEFA quyết định 2 đội chỉ đá 1 trận duy nhất.
Trận Siêu Cup châu Âu 1986 diễn ra ở sân Louis II tại Monaco. Steaua đã thắng bằng bàn thắng duy nhất do chính… Hagi ghi được. Ở thời điểm đó, Hagi vẫn đang thuộc biên chế của Sportul Studentesc, nhưng được đá cho Steaua theo bản hợp đồng cho mượn “độc nhất vô nhị”: Đá 1 trận duy nhất. Giúp Steaua giành Siêu Cup châu Âu, Hagi quay trở lại đội bóng của mình và đến năm 1987 mới chính thức gia nhập Steaua, ông chơi ở đây đến năm 1990, sau đó, ông bắt đầu cuộc “Tây Du Ký”, sang chơi bóng ở những CLB hàng đầu châu Âu như Real Madrid, Barcelona, Brescia rồi Galatasaray (ở đây, ông thắng thêm chiếc Siêu Cup châu Âu năm 2000).
Ở Cup Liên lục địa trong cùng một năm, Steaua để thua River Plate - nhà vô địch của Argentina - với tỷ số tối thiểu là 0-1. Người ghi bàn thắng duy nhất cho River Plate là Antonio Alzamendi (Uruguay). Tuy thất bại, mỗi cầu thủ Steaua vẫn được về nhà với… một chiếc ti vi màu của Nhật Bản, một xa xỉ phẩm trong thập niên 1980.
Ở mùa giải 1988-89, Steaua cơ hồ bước đến đỉnh cao danh vọng lần thứ 2 khi lọt vào một trận chung kết Cup C1 tiếp theo. Họ chơi bùng nổ ở các vòng đấu loại trực tiếp khi thắng Spartak Prague với tổng tỷ số 7-3, loại Spartak Moscow với tổng tỷ số 5-1, hạ IFK Gotenborg với tổng tỷ số 5-2, và hủy diệt Galatasaray với tổng tỷ số 5-1, nhưng ở chung kết, họ chịu cảnh bị hủy diệt ngược, để thua 0-4 trước AC Milan. Ruud Gullit và Marco van Basten lập cú đúp cho Milan. Khi đó, cả 2 cầu thủ này vẫn đang là nhà đương kim vô địch châu Âu sau khi cùng tuyển Hà Lan đánh bại tuyển Liên Xô của những Igor Belanov, Rinat Dasayev ở Euro 1988…
Nguyên nhân thành công - nguồn cơn sức mạnh của Steaua
Steaua của mùa giải 1985-86 là hiện tượng phổ biến trong làng thể thao - bóng đá của các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa, nơi các vấn đề đều được giải quyết ở cấp nhà nước. Ý tưởng hoạt động chính là: “Chúng tôi sẽ tập hợp tất cả những con người giỏi nhất - mạnh nhất vào cùng một đội ngũ.” Steaua được tổ chức theo nguyên tắc này. Một số cầu thủ tự nguyện gia nhập Steaua vì muốn theo đuổi khát vọng danh hiệu và thành công, một số khác, như trung vệ Miodrag Belodedici, là bị “ép” phải gia nhập.
Emerich Jenei tập trung cho mình một “quân đoàn lê dương” thật sự, một đội bóng không có điểm yếu. Tất cả các cầu thủ giỏi nhất ở Rumani khi đó đều phải chơi cho Steaua, sau này, nhiều người trở thành ngôi sao “tự lập môn hộ”, đơn cử như trường hợp của Hagi, hiện là một tượng đài và luôn muốn xây dựng một nền bóng đá Rumani thật sự hiện đại, công bằng. Steaua không cho các cầu thủ đi đội khác, vì thế, đội bóng càng mạnh hơn và hay hơn qua từng năm.
* *
*
MIODRAG BELODEDICI - CHIẾC CẦU NỐI GIỮA STEAUA VÀ RED STAR
Sở dĩ phải dùng một chương riêng để kể về câu chuyện siêu trung vệ thòng Miodrag Belodedici, vì ông là một người cực kỳ đặc biệt. Trong đội hình Steaua vô địch Cup C1 năm 1986, và trong đội hình Red Star Belgrade vô địch Cup C1 năm 1991, đều có sự góp mặt của Belodedici. Ông là cầu thủ đầu tiên giành ngôi vô địch châu Âu trong màu áo của 2 CLB khác nhau.
Đội hình huyền thoại của Red-Star
Belodedici sinh ngày 20-05-1964, trong một gia đình người Serbia nhưng lại đang cư trú tại làng Socol (thuộc Rumani, gần biên giới Nam Tư). Hồi còn nhỏ, Belodedici chỉ nói tiếng Serbia. Đến khi bước vào lớp 5, ông mới bắt đầu học tiếng Rumani, và rất nhanh chóng sử dụng thành thục. Đến khi được triệu tập vào đội tuyển thiếu niên của Rumani (Luceafarul Bucuresti - vốn là đội bóng tập trung tất cả các tài năng 14-15 tuổi từ khắp đất nước Rumani, được Liên đoàn bóng đá Rumani lập ra để “tập trung mọi nguồn lực”), Belodedici dần trở thành “một chuyên gia ngôn ngữ” Rumani nhờ sự hỗ trợ của các đồng đội nhỏ tuổi như Hagi, Balint…
Đến năm 18 tuổi, Belodedici trở thành một tên tuổi thực sự ở vị trí “libero”, ông nhanh nhẹn, dẻo dai và phán đoán giỏi các tình huống băng lên cắt bóng tấn công của đối thủ. Nhờ tài năng đó, Belodedici lọt vào mắt xanh của Ion Alecsandrescu - vị Chủ tịch của Steaua thời đó (sau này được bầu chọn là “Người đàn ông của thế kỷ” trong lịch sử phát triển của Steaua, nhưng ai cũng biết, ông không có thực quyền như con trai của Chủ tịch Ceausescu), và được Steaua ký hợp đồng. Đó là bản hợp đồng “miễn cưỡng”, vì ở độ tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự, Belodedici chỉ có 2 lựa chọn: 1- Thực hiện nghĩa vụ tham gia quân đội như những chàng trai đồng trang lứa khác; 2- Gia nhập đội bóng của quân đội. Belodedici phải chọn lựa điều thứ 2.
Belodedici chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương Nam Tư, đặc biệt là Serbia. Ông luôn hướng về Socol, nơi bạn bè đồng trang lứa, người thân, họ hàng vẫn sinh sống. Người dân ở Socol đa phần đều là người Serbia, họ thậm chí cũng chỉ muốn quay về Nam Tư, muốn tắm mình trong vòng tay của những người đồng hương Serbia. Nhưng thời đó, Chủ tịch Ceausescu ra lệnh đóng cửa biên giới giữa 2 nước.
Đưa Steaua trở thành nhà vô địch Cup C1 năm 1986, Belodedici trở thành một ngôi sao. Và vì là ngôi sao, ông bị đội bóng, bị chính quyền Rumani kiểm soát chặt chẽ. Dù không còn ở độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, Belodedici vẫn phải ở lại với Steaua dù vài lần thể hiện khát khao muốn được chuyển sang chơi bóng ở CLB khác. Nhưng cuối cùng, Belodedici đưa ra một quyết định mạo hiểm, ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của ông.
Tháng 12-1988, một vài ngày trước đêm giao thừa, Belodedici lợi dụng việc đi nghỉ dưỡng để bỏ trốn. Ông thuyết phục Chủ tịch Valentin rằng, mình sẽ chỉ đi nghỉ dưỡng 1 tuần để về thăm họ hàng. Valentin luôn tin tưởng Belodedici, ông thậm chí còn cấp hộ chiếu tạm thời cho trung vệ này để thuận lợi trong việc đi lại.
Có cơ hội trời cho, Belodedici tận dụng ngay. Ông đào tẩu khỏi Rumani, mang theo cả mẹ và chị gái. Đến Belgrade (thủ đô của Nam Tư thời đó), ông đăng ký xin tị nạn chính trị. Đánh hơi thấy một tài năng bóng đá vừa đến với Belgrade, CLB Red Star đã dang tay hỗ trợ ông. Nhưng khi đó, mọi chuyện không quá dễ dàng và đơn giản. Red Star đang ở trong tình trạng hỗn loạn khi đội bóng vừa để thua Partizan Belgrade trong trận “Derby Vĩnh cửu”.
Tin Belodedici không đến được tận tai Chủ tịch của Red Star. Ông đã phải chờ đợi một thời gian, trong khi một người bạn Serbia cố khuyên ông nên đến với “nửa kia của thành phố”, đến với Partizan. Tuy nhiên, Belodedici từ chối, ông khảng khái nói rằng ông chỉ muốn chơi cho Red Star. Cuối cùng, tin về Belodedici cũng đến tai Chủ tịch Red Star, khi vị này đang họp ban quản lý đội. Biết tin là nhà vô địch châu Âu năm 1986 đang ở đây, Chủ tịch Red Star vội vã đến gặp mặt và ký hợp đồng với Belodedici. Một chuyến hành trình mới đã bắt đầu.
Biết được tin Belodedici bỏ trốn và trở thành… cầu thủ của Red Star Belgrade, Chủ tịch Valentin nổi giận đùng đùng. Valentin gọi điện cho cha mình, Chủ tịch Ceausescu, một phiên tòa xét xử Belodedici dù vắng mặt được thiết lập. Siêu libero bị tước hết mọi quyền công dân và kết án 10 năm tù. Chưa dừng lại ở đó, các quan chức bóng đá Rumani trưng ra bằng chứng Belodedici vẫn còn hợp đồng chơi bóng chuyên nghiệp cho Steaua. UEFA, vì vậy, đã cấm ông thi đấu suốt 1 năm trời sau đó… Sau chính biến 1989, mọi cáo buộc nhắm vào Belodedici đều bị bãi bỏ, ông được phép quay trở về thăm lại Bucharest. Chẳng ai bỏ tù ông, thậm chí, ông còn được triệu tập trở lại đội hình tuyển Rumani. Ông chơi trọn vẹn World Cup 1994 trên đất Mỹ, cùng tuyển Rumani lọt đến tận trận tứ kết, trước khi dừng bước trước Thụy Điển. Ông cũng tham gia Euro 1996 (Rumani bị loại ở vòng bảng) và Euro 2000 (Rumani “hợp tác” cùng Bồ Đào Nha loại 2 ông lớn Anh - Đức ở vòng bảng, lọt đến tứ kết).
Đến với Red Star, Belodedici đối mặt những thách thức mới, nhưng cũng hưởng thụ những vinh quang mới. Một năm sau khi hết án cấm thi đấu, Belodedici nhanh chóng hòa nhập vào đội hình của “Sao đỏ”, ông giành danh hiệu vô địch Nam Tư đầu tiên trong năm 1990, và sau đó đăng quang liên tiếp 2 lần khác trong các năm 1991 và 1992. Riêng ở đấu trường Cup C1 châu Âu, Belodedici trở thành mắt xích trọng yếu giúp đội bóng số 1 Nam Tư, hiện vẫn là số 1 của đất nước Serbia, giành ngôi vô địch.
Trong trận chung kết khi Red Star đấu với Olympique Marseille (Pháp), sau 120 phút thi đấu không bàn thắng, Belodedici được lựa chọn là 1/5 cầu thủ sút luân lưu quyết định. Ông sút ở lượt thứ 3 và đã thực hiện thành công. Cả 5 cầu thủ của Red Star đều sút thành công, nhưng đó là câu chuyện mà chúng ta sẽ đề cập ở phần sau…
Như vậy, Belodedici trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử, giành được 2 chiếc Cup C1 ở màu áo của 2 CLB khác nhau, nhưng đều là những đội bóng “biểu tượng” của bóng đá Đông Âu, là niềm tự hào của bóng đá Đông Âu mãi đến tận sau này!
* *
*
RED STAR VÔ ĐỊCH C1 BẰNG ĐỘI HÌNH “MỘT LẦN DUY NHẤT”
Nếu như Steaua còn có “cơ hội thứ 2” để tranh đoạt ngôi vô địch châu Âu, Red Star Belgrade (hay Crvena Zvezda) không thể có được cơ hội thứ 2 trân quý. Đội hình toàn sao của Red Star, khi đăng quang ngôi vô địch Cup C1 mùa 1990-1991, bao gồm những “hảo thủ” như là Dejan Savicevic (sau này còn cùng AC Milan giành 3 Scudetto và ngôi vô địch Champions League - đã đổi tên, không còn là Cup C1 - ở mùa giải 1993-94), Robert Prosinecki (sau này tiếp tục cùng Real Madrid giành Cup Hoàng gia Tây Ban Nha trong mùa giải 1992-93; và cùng tuyển Croatia giành ngôi hạng 2 ở kỳ World Cup 1998)… Đó còn là Vladimir Jugovic (sau này cùng Sampdoria giành Cup Quốc gia Italia mùa giải 1993-94; cùng Juventus giành Champions League 1995-96, giành Scudetto 1996-97, rồi giành cả Siêu Cup châu Âu và Cup Liên lục địa ở trong cùng năm 1997), Sinisa Mihajlovic (sau này cùng Lazio giành Cup UEFA mùa giải 1998-99, Siêu Cup châu Âu 1999, giành Scudetto mùa giải 1999-2000, Cup Quốc gia Italia vào các năm 2000 và 2004…; cùng Inter Milan giành Scudetto trong mùa giải 2005-06), Darko Pancev, và đương nhiên là Miodrag Belodedici…
Sau này, rất nhiều người trong số họ tiếp tục làm người hùng ở các CLB hàng đầu Tây Âu - châu Âu, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, sau khi giải nghệ, nhiều người làm quan chức hàng đầu CLB, rồi cả Liên đoàn bóng đá. Nếu không có sự cố Liên bang Nam Tư tan rã, họ hoàn toàn có khả năng gây ra những chấn động lớn lao khác nữa. Nhưng lịch sử, không phải của bóng đá, mà cả của chính trị - xã hội, đã không lựa chọn họ trở thành một tập thể “vô địch thiên hạ” thêm nhiều năm sau này.
Cái bóng của Partizan
Cũng như mâu thuẫn sâu sắc giữa Steaua Bucharest và Dynamo Bucharest, Red Star Belgrade có mối thâm thù “bất cộng đái thiên” với Partizan Belgrade, dù cả 2 đội đều sử dụng “Ngôi sao đỏ” ở trên logo biểu tượng. Trong khi tên của Red Star, là cực kỳ trực diện, khi dùng từ “Sao đỏ” trong tiếng Serbia đặt cho tên đội bóng và được xem là “Đội bóng của Nhân dân” (tương tự như Spartak Moscow ở Liên Xô và ở Nga sau này), thì tên của Partizan, lại có nghĩa là “Đảng phái”, mang một hàm ý rất là chính trị và cũng rất là quân đội (Partizan cũng là đội bóng thuộc quân đội như Steaua). Trận derby giữa 2 bên còn có tên là “Derby Vĩnh cửu” và đó là lý do, cho đến tận ngày nay, cổ động viên 2 đội vẫn “choảng nhau vô tư” mỗi khi Red Star có dịp đối đầu với Partizan.
Dù luôn tự hào là đội bóng số 1 Nam Tư trước kia, số 1 Serbia & Montenegor sau này và là số 1 Serbia ngày hôm nay (Belgrade từng 19 lần giành ngôi vô địch quốc gia thời còn Nam Tư, 5 lần vô địch quốc gia thời Serbia & Montenegro và 6 lần vô địch quốc gia thời Serbia là quốc gia độc lập duy nhất), nhưng ở đấu trường châu Âu, Red Star luôn chậm chân hơn đối thủ kình địch cùng thành phố - Partizan.
Partizan cùng với Sporting Club de Portugal của Bồ Đào Nha, chính là 2 đội bóng đá trận Cup C1 châu Âu đầu tiên, vào ngày 04-09-1955. Trận đấu lượt đi diễn ra tại sân vận động quốc gia Lisbon, chứng kiến Partizan cầm hòa Sporting 3-3. Trong trận lượt về, Partizan hủy diệt đối thủ với tỷ số 5-2, giành vé vào vòng 2 của Cup C1 châu Âu mùa giải 1955-56. Ở cả 2 lượt trận đi - về, tiền đạo Milos Milutinevic đã ghi tổng cộng 6 bàn thắng. Partizan sau đó lọt đến tứ kết và chỉ chịu dừng bước trước Real Madrid với tổng tỷ số thua 3-4 sau 2 lượt trận đi về.
Không chỉ như vậy, Partizan, chứ không phải Red Star, mới là đội bóng Nam Tư - Balkan đầu tiên lọt đến tận trận chung kết Cup C1, ở mùa giải 1965-66, 10 năm sau khi trở thành đội đá quả bóng đầu tiên ở Cup C1. Ở vòng đấu loại, Partizan loại Nantes (Pháp) 4-2. Ở vòng 1, họ thắng Werder Bremen (Đức) 3-1 (thắng 3-0 tại sân nhà). Ở tứ kết, họ thắng Slavia Prague 6-4 (thắng 5-0 trong trận lượt về). Ở bán kết, họ đánh bại cả Manchester United lừng danh của George Best với tổng chiến thắng 2-1. Trong trận chung kết diễn ra tại Heysel, họ thua Real Madrid 1-2, chấp nhận vị trí á quân, trong khi đó, với Real, đó là ngôi vô địch châu Âu lần thứ 6.
Như vậy, dù Red Star là đội bóng được thành lập trước tiên ở Nam Tư (ngày 04-03-1945, so với ngày thành lập 04-10-1945 của Partizan), nhưng ở đấu trường châu Âu suốt một thời gian cực kỳ dài, họ phải sống dưới cái bóng của Partizan. Tuy vậy, sự khủng hoảng trong cách quản lý tài chính, phát triển đội bóng, phát lương cho các cầu thủ đã khiến Partizan sụp đổ. Dù sau đó, đội bóng đã có nhiều cải tổ và quay lại trở thành một thế lực trong làng bóng đá Nam Tư, họ không thể tạo ra dấu ấn lớn lao tương tự ở Cup C1 châu Âu. Vai trò lịch sử của Partizan đã hết. Và vai trò lịch sử mới, thuộc về Red Star.
Red Star chuyển mình và kế hoạch 5 năm
Từ những năm sau của thập niên 1980, Red Star bắt đầu gặt hái những thành tích tốt ở đấu trường các Cup châu Âu. Hồi năm 1986, khi Steaua đăng quang vô địch ở C1, “Sao đỏ” cũng lọt đến tứ kết Cup C2. Họ lần lượt loại Aarau (Thụy Sĩ), Lyngby (Đan Mạch) trước khi dừng bước trước Atleticoa Madrid, thua 1-3 sau 2 lượt trận đi và về. Atletico sau đó lọt đến trận chung kết và để thua Dynamo Kiev của Blokhin, Aleksandr Zavarov 0-3. Kiev khi đó đóng góp 9/11 cầu thủ đá chính cho đội tuyển Liên Xô ở World Cup 1986. Đội hòa tuyển Pháp của Platini với tỷ số 1-1, hủy diệt Hungary 6-0 và thắng Canada 2-0 ở vòng bảng, nhưng ở vòng 2, Liên Xô bị Bỉ loại 4-3 trong trận đấu đầy rẫy những tình huống việt vị của các cầu thủ “Quỷ đỏ”, nhưng trọng tài biên hoàn toàn làm ngơ…
Năm 1987, rốt cuộc điều gì cần phải làm, đã được làm. Ban lãnh đạo của CLB Red Star đề ra kế hoạch 5 năm, nhắm đến mục tiêu duy nhất là giành Cup châu Âu. Kế hoạch được khởi động vào ngày sinh nhật CLB, ngày 04-03-1987. Cũng trong mùa giải 1987-88, Red Star chơi thăng hoa ở Cup C1. Họ loại Panathinaikos (Hy Lạp) 4-2 ở vòng 1; hủy diệt Rosenborg (Na Uy) 7-1 ở vòng 2; ở tứ kết, họ thậm chí còn đánh bại Real Madrid với tỷ số 4-2 trên sân nhà (Hugo Sanchez ghi cả 2 bàn cho đại biểu Tây Ban Nha) trước khi thua 0-2 trên sân đối phương ở lượt về (Manuel Sanchis và Emilio Butragueno ghi 2 bàn cho Real), chỉ bị loại vì luật bàn thắng sân khách.
Từ đó đến tháng 3-1992, Red Star trở thành “duy ngã độc tôn” ở giải vô địch quốc gia Nam Tư, họ thắng 4/5 ngôi vô địch quốc gia. Với ưu thế này, Red Star có thể toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho việc chơi thăng hoa hơn, thậm chí đăng quang ở Cup châu Âu, đặc biệt là Cup C1. Năm 1987, Red Star chào đón 2 ngôi sao mới là Dragisa Binic và Prosinecki. Họ đã có một đội hình hoản hảo để chạy đua cho tham vọng ở đấu trường châu Âu, khi Savicevic, Pancev (đối tác ăn ý của Savicevic ở trên hàng tấn công), và Mihajlovic… đã có sẵn ở đó. Từ tuyến trẻ đôn lên, họ có thêm thủ môn Stevan Stojanovic và Jugovic. Cái họ cần, chỉ là thời gian chín muồi!
Nỗi luyến tiếc mang tên Stojkovic, nhưng ông đã lựa chọn như vậy
Trong số những cầu thủ Red Star sát cánh cùng nhau giành ngôi vô địch C1 hồi năm 1991, rất tiếc không có tên Dragan Stojkovic. Từng là người kết hợp rất nhuần nhuyễn cùng với Savicevic trên hàng tiền vệ, Stojkovic là một biểu tượng của Red Star khi chơi cho đội bóng này suốt từ năm 1986 đến năm 1990, ra sân 120 lần và ghi được 54 bàn. Không phải tự nhiên mà ông là 1 trong 5 cầu thủ nhận được Huân chương Ngôi sao danh dự của Red Star.
Ở kỳ World Cup 1990 tại Ý, Stojkovic tỏa sáng trong màu áo của tuyển Nam Tư. Ông giúp đội bóng ở vùng Balkan vượt qua vòng đấu bảng sau khi thua CHLB Đức 1-4, thắng Colombia 1-0 và thắng UAE 4-1. Ở vòng 16 đội, khi Nam Tư đối đầu với Tây Ban Nha của những Julio Salinas, Butragueno, Andoni Zubizarreta và Fernando Hiero (lúc đó vẫn còn là cầu thủ dự bị)…, số 10 Stojkovic đã lập cú đúp giúp đội nhà giành chiến thắng chung cuộc 2-1 sau 120 phút tranh tài.
Phút thứ 78 của trận đấu, Stojkovic nhận một đường bóng bổng ở trong vòng cấm địa, ông bình tĩnh điều lực “hãm bóng” để đường bóng trở thành bóng sệt, rồi gạt bóng qua cự truy cản của một hậu vệ áo đỏ và sửa bóng vào góc xa, mở tỷ số trận đấu. Sau đó, Tây Ban Nha gỡ hòa nhờ công của Salinas ở phút 84. Ở hiệp phụ, Stojkovic lại thể hiện phẩm chất của một cầu thủ số 10 trong tình huống đá phạt hàng rào. Đó là tình huống sút phạt ở phút 93, ông “uốn” một đường bóng cong hoàn hảo, bay qua tầm chắn của hàng rào áo đỏ, qua cả tầm với của thủ môn Zubizarreta. Nam Tư thắng chung cuộc 2-1.
Ở vòng tứ kết, Nam Tư của Stojkovic, Savicevic, bị cầm hòa không bàn thắng trước Argentina của Diego Maradona và Claudio Caniggia (lúc đó vẫn là đương kim vô địch thế giới) sau 120 phút tranh tài. Ở loạt sút luân lưu, Stojkovic đá hỏng quả đầu tiên, sau đó Nam Tư để thua 2-3 và bị loại, Argentina tiếp tục phiêu lưu vào chung kết và thua CHLB Đức 0-1. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác!
Trở về sau World Cup rực cháy, Stojkovic trở thành mục tiêu săn đón của nhiều CLB hàng đầu Tây Âu, Ông bầu khét tiếng nhất châu Âu thời điểm đó, Bernard Tapia, đã chồng lên bàn đàm phán 5,5 triệu Bảng, thuyết phục Stojkovic gia nhập đội ngũ toàn sao của Marseille gồm có Jean Pierre Papin, Eric Cantona, Jean Tigana, Didier Deschamps (hiện là huấn luyện viên trưởng tuyển Pháp), rồi Abedi Pele. Stojkovic gật đầu đồng ý, nhưng không biết chính bản thân mình đã bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng để trở thành nhà vô địch đấu trường C1 châu Âu cùng Red Star.
Đến với Marseille, Stojkovic xui xẻo bị chấn thương hành hạ và không bao giờ tìm lại được phong độ cao nhất. Trong suốt 4 năm gắn bó ở đội bóng nước Pháp, ông chỉ ra sân 19 lần, ghi được 5 bàn. Khi Marseille đối mặt với Red Star ở chung kết Cup C1 năm 1991, Stojkovic chỉ được tung vào sân ở hiệp phụ để đối đầu với những đồng đội cũ. Ông thi đấu không mấy nổi bật. Khi cả 2 đội bị kéo vào loạt sút luân lưu 11 mét, dù là một chuyên gia đá phạt, Stojkovic nói với huấn luyện viên của đội bóng Pháp rằng ông không muốn đá 11 mét chống lại đồng đội cũ. Red Star sau đó thắng 5-3 và đăng quang ngôi vô địch châu Âu, còn Stojkovic bị bán sang Genoa rồi quay lại Marseille, cùng đội này thắng Champions League năm 1993, nhưng ông vẫn không thể chơi trận chung kết vì bị chấn thương.
Với Red Star, không có Stojnkovic, họ có ngay Jugovic, dù người ta vẫn mơ mộng, luyến tiếc về trường hợp Savicevic và Stojkovic đá cặp bay bổng cùng nhau, nâng cao chiếc Cup bạc tai voi cùng với nhau. Nhưng lịch sử đã viết xong sự kiện Cup C1 mùa giải 1990-91 của mình.
Di sản bị quên lãng???
Red Star Belgrade vô địch Cup C1 châu Âu mùa giải 1990-91. Tuy vậy, họ là nhà vô địch “vô danh nhất”, khi UEFA nhìn lại quá trình phát triển các Cup châu Âu của mình. Ở nhiều chủ đề, hệ thống lưu trữ, khi tìm kiếm danh mục: “Những CLB vĩ đại nhất châu Âu”, hiếm khi cái tên Red Star được đề cập đến. Đó cũng là vì lịch sử phức tạp của vùng Balkan, sự tan rã vội vã của Liên bang Nam Tư ngay trước, trong và sau thời điểm Red Star đá trận chung kết Cup C1, kéo theo nội chiến sắc tộc giữa người Serbia với các dân tộc khác…
Trong các trận đấu của Red Star, kể từ vòng tứ kết trở đi (nghĩa là quãng thời gian nửa đầu của năm 1991, khi khủng hoảng chính trị ở Nam Tư phát triển hết từ đỉnh điểm này đến đỉnh điểm khác), chất chuyên môn luôn bị trộn lẫn với những vấn đề mang tính quốc gia - dân tộc. Không một bài báo nào miêu tả về các chiến tích của Red Star, lại không quên nhắc đến những rối ren ở Nam Tư, khi súng đã bắt đầu rộ lên, máu đổ và nhiều yếu tố bi kịch kéo theo sau.
Truyền thông phương Tây, ở vào thời điểm đó, bị giằng xé giữa 2 quan điểm: Chỉ trích tình hình chính trị ở Nam Tư và “thiên vị” cho những đội đối thủ của Red Star, chỉ vì họ đang đấu với đội bóng đến từ một đất nước bất ổn, đã có nổ súng đẫm máu, khủng hoảng sắc tộc, là “kẻ thù” của dân chủ và hòa bình, là “hiện thân của cái ác”; hay là, đơn giản chỉ khen ngợi màn trình diễn đậm chất chuyên môn của Red Star, của những ngôi sao cuối cùng của bóng đá Liên bang Nam Tư, và gạt qua những bất mãn cá nhân!
Ngay cả chiến thắng ở trong trận chung kết trước đội bóng “toàn sao” Marseille, cũng diễn ra không quá ồn ào, không có nhiều quốc gia được xem trận đấu này trên truyền hình, để rồi, chiến thắng của Red Star, bằng cách này hay cách khác, chủ yếu trở thành “một lịch sử buồn của OM”, khi mà đội bóng nước Pháp kể lại quá trình thăng trầm của họ ở đấu trường thi đấu CLB danh giá nhất châu Âu.
Tuy vậy, có những thứ không thể biến mất, và nhiều người không thể nào quên. Đó là màn trình diễn chói sáng của Red Star trong 2 lượt trận đi và về ở vòng đấu bán kết, chống lại một Bayern, như lẽ thường, vẫn là hùng mạnh, bất chấp thời gian trôi đi, dù là năm 1991 hay 2001, 2011 hay thậm chí cả ngày hôm nay, năm 2021. Trận đánh sập Bayern 2-1 tại thánh địa Olympic, hay trận hòa 2-2 đầy màu sắc tại sân nhà, cả 2 trận đấu đó đều chứa đựng những bàn thắng đẹp đến ngoạn mục, một phần là nét đẹp của Red Star khi đăng quang Cup C1 năm 1991.
Người huấn luyện viên cáo già
“Sao đỏ” thời đó, không chỉ có dàn hảo thủ lão luyện, mà còn được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên “cáo già”, đó là ông Ljupko Petrovic. Là một nhà cầm quân lão luyện, ông Petrovic nhanh chóng nhận ra, cần phải biến Red Star trở thành một cỗ máy phản công hoàn hảo, dù họ có ở trong tay vô vàn những đại diện của lối đá kỹ thuật, có khả năng cầm bóng và ban bật nhỏ. Chính lối chơi phản công cực nhạy, kết hợp với những cầu thủ khéo léo kỹ thuật, đã giúp Red Star vượt qua cửa ải khó nhất khi đánh bại Bayern, và ghi được những bàn thắng cực kỳ đẹp mắt.
Trong trận chung kết đấu với OM, chính ông Petrovic cũng chủ động kéo các cầu thủ Red Star đá lùi sâu phòng thủ, chực chờ phản công, nếu cần sẽ “câu” trận đấu vào loạt sút luân lưu 11 mét để quyết thắng - bại. Dù đó là sách lược đầy mạo hiểm, vì đá luân lưu 11 mét mang tính may - rủi nhiều hơn, trong khi các cầu thủ thực hiện dứt điểm phải có một thần kinh thép, một yếu tố ngẫu nhiên, một pha ngã người ngoài dự kiến của một thủ môn sẽ làm hỏng tất cả mọi toan tính. Tuy vậy, đó lại là một lựa chọn đúng đắn dành cho Red Star.
Nên nhớ, ở vào thời điểm đó, các cầu thủ Red Star nói chung và các cầu thủ chơi ở giải vô địch quốc gia Nam Tư nói riêng, đã tự trang bị cho mình thói quen sút 11 mét. Đơn giản, cũng là do thể thức thi đấu ở giải vô địch quốc gia Nam Tư thời bấy giờ - các trận đấu hòa sẽ được quyết thắng bại bằng sút luân lưu 11 mét. Trong suốt mùa giải 1990-91, ở giải đấu quốc nội, Red Star có tổng cộng 6 trận đá hòa, sau đó phải sút luân lưu 11 mét để phân thắng bại, họ đã thắng 4/6 trận sút phạt luân lưu, đó là tiền đề để họ tiếp tục đánh bại OM sau loạt sút luân lưu cân não. Mọi thứ, đều đã nằm trong “dự tính” của ông Petrovic.
HLV Petrovic - HLV vô địch C1 duy nhất làm việc tại Việt Nam (Nguồn: Vietnamnet)
Sau khi rời Red Star, ông Ljupko Petrovic đã lưu lạc đến nhiều nơi, tiếp tục làm huấn luyện viên, rồi cũng có lúc quay trở lại Red Star, trong giai đoạn 1994-1996, 2004. Ông thậm chí còn đến Việt Nam, làm huấn luyện viên trưởng của Thanh Hóa, tham gia V-League hồi năm 2017. Năm ngoái, ông cũng đã quay trở lại dải đất hình chữ S để dẫn dắt Thanh Hóa, giờ đây được gọi là Đông Á Thanh Hóa, thêm 1 lần nữa. Trong trận Đông Á Thanh Hóa ngược dòng đánh bại Hồng Lĩnh Hà Tĩnh của “Mourinho Việt Nam” - huấn luyện viên Phạm Minh Đức, với tỷ số 5-3 (từ thế bị dẫn trước 3-2) ngay tại sân vận động Hà Tĩnh hôm 31-03-2021, nếu người nào tinh ý sẽ nhận ra, ông Petrovic mặc chiếc áo đen in hình sa bàn với dòng chữ tiếng Serbia và cột mốc thời gian 24-04-1991. Đó là ngày mà Red Star cầm hòa Bayern 2-2 ngay tại sân nhà, chính thức đoạt vé vào chung kết Cup C1 châu Âu năm 1991…
Đội bóng bất bại đăng quang ngôi vô địch, đó là điều người ta sẽ không quên
Với những hảo thủ nổi tiếng, kết hợp với nhau chơi thứ bóng đá nhuần nhuyễn và lợi hại, một huấn luyện viên cáo già biết cương nhu đúng lúc, giỏi sắp đặt thế trận phản công, Red Star đã giành ngôi vô địch châu Âu mà không để thua 1 trận đấu nào. Đó là thành tích mà cho đến hôm nay, vẫn hiếm có đội nào đạt được.
Ở vòng 1, Red Star gặp khó ngay từ đầu khi bị đối thủ Thụy Sĩ Grasshopper cầm hòa 1-1. Nhà vô địch Thụy Sĩ thậm chí còn dẫn trước 1-0 do công của Peter Kozle ngay ở phút 14, trước khi Binic gỡ điểm cho Red Star ở phút 43. Tuy nhiên, trong trận lượt về trên sân khách, dù là Kozle vẫn ghi bàn cho đội khách, đại biểu của Nam Tư đã thắng đến 4-1 với pha mở tỷ số của Pacev, cú đúp của Pronescki và bàn còn lại của Radinovic.
Ở vòng 2, Red Star đối đầu với Rangers của Scotland. Họ thắng 3-0 ngay ở trận lượt đi sân nhà, Pacev và Pronecski lại ghi bàn, trong khi một cầu thủ của Rangers đá phản lưới nhà. Trận lượt về tại Ibrox, Red Star cầm hòa 1-1, Pancev ghi bàn thắng duy nhất cho đội bóng Nam Tư, và như vậy cũng là quá đủ.
Ở tứ kết, Red Star đấu với đại biểu khá yếu đến từ CHDC Đức - Dynamo Dresden. Thời điểm đó, làng thể thao của “Đông Đức”, theo cách gọi dân dã, tuy rất mạnh với những môn thể thao khác, nhưng bóng đá lại không phải là mũi nhọn, trọng điểm, nếu so sánh với làng bóng đá Đông Âu nói chung. Nếu như các đội bóng từ Liên Xô, Rumani, Nam Tư, trước đó là Hungary, sau này là Bulgaria… đều có những dấu ấn đáng kể trong làng bóng đá châu Âu, thì phía CHDC Đức lại khá mờ nhạt.
Đó cũng là một phần của lý do, Red Star trải nghiệm “rào cản” ở mức độ nhẹ nhàng nhất khi đối mặt với đội bóng thành Dresden. Họ thắng với tổng tỷ số 6-0 trong cả 2 lượt trận đi - về. Nhưng kết quả ban đầu lại khác. Sau khi thắng 3-0 trong trận lượt đi, ngay trong trận lượt về, lưới của thủ thành Stojanovic đã phải rung lên. Torsten Gutschow mở tỷ số cho đội bóng CHDC Đức ngay ở phút thứ 3, từ chấm 11 mét.
Không nao núng, bước sang hiệp 2, Red Star lần lượt gỡ hòa và vượt lên dẫn trước 2-1 nhờ công của Savicevic (phút 52) và Pancev (phút 69). Để rồi sau đó, biến cố xảy ra: Ở phút 78, trọng tài Emilio Soriano Aldren buộc phải cho dừng trận đấu vì trên khán đài, các cổ động viên của đội bóng thành phố Dresden gây bạo động, đánh nhau và ném chai lọ xuống sân đấu. UEFA sau đó đã phải hủy kết quả đến phút thứ 78, trao chiến thắng 3-0 cho Red Star. Như vậy có nghĩa là, Red Star đã thắng với tổng tỷ số 6-0.
Cũng như Red Star, Marseille thắng ở trận lượt về vòng tứ kết nhờ vào “phán quyết của UEFA”. Đấu với “đại kình địch” AC Milan, Marseille cầm hòa 1-1 trong trận lượt đi trên sân đối phương (Gullit mở tỷ số cho đội chủ sân San Siro, Papin gỡ hòa 1-1). Ở trận lượt về, Marseille tạm dẫn trước 1-0 khi Waddle ghi bàn cho đội chủ sân Stade Velodrome. Đến phút bù giờ, 2/4 dàn đèn của sân vận động không thể chiếu sáng, trọng tài buộc phải cho dừng trận đấu. 15 phút sau, đèn sáng trở lại, nhưng Giám đốc của Milan, ông Adriano Galliani, từ chối cho đội mình quay lại sân đấu. Kết quả ban đầu bị hủy bỏ, UEFA trao chiến thắng 3-0 ở lượt về vào tay Marseille và họ đã thắng với tổng tỷ số chung cuộc 4-1.
Đối thủ của đội Red Star ở vòng bán kết, chính là Bayern hùng mạnh (hoặc “vẫn luôn luôn hùng mạnh theo tháng năm”). Họ có Klaus Augenthaler và Jurgen Kohler, chính là 2 thành viên trụ cột vừa mới cùng đội tuyển CHLB Đức đánh bại Argentina của Maradona và Caniggia ở trận chung kết World Cup 1990 hồi 9 tháng trước. Họ có Stefan Effenberg máu lửa hoang dã đang trong độ chín. Họ có Brian Laudrup, tài năng trẻ đầy tự hào của bóng đá Đan Mạch trên hàng công. Họ có tiền vệ kiến tạo tinh quái mặc áo số 10 Olaf Thon. Trên băng ghế huấn luyện, họ có chiến lược gia Jupp Heynckes. Họ còn có… toàn châu Âu hỗ trợ phía sau, khi Nam Tư dần trở thành “tử địch” của khối tư bản chủ nghĩa…
… Họ còn sớm có ưu thế dẫn trước trong trận lượt đi tại sân nhà Olympic, khi Roland Wohlfarth thâm nhập sâu vào vòng cấm địa sau cú đánh gót cực quái của Thon, và khéo léo gẩy bóng qua người thủ môn Stojanovic, mở tỷ số trận đấu ở phút 23. Nhưng cũng từ đó trở đi, phẩm chất tuyệt vời của Red Star dần bộc lộ: những pha ban đập nhỏ bên phần sân nhà để thoát pressing, sau khi cướp bóng từ một pha tấn công của đối thủ, kết hợp với một đường chuyền xuyên tuyến mang tính quyết định.
Ở phút 45, từ một tình huống tương tự, bóng được giải tỏa lên cho Binic đang chạy biên phải. Ông dốc bóng vào ngay rìa vòng cấm địa và căng ngang sang phía bên kia. Pancev tiếp tục thể hiện bản năng sát thủ vốn đã sống cùng ông trong suốt mùa giải, khi lao nhanh vào đệm bóng cận thành và gỡ hòa 1-1. Phút thứ 70, khi Bayern mải miết dâng cao tìm bàn nâng tỷ số tiếp theo, Red Star lại có bóng phản công, Savicevic nhấn ga vượt qua hậu vệ cuối cùng của đối thủ và dứt điểm vào góc xa. 2-1 cho Red Star.
Trong trận lượt về, Mihajlovic thể hiện kỹ năng sút phạt hàng rào siêu đẳng, thứ “vũ kỹ” sau này giúp ông “danh chấn thiên hạ” ở Serie A với 28 lần sút phạt hàng rào làm tung lưới đối phương, để mở tỷ số cho Red Star ở phút thứ 24. Bayern vùng lên dữ dội, họ ghi liền 2 bàn thắng trong các phút 61 và 66 do công của Augenthaler (cũng một phần là do thủ môn Stojanovic chủ quan để bóng lọt qua người sau pha dứt điểm khá nhẹ của Augenthaler) và của Bender. Nếu tỷ số 2-1 được giữ nguyên, cả 2 sẽ phải đá hiệp phụ. Nhưng ở phút 90, người hùng Augenthaler hóa “tội đồ” khi đá phản lưới nhà. Red Star gỡ 2-2 và thắng chung cuộc 4-3.
Lọt vào chung kết, Red Star đứng trước cơ hội lịch sử, qua mặt Partizan, trở thành đội Nam Tư đầu tiên vô địch Cup C1. Họ phải đấu với OM “toàn sao” ở thời điểm đó, với tham vọng thống trị châu Âu của ông bầu tai tiếng Tapie. Sau 120 phút “nước chảy không lọt”, khi Red Star chủ động phòng ngự kín kẽ, hiếm khi tổ chức tấn công, còn Marseille bất lực trong khả năng xuyên phá hàng thủ của đối thủ, cả 2 kéo nhau vào loạt sút luân lưu.
Ở đây, cả 5 cầu thủ Red Star đều thực hiện thành công “bài thi” của mình; trong khi đó, Manul Amoros, dù lấy đà từ rất xa, bên ngoài vòng cấm, vẫn đá quả mở màn cho Marseille không thành công, bị… thủ môn Stojanovic cản phá. Red Star thắng chung cuộc 5-3, và đó cũng là lần cuối cùng người ta trông thấy lá cờ 3 màu xanh - trắng - đỏ, có ngôi sao đỏ ở giữa (quốc kỳ của Nam Tư) được phất cao trong một sân bóng đẳng cấp hàng đầu châu Âu.
Sau ngôi vô địch Cup C1 năm 1991, gần như cả đội hình Red Star vẫn sát cánh cùng nhau trong 2 trận đấu cuối cùng, trận Siêu Cup châu Âu vào ngày 08-12-1991, thua Manchester United của ông Alex Ferguson 0-1 (Brian McClaire ghi bàn thắng duy nhất); và trận Cup Liên lục địa vào ngày 08-12-1991, thắng Colo Colo (Chile) 3-0 nhờ cú đúp của Jugovic và bàn còn lại của Pancev. Khi đó, đội hình của họ đã không còn Prosinecki, người gia nhập Real với giá 450 triệu peseta (khoảng 15 triệu € ngày nay).
Có thể nói, đội hình Red Star 1990-91 là đội hình “vô địch một lần duy nhất”. Họ không bao giờ được tạo cơ hội thứ 2, nếu điều đó xảy ra, châu Âu đã rung chuyển “kinh thiên động địa” thêm lần nữa. Mùa hè năm 1992, Nam Tư bị UEFA loại khỏi cuộc chơi Euro, theo sau lệnh trừng phạt chính trị đất nước này do tình hình nội chiến, thanh lọc sắc tộc. Thế là, cơ hội cuối cùng để những Savicevic, Pancev, Mihajlovic, Jugociv… sát cánh cùng nhau tranh đoạt thêm vinh quang tan thành mây khói. Nhưng cũng vì vậy, châu Âu tìm ra được một nhà vô địch mới đầy bất ngờ - tuyển Đan Mạch của Pete Schmeichel, của anh em nhà Laudrup.