Vũ Hoàng (ACMilanVN)
World Cup 1982 chứng kiến đội bóng Thiên thanh lên ngôi vô địch thế giới lần thứ 3, cân bằng với kỷ lục của Brazil vĩ đại. Trong khung gỗ là thủ thành kỳ cựu Dino Zoff, hàng thủ gồm 2 trung vệ có lẽ là xuất sắc nhất thế giới lúc ấy, Claudio Gentile và Gaetano Scirea. Bên cánh trái là Antonio Cabrini với tốc độ siêu hạng. Tuyến tiền vệ có Marco Tardelli, còn phía trên hàng công là đương kim Quả Bóng Vàng châu Âu Paolo Rossi, người hùng của Azzurri ở Tây Ban Nha. Tất cả họ đều có mặt trong đội hình Juventus mùa giải 1982-83. Nhưng chưa hết, Juve còn có hai siêu sao khác. Zbigniew Boniek, cầu thủ số 1 của Ba Lan, đội xếp hạng tư ở World Cup năm ấy và Michel Platini, chắc chắn là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm này. Đó là còn chưa kể ngôi sao Roberto Bettega, người chỉ vắng mặt ở World Cup 1982 vì chấn thương. Với một đội hình khủng khiếp như vậy, không có gì lạ khi Juve đặt mục tiêu hoàn tất trọn bộ các Cup châu Âu. Chỉ có điều, đó lại là sự khởi đầu của một bi kịch…
Hamburger, cái tên mà khi nghe qua, chúng ta dễ liên tưởng tới món bánh mì kẹp thịt ngon tuyệt của nước Mỹ. Tôi vẫn thích cái vị ngậy ngậy ở trong nhân của chiếc bánh này. Chỉ có điều, nó hơi ít rau. Vài mẩu xà lách là không đủ với mẫu người thích ăn nhiều rau như tôi. Nhưng chờ đã! Chúng ta đang nói đến bóng đá cơ mà nhỉ? À phải rồi! Hamburger, tôi cần nhắc lại, đó không phải là món bánh mì kẹp thịt ngon tuyệt của nước Mỹ, đó là một đội bóng hẳn hoi, một đội bóng đã từng có quá khứ đầy hào quang và giờ thì đang gặm nhấm hào quang đó ở giải hạng 2 của nước Đức.
Nhưng vào thời điểm năm 1983, Hamburg (xin gọi theo tên tiếng Anh thay vì tên gốc tiếng Đức Hamburger, rất dễ làm bạn liên tưởng tới món bánh mì kẹp thịt) là một đội bóng rất mạnh. Họ liên tục góp mặt ở giải Bundesliga, chưa từng bị xuống hạng và đã vài lần giành ngôi vô địch. Năm 1980, Hamburg đánh bại một loạt CLB hùng mạnh để lọt vào chung kết Cup châu Âu. Tiếc thay, điều đó lại vô tình tạo bệ phóng cho Nottingham Forest bảo vệ được danh hiệu. Forest chiến thắng 1-0 với lối chơi cực kỳ chặt chẽ của Brian Clough, bất chấp Hamburg có trong tay cầu thủ ưu tú nhất châu Âu Kevin Keegan.
Tuy nhiên, mùa giải 1980-81 đã chứng kiến một điều tệ hại, huấn luyện viên Branko Zebec bỗng nghiện rượu. Ông thường xuyên say túy lúy. Ở nhà. Ở quán rượu. Và thậm chí ở cả trong trận đấu. Không thể để một gã bê tha như vậy tiếp tục dẫn dắt đội bóng! Giám đốc thể thao Gunter Netzer quyết định hành động. Ông lập tức sa thải Zebec và mời huấn luyện viên huyền thoại Ernst Happel về để xây dựng một chu kỳ thành công mới vào mùa hè năm 1981.
Lúc ấy, Happel đã trải qua một cuộc sống đầy biến động và rất nổi tiếng bởi tài năng và cá tính của mình. Là một hậu vệ cực kỳ xuất sắc, Happel đã từng gây tiếng vang khi ông lập hat-trick vào lưới Real “thần thánh” và khiến đội bóng của Di Stefano phải đá lại mới có thể giành quyền đi tiếp tại Cup C1. Được mệnh danh là “Achilles”, ông đã dũng cảm từ chối tham gia lực lượng Quốc xã dù sau đó vẫn bị đẩy ra chiến trường. Bị bắt giữ bởi quân Đồng minh, Happel thậm chí đã trốn thoát thành công và tìm được đường tới vùng do Hồng quân kiểm soát. Sau Thế chiến thứ Hai, Happel quay lại với nghiệp cầu thủ. Ở Vienna, ông thường xuyên lui tới các quán cà phê. Chính nơi đây, rất nhiều tư duy bóng đá được hình thành và trao đổi. Các cuộc thảo luận diễn ra giữa những “triết gia bóng đá” đã giúp Happel tăng thêm rất nhiều vốn hiểu biết của ông. Nhưng cũng chính những nơi đó đã khiến Happel dính phải thói quen xấu ảnh hưởng tới sức khỏe của ông sau này: rượu và thuốc lá.
Năm 1970, Happel đưa Feyenoord trở thành CLB Hà Lan đầu tiên giành chức vô địch châu Âu. Ông còn về nhì ở giải đấu này vào năm 1978 cùng Brugge và vài tháng sau, về nhì ở World Cup khi dẫn dắt Hà Lan tới Argentina. Ở trên sân cỏ, Happel có một hấp lực kinh khủng. Ông là trung tâm sự đoàn kết của các cầu thủ, là người biết cách thúc đẩy tiềm năng của đám học trò và gây áp lực mạnh mẽ lên đối phương. Thế nhưng, ở phòng họp báo, ông giống một gã lập dị nhiều hơn là một quý ông. Thường thì Happel chỉ trả lời 3-4 câu của các phóng viên và sau đó, ông đứng dậy nó: “Các vị muốn viết gì thì viết. Tôi đếch quan tâm.” Nói xong, ông bỏ đi một mạch. Mặc dù vậy, mối quan hệ của Happel với các cầu thủ là rất tốt, tuy ông cũng hay càu nhàu và quát tháo trên sân tập. Ông còn nổi tiếng bởi tính cách kỳ cục khi bắt cầu thủ ra sân tập lúc 7 giờ sáng dù chỉ vài giờ sau, cả đội phải bay tới Italia để thi đấu. Netzer bình luận về vị huấn luyện viên người Áo này là “cỗ máy xay thịt đầu tiên mà tôi từng gặp”. Không phải ngẫu nhiên khi người ta gọi lén ông là “Bạo chúa” ở sau lưng.
Hồi mới bắt đầu sự nghiệp huấn luyện viên, Happel đã thay đổi tư duy của cả đội bóng bằng sự sắt đá của mình. Ông đến ADO Den Haag để làm việc ngày đầu trong màn mưa nặng hạt. Các cầu thủ thì muốn tập ở trong nhà còn Happel thì không. Ông đặt lon nước ngọt lên xà ngang và sút trúng nó ngay ở lần đầu tiên, sau đó tuyên bố: “Thằng nào làm được như tao thì hẵng vào nhà”. Các cầu thủ kém cỏi của Den Haag đã bất lực trong việc sút trúng lon nước ngọt như ông thầy và phải cắn răng tập khi quần áo lẫn giày ướt sũng vì nước mưa. Nhưng Happel không hẳn là mẫu huấn luyện viên khắc nghiệt kiểu chủ nô như Helenio Herrera, ông cũng biết cách gợi cho các cầu thủ đóng góp ý kiến vào cách vận hành đội bóng. Sự dung hòa giữa sắt đá và mềm dẻo đã tạo nên sự nghiệp phi thường của chiến thuật gia người Áo và đó là cái mà Netzer cần ông để thay thế Zebec.
Happel bắt tay vào việc thay đổi lối chơi của Hamburg ngay. Ông thổi vào đội bóng này sự điềm tĩnh và kỷ luật. Hamburg thường tìm cách dồn ép đối thủ, cố gắng hạn chế bàn thua và chơi rất chậm, chắc. Đội bóng này biến thành một cỗ máy vận hành trơn tru và hiệu quả, đúng với tinh thần Đức. Một tờ báo lúc đó mô tả “Hamburg chơi càng ngày càng khó chịu”. Trong vòng hơn 1 năm, từ tháng 1-1982 đến tháng 1-1983, Hamburg trải qua 36 trận liên tiếp ở giải vô địch quốc gia mà không thua. Họ thắng 19 trận và hòa 17 trận và cho đến nay, đây vẫn là chuỗi trận bất bại dài nhất của một huấn luyện viên tại Bundesliga.
Hamburg không còn trong tay Kevin Keegan như vài năm trước nữa. Đổi lại, họ xây dựng được một đội hình mạnh với nhiều tuyển thủ quốc gia Tây Đức làm nòng cốt. Ở trong khung gỗ là Uli Stein, hàng thủ có Ditmar Jakobs, một lá chắn vững chắc và dạn dày kinh nghiệm. Thủ lĩnh hàng tiền vệ là Felix Magath, người sau này cũng rất nổi tiếng với vai trò huấn luyện viên. Đá cao nhất là Horst Hrubesch, người vừa quyết định từ giã đội tuyển quốc gia để tập trung cho Hamburg. Mặc dù vậy, Giám đốc thể thao Gunter Netzer không đầu tư quá nhiều tiền cho thị trường chuyển nhượng và Happel phải tự hài lòng với những cầu thủ mà ông có trong tay, phần lớn đều là những người đang chuẩn bị bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Có thể nói, trước khi trận chung kết 1983 diễn ra, Hamburg thật giống một gã công nhân thô kệch khi đối đầu với đội bóng hào nhoáng và giàu có Juventus.
Tháng 5-1983, Hamburg tới Hy Lạp để chuẩn bị cho trận chung kết Cup châu Âu thứ 2 trong lịch sử của mình. Huấn luyện viên Happel lúc này rất tự tin khi đối đầu với Juventus. Ông là một người có nhiều kinh nghiệm khi gặp các đại diện nước Ý. Năm 1970, ông đã dẫn Feyenoord vượt qua AC Milan, lúc ấy là đương kim vô địch, để đoạt Cup. Brugge của ông năm 1976 cũng đánh bại AS Roma và năm 1978, tiễn chính Juventus về nước để đi tới trận chung kết. Rõ ràng, Happel có lý do để tin ông sẽ giành chiến thắng tại Athens.
Tất nhiên, Juventus 1983 là một đội bóng rất mạnh, thậm chí là quá mạnh với dàn ngôi sao rực rỡ nhất thế giới. Nhà vô địch nước Ý dồn mọi quyết tâm và nỗ lực cho chiếc Cup mà họ chờ đợi để có từ quá lâu. Cho đến năm 1983, Juve là CLB tham dự Cup C1 nhiều nhất trong lịch sử bóng đá Italia (bây giờ cũng vẫn thế) nhưng trong khi hai kỳ phùng địch thủ Milan và Inter đều đã có 2 danh hiệu thì họ vẫn chưa một lần đăng quang. Trận chung kết năm 1983 được xem như cuộc đối đầu lần 2 giữa người Ý và người Đức. Rất nhiều cầu thủ của Juventus là thành viên của nhà vô địch thế giới 1982 trong khi một vài cầu thủ Hamburg, trong đó có Hrubesch và Magath, là những người thất bại ở trận chung kết tại Tây Ban Nha.
Trước trận, Happel họp đội và nhận định việc Juventus có quá nhiều siêu sao, nếu chơi theo cách một kèm một thì rất khó khăn để giành chiến thắng. Sau khi trình bày xong cách tiếp cận trận đấu, ông hỏi ý kiến các cầu thủ rằng có nên dành ra 1 người để “bắt chết” Michel Platini hay không. Lúc ấy, Platini là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và đang ở đỉnh cao phong độ. Nhưng các cầu thủ Hamburg đã lắc đầu. Happel quyết định tin tưởng đám học trò và chỉ yêu cầu họ tuân thủ chiến thuật ông đề ra.
Trận đấu đã bắt đầu đúng như những gì Happel tính toán. Phút thứ 9, Magath nhận được bóng từ Wehmeyer, anh dẫn bóng đi vài nhịp trước khi quyết định dứt điểm từ khoảng cách gần 20 mét. Cú sút chân trái mạnh và hiểm đến mức độ Dino Zoff tung người hết cỡ cũng không thể cứu được bàn thua. Hamburg vượt lên từ rất sớm và bắt đầu triển khai ý đồ chiến thuật của Happel. Những đợt tấn công của Juventus tỏ ra bế tắc và vô vọng. “Tôi đã muốn rời khỏi sân chỉ sau có 1 hiệp.” Platini đã phải thốt lên đầy cay đắng khi anh hoàn toàn mờ nhạt trước các tiền vệ người Đức. Cầu thủ người Pháp hoàn toàn không có không gian để thể hiện kỹ năng và phẩm chất sáng tạo của mình ngoài việc chạy lăng xăng theo trái bóng. Sang hiệp 2, tình hình cũng không khá hơn. Huấn luyện viên Giovanni Trapattoni đã cố gắng tìm cách thay đổi việc tiếp cận trận đấu nhưng mọi nỗ lực của Juve đều bị hàng thủ của Hamburg bẻ gãy. Happel đã hét lên để động viên các học trò: “Hãy cho cả nước Đức thấy thứ bóng đá mà họ cần!”.
Magath ghi bàn cho Hamburg
Hamburg đứng vững tới lúc trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu. Những cầu thủ “công nhân” áo đỏ tràn vào sân ăn mừng. Happel nói trong sự xúc động: “Đây có lẽ là giây phút tuyệt vời nhất trong cuộc đời huấn luyện của tôi.” Đội bóng Đức đã làm được một việc phi thường, đó là xen vào giữa thời đại thống trị của người Anh bằng một chức vô địch đáng nhớ. Còn Happel đi vào lịch sử khi trở thành huấn luyện viên đầu tiên vô địch Cup C1 với 2 đội bóng khác nhau.
Nhưng nhiệm vụ của Happel và Hamburg vẫn chưa kết thúc. Ở Bundesliga, họ đang bị Werder Bremen bám sát dữ dội. Trở về trong sự mệt mỏi, Hamburg tiếp tục đánh bại 2 đối thủ cực kỳ khó chịu là Borussia Dortmund và Schalke 04 ở hai trận cuối cùng để bảo vệ thành công chiếc Đĩa bạc. Happel đã đưa đội bóng của ông trở thành CLB số 1 châu Âu và số 1 nước Đức trong cùng một mùa giải.
Thành công đã đến với Hamburg sau rất nhiều năm nỗ lực. Nhưng họ đã tự phá hủy tất cả chỉ trong một mùa hè. Trong không khí lâng lâng chiến thắng, Happel và Netzer đã phạm phải sai lầm. Cả hai quyết định trẻ hóa đội hình và đẩy đi hai cầu thủ kỳ cựu Horst Hrubesch và Lars Bastrup. Để thay thế, Netzer đưa Wolfram Wuttke và Dieter Schatzschneider về nhưng họ đã làm Happel thất vọng. Hamburg nhanh chóng tụt dài bất chấp những nỗ lực của huấn luyện viên người Áo. Phải đến tận mùa bóng 1986-87, CLB mới trở lại đường đua khi về nhì ở Bundesliga và giành Cup quốc gia. Nhưng đó là lúc Happel cảm thấy thời gian của ông với bóng đá đỉnh cao đã cạn. Mệt mỏi vì áp lực công việc, ông xin từ nhiệm và trở về quê nhà để dẫn dắt những đội bóng ít tên tuổi nhưng thảnh thơi hơn. Về phần Hamburg, đội bóng mất Happel như rắn mất đầu. Họ tụt dốc không phanh, suýt phá sản vào đầu thập niên 1990 và trở thành một CLB tầm thường trước khi bị xuống hạng lần đầu trong lịch sử vào năm 2018. Chiếc Cup Quốc gia 1987 mà Happel mang về cho Hamburg chính là danh hiệu cuối cùng cho đến lúc này của họ ở nước Đức.
Đối thủ của Hamburg, Juventus, cần thêm 2 năm nữa để có chiếc Cup mà họ thèm khát. Nhưng một lần nữa, đội bóng Italia lại trải qua một cơn bi kịch trong một trận chung kết đau thương nhất lịch sử Cup châu Âu…