Dũng Phan
Đấy là một chức vô địch Champions League kỳ lạ, chức vô địch của một đội bóng điêu tàn vì chấn thương, thẻ phạt, của một đội bóng đã thay tướng giữa dòng, của một đội bóng đã đối diện những nghi ngờ và xem thường, nhưng đội bóng ấy đã vượt qua những kẻ mạnh hơn mình nhiều lần để chiến thắng và để hạnh phúc. Chức vô địch của kẻ yếu nhưng là kẻ lì lợm, của kẻ chịu rất nhiều bất công nhưng vẫn luôn bền chí, của nhân vật chính trong bộ manga có tên là: “Chelsea - Champions League 2012”.
Manga (tiếng Nhật: kanji: 漫画, hiragana: まんが, katakana: マンガ, Hán-Việt: mạn họa) là một từ trong tiếng Nhật để chỉ về truyện tranh hay tranh biếm họa. Khi phổ biến ra thế giới, manga được định nghĩa là những truyện tranh xuấtxứ từ Nhật Bản. Truyện tranh Nhật Bản thường khai thác khá nhiều về đề tài thể thao, ví dụ bóng đá có Tsubasa, Jindo, bóng rổ có Slamdunk, bóng chuyền có Haikyuu, bóng chày có Major… Những câu chuyện manga đó thường có một motip chung, đấy là kể về một tập thể bóng đá có xuất phát điểm thua kém những tập thể khác, nhưng có những cá nhân nỗ lực biết vươn mình đứng dậy. Họ dù chịu bất công vẫn nỗ lực chiến đấu, và rồi chiến thắng bằng những kịch bản chỉ có trong… truyện tranh: hấp dẫn, thi vị, không tưởng và đẹp đến rơi nước mắt. Champions League có một mùa giải tựa câu chuyện như thế, đấy là mùa giải 2011-12. Và hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn câu chuyện bóng đá manga có thực ấy.
Chelsea, về cơ bản không phải là một đội bóng bình phàm trong bình diện nước Anh. Họ vẫn là một cái tên có tính lịch sử và không thiếu những chức vô địch. Nhưng sự phủ sóng đến với Chelsea chưa được như Manchester United, Arsenal, Tottenham hay Liverpool. Mãi cho đến năm 2003, khi tỷ phú người Nga là Roman Abramovich mua lại Chelsea và cứu rỗi đội bóng này thoát khỏi khủng hoảng, thì câu chuyện về Chelsea mới được rẽ sang hướng khác. Tuy nhiên, xin nói thẳng, giá trị của “The Blue” rất khác so với những đội bóng trọc phú mới nổi khác. Trước khi chiến thắng, họ tạo nên phong cách trước.
Roman Abramovich đã đưa về Stamford Bridge hai người quan trọng, một người là “Khổng Minh” của thế giới bóng đá: Giám đốc điều hành Peter Kenyon, có nhiệm vụ vạch ra sách lược và nâng tầm Chelsea ở tầm quản trị vĩ mô. Và người kia đến sau đấy một năm, chính là huấn luyện viên Jose Mourinho, nhà vô địch Champions League với FC Porto, vị huấn luyện viên được thèm khát nhất thế giới, và cực kỳ tân thời trong thời điểm ấy. Mourinho mang trách nhiệm xây nên một nền móng cơ bản cho Chelsea. Kết quả sau 3 mùa giải, ông đã tạo ra đội bóng của những gã đàn ông rắn rỏi, lì lợm và rất khó bị đánh bại. Quan trọng nhất, Mourinho tạo ra một trục dọc, một “xương sống” sẽ đi theo Chelsea xuyên suốt một thập kỷ kể cả khi ông không còn ở Chelsea nữa. Họ bao gồm 4 người trải dài từ dưới lên trên, đấy là thủ môn Petr Cech, hậu vệ John Terry, tiền vệ Frank Lampard và tiền đạo Didier Drogba. 10 năm, Stamford Bridge chứng kiến bao nhiêu siêu sao đến và đi, chỉ có bộ khung này không bao giờ thay đổi. Trục dọc này là gốc rễ căn bản nhất định hình ra Chelsea, gây dựng nên một Chelsea của những gã đàn ông rắn rỏi, tạo nên những trận đấu bất hủ với Barcelona, một “sư tử xanh” được mến mộ từ khắp nơi trên thế giới.
Máu, mồ hôi và nước mắt cũng đã chảy ra rất nhiều trên khuôn mặt của những gã đàn ông ấy. Người ta không bao giờ quên được những giọt nước mắt của John Terry sau cú trượt chân trên thủ đô Moscow, Nga năm 2008. Làm sao mà quên được hình ảnh của chàng trai người Đức Michael Ballack quỵ gối trong cơn mưa tầm tã khi thấy Terry sút trượt. Làm sao quên được cái gục đầu khóc tức tưởi của William Gallas khi “bàn thắng ma” của Luis Garcia được công nhận ở bán kết Champions League 2004-05. Và làm sao quên được sự uất hận đến cực độ trong trận bán kết lượt về năm 2009 với Barcelona, còn bi kịch nào lớn hơn bi kịch hôm ấy? Còn hình ảnh nào phản chiếu sự phẫn uất cho Chelsea như cảnh Ballack chạy đuổi theo trọng tài Tom Henning Ovrebo mà bất lực, cảnh Drogba đứng trước máy quay gào thét và không cần phải giữ mồm giữ miệng nữa vì sự tức giận đã vượt lên hết thảy. 8 năm tròn từ ngày Cech - Terry - Lampard - Drogba đứng cùng nhau trên một chiến tuyến, bất công và thất bại, nước mắt và những lần tức tưởi thay nhau giáng xuống tập thể đó. Ép những người hâm mộ Chelsea đến cực độ của sự đau đớn và mỏi mệt, như ánh nhìn lên trời đầy bàng hoàng của Ashley Cole sau cú ra chân của Iniesta.
Mùa giải 2011-12 đến khi “bộ tứ” và Ashley Cole đều đã đi qua tuổi 30, Chelsea cũng đã chia tay Ballack, Joe Cole, đã xa Makelele, Damien Duff từ rất lâu, cũng không còn Ricardo Carvalho nữa. Đội bóng lại còn chấm dứt hợp đồng với Carlo Ancelotti để đưa về André Villas-Boas, khi ấy mới 33 tuổi nhưng vừa ăn 3 với Porto và được đánh giá là “Mourinho đệ nhị”. Chúng ta không cần nói nhiều về lựa chọn sai lầm này của Chelsea cho chiếc ghế của huấn luyện viên Villas-Boas, nhưng vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha đã ký được 3 chữ ký quan trọng. Cả ba cầu thủ được ông mang về đều có một ý nghĩa rất lớn với Chelsea. Đấy chính là tiền vệ Juan Mata - cầu thủ Chelsea hay nhất mùa giải 2011-12, linh hồn của chiến thắng kỳ vĩ ở Champions League 2012. Người thứ hai là một ánh sao băng đến và đi chỉ trong một mùa giải, nhưng ký ức về anh thì vĩnh viễn nằm lại ở Stamford Brige, đấy chính là Raul Meireles. Và người cuối cùng là một bản hợp đồng ở tương lai mà Villas-Boas không bao giờ được chứng kiến, đấy chính là Thibaut Courtois, người lập tức được mang cho Atletico Madrid mượn.
Mùa giải 2011-12 là mùa giải vứt đi của Chelsea ở đấu trường quốc nội, khi Villas-Boas không thể quản lý được phòng thay đồ, còn trên sân cỏ thì đẩy đội nhà tụt xuống thứ 5 trên bảng xếp hạng. Để rồi đến vòng 27 Ngoại hạng Anh, sau khi Chelsea để thua 0-1 trên sân của West Bromwich thì quyết định sa thải André Villas-Boas được thông qua. Trợ lý Roberto di Matteo, một cái tên về sau sẽ đi vào sử sách, nắm đội một cho đến hết mùa giải. 7 ngày sau khi nhậm chức, Di Matteo nhận nhiệm vụ gian nan đầu tiên là phải đánh bại Napoli trong trận lượt về vòng 16 đội Champions League. Trước đó, Chelsea đã để thua 1-3 ở lượt đi. Không ai tin rằng một đội bóng hoang tàn, một tập thể vừa thay một ông tướng non kinh nghiệm ấy lại có thể lội ngược dòng. Nhưng đấy chỉ là ngọn núi đầu tiên mà Chelsea 2012 phải vượt qua trong hành trình hoang đường đó.
Stamford Bridge ngày 15-03-2012, “The Blues” tiếp đón Napoli với tỷ số 1-3 sau khi bóng lăn. Roberto Di Matteo đem vào sân đầy đủ Ashley Cole, Michael Essien, Frank Lampard và Didier Drogba. Cần nhớ, thời gian chỉ trước đấy một tháng khi Villas-Boas nắm quyền, ông đã công khai từ chối những công thần này, đẩy mâu thuẫn với Frank Lampard lên đến đỉnh điểm. Nhưng Di Matteo thì không làm điều rồ dại ấy, Chelsea có những người đàn ông mang đầy bản lĩnh trận mạc ở Champions League, chỉ có kẻ điên mới không sử dụng họ. Napoli cũng không phải tầm thường, họ có đầy đủ anh tài như Lavezzi, Hamsik, và đặc biệt là Edinson Cavani. Nhưng Chelsea là tập thể của những người đàn ông lì lợm. Phút 29, Ramires tạt bóng, Drogba lao người đánh đầu và 1-0 cho Chelsea. Sang hiệp 2, cũng thêm một cú lắc đầu nữa, và lần này là của John Terry từ đường chuyền của Lampard. Nếu tỷ số này được giữ nguyên, Chelsea sẽ vào vòng sau nhờ bàn thắng trên sân khách. Nhưng cái số của Chelsea 2012 là phải làm đau tim người hâm mộ, và đến phút 58 thì Napoli có bàn rút ngắn tỷ số xuống 1-2, cũng là bàn thắng để giật lại tấm vé từ đội bóng thành London. Chelsea điên cuồng lao lên tấn công, và trong một pha hãm thành của Chelsea, bóng chạm tay Lavezzi. Trọng tài không ngần ngại chỉ tay lên chấm phạt đền. Lampard, biểu tượng cho bản lĩnh kinh hoàng của Chelsea năm ấy bước lên nhận nhiệm vụ. 3-1 cho Chelsea, tỷ số 2 trận là 4-4 và hai đội đến với hiệp phụ. Hiệp phụ chứng kiến một cận vệ khác của Chelsea làm người hùng, đấy chính là Branislav Ivanović với cú sút tung nóc lưới ở phút cuối hiệp phụ thứ nhất. 4-1 cho Chelsea, Stamford Brigde chứng kiến màn lội ngược dòng vĩ đại nhất lịch sử Chelsea kể từ khi đội bóng thành London tham dự Champions League.
Lá thăm may mắn đưa họ đến với cái tên Benfica ở tứ kết, nơi “ánh sao băng” Raul Meireles tỏa sáng và đưa Chelsea đến với vòng bán kết gặp đối thủ duyên nợ, gã khổng lồ với món tiqui-taca đang làm mưa làm gió khắp hang cùng ngõ hẻm, đội bóng gợi lại cho họ niềm uất hận cách đó 3 mùa giải: Barcelona. Chẳng ai nghĩ Chelsea có thể vượt qua được gã khổng lồ đáng sợ này, đấy là xin nhấn mạnh, Barca này là đương kim vô địch Champions League, và năm dương lịch 2012 còn chứng kiến Messi thăng hoa rực rỡ với 91 bàn thắng - kỷ lục mọi thời đại. Nhưng như đã nói, đây là câu chuyện manga, và nó sẽ có những kết thúc thuộc về tấm gương của kẻ vượt khó.
Lượt đi chứng kiến một Chelsea kiểu Mourinho được sống dậy dưới bàn tay của Di Matteo: vững chãi trong thế trận, chắc chắn trong phòng ngự, sắc sảo khi tấn công, và 1-0 là đủ. Phải nhấn mạnh, nguyên cả hiệp 1 chứng kiến Chelsea chịu trận trước những pha bắn phá của đối thủ. Nhưng đến phút bù giờ thứ hai, Frank Lampard đoạt bóng từ Messi ở giữa sân, tung ra đường chuyền dài nhạy cảm cho Ramires thoát xuống, anh đẩy bóng vào cho Drogba ra chân rất nhanh, hạ gục thủ thành Víctor Valdés. Sang hiệp 2, Chelsea co cụm giữ tỷ số và họ đã được ước nguyện dù phút chót cũng phải run rẩy khi bóng tìm đến cột dọc Cech sau cú sút của Pedro.
Nhưng sân khấu của cặp đấu kinh điển này là ở Nou Camp, vẻ đẹp của trận đấu này là ở Nou Camp, và bi tráng của câu chuyện mà Chelsea sẽ tạo nên chính là ở Nou Camp. Nou Camp huyền thoại chứng kiến thầy trò Pep Guardiola đan bóng chóng mặt để nhanh chóng khuất phục Chelsea chỉ sau 35 phút. Người ghi bàn mở tỷ số là Busquest. Khi Chelsea còn chưa kịp định thần thì đội trưởng John Terry tăng thêm độ khó cho team khi nhận lãnh thẻ đỏ vì tội đánh nguội với Alexis Sanchez. Đến phút 43, Barca cụ thể lợi thế hơn người khi Iniesta nâng tỷ số lên 2-0. Vâng, xin mời bạn tưởng tượng lại hoàn cảnh bi đát của Chelsea khi ấy: thi đấu với 10 người, bị dẫn trước 2-0 giữa Nou Camp, đội hình chắp vá, còn đối thủ đang đá tiqui-taca và “quái vật” Lionel Messi, chưa kể còn đầy đủ “cặp sen đầm” Xavi - Iniesta đập nhả bên dưới. Trừ phi là trong truyện tranh, chứ ai mà thắng được?
Vậy mà trong sát-na mong manh của chiến thắng và vỡ trận ấy, thì Chelsea đã ghi được bàn thắng thần kỳ từ cú lốp bóng không tưởng của Ramires ở tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Người chuyền bóng, vẫn là Lampard (khi ấy trên tay anh đang là chiếc băng đội trưởng thay cho Terry). Tấm băng caption đó về sau sẽ là biểu trưng của một vị thần bảo hộ Chelsea. Người xốc nách toàn bộ đội bóng đứng dậy, giữa va chạm vẫn chỉ thẳng tay vào mặt từng kẻ gây sự để bảo vệ sự tôn nghiêm cho màu áo, và khiến các đồng đội xung quanh phải lao lên cùng và chiến đấu đến cùng. Những gì tiếp theo là một thước phim bi tráng. Chelsea bị thổi phạt 11m, nhưng trên chấm 11m đó, Messi đã không thắng được Cech. Cùng với đó là vô số những lần chạm cột, chạm xà và những lần Cech liều mình đẩy bóng ra. Tin nổi không? CLB xứ Catalunya đã kiểm soát bóng lên đến 72% và tung ra 24 cú dứt điểm. Nhưng cả đội Chelsea đá như để chết trong việc bảo vệ khung thành của Cech. Gary Cahill bị chấn thương phải rời sân từ phút 12, Lampard thẻ vàng, Cech thẻ vàng, Mikel thẻ vàng, Ivanovic, Raul Meireles cũng thẻ vàng. Hình ảnh Raul Meireles vừa chắp tay, vừa cười lấy lòng, vừa van xin trọng tài Cuneyt Cakir đừng rút thẻ vàng anh thật sự vừa buồn cười lại vừa đau lòng. Chiếc thẻ vàng ấy đồng nghĩa với việc chàng trai này sẽ không được chơi trận chung kết vì đã nhận đủ 3 thẻ vàng. Raul Meireles chỉ ở Chelsea một mùa giải, nhưng là động cơ chiến đấu không biết mỏi mệt cho tuyến giữa của “The Blues”. Không chỉ có anh mà còn Ivanovic, Ramires, Terry, tất cả họ đều vắng mặt ở trận chung kết, chỉ vì họ liều mình bằng tất cả mọi cách để Chelsea có được tấm vé nâng cao chức vô địch một lần nữa. Và rồi, đúng phút 90+2 chứng kiến nốt nhạc vút cao đầy cảm xúc từ đôi chân và những bước chạy của Fernando Torres. Khi Barca đang tràn cả lên thì bóng đã được phá về phía khung thành Barca, Torres như có linh tính cứ chạy về phía trước, một pha khống chế bóng mẫu mực, một đường dốc bóng bỏ lại sau lưng Puyol rượt theo đầy tội nghiệp, một cú ngoặt bóng vừa tầm để loại bỏ Valdes. Và rồi lưới rung lên, người Catalan chết lặng, người London gầm lên hạnh phúc, còn Torres chạy về cuối góc sân ăn mừng đầy cảm xúc. Bàn thắng ấy là sự trả thù của 3 năm trước, là màn báo thù cho 8 năm đằng đẵng những bất công, là tiếng gầm vút lên mây xanh của Chelsea. Bàn thắng ấy không phải là bàn thắng để quyết định cho Chelsea đi tiếp (dù thua 1-2 thì họ vẫn vào bán kết), nhưng đấy là cú đấm của sự báo thù, là tiếng nói dõng dạc của một chiến thắng xứng đáng, là màn ăn mừng đã đánh đổi bởi máu, nước mắt, mồ hôi của rất nhiều con người ở Chelsea đã đến và đã đi từ năm 2003 đến 2012, là Mourinho, là Ballack, là Makelele, là Carvalho, là Avram Grant hay Guus Hiddink, và trên tất cả là ông chủ của họ, người đã đến vì những tính toán chính trị, cho đến ngày yêu Chelsea không vụ lợi, không điều kiện: Roman Abramovich. Mãi cho đến tận hôm nay, những bước chạy, bước nhảy của Torres vẫn còn như ngày hôm qua đối với người hâm mộ bóng đá.
1 thẻ đỏ, đá với 10 người nhưng cản 1 quả penalty và ghi 2 bàn. Đấy là manga, không phải bóng đá. Nhưng đấy là Chelsea, Chelseal của năm 2012 bất tử.
Chelsea đã đánh đổi cho tấm vé vào trận chung kết bằng những cái giá rất đắt, cho cái ngày báo thù được Barca bằng tất cả những gì họ có trong tay. Họ mất người quá nhiều từ chấn thương đến thẻ phạt, nhưng họ gieo vào trong lòng những người lành lặn một niềm tin, đã khiến David Luiz sẵn sàng tiêm thuốc giảm đau và dọa giết cả bác sĩ nếu không được vào sân. Huấn luyện viên Di Matteo đã âm thầm làm một video lời chúc của những người trong gia đình cầu thủ và phát trước trận. Những cầu thủ Chelsea xem và rơm rớm nước mắt. Đây là đội ngũ sinh ra để vô địch như manga.
Allianz Arena vào ngày 20-05-2012 cũng là một bản bi hùng ca khác của một Chelsea như bước ra từ truyện tranh. Đối thủ của họ, xin thưa, chính là chủ nhà của sân bóng tổ chức trận chung kết, là “ngáo ộp nước Đức” Bayern Munich. Đội bóng nước Đức có đầy đủ binh hùng tướng mạnh, đối đầu với Chelsea mất hết cả thủ lĩnh và động cơ. Bayern Munich của chung kết cũng như Barcelona ở bán kết, tràn lên như để “ăn tươi nuốt sống” đối thủ, họ ép Chelsea tội nghiệp phải co cụm phòng ngự. Mỗi cú ra chân của “chủ công” Mario Gómez, mỗi pha dứt điểm của Franck Ribéry hay Arjen Robben, mỗi đường câu bóng của Toni Kroos là mỗi lần trái tim fan hâm mộ Chelsea lại nẩy lên một nhịp. Giữa khung cảnh loạn lạc ấy, Petr Cech nổi lên như một thiên thần hộ mệnh. Với chiếc mũ bảo hộ màu đen và bộ đồ màu trắng, anh đẩy hết tất cả mọi đường bóng của đối thủ, tạo sự yên tâm tuyệt đối cho người hâm mộ Chelsea. Trận đấu cũng là một khúc ca của Ashley Cole, người hậu vệ cánh xuất chúng nhất trong lịch sử bóng đá Anh đã thi đấu như để chết. Người Chelsea đá lúc ấy là bằng tinh thần. Kể cả khi Thomas Mueller đánh đầu mở tỷ số vào phút 82, một khoảng thời gian coi như “hết gỡ”, thì Mata vẫn động viên Drogba giữ lấy niềm tin, Lampard vẫn nghiến răng xông lên cùng tấm băng đội trưởng, và định mệnh lần thứ 2 chọn lựa Torres cho thời khắc của “chân mệnh thiên tử”. Torres không hay ở Chelsea, nhưng không có Torres thì không có những thời khắc bất hủ của Chelsea ở Champions League. Tiền đạo Tây Ban Nha kiếm được quả phạt gót ở phút 88, nơi Mata thực hiện đường treo bóng để “Voi rừng” huyền thoại dũng mãnh băng cắt đánh đầu gỡ hòa 1-1. Người Chelsea lại một lần nữa chết đi sống dậy. Từ bán kết đến chung kết, Chelsea 2012 không dành cho kẻ yếu tim và huyết áp cao.
Khi hai đội kéo vào hiệp phụ, người hùng Didier Drogba lại một lần nữa gieo sầu cho cổ động viên nhà. Nếu như ở bán kết anh phạm lỗi với Fabregas dẫn đến quả 11m của Barca, thì lần này anh dùng chân đá sau Franck Ribery trong vòng cấm để cho Bayern được hưởng phạt đền. Đấy đã là hiệp phụ, đấy đã là lúc nhiều người hâm mộ Chelsea nghĩ rằng mọi thứ đã hết. Nhưng cái số mệnh của Drogba hình như không tốt với đối thủ cho lắm. Vòng trước Drogba cho penalty nhưng Messi đá hỏng, vòng này Drogba tiếp tục cho penalty thì đến lượt Robben thất bại. Là vì anh được sao chiếu mệnh sẽ là người hùng, không thể là tội đồ, hay bởi vì anh luôn tin tưởng người bạn Petr Cech của mình? Giống như cách cả đội bóng rổ Shohoku trong Slamdunk đã luôn tin tưởng Hanamichi. Các cầu thủ luôn sẵn sàng ném rổ trong mọi tình huống, vì họ có một niềm tin bất diệt vào khả năng bắt bóng bật bảng của Hanamichi. Bởi dù trong tình huống khó khăn nhất, Hanamichi cũng sẽ lấy được quả bóng và trả về cho đồng đội. Người Chelsea đã chơi với một thứ bóng đá như vậy, đã phòng ngự với niềm tin dồn cả cho Petr Cech, mọi cú dứt điểm dù khó đến đâu, mọi quả phạt đền dù có đến chăng nữa thì vẫn có Cech, anh sẽ cản được, sẽ đưa bóng lên, và Chelsea sẽ chiến thắng.
120 phút kết thúc với tỷ số hòa 1-1, đẩy hai đội vào loạt penalty, cũng là nơi Cech một lần nữa đứng ra gánh trên vai cả tập thể. Thêm một lần nữa, bộ phim Chelsea đẩy kịch tính lên cao trào bằng việc Joan Mata - cầu thủ hay nhất mùa của Chelsea sút hỏng ngay quả đầu tiên. Vậy mà Cech đã chiến thắng hai cú sút cuối cùng của Bayern Munich, nên nhớ, đối thủ của anh là những người Đức lạnh lùng. Cú plot twist này kết thúc bằng cảnh Drogba sút quả penalty quyết định. Những gì còn lại là giọt nước mắt hạnh phúc và lời trả nợ số phận của màu áo xanh.
Chức vô địch ngọt ngào của Chelsea
Khi chữ “Chelsea” được khắc lên chiếc Cup tai to, người hâm mộ bóng đá lắng lại một nhịp, thứ duy nhất họ có thể nói vào lúc ấy có lẽ cũng chỉ là mấy chữ: bóng đá đẹp quá! Còn hành trình mà Chelsea đi của năm 2012 ấy, nếu không thể viết bằng một câu chuyện manga, thì tôi xin dành tặng bạn một chương sách này vậy.