Dũng Phan
Ngày 12-01-2020, truyền thông đưa tin có một bệnh viêm phổi lạ xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Đấy là một loài thuộc họ coronavirus. Tất cả không ngờ thông tin đơn giản này chỉ là khởi nguồn của bi kịch. 10 giờ sáng ngày 23-01-2020, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc chính thức bị phong tỏa với cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tin tức đem lại một cảm giác chết chóc rợn người, như gợi nhớ về một bộ phim kinh dị nào đó mà chúng ta từng xem. Nhưng mọi thứ chỉ là sự khởi đầu của thương đau…
Tháng 2-2020, COVID-19 bắt đầu vượt đại dương, thâm nhập các nước trên thế giới. Các nước đầu tiên chịu hậu quả là Hàn Quốc, Italia và Iran. Ngày 03-03-2020, New York thông báo phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Một tháng sau, số ca nhiễm tăng lên 63.000 ca tại thành phố này. Đấy cũng là lúc bệnh viện quá tải, nhà xác quá tải, và nước Mỹ chìm vào bóng đêm COVID-19. Điều gì đến cũng phải đến, cơn bão COVID-19 thổi vào bóng đá. Chiều 13-3, UEFA ra thông báo, tất cả các trận đấu ở các giải do UEFA phụ trách đều sẽ bị hoãn lại. Ngày 14-03-2020, Premier League tạm hoãn khi mà Liverpool chỉ còn 2 trận thắng nữa là vô địch ngoại hạng Anh sau 30 năm chờ đợi. Ngày 17-03-2020, Euro 2020 chuyển sang Euro 2021. Tất cả đều hiểu, bóng đá đang ở trong những trang sử sẽ được viết lại, được kể cho đời sau, dẫu rằng nó nhuốm màu buồn.
Ngày 22-03-2020, Champions League đón nhận tin buồn đầu tiên đến từ một trong những người có vai trò nhất định trong lịch sử giải đấu, đó là việc cựu chủ tịch của CLB lừng danh Real Madrid, ngài Lorenzo Sanz qua đời vì COVID-19. Ông là người đem về cho những Madridistas những chiếc Cup bên chiếc ti vi màu. Cái chết của vị chủ tịch đã cùng Real vô địch Champions League vào các năm 1998 và 2000 đưa người ta đến một cảm giác là căn bệnh đang không chừa một ai, dù giàu hay nghèo, dù già hay trẻ, dù vô danh hay nổi tiếng. Đó không phải là tin mất mát đầu tiên cho làng bóng đá thế giới năm 2020; cuối năm, lần lượt Diego Armando Maradona lẫn Paolo Rossi qua đời vì bạo bệnh.
Quay lại mặt trận Champions League, theo Edge Health, hãng chuyên phân tích dữ liệu của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, cuộc đọ sức giữa Atletico Madrid và Liverpool tại vòng 1/8 Champions League năm đó có liên quan đến 41 trường hợp chết vì COVID-19. Trận đấu này sau được mệnh danh là “trận đấu của tử thần”. Champions League bước vào giai đoạn cam go nhất từ ngày thành lập. Bởi cần nhớ cho, thành tựu mà Champions League có được đến từ rất nhiều yếu tố từ luật chơi đến luật chia tiền. Luật chơi có luật bàn thắng sân khách, luật chia tiền chính là chia chiếc bánh tiền bạc cho các CLB tham dự giải bằng tiền bản quyền truyền hình và doanh thu thương mại. Ví dụ, trận chung kết Champions League giữa Real Madrid và Atletico Madrid vào năm 2016 có giá trị 1,6 tỷ USD, tạo ra 350 triệu người xem trực tiếp cùng thời điểm. Ở Champions League, nếu bạn càng vào sâu thì tiền bạn nhận được càng nhiều, và nếu “đồng đội” (ý bảo các CLB trong cùng quốc gia với bạn) mà bị loại sớm thì miếng bánh tiền bạc đó lại được chia cho bạn nhiều hơn. Tóm lại, khi tham gia giải đấu này thì số trận thi đấu sẽ tỉ lệ thuận với số tiền được nhận. Giải đấu tạm dừng thì tiền bản quyền truyền hình đương nhiên không có.
COVID-19 ép Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA vào thế khó, không thể theo luật cũ nhưng không thể không cho Champions League kết thúc (vì mọi hợp đồng thương mại đã ký). Kênh truyền hình BT Sport đã phải trả 1,18 tỷ USD để giành quyền phát sóng Champions League trên lãnh thổ nước Anh tới năm 2021. Không tổ chức đồng nghĩa UEFA phải trả lại 1,18 tỷ USD này cho BT Sport. Cuối cùng, họ quyết định thông báo Champions League 2019-20 thi đấu trở lại vào ngày 07-08-2020 với thể thức mới là thi đấu trên sân trung lập, còn từ vòng tứ kết trở đi, các đội sẽ thi đấu tập trung tại Bồ Đào Nha và sẽ thi đấu theo thể loại trực tiếp (1 trận). Tất nhiên, các đội sẽ thi đấu trên sân không khán giả. Đấy là những luật chơi mới gần như đã lật đổ hoàn toàn mọi thành trì trong lịch sử 65 năm trước đó của Cup C1/Champions League. Tiền bản quyền truyền hình giảm đi là một phần, trong khi các CLB vốn đã mất nguồn thu lớn từ bán vé, chưa kể các tour du lịch, đồ lưu niệm…
Câu hỏi được đặt ra là nếu như tình hình COVID-19 không có gì cải thiện và các CLB còn tiếp tục thi đấu trên sân không khán giả, thì điều gì sẽ đợi chờ Champions League ở tương lai? Rõ ràng, UEFA không thể không tổ chức giải đấu. Hãy đặt trường hợp ở phía đối tác, những kênh truyền thông và nhà đài đã ký kết các hợp đồng mua bản quyền truyền hình đến các năm 2021-22. Khi các trận đấu tạm dừng, thì họ sẽ chiếu cái gì? Đương nhiên, họ có quyền đơn phương hủy hợp đồng và đòi bồi thường với lý do “thiên tai, dịch bệnh”. Rồi UEFA còn ràng buộc với những nhà tài trợ, đơn vị bỏ tiền ra để quảng cáo thương hiệu. Giờ bóng đá đóng băng, Champions League - giải đấu danh giá và cũng “sang chảnh” bậc nhất - mà không làm gì thì các nhà tài trợ sẽ không vừa lòng. Cuối cùng dẫn đến, tất cả đều thi đấu.
Nhưng tổ chức thì lại lâm vào tình trạng gây ra những lịch thi đấu quá tải. Ví dụ như mùa 2020-21 là mùa giải bắt đầu từ tháng 9 mà tháng 5 đã phải kết thúc để còn đợi tháng 6 đón Euro 2021. Lịch thi đấu quá dày đã khiến các cầu thủ mẫn cảm với chấn thương nhiều hơn. Euro 2021 chưa chắc đã chất lượng vì các siêu sao quá tải, còn giải thì khó mà đón đầy đủ các ngôi sao. Cuối cùng, đấy là việc người xem và cầu thủ còn chịu đựng được cảnh những sân bóng không khán giả đến khi nào? Khán giả được mệnh danh là cầu thủ thứ 12. Cho đến thời điểm này, tất cả đều xem bóng trong trạng thái cầm chừng và hy vọng COVID-19 sớm qua. Nhưng giả sử nó không qua mà còn thêm mấy năm câm lặng trên khán đài nữa, thì cảm giác của người hâm mộ cũng sẽ bị mài mòn. Tay vợt Benoit Paire khi bị loại ở vòng một Monte Carlo Masters 2021 đã nói thẳng: “Monte Carlo bây giờ như cái nghĩa trang. Nó khiến tôi phát chán. Giải đấu này từng hấp dẫn bậc nhất thế giới. Nhưng hãy nhìn xung quanh mà xem, bầu không khí thật buồn tẻ với những hàng ghế trống và ai cũng đeo khẩu trang. Tôi thấy bản thân như kẻ cùng khổ. Những con chuột sẽ rất thích sân đấu này. Tôi chẳng việc gì phải chơi hết mình trong một không gian như vậy. Mọi người nói rằng đây là cuộc sống bình thường. Nhưng với tôi, cuộc sống này thật tệ. Điều duy nhất khiến tôi thoải mái là trở về nhà và ném cái khẩu trang vào sọt rác.” Champions League sẽ đối diện với tình trạng “mất cảm xúc” chứ không phải “mất tiền”. Thách thức với Champions League lúc này chính là tạo nên những trận đấu vẫn nguyên vẹn cảm xúc, hệt như tiếng gầm gào vẫn luôn ở bên.
4 tháng trước khi Champions League 2019-20 khởi tranh trở lại, số ca nhiễm COVID-19 của cả thế giới chạm mốc 2,5 triệu người và gần 200.000 người tử vong. Các nước đóng cửa biên giới, doanh nghiệp đóng cửa, người dân được yêu cầu ở trong nhà. Bây giờ không còn là khủng hoảng bệnh tật mà là khủng hoảng kinh tế với việc thế giới mất đi hàng chục ngàn tỉ USD vì thiệt hại kinh tế. Cuối năm 2020, Ngân hàng Thế giới nhắc tới hậu quả đầu tiên của đại dịch chính là tạo ra một lớp người nghèo mới, trong trường hợp tệ nhất sẽ đẩy 115 triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo đói. Hình ảnh các doanh nghiệp báo lỗ, các CLB không mua cầu thủ, cắt giảm lương thưởng và báo cáo tài chính toàn số âm là minh chứng cho điều này. Bởi vậy, cũng không thể không nhắc đến việc, túi tiền của nhà tài trợ đã không còn dồi dào như trước nữa.
Một tháng sau khi Bayern Munich vô địch Champions League 2019-20, số ca tử vong COVID-19 chính thức vượt quá con số 1 triệu trên toàn thế giới. COVID-19 như một bóng ma ám ảnh, cứ lởn vởn xung quanh, quyết không tha cho loài người. Hễ khi nào thấy an toàn một chút là lại xảy ra một cơn sóng đại dịch mới. Vừa mới đón khán giả vào sân được vài trận thì mấy ngày sau lại nghe tin đóng cửa. Vào thời điểm cuốn sách này ra mắt các bạn, thì đợt bùng phát mới đang diễn ra tại Ấn Độ, Thái Lan. Tất cả như nói với bóng đá rằng, các vị cầm cự được bao lâu cho những sân vận động không có khán giả đây? Cho những điều chưa từng có tiền lệ đây?
Thời điểm đó, ý tưởng đổi mới Champions League của UEFA đưa ra vào ngày 03-04-2020 là một điều cần suy nghĩ. Cần nhấn mạnh trước, đây vốn là “sự tự vệ” của UEFA trước việc một nhóm các CLB lớn đòi tách ra để thành lập một giải đấu có tên là “Super League”. Nhưng giờ đây, lại đang đưa ra một đường thoát luôn cho cả việc hồi sinh sau COVID-19. Dù rằng nó cũng đang gặp thử thách lớn. Cụ thể là từ năm 2024, Champions League sẽ tăng số đội bóng từ 32 lên 36 đội. Chỉ riêng việc chọn mốc “an toàn” 2024 có thể thấy những người đứng đầu UEFA đánh giá ít nhất là đến thời điểm 2024, tình hình thế giới mới có thể trở lại bình thường, và dịch bệnh đã được ngăn chặn ít nhất là một mùa giải. Luật mới không chia ra các bảng đấu như hiện thời, mà sẽ nhóm 10 CLB được chọn ngẫu nhiên và được xếp hạng theo vị trí như một giải League để tránh việc Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich, Juventus hay PSG chung một bảng. Các đội dự giải sẽ được phân làm 4 nhóm hạt giống và 10 đối thủ của mỗi đội sẽ được rải đều trong 4 nhóm hạt giống này. Theo đó, mỗi đội sẽ đá 10 trận vòng bảng (5 trận sân nhà, 5 trận sân khách), gặp 10 đối thủ khác nhau. Kết thúc giai đoạn vòng bảng, 8 đội đứng đầu sẽ giành vé vào vòng 16 đội, các đội xếp từ hạng 9 đến hạng 24 sẽ đá play-off với nhau để chọn ra 8 cái tên tiếp theo. Khi đủ 16 CLB rồi, thì sẽ đến giai đoạn đấu loại trực tiếp như đang diễn ra hiện nay.
Đương nhiên đây mới là dự thảo và chưa được thông qua. Nhưng có thể thấy rõ được mấy điểm sau. Đầu tiên là việc tăng thêm 4 suất, chia nhóm sẽ đưa số lượng trận đấu nhiều lên (theo thể thức cũ là 125 trận, giờ sẽ tăng lên 225 trận), tức Champions League sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ bản quyền truyền hình. Thứ hai, số lượng 36 đội cũng đưa quy mô giải đấu trở nên bành trướng hơn. Cuối cùng, bằng việc này họ sẽ ép lịch thi đấu cấp CLB ở các giải Vô địch quốc gia dày hơn, thậm chí Champions League từ năm 2024 hệt một chú ngáo ộp đang nuốt đi các giải nhỏ lâu đời ở các quốc gia. HLV Liverpool Jurgen Klopp khi bình luận về thể thức này đã gọi đó là “một trò hề”. Nó cho thấy UEFA sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ đây đến 2024 nếu thể thức này ra đời.
Về mặt nào đó, giữa cơn bão COVID-19, những người hoạch định cho Champions League vẫn rất tỉnh táo để thuần túy hướng giải đấu đi theo hướng “tư bản”, với quan điểm vaccine COVID-19 là chuyện của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), việc tổ chức tiêm phòng và ngăn chặn dịch là chuyện của Chính phủ, còn chuyện của chúng tôi là bóng đá, là phải nghĩ cách tối đa hóa lợi nhuận cho giải đấu danh giá này, bù lại thâm hụt ngân sách mỗi năm lên tới 300 triệu € cho các mùa ảnh hưởng vì COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề của Champions League thể thức mới là ở việc tăng số đội, số trận nhưng số tiền chia cho các CLB lại như cũ. Điều này dẫn đến việc nhóm 12 CLB, dẫn đầu là Real Madrid, quyết định ngừng đối thoại mà thực hiện bằng hành động, đấy là “ly khai” khỏi Champions League và lập ra Super League. Một thông tin như đã biết là khiến bóng đá thế giới đảo điên trong những ngày tháng 4/2021. Mọi việc sau đó cũng đã được giải quyết, nhưng nó đặt cho UEFA một câu hỏi: Cải tổ hay là chết? Cải tổ hay tiếp tục chứng kiến những gã khổng lồ khác đòi ra đi?
Lịch sử giải đấu đã đi qua 66 năm, đã có những năm giông bão, đã có những trắc trở, nhưng đã đi những bước tiến kinh ngạc trong 2 thập kỷ trở lại đây. Và như một quy luật cuộc đời, cứ sau màn đêm là bình minh rực rỡ, sau chiến tranh, dịch bệnh là sự phát triển vượt bậc, và cũng đừng quên sau ánh sáng là bóng đêm. Từ năm 2024, Cup C1 châu Âu đi đến tuổi 70, một độ tuổi lớn để tiếp tục thay đổi, để duy trì sức hút. Đấy là bài toán mà những người hoạch định giải đấu này phải chuẩn bị từ hôm nay để bước qua bóng ma COVID-19. UEFA cần tìm ra lời giải trước sự phản kháng đến từ các CLB lớn đòi những quyền lợi xứng đáng hơn cho vị trí của họ, mà tổ chức vẫn có tiền cho sự phát triển ở các nền bóng đá nghèo, những nền bóng đá nữ, hay như đã nói là sự thâm hụt mỗi năm vì dịch bệnh hoành hành.
Đấy là những thách thức khổng lồ không thể tránh khỏi mà Champions League sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới.